7 Loại Hình Thông Minh
Chương 8. Trí Thông Minh Nội Tâm
Phát triển nhận thức bản thân của bạn
Vào năm mười bảy tuổi, Ramana Maharshi, một trong những triết gia đương đại lớn nhất Ấn Độ, đã trải qua một sự kiện làm thay đổi cuộc đời ông mãi mãi. Khi đang ngồi một mình trong nhà của người chú ở phía Nam An Độ thì đột nhiên một nỗi sợ hãi mạnh mẽ về cái chết xâm chiếm ông. Hồi ấy, sức khỏe của ông vẫn tốt nhưng cảm giác chắc chắn mình sắp chết đã khiến ông nằm xuống sàn nhà, nín thở trong khi để trí óc đi sâu vào bên trong nhằm khám phá ý nghĩa về “cái chết” này. Trong khoảnh khắc đó, một trực giác sâu xa mách bảo ông rằng, cơ thể ông có thể chết nhưng ý thức của “cái Tôi” vẫn sống. Sau này, ông viết: “Tất cả điều đó không phải là những ý nghĩ ngớ ngẩn. Ý thức về “cái chết” vụt đến trong tôi sống động khiến tôi đã nhận thức được ngay lập tức mà gần như không cần bất kỳ quá trình tư duy nào. “cái Tôi” là một điều gì đó rất thực, là thứ duy nhất có thật về tình trạng hiện tại của tôi… Sự hấp thụ cái Tôi vẫn tiếp tục và không hề bị gián đoạn kể từ thời điểm đó”. Ông không bao giờ gặp lại chuyện đó nữa. Vài tuần sau, ông chuyển đến một thị trấn sùng đạo ở Tiruvannamalai, nơi ông đã dành hơn năm mươi năm dạy cho hàng nghìn người trên khắp thế giới về con đường khám phá bản thân.
Sự gặp gỡ với cái tôi của Maharshi vô cùng hiếm thấy. Nhưng kinh nghiệm của ông, với tất cả sức mạnh biến đổi do nó mang lại, tiêu biểu cho một quá trình mà ở một phương diện nào đó hầu hết mọi người đều đối mặt trong suốt cuộc đời của mình, đó là trả lời cho câu hỏi: “Tôi là ai?”. Tâm điểm của quá trình thăm dò bản thân này có rất nhiều dạng giải thích khác nhau, với bản thân (hay bản ngã, phụ thuộc vào triển vọng của mỗi người) là một thực thể luôn thay đổi không tuân theo một sự mô tả chính xác nào. Đối với một số người, nó là trung tâm điều phối những hoạt động phức tạp mà chúng ta tiến hành trong cuộc sống — đặt kế hoạch, hy vọng, khao khát, tự nguyện, hành động và thực hiện vô số trách nhiệm mà con người phải gánh vác. Với người khác, nó lại là hệ thống ý nghĩ chứa đựng tất cả kinh nghiệm mà con người nhớ lại khi cần thiết để đối phó với những căng thẳng, mệt mỏi và những tình huống bất ngờ trong cuộc sống. Với người sùng đạo, nó lại là sự tỉnh thức trọn vẹn vượt lên sự trần tục của cái Tôi hoặc bản năng thấp kém. Tuy nhiên, bất chấp việc nó được định nghĩa như thế nào, cái Tôi xứng đáng có một vị trí quan trọng trong việc nghiên cứu trí tuệ của con người. Trong chương này, chúng ta sẽ khám phá dạng thông minh thứ bảy và cuối cùng trong thuyết trí thông minh đa dạng: khả năng nội tâm cá nhân hay khả năng tự nhận thức.
Khái niệm cái Tôi
Nếu chúng ta bảo một đứa trẻ ba tuổi chỉ vào mình, gần như chắc chắn đứa bé sẽ chỉ tay vào rốn. Còn đứa trẻ lớn hơn hoặc người lớn thường sẽ chỉ tay về phía ngực hoặc đầu. Từ hơn 2.500 năm trở lại đây, những tranh luận về vị trí của bản ngã đã trải qua rất nhiều sự thay đổi và chưa thể đi đến thống nhất khi một số người khẳng định tim hoặc gan là nguồn gốc của tính cách cá nhân, còn những người khác lại cho rằng tuyến yên hoặc một số cơ quan khác liên quan tới não mới là nguồn gốc chủ yếu của ý thức. Việc chỉ rõ bản chất của cái Tôi còn khó khăn hơn nhiều so với việc xác định vị trí của nó trong cơ thể con người.
Có lẽ nguyên nhân chủ yếu khiến chúng ta không thể đi đến một định nghĩa nhất quán về bản ngã nằm ở chỗ đối tượng nghiên cứu chính là chủ thể đi tìm hiểu về bản thân mình. Theo một cách khác, nếu cái Tôi đơn giản đến nỗi chúng ta có thể hiểu được nó thì chúng ta lại đơn giản đến nỗi không thể hiểu được mình. 500 năm trước Công nguyên, những đại sư Phật giáo coi cái Tôi như một khái niệm. Họ cho rằng không có cái Tôi hữu hình tồn tại ở trung tâm của ý thức, chỉ có suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác và ý tưởng là gắn chặt với ảo giác của cá nhân. Gần đây, các nhà tâm lý cũng phát biểu quan niệm tương tự và chỉ ra rằng cái Tôi không khác gì một bản đồ tâm lý hoặc hệ thống bản đồ rất phức tạp cho phép chúng ta tổ chức thông tin về thế giới hiệu quả hơn.
Một quan điểm tâm lý đương thời khác lại đưa ra giả thuyết trên thực tế có một cái Tôi thực phát triển bên ngoài sự tác động của môi trường và những ảnh hưởng đang kể khác. Cái Tôi thực là nguồn gốc cơ bản của sự sáng tạo, sức sống, tính tự phát và sự dâng trào cảm xúc bên trong mỗi người. William James đã tổng kết ý kiến về cái Tôi này hay nhất, khi ông viết: “Tôi luôn nghĩ rằng cách tốt nhất để xác định tính cách của một người là tìm ra quan điểm tinh thần và đạo đức đặc trưng của anh ta, trong đó, khi nó trỗi dậy trong anh ta, anh ta thấy mình mạnh mẽ và linh hoạt một cách sâu sắc và mãnh liệt nhất. Vào những giây phút như vậy, luôn có một giọng nói vang lên: “Đây thật sự mới chính là tôi! Theo nhà tâm lý James Masterson, tác giả cuốn The Search for the Real Self (Đi tìm cái Tôi đích thực), cái Tôi đích thực được cấu thành bởi một số yếu tố như sau:
– khả năng chiêm nghiệm mọi cảm giác thật sâu sắc cùng với niềm hăng hái, phấn khích và tự phát;
– năng lực quyết đoán;
– khả năng tự tôn;
– khả năng xoa dịu cảm giác đau đớn trong bản thân;
– khả năng đưa ra và coi trọng những cam kết trong công việc cũng như các mối quan hệ;
– khả năng sáng tạo và giao thiệp sâu rộng;
– khả năng chịu đựng sự cô đơn.
Masterson chỉ ra rằng cái Tôi thực vẫn sống bền bỉ qua cả thời gian và không gian. Ông nói: “Cho dù cuộc sống thăng hay trầm, anh ta có tâm trạng vui hay buồn, chịu thất bại hay đạt được thành công, cái Tôi đích thực vẫn luôn tồn tại sâu bên trong ngay cả khi anh ta đã lớn và trưởng thành”.
Tuổi ấu thơ là thời điểm vô cùng quan trọng cho sự phát triển của cái Tôi. Một đứa trẻ luôn nhận được đầy đủ tình yêu thương, sự động viên, mô hình vai trò bền vững và “tấm gương” thích hợp (sự rạng rỡ trong mắt của người mẹ khi nói “Con là điều kỳ diệu!”), sẽ phát triển khái niệm cái Tôi theo hướng tích cực và luôn khẳng định được cái Tôi đích thực của đứa trẻ ấy. Ngược lại, đứa trẻ lớn lên trong một gia đình chỉ toàn những nỗi sợ hãi, chán nản, căm ghét hoặc hờ hững sẽ tiến tới hình ảnh cái Tôi tiêu cực và điều này sẽ theo nó tới tuổi trưởng thành cùng với những hậu quả đáng buồn. Điều này có thể dẫn đến việc hình thành một “cái Tôi sai lệch”: một mặt nạ khắt khe và cầu toàn người ta dùng để ngăn cách mình với thế giới, hoặc để bảo vệ chính mình khỏi cảm giác vô dụng và thiếu thốn. Tới một mức độ nào đó, đứa trẻ bị lạm dụng nghiêm trọng về thể chất hoặc cảm xúc có thể bị tổn thương sâu sắc trong cấu trúc cá nhân, dẫn đến sự tan rã của cái Tôi, giống như nhiều trường hợp đã trở nên bệnh hoạn về tinh thần.
Mặc dù vậy, ngay cả trong những cá nhân bình thường, việc phát triển một vài “cái Tôi phụ” từ khi còn nhỏ vẫn tương đối phổ biến như một cách để đối phó với những sức ép và căng thẳng không thể tránh khỏi ở tuổi trưởng thành. Các trường phái tâm lý mô tả đặc điểm của những cái Tôi này theo nhiều cách khác nhau, như liệu pháp tâm lý tổng thể đề cập tới “kẻ thống trị” và “người bị áp bức”, các phân tích đã chỉ ra vai trò của trẻ em, cha mẹ và người lớn, và các phân tích tâm lý cho thấy xung động bản năng, bản ngã, siêu ngã và lý tưởng của bản ngã là các thành phần cơ bản của tính cách.
Trong trường phái tâm lý thực chứng, một phương pháp chữa bệnh do Roberto Assagioli – chuyên gia tâm thần học người Ý – phát triển, người bệnh cung cấp tên của họ theo các loại tính cách phụ như “đứa trẻ hư”, “phù thủy”, “kẻ lầm đường”, “Suzie yếu đuối” và “nhà kiểm soát tư tưởng”. Những “tiểu bản ngã” này tồn tại cùng với cái Tôi nền tảng của chúng ta và thường ở dạng tiềm thức trước khi thể hiện thành hành động khi bị kích động ở mức nhỏ nhất. Bài tập sau đây sẽ giúp bạn xác định những cái Tôi phụ này và nhận biết rõ hơn ý niệm của cái Tôi “cốt lõi” hay cái Tôi đích thực.
Khám phá bản thân
Tìm những vật liệu để tạo ra một bức tranh cắt dán, bao gồm hồ, kéo, sơn màu, phấn vẽ màu, bút chì, tạp chí và sách báo cũ cùng một tờ giấy lán. Sau đó, bạn vẽ, viết và dán các bức hình lên tờ giấy theo từng khía cạnh của bản thân (bạn cũng có thể dán cả bản sao của các bức ảnh chụp bạn ở các khoảng thời gian khác nhau), ở giữa tờ giấy, bạn viết và dán hình ảnh phù hợp với cái Tôi nền tảng hay đích thực của mình – chính là ý niệm cái Tôi mà bạn cảm thấy khi bên trong bạn căng tràn sức sống nhất. Tiếp đó, hãy tìm ra những tính cách phụ hoặc những “tiểu bản ngã” đặc trưng và miêu tả chúng bằng lời cũng như hình ảnh xung quanh hình ánh cái Tôi đích thực của bạn.
Bài tập này có thể giúp bạn hiểu rõ khái niệm cái Tôi và đề ra kế hoạch phát triển ý niệm về cái Tôi. Hầu hết các chuyên gia về khám phá bản thân đều đồng ý rằng, xây dựng hình ảnh về một cái Tôi tích cực thường bao gồm quá trình giải thoát bản thân khỏi sự kìm hãm của cái Tôi nhỏ bé (“đứa trẻ hư”, “người cầu toàn”, “cô gái lười biếng”, v.v…) và dần dần tìm ra cái Tôi cốt lõi của mình. Dưới đây là một số gợi ý để định hướng hình ảnh cái Tôi tích cực:
– Tránh để mình rơi vào suy nghĩ tiêu cực.
– Mỗi ngày hãy làm một điều gì đó để tu dưỡng bản thân.
– Viết ra hai mươi câu nói tích cực về mình và thường xuyên tự nói với mình những câu đó.
– Tạo ra những hình ảnh tình thần về cái Tôi đích thực.
– Đặt bản thân trong những mô hình vai trò tích cực.
– Đọc những cuốn sách về sự tự lực để củng cố ý niệm cái Tôi tích cực đang rõ nét lên trong bạn.
Như Dorothy Corkille Briggs, tác giả cuốn Celebrate yourself (Hãy ca ngợi bản thân), đã viết: “Hình ảnh cái Tôi – con người thực của bạn – chính là toàn bộ những điều người khác nhìn nhận và đối xử với bạn và những điều bạn rút ra khi so sánh bản thân với mọi người. Bằng cách tập trung vào nền tảng tinh thần của sức sống, sinh lực và sáng tạo cá nhân, bạn có thể thoát khỏi sự kìm hãm của hình ảnh cái Tôi tiêu cực và tìm thấy sự giải thoát trong một ý niệm bản ngã sâu và rộng hơn”.
Tiến tới mục tiêu
Chìa khóa quan trọng để phát triển hình ảnh cái Tôi tích cực đòi hỏi phải trau dồi một năng lực làm chủ bản thân, hay cái mà nhà tâm lý học Robert W. White gọi là tư tưởng cá nhân – cảm giác chủ quan tạo ra ấn tượng của chúng ta về thế giới. Lúc còn là một giáo viên, tôi phát hiện ra rằng, những bài tập khám phá bản thân như trên thường không thực sự hữu ích trừ phi chúng gắn liền với cảm giác đã hoàn thành sau khi sinh viên đạt được mục tiêu đã đề ra.
Việc phát triển khả năng làm chủ bản thân rất quan trọng để giúp con người xây dựng một ý thức cá nhân nhất quán. Nhà nghiên cứu về trí thông minh thuộc trường Đại học Yale, Robert Sternberg, đã đề cập tới loại năng lực bên trong này như dạng thông minh về chế ngự bản thân. Theo Sternberg, kỹ năng này đòi hỏi “khả năng quản lý bản thân hàng ngày để đạt được hiệu quả cao nhất, ví dụ như: khả năng xác định mức độ quan trọng của nhiệm vụ, khả năng nhận biết những cách làm việc có hiệu quả hoặc ít hiệu quả hơn và khả năng thúc đẩy bản thân để đạt được kết quả cao nhất”.
Ít người phát triển được toàn bộ năng lực làm chủ bản thân của mình. Điều này có thể thấy ở số lượng tương đối nhỏ những kế hoạch quan trọng thực sự được duy trì qua các năm. Chuyên gia về động lực học Dennis Waitly nhận xét: “Rõ ràng là hầu hết mọi người dành nhiều thời gian để lên kế hoạch cho một bữa tiệc Giáng sinh và kỳ nghỉ lễ hơn là cho cuộc đời của họ. Với thất bại trong việc đặt kế hoạch, họ thực sự đã thất bại ngay từ đầu”.
Nhìn vào những người đã đạt được những thành tựu to lớn trong xã hội, chúng ta có thể thấy rằng, họ đều sở hữu khả năng định hướng bản thân và biết cách sử dụng nó để đạt được mục tiêu đã đề ra. Ví dụ như Benjamin Franklin đã lập ra một kế hoạch tổng thể cho tương lai của mình khi mới hai mươi tuổi. Kế hoạch này bao gồm các nguyên tắc chỉ đạo về tính tiết kiệm, trung thực, cần cù và liêm chính. Về sau, khi nhìn lại cuộc đời mình, ông viết rằng nó “đã theo suốt cuộc đời tôi”. Một biểu tượng khác, chủ tịch Chrysler trước đây – Lee laccoca, trong cuốn tự truyện của mình, đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đặt ra những mục tiêu ngắn hạn và sắp xếp thời gian hiệu quả. Ông viết: “Từ hồi còn là sinh viên, tôi đã luôn làm việc chăm chỉ suốt cả tuần và vẫn cố gắng dành những ngày cuối tuần cho gia đình và nghỉ ngơi”, “Mỗi tối chủ nhật, bằng cách vạch ra những điều cần hoàn thành trong tuần tới, tôi lại có được động lực để đi tiếp”.
Tất nhiên, việc chỉ liệt kê ra các mục tiêu không bảo đảm rằng bạn sẽ đạt được chúng. Quá trình này còn bao gồm một số yếu tố khác nữa. Trước tiên, mỗi cá nhân phải chọn cho mình những mục tiêu có thể thực hiện được. Những người đề ra mục tiêu chính trong cuộc đời là “giành được giải Nobel hòa bình” gần như chắc chắn sẽ bị thất bại. Biết được điểm mạnh cũng như hạn chế của mình chính là một phần quan trọng của dạng thông minh về nhận thức bản thân (một năng lực mà bạn sẽ phát triển khi đọc và làm theo những bài tập trong cuốn sách này). Bằng cách chọn những mục tiêu ở mức độ “khó khăn vừa phải”, bạn có thể chắc chắn rằng chúng vừa thách thức, vừa có thể đạt được.
Điều này dẫn đến một tiêu chí quan trọng thứ hai của quá trình đặt mục tiêu: mục tiêu của bạn phải đáng khao khát. Charles Garfield, tác giả cuốn Preak Performers (Những nhà trình diễn đỉnh cao), viết rằng một người có thể vạch ra chín mươi chín… mục tiêu, nhưng chính sự phấn khích vì biết rằng những mục tiêu này có ý nghĩa sâu sắc với bạn sẽ xóa tan đi thái độ băn khoăn của bạn. Hãy chắc chắn rằng mục tiêu bạn đề ra phải xuất phát từ những thôi thúc của bản thân chứ không phải từ một phần kế hoạch của người khác (điều này bạn sẽ rõ hơn ở Chương 9).
Cuối cùng, mục tiêu ấy nên có thời hạn để bạn biết khi nào đạt được nó. Sử dụng ngôn ngữ cụ thể, rõ ràng để miêu tả điều bạn định làm và khi nào bạn định hoàn thành nó (không phải: “Tôi sẽ kiếm rất nhiều tiền” mà là: “Tôi sẽ kiếm được 75 nghìn đô la một năm khi trở thành chuyên gia trang trí nội thất vào năm 1998”). Bài tập sau đây sẽ giúp bạn bắt đầu quá trình đặt mục tiêu và rèn luyện khả năng định hướng bản thân.
Xác định mục tiêu
Trên một tờ giấy trắng, liệt kê ra mười mục tiêu quan trọng bạn muốn đạt được trong cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp của bạn. Viết chúng ra càng chi tiết càng tốt và chắc chắn rằng chúng là những mục tiêu quan trọng với bạn và có thể đạt được. Sau đó, sắp xếp những mục tiêu quan trọng nhất ở đầu và ít quan trọng nhất xếp ở dưới. Lấy tờ giấy thứ hai và cho những mục tiêu quan trọng nhất từ danh sách của bạn sang phần đầu tờ giấy mới này (bao gồm cả thời hạn bạn dự định sẽ đạt được mục tiêu đó bên cạnh). Viết ra tất cả những điều bạn cần làm để hoàn thành mục tiêu này (hãy suy nghĩ cùng với một người bạn nếu cần), ở tờ giấy thứ ba, sắp xếp những điều cần làm này theo một trật tự bắt buộc để hoàn thành chúng (cái gì bạn cần làm trước, cái gì cần làm sau…). Sau đó, bắt đầu thực hiện hành động ở đầu bản danh sách. Sau khi làm xong, bạn đánh dấu nó lại và chuyển sang mục tiêu tiếp theo cho tới khi bạn đạt được mục tiêu của mình. Để củng cố quy trình của bạn, hãy viết lên một tấm thiếp câu nói vui sau của Goethe: “Bất cứ điều gì hoặc giấc mơ nào bạn có thể thực hiện, hãy bắt đầu nó. Tính táo bạo luôn đi cùng với thần hộ mệnh, sức mạnh và sự may mắn. Hãy bắt đầu nó ngay bây giờ!”. Đặt tấm thiếp đó trên bàn hoặc tìm cho mình một đoạn văn khác mang lại cảm hứng để giúp bạn đạt được mục tiêu.
Làm thế nào để nhận biết chính mình
Một số độc giả có thể vẫn do dự khi thử đặt ra mục tiêu như trên vì họ không chắc chắn về điều họ thật sự muốn làm trong cuộc đời. Những cá nhân này có thể cần tập trung vào một yếu tố quan trọng khác của sự hiểu biết bản thân: năng lực nhận thức nội tâm. Howard Gardner mô tả khả năng này như là thành phần cốt lõi của sự hiểu biết bản thân. Theo Gardner, một người với khả năng nhận biết nội tâm sâu sắc có thể phân biệt các dạng cảm xúc và cuối cùng phân loại, biểu tượng hóa chúng và “dùng chúng như một phương thức để hiểu và chỉ dẫn hành vi con người”. Những người như vậy bao gồm các nhà trị liệu tâm lý, nhà thông thái và các nhà văn. Ví dụ như Marcel Proust đã dành rất nhiều năm trưởng thành để suy ngẫm về cuộc đời mình. Thành quả của quá trình xem xét nội tâm ấy chính là một trong những tác phẩm văn học vĩ đại của nền văn minh phương Tây, cuốn tiểu thuyết nhiều tập A la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất). Cuốn tiểu thuyết bắt đầu với hơn năm mươi trang nói về cảm xúc của nhân vật chính khi còn là một đứa trẻ tối tối nằm đợi mẹ để được hôn và chúc ngủ ngon, trong đó mỗi cảm xúc và suy nghĩ đều được khám phá rất tinh tế.
Sigmund Freud – người sáng lập Lý thuyết Phân tâm học – lại thực hiện một loại xem xét nội tâm hoàn toàn khác. Bắt đầu từ năm ba mươi chín tuổi, mỗi ngày ông dành ra nửa tiếng để tự phân tích bản thân. Sử dụng phương pháp tâm lý tương tự như ông đã áp dụng cho người bệnh của mình, bao gồm sự liên tưởng tự do, tìm hiểu giấc mơ và (giống như Proust) hồi tưởng về những ký ức thời thơ ấu, Freud đã tiến hành cuộc phiêu lưu tâm hồn trong hơn bốn mươi năm – một quá trình đã đóng góp to lớn cho sự phát triển của Lý thuyết Phân tâm học.
Ngoài ra, còn có một phương thức xem xét nội tâm khác xuất phát từ Đông Nam Á, nơi mà những vị đại sư Phật giáo nguyên thủy ngồi thiền vài tiếng mỗi ngày nhằm hướng sự tập trung vào các hiện tượng của tinh thần. Dựa trên sự chiêm nghiệm sâu xa của ý thức, trong A tỳ đạt ma đã phát triển một hệ thống tâm lý phức tạp của ý nghĩ giúp phân loại những dạng tinh thần khác nhau. Ví dụ như, nó đã xác định được mười một hiện tượng tinh thần tích cực, hai mươi nguồn gốc của sự bất ổn, chín giai đoạn kiểm soát tinh thần và rất nhiều loại hoạt động tinh thần khác.
Tuy nhiên, bạn không cần phải là một nhà văn, chuyên gia về tâm thần học hay là một nhà sư để có thể thực hiện công việc xem xét nội tâm. Hãy xem xét một vài phương pháp đơn giản có thể áp dụng để giúp bạn tập trung vào quá trình định hướng nội tâm:
Viết nhật ký: Những người khám phá bản thân luôn nhận thấy nhật ký là một thứ vô giá giúp họ thăm dò sự sâu kín của tâm hồn. Mặc dù nhật ký là một phương tiện ngôn ngữ được những người vốn có khả năng nhận biết nội tâm sử dụng nhưng nó vẫn có khuynh hướng là một công cụ để khám phá bản thân hơn là một phương thức biểu hiện của văn học. Thomas Mallon, tác giả cuốn Book of One’s Own: People and Their Diaries (Quyển sách cá nhân: Con người và nhật ký của họ), mô tả những ký giả uyên bác này: “nhìn chung là những người rất nghiêm túc, đặc biệt là khi họ hồi tưởng…”. Ví dụ về các tác phẩm của những cá nhân này gồm có những suy ngẫm triết học của Thoreau, những biểu hiện cá nhân mạnh mẽ của Anais Nin và những khao khát tâm hồn của Thomas Merton. Các hình thức mà những người viết nhật ký sử dụng để nhận biết bản thân không hoàn toàn giống nhau. Tác giả Joana Field ghi lại những giây phút hạnh phúc nhất của mỗi ngày như một sự mở đầu cho những trang nhật ký. Chuyên gia về tâm thần học Carl Jung lại mô tả hình ảnh về những giấc mơ và những hình ảnh tưởng tượng kỳ lạ trong quyển nhật ký bìa da đen của mình. Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Dag Hammarskjold sưu tập các bài thơ, những lời trích dẫn, câu hỏi và những đoạn châm ngôn trong hơn ba mươi năm.
Nhà tâm lý học Ira Progoff thuộc Đại học New York đã tổng hợp những nét đặc trưng nhất của việc viết nhật ký thành một phương pháp mà bất cứ người nào cũng có thể học và sử dụng để khám phá bản thân. Cuốn nhật ký được chia ra thành nhiều mục, tương ứng với những khía cạnh khác nhau trong sự chiêm nghiệm của mỗi người. Những đặc trưng này bao gồm:
– Giấc mơ.
– Hình ảnh tưởng tượng (sự mơ mộng).
– Tiểu sử về bản thân.
– Đối thoại nội tâm với những người đặc biệt.
– Độc thoại nội tâm về bản thân và công việc.
– Ghi chép hàng ngày.
Tiêu biểu là mỗi cá nhân có thể bắt đầu bằng cách ghi chép một đoạn đầu trong một mục nào đó của nhật ký nhưng sau đó, khi đã có sự liên tưởng thì tiếp tục chuyển sang mục khác. Ví dụ như, một trang nhật ký hàng ngày có thể bắt đầu từ ký ức về một giấc mơ trong mục giấc mơ; điều này lại có thể dẫn đến ký ức về tuổi thơ và hãy ghi lại nó trong mục tiểu sử. Progoff cảm thấy cách tiếp cận linh hoạt với nhật ký này sẽ khắc phục được những hạn chế của hình thức nhật ký thông thường vốn cứng nhắc và không cho phép con người mở rộng cuộc sống nội tâm của họ.
Thiền định: Đối với những người không muốn bị bó buộc vào chữ viết, suy ngẫm có thể là phương pháp tốt nhất và thích hợp nhất để nhận biết nội tâm. Cho dù đó là tập trung vào ánh nến, đọc kinh, hoặc đơn giản chỉ là tuân theo những ý nghĩ xuất hiện và biến mất trong trí óc con người thì thiền định vẫn mang lại một cách nhìn nhận có ý thức vào những trải nghiệm nội tâm thường bị sao nhãng trong cuộc sống bận rộn hàng ngày. Chuyên gia về tâm thần học Lawrence Leshan, tác giả cuốn How to Meditate (Phương pháp thiền định) đã chỉ ra rằng: “Chúng ta thiền định để tìm, để lấy, để nhớ lại một điều gì đó trong chính bản thân mà chúng ta đã từng lờ mờ cũng như vô tình nhận thức và đánh mất nó mà không biết rằng nó là gì, ở đâu hoặc thời điểm nào chúng ta mất nó”.
Bài tập dưới đây sẽ giúp bạn thực hành một hình thức thiền định rất đơn giản được phỏng theo cách thiền định trong Phật giáo.
Khám phá sự giải phóng nội tâm
Bạn hãy chọn cho mình một chiếc ghế thật thoái mái trong một căn phòng yên tĩnh. Nhắm mắt lại và bắt đầu tập trung chú ý vào hơi thở của mình. Thở đều đặn và chú ý đến cảm giác của không khí đi qua mũi bạn với mỗi hơi hít vao và thở ra. Nếu sự tập trung bắt đầu bị phân tán, hãy hướng sự chú ý vào hơi thở. Bạn có thể thấy rằng sự tập trung giúp duy trì những ý nghĩ, cảm giác, cảm xúc và nhận thức cố định của bạn tránh xa khỏi những ý nghĩ vẩn vơ. Nhưng nếu điều này xảy ra, hãy tập trung hoàn toàn vào những trải nghiệm (“Ôi đúng vậy, đó chính là sự giận dữ…” hoặc “Khó chịu… khó chịu quá…” hoặc “Tôi đang nhớ lại bữa tiệc của ngày hôm qua…”). Sau khi nhận biết điều này, hãy quay lại với hơi thở của bạn. Phải luôn giữ sự tập trung vào hơi thở. Nếu đầu óc bạn bị phân tán một lần nữa, lặp lại quá trình nhận biết sự trải nghiệm và quay lại với hơi thở. Tiếp tục suy ngẫm như vậy trong hai mươi phút.
Phân tích giấc mơ: Sigmund Freud gọi những giấc mơ là “con đường dễ dàng nhất để đi tới tiềm thức”. Nhớ và học cách hiểu giấc mơ có thể là một phương pháp hay để khám phá bản thân, về mặt lịch sử, giấc mơ được dùng làm căn cứ để dự báo, tiên đoán và linh cảm. Thực tế những người như Gandhi, Henry James và Beethoven coi giấc mơ là một nguồn cảm hứng sáng tạo của họ. Giấc mơ có thể hé mở những cảm xúc bị kìm nén, khuấy động những ký ức bị lãng quên, làm sống lại những ý tưởng sáng tạo và tạo ra những triển vọng mới cho cuộc sống và bản thân. Robert Johnson, nhà phân tích trường phái tâm lý Jungian và là tác giả cuốn Inner Work, cho rằng: “Giấc mơ là những ảo tưởng mạnh mẽ thể hiện sự vận động, xung đột, tương tác và phát triển của các khả năng tiềm tàng trong tiềm thức”. Để nhớ những giấc mơ của mình, bạn hãy đặt một máy ghi âm hoặc nhật ký ở cạnh giường và ghi chúng lại ngay khi tỉnh dậy lúc buổi đêm hoặc vào buổi sáng hôm sau. Johnson đã đưa ra một kế hoạch bao gồm bốn bước để làm sáng tỏ giấc mơ:
– Tự do liên tưởng: với mỗi hình ảnh từ giấc mơ, hãy viết ra tất cả những liên tưởng bạn có thể nghĩ đến. Ví dụ như hình ảnh của một khoảng đất trống có thể khiến bạn liên tưởng tới sự trống rỗng, một tiềm năng, tài năng bẩm sinh, một mảnh đất bạn đã từng chơi ở đó khi còn bé hay một mảnh đất vô chủ.
– Kết hợp hình ảnh giấc mơ với nội lực tinh thần: Gắn liền hình ảnh giấc mơ với những điều đang diễn ra trong cuộc sống của bạn. Ví dụ: “Tôi cảm thấy như đang di chuyến qua một vùng đất trống trong cuộc đời sáng tạo của mình”.
– Giải thích: Kết hợp những liên tưởng của bạn và sự liên hệ cá nhân trong hai bước đầu tiên để rút ra ý nghĩa của giấc mơ. Ví dụ như: “Giấc mơ này nói với tôi rằng có một phần trong tôi chưa được khai thác – một tiềm năng mà tôi cần phải khám phá”.
– Trình tự thực hiện: Làm một điều gì đó để biến thế giới tưởng tượng trong giấc mơ thành hiện thực. Ví dụ như: hãy tới một mảnh đất trống gần đó và đi bộ vòng quanh để nghĩ về tiềm năng của nó mà bạn cần phát triển.
Trong quá trình nghiên cứu giấc mơ, Johnson luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “tìm đến khả năng tiềm tàng”. Bạn sẽ biết rằng mình đang đến gần ý nghĩa chính của giấc mơ khi niềm thích thú, sức sống hoặc cảm xúc từ những hình ảnh dâng trào trong bạn.
Cái Tôi chưa được khám phá
Những phương pháp khám phá bản thân như thiền định, viết nhật ký và giải thích giấc mơ có thể đưa đến những chiêm nghiệm không mong muốn, thách thức những nhận thức về con người thực của chúng ta. Carl Jung đã chỉ ra rằng, “hầu hết mọi người đều lẫn lộn giữa sự nhận biết về cái Tôi tiềm thức với tính cách cá nhân có ý thức”. Bản thân khái niệm về tính cách cá nhân của Jung rộng hơn rất nhiều, bao gồm cái mà ông gọi là tiềm thức tập hợp, nơi lưu giữ các biểu tượng và hình ảnh nguyên mẫu của loài người. William James, người sáng lập Tâm lý học hiện đại, đã suy ngẫm về khái niệm cái Tôi rộng hơn khi viết: “Ý thức thông thường của chúng ta… là một loại ý thức đặc biệt, trong khi những cái xung quanh nó, được tách ra từ nó với những hình ảnh mờ nhạt nhất lại tồn tại trong những dạng ý thức tiềm tàng hoàn toàn khác biệt”.
Hàng nghìn năm qua, nhiều nền văn hóa trên thế giới đã kết nối hệ thống về bản ngã cá nhân và tạo thành những “dạng ý thức tiềm tàng” này. Vedanta – hệ thống triết học duy tâm Ấn Độ cổ đại – nói về những “vỏ bọc” khác nhau của cá nhân bao gồm những phạm vi thuộc về thể chất, cảm xúc, tinh thần và tâm hồn. Triết học Phật giáo Tây Tạng bác bỏ sự hiện diện của cái Tôi, song vẫn thừa nhận sự tồn tại của hàng nghìn những thực thể hòa bình và phẫn nộ (bồ tát, và những thực thể khác) trong ý thức của mỗi cá nhân. Đạo Sufi, một nhánh thần bí của đạo Hồi, có một hệ thống phức tạp bằng ngôn ngữ thơ nói về các giai đoạn khác nhau trong quá trình phát triển của cá nhân tiến tới cái Tôi đích thực. Nhiều truyền thuyết, thần thoại về sự hình thành vũ trụ và văn học dân gian của các nền văn hóa khác lại sáng tạo nên những biểu tượng phức tạp để thông qua đó thể hiện bản ngã của dân tộc mình.
Thông thường, những cá nhân có liên quan đến loại khả năng nội tâm này thường đóng vai trò như những người chỉ dẫn các thành viên khác trong cộng đồng tiến tới thế giới tâm linh. Những người này gồm có linh mục, nhà tiên tri, pháp sư, phù thủy, nhà thần học, nhà lãnh đạo tinh thần và những người có tầm nhìn xa của một cộng đồng. Những nhân vật như thế đứng bên ngoài xã hội và thường trải qua các nghi lễ nhập đạo rất gian khổ, đòi hỏi sự đấu tranh giữa hai thế lực trong sáng và đen tối của nội tâm. Họ cũng thường trải qua cái mà nhà thần thoại học Joseph Campbell gọi là “cuộc hành trình anh hùng”. Hành trình này gồm ba giai đoạn cơ bản: phân thân, bắt đầu và trở về. Campell viết: Một anh hùng luôn mạo hiểm dấn thân từ thế giới hiện thực vào thế giới siêu nhiên; chạm trán với những sức mạnh phi thường và giành được thắng lợi quyết định; người anh hùng trở về từ cuộc phiêu lưu bí ẩn cùng với khả năng đem lại lợi ích cho cộng đồng mình.
Một nhân tố quan trọng cua cuộc hành trình nay là sự đơn độc. Những cá nhân muốn nhận thức sâu sắc về bản thân luôn phải tách mình ra khỏi cuộc sống hàng ngày và tìm một nơi cách xa cộng đồng, thường là ở trong thiên nhiên nơi họ có thể hòa mình với những điều thần diệu và bí ẩn. Những nhà khám phá nội tâm vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại – những người sáng lập ra các tôn giáo lớn của thế giới – đều có thời kỳ sống biệt lập trong hành trình khám phá bản thân: Đức Phật ngồi dưới cây bồ đề, Chúa Jesus chọn nơi vắng vẻ để chống lại sự cám dỗ, Mohammad ẩn cư ở động Hera trong suốt tháng nhịn ăn. Còn ở cộng đồng Saman, các cá nhân thường cô lập bản thân suốt cả ngày, đôi khi họ sống giữa muông thú, nơi họ có thể nhận được sự chỉ dẫn trong nhãn quan của mình.
Trong nền văn hóa của chúng ta, những người có trí thông minh nội tâm thường trải qua những thời kỳ ẩn dật để làm mới bản thân. Ví dụ như tướng Hải quân Admiral Byrd đã tình nguyện đến phụ trách một trạm dự báo thời tiết tại Nam Cực vào mùa đông năm 1934, bởi ông khao khát muốn tìm kiếm sự yên tĩnh cho tâm hồn. Mặc dù gần như sắp chết trong suốt mùa đông nhưng sau đó Byrd đã viết trong cuốn tự truyện Alone (Đơn độc): “Tôi đã chạm đến những vẻ đẹp tuyệt đỉnh và điều kỳ diệu của sự sống cũng như những giá trị nhỏ bé của cuộc sống mà trước đây tôi không hề có. Giờ đây tôi sống đơn giản và bình yên hơn”. Nhà văn May Sarton, tác giả cuốn Journal of a Solitude (Nhật ký cô đơn), cũng nhận thấy rằng cuộc sống của bà chỉ thực sự bắt đầu khi bà tách biệt khỏi mọi người.
Mong muốn được ở một mình có thể đi ngược lại với những áp lực xã hội luôn đòi hỏi một người phải “liên kết” với người khác để được coi là lành mạnh về cảm xúc. Nhà tâm thần học Anthony Storr, tác giả cuốn Solitude: A Return to the Self (Cô lập: Sự trở về với bản thân), nhận xét rằng: “Trong một nền văn hóa mà mọi người thường coi mối liên hệ tương tác giữa các cá nhân là câu trả lời cho mọi hình thái xúc cảm, thì đôi khi thật khó để thuyết phục ngay cả những người có thiện chí rằng sự tách biệt có thể là liệu pháp hỗ trợ tinh thần”. Chính xã hội của chúng ta cũng tạo ra những giai đoạn tách biệt dưới những hình thức như ẩn dật hoặc nghỉ phép. Tuy nhiên, bạn không phải đợi tới những giai đoạn như vậy trong cuộc đời để nhận thấy lợi ích mà sự tách biệt mang lại. Bất kỳ ai cũng có thể dùng một ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày lễ để làm mới lại bản thân mình. Sau đây là một bài tập nhằm mục đích giúp bạn thực hiện điều này.
Thực hiện ẩn cư
Hàng năm, hãy xem lịch và định ra một hay nhiều ngày làm thời kỳ ẩn cư cho bản thân. Hãy sắp xếp trước một nơi ngoài ngôi nhà của bạn (khách sạn, trung tâm điều dưỡng, tu viện hoặc nhà bạn bè). Hãy chắc chắn là bạn có một phòng riêng và không bận việc gì trong suốt quá trình lưu lại đó. Đồng thời, hãy yêu cầu nơi bạn đang ở (hoặc một nhà hàng địa phương) mang bữa ăn hàng ngày cho bạn để bạn không phải bận tâm về chuyện ăn uống. Hãy tận dụng toàn bộ hoặc càng nhiều càng tốt thời gian nghỉ ngơi của bạn.
Chọn ẩn cư theo bất kỳ cách nào mà bạn muốn. Tuy nhiên hãy chắc chắn rằng bạn sẽ thực hiện nó theo ba giai đoạn cơ bản sau:
Khoảng thời gian thu nhận: để tiếp nhận sự trải nghiệm từ thế giới bên ngoài. Ví dụ: đọc sách, đi bộ hoặc ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật.
Khoảng thời gian hoàn toàn không làm gì cả: để nuôi dưỡng những trải nghiệm bạn vừa tiếp nhận. Ví dụ như suy ngẫm, ngủ và mơ, mơ mộng hoặc đơn giản là nghĩ về những điều đã qua.
Khoảng thời gian biểu lộ: để biểu hiện những trải nghiệm tâm hồn của bạn. Ví dụ: viết nhật ký, vẽ hoặc sơn tường, nhảy hay những hoạt động sáng tạo khác.
Hãy chú ý tại những hiểu biết, trực giác, hình ảnh hoặc nhận thức mới về bản thân vừa xuất hiện trong quá trình bạn ẩn cư. Sau khi trở về với thế giới hiện tại, hãy duy trì định kỳ việc tái hiện những trải nghiệm của mình bằng cách đọc lại nhật ký, dán một hình ảnh quan trọng trên tường hoặc tham gia vào những hoạt động khiến bạn nhớ đến lúc ẩn cư. Bằng cách này, bạn có thể kết hợp những điều đã thu nhận được vào trong cuộc sống hàng ngày của mình.
Một số người có thể nhận thấy rằng họ đã thực hiện những “đợt ẩn dật nhỏ” khi tự mình tham gia vào các thú vui riêng như câu cá, làm vườn, làm đồ thủ công và đi bộ đường dài. Những loại trải nghiệm này giúp cái Tôi cô độc tìm được sức mạnh và ý nghĩa giữa một thế giới bận rộn và thường xuyên biến đổi. Trong một xã hội tràn ngập hình ảnh về những khuôn mẫu mà chúng ta phải noi theo trên mọi phương diện, những giây phút được là chính mình có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Chuyên gia thần học Martin Buber kể câu chuyện về một người đàn ông đã chết và đi tới thiên đường, ông ta mong đợi Thánh Peter sẽ hỏi: “Tại sao trong suốt cuộc đời con không giống như Moses?”. Thay vào đó, ông ta thấy vô cùng ngạc nhiên và xấu hổ khi được hỏi: “Tại sao con không sống như chính bản thân mình?”. Bằng cách cố gắng trở thành đúng con người thật của mình, cho dù nó có thế nào đi chăng nữa, chúng ta có thể sống thanh thản ngay từ kiếp này chứ không phải ở kiếp sau.
25 CÁCH ĐỂ PHÁT TRIỂN TRÍ THÔNG MINH NỘI TÂM
– Nhờ các chuyên gia tâm lý tư vấn theo cách thức tư vấn cá nhân hoặc tâm lý trị liệu.
– Tìm hiểu về bản ngã trong tâm lý học phương Tây và triết học phương Đông.
– Học cách thiền định.
– Nghe đài và băng cát xét liên quan đến nội dung này.
– Viết tự truyện.
– Tạo cho mình trình tự hoặc nghi thức hồi tưởng cá nhân.
– Thường xuyên ghi lại và làm sáng tỏ giấc mơ của mình.
– Đọc những quyển sách về sự tự lực.
– Tạo một không gian yên tĩnh trong nhà dành cho việc kiểm nghiệm nội tâm.
– Tự học một số điều mới như một kỹ năng, ngoại ngữ hoặc kiến thức trong lĩnh vực mà bạn quan tâm.
– Bắt đầu công việc kinh doanh của chính bạn.
– Phát triển mối quan tâm hoặc sở thích khác với những người xung quanh.
– Đăng ký lớp học về tính quyết đoán hoặc giữ vững sự tự tin,
– Làm một bài trắc nghiệm với mục đích xác định những điểm yếu và điểm mạnh đặc biệt của bạn trên mọi lĩnh vực.
– Đặt ra những mục tiêu trước mắt và lâu dài cho bản thân, sau đó theo đuổi chúng.
– Tham dự một cuộc hội thảo với mục đích cung cấp kiến thức về bản thân hoặc “cái Tôi” của bạn (ví dụ như tổng hợp về tinh thần, phân tích chuyển hóa, kịch tâm lý, nghiên cứu tổng thể hoặc các trường phái nghiên cứu tâm lý khác)
– Viết nhật ký ghi lại những ý nghĩ, cảm xúc, mục tiêu và ký ức của bạn.
– Nghiên cứu tiểu sử và tự truyện của các nhân vật nổi tiếng có tính cách mạnh mẽ.
– Hàng ngày thực hiện những hoạt động nhằm nâng cao tính tự tôn (tích cực khích lệ bản thân, khẳng định sự thành công của mình).
– Tham dự các hoạt động tôn giáo một cách thường xuyên.
– Làm điều bạn thích ít nhất một lần một ngày.
– Tìm ra “bí ẩn” trong tính cách của bạn và thử sống cùng nó trong thế giới.
– Hãy giữ một chiếc gương cầm tay để nhìn vào đó khi bạn ở trong những tâm trạng hoặc trạng thái tinh thần khác nhau.
– Mỗi tối dành ra mười phút để xem xét những ý nghĩ và cảm xúc tinh thần khác nhau mà bạn trải qua trong ngày.
– Dành thời gian nói chuyện với những người có ý niệm bản thân bền vững và lành mạnh.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.