Người Thông Minh Học Tập Như Thế Nào ?
Chương 4. Xây Dựng Sự Tự Tin Trong Học Tập
Chương này tiếp tục thảo luận về việc làm thế nào để nâng cao hiệu quả trong quá trình học tập. Khi nhận ra niềm tin tiềm ẩn cũng như suy nghĩ tiêu cực làm suy giảm khả năng học tập của mình, bạn cần có những bước đi tỉnh táo để loại bỏ chúng.
Với tất cả mọi người, học tập là một năng lực tự nhiên. Hãy nhìn một đứa bé mới tập đi mò mẫm quanh căn phòng mới. Nó sẽ hỏi hàng trăm câu hỏi mỗi ngày, muốn trải nghiệm mọi thứ, sử dụng tất cả các giác quan, không bận tâm nếu nó xử sự ngốc nghếch hay tự dựng lên những ý tưởng khờ dại.
Ở lứa tuổi đó, bạn học được nhiều hơn bất cứ giai đoạn nào khác sau này. Trước hết, bạn chỉ cảm nhận được sự lẫn lộn giữa âm thanh hỗn độn và ồn ào, như cách nói của nhà tâm lý học nổi tiếng William James thì đó là thế giới sơ sinh. Sau đó, bạn bắt đầu học ngôn ngữ mẹ đẻ của mình từ những tiếng đầu tiên.
Hai chiến lược của phương pháp học tập đỉnh cao được gọi là chiến lược khẳng định và chiến lược viện dẫn, có khả năng mang lại sức mạnh và sự ham thích đó. Hai chiến lược này sẽ góp phần nuôi dưỡng thái độ lạc quan, tích cực và mạnh mẽ, có tác dụng khuyến khích năng lực trí tuệ và ý thức. Trạng thái tinh thần này sẽ cung cấp cho bạn một tâm trí rộng mở đối với việc học hành và giúp bạn chiến thắng những nỗi sợ hãi trong học tập.
KHẲNG ĐỊNH NĂNG LỰC HỌC TẬP CỦA BẠN
Phương pháp đầu tiên của chiến lược khẳng định là dựa trên năng lực tự kỷ ám thị. Quan điểm này có nguồn gốc từ bác sỹ người Pháp, Emile Coue, trong thời kỳ chuyển giao giữa hai thế kỷ. Bác sỹ Coue có câu nói nổi tiếng: “Với rất nhiều cách, mỗi ngày tôi đều khoẻ hơn”. Ông tin rằng nếu mỗi ngày đều tự nhủ với bản thân như vậy, con người có thể tự chữa khỏi mọi bệnh tật của mình. Khi hầu như toàn bộ những khẳng định về năng lực tự kỷ ám thị của ông trong việc chữa bệnh bị phóng đại lên, nhiều cuộc nghiên cứu gần đây hơn về thuốc an thần và về tâm thần kinh miễn dịch học (psychoneuroimmunology) (PNI) đã khẳng định rằng trong thực tế phương pháp này là cơ sở của việc cải thiện trạng thái tâm thần và sự cải thiện này cũng có lợi cho thể chất con người.
Tự kỷ ám thị cho phép bạn tiếp thu quan điểm học mới một cách vô ý thức. Nó có hiệu quả vì trí tuệ tiềm thức của chúng ta rất dễ tiếp thu với những cách trình bày đơn giản và rõ ràng khơi dậy hứng thú trong mỗi người khi tiềm thức liên tục được nghe rằng bạn thuộc mẫu học viên được mô tả dưới đây, hình ảnh tích cực đó sẽ ngày càng được thừa nhận, bạn dần sử dụng trí óc của mình một cách dễ dàng hơn. Hãy nghĩ về sự tự kỷ ám thị như một cách rèn luyện bản thân, một cách tăng sự tự tin về khả năng học tập của bạn.
Một trong những giáo viên hàng đầu về kỹ năng tự kỷ ám thị là Shakti Gawain, tác giả của cuốn Sự hình dung sáng tạo cho rằng: “Thực hành để có sự quyết đoán”, tránh những ý nghĩ viển vông, cũ rích, sáo rỗng, tiêu cực trong đầu bằng những khái niệm và ý tưởng tích cực. Đây là một phương pháp tuyệt vời hoàn toàn có thể thay đổi thái độ và những kỳ vọng của chúng ta trong thời gian ngắn… Từ đó, thay đổi hoàn toàn những gì chúng ta đã tạo dựng cho bản thân”.
Những lời khẳng định mà tôi khuyên các bạn áp dụng rất đơn giản và trực tiếp. Trên thực tế, ban đầu chúng có vẻ quá đơn giản. Nhưng hãy kiên nhẫn, chỉ có vậy mới có thể tác động tới phần trí tuệ tiềm thức của bạn. Khi bạn đã lấp đầy chúng bằng những cảm nhận của mình, chiến lược sự quyết đoán sẽ mang lại cho bạn một sức mạnh đáng kinh ngạc.
♦ ♦ ♦ ♦
Bài tập
Chiến lược khẳng định trong phương pháp học tập đỉnh cao.
1. Chọn một thời điểm khi bạn hoàn toàn một mình và đảm bảo không bị làm phiền ít nhất trong nửa giờ.
2. Nhớ lại kinh nghiệm tốt nhất về phương pháp học tập đỉnh cao của bản thân, một kinh nghiệm mà bạn đã sử dụng trong phần “Khơi dậy người học viên tiềm ẩn bên trong bạn” ở chương trước. Hãy để bản thân bạn tự kiểm nghiệm lại trạng thái tâm trí của mình và những xúc cảm đan xen chặt chẽ ở trạng thái đó một cách sâu sắc hơn.
3. Bây giờ tự nhẩm mỗi câu khẳng định dưới đây thật chậm, nghĩ về chúng như một phần của những kinh nghiệm mà bạn gom góp được, suy nghĩ về mỗi câu trong bao lâu tuỳ ý và bằng giọng điệu thật truyền cảm hãy đọc to chúng lên:
Với tôi, việc học thật hấp dẫn.
Tôi càng học càng thấy thích thú.
Từng bước đi trong quá trình học thật thú vị.
Tôi hiểu bài học một cách dễ dàng và sâu sắc.
Tôi mong muốn có thêm tri thức và sự hiểu biết.
Việc học là niềm vui thích.
Tiếp thu và ghi nhớ thật dễ dàng với tôi.
Tôi ngày càng yêu thích học tập và tri thức.
Học tập giữ cho đầu óc tôi tỉnh táo.
Tôi giật mình bởi lượng kiến thức giàu có và đa dạng của mình.
Mỗi ngày là một cơ hội cho tôi tăng thêm hiểu biết.
Tôi thực sự hăng hái trong học tập.
4. Bây giờ nhắc lại toàn bộ những lời nói trên thật to trong nhiều lần. Bạn có thể làm một cuộn băng cassette của riêng mình thu những lời tuyên bố trên. Đọc thật chậm, nghỉ 10 đến 20 giây sau mỗi câu. Bạn có thể thay đổi vài từ không quan trọng nếu thích và lướt qua những câu bạn không quan tâm hay cảm thấy còn băn khoăn. Bạn cũng có thể thêm những từ ngữ của riêng bạn, sử dụng chúng dưới cùng một dạng câu với thì hiện tại đơn giản.
5. Khi bạn đọc hết danh sách, để máy thu âm tạm dừng, sắp xếp những lời khẳng định và đọc lại chúng một lần nữa theo một thứ tự khác. Điều này sẽ giúp đầu óc bạn tỉnh táo trong khi đang nghe.
6. Lặp lại cho tới khi bạn hoàn thành đoạn băng dài 30 phút theo cách này.
7. Một khi bạn đã tạo được cuốn băng, bạn có thể bật nó bất cứ nơi nào. Bạn có thể sử dụng thời gian lái xe để tự khuyến khích mình học tốt hơn hoặc bạn có thể bật đoạn băng một cách nhẹ nhàng, có thể với một cái gối có loa hay sử dụng tai nghe, trước khi bạn buồn ngủ. Tự lập cho mình một thời khoá biểu. Như với một bài tập thư giãn, tuy nhiên, tốt nhất là sử dụng đoạn băng thường xuyên cho đến khi bạn nhận thấy mình đã tiến bộ đủ để không còn cần đến đoạn băng nữa.
♦ ♦ ♦ ♦
CHIẾN LƯỢC CẦU KHẨN TRONG PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP ĐỈNH CAO
Phương pháp này bắt nguồn từ cơ sở xa xưa, chẳng hạn trong thần thoại về Nàng thơ từ văn hoá Hy Lạp. Thần thoại này cho rằng nếu bạn muốn trí não mình làm việc hết khả năng trong bất cứ lĩnh vực nào, từ lịch sử tới thể thao, bạn cần thận trọng đặt mình vào một trạng thái tiếp thu mạnh mẽ trong đó tinh thần xuất sắc có thể tiếp sức cho các nỗ lực của bạn. Chúng ta nhận ra rằng, Nữ thần thực ra là biểu tượng cho tâm hồn trong mỗi chúng ta. Nhưng quá trình khơi gợi tinh thần đó là rất cần thiết. Những phương pháp sau đây chỉ ra cách để thực hiện điều đó.
Những phương pháp này sẽ chuẩn bị cho bạn một tâm lý dễ tiếp thu theo nhiều cách. Bạn tưởng rằng đang thư giãn nhưng thực ra là đang tiếp thêm sinh lực để việc luyện tập trí óc thêm hăng hái. Bạn sẽ nhận thấy đầu óc bạn sẵn sàng học tập trong tâm trạng rất tỉnh táo mà không hề căng thẳng. Bạn sẽ tự tin vào khả năng của mình để nắm bắt những cơ hội. Tóm lại, thực hiện những phương pháp này nhằm cải thiện động cơ, năng lực, sự tập trung, sự hiểu biết, khả năng ghi nhớ, thậm chí là nguồn cảm hứng của bạn.
Do mỗi chúng ta là một học viên khác nhau, nên bạn sẽ nhận thấy có một số lời tâm niệm phù hợp với mình hơn so với những lời khác. Tôi cố ý cung cấp cho bạn nhiều hơn là những gì bạn cần để từ đó bạn có thể lựa chọn câu bạn thích. Như bạn thấy, mỗi lời tâm niệm đều có một mục đích riêng. Một số sẽ rất có ích trước, trong hay sau các buổi học của bạn.
Lời tâm niệm thứ nhất: Hãy yêu thích việc học tập. Điều có tác động nhiều nhất mà bạn có thể làm để khuyến khích học tập là yêu thích cái bạn đang học. Nhà triết học Socrates đã khẳng định chắc chắn rằng việc học tập bắt đầu bởi Eros – giống như cảm nhận “choáng” khi bị thu hút bởi sự hấp dẫn của người khác. Về cơ bản, câu “yêu thích học tập” không đơn thuần là một phép ẩn dụ, cũng không đơn giản chỉ là sự ham hiểu biết.
Triết gia nổi tiếng Alfred North Whitehead đã coi giai đoạn đầu của bất cứ dự án nghiên cứu nào là sự lãng mạn. Vấn đề nghiên cứu luôn mang lại những điều mới lạ và người mới học sẽ nắm bắt được một vài điều quan trọng thông qua nguồn tư liệu thực tế. Whitehead tin tưởng rằng: “Trong giai đoạn này, việc học sẽ không bị chi phối bởi những quy trình mang tính hệ thống”. Thay vào đó, bạn chỉ đơn giản thăm dò theo cảm tính bất cứ những gì bạn bắt gặp, và cảm thấy thích thú bởi những điều bất ngờ.
Hầu hết mọi người đều đã quen với cảm giác này. Chúng ta thường có trải nghiệm như vậy khi chìm đắm vào một vấn đề mới hay một thách thức, tìm hiểu về một tác giả hay một nghệ sỹ nào đó mở mang thêm cuộc sống của chúng ta, hay tới thăm một nước khác.
Một giai đoạn cũng đáng để lưu ý là giai đoạn thứ hai mà Whitehead gọi là giai đoạn đo lường chính xác. Giai đoạn này cần đến việc tiếp cận có hệ thống hơn nữa để sắp xếp những sự việc mới mà chúng ta vừa học. Nhưng giai đoạn cuối cùng, giai đoạn khái quát hoá đòi hỏi “sự quay trở lại với chủ nghĩa lãng mạn, bên cạnh những lợi thế kèm theo của các ý tưởng đã được phân loại và những phương pháp thích hợp. Điểm cốt yếu là điều đó có thể dẫn đến việc sử dụng sáng tạo những tài liệu đã học được – cái mà chúng ta gọi là dựa trên những thông tin phù hợp để tiến xa hơn.
Lời tâm niệm này chỉ ra tầm quan trọng của việc yêu thích môn học của mình, điều mà nền giáo dục truyền thống hiếm khi cho phép. Khi bạn cố gắng giải quyết một vấn đề mới, điều đầu tiên nghĩ đến là nên quen với thời kỳ này như một giai đoạn của sự khám phá và niềm đam mê. Bạn cần phải tìm hiểu về những khía cạnh của vấn đề đặc biệt lôi cuốn bạn và coi chúng như một nguồn động lực. Cứ tự nhiên bỏ qua, lướt qua và đọc một cách ngẫu nhiên. Đọc bao nhiêu tuỳ thích. Đừng cố gắng lưu lại hay ghi nhớ nhưng cần “mang máng” hiểu chủ đề.
Giai đoạn này có thể mang lại kết quả hữu ích hơn bạn tưởng. Trên thực tế, bạn có thể học được những điểm mấu chốt quan trọng nhất trong môn học của mình trong khi đang xem xét sơ qua vấn đề một cách ngẫu nhiên. Bạn thường học được những điều quan trọng nhất về bất cứ một môn học mới nào ngay từ lúc bắt đầu, trước cả khi bạn nhận thức đầy đủ để phát triển những phán đoán hay sợ hãi trước sự kém hiểu biết của mình. Trong hầu hết các trường hợp, việc học ban đầu quyết định tới trên 50% những gì bạn muốn và cần biết. Bạn sẽ học những điều này nhanh hơn và dễ hơn nhiều với 50% còn lại.
Nhưng mục đích ban đầu của bạn là sự yêu thích. Hãy xem xét xem có bao nhiêu khía cạnh và những khía cạnh gì làm bạn đam mê, kích thích, hứng thú và hài lòng với đề tài của mình.
Mục đích tổng quát và hiệu quả của lời tâm niệm này bao gồm hai phần: thứ nhất là để tạo một thái độ đam mê, háo hức, ham thích và nhìn nhận một cách sôi nổi về những gì bạn chọn để học, đồng thời nó cho phép bạn có được niềm vui khi bạn bắt đầu làm quen với đề tài nghiên cứu của mình.
Lời tâm niệm thứ 2: Hãy lay động tâm hồn bạn. Giả thiết rằng bạn biết đánh giá và ưa thích việc sử dụng trí óc. Nhưng thỉnh thoảng mọi người vẫn cần sự giúp đỡ, cần có ai đó nhắc nhở chúng ta một cách thật mới mẻ và sinh động về những cái chúng ta đã biết. Chúng ta cũng cần có thời gian thường xuyên để tính toán điều chỉnh việc học cho phù hợp với từng hoàn cảnh sống – cho những gì diễn ra trong tuần trước và những gì chúng ta sẽ phải đối mặt trong tuần tiếp theo.
Vì vậy, bất kể đang học cái gì, bạn cần thường xuyên ý thức về tiềm năng to lớn của trí tuệ. Làm được điều đó tức là bạn đang mở một cánh cửa mà nhờ vào đó, những ý tưởng to lớn có thể nhóm lên ngọn lửa của nguồn cảm hứng.
Cách tốt nhất để thực hiện điều này là hàng ngày tìm hiểu về những tác phẩm kinh điển. Bạn sẽ nhận ra rằng bằng việc đọc một hay hai trang của các tác phẩm này vào mỗi buổi sáng hay mỗi buổi tối, sẽ mang lại cho bạn một cảm giác vui vẻ về những điều mà con người có thể đạt tới. Nó cũng chỉ ra phương cách giúp bạn đơn giản hoá việc học để mang hiệu quả hơn.
Một cách quan trọng khác để lay động tâm hồn bạn phải kể đến sự góp phần của rất nhiều tạp chí được xuất bản ngày nay. Hầu hết chúng ta đều quen với chỉ một vài ấn phẩm trong nước, trong khi thực ra có hàng trăm tạp chí khơi dậy và truyền đạt những suy nghĩ để từ đó cung cấp cho chúng ta những ý tưởng mới, xu hướng xã hội và thêm những cái nhìn về thế giới. Thậm chí, nếu bạn không đồng tình với quan điểm của người viết, bạn có thể nghĩ và mở rộng sự hiểu biết về vấn đề hơn là bạn có trước đây.
Để bắt đầu, tôi khuyên bạn hãy đọc ít nhất một tờ tạp chí xuất bản định kỳ và tập trung vào chủ đề học tập, phát triển các phương pháp kích thích tinh thần hay óc sáng tạo.
Một trong những tạp chí hay nhất và hiệu quả nhất là Utne Reader. Cuốn tạp chí ra hai tháng một lần này là tạp chí cạnh tranh của Reader’s Digest. Vốn xuất phát từ những nhà xuất bản nhỏ và không truyền thống, qua thời gian, mỗi số báo phát hành tạp chí này luôn có các bài viết và bài bình luận về những vấn đề chính trị hoặc xã hội lớn. Chủ bút tạp chí này, Eric Utne, đã giới thiệu một vài các tạp chí và tờ báo dưới đây cho những ai muốn thử thách mình với những ý tưởng khác lạ.
Lời tâm niệm thứ 3: Hãy sử dụng kinh nghiệm của bạn. Bạn đã có sẵn một cơ sở dữ liệu rộng lớn cho việc học tập để đối phó với các vấn đề hiện nay của mình. Bằng việc kiểm nghiệm lại các sự kiện đã trải qua trong cuộc sống, bạn có thể xác định những bài học đã được học và áp dụng chúng vào hiện tại.
Tất nhiên là bạn đã từng thực hiện điều đó. Một trong số trải nghiệm quen thuộc nhất của chúng ta là việc nhớ lại những gì đã xảy ra trong quá khứ khi chúng ta đang trải qua một điều tương tự trong hiện tại.
Việc rà soát lại kinh nghiệm trước đây một cách mau lẹ và yên tĩnh sẽ giúp bạn biết phải hành động như thế nào ở hiện tại. Bắt đầu từ những linh cảm mơ hồ, tới việc lục lọi lại trí nhớ và sau đó là đưa ra các lý luận dựa trên các kinh nghiệm trong quá khứ, đưa ra các câu hỏi và thay đổi kế hoạch của mình dựa trên câu trả lời. Đó chính là quá trình nghiên cứu mà các nhà khoa học áp dụng trong các phòng thí nghiệm.
Một trong những dấu hiệu chắc chắn nhất của việc học tập chủ động là khả năng đón nhận tin tức mới và gắn kết chúng với những kinh nghiệm trong cuộc sống. Nếu bạn có thể nhận ra dữ liệu mới đó phù hợp ở bất cứ đâu thì bạn đã gắn chặt nó trong hệ ý thức tương phản – một hệ thống phức tạp hơn bất cứ một danh mục liệt kê trong một thư viện hay máy vi tính nào. Nhờ vậy dữ liệu này có thể tác động trở lại nhận thức.
Lời tâm niệm thứ tư: Tiếp thêm sinh lực cho trí não. Bất cứ khi nào bạn định sử dụng bộ não, việc cần thiết phải làm là kiểm tra sức khỏe. Một nguyên tắc đã được kiểm tra bởi nhiều nhà khoa học đứng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu phương pháp học tập là việc học phải dựa trên trạng thái của cơ thể. Ví dụ, Don Lofland tại buổi hội thảo về khả năng học tập của mình đã khẳng định rằng bất cứ một buổi học nào hay bất cứ các công việc nghiên cứu khác đều “bắt đầu bằng trạng thái sinh lý của bạn”. Ông đã yêu cầu sinh viên tiến hành một bài kiểm tra nhanh về tình trạng cơ thể và thực hiện những điều chỉnh cần thiết về sự thư giãn, nhiệt độ của phòng, sự khát hay đói.
Bây giờ bạn hãy khiến họ đối mặt với thử thách khôi hài này và bạn có thể thấy sự thay đổi của họ – và chính họ cũng có thể cảm nhận được sự thay đổi đó! Chơi tung hứng chỉ là một ví dụ để chứng minh. Nhưng nó chứng minh rõ về vai trò của cơ thể trong việc học. Nguyên tắc là trạng thái cơ thể của bạn chính là chìa khóa cho tất cả mọi hoạt động học tập. Tôi muốn cơ thể thoải mái để trí óc được tự do”.
Việc học sẽ tốt hơn khi thả lỏng cơ thể tới một trạng thái thích hợp. Bạn có thể học được cách thức chi tiết để thực hiện điều này thông qua các buổi thảo luận dựa trên kinh nghiệm và thực hành với những người có thể sử dụng các phương pháp giảng bài không dùng lời nói (ví dụ như trò tung hứng) và bằng việc quan sát phản ứng của cơ thể mà thậm chí bạn cũng không chú ý tới. Nhưng bạn có thể có lợi cả trước khi được rèn luyện như vậy nhờ giữ cho cơ thể mình tỉnh táo như nó vốn có.
Sau đây là một số nguyên tắc cơ bản:
Hiểu rõ tình trạng cơ thể mình trong khi học. Nếu bạn cảm thấy căng thẳng, kém linh hoạt hay bực dọc, hãy áp dụng các biện pháp điều chỉnh.
Áp dụng các phương pháp học chủ động trong Chương 6 và 7 sẽ giúp trí óc của bạn hứng thú và tạo ra nhiều nhiệm vụ đa dạng để thực hành dựa trên tài liệu bạn đang nghiên cứu.
Cảnh giác trước những dấu hiệu của sự mệt mỏi, căng thẳng, cáu gắt. Cần chú ý tới những cảm giác này, rồi từ đó tự đặt mình trở lại một trạng thái học thư giãn và mới mẻ sẽ tốt hơn so với việc kìm nén, chú ý tới chúng.
Tất nhiên, bộ não là bộ phận quan trọng nhất của cơ thể bạn, vì thế phải chăm sóc nó hết sức cẩn thận. Ba điều cần thiết là sự rèn luyện, sự nghỉ ngơi và chế độ dinh dưỡng.
♦ ♦ ♦ ♦
Bài tập
Cách tốt nhất để cải thiện tình trạng sinh lý trong học tập của bạn là thực hiện một vài bài tập thể dục nhẹ nhàng. Vì thế, mỗi khi bạn muốn mình chuẩn bị sẵn sàng cho việc học, hãy thực hiện theo phương thức đơn giản sau đây:
Đi bộ thể dục trong vòng 15 – 20 phút.
Trong khi đi bộ, luôn hướng mắt bạn tới một tầm nhìn xa nhất hay tới đỉnh của một tòa nhà hay nhìn những đám mây trên bầu trời
Đồng thời quan sát xung quanh, cố gắng để ý tới cảnh vật xung quanh nhiều nhất có thể, hãy để cổ bạn tập thể dục một chút.
Quay tay và đưa sải chân dài và khỏe.
Thở sâu.
Nếu không thể rời khỏi bàn học hay căn phòng của bạn, hãy làm một vài động tác vươn vai.
Vươn hai tay qua đầu, cao nhất có thể.
Vươn sang hai bên và quay tròn.
Cúi xuống, chạm tới sàn nhà.
Xoay tay chạm tới những bộ phận khó với tới nhất trên cơ thể.
Nếu bên cạnh bạn có ai đó, hãy nhờ người đó xoa bóp một chút vai và cổ bạn, sau đó làm ngược trở lại.
Xoay cổ.
Đi bộ hay chạy tại chỗ.
Thở sâu.
Cuối cùng khi bạn ngồi làm việc trở lại, hãy kiểm tra tư thế của mình. Khi tôi nói rằng phương pháp học tập đỉnh cao là tư thế của bạn đối với cuộc sống, ý tôi muốn nói đến là theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Trạng thái cơ thể mang lại kết quả học tập và ảnh hưởng tới việc học của bạn. Win Wenger, tác giả của cuốn Trên cả sự đồng thuận (= Beyond O.K), đã nhấn mạnh điều này cùng những bài tập sau:
♦ ♦ ♦ ♦
Tư thế học tập
Đứng trước một chiếc gương cao để dễ dàng soi được toàn thân, tay để xuôi theo người.
Xoay hai đầu ngón chân chạm vào nhau.
Mở hai bàn tay sao cho gan bàn tay hướng ra ngoài.
Há miệng và để lưỡi tiếp xúc vào môi dưới một cách thoải mái.
Khi bạn nghe thấy điều gì đó hơi khó hiểu, hãy làm động tác nhăn trán.
Bây giờ, một cách kiên quyết, hãy nói to: “Tôi là một học viên thông minh, nhanh nhẹn và sắc sảo”.
Ngược lại, chấp nhận trạng thái sau:
Ngồi thật thoải mái trên ghế, một chân duỗi thẳng, ra xa hơn chân kia một chút.
Chống khuỷu tay phải lên đầu gối phải.
Tựa cằm lên ngón trỏ, giữ nó bằng ngón cái.
Chống tay trái lên đùi trái để tự cân bằng.
Nhìn vào khoảng không ngang thắt lưng như cách bạn làm khi đang tập trung vào một vấn đề và tìm kiếm ý tưởng để giải quyết nó.
Bây giờ hãy tự nói với mình: “Tôi chỉ không thật giỏi với loại công việc này”.
♦ ♦ ♦ ♦
Nghe có vẻ không hoàn toàn đúng? Tư thế của bạn sẽ chống lại nó, bởi vì bạn đang ở trong tư thế của bức tượng “Người suy tưởng” (Thinker) của Rodin, biểu tượng nguyên mẫu cho sự ngập tràn suy tư. Ảnh hưởng của việc bắt chước tư thế này được mô tả bởi Edward de Bono, một người tiên phong trong việc hướng dẫn mọi người cách suy nghĩ.
Như de Bono đã chỉ ra, tư thế là một trong nhiều biểu hiện cho suy nghĩ của chúng ta khi ta quyết định học. Và tôi hy vọng rằng bạn sẽ hiểu được sự tương đồng với bài tập ở Chương 3: “Khơi dậy người học viên tiềm ẩn bên trong bạn” (đó là một ví dụ khác của việc tâm niệm: Hãy sử dụng kinh nghiệm của bạn). Khi chúng ta đóng một vai diễn, chúng ta không cần thiết phải ở trên sân khấu hay ở trước máy quay để các đặc tính của vai diễn đó xuất hiện bên trong chúng ta. Thậm chí nếu bạn chỉ hơi mơ hồ về ý tưởng sâu sắc nào đó, bạn cũng có thể phát triển khả năng thông qua việc thể hiện tư thế bên ngoài của mình.
Lời tâm niệm thứ năm: Nắm bắt sự hăng hái của người khác. Hãy nhớ rằng mục đích của bất cứ lời tâm niệm nào là tăng sự hăng hái, thích thú của bạn với việc học. Bạn muốn nhen nhóm lại thái độ ưa mạo hiểm và mạnh mẽ mà bạn đã có khi còn là một đứa trẻ. Một cách để thực hiện điều đó là tóm lấy sự hăng hái của những người đã từng bồi đắp kiến thức cho chủ đề bạn theo học.
Hãy tìm kiếm những người bạn học dễ chịu khi học chung lớp. Hãy để ý đến những người cũng đang tìm kiếm sách trong cùng một danh mục ở thư viện bạn tới hay tìm kiếm các mối liên hệ về tri thức khác có thể.
Bạn có thể tìm thấy những con người đang say mê với đề tài yêu thích của họ ở mọi cộng đồng. Họ thường xuyên tụ họp, bất kể vào lúc nào, tiệc trưa, tiệc chiêu đãi hay các buổi thuyết giảng.
Bạn cũng có thể tìm thấy những con người nhiệt tình chia sẻ sự say mê của họ tại những cửa hàng triển lãm chuyên ngành của hầu hết các lĩnh vực, từ nhiếp ảnh, khiêu vũ, những điều huyền bí, âm nhạc cho đến nấu nướng, máy vi tính, dinh dưỡng, văn học và trình diễn ảo thuật.
Cách thứ hai để khai thác sự hăng hái của bạn về một lĩnh vực là đọc bản thông báo mới nhất về lĩnh vực đó. Điều khiến bạn đến đó chính là những nhóm trao đổi, cùng với cảm giác thân thiện ở đó để rồi bạn sẽ quyết định hòa nhập vào. Một khi bạn đã tìm thấy khởi nguồn của sự hứng thú, bạn có thể muốn bắt đầu một mối quan hệ bè bạn và dành nhiều thời gian hơn cho quan hệ đó.
Không nghi ngờ gì nữa, bạn sẽ tìm thấy một hay một số phương pháp sẽ tạo nên sự thư giãn và yêu thích đáng kể với cái bạn đang học. Đừng thờ ơ với những kỹ thuật này.
Sử dụng những lời quả quyết kích thích trí tuệ tiềm ẩn của bạn để nhận thấy việc học thật thú vị, dễ dàng và vui vẻ.
Yêu thích lĩnh vực bạn muốn học bằng cách chơi đùa với nó, tiếp cận một cách không hệ thống để tìm thấy những phần bạn yêu thích nhất.
Thường xuyên tìm kiếm sự khuyến khích, hỗ trợ và cảm hứng từ những tấm gương lớn về học tập trong quá khứ.
Sử dụng tất cả những kinh nghiệm có trong quá khứ khi bạn cần.
Nhận thức rõ rằng nếu bạn muốn bộ não hoạt động với khả năng tốt nhất cho việc học thì bạn cũng cần phải chăm sóc bản thân. Sự kết hợp đúng đắn giữa ăn uống và bài tập thể dục giúp bạn trở thành một học viên giỏi hơn nữa.
Hãy nhớ rằng, cơ hội để tìm người chia sẻ những mối quan tâm với bạn và sẵn lòng giúp bạn tăng sự hăng hái trong học tập tồn tại ở khắp mọi nơi.
Tất cả những phương pháp này sẽ giúp bạn trở thành một học viên xuất sắc.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.