7 Loại Hình Thông Minh

Chương 2. Trí Thông Minh Ngôn Ngữ



Thể hiện năng khiếu ngôn ngữ của bạn

Tôi vốn là người nghiện nghe đài phát thanh, như một đứa trẻ. Tôi đã từng dành hàng giờ đồng hồ để dò các kênh sóng từ đầu này đến đầu kia của băng tần AM, nghe qua tất cả mỗi thứ một chút, cả âm nhạc, tin tức và giải trí. Nhưng có một kênh trên bảng tần số của đài làm tôi luôn phải nấn ná và kéo dài thời gian ở đây, nghe chăm chú hơn so với tất cả các kênh. Chương trình này có tên là The World Tomorrow (Thế giới ngày mai), do nhà truyền giáo Kerbert W. Amstrong thực hiện. Tôi biết chắc chắn một sự thật là Amstrong có cùng họ với mình, và điều này đã làm tôi thêm phần hứng thú. Nhưng những gì quyến rũ tôi lại chính là âm thanh giọng nói của ông, là những từ ngữ mà ông sử dụng và cái cách mà ông diễn đạt. Tôi bị mê hoặc bởi tài diễn thuyết của ông và thường phải rất khó khăn để tự dứt mình rời khỏi niềm say mê ấy.

Kinh nghiệm ban đầu này đã truyền cho tôi một vốn hiểu biết về khả năng dùng sức mạnh của từ ngữ để đánh lừa con người (tôi đã nhanh chóng biết cách phân biệt giữa nội dung thông điệp của nhà truyền giáo với tài hùng biện của ông). Nhưng nó cũng chỉ ra cho tôi thấy được ngôn ngữ có thể gây cảm hứng, dùng để giải trí và được sử dụng để chỉ dẫn cho con người như thế nào. Điều đó khiến tôi khám phá ra rằng ngôn ngữ tạo ra nhận thức cho con người, là một đại diện cơ bản nhất cho một trong các dạng hành vi của trí thông minh con người. Chương này sẽ khảo sát và tìm hiểu sức mạnh của ngôn ngữ trong cuộc sống của bạn. Nó cũng cho bạn thấy làm cách nào để tập hợp và sắp xếp lại những gì mà bạn đã có về trí thông minh ngôn ngữ, để từ đó bạn nhận được những niềm vui và sự hài lòng nhiều hơn nữa trong cuộc sống, đồng thời tăng cường năng lực nhận thức to lớn đối với những ngôn từ mà bạn nói, đọc và viết hàng ngày.

Sử dụng ngôn ngữ

Trí thông minh ngôn ngữ có lẽ mang tính phổ quát nhất trong số bảy loại hình thông minh được nói đến của thuyết trí thông minh đa dạng. Trong khi xung quanh ta có không nhiều nhà hùng biện thành công và ít khi chúng ta được gặp họ, thì mọi người đều phải học và rèn luyện cách nói, và trong nhiều nền văn hóa, phần lớn các công dân đều có thể đọc và viết thông thạo. Trong nền văn hóa của chúng ta, năng lực về ngôn ngữ được xếp vào một trong số những trí thông minh được chú ý và coi trọng nhất, cùng với kiểu tư duy logic toán học. Chúng ta thực sự ấn tượng và khâm phục những cá nhân nào có vốn từ vựng phong phú. Bằng chứng là sự phổ biến rộng khắp của các quyển sách như: Word Power made easy (Tăng cường sức mạnh của ngôn ngữ thật dễ dàng) hoặc 30 days to a more powerful vocabulary (30 ngày để vốn từ vựng phát triển hơn). Chúng ta kính trọng và ngưỡng mộ những người mà họ có thể diễn đạt lưu loát, thể hiện trôi chảy trước đám đông khán thính giả, như người chủ trì các nghi lễ kỷ niệm, diễn viên tấu hài, chính trị gia lão luyện hay các giám đốc. Chúng ta luôn đề cao những nhà văn, nhà báo, đặt họ ở những vị thế có tiếng tăm, mặc dù không hẳn họ đã là người hay hơn, tốt hơn. Tương tự như vậy, chúng ta coi trọng và nể sợ trước những người học rộng và hiểu biết nhiều.

Điểm mốc làm căn cứ cao nhất để đánh giá về trí thông minh trong nền văn hóa của chúng ta là những bài kiểm tra về chỉ số IQ. Những bài kiểm tra này đều được xây dựng chủ yếu dựa trên những thành phần có tính chất thiên về ngôn ngữ, từ vựng. Nhưng dù sao đi nữa, trí thông minh thực sự về ngôn ngữ vẫn phức tạp và rắc rối hơn rất nhiều so với những khả năng đơn giản như là sự lặp đi lặp lại một cách máy móc những câu trả lời trong các bài kiểm tra trí tuệ tiêu chuẩn. Trí thông minh về ngôn ngữ gồm có nhiều thành phần, bao gồm các mặt: âm tiết, cú pháp, ngữ nghĩa và tính ứng dụng của nó.

Những người có khả năng ngôn ngữ cao có sự nhạy cảm sắc bén với âm thanh hoặc âm tiết của từ ngữ, thường vận dụng cách chơi chữ, sử dụng giai điệu, cách uốn lưỡi, dùng điệp âm, cấu tạo từ tượng thanh và những âm thanh đan xen khác nhau để trêu đùa, nghịch ngợm. Một thí dụ là James Joyce, ông đã sáng tạo ra hàng nghìn trò chơi chữ với những thứ tiếng khác nhau và những mẫu ngữ âm tiếng Ailen đầy biểu cảm thú vị trong các cuốn tiểu thuyết tài hoa của ông như Ulysses và Finnegans Wake.

Những người giỏi tư duy về ngôn ngữ cũng thường tinh thông và thành thạo các kỹ năng vận dụng cấu trúc hoặc cú pháp của câu và cụm từ. Giống như Marcel Proust, nhà văn vĩ đại của nước Pháp, ông có tài kết hợp các mệnh đề liên tiếp với nhau trong một câu dài bằng cả một đoạn, đạt đến mức gây ấn tượng thực sự cho người đọc. Khi ông còn đi học, thầy giáo của Proust hầu như không thể theo kịp ông về khả năng này. Người thầy này thường xuyên phê bình cậu bé Proust về việc viết câu dài liên tục, không ngắt đoạn. Hoặc một người tư duy ngôn ngữ ở mức độ cao như nhà ngữ pháp học căn bản, là người luôn luôn chú ý và tìm ra những lỗi sai sót vụng về thỉnh thoảng vẫn mắc phải trong văn nói và văn viết, xảy ra trong suốt cả cuộc đời của mình hoặc của những người khác.

Những thiên tài ngôn ngữ còn có thể cho chúng ta thấy được sự nhạy cảm của họ đối với từ ngữ thông qua độ chính xác rất cao về nội dung và ngữ nghĩa của từ. Nhà thơ Robert Lowele vốn nổi tiếng và được mọi người đồn là ông có khả năng hiểu được bất kỳ từ nào đưa ra thảo luận trong lớp sáng tác thi ca của ông ở trường Harvard, đồng thời khảo sát xem từ ấy được sử dụng theo những cách khác nhau nào trong lịch sử văn học nước Anh. Tương tự như vậy là trường hợp của Wiliam Satire người chuyên phụ trách chuyên mục của New York Times (Thời báo New York), đã làm nên sự nghiệp bằng việc nghiên cứu khảo sát các từ mới ra đời và những sắc thái ý nghĩa tinh tế của chúng trong quá trình phát triển tự nhiên liên tục của tiếng Anh.

Nhưng có lẽ thành phần quan trọng nhất của trí thông minh về ngôn ngữ là năng lực sử dụng từ ngữ để phục vụ và đạt được những mục tiêu, thành quả thực tế trong cuộc sống (tiêu chuẩn về tính thực dụng của trí thông minh ngôn ngữ). Đó là trí thông minh của Herbert W. Amstrong (trong việc truyền giáo), Joan Rivers (trong ngành giải trí), Isacc Asimov (trong huấn luyện), Winston Churchill (trong việc động viên khích lệ, truyền cảm hứng), hoặc Clarence Darrow (trong việc thuyết phục người khác). Ngôn ngữ vốn không tự bản thân nó tỏa sáng hoặc tự đứng được ở vị trí hàng đầu so với các yếu tố trí tuệ khác, song chính những mục đích mà ngôn ngữ hướng tới và phục vụ đã tôn nó lên, đặt nó vào một vị trí cao trong đời sống. Mục đích của ngôn ngữ trong thực tế đã làm cho cuộc sống thay đổi theo một số cách thức nhất định, dù cho đó chỉ là sự thay đổi rất nhỏ.

Bản chất và cội nguồn của lời nói

Những loại hình văn bản chỉ mới xuất hiện và được phổ biến rộng rãi trong khoảng 6 nghìn năm nay. Trong khi đó, sự xuất hiện của phương pháp thông tin và giao tiếp thông qua lời nói thì khác. Để tìm thời điểm xuất hiện của lời nói, ta phải đi ngược lại thời kỳ của người cổ đại Neanderthal, tức đã có từ 30 nghìn đến 100 nghìn năm về trước. Thậm chí nếu bạn coi âm thanh như những tiếng càu nhàu, lầm bầm từ miệng những chú khỉ là sự bắt đầu của trí thông minh về ngôn ngữ, thì thời điểm xuất hiện của ngôn ngữ còn xa hơn rất nhiều. Trải qua nhiều nghìn năm phát triển như vậy, nền văn hóa của con người đã tạo ra được những truyền thống giàu có trong văn nói vốn rất phức tạp, từ các lịch sử thị tộc cho đến các truyền thuyết thần thoại, các câu chuyện hư cấu, những lời sấm truyền bí ẩn, những câu chuyện ngụ ngôn và các câu chuyện kể khác đã được tạo ra để truyền lại những hiểu biết, chân lý căn bản về quan niệm của người xưa đối với trời đất, thượng đế loài người và tự nhiên. Những truyền thống bằng lời nói truyền miệng này tiếp tục được mở rộng và hoạt động mạnh mẽ ở nhiều nơi trên trái đất. Trong nền văn hóa bền vững của người châu Phi, vị tộc trưởng nhận được một sức mạnh lớn lao từ năng lực tinh thần để đánh bại được các đối thủ một cách hiệu quả. Ở Mêhicô, một ngôn ngữ bản địa đã góp phần tham gia vào cấu tạo nên hơn 400 thuật ngữ, khái niệm có liên quan đến quá trình sử dụng ngôn ngữ. Còn ở vùng Trung Đông, những người nào có khả năng ngâm thơ ở nơi công cộng và có tài nhớ được bộ Kinh Coran thiêng liêng thì đều được ca tụng, tôn vinh, đồng thời có quyền mang một danh hiệu cao quý, được kính trọng gọi là “Hafiz” – những người thuộc lòng Kinh Coran.

Trải qua vài thập kỷ gần đây, văn hóa truyền miệng của chúng ta có vẻ suy giảm đáng kể. Nghệ thuật hùng biện, một thời đã từng là kỹ năng được đánh giá cao, giờ đây đã bị hạ thấp đến mức như một sự xúc phạm (khi cho rằng “đó chỉ đơn thuần là sự hùng biện, hoa mỹ mà thôi”). Chúng ta chỉ còn nhớ lờ mờ về những tài năng diễn thuyết lừng danh trước đây của đất nước mà chúng ta đã từng được nghe nói đến thành công của họ như: bài diễn văn Gettysburg của Lincoln, những bài phát biểu thực sự khuấy động lòng người của Wiliam Jennings Bryan (người đã từng gọi hùng biện là “sự tư duy trên ngọn lửa”) và những cuộc nói chuyện bên cạnh lò sưởi của Franklin Delano Roosevelt. Một nhà bình luận đã đưa ra đề xuất rằng những người dân Mỹ nên quay ngược trở lại những năm 1960, thời có bài phát biểu của Martin Luther King hay diễn văn nhậm chức của John Kenedy, đó là ví dụ về những tài năng hùng biện thực sự trong xã hội của chúng ta.

Cho mãi đến tận những năm 1920 hoặc 1930, theo nhà thơ kiêm nhà phê bình nghệ thuật Donald Hall, chúng ta vẫn sống trong một nền văn hóa “diễn thuyết”. Các gia đình thường xuyên đọc Kinh Thánh, cùng nhau kể chuyện, tham gia vào những cuộc tranh luận, đọc sách ở nơi công cộng và ngâm nga những bài phát biểu ở trong lớp học. Mặc dù vậy, ngày nay việc đọc sách một cách thụ động và xem ti vi dường như đã thế chỗ của người kể chuyện và nhà hùng biện, do mọi người đều muốn nghe các nguồn tin tức hơn. Tôi nhớ lại chuyện đã xảy ra từ nhiều năm trước, khi tôi tham gia vào một nhóm những người Ấn Độ đang ngồi quanh một vòng tròn và cùng nhau chia sẻ những câu chuyện, những bài thơ và nhiều thứ khác. Khi đến lượt mình, tôi đã ngạc nhiên thấy mình bắt đầu ngâm một bài thơ mà tôi chợt nhớ đến, một bài thơ tôi được học từ hồi lớp 6, đó là bài Abou ben Adhem của Leigh Hunt. Điều đó mang lại rất nhiều ý nghĩa đối với tôi, cho tôi biết rằng bài thơ này đã bị giấu kỹ ở một nơi nào đó trong cái kho ký ức của bản thân tôi (và nhờ có không khí của cuộc kể chuyện mà tôi đã nhớ lại).

Bài tập sau đây sẽ giúp bạn nhớ và tìm lại mối liên kết trong tư duy với văn hóa truyền miệng của bạn, đồng thời hỗ trợ bạn trong việc phát triển phương hướng và biện pháp tìm lại nền văn hóa “hùng biện” cho tập thể gia đình và bạn bè.

Học cách khai thác từ nguồn lời nói

Hãy thực hiện hoạt động này với một nhóm ba người hoặc nhiều hơn. Bắt đầu bằng việc đề nghị các thành viên nhóm suy nghĩ xem họ có thể tham gia, đóng góp được điều gì bằng lời nói cho cả nhóm, với một tình huống giả dụ là họ đang cùng nhau bị mắc kẹt trong hầm trú bom sau một cuộc chiến tranh hạt nhân. Tất cả đều không có giấy, bút chì hoặc sách vở gì và phải bắt đầu văn hóa truyền miệng trong những điều kiện ở trạng thái thuở ban đầu của xã hội loài người, giống như thời xa xưa. Họ có thể đóng góp những câu chuyện dân gian, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn về loài vật, truyện ma, các câu đố, những tác phẩm hài hước, truyện cười hay trò chơi uốn lưỡi nào đó. Cũng có thể chỉ là những bài thơ được chọn lọc, những câu nói nổi tiếng, các câu tục ngữ hay những đoạn văn nào mà họ ghi nhớ được và có thể đưa ra chia sẻ cùng với mọi người. Tiến hành thực hiện trò chơi khắp một vòng và luân phiên nhau ngâm, đọc lại những lời nói đặc biệt đã được ghi nhớ và nó sẽ trở thành một phần mới trong cách nói chuyện hàng ngày của bạn. Nếu bạn muốn, hãy ghi âm lại để lưu giữ tất cả những gì đã được bạn bè đóng góp và chia sẻ với nhau trong trò chơi. Bạn cũng có thể làm việc này một mình bằng cách ghi và viết lại những lời nói được hiện ra trong trí nhớ của bạn.

Kinh nghiệm thực tiễn này nhằm khai thác kho báu văn hóa bên trong bạn; nó cũng có thể kích thích bạn, khiến bạn muốn phát triển năng lực ngôn ngữ nói của bạn lên mức độ cao hơn nữa. Sau đây là một số đề nghị đối với bạn: Hãy phân bổ và dành thời gian khoảng vài phút mỗi tuần để ghi nhớ lại một số thành ngữ, đoạn văn trong những tác phẩm văn học yêu thích của bạn. Hoặc sử dụng sách tham khảo, ví dụ như quyển Bartlett’s Familiar Quotations (Những trích dẫn quen thuộc của Bartlett) hay một tuyển tập các bài thơ làm nguồn tài liệu giúp bạn phát triển trí nhớ. Hãy đọc nhiều lần những truyện cổ tích hoặc truyện thần thoại nổi tiếng, như thế bạn sẽ trở nên quen thuộc với chúng, sau đó bạn tập kể lại các câu chuyện đã đọc cho gia đình và bè bạn nghe. Nhà văn hài trên đài phát thanh Garrison Keilor nói rằng, thông thường ông mất từ 10 đến 12 lần lặp lại để có thể kể được chính xác câu chuyện. Hãy đến các ngày hội kể chuyện, những dịp đọc thơ ca ở những nơi mà văn hóa truyền miệng vẫn còn tồn tại và hưng thịnh. Hãy thu thập lấy các băng ghi âm về những nhà kể chuyện thành công trong xã hội (thông thường các dữ liệu này luôn sẵn có ở một thư viện công cộng nào đó) và học lấy cả nội dung cũng như phương pháp kể chuyện từ những băng ghi âm này. Khi nào bạn nhận ra rằng trí nhớ về ngôn từ đã tiến bộ, bạn sẽ thấy là bạn có thể kết hợp những kỹ năng mới này vào các bài phát biểu và các cuộc nói chuyện trong công việc chuyên môn, đưa chúng vào các nội dung trao đổi và thảo luận trong cuộc sống, cũng như sử dụng chúng trong các bức thư, bản báo cáo và những bài viết khác mà bạn cần thực hiện.

Tiếng nói nội tâm bên trong nhà văn

Từ khi chúng ta còn ở trong bụng mẹ và suốt quãng thời gian thơ ấu, thế giới xung quanh chúng ta tràn ngập ngôn ngữ nói. Đa số chúng ta đã học được cách tiếp thu những âm thanh của từ ngữ và tạo ra một kiểu “diễn văn bên trong”, chính chúng đã trở thành những phương tiện và công cụ chủ yếu khi chúng ta suy nghĩ. Một số người cho rằng, khả năng này của tư duy giống như là sự tự trò chuyện, là những lời độc thoại trong nội tâm và chúng luôn ẩn giấu bên dưới bề mặt của quá trình nhận thức, ý thức của con người. James Joyce đã minh họa và làm sáng tỏ quá trình diễn ra những hoạt động nhận thức này như thế nào trong ký ức nhân vật của ông trong trường ca Ulysses. Đặc biệt ở chương cuối cùng, cuốn truyện đã mô tả cho chúng ta thấy được suy nghĩ riêng tư của Molly Bloon khi nhân vật này đang trong trạng thái thiếp đi, chìm dần vào giấc ngủ.

Các nhà văn thường nghĩ về dòng chảy ý thức này như thể có một người nào đó ở trong phòng và thực sự nói chuyện với họ. Nhà văn từng đoạt giải Nobel Saul Bellow cho biết: “Tôi nghĩ là tất cả các nhà văn chúng tôi đều có một người dẫn giải ở bên trong, từ những năm đầu tiên của cuộc đời, đã luôn khuyên nhủ chúng tôi, nói cho chúng tôi biết thế giới thực là cái gì, giống như có một người thực sự bên trong tôi. Từ nguồn gốc nảy sinh ra các từ ngữ lời nói, các vấn đề và đôi khi đó là cả một đoạn văn có chấm câu đầy đủ, hợp lý”. Nhà thơ người Anh Stephen Spender khám phá ra một kinh nghiệm tương tự: “Đôi khi vào những lúc tôi ở trong trạng thái lơ mơ nửa thức, nửa ngủ, tôi nhận thức được rõ ràng một luồng chảy của ngôn từ – lời nói đi qua tâm trí của tôi, chúng không có ý nghĩa nào nhưng chúng có một âm thanh, đó là âm thanh của cảm xúc mạnh mẽ, của niềm hứng khởi, hay là âm thanh làm sống lại chất thi ca mà tôi đã từng biết”.

Bài tập tiếp theo sẽ giúp bạn có khả năng nhận thức được một vài loại trong số những âm thanh này của thế giới ngôn ngữ nội tâm bên trong bạn.

Những hình tượng của ngôn từ (lời nói)

Bạn hãy đọc từng đề mục trong số các mục được nêu ra dưới đây. Đối với mỗi đề mục này, bạn hãy tập thực hành cách “lắng nghe” bằng khả năng nghe bên trong nội tâm của bạn những âm thanh lời nói, theo các nội dung yêu cầu như sau:

Một người đang nói tên của bạn.

Mẹ của bạn đang đọc cho bạn nghe một quyển sách hay một tờ báo nào đó.

Một bài phát biểu của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Một lớp học của trẻ con đang ngâm nga bài Pledge of Allegiance (Bằng chứng của lòng trung thành).

Tiếng nói từ bên trong đang mô tả việc bạn lập kế hoạch gì cho những ngày nghỉ sắp tới.

Một người đàn ông đã chín mươi tuổi đang kể cho bạn câu chuyện về cuộc đời ông ta.

Một đứa trẻ mới năm tuổi đang giải thích cho bạn nghe việc nó xây một lâu đài bằng cát như thế nào.

Một thầy giáo ở trường phổ thông đang giảng bài.

Một người giới thiệu chương trình trên ti vi hay đài phát thanh đang thực hiện tiết mục quảng cáo.

Bạn đừng lo lắng gì nếu bạn gặp khó khăn và không thể thấy được những sự tưởng tượng hay sự hình dung rõ ràng về ngôn ngữ khi thực hiện bài tập này. Rất nhiều nhà văn đã tạo ra được năng lực sử dụng dữ liệu từ các loại trí thông minh khác, bao gồm những hình ảnh trực quan và sự vận động trong công việc sáng tác của họ. Trong trường hợp này, vẫn có những người khác nói và sử dụng ngôn từ trong nội tâm nhà văn, nhưng là trong sự yên lặng chứ không có âm thanh rõ ràng. Một thí dụ là, nhà thơ Amy Lowell đã từng phản ánh: “Tôi không nghe thấy rõ một âm thanh hay giọng nói nào, nhưng tôi nghe thấy những âm thanh yếu ớt đang đọc một đoạn văn”. Bất kể kinh nghiệm thực tế của bạn là gì đi nữa, bài luyện tập này có thể giúp bạn tăng cường khả năng để nghe được những lời bên trong nội tâm. Đây là một năng lực cần thực hành để bạn phát triển sự trôi chảy, lưu loát như khả năng của một nhà văn thực thụ. Bài tập tiếp theo sẽ luyện tập cách sử dụng năng lực sinh ra lời nói từ bên trong này như là biện pháp để vượt qua những cản trở, khó khăn của người sáng tác văn viết và phát triển khả năng “tiếng nói bên trong” ở con người bạn.

Dòng chảy của ngôn từ (lời nói)

Bạn hãy ngồi vào bàn làm việc cùng với vài tờ giấy trắng và mấy cái bút. Hãy nhắm mắt lại và lắng nghe dòng chảy ngầm của lời nói, ngôn từ đang chảy qua tâm trí bạn. Bạn chú ý xem là chúng (dòng chảy ngôn từ) đến theo từng giọt (nếu các lời nói rời rạc, tách biệt nhau), hay đến theo từng dòng nhỏ (nếu chúng thành từng đoạn của câu), hay chúng tuôn chảy ào ạt (lời dẫn giải liên tục) hoặc theo một cách khác nào đó. Sau khoảng hai hay ba phút, lắng nghe bên trong nội tâm, bạn lấy cây bút, và trong khi mắt vẫn nhắm hờ, bạn bắt đầu viết lại chính xác những gì bạn nghe được trong quá trình lắng nghe tâm trí bạn. Thậm chí nếu bạn không nghe thấy gì, thì cứ viết ra những gì mà bạn nghĩ là bạn nghe được, dù những điều ấy rất ít. Hãy thực hiện viết như thế này ít nhất là trong mười lăm phút cho mỗi lần luyện tập.

Sau khi hoàn thành bài thực tập, bạn có thể thu thập được một số lượng lớn các từ ngữ, đoạn văn. Hãy sử dụng kỹ thuật “mồi nước cho máy bơm” này vào bất cứ lúc nào bạn cần, khi bạn đang ngồi ở bàn làm việc mà không thể bắt đầu làm việc được đối với một bài thơ, một câu chuyện, một bản báo cáo, một bài tiểu luận, một bức thư hoặc đơn giản chỉ là bạn cần viết một cái gì đó. Phương pháp “tiến dần” này cũng có thể làm bạn trở nên nhạy cảm, có hứng thú hơn với những tiếng nói đến từ bên trong, giúp bạn hình dung và củng cố rõ nét những âm thanh nội tâm ở trong bạn, đồng thời sáng tạo ra nội dung hội thoại cho các nhân vật khác nhau trong tác phẩm của bạn nếu bạn là nhà văn.

Quá trình sản sinh ra “chuỗi tư duy” về ngôn từ này là một hoạt động liên tục diễn ra đối với những người nào có trí thông minh ngôn ngữ. Thông thường các nhà văn vận dụng dòng chảy ngầm cho việc sáng tác luôn sử dụng các phương tiện, thiết bị ghi với nhiều hình dạng và chủng loại khác nhau để lưu giữ lại các ý tưởng, dòng chảy ngầm trong tư duy. Ca sỹ Isaac Bashews mang theo một cuốn sổ ghi chép nhỏ ở bất cứ nơi nào mà ông đến để ghi lại những ý tưởng nội dung sáng tác. Joyce Carol Oates thì giữ một cuốn nhật ký mà theo ông nói, nó “tương tự như một bức thư đang viết tiếp về bản thân tôi”. Joseph Heller thì luôn có một tập các tấm thẻ nhỏ trong ví của ông để ghi lại những điều đáng chú ý. Jack London viết và sáng tác ngay trên giường ngủ và có cả một hệ thống những dây quần áo và những cái ròng rọc đan chéo nhau qua căn phòng, trên đó ông đã buộc chặt những tâm thẻ với các ý tưởng của câu chuyện. Nhà văn và diễn viên hài kịch Steve Allen có một số lượng lớn các băng ghi âm ở khắp xung quanh nhà ông, vì vậy một trong số chúng có thể luôn sẵn sàng giúp ông làm việc mỗi khi có một ý tưởng lóe sáng trong ông. Mỗi người trong số họ đều nghĩ ra một cách để khai thác và sử dụng được những dòng chảy ngôn từ đi qua bên trong con người họ.

Bạn hãy chọn một phương tiện ghi chép nào đó phù hợp nhất với công việc của mình và sử dụng nó thường xuyên để thu giữ lại kết quả của các “trận bão tư duy” trong tâm trí (nhà tâm lý học người Nga Lev Vygotsky đã từng nói: “Tư duy có thể so sánh với một đám mây báo hiệu cả trận mưa rào của ngôn từ, lời nói”). Nếu bạn gặp phải tình trạng không thể tìm ra ngôn từ thích hợp, không thấy có sự hứng thú thì bạn có thể thử viết về một số trong các chủ đề sau đây, như Natalie Goldberg – tác giả của cuốn Writing Down the Bones đã đề nghị:

– Ký ức đầu tiên của bạn.

– Người mà bạn yêu quý.

– Người yêu quý của bạn đã bị mất.

– Điều đã từng làm bạn hoảng sợ nhất.

– Điều gần gũi nhất mà bạn cảm nhận được từ chúa trời hoặc thiên nhiên.

– Một người thầy của bạn.

– Ký ức và kỷ niệm về người ông, người bà.

– Những kinh nghiệm về tình dục, giới tính đầu tiên của bạn.

– Một quãng thời gian đau yếu.

Trong khi các nhà văn thường rất giỏi trong việc chìm sâu vào thế giới nội tâm bên trong thì đồng thời, phần lớn các nhà văn cũng luôn sử dụng mắt và tai để quan sát, nắm bắt thế giới bên ngoài, để tìm nguồn cảm hứng. Vì thế, những tài liệu là mục tiêu cho các nhà văn đưa vào sổ ghi chép có thể là một trong các dạng sau:

– Những lời nói, thành ngữ hoặc những đoạn văn làm say đắm lòng người mà bạn đã từng được đọc.

– Những điều yêu thích, thú vị mà bạn đã nghe được từ người khác (gồm cả các hình thái ngôn ngữ đặc biệt).

– Những cụm từ kỳ lạ mà bạn nhìn thấy trên bảng yết thị, thông cáo, hoặc trên biển tên nhà hàng, trên các áp phích quảng cáo.

– Những mẩu thông tin tình cờ bạn nắm bắt được khi nghe đài, xem ti vi hay xem phim.

Sổ tay viết văn có thể trở thành một cái kho cho phép bạn chứa đựng trong đó những thứ giúp bạn chế biến, sắp xếp các ý tưởng mới, những dàn ý và các kế hoạch của bạn. Nó cũng có thể được dùng như một thứ ấp ủ cho các bài thơ, các câu chuyện, các bài tiểu luận, những bản báo cáo hay các quyển sách mà bạn định sáng tác. Theo một nghĩa nào đó, sổ tay viết văn là đại diện cho một mối liên kết giữa tâm trí của bạn với thế giới bên ngoài và nó có thể cung cấp công cụ thực hành, giúp tái hiện lại những gì đã đi qua tư duy ngôn ngữ bên trong bạn và thế giới bên ngoài.

Nghệ thuật đọc sách

Một công trình nghiên cứu đồ sộ về vấn nạn mù chữ và thất học tại Mỹ được thực hiện trong hai mươi năm. Hơn 20 triệu người trưởng thành không thể đọc được thực đơn, ký tên hoặc đọc các nội dung chữ in đơn giản; 40 triệu người khác chỉ có khả năng đọc ở trình độ lớp bốn. Nhưng trong khi các con số thống kê này thể hiện một tấn bi kịch quốc gia cùng với những tác động chính trị và các vấn đề xã hội có liên quan, thì nước Mỹ vẫn phải đối mặt với một khó khăn khác, mà thậm chí ta còn không thể gọi rõ được tên, đang ngày càng lan rộng và phổ biến hơn cả vấn nạn nói trên. Đó chính là “bệnh” lười đọc, nghĩa là biết đọc sách nhưng không đọc. Theo kết quả thăm dò dư luận của Viện Gallup trong thời gian gần đây, mỗi ngày một người Mỹ xem ti vi tính trung bình khoảng 2 giờ 38 phút, nghe đài phát thanh khoảng 1 giờ 56 phút, còn đọc sách chỉ khoảng 23 phút. Thêm vào đó, loại văn chương mà người dân Mỹ thích đọc không phải là loại văn có chất lượng cao. Một nghiên cứu mà Tổ chức Di sản Nghệ thuật Quốc gia tiến hành trong năm cho thấy rằng chỉ có từ 7-12% dân số là có thể đọc loại văn chương nghiêm túc, đứng đắn (của các tác giả như Hemingway, Joyce, Updike, Dickens…). Những con số này phần nào nói lên tình trạng nền văn hóa của chúng ta: việc đọc của cá nhân chỉ có một giá trị thấp kém. Điều này thậm chí còn có sức tàn phá và gây hại lớn hơn nhiều so với tình trạng có những người không đọc sách. Kể từ khi sách, báo in được phát minh vào năm 1457, những cuốn sách đã mang kiến thức phục vụ cho một số lượng người đọc khổng lồ, đến mức độ không thể tưởng tượng được và khiến người ta kinh ngạc nếu so với giai đoạn xã hội đang ở trong thời kỳ tiền văn tự. Năng lực và ý nghĩa của việc đọc sách giúp mở rộng thế giới của chúng ta ra ngoài những gì mà năm giác quan cảm nhận trực tiếp, điều này chưa bao giờ được mô tả một cách rõ nét và xác thực như trong đoạn văn sau đây của Helen Keller: “Văn học là xã hội lý tưởng của tôi. Ở đó tôi không bao giờ bị mất quyền công dân. Không có sự cản trở nào đối với ý thức và cảm giác trong tôi, làm tôi không được hưởng những bài diễn văn ngọt ngào, tao nhã từ những người bạn sách của tôi. Chúng nói chuyện với tôi không hề có chút bối rối hoặc vụng về”. Những quyển sách có sức mạnh thay đổi cả cuộc sống, từ đó làm thay đổi cả những kết cấu vững chắc của nền văn minh. Martin Luther đã cảm động đến mức cải đạo Thiên Chúa của mình sau khi đọc tác phẩm Epistle to the Romans (Thư gửi các tín đồ Thiên Chúa) của Thánh Paul. Charles Darwin đã phát triển học thuyết tiến hóa của ông nhờ vào việc đọc tác phẩm của Malthus bàn về dân cư, dân số. Freud công nhận rằng tiểu luận của Goethe có tên là Fragment Upon Nature (Tác phẩm chưa hoàn thành của tạo hóa) đã khuyến khích ông tiếp tục theo đuổi ngành y khoa (và đã đi đến cùng chuyên khoa phân tâm học) như một nghề thực thụ. Nhà văn Harold Brodkey chỉ ra rằng ở châu Âu “mọi người đều biết việc đọc sách là rất có lợi. Việc đọc sách luôn mở đường dẫn lối cho những thay đổi tiến bộ của cá nhân và xã hội. Thậm chí đôi khi điều này là không thể bị đảo ngược”. Dù sao đi nữa, có gần một nửa người Mỹ đã từng được nghe nhắc đến những tác giả nổi tiếng như là James Joyce, Herman Melville, Virginia Woolf hay Gustave Flaubert.

Bài tập tiếp theo sẽ tìm hiểu, khám phá mức độ ham đọc sách trong con người bạn, hay còn gọi là tình yêu đối với sách.

Sách trong cuộc đời của bạn

Bạn hãy chia một tờ giấy trắng ra làm bốn cột dọc. Trong cột thứ nhất, bạn liệt kê những quyển sách quan trọng, có nhiều ý nghĩa với bạn từ thời thơ ấu (gồm cả những quyển sách mà bạn tự đọc lấy lẫn những quyển mà bạn được người khác đọc cho nghe). Trong cột thứ hai, hãy viết ra bốn hoặc năm cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc sống của bạn, những cuốn làm bạn nhìn thế giới theo một cách khác đi hoặc dẫn đến những thay đổi đáng kể trong cuộc đời bạn. Nội dung ở cột thứ ba bao gồm các quyển sách mà nếu như ngày mai bạn chết đi, thì bạn sẽ cảm thấy hối tiếc vì chưa đọc được. Ở cột cuối cùng, bạn liệt kê tất cả các quyển sách mà bạn đã đọc trong suốt mười hai tháng vừa qua. Hãy rủ thêm một người bạn nữa, cũng tiến hành làm bài tập này như vậy và sau đó cùng nói chuyện với nhau về những kinh nghiệm đối với sách báo. Bạn sử dụng bài tập trên làm cơ sở để suy nghĩ xem liệu bạn muốn tạo ra thói quen đọc sách của mình như thế nào trong tương lai.

Thật kỳ lạ là trong nền văn hóa của chúng ta, khi tiến hành phát triển hoặc trau dồi kỹ năng văn học cho một người thì điều quan trọng được tập trung chú ý lại thường là khả năng đọc nhanh. Điều ấy gần như là một nghịch lý bởi vì người Mỹ, vốn luôn phải lo lắng đối phó với tình trạng quá tải thông tin trong vài thập kỷ vừa qua, lại muốn thực hiện việc đọc sách của họ một cách thật nhanh chóng và vô cảm đến mức mà họ có thể. Thật ra, “đọc nhanh” là một thuật ngữ. Các cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mắt của con người có thể đọc tối đa 800 đến 900 từ trong một phút, bởi vì các bắp cơ thần kinh giới hạn cử động của mắt chỉ đạt đến một tốc độ tối đa nhất định nào đó, và rằng phần lớn những người đọc nhanh nhất đều bị mất đi khả năng hiểu biết đầy đủ nội dung khi đọc 500 đến 600 từ trong một phút. Điều này trái ngược với những tuyên bố của các chuyên gia về khả năng đọc nhanh, họ nói rằng trong các thí nghiệm của họ, các sinh viên được rèn luyện có khả năng đọc nhanh đến cỡ 10 nghìn từ (thậm chí là hàng trăm nghìn từ) trong một phút. Trên thực tế, những gì mà họ dạy là cách xem lướt qua, lượm lặt các từ khóa, các câu chủ đề, tóm tắt và các đặc điểm khác của cuốn sách để chắt lọc lại các điểm then chốt. Tác giả, đồng thời là nhà giáo dục, Mortimer Adler gọi cách đọc này là đọc kiểu kiểm tra: Đó là quá trình mà nhờ đó, người đọc phát triển kỹ năng trong việc lượm lặt một cách có hệ thống và phương pháp nội dung một cuốn sách, để xác định rõ những thông điệp mà cuốn sách muốn nói. Theo Adler, thậm chí có đến 99% các cuốn sách ta không cần phải đọc kỹ lưỡng. Vì vậy, việc lượm lặt thông tin trong cuốn sách cũng đáp ứng được mục tiêu của việc đọc sách như yêu cầu cần phải có.

Việc đọc sách kiểu kiểm tra rà soát trái ngược hẳn so với một số phương pháp đọc sách khác (có thể quan trọng hơn). Phương pháp đọc sách này cho phép người đọc có một thời gian nhất định để lần nữa, nán lại ở những từ ngữ thú vị, đọc lại các đoạn văn ưa thích và thưởng thức ý nghĩa của các ý tưởng và hình ảnh mà không phải chịu một áp lực khó chịu nào. Tác giả William Gass viết về kiểu đọc sách này: “Mỗi trang sách là một đồng cỏ và chúng ta giống như một bầy đàn đang đói được thả ra để thoải mái ăn cỏ”. Đọc sách bằng cách mấp máy môi hay đọc thầm (một thời được các giáo viên chuyên sửa chữa cách đọc sách coi là thứ ngôn ngữ “không – không”) và một vốn từ vựng đầy đủ là phần quan trọng của kiểu đọc sách này. Những bài thực hành dưới đây giúp cho tâm hồn người đọc kết nối được với các âm thanh của ngôn ngữ và cuối cùng là với chính các từ gốc của ngôn ngữ, giống như khi còn có văn hóa truyền miệng ở thời Trung cổ, khi mà người ta thường đọc to.

Bài tập sau đây nhằm gợi lại cho bạn cảm giác được vui chơi và khoái cảm khi đọc sách theo nhịp độ riêng của bản thân mỗi người, đây là một quá trình đôi khi được gọi là đọc sách giải trí (xuất phát từ tiếng Latinh, ludere, nghĩa là “vui chơi giải trí”).

Đọc để giải trí

Bạn hãy chọn một cuốn sách mà bạn đã từng yêu thích trong quá khứ hoặc một quyển sách mà bạn thực sự muốn dành cho nó một khoảng “thời gian chất lượng” để đọc ngay bây giờ. Khi đọc được các từ hoặc cụm từ làm cho bạn thích thú, bạn hãy tự đọc khẽ hoặc đọc to nó lên cho chính mình nghe. Nếu có một đoạn vẫn khó hiểu, bạn hãy dành thời gian để đọc nó một cách chậm rãi và nếu cần, hãy lật xem lại cả những trang sách trước đó để làm rõ nghĩa và hiểu được đoạn văn ấy. Hãy tự cho phép mình được sử dụng cả những loại trí thông minh khác khi đọc sách, hay hình dung ra các quang cảnh, cảm nhận những cảm xúc tự nhiên, lắng nghe những âm thanh không lời hoặc những bản nhạc được nói đến trong cuốn sách. Hãy tự cảm nhận và diễn đạt sự xúc động cùng những điều tương tự như thế. Nếu muốn, bạn hãy sử dụng một cây bút đánh dấu để gạch chân những đoạn văn mà bạn ưa thích nhất. Dành thời gian làm như vậy thật lâu mỗi khi bạn muốn.

Những người đọc giải trí tự cho phép bị sách lôi cuốn là vì lợi ích của chính bản thân họ. Không có gì quyến rũ đối với họ hơn là việc nằm cuộn tròn trên giường để đọc một quyển sách hay và chìm đắm vào nội dung trong các trang sách. Những người đọc để giải trí không bị lệ thuộc vào một danh sách các đầu sách có sẵn được đưa vào trong bảng liệt kê nhằm hướng dẫn việc đọc sách (mặc dù những người đó vẫn cần đến các bản kê khai này ở một mức độ nhất định. Tác phẩm Lifetime Reading Plan – Kế hoạch đọc sách suốt đời, của Clifton Fadiman là một hướng dẫn lý tưởng khi bạn bắt đầu quá trình đọc sách). Hơn thế nữa, họ – những người đọc sách – bị lôi cuốn đến với sách theo bản năng, về mặt này, Alan Bloom, tác giả của cuốn The Closing of the American Mind (Điều cuối cùng trong ký ức người Mỹ) đã chỉ ra rằng: “Nói chung, một người đọc sách không cần đưa ra tiêu chuẩn về sách phải đọc. Trên thực tế tôi nghĩ rằng những bảng kê tên sách như vậy là khá ngớ ngẩn. Điều quan trọng nhất chính là việc tìm lấy một quyển sách và đi theo những gì mà nó dẫn dắt”.

Tìm niềm hứng khởi trong ngôn từ

Quá trình đọc sách để giải trí có thể dẫn dắt người ta đi đến một dạng khác của sự đam mê ngôn ngữ, đó là khi một người thích thú đương đầu với từng từ riêng lẻ. Điều này rất quan trọng khi ta thấy rằng những đứa trẻ – chúng luôn luôn chơi đùa với lời nói và âm thanh của lời nói ngay ở những giai đoạn bập bẹ đầu tiên – có thể học được khoảng 5.000 từ mới mỗi năm trong giai đoạn từ năm sáu tuổi đến năm mười tuổi. Trong khi đó, đối với người trưởng thành, tính trung bình mỗi người chỉ biết thêm 50 từ mới mỗi năm. Điều tôi muốn nói ở đây là tình trạng học từ mới kém cỏi như vậy xảy ra ở người trưởng thành bởi vì họ đã đánh mất sự cảm nhận đối với những điều huyền bí và sức cuốn hút của từ ngữ, lời nói. Hiểu theo một nghĩa nhất định nào đó, mỗi một từ đều là những giá trị văn hóa và tinh thần nổi lên trên những đợt sóng lịch sử. Từ ngữ trong tiếng Anh là sự hiện diện của kết quả cả một quá trình tiến hóa, có nguồn gốc ban đầu từ ngôn ngữ cổ xưa, và ở mỗi một bước tiến của lịch sử lại trải qua một quá trình sàng lọc, tinh chế, cải tiến nó trong việc đánh vần, phát âm hay ý nghĩa mà nó chứa đựng, cho đến khi mỗi từ đạt đến trạng thái hiện nay như được ghi trong từ điển (và nó vẫn đang còn “tiếp tục tiến triển”).

Bài tập sau đây sẽ giúp bạn đánh giá lớp nền móng có nhiều tầng này của ngôn từ và hỗ trợ bạn trong việc phát triển được một vốn từ vựng giàu có, phong phú hơn.

Khảo sát về nguồn gốc của từ ngữ

Bạn hãy viết ra một tờ giấy tất cả những từ mới mà bạn gặp phải trong quá trình đọc sách hoặc lưu giữ chúng ở một phần đặc biệt trong cuốn sổ tay viết văn của bạn. Trong số các từ đó, hãy chọn lấy một từ mà bạn đặc biệt yêu thích để tiến hành tìm hiểu. Hãy đến một thư viện và tra từ này trong từ điển. Công việc này đòi hỏi mất nhiều công sức lần theo dấu vết để tìm ra nguồn gốc của từ đó, và cung cấp cho bạn các ví dụ về cách sử dụng nó trong văn học, đồng thời chỉ ra cho bạn thấy một từ được cải biên và tiến hóa như thế nào qua thời gian. Trên một tờ giấy trắng, bạn hãy vẽ nhiều đường thẳng nằm ngang, phân cách thành các khoảng đều đặn và bằng nhau trên trang giấy, hình dung như các lớp địa chất khác nhau. Ở phần đầu tờ giấy, hãy viết ra các định nghĩa và cách đánh vần hiện hành đã được công nhận rộng rãi của từ đó. Trong mỗi lớp tiếp theo ở bên dưới (hoặc cột nằm ngang) theo chiều từ trên xuống dưới của tờ giấy, bạn hãy chỉ ra cách từ đó được sử dụng trong những thời kỳ trước đó (bao gồm các ví dụ và thời gian sử dụng, cùng với các cách đánh vần đã thay đổi nếu chúng có thể áp dụng được). Phần cuối cùng của trang giấy, hãy đưa ra từ gốc của từ bạn đang quan tâm trong các ngôn ngữ khác nhau.

Khi thực hiện những công việc khó khăn là đào sâu vào lịch sử của các từ ngữ này, bạn cũng có thể tiếp cận được với nhiều từ không quen thuộc với một trạng thái kỳ lạ. Giống như Willard Espy, tác giả cuốn The Game of Words (Chơi chữ), đã diễn tả về điều đó: “Học các từ mới trong khi chúng vẫn còn đang rất mới mẻ, để chúng có thể được nhận biết tốt hơn. Đưa chúng vào các thủ thuật và trò chơi mỗi khi có dịp. Điều quan trọng nữa là hãy tìm cách kết hợp và đưa các từ mới vào trong nội dung bài viết và quá trình giao tiếp của bạn”.

Bạn phải cảm thấy thật thoải mái và thích thú khi dùng lặp lại các từ mới và khám phá cách gieo vần của chúng, cũng như các từ lặp âm đầu, các từ bị che khuất ở bên trong của những từ lớn hơn, các từ đồng nghĩa, trái nghĩa và các định nghĩa hài hước về những từ mà bạn mới tìm thấy này.

Hầu như chắc chắn rằng các trò chơi ngôn từ là cách tốt nhất để học từ mới và phát triển hơn nữa sự mềm dẻo, linh hoạt trong việc sử dụng những từ đã biết. Ước tính một ngày có khoảng 30 triệu người Mỹ giải các câu đố về trò chơi ô chữ có trong khoảng hơn 1.700 tờ báo khác nhau. Các bộ trò chơi sắp chữ được tìm thấy ở 27% số hộ gia đình người Mỹ và kể từ năm 1931 đến nay, đã có 100 triệu bộ đồ chơi như vậy được bán hết trên phạm vi toàn thế giới. Có rất nhiều loại trò chơi khác nhau, luôn có sẵn trong các kho chứa đồ chơi ở khắp đất nước Mỹ, không kể nhiều trò chơi mới hàng năm được đưa ra bày bán trên thị trường. Tuy nhiên, cũng có nhiều trò chơi về ngôn từ có tính mở, không bị hạn chế và bạn có thể chơi các trò này mà không cần các tấm bảng hay các tạp chí, chúng sẽ làm trí thông minh về ngôn ngữ của bạn được đa dạng và phong phú hơn.

Đây là ba trò chơi để bạn có thể bắt đầu (ngoài ra còn nhiều trò khác mà bạn có thể tìm thấy trong các cuốn sách trò chơi ngôn ngữ, được liệt kê ở mục giải trí):

– Trò Tic-tac-toe: Chơi như trò chơi cờ ca-rô thông thường, nhưng người chơi dùng các chữ cái để thay thế cho dấu gạch chéo và dấu 0 trong trò chơi cờ ca-rô, người chơi cần tạo ra được một từ chính xác bằng các chữ cái viết liền nhau theo đường thẳng hoặc đường chéo. Với mỗi một chữ cái trong từ được tạo ra, người chơi nhận được một điểm.

– Bậc thang ngôn từ: Hãy chọn hai từ có số lượng chữ bằng nhau, người chơi cố gắng tìm cách biến đổi từ thứ nhất sang từ thứ hai bằng cách thay đổi mỗi lần một chữ cái với số bước thực hiện ít nhất. Mỗi bước phải tạo ra được một từ có ý nghĩa (thí dụ như từ saw và but, các bước chơi thực hiện lần lượt có các từ như sau: saw, sat, bat, but).

– Trò chơi từ điển đánh lừa: Mỗi người chơi hãy chọn lấy một từ mới nào đó trong từ điển, đồng thời đưa ra cả lời định nghĩa chính xác của từ và lời định nghĩa “đánh lừa” mà anh ta vừa tạo ra ngay lúc đó. Những người cùng chơi khác phải xem xét và quyết định xem định nghĩa nào đúng, định nghĩa nào sai.

Ngôn ngữ có thể đáp ứng được sự khám phá, khảo sát của chúng ta với một thời lượng vô tận, khi chúng ta tiến hành các thử nghiệm với nó, lập các trò chơi với nó, làm sáng tỏ ý nghĩa, tạo ra, biến đổi nó, xuyên tạc, bóp méo nó, phát triển và mở rộng nó, hay thực hiện các sửa đổi khác đối với nó để phù hợp với bất kỳ kích cỡ nào của từ mà chúng ta chọn lựa. Theo quá trình đó, chúng ta có thể nhận thầy rằng trí tuệ của bản thân đã được mở rộng và tiến bộ thêm, rằng ngôn ngữ là một công cụ tư duy không bị giới hạn. Việc sử dụng ngôn ngữ một cách có chủ ý theo cách làm như trên làm tăng thêm sức mạnh cho trí thông minh của chúng ta, đồng thời chúng ta cũng nhận ra được sự phong phú và đa dạng trong tính chất thực dụng của ngôn từ. Mặt khác, những cách làm này cũng rất thú vị và giúp ta giải trí.

25 CÁCH PHÁT TRIỂN TRÍ THÔNG MINH NGÔN NGỮ

– Bạn hãy tham gia hội nghị chuyên đề về sách hay.

– Tổ chức các buổi liên hoan, gặp gỡ với chủ đề là các hoạt động nghề nghiệp thông thường.

– Chơi các trò chơi ngôn từ (ví dụ như trò đảo ngữ, xếp chữ hoặc trò chơi ô chữ).

– Tham gia một câu lạc bộ sách.

– Tham gia hội nghị của các nhà văn hoặc một lớp học, một hội thảo về viết văn trong trường đại học địa phương.

– Tham gia các buổi đăng ký tên sách hoặc các sự kiện khác có tính đề cao, tôn vinh các nhà văn đã thành công trên văn đàn.

– Tự ghi âm lời nói của bạn và bật lại để nghe.

– Thường xuyên đi đến thư viện và các nhà sách.

– Đặt mua dài hạn một tờ báo có chất lượng cao nào đó (ví dụ như tờ Thời báo New York, Bưu điện Washington…) và đọc chúng thường xuyên.

– Hãy đọc mỗi tuần một cuốn sách và tự xây dựng một thư viện của riêng bạn.

– Tham gia câu lạc bộ những nhà hùng biện (ví dụ như câu lạc bộ “Những người chủ trì có tầm cỡ quốc tế”) hoặc chuẩn bị một cuộc nói chuyện trong khoảng mười phút không theo một nghi lễ nhất định nào cho một công việc hay một sự kiện của cộng đồng.

– Học cách sử dụng bộ vi xử lý từ ngữ.

– Hãy nghe băng ghi âm của các diễn giả nổi tiếng, các nhà thơ và những người kể chuyện (tìm và ghi lấy tên của họ trong các tài liệu ở thư viện).

– Hãy luôn giữ một cuốn nhật ký bên mình và mỗi ngày viết khoảng 250 từ về bất cứ điều gì có trong trí nhớ của bạn. Hãy quan tâm và chú ý đến những kiểu nói khác nhau (như các hình thái ngôn ngữ, cách diễn đạt bằng tiếng lóng, ngữ điệu, từ vựng v.v…) của những người khác nhau mà bạn thường gặp hàng ngày.

– Dành thời gian nói chuyện thường xuyên với gia đình và bạn bè.

– Hãy tạo ra các trò chơi chữ, các câu đố, các trò đùa của riêng bạn.

– Tham dự hội thảo về việc đọc nhanh.

– Dạy cho người mù chữ, thất học thông qua các tổ chức tình nguyện.

– Ghi nhớ, học thuộc tất cả các bài thơ hoặc những đoạn văn xuôi nổi tiếng.

– Thuê, mượn hoặc mua các băng ghi âm về những tác phẩm văn học hay và nghe chúng mỗi khi rảnh rỗi hoặc vào những thời gian thuận tiện trong ngày.

– Đánh dấu, khoanh tròn những từ ngữ mới mà bạn bắt gặp trong quá trình đọc sách, sau đó tìm hiểu chúng trong từ điển.

– Hãy mua từ điển đồng nghĩa và trái nghĩa, từ điển gieo vần, sách về các gốc từ và sổ tay thực hành về văn phong, sau đó sử dụng chúng thường xuyên trong các bài viết của bạn.

– Đến lễ hội của những người kể chuyện và học hỏi nghệ thuật kể chuyện.

– Mỗi ngày hãy sử dụng thêm một từ mới.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.