Thịnh Vượng Tài Chính Tuổi 30 - Tập 1
Lời Tựa
Tuổi già không còn xa nhưng cũng không quá ngắn ngủi như bạn nghĩ.
“Nếu bạn đang ở tuổi đôi mươi thì chúng tôi khuyên bạn nên đọc cuốn sách này. Nếu bạn ở độ tuổi 30 thì cũng chưa trễ lắm, bạn hãy đọc nó. Còn nếu bạn bước qua nửa đầu của tuổi 40 hay 50, thì dù đã hơi muộn nhưng chúng tôi hi vọng rằng bạn sẽ tìm ra con đường ngắn nhất để dẫn đến đích từ cuốn sách này. Còn nếu bạn đã trên 55 hoặc 60 tuổi, chúng tôi hi vọng bạn sẽ giới thiệu cuốn sách này cho con cháu của mình!”
Một trong những ước muốn chung của con người là sống mà không cần phải lo lắng về tài chính. Bạn sẽ thấy buồn lo vì mình thiếu hoặc không có tiền, đôi khi còn thấy cuộc sống thật thảm hại khi không có một xu dính túi. Tuy nhiên, nếu bạn bắt buộc phải chọn lựa thời điểm chuẩn bị cho tuổi già thì bạn chọn thời điểm nào? Rõ ràng càng trẻ sẽ càng tốt đúng không. Nếu còn trẻ bạn sống nghèo khó, thiếu thốn nhưng về già bạn có thể sống an nhàn, tự tại vẫn chẳng tốt hơn sao. Quá khứ vất vả nhưng hiện tại sống sung túc, hiện tại dù còn đôi chút khó khăn, nhưng an lạc trong tương lai chẳng phải thích hơn ư? “Tuổi già” đó cũng chính là tương lai của bạn. Tuổi già mà không có khả năng về kinh tế thì thật thảm hại đúng không? Vì vậy, bạn hãy nhanh chóng chuẩn bị cho tương lai của mình.
Nhưng theo bạn, tuổi già sẽ kéo dài bao lâu? Chắc chắn bạn sẽ cảm thấy con số 30 năm mà chúng tôi nêu trên là khá dài. Thực tế, nếu bạn hỏi những người xung quanh mình thử dự kiến tuổi già của họ (sau khi về hưu đến lúc từ giã cõi đời), thì đa phần họ sẽ nói là 15-20 năm. Ở Hàn Quốc, tuổi già trung bình của nhân viên nam giới kéo dài khoảng 17 năm. Do đó, nếu chỉ xét đến đối tượng là nam giới thì câu trả lời đó gần như chính xác. Tuy nhiên, nữ giới thường có tuổi thọ trung bình cao hơn nam giới ít nhất là từ ba đến bảy tuổi. Tuổi già trung bình của các cặp vợ chồng kéo dài khoảng 27 năm. Thời gian này chỉ là cách tính dựa trên tuổi thọ trung bình hiện tại. Nếu xét tới yếu tố tuổi thọ trung bình của con người đang ngày một cao hơn, thì bạn sẽ cần phải cộng thêm từ ba đến 5 năm nữa.
Với cách tính đó, tuổi già của một người sẽ rơi vào khoảng trên dưới 30 năm. 30 năm làm việc và 30 năm tuổi già. Nghe điều này, chúng tôi dám chắc bạn sẽ cảm thấy lạnh sống lưng. Hay nghĩ một cách đơn giản, chỉ khi bạn tiết kiệm một nửa thu nhập thì bạn mới có thể lo được cho tuổi già của mình sau này với mức chi tiêu hợp lý như hiện tại. Đương nhiên, chi phí này không bao gồm các khoản như: tiền học cho con cái hay tiền mua nhà… Nói cách khác, đây là chi phí tính toán đơn thuần chỉ xét đến khả năng trù bị cho tuổi già của bạn mà thôi.
Sự thật vẫn mãi là sự thật. Ngày nay, phần lớn mọi người đều nghĩ rằng mình bắt đầu già đi từ độ tuổi 40. Phần lớn các bài báo hay các sách đều áp dụng công thức “tuổi già = độ tuổi 40”. Tại sao họ lại chọn như vậy? Chúng tôi không hiểu rõ nguyên nhân hoặc dụng ý của các tác giả đó. Nguyên tắc quan trọng nhất lo cho tuổi già là “càng nhanh càng tốt”. Điều này, nếu phân tích ngược thì có nghĩa là “càng chậm càng xấu”. Công thức chỉ phù hợp với quan điểm cho rằng khi bước vào tuổi 40, lần đầu tiên người ta sẽ bắt đầu biết quan tâm đến hai từ “tuổi già”.
Những tác giả của cuốn sách này đã dũng cảm từ chối công thức trên. Nhân vật chính là anh Kim Min Seok, 35 tuổi, trưởng phòng một công ty có tầm cỡ. Nhưng đối tượng mà chúng tôi hướng tới là độc giả có độ tuổi từ 20 đến khoảng 50. Với các bạn độc giả ở tầm tuổi 20 và 30, tôi hi vọng các bạn sẽ đọc và tập trung vào câu hỏi: “Tại sao ngay bây giờ mình phải trù bị cho tuổi già?”. Còn đối với độc giả ở tuổi 40 hoặc 50 tuy có hơi muộn một chút, song chúng tôi vẫn mong rằng bạn hãy xoáy sâu vào việc tìm ra câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào để lấy lại khoảng thời gian đã mất.
Có một điều bạn cần lưu ý, cuốn sách này không phải là bộ bách thư trả lời cho mọi câu hỏi của bạn. Tâm niệm của các tác giả cuốn sách này là đánh thức những ai còn đang cuộn tròn trong tư tưởng tuổi già vẫn còn quá xa vời, qua đó nâng cao ý thức trù bị cho tuổi già của mỗi người. Bên cạnh đó, cuốn sách còn đưa ra định hướng cho bạn trong quá trình chuẩn bị này. Chúng tôi kỳ vọng rằng, cuốn sách sẽ trở thành ngọn hải đăng tỏa sáng, dẫn đường cho bạn khi bạn giương cánh buồm ra biển lớn mênh mông.
Điều cuối cùng mà chúng tôi muốn các bạn độc giả thực hiện là: “Hãy hành động ngay từ bây giờ!”. Các bạn hãy hành động ngay sau khi gập cuốn sách này lại. Nội dung mà chúng tôi đề cập không nhằm mục đích tạo ra những khuôn mẫu mang tính tâm lý hoặc triết lý quá cao siêu. Nó thực sự mang tính gợi mở những định hướng cho bạn.
Cuối cùng, chúng tôi xin được cảm ơn tới những người giúp đỡ và động viên chúng tôi cho đến khi cuốn sách được xuất bản. Trước hết, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn tới những khách hàng của ngân hàng Jeil SC mà một trong ba tác giả đã từng làm việc. Giám đốc Park Jong Bok người mở đường cho dự án PB của ngân hàng Jeil SC và giám đốc Mathew Jang, cùng toàn thể các bạn đồng nghiệp của trung tâm PB. Chúng tôi cũng xin chân thành cảm ơn giám đốc Kim Seok Seon và toàn thể nhân viên của nhà sách Daesan đã miệt mài làm việc vì sự ra đời của cuốn sách.
Go Deuk Seong, Jeong Seong Jin, Choi Pyong Hee
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.