Uncategorized

6. LUÔN THEO ĐÚNG CON ĐƯỜNG



Hẳn bạn đã từng nghe câu: “Mẹ là một đầu bếp tuyệt vời, nhưng bà chẳng bao giờ chỉ tôi biết chính xác cách nấu ăn sao cho ngon. Bà luôn bảo: ‘Mẹ chỉ nêm nếm thêm một chút thôi,’ thế nhưng món hầm, thịt cốt lết và bánh quy của bà bao giờ cũng ngon tuyệt.”

Tất nhiên, vì mẹ có phương pháp.

Điểm khác biệt giữa kiến thức và phương pháp là gì? Đó chính là ranh giới quyết định giữa thành công và thất bại.

Có phương pháp không có nghĩa là biết cách làm điều gì đó – đó là sự hiểu biết trong hành động. Phương pháp nghĩa là làm điều gì đó đúng cách, tận dụng hết khả năng và thu lại hiệu quả, đồng thời hao phí công sức và thì giờ ở mức thấp nhất. Khi có phương pháp, bạn có thể hoàn thành tốt đẹp một công việc hết lần này đến lần khác. Nó sẽ trở thành thói quen và hình thành một cách tự nhiên nếu bạn thường xuyên thực hành. Phương pháp là một trong ba yếu tố cốt lõi nhất trong phương thức hoàn mỹ của thành công.

Nhưng bạn phải nắm bắt phương pháp từ đâu?

Chỉ có thể từ thực hành.

Đó là cách tôi nắm bắt phương pháp. Tôi cần phải thực hành bán bảo hiểm tai nạn. Và đó cũng là cách để mẹ trở thành một “đầu bếp tuyệt vời”. Thực tế, đó là cách tất cả mọi người nắm bắt phương pháp. Kinh nghiệm bạn tích luỹ được phải là của chính bạn.

 

Khi cần, bạn biết phải tìm ở đâu

Tôi bỏ dở việc học phổ thông vào năm lớp 11 – tôi sẽ giải thích lý do sau. Không lâu sau khi rời trường, tôi đăng ký học một khóa luật vào buổi tối. Thời đó, bạn được phép ghi danh vào Cao đẳng Luật Detroit nếu cam đoan hoàn thành tất cả các tín chỉ trung học trước khi tốt nghiệp ra trường. Vì vậy tôi có thời gian đi làm ban ngày và đi học vào buổi tối. Tôi không phải là một học sinh giỏi vì tôi đã xin không phải làm bài tập ở nhà. Nhưng tôi học rất nghiêm túc. Và tôi xem đó là cách thực hành hòng rút ra các nguyên tắc.

Thầy hướng dẫn của tôi, một trong những luật sư xuất sắc nhất Detroit về luật hợp đồng, phát biểu trong buổi lên lớp đầu tiên: “Mục tiêu của trường luật là giáo dục cho các em biết phải tìm đến luật pháp ở đâu khi các em cần chúng, và nếu các em hiểu được điều đó, nhà trường xem như đã đạt được mục tiêu.” Tôi tin thầy nói đúng. Tôi đồng ý với thầy từng câu từng chữ. Và tôi không chắc có bao nhiêu sinh viên tiếp thu được nhiều như tôi sau một năm ở trường luật, vì sau đó tôi luôn được luật pháp hỗ trợ khi cần và luôn sử dụng chúng theo hướng có lợi.

Hầu hết các điều luật mà Giám đốc Kinh doanh và CEO của các hãng bảo hiểm cần biết đều có thể được tìm thấy trong Bộ Luật Bảo Hiểm Liên Bang và đó cũng là nơi tôi tìm kiếm sự hỗ trợ khi cần. Tôi học được phương phápnhằm vận dụng đúng đắn các kiến thức được học tại trường. Tôi không nhớ có trường hợp nào mà các vấn đề pháp lý tôi vướng phải lại không được xử lý chu toàn. Thời điểm đó, tôi đang điều hành một đại lý bảo hiểm riêng, và đối với tôi cũng như đối với các hãng bảo hiểm mà tôi đại diện, thứ phương pháp đó là vô giá.

 

Chuyển bại thành thắng

Câu chuyện này nhắc tôi nhớ đến giai thoại về một cậu bé, năm nào cũng thi trượt suốt thời tiểu học. Khi còn là học sinh, cậu may mắn qua được phổ thông. Nhưng khi vào học đại học, cậu đã trượt học kỳ đầu tiên.

Cậu đã thất bại – nhưng thế lại hay, vì nhờ đó cậu đã được nỗi bất mãn thôi thúc. Cậu biết mình có khả năng thành công, và khi nhìn lại cậu nhận ra mình phải thay đổi thái độ và làm việc chăm chỉ hơn để bù lại quãng thời gian đã mất.

Với quan điểm tích cực mới trong suy nghĩ, cậu ghi danh vào một trường cao đẳng, học thật chăm chỉ và nỗ lực hết mình. Đến ngày tốt nghiệp, cậu đã vinh dự được tuyên dương là sinh viên có số điểm tổng kết cao thứ nhì toàn khoa.

Nhưng, cậu vẫn chưa dừng lại. Cậu tiếp tục đăng ký thi vào một trong những trường đại học hàng đầu nước Mỹ, với tiêu chuẩn nhập học cao ngất ngưởng và xếp vào loại khó nhất đối với các thí sinh. Khi Chủ tịch Hội đồng nhà trường trả lời đơn đăng ký nhập học của cậu, ông đã viết: “Có chuyện gì vậy, làm cách nào cậu có thể tốt nghiệp với thứ hạng cao sau bao nhiêu năm học hành chểnh mảng như vậy?” Cậu đã trả lời: “Trước hết, em biết mình phải học hành nghiêm túc. Nhưng sau nhiều tuần miệt mài đèn sách, học tập đã trở thành thói quen của em. Em thường học theo thời khóa biểu đã được lập sẵn. Và có nhiều lúc em thật sự mong chờ nó, vì em thấy rất vui khi được trở thành một phần của trường học và thành tích học tập của em được mọi người công nhận.

“Mục tiêu của em là đứng đầu lớp. Có lẽ thầy sẽ kinh ngạc khi biết rằng chính học kỳ đầu tiên bị đánh trượt tại Đại học Illinois đã thức tỉnh em. Đó là lúc em bắt đầu trưởng thành. Em chỉ muốn chứng tỏ với bản thân rằng mình thực sự có khả năng.”

Bị thuyết phục bởi thái độ suy nghĩ tích cực và thành tích ấn tượng của cậu ở cao đẳng, vị chủ tịch đã chấp nhận cho cậu theo học tại trường – và tại nơi đó, cậu còn đạt được những thành tích chói lọi hơn nữa.

Đó là câu chuyện điển hình về một cậu thiếu niên đã tìm được động lực từ thành tích yếu kém của mình để học hỏi những phương hướng và nguyên tắc đúng đắn trên con đường học vấn. Cậu quyết định lựa chọn học cao đẳng vì cậu biết rằng môi trường ở đây sẽ khuyến khích thói quen học tập tích cực. Nhưng chính cậu mới là người đã tự mình nghiệm ra phương pháp sau hàng năm trời nỗ lực và cũng chính cậu đã tự mình chuyển bại thành thắng.

 

Rèn luyện vượt lên khiếm khuyết

Raymond Berry từ nhỏ đã ốm yếu và bệnh tật. Đến khi trưởng thành, lưng anh vẫn đau yếu, chân nọ ngắn hơn chân kia và thị lực kém đến nỗi phải keo kính độ lớn. Thế nhưng, bất chấp khiếm khuyết, anh vẫn quyết định gia nhập đội tuyển bóng bầu dục trường Southern Methodist. Với nỗ lực phi thường, lòng kiên trì và hàng năm trời tập luyện, anh đã làm được. Sau đó, anh quyết định chơi lên chuyên nghiệp. Thế nhưng sau năm cuối đại học, tất cả các đội tham dự Giải Vô Địch Quốc Gia đều từ chối anh sau 19 vòng đấu thử. Cuối cùng đến vòng thứ 20, đội Baltimore đã nhận anh.

Rất ít người kỳ vọng anh có thể trụ lại, hay ít nhất là được ra sân trong đội hình chính. Nhưng Raymond Berry đã rất kiên trì. Tập thể hình để lưng rắn chắc hơn, độn thêm giày để hai chân chạy đều nhau, và đeo kính áp tròng để có thể nhìn rõ, anh lại tiếp tục lao vào những bài tập chuyền bóng – vượt các chướng ngại như một mũi nhọn hàng công. Anh trở thành chuyên gia đánh chặn, chuyên gia động tác giả và có thể đón bóng ở bất kỳ góc độ nào.

Vào những ngày cả đội Baltimore nghỉ ngơi sau giờ luyện tập, anh chạy băng sang sân bóng gần đó và thuyết phục các cầu thủ trung học tập ném bóng cho anh. Thậm chí khi đi dạo quanh sảnh khách sạn anh cũng không quên cầm theo bóng với lý luận rằng để ‘mài sắc cảm giác.’

Và sau đó? Raymond Berry đã trở thành nhà vô địch chuyền-bắt bóng của Giải Vô Địch Quốc Gia. Khi đội Baltimore Colts giành hai chức vô địch quốc gia liên tiếp trong các năm 1958 và 1959, Berry chính là ngôi sao sáng nhất!

Cũng dễ hiểu vì sao Raymond Berry lại trở thành nhà vô địch: Luyện tập, luyện tập và luyện tập. Tập luyện thường xuyên mới nảy sinh phương pháp. Tập luyện thường xuyên mới làm nên sự hoàn hảo, vì chính việc tập luyện đã mài sắc kỹ năng thông qua kinh nghiệm và các bài tập.

 

Mất đi một, ba sẽ chẳng còn là ba

Khi một trong ba thành tố trong một tổ hợp mất đi, bạn sẽ nhận thấy rằng tổ hợp cũng sẽ mất đi. Bộ ba sẽ chẳng còn là bộ ba nếu thiếu đi một yếu tố. Phương thức hoàn mỹ của thành công cũng là một bộ ba – và phương thức thành công sẽ chẳng còn hoàn mỹ nếu bất kỳ yếu tố nào trong ba yếu tố – động lực, phương pháp và khả năng tiếp thu kiến thức – mất đi.

Đó là lý do vì sao một người có thể thành công trong một hoạt động nhưng lại thất bại ở hoạt động khác. Nhiều người cực kỳ thành công trong kinh doanh và trong sự nghiệp lại bất ngờ thất bại khi bắt đầu dự án mạo hiểm mới. Nhờ tích lũy kinh nghiệm, họ đã thành thục kỹ năng và vươn đến đỉnh cao trong lĩnh vực của mình. Nhưng khi khởi đầu một định hướng kinh doanh mới, họ lại không sẵn sàng tiếp thu thêm kiến thức và kinh nghiệm cần có để có thể thành công trong lĩnh vực này.

Ngày ở trường luật, tôi vẫn còn thiếu ít nhất một trong ba yếu tố để trở thành một sinh viên xuất sắc. Nhưng nhờ được tiếp thêm động lực, tôi đã khám phá ra và áp dụng thành công ba yếu tố cần thiết đó khi lèo lái sự nghiệp kinh doanh của mình.

Một sinh viên bị đánh trượt có thể thiếu ít nhất một yếu tố, nhưng anh ta sẽ chuyển bại thành thắng nếu phối hợp được cả ba yếu tố đó một cách nhuần nhuyễn.

Raymond Berry đã tìm thấy động lực, tiếp thu được kiến thức và nghiệm ra phương pháp. Vì vậy, anh đã hội tụ đủ ba yếu tố kỳ diệu cần thiết để trở thành nhà vô địch.

 

Từ thành công đến thất bại

Richard H. Pickering, một trong những người tuyệt vời nhất tôi từng biết, là một quý ông đúng nghĩa – một nhân vật đáng kính trọng. Ông đã rất thành công trên cương vị một nhà tư vấn bảo hiểm nhân thọ, vì tất cả những lời đề nghị của ông đều xuất phát từ đáp án của câu hỏi ông tự đặt ra cho mình: “Điều gì là tốt nhất cho khách hàng của tôi?” Sau nhiều năm, ông đã tích lũy được một khoản tài sản khiêm tốn từ nguồn vốn tái cơ cấu, do đã ủy thác lại phần vốn đóng góp đó cho hoạt động của công ty.

Khi 60 tuổi, ông quyết định chuyển từ Chicago về Florida. Nghề kinh doanh nhà hàng tại đó đang rất phát đạt nên ông muốn mở một nhà hàng riêng, dù chưa có kinh nghiệm về hoạt động của loại hình kinh doanh mới này. Tất cả những kinh nghiệm ông có được đều chỉ gói gọn trên cương vị một khách hàng.

Nhiệt huyết của ông lớn đến nỗi tham vọng điều hành một nhà hàng đối với ông vẫn không đủ; mà lên đến năm – tất cả đều khai trương cùng lúc. Ông đã bán khoản vốn tái cơ cấu ủy thác của mình và đổ vào đó tất cả những gì ông có. Sau năm tháng, sự nghiệp kinh doanh phá sản. Còn ông thì khánh kiệt.

Kinh nghiệm xương máu của ngài Pickering chỉ khác đôi chút so với những nhân vật đã từng rất thành công nhưng không chịu tiếp thu kiến thức và phương pháp cần thiết khi chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực mới với quy mô lớn. Chỉ cần ông làm quen một thời gian với việc buôn bán, làm thủ quỹ hay quản lý nhà hàng cho một người chủ nào đó thật sự lão luyện trong lĩnh vực đó, ông sẽ nhanh chóng tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm mà không phải nếm trải thất bại cay đắng như thế. Tuy nhiên, Pickering vẫn là một người khôn ngoan, ông đã quay lại với nghề tư vấn bảo hiểm nhân thọ – nơi ông có thừa hiểu biết và kinh nghiệm để thành công.

Tóm lại, nguyên nhân của thất bại trên xuất phát từ sự thiếu hiểu biết và kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh mới. Tiếp theo đây là câu chuyện từ một người bạn khác của tôi. Anh ấy đã tiếp thu được kiến thức và phương pháp mà nghề nghiệp đòi hỏi ngay từ trên ghế nhà trường. Bạn sẽ bị cuốn hút bởi cách mà anh ấy tự thúc đẩy mình hành động.

“Khi nắm được trụ cột, cậu chính là nó!”

‘Khi nắm được trụ cột, cậu chính là nó!’ Đó là câu nói đem lại nguồn cảm hứng cho tôi,” Karl Eller, vị chủ tịch 33 tuổi của Công ty Dịch vụ Quảng cáo ngoài trời Eller đã phát biểu như thế trong một cuộc gặp gỡ mới đây, khi anh đang dùng bữa sáng.

Tôi hẹn gặp Karl và vợ anh buổi sáng hôm đó vì được biết anh đã mua lại phân khúc Arizona của Foster & Kleiser, với mức giá được cho là lên đến 5 triệu đô-la. Cuộc phỏng vấn đã diễn ra khá thoải mái, mang lại nhiều thông tin và tràn đầy cảm hứng.

“Chuyện bắt đầu khi tôi vừa nhập học trường Tucson High,” Karl kể. “Tôi không biết nhiều về bóng bầu dục. Trong các kỳ sơ tuyển, tôi thậm chí còn không có đồng phục. Nhưng vì vài nguyên nhân, khi tiền đạo trong đội hình chính lao đến đường chạy của tôi, tôi có thể truy cản anh ta. Tôi đã xông vào thật mạnh và quật ngã anh ấy. Trong lần thử kế tiếp, anh ấy chọn một làn chạy khác, nhưng tôi vẫn chặn được bước tiến của anh ấy. Điều đó làm anh ấy như phát điên. Càng thử, anh ấy càng điên cuồng hơn; và do đó tôi càng dễ truy cản hơn. Tôi đã đánh bại anh ấy 6 lần liên tiếp.

Sau buổi tập, tôi ngồi lại trên ghế trong phòng thay đồ. Đang đi tất thì tôi cảm thấy ai đó đặt tay trên vai mình. Khi tôi quay lại nhìn, huấn luyện viên liền lên tiếng: ‘Cậu đã từng chơi ở vị trí hậu vệ bao giờ chưa?’

‘Chưa, tôi chưa từng thử vị trí đó,’ tôi trả lời.

Sau đó huấn luyện viên đã nói một điều mà tôi không bao giờ quên: ‘Khi nắm được trụ cột, cậu chính là nó!’ – rồi ông quay đi.

Cậu chính là nó? Điều đó có ý nghĩa gì?’ Tôi tự hỏi. Đến hôm sau thì tôi đã hiểu ra. ‘Karl Eller – hậu vệ – đội hình chính,’ huấn luyện viên xướng tên tôi.

Và tôi luôn ghi nhớ câu nói đó: ‘Khi nắm được trụ cột – cậu chính là nó!’

‘Cậu chính là nó!’ – nghĩa là ông đã đặt niềm tin ở tôi và trao cho người ông tin tưởng một vị trí quan trọng. Tôi không thể làm ông thất vọng. Sự tin tưởng của ông khiến tôi cũng đặt niềm tin vào chính mình. Mỗi khi cảm thấy nghi ngờ khả năng của bản thân, mỗi khi gặp hoàn cảnh khó khăn, mỗi khi dự định làm điều gì đó mà không biết phải bắt đầu như thế nào, tôi lại tự nhủ: ‘Khi nắm được trụ cột, cậu chính là nó!’ Và sự tự tin của tôi trở lại.

Ronald T. Gridley, huấn luyện viên trường Tucson High, luôn biết cách phát huy hết sở trường của các thành viên trong đội. Chúng tôi chiến thắng liên tục 33 trận chỉ riêng ở môn bóng bầu dục và giành đến 14 trong 15 chức vô địch bang ở tất cả các môn thi đấu. Tất cả là nhờ thầy Gridley đã biết cách khơi đúng nguồn động lực trong mỗi người chúng tôi, từng người từng người một.”

“Anh trải qua thời sinh viên như thế nào?” tôi hỏi.

Karl đáp, “Ngày ở Đại học Arizona, tôi còn không lo nổi tiền phòng. Chính trọng tài Pickett đã cho phép tôi ở nhờ phòng huấn luyện để trả công tôi cắt cỏ cho vườn nhà ông. Tôi cũng không mất tiền ăn, vì được nhận làm phục vụ bàn cho hội nữ sinh Kappa Alpha Theta. Đó cũng là nơi tôi gặp Sandy, vợ tôi bây giờ.”

Đến đây thì Sandy ngắt lời: “Ở trường đại học, Karl còn kiếm được nhiều tiền hơn ở công ty đầu tiên anh ấy vào làm sau khi ra trường. Ở trường, anh ấy quản lý 25 sinh viên. Karl phụ trách hầu hết các quầy hàng được phép buôn bán trong khuôn viên trường – từ bánh kẹp xúc xích, nước giải khát, bánh kẹo đến kem tươi – anh cứ thử kể tên mà xem, Karl làm cả đấy. Anh ấy còn xuất bản và phát hành tập san Figi Notes – mỗi học kỳ bán ra 600 bản với giá 4 đô-la một bản. Chính việc xuất bản những chuyên mục thể thao và bán quảng cáo trên các tập san đã đưa anh đến với ngành quảng cáo ngay sau khi tốt nghiệp.”

Với tôi chuyện này thật dễ hiểu. Nụ cười nở rộng trên môi chàng trai trẻ với cá tính đáng ngưỡng mộ – một người hùng bóng bầu dục. Mọi doanh nhân tại Tucson đều hân hạnh được tiếp chuyện riêng với anh, và khi anh đề nghị đăng một mẩu quảng cáo trên chuyên mục thể thao, trên tập san trường đại học hoặc trên báo giấy, thương nhân nào cũng đều chấp nhận. Hiển nhiên, Karl cũng trở thành một người kinh doanh giỏi. Qua từng năm, khách hàng đến với anh ngày càng nhiều. Họ muốn được gặp anh, còn anh luôn đem lại cơ hội cho họ.

Sau khi tốt nghiệp, Karl nộp đơn xin vào một hãng quảng cáo hàng đầu tại Chicago. Họ đề nghị trả anh mức lương 25 đô-la một tuần.

“Thay vào đó,” Karl nói, “tôi vào làm cho Công ty Dịch vụ Quảng cáo ngoài trời, Foster & Kleiser, ngay tại Tucson.”

Doanh số của anh tăng nhanh chóng – và tốc độ thăng tiến cũng nhanh không kém. Anh được đề bạt làm quản lý kinh doanh tại văn phòng Phoenix, sau đó trở thành Giám đốc kinh Doanh toàn quốc với các trụ sở đặt tại San Francisco, và tiếp tục thăng tiến thành Phó Chủ tịch kiêm CEO của chi nhánh tại Chicago khi mới 29 tuổi.

Cơ hội lớn đã đến khi anh được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị của công ty. Khi đó, Karl đang được cân nhắc cùng một ứng cử viên thâm niên, nhiều kinh nghiệm để quyết định cho vị trí chủ tịch. Và ứng cử viên kia đã được lựa chọn. Karl lập tức xin thôi việc và đầu quân cho một hãng quảng cáo khác tại Chicago.

Trong phiên họp nghị sự toàn quốc, anh nhận được thông tin rò rỉ rằng Foster & Kleiser sẽ rao bán phân khúc Arizona của họ. “Cơ hội đã đến,” Karl nói, “nhưng tôi vẫn chưa biết phải làm gì. Còn khoản tiền cần thiết thì thật sự quá lớn. Một lần nữa, câu nói đó lại lóe lên trong trí tôi: ‘khi nắm được trụ cột – cậu chính là nó!’”

Anh kể tiếp: “Sandy và tôi đều yêu mảnh đất Arizona. Tôi biết rõ chuyện kinh doanh ở đó và mọi người biết đến tôi. Có thứ gì đó thôi thúc thật mạnh mẽ khiến tôi không cưỡng lại được: Mình phải nắm lấy cơ hội này. Tôi biết tôi muốn gì và tôi biết mình có thể thành công. Nhưng trên hết, trong tôi sôi sục một niềm khao khát được làm điều gì đó lớn lao cho bản thân. Nếu tôi có thể làm vì người khác, tôi cũng có thể làm vì tôi. Nhưng tôi phải dàn xếp thế nào đây? Trên thực tế, tôi không thiếu điều gì ngoại trừ tiền bạc: Kiến thức, phương pháp, kinh nghiệm, danh tiếng, bạn bè tốt và các mối quan hệ làm ăn trên khắp Tucson.”

“Vậy chuyện tiền nong thì sao?” Tôi hỏi.

“Một người bạn của tôi làm ở bộ phận cho vay tại ngân hàng Harvey Trust & Savings ở Chicago,” Karl đáp. “Anh ấy đã giới thiệu tôi với những viên chức có thẩm quyền. Harvey Trust và Ngân hàng Quốc gia Valley tại Phoenix đã thỏa thuận một khoản vay với kỳ hạn 5 năm. Có đến 9 người bạn của tôi tham gia vào thương vụ này. Thỏa thuận cho phép tôi có quyền chọn mua lợi tức của họ tại bất kỳ thời điểm nào trong kỳ hạn 5 năm với mức giá họ đã trả. Họ sẽ được hưởng nhiều lợi ích về thuế cũng như những lợi ích do đặc thù của ngành quảng cáo ngoài trời mang lại. Vì vậy, kể cả khi tôi lựa chọn quyền mua lại, thương vụ cũng sẽ mang lại lợi nhuận cho tất cả các bên.”

Câu chuyện của Karl đã chứng minh rằng để giải quyết các vấn đề hoặc để thành công trong việc kinh doanh, bạn không nhất thiết phải biết trước câu trả lời cho mọi vấn đề – một khi bạn đã đi đúng hướng. Bạn sẽ biết cách đối phó với từng vấn đề khi vấp phải chúng.

 

Bạn không cần phải biết mọi câu trả lời

Để giải quyết vấn đề hoặc đạt đến mục tiêu, giống như Karl Eller, bạn không cần phải biết cặn kẽ mọi câu trả lời. Tuy nhiên, bạn cần phải hiểu rõ vấn đề mình gặp phải hoặc mục tiêu mình vươn đến.

Vì vậy hãy bắt đầu định hình những gì bạn thật sự mong muốn trong tương lai dài hạn, trung hạn và ngắn hạn. Nếu bạn chưa sẵn sàng đưa ra một mục tiêu cụ thể, rõ ràng trong trung hạn hay dài hạn, thì hãy tự tin lên. Hiện tại, để thuận tiện, bạn hãy đưa ra những mục tiêu khái quát chung: Một cơ thể, trí óc và tinh thần khỏe mạnh; trở nên giàu có; trở thành một nhân vật có tiếng tăm; trở thành một công dân tốt, một người cha, người mẹ mẫu mực, một người chồng, người vợ biết chu toàn, hay một đứa con ngoan. Dù những mục tiêu đó khá chung chung, nhưng đó chính là những ý tưởng cần thiết để hoạch định các mục tiêu trước mắt.

Mọi người đều đang nhắm đến những mục tiêu, mục đích cụ thể trước mắt. Ví dụ, bạn nhất định phải biết ngày mai mình sẽ làm gì, hay định làm gì trong tuần tới hay thậm chí trong tháng tới. Bạn sẽ dễ dàng viết ra những mục tiêu cụ thể trước mắt đó. Sau khi hoàn thành chúng, bạn sẽ được khỏe mạnh, giàu có và hạnh phúc, hoặc trở thành người mà bạn luôn ao ước trong một tương lai xa, xa hơn nữa. Nhưng bạn phải thực sự mong muốn điều đó.

 

Yếu tố quan trọng nhất của thành công

Có những người tuy đã tiếp thu được phương pháp và vốn hiểu biết, nhưng họ vẫn không thành công. Bởi vì dù đã biết phải làm gì và làm như thế nào, họ vẫn chưa ‘ham muốn’ điều đó. Họ không có động lực để hành động.

Động lực để hành động chính là nhân tố quan trọng nhất trong mọi thành tựu, mọi hoạt động của nhân loại. Và động lực đó có thể được nuôi dưỡng nhờ ý chí.

Một người được tiếp thêm động lực sẽ vượt qua mọi rào cản vì anh ta sẽ dốc toàn lực. Bạn cũng có thể dốc toàn lực, nếu bạn tuân theo những chỉ dẫn được tiết lộ trong chương tiếp theo.

 

Bản lề nhỏ mở toang cánh cửa lớn

Phương pháp là một trong ba yếu tố cốt lõi trong phương thức hoàn mỹ của thành công. Nhưng chính xác thì nó là gì… và làm cách nào bạn tiếp thu được nó?

Phương pháp chính là loại năng lực cho phép bạn làm điều bạn muốn, tận dụng kỹ năng, mang lại hiệu quả đồng thời hao phí ít thời gian và công sức nhất. Phương pháp luôn luôn hoàn thành những mục tiêu được đề ra. Phương pháp sẽ hoàn thành mọi việc mà người khác còn phân vân ‘liệu có hoàn thành được hay không.’ Chính phương pháp đã xây dựng nên những kim tự tháp ở Ai Cập và những thánh đường ở châu Âu; nhấn chìm lục địa Thái Bình Dương và chia tách các nguyên tử; kiểm soát dòng điện và một ngày nào đó sẽ đưa con người lên Mặt trăng. Nói cách khác, phương pháp sẽ mang thành công đến cho bạn.

Bạn sẽ tiếp nhận nó như thế nào? Không, bạn sẽ không tiếp nhận – bạn phải tích lũy nó. Hãy cứ làm… hãy cứ trải nghiệm… hãy cứ hành động, phương pháp sẽ tự đến với bạn. Một khi đã tích lũy được, bạn sẽ biết – và bạn sẽ nhận ra sức mạnh của nó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.