Nói Sao Cho Trẻ Chịu Nghe
Chương 3 – Những Giải Pháp Thay Thế Hình Phạt
PHẦN I
KHI BẠN BẮT ĐẦU SỬ DỤNG NHỮNG KỸ NĂNG khuyến khích sự hợp tác ở trẻ, bạn có thấy rằng cần phải vận dụng tư duy và sức tự chủ ghê gớm lắm để không nói ra những điều mà bạn đã quen hay nói? Đa số chúng ta hay mỉa mai, thuyết giáo, cảnh cáo, chửi mắng, đe dọa bằng tất cả những ngôn ngữ đan dệt mà chúng ta đã thường nghe thấy khi chúng ta lớn lên. Thật không dễ từ bỏ những gì đã quen thuộc.
Phụ huynh thường nói với chúng tôi rằng họ rất bực mình bởi vì sau khi tham dự hội thảo, họ vẫn thấy mình nói những điều mà trẻ không thích. Sự khác nhau duy nhất là bây giờ họ tự lắng nghe xem mình nói gì. Điều đó biểu thị sự tiến bộ. Nó là bước đầu tiên để tiến tới sự thay đổi.
Tôi tự biết quy trình thay đổi là không dễ dàng. Tôi tự nghe thấy mình dùng những phương pháp cũ, vô bổ – “Tụi con bị mắc chứng gì vậy hả? Không bao giờ nhớ tắt đèn nhà tắm.” Nói xong thì tôi phát bực với chính mình, rồi tự hứa sẽ không bao giờ nói như thế nữa. Vậy mà tôi vẫn lặp lại tỉnh bơ. Rồi lại ăn năn hối hận: “Mình sẽ không bao giờ nói với con kiểu như thế nữa… Thế quái nào mà mình lại có thể nói như vầy?… Mình biết… Đáng ra mình nên nói, ‘Các con, đèn nhà tắm còn bật kìa’, hoặc tốt hơn nữa chỉ cần ngắn gọn, ‘Các con, đèn nhà tắm!’…”. Sau đó tôi lại lo lắng mình sẽ không bao giờ có cơ hội để nói cho thích hợp hơn.
Nhưng tôi chẳng việc gì phải lo lắng tới mức đó. Bọn trẻ luôn luôn để quên đèn trong nhà tắm. Nhưng lần sau thì tôi sẵn sàng bảo: “Các con, đèn”, thế là đứa nào đó nhào ra tắt đèn. Thành công!
Sau đó là đến thời kì tôi nói “toàn điều đúng đắn” nhưng không có gì có tác dụng cả. Bọn trẻ hoặc là phớt lờ tôi, hoặc là tệ hơn, phản đối tôi. Khi việc này xảy ra, chỉ có một cách duy nhất tôi muốn dành cho chúng là: TRỪNG PHẠT!
Để hiểu sâu thêm về những gì xảy ra giữa con người với nhau khi người này trừng phạt người kia, bạn hãy vui lòng đọc hai kịch bản dưới đây và trả lời những câu hỏi theo sau.
Kịch bản một:
MẸ: Này, đừng có chạy lên chạy xuống lối đi… Mẹ muốn con đẩy xe cho mẹ trong khi chúng ta chọn hàng… Tại sao con cứ sờ vào tất cả mọi thứ vậy? Mẹ đã nói “Giữ lấy xe đẩy!” rồi mà… Bỏ nải chuối đó xuống… Không, chúng ta không muốn cái đó; ở nhà có cả đống rồi… Không được bóp cà chua! Mẹ cảnh cáo con, nếu con không giữ cái xe đẩy này là con sẽ phải hối tiếc… Bỏ tay ra khỏi đó, bỏ không? Mẹ sẽ bỏ hộp kem này ra… Con lại chạy nữa rồi. Con có muốn té không đó?
Ối, biết ngay mà!! Con có biết là con suýt xô té ông cụ kia không? Con sẽ bị phạt. Con sẽ không được ăn một thìa nào trong hộp kem mẹ mua cho tối nay. Có lẽ điều đó sẽ dạy cho con đừng có cư xử như đồ thú hoang nữa!
Kịch bản hai:
CHA: Billy, con đã dùng cái cưa của ba à?
BILLY: Không, ba.
CHA: Con có chắc không?
BILLY: Con thề là con đã không bao giờ đụng tới nó.
CHA: Hừ, thế tại sao ba thấy nó nằm ngoài trời, rỉ sét ráo trọi sát bên cái xe tập đi mà con với bạn con đang ráp?
BILLY: À, quên! Hồi tuần trước tụi con có dùng cưa. Tụi con đang làm thì trời mưa thế là tụi con phải chạy vào nhà, cho nên con nghĩ tụi con đã quên mất tiêu.
CHA: Vậy là con đã nói dối!
BILLY: Con không nói dối. Tại con quên thật mà.
CHA: Ừ, giống kiểu con quên cái búa của ba tuần trước và cái tuốc-nơ-vít tuần trước nữa chứ gì!
BILLY: Trời, ba ơi, con đâu có ý vậy. Đôi khi con quên thật chứ bộ.
CHA: Hừm, có lẽ thế này sẽ giúp con nhớ. Vì con hay nói dối như cuội, cho nên không chỉ con sẽ không bao giờ có cơ hội dùng dụng cụ của ba, mà ngày mai con còn phải ở nhà trong khi cả nhà đi xem phim!
Câu hỏi 1 . Điều gì thúc đẩy cha mẹ trong từng kịch bản trên trừng phạt con mình?
Kịch bản 1:
……………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………
Kịch bản 2:
……………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………
Câu hỏi 2 . Bạn nghĩ xem những đứa trẻ bị phạt thường có những cảm xúc gì?
Kịch bản 1:
……………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………
Kịch bản 2:
……………………………………………………………………………………
……………………………………………………………………………………
Trừng phạt hay không trừng phạt?
Bất cứ khi nào câu hỏi đó nổi lên trong nhóm hội thảo, tôi thường đặt câu hỏi: “Tại sao? Tại sao chúng ta trừng phạt con cái?” Sau đây là một số câu trả lời phụ huynh đã đưa ra:
“Nếu ta không trừng phạt chúng, trẻ sẽ tha hồ nghịch ngợm phá phách mà không bị làm sao.”
“Đôi khi tôi quá tuyệt vọng, hết cách, không còn biết phải làm gì nữa.”
“Làm sao trẻ có thể học biết được rằng nó đã làm sai và không nên tái phạm nữa nếu như tôi không trừng phạt nó?”
“Tôi trừng phạt con trai tôi bởi vì đó là cách duy nhất nó hiểu.”
Khi tôi yêu cầu những phụ huynh nhớ lại cảm giác của chính họ hồi bé khi họ bị trừng phạt, tôi nhận được những phản hồi sau:
“Tôi đã từng ghét mẹ tôi. Tôi nghĩ mẹ là “Cái bà quái quỷ”, nhưng sau đó tôi lại cảm thấy tội lỗi về ý nghĩ đó.”
“Tôi đã từng nghĩ ba tôi đúng. Tôi là đồ tồi tệ. Tôi xứng đáng bị trừng phạt.”
“Tôi đã từng tưởng tượng mình lâm bệnh và rồi cha mẹ sẽ hối hận vì những gì đã đối xử với tôi.”
“Tôi nhớ mình đã nghĩ họ thật ác độc. Tôi sẽ đối đầu với họ. Tôi sẽ tái phạm cho mà xem, chỉ có điều lần tới tôi sẽ không để bị bắt quả tang đâu.”
Khi những phụ huynh càng chia sẻ, thì họ càng nhận ra rằng trừng phạt sẽ dẫn đến những cảm xúc căm ghét, thù hằn, phẫn nộ, tội lỗi, không xứng đáng, tự ti. Tuy nhiên, họ vẫn lo lắng:
“Nếu tôi từ bỏ trừng phạt, thì liệu có phải là tôi đang đặt đám con mình vào ghế của tài xế?”
“Tôi sợ sẽ mất đi phương pháp kiểm soát cuối cùng, chỉ còn lại sự bất lực.”
Tôi hiểu mối lo ngại của họ. Tôi nhớ mình đã hỏi tiến sĩ Ginott, “Vào thời điểm nào thì việc trừng phạt đứa trẻ phớt lờ hoặc phản kháng cha mẹ là đúng đắn? Trừng phạt có nên là kết cục cho đứa trẻ cư xử kém?”
Tiến sĩ đã trả lời rằng: Trẻ em nên trải nghiệm những hậu quả của việc cư xử kém của chúng, nhưng không phải là trừng phạt. Ông cảm thấy rằng trong một mối quan hệ yêu thương chăm sóc nhau thì không có chỗ cho sự trừng phạt.
Tôi chất vấn ông, “Nhưng giả sử đứa trẻ vẫn tiếp tục không nghe lời cha mẹ. Khi đó thì trừng phạt nó có là hợp lý?”
Tiến sĩ Ginott trả lời rằng vấn đề của trừng phạt nằm ở chỗ nó không có tác dụng, đó chỉ là một hình thức gây xao nhãng, và thay vì trẻ cảm thấy hối lỗi cho những gì nó đã làm và nghĩ đến việc chỉnh sửa, sửa chữa như thế nào đó, thì nó lại bận tâm với những ý tưởng trả đũa. Nói cách khác, bằng cách trừng phạt trẻ, chúng ta thật sự tước đoạt của nó quy trình rất quan trọng, quy trình diễn biến nội tại đối mặt với hành vi cư xử kém cỏi của chúng.
Chiều hướng suy nghĩ cho rằng “Trừng phạt không có tác dụng bởi vì nó là hình thức gây xao nhãng” rất mới mẻ đối với tôi. Nhưng nó khiến tôi nảy sinh một câu hỏi khác. Vậy, thay cho trừng phạt, tôi nên làm gì?
Hãy dành thời gian suy ngẫm xem cha mẹ có thể làm gì khác để xử lý hai kịch bản trên. Sau đó hãy xem xét những ý tưởng mà bạn nghĩ ra.
1. Những giải pháp khả thi – thay vì trừng phạt – để xử lý đứa trẻ tại siêu thị?
……………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………..
2. Những giải pháp khả thi – thay vì trừng phạt – để xử lý đứa trẻ không trả lại dụng cụ cho ba nó?
……………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………..
……………………………………………………………………………………………..
Tôi luôn có ấn tượng sâu sắc vì tài khéo léo của những bậc phụ huynh. Cho họ chút im lặng và thời gian để suy nghĩ, họ thường nảy ra vô vàn cách xử lý vấn đề khác với trừng phạt. Ví dụ, hãy xem xét những đề xuất sau đây từ một nhóm phụ huynh:
Mẹ và con cùng tập luyện ở nhà với đạo cụ trong một cửa hàng giả vờ. Trong khi họ cùng đóng vai, người mẹ có thể điểm lại những quy ước về cách cư xử đúng mực trong siêu thị.
Hai mẹ con có thể cùng viết ra một quyển sách với hình vẽ đơn giản, nhan đề Johnny đi siêu thị . Quyển sách gồm những trách nhiệm của Johnny với tư cách là một thành viên năng động của đội mua sắm trong siêu thị – người sẽ giúp đẩy xe, chất hàng, dỡ hàng và lựa hàng.
Hoặc Johnny, với sự giúp đỡ của mẹ, có thể lập ra một danh sách mua hàng – bằng từ hoặc bằng tranh – mà bé có nhiệm vụ tìm kiếm và chất lên giỏ hàng.
Đối với kịch bản thứ hai, cha và con có thể lập ra một hệ thống thẻ, giống như thẻ thư viện, cho mỗi món dụng cụ được lấy ra và trả về, và phải được trả về trước lần mượn món tiếp theo.
Cha sẽ mua cho con một bộ dụng cụ trong ngày sinh nhật tới của con. Hoặc con có thể bắt đầu dành tiền để mua bộ dụng cụ của riêng mình.
Bạn có để ý không, tất cả những đề xuất này đều ngăn ngừa căng thẳng xảy ra. Không tuyệt sao nếu chúng ta có thể chặn trước những vấn đề bằng cách lên kế hoạch trước? Ở những trường hợp chúng ta không có sự chuẩn bị trước hoặc không có năng lượng để xử lý tình hình, thì sau đây là những giải pháp thay thế trừng phạt có thể được sử dụng ngay tại chỗ.
Những giải pháp thay thế trừng phạt
1. Chỉ ra một giải pháp hữu ích
2. Dứt khoát bày tỏ sự không đồng ý (không tấn công tính cách của trẻ)
3. Nêu rõ niềm mong đợi.
4. Chỉ cho trẻ cách khắc phục.
5. Đề xuất sự lựa chọn.
6. Hành động.
7. Để trẻ nếm trải hậu quả do hành vi cư xử kém của nó.
Đến đây chúng ta cùng nhau xem xét một phương pháp khác mà phụ huynh có thể dùng để xử lý một vấn đề kỷ luật kéo dài dai dẳng. Vào cuối buổi hội thảo, một bà mẹ mô tả những khó khăn bà gặp phải với con trai của bà, tên là Bobby – thằng bé chẳng bao giờ chịu đi học về nhà đúng giờ cả. Bà kể cho chúng tôi nghe về những lời biện hộ liên tục, những lời hứa hẹn suông, rồi về chiếc đồng hồ bị vỡ của nó. Lời kể của bà pha lẫn tiếng rên rỉ, chán ngán, vì vấn đề của bà không thuộc loại phổ biến.
Trước khi đến buổi hội thảo kế tiếp, tôi chuẩn bị một bài tập cho cả nhóm. Tôi dựa vào tình huống gốc và trình bày nó từ những gì mà tôi nghĩ có lẽ là quan điểm của Bobby. Sau đó tôi đề ra ba phương pháp khả thi mà cha mẹ có thể dùng để xử lý căn bệnh trễ kinh niên của chú bé này.
Các bạn vui lòng cùng làm bài tập này. Sau khi đọc câu chuyện của Bobby và cách thức phản hồi của từng cha mẹ, hãy viết ra những gì mà bạn nghĩ là Bobby có thể cảm thấy.
Câu chuyện của Bobby . Cháu muốn ở lại chơi với các bạn trong sân trường sau khi tan học. Cháu biết là mình phải về nhà trước 5:45, nhưng thỉnh thoảng cháu quên mất. Hôm qua và hôm kia cháu về nhà trễ. Mẹ cháu phát điên đến nỗi bắt cháu trong ngày hôm nay phải bảo đảm hỏi giờ của bạn để khỏi về trễ. Cháu không muốn mẹ cháu lại gầm lên la mắng cháu nữa. Bạn cháu bảo với cháu rằng đã 6:15 rồi. Cháu ngừng chơi ngay lập tức và chạy một mạch về nhà. Cháu giải thích cho mẹ cháu là cháu đã nhớ hỏi giờ nhưng mà đã quá trễ, và cháu đã cố chạy nhanh hết sức về nhà.
Phản hồi của cha mẹ thứ nhất :
“Mẹ đã nghe đủ lý do lý trấu của con rồi, giờ mẹ không thể nào tin con được nữa. Hừ, lần này con sẽ bị phạt. Tuần sau ngày nào con cũng phải về nhà ngay sau khi tan học và ở nhà luôn . Mà con cũng đừng mong được ngồi coi tivi, bởi vì cho dù mẹ không có ở nhà, mẹ cũng bảo chị không mở tivi cho con. Giờ thì con lên thẳng phòng con đi bởi vì bữa tối đã qua rồi.”
Đoán xem trong lòng Bobby sẽ nghĩ gì?
………………………………………………………………
………………………………………………………………
Phản hồi của cha mẹ thứ hai :
“Ối, trời đất, người con nóng rực cả lên vì chạy rồi đây này. Để mẹ lấy khăn lau mặt cho con. Hãy hứa với mẹ là từ rày về sau sẽ không được về trễ nữa nhé.
“Con làm mẹ hết cả hồn vía. Nào, vào nhà mau, rồi làm ơn rửa tay nhanh nhanh lên, bữa tối của con nguội rồi… Ố, để mẹ hâm lại cho con.”
Đoán xem trong lòng Bobby sẽ nghĩ gì?
………………………………………………………………
………………………………………………………………
………………………………………………………………
………………………………………………………………
Phản hồi của cha mẹ thứ ba:
“Mẹ rất vui khi nghe con nói là con đã cố hết sức để về đúng giờ. Nhưng mẹ vẫn bực mình. Mẹ không muốn lại phải lo đứng lo ngồi như thế nữa. Mẹ mong là khi con nói sẽ về nhà lúc 5:45 thì mẹ sẽ tin được lời của con.
“Mọi người đã ăn tối rồi. Không còn thịt gà nữa, nhưng nếu con muốn, con có thể tự làm một cái bánh sandwich”
Bobby sẽ nghĩ gì trong lòng?
………………………………………………………………
………………………………………………………………
………………………………………………………………
………………………………………………………………
Chắc chắn không thể có khuôn mẫu bất di bất dịch cho việc Bobby sẽ nghĩ gì trong lòng nó, nhưng bạn có thể tập trung lắng nghe suy nghĩ của những phụ huynh trong nhóm làm bài tập này. Họ cảm thấy bà mẹ thứ nhất quá gay gắt. (Trẻ có thể nghĩ “Mẹ ác quá. Mình sẽ trả đũa cho biết tay.”)
Người mẹ thứ hai thì hiền như bụt. (Trẻ có thể nghĩ “Mình có thể qua mặt mẹ dễ dàng về bất cứ việc gì.”). Phụ huynh thứ ba là “thỏa đáng”. Bà nghiêm khắc mà không gay gắt trừng phạt. (Trẻ có thể nghĩ “Mẹ phát điên thật rồi. Từ rày trở đi mình phải về nhà đúng giờ. Ngoài ra mẹ vẫn tin tưởng mình. Mình không thể làm mẹ thất vọng… như vậy mình sẽ không cần phải tự làm cái bánh mì kẹp lạnh ngắt.”)
Với bài tập này trong đầu, người mẹ thật của Bobby về nhà và thử áp dụng phương pháp thứ ba với cậu. Và nó có tác dụng… trong ba tuần. Sau đó thì Bobby lại về nhà trễ theo như thói quen cũ. Bà mẹ đã vô phương kế. Khi bà mô tả nỗi thất vọng của mình, nhiều câu hỏi nổi lên trong nhóm: “Phải làm gì trong những trường hợp như thế này?”… “Giả sử bạn đã thử hết mọi cách rồi và vấn đề cứ tiếp diễn, và tiếp diễn mãi”… “Chúng ta có thể làm gì khi dường như không còn biện pháp nào khác nữa ngoài trừng phạt?”
Khi có một vấn đề dai dẳng, chúng ta thường đinh ninh rằng nó phức tạp hơn bản chất của nó. Thật ra, với vấn đề phức tạp thì cần tới kỹ năng phức tạp hơn. Những nhà giáo dục phụ huynh, những nhà thương thuyết lao động, những chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình đã tìm ra những phương pháp chi tiết, tuyệt vời để giải quyết xung đột. Sau đây là phiên bản mà tôi đã trình bày với nhóm phụ huynh ấy.
Để giải quyết vấn đề
Bước I. Nói về cảm xúc và nhu cầu của trẻ
Bước II. Nói về cảm xúc và nhu cầu của bạn.
Bước III. Cùng nhau động não để tìm ra một giải pháp mà cả hai cùng đồng ý.
Bước IV. Viết tất cả mọi ý kiến ra – không đánh giá.
Bước V. Quyết định xem bạn thích đề xuất nào, bạn không thích ý kiến nào, lập kế hoạch thực hiện những đề xuất đó.
Sau khi phác thảo với nhóm về các bước của phương pháp giải quyết vấn đề, chúng tôi quyết định rằng sẽ hữu ích cho chúng tôi nếu chúng tôi đóng lại tình huống đó. Thế là chúng tôi phân công, tôi đóng vai mẹ và bà mẹ thật đóng vai con trai, Bobby. Sau đây là nội dung mẩu đàm thoại chúng tôi đã đóng cùng với nhau, được ghi lại từ băng thu âm buổi tối hôm đó. Như bạn thấy đấy, người mẹ đó đã toàn tâm toàn ý nhập vai con:
MẸ: Bobby, mẹ có chuyện muốn nói. Thời điểm này tốt cho con chứ?
BOBBY: ( nghi hoặc). Được, mẹ. Chuyện gì vậy ạ?
MẸ: Đó là việc đi học về đúng giờ ăn tối.
BOBBY: Con đã bảo mẹ rồi. Con đang cố gắng, nhưng con luôn phải ra về ngay lúc đang chơi vui nhất!
MẸ: Ồ?
BOBBY: Không đứa nào phải về nhà sớm như con. Không đứa nào!
MẸ: Hừm.
BOBBY: Con cứ phải liên tục hỏi giờ tụi nó, bởi vì cái đồng hồ khỉ gió của con bị bể rồi, còn tụi nó cứ quát vào mặt con: “Im đi, đồ sâu bọ!”
MẸ: Úi, nghe tổn thương quá xá.
BOBBY: Chứ sao! Rồi Kenny kêu con là em bé.
MẸ: Vậy nữa cơ!… Như vậy theo những gì mẹ nghe con nói thì con chịu rất nhiều áp lực phải ở lại từ những đứa bạn khác.
BOBBY: Đúng rồi!
MẸ: Bobby, con có biết quan điểm của mẹ về việc này như thế nào không?
BOBBY: Biết, mẹ muốn con về nhà đúng giờ.
MẸ: Đó chỉ là một phần, nhưng cái chính là mẹ lo lắng khi con về trễ.
BOBBY: Thế thì mẹ đừng lo nữa.
MẸ: Ước gì mẹ không lo… Này nhé, chúng mình hãy chụm đầu vào nhìn nhận lại vấn đề này xem chúng mình có tìm ra ý kiến nào mới mà tốt cho cả hai mẹ con mình không. ( Người mẹ lấy ra một cây bút chì ) Con bắt đầu đi.
BOBBY: Con sẽ về nhà trễ nhưng mẹ đừng lo lắng.
MẸ: Được rồi, mẹ viết ra đây. Còn gì nữa?
BOBBY: Con không biết.
MẸ: Này, con suy nghĩ đi. Mẹ có thể đến trường đón con về.
BOBBY: Không… không, vậy không hay.
MẸ: Chúng mình sẽ viết ra tất cả mọi ý kiến mà. Sau đó chúng mình mới quyết định cái nào mình thích cái nào mình không thích. Còn gì nữa?
BOBBY: ( Dừng hơi lâu ) Con nghĩ con sẽ sửa lại chiếc đồng hồ của con.
MẸ: ( Viết ‘Sửa đồng hồ’ ) Còn gì nữa nào?
BOBBY: Tại sao nhà mình cứ luôn phải cùng nhau ăn tối? Mẹ không để phần bữa tối lại cho con được à?
MẸ: (Viết “ Để phần bữa tối ”) Lúc này ngày đang dài. Mẹ nghĩ chúng ta có thể ăn tối trễ hơn 15 phút.
BOBBY: Chỉ 15 phút thôi á!
MẸ: Con muốn hơn. Hừm… ( Viết “Ăn trễ 15 phút” ) Còn ý gì khác không, hay là bây giờ chúng mình nhìn vào danh sách này xem chúng mình muốn xóa đi và muốn giữ lại những gì?
BOBBY: Xem đi, mẹ.
MẸ: ( đọc to ) Những giải pháp khả thi .
Bobby về nhà trễ. Mẹ đừng lo.
Đón Bobby ở sân trường.
Sửa đồng hồ.
Để phần bữa tối trong lò.
Ăn trễ hơn 15 phút.
BOBBY: Xóa cái ý mẹ đón con hàng ngày đi. Kenny sẽ chọc con chết.
MẸ: Được rồi… Hừm, mẹ phải xóa ý “Về nhà trễ” bởi vì điều đó làm mẹ lo lắng. Nhưng chúng mình hãy xem ý tiếp theo nào. Chúng ta sẽ ăn tối lúc 6:15. Thêm 15 phút rồi, được chứ?
BOBBY: Không… Như vậy hơi ít.
MẸ: Mẹ đề nghị thỉnh thoảng sẽ để phần bữa tối trong lò cho con nếu con cho mẹ biết trước thời gian con về.
BOBBY: Vâng, nhớ để lại ý “Sửa đồng hồ”.
MẸ: À, vấn đề ở đây là cái kim giây đồng hồ bị gãy, mẹ nghĩ mẹ sẽ bực mình nếu lại phải trả tiền sửa lần nữa.
BOBBY: Con có tiền để dành. Chừng gần 4 đô la. Như vậy đủ tiền sửa chưa mẹ?
MẸ: Chưa đủ… nhưng cũng hữu ích. Mẹ nghĩ ba và mẹ sẽ bù thêm số tiền còn lại.
BOBBY: Con sẽ cẩn thận, con thề đó. Con sẽ tháo nó ra nếu con và Kenny chơi vật tay… Và con sẽ xem giờ trong khi chơi để biết khi nào thì phải về.
MẸ: Thế à… Hừm… (nhìn vào danh sách) Ồ, xem đến giờ chúng mình đã quyết định những gì rồi nè. Mẹ sẽ dời bữa tối tới 16 phút. Đó là cho con thêm 15 phút nữa để chơi. Chúng mình sẽ góp tiền để sửa đồng hồ cho con. Và thỉnh thoảng nếu con báo cho mẹ biết trước, mẹ sẽ ủ ấm bữa tối cho con. Như vậy hợp với con hết chưa?
BOBBY: Được rồi!
Vào buổi hội thảo tiếp theo, tất cả mọi người chúng tôi đều hỏi mẹ của Bobby “Bà có thử phương pháp giải quyết vấn đề không?… Chuyện gì đã xảy ra?”
Bà mỉm cười và kể cho chúng tôi rằng ngay hôm đó bà đã thử luôn, và Bobby rất hào hứng với ý tưởng này. Bà bảo: “Buồn cười thật, cuộc thảo luận của chúng tôi cứ sôi sùng sục rằng nó ghét đeo đồng hồ, nhưng nếu gia đình có thể ăn trễ hơn 15 phút thì nó sẽ lắng nghe tiếng còi của sở cứu hỏa hú lúc 6 giờ để làm dấu hiệu cho nó chuẩn bị về nhà.
“Cho đến hôm nay thì nó rất giữ lời,” bà bảo.
Coi bộ không có gì khó khăn phải không? Nhưng mà có đấy. Và phần khó nhất không phải là học những bước rời. Chỉ cần một chút nghiên cứu là bạn sẽ thuộc hết những bước đó. Phần khó nhất là chúng ta phải thay đổi thái độ của mình. Chúng ta phải thôi suy nghĩ về trẻ như là một “vấn đề” cần phải chỉnh sửa. Chúng ta cần phải từ bỏ ý tưởng cho rằng vì chúng ta là người lớn cho nên chúng ta luôn luôn có câu trả lời đúng. Chúng ta cũng phải thôi lo lắng rằng nếu chúng ta “không đủ cứng rắn”, thì bọn trẻ sẽ lấn lướt chúng ta.
Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có một niềm tin lớn lao rằng: Nếu chúng ta thủng thỉnh ngồi xuống và chia sẻ những cảm xúc thật của chúng ta với trẻ, lắng nghe những cảm xúc của nó, thì cùng với trẻ, chúng ta sẽ tìm ra được những giải pháp xử lý vấn đề mà hợp lý cho cả hai.
Có một thông điệp quan trọng được cài vào phương pháp này. Đó là: “Khi có xung đột xảy ra giữa chúng ta, chúng ta không còn phải huy động sức lực của mình để chống lại nhau, để lo lắng xem ai sẽ thắng và ai sẽ thua. Thay vào đó chúng ta có thể dồn năng lượng của mình vào việc tìm ra giải pháp thỏa đáng, đáp ứng được nhu cầu của mỗi cá nhân chúng ta.” Chúng ta đang dạy cho con cái mình rằng chúng ta không cần là nạn nhân hay kẻ thù của nhau. Chúng ta trao cho con cái những công cụ mà giúp chúng có khả năng chủ động tham gia giải quyết vấn đề đang khống chế chúng – bây giờ trong khi chúng còn ở nhà với cha mẹ, và sau này trong một thế giới khó khăn, phức tạp đang chờ chúng.
BÀI TẬP VỀ NHÀ
I. Trong tuần này, hãy sử dụng một giải pháp thay thế trừng phạt. Bạn đã sử dụng giải pháp nào? Con bạn đã phản ứng như thế nào?
………………………………………………………………
II. Hãy nghĩ đến một vấn đề thường xảy ra ở nhà bạn mà có thể được dàn xếp bằng phương pháp giải quyết vấn đề.
Hãy lựa lúc thuận tiện và một nơi mà cả hai không bị phá bĩnh để cả hai mẹ con cùng giải quyết vấn đề.
………………………………………………………………
III. Hãy đọc phần II của những giải pháp thay thế trừng phạt – Những lưu ý, câu hỏi, và những câu chuyện do phụ huynh kể.
………………………………………………………………
Ghi nhớ
THAY VÌ TRỪNG PHẠT
1. MẠNH MẼ BỘC LỘ CẢM XÚC CỦA BẠN MÀ KHÔNG TẤN CÔNG VÀO TÍNH CÁCH CỦA TRẺ
“Ba bực mình cái cưa mới của ba bị bỏ ngoài trời mưa rỉ sét hết!”
2. NÊU RÕ NIỀM MONG ĐỢI CỦA BẠN.
“Ba mong chờ dụng cụ của ba được trả lại sau khi con mượn chúng.”
3. CHỈ CHO TRẺ CÁCH KHẮC PHỤC
“Bây giờ cái cưa này cần một nhúm bùi nhùi thép và thật nhiều công đánh bóng…”
4. ĐỀ XUẤT SỰ LỰA CHỌN.
“Con có thể mượn đồ dùng của ba và trả lại không thì con sẽ mất quyền sử dụng chúng. Con quyết định đi”.
5. HÀNH ĐỘNG.
CON: Sao hộp đựng dụng cụ của ba khóa rồi, ba ơi?
CHA: Con tự biết lý do tại sao.
6. Giải quyết vấn đề
“Ba con mình thống nhất là con có thể sử dụng đồ dùng của ba khi con cần, cho nên ba muốn chắc chắn rằng chúng luôn ở chỗ cũ khi ba cần dùng chúng, được chứ?”
PHẦN II.
NHỮNG NHẬN XÉT, BĂN KHOĂN VÀ NHỮNG CÂU CHUYỆN CỦA PHỤ HUYNH
? Những thắc mắc về sự trừng phạt
1. Nếu một đứa trẻ chưa biết nói mà sờ vào vật g đó không nên sờ th ta cỉ nân khẻ vđo bđn tay nhỏ xu của nỉ?
Trẻ chưa biết nói không có nghĩa là chúng không biết lắng nghe và không hiểu. Hàng ngày trẻ nhỏ học hỏi trong từng giây từng phút. Vấn đề là “Con của bạn học hỏi cái gì ?” Ở đây cha mẹ có sự lựa chọn. Bạn có thể đánh vào tay con lặp đi lặp lại, nhưng điều duy nhất cách đó dạy cho trẻ là học làm những gì để không bị đánh vào tay nữa. Mặt khác bạn có thể đối xử với trẻ như một con người bé nhỏ, có nhân phẩm thật sự bằng cách cung cấp cho nó thông tin mà nó có thể sử dụng bây giờ, và trong cả cuộc đời về sau của nó. Khi bà mẹ chuyển đứa trẻ (hoặc món đồ) đi chỗ khác, bà có thể nói dứt khoát với trẻ rằng:
“Dao không phải để liếm. Con có thể liếm thìa nếu con thích.”
“Con chó bằng sứ này có thể bể. Con chó bông của con không bể.”
Bà mẹ có thể lặp lại thông tin đó nhiều lần, nhưng thông tin lặp lại đó chuyển tải thông điệp khác xa với cái đánh vào tay trẻ lặp đi lặp lại.
2. Sự khác nhau giữa trừng phạt và những hậu quả tất yếu là gì? Phải chăng chúng chỉ là những cách gọi khác nhau để chỉ cùng một sự việc?
Chúng ta thấy trừng phạt khi cha mẹ tước đi của trẻ cái gì đó trong một quãng thời gian, hoặc giáng đau khổ xuống trẻ để nhằm dạy cho nó một bài học. Mặt khác là cứ để cho những hậu quả xảy ra như là kết quả tất yếu do hành vi của trẻ. Một người cha trong một nhóm hội thảo của chúng tôi có lần đã chia sẻ kinh nghiệm trong khi chúng tôi tóm tắt sự khác nhau giữa trừng phạt và hậu quả tất yếu. Ông ấy kể như thế này:
Con trai tuổi vị thành niên của tôi mượn tôi cái áo lạnh hải quân màu xanh dương bởi vì cái áo trông “oách” với cái quần jeans mới của nó. Tôi bảo “Được mà con, nhưng nhớ giữ cẩn thận đấy” rồi sau đó quên khuấy về nó luôn. Một tuần sau, khi tôi muốn mặc cái áo này, tôi phát hiện nó nằm dúm dó trong đống đồ dơ chưa giặt dưới sàn phòng ngủ của thằng con tôi. Lưng áo dính đầy phấn và đằng trước áo nhoe nhoét cái gì trông như nước sốt mì spaghetti.
Tôi nổi đóa lên tức khắc, bởi vì đây không phải là lần đầu tiên nó cẩu thả thế này, và tôi thề là nếu khoảnh khắc ấy mà nó ló mặt vào thì chắc chắn tôi đã bảo nó hãy quên trận đấu bóng đá mà nó sẽ đi xem với tôi vào chủ nhật này đi, và tôi sẽ đem chiếc vé đi cho người khác rồi.
Nhưng mà sau đấy, khi gặp nó thì tôi đã nguôi ngoai đi nhiều, tuy nhiên tôi vẫn la cho nó một trận. Nó bảo nó xin lỗi về sự việc, nhưng một tuần sau nó lại đòi mượn áo của tôi lần nữa. Tôi bảo “không mượn gì hết”. Không diễn thuyết gì thêm. Không rao giảng. Tự nó biết lý do tại sao.
Rồi một tháng sau, nó hỏi mượn tôi chiếc áo sơ mi len để đi dã ngoại với lớp. Tôi bảo: “Nào, trước khi ba cho con mượn món gì, ba cần được bảo đảm, bằng văn bản hẳn hoi, rằng chiếc áo sơmi của ba sẽ trở về đúng trạng thái mà nó được mượn”. Tối hôm đó tôi trông thấy một mẩu thư nhắn trong đống thư từ của tôi. Với nội dung thế này:
Ba ơi,
Nếu ba cho con mượn cái áo sơmi của ba, thì con sẽ làm tất cả để giữ cho nó sạch sẽ.
Con sẽ không dựa lưng vào bảng. Sẽ không nhét viết bi vào túi áo. Khi ăn trưa con sẽ chùi bằng khăn ăn.
Con yêu ba,
Mark.
À, tôi rất ấn tượng với mẩu thư nhắn ấy. Tôi nghĩ nếu nó đã mất công viết ra thì nó cũng phải mất công thực hiện những gì nó đã viết.
Tái bút: Chiếc áo sơmi đã trở về với tôi trên mắc áo vào tối hôm sau, đã được giặt sạch!
Với chúng tôi, câu chuyện trên chỉ ra diễn biến của những hậu quả tất yếu. Việc trả lại đồ đi mượn trong tình trạng hư hại sẽ dẫn đến một hậu quả tất yếu là sự bất mãn, tức giận của người cho mượn. Một hậu quả tất yếu khác là sự ngần ngại của chủ nhân, không muốn cho mượn bất kỳ món nào nữa. Cũng có thể người cha sẽ đổi ý nếu ông có chứng cứ cụ thể rằng sự việc này sẽ không xảy ra lần nữa. Nhưng trách nhiệm thay đổi rõ ràng là ở phía cậu con trai, người đi mượn. Người cha không cần phải làm bất cứ điều gì lên cậu con trai để dạy cho cậu ta một bài học cả.
Trẻ dễ dàng học từ những thực tế khó chịu, thông qua những phản ứng thật của cha mẹ, hơn là học từ quyết định trừng phạt nó vì lý do “để tốt cho con”.
3. Tuần trước tôi tìm thấy một đống vỏ cam và hột cam trên ghế sofa. Khi tôi hỏi đám con trai tôi “Ai làm thế” chúng nó cứ chỉ trỏ đổ thừa cho nhau. Cố tìm ra đứa nào phạm tội và trừng phạt có phải là ý hay? Tôi có thể làm gì trong trường hợp này?
Câu hỏi “Ai làm việc đó” thường tự động dẫn tới câu chối “Không phải con”, rồi tiếp theo lại dẫn tới lời phán: “Hừ, chắc chắn trong mấy đứa tụi bay có đứa nói dối”. Chúng ta càng đi truy xét sự thật, thì bọn trẻ càng lớn tiếng phản đối để bảo vệ sự vô tội của chúng. Khi bạn bắt gặp cái gì làm bạn nổi giận, thì bạn nên bộc lộ cơn giận dữ của mình thì sẽ hữu ích hơn là đi truy tìm thủ phạm và trừng phạt nó:
“Mẹ tức điên lên được khi thấy đồ ăn trên ghế sofa! Vỏ cam làm ghế bị ố vĩnh viễn!”
Đến lúc này bạn sẽ nghe bài đồng thanh “Không phải con”… “Nó bắt con làm đó”… “Con chó làm đó”… “Em bé làm đó”.
Đây là cơ hội để bạn cho cả đám cùng biết:
“ Mẹ không quan tâm tìm ra ai làm điều này . Mẹ không quan tâm đổ lỗi cho ai về việc đã xảy ra rồi. Mẹ muốn nhấn mạnh đến việc sửa đổi trong tương lai!”
Bằng cách không đổ lỗi hoặc không trừng phạt, chúng ta để cho trẻ tự do tập trung vào trách nhiệm của chúng hơn là vào việc trả đũa.
“Giờ thì cả hai con cùng giúp mẹ dọn sạch tất cả vỏ với hột cam khỏi ghế sofa đi nào.”
4. Tiến sĩ bảo rằng một giải pháp thay thế sự trừng phạt là bày tỏ sự không đồng tình của mình. Khi tôi làm như vậy thì con tôi lộ vẻ tội lỗi và đau khổ suốt cả ngày, đến nỗi tôi cũng sót ruột. Lẽ nào tôi đã làm quá đáng?
Chúng tôi có thể hiểu mối lo lắng của quý vị. Tiến sĩ Selma Fraiberg đã viết trong cuốn The Magic Years(Những năm tháng diệu kỳ): “Trẻ em cũng cần phải cảm nhận sự không đồng ý của chúng ta vào những lúc nhất định, nhưng nếu phản ứng của chúng ta mạnh mẽ đến mức khiến đứa trẻ cảm thấy nó vô dụng và bị khinh miệt vì hành vi phạm tội của nó, thì bậc làm cha mẹ chúng ta đã lạm dụng quyền phụ huynh của mình và rất có thể đã tạo ra khả năng là những cảm giác tội lỗi và tự ghét bản thân thái quá sẽ gây ảnh hưởng lên sự phát triển tính cách của trẻ.
Chính vì thế mà chúng tôi cảm thấy, bất kể khi nào có thể, cùng với sự bất đồng của mình, chúng ta nên chỉ ra cách giúp trẻ sửa chữa. Sau cảm giác hối hận ban đầu, trẻ cần có cơ hội hồi phục cảm xúc tốt đẹp về chính nó, và để nó một lần nữa tự thấy mình là một thành viên có trách nhiệm, đáng tôn trọng của gia đình. Là cha mẹ, chúng ta phải cho con cái cơ hội đó. Sau đây là một số ví dụ:
“Mẹ rất giận! Em đang chơi vui vẻ thì con giật cái trống của em. Mẹ muốn con làm sao dỗ cho em nín đi!”
(Thay vì “Con lại làm em khóc nữa rồi. Giờ thì con phải bị đánh đòn.”)
“Mẹ tức điên lên được khi về đến nhà là ngập đầu trong đống bát nhếch nhác, trong khi con đã hứa là sẽ rửa hết cơ mà. Mẹ muốn bát đĩa được rửa sạch sẽ và xếp cẩn thận trước giờ đi ngủ!”
(Thay vì “Con hãy quên chuyện đi chơi tối mai đi là vừa. Có lẽ như thế sẽ dạy con cách giữ lời hứa.”)
“Nguyên hộp xà bông bột đổ ụp cả xuống sàn nhà tắm! Cảnh này khiến mẹ điên tiết. Xà bông không phải là thứ để chơi! Chúng ta cần một cái túi, cái chổi, và một cái hốt rác. Nhanh lên, trước khi nó dây hết cả ra nhà.”
(Thay vì “Nhìn con bôi việc ra cho mẹ kìa. Tối nay dẹp coi tivi luôn!”)
Những câu khẳng định như thế hàm ý với trẻ rằng, “Mẹ không thích những gì con làm và mẹ muốn con chú tâm khắc phục nó đi”. Chúng ta hy vọng, sau này trong cuộc đời của trẻ, khi thành người lớn, khi trẻ làm gì mà nó hối lỗi, nó sẽ tự động nghĩ “Mình phải làm gì để sửa chữa, để đưa sự việc trở lại như cũ bây giờ?”, hơn là “Mình đã chứng tỏ điều gì. Mình là thằng vô tích sự, rất đáng bị trừng phạt.”
5. Tôi không trừng phạt con trai tôi nữa, nhưng bây giờ mỗi lần tôi mắng nó vì nó đã làm gì sai trái thì nó nói “Xin lỗi” liền, để rồi ngay ngày hôm sau lại tái phạm đúng lỗi đó. Tôi có thể làm gì về việc này?
Nhiều trẻ viện đến câu “Con xin lỗi” để xoa dịu cho cha mẹ bớt giận. Chúng nhanh chóng xin lỗi cũng mau lẹ như phạm lỗi. Quan trọng là những trẻ này phải nhận ra rằng nếu chúng hối lỗi thật sự, thì cảm giác hối hận phải được dịch chuyển thành hành động. “Kẻ tái phạm” có thể được nói bằng câu nào đó trong những câu sau đây:
“Xin lỗi có nghĩa là phải hành xử khác đi.”
“Xin lỗi có nghĩa là phải thay đổi.”
“Mẹ rất vui khi nghe con nói xin lỗi. Đó là bước đầu tiên, bước thứ hai là con phải tự hỏi con đã làm gì cho lời xin lỗi đó.”
Những chuyên gia và những nhà giáo dục học nói về việc trừng phạt trẻ
Có dạo xuất hiện một bài báo ca ngợi sự trừng phạt và dạy cho cha mẹ cách thức trừng phạt con cái như thế nào (“Giải thích trước khi trừng phạt”… “Trừng phạt ngay lập tức”… “Phải trừng phạt xứng với tội trạng”). Thường thì đối với những bậc phụ huynh giận dữ đang bị bí, những lời khuyên kiểu như thế này xem ra có lý.
Những trích dẫn sau đây từ những chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần có quan điểm khác về trừng phạt:
Trừng phạt là một phương pháp kỷ luật rất kém hiệu quả… bởi vì trừng phạt, thật lạ, lại thường có tác dụng dạy cho trẻ hành xử ngược lại chính xác những gì chúng ta muốn nó cư xử! Nhiều cha mẹ dùng hình phạt đơn giản vì không ai dạy cho họ biết cách tốt hơn để lập kỷ luật cho con cái họ.
( Làm cha thế nào, Dr. Fitzhugh Dotson, Sinet, 1974 )
Động thái kỷ luật trẻ có thể là một động thái khiến trẻ bực tức, thất vọng. Tuy nhiên, vào lúc khởi đầu, ta cần nhấn mạnh rằng kỷ luật có nghĩa là giáo dục . Kỷ luật là hệ thống hướng dẫn được lập trình một cách cơ bản nhằm giúp con người phát triển tính tự chủ nội tại, khả năng tự chỉ đạo và hiệu suất lao động. Để kỷ luật phát huy tác dụng đòi hỏi phải có sự tôn trọng và lòng tin cậy lẫn nhau. Trong khi đó, trừng phạt đòi hỏi sự kiểm soát ngoại hiện lên người khác bằng quyền lực và sự ép buộc. Người trừng phạt hiếm khi tôn trọng hoặc tin cậy người bị trừng phạt.
(“ Trường hợp chống việc đánh đòn,” Brian G. Gilmartin, Tiến sĩ về hành vi con người, February 1979,Vol. 8,
No. 2 )
Đứng trên quan điểm sách vở, ta có thể kết luận rằng cha mẹ trừng phạt thể xác con cái thường không ngăn chặn được bạo lực mà lại có khuynh hướng kích động bạo lực. Trừng phạt vừa làm trẻ thất vọng vừa cung cấp cho nó một khuôn mẫu để bắt chước và học hỏi.
( Bạo động và Đấu tranh sinh tồn, tác phẩm của Ủy ban về Bạo động của Phân khoa Tâm lý trị liệu, thuộc Trường Y khoa, ở Đại học Stanford, biên tập bởi David N. Daniels, M.D., Marshall F. Gilula, M.D., and Frank M. Ochberg, M.D., Little, Brown & Company, 1970 )
Cha mẹ đang bối rối và điên tiết thường hy vọng một cách sai lầm rằng trừng phạt cuối cùng sẽ mang lại kết quả, nhưng họ thường không nhận ra rằng thật ra họ chẳng đi tới đâu với những phương pháp họ áp dụng…
Việc sử dụng hình phạt chỉ giúp trẻ phát triển khả năng tránh né và thách thức, khiêu khích lớn hơn.
(Trẻ em: Sự thách thức, Rudolf Dreikkurs, M.D., Hawthorn, 1964)
Trừng phạt bằng đòn roi mang lại rất nhiều khả năng học hỏi cho trẻ, nhưng không khả năng nào trong số đó đúng với dự định của phụ huynh cả. Trẻ có thể học được cách làm sao tránh né thành công bất kỳ cảm xúc tội lỗi nào trước hành vi xấu của nó, bằng cách thiết lập một chu kỳ mà sự trừng phạt làm trì hoãn “tội ác” và đứa trẻ, do đã phải trả giá cho sự ma mãnh của mình, sẽ tự do lặp lại hành vi xấu trong lần khác mà không kèm theo những cảm xúc tội lỗi.
Đứa trẻ làm mọi thứ để khiêu khích cha mẹ trừng phạt nó bằng đòn roi là đứa trẻ đang mang một “tội lỗi” bí mật mà cha mẹ được viện tới để xóa bỏ đi bằng những hình thức roi vọt. Thực chất roi vọt chỉ là thứ đứa trẻ đó không cần!
(Những năm tháng diệu kỳ, Selma H. Fraiberg, Scribners, 1959)
Những nhà nghiên cứu tin rằng cứ năm phụ huynh thì có một người… bạo hành con cái họ, chẳng hạn, họ có thể biểu lộ cơn giận sôi sùng sục của họ trước đứa con quậy phá tuổi vị thành niên bằng cách: lấy đồ vật táng lên đầu nó, xô đẩy, lôi kéo nó, dùng lời lẽ sỉ nhục nó… Có nhiều “bằng chứng khắc nghiệt” cho thấy bạo hành thể xác từ cha mẹ thật ra là cha mẹ đang dạy cho con cái cách bò bên dưới đầu gối mình.
(Newsday, August 15, 1978)
THAY VÌ TRỪNG PHẠT
(Những kinh nghiệm được chia sẻ giữa những phụ huynh trong nhóm hội thảo chuyên đề của chúng tôi)
Con gái 4 tuổi của tôi, Marnie, luôn là đứa trẻ bướng bỉnh. Nó hay chọc cho tôi điên tiết lên đến nỗi tôi không thể tự chủ được. Tuần trước tôi về nhà và thấy nó đã lấy sáp màu vẽ lung tung lên giấy dán tường phòng nó. Tôi sùng máu tét cho nó một trận đòn. Sau đó tôi bảo nó tôi sẽ cất hết màu sáp của nó đi, và tôi làm thật.
Sáng hôm sau, tôi tỉnh dậy và nghĩ mình muốn chết cho rồi. Nó đã lấy thỏi son của tôi vẽ lằng ngoằng lên tường gạch men nhà tắm. Tôi chỉ muốn bóp chết nó thôi, nhưng tôi kìm lại. Rất bình tĩnh tôi hỏi, “Marnie, con làm như vậy có phải là vì con điên tiết với mẹ vì mẹ đã tịch thu màu sáp của con rồi không?”
Con bé gật đầu.
Tôi bảo, “Marnie, mẹ rất bực mình, khi tường bị viết lên. Mẹ sẽ phải mất rất nhiều công sức để lau sạch chúng đi và làm cho tường sạch lại như cũ.”
Quý vị có biết con bé làm gì không? Nó lấy giẻ lau và bắt đầu cố lau sạch vệt son đi. Tôi chỉ cho nó cách dùng xà bông với nước và nó kỳ cọ tường cả mười phút. Sau đó nó gọi tôi vào để chỉ cho thấy hầu hết vết son đã được lau sạch. Tôi cảm ơn bé, xong đưa trả màu sáp cho bé, và tôi còn để một xấp giấy vào phòng bé cho bé vẽ bất cứ khi nào bé muốn.
Tôi rất tự hào về chính mình, tôi gọi tới sở làm cho chồng để kể ngay cho anh ấy nghe những gì tôi đã làm.
Kể từ đấy đã hơn một tháng, Marnie không hề vẽ bậy lên tường.
* * *
Ngay khi tôi vừa bước chân ra khỏi cửa sau buổi hội thảo tuần trước thì nhận được cú điện thoại từ cô giáo dạy toán của Donny. Nghe giọng cô có vẻ rất giận dữ. Cô giáo bảo con trai tôi đang bị tụt hậu, nó làm ảnh hưởng đến tiến độ học tập của lớp, và đến giờ này mà nó vẫn chưa thuộc bản cửu chương, và có lẽ nó cần thêm “kỷ luật” ở nhà. Tôi cảm ơn cô giáo đã gọi báo cho tôi biết sự việc, nhưng trong lòng thì giận run. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là “Nó phải bị trừng phạt. Nó sẽ không được xem tivi gì tới chừng nào nó học xong bản cửu chương và bắt đầu cư xử đúng đắn trong lớp.”
May thay tôi có cả một tiếng đồng hồ để dịu nguội trước khi Donny đi học về. Khi Donny về nhà, chúng tôi đã nói chuyện với nhau như thế này:
TÔI: Cô K. hôm nay đã gọi điện cho mẹ và cô có vẻ rất tức giận.
DONNY: Ố, cô ấy lúc nào mà chẳng tức giận vì cái gì đó.
TÔI: Mẹ nghĩ một khi nhà trường đã gọi điện đến là có việc nghiêm trọng. Cô ấy nói con làm quấy phá tiến độ học tập của lớp và con không thuộc bản cửu chương.
DONNY: Ứ, tại Mitchell cứ lấy tập nó đập lên đầu con chứ bộ. Vậy nên con mới lấy tập của con đập lại nó.
TÔI: Con thấy mình cần phải trả đũa à?
DONNY: Trả đũa là gì?
TÔI: Đánh lại bạn.
DONNY: Đúng rồi. Thỉnh thoảng nó viết giấy thảy cho con rồi cố bắt con nói chuyện, nó đá ghế của con cho tới khi con phải trả lời nó mới thôi.
TÔI: Thảo nào con không học được bài.
DONNY: Con biết tới bản cửu chương 6, nhưng không biết bản cửu chương 7 và 8.
TÔI: Hừm… Donny, con có nghĩ rằng trong lớp nếu con và Mitchell không ngồi gần nhau nữa sẽ giúp con tập trung hơn?
DONNY: Con không biết… có lẽ… con có thể thuộc bản cửu chương 7 và 8 nếu con chịu học.
TÔI: Mẹ cảm thấy cô K. nên biết điều này. Giả sử bây giờ chúng ta viết cho cô ấy một lá thư, con thấy có được không? ( Donny gật đầu ) Để mẹ lấy bút giấy ra và viết thế này nhé:
“Kính gửi cô K.
Tôi đã thảo luận về cú điện thoại của cô với Donny và cháu nó bảo…” Donny, con muốn mẹ nói gì với cô giáo?
DONNY: Bảo cô ấy đổi chỗ con với Mitchell.
TÔI: ( viết ) “Cháu bảo cháu muốn cô đổi chỗ cho cháu để cháu không phải ngồi gần Mitchell”. Vậy đúng không?
DONNY: Đúng rồi.
TÔI: Còn gì nữa không?
DONNY: ( ngừng lâu ) Bảo cô ấy con sẽ viết bản cửu chương 7 và 8 rồi đọc to lên.
TÔI: ( tôi viết xong rồi đọc to lên cho cháu nghe ). “Cháu cũng bảo sẽ viết bản cửu chương 7 và 8 và tự luyện tập lấy.” Còn gì nữa không?
DONNY: Hết rồi, mẹ.
TÔI: Mẹ sẽ kết thúc lá thư bằng câu “Cảm ơn cô đã cho chúng tôi biết về vấn đề này.”
Tôi đọc lại toàn bộ lá thư cho Donny nghe một lần nữa. Cả hai chúng tôi cùng ký tên vào và ngày hôm sau cháu mang nó tới lớp nộp cho cô. Tôi biết điều gì đó phải thay đổi, bởi vì khi cháu về nhà điều đầu tiên cháu kể là cô K. đã đổi chỗ cho cháu và “Hôm nay thật dễ chịu”.
* * *
Câu chuyện này do một bà mẹ ngồi chép miệng và lắc đầu suốt những buổi hội thảo đầu tiên của chúng tôi kể lại. Đến buổi thứ tư bà vào lớp và đứng lên nói với chúng tôi:
Tôi đã không tin bất kỳ điều gì ở đây có thể áp dụng được cho con tôi. Van là đứa cứng đầu, không thể quản nổi, điều duy nhất nó hiểu là trừng phạt. Tuần trước tôi gần xỉu khi hàng xóm bảo với tôi rằng bà đã thấy nó băng qua giao lộ (tôi đã cấm tiệt nó không được băng qua giao lộ đông đúc đó). Tôi không biết phải làm gì. Tịch thu xe đạp của nó, cấm xem tivi, cắt tiền tiêu vặt, tôi đã làm cả rồi… Còn gì nữa tôi chưa làm? Trong lúc tuyệt vọng tôi quyết định thử áp dụng vài điều mà tôi đã được nghe nói chuyện ở trong nhóm của mình. Khi chúng tôi về nhà, tôi bảo “Van, chúng ta có một vấn đề. Mẹ thì nghĩ con đang cảm thấy như thế này: Con muốn băng qua bên kia đường một mình mà không phải nhờ ai đó đưa con qua. Có đúng không?” nó gật đầu. Còn mẹ thì cảm thấy thế này: Mẹ lo lắng khi nghĩ về đứa trẻ 6 tuổi băng qua giao lộ nguy hiểm, có nhiều tai nạn.
“Khi có vấn đề thì chúng ta cần tìm ra một giải pháp. Con cứ nghĩ về nó đi rồi cho mẹ biết những ý kiến của con vào bữa tối.”
Van lập tức định nói liền. Tôi bảo, “Không phải bây giờ, việc này là vấn đề rất nghiêm túc. Mẹ muốn cả hai mẹ con mình cần phải suy nghĩ về nó thật kỹ. Chúng ta sẽ nói vào bữa tối khi có cả ba ở nhà nữa.”
Tối đó, tôi đã dặn trước chồng tôi là “chỉ có lắng nghe thôi”. Van rửa tay và ngồi vào bàn ăn không chậm trễ. Ngay khi ba nó vừa bước vào phòng ăn nó đã nói hăng hái: “Con có một giải pháp! Mỗi tối khi ba về nhà, chúng ta sẽ ra góc đường và ba sẽ dạy con cách nhìn đèn giao thông để biết khi nào thì băng qua đường được.” Ngừng lại một chút, rồi nó nói tiếp. “Rồi vào ngày sinh nhật thứ 7 của con, con sẽ tự băng qua đường một mình.”
Chồng tôi suýt nữa thì ngã khỏi ghế. Tôi đoán là cả hai chúng tôi đã đánh giá thấp con mình.
* * *
Nicky, 10 tuổi, thông báo với vẻ lấc cấc (ngay giữa lúc tôi đang cuống lên dọn bữa tối và chuẩn bị đi ra ngoài) rằng nó đã làm mất 3 quyển sách giáo khoa và tôi cần phải cho nó 9 đô la. Tôi chỉ chực nổ tung lập tức. Phản ứng đầu tiên của tôi là muốn đập cho nó một trận hoặc trừng phạt nó. Nhưng dù đang trên bờ nổi xung thiên đến nơi, tôi vẫn cố kiềm chế và bắt đầu nói những câu bắt đầu với chủ ngữ là “Mẹ”. Tôi nghĩ tôi đã hét toáng lên hết mức mà một người đang tức giận có thể hét được.
“Mẹ đang điên tiết! Mẹ giận lắm đây! Ba quyển sách bị mất và giờ mẹ phải đóng 9 đô la để đền bù! Mẹ giận phát điên đến nỗi mẹ muốn nổ tung ra! Đã thế mẹ lại nghe cái tin này trong lúc mẹ đang quýnh lên làm bữa tối cho xong để còn ra ngoài đi công chuyện, và giờ mẹ phải dừng lại và tốn thời gian thảo luận về vấn đề này! MẸ ĐANG SÔI SÙNG SỤC ĐÂY!”
Khi tôi ngừng la thét, gương mặt bé xíu lo lắng nhất ló qua ngưỡng cửa và Nicky nói: “Mẹ, con xin lỗi. Mẹ không phải đóng 9 đô la. Để con đóng từ tiền tiêu vặt của con.”
Tôi nghĩ chắc nụ cười rộng nhất chưa từng có đã nở rộng trên gương mặt tôi. Và cũng chưa bao giờ tôi nguôi giận một cách nhanh chóng và hoàn toàn như thế. Vài ba quyển sách bị mất có là gì so với một người con trai đã thật sự quan tâm đến cảm xúc của mẹ nó!
PHẦN III
NÓI THÊM VỀ PHƯƠNG PHÁP GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Trước khi giải quyết vấn đề
Chúng tôi khám phá ra rằng để quá trình giải quyết vấn đề có hiệu quả, chúng ta cần phải, nói theo kiểu trẻ con, “tự chuẩn bị tinh thần cho mình”. Chúng tôi tự nói với mình:
“Mình sẽ chấp nhận và dò tìm cảm xúc của con chừng nào có thể được. Mình sẽ lắng nghe để nắm thông tin và những cảm xúc mà có thể trước đó mình đã không nghe thấy.”
“Mình sẽ dẹp bỏ sự phán xét, đánh giá, và diễn thuyết. Mình sẽ cố không thuyết phục hay rao giảng.”
“Mình sẽ cân nhắc bất kỳ ý kiến mới nào – cho dù nó có đi xa tới đâu chăng nữa.”
“Mình sẽ không diễn giảng ngay. Nếu chúng mình không thể tìm ra giải pháp ngay lập tức, thì có nghĩa là chúng mình cần phải suy nghĩ thêm, cần điều tra thêm và cần nói chuyện với nhau thêm.”
Từ khóa là sự tôn trọng – tôn trọng con tôi, chính tôi, và với những triển vọng vô hạn về những gì có thể xảy ra khi hai người có thiện chí hợp sức lại cùng nhau suy nghĩ.
Lưu ý về những bước giải quyết vấn đề
Trước khi bắt đầu, hãy tự hỏi, “Giờ mình vẫn sôi gan với cảm xúc hay mình đã đủ bình tĩnh để bắt đầu toàn bộ quy trình này? (bạn không thể giải quyết vấn đề khi bạn đang nóng giận). Sau đó hãy để ý đến tâm trạng của trẻ: “Đây có phải là lúc thuận lợi cho con nói chuyện không?” Nếu nó nói “được” thì:
1. Nói về cảm xúc của trẻ (“Mẹ tưởng tượng chắc là con đang cảm thấy…”)
Đừng nôn nóng đẩy nhanh phần này. Hãy để thái độ của bạn tỏ rõ “Mẹ đang thật sự muốn tìm hiểu cho rõ xem con đang cảm thấy thế nào về tất cả việc này.” Chỉ khi trẻ cảm thấy nó được lắng nghe và được hiểu thì nó mới có thể cân nhắc để ý đến cảm xúc của bạn.
2. Nói về cảm xúc và nhu cầu của bạn. (“Còn mẹ thì cảm thấy thế này”)
Bạn nên thực hiện phần này thật nhanh gọn, rõ ràng. Thật khó cho trẻ lắng nghe cha mẹ kề cà mãi về những lo âu, nỗi giận dữ với buồn bực của họ.
3. Mời trẻ cùng động não để tìm ra một giải pháp mà cả hai đều đồng ý.
Nếu có thể, hãy để trẻ nghĩ ra những giải pháp đầu tiên. Điểm mấu chốt ở đây là kiềm chế, không đánh giá hay bình luận về bất kỳ ý kiến nào. Ngay giây phút bạn nói “Hừ, coi bộ không hay” thì toàn bộ quy trình giải quyết vấn đề sẽ chấm dứt và bạn sẽ phải làm lại tất cả từ đầu. Tất cả mọi ý kiến của trẻ đều phải được đón nhận. Thường thì những ý kiến kỳ cục nhất lại dẫn đến những giải pháp hay và khả thi. Câu nói chủ chốt là “Chúng ta sẽ viết ra tất cả những ý kiến của mình nhé.” Cái chính không phải là viết, mà động thái viết từng ý kiến ra sẽ nâng tầm quan trọng cho từng ý kiến đó. (Chúng tôi đã nghe lỏm một đứa trẻ trầm trồ, “Mẹ tớ thật là thông minh. Mẹ tớ viết ra tất cả mọi ý kiến của tớ.”)
4. Quyết định xem bạn thích đề xuất nào, bạn không thích ý kiến nào, và bạn muốn thực hiện những đề xuất nào.
Hãy coi chừng những câu nói làm “cụt hứng” (“Ý kiến đó ngớ ngẩn quá”). Thay vì bộc lộ những phản ứng cá nhân của bạn, hãy nói:
“Mẹ không thoải mái với ý này bởi vì…”
“Cái này coi bộ mẹ có thể làm được.”
5. Thực hiện.
Cái nguy hiểm ở đây là coi chừng bạn bị cuốn đi với những cảm xúc tốt về việc tìm ra một giải pháp khả thi đến nỗi bạn quên không bỏ công lập một kế hoạch cụ thể để thực hiện. Quan trọng bạn cần phải nhớ nói thêm:
“Chúng mình sẽ lập kế hoạch thực hiện bước nào đây?”
“Ai sẽ chịu trách nhiệm điều đó?”
“Đến khi nào thì chúng mình sẽ làm xong?”
6. Đừng cho phép trẻ đổ thừa hay buộc tội bạn về bất kỳ điểm nào.
CON: Á, nhưng ý đó sẽ không có tác dụng bởi vì mẹ luôn… Mẹ không bao giờ…
Điều quan trọng là phụ huynh phải quyết đoán và kiên định khi việc này xảy ra.
PHỤ HUYNH: Không buộc tội hay nói về quá khứ. Những gì chúng ta đang cố làm bây giờ là tập trung tìm giải pháp cho tương lai!
Những thắc mắc về phương pháp giải quyết vấn đề
1. Giả sử kế hoạch mà bạn và con bạn đồng ý có tác dụng một thời gian, sau đó thì thất bại. Thế thì phải làm gì?
Đó là những thời điểm để kiểm tra sự quyết đoán của chúng ta. Chúng ta có thể hoặc là trở về diễn thuyết và trừng phạt hoặc là trở về với bảng viết. Ví dụ:
PHỤ HUYNH: Mẹ thất vọng là giải pháp của chúng mình không còn hiệu quả nữa. Mẹ thấy mẹ đang phải cáng đáng phần việc của con và đó là điều mẹ không thể chấp nhận được. Chúng mình phải cho kế hoạch cũ một cơ hội khác?… Chúng mình hãy nói về những gì cản trở chúng mình?… Hay chúng mình sẽ tìm ra một giải pháp khác?
Là người lớn, chúng ta thường cảm nhận những giải pháp là vĩnh viễn. Những gì có tác dụng đối với trẻ khi nó 4 tuổi không còn tác dụng với nó khi nó 5 tuổi; những gì có tác dụng đối với trẻ vào mùa đông lại không công hiệu vào mùa xuân. Cuộc sống là một quy trình điều chỉnh và thích nghi liên tục. Điều quan trọng là trẻ tiếp tục thấy mình là một phần của giải pháp hơn là một phần của vấn đề.
2. Ta có luôn cần phải đi qua tất cả những bước giải quyết vấn đề?
Không. Một vấn đề có thể được giải quyết xong ở bất kỳ bước nào. Đôi khi chỉ đơn giản mô tả những nhu cầu mâu thuẫn nhau là có thể dẫn đến một giải pháp nhanh gọn. Ví dụ:
Mẹ: Chúng mình gặp một vấn đề thật sự ở đây rồi. Con muốn mẹ đưa con đi mua giày thể thao ngay bây giờ. Còn mẹ thì muốn lựa cho xong nốt đống đồ đem giặt và sau đó mẹ phải bắt đầu làm bữa tối.
Con: Có lẽ con sẽ lựa đồ đem giặt trong khi mẹ chuẩn bị đi và khi chúng mình về nhà thì con sẽ giúp mẹ nấu bữa tối.
Mẹ: Mẹ nghĩ như vậy được đấy.
3. Giả sử chúng ta đã đi qua tất cả các bước mà vẫn không tìm ra một giải pháp nào mà cả hai cùng đồng ý. Thế thì sao?
Điều đó có thể xảy ra. Nhưng không gì mất mát cả. Bằng cách thảo luận vấn đề, mỗi người sẽ trở nên nhạy cảm hơn với nhu cầu của người kia. Trong tình huống khó khăn, đây thường là cách tốt nhất để hy vọng. Và đôi khi vấn đề chỉ là cần thêm thời gian suy nghĩ, để cho “đậu tự chín” trước khi có thể đạt tới một giải pháp.
4. Giả sử trẻ từ chối ngồi xuống để cùng giải quyết vấn đề với bạn? Thế thì phải làm sao?
Có những trẻ không thoải mái với phương pháp này. Với những trẻ này, một mẩu thư nhắn dựa vào cùng nguyên tắc có thể là một giải pháp thay thế hữu hiệu.
Johnny thân yêu,
Ba muốn biết ý kiến của con về việc giải quyết vấn đề… chắc là con (muốn, cần, cảm thấy…)
Vui lòng cho ba biết về bất kỳ giải pháp nào con có thể nghĩ tới mà có lẽ cả hai chúng ta sẽ đồng ý.
Thương yêu,
Ba
5. Đây có phải là phương pháp có tác dụng nhất đối với trẻ lớn?
Nhiều phụ huynh có con còn nhỏ xíu ghi nhận là thành công lớn với phương pháp này. Trong những trang sau bạn sẽ thấy những câu chuyện mà phụ huynh sử dụng phương pháp giải quyết vấn đề với trẻ ở những lứa tuổi khác nhau.
DIỄN BIẾN CỦA PHƯƠNG PHÁP GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Tình huống : Cái nôi mà tôi cho một người bạn mượn được trả lại cho tôi. Tôi để nó trong phòng ngủ. Brian, 2 tuổi, quan sát ngắm nghía và thích chí đu đưa chiếc nôi.
BRIAN: Mẹ, con leo vào trong nôi nhe mẹ.
MẸ: Cưng à, con quá bự cho cái nôi.
BRIAN: Hừm, con leo vào đây ( bắt đầu leo vào nôi )
MẸ: ( ngăn nó lại ) Brian, mẹ nói là con quá bự mà. Nôi sẽ gãy nếu con leo vào trong đó.
BRIAN: Làm ơn đi mẹ! Con leo vào… NGAY ĐÂY! ( bắt đầu rống lên )
MẸ: Mẹ nói là KHÔNG! ( Diễn biến tệ hại về phần mẹ. Tôi nhận ra điều đó ngay khi tôi vừa nói ra và ngay khi tiếng rống của Brian trở thành trận tam bành. Tôi quyết định thử dùng giải pháp giải quyết vấn đề với nó ).
MẸ: Cưng à, mẹ thấy là ngay bây giờ con muốn vào nôi biết chừng nào. Vào trong đó đu đưa chắc là vui lắm nhỉ. Mẹ cũng muốn ngồi vào đó đu đưa. Vấn đề là nó sẽ không giữ nổi mẹ đâu và nó cũng sẽ không giữ nổi con luôn. Tại chúng mình quá to mà.
BRIAN: Mẹ quá to – giống như Briney ( Brian rời khỏi phòng và trở lại với Goover, con gấu nhồi bông của nó và đặt con gấu vào nôi. Nó bắt đầu đu đưa cái nôi tới lui ).
BRIAN: Mẹ, coi này, Briney đưa nôi cho Goover, được không mẹ?
MẸ: ( Chao! ) Goover vừa đúng cỡ luôn.
* * *
Sau quá nhiều thất vọng với toàn bộ quy trình dạy mình cách sử dụng toilet, tôi quyết định thử dùng kỹ thuật giải quyết vấn đề với con trai tôi, lúc đó 3 tuổi. Chúng tôi cùng ngồi bên bàn và tôi nói, “David, mẹ đang nghĩ về việc một cậu bé học cách sử dụng toilet thì khó khăn như thế nào. Mẹ cá là đôi khi con mải chơi đến nỗi con không để ý mình ‘mắc đi’.”
David nhìn tôi tròn xoe đôi mắt nhưng không nói gì. Sau đó tôi nói, “Mẹ cá là thậm chí cả khi con chú ý thì cũng khó mà chạy vào toilet và leo lên bồn cầu kịp thời.”
Nó gật đầu bảo, “Dạ.”
Sau đó tôi bảo cháu mang cho tôi một tờ giấy và sáp màu để chúng tôi viết ra tất cả những ý kiến mà chúng tôi nghĩ là có lợi. Cháu chạy vào phòng mình và mang ra cho tôi một tờ giấy màu vàng và một mẩu sáp màu đỏ. Tôi ngồi xuống cùng với cháu và bắt đầu viết.
Tôi bắt đầu bằng cách liệt kê hai ý:
– Mua cái thang gấp giống như cái thang mà Jimmy có trong phòng tắm nhà bạn í.
– Mẹ sẽ hỏi David xem bé có cần “đi” không.
Sau đó David chen vào, “Cô Barbara và Peter sẽ giúp con. (Peter là bạn của cháu, còn cô Barbara là mẹ của Peter).
Sau đó cháu nói, “Peter mặc quần cỡ lớn”
Tôi viết, “Mua quần cỡ lớn cho David”.
Hôm sau tôi ra ngoài mua cho một cái thang di động và một mớ quần thể thao. David thích chí và đem khoe cả hai món đồ đó với Peter và cô Barbara, và hai mẹ con bạn ấy cùng mỉm cười vỗ về cháu.
Chúng tôi lại một lần nữa nói về cách nhận biết khi nào cháu “mắc đi” – thấy tức tức trong bụng là có nhu cầu vào nhà tắm và cởi quần ra đúng lúc.
Cháu biết tôi đã thông cảm với những khó khăn liên quan đến việc này.
Dù sao đến nay cũng đã ba tháng trôi qua, cháu đã được huấn luyện xong hoàn toàn. Và cháu rất tự hào về mình!
* * *
Tôi kiên nhẫn ráng chờ đến buổi hội thảo kế tiếp – tôi có một tin vui mà tôi nôn nóng muốn chia sẻ với nhóm: Tôi đã được giải phóng! Cả cô con gái 3 tuổi rưỡi của tôi, Rachel, cũng được giải phóng. Sự việc bắt đầu từ sáng sớm thứ ba, khi điện thoại reng.
“Susie, bồ trông giùm Danielle cho tớ chiều nay được không?”
“Được,” tôi nói.
Chúng tôi cúp máy, và tôi nhận ra mình phải đi mua thực phẩm thế mà bây giờ có lẽ tôi sẽ phải tha theohai đứa trẻ kè kè bên mình. Hoặc không thì Rachel sẽ đi ra nhóm vườn trẻ ngoài trời trong 45 phút. Mà thường thì cháu chỉ chịu ra đó nếu tôi ngồi ở băng ghế bên ngoài trong tầm cháu nhìn thấy. Trong khi những bà mẹ khác chỉ việc thả con họ ở đó rồi đi thì tôi phải ở lại từ đầu chí cuối.
Tôi nói với Rachel, “Hôm nay mẹ phải đi mua đồ ăn trong khi con chơi ở vườn trẻ. Danielle sẽ đến nhà mình suốt buổi chiều và mẹ không có thời gian đi mua đồ.”
Nước mắt Rachel trào ra. Đây là cơ hội cho tôi sử dụng những kỹ năng giải quyết vấn đề của mình. Tôi bảo Rachel, “Mẹ thấy là con buồn. Làm sao chúng ta giải quyết vấn đề này đây? Chúng ta hãy viết ra nhé.”
Mắt Rachel sáng lên khi tôi viết:
Vấn đề: mẹ cần phải đi mua sữa. Mẹ không có thời gian sau khi Rachel đi nhà trẻ về, vì vậy mẹ phải đi mua sữa trong khi Rachel ở vườn trẻ.
Những đề xuất giải quyết vấn đề:
(đề xuất của mẹ)1. Đi mua sữa trong khi con học rồi quay trở lại.
(của Rachel) 2. Không mua sữa.
(của Rachel) 3. Đi mua sữa sau giờ ở vườn trẻ.
(của mẹ) 4. Trong khi mẹ đi mua đồ, Rachel có thể hát, vẽ và chơi.
(của mẹ) 5. Rachel sẽ ở vườn trẻ trong khi mẹ đi mua đồ.
(của Rachel) 6. Mẹ chỉ mua một món thôi và sẽ trở về thật nhanh.
(của Rachel) 7. Ngày mai chúng ta sẽ cùng nhau đi mua chewing gum.
(của Rachel) 8. Nếu Rachel muốn khóc, thì sẽ khóc.
Chúng tôi đọc to danh sách lên để cùng lựa chọn. Tôi giải thích nếu tôi không mua sữa thì Rachel và ba sẽ buồn lắm. Vì vậy chúng tôi xóa ý đó khỏi danh sách. Tôi giải thích lại rằng tôi sẽ không có thời gian sau khi Rachel đi học về – do đó cũng gạch ý này luôn. Rachel dường như hài lòng.
Chúng tôi đi bộ tới vườn trẻ. Rachel ôm hôn tôi chào tạm biệt. Cháu nhắc tôi chỉ đi một cửa hàng thôi, rồi cháu ngồi xuống trong vòng tròn cùng với những đứa trẻ khác.
Tôi chạy ù tới cửa hàng và trở về vẫn còn nhiều thời gian để xem Rachel vui vẻ chơi say mê với các bạn. Hết giờ học. Rachel chào đón tôi “Mẹ đã đi về rồi à?”
“Đúng rồi. Con chắc là tự hào về mình lắm – con đã ở đây có một mình mà.”
Rachel gật đầu.
Sáng thứ tư.
RACHEL: ( lộ vẻ căng thẳng ) Hôm nay lại đi vườn trẻ nữa à?
TÔI: ( định nói “Con muốn ở nhà ư ?”)
Đúng rồi.
RACHEL: Ố, mẹ… ừm, nếu con muốn khóc thì con sẽ khóc. Còn nếu con không muốn khóc thì con không khóc!
TÔI: Chúng ta hãy viết nó ra nào.
Tôi viết ra. Cháu thêm vào ý cháu sẽ ngồi kế bên một bạn. Rồi cháu nói, “Mẹ, khi mẹ về, nhớ về thật nhanh. Nhanh đến nỗi mẹ bị té luôn. Chạy!”
Tôi đưa cháu tới vườn trẻ. Cháu ôm hôn tôi và nhắc lại là mẹ phải chạy và chạy.
45 phút sau tôi trở về.
TÔI: Con ở lại một mình!
RACHEL: Vâng, con tự hào về con lắm!
Sáng thứ sáu:
RACHEL: Mẹ, hôm nay lại đi vườn trẻ nữa à?
TÔI: Đúng rồi.
RACHEL: Ồ, thế thì hãy viết nó ra: Con sẽ ngồi bên một bạn.
Vấn đề đã được giải quyết. Rachel đi vườn trẻ. Mẹ đi mua hàng! Bây giờ nhìn lại sự việc, tôi nhận ra mình đã phải tốn rất nhiều thời gian gò mình vào kỷ luật để dành thời gian ngồi xuống cùng Rachel và cùng nhau xử lý vấn đề. Tôi vui mừng mình đã làm được. Rachel cũng rất vui sướng!
* * *
Con trai tôi, Michael Howard, 5 tuổi rưỡi và đang học mẫu giáo. Cháu có thể đọc được sách trình độ lớp ba tới trình độ lớp sáu. Cháu có vốn từ rộng và đã quyết định là mình muốn trở thành bác sĩ phẫu thuật. Cháu thích nghề đó khi tôi đọc sách y học cho cháu nghe về những bộ phận cơ thể khác nhau. Vào ban đêm Michael thường hay vào giường tôi. Tôi cố tìm mọi cách bảo cháu ra ngoài mà không muốn cho cháu cảm thấy là tôi không muốn cháu vào đây. Tôi cố thức đến tận 2:30 sáng. Khi tôi ngủ thiếp đi thì cháu vẫn ôm gối vào giường tôi, cùng với dép lê, áo ngủ và chui vào chăn trên chiếc giường lớn của tôi. Sáng nào tôi cũng thấy cháu ở đó, nằm nép sát vào tôi. Cháu thậm chí còn đề nghị tôi ngủ ở giường cháu để cháu ngủ ở giường tôi. Sau khi tham dự lớp học chuyên đề về, tôi quyết định thử dùng một cách khác.
Tôi hỏi Michael Howard có thể làm gì để cháu sẽ không vào phòng tôi ban đêm nữa. Cháu bảo, “Để con nghĩ đã” rồi đi về phòng mình. Chừng mười phút sau cháu trở lại với một tờ giấy vàng và cây bút mực. Cháu bảo “Ba, chúng ta hãy làm một bản ghi nhớ đi ba.” Sau đó cháu đọc cho tôi viết như thế này:
MICHAEL THÂN MẾN,
VUI LÒNG ĐỪNG VÀO GIƯỜNG BA ĐÊM NAY,
YÊU CON,
BA
Cháu rời phòng tôi rồi sau đó trở lại với cây thước dài một mét và cuồn băng keo trong. Cháu đo khoảng 90cm (trên cửa ngoài phòng tôi) và lấy bản ghi nhớ dán vào cánh cửa.
Michael bảo: “Nếu ba không muốn con vào, thì lật tờ giấy xuống. Nếu con vào được, (băng kéo dán ở đáy mặt sau tờ ghi nhớ) thì ba dán băng keo lên đầu mặt sau của tờ giấy. Như vậy có nghĩa là con có thể vào được.
Tôi nói “Cảm ơn con.”
Lúc 6:02 phút sáng Michael vào phòng tôi (vào ngày làm việc tôi thường thức dậy lúc 6 giờ). Michael nói “Thấy không ba, lúc khuya con đã thức dậy và bắt đầu vào phòng ba nhưng tờ nhắn của ba để lật xuống, tuy con không thể thấy chữ nào nhưng trong trí nhớ con có thể đọc được nó. Vì vậy con đã trở vào giường con. Thấy không ba, tất cả những gì ba cần làm là hỏi và con sẽ giúp ba giải quyết vấn đề của ba.”
Việc này có tác dụng tốt được hai tuần nay rồi. Cách này tốt hơn nhiều. Xin cảm ơn.
* * *
VẤN ĐỀ NAN GIẢI: GIỜ ĐI NGỦ CỦA JENNIFER
Tối thứ ba, vẫn còn hăng hái với buổi học tối hôm trước, tôi đề cập việc giải quyết vấn đề với Jennifer (5 tuổi)
MẸ: Con có thời gian nói chuyện chứ?
JENNIFER: Có.
MẸ: Mẹ muốn nói về vấn đề “Giữa đêm khuya” của chúng ta.
JENNIFER: Ồ, được mà mẹ.
MẸ: Con có muốn nói cho mẹ biết con cảm thấy thế nào về chuyện đang khiến cho cả hai mẹ con mình không vui này?
JENNIFER: Có cái gì đó cứ muốn bắt con, mẹ à ( nhăn mặt, tay nắm chặt lại ), con không thể ở trong phòng con. Con muốn vào phòng mẹ.
MẸ: Ồ, ra vậy…
JENNIFER: Con biết mẹ rất ghét việc ấy, phải không mẹ?
MẸ: Ừm, để mẹ nói cho con biết mẹ cảm thấy thế nào nhé. Sau một ngày dài làm việc mẹ mong chờ được vào giường để nghỉ ngơi, rúc vào chăn của mẹ và ngủ khì. Lúc mới ngủ dậy, mẹ thường không phải là một bà mẹ thân thiện.
JENNIFER: Con biết.
MẸ: Chúng mình hãy xem coi chúng mình có thể tìm ra giải pháp nào để làm cho cả hai mẹ con mình cùng vui hay không, được chứ? ( lấy tập giấy và bút ra ).
JENNIFER: Mẹ định viết nó ra à? Nó sẽ là một danh sách phải không, mẹ? ( lộ rõ vẻ hồ hởi )
MẸ: Ừ. Con bắt đầu trước nhé?
JENNIFER: Con muốn vào giường của ba và mẹ.
MẸ: Rồi ( viết ra ). Còn gì nữa nào?
JENNIFER: Thay vào đó con có thể đánh thức mẹ dậy.
MẸ: Ừm… ( viết ra )
JENNIFER: Con có thể đọc sách bên bóng đèn phòng con nếu con sợ.
MẸ: Mẹ chắc chắn con làm được….
JENNIFER: Nhưng phải chi con có bóng đèn – con có thể có một bóng đèn được không, mẹ?
MẸ: ( viết ) Con sẽ làm gì với bóng đèn?
JENNIFER: ( phấn khích ) Con sẽ đọc sách, hoặc sẽ chơi với cái đè lưỡi ( chồng tôi là bác sĩ ), rồi viết thư từ của con…
MẸ: Nghe coi bộ vui quá nhỉ.
JENNIFER: Vâng, thế còn số 4 ( trong danh sách )?
MẸ: Con còn có ý kiến gì nữa không?
JENNIFER: ( nói nhanh ) Con có thể xin nước uống.
MẸ: Ừm… ( viết ra )
JENNIFER: Còn số 5 là có thể lẻn ra để kiểm tra coi mẹ có ổn không.
MẸ: Chúng mình có danh sách rồi nè! Giờ chúng mình cùng xem xét nào.
Jen lập tức đánh những dấu x vào giải pháp thứ nhất và thứ hai. Bé nói về việc mua bóng đèn, tập giấy, sáp màu vào ngày hôm sau. Chúng tôi chọn sẽ mua bóng đèn màu cam chói lói (bé chọn) cho hợp (?) với căn phòng màu đỏ-và-trắng của bé. Đêm đó qua đi thật đẹp, với việc tôi nhận được một cái hộp đựng giày (theo ý kiến của bé) đầy những hình vẽ vào sáng hôm sau. Bây giờ nguyên cả tuần đã trôi qua rồi mà bé luôn để tôi ngủ yên. Tôi hy vọng mọi chuyện sẽ tốt đẹp.
* * *
Những bậc phụ huynh thường chia sẻ với chúng tôi rằng: một khi con cái họ trở nên quen với phương pháp giải quyết vấn đề, chúng sẽ có khả năng tự xử lý khó khăn khúc mắc với anh chị em của chúng hơn. Đây là một phần thưởng lớn cho cha mẹ. Thay vì cần phải đóng vai quan tòa, đứng về phe nay phe kia để phán xử và tìm giải pháp, phụ huynh chỉ nêu vấn đề, đặt nó trở lại đúng nơi nó thuộc về rồi để mặc vào tay cho bọn trẻ tự xử lý. Câu nói có thể khuyến khích trẻ chịu trách nhiệm giải quyết những mâu thuẫn, xung đột của chúng, là: “ Các con, đây là vấn đề khó, nhưng mẹ tin tưởng hai con có thể chụm đầu lại và tìm ra giải pháp mà cả hai cùng đồng ý .” Sau đây là ví dụ đầu tiên do một người cha kể lại:
Brad (4 tuổi) và Tara (2 tuổi rưỡi) đang chơi ngoài sân. Brad cưỡi xe đạp 3 bánh của Tara và Tara muốn đi xe của mình. Tara bắt đầu khóc rống lên mà Brad vẫn không chịu xuống xe.
Thông thường tôi không ngần ngại nói ngay, “Brad, xuống mau. Đó là xe của em mà. Con có xe đạp hai bánh rồi còn gì!” Nhưng thay vì bênh vực Tara tôi nói, “Ba thấy cả hai đứa có vấn đề đây. Tara, con muốn đi xe ba bánh. Brad, con muốn đi xe của Tara và em không muốn con đi xe của em.” Thế rồi tôi nói với cả hai, “Ba nghĩ các con thử tìm giải pháp cho vấn đề này làm sao cho cả hai tụi con cùng chấp nhận coi nào.”
Tara tiếp tục kêu khóc và Brad nghĩ một lúc. Sau đó Brad bảo với tôi: “Con nghĩ Tara nên đứng đằng sau xe ba bánh và ôm lấy con trong khi con đi.”
Tôi nói “Giải pháp này nên được thảo luận với Tara, không phải với ba.”
Brad hỏi Tara và Tara đồng ý! Sau đó chúng lái xe đi trong hoàng hôn.
* * *
Điều không bao giờ ngừng khiến chúng tôi ngạc nhiên là những kiểu giải pháp mà trẻ con nghĩ ra. Những giải pháp đó hoàn toàn sáng tạo và đáng hài lòng hơn bất kỳ đề xuất nào mà cha mẹ có thể nghĩ ra.
Khi tôi về nhà sau khi dự buổi hội thảo chuyên đề giải quyết vấn đề, hai đứa con tôi đang cãi nhau kịch liệt về cái áo jacket màu đỏ, đứa nào cũng muốn mặc nó cả. Cái áo đó đã từng là áo của đứa con gái 6 tuổi của tôi và giờ là của thằng con trai 3 tuổi mặc. Chúng đang chuẩn bị ra khỏi nhà và đang đánh nhau la hét om xòm xem đứa nào sẽ mặc cái áo đỏ.
Tôi bảo tụi nó chú ý nghe tôi nói rồi tiếp: “Mẹ thấy hai đứa đều muốn mặc cái áo đỏ đó.
Mẹ thấy một đứa trẻ đã từng sở hữu cái áo đó và giờ vẫn muốn có nó.
Mẹ thấy một đứa trẻ khác muốn mặc cái áo bởi vì bây giờ nó là của mình mà.
Mẹ tin là cả hai con sẽ tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Mẹ ở trong bếp khi các con giải quyết xong.”
Tôi đi vào nhà bếp rồi cùng với chồng lắng nghe trong kinh ngạc cuộc thảo luận bàn bạc giữa chúng. Năm phút sau chúng đi vào bếp và thông báo: “Tụi con đã tìm ra giải pháp! Josh sẽ mặc áo đỏ từ nhà đi tới nhà hàng. Và khi chúng ta rời nhà hàng để đi hội chợ thì đến lượt con mặc chiếc áo đỏ, còn Josh có thể mặc chiếc áo mới màu vàng của con!”
* * *
Câu chuyện cuối cùng này cho thấy một cậu bé vật lộn với vấn đề làm sao để xử lý những cảm xúc mạnh của nó:
Rắc rối Scott (8 tuổi) hay gặp là nó rất khó nguôi ngoai cơn giận của mình. Một buổi tối, có chuyện khiến nó cáu tiết, thế là nó đùng đùng đứng lên khỏi bàn ăn với hai nắm tay siết chặt lại, nó không biết có cách nào chấp nhận được để tống khứ cơn giận của mình.
Trên đường về phòng, nó tiện chân đá đổ mấy cái bình yêu quý của tôi. Rủi thay, trông thấy đống bình vỡ dưới sàn, tôi nổi đóa và thét toáng lên như con mẹ điên. Nó chạy về phòng nó đóng sầm cửa lại.
Sau khi chồng tôi xoay xở lấy keo dán những mảnh vỡ lại với nhau và cơn giận của tôi cũng nguôi bớt, tôi đi tới phòng nó gõ cửa. Nó hỏi “Gì đó?” Tôi bảo nó tôi vào được không và hỏi đây có phải là thời gian tốt để hai mẹ con nói chuyện.
Nó nhìn tôi với vẻ biết ơn và nói “Được!”. Hình như chỉ bằng sự hiện diện của tôi đã khiến nó được an ủi rằng tôi vẫn yêu nó, vẫn nghĩ nó là con người chứ không phải là một đứa trẻ bất trị, hồ đồ.
Tôi bắt đầu hỏi nó cảm thấy thế nào khi nổi cơn giận quá như vậy. Nó bảo với tôi là nó muốn đánh ai đó hoặc đập vỡ cái gì đó, muốn dậm chân vòng quanh và đóng sầm cái gì đó mạnh hết sức. Rồi tôi bày tỏ với nó rằng khi thấy nó bộc cơn tức giận theo cách như thế, tôi chỉ muốn chạy vào phòng nó và lấy đồ chơi yêu quý của nó ra mà bẻ, mà đập. Xong, cả hai chúng tôi nhìn nhau hàm ý muốn nói: “Ừm”.
Tôi hỏi nó (với tờ giấy và cây bút trong tay) chúng tôi có tìm ra cách giải tỏa cơn giận dữ sao đó mà cả hai có thể chịu được, thế là nó liền đưa ra một loạt đề xuất như sau:
Ba có thể treo bao cát lên cho con đấm.
Gắn rổ trên tường cho con thảy bóng.
Treo chiếc ghế hạt đậu [1] của con lên.
Vặn radio hết cỡ.
Đu xà ngang.
Đập gối lên đầu.
Đóng sầm cửa.
Nhảy bật tưng tưng dưới đất.
Nhảy trên giường.
Bật tắt đèn lên xuống.
Ra ngoài chạy quanh nhà 10 vòng.
Xé giấy.
Tự đấm mình.
Tôi không nói lời nào, mà cứ viết tất cả ra. Thật thú vị, cứ sau khi nó nói ra điều gì mà nó biết mình không được phép làm thì nó lại cười khúc khích, như ngụ ý cho tôi hiểu rằng đó là những gì nó thật sự muốn làm .
Khi chúng tôi rà lại danh sách, tôi xóa đi vài điều và giải thích cho nó tại sao chúng không khả thi đối với tôi. Chúng tôi tóm lại bốn cách có thể thực hiện được là:
Ba sẽ phải đặt ra thời gian xác định để sửa và treo bao cát lên.
Đặt một thanh xà ngang ở ngưỡng cửa phòng của nó.
Nó sẽ chạy vòng quanh nhà nếu là ban ngày.
Khi tôi chất vấn ý kiến xé giấy, tôi bảo: “Cái này sẽ gây ra vấn đề rắc rối đây”.
“Ố con biết, rồi sau đó tự con sẽ dọn!
Đến lúc này chúng tôi đã ngồi sát vào nhau và thoải mái chuyện trò. Cuối cùng tôi nói với nó: “Mẹ chỉ muốn bổ sung thêm một điều rằng luôn luôn có sẵn cái gì đó cho con làm mỗi khi con cảm thấy giận dữ vô cùng.”
“Con có thể nói về nó được mà,” nó nói ngay lập tức.
Cả hai chúng tôi đi ngủ, trong lòng vui sướng nhẹ nhõm.
[1] Loại ghế nệm nhồi đủ kiểu dáng và màu sắc đẹp mắt, chuyên dành cho trẻ chạy nhảy, nhào lộn trên đó – ND.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.