7 Loại Hình Thông Minh

Chương 7. Trí Thông Minh Tương Tác Cá Nhân



Mở rộng hiểu biết xã hội của bạn

William Shakespeare, Jane Addams và Lyndon Johnson là những tính cách hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên có một điểm chung xuyên suốt cuộc đời ba nhân vật kiệt xuất này là họ đã đạt được những thành tựu vĩ đại. Mỗi người đều có một khả năng lạ kỳ để hiểu người khác. Shakespeare là người có khả năng thích ứng xã hội rất cao. Theo như nhà phê bình văn học William Hazlitt, Shakespeare “không là gì trong chính bản thân mình, nhưng ông lại là tất cả mọi người, là điều mà họ có thể trở thành. Ông không chỉ có sự nhạy cảm thiên bẩm mà nhờ năng lực trực giác của mình, ông còn có thể hiểu được những thay đổi trong số phận, xung đột về cảm xúc cũng như suy nghĩ của con người”. Đối với Shakespeare, sự hiểu biết xã hội sâu sắc đã góp phần tạo nên thành công cho những vở kịch vĩ đại của ông.

Jane Addam lại biểu lộ tình cảm trực tiếp hơn, thông qua sự gắn bó với những người chịu đau khổ và bị áp bức. Khi còn trẻ, bà nhận ra rằng mình luôn kiệt sức sau các buổi dự giảng, tham quan bảo tàng, nhưng lại rất mạnh mẽ khi tham gia vào công việc từ thiện. Trong lần tới thăm châu Âu khi đã gần 30 tuổi, bà thấy đau xót trước điều kiện sống tồi tệ của các công nhân nhà máy nơi đây và nguyện sẽ thành lập một ngôi nhà định cư ở Mỹ dành cho những người nghèo. Năm 1889, bà lập ra Hull House – sau này trở thành trường đào tạo nhân viên xã hội đầu tiên ở Mỹ. Thông qua Hull House và những dự án khác, Addam đã đấu tranh để có những ngôi nhà với điều kiện tốt hơn dành cho người nghèo, cải thiện phúc lợi, luật lao động trẻ em nghiêm khắc hơn, bảo vệ lao động nữ, quyền lợi của người da đen, thúc đẩy giáo dục cộng đồng và hòa bình thế giới. Khi trao giải Nobel vì hòa bình cho bà năm 1931, Hội đồng giải Nobel đã đánh giá: “Bà Addam không nói nhiều nhưng nhân cách trầm lặng, lòng nhân từ của bà đã tạo bầu không khí thân ái kích thích lòng quan tâm tới mọi người từ đáy lòng của mỗi chúng ta”.

Lyndon Johnson lại thể hiện khả năng giao tiếp xã hội vô cùng lôi cuốn. Cuốn tiểu sử của Johnson đã miêu tả cách ông tiến lên nấc thang chính trị của Mỹ nhẹ nhàng và khéo léo như thế nào. Một nhà bình luận chính trị ở Washington nhận xét: “Rất nhiều nhà chính trị có thể tươi cười và tỏ ra tôn trọng mọi người nhưng Johnson thì không chỉ có vậy. Bất kể người nào đó nghĩ gì, Lyndon đều nắm bắt được. Bởi vì ông có thể theo kịp ý nghĩ của những người xung quanh và đoán được suy nghĩ sắp diễn ra trong đầu của họ”.

Mỗi nhân vật xuất chúng này đều sở hữu một khả năng tương tác cá nhân tuyệt vời. Điểm cốt lõi ở đây là khả năng phân biệt chính xác ý định, động cơ, tâm trạng, cảm xúc và suy nghĩ của người khác. Theo Howard Gardner: “Trong một xã hội mà mọi thứ luôn biến đổi, ngay cả những điều tưởng như rõ ràng, hiển nhiên nhất thì một nhà lãnh đạo trước hết cần phải là người biết suy xét cẩn trọng, biết cân nhắc trong hành động, nắm bắt được suy nghĩ của người khác, biết suy tính cả lợi ích và thiệt hại. Chỉ những người có khả năng tương tác cá nhân tuyệt vời mới trở thành nhà lãnh đạo như vậy”. Trong Chương 7, chúng ta sẽ đi tìm hiểu những yếu tố hình thành nên khả năng này và hiểu được rõ hơn những nhà ngoại giao, nhà quản lý đã sử dụng nó như thế nào trong công việc của họ. Phần cuối của chương sẽ đưa ra những gợi ý cụ thể nhằm giúp bạn nâng cao khả năng giao tiếp xã hội để cuộc sống của bạn thêm phong phú và bớt đi khoảng cách với mọi người.

Thành kiến xã hội

Hơn hai mươi năm trở lại đây, những nhà tâm lý xã hội đã tìm ra các cơ chế tinh thần phức tạp qua đó con người nghĩ về nhau. Nhiều nghiên cứu cho thấy, chúng ta xây dựng những khung tâm lý phức tạp chỉ dẫn cho thái độ, lòng tin và phản ứng của chúng ta đối với những người ta gặp hàng ngày. Những nhận thức này gồm tập hợp lỏng lẻo những định kiến xã hội (ví dụ như quan niệm người già luôn thích ở nhà và chỉ loanh quanh trong vườn), những đặc điểm cá nhân (ví dụ như quan niệm về một “người lừa phỉnh”), và những hành vi đặc trưng trong các tình huống xã hội (ví dụ như quan niệm chúng ta chỉ thường ngồi một chỗ và nói năng nhỏ nhẹ khi ở trong một nhà hàng sang trọng). Chúng ta luôn sử dụng những khuôn mẫu nhận thức này để ghi lại các ấn tượng ban đầu về nhau, để giải thích và tiên đoán hành động của người khác. Hệ quả là chúng ta gần như sẽ bị sốc khi nhìn thấy một người già trong bộ đồng phục bóng chày đầy hưng phấn, vì hành động này hoàn toàn đi ngược lại với những nếp nghĩ đã tồn tại trước đây.

Tuy nhiên, vì những khuôn mẫu nhận thức đó mà chúng ta thường bị đánh lừa trong cách đánh giá về người khác. Không lâu trước đây, tôi đứng xếp hàng sau một người trong bưu điện và cho rằng đó chỉ là một người vô gia cư hoặc là một bệnh nhân tâm thần. Mọi thứ về cô rõ ràng là như thế hoặc ít nhất tôi cũng nghĩ vậy. Áo chỉ nhét một nửa trong quần, dây giày thì không buộc, đầu tóc lại rối tung và cô còn mang theo một đống những thứ hỗn độn. Tuy nhiên một lúc sau, tôi nhìn rõ hơn một tờ trong tập giấy cô đang cầm và phát hiện ra rằng đó là một bản thảo sắp gửi cho nhà xuất bản. Ở phần ghi địa chỉ người gửi, tôi liếc thấy tên một trong những nhà văn chuyên viết truyện khoa học viễn tưởng nổi tiếng nhất nước.

Bài tập sau đây sẽ cho bạn cơ hội thực hành cách nhận xét về người khác thông qua bề ngoài và chỉ cho bạn thấy những chỉ dẫn và những thành kiến xã hội đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của chúng ta.

Bài tập thực hành

Bạn hãy tới một khu công cộng đông đúc nào đó (công viên, nhà ga, khu buôn bán kinh doanh, v.v…) và tìm cho mình một nơi thật thuận tiện để thực hành bài tập này. Mang theo một tập giấy để ghi chép. Bạn hãy chọn một cá nhân bất kỳ trong số những người xung quanh để quan sát. Hãy viết ra tất cả các ấn tượng bạn có về người này dựa trên những quan sát nhanh của mình (ví dụ như “nguồn gốc”, “một người trẻ tuổi đầy hoài bão” hay chỉ là “một người luôn bị ám ảnh”). Sau khi làm xong, đánh dấu sao vào mỗi mục vừa được liệt kê mà bạn có bằng chứng khẳng định chắc chắn và khoanh tròn những mục dựa trên ít hoặc không có bằng chứng. Sau đó lặp lại toàn bộ quá trình ấy cho ít nhất ba người.

Khi bạn quan sát mọi người trong bài tập trên, bạn sẽ nhận biết được nhiều hơn về họ thông qua công việc hàng ngày. Ngoài ra, bạn cũng sẽ nhận thấy rằng, hầu hết những mối tương tác xã hội phức tạp diễn ra lại không hề dùng tới ngôn ngữ. Những nhà tâm lý học ước tính rằng giao tiếp không dùng lời chiếm khoảng 60% tới 90% trong số lượng thông tin được truyền đạt giữa mọi người cách giao tiếp này chứa đựng rất nhiều dạng hành vi, bao gồm biểu hiện về nét mặt, khoảng cách giữa mọi người, các kiểu tiếp xúc, dáng điệu, cử chỉ và cả ánh mắt. Một chuyên gia về truyền thống, Mario Pel, ước tính con người có thể thực hiện được 700 nghìn loại biểu hiện cơ thể khác nhau. Nhà nghiên cứu ý nghĩa của cử chỉ, Ray Birdwhistell, lại đưa ra con số thống kê rằng, riêng khuôn mặt có thể tạo ra tới 250 nghìn biểu hiện, trong khi một nhà nghiên cứu khác, M. H. Krout, đã tìm ra được 5 nghìn điệu bộ bằng tay riêng biệt, và nhà nghiên cứu cử động cơ thể G. W. Hewes đã phân loại ra 1 nghìn điệu bộ khác nhau.

Phá vỡ luật lệ và quy tắc

Có thể thấy một vài biểu hiện khá phổ biến, ví dụ như biểu hiện về khuôn mặt luôn đi cùng với cảm xúc hạnh phúc, buồn khổ, giận dữ và căm ghét. Tuy nhiên hầu hết những ám hiệu giữa cá nhân với nhau lại biến đổi tùy theo mỗi nền văn hóa. Tôi vẫn nhớ vụ rắc rối với người chở hoa quả tươi ở Paris hai mươi năm trước, khi anh ta chặn tôi giữa đường và tôi đã chỉ tay vào đầu mình với ý rằng anh ta thật là điên rồ. Ở Pháp, cử chỉ này có ý nghĩa mạnh hơn nhiều so với ở Mỹ. Cử chỉ khác, dấu ra hiệu tán thành dường như là thân mật với một người Mỹ, nhưng ở Nigeria nó tương đương với việc tặng cho ai đó “nắm đấm”. Cũng như thế, ở Hy Lạp bạn sẽ bị công kích nếu bạn đập tay giáng xuống cabin ô tô. Ở thời cổ đại, người Hy Lạp thường áp tải tội phạm trên đường phố và bôi phân lên mặt chúng. Tàn dư của hành động này, một tay duỗi mạnh ra, lòng bàn tay quay ra bên ngoài, trong nền văn hóa của họ bị coi là tục tĩu.

Trên thực tế con người đã dùng những ám hiệu xã hội phức tạp để truyền tải cho nhau mọi cảm xúc, mục đích và ý nghĩ. Những tín hiệu rõ ràng nhất luôn mang thông điệp chấp nhận hay bác bỏ hoặc mang ý nghĩa thân thiện hay khiêu khích. Albert Scheflen, hiệu trưởng trường Đại học Y khoa Albert Einstein, gọi những ám hiệu biểu hiện sự chấp nhận, thân thiện là “tương hợp”. Một ví dụ về sự “tương hợp” là hai người đang đi bộ cùng nhau thì có dáng điệu như nhau và sử dụng những động tác tương đồng. Scheflen cũng đề cập tới “sự tách biệt” – khi mà các đôi hay những nhóm nhỏ ngồi học với nhau như một đơn vị xã hội thu nhỏ, quay lưng lại với những người mà họ muốn loại trừ. Nếu bạn đã từng có lần đến gần một nhóm đang nói chuyện với nhau và chợt thấy họ lúng túng, ngượng nghịu, thì bạn hãy hiểu rằng họ không muốn bạn tham gia vào nhóm của họ.

Thành phần quan trọng khác của giao tiếp xã hội bao gồm thông tin về ai chi phối ai (người có ảnh hưởng lớn trong nhóm thường có nhiều quyền can thiệp vào việc của người khác hơn), ai điều khiển được buổi nói chuyện (những cá nhân có ưu thế hơn nói chung thường đặt ra khoảng thời gian tiêu chuẩn cho việc phát biểu của mỗi người), các kiểu ánh mắt (khi nhìn nhau lâu, con người càng dễ bị đối phương thu hút hay khước từ). Tuy nhiên, điều quan trọng cần ghi nhớ là không có ý nghĩa cố định cho bất kỳ một ám hiệu xã hội nào, bởi vì chúng luôn biến đổi với mỗi nền văn hóa khác nhau và được sử dụng tùy theo mục đích của mỗi người. Ví dụ, những đôi yêu nhau trong một nhóm có thể cố ý tránh nhìn nhau để các đồng nghiệp khác không nghi ngờ mối quan hệ của họ.

Bài tập tiếp theo sẽ cho bạn cơ hội thực hành cách tìm ra một số mối quan hệ và giao tiếp đặc trưng đang diễn ra trong các tương tác hàng ngày.

Bài tập thực hành

Hãy tham gia một cuộc gặp mặt xã hội trong đó bạn chỉ quen rất ít người (như một cuộc triển lãm nghệ thuật, một bữa tiệc, một buổi khiêu vũ hay bất kỳ hình thức nào tương tự như vậy). Hãy tìm cho mình một chỗ khuất ở trong phòng và quan sát. Sau đó, bạn hãy phát hiện xem có những mối quan hệ cụ thể nào trong bữa tiệc, bằng việc nhìn vào cách cư xử giữa các đôi hay những nhóm người với nhau. Khi mọi người đi lại trong phòng, hãy chú ý tới những biểu hiện về sự “tương hợp” (bộ đôi hay bộ ba đi lại theo cách tương đồng nhau) và biểu hiện cho sự “tách biệt” (những người ngồi cùng với nhau như một đơn vị khép kín), chú ý xem ai là người nổi trội hơn trong buổi gặp mặt (những ông chủ, vị khách, nhân vật VIP, v.v..) thông qua những khía cạnh về ánh mắt, cử chỉ, tiếp xúc và dáng điệu. Hãy chú ý tói những biểu hiện này vì con người thường bộc lộ cảm xúc sâu xa đối với thế giới bên ngoài thông qua các dấu hiệu riêng biệt. Khi bữa tiệc gần kết thúc, hãy tìm kiếm những dấu hiệu mọi người dùng để ám chỉ là đã đến lúc nên ra về. Nếu có thể, hãy tìm một “người trong cuộc” (người biết nhiều hoặc hầu hết những người có mặt) để kiểm tra một vài phỏng đoán của bạn về các mối quan hệ, các trật tự phân hạng mà bạn đã quan sát được trong suốt cả buổi. Sau đấy, bạn có thể ghi chép lại những quan sát của mình.

Những nhà giao tiếp vĩ đại

Một người giao tiếp giỏi không chỉ có khả năng nắm bắt được suy nghĩ của người khác mà còn biết sử dụng khả năng đó trong giao tiếp sao cho thật hiệu quả. Như ghi chép ở trên, Shakespeare có khả năng hiểu được những suy nghĩ thầm kín của người khác, nhưng trong công việc của mình, ông luôn tranh cãi với đồng nghiệp về việc thể hiện các vở kịch. Còn nhà sáng lập ra thuyết Tâm thần học, Harry Stack Sullivan, cũng phải mất một thời kỳ khó khăn mới hòa hợp được với mọi người xung quanh. Những người giao tiếp giỏi vừa có hiểu biết xã hội vừa có cả khả năng nắm bắt thông tin, vừa có khả năng thương lượng, thuyết phục người khác làm theo một hành động cụ thể, giải quyết mâu thuân giữa các cá nhân, nắm bắt được suy nghĩ và tạo ảnh hưởng tới đồng nghiệp, nhân viên cấp dưới theo nhiều cách khác nhau.

“Bạn sẽ là một nhà lãnh đạo thành công nếu bạn biết cách sử dụng khả năng của mọi người. Trong cuộc sống, chiến thuật tốt nhất là phát huy ưu thế của người khác”, Howard Gardner đã ghi nhận như vậy. Nơi mà khả năng này được thể hiện rõ nhất chính là lĩnh vực kinh doanh. Theo một cuộc nghiên cứu, ở bất kỳ đâu, giao tiếp với nhân viên và đối tác cũng chiếm từ 50% đến 90% quỷ thời gian của nhà quản lý. Nhà quản lý tốt nhất là người giúp nhân viên phát huy được năng lực và hướng họ theo mục đích của công ty. David A. Nadler, một cố vấn điều hành, và Michael L. Tushman, Giáo sư của khoa Đào tạo Thạc sỹ Quản trị kinh doanh thuộc trường Đại học Columbia nhận xét: “Một nhà quản lý lâu năm, thường là tổng giám đốc, luôn toát ra sự khẩn trương, hành động như chất xúc tác và đưa ra những kế hoạch mang tính chiến lược cho tổ chức; ông ta có thể xây dựng mối quan hệ thân thiện với nhân viên cấp dưới và khuyến khích họ tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa cho công ty… Nhà lãnh đạo như vậy có thể huy động được nhiều cá thể, nhiều nhóm và toàn bộ tổ chức làm việc hăng say theo những mục tiêu mới”.

Một phẩm chất quan trọng của người có khả năng tương tác cá nhân là tìm ra được những nhân vật then chốt trong một nhóm và có thể giúp họ đạt được mục tiêu đã đề ra. Lyle Spencer, một nhà tâm lý học của Công ty cố vấn kinh doanh McBer & Company ở Boston, đã báo cáo trong bản điều tra bộ phận công chức nhà nước về một viên chức nổi tiếng của ban đối ngoại, người “đã tham ô một số tiền lớn trong quỹ vốn nước ngoài và người ta đã rất nhanh chóng tìm ra đó chính là cháu trai của phu nhân tổng thống – người thực sự điều khiển chính sách dầu lửa”, đồng thời đưa ra cách để tóm được người này.

Một kỹ năng quản lý khác cũng được nhóm McBer xem là khá quan trọng là tính khách quan: “Tính khách quan luôn cho phép bạn nhìn nhận rõ sự việc và giúp bạn đưa ra những quyết định đúng đắn”. Để đánh giá được năng lực này, McBer & Company đã để mọi người xem một đoạn băng về một buổi họp doanh nghiệp đang có tranh luận khá gay gắt; sau đó hỏi mọi người xem những người trong buổi họp ấy đang suy nghĩ gì và cần làm gì để giúp họ đưa ra những quyết định kinh doanh rõ ràng. Spencer nói: “Những người biết nhìn nhận khách quan đều có khả năng phán đoán ra những vấn đề của một sự việc. Chúng tôi nhận thấy rằng người lãnh đạo tài giỏi nhất luôn thể hiện điều này trong công việc của mình”.

Rèn luyện để trở thành một người giao tiếp giỏi

Nếu bạn vốn không sở hữu một năng khiếu giao tiếp, một giọng nói lôi cuốn, khả năng thuyết phục người khác thì bạn vẫn có thể trở thành một người giao tiếp giỏi thông qua các bài tập trau dồi và rèn luyện khả năng tương tác cá nhân. Robert Bolton, tác giả cuốn sách People skills (Những kỹ năng tương tác xã hội), dạy cách giao tiếp theo bốn kỹ năng cơ bản: nghe, quyết đoán, giải quyết mâu thuẫn và hợp tác. Những gợi ý mà Bolton đưa ra để đạt hiệu quả trong giao tiếp là:

– Đối diện trực tiếp với người nói.

– Duy trì thái độ cởi mở.

– Tránh những cử chỉ, hành động làm rối trí người nghe.

– Sử dụng lợi thế của ánh mắt.

– Sử dụng câu mở đầu phù hợp cho cuộc giao tiếp (ví dụ: “Có cần chú ý nói về điều đó không?”).

– Đưa ra những dấu hiệu đơn giản trong suốt buổi giao tiếp để khuyến khích người nói (ví dụ: “Hãy kể cho tôi nữa đi”).

– Giữ im lặng nhưng vẫn chăm chú khi người khác đang nói.

– Diễn giải lại nội dung chính mà người khác đã nói.

– Hãy phản ánh cảm nhận với người nói (ví dụ: “Cái đó có lẽ không phù hợp với bạn”).

– Tóm tắt ngắn gọn buổi nói chuyện.

Bolton gợi ý nên sử dụng những kỹ năng này bắt đầu từ những tình huống tương đối “an toàn”: thực hành với người mà bạn tin tưởng và đừng ngại mắc lỗi khi bạn phát triển khả năng của mình.

Những kỹ năng này chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ phạm vi năng lực tương tác cá nhân. Việc mô tả thật đầy đủ các kỹ năng cần thiết để trở thành một người giao tiếp giỏi sẽ cẩn nhiều thời gian. Tuy nhiên, vẫn có một số chiến lược chính mang tính quyết định. Có lẽ nhân vật nổi tiếng nhất trong lĩnh vực phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội là Dale Carnegie với những cuốn sách và những khóa học đã đưa ông trở thành một huyền thoại. Trong tác phẩm nổi tiếng của mình, How to Win Friends and Influence People (Kết bạn và gây ảnh hưởng đến người khác như thế nào?), Carnegie đã liệt kê vài điểm có thể giúp mỗi người giao tiếp hiệu quả hơn, bao gồm:

– Không chỉ trích, chê trách hay phàn nàn.

– Đưa ra những đánh giá chân thành và trung thực.

– Quan tâm thật lòng tới người khác.

– Mỉm cười.

– Làm cho người khác thấy rằng họ quan trọng.

– Đặt câu hỏi thay vì đưa ra những mệnh lệnh trực tiếp.

Khả năng giao tiếp xã hội này không phải là một phần đặc trưng của hầu hết các bài kiểm tra trí thông minh, tuy nhiên nó có thể thuộc vào những dạng thông minh quan trọng nhất trong cuộc sống. Theo Robert Bolton, 80% những người gặp thất bại trong công việc đều không có mối quan hệ tốt với người khác. Theo một cuộc nghiên cứu của hai nhà khoa học hành vi Morgan McCall và Michael Lombardo cùng nhóm chuyên gia thuộc 500 công ty hàng đầu do Tạp chí Fortune bình chọn, yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của một nhà quản lý là khả năng thấu hiểu triển vọng của nhân viên mình.

Cũng như vậy, trong cuộc sống cá nhân của mỗi người, khó khăn để tạo dựng và giữ gìn tình bạn, quan hệ gia đình, quan hệ xã hội có thể dẫn tới vô số vấn đề về cảm xúc và tâm lý. Trong một cuộc điều tra ở California về các mối ràng buộc xã hội của con người (hôn nhân, quan hệ gia đình và bạn bè, các tổ chức tôn giáo) thì những người đạt được chỉ số xã hội thấp có khả năng tử vong cao gấp hai lần trong chín năm tiếp theo. James S. House, trưởng khoa Xã hội học trường Đại học Michigan, đã xem xét những tập hợp dữ liệu tương tự và kết luận rằng “thiếu quan hệ xã hội là nguyên nhân lớn gây ra tử vong”. Bài tập sau đây sẽ giúp bạn nhận thức được rõ hơn về hệ thống quan hệ xã hội của bạn.

Sơ đồ về các mối giao tiếp xã hội

Hãy làm bài tập này trên một tờ giấy lớn. Ở giữa tờ giấy vẽ một vòng tròn nhỏ và viết tên bạn vào tâm vòng tròn. Sau đó, vẽ bốn vòng tròn đồng tâm với kích thước tâng dần và để chu vi của vòng tròn cuối cùng vừa khít tờ giấy. Trong vòng tròn thứ nhất (ngoài phần tên của bạn), liệt kê tất cả những người thuộc nhóm “người thân”. Những người này gồm có vợ, chồng hay bạn bè hoặc họ hàng mà bạn sẽ tìm đến khi gặp khó khăn. Trong vòng tròn thứ hai, hãy liệt kê những người mà bạn thường xuyên gặp gỡ, nhưng không gần gũi với bạn như những người ở trên, ở vòng tròn thứ ba, liệt kê những người quan trọng khác trong mối quan hệ xã hội của bạn như người họ hàng thỉnh thoảng bạn vẫn gặp, đồng nghiệp, v.v… Ở vòng tròn cuối cùng, liệt kê ra những mối quan hệ thông thường, càng nhiều càng tốt.

Bạn vừa mới tạo ra một sơ đồ giao tiếp xã hội. Sơ đồ giao tiếp xã hội là bản đồ minh họa được các nhà xã hội học, các nhà tâm lý xã hội, các nhà sư phạm, tâm lý học sử dụng trong nhiều thập kỷ qua nhằm tìm hiểu mối quan hệ giữa các cá nhân. Sơ đồ này đưa ra được ngay lập tức dữ liệu về mạng lưới quan hệ xã hội của bạn.

Cách khác để vẽ sơ đồ giao tiếp xã hội là viết tên bạn vào giữa tờ giấy, khoanh tròn lại và liệt kê ngẫu nhiên tên của những người có ý nghĩa trong cuộc đời bạn xung quanh tờ giấy. Sau đó, dùng đường thẳng nối tên những người này tới vòng tròn ở giữa (hai đường nếu mối quan hệ ấy đặc biệt thân thiết). Bạn hãy chỉ ra luồng chảy quan hệ (một phía hay là cả hai phía) bằng cách đặt mũi tên vào một hoặc cả hai đầu của mỗi đường. Sau khi làm xong, hãy để ý mà xem, bạn là một chú nhím (rất nhiều đường xuất phát từ phía bạn về phía những người khác), một mục tiêu (nhiều mũi tên từ phía người khác chỉ về phía bạn) hay một hình tròn (mũi tên chỉ về cả hai phía). Việc làm bài tập này có thể dẫn đến một số câu hỏi về mối quan hệ của bạn, trong vai trò cá nhân đơn lẻ đối với nền văn hóa rộng lớn xung quanh, như: Quan hệ của bạn với mọi người như thế nào? Ai là người bạn thật sự có thể trông cậy trong lúc khó khăn? Những người bạn quen biết thật sự có ý nghĩa gì với bạn?

Văn hóa “chúng ta”

Gần đây các nhà khoa học bắt đầu tập trung nghiên cứu sâu hơn những nền văn hóa ổn định – bao gồm những người da trắng, phần đông là ở Mỹ, đại diện cho nền văn hóa “cái Tôi” – luôn đánh giá cá nhân cao hơn nhóm và nền văn hóa “chúng ta” – luôn thể hiện tính hợp tác và đoàn kết. Khi cố vấn cho Ban Hỗ trợ người da đỏ (BIA) ở phía nam Dakota một vài năm về trước, tôi đã học được một bài học thú vị về sự khác biệt giữa nền văn hóa “chúng ta” và nền văn hóa “cái Tôi”. Vài năm trước đây, ban này đã đầu tư một số tiền lớn vào nghề thủ công và để người dân trong vùng dần dần tiếp quản nó. Khi việc kinh doanh thất bại, một số quan sát viên đã ghi nhận điều này là do “óc thiếu sáng kiến của người da đỏ”. Tuy nhiên, một buổi nói chuyện với người trong cuộc lại chứng tỏ một điều rất khác. Hóa ra BIA đã áp đặt một mô hình kinh doanh dựa trên những giá trị của nền văn hóa “cái Tôi” kiểu Mỹ: khen thưởng cá nhân, khuyến khích sự cạnh tranh giữa các thành viên và tiến hành những hoạt động liên quan đến “cái Tôi” khác. Xã hội của người dân da đỏ – vốn là một nền văn hóa “chúng ta” – không nghĩ tới khen thưởng và thành công cá nhân đầu tiên. Nguyên tắc kim chỉ nam luôn là “chúng ta” hoạt động, hợp tác cùng nhau, không ai trong số “chúng ta” hành động riêng lẻ cả. Vì vậy, khi người da đỏ không thành công trong việc chuyển sang mô hình làm việc cá nhân thì thất bại của họ đã bị hiểu sai như là hệ quả của việc thiếu động lực làm việc.

Phần lớn dân số thế giới, bao gồm nhiều xã hội ở châu Phi, châu Á, Trung Đông và Mỹ Latinh đều theo mô hình văn hóa “chúng ta”. Hai nhà nghiên cứu về hệ thống quản lý ở Kenya, châu Phi, đã ghi chép rằng: “Trong các bộ tộc ở Kenya, không có ai là một cá thể cô lập cả. Hay đúng hơn, sự đơn lẻ của anh ta (hoặc cô ta) chỉ là một điều thứ yếu… Đầu tiên và trước nhất, anh ta (hoặc cô ta) phải là người cùng nhóm với vài người… Trong hệ thống này, hoạt động nhóm chiếm ưu thế trách nhiệm được chia sẻ và mang tính tập thể”. Ở nền văn hóa Ả rập, mọi cá nhân được nhận diện bởi nét riêng của nhóm (ví dụ, Umar Al Budhadiwi = Umar của bộ tộc Buhadu). Tương tự như vậy, công nhân Nhật Bản, giống những người da đỏ nói đến ở trên, thường gặp khó khăn khi phải làm việc đơn lẻ nhưng lại rất xuất sắc khi làm việc trong một nhóm.

Trớ trêu thay, nước Mỹ (phần lớn là văn hóa “cái Tôi”) lại đang học theo mô hình văn hóa “chúng ta” của nước Nhật để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, cả trong lĩnh vực kinh doanh cũng như trong môi trường giáo dục. Kết quả là các doanh nghiệp Mỹ ngày càng có nhiều “mô hình chung sức” và hợp tác. Trong mô hình chung sức, người công nhân có cơ hội gặp nhau thường xuyên để đóng góp ý tưởng nhằm cải tiến sản phẩm, dịch vụ cũng như củng cố vai trò của mình. Đối với giáo dục, ngày càng có nhiều trường học Mỹ áp dụng mô hình “học nhóm”, trong đó sinh viên làm bài tập như tiểu luận, nghị luận và đề tài khoa học theo nhóm và điểm số thì luôn được tính cho cả nhóm hơn là cho từng cá nhân riêng lẻ.

Rõ ràng là chúng ta thấy ngày càng nhiều những dự án mang tính hợp tác được liên kết bởi một tầm nhìn chung, từ dự án Hands Across America (Những bàn tay trên khắp nước Mỹ) được thực hiện vài năm trước đây để hỗ trợ nạn đói trên thế giới với cố gắng kết nối mọi người từ khắp các châu lục, cho tới dự án The Names Project (Những cái tên) tập hợp hàng nghìn người để may những chiếc chăn tưởng nhớ tới những người bạn và các gia đình đã chết vì AIDS. Ngoài ra những mô hình cộng tác xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp nước Mỹ. Ước tính có tới 15 triệu người Mỹ hiện đang tham gia vào hơn 500 nghìn nhóm trợ giúp nhằm đối phó với các vấn đề như nghiện rượu, nghiện ma túy, rối loạn dinh dưỡng và lạm dụng trẻ em.

Sự gặp gỡ của các ý tưởng

Hoạt động của mỗi quốc gia theo định hướng “chúng ta” đã dẫn tới việc tạo ra một thuật ngữ mới miêu tả sự hình thành các mô hình hợp tác sản xuất, đó là networking (sự liên kết – làm việc theo mạng lưới). Trong khi thuật ngữ này có thể gợi lên hình ảnh những người trẻ tuổi đang trao đổi danh thiếp ở một bữa tiệc đứng, hoặc những nhà sinh thái đang trao đổi các công thức thực phẩm thiên nhiên của họ, thì sự liên kết thật sự đề cập tới quá trình gặp gỡ của những ý tưởng giống nhau giữa mọi người, bất kể mục đích của họ là gì. Theo như nhà tâm lý học Stanley Milgram, trung bình cứ khoảng 1 người trong 5,5 người có thể tìm được người có quan điểm phù hợp với mình. Điều này có nghĩa là, bạn có thể không mấy khó khăn để thấy được một người hay một nhóm trong nước có cùng phương án, quan điểm hoặc thái độ để giúp đỡ bạn. Bài tập sau đây sẽ giúp bạn bắt đầu.

Bài tập

Ở đầu tờ giấy, viết ra một chủ đề mà bạn đang quan tâm, càng cụ thể càng tốt (ví dụ: bảo tồn số lượng chim ở khu vực cửa sông của địa phương, viết một bản lý lịch hiệu quả, tìm hiểu tranh sơn dầu…). Chọn một người trong các mối quan hệ xã hội hiện tại của bạn (tham khảo sơ đồ các mối giao tiếp xã hội ở trên) có thể đưa ra lời khuyên cho chủ đề đã chọn. Đánh dấu người này là Chặng 1 trên hành trình và nối tên anh ta tới chủ đề bằng một đường thẳng. Hãy nhờ người này gợi ý những người anh ta cho là bạn có thể tham khảo ý kiến về các vấn đề liên quan đến chủ đề. Xếp tên những người này vào chặng 2. Tiếp tục đặt câu hỏi cho mỗi cá nhân của chặng 2 (viết thư hay gọi điện cho họ) rồi làm như với người ở Chặng 1. Xếp các tên được (người ở chặng 2) gợi ý vào Chặng 3. Tiếp tục quá trình này cho đến khí bạn đạt tới sự liên hệ tốt nhất có thể cho chủ đề của bạn.

Ở hầu hết các trường hợp, quá trình này sẽ dẫn bạn tới một người thực sự hiểu rõ vấn đề và đưa ra được những lời khuyên thích hợp. Tuy nhiên, quan trọng hơn là bạn sẽ tìm thấy một nhóm những người có cùng mục tiêu và quan điểm với bạn. Ngoài ra, bạn còn có thể tìm thấy một sự hỗ trợ về một vấn đề hoặc mối quan tâm cụ thể nào đó. Bác sỹ chuyên khoa và nhà tư vấn nghề nghiệp Barbara Sher dạy mọi người cách lập “những nhóm thành công” cho chính mình để đạt được những mục tiêu cá nhân cũng như mục tiêu nghề nghiệp. Trong cuốn Teamworks (Làm việc theo nhóm) viết chung với Annie Gottlieb, Sher đã đưa ra vài nguyên tắc cơ bản để tạo ra một mô hình hợp tác, bao gồm:

– Cụ thể hóa mục tiêu của bạn cho tất cả những người bạn quen biết (vì bạn không thể biết ai thật sự có thể giúp đỡ mình).

– Lập một nhóm có cùng ý tưởng, quan điểm.

– Suy nghĩ về mục tiêu của mỗi người trong nhóm (ba câu hỏi quan trọng cần lưu tâm: “Ước mơ của bạn là gì?”, “Có những trở ngại nào?”, “Bạn cần làm gì để đạt được mục tiêu của mình?”).

– Hãy giữ một quyển ghi chép về những người trong nhóm, bao gồm các kỹ năng, mối quan tâm và khả năng đặc biệt của họ.

– In một bản tin về các thành viên trong nhóm, gồm những câu chuyện “thành công”, kỹ năng, nhu cầu trao đổi thông tin và số điện thoại của họ.

Theo Sher, “con người đưa ra lời khuyên cho người khác tốt hơn là cho bản thân họ”. Đồng thời, bà cũng khẳng định rằng con người sẽ mạnh dạn hơn khi làm việc theo tập thể. Đây là lý do vì sao Sher luôn khuyến khích mọi người thành lập những mô hình cộng tác giúp họ tiếp tục thực hiện ước mơ ngay cả khi họ do dự, gặp thử thách và thất bại.

Riêng đối với tôi, mô hình hợp tác đặc biệt hữu ích vào thời kỳ chuyển giao của cuộc đời. Khi có ý định bỏ nghề dạy học, tôi đã trao đổi với một nhóm giáo viên có suy nghĩ tương tự để tìm xem thật sự công việc tôi muốn làm là gì. Sau đó, khi tôi đang bắt đầu tạo dựng hình ảnh mới cho bản thân với tư cách là một nhà văn thì tôi cũng bắt gặp một nhóm đang khởi nghiệp giống tôi. Cách thức hoạt động của cả hai nhóm này giống nhau và đều gồm ba phần. Phần đầu mỗi buổi họp, trong vòng từ một tới hai phút, các thành viên chia sẻ một sự việc “mới và thú vị” mà họ đã trải qua kể từ lần họp trước. Phần giữa của buổi họp, mỗi người đề đạt nguyện vọng và yêu cầu sự giúp đỡ theo nhu cầu cá nhân. Một người có thể cần nửa giờ để đưa ra ý tưởng cho một dự án trong khi người khác có thể chỉ cần năm phút để thu nhận phản hồi về một ý tưởng. Phần cuối của buổi họp là thời gian để các thành viên trao đổi tự do những ý kiến, phương án và mối quan tâm chung.

Đến đây, bạn có thể thấy tất cả những gợi ý về một mô hình chung sức, cũng như những ý tưởng khác trong chương này, đều phù hợp với việc phát triển khả năng tương tác cá nhân. Nhưng mặt khác, bạn cũng có thể thấy rằng quá trình liên kết với mọi người, tập nghe một cách chủ động hoặc tham gia vào những cuộc gặp mặt xã hội lại khá vất vả và khó khăn đối với bạn. Nếu vậy, chương tiếp theo có thể sẽ gần gũi với phong cách của bạn hơn. Trong chương này, bạn sẽ có cơ hội đánh giá chính khuynh hướng “nội tâm khác nhau” của mình và tìm ra những phương pháp phù hợp để nâng cao cuộc sống của bạn.

25 CÁCH PHÁT TRIỂN TRÍ THÔNG MINH TƯƠNG TÁC CÁ NHÂN

– Mua một quyển sổ nhỏ, điền vào đó tên các mối giao tiếp trong công việc, bạn bè, người quen, họ hàng và hãy luôn giữ liên lạc với họ.

– Mỗi ngày (hoặc mỗi tuần) quyết định gặp một người bạn mới.

– Tham gia vào một nhóm tình nguyện hay nhóm cứu trợ (như câu lạc bộ Rotary, Hòa bình xanh, Chữ thập đỏ).

– Dùng mười lăm phút mỗi ngày thực hành cách nghe chủ động với vợ/chồng hoặc bạn thân của bạn.

– Tổ chức một bữa tiệc và mời ít nhất ba người bạn mới. Thường xuyên tham gia vào những buổi tâm lý liệu pháp theo nhóm hoặc gia đình.

– Giữ vai trò lãnh đạo trong một nhóm hoặc trong cộng đồng mà bạn quan tâm.

– Bắt đầu mô hình chung sức của chính bạn.

– Đăng ký một khóa học về những kỹ năng giao tiếp xã hội. Cộng tác với một hay nhiều người có mối quan tâm chung (may chăn, viết báo, làm vườn, v.v…).

– Thường xuyên có những buổi họp gia đình.

– Giữ liên lạc với người khác qua Internet.

– Tổ chức một buổi đóng góp ý kiến ở nơi làm việc của bạn.

– Học nghệ thuật giao tiếp xã hội qua các sách dạy giao tiếp và thảo luận về các tài liệu đó với một người giao tiếp giỏi. Khởi xướng cuộc nói chuyện với mọi người ở nơi công cộng (hiệu sách, siêu thị, khu vực đón khách hàng không, v.v…). Bắt đầu trao đổi thư từ với bạn bè trong nước hoặc thế giới.

– Tham gia những cuộc họp mặt gia đình, ở trường học, công sở.

– Tham gia những trò chơi hợp tác ngoài trời cùng với gia đình và bè bạn.

– Làm quen với những người thuộc nền văn hóa “chúng ta” (người Mỹ bản địa, người Nhật, người Mỹ Latinh) và tích hợp những đặc điểm tốt nhất trong phong cách sống hòa đồng của họ vào cuộc sống của bạn.

– Tham gia vào một nhóm cho phép bạn gặp gỡ những người bạn mới (câu lạc bộ độc thân, tổ chức đi bộ đường dài, nhóm học tập, v.v…).

– Xung phong dạy, làm gia sư hoặc hướng dẫn người khác thông qua một tổ chức tình nguyện hoặc một nhóm cứu trợ.

– Dùng mười lăm phút mỗi ngày trong một hoặc hai tuần quan sát xem mọi người tương tác với nhau như thế nào ở nơi công cộng (góc phố, trạm xe lửa, cửa hàng bách hóa, v.v…).

– Tăng cường mối quan hệ với những người xung quanh, bắt đầu từ ngay với gia đình và bạn bè, mở rộng việc làm này trong cộng đồng, đất nước của bạn và cuối cùng là trên toàn thế giới.

– Học theo phong cách sống của những người có khả năng giao tiếp xã hội nổi tiếng (ví dụ như những người làm công tác từ thiện, những nhà cố vấn, các nhà chính trị, nhân viên xã hội) thông qua tiểu sử, phim ảnh và phương tiện khác


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.