7 AHA! Khơi sán tinh thần và giải tỏa Stress

Phần II: HIỂU BIẾT VÀ SỰ THẬT



7 hiểu biết sâu sắc về bản chất con người bạn

Có thể bạn đã biết sử dụng xe rất nhiều năm nhưng chưa bao giờ bạn quan tâm đến cấu tạo và cách hoạt động của nó. Khi chiếc xe bị hỏng, bạn chỉ biết cầu cứu người khác. Lúc đó, có thể bạn sẽ nghĩ rằng “Trời ơi, ước gì con biết mấy cái thứ này hoạt động ra sao …”. Nhưng thật ra không may là Trời chẳng thể nào giúp sửa xe được cả!

Điều đó cũng tương tự như thái độ của bạn đối với chính mình. Nếu bạn không có những hiểu biết cần thiết về mình thì làm thế nào bạn có thể điều chỉnh hoặc sửa chữa bản thân chứ? Như chúng ta đã biết, sự hiện diện của bất kỳ loại stress nào, hay là bất kỳ hình thái nào của cơn đau tinh thần đều là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn bên trong “cỗ máy ý thức” của bạn. Ở đây, chúng ta không đề cập đến những bất ổn thông thường của cơ thể vì khi đó bạn có thể được bác sĩ giúp đỡ một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nếu hiểu rõ hơn thì bạn sẽ biết được nguyên nhân sâu xa của hầu hết căn bệnh thể chất đều đến từ ý thức, từ trạng thái tâm lý, cảm giác và cảm xúc của bạn. Tất cả đều dựa trên niềm tin và ẩn sâu trong tiềm thức của bạn, và bạn cần phải học để hiểu được điều đó.

Chúng ta cần học về bản thân mình – một môn học đã bị bỏ qua ở hầu hết mọi người. Bạn đã sẵn sàng quay trở lại trường học chưa? Bạn có thích thú học về cơ cấu ý thức của mình – một cơ cấu tạo ra nhiều kết quả trong cuộc đời bạn – không? Nếu bạn thích thú và đánh giá được giá trị của việc học hỏi này, bạn sẽ thấy rằng việc học tập thật sự trong cuộc đời chẳng phải quá khó khăn và phức tạp bởi bài học là những điều không thể nào quên được. Đó là sự trải nghiệm mạnh mẽ, tỉnh táo và thú vị. Giờ đây, khi bạn khoác lên mình chiếc áo học trò một lần nữa, bạn sẽ thấy cuộc đời mình chính là trường học, mỗi hoàn cảnh là một cuộc thảo luận, và mỗi quan hệ tương giao đều chứa đựng một bài học tiềm tàng để nhận thức và học tập.

Có lẽ phải có đến 7 triệu điều hữu ích bạn có thể biết về bản thân mình, nhưng không phải tất cả đều cần ngay lập tức. Chỉ có 7 điều cần thiết ngay bây giờ cho sự lành mạnh, hạnh phúc của bạn, giúp bạn hiểu được bằng cách nào và tại sao bạn lại tự tạo ra những tổn thương cho mình, và làm thế nào để tự sửa chữa những điều đó mà không cần phải đi gặp các chuyên gia tâm lý.

Hiểu biết 1: Đặc điểm con người của bạn

Chỉ có bạn mới hiểu được chính xác những đặc điểm nội tâm của mình.

Đây là sự hiểu biết sâu sắc nhất, thâm thúy nhất và quan trọng nhất trong công việc tạo ra giá trị và sức mạnh bản thân. Bạn phải ghi nhớ cặn kẽ bằng cách ngẫm nghĩ khoảng 20 lần mỗi ngày về điều đó, đặt hết sự chăm chú vào nó, nhìn vào, suy ngẫm, kiểm chứng, và ngẫm nghĩ. Cuối cùng, bạn sẽ nhận ra sự thật về con người bạn từ bên trong bản thân mình và sự hiểu biết này sẽ thay đổi cả cuộc đời bạn.

Mỗi sáng thức dậy, bạn nhìn thấy hình ảnh của mình trong gương, nhưng thật ra đó không phải là bạn mà chỉ là cơ thể của bạn. Cơ thể đó có thể già đi, xấu xí và chết nhưng BẠN thì không. Nếu bạn tin rằng BẠN già, xấu xí như thế, bạn sẽ suy nghĩ theo niềm tin đó, và bạn sẽ “khai sinh” ra nỗi sợ hãi. Và, như chúng ta đã xem xét ở phần trước, tất cả những hình thái của stress đều có nguồn gốc từ sự sợ hãi.

Mọi nỗi sợ đều bắt nguồn từ những điều như sợ chết, sợ mất mát, sợ đau đớn hay lo lắng về việc chấm dứt sự thoải mái. Đó là tất cả những hình thát của sự kết thúc và là lý do tại sao 99.99% người đều trải nghiệm về một loại stress (sợ hãi) nào đó mỗi ngày: bởi vì chúng ta được dạy để tin rằng chúng ta chỉ là những thực thể vật chất. Tuy nhiên, niềm tin thì ít khi là thật, và chúng ta cần có sự thật để đưa mình ra khỏi niềm tin sai lầm. Sự thật sẽ giúp bạn thoát khỏi nỗi sợ hãi, và theo đó, sẽ thoát khỏi stress.

Sự thật, bạn không phải là cơ thể mà bạn nhìn thấy qua hình ảnh phản chiếu trong gương mà bạn là một tâm hồn, một thực thể tinh thần. Không phải bạn có một tâm hồn/một tinh thần ở đâu đó trong cơ thể mình, mà bạn LÀ một tâm hồn. Bạn chính là một tâm hồn đẹp, có ý thức và có nhận thức. Ở đây, tâm hồn, bản thân, tinh thần, và ý thức đồng nghĩa với nhau. Bạn không phải là cơ thể mà mình đang trú ngụ. Cơ thể chỉ là nơi ngụ, còn bạn là người chủ nhà. Bạn làm cho cơ thể có sự sống. Nó là chiếc xe, là ngôi nhà của bạn. Bạn không thể bị cắt, bị bỏng, bị chìm, hay bị thiêu trong lửa nhưng cơ thể của bạn thì có thể. Các nhà khoa học chẳng nói được gì về tâm hồn, bởi tâm hồn thì không thể bị “tóm” vào trong ống nghiệm. Đó là lý do tại sao bạn không cần phải tin vào một lời nói nào (kể cả từ quyển sách này nữa!) – mà bạn phải đưa tất cả vào thực tiễn để kiểm tra. Chỉ khi nào mà bạn kiểm chứng sự hiểu biết này, và trải nghiệm được rằng điều này là thật, nó sẽ trở nên thật đối với bạn. Niềm tin thì không hẳn là sự thật mà sự thật vĩ đại nhất chính là sự trải nghiệm của riêng mình, hay trong trường hợp này, có thể gọi nó là sự “trải nghiệm bên trong”, bạn phải rút lui sự chú ý của mình khỏi thế giới “bên ngoài” và chuyển nó vào thế giới “bên trong”. Hãy bắt đầu bằng cách thực hành vài phút mỗi ngày cho đến khi bạn quen với phương pháp sau đây:

Hãy xem mình là một điểm sáng phi vật chất có ý thức, có nhận thức về bản thân, đang hiện diện trong đầu của bạn, nó ở bên trên và đằng sau đôi mắt bạn. Cơ thể chỉ đơn giản là chiếc xe, là ngôi nhà, là bộ trang phục của bạn. Hãy suy ngẫm về điều này và dần dần, nó sẽ trở thành một “trải nghiệm bên trong” trực tiếp. Bạn bắt đầu đi vượt lên trên những suy nghĩ của mình (bạn không phải là những suy nghĩ của mình nữa) và đi vào trải nghiệm trực tiếp về cái bản thân tĩnh lặng của bạn. Bạn sẽ bắt đầu nhận ra và trải nghiệm mình giống như một thực thể phi vật chất. Do đó, bạn không bị lệ thuộc vào cái chết, bạn sẽ bất tử, bạn không cần phải sợ bất kỳ điều gì. Khi sự thật này trở nên thật hơn qua từng tình huống xảy ra mỗi ngày, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy ít sợ hãi hơn, ít thiếu tự tin hơn, ít lo lắng hơn, ít vô ích hơn, ít bị phụ thuộc hơn, và ít yếu đuối hơn. Trong mỗi một lĩnh vực của cuộc sống, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy điềm tĩnh hơn, thư giãn hơn, tự tin hơn vào sức mạnh của mình và có khả năng đối phó với những thử thách mà bạn gặp phải trong cuộc sống hàng ngày.

Thực hành theo phương pháp này nghĩa là bạn đã biết về sự trải nghiệm bên trong, nhưng ban đầu có thể bạn sẽ quên. “Bí quyết” ở đây là bạn hãy tự nhắc nhở mình 100 lầm mỗi ngày – bạn không phải là cái tên của bạn, không phải là địa vị, quốc tịch, hay là đức tin của bạn. Đó chỉ là những nhãn mác và vai trò, đó không phải là bạn. Thậm chí, bạn cũng không còn là nam hay nữ. Bạn là một khía cạnh có ý thức – phần “người” – trong “con người”, là tâm trí chứ không phải vật chất, là tâm hồn không phải cơ thể. Bạn cũng không phải là suy nghĩ và cảm xúc. Khi bạn nhận ra được điều này, sự thay đổi sẽ đến dễ dàng, tất cả những vấn đề lo toan của bạn sẽ bắt đầu biến mất, một niềm hạnh phúc tự nhiên và sự bình an nội tâm sâu sắc sẽ quay trở lại.

Chết mà vẫn sống

Một nhà sư đã từng nói rằng: “Nếu bạn chết trước khi bạn chết, thì khi bạn chết bạn không còn chết nữa” (tạm dịch từ nguyên văn “If you die before you die, then when you die, you don’t die”). Đơn giản có nghĩa là khi bạn không còn gắn bó với bất kỳ điều gì không thuộc về bản chất của mình, thì bạn đã làm chết đi ảo tưởng, ảo giác cho rằng mình là thể xác vật chất, quốc tịch, chuyên môn, quyền sở hữu… và kể từ đó, bạn hoàn toàn có thể sống mãi, có nhận thức, và minh mẫn với sự thật về việc bạn là ai. Đây là lý do tại sao nghệ thuật tách biệt là một phương pháp mạnh mẽ để đem lại tự do và bình an nội tâm.

Hiểu biết 2: Bản chất tự nhiên của bạn

Bạn đẹp tuyệt trần, nhưng vẻ đẹp của bạn không thể nhìn thấy qua chiếc gương soi!

Việc mình có đẹp hay không chẳng phải là vấn đề. Vẻ đẹp thật sự không thể nào chạm được, hay nhìn thấy bằng đôi mắt trần tục. Bạn sẽ nhìn thấy và chạm vào vẻ đẹp thật sự khi bạn cảm nhận được sự bình an nội tâm của chính mình. Bạn sẽ biết và có cảm giác về vẻ đẹp thật sự khi bạn trao đi bất cứ điều gì bằng tình yêu thương và không mong đợi đền đáp. Bạn sẽ cảm nhận vẻ đẹp thật sự của mình khi hài lòng với bản thân và với cuộc sống nội tâm mà không có bất kỳ sự kích thích nào từ bên ngoài. Vì đây là những trải nghiệm thật sự và vẻ đẹp sẽ được biểu lộ từ bên trong ra ngoài.

Bản chất thật sự của chúng ta là không giận dữ và ganh ghét, không sự hãi hay buồn bã – tất cả những gì đã được học và được tạo nên trong chuyến hành trình cuộc đời khi chúng ta bị ảnh hưởng từ những người khác và thế giới xung quanh. Khi chúng ta chấp nhận khả năng này, hãy trải nghiệm điều đó trong suy ngẫm, và đi vào “ trải nghiệm bên trong” một cách trực tiếp về những phẩm chất nội tâm cốt lõi này của bản thân. Khi đó, bạn sẽ nhận ra rằng bình an nội tại, tình yêu đích thực (không phải là tình yêu lãng mạn) và niềm hạnh phúc thật sự đều không bị lệ thuộc vào bất kỳ điều gì. Bạn là một tâm hồn mạnh mẽ và xinh đẹp, bạn luôn luôn như thế, bạn chỉ quên đi mà thôi. Bạn đã đánh mất nhận thức về bản thân thật sự của mình; bạn đánh mất đi khả năng nhìn thấy vẻ đẹp nội tâm của mình. Bạn đã tin tưởng người khác khi họ đưa ra những lời bình luận về cơ thể của bạn, đại loại như: “A, trông kìa, thật là một anh chàng vạm vỡ đẹp trai!” hay “Cô ấy có một vóc dáng tuyệt vời!”. Và trong những khoảnh khắc ấy, bạn tin rằng mình chính là cái cơ thể đang hiện diện trước mặt mọi người, bạn bị mê hoặc bởi cái ảo tưởng rằng vẻ đẹp chỉ có thể là dáng vẻ hữu hình. Nếu vậy, bạn sẽ rất khổ sở trong việc xây dựng giá trị bản thân mình căn cứ theo tiêu chí mà bạn nhìn thấy bên ngoài.

Nếu giữ thói quen đánh giá vẻ đẹp qua gương soi, hay tin vào lời nhận xét đánh giá của người khác, bạn sẽ đánh mất đi sự nhận thức về bản thân thật sự và vẻ đẹp đích thực của mình. Đồng thời, hành vi thể hiện bản thân của bạn như nói đùa để lôi kéo sự chú ý, hay là rụt rè để tỏ ra đồng cảm, hoặc hung hăng để gây sợ hãi cho người khác, là bạn đang bắt đầu tạo nên hình ảnh tiêu cực về bản thân mình.

Hãy để cho mình được nghỉ ngơi. Cho bản thân cơ hội để nhớ lại, để đi vào “trải nghiệm bên trong”, để nhận ra bạn thật sự là ai, và bạn sẽ tái khám phá bản chất thật sự của mình, là bình an, yêu thương, mãn nguyện và mạnh mẽ. Đây là kho báu bên trong của mỗi người, bất kể họ nghĩ gì, tin gì, làm gì hay đã làm gì. Những thuộc tính này là bản chất thật sự, là phẩm hạnh tự nhiên của bản thân, và ai cũng như vậy! Đó là những đức hạnh mà con người vẫn đang tìm kiếm và không thể tìm thấy từ bên ngoài. Chúng đến từ bên trong và biểu lộ ra bên ngoài. Đó là những trạng thái nội tâm mà bạn có thể “lấy ra” và “sử dụng” vào mọi lúc. Bạn chỉ cần một chút tính ham học hỏi, và chuẩn bị gửi cho chúng (đức hạnh, sức mạnh) sự chú ý của bạn. Giống như là những đứa trẻ bẽn lẽn, chúng cần bạn nhìn về phía chúng, yêu thương chúng một chút, và dỗ ngọt chúng bằng trái tim. Nếu làm được như thế, bạn sẽ khám phá ra của báu thật sự, đó là bản chất đích thực, bất tử, tuyệt vời ẩn chứa bên trong mình.

Ngay khi bạn để lộ ra một “món” trong những kho báu tâm hồn như mang sự bình an vào trong cuộc họp đang tranh cãi ồn ào, hay đưa ra sự tha thứ lỗi lầm cho người khác hoặc khi bạn hài lòng với những gì bạn có và chỉ dẫn cho những người khác cách để trở nên như thế, bạn đã hé lộ vẻ đẹp tự nhiên của mình. Bạn đang trao món quà của mình cho những người khác và đánh thức vẻ đẹp trong tâm hồn mọi người. Và hãy đoán xem điều gì sẽ xảy ra? Có lẽ không phải là ngay lập tức, nhưng cuối cùng, điều tương tự sẽ quay trở lại với bạn.

Sự đồng nhất tai hại

Bạn hãy nghĩ về những người yêu bóng đá đến mức cuồng si mà xem! Thật là đáng thương, họ say sưa với đội bóng, yêu sắc màu và huy hiệu của câu lạch bộ và những người hùng trong từng trận đấu. Họ không còn biết mình thật sự là ai và đang làm gì nên cứ mang ảo tưởng rằng mình là một fan hâm mộ bóng đá. Khoảnh khắc mà bạn lạc vào bất kỳ điều gì không phải là bản thân, chính là lúc bạn đang lạc vào thế giới ảo tưởng. Đó là cách mà bạn ”mời” sự sợ hãi và sự giận dữ trở thành người bạn đồng hành của mình và cho nó “trú ngụ” trong tính cách của bạn. Vẻ đẹp thật sự của bạn bị đánh mất, và mỗi ngày, trong trái tim bạn chỉ còn lại nỗi đau và sự mất mát.

Hiểu biết 3: Trách nhiệm của bạn

Số phận của bạn là do chính bạn quyết định!

Khi bạn đổ lỗi cho một ai đó hoặc một điều gì đó về việc bạn cảm thấy như thế nào, bạn đã làm mất đi sức mạnh của chính mình. Không ai và không điều gì có thể làm bạn cảm thấy như thế nếu không được bạn cho phép. Hay nói theo cách khác: Không phải những gì người khác nói hay làm đối với bạn khiến bạn cảm thấy khó chịu, mà chính là những phản ứng của bạn đối với những lời nói và hành động ấy mới khiến bạn cảm thấy như thế. Câu này đáng để đọc 10 lần cho đến khi bạn ghi nhớ nó. Đó là cánh cổng để đi đến tự do thật sự và phục hồi sức mạnh của chính mình.

Cuối cùng thì, trách nhiệm cho việc bạn phản ứng như thế nào đối với cuộc sống xung quanh, và theo đó, điều gì quay trở lại với bạn, thì đều do bạn chọn lấy. Sự chấp nhận của bạn là lời giải thích cho những gì đang diễn ra xung quanh bạn và, đúng thế, đó là một sự lựa chọn, nhưng chỉ khi nào bạn có thể nhận thức để thực hiện nó.

Nhận thức của bạn hoàn toàn ảnh hưởng đến những gì bạn nghĩ, cảm thấy và thực hiện để phản ứng lại với mọi người và thế giới xung quanh. Nếu bạn nhìn nhận ai đó theo cách tiêu cực, thì bạn sẽ phản ứng lại bằng một năng lượng tiêu cực và bạn sẽ là người đầu tiên phải gánh chịu kết quả từ sự tiêu cực đó. Hơn nữa, bạn đã gởi cho người khác một gói năng lượng tiêu cự vô hình mà một ngày nào đó sẽ quay trở lại với người đã gởi nó đi – người đó chính là bạn!

Hầu hết chúng ta bị truyền cho cái nhìn tiêu cực từ những người xung quanh để rồi thường chỉ nhìn thấy những điều tệ hại trong mỗi người, mỗi tình huống và ngay cả trong chính bản thân mình. Chẳng lạ gì khi có quá nhiều nỗi bất hạnh trong cuộc sống, đặc biệt trong cái gọi là xã hội phát triển, nơi hầu hết con người đang sống tương đối sung túc. Thói quen nhìn thấy điều tiêu cực và bi quan đang lan tràn khắp nơi trên thế giới. Cho dù những điều tốt đẹp vẫn đang tiếp diễn thì cái tâm trí vốn đã được huấn luyện theo một niềm tin tiêu cực sẽ luôn nhìn thấy điều tiêu cực, tìm kiếm điều tiêu cực và thậm chính là “phát minh” thêm điều tiêu cực khi không có tiêu cực. Đôi khi, các phương tiện thông tin đại chúng rất tài tình trong loại “nghệ thuật hắc ám” này và làm lan toả nó như một “căn bệnh truyền nhiễm”

Mọi chuyện đều có thể xảy ra, và mọi điều xảy ra đều có nguyên nhân của nó, ẩn chứa trong đó những bài học ý nghĩa, những hiểu biết mang lại cho bạn một cách nhìn, cách cảm nhận mới. Nhưng nếu bạn nhìn nhận nó một cách hời hợt, sai lầm và không thấy được ý nghĩa nằm bên dưới của sự kiện, bạn sẽ dễ dàng bỏ lỡ những bài học từ cuộc sống. Bạn sẽ phản ứng lại cuộc đời một cách thụ động thay vì ứng xử một cách sáng tạo. Cảm xúc sẽ kiểm soát bạn thay cho việc bạn quyết định một cách chính xác bạn nên cảm nhận gì. Điều này gần giống như một hình thức nô lệ. Khi bạn đổ lỗi rằng những gì bạn cảm nhận, suy nghĩ và hành động đều là do người khác gây ra, điều đó cũng có nghĩa là bạn dang tự biến mình thành nô lệ của họ.

Tự chủ là biết nhận thức, biết suy nghĩ một cách hợp lý và lựa chọn hành động một cách tốt nhất dựa trên cơ sở những hiểu biết đó. Kết quả tạo ra được gọi là số phận. Hãy nhìn vào những kết quả đã có, kết quả “bên ngoài” (bạn ở đâu, bạn đang làm gì, tình trạng mối quan hệ của bạn) và những kết quả “bên trong” (trạng thái của bạn, mức độ đánh giá cao các giá trị của bản thân…). Có điều gì mà bạn muốn thay đổi hay không? Nếu có, cũng đừng cố thay đổi những sự kiện hay là người khác (điều mà hầu hết mọi người cố gắng làm một cách sai lầm) vì những sự kiện mà chúng ta muốn thay đổi thì luôn ở trong quá khứ – mà con người và quá khứ là hai điều trong cuộc sống mà chúng ta không bao giờ có thể thay đổi được. Hãy lựa chọn cách phản ứng của bạn, bắt đầu từ sự nhận thức. Khi bạn thay đổi cách nhận thức, và tiếp theo là thay đổi cách phản ứng của bạn, bạn sẽ thấy số phận nằm trong tầm tay mình. Bạn chính là người quyết định số phận của bản thân mình. Bạn đừng bao giờ dại dột trao quyền quyết định đó cho người khác.

Đánh thức sự sáng suốt

Ly nước đầy một nửa hay vơi một nửa; có phải bạn là người xấu xa, đáng thương, bi quan, bất hạnh hay tự xem mình là trung tâm, là người “đáng quan tâm số một” hay không? Hoặc bạn là người hào phóng, rộng rãi, biết quan tâm, không ích kỷ, tích cực, yêu thương một cách vô điều kiện? Bạn chọn cách nhận thức về chính mình ra sao thì bạn sẽ là người như thế. Bạn hành động theo nhận thức của mình và biến nó thành số phận của bạn. Vì thế, bạn cần sáng suốt lựa chọn để quyết định cuộc đời mình. Nếu bạn có thể học cách thực hiện lựa chọn này, bạn sẽ trở thành một tâm hồn thức tỉnh và sự khai sáng sẽ đến một cách dễ dàng.

Hiểu biết 4: Niềm tin của bạn

Niềm tin mù quáng khiến cuộc sống đầy căng thẳng và bất hạnh

Những ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với cuộc sống của bạn từ lúc được sinh ra cho đến những khoảnh khắc cuối cùng thì vô hình, không thể ờ được và bị chôn sâu trong ý thức của bạn.

Có ít nhất là hàng trăm, thậm chí đến hàng ngàn niềm tin trong ý thức của bạn. Chúng cứ “quanh quẩn” bên ngoài nhận thức của bạn từng ngày, từng giây từng phút, cho đến khi bạn nói trong sự tranh cãi rằng “Tôi tin…”. Niềm tin có thể được ví như một chương trình máy tính. Chúng được tập hợp, hấp thụ, tiêu hoá, và được học trong suốt cuộc đời. Chúng được tập hợp, hấp thụ, tiêu hoá, và được họ trong suốt cuộc đời. Chúng là yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với nhận thức của bạn về bản thân và thế giới xung quanh.

Niềm tin thông thường nhất về bản thân bắt đầu với những từ “Tôi không thể”. Và nếu bạn tin rừng bạn không thể thì hãy đoán xem chuyện gì sẽ xảy ra, bạn sẽ không làm được gì cả! Và trong phạm vi nhất định, số phận của bạn sẽ được quyết định ngay trong khoảnh khắc đó. Nếu vì một lý do nào đó mà bạn cho rằng mình không xứng đáng được hạnh phúc thì bạn sẽ không bao giờ tìm thấy hạnh phúc. Đơn giản như thế đấy. Những niềm tin loại này được gọi là “những niềm tin tai hại”. Chúng tai hại vì khiến cho bạn ngừng phát huy khả năng của mình; chúng làm cho bạn dừng việc học hỏi, thay đổi, phát triển và trở thành tất cả những gì mà bạn có thể vươn tới. Vì vậy, chúng thật sự rất tai hại.

Trong các mối quan hệ, chúng ta có xu hướng tạo ra “những niềm tin tắc nghẽn”. Khoảnh khắc mà bạn phán xét và dán một cái nhãn lên người khác, bạn đang phong toả dòng năng lượng tuôn chảy trong mối quan hệ đó. Việc đó dễ dàng lộ ra ngay qua cách bạn nói về người khác, ví dụ như, “Cái lão sếp đó thật ngốc nghếch… Thằng con tôi nó cuồng lên rồi… Ông ấy là một kẻ xấu xe”. Trong khi phán xét và kết tội một ai đó, chúng ta đã rời bỏ cố gắng tìm hiểu về họ và kết quả là mối quan hệ ấy sẽ bị “tê liệt”. Hãy cẩn thận với những gì bạn nghĩ và nói về người khác.

Nếu bạn tin rằng cuộc sống là một chiến trường, nơi mà sự tồn tại chỉ dành cho những người mạnh mẽ nhất, bạn sẽ có cảm giác thế giới là một chốn nguy hiểm và đầy mối đe doạ, có cả kẻ chiến thắng và người chiến bại. Bạn sẽ nghĩ cách đua tranh, và cảm xúc nổi bật của bạn sẽ là sợ hãi dưới nhiều hình thức khác nhau. Bạn sẽ cố lôi kéo và kiểm soát người khác để được sống sót. Bạn sẽ trở nên cực kỳ chán nản khi phải trải qua sự thất bại mà chắc chắn bạn phải gặp. Và bạn sẽ phải chịu một cuộc sống stress (sợ hãi), thất bại (đơn giản vì bạn không thể kiểm soát được người khác), và hậu quả là bạn sẽ tự đánh giá thấp bản thân, mất dần những thái độ tích cực trong cuộc sống.

Nếu bạn bỏ công khám phá, nghiên cứu, đặt câu hỏi và thử thách niềm tin của mình, bạn sẽ nhanh chóng thấy rằng niềm tin cũng chịu trách nhiệm cho mọi sự đau đớn và chịu đựng trên thế giới này. Đó là niềm tin cho ràng chúng ta là vật chất, là hữu hạn, là những con người xinh đẹp và sự thành công, niềm hạnh phúc phụ thuộc vào hình dáng, vẻ bề ngoài của chúng ta, phụ thuộc vào bất kỳ điều gì thuộc vè vật chất có thể cân, đo, đong, đếm được. Đó là niềm tin sai lầm lớn nhất nhưng lại được tồn tại và phát triển mạnh mẽ qua nhiều thế hệ. Đó chính là lý do tại sao chúng ta thường học cách gây ra những lỗi lầm y như nhau. Hãy nhìn vào niềm tin này, suy nghĩ về nó một cách đúng đắn, trong khoảnh khắc bạn sẽ nhận ra nó chỉ là ảo tưởng và bạn sẽ bước ngay đến sự thật. Hãy nhớ rằng, phần thưởng của sự thật là tự do. Và niềm hạnh phúc thật sự lại là món quá của sự tự do.

Tin tưởng hoặc không…

Trong các mối quan hệ, không hiếm khi chúng ta nghĩ về một người nào đó rằng: “Họ không thể tin cậy được”. Trong rất nhiềm mối quan hệ, sự tin tưởng dường như là điều đầu tiên ra đi và là điều cuối cùng quay trở lại. Tại sao? Bởi vì trong quá khứ, có ai đó đã làm chúng ta thất vọng, chúng ta cảm thấy bị tổn thương, cảm thấy đau đớn. Từ đó chúng ta quy nỗi đau của mình cho họ và tin rằng họ làm tổn thương chúng ta. Nhưng hoàn toàn không phải vậy, vì “không ai có thể làm cho chúng ta bị tổn thương, mà chỉ có chúng ta mới có thể cho người khác cơ hội để làm đau chính mình”. Hay nói theo cách khác, không ai có thể làm đau bạn mà không được sự cho phép của bạn. Nếu bạn nghĩ rằng ai đó có thể làm cho bạn tổn thương thì đó là một niềm tin rất đỗi thông thường, nhưng cực kỳ mù quáng.

Hiểu biết 5: Kiểm soát bản thân

Bạn sẽ luôn tự do khi lựa chọn một cách có ý thức về những gì bạn sẽ làm hàng ngày.

Bạn có kiểm soát được cả cuộc đời của mình không? Hay bạn phí thời gian chỉ để cố sức kiểm soát người khác? Nếu bạn thực hiện vế sau, bạn tất sẽ thất bại, bởi nếu có một điều mà bạn không thể kiểm soát trong cuộc sống thì đó chính là con người. Nhưng hành vi thông thường nhất của hầu hết mọi người ở mọi nơi trên thế giới này là cố gắng kiểm soát người khác – về vật chất, cảm xúc và tinh thần.

Khi bạn đau khổ dù chỉ là một tí xíu vì một ai đó thì cũng có nghĩa là bạn đang cố kiểm soát những gì mình không thể kiểm soát. Có vẻ như đó là vì bạn đang bắt chước hành vi của những người xung quanh, hay bất kỳ người nào mà chúng ta đã từng bắt gặp khi còn nhỏ.

Nếu bạn dùng lời đe doạ để thuyết phục một người làm điều gì đó và họ đã làm theo, có lẽ bạn sẽ rơi ngay vào ảo tưởng rằng mình đang kiểm soát được họ. Nhưng thật sự đó là một ảo tưởng. Họ vẫn kiểm soát suy nghĩ và sự quyết định của họ, nhưng cứ như là họ đánh mất đi nhận thức về điều đó, và có vẻ như là họ đánh mất đi nhận thức về điều đó, và có vẻ như họ đang làm theo nỗi sợ mà bạn đã tạo nên trong họ. Nhưng thật ra không phải là bạn, mà chính là họ đã tạo nên nỗi sợ hãi đó. Theo cách tương tự như thế, bạn quy nỗi sợ hãi của mình cho người khác trong khi bạn đã tự tạo ra nó. Đến một lúc nào đó, họ cũng sẽ nhận ra rằng họ phải chịu trách nhiệm với những phản ứng về mặt cảm xúc của chính họ chứ không phải phản ứng vì sự chi phối của bạn. Khi đó, dù trước mặt họ là ai, họ cũng kiểm soát được suy nghĩ và hành động của mình.

Mặt khác, bạn cũng có thể nghĩ rằng có ai đó đang kiểm soát bạn. Nhưng không phải vậy, vì không ai có thể kiểm soát nổi người khác khi không có sự cho phép của người đó. Có thể bạn phải cúi đầu và quy phục trước vài người. Điều đó đơn giản là một thực tế đòi hỏi bạn tiếp tục hành động bàng sự nhận thức về chính bản thân, về sự tự tin, lòng tự trọng (tất cả đều có liên quan với nhau). Theo đó, bạn không “phải” suy nghĩ, cảm thấy hay làm bất kỳ điều gì không xuất phát từ mong muốn tự thân của mình. Nhưng có thể bạn nghĩ rằng bạn “phải” hành động như thế bởi vì bạn tin mình phải làm, và những người khác cũng phải làm như vậy. Tại sao? Bởi vì bạn nghĩ (tin) rằng xã hội đang kiểm soát bạn.

Kiểm soát cuộc đời mình có nghĩa là vượt ra khỏi cái ảo tưởng mà bạn hấp thu từ môi trường xung quanh. chặt đi “khu rừng” của những niềm tin sai lầm để đón lấy “ánh sáng” chân lý, phải dành thời gian để lắng nghe lẽ phải cũng như những điều sáng suốt qua các chặng đường của cuộc đời rồi mang nó vào “bên trong” nội tâm của mình. Điều đó có nghĩa là thử thách niềm tin – không phải là chống lại, tranh cãi hoặc đánh nhau, mà chỉ là thử thách niềm tin của bạn – để tìm ra sự thật, đơn giản vì cái đầu và trái tim bạn muốn biết sự thật. Nhưng bạn cũng bận rộn lắm phải không? Có phải bạn đang muốn kêu lên: “Xin lỗi, tôi quá bận để làm cái việc xem xét nội tâm này!”? Nếu như thế thì có nghĩa là bạn đang bảo rằng bạn đánh giá cao việc làm những chuyện khác hơn việc làm thức tỉnh bản thân! Đó luôn là sự lựa chọn cá nhân. Có một thực tế là chúng ta thường thích nghĩ về mình như là một nạn nhân của ai đó, thậm chí của cả quá khứ, bởi vì điều đó dễ dàng hơn là kiểm soát chính cuộc đời mình. Nhưng cách nghĩ đó chỉ khiến bạn tự tạo ra gánh nặng cho cuộc đời mình.

Không may là nhiều người lại thích “ngủ quên” và đổ lỗi cho thế giới vì sự đau đớn của họ. Nếu quyết định thức tỉnh, bạn sẽ thấy mình hoàn toàn có thể kiểm soát được bản thân – suy nghĩ, cảm xúc, hành vi và cả cuộc đời mình. Kết quả là niềm hạnh phúc, sự bình an trong tâm trí và sức mạnh của bản thân sẽ nhanh chóng đến với bạn.

Chẳng có gì là vấn đề cả!

Khi bạn hiểu rằng cuối cùng thì chẳng có gì là vấn đề cả, chỉ có những tình huống có thể được cải thiện, thì bạn đang chọn lấy một cách nhận thức mang tính tiên phong. Và khả năng cải tiến trong mỗi tình huống luôn có sẵn trong mỗi chúng ta. Nhưng điều trở ngại là chúng ta lại xem hầu hết những tình huống, sự kiện, hoàn cảnh, bao gồm cả những điều bên trong tâm trí và trái tim ta đều có vấn đề. Điều này khiến năng lượng của chúng ta bị hao mòn đi. Trước tiên, chúng ta thấy khó để hiểu được tại sao tình huống hay sự kiện lại diễn ra. Chúng ta cần biết nguyên nhân để có cách chữa trị đúng. Cuối cùng thì một tâm hồn được khai sáng biết rằng vấn đề chỉ là sự nhận thức. Nhận thức tích cực hơn sẽ làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn, mang lại cho chúng ta những phản ứng sáng tạo hơn. Sự thật là tất cả những vấn đề chỉ tồn tại trong tâm trí chúng ta. Khi thật sự nhận ra sự thật ấy, bạn sẽ biết rằng mình vừa mới có được khoảnh khắc AHA!

Hiểu biết 6: Những nghịch lý của cuộc sống

Bạn hoàn hảo, bạn có tất cả và bạn hoàn toàn tự do, nhưng bạn lại không biết điều đó!

Cuộc sống là một con tàu chở đầy những điều nghịch lý. Ví dụ như nhiều người cảm thấy đau khổ nhưng vẫn cứ chấp nhận; người ta chinh phục vũ trụ nhưng bỏ trống khoảng không gian trong tâm hồn; chúng ta học cách tiến nhanh về phía trước nhưng không học cách chờ đợi; hay việc tự gắn kết bản thân vào những điều bạn nghĩ chúng mang đến cho bạn sự thoải mái thì nó sẽ khiến bạn cảm thấy không được thoải mái;… và còn rất nhiều điều nghịch lý khác. Bạn sẽ không nhận ra những điều này, cho đến khi bạn biết rằng những nghịch lý không đến từ đồ vật, con người, hay bất kỳ điều bên ngoài nào mà được tạo ra ở bên trong, từ cách nhìn nhận và suy xét của chính bạn.

Có một nghịch lý mà nhiều người hay nhắc đến nhưng rất ít người thật sự sống cùng với nó, đó là để nhận được, thì bạn phải cho đi. Nếu bạn muốn được yêu thương và tôn trọng, bạn phải cho đi tình yêu thương và không mong đợi bất kỳ điều gì quay trở lại, bạn sẽ sớm nhận ra bạn là người đầu tiên nhận được tình yêu thương và sự tôn trọng mà mình đã gửi đi, đơn giản vì bạn cảm nhận được nó ngay từ lúc chúng được trao đi! Bạn nên biêt những gì cho đi chính là những gì sẽ nhận được, và khi bạn trải nghiệm qua hành động trao đi đó, bạn sẽ thoát khỏi cảnh “túng thiếu” và “thèm muốn”. Và bạn sẽ hiểu ra rằng “sống” là cho đi và nhận lại. Khi bạn có lòng tự trọng, khi bản chất của bạn được làm đầy bằng lòng tự trọng, đó là lúc bạn đang trao và nhận sự tôn trọng cùng một lúc.

Điều này mở ra cánh cổng để bạn thấy được nghịch lý lớn nhất. Đó là bạn đã là một người hoàn hảo, bạn có tất cả và bạn cũng hoàn toàn tự do, nhưng chính bạn lại không nhận ra được điều đó. Sở dĩ như vậy là vì trong chuyến hành trình dài của cuộc sống, bạn đã tập hợp những ký ức, ấn tượng, niềm tin sai lầm vào nhận thức của mình. Tất cả những điều ấy giống như các lớp của củ hành, bao phủ lấy cái lõi thanh khiết, mạnh mẽ và bình an của bản chất con người bạn – một con người hoàn hảo – giống như bạn đã được tạo ra. Hãy nhìn vào sự sai lầm bên trong ý thức của mình – niềm tin sai lầm, sự hiểu biết sai lầm và tính đồng nhất sai lầm. Một khi bạn nhìn thấy chúng, sự sai lầm bắt đầu “rơi tuột” đi. Và nghịch lý cuối cùng là gì? Bạn sẽ không nhìn thấy chúng bằng cách tìm kiếm chúng. Hai cách hiệu quả nhất là thông qua thiền định (suy ngẫm) và học hỏi từ những người đã thực hành thiền định. Đồng thời, bạn hãy có ý thức lựa chọn bạn đồng hành một cách cẩn thận. Vì khi bị ảnh hưởng từ người bạn đồng hành, thì bạn dễ bị ngưng lại việc nhận ra chính mình và ngày càng xa rời con người thật của mình.

Trong các mối quan hệ, bạn không thể kiểm soát người khác và cũng không ai có thể kiểm soát được bạn, nhưng giữa bạn và mọi người có ảnh hưởng lẫn nhau. Mỗi khi bạn càng cố kiểm soát người khác thì họ càng cố xây dựng một bức tường ngăn cách để bạn không tác động được đến họ. Kết quả là khả năng ảnh hưởng của bạn giảm đi. Vì vậy, càng cố kiểm soát người khác thì tầm ảnh hưởng của bạn càng giảm và ngược lại, khi bạn không kiểm soát người khác thì sức ảnh hưởng của bạn càng lớn. Đây là một trong những bí mật then chốt cho sự thành công trong tất cả các mối quan hệ. Nhưng hãy nhớ rằng, sự ảnh hưởng “thuần khiết” thì không có động cơ, đó là sự khai sáng.

Hạnh phúc là…

Hãy nghĩ xem, bạn thật sự muốn làm điều gì trong cuộc sống? Động cơ sâu xa nhất của bạn là gì? Nếu tĩnh lặng suy nghĩ, chúng ta sẽ nhận ra tất cả những gì chúng ta làm là để trải nghiệm niềm hạnh phúc. Mọi điều chúng ta làm được lèo lái bởi mong muốn được hạnh phúc nhưng chúng ta đã quên rằng con người sinh ra vốn đã hạnh phúc. Bạn không cần phải vất vả tìm kiếm, không cần cố đuổi theo để bắt lấy hay cố tìm cách mua cho được hạnh phúc. Hạnh phúc đã có sẵn trong bạn, những gì bạn cần làm là quyết định trở nên hạnh phúc và giữ cho quyết định này trở thành thói quen. Hạnh phúc không phải là một sự phụ thuộc mà là một quyết định của chính bạn, bắt đầu từ trái tim mình. Hãy “gắn” một nụ cười vĩnh cửu trong trái tim bạn và hãy chắc rằng trái tim đã được nối kết với gương mặt bạn. Bạn hãy chia sẻ niềm hạnh phúc của mình để nó được bền chặt, sâu sắc và lâu dài hơn! Nếu như hạnh phúc không phải là một từ đúng, hãy thay thế nó bằng từ mãn nguyện. Mãn nguyện là niềm hạnh phúc thuộc về tinh thần.

Hiểu biết 7: Các mối quan hệ của bạn

Mỗi chúng ta đều là suối nguồn của tình yêu thương, sự thật, bình an và mãn nguyện

Cuộc sống của chúng ta là một chuỗi những mối quan hệ, từ quan hệ giữa con người với nhau cho đến mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên, sự thật. Mỗi mối quan hệ là một dạng năng lượng trao và nhận, mang đến sự trưởng thành cho mỗi con người và sự phát triển cho xã hội. Việc trao đổi năng lượng này mang lại những lợi ích từ những lời chúc tốt lành, hay chỉ đơn giản là vun bồi các phẩm chất tích cực để mối quan hệ của chúng ta trở nên hài hoà hơn. Nhưng thực tế chúng ta không chú ý nhiều đến cách trao và nhận, mà tập trung vào cách lấy và giữ: lấy những gì có thể và giữ những gì đã lấy. Thói quen lấy và giữ sẽ giết đi sự hài hoà trong các mối quan hệ của chúng ta từ cấp độ cá nhân đến tập thể.

Nhưng hầu hết mọi người lại đang làm điều đó, vì thế mà dường như nó trở thành một điều đúng đắn, cho đến một ngày nào đó, chúng ta thức tỉnh với sự thật rằng mọi thứ là để trao đi, và con người không thể nào sở hữu bất kỳ điều gì cả.

Những tâm hồn sáng suốt sẽ nhanh chóng hiểu được một quy luật của cuộc sống: “những gì ra đi rồi sẽ quay trở lại” hay nói một cách khác là “gieo gì sẽ gặt nấy”. Đó là nguyên lý về “nhân – quả”. Một tâm hồn sáng suốt cũng biết rằng “của cải” thật sự thì không đến từ tài khoản ngân hàng mà có sẵn trong “tài khoản tinh thần” của mỗi chúng ta. Vì thế, trong khi hầu hết mọi người thể hiện bằng suy nghĩ hay hành động rằng họ tin tiền là hình thái cao nhất và quan trọng nhất của của cải, thì một tâm hồn sáng suốt biết được nguồn năng lượng cao nhất và quý giá nhất chính là tinh thần. Tình yêu thương, sự chân thật, bình an và hạnh phúc là những sắc màu căn bản của tâm hồn, là hình dáng cơ bản của dạng năng lượng tinh thần nội tâm mà tất cả chúng ta đều có. Và một khi được khám phá ra, tất cả các mối quan hệ được nhìn thấy bằng một thứ ánh sáng thật sự. Sự chấp nhận, lòng quan tâm, sự hiểu rõ giá trị và tha thứ chính là hình thái của tình yêu thương. Sự sáng suốt và sự hiểu biết bên trong là hình thái của sự thật. Sự mãn nguyện, hài lòng và sự đầy đủ là hình thái của niềm hạnh phúc. Không điều gì trong những trạng thái như thế được hiểu như là lấy đi hay giữ lại, chúng được nuôi dưỡng chỉ khi chúng được ban tặng, được lan toả ra thế giới xung quanh.

Tất cả chúng ta đều là những nghệ sĩ của cuộc sống, của cuộc đời mình. Mỗi chúng ta có cơ hội để được mời và mời nhau cùng tạo nên cuộc sống, sự dụng loại của cải quý giá nhất và vĩ đại nhất: những của cải được cất giấu bên trong bản thân mỗi người. Đừng giấu đi những của cải của bạn. Đừng để cho sự hoài nghi che khuất đi kho báu của bạn. Đừng để cho “cơn nghiện những điều tiêu cực” làm nản tinh thần bạn. Hãy sống tốt, cười thường xuyên, và yêu thương thật nhiều. Hãy nhớ rằng: càng rộng lượng, thì chúng ta càng giàu có.

Những mức độ thoải mái thể hiện điều gì?

Tại sao chúng ta cư xử dễ dàng với một số người và khó khăn với những người khác? Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng đó là do tính cách hoặc thái độ của họ đã làm cho chúng ta khó chịu. Tuy nhiên, sự thật không phải như vậy. Thật ra là có điều gì đó khó chịu trong ta và những biểu hiện ở họ chỉ là cái cò súng. Có lẽ nó nhắc nhở ta về một mối quan hệ căng thẳng nào đó trong quá khứ, hoặc có thể là chúng ta đang nghĩ và đang hành động theo một nhịp điều hoàn toàn khác. Nó giống như là sự phản ánh về điều gì đó trong ta mà chúng ta không muốn thấy và không nhận ra. Vì thế, có thể nói rằng thầy của chúng ta chính là những người đồng hành mà ta cảm thấy khó chịu nhất, bực bội nhất.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.