Nói Sao Cho Trẻ Chịu Nghe

Chương 1 – Giúp Con Cái Xử Lý Những Cảm Xúc Của Chúng



PHẦN I

TRƯỚC KHI CÓ CON, tôi là một phụ huynh tuyệt vời. Tôi là một chuyên gia chuyên lý giải tại sao tất cả mọi người luôn gặp vấn đề rắc rối với con cái. Rồi thì đến khi tôi có ba đứa con. Sống với đám con thật sự của mình có thể khiến ta trở nên mất tự tin. Dù sáng sáng tôi đều tự nhủ “Hôm nay thế nào cũng sẽ khác mà”, nhưng sáng nào cũng là một sự biến thiên của sáng hôm trước. “Mẹ múc cho nó nhiều hơn con!”… “Cái tách này màu hồng. Có muốn cái tách xanh da trời cơ”… “Bột yến mạch gì mà trông ‘muốn ói’”. “Nó thụi con kìa, mẹ”… “Con thụi nó hồi nào!”… “Con không về phòng. Mẹ không phải là bà chủ mà sai khiến được con!”

Rốt cuộc chúng “quay” cho tôi bơ phờ. Và mặc dù đó là điều cuối cùng tôi từng mơ mình sẽ làm, tôi gia nhập một nhóm phụ huynh. Nhóm gặp mặt tại trung tâm hướng dẫn nuôi dưỡng trẻ em địa phương do nhà tâm lý học, tiến sĩ Haim Ginott chủ trì. Buổi gặp gỡ thật thú vị và gợi mở. Đề tài thảo luận là “Cảm xúc của trẻ” và hai giờ trôi qua cái vèo. Tôi về nhà mà trong đầu quay cuồng với những ý tưởng mới và một quyển sổ tay ghi chi chít những ý kiến chưa được hấp thụ:

Có mối liên hệ trực tiếp giữa cảm xúc và hành vi của trẻ.

Khi trẻ cảm thấy dễ chịu, chúng sẽ cư xử đúng mực.

Chúng ta phải làm sao để giúp trẻ cảm thấy dễ chịu?

– Hãy chấp nhận cảm xúc của chúng!

Vấn đề là cha mẹ không thường xuyên chấp nhận cảm xúc của trẻ, chẳng hạn:

“Không phải con cảm thấy như thế đâu.”

“Con nói thế chỉ vì con mệt mỏi mà thôi.”

“Chẳng có lý do gì mà con phải cáu nhặng lên vậy.”

Sự khước từ cảm xúc thường xuyên có thể làm trẻ rối trí và phát khùng. Đồng thời nó cũng dạy trẻ không biết được những cảm xúc của nó là gì – và chúng sẽ không tin cậy vào những cảm xúc của chúng.

Sau buổi hội thảo đó tôi nhớ mình đã nghĩ, “Có lẽ những cha mẹ khác thì thế. Chứ mình thì không.” Rồi sau đó tôi bắt đầu lắng nghe chính mình. Dưới đây là những mẫu đối thoại ở tại nhà tôi trong một ngày:

Con : Mẹ, con mệt quá.

Tôi : Con làm sao mà mệt. Con vừa mới ngủ trưa dậy cơ mà.

Con : ( nói to hơn ) Nhưng mà con mệt quá.

Tôi : Mệt đâu mà mệt. Chỉ tại con ngái ngủ thôi. Để mẹ thay đồ cho con nào.

Con : ( Rống lên ) Không, con mệt!

Con : Mẹ, ở đây nóng quá.

Tôi : Trời lạnh mà. Con không được cởi áo lạnh ra đâu đấy.

Con : Nhưng mà con nóng quá.

Tôi : Mẹ nói rồi “Không được cởi áo!”

Con : Không, con nóng thật mà.

Con : Chương trình đó chán òm.

Tôi : Sao con lại bảo nó chán. Nó hay thế còn gì.

Con : Nó lãng xẹt.

Tôi : Đây là chương trình giáo dục trên truyền hình con ạ.

Con : Thấy mà thối.

Tôi : Đừng ăn nói kiểu ấy!

Bạn có thấy điều gì đang diễn ra? Không chỉ tất cả những cuộc đối thoại giữa chúng tôi đều trở thành cuộc tranh cãi, mà tôi còn đang nói đi nói lại với các con mình rằng đừng có tin vào những cảm nhận của chúng, thay vào đó, hãy tin vào những cảm nhận của tôi đây này.

Một khi tôi nhận thức ra những gì mình đang làm. Tôi quyết định thay đổi. Nhưng tôi không biết chắc mình sẽ bắt đầu như thế nào để thay đổi. Cuối cùng, điều giúp tôi đắc lực nhất là tôi tự đặt mình vào vị trí của các con. Tôi tự hỏi “Giả sử mình là thằng con đang mệt, hay đang nóng bức, hay đang chán thì sao? Và giả sử tôi muốn bày tỏ cho ba mẹ, những người lớn quan trọng trong cuộc đời tôi, biết những gì tôi đang cảm nhận…?”

Trong những tuần tiếp sau đó tôi cố gắng dò sóng để bắt lấy những gì mà tôi cảm nhận là các con mình đang trải qua; và khi tôi cố gắng như thế, những lời nói của tôi vuột ra một cách rất tự nhiên. Tôi không hề sử dụng kỹ thuật. Mà tôi thật lòng có ý như vậy khi nói “Thì ra con vẫn còn thấy mệt mặc dù con vừa mới ngủ trưa dậy” hoặc “Mẹ thấy trong phòng này lạnh nhưng chắc là con thấy nóng” hoặc “Mẹ thấy con không thích chương trình này”. Dẫu gì chúng tôi cũng là hai con người tách biệt, với hai hệ thống cảm xúc khác hẳn nhau. Không ai trong chúng tôi đúng hay sai. Chúng tôi chỉ đơn thuần cảm thấy những gì mình đang cảm thấy.

Một thời gian sau, những kỹ năng mới đã giúp tôi rất nhiều. Số lần tranh cãi giữa tôi và lũ con giảm đi đáng kể. Nhưng rồi một ngày nọ con gái tôi tuyên bố “Con ghét bà ngoại” – đó là nó đang nói đến mẹ của tôi. Không hề lưỡng lự lấy một giây, tôi độp liền, “Con nói gì mà khủng khiếp vậy. Con biết là con đâu có ý nói như vậy. Mẹ không bao giờ muốn nghe lời như thế từ miệng con lần nào nữa.”

Cuộc đối đáp nhỏ đó dạy cho tôi một điều khác nữa về chính mình. Ấy là tôi có thể rất sẵn sàng chấp nhận hầu hết cảm xúc của bọn trẻ, nhưng hễ một đứa nào trong bọn chúng nói với tôi những điều làm tôi giận dữ hoặc lo lắng thì lập tức tôi sẽ quay trở lại thói quen cũ.

Vì lẽ tôi nhận ra phản ứng của mình không phải là bất thường. Cho nên, trong trang tiếp theo sau bạn sẽ thấy những ví dụ về những câu khẳng định mà con cái nói ra sẽ tự động kích hoạt hệ thống khước từ của cha mẹ chúng. Vui lòng đọc từng câu và viết ra những gì bạn nghĩ một phụ huynh có thể nói nếu ông khước từ cảm xúc của con mình.

I. CON: Con không thích em bé mới sinh.

MẸ: khước từ cảm xúc của con )

II. CON: Tiệc sinh nhật con chán quá (sau khi bạn đã “chạy đôn chạy đáo” để làm cho nó là một ngày tuyệt vời).

MẸ: khước từ cảm xúc của con )

III.CON: Con không đeo niềng răng nữa đâu. Nó làm con đau lắm. Con mặc kệ bác sĩ chỉnh răng nói gì thì nói!

MẸ: khước từ cảm xúc của con )

IV. CON: Con phát điên lên được! Chỉ vì con trễ có hai phút đến phòng tập mà thầy gạt tên con ra khỏi đội.

MẸ: khước từ cảm xúc của con )

Quý vị có thấy mình viết ra những câu kiểu như:

“Sao lại có chuyện đó. Mẹ biết trong tim con thật sự thương em mà.”

“Con nói gì vậy? Con đã có một bữa tiệc tuyệt vời còn gì – kem này, bánh sinh nhật này, bong bóng nữa này. Hừ, đó là bữa tiệc cuối cùng mà con có đấy!”

“Niềng răng đâu thể làm con đau dữ vậy. Cha mẹ đã đầu tư cả đống tiền vào trong miệng con rồi thì con phải đeo nó, cho dù con có thích hay không!”

“Con không được phép nổi khùng với thầy giáo. Đó là lỗi tại con. Đáng lẽ ra con phải đến đúng giờ chứ.”

Về mặt nào đó, đối với rất nhiều người chúng ta, thật dễ buột mồm nói theo cách như thế. Nhưng con cái chúng ta sẽ cảm thấy như thế nào khi chúng nghe vậy? Để dễ hình dung việc cảm xúc bị xem thường thì như thế nào, hãy thử làm những bài tập sau đây:

Hãy tưởng tượng. Bạn đang ở tại sở làm. Thủ trưởng của bạn yêu cầu bạn làm thêm cho ông ấy một việc và ông ấy muốn bạn giao nộp kết quả vào cuối ngày. Bạn đã có ý định thực hiện việc đó ngay lập tức, nhưng vì hàng loạt sự việc khẩn cấp dồn dập ập đến nên bạn quên phéng nó đi. Bạn quay cuồng giải quyết các việc đến nỗi hầu như không có thời gian ăn trưa.

Khi bạn và vài đồng nghiệp đang chuẩn bị ra về thì thủ trưởng đến, yêu cầu bạn trình bày kết quả công việc kia. Lập tức bạn cố giải thích hôm nay bạn đã bận bất thường như thế nào.

Ông ấy cắt lời bạn. Bằng giọng lớn tiếng, giận dữ, ông quát tháo, “Tôi không quan tâm đến những lời bào chữa biện hộ của cô! Cô nghĩ coi tôi trả tiền cho cô để cô làm cái quái quỷ gì – để ngồi bệt suốt ngày hả?” Khi bạn mở miệng ra định nói, ông nạt “Im đi” rồi bước ra thang máy.

Những đồng nghiệp của bạn giả bộ như không nghe thấy gì. Bạn lật đật thu dọn đồ đạc và rời văn phòng. Trên đường về nhà bạn gặp một người bạn. Trong lòng vẫn còn quá ấm ức đến nỗi bạn thấy mình kể tuốt luốt cho anh ấy toàn bộ sự việc vừa xảy ra.

Anh bạn kia liền cố “giúp đỡ” bạn bằng tám cách khác nhau. Khi bạn đọc từng cách đối đáp của anh ấy, hãy dò bắt tần số “phản ứng bột phát” tức thời của bạn đối với chúng và viết ra. (Không có phản ứng đúng hay sai. Bất kể bạn cảm thấy muốn phản ứng kiểu gì đều đúng đắn đối với bạn).

I. Chối bỏ cảm xúc. “Không có lý do gì mà bà phải bực mình cả. Bà bực mình là dại. Chắc tại bà mệt mỏi và thổi phồng mọi thứ ra khỏi bản chất của nó thôi, chứ làm gì đến mức tệ hại như bà thể hiện ra. Thôi nào, cười lên đi… trông bà đẹp hết sẩy khi cười.”

Phản ứng của bạn:

II. Triết lý. “Bà coi. Đời là thế. Mọi sự không phải lúc nào cũng luôn diễn biến theo đúng như ý chúng ta muốn được. Bà phải học cách vượt qua hoàn cảnh đi thôi. Trên đời này không có gì toàn hảo cả.”

Phản ứng của bạn:

III. Khuyên răn “Bà biết tôi nghĩ bà nên làm gì không? Sáng mai hãy tới thẳng văn phòng sếp của bà mà nói “Thưa, tôi đã sai”. Sau đó ngồi xuống và hoàn thành cấp tập cái việc hôm qua bà đã quên làm. Đừng để bị sập bẫy khi những việc khẩn linh tinh xảy đến. Nếu bà thông minh và muốn giữ công việc của bà thì hãy làm sao để chắc chắn sự việc như vậy không tái diễn nữa.”

Phản ứng của bạn:

IV Chất vấn “Chính xác những việc khẩn mà đã khiến bà quên khuấy việc quan trọng do đích thân sếp giao đó là gì?”

“Bà không nhận thấy ông ta sẽ nổi giận thế nào nếu bà không làm xong nó ngay lập tức sao?”

“Việc này hồi nào tới giờ đã từng xảy ra chưa?”

“Sao bà không đi theo ông ấy ra khỏi văn phòng và cố gắng giải thích lại lần nữa?”

Phản ứng của bạn:

Bênh vực phía bên kia “Tôi có thể hiểu được phản ứng của sếp bà. Chắc chắn ông ta đang phải chịu áp lực kinh khủng. Bà may phước là ông ấy không nổi nóng thường xuyên.”

Phản ứng của bạn:

VI Thương hại “Ối, tội nghiệp không. Khủng khiếp thật. Tôi thấy tội nghiệp cho bà đến muốn khóc đây này!”

Phản ứng của bạn:

VII Nhà phân tích tâm lý nửa vời “Có bao giờ bà nghĩ lý do thật sự khiến bà bức bối là bởi vì sếp của bà đại diện cho hình ảnh một người cha trong cuộc đời bà? Hồi nhỏ chắc là bà hay sốt vó mỗi khi không làm hài lòng cha của bà, rồi khi sếp la mắng bà, vụ việc gợi nhắc bà liên tưởng đến nỗi sợ hãi bị khước từ hồi xưa. Có đúng thế không?”

Phản ứng của bạn:

VIII Thông cảm (một cố gắng nhằm dò bắt cảm xúc của người tiếp chuyện). “Trời, nghe coi bộ sự việc đó khó chịu quá nhỉ. Bị sếp la lối ngay trước mặt những người khác, nhất là sau khi bà đã bù đầu muốn chết với áp lực rồi, thì thật là khó chấp nhận!”

Phản ứng của bạn:

Thế là bạn đã dò tìm ra những phản ứng của bạn đối với những cách đối đáp điển hình mà mọi người hay nói trong tình huống này. Bây giờ tôi muốn chia sẻ với bạn một số kiểu phản ứng của cá nhân tôi. Khi tôi bực mình hay đang bị tổn thương, điều cuối cùng tôi muốn nghe là lời khuyên, triết lý, phân tích tâm lý, hoặc bày tỏ quan điểm của người kia. Kiểu nói như thế chỉ tổ càng khiến tôi cảm thấy tệ hại hơn trước. Thương hại khiến tôi cảm thấy mình đáng khinh; chất vấn khiến tôi co vòi phòng thủ; và điên tiết nhất trong tất cả các kiểu đối đáp này là khi nghe người kia nói: “Ôi, thôi, quên đi… khơi nó lên nữa thì có ích lợi gì?”

Nhưng để tôi thật sự lắng nghe bạn nói, hãy công nhận nỗi đau bên trong lòng tôi và cho tôi cơ hội nói thêm về những gì khiến tôi bực bội, như thế thì tôi sẽ bắt đầu dịu đi, bớt rối trí hơn, tôi sẽ sáng suốt hơn với cảm xúc của mình và sẽ tìm cách tháo gỡ vấn đề.

Có thể, khi đã nguôi bớt tôi sẽ tự nhủ, “Sếp của mình bình thường rất công bằng… Mình nghĩ mình nên thu xếp làm cái báo cáo đó ngay lập tức và viết báo cáo đó sẽ là ưu tiên đầu tiên của mình vào sáng mai… Nhưng khi mình mang báo cáo vào văn phòng của sếp để nộp, mình sẽ cho ông biết mình đã nghẹn họng như thế nào khi bị nói như vậy… Và mình cũng cho ông ấy biết rằng từ giờ trở đi, nếu ông có phê bình mình thì mình sẽ cảm kích nếu được phê bình riêng.”

Quy trình này không khác gì đối với con cái chúng ta. Bọn chúng cũng có thể tự giúp mình tháo gỡ khúc mắc của mình nếu chúng có được một cái tai biết lắng nghe và nhận được một kiểu phản hồi đầy thông cảm. Nhưng ngôn ngữ cảm thông không tự nhiên vuột ra khỏi miệng chúng ta. Nó không thuộc về “tiếng mẹ đẻ” của chúng ta. Hầu hết chúng ta lớn lên hay bị khước từ cảm xúc. Để trở nên nhuần nhuyễn với ngôn ngữ mới của sự công nhận này, chúng ta cần phải học và luyện tập những phương pháp của nó. Sau đây là một số phương pháp giúp con cái xử lý cảm xúc của chúng.

ĐỂ GIÚP TRẺ XỬ LÝ CẢM XÚC

1. Lắng nghe chăm chú hết sức.

2. Công nhận cảm xúc của chúng bằng những từ cảm thán “Ồ,” “Ừm”… “Ra vậy”.

3. Đặt tên cho cảm xúc của chúng.

4. Nêu ra những ước muốn không thể thực hiện được của chúng.

Trong những trang tiếp theo, bạn sẽ thấy sự tương phản giữa những phương pháp này và cách người ta hay phản ứng với một đứa trẻ đang buồn bực.

Vậy là bạn có bốn phương pháp sơ cứu khả thi để đối phó với đứa trẻ đang làm nũng: lắng nghe chăm chú, công nhận cảm xúc của trẻ bằng câu ngắn gọn, đặt tên cho cảm xúc của trẻ, và nêu ra những ước muốn không thực hiện được của trẻ.

Nhưng quan trọng hơn bất kỳ lời nói nào chúng ta sử dụng là thái độ của chúng ta. Nếu thái độ của chúng ta không phải là thái độ thông cảm, thì bất kể chúng ta nói gì cũng đều sẽ bị đứa trẻ cảm nhận là giả tạo hoặc muốn khống chế nó. Những lời nói chất chứa sự cảm thông thật lòng của chúng ta sẽ truyền tải thẳng tới trái tim đứa trẻ.

Trong số bốn kỹ năng được minh họa ở đây có lẽ kỹ năng lắng nghe cảm xúc đang tuôn trào của trẻ là khó nhất, sau đó tới kỹ năng “đặt tên cho cảm xúc đó”. Cần phải tập luyện và tập trung mới có thể nhìn vào và nhìn xa hơn những gì trẻ đang nói để xác định cảm xúc thật của nó là gì. Tuy nhiên, việc này cực kỳ quan trọng bởi vì chúng ta đang cung cấp vốn từ ngữ cho trẻ để trẻ biết cách mô tả thực tế nội tâm của nó. Một khi trẻ biết từ vựng để diễn đạt những gì nó đang trải qua thì nó có thể bắt đầu xử lý cảm xúc của mình.

Bài tập tiếp theo đây gồm một danh sách liệt kê sáu câu khẳng định mà trẻ hay nói với cha mẹ nó. Vui lòng đọc kỹ từng câu và suy gẫm để tìm ra:

1. Một hoặc hai từ mô tả cảm xúc trẻ đang cảm nhận.

2. Một câu khẳng định mà bạn có thể nói với trẻ để chứng tỏ cho trẻ thấy là bạn hiểu được cảm xúc của nó.

CÔNG NHẬN CẢM XÚC CỦA TRẺ
Đứa trẻ nói:Tìm một cụm từ mô tả những gì trẻ có thể đang cảm nhậnDùng câu khẳng định để thể hiện là bạn hiểu cảm xúc của trẻ (đừng chất vấn hoặc khuyên răn)
VÍ DỤ:
“Bác tài xế xe buýt quát con, thế là tụi nó phá lên cười rần rần.”
Quê độVậy thì quê chết lên được, 
(hoặc) 
Nghe vậy coi bộ quê quá.
1. “Con muốn đấm vào mũi thằng Michael!”Cảm xúc của trẻBạn hiểu cảm xúc của trẻ
2. “Trời mưa có chút xíu mà cô giáo bảo cả lớp không thể đi dã ngoại được. Cô kỳ quá.”Cảm xúc của trẻBạn hiểu cảm xúc của trẻ
3. “Mary mời con dự sinh nhật bạn ấy, nhưng con không biết…”Cảm xúc của trẻBạn hiểu cảm xúc của trẻ
4. “Con không biết tại sao thầy cô nào cũng phải chất đầy bài tập về nhà lên đầu tụi con vào cuối tuần!”Cảm xúc của trẻBạn hiểu cảm xúc của trẻ
5. “Hôm nay tụi con có giờ tập bóng chày mà con không thể đánh được quả nào vào hố.”Cảm xúc của trẻBạn hiểu cảm xúc của trẻ
6. “Janey sắp chuyển trường rồi, mẹ. Bạn ấy là bạn thân nhất của con.”Cảm xúc của trẻBạn hiểu cảm xúc của trẻ

Bạn nhận thấy chúng ta cần phải mất bao nhiêu công sức và trí não mới làm cho trẻ biết là bạn hiểu những gì nó đang cảm nhận? Đối với hầu hết chúng ta, không dễ gì chúng ta tự nhiên nói được những câu kiểu như:

“Trời đất, nghe bộ con tức giận quá!” hoặc

“Vậy chắc là con thất vọng lắm.” hoặc

“Ờm. Chắc là con đang phân vân không biết có nên đi dự tiệc hay không,” hoặc

“Ồ, nghe như con phẫn nộ với chuyện bài tập về nhà” hoặc

“Ôi, thế thì thất vọng lắm!” hoặc

“Bạn thân chuyển đi trường khác thì còn gì buồn bằng.”

Tuy nhiên chính những câu khẳng định kiểu như vậy sẽ đem lại cho trẻ niềm an ủi, để chúng tự do bắt đầu xử lý vấn đề của chúng. (Nhân tiện, đừng cố sử dụng từ ngữ quá đao to búa lớn. Cách dễ nhất cho trẻ học từ vựng mới là để trẻ nghe từ đó được sử dụng đúng ngữ cảnh.)

Có thể bạn đang nghĩ: “Ừm, trong bài tập này tôi có khả năng đưa ra phản ứng ban đầu chứng tỏ sự thông hiểu của mình, không ít thì nhiều. Nhưng sau đó thì cuộc đàm thoại giữa tôi và con sẽ đi tới đâu? Tôi sẽ tiếp tục như thế nào? Tiếp theo tôi đưa ra lời khuyên có được không?”

Hãy kiềm giữ lời khuyên răn lại. Tôi biết bạn rất nôn nóng muốn giải quyết vấn đề giùm cho con của bạn bằng một giải pháp tức thì.

“Mẹ, con mệt quá!”

“Thế thì nằm xuống nghỉ đi.”

“Mẹ, con đói bụng.”

“Thế thì ăn gì đó đi.”

“Mẹ, con không đói.”

“Thôi thì đừng ăn nữa.”

Hãy chống lại cám dỗ “làm cho tốt hơn” ngay lập tức. Thay vì đưa ra lời khuyên răn, hãy tiếp tục công nhận và phản ánh cảm xúc của trẻ.

Sau đây là một ví dụ cho ý kiến của tôi. Một người cha trong nhóm hội thảo của chúng tôi kể lại việc cậu quý tử của ông vừa đi học về, vào đến nhà là hét ầm lên câu đầu tiên mà bạn đã ghi trong phần bài tập: “Con muốn đấm vào mũi thằng Michael!”

Người cha đó bảo với chúng tôi, “Bình thường thì cuộc đối thoại của hai cha con sẽ diễn ra như thế này:”

CON: Con muốn đấm vào mũi thằng Michael!

CHA: Sao vậy? Có chuyện gì xảy ra?

CON: Nó quẳng tập của con xuống đất!

CHA: Hừ, con đã làm gì nó trước phải không?

CON: Không!

CHA: Con chắc chứ?

CON: Con thề, con không bao giờ đụng tới nó.

CHA: Hừ, Michael là bạn của con. Nếu làm theo lời khuyên của ba thì con sẽ quên chuyện đó liền. Con biết là con đâu có ngoan hoàn toàn. Đôi khi con bất thần kiếm chuyện rồi đổ lỗi cho người khác – giống như cách con hay đổ thừa cho anh vậy.

CON: Không phải. Nó kiếm chuyện với con trước… mà thôi, con không nói chuyện với ba nữa!

Nhưng người cha đã tham dự buổi hội thảo chuyên đề giúp con cái xử lý cảm xúc của chúng, và đây mới thật sự là câu chuyện đã diễn ra:

CON: Con muốn đấm vào mũi thằng Michael!

CHA: Trời, con tức giận quá.

CON: Con muốn đấm vào giữa cái mặt phèn phẹt của nó!

CHA: Con phát điên với nó đến thế cơ!

CON: Ba có biết cái thằng bắt nạt đó đã làm gì không? Nó giật tập của con ở trạm xe buýt và quẳng xuống đất. Vô cớ!

CHA: Hừmm!

CON: Con cá là tại vì nó tưởng con đã làm bể con chim bằng đất sét thô thiển của nó trong phòng mỹ thuật!

CHA: Con nghĩ vậy à.

CON: Phải đó, ba. Nó cứ nhìn chằm chằm vào con trong lúc nó la thét.

CHA: Ồ.

CON: Nhưng con đâu có làm bể. Con đâu có làm!

CHA: Con biết rõ con không làm.

CON: Ừm, con không cố ý! Con đâu thể tránh được khi thằng ngốc Debby xô con vào bàn.

CHA: Thì ra Debby xô con.

CON: Đúng rồi. Nhiều thứ đổ ụp xuống, nhưng món duy nhất bị bể là con chim. Con không cố ý làm bể nó. Con chim của nó khá đẹp.

CHA: Ờ, đúng là con không cố ý làm bể nó.

CON: Dạ. Nhưng nó không tin con.

CHA: Con không tin là nó tin con nếu con nói cho nó nghe sự thật.

CON: Con không biết… Để con thử nói với nó xem sao – cho dù nó có tin con hay không. Con nghĩ nó nên xin lỗi con vì đã quẳng tập con xuống đất!

Người cha rất kinh ngạc. Ông không hề hỏi một câu nào và đứa trẻ tự động kể cho nghe ông toàn bộ câu chuyện. Ông không khuyên răn lời nào mà đứa con tự tìm ra hướng giải quyết của nó. Ông dường như không thể tin nổi mình lại giúp đỡ đắc lực cho con chỉ bằng cách lắng nghe và công nhận cảm xúc của nó.

Làm bài tập được viết ra và đọc một mẩu đối thoại mẫu là một chuyện. Đem những kỹ năng lắng nghe vào hành động trong một tình huống thật với con cái bạn lại là chuyện khác. Những phụ huynh trong nhóm của chúng tôi thay phiên nhau đóng vai luyện tập trước khi ứng phó với tình huống thật ở nhà.

Trong trang sau, bạn sẽ thấy một bài tập đóng vai để cho bạn thử cùng với một người bạn hay với vợ (chồng) bạn. Hãy phân vai xem bạn quyết định đóng vai con hay đóng vai phụ huynh, sau đó chỉ đọc phần vai mà bạn đang đóng.

TÌNH HUỐNG CỦA TRẺ

(Dành cho người đóng vai con)

I. Bác sĩ nói bạn bị dị ứng và cần tiêm hàng tuần để không bị hắt xì hoài. Đôi lần tiêm thấy đau đau, và đôi lần bạn hầu như không cảm thấy gì hết. Mũi tiêm hôm nay thuộc loại đau thấu trời. Sau khi rời phòng khám của bác sĩ, bạn muốn cho cha hoặc mẹ bạn biết bạn cảm thấy ra sao.

Phụ huynh của bạn sẽ phản hồi lại bạn theo hai cách khác nhau. Cách đầu tiên, cảm xúc của bạn sẽ bị khước từ nhưng bạn cố hết sức làm cho phụ huynh hiểu. Khi cuộc đàm thoại kết thúc một cách tự nhiên, hãy tự hỏi xem bạn đang cảm thấy gì, rồi chia sẻ câu trả lời của bạn với người đóng vai phụ huynh bạn.

Hãy bắt đầu bối cảnh bằng cách bạn vừa xoa cánh tay vừa nói:

“B ác sĩ suýt giết chết con bằng mũi tiêm vừa rồi!”

II. Tình huống cũng tương tự, chỉ có điều lần này phụ huynh của bạn phản ứng khác đi. Một lần nữa, khi cuộc đàm thoại kết thúc một cách tự nhiên, hãy tự hỏi xem lần này bạn cảm thấy gì, rồi chia sẻ câu trả lời với người đóng vai phụ huynh bạn.

Lần này cũng bắt đầu bằng cách bạn vừa xoa cánh tay vừa nói:

“B ác sĩ suýt giết chết con bằng mũi tiêm vừa rồi!”

Sau khi đã đóng vai con hai lần xong, bạn sẽ muốn đổi vai để trải nghiệm quan điểm của phụ huynh trong bối cảnh này.

Tình huống của phụ huynh

(Dành cho người đóng vai phụ huynh)

I. Mỗi tuần bạn phải đưa con bạn đi tới bác sĩ để tiêm một lần vì con bạn bị dị ứng. Mặc dù bạn biết con bạn sợ đi tiêm, nhưng bạn cũng biết hầu hết mọi mũi tiêm sẽ chỉ đau chừng một giây rồi thôi. Hôm nay sau khi rời phòng khám của bác sĩ, con bạn nhăn nhó kêu ca.

Bạn sẽ đóng cảnh này hai lần. Lần đầu bạn cố làm cho con ngừng kêu ca bằng cách khước từ cảm xúc của nó. Hãy dùng những câu khẳng định sau đây (nếu bạn thích, bạn có thể nghĩ ra những câu khẳng định của riêng bạn):

“Đâu nào, làm gì mà đau dữ vậy.”

“Con cứ nhắng nhít lên chẳng vì cái gì.”

“Anh con không bao giờ kêu rêu khi tiêm nhé.”

“Con làm như con là trẻ sơ sinh không bằng.”

“Ờ, tốt hơn con phải ráng làm quen với việc tiêm bị đau đi. Đằng nào thì mỗi tuần con đều phải tiêm một lần mà.”

Sau khi cuộc đàm thoại kết thúc một cách tự nhiên, hãy tự hỏi xem bạn đang cảm thấy gì, rồi chia sẻ câu trả lời của bạn với người đóng vai con bạn.

Rồi con bạn sẽ bắt đầu đóng lại cảnh này.

II. Bối cảnh vẫn giống y như trước, chỉ có điều lần này bạn thật sự lắng nghe con bạn.

Phản ứng của bạn hàm ý bạn vừa lắng nghe vừa công nhận bất kỳ cảm xúc nào con bạn đang cảm thấy. Chẳng hạn:

“Nghe là thấy đau quá trời rồi.”

“Chắc là đau lắm.”

“Ừm, tệ thật!”

“Đau cứ hệt như cơn đau con ước cho kẻ thù của con phải chịu vậy á.”

“Mỗi tuần lại phải tiêm một mũi đâu phải dễ. Mẹ cược là con sẽ mừng khi nó kết thúc.”

Khi cuộc đối thoại kết thúc một cách tự nhiên, hãy tự hỏi lần này bạn cảm thấy như thế nào và hãy chia sẻ câu trả lời của bạn.

Con bạn sẽ đóng vai này một lần nữa.

Sau khi đã đóng vai phụ huynh hai lần xong, bạn sẽ muốn đổi vai để trải nghiệm quan điểm của con trong bối cảnh này.

Khi bạn đóng vai đứa trẻ có cảm xúc bị dẹp qua bên và bị khước từ, bạn có thấy mình càng ngày càng trở nên tức giận hơn? Ban đầu bạn bực mình vì mũi tiêm đau quá, nhưng về sau bạn lại tức giận vì phụ huynh của bạn?

Khi bạn đóng vai người mẹ (cha) đang cố ngăn lời phàn nàn của con mình, bạn có thấy mình càng ngày càng trở nên nổi cáu vì đứa con “không biết phải trái” của mình?

Đó thường là cách sự việc tiến triển khi cảm xúc bị khước từ. Cha mẹ và con cái trở nên càng ngày càng tách xa nhau ra.

Khi đóng vai một phụ huynh công nhận cảm xúc của con hơn là phản đối, bạn có thấy tranh cãi không có chỗ trong cuộc chuyện trò giữa hai mẹ con? Bạn có trải nghiệm sức mạnh rằng mình có thể giúp con mình thật sự?

Khi đóng vai đứa trẻ có cảm xúc được công nhận, bạn có cảm thấy mình được tôn trọng hơn? Bạn có cảm thấy tình yêu thương đối với cha mẹ bạn? Cơn đau do mũi tiêm của bạn sẽ dễ chịu đựng hơn khi có người biết được nó đau đến cỡ nào? Bạn có sẵn sàng đối mặt với mũi tiêm tuần tới?

Khi công nhận cảm xúc của con cái, chúng ta đã làm cho con một dịch vụ vĩ đại. Chúng ta đã để con chạm vào thực tế nội tâm của nó. Và khi trẻ biết rõ về thực tế đó thì trẻ sẽ huy động sức mạnh để bắt đầu xử lý nó.

BÀI LUYỆN TẬP

1. Ít nhất một lần trong tuần này bạn sẽ nói chuyện với con bạn theo kiểu công nhận cảm xúc của nó. Hãy ghi vào khoảng chấm chấm của mẩu đàm thoại dưới đây những gì vẫn còn tươi rói trong đầu bạn mà bạn định sẽ nói với con?

CON: ……………………………………………………………..

PHỤ HUYNH: ……………………………………………………………..

CON: ……………………………………………………………..

PHỤ HUYNH: ……………………………………………………………..

CON: ……………………………………………………………..

PHỤ HUYNH: ……………………………………………………………..

CON: ……………………………………………………………..

2. Hãy đọc phần II của chương này. Bạn sẽ tìm thấy những nhận xét bổ sung về những kỹ năng này, những câu hỏi hay được nêu ra nhất, và những lời kể của phụ huynh, bày tỏ họ đã áp dụng kỹ năng mới này ở nhà như thế nào.

Ghi nhớ

Giúp trẻ xử lý cảm xúc của chúng

Trẻ cần thấy cảm xúc của mình được công nhận và được tôn trọng

1. Bạn có thể lắng nghe một cách im lặng và chăm chú.

2. Bạn có thể công nhận cảm xúc của trẻ bằng một từ hoặc một âm.

“Ồ… Ừm… Ra vậy”.

3. Bạn có thể đặt tên cho cảm xúc của chúng

“Nghe sao thất vọng ghê!”

4. Bạn có thể nêu ra những ước muốn không thực hiện được của chúng

“Mẹ ước gì mẹ có thể làm chuối chín ngay lập tức cho con ăn!”

* * *

Phải công nhận tất cả mọi cảm xúc.

Phải ngăn chặn một số hành vi cụ thể.

“Mẹ thấy con tức giận em đến thế nào. Nói với em con muốn gì bằng lời, không phải bằng nắm đấm.”

PHẦN II:

NHẬN XÉT, BĂN KHOĂN VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN CỦA PHỤ HUYNH

1. Có nhất thiết quan trọng là tôi luôn luôn phải cảm thong với con cái?

Không. Phần lớn cuộc chuyện trò của chúng ta với con cái là chuyện trò ngẫu nhiên. Nếu trẻ nói “Mẹ, hôm nay con quyết định tới nhà David sau khi đi học về” thì hầu như không nhất thiết phụ huynh phải đáp lại: “Vậy là con quyết định chiều nay đi thăm bạn”. Chỉ cần câu nói đơn giản “Cảm ơn con đã báo cho mẹ biết” đã là một sự công nhận hữu hiệu. Thời điểm phụ huynh cần thông cảm là khi trẻ muốn bạn biết tâm trạng của nó – nó đang cảm thấy như thế nào. Khi nhắc lại những cảm xúc tích cực của con cái có thể để lộ ra cho chúng ta thấy một số vấn đề. Rằng không khó cho chúng ta phản ứng lại nỗi hồ hởi của đứa trẻ “Hôm nay con được 97 điểm môn toán!” bằng vẻ phấn khích tương tự, “97! Ôi, thế thì con vui lắm nhỉ!”

Chính những cảm xúc tiêu cực của trẻ mới đòi hỏi đến kỹ năng thông cảm của chúng ta. Đó là lúc chúng ta cần vượt qua những cám dỗ thông thường là phớt lờ, khước từ, giảng đạo, chỉnh lưng v.v… Một người cha kể, điều giúp ông trở nên nhạy cảm hơn với những nhu cầu cảm xúc của con trai mình là khi ông bắt đầu so sánh những cảm xúc buồn phiền, ray rứt của con giống như những vết bầm tím trên cơ thể. Về phương diện nào đó, hình ảnh vết cắt hay vết thương giúp ông nhận ra con mình đòi hỏi được quan tâm chú ý đến cảm xúc đau đớn của nó một cách nghiêm túc và ngay lập tức hệt như khi nó bị thương trầy trụa đầu gối.

2. Có gì sai khi hỏi thẳng con

“Tại sao con lại cảm thấy như thế?”

Có những trẻ có thể nói cho bạn biết tại sao chúng sợ hãi, giận dữ, hay buồn rầu. Tuy nhiên, đối với hầu hết trẻ, câu hỏi “Tại sao?” chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề của chúng. Ngoài nỗi ấm ức ban đầu, giờ chúng lại bị buộc phải phân tích nguyên nhân và phải đưa ra lời giải thích thỏa đáng cho việc chúng cảm thấy như vậy. Rất thường xuyên trẻ không biết tại sao mà chúng cảm thấy như thế. Cũng có những lúc chúng do dự không muốn giải thích với bạn, bởi vì chúng sợ rằng trong mắt người lớn lý do của chúng có vẻ không đủ thuyết phục. (“Có vậy thôi mà con cũng khóc à?”)

Sẽ hữu ích hơn cho đứa trẻ đang buồn khi nghe “Mẹ thấy hình như có chuyện làm con buồn” hơn là hỏi “Có chuyện gì xảy ra vậy?” hoặc “Sao con lại buồn vậy?”. Trẻ sẽ dễ nói chuyện với người lớn công nhận những gì nó đang cảm thấy hơn là người bắt ép nó phải giải thích.

3. Tiến sĩ nói chúng tôi nên để cho con cái biết chúng tôi đồng ý với những cảm xúc của chúng?

Trẻ em không cần cảm xúc của chúng được đồng ý; chúng cần cảm xúc của chúng được công nhận. Câu khẳng định “Con đúng đó” có lẽ làm trẻ hể hả khi nghe vào khoảnh khắc đó nhưng đồng thời nó có thể ngăn trẻ tự mình suy nghĩ rốt ráo về vấn đề.

Ví dụ:

CON: Cô giáo bảo cô sẽ hoãn vở kịch của lớp lại. Cô ác quá à!

CHA: Sau tất cả những buổi tập luyện công phu ư? Ba đồng ý với con. Cô ấy ác thật khi làm thế!

Chấm dứt thảo luận.

Hãy để ý xem, sẽ dễ hơn biết chừng nào cho trẻ suy nghĩ một cách xây dựng khi cảm xúc của nó được công nhận:

CON: Cô giáo bảo cô sẽ hoãn vở kịch của lớp lại. Cô ác quá à!

CHA: Chắc là con thất vọng ghê gớm lắm. Con đang mong chờ nó cơ mà.

CON: Phải đó ba. Chỉ vì mấy đứa đùa cợt trong lúc tập kịch thôi. Đó là do lỗi của tụi nó chứ bộ.

CHA: ( im lặng lắng nghe )

CON: Cô còn nổi khùng lên vì không đứa nào thuộc vai của mình hết.

CHA: Vậy à.

CON: Cô bảo nếu tụi con “sửa đổi” thì cô sẽ cho tụi con một cơ hội nữa… Tốt hơn con đi dợt lại vai của mình đây. Tối nay ba chỉnh cho con nhe, ba?

Kết luận: Trong khoảnh khắc trầm uẩn, tức giận, những gì con người dù ở độ tuổi nào chăng nữa đều có thể thể hiện là không đồng ý hoặc bất mãn; họ cần ai đó nhận ra họ đang trải nghiệm những gì.

4. Nếu việc bày tỏ cho con tôi biết tôi hiểu con là quan trọng thì, có gì sai không khi tôi nói “Mẹ hiểu con cảm thấy thế nào”?

Vấn đề khi bạn nói “Mẹ hiểu con cảm thấy thế nào” là có trẻ không tin bạn. Chúng sẽ đáp lại “Không phải. Mẹ không biết gì hết”. Nhưng nếu bạn coi rắc rối của trẻ là đặc biệt (“Ngày đầu tiên đi học hồi hộp lắm – bao nhiêu điều mới phải làm quen”) thì trẻ biết bạn thật sự hiểu.

5. Giả sử tôi đã cố gắng xác định cảm xúc của con nhưng hóa ra tôi xác định sai. Thế gì làm sao?

Không có gì hại cả. Con bạn sẽ mau chóng sửa sai cho bạn.

Ví dụ:

CON: Ba, bài kiểm tra của tụi con bị hoãn lại tới tuần sau!

CHA: Vậy là con thở phào nhẹ nhõm.

CON: Không, con muốn khùng thì có! Giờ thì tuần sau con phải học lại y chang đống bài đó.

CHA: À, ra vậy. Con đã hy vọng sẽ vượt qua nó cho rồi.

CON: Dạ!

Sẽ là tự tin thái quá nếu ai đó bảo đảm mình luôn luôn biết chính xác người khác đang cảm thấy gì. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là cố gắng hiểu cảm xúc của con mình. Dù chúng ta sẽ không luôn thành công, nhưng nỗ lực của chúng ta thường được đề cao.

6. Tôi biết cảm xúc nên được công nhận, nhưng tôi thấy khó biết cách phản hồi như thế nào khi nghe “Mẹ kỳ cục” hoặc “Con ghét mẹ” từ chính miệng con mình.

Nếu câu “Con ghét mẹ” làm bạn bực tức, có lẽ bạn muốn cho con bạn biết rằng “Mẹ không thích nghe con nói như thế. Nếu con giận dữ về cái gì thì hãy nói cho mẹ biết bằng cách khác. Như vậy mẹ có thể sẽ giúp được con.”

7. Có cách nào khác để giúp đứa trẻ đang tức tối ngoài việc để cho nó biết bạn hiểu cảm xúc của nó? Con trai tôi rất khó tha thứ cho bất kỳ sự thất vọng nào. Thỉnh thoảng tôi công nhận cảm xúc của nó bằng cách nói “Chắc con tuyệt vọng ghê lắm!” nhưng dường như không ăn thua; thường thì lúc đang có tâm trạng bực bội nó thậm chí không thèm nghe tôi nói gì.

Những phụ huynh trong nhóm hội thảo của chúng tôi đã nhận ra rằng khi con họ vô cùng tức bực thì đôi khi một hình thức vận động thân thể sẽ có thể giúp trẻ giảm bớt phần nào cảm xúc đau đớn. Tôi đã nghe nhiều câu chuyện về những đứa trẻ đang giận dữ sẽ dịu đi sau khi đấm gối, nện búa vào thùng các-tông cũ, đập và nhào đất sét, gầm rống lên như sư tử, phóng phi tiêu. Nhưng một hành động có vẻ thoải mái hơn đối với phụ huynh khi chứng kiến, và hài lòng hơn đối với trẻ khi thực hiện, là vẽ cảm xúc của nó ra. Hai ví dụ dưới đây xảy ra trong tuần chúng tôi nhóm họp:

Tôi vừa tham dự một buổi hội thảo trở về thì thấy thằng con ba tuổi của mình đang nằm xoài dưới sàn nhà gào rú khủng khiếp. Chồng tôi chỉ biết đứng kinh hoàng nhìn nó. Anh ấy liền bảo tôi: “Ối này chuyên gia trẻ em, coi em xử lý ca này thế nào.” Tôi cảm thấy mình buộc phải đảm trách sự vụ. Tôi đứng nhìn xuống Joshua, vẫn đang giãy giụa gào thét, và giật lấy cây bút chì với tập giấy kế bên điện thoại bàn. Xong tôi quỳ xuống, trao bút chì và giấy cho Joshua và bảo: “Này, chỉ cho mẹ biết con giận dữ như thế nào đi. Hãy vẽ một bức tranh chỉ ra cho mẹ biết con đang cảm thấy gì.”

Joshua bật ngồi dậy lập tức và bắt đầu vẽ những vòng tròn giận dữ. Xong rồi nó chỉ cho tôi và nói “Con tức giận như vậy đấy!”

Tôi bảo “Ừ, con tức giận thật sự !” đoạn xé một tờ giấy khác ra khỏi tập giấy và nói “Chỉ cho mẹ thấy thêm nữa coi”.

Nó hậm hực vẽ nghuệch ngoạc lên tờ giấy lần nữa. Tôi bảo “Chà, con giận thế cơ!” Chúng tôi lại tiếp tục quy trình thêm một lượt nữa. Đến khi tôi trao cho nó tờ giấy thứ tư thì rõ ràng nó đã bình tĩnh hơn nhiều. Nó nhìn tờ giấy một hồi rồi bảo “Bây giờ con sẽ chỉ cho mẹ thấy con vui thế nào”, và vẽ một vòng tròn có hai con mắt cùng một cái miệng cười. Thật không thể tin nổi. Trong vòng hai phút mà nó chuyển từ trận lôi đình sang mỉm cười tươi rói – chỉ vì tôi để cho nó biểu đạt cho tôi thấy nó cảm thấy như thế nào. Sau đó chồng tôi bảo “Em cứ đi sinh hoạt trong nhóm đó đi nhé”.

Trong buổi sinh hoạt tiếp theo của nhóm chúng tôi, một bà mẹ khác kể với chúng tôi về kinh nghiệm của chị cũng với kỹ năng bảo con vẽ này.

Khi tôi nghe kể về Joshua hồi tuần trước, ý nghĩ đầu tiên của tôi là “Ước gì mình áp dụng được phương pháp đó vào Todd”. Todd cũng ba tuổi nhưng cháu bị chứng bại não. Tất cả những gì là bình thường đối với những đứa trẻ khác đều là phi thường đối với cháu – đứng lên không ngã, hoặc ngồi mà không oặt đầu xuống. Cháu đã có những tiến bộ rất lớn nhưng vẫn hay có tật nổi giận bất tử. Hễ lúc nào cố làm gì đó mà không làm được thì cháu gào khóc cả mấy tiếng đồng hồ liền. Không cách chi trên đời tôi có thể áp dụng mà dỗ cháu được. Phần tệ hại nhất là cháu hay đá và cắn tôi. Tôi đoán cháu nghĩ rằng những khó khăn của cháu là do lỗi tại tôi và đáng lẽ tôi phải có khả năng làm gì đó về điều ấy. Cháu hầu như lúc nào cũng nổi điên khùng với tôi.

Trên đường từ buổi hội thảo tuần trước về nhà, tôi nghĩ “Nếu mình đoán biết Todd trước khi nó nổi cơn tam bành thì sao?” Chiều hôm đó cháu đang chơi trò ghép hình mới của cháu. Đó là bức hình rất đơn giản với vài mẩu ghép to. Vậy mà cháu vẫn không làm sao ghép được mảnh cuối cùng vào bức tranh, và sau khi cố ráng vài lần thì cháu bắt đầu lộ nét mặt nhăn nhó. Tôi nghĩ “Không! Lại nữa rồi!”, bèn chạy bổ tới bên cháu và la lên: “Ngồi im!… Giữ im mọi thứ… Đừng nhúc nhích!… Mẹ phải lấy cái này!” Todd trông có vẻ thảng thốt. Tôi cuống quít lục tìm trên kệ sách của cháu, lấy ra một mẩu bút chì sáp màu tím và một tờ giấy vẽ. Tôi ngồi xuống với Todd và nói “Todd, có phải con đang giận dữ như thế này không?” và rồi vẽ những đường dích dắc nhọn hoắt, lên xuống, lên xuống.

“Dạ,” cháu nói và giật mẩu bút chì sáp khỏi tay tôi rồi gạch chém những đường thẳng điên dại vào tờ giấy. Sau đó cháu chọc chọc cho tới khi có vô số lỗ thủng trên tờ giấy. Tôi cầm lấy tờ giấy giơ ra ánh sáng và nói “Con giận dữ quá này… Ôi, con giận kinh khủng!”. Cháu giật tờ giấy khỏi tay tôi và vừa la thét vừa xé toạc tờ giấy cho tới khi nó chỉ còn là một đống giấy vụn. Khi cháu làm xong xuôi, cháu nhìn lên tôi và bảo “Con yêu mẹ”. Đó là lần đầu tiên Todd thốt lên câu nói ấy.

Từ đó tôi hay thử lại cách thức này lần nữa và không phải lúc nào cũng có công hiệu. Tôi nghĩ có lẽ mình phải tìm một lối thoát vận động thân thể khác cho cháu, chẳng hạn như đấm bao nhồi bông hay gì gì đó. Nhưng tôi bắt đầu nhận ra rằng điều quan trọng nhất là trong khi cháu đấm hay nhào nặn hay vẽ, thì tôi phải ở đó, xem cháu làm, để cho cháu biết rằng dẫu là nỗi giận dữ ghê gớm nhất thì cháu vẫn được hiểu và được công nhận.

8. Nếu tôi công nhận tất cả những cảm xúc của con mình, liệu điều đó có khiến nó có tư tưởng rằng bất kỳ việc gì nó làm đều đúng đắn đối với tôi? Tôi không muốn là một bà mẹ dễ dãi.

Chúng tôi cũng lo lắng mình trở nên dễ dãi. Nhưng dần dần chúng tôi bắt đầu nhận ra rằng phương pháp này chỉ dễ dãi khi bạn có tư tưởng dung thứ rằng tất cả mọi cảm xúc đều được cho phép.

Ví dụ như khi bạn nói “Mẹ thấy con khoái dùng nĩa để thiết kế trên miếng bơ” không có nghĩa là bạn cần phải cho phép trẻ hành xử theo lối không thể chấp nhận được đối với bạn. Khi cất miếng bơ đi bạn có thể cho “họa sĩ nhí” của bạn biết rằng “Bơ không phải là thứ để nghịch chơi. Nếu con muốn thiết kế hình gì thì con có thể dùng đất sét của con mà thiết kế.”

Chúng tôi thấy rằng khi bạn công nhận cảm xúc của con cái, trẻ sẽ có khả năng chấp nhận những giới hạn mà bạn đặt ra cho chúng hơn.

9. Điều gì phản đối khuyên răn trẻ khi chúng gặp vấn đề?

Khi chúng ta đưa ra cho trẻ lời khuyên hoặc giải pháp tức thì, chúng ta tước đoạt của trẻ những kinh nghiệm mà phát sinh trong quá trình vật lộn với những vấn đề của chúng.

Có lúc nào cần khuyên răn không? Tất nhiên là có.

Để thảo luận chi tiết thêm về việc nên khuyên trẻ vào lúc nào và như thế nào, mời bạn xem phần “Nói thêm về lời khuyên” ở chương 4.

10.Tiến sĩ có thể làm gì nếu sau đó tiến sĩ nhận ra rằng mình đã phát đi tới con mình một tín hiệu phản hồi vô bổ? Hôm qua con gái tôi đi học về với tâm trạng rất bực bội. Nó muốn kể cho tôi nghe chuyện mấy đứa trẻ khác đã chọc ghẹo nó trong sân trường như thế nào. Nhằm lúc tôi đang mệt mỏi và không muốn nghe, thế là tôi đã xua nó đi, bảo nó đừng khóc nữa, chuyện đó có phải là trời sụp đâu mà. Trông nó lộ vẻ u sầu và đi lên phòng của nó. Tôi biết mình đã “đánh hỏng” rồi, nhưng bây giờ tôi có thể làm gì

Mỗi lần cha hoặc mẹ tự nhủ “Chắc chắn lần này mình sai rồi. Tại sao mình đã không nghĩ ngợi khi nói…”, thì tự động họ đã tạo cho mình một cơ hội khác. Cuộc sống giữa phụ huynh với bọn trẻ vốn rộng mở không hồi kết. Luôn luôn có một cơ hội khác – sau đó một giờ, một ngày, một tuần – để nói “Mẹ đang nghĩ về câu chuyện lần trước con kể cho mẹ nghe, về mấy đứa chọc ghẹo con trong sân trường đó. Và mẹ nhận thấy điều đó hẳn là khó chịu lắm.”

Sự đồng cảm luôn luôn được đánh giá cao, cho dù nó đến sớm hay muộn.

Những lưu ý

I. Trẻ con thường phản đối khi những lời chính xác của chúng bị nhắc lại sau khi chúng nói ra.

Ví dụ:

CON: Con không thích David nữa.

CHA: Con không thích David nữa.

CON: ( nhăn nhó ) Con vừa nói câu đó mà.

Có lẽ đứa trẻ này thích câu phản hồi ít giống con vẹt hơn. Kiểu như:

“Chắc David có gì khiến con bực mình.”

Hoặc

“Nghe như con bực mình gì đó với bạn ấy.”

II. Có những trẻ thích cha mẹ đừng nói gì hết khi chúng bực bội. Với chúng, sự có mặt của cha hoặc mẹ đã đủ an ủi lắm rồi.

Một bà mẹ kể cho chúng tôi thế này. Bà bước vào phòng khách thì thấy con gái 10 tuổi của bà nằm chèm mẹp trên ghế sofa, nước mắt tèm lem. Bà ngồi xuống bên cạnh cô bé, vòng tay ôm bé và thủ thỉ “Chắc có chuyện xảy ra” và ngồi im lặng bên cô bé khoảng 5 phút. Cuối cùng cô bé thở phào ra và nói “Cảm ơn mẹ. Con thấy dễ chịu hơn rồi”. Bà mẹ không bao giờ biết có chuyện gì đã xảy ra. Tất cả những gì bà biết là sự hiện diện đầy vỗ về của bà đã giúp con gái, bởi vì một tiếng đồng hồ sau bà đã thấy tiếng cô bé hát véo von trong phòng của nó rồi.

III. Có những trẻ nổi cáu khi chúng biểu lộ cảm xúc bức bối và phản ứng của cha mẹ chúng phản hồi rất “đúng đắn”, nhưng lạnh lùng.

Có cô bé tuổi teen tại một buổi hội thảo của chúng tôi kể với chúng tôi nghe chuyện một buổi chiều cô bé đi học về, trong lòng nổi cơn thịnh nộ bởi vì đứa bạn thân nhất của cô bé đã phản bội, tiết lộ bí mật riêng tư của cô bé. Cô bé kể cho mẹ nghe sự việc, và rất thản nhiên mẹ cô bé bình luận: “Con giận dữ rồi”. Cô bé bảo cô bé không thể kìm nổi phải nói lại với mẹ một cách mỉa mai rằng “Mẹ chỉ đùa”.

Chúng tôi hỏi cô bé chứ cô bé muốn đáng ra mẹ mình phải nói gì. Cô suy nghĩ một thoáng rồi bảo: “Không phải lời nói mà là cách nói của mẹ cháu. Mẹ cháu nói mà hờ hững như đang nói về cảm xúc của ai đó mà mẹ cháu không quan tâm vậy. Cháu nghĩ cháu muốn mẹ cháu cần thể hiện là mẹ đang ở bên cạnh cháu. Nếu mẹ cháu nói kiểu như “Trời, Cindy, chắc con giận bạn ấy lắm!” thì có lẽ cháu cảm thấy là mẹ cháu hiểu.”

IV. Cũng không có ích khi cha mẹ phản ứng sốt sắng quá mức trẻ cảm thấy.

Ví dụ:

CON TUỔI TEEN: ( càu nhàu ) Steve bắt con chờ ở góc đường cả nửa tiếng đồng hồ. Sau đó còn bịa ra chuyện mà con biết rõ mười mươi là xạo ke.

MẸ: Thật không thể chịu được! Sao nó dám đối xử với con như thế? Cái thằng đã vô ý vô tứ lại còn vô trách nhiệm. Chắc là con không bao giờ muốn nhìn mặt nó nữa.

Chắc không bao giờ có cô hay cậu tuổi teen nào lại phản ứng với bạn mình tới mức kịch liệt như với kẻ thù. Tất cả những gì trẻ cần từ bà mẹ là ồ à thông hiểu và lắc đầu để truyền đạt sự thông cảm cho nỗi bực dọc của trẻ trước hành vi của người bạn. Trẻ không cần phải chuốc thêm gánh nặng đối phó với những cảm xúc mạnh của mẹ nó.

V. Trẻ không đề cao việc cha mẹ lặp lời tự chỉ trích, xỉ vả của nó.

Khi một đứa trẻ nói với bạn rằng nó ngớ ngẩn, hoặc xấu hoặc mập phì, thì không ích chi khi bạn lặp lại “Ố, vậy là con nghĩ mình khờ,” hoặc “Con nghĩ mình xấu xí”. Đừng hợp tác với trẻ khi nó tự mắng nhiếc nó. Phụ huynh chúng ta nên chấp nhận nỗi đau của trẻ mà không lặp lại.

Ví dụ:

CON: Cô giáo bảo tụi con chỉ cần chừng 15 phút mỗi tối để làm toán là cao. Trong khi con toàn mất cả tiếng không à. Chắc con ngu lắm.

CHA: Khi làm lâu hơn giờ con dự định thì thật không đáng khích lệ.

Ví dụ:

CON: Trông con xấu kinh khủng khi cười. Chỉ toàn thấy niềng răng không hà. Con xấu thấy sợ luôn.

CHA: Con không thích diện mạo của mình khi đeo cái niềng đó. Còn với ba thì trông con lúc nào cũng đáng yêu cả – cho dù con có đeo niềng răng hay không.

* * *

Chúng tôi hy vọng phần “Lưu Ý” không làm bạn ngại ngùng. Bởi vì rõ ràng, bạn biết việc xử lý cảm xúc của con cái là một nghệ thuật chứ không phải là một khoa học. Nhưng chúng tôi tin chắc rằng (dựa trên những năm quan sát) phụ huynh, sau những thử-và-nghiệm, có thể quán triệt nghệ thuật đó. Sau một thời gian bạn sẽ hiểu những gì có ích và những gì không có lợi cho chính con cái của bạn. Với chút luyện tập bạn sẽ khám phá ra những gì làm chúng bực bội và những gì an ủi chúng; những gì gây ra sự xa cách và những gì mời gọi tình thân; những gì gây tổn thương, những gì chữa lành. Không gì thay thế được độ nhạy cảm của chính bạn.

Những câu chuyện do phụ huynh kể:

Chúng tôi dạy cùng những nguyên tắc cơ bản cho tất cả mọi nhóm. Nhưng chúng tôi không bao giờ thôi ngạc nhiên về tính độc đáo của các phụ huynh hoặc về sự đa dạng của tình huống mà những nguyên tắc đó được áp dụng. Nói chung từng mẩu chuyện sau đây đều đại diện cho điều đó bởi vì chúng được chính những phụ huynh viết thư kể với chúng tôi. Hầu hết trường hợp tên của trẻ đã được thay đổi. Bạn sẽ nhận thấy rằng không phải từng điều từng thứ phụ huynh nói ra đều là một phản hồi “khuôn mẫu”. Mà về cơ bản, thiện chí lắng nghe và thái độ chấp nhận của họ chính là những gì tạo nên sự khác biệt.

Những phụ huynh kể hai câu chuyện đầu tiên này cho nhóm thấy khó tin rằng, khi họ kiềm chế không đưa ra lời khuyên thì trẻ thật sự bắt đầu hành xử theo chiều hướng giải quyết vấn đề. Bà mẹ này giới thiệu câu chuyện của bà bằng câu: “Hãy lắng nghe xem tôi đã nói ít như thế nào!”

Nick, 8 tuổi, đi học về thì bảo liền, “Con muốn đục thằng Jeffrey.”

TÔI: Ô, con tức Jeffrey!

NICKY: Dạ! Khi tụi con chơi đá bóng với nhau, hễ khi nào con giành được bóng là nó đều la lên, “Chuyền cho tao, chuyền cho tao, Nicky, tao giỏi hơn mày.” Con hỏi mẹ chứ, ai mà không điên tiết lên được?

TÔI: Ừm.

NICKY: Nhưng thật ra tính thằng Jeffrey không phải như vậy đâu. Hồi lớp Một nó dễ thương lắm. Nhưng con nghĩ, kể từ khi thằng Chris vào lớp Hai của tụi con là Jeffrey bị nhiễm thói khoe khoang.

TÔI: Vậy à.

NICKY: Để con gọi cho Jeffrey rủ nó ra công viên chơi.

* * *

Con trai tôi đang học lớp Một. Tính nó vốn không hung hăng và không ưa đánh nhau. Nó cũng có vẻ dễ bị tổn thương vì vậy tôi hay bảo vệ nó thái quá. Một ngày thứ hai đầu tuần đi học về, nó kể tôi là có một thằng học chung lớp nó, bự con hơn nó nhiều, phái “tay sai” lại gần nó và báo trước rằng nó sẽ “bị bụp tơi tả” vào ngày mai. Phản ứng đầu tiên của tôi là hốt hoảng, bắt nó ở nhà không cho đi học, cấp tốc dạy cho nó một bài học tự vệ – tóm lại là bất cứ cái gì để cứu nó khỏi cơn sợ hãi thắt ruột này.

Thay vì để lộ ra nỗi cảnh giác của mình cho nó thấy, tôi quyết định lắng nghe chăm chú và chỉ đáp lại bằng câu “Ừm”. Douglas nói liền tù tì một mạch: “Mẹ biết không, thế là con đã nghĩ ra ba chiến lược phòng thủ. Thứ nhất, con sẽ cố nói chuyện với nó để khỏi đánh nhau. Con sẽ giải thích rằng không nên đánh nhau bởi vì như vậy là không văn minh. Thứ hai nếu cách trên không có tác dụng, thì con sẽ đeo mắt kiếng của mình vào, nhưng mà (nó dừng lại suy nghĩ), nếu nó là thằng chuyên bắt nạt người ta thì điều đó không khiến nó dừng lại đâu, mà chắc chắn nó là đồ bắt nạt rồi, bởi vì con thậm chí còn chưa bao giờ nói chuyện với nó mà giờ tự nhiên nó lại muốn bụp con te tua. Tiếp đến, nếu không có cách nào hiệu quả nữa thì con sẽ nhờ Kenny đập nó. Kenny mạnh tới nỗi thằng bắt nạt đó chỉ nhìn thấy thôi là sẽ sợ chết khiếp luôn.”

Tôi sửng sốt và chỉ nói “Ố”. Còn nó nói tiếp. “Được rồi… thế là được… con có nhiều kế hoạch để áp dụng”, đoạn nó bước ra khỏi phòng với vẻ nhẹ nhõm. Tôi thật ấn tượng về con trai mình. Tôi không ngờ nó dũng cảm hoặc sáng suốt tự xử lý những vấn đề của mình như thế. Tất cả những việc đó xảy ra là vì tôi chỉ lắng nghe và đứng tránh đường nó ra.

Nhưng tôi không an tâm để việc buông ở đó. Tôi không nói gì với Douglas nhưng buổi chiều hôm đó tôi gọi cho cô giáo của cháu và báo cho cô biết những gì đang diễn ra. Cô bảo thật may là tôi đã gọi bởi vì thời buổi này không thể phớt lờ mối nguy nào cả.

Cả ngày hôm sau tôi phải tự chủ kinh khủng mới không hỏi nó chuyện gì xảy ra, nhưng nó tự động bảo với tôi “Mẹ, mẹ đoán gì không, hôm nay tên bắt nạt không hề lại gần con.”

* * *

Có những phụ huynh ghi nhận họ ngạc nhiên vì tác dụng êm thấm của câu khẳng định “hàm ý công nhận” của họ. Những cụm từ cũ như “Bình tĩnh lại coi!” hoặc “Im đi!” chỉ càng kích động trẻ hơn. Nhưng một vài từ hàm ý sự công nhận thường xoa dịu những cảm xúc dữ dội nhất và làm thay đổi tâm trạng của trẻ một cách thần kỳ. Ví dụ sau đây do một người cha kể lại.

Con gái tôi, Holly, từ dưới bếp đi lên nhà.

“Cô G. hôm nay la mắng con ở phòng thể dục.”

“Ố”.

“Cô quát tháo con.”

“Chắc cô ấy nổi điên.”

“Cô thét om ‘Bóng chuyền không đập kiểu ấy. Em phải làm thế này này!’ Làm sao con biết? Cô ấy có bao giờ dạy tụi con cách đập bóng đâu.”

“À, con bực mình chuyện cô la thét.”

“Cô làm con tức điên lên được.”

“Bị la vô cớ thì bực thật.”

“Cô ấy không đúng!”

“Con cảm thấy đáng ra cô ấy không nên la con.”

“Dạ. Con tức giận cô, đến nỗi có thể… dẫm bẹp con búp bê của cô… châm kim vào nó để làm cho cô phải đau khổ.”

“Treo nó tòng ten.”

“Luộc nó trong dầu sôi.”

“Quay nó trên một cái xiên.”

Đến đây thì Holly bật cười. Tôi cũng cười. Con bé bắt đầu cười phá lên và tôi cũng cười theo. Sau đó nó nhận xét rằng cái kiểu cô G. la thét đó thật ngớ ngẩn. Rồi nó bảo “Giờ con biết rõ cách đập bóng thế nào để làm cô ấy hài lòng rồi.”

Bình thường chắc hẳn tôi đã nói, “Bảo đảm con đã làm gì nên mới bị cô la mắng thế chứ. Lần sau nhớ lắng nghe khi cô giáo chỉnh sửa cho con để rồi còn biết cách làm theo.” Tôi mà nói thế chắc hẳn con bé đã đập sầm cửa, chạy rầm rầm lên phòng và khóc nhặng xị về một người cha vô tâm và một cô giáo bẳn tính.

* * *

Bối cảnh: Nhà bếp của tôi

Tôi vừa mới đặt đứa nhỏ xuống cho nó ngủ trưa. Evan từ nhà trẻ về liền xộc vào nhà với vẻ hồ hởi, vì nó sắp sửa được tới nhà Chad chơi.

EVAN: Chào mẹ. Chúng mình đi tới nhà Chad đi mẹ!

MẸ: Nina ( đứa nhỏ ) đang ngủ, để chút nữa chúng mình đi nhé.

EVAN: ( sầm mặt ) Con muốn đi ngay bây giờ cơ. Mẹ đã bảo rồi mà.

MẸ: Làm sao mẹ đi bộ kè bên xe đạp của con được?

EVAN: Không! Con muốn mẹ đi với con. ( bắt đầu khóc rống lên ). Con muốn đi ngay! (Nó vớ lấy xấp giấy vẽ nó vừa mang từ trường về, vò nát và thảy vào sọt rác).

MẸ: ( Máu tôi sôi lên ). Trời, con giận ghê quá! Giận đến nỗi vứt cả tập vẽ vào sọt rác. Chắc là con bực kinh khủng. Chúng mình phải ở đây, mong được tới chơi với Chad quá trời. Ước gì Nina ngủ rồi nhỉ. Thật là chán.

EVAN: Phải đó mẹ, con muốn tới nhà Chad chơi ( nín khóc ). Để con coi tivi nha mẹ?

MẸ: Ừ.

* * *

Tình huống: Bố chuẩn bị đi câu cá và Danielle 4 tuổi đòi đi theo.

BỐ: Nè cưng, con đi theo cũng được, nhưng nên nhớ, chúng mình sẽ phải đứng ngoài trời lâu thật là lâu đấy, và sáng nay trời lạnh quá chừng.

DANIELLE: ( Vẻ bối rối hiện ra trên gương mặt cô bé và cô bé trả lời lưỡng lự ) Con đổi ý rồi… Con… muốn ở nhà.

Hai phút sau khi bố ra khỏi nhà, cô bé bật khóc sụt sùi.

DANIELLE: Bố bỏ con ở nhà trong khi bố biết con muốn đi!

MẸ: ( đang bận tâm chuyện khác nên không chú ý ) Danielle, cả mẹ và con đều biết chính con đã quyết định ở nhà. Con khóc nhí nhéo làm mẹ nhức đầu quá, mẹ không muốn nghe chút nào nữa, con muốn khóc thì lên phòng con mà khóc.

Con bé vừa khóc rống lên vừa chạy về phòng nó.

Mấy phút sau bà mẹ quyết định dùng phương pháp mới.

MẸ: ( đi lên phòng Danielle và ngồi trên giường cô bé ) Con muốn đi với ba dễ sợ luôn phải không?

Danielle nín khóc và gật đầu.

MẸ: Con thấy bối rối khi ba nói trời lạnh lắm. Và con không thể quyết định được là nên đi hay ở.

Vẻ nhẹ nhõm hiện lên trong mắt Danielle. Cô bé lại gật đầu lần nữa và chùi nước mắt.

MẸ: Con đã không có đủ thời gian để quyết định.

DANIELLE: Dạ, không đủ.

Đến đây thì tôi ôm con bé vào lòng. Nó nhảy tót khỏi giường và chạy đi kiếm trò khác chơi.

* * *

Dường như cũng hữu ích khi nói cho trẻ biết rằng chúng đang cùng lúc có hai cảm xúc trái ngược nhau.

Sau khi sinh con, tôi luôn bảo Paul rằng cháu yêu em bé mới, nhưng Paul lại lắc đầu bảo, “Khôôông! Khôôôôông!”

Tháng trước tôi nói với cháu thế này: “Mẹ có cảm tưởng là Paul có hai cảm xúc về em bé. Đôi khi con vui mừng vì có em. Chơi với em thật tức cười và vui. Thỉnh thoảng con lại không thích có em ở bên cạnh chút nào. Chỉ ước gì em đi chỗ khác thôi.”

Paul thích nghe vậy lắm. Bây giờ mỗi tuần ít nhất một lần cháu bảo tôi, “Mẹ, nói cho con biết về hai cảm xúc của con đi, mẹ.”

* * *

Một số phụ huynh đặc biệt đề cao những kỹ năng hữu hiệu khi con cái họ đang rơi vào trạng thái chán nản hoặc thất vọng. Họ vui mừng khi biết rằng họ không cần phải cáng đáng nỗi buồn của con, xem đó là nỗi buồn của chính họ. Một bà mẹ nói, “Tôi chỉ vừa mới bắt đầu nhận ra rằng những áp lực mà mình đã tự đặt cho mình để bảo đảm con mình luôn luôn phải vui vẻ hạnh phúc là không cần thiết. Lần đầu tiên tôi nhận biết mình đã quá phung phí sức lực như thế nào khi lấy băng keo trong để cố dán một chiếc bánh quy xoắn bị gẫy lại cho đứa con 4 tuổi của mình khỏi khóc lóc. Tôi cũng bắt đầu nhận ra những gánh nặng tôi đặt lên con mình. Suy ngẫm ra! Không chỉ chúng phát sốt phát rét lên vì một vấn đề cỏn con, mà rồi sau đó chúng còn phát rồ phát dại bởi vì thấy tôi đau đớn khổ sở vì nỗi khổ sở của chúng. Mẹ tôi cũng từng như thế đối với tôi và tôi nhớ mình đã có cảm giác tội lỗi – như thể cái việc tôi không luôn hạnh phúc là có gì sai trái. Tôi muốn các con tôi biết rằng chúng có quyền buồn bực mà không làm mẹ nó vật vã sầu muộn.

* * *

Con trai tôi, Ron, lao vào nhà trong bộ áo liền quần bê bết bùn và gương mặt chàu bạu.

BA: Ba thấy quá trời bùn đất dính trên

quần con.

RON: Dạ, con vừa đá bóng đó ba.

BA: Hẳn là một trận đấu gay go lắm nhỉ.

RON: Đúng rồi, con đâu có chơi được. Sức con yếu quá. Ngay cả thằng Jerry cũng tông con té nhào.

BA: Bị tông ngã thì bực lắm.

RON: Dạ. Con ước gì mình khỏe hơn.

BA: Con ước mình có thân hình vạm vỡ như Arnold Schwarzenegger… hoặc có thể chạy giống như Jim Brown.

RON: Đúng đó ba, và con sẽ đốn tụi nó ngã.

BA: Con chạy qua người đối phương.

RON: Con có thể tìm ra nhiều khoảng trống để chạy.

BA: Con chạy nhanh thật nhanh.

RON: Con còn chuyền bóng được nữa.

Con chuyền bóng ngắn thì giỏi, nhưng con không thể tung được đường chuyền dài nào.

BA: Con có thể vừa chạy vừa chuyền bóng.

RON: Đúng, con có thể chơi hay hơn.

BA: Con cảm thấy con có thể chơi hay hơn.

RON: Lần tới con sẽ chơi hay hơn cho mà xem.

BA: Con biết con sẽ chơi hay hơn mà.

Bình thường tôi sẽ đón Ron về bằng mấy lời nhận xét kiểu như: “Con là cầu thủ giỏi. Chỉ là con đã chơi một trận đấu tồi thôi mà. Đừng lo, lần tới con sẽ chơi hay hơn.” Thể nào nó cũng sẽ sa sầm mặt mày và đi về phòng nó.

Tham gia nhóm hội thảo này tôi đã thực hiện một khám phá vĩ đại. Rằng nếu tôi càng cố tẩy gạt những cảm xúc xấu của trẻ đi thì trẻ càng bị tắc tị trong đó. Tôi càng chấp nhận những cảm xúc xấu của trẻ thì trẻ càng dễ phủi bỏ chúng. Tôi đoán quý vị có thể nói rằng: Nếu quý vị muốn có một gia đình hạnh phúc, tốt hơn quý vị hãy chuẩn bị để cho phép con cái biểu đạt những điều không vui.

* * *

Hans đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Cháu có một cô giáo rất khắt khe với cháu và cháu không thích cô ấy. Khi buồn chán chính mình nhất và suy sụp nhất (thường là khi cháu đem áp lực ở trường về nhà trút xuống chúng tôi), cháu hay tự xỉ vả mình là “đồ ngu”, hoặc cảm thấy mình không được ai ưa thích vì mình quá ngu, hoặc bảo rằng mình là “thằng ngu của lớp”, v.v…

Một buổi tối chồng tôi ngồi xuống bên cháu với tất cả sự quan tâm trên đời:

FRANK: ( nhẹ nhàng ) Hans, con không ngu.

HANS: Con quá ngu. Con là một đứa ngu.

FRANK: Nhưng mà Hans, con không ngu. Sao ư, con là đứa bé 8 tuổi thông minh nhất mà ba biết.

HANS: Không phải. Con ngu.

FRANK: ( nhẹ nhàng ) Hans, con không ngu.

HANS: Con quá ngu.

Cuộc nói chuyện cứ thế tiếp diễn. Tôi không muốn ngắt lời nhưng cũng không chịu nổi ở đó mà nghe, vì vậy tôi rời khỏi phòng. Phải khen là Frank đã không hề nổi nóng chút nào, nhưng Hans đi ngủ mà vẫn lẩm bà lẩm bẩm “Mình ngu ngốc”, “Mình ngu si”.

Tôi vào phòng cháu. Tôi đã có cả một ngày khủng khiếp với nó rồi. Nguyên buổi chiều và buổi tối nó đã làm tôi phát cáu đến nỗi tôi nghĩ mình không còn chịu thêm được chút xíu nào nữa. Nhưng nó cứ nằm bẹp trên giường, đau khổ lảm nhảm rằng mình ngu, rằng ai cũng ghét mình cho nên tôi phải vào phòng cháu. Tôi thậm chí còn không biết mình còn có cái gì để nói nữa. Tôi chỉ ngồi xuống bên giường cháu, mệt thừ, bất giác một câu nói tôi đã học được trong lớp bật ra trong đầu tôi, và tôi nói như cái máy: “Đó là những cảm xúc khắc nghiệt phải chịu.”

Nghe vậy Hans ngừng nói mình ngu ngốc và im lặng một phút. Rồi nó òa ra “Đúng đó mẹ”. Điều đó tiếp cho tôi sức mạnh để nói tiếp. Tôi bắt đầu nói ngẫu nhiên về những gì cháu đã làm tốt, hay đã dễ thương trong nhiều năm qua. Nó lắng nghe một hồi và rồi bắt đầu bày tỏ những ký ức của chính nó: “Mẹ có nhớ cái lần mẹ không thể tìm được chìa khóa xe hơi không? Mẹ đang tìm khắp nhà thì con bảo mẹ thử nhìn vào xe coi, thì ra chúng ở trong đó.” Thế là khoảng mười phút sau, tôi đã có thể hôn con chúc ngủ ngon, một đứa trẻ đã được hoàn trả niềm tin trong chính nó!

* * *

Một số phụ huynh tâm đắc với ý kiến công nhận trẻ những thứ mà trong thực tế họ không thể thực hiện được cho trẻ. Sẽ đỡ tốn sức cho phụ huynh khi nói “Con ước con có…” hơn là để nổ ra một trận chiến dốc toàn lực xem ai đúng ai sai và tại sao.

DAVID: ( 10 tuổi ) Con cần một kính thiên

văn mới.

CHA: Kính thiên văn mới? Tại sao? Không có gì trục trặc với cái kính thiên văn cũ của con đấy chứ?

DAVID: ( nóng nảy ) Đó là kính của con nít.

CHA: Nó hoàn toàn thích hợp với trẻ em ở tuổi con.

DAVID: Không phải. Con cần một kính thiên văn 200 ngựa.

CHA: ( tôi thấy chúng tôi đã sôi sục và một trận đấu lớn sắp xảy ra đến nơi. Tôi quyết định thay đổi chiến thuật ) Ra là con cần kính thiên văn 200 ngựa.

DAVID: Dạ, bởi như vậy con mới có thể nhìn tới chòm sao Cựu Tước.

CHA: Con muốn nhìn gần chúng.

DAVID: Đúng rồi!

CHA: Con biết ba ước gì không? Ba ước ba có đủ tiền để mua cho con kính thiên văn đó. À không, với niềm đam mê thiên văn học của con thì ba ước ba có đủ tiền mua cho con kính thiên văn 400 ngựa luôn.

DAVID: Kính 600 ngựa chứ.

CHA: Kính 800 ngựa.

DAVID: ( hào hứng ) kính 1000 ngựa!

CHA: … …

DAVID: ( phấn khích ) Con biết… con biết rồi… nếu ba có thể thì ba sẽ mua cho con một cái kính thiên văn đặt ở núi Palomar!

Cả hai cha con chúng tôi cùng cười phá lên, tôi đã nhận ra điều gì làm nên sự khác biệt. Một trong những chìa khóa để đưa ra viễn cảnh tưởng tượng là thật sự “buông lỏng trí tưởng tượng”. Mặc dù David biết việc đó sẽ không xảy ra, nhưng dường như nó công nhận là tôi đã nghiêm túc xét đến ước muốn của nó.

* * *

Vợ chồng tôi đưa Jason và chị nó, Leslie đi tham quan Viện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Chúng tôi thật sự thích thú với những bảo vật được trưng bày ở đây, còn bọn trẻ thì tí tởn vô cùng. Chỉ có điều, trên đường ra khỏi viện bảo tàng chúng tôi đi ngang qua một cửa hàng bán đồ lưu niệm. Jason, 4 tuổi, rú lên mừng rỡ trước các món đồ bày bán. Đa số đều có giá cao ngất, nhưng cuối cùng chúng tôi cũng mua cho nó một bộ sưu tập đá. Rồi nó bắt đầu nhặng lên đòi mua một mẫu khủng long. Tôi cố giải thích là nhà mình đã tiêu vượt quá số tiền mình có rồi. Cha nó thì bảo nó hãy thôi lải nhải đi và đáng lý ra nó phải vui sướng với món đồ chúng tôi đã mua cho nó. Jason bắt đầu khóc toáng lên. Chồng tôi bảo nó im đi và mắng nó khóc lóc như con nít. Jason lăn đùng xuống nền nhà và càng rống tợn hơn.

Tất cả mọi người đều nhìn chúng tôi. Tôi ngượng đến nỗi muốn mặt đất nứt ra cho mình chui xuống cho rồi. Sau đó tôi không biết thế nào mà ý kiến này nảy ra trong đầu tôi – tôi lôi một cây bút chì và một tờ giấy từ trong giỏ xách ra và bắt đầu viết. Jason hỏi tôi đang làm gì đó. Tôi bảo “Mẹ viết rằng Jason đang ước ao một con khủng long.” Nó nhìn tôi chằm chằm và nói “Và một ống nhòm nữa.” Tôi viết: “Và một ống nhòm nữa.”

Sau đó nó làm một điều khiến tôi sững sờ. Nó chạy ra chỗ chị nó đang ngắm nghía các tủ hàng và nói “Leslie, bảo mẹ những gì chị muốn mua đi. Mẹ sẽ viết ra cho chị.” Quý vị có tin không, thế là sự việc hờn giận kết thúc. Thằng bé về nhà vô cùng hòa hảo.

Kể từ đó tôi dùng chiêu này nhiều lần nữa. Bất kể khi nào tôi ở trong cửa hàng đồ chơi, là tôi lại lôi ra một cây bút chì và một tờ giấy rồi viết ra tất cả “danh sách mong ước”. Xem ra điều đó làm thằng bé hài lòng. Như vậy không có nghĩa là tôi không cần phải mua cái gì cho nó – trừ phi đó là dịp đặc biệt. Tôi đoán Jason thích “danh sách ước muốn” của nó – điều đó không chỉ chứng tỏ tôi biết nó muốn gì, mà tôi còn quan tâm chú ý viết ra giấy nữa.

* * *

Đây là câu chuyện tự kể cuối cùng.

Tôi đã vừa trải qua một trong những kinh nghiệm đau buồn nhất đời mình. Con gái 6 tuổi của tôi, Suzanne, bị bệnh bạch hầu thanh quản từ trước, nhưng chưa bao giờ nó bị lên cơn dữ dội như lần này. Cháu không thể thở được, người bắt đầu lạnh toát. Vì không thể gọi được xe cứu thương, cho nên tôi phải lái xe đưa cháu đến phòng cấp cứu, đồng thời phải chở luôn Brian, con trai tôi và mẹ tôi, cũng đến chơi thăm chúng tôi vào ngày hôm ấy.

Mẹ tôi hoảng hốt tột độ. Bà cứ luôn miệng “Trời ơi! Nó không thở được. Chúng ta không biết phải làm gì! Trời ơi, trời làm gì nó vậy?”

Cố nói to át tiếng mẹ, tôi bảo “Suzie, con đang khó thở. Mẹ biết là kinh khủng lắm. Giờ chúng ta đang trên đường tìm sự trợ giúp đây. Rồi con sẽ khỏe lại thôi. Nếu con muốn con cứ ôm lấy chân mẹ trong khi mẹ lái xe.” Con bé tóm chặt lấy chân tôi.

Ở bệnh viện, hai bác sĩ và một vài y tá quây quanh chúng tôi. Mẹ tôi vẫn liên tục nguyền rủa trời đất. Brian hỏi tôi Suzie có chết thật như bà ngoại nói không, tôi không có thời gian để trả lời bởi vì bác sĩ đang cố ngăn không cho tôi vào phòng cấp cứu còn tôi thì biết Suzie cần tôi ở bên. Tôi nhìn thấy mắt con bé ánh lên nỗi hoảng sợ.

Họ tiêm cho cháu một mũi adrenalin. “Đau lắm phải không con,” tôi bảo. Cháu gật đầu. Sau đó họ thòng một cái ống vào cổ họng cháu. Tôi nói “Mẹ biết cái ống đó làm con đau, nhưng nó sẽ giúp cho con khỏe lên”. Cháu vẫn không thở được bình thường và họ cho cháu thở bằng oxy. Tôi nói “Lạ chưa xung quanh con quá chừng ống dẫn luôn. Nhưng cái này cũng giúp con thở dễ hơn.” Sau đó tôi vòng tay qua dây khóa của bình oxy và giữ tay cháu và bảo “Mẹ sẽ không rời con đi đâu. Mẹ ở đây với con. Mẹ sẽ ở đây với con ngay cả khi con ngủ. Mẹ sẽ ở đây đến chừng nào con còn cần mẹ.”

Hơi thở của cháu từ từ trở nên thông suốt hơn, nhưng thể trạng vẫn còn suy kiệt. Và tôi ở bên cháu thêm 72 giờ nữa, hầu như không ngủ. Ơn Chúa, cháu đã vượt qua được cơn nguy.

Tôi biết rằng nếu không tham dự những buổi hội thảo thì chắc hẳn sự việc đã khác hẳn đi. Tôi đã lâm vào một tình thế hoảng loạn tột cùng. Bằng cách nói với cháu như cái cách tôi đã nói, bằng cách nói cho cháu biết là tôi hiểu cháu trải qua những gì, tôi đã xoa dịu trấn an cháu, để cháu có thể đón nhận những phương pháp trị liệu mà cháu buộc phải trải qua.

Tôi thật sự cảm thấy mình đã góp phần cứu sống Suzie.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.