7 Loại Hình Thông Minh
Chương 5. Trí Thông Minh Vận Động Cơ Thể
Sự thông thái của cơ thể bạn
Trong bộ sưu tập những truyện ngắn kinh điển của James Joyce, có một truyện ngắn mang tựa đề Dubliners (Người Dublin). Câu chuyện đã miêu tả một cách tuyệt vời hình ảnh một nhân viên thu ngân của ngân hàng, đó là ông James Duffy, một người sống ẩn dật cạnh nhà máy bia ở ngoại ô Dublin. Duffy gặp gỡ và có tình cảm với một phụ nữ trí thức đầy nhiệt huyết, nhưng mối quan hệ đã đổ vỡ khi một lần người phụ nữ ấy tát vào mặt ông. Khi miêu tả nhân vật Duffy, James Joyce đã dùng những lời khác thường như: “Anh ta sống mà phần thể chất và phần tinh thần tách rời nhau”. Điều này với Joyce có nghĩa như là anh ta sống trong nhà tù của tinh thần và tách biệt hoàn toàn với thế giới cảm giác bên ngoài. Đặc điểm tính cách mà Joyce miêu tả là mẫu nhân vật điển hình cho con người ngày nay – một ví dụ rất rõ ràng về sự tách biệt giữa phần năng lực thể chất và phần năng lực tinh thần của con người trong xã hội hiện đại.
Thời cổ xưa, cơ thể và tinh thần con người được coi như một khối thống nhất. Người Hy Lạp đánh giá cao việc luyện tập thể chất và coi đó là một yếu tố quan trọng để tu dưỡng sức mạnh tinh thần. Người La Mã cũng thế, họ đã thể hiện cho chúng ta thấy hình ảnh người đàn ông với “một tinh thần lành mạnh trong một cơ thể tráng kiện”. Hàng ngàn năm qua, các nền văn hóa phương Đông đã theo đuổi việc phát triển tinh thần thông qua các hành vi hoạt động của cơ thể như luyện tập yoga, võ dưỡng sinh Trung Hoa và võ Aikido. Tuy nhiên, trong nền văn hóa phương Tây, người Thiên Chúa giáo thời Trung cổ đã hạ thấp vai trò của thân thể, coi thân thể như một phương tiện phục vụ tinh thần. Còn các nhà tư tưởng trong thời kỳ Khai sáng không quan tâm tới phần cơ thể và chỉ tìm cách phát triển trí tuệ mà thôi. Như nhà triết học người Pháp René Descartes đã nói từ gần 400 năm trước: “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại”.
Câu nói nổi tiếng của Descartes đã biến chúng ta thành người như nhân vật Duffy. Hoạt động trí tuệ được xác định hầu như chỉ gồm có tư duy logic toán học và khả năng ngôn ngữ. Hoạt động cơ bắp được đặt ở cấp thấp hơn và được giới hạn vào các hoạt động trong phòng ngủ, trên du thuyền và các cuộc dã ngoại. Thậm chí tới tận ngày nay, với nhiều người Mỹ đang học tập thời kỳ Phục hưng để sở hữu một cơ thể khỏe mạnh và sung sức, việc rèn luyện thân thể thường gắn với các thiết bị hỗ trợ luyện tập, các chương trình kiểm soát cân nặng và các khóa học quần vợt, chứ không phải với những hoạt động phải làm bằng trí óc. Các vận động viên thường được xem như “thứ đồ hạ giá” và các công việc cần sự khéo léo của đôi tay bị coi là cấp thấp so với thế giới “cao sang” của hoạt động khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Học thuyết trí thông minh đa dạng tìm cách lấp đầy khoảng cách giữa tinh thần và thể xác bằng cách coi những hoạt động thể chất như một dạng của thông minh. Cốt lõi của trí thông minh vận động cơ thể là khả năng điều khiển một cách thuần thục các chuyển động cơ thể của con người (đó là trí tuệ của các vận động viên, vũ công, diễn viên kịch câm và diễn viên đóng phim) và năng lực sử dụng đôi tay để điều khiển các vật một cách khéo léo (đó là trí thông minh của nhà điêu khắc, thợ mộc, thợ hàn và thợ may). Chương này sẽ miêu tả nhiều khía cạnh khác nhau của năng khiếu vận động thân thể trong các hoạt động của con người, đồng thời khảo sát các phương pháp khai thác và sử dụng loại năng khiếu này, nhằm giúp bạn không chỉ nâng cao hơn nữa năng lực hoạt động mà còn tăng cường hiệu quả cho năng lực tư duy.
Còn hơn cả thể dục nhịp điệu
Bạn có thể ngọ nguậy đôi tai không? Chúng ta thậm chí còn không cố thử làm điều đó khi chúng ta còn là những đứa trẻ. Bạn có thế nhào lộn không? Phần lớn trong chúng ta thậm chí còn không dám thực hiện bất cứ một động tác nào. Hình như là, nếu chúng ta đã dành thời gian để luyện tập cơ thể, thì chúng ta lại dồn sự quan tâm cho các hoạt động thể chất được coi là “quan trọng” như chạy bộ hoặc thể dục nhịp điệu và đã tiêu phí hết khoảng thời gian rỗi có được. Tuy nhiên có thể nhờ những loại kỹ thuật tập luyện như thế mà bạn có được cảm giác tốt hơn về năng khiếu vận động của bản thân, so với việc bạn chỉ thực hiện động tác đứng – ngồi hoặc hít đất trong vài phút. Các chuyên gia sức khỏe có ý kiến rằng, thực ra có một số kỹ năng nhất định trong năng lực thể chất, bao gồm cả sức mạnh, khả năng chịu đựng, khả năng thích ứng, khả năng giữ bình tĩnh, sự khéo léo, khả năng diễn tả, khả năng phối hợp động tác và phản xạ tốt. Nhưng chỉ hai năng lực đầu tiên trong số đó được xã hội chúng ta quan tâm xem xét và rèn luyện.
Tuy nhiên, các nền văn hóa khác, trừ văn hóa phương Tây, đã dành rất nhiều thời gian để phát triển hầu hết các dạng năng lực còn lại. Người Nhật dành một vị trí cực kỳ quan trọng cho việc phát triển tư thế đàng hoàng, đĩnh đạc và phong thái trang nhã, thanh lịch, hình thành những kỹ xảo thực sự như nghi lễ Trà đạo và nghi thức trong môn Aikido. Trẻ em Bali thì lại dành rất nhiều thời gian rảnh rỗi chơi với các đốt ngón tay của chúng để đạt được độ mềm dẻo và khéo léo, để đáp ứng được những yêu cầu cao trong các điệu nhảy truyền thống rất khó và phức tạp. Những bé trai ở New Guinea, từ 5-6 tuổi đã bắt đầu học chèo xuồng ở một khoảng cách rộng với nhiều tình huống khác nhau như giữ cân bằng, lái và đẩy sào nhằm luyện tập cho cơ thể những kỹ năng thân thể điêu luyện.
Những bài tập dưới đây sẽ giúp bạn được trải nghiệm với những loại tài năng đó và cho phép bạn tự đánh giá mức độ trí thông minh vận động cơ thể của mình, với hàng loạt những loại kỹ năng khác nhau (kỹ năng chủ yếu cần thiết cho từng hoạt động được viết trong dấu ngoặc đơn).
Các bài tập kiểm tra vận động cơ thể
– Đứng trên một chân giống như một chú cò trong khi mắt nhắm chặt lại. Bạn đứng được như thế trong bao nhiêu lâu? (Khả năng giữ thăng bằng).
– Ném một nắm giấy đã vo tròn vào sọt rác đặt cách khoảng 20m. Tăng hoặc giảm khoảng cách đó nhằm điều chỉnh độ khó của bài tập (Khả năng phối hợp vận động của cơ thể).
– Hãy viết tên của bạn bằng các ngón chân. Hãy xem liệu chân bên phải hay chân bên trái hoàn thành được công việc này tốt hơn (Sự khéo léo).
– Hãy xem liệu bạn có khả năng gãi tất cả mọi chỗ đằng sau lưng chỉ bằng các ngón tay hay không (Sự mềm dẻo).
– Lăn tròn như một bánh xe (Khả năng phối hợp vận động của cơ thể).
– Xây dựng một ngôi nhà năm tầng thu nhỏ bằng các quân bài tú lơ khơ (Sự khéo léo).
– Đi bộ trên mép đường nơi có gờ vỉa hè bằng bê tông (Khả năng giữ thăng bằng).
– Hãy sử dụng một vài cái nhíp để chuyển một trăm hạt gạo từ chiếc bát này sang chiếc bát khác trong thời gian càng ngắn càng tốt (Sự khéo léo).
– Chơi trò Slap-Jack (Vỗ vào quân J) với những con bài tú lơ khơ. Những người tham gia chơi lần lượt lấy từng con bài trong bộ bài của mình và mọi người cùng một lúc búng con bài vào giữa chồng bài, khi nào xuất hiện con J thì người nào nhanh tay vỗ vào quân J đầu tiên sẽ được thu toàn bộ các quân bài ở dưới (Phản xạ).
– Hãy chơi vật tay với một người nào đó và chúng ta sẽ biết được khả năng của mình đến đâu (Sức mạnh).
– Chỉ sử dụng cơ thể của bạn để “nói” về khái niệm “Sự bình đẳng” (Khả năng diễn đạt).
– Hãy đi nghỉ cuối tuần bằng tàu thủy, đi bộ ít nhất năm dặm một ngày với điều kiện bạn cần được bác sỹ kiểm tra và cho phép, để đề phòng biên cố về sức khỏe (Sự dẻo dai).
Nếu bạn không thực hiện được hết những bài tập đã nói ở trên thì cũng đừng lo lắng. Luyện tập sẽ giúp chúng ta hoàn thiện hơn (hãy xem “25 cách phát triển trí thông minh vận động thân thể của bạn”). Phần còn lại của chương này sẽ cho bạn biết làm thế nào phát triển tinh thần của mình thông qua việc nhìn nhận và sử dụng cơ thể như một công cụ tự nhận thức.
Sự thông thái của cơ thể
Trong cơ thể mỗi người, chắc chắn luôn có biểu hiện giống như một thiết bị đo chuẩn xác đối với các sự kiện và quy luật nhận thức. Thông thường nhiều người nói rằng họ có “phản ứng bản năng” để trả lời một câu hỏi kiểm tra hoặc có những “linh cảm” trước một con người, một địa điểm một ý kiến hoặc một sự kiện nào đó. Ví dụ thi sĩ người Anh là A.E. Housman đã ghi lại những dấu hiệu biểu lộ của cơ thể mình, khi có một ý tưởng sáng tạo đặc biệt xuất hiện trong ông:
Kinh nghiệm đã dạy tôi cách kiểm soát những ý tưởng chợt xuất hiện và tồn tại trong đầu. Khi tôi cạo râu vào buổi sáng, nếu có những vần thơ chảy trong tư duy thì lông tơ trên da thịt tôi dựng đứng lên đến nỗi lưỡi dao cạo cũng phải ngừng lại. Những dấu hiệu đặc biệt như rùng mình “ớn lạnh” cũng xuất hiện, đồng thời có một cái gì đấy bóp nghẹt cổ họng tôi và nước mắt tôi chực trào ra; và còn có một điều mà tôi chỉ có thể miêu tả băng cách mượn những lời nói của Keat trong lá thư cuối cùng gửi cho Fanny Brawne: “Tất cả mọi điều nhắc tôi nhớ tới cô ấy đã vụt qua trong tôi như một ngôi sao băng.” Những cảm xúc này nằm sâu trong đáy lòng tôi.
Giáo viên nghệ thuật Viktor Lowenfeld đã đề cập đến một loại tính cách gọi là haptic (có nguồn gốc trong tiếng Hy Lạp là từ haptos, nghĩa là “trong trạng thái hoạt động”), dùng cho người có đặc điểm tiếp nhận thông tin chủ yếu thông qua sự vận động của cơ thể. Lowenfeld nói rằng: “Kiểu người haptic sử dụng những cảm giác cơ bắp, những kinh nghiệm vận động, những cảm xúc xuất phát từ việc động chạm trực tiếp và tất cả những kinh nghiệm thực tế để thiết lập mối quan hệ với thế giới bên ngoài”. Theo nghiên cứu của Lowenfeld xấp xỉ khoảng 1/4 số người có biểu hiện rõ rệt về khả năng nhận thức kiểu haptic, 3/4 số người còn lại có ít nhất một vài biểu hiện về khả năng nhạy cảm với những vận động của cơ thể.
Bài tập sau đây sẽ giúp bạn xác định và sử dụng được nguồn thông tin quan trọng này để giải quyết những vấn đề vướng mắc và đưa ra những quyết định trong cuộc sống hàng ngày.
Các phản ứng bản năng
Hãy tập trung chú ý vào một vấn đề cá nhân hoặc nghề nghiệp mà hiện tại bạn đang phải đối mặt. Bạn hãy tìm ra bản chất của vấn đề rồi viết lên phần đầu một trang giấy (càng rõ ràng bao nhiêu càng giúp giải quyết vấn đề tốt bấy nhiêu). Tiếp đến, bạn liệt kê ra tất cả các giải pháp có thể giải quyết vấn đề. Sau đó hãy làm như sau: đặt tờ giấy đó sang bên cạnh trong một khoảng thời gian ngắn và tập trung sự chú ý vào cơ thể của bạn; cảm nhận sự tiếp xúc giữa phần cơ thể của bạn với sàn nhà và ghế ngồi, giữa da thịt với quần áo. Bạn hãy cảm nhận bất kỳ trạng thái kích thích nào đối với các cơ bắp hoặc những cảm giác khác trong cơ thể. Tiếp đến, chuyển sự chú ý của bạn tới những giải pháp đã được liệt kê lên trang giấy ở trên. Đọc lần lượt từng giải pháp, sau mỗi giải pháp, dừng lại một lúc để ghi nhận bất kỳ sự thay đổi nào trong cơ thể. Chú ý đặc biệt đến trạng thái thả lỏng hay căng cứng của các cơ bắp như cơ hoành, cơ bụng, cơ cổ, cơ vai hoặc cơ ngực, những phản ứng này có thể mang đến cho bạn dấu hiệu đầu mối để nhận biết đâu là “điều đúng đắn” hoặc đâu là “điều sai lầm” của từng giải pháp riêng biệt. Đồng thời, bạn cũng tìm xem có những phản ứng khác của cơ thể hay không, chẳng hạn như cảm giác kiến bò hoặc nóng ran ở trên da, dựng tóc gáy, máy mắt, đau ở đâu đó trên cơ thể hoặc những cảm giác như bị bỏng hoặc nóng ấm ở một số vùng trên cơ thể. Bạn gạch bỏ đi những giải pháp gây ra phản ứng tiêu cực và cảm giác khó chịu nhất cho cơ thể. Khoanh tròn giải pháp (Hoặc những giải pháp) mang lại phản ứng thể chất tích cực nhất hay mang lại “cảm giác bản năng” cho bạn.
Mặc dù bài tập trên chắc chắn không phải là giải pháp cho mọi khó khăn, nhưng nó có thể mở ra một cánh cửa nhận thức mới về thế giới, về những phản ứng thuận chiều tích cực diễn ra trong cơ thể bạn (ví dụ những cảm giác có nguồn gốc từ các cơ bắp hoặc những bó gân), mà trước đây có thể bạn không coi là một phương pháp tư duy đúng đắn. Bạn cũng có thể sử dụng sự “hiểu biết về cơ thể” khi làm các bài kiểm tra (chọn câu trả lời nào có cảm giác đúng), khi đọc sách (lưu ý các phản ứng bản năng của bạn đối với những ý tưởng đặc biệt, các điểm đặc trưng và cách diễn đạt thú vị), khi viết và soát lỗi chính tả hoặc khi giải quyết những công việc hàng ngày khác. Thậm chí khi chọn lựa bạn bè hoặc đối tác làm ăn, bạn cũng thường xuyên cảm nhận được những điều tốt lành, nên tránh xa những người mang đến cho bạn cảm giác khó chịu hay đau đớn ở cổ.
Tư thế hoàn hảo
Chúng ta đã nhận thấy cách cơ thể biểu hiện ra ngoài những gì được tinh thần nuôi dưỡng và che giấu. Nhưng điều ngược lại cũng luôn đúng: những thay đổi tinh vi trên cơ thể cũng có thể ảnh hưởng mạnh mẽ tới những diễn biến trong tinh thần. Nhà văn Pháp Marcel Proust đã sử dụng những cảm giác haptic được trau chuốt kỹ lưỡng của mình để khám phá ảnh hưởng của cơ thể lên trí não, trong một kiệt tác của ông, A la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất). Như ông kể lại, một lần đang đi bộ dọc theo một con đường nhỏ trải sỏi trong ngôi nhà của người bạn ở thị trấn, ông chợt cảm thấy trong cơ thể mình xuất hiện một cảm giác quen thuộc mà ông không thể xác định được rõ ràng. Sau một hồi phân tích và xem xét nội tâm, cuối cùng ông đã nhớ lại được cái cảm giác mà ông đã từng có nhiều năm về trước, trong chuyến đi du lịch ở Italy, khi ông đi trên những vỉa hè ghồ ghề. Ở đâu đó trên cơ thể ông đã ghi lại sự kiện này và chỉ một tư thế cũng làm sống lại trong trí nhớ ông tất cả những ký ức xa xưa.
Sự tái hiện trong trí nhớ của Proust cho thấy tầm quan trọng của tư thế cơ thể trong tư duy. Từ hàng nghìn năm nay, các nền văn hóa, trừ nền văn hóa phương Tây, đã biết đến các hiện tượng tâm lý. Ví dụ ở Ấn Độ, người ta tin rằng các tư thế Yoga hay Asana khác nhau đem lại một trạng thái tinh thần đặc biệt tỉnh táo cho người thực hành. Còn phương Tây có truyền thống sử dụng từ tư thế để diễn tả những biểu hiện cơ thể, bộc lộ thái độ của một người.
Gần đây các nhà giáo dục đã bắt đầu phát hiện ra rằng tư thế cũng là yếu tố quan trọng để nâng cao hay kìm hãm sự sáng tạo và thành tích học tập của học sinh. Khi dạy học ở Anh, Michael Gelb nhận thấy, khi phải đối mặt với bài toán hay bài đọc khó học sinh thường căng người ra và có tư thế gò bó trong khi tìm câu trả lời. Khi Gelb giúp chúng sửa lại tư thế ngồi và chỉ cho chúng cách hít thở với một tư thế thoải mái hơn thì có vẻ như câu trả lời thường được tìm ra nhanh chóng. Một số nhà khoa học cũng đã chỉ ra rằng tư thế không hợp lý sẽ ngăn cản lượng oxy trong máu đưa lên não, vì vậy, giữ đầu thẳng với thân người khi ngồi, đứng và đi có thể cải thiện được năng lực nhận thức của con người. Bài tập sau đây sẽ hướng dẫn bạn các tư thế giúp cải thiện khả năng tư duy.
Tư thế ngồi
Bây giờ, bạn hãy xác định tư thế của mình khi đang đọc cuốn sách này. Bạn ngồi thẳng hay cong lưng? Đầu bạn đã thẳng với phần thân hay chưa? Có sự căng cứng nào ở tay, chân, cổ, bụng, đùi không? Bạn có khó thở không? Trước khi quyết định thay đổi tư thế, hãy xem kỹ lại tư thế hiện nay của bạn. Sau đó, hãy quyết định một cách sáng suốt và dứt khoát, thay đổi sang tư thế thoải mái cho cổ, đầu và thân mình, chú ý xem bạn cảm thấy cơ thể đổi khác như thế nào và nhịp hơi thở thay đổi ra sao khi bạn đổi tư thế. Sau đó, đọc tiếp và chú ý xem có sự thay đổi nào không về tốc độ đọc, khả năng đọc hiểu và cả quá trình tư duy của bạn nói chung.
Bởi vì rất khó xác định một cách hoàn toàn khách quan tư thế ngồi của mình nên bạn có thể ngồi trước gương, chụp ảnh hay quay video ghi lại dáng ngồi khi bạn học, cả trước và sau khi thay đổi tư thế. Sau đó tiến hành kiểm tra kết quả để tìm hiểu xem có nhiều sự cải thiện như bạn muốn hay không.
Sự tư duy trong khi chuyển động
Những cử động cơ thể cũng là yếu tố quan trọng trong việc cải thiện quá trình nhận thức. Nhiều nhà tư duy sáng tạo đã tổng kết rằng đi bộ hay chạy giúp nâng cao năng lực nhận thức của họ. Nhà phát minh Edwin Land đang đi dạo ngoài trời thì nảy ra ý tưởng phát minh ra máy ảnh Polaroid. Tchaikovsky thường mang theo bút chì và giấy viết nhạc trong các cuộc dạo bộ hàng ngày và đã sáng tác được rất nhiều nhạc phẩm. Thomas Mann đã viết: “Rất nhiều sáng tác của tôi đã được thai nghén trong các cuộc đi dạo. Tôi cũng coi các hoạt động ngoài trời là cách tốt nhất để tiếp thêm nguồn năng lượng cho tôi sáng tác”.
Các giai thoại trên củng cố quan điểm về vai trò của sự phát triển thân thể; quan điểm này nhấn mạnh tầm quan trọng của các môn đi bộ, chạy bộ, khiêu vũ và các hoạt động thể chất ngoài trời khác, có tác dụng rất lớn trong việc phát triển và mở rộng các chức năng nhận thức. Các nhà khoa học tại Trung tâm Y tế Salt Lake báo cáo rằng, những người già đi bộ ba lần một tuần, mỗi lần một giờ và kéo dài như vậy trong khoảng bốn tháng, sẽ cải thiện được mức độ phản ứng cũng như các chức năng thị lực và trí nhớ so với những người ít vận động, không tập luyện hàng ngày. Theo một nghiên cứu khác trên 200 người thường xuyên chạy bộ ở Trung tâm Khoa học sức khỏe Oregon, 60% trong số đó nhận thấy chạy bộ giúp họ có các ý tưởng độc đáo tự nhiên nảy sinh mà chỉ cần cố gắng rất ít. Rất nhiều người có bút chì và giấy viết trong túi để ghi lại các ý tưởng ngay khi họ nghĩ ra. Bài tập sau sẽ giúp bạn khai thác các ý tưởng nảy ra “trong khi chạy”.
Bài tập đi bộ
Mang theo một chiếc máy ghi âm khi đi hoặc chạy bộ (nếu bạn trên năm mươi lăm tuổi hoặc đang phải chữa bệnh, hãy tập luyện dưới sự giám sát của bác sỹ). Trong khi luyện tập hãy để tâm tư bạn thật thoải mái và tự do thưởng thức khung cảnh thiên nhiên. Khi ý tưởng đến với bạn, hãy nói to chúng lên và ghi âm lại (bạn đừng chạy nhanh quá để giọng nói được rõ ràng). Sau khi tập xong, hãy nghe lại đoạn băng và viết ra hoặc phác họa lại những ý tưởng mà bạn thích để ghi nhớ hoặc tiếp tục phát triển chúng.
Không nên quá lạm dụng bài tập này. Thông thường đi bộ hay chạy bộ thường giúp bạn quên đi những công việc và khó khăn hằng ngày. Ghi âm có thể vô tình làm cho bạn trong lúc nghỉ ngơi phải tập trung vào những trách nhiệm cá nhân hay công việc. Có thể bạn nên giới hạn bài tập này mỗi tuần một lần, hoặc chỉ cần luôn có băng ghi âm hay sổ ghi chép bên người để sử dụng sau những buổi tập định kỳ.
Hãy coi việc sử dụng các bài tập luyện như thế này là cách “động não” tốt nhất. Một ngày nào đó, tôi không nhớ được tên bạn học, nhưng khi tôi mở quyển sổ có lưu những tấm ảnh của họ ra thì đột nhiên những cái tên sẽ quay lại trong trí nhớ của tôi, như thể quá trình thực tế đi đến giá sách và lấy ra một cuốn sách, nhắc nhở trí não vận động trở lại. Đôi khi, tôi nhận ra rằng, nếu tôi đang bị mất tập trung hay phải vật lộn với một khó khăn nào đó, một vài động tác như ngã người trên ghế bành, nghe nhạc, khiêu vũ, tập Yoga có thể giúp luồng suy nghĩ trở nên thông suốt. Lần sau khi bạn mất tập trung, hãy thử vận động và bạn sẽ thấy kết quả của nó.
Các cơ bắp của trí tuệ
Theo Jean Piaget, người Thụy Sỹ, một nhà nghiên cứu về trẻ em, trong hai năm đầu đời của một đứa trẻ, tất cả các suy nghĩ ảo diễn ra trên toàn bộ cơ thể của nó. Piaget coi khoảng thời gian này là một giai đoạn “vận động cảm giác” trong sự phát triển khả năng nhận biết của trẻ em. Trẻ em cầm, nắm, xiết, trườn hay liếm, chạy nhảy, lăn lê và dần dần tạo dựng được một hình ảnh về thế giới. Khi đứa trẻ lớn lên và kiểm soát tốt hơn các hoạt động cơ thể nhờ tiếp xúc với môi trường xung quanh, các hoạt động thể chất trở nên hướng nội. Một đứa trẻ lớn hơn có thể tưởng tượng việc ăn bánh, chơi đùa với con chó, xây lâu đài cát mà không cần thực hiện những hoạt động này trong thực tế. Hoạt động thể chất diễn ra thầm lặng hơn và phát triển mạnh mẽ như những thành phần sông động bên trong tư duy của chúng ở mức độ trừu tượng cao nhất.
Việc quan sát các nhà tư tưởng vĩ đại nhất trên thế giới cho thấy khả năng tư duy tưởng tượng góp phần quan trọng như thế nào trong quá trình sáng tạo của họ. Khi được hỏi về cách giải quyết khó khăn, Albert Einstein đã trả lời: “Từ hay ngôn ngữ, khi được viết hay nói ra dường như không có vai trò gì trong bộ máy tư duy của tôi. Các thực thể tâm linh, có vẻ đóng vai trò là các thành phần của tư duy, là một vài ký hiệu và một số hình ảnh rõ nét hay mờ. Trong trường hợp của tôi, các thành phần nói trên là những hình ảnh trực quan và một vài dạng cảm nhận cơ bắp”. Một ví dụ nữa về loại tư duy vận động này là ý tưởng lạ kỳ của Einstein khi còn trẻ: ông tưởng tượng mình đang cưỡi trên đầu một chùm tia sáng. Cảm giác cưỡi trên một chùm tia sáng ở tốc độ cao đến rợn người trong trí tưởng tượng đã cho phép Einstein trải nghiệm một cách bản năng những điều kiện, trong đó tính tương đối của thời gian và không gian được bộc lộ.
Nhiều nhà tư tưởng nổi tiếng khác cũng có khả năng tư duy bằng hình ảnh khi tìm cách vượt qua những thử thách chuyên môn quan trọng. Henri Poincaré đã viết về những nỗ lực của bản thân khi giải quyết các vấn đề toán học đặc biệt hóc búa như sau:
Hàng ngày tôi ngồi ở bàn làm việc từ một đến hai tiếng, cố gắng kết hợp một lượng lớn các con số lại với nhau mà không đem lại kết quả. Một buổi tối, khác với thường lệ, tôi uống một cốc cà phê đen và không ngủ được. Các ý tưởng bất ngờ hiện ra dày đặc, tôi thấy chúng xung đột với nhau cho tới khi gắn khít với nhau thành cặp, và như vậy tôi chỉ việc phát biểu lại và đưa ra công thức. Sáng hôm sau, tôi đã thiết lập được sự tồn tại của một nhóm các hàm Fuchsian, xuất phát từ các chuỗi siêu hình học. Tôi chỉ việc viết chúng ra trong vài giờ.
Tương tự như vậy, Igor Stravinsky cũng nói rằng, ý tưởng cho kiệt tác Le Sacre du Printeinps (Lễ hội mùa xuân) đến với ông trong giấc mơ về nghi lễ “một cô gái đồng trinh được chọn làm vật tế thần đã nhảy vũ điệu tự nguyện đi đến cái chết”. Hình ảnh xuất hiện trong tư duy của những nhà tư tưởng này đều do chuyển động sinh ra với nhiều hành động, kịch bản và sự dịch chuyển khác nhau.
Hình ảnh cũng có thể có được nhờ việc “thực hành”. William James đã viết về cách dùng “ngón tay trí tuệ” chạm vào rìa cạnh các con chữ trong bảng chữ cái để nhận biết được chúng. Những thực nghiệm như vậy gợi mở cho ta thấy sự tồn tại của một loại “cơ thể vận động” mà mắt ta không nhìn thấy được, tiềm ẩn bên trong cơ thể vật lý thực tại của chúng ta. Loại “cơ thể” này gồm có các hình ảnh “phản ứng thuận chiều tích cực” hoặc hình bóng của cảm giác nội tại trên làn da, các cơ bắp, các bó gân và những vùng khác trên cơ thể. Ví dụ, trong số những người khuyết tật bị mất tay chân, rất nhiều người thường xuyên nói rằng họ có cảm giác ở những bộ phận giả được lắp vào cơ thể. Những người khuyết tật này rõ ràng là có kinh nghiệm vận động tay hoặc chân ở những phần cơ thể bị thiếu của họ.
Bài tập dưới đây sẽ giúp bạn tiến tới nhận thức được sự vận động cơ thể của bản thân bạn và sử dụng nó để tăng cường năng lực giải quyết các vấn đề khó khăn.
Rèn luyện phần cơ thể ảo
Nằm dưới đất trong một tư thế thoải mái. Hít thở sâu một lúc và sau đó bắt đầu tập trung vào việc cảm nhận cơ thể, khởi đầu từ mặt, đầu rồi dồn dần xuống cẳng chân và bàn chân. Sau một khoảng thời gian tập trung nhận thức phần cơ thể vật lý, hãy tập trung vào nhận thức các phần khác nhau của cơ thể vận động. Giữ cánh tay của bạn ở trên sàn nhà và tưởng tượng nâng cánh tay vận động (hay cánh tay áo) lên vuông góc với cơ thể. Bạn hãy cảm nhận các cảm giác bắp cơ trong cánh tay áo khi làm điều này. Sau đó hạ chúng xuống sàn. Rồi lại nâng cái chân ảo lên khỏi sàn vài cm, vẫn giữ chân của bạn trên sàn và tiếp tục cảm nhận các cảm giác cơ bắp của cái chân ảo khi bạn làm động tác này. Sau đó hạ chúng xuống sàn. Rồi bạn tiếp tục nằm thẳng trên nền nhà, sau đó nhấc phần thân ảo khỏi sàn nhà và bắt đầu đi vòng quanh. Tiếp theo, phần thân ảo bắt đầu nhảy lên và rơi xuống. Hãy cảm nhận từng cơ bắp trong cơ thể ảo khi bạn làm điều này. Sau đó bạn tiếp tục tưởng tượng là có một tấm đệm lò xo ở đó và bạn bắt đầu bật lên, rơi xuống trên tấm đệm. Bạn hãy cảm nhận xem cảm giác vận động ở cơ hoành và dạ dày của bạn ra sao khi bạn làm như vậy. Bây giờ bỏ tấm đệm lò xo đi và tưởng tượng rằng có người nào đó đã đặt những vật có kết cấu khác nhau lên một mặt bàn tưởng tượng để cho bạn cảm nhận chúng, chẳng hạn như một tờ giấy nhám, một tờ giấy bẫy ruồi có dính keo, một tấm lụa mịn màng và mềm mại hoặc một tờ giấy lấy dấu vân tay lem luốc. Bạn dành thời gian để “ngồi” bằng cơ thể ảo và “cảm nhận” các kết cấu vật chất nói trên bằng những ngón tay ảo. Sau đó, khi bạn cảm thấy đã sẵn sàng, đưa cơ thể ảo trở lại mặt sàn và hòa hợp vào phần cơ thể vật lý. Vẫn tiếp tục nằm trên sàn một lúc nữa, đồng thời cảm nhận sự tiếp xúc, va chạm giữa cơ thể vật lý với sàn nhà, cuối cùng bạn mới đứng dậy.
Bài tập này bắt đầu kết nối bạn với các cảm giác vận động tinh tế trong quá trình tưởng tượng của bản thân. Bạn có thể ứng dụng chúng bằng các cách khác nhau trong thực tế. Các vận động viên dùng cách tập này để nhẩm lại trong đầu các kỹ năng, nhằm làm chủ được chúng. Một lần Jack Nicklaus đạt được 10 điểm môn đánh gôn bằng cú đánh mà ông học được từ giấc mơ (đối với nhiều người, cơ thể “mơ” cũng giống như cơ thể ảo). Các họa sỹ sử dụng sự tưởng tượng haptic trong quá trình sáng tạo nghệ thuật. Theo phản ảnh lại từ các nhà điêu khắc, Henry Moore đã bình luận: “Nhà điêu khắc tưởng tượng được trong đầu mình hình dáng của vật thể giống hệt như trong thực tế. Họ làm được việc này với bất cứ kích cỡ nào của vật thể, như thể họ cầm chúng trọn vẹn trong lòng bàn tay”. Bạn có thể sử dụng quá trình tập vận động trong đầu là chủ yếu, để “đi dạo” suốt ngày theo cách của mình, đồng thời nhận biết các cảm giác của xương cốt, cơ bắp, cảm nhận vẻ đẹp, sự tự tin, sự cân đối và dáng điệu uyển chuyển của mình. Đó cũng chính là những thứ mà bạn cần đến, dù trong bất kỳ hoàn cảnh xã hội hay ở địa vị cá nhân nào. Bài tập tiếp theo sẽ giúp bạn thực hiện điều này.
Bài thực hành vận động
Chọn một kỹ năng vận động mà bạn quan tâm và muốn thực hiện tốt hơn. Mục tiêu của bạn có thể là hoàn thiện một cú đánh tennis hay golf, thể hiện một phong thái đẹp mắt riêng biệt trong công việc hoặc trong các hoạt động xã hội, chạy nhanh hơn, hoặc giỏi hơn trong bất kỳ hoạt động nào. Hãy tưởng tượng rằng bạn đang thực hiện kỹ năng đó một cách hoàn hảo. Đặc biệt tập trung vào các cảm giác vận động gắn liền với sự thành công của lĩnh vực này. Cảm nhận các tư thế nội tại ở các cơ bắp, cảm giác được sự phối hợp động tác của các phần cơ thể cùng tham gia hoạt động. Thử nghiệm và đánh giá mức độ cảm nhận bản năng nhằm đạt đến mục đích của hoạt động. Dành thời gian từ năm đến mười phút cho bài tập này. Thực hành nó thường xuyên cho tới khi thành công.
Bài tập này nói lên rằng, mặc dù có nhiều cách sử dụng trí thông minh vận động để nâng cao năng lực tư duy của bạn, cơ thể vật lý trong điền kinh, điêu khắc, làm thủ công, trình diễn kịch và nhiều lĩnh vực khác cũng thể hiện trí thông minh theo cách riêng của nó. Không phải cơ thể chỉ thông minh khi được sử dụng để hỗ trợ một loại trí thông minh khác: để đọc tốt hơn, giải toán, tháo gỡ các vấn đề cá nhân khó xử… Sự thông minh của cơ thể là khả năng di chuyển nhanh, động tác xoay trở dứt khoát, điều khiển khéo léo và bật nhảy nhẹ nhàng. Hay nói một cách khác, Wayne Gretsky là một nhà phẫu thuật não bộ tài giỏi trong môn hockey trên băng và Auguste Rodin là Einstein trong ngành điêu khắc. Bằng cách nuôi dưỡng trí thông minh vận động của mình – cho bất cứ mục tiêu nào – bạn có thể bắt đầu giải phóng những năng lực giống như của Wayne Gretsky và Auguste Rodin có trong bạn, giúp cho tinh thần cũng như thể chất kết hợp lại thành một khối thống nhất.
25 CÁCH PHÁT TRIỂN TRÍ THÔNG MINH VẬN ĐỘNG CƠ THỂ
– Tham gia các nhóm cùng làm việc hoặc những đội thể thao cộng đồng (như đội bóng ném, bóng rổ, bóng đá hoặc các môn thể thao đồng đội khác).
– Tập luyện những môn thể thao như bơi, trượt tuyết, golf, tennis hay các môn thể dục.
– Học những môn võ đối kháng như Aikido, Judo hoặc Karatedo.
– Luyện tập thường xuyên và giữ lấy những ý tưởng đã nảy sinh trong quá trình tập luyện.
– Học các môn thủ công như nghề mộc, chạm khắc, dệt hay thêu đan.
– Tham gia các lớp ở một trung tâm cộng đồng để học cách làm việc với đất, đá.
– Học Yoga hay một môn thể thao giúp thư giãn cơ thể và tăng cường nhận thức.
– Chơi các trò chơi điện tử đòi hỏi phải có phản ứng nhanh.
– Học các lớp khiêu vũ hiện đại, cổ điển, ba lê hay những điệu vũ khác hoặc sử dụng thời gian tham gia các hoạt động sáng tạo nghệ thuật.
– Làm các công việc thủ công theo sở thích của bạn khi ở nhà như làm vườn, nấu ăn, trang trí nhà cửa.
– Học ngôn ngữ dấu hiệu hoặc chữ nổi.
– Bịt mắt và để một người dẫn dắt bạn khám phá thế giới xung quanh bằng tay.
– Lắp ráp các vật thể có kết cấu khác nhau (vải, đá mềm, giấy nhám v.v…).
– Đi trên các gờ hoặc bờ viền mép đường hoặc trên các thanh xà thăng bằng để cải thiện khả năng giữ thăng bằng của bạn.
– Làm huấn luyện viên cho một đội bóng chày hoặc một nhóm hay cá nhân chơi thể thao.
– Tự tập nâng tạ hay aerobic dưới sự theo dõi của một bác sỹ hay câu lạc bộ sức khỏe.
– Chơi trò đố chữ với bạn bè hoặc người thân.
– Hãy tập trung quan tâm đến những hoạt động nhận thức cảm giác giúp bạn có thêm những cảm nhận và nhận thức trên cơ thể.
– Làm việc với bác sỹ chuyên khoa tâm lý như Rolting, Alexander hoặc làm bài tập Feldenkrais.
– Học cách massage cho người khác hoặc tự massage cho mình bằng cách sử dụng phương pháp bấm huyệt, nội công hoặc các phương pháp xoa bóp khác.
– Phát triển kỹ năng phối hợp giữa tay và mắt bằng cách chơi bowling, ném bóng chày hoặc trò tung hứng.
– Học các kỹ năng đòi hỏi có xúc giác tốt và khéo léo như đánh máy chữ hay chơi nhạc cụ.
– Lưu giữ những hình ảnh vận động xuất hiện trong giấc mơ và những mộng tưởng ban ngày của bạn.
– Tham gia lớp diễn xuất, kịch câm hay tham gia các nhóm biểu diễn tạp kỹ ở địa phương.
– Tạo ra các thói quen hàng ngày đòi hỏi sự uyển chuyển như nghệ thuật trà đạo của Nhật.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.