7 Loại Hình Thông Minh

Chương 15. Liệu Còn Tồn Tại Những Loại Hình Thông Minh Khác?



Việc Howard Gardner đưa loại hình thông minh thứ tám và có thể cả thứ chín vào học thuyết trí thông minh đa dạng làm nảy sinh rất nhiều nghi hoặc. Một nhà nghiên cứu đã phản đối giả thuyết của mô hình này: “Nếu nói Giáo sư Gardner cực kỳ thông minh, vậy sao ông ấy lại không thể chỉ ra được có bao nhiêu dạng thông minh?” Tuy nhiên để trả lời đầy đủ cho lời chất vấn đó, trước tiên tôi cần trình bày cách Gardner làm thế nào xác định được bảy dạng thông minh đầu tiên. Chỉ đến khi đó, việc ông quyết định mở rộng bản danh sách mới trở nên rõ ràng. Trong cuốn Frames of Mind (Trạng thái tinh thần), Gardner đã mô tả một tập hợp tám tiêu chí mà ông dùng để xác định bảy dạng thông minh đầu tiên. Khi bắt đầu, ông thực sự đã xem xét rất nhiều và có thể tới hàng trăm dạng thông minh tiềm năng (trên thực tế có nhiều học thuyết tâm lý đã suy đoán có tới hơn một trăm loại hình). Nhưng bảy dạng được hình thành trên cơ sở nguồn gốc học thuyết trí thông minh đa dạng – ngôn ngữ, logic toán học, không gian, vận động thân thể, âm nhạc, tương tác cá nhân và nội tâm cá nhân – là những loại hình đáp ứng tất cả tám tiêu chí. Từ khi xuất bản cuốn Frames of Mind (Trạng thái tinh thần) vào năm 1983, ông đã đưa ra kết luận rằng trí thông minh thiên nhiên và có thể cả trí thông minh hiện sinh, cũng có thể đáp ứng những tiêu chí như vậy.

Để có thể hiểu được tại sao bảy loại hình thông minh đầu tiên lại được chọn lựa, tại sao hai dạng nữa có thể được thêm vào, và liệu sẽ có thêm những dạng thông minh nào nữa trong tương lai, chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng tám tiêu chí được sử dụng để thiết lập nền tảng lý thuyết cho học thuyết trí thông minh đa dạng.

Khả năng bị cô lập do não bị tổn thương. Giáo sư Gardner đã tích lũy được những kinh nghiệm quý giá khi làm bác sỹ tâm lý tại một bệnh viện ở Boston trong nhiều năm cũng như khi làm phụ tá nghiên cứu cho Giáo sư khoa Thần kinh tại trường Đại học Y khoa Boston. Từ đó, ông đã hiểu rằng trí não bị tổn thương hoặc ốm yếu thường tác động tới khía cạnh nào đó của trí thông minh. Tức là, một cá nhân có thể bị tổn thương một phần trong não bộ, điều này có thể phá hủy một dạng thông minh cụ thể trong khi không ảnh hưởng tới những khả năng nhận thức khác. Trong cuốn sách Shattered Mind (Những trí óc bị tổn thương), ông viết về nhà soạn nhạc người Pháp Maurice Ravel. Vào tuổi bảy mươi, ông đã bị đột quỵ, tác động đến vùng Broca – vùng của thùy trước nằm ở bán cầu não trái, bộ phận quan trọng có chức năng ngôn ngữ. Nó đã phá hủy khả năng nói và viết của Ravel. Bất chấp tình trạng đó, ông vẫn có thể trình diễn và phê bình âm nhạc – những khả năng nằm trên các vùng khác của não bộ mà hiện tượng đột quỵ không chạm tới và phá hủy được chúng. Bằng cách tổng hợp những câu chuyện thần kỳ nhưng có thật, dựa trên kinh nghiệm của một bác sỹ tâm lý và những kết quả nghiên cứu về não bộ gần đây, Gardner đưa ra giả thuyết là tất cả bảy loại hình thông minh đầu tiên đều đáp ứng tiêu chuẩn thứ nhất. Nói một cách khác, sự phá hủy những vùng riêng biệt của bộ não có khả năng phá hủy những dạng thông minh nhất định trong khi vẫn không ảnh hưởng đến những dạng khác. Đây là một tóm tắt sơ bộ về những vùng cụ thể nằm trong não dường như có liên quan đến các dạng thông minh (điều này chỉ ra rằng những kết cấu quan trọng nhất có liên quan nhưng không bao hàm những kết cấu nhỏ hoặc sự tương tác với những vùng khác nhau trên não bộ).

Ngôn ngữ: Vùng thái dương trái và thùy trán (ví dụ: vùng Broca/vùng Wernicke).
Logic toán học: Thùy đỉnh trái và các vùng tổ chức thuộc thái dương và chẩm tiếp giáp với chúng.
Không gian: Miền sau của bán cầu não phải.
Vận động thân thể: Tiểu não, hạch cơ bản, vỏ não vận động.
Âm nhạc: Thùy thái dương phải.
Tương tác cá nhân: Thùy trán, thùy thái dương (đặc biệt là bán cầu não phải), hệ limbic.
Nội tâm cá nhân: Thùy trán, thùy đỉnh, hệ limbic.

Để xác định trí thông minh thiên nhiên có đáp ứng điều kiện của tiêu chí này không, Gardner chỉ ra những ví dụ trong lĩnh vực văn học về việc não bộ bị phá hủy (ở bán cầu não trái), các cá nhân đã mất khả năng gọi tên những thực thể nhưng vẫn lưu giữ được khả năng gọi tên những gì không tồn tại và học cách nhận ra những khuôn mặt, chân tay (cái mà từ trước đến nay được xem như là một phần của tư duy không gian), về dạng thông minh hiện sinh, Gardner cho biết lý do mà ông không chắc chắn đưa nó vào học thuyết của mình như là dạng thông minh thứ chín là bởi cho đến giờ ông vẫn chưa thấy được sự liên kết của dạng thông minh này với não bộ. Ông đưa ra dẫn chứng những người đã trải qua chứng động kinh thùy thái dương có triệu chứng cuồng tín và trong giai đoạn mới chớm, thậm chí cả trạng thái phấn khích thần bí. Những người viết tiểu sử đã cho rằng Fyodor Dostoevsky và Vincent van Gogh có thể bị chứng động kinh thùy thái dương và đã truyền vào tác phẩm của họ các yếu tố tâm linh bắt nguồn từ sự rối loạn bản thân. Một vài vấn đề xác nhận rằng sự mộ đạo, kinh nghiệm thần bí, tầm nhận thức và những trạng thái thần giao cách cảm đều bắt nguồn từ não bộ. Kiểu sinh vật giản hóa này ngày nay rất phổ biến, làm giảm bớt những cảm xúc đẹp đẽ nhất của nhân loại bằng cách đốt cháy các nơron và làm rạn nứt các khớp thần kinh, vẫn chưa thể chắc chắn khẳng định rằng não là ống dẫn của các vấn đề sinh tồn nhưng nó chi phối đời sống tinh thần hoặc những hoài nghi về sự tồn tại của con người. Trong bất kỳ trường hợp nào thì sự liên hệ của Gardner giữa đấu tranh sinh tồn của loài người với sự đa dạng của não bộ đang thúc đẩy và khuyến khích các cuộc thảo luận, đặc biệt làm nảy ra những phát hiện mới trong nghiên cứu não bộ.

Sự tồn tại của những người mắc chứng thần kinh nhưng rất giỏi một lĩnh vực nào đó, những trí óc thần kỳ và những trường hợp ngoại lệ khác. Giáo sư Gardner gợi ý trong tiêu chí này có thể nghiên cứu riêng từng dạng thông minh bằng cách xem xét cuộc sống của các cá nhân khác thường, những người mà năng lực cá nhân đạt đến trình độ cao trong hoàn thành công việc. Điều này có thể nhận thấy rõ ràng nhất qua cuộc sống của bất kỳ nhân vật tài năng nào trong một lĩnh vực cụ thể, như một nghệ sỹ bậc thầy về đàn violin, một nhà toán học thiên tài, một nhà văn tài năng v.v… Nhưng ví dụ ấn tượng nhất cho tiêu chí này là những nhà bác học – những người xuất sắc trong một loại tư duy nhất định nhưng lại thường gặp khó khăn đáng kể với những loại tư duy khác. Phần lớn mọi người đều biết đến bộ phim Rainman (Người đàn ông trong mưa), bộ phim đã giành giải Oscar, nói về một người đàn ông tên là Raymond (do diễn viên Dustin Hoffman thủ vai chính, dựa trên một câu chuyện có thật) được coi là người mắc chứng tự kỷ, ông ta có khả năng kỳ lạ về số học trong khi vốn hiểu biết xã hội nghèo nàn, khả năng ngôn ngữ không phát triển và thiếu ý thức về bản thân. Trong trường hợp của Raymond, tư duy logic toán học đã phát triển cao dù tư duy tương tác cá nhân, nội tâm cá nhân, ngôn ngữ đều kém phát triển một cách nghiêm trọng. Gadner đưa ra giả thuyết rằng, bằng cách nghiên cứu những người giống như Raymond, chúng ta có thể thấy sự thông minh tồn tại sẵn trong mỗi con người. Vậy làm thế nào chỉ một dạng thông minh có thể phát triển ở cấp độ phi thường, còn những khả năng khác bị bỏ lại phía sau rất xa. Sau đây là các ví dụ cụ thể về những người có khả năng siêu việt trong mỗi dạng thông minh:

Ngôn ngữ

Người siêu từ vựng (ví dụ: một người có IQ thấp có thể đọc sách giáo khoa, tuy nhiên không hiểu chút nào về nội dung của cuốn sách).

Logic toán học

Người rất giỏi tính toán (ví dụ: người có IQ thấp có thể nhớ lịch tàu chạy hoặc nói được sinh nhật của bạn sẽ rơi vào ngày nào trong tuần vào năm 3500).

Không gian

Người mắc chứng tự kỷ có khả năng hội họa khác thường (ví dụ: cuốn Naudia của Lorna Selfe ghi lại khả năng mỹ thuật thiên tài của một cô bé năm tuổi bị coi là mắc chứng tự kỷ).

Vận động thân thể

Người mắc chứng tự kỷ có thể bắt chước vận động thân thể của các đối tượng khác (ví dụ: Joey, “cậu bé người máy” được Bruno Bettelheim nghiên cứu, có khả năng khác thường là có thể làm các động tác kịch câm như một cái máy).

Âm nhạc

Một người mắc hội chứng Williams có khả năng âm nhạc phi thường (ví dụ: Gloria Lenhoff có thể hát opera bằng hai mươi sáu thứ tiếng khác nhau trong đó có tiếng Trung Quốc, nhưng lại gặp khó khăn khi làm một phép toán đơn giản).

Tương tác cá nhân

Một vài người bị bệnh tâm thần phân liệt có khả năng kỳ lạ, nắm bắt được những dấu hiệu xã hội phi ngôn ngữ và thậm chí có thể sở hữu một năng lực đặc biệt là biết khi nào người khác sẽ đến thăm.

Nội tâm cá nhân

Những người ý thức về bản thân rất cao nhưng không có cách nào để thể hiện điều này với người khác (Gardner chỉ ra rằng, theo lý thuyết, loại này cực kỳ khó nhận ra).

Về tư duy thiên nhiên, có thể liên hệ đến trường hợp giống như trong Wild Boy (Cậu bé hoang dã) của Aveyron, một cậu bé mười một tuổi được tìm thấy khi đang trần truồng chạy trốn trong một khu rừng ở miền Nam nước Pháp, cậu bé đã không được tiếp xúc với xã hội cho đến khi được bác sỹ người Pháp, Jean Marc Gaspard phát hiện. Có thể kể đến cả trường hợp của Tempil Grandin, một người mắc chứng tự kỷ được Oliver Sacks nghiên cứu, người đã phát triển công nghệ chăn nuôi gia súc, đại diện cho những nhà bác học thiên nhiên, về tư duy hiện sinh, tôi nhớ lại một cuốn sách đã đọc cách đây ba mươi năm tên là The Wayfarers: Meber Baba with the God – Intoxicated (Những kẻ lãng du: Meber Baba với thần thánh) của William Donkin (đã không còn bản in nào nữa), nói về những người ở Ấn Độ được gọi là masts, họ có sự xáo trộn tinh thần mạnh mẽ nhưng lại được nhân dân địa phương tôn kính như một vị thánh (“God-Intoxicated”). Đó là người về bản chất đã rũ bỏ mọi ham muốn trần tục, siêu thoát khỏi thân thể và cái Tôi bản thân (họ thường được những người dân cung cấp thức ăn, một số người thậm chí hi vọng nhận được từ họ những lời gợi ý khi chơi cờ bạc).

Hoạt động hay một quá trình hoạt động hạt nhân đồng nhất. Với tư cách là nhà tâm lý học về nhận thức hàng đầu, với niềm say mê về vấn đề làm thế nào trí óc có thể xử lý thông tin, Giáo sư Garder đã đưa ra giả định rằng mỗi một dạng thông minh trong thuyết của ông có một cơ cấu riêng biệt (hoạt động hạt nhân) để lấy thông tin từ thế giới bên ngoài và xử lý hoặc hoạt động, giống như chiếc máy tính dựa trên nguồn dữ liệu được nhập vào. Dưới đây là một vài hoạt động hạt nhân then chốt mà Gardner đã nhận dạng cho mỗi loại hình thông minh.

Ngôn ngữ

Nhạy cảm với âm thanh, kết cấu, ý nghĩa và chức năng của từ và ngôn ngữ.

Logic toán học

Nhạy cảm và có năng lực nhận thức các mô hình logic hoặc số học; khả năng xử lý các chuỗi lập luận.

Không gian

Năng lực nhận thức thế giới không gian nhìn thấy được một cách chính xác và thực hiện sự biến đổi nhận thức ban đầu về một người (ví dụ: có khả năng điều khiển thế giới bên trong và bên ngoài thông qua nghệ thuật, hình dung hoặc tư tưởng).

Vận động cơ thể

Khả năng điều khiển vận động của cơ thể và sử dụng đồ vật một cách tài tình.

Âm nhạc

Khả năng sáng tác và thưởng thức nhịp điệu, âm thanh và âm sắc; khả năng đánh giá các cách diễn tấu.

Tương tác cá nhân

Có khả năng nhận thức và hưởng ứng một cách phù hợp với tâm trạng, tính cách, sự khích lệ và mong muốn của người khác

Nội tâm cá nhân

Tiếp cận được với đời sống tình cảm của ai đó và có khả năng phân biệt các cảm xúc, nhận ra các ưu khuyết điểm của bản thân người đó.

Thiên nhiên

Có khả năng nhận biết các thành viên trong một nhóm (hoặc loài), phân biệt được các loại trong loài, nhận ra được sự tồn tại của các loài xung quanh và lập biểu đồ về mối quan hệ, chính thức hay không chính thức, giữa một số loài.

Hiện sinh

Năng lực xác định vị trí bản thân trong mối tương quan ở tầm vũ trụ và tầm quan trọng của cuộc sống, ý nghĩa của cái chết, số mệnh của thế giới vật chất và tinh thần, những trải nghiệm sâu sắc như tình yêu hay nghệ thuật.

Một lịch sử phát triển đặc biệt, với sự biểu hiện của khuynh hướng chuyên môn “trình độ điêu luyện” có thể định nghĩa được. Giáo sư Gardner có sự đóng góp hết sức ý nghĩa đối với sự phát triển tâm lý (thú vị là, nhà phân tâm học nổi tiếng Erik Erikson chính là thầy của Gardner trong năm học thứ nhất ở Đại học Harvard). Ông đã viết một cuốn sách giáo khoa về sự phát triển tâm lý và là người đi tiên phong trong việc phát triển tài năng và tính sáng tạo ở trẻ nhỏ. Theo đuổi niềm say mê đó, Gardner đã tìm cách để kết hợp khái niệm về sự phát triển vào học thuyết trí thông minh đa dạng bằng cách chỉ rõ rằng bên trong mỗi một dạng thông minh là một mô hình phát triển riêng, kể từ khi bắt đầu đến khi thành thạo, tinh luyện. Chẳng hạn, trong lĩnh vực tư duy ngôn ngữ, một đứa trẻ bắt đầu bằng cách bập bẹ một cuốn sách hay viết những nét nguyệch ngoạc trên giấy, sau đó trải qua những giai đoạn phát triển nhất định thì khả năng tư duy đạt đến mức đỉnh cao và trở thành một nhà văn tài năng. Những luận điểm sau đây đưa ra gợi ý về một vài điểm bắt đầu và kết thúc của mỗi dạng thông minh:

Ngôn ngữ

Từ việc nguyệch ngoạc viết trên giấy của một đứa trẻ đến cuốn sách Beloved (Người yêu dấu) của Toni Morrison.

Logic toán học

Từ việc tập đi của một đứa trẻ đến Thuyết tương đối của Anhxtanh.

Không gian

Từ một đứa trẻ vẽ vụng về mấy hình tròn đơn giản trên bảng đến bức họa Mona Lisa của Leonardo da Vinci

Vận động cơ thể

Từ vận động phối hợp giữa mắt và tay của đứa trẻ nhỏ đến cú ghi 70 điểm cho đội nhà trong trận bóng chày năm 1998 của Mark McGwire.

Âm nhạc

Từ những nhịp điệu vang lên thuở nhỏ đến bản Concerto Brandenbugh của Bach.

Tương tác cá nhân

Từ cái nhìn đầu tiên của một đứa trẻ với một người lạ cho tới công việc của mẹ Theresa giúp đỡ những người khổ đau ở Calcutta.

Nội tâm cá nhân

Từ sự nhận thức ban đầu về bản thân như một cá thể độc lập của một đứa trẻ đến sự phát triển môn Phân tâm học của Sigmund Freud.

Thiên nhiên

Từ sự thích thú của đứa trẻ khi lần đầu bắt gặp một con bướm hay một con gấu trúc Mỹ cho đến Thuyết tiến hóa của Charles Darwin.

Hiện sinh

Từ câu hỏi đầu tiên của đứa trẻ về chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta chết đến sự giác ngộ của Đức Phật dưới cây bồ đề và những lời dạy của Ngài.

Ghi nhớ rằng giữa giai đoạn đầu và cuối, một người có thể có khả năng nhận rõ các giai đoạn chung nhất định mà tất cả mọi người đều phải trải qua (ví dụ như trường hợp của Jean Piaget về khả năng lý luận – toán học và Erikson về khả năng nội tâm cá nhân), nhưng cũng có khả năng có những biến dị khác thường, khi một số người không phát triển gì thêm hoặc tê liệt, một số khác trải qua giai đoạn trì trệ, những người khác vẫn tiến tới “sự bùng nổ” của sáng tạo, tạo được sự tiến bộ vượt bậc nhanh chóng.

Lịch sử tiến hóa. Tiêu chí thú vị này mở rộng khả năng tư duy về quá khứ, thậm chí trước cả khi có những ghi chép lịch sử. Gardner gợi ý rằng để một dạng thông minh xuất hiện trên danh sách, phải có bằng chứng về nó trong thời kỳ tiền sử của loài người, và thậm chí trong cả những giai đoạn đầu của sự tiến hóa, tức là ở cả các loài khác. Ông đề xuất rằng trí thông minh có trước cả nền văn minh, mà nguồn gốc của nó trở thành hạt nhân của hệ sinh vật. Đây là một vài dấu hiệu về mỗi dạng thông minh ở thời kỳ tiền sử đáp ứng những tiêu chí này như thế nào,

Ngôn ngữ

Những ký hiệu viết cách đây 30 nghìn năm đã được tìm thấy; ở các loài khác: linh trưởng có khả năng thô sơ đặt tên đồ vật.

Logic toán học

Hệ thông số học và lịch số đã được tìm ra; ở các loài khác: loài ong tính toán khoảng cách thông qua hành vi nhảy của chúng.

Không gian

Những hình vẽ hang động nổi tiếng ở Pháp và Tây Ban Nha; ở các loài khác: bản năng lãnh địa của rất nhiều loài động vật có vú.

Vận động cơ thể

Việc sử dụng công cụ thời tiền sử (khả năng thực hành); ở các loài khác: động vật linh trưởng và một số loài có thể sử dụng công cụ đơn giản.

Âm nhạc

Những nhạc cụ thời kỳ đồ đá; tiếng hót của chim chóc.

Tương tác cá nhân

Những nhóm người sống chung; các loài khác: tình mẫu tử ở loài linh trưởng và các loài khác.

Nội tâm cá nhân

Những hình vẽ trong hang động, kỹ năng săn bắn (đòi hỏi đặt kế hoạch, trì hoãn do các thúc đẩy bản năng); ở các loài khác: tinh tinh có thể xác định bản thân trong gương và thể hiện những cảm xúc cơ bản.

Thiên nhiên

Khả năng nhận biết cây độc hay không độc, định vị và tránh xa một số loài động vật nhất định, bằng nhiều cách phân biệt được những loại khác nhau của quần thể động thực vật như là một phương tiện để sinh tồn; ở các loài khác: những phương thức phức tạp trong săn mồi và tránh trở thành con mồi.

Hiện sinh

Những nghi lễ tôn giáo, ví dụ như nghi lễ liên quan đến việc chôn cất hoặc nghi thức săn bắn (một số bức vẽ trên hang động thời kỳ sơ khai cho thấy những người pháp sư dùng ma thuật như là một cách để bảo đảm cho một cuộc đi săn thành công); ở các loài khác: voi và các loài khác dường như cho thấy một số dạng nhất định của những hành vi nghi thức cúng lễ (và thậm chí thể hiện sự đau buồn) sau cái chết của một thành viên.

Sự ủng hộ từ những thí nghiệm tâm lý. Gardner gợi ý rằng các loại hình thông minh có thể được nhận ra thông qua những thí nghiệm tâm lý đặc biệt, bao gồm thí nghiệm về trí nhớ, sự chú ý, nhận thức và truyền đạt (hoặc thiếu sự truyền đạt) trong học tập. Ví dụ, các thí nghiệm có thể cho biết rằng một người có trí nhớ tốt về các khuôn mặt nhưng về chữ số và từ ngữ thì không, hoặc anh ta có khiếu ăn nói nhưng không có khiếu về âm thanh (ví dụ như âm nhạc). Hơn nữa, một số thí nghiệm khác cũng chỉ ra rằng khả năng học các khái niệm toán học của một người không khiến họ trở thành một người đọc tốt (ví dụ, dạng thông minh lý luận toán học không thể chuyển sang dạng thông minh ngôn ngữ) hoặc khả năng chơi tennis giỏi không thể chuyển đổi để trở thành một họa sỹ giỏi. Những bài viết của Gardner dành rất ít sự chú ý đến tiêu chí này và có cảm giác dường như không được rõ ràng như những tiêu chí khác. Xem ra có một bằng chứng thích hợp ủng hộ tiêu chí này, cho ít nhất một vài dạng thông minh (hoặc vài khía cạnh của chúng). Ví dụ: kết quả nghiên cứu giới tính chỉ ra rằng nam giới chú ý nhiều đến các hành vi phi ngôn ngữ trong khi nữ giới lại cho thấy điểm mạnh ở các dấu hiệu lời nói. Trong lĩnh vực thần kinh học, một vài bằng chứng chỉ ra rằng những trẻ được liệt vào loại ADD hoặc ADHD thiếu chú ý đặc biệt đến toán học hoặc ngôn ngữ nhưng không bao gồm cả trong lĩnh vực vận động – thân thể hay không gian. Tuy nhiên, một bằng chứng khác dường như đối lập với tiêu chí này, đó là kết quả cuộc nghiên cứu gần đây đề xuất rằng khi trẻ em học âm nhạc thì cả khả năng logic toán học và không gian của chúng dường như cũng được cải thiện. Gardner đã cố gắng giải thích sự không tương ứng này bằng cách chỉ ra sự tự do ý chí tương đối của các dạng thông minh và vô số những mối quan hệ tương quan tồn tại giữa các dạng thông minh. Người ta vẫn đang xem xét liệu tiêu chí này có chứng minh được rằng nó là một dấu hiệu đáng tin cậy của thuyết trí thông minh đa dạng như những tiêu chí khác hay không.

Ủng hộ từ kết quả của những trắc nghiệm tâm thần. Giáo sư Gardner đã từng là người chỉ trích gay gắt các kiểu kiểm tra thông minh hay IQ, nhưng trong lĩnh vực này, ngược lại, ông lại đề xuất rằng những thước đo tiêu chuẩn, như điểm IQ, có thể được sử dụng để khẳng định sự tồn tại của trí thông minh. Sự khẳng định này có lẽ do kết quả chênh lệch lớn mà một vài người nhận được trong các phần của một bài kiểm tra IQ và trong các thước đo tiêu chuẩn khác. Một người có thể nhận được điểm cao ở những phần kiểm tra IQ có liên quan đến từ (ví dụ như từ vựng), nhưng lại nhận điểm thấp ở những phần dính dáng tới số học hoặc tranh ảnh, biểu tượng (ví dụ như sắp xếp tranh, lắp ráp đồ vật). Những ai từng nhận được kết quả chênh lệch lớn trong bài kiểm tra SAT giữa phần kiểm tra toán và từ ngữ (bản thân tôi đã nhận được 100 điểm chênh lệch giữa hai phần này) có thể tranh luận thuyết phục cho mối quan hệ tương hỗ giữa khả năng ngôn ngữ và logic toán học. Tuy nhiên, một trong những trở ngại đối với tiêu chí này, là sự thiếu hụt các bài kiểm tra về các dạng thông minh, đặc biệt là về vận động – thân thể, âm nhạc và các dạng thông minh cá nhân. Hơn nữa, rất khó để xác định chính xác bài kiểm tra tiêu chuẩn nào thích hợp với dạng thông minh nào. Một mục có thể coi là hợp lý, ví dụ câu “Bạn có thường xuyên nghĩ đến cái chết?” được sử dụng kiểm tra về sự buồn chán để chỉ ra những vấn đề tồn tại trong khả năng nội tâm cá nhân. Mặt khác, có thể xây dựng một bài kiểm tra liên quan đến sự suy xét và nhận thức đúng đắn về các hiện tượng tự nhiên, giống như các bài kiểm tra nói về sự khác nhau giữa các dạng của một vật thể ba chiều (và sự ủng hộ thực nghiệm cho một sự thực là một người có khả năng nhận thức tốt các hiện tượng sống động nhưng lại nhận thức kém về các hiện tượng khác).

Tính dễ mã hóa trong hệ thống ký hiệu. Tiêu chí cuối cùng trong mô hình của Gardner mở ra một viên cảnh đáng kinh ngạc về sự giao tiếp của loài người. Ông gợi ý rằng nếu bạn muốn quyết định xem một người có thông minh hay không, bạn nên xem xét cách anh ta biểu tượng hóa. Khả năng biểu tượng hóa chứ không phải là cách chế biến thức ăn, rút cục, là khả năng then chốt để phân biệt loài người với các loài động vật khác. Có thể diễn đạt ý nghĩ về cái gì đó mà ngay lập tức chưa biểu thị ý nghĩa nào (để khiến nó biểu thị hoặc đại diện cho điều gì đó) thông qua âm thanh, cử chỉ hoặc dấu hiệu trên giấy (giống như những gì bạn đang đọc đây) đích thực là một thành tích phi thường khi bạn thực sự nghĩ về nó. Thông qua những ký hiệu, chúng ta có một cách tiếp cận với ý nghĩ của những người đã sống cách đây hai nghìn năm hoặc xa hơn nữa. Gardner cho rằng, để một trí thông minh đủ điều kiện đáp ứng thuyết của ông, nó phải có khả năng được biểu tượng hóa. Nhìn vào những dạng thông minh khác có thể cho thấy sự đa dạng của ngôn ngữ mà nhân loại đã chọn để hình tượng hóa thế giới bên trong với những người khác:

  • Ngôn ngữ: Ngôn ngữ nói và viết (ví dụ: tiếng Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Ý, Nga, Ai Cập, v.v…).
  • Logic toán học:Hệ thống số học, ngôn ngữ máy tính (ví dụ: PASCAL, BASIC, C++).
  • Không gian:Ngôn ngữ ghi ý (ví dụ: chữ tượng hình của Trung Quốc, Nhật, v.v… cũng có bộ phận ngữ âm); đường nét, hình thể, hình dạng và màu sắc trong nghệ thuật.
  • Vận động thân thể:Ngôn ngữ của các điệu múa, sự di chuyển, thể thao (ví dụ: các ký hiệu bằng tay của huấn luyện viên bóng chày).
  • Âm nhạc:Sự ký âm.
  • Tương tác cá nhân:Cử chỉ, nét mặt, điệu bộ, giọng điệu, v.v… cho thấy các dấu hiệu xã hội (ví dụ: “Anh thích em”, “Lùi lại!”, “Tôi đang rất sốt ruột!”).
  • Nội tâm cá nhân:Biểu tượng trong giấc mơ cho thấy những khía cạnh của bản thân.
  • Thiên nhiên:Vật tổ của nền văn hóa bản địa làm nổi bật tinh thần đến sự phân loại phức tạp của Aristotle và Linnaeus.
  • Hiện sinh:Bộ sưu tập phong phú và đa dạng các biểu tượng tôn giáo (từ cây thánh giá, trăng lưỡi liềm đến ngôi sao và quỷ sa tăng); những câu chuyện thần thoại hấp dẫn của các nền văn hóa thế giới; nghệ thuật diễn đạt tượng trưng của những người thần bí như Blake và Swedenborg.

Nhìn lại tám tiêu chí sử dụng để chứng minh cho sự tồn tại của học thuyết trí thông minh đa dạng, bây giờ chúng ta đã ở vị trí tốt hơn để quyết định liệu một dạng thông minh nào đó có được thêm vào mô hình trong tương lai hay không. Xa hơn nữa, rất nhiều những dạng thông minh khác đã được gợi ý cho Giáo sư Gardner, cả bản thân tôi và những người khác đang làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu trí thông minh đa dạng. Chúng bao gồm những dạng sau: khiếu hài hước, óc sáng tạo, tài nấu ăn, sự duy linh, đạo đức, bản năng giới tính, trực giác, khả năng khứu giác, khả năng ngoại cảm, khả năng ghi nhớ, trí khôn ngoan, khả năng kỹ thuật, cảm nhận chung và trí thông minh đường phố. Nếu bạn cảm thấy một trong số những dạng trên xứng đáng được tính đến trong thuyết trí thông minh đa dạng, hoặc bạn có những dạng khác mà bạn tin rằng đủ điều kiện là một dạng thông minh, lời khuyên của tôi sẽ là hãy đi qua từng bước của tám tiêu chí được thảo luận ở trên và quyết định xem nó có đáp ứng tất cả mọi tiêu chí không. Ví dụ, nếu bạn thấy khiếu hài hước xứng đáng được liệt vào danh sách như là một trí thông minh, cố gắng khám phá xem khiếu hài hước có thể bị làm suy yếu một cách có chọn lọc do não bị phá hủy không, liệu nó có những cách thức riêng biệt để biểu tượng hóa, liệu vai trò của người hài hước có trải qua các bước phát triển khác nhau, từ người mới vào nghề đến khi đạt tới trình độ điêu luyện hay không, liệu có bằng chứng trong thời kỳ sơ khai của loài người và các loài khác hay không, v.v… Bằng cách thức này, có thể xây dựng một điều kiện cho mười loại thông minh, mười lăm hay ba mươi hoặc nhiều hơn nữa!

Đây là một bằng chứng rõ ràng cho sự hào phóng và tinh thần cởi mở của Howard Gardner khi ông để dành chỗ cho những khả năng mở rộng học thuyết của mình trong tương lai.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.