IQ Trong Nghệ Thuật Thuyết Phục

12. KỸ NĂNG THUYẾT PHỤC THỨ MƯỜI



Khả năng tự chủ và sự phát triển cá nhân

Nếu làm mọi việc có thể làm, chúng ta đã tự cảm thấy kinh ngạc.

— THOMAS EDISON —

Có một câu chuyện về hai người hàng xóm trên vùng núi nọ. Họ cạnh tranh và luôn muốn so tài với nhau. Một ngày kia, một người thách xem ai có thể chặt nhiều củi hơn trong vòng ba tiếng. Người hàng xóm của anh ta đồng ý thử thách này. Người hàng xóm đầu tiên bắt đầu công việc. Trong khi anh ta chặt cây, người thứ hai chỉ chặt được mười phút rồi ngồi nghỉ dưới một tán cây rộng. Người hàng xóm đầu tiên không thể tin vào sự lười biếng của anh bạn mình. Mặc kệ sự ngạc nhiên đó, người hàng xóm thứ hai vẫn tiếp tục nghỉ giải lao mười phút sau mỗi tiếng chặt củi trong suốt cuộc thi đấu. Ba tiếng đồng hồ trôi qua. Không hề nghỉ giải lao phút nào, người hàng xóm đầu tiên chắc chắn rằng mình đã chiến thắng. Nhưng rồi anh ta nhận thấy người bạn hàng xóm đã chặt được gấp hai lần số củi của mình. Anh nói: “Không thể nào! Mỗi giờ cậu đều nghỉ giải lao mà?” Với ánh mắt thân thiện, người hàng xóm kia trả lời: “Tớ có nghỉ giải lao đâu, tớ mài chiếc rìu của mình đấy chứ!”

Các nhà thuyết phục giỏi đều tham gia chương trình phát triển cá nhân chuyên sâu. Họ biết rằng “dao cùn khó chặt”, vì vậy, giữ cho bản thân nhạy bén là yếu tố quan trọng nhất. Ngược lại, những nhà thuyết phục bình thường lại không xem rèn luyện cá nhân là việc quan trọng. Họ nghĩ rằng làm việc chăm chỉ mới là câu trả lời. Họ cũng nhận thức rằng, dù sớm hay muộn, họ sẽ tìm ra mọi thứ, có thể nhờ đọc một hoặc hai cuốn sách chẳng hạn. Họ cho rằng, việc học từ những người giỏi sẽ rất tốn kém. Những nhà thuyết phục giỏi biết kinh nghiệm chính là người thầy giỏi nhất và rằng bạn học được rất nhiều từ những cuốn sách; nhưng nếu có một chuyên gia truyền lại cho họ những kinh nghiệm, họ sẽ học hỏi nhanh hơn nhiều. Bất chấp chi phí tốn kém, đào tạo chuyên sâu là một khoản đầu tư không thể thiếu. Đây là lý do mà các nhà thuyết phục thành công chỉ tốn một nửa công sức nhưng kết quả thu được lại gấp đôi.  

Bạn sẽ không thực sự lĩnh hội được nếu không học hỏi và tiếp thu hàng ngày − học từ người khác, từ giáo viên, huấn luyện viên, từ những kinh nghiệm của bạn, sách vở, các chương trình đào tạo, các buổi họp, các đĩa CD và DVD. Bạn nên dành thời gian hàng ngày suy nghĩ về điều mình đã học được và áp dụng nó cho tương lai. Hãy dành thời gian suy nghĩ về những chuyện đã xảy ra trong ngày. Bạn đã làm tốt điều gì và điều gì bạn có thể làm tốt hơn? Bạn có lãng phí thời gian quý báu không? Thất bại trong chương trình phát triển cá nhân và chương trình đào tạo liên tục này giống như việc bạn bỏ phiếu kiểm tra tiền lương của mình vào thùng rác sau khi đã nhận được lương vậy. Hoặc giống như một chiếc máy tính − nếu không thường xuyên cập nhật thông tin, bạn sẽ trở nên lạc hậu ở hiện tại và tương lai.

LỜI KHUYÊN TỪ CÁC CHUYÊN GIA

“Tôi sẽ tự tìm ra được.” Đây là một trong những câu nói phổ biến nhưng gây cản trở nhất của những nhà thuyết phục bình thường. Câu nói này cũng có thể trở thành hiện thực, nhưng chỉ sau khi chịu sự mất mát, căng thẳng, tốn thời gian, tiền bạc và nhiều sai lầm phải trả giá khác. Ngược lại, các nhà thuyết phục giỏi tăng năng suất của mình bằng cách tối đa hóa những món quà, tài năng, sức mạnh và sử dụng thế mạnh của người khác khi giải quyết những việc vượt quá chuyên môn của mình.

Các nhà thuyết phục giỏi không tốn thời gian và công sức vào những lĩnh vực họ không mạnh. Họ xuất sắc vì biết cách sử dụng đòn bẩy ở những lĩnh vực là thế mạnh tự nhiên của mình và để những lĩnh vực còn lại cho các chuyên gia. Những người thành công vượt trội tập trung vào các lĩnh vực họ giỏi và không lãng phí thời gian vào những gì họ thiếu sót. Ví dụ, việc cố gắng tạo ra một trang web gây ngạc nhiên trong khi không hiểu biết gì về máy tính sẽ khiến bạn chệch hướng khỏi những lĩnh vực mà bạn có thể thu được kết quả ấn tượng và tốn ít công sức hơn. Và cuối cùng, trang web đó sẽ không bao giờ xuất hiện nếu bạn không nhờ tới sự trợ giúp của chuyên viên thiết kế web. Thời gian và tiền bạc đã mất (mất thu nhập vì bạn đã dành rất nhiều thời gian mà vẫn làm chưa đúng) là vô ích. Không những bạn không tiết kiệm được tiền bạc trong thời gian đó mà còn tốn kém thêm.

Giai đoạn đầu trong sự nghiệp của mình, tôi đã từng nghĩ, “Mình sẽ tự tìm ra. Việc này khó khăn như thế nào nhỉ?” Qua nhiều năm, câu nói này đã khiến tôi tiêu tốn hàng triệu đô-la. Tôi đã từng tham dự một buổi hội thảo về thị trường chứng khoán và học cách kinh doanh. Tôi phải trả 10.000 đô-la để tham gia vào khóa đào tạo bổ sung. Điều đó làm giảm sở thích tự tìm ra vấn đề của tôi. Tôi phát điên lên khi nhận ra rằng mình đã mất chi phí gấp ba lần so với khoản tiền bỏ ra tham gia vào khóa đào tạo này. Mặt khác, sinh viên tham gia vào các khóa học bổ sung đã đầu tư học hỏi những kỹ năng tốt và trở thành những doanh nhân giỏi. Tôi đã thua vì đã không theo học những kỹ năng cần thiết từ các chuyên gia . 

Đó thực sự là một ngày tuyệt vời khi tôi nhận ra rằng tất cả các vấn đề và thách thức mình phải đối mặt trong cuộc sống, trong kinh doanh, đã được giải quyết hoặc tìm ra giải pháp nhờ người khác. Một người nào đó đã tìm ra được câu trả lời cho các vấn đề của tôi. Tôi vừa phải trả họ tiền để dạy mình vừa phải trả nhiều tiền hơn cho các trường lớp. Tôi thậm chí còn phải trả nhiều thứ hơn thế, không chỉ về mặt tài chính, mà còn thời gian, công sức và các cam kết. Các nhà thuyết phục thành công không quan tâm nhiều tới việc phải mất bao nhiêu tiền để học được các kỹ năng; họ quan tâm tới những kết quả thu được sau khoản đầu tư này.

Nếu muốn học cách lái máy bay, bạn có cố gắng tự học không? Bạn có đọc một cuốn sách về cách bay tốt nhất và sau đó ngồi vào máy bay và tiếp tục học lái trong suốt hành trình bay đó? Không, tất nhiên bạn sẽ không làm thế! Tình huống này quá nguy hiểm và bạn sẽ có thể kết thúc cuộc đời của mình ở đây mất. Nhưng nếu bạn luôn thất bại, bỏ sót những điều quan trọng và phải trải qua sự đau thương, thất vọng mà lẽ ra đã có thể tránh được, thì có phải đã đến lúc bạn cần tìm ai đó để truyền dạy những kỹ năng không nhỉ? 

Không có vấn đề nào chúng ta trải nghiệm trong cuộc đời là mới mẻ cả. Tất cả những thử thách tiềm tàng đều được trải nghiệm và giải quyết bởi ai đó rồi. Vì thế, tại sao bạn phải tự mình giải quyết chúng trong khi có thể tìm ai đó đã từng trải qua việc đó giúp đỡ? Sẽ có ai đó bên ngoài kia − người lãnh đạo buổi hội thảo, huấn luyện viên, giáo viên − có thể tạo ra sự khác biệt cho cuộc sống của bạn. Hãy tìm những chuyên gia trong lĩnh vực của họ, đặt câu hỏi, tham gia các cuộc hội thảo, các lớp học tại trường đại học. Thành công là một cuộc kiểm tra mở; các câu trả lời đều đúng trong tình huống của bạn khi bạn sẵn sàng tìm kiếm.

Không có ai là “người tự lập”. Chúng ta đều được “hóa trang” bởi hàng nghìn người khác. Mọi người đã từng làm điều tốt đẹp cho chúng ta, hay từng nói điều gì đó động viên chúng ta, đã hình thành nên tính cách, suy nghĩ và thành công của chúng ta.

— GEORGE MATTHEW ADAMS  —

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÁ NHÂN

Điều gì tạo nên một chương trình phát triển cá nhân? Những nhà thuyết phục thành công hàng đầu áp dụng những cách thức tiếp cận đa chiều có trong sách vở, báo đài, các buổi hội thảo và các khóa tập huấn. Không có phương pháp đơn lẻ nào là hoàn hảo. Chúng đều bổ sung cho nhau.

Nền tảng cơ bản của một chương trình phát triển cá nhân là những cuốn sách, giống như nền tảng của trường đại học là những năm học trung học. Brian Tracy đã nói: “Nếu dành 30 phút mỗi ngày để đọc sách, bạn sẽ có thể tăng gấp đôi thu nhập của mình mỗi năm.” Những kết quả khác cũng cho thấy nếu bạn đọc một chủ đề phổ biến thậm chí chỉ từ 30 – 60 phút mỗi ngày, bạn sẽ chỉ mất vài năm để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó. Bạn sử dụng thời gian của mình như thế nào? Chúng ta biết rằng các triệu phú xem tivi ít hơn những người nghèo. Và chúng ta cũng biết có mối liên hệ mạnh mẽ và trực tiếp giữa chương trình phát triển cá nhân và mức thu nhập.

 Hãy xem xét những con số ảm đạm sau:

• 58% dân số Mỹ trong độ tuổi trưởng thành không bao giờ đọc các cuốn sách khác sau khi kết thúc chưong trình trung học.

• 42% sinh viên tốt nghiệp không bao giờ đọc các cuốn sách khác ngoài sách giáo trình trong chương trình học của mình.

• 80% gia đình ở Mỹ không mua hay đọc một cuốn sách nào năm vừa qua.

• 70% dân số Mỹ trong độ tuổi trưởng thành không tới các hiệu sách trong 5 năm gần đây.

Một cuốn sách không bao giờ được mở ra là một đống giấy lộn.

— NGẠN NGỮ TRUNG QUỐC —

Mặc dù đọc sách thường là cách tiếp cận duy nhất của những nhà thuyết phục mới vào nghề, nhưng hiếm khi việc này phát huy hiệu quả. Phần lớn mọi người sẽ ghi nhớ và áp dụng tất cả những gì họ đã đọc được, nhưng đọc thực sự củng cố cho những nguyên tắc bạn học được trong cuộc hội thảo hay từ một huấn luyện viên. Rõ ràng là việc đọc tốt hơn rất nhiều so với việc xem tivi. Sự thật là cơ hội đọc xong cuốn sách này và áp dụng một nguyên tắc của nó thậm chí chưa được 1% đâu. Hãy tin tôi, với tư cách là tác giả cuốn sách này!

Những chương trình nghe giảng qua đĩa là cách hiệu quả khác để củng cố các ý tưởng mới của bạn. Hãy nghĩ tới thời gian bạn dành để giao tiếp. Đừng lãng phí thời gian vào việc nghe đài. Thay vào đó, hãy đến một cuộc hội thảo và lắng nghe những đĩa CD có tính chất giáo dục và tạo động lực rất tốt.

Thu nhập của bạn có thể tăng tới mức bạn muốn.

— HARV EKER  —

Khi tập trung vào phát triển bản thân, bạn đang sử dụng bộ não, kiến thức, và những kỹ năng của mình. Khi sử dụng bộ ba tài sản này, bạn sẽ tìm thấy động lực chưa được phát huy hết của mình. Bạn sẽ phát triển được hiểu biết và định hướng, vươn tới những nấc thang thành công cao hơn. Bạn sẽ không thành công nếu không thể phá tan khu vực an toàn của mình và vượt qua những trở ngại hay thách thức. Các nhà thuyết phục giỏi luôn thúc đẩy lòng ham học hỏi và sự phát triển cá nhân của mình. Họ muốn phát triển, cải thiện và đạt được thành công từ những thất bại trong quá khứ. Khi khả năng và hiểu biết của chúng ta tăng lên thì lòng tự trọng, tinh thần lạc quan và thành công cũng sẽ tăng lên.

Hội nghị, hội thảo là những cách hiệu quả nhất để tối đa hóa chương trình phát triển cá nhân của bạn. Chúng tạo cho bạn cơ hội để nghiên cứu chuyên sâu, sẵn sàng cho những chủ đề và kỹ năng cụ thể. Các cuốn sách và băng ghi hình là một khởi đầu tốt, nhưng tham gia vào một cuộc hội nghị hay hội thảo sẽ có thể đưa bạn tới nấc thang tiếp theo. Không gì ngăn cản được việc bạn làm điều gì đó đặc biệt để giúp đỡ những người có cùng ý tưởng với mình. Một nhóm cá nhân nhiệt huyết và đầy năng lượng được tập hợp lại nhờ mối tương đồng về sở thích tạo ra một kiểu đồng hóa duy nhất không thể có được từ bất cứ cách nào khác. Một cuộc hội nghị sẽ mang tới điều chúng ta cần để có nhiệt huyết − giúp đạt được những ý tưởng và kỹ thuật mới đầy thú vị. Các cuộc hội nghị và hội thảo còn là những cơ hội tuyệt vời cho việc kết nối, phục vụ bạn về lâu dài sau khi bạn kết thúc chúng. Vì giá trị mà những cuộc hội nghị, hội thảo mang đến không thể có được theo những cách khác, các nhà thuyết phục hàng đầu đảm bảo chúng xuất hiện trong những kế hoạch hàng năm, và sự tham gia của họ được sắp xếp trước mỗi tháng.

Một cách nhanh chóng, mạnh mẽ và tốn kém hơn để thúc đẩy quá trình phát triển cá nhân là tranh thủ sự giúp đỡ của một người cố vấn hay huấn luyện viên. Các nhà thuyết phục giỏi có rất nhiều người cố vấn và huấn luyện viên. Người cố vấn có nhiều kinh nghiệm, kiến thức, đồng thời là người cam kết cung cấp sự sáng suốt, những tiến bộ và hỗ trợ cho sự nghiệp và cuộc đời của người khác. Tại sao một người cố vấn lại là lựa chọn tốt nhất? Những người cố vấn và huấn luyện viên đã từng giải quyết được vấn đề đó, vì thế, họ sẽ mang đến cho bạn thời gian quý báu, tiền bạc, sự thất bại và cả nỗi thất vọng. Họ cũng mang tới cho bạn sự công tâm, vô tư, cho phép họ đưa cho bạn mục tiêu thực sự và lời khuyên thực tiễn. 

Việc huấn luyện phát triển lên nhanh chóng trong những năm gần đây với những kết quả thật đáng kinh ngạc. Hãy thử so sánh giữa việc huấn luyện trong cuộc sống và huấn luyện trong thể thao qua trường hợp của hai vận động viên thể thao nổi tiếng Michael Jordan và Tiger Woods. Bất chấp tài năng bẩm sinh được ban tặng, họ đều dành thời gian, năng lượng và các nguồn lực của mình để tập luyện với những huấn luyện viên giỏi nhất. Trong những cuộc thi đấu lớn, để nhận ra được khả năng trọn vẹn nhất của mình, họ cần phải có những vị huấn luyện viên có kiến thức, kinh nghiệm và thông thái. Bất kể lĩnh vực của mình là gì, bạn có coi trọng việc tìm kiếm chuyên gia không? Giống như Michael Jordan đối với môn bóng rổ và Tiger Woods đối với môn golf, bạn có thể thực hiện tốt việc này như thế nào? Vấn đề then chốt là, nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng những nhà cố vấn giúp cải thiện các màn trình diễn, giảm khả năng thất bại, nâng cao sự hài lòng về công việc và hiển nhiên là, tăng doanh số.

Hãy nhìn vào đồ thị Phát triển Cá nhân dưới đây, và bạn sẽ hiểu rõ hơn mỗi kiểu phương pháp phát triển cá nhân tương quan như thế nào với thành công. Qua đó, bạn cũng sẽ nhận thấy thành công và mức độ thành công đó nhanh chóng như thế nào. 

Để vẽ ra bức tranh rõ nét hơn về việc huấn luyện có ảnh hưởng sâu rộng như thế nào, tôi đã phác thảo ra một số cách cụ thể mà các huấn luyện viên và người cố vấn sử dụng và làm tăng hiệu quả (dựa trên các phản hồi từ những nhà thuyết phục hàng đầu):

Một vị huấn luyện viên hay một người cố vấn giỏi có thể:

• Đóng vai.

• Lắng nghe bài thuyết trình của bạn.

• Nâng cao lòng tự trọng của bạn.

• Đánh giá và đưa ra phản hồi.

• Giữ chữ tín.

• Hỗ trợ.

• Giúp bạn phát triển những kỹ năng mới.

• Khuyến khích và tạo động lực cho bạn. 

• Giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi.

• Truyền cho bạn sự tự tin.

• Động viên, khuyến khích.

• Thể hiện sự quan tâm cá nhân.

• Giúp bạn thích nghi với những hoàn cảnh mới.

• Giúp đỡ bạn trong những cuộc thương thuyết.

• Hỗ trợ bạn lập kế hoạch.

Làm việc với một huấn luyện viên hay một người cố vấn giỏi có thể đem lại kết quả:

• Tăng doanh số.

• Tăng năng suất. 

• Đảm bảo chữ tín.

• Cái tôi cá nhân không còn là vấn đề.

• Cải thiện bản thân.

• Cải thiện trí nhớ của người tiêu dùng.

• Cải thiện trí nhớ của nhân viên.

• Cải thiện giao tiếp.

• Nâng cao tinh thần.

• Giảm khả năng thất bại.

• Tăng cường sự tự tin.

• Nâng cao hiểu biết.

• Nâng cao tinh thần đồng đội.

• Tăng cường các khóa đào tạo khác.

Điều cuối cùng cần phải ghi nhớ về các nhà cố vấn: họ sẽ hiếm khi đến trước mặt và hỏi liệu bạn có muốn được dạy bảo hay huấn luyện không. Bạn phải chủ động. Hãy hiểu rằng việc huấn luyện này đòi hỏi thời gian hoặc chi phí hoặc cả hai. Tất cả những người thành công đều nói về những người đã chỉ dạy, huấn luyện và làm thay đổi cuộc đời họ. Những người chúng ta tôn trọng thường dọa dẫm, nhưng chúng ta sẽ nhận ra rằng họ thực sự cởi mở khi chia sẻ những suy nghĩ và ý tưởng của mình nếu được đề nghị. Tôi cũng nhận ra rằng những nhà sản xuất hàng đầu luôn sẵn sàng chia sẻ các bí quyết thành công, nhưng không ai hỏi gì họ cả. Bạn đã bao giờ làm như vậy chưa? Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng họ sẵn sàng chỉ dạy và giúp đỡ để bạn phát triển hơn. Hãy nhớ rằng rất hiếm khi họ hỏi thăm khi bạn cần sự giúp đỡ. Hãy mời những nhà sản xuất hàng đầu này đi ăn trưa, chọn chủ đề thích hợp và tiếp thu những lời khuyên của họ. Những nhà thuyết phục bình thường có xu hướng không bằng lòng với những người thành công. Trong khi đó, các nhà thuyết phục giỏi sẽ giỏi hơn bằng việc liên kết với các nhà thuyết phục giỏi.

Cuộc trò chuyện riêng với một người thông thái có giá trị hơn việc nghiên cứu những cuốn sách trong cả tháng trời.

—  NGẠN NGỮ TRUNG QUỐC —

Nhà quản lý và đào tạo kinh doanh hàng đầu thế giới Brian Tracy đã nói: “Thực tế là những công ty hàng đầu thế giới sở hữu các nhân viên kinh doanh được huấn luyện tốt nhất. Những công ty xếp thứ hai có các nhân viên kinh doanh được huấn luyện tốt thứ hai. Còn những công ty đứng ở vị trí thứ ba có những nhân viên kinh doanh tệ nhất và đang trên đà phá sản.”

LỢI NHUẬN LỚN HƠN CHI PHÍ

Với những bàn luận về tầm quan trọng của việc thực hiện chương trình phát triển cá nhân, bạn sẽ tự hỏi làm thế nào để thực hiện chương trình này? Làm thế nào mọi người có thời gian và nguồn lực để đọc sách và nghe đĩa CD? Làm thế nào tôi có đủ tiền để chi trả cho một buổi hội thảo chuyên sâu kéo dài ba ngày hay thuê một nhà cố vấn dài hạn? Và nếu loại hình đào tạo này có ảnh hưởng lớn không chỉ đối với cá nhân mà còn với cả công ty, tại sao các ông chủ lại không theo đuổi nó?

Không may là, phần lớn mọi người đều không vượt qua được những câu hỏi này, và kết quả là chương trình phát triển cá nhân của họ không thể cải thiện được, ngay cả ở mức độ cơ bản nhất. Như tôi đã đề cập ở phần trước, phần lớn họ sẽ chẳng bao giờ đọc một cuốn sách nào khác sau khi tốt nghiệp trung học. Cuộc điều tra do Học viện Thuyết phục tiến hành cho thấy có chưa đến 5% dân số tham gia vào một hội nghị trong suốt cuộc đời của mình nếu công việc của họ không yêu cầu như vậy. Thậm chí phần lớn những nhà thuyết phục mới chỉ tham gia hội thảo một lần.

Vấn đề này trở nên tiêu cực hơn ở chỗ, những người chúng ta hy vọng sẽ ủng hộ và tán thành mình tham gia vào các khóa đào tạo lại không làm vậy. Rất nhiều nhà lãnh đạo và quản lý bận rộn đến mức không đầu tư vào các khóa đào tạo này ngay cả cho bản thân họ. Họ không tin rằng đào tạo có thể thực sự cải thiện được hoạt động kinh doanh, hoặc họ cần được đảm bảo về một kết quả kinh doanh an toàn. 

Thật bất ngờ khi nghe những người thuyết phục bình thường nói, “Tôi biết bí quyết này rồi”, hoặc “Tôi đã từng nghe về nó rồi.” Nhưng tại sao họ vẫn không thể thành công hơn? Điều này hợp logic thôi. Bạn sẽ chẳng bao giờ nghe thấy một nhà thuyết phục hàng đầu nói “Tôi đã nghe về điều này rồi.” Thay vào đó, họ luôn nói rằng “Tôi đánh giá cao việc xem xét lại.” Luôn có điều gì đó cần nghiên cứu lại, một kỹ năng cần được hoàn thiện, một quy tắc cần được thực hành. Bạn có thể hình dung về một cầu thủ chơi bóng rổ chuyên nghiệp từ chối việc tập luyện thường xuyên không ngừng nghỉ để đạt được thành công? Bạn sẽ chẳng bao giờ nghe thấy những câu nói như, “Tôi đã thành công rồi. Cần gì phải luyện tập nữa. Tôi đã biết làm thế nào rồi!” Bạn nghĩ có người chơi piano nào không luyện tập mỗi ngày không?

Con người ghét nhất thứ họ không thể hiểu nổi.

— MOSES EZRA  —

Những nhà thuyết phục giỏi dành trung bình từ    5%-10% thu nhập hàng năm để phát triển cá nhân. Nếu bạn nghi ngờ về việc đưa chương trình phát triển cá nhân vào đời sống riêng hay vào công việc của mình, hãy nhớ rằng phát triển cá nhân là một sự đầu tư đúng đắn. Học viện Thuyết phục đã chỉ ra rằng những nhà thuyết phục trung bình dành từ 1 – 5 giờ mỗi tuần để phát triển cá nhân. Và họ nhận được những kết quả bình thường. Trong khi đó, các nhà thuyết phục giỏi đầu tư từ 5 – 10 giờ mỗi tuần − và hiển nhiên là họ thành công. Trong một nghiên cứu khác, chúng tôi nhận thấy chỉ 5% các nhà thuyết phục chủ động đầu tư toàn bộ thời gian vào sự phát triển cá nhân họ. Và bạn sẽ có thể đoán được − họ nằm trong số 5% dẫn đầu thu nhập. 

LÀM CHỦ SẢN PHẨM CỦA BẠN

Không thể nghi ngờ về việc các nhà thuyết phục giỏi biết về sản phẩm, dịch vụ hay công việc kinh doanh của mình. Họ sử dụng những sản phẩm hay dịch vụ của riêng họ. Nhờ đó, họ trải nghiệm được những gì khán giả của họ sẽ trải nghiệm. Các nhà thuyết phục giỏi có thể thúc đẩy nền kinh tế, các ngành công nghiệp, các công ty và sự cạnh tranh. Thời gian và công sức bạn đầu tư để đạt được mức độ này sẽ quyết định vị trí của bạn trong danh sách những nhà thuyết phục hàng đầu. Theo số liệu của Học viện Thuyết phục, chỉ có 22% các nhà thuyết phục cảm thấy họ hiểu rõ về sản phẩm của mình. Còn bạn hiểu rõ những khía cạnh quan trọng nào trong công việc kinh doanh của mình?

• Khách hàng

• Ngành nghề

• Báo chí thương mại

• Các buổi triển lãm thương mại

• Những chiến lược quảng cáo hiện tại

• Sự hình thành các Nghị định 

• Những biểu hiện

• Rủi ro tài chính

• Các khóa đào tạo

• Xu hướng thị trường

• Tin tức kinh doanh

• Điều kiện thị trường

• Báo cáo thường niên

Bạn biết tất cả mọi điều về sản phẩm và dịch vụ của mình chứ? Hay mọi điều về đối thủ cạnh tranh? Để làm chủ sản phẩm của mình, bạn cần trả lời đầy đủ những câu hỏi sau:

• Những điểm mạnh và điểm yếu của sản phẩm hay dịch vụ là gì?

• Những lợi thế và bất lợi về sản phẩm hay dịch vụ là gì?

• Nền kinh tế sẽ thúc đẩy hoặc ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của tôi như thế  nào?

• Tôi sở hữu bao nhiêu % thị trường? Còn các đối thủ của tôi?

• Tại sao khách hàng trung thành với sản phẩm hay dịch vụ của tôi?

• Tôi biết gì về các yếu tố dưới đây của mình và của đối thủ: 

– Cơ cấu giá?

– Các lựa chọn?

– Bảo hành?

– Dịch vụ bảo trì?

– Dòng sản phẩm?

– Cơ chế tài chính?

– Báo cáo dịch vụ?

– Bảo đảm?

– Các chiến thuật quảng cáo và tiếp thị?

TRI THỨC LÀ SỨC MẠNH

Nếu bạn nghĩ giáo dục tốn kém, hãy cố gắng phớt lờ nó đi.

— DEREK BOK  —

Càng học nhiều, bạn sẽ càng nhận ra rằng mình biết rất ít. Tôi đã hiểu được một điều rất thú vị rằng vế ngược lại cũng đúng: càng học ít, bạn lại càng nghĩ mình hiểu biết nhiều. Theo đó, sự ngu dốt và kiêu ngạo thường đi kèm với nhau. Nếu không chăm chỉ rèn luyện, chúng ta sẽ không nhận ra được rằng những tri thức phong phú bên ngoài đang chờ để được khám phá. Chúng ta đang sống trong thời đại thông tin, và nếu không dành thời gian để học hỏi công nghệ và nâng cao nền tảng tri thức cho mình, bạn sẽ nhanh chóng bị tụt hậu và sẽ rất khó khăn để bắt kịp. Tri thức là chìa khóa thành công trong cuộc sống. Các nghiên cứu đã liên tiếp chứng minh rằng những ai đang học hỏi và nâng cao năng lực hàng ngày thì đều thành công và lạc quan hơn trong cuộc sống.

Thật thú vị khi so sánh trí óc của những nhà thuyết phục bình thường với những nhà thuyết phục giỏi trong vấn đề đào tạo và giáo dục. Những nhà thuyết phục bình thường nói: “Đắt đỏ quá”, “Trước đây tôi đã nghe về chuyện này rồi” hoặc “Tôi không có thời gian” và rồi mặc kệ. Họ không cân nhắc kỹ tới những lợi ích mà giáo dục và đào tạo mang lại. Trong khi đó, các nhà thuyết phục giỏi lại nghiên cứu kỹ càng và sau đó đưa ra những quyết định dựa trên câu trả lời cho câu hỏi: “Tôi sẽ nhận được gì sau khoản đầu tư này?” Giáo dục và sự phát triển cá nhân không bao giờ là đắt cả. Chính sự ngu dốt và thiếu thành công mới tốn kém. 

Bạn sẽ chẳng bao giờ có thể trở thành một chuyên gia nếu ngừng học hỏi và tích lũy chuyên môn. Hãy coi cuộc sống như một trải nghiệm của quá trình học hỏi không ngừng.

— DENIS WAITLEY —

Sự phát triển cá nhân có ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh và kết quả đầu ra của bạn. Nếu bạn đang học hỏi và phát triển từng ngày, trí óc của bạn sẽ giống như một tài khoản ngân hàng tốt chứa đựng những điều thú vị. Nếu bạn đang trì trệ, trí óc sẽ giống như một chiếc thẻ tín dụng nợ đọng và chống lại bạn. 

Thậm chí nếu đã học đại học và hoàn thành nhiều bằng cấp khác nhau, thì cuối cùng giáo dục cũng sẽ trở nên lạc hậu nếu bạn không tiếp tục học hỏi những nghiên cứu và tiến bộ mới nhất. Hãy tưởng tượng chuyện gì sẽ xảy ra nếu một bác sĩ phẫu thuật không có thời gian để học thêm về chuyên môn sau khi tốt nghiệp trường y. Trên thực tế, tất cả các bác sĩ sẽ phải tham gia những cuộc hội thảo y học nhất định để khẳng định tấm bằng của họ. Thế giới vận động và thay đổi quá nhanh đến nỗi chỉ cần ngồi lại và nghĩ tới một cấp độ phát triển thôi cũng có thể giúp bạn học hỏi được nhiều điều rồi. Nếu không học hỏi, tinh thần của bạn sẽ trở nên hao mòn.

Nếu bạn không chịu trách nhiệm cho việc học tập của mình thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Hãy nhớ rằng bạn không được trả công cho những khó khăn mình trải qua. Bạn được trả công cho những kết quả bạn đạt được. Bạn phải tìm kiếm các cơ hội học tập và sau đó đặt mình vào những tình huống có thể học hỏi và lĩnh hội tri thức. Bạn phải nghiêm khắc với chính mình để tìm ra cách phát triển trí tuệ. Chẳng hạn, nếu bạn không biết sử dụng máy tính, hãy mua một chiếc và học cách sử dụng nó. Nếu không biết gì về thị trường chứng khoán, bạn hãy tham gia ngay một số khóa đào tạo và bắt đầu đầu tư.

CHẤM DỨT VIỆC BÀO CHỮA

Rất nhiều người trong chúng ta biết mình muốn gì, nhưng lại không thực hiện các bước cần thiết để đạt được điều đó. Thậm chí khi rất muốn, chúng ta vẫn thường đi đường vòng để trì hoãn những bước đi đau thương và khó khăn nhất. Đôi khi, chúng ta né tránh để bảo vệ bản thân khỏi những nỗi sợ hãi vô lý. Chúng ta muốn vươn lên mà không phải trả bất cứ giá nào, muốn cải thiện hoàn cảnh mà không cần cải thiện bản thân. Hàng ngày, chúng ta sống trong sự chờ đợi và mơ mộng với hy vọng những điều may mắn và tốt đẹp sẽ đến. Nếu cảm thấy những điều này đúng với bạn, thì đã đến lúc bạn nghiêm túc nhìn lại mình trong gương rồi đấy. Ngày đó sẽ không bao giờ đến nếu bạn chỉ ngồi đó chờ đợi; nó sẽ chỉ đến khi bạn trải qua những khó khăn gian khổ và làm những việc cần làm. Tôi rất thích những điều mà Richard Taylor, tác giả cuốn The Disciplined Life (Cuộc sống kỷ luật), nói:

“Tham vọng sẽ không bao giờ được nhận ra ngay cả khi nó là bản năng vốn có của con người. Người ta chỉ nhận ra nó khi họ nghiêm khắc với chính mình trong các chương trình đào tạo, sự hy sinh, sự hạn chế, sự bất tiện và những cống hiến đòi hỏi phải có nó.”

Jim Rohn, một trong những diễn giả nổi tiếng nhất nước Mỹ và là một trong những người thầy đầu tiên dạy tôi một bài học có ảnh hưởng lớn về trách nhiệm. Tôi gặp ông lần đầu khi đang ăn tối cùng mười người khác. Tôi kéo một chiếc ghế ngồi gần ông, chỉ để lắng nghe những lời nói thông thái của ông. Không gian tĩnh lặng bao trùm bị phá tan khi ông quay sang và hỏi về những mục tiêu, giấc mơ và tham vọng của tôi. Đáp lại, tôi bắt đầu kể về rất nhiều trở ngại gặp phải trong hành trình đạt được thành công. Tôi liệt kê tất cả lý do khiến tôi không thể đạt được mục tiêu và mơ ước của mình. Tôi kể tên những người phải chịu trách nhiệm và khăng khăng rằng mình chẳng có lỗi gì.

Tôi nghĩ mình vừa giới thiệu tương đối tốt về bản thân. Nhưng sau đó, tôi như bị chiếc búa giáng xuống đầu khi Jim nhìn tôi và nói: “Kurt, muốn mọi thứ thay đổi, cậu phải thay đổi, và để mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn, cậu phải trở nên tốt hơn.” Khoảnh khắc ngắn ngủi đó đã thay đổi cuộc đời tôi mãi mãi. Nó giúp tôi nhận ra rằng mọi thứ mong muốn trong cuộc đời này sẽ do sự thay đổi của chính cá nhân mình quyết định. Tôi cũng hiểu rằng bất kể lời bào chữa là gì − dù đúng hay sai − đều không tạo ra được kết quả. 

Những doanh nhân hàng đầu biết sự thay đổi chính là chìa khóa cho sự thành công và khả năng thuyết phục người khác của họ. Khi hiểu làm thế nào có thể thay đổi được, chúng ta sẽ có thể giúp người khác thay đổi. Giúp đỡ người khác thay đổi là một phần quan trọng để thuyết phục họ. Tuy nhiên, chúng ta thường chống lại sự thay đổi một cách mạnh mẽ. Tại sao sự kháng cự lại thường xuyên xuất hiện như vậy? Chúng ta chỉ có thể trở thành người mình mong muốn nhờ sự thay đổi. Việc chúng ta làm không đòi hỏi tiền bạc, tinh thần hay vật chất mà phụ thuộc vào việc chúng ta có sẵn sàng thay đổi không. 

Đôi khi, mọi người thực sự sợ hãi việc trở nên “quá” thành công. Khi đạt được thành công rồi, có thể bạn sẽ cảm thấy rất nhiều trách nhiệm đang đặt trên vai mình. Vì thế, bạn nên đạt được thành công như thế nào? Làm thế nào bạn có thể sống lành mạnh? Bạn nên giàu có ở mức nào? Những mối quan hệ của bạn bền vững ra sao? Bạn hãy cân nhắc câu trích dẫn dưới đây của Marianne Williamson :

“Nỗi sợ hãi sâu sắc nhất không phải là chúng ta không thể thích nghi được với xã hội mà là chúng ta mạnh mẽ vượt ngoài giới hạn. Chính mảng sáng chứ không phải mảng tối, khiến chúng ta cảm thấy sợ hãi nhất. Chúng ta tự hỏi: ‘Tôi phải là ai để tỏa sáng rực rỡ, tài năng và phi thường?’ Thực ra, bạn phải là ai chứ? Bạn là đứa con của Chúa. Vai trò của bạn nhỏ bé đến nỗi không thể phục vụ thế giới. Chẳng có thứ ánh sáng nào phát ra nên mọi người sẽ không cảm thấy thiếu an toàn khi ở bên bạn.”

Bất chấp khả năng không tưởng trong mình, chúng ta thường lập trình bản thân để làm điều gì đó ít nhất có thể để đạt được nó. Chúng ta chỉ làm điều đó khi bị bắt buộc để tồn tại. Tôi nhìn thấy xu hướng này ở những sinh viên của mình tại một trường đại học địa phương. Tâm lý của các em là, “Khối lượng bài tập ít nhất em phải hoàn thành để vượt qua khóa học là gì?” Các sinh viên này đang phải chi trả rất nhiều tiền để hoàn thành cấp học của mình, và bạn hiếm khi nhìn thấy họ tận dụng tất cả các nguồn lực cần thiết. Chúng ta còn chứng kiến những hiện tượng lười biếng về tinh thần và chống cự với sự thay đổi ở công sở của mình: “Khối lượng công việc ít nhất tôi phải làm để nhận được lương và không bị sa thải là gì?” Chúng ta sẽ không bao giờ tìm được hạnh phúc với một tâm lý thờ ơ kiểu như thế này, và kết quả là, tâm hồn chúng ta bắt đầu chết dần chết mòn.

Chúng ta thường bị nản chí do không nhìn thấy ngay những kết quả, đặc biệt sau khi đã nỗ lực rất nhiều. Chúng ta muốn giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và dễ dàng. Tuy nhiên, cuộc sống không diễn ra như vậy. Nếu ai đó phải mất một năm để giảm 9kg trọng lượng cơ thể thì tại sao người khác lại nghĩ mình có thể giảm được số cân này chỉ trong vài tuần? Nguyên tắc này cũng đúng trong trường hợp ngược lại. Có thể chúng ta không nhận ra khóa học mình đang trải qua nhanh đến mức nào sau vài năm, do thực tế rằng những kết quả thu được thường xuất hiện rất chậm. Hãy lấy ví dụ về  thói quen ăn kiêng của bạn. Bạn vẫn biết thức ăn nhanh không có lợi cho mình, và luôn tự nói : “Sẽ chẳng hại gì nếu hôm nay mình ăn một chiếc hamburger với những miếng khoai tây rán lớn đâu nhỉ?” Hậu quả là bạn sẽ có một cơ thể không khỏe mạnh sau một thời gian − có thể là vài năm − và biểu hiện ra ngoài rất hiển nhiên. Sự hài lòng do bữa ăn nhanh và ngon miệng mang đến lúc này đã chế ngự những mối quan ngại cho tương lai, mà tại thời điểm này, chúng dường như vô nghĩa. 

Một người có vô số lý do để trì hoãn chương trình phát triển cá nhân của mình. Trường hợp nào dưới đây sẽ réo vang hồi chuông cảnh tỉnh bạn?

• “Tôi có thể chi trả được.”

• “Nó quá đắt.”

• “Công ty nên chi trả khóa học đó cho tôi.”

• “Tôi không có thời gian.”

• “Không quá khó để vượt qua điều đó.”

• “Tôi có thể tìm ra cách hay hơn.”

• “ Đó thực sự chỉ là một điều may mắn thôi.”

• “Trước đây tôi đã nghe về nó rồi.”

• “Tôi ngại thừa nhận những điểm yếu của mình.”

• “Công việc của tôi chuyên sâu đến mức không ai có thể giúp đỡ được.”

• “Điều đó quá tải − tôi thậm chí chẳng biết phải bắt đầu từ đâu nữa.”

PHÁ VỠ HAY VƯỢT QUA?

Ngọc không thể sáng nếu không được mài, cũng như con người không thể trưởng thành nếu không trải qua gian nan.

— KHỔNG TỬ —

Một khía cạnh khác của sự phát triển cá nhân là việc bạn giải quyết những trở ngại và thách thức như thế nào. Những nhà thuyết phục giỏi có thể đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã. Khi vượt qua được một thách thức trong cuộc sống, bạn sẽ nghỉ ngơi hay tiếp tục tiến lên phía trước? Tôi nhìn lại những năm tháng nghiên cứu đã qua để xem mình đã giải quyết những khó khăn như thế nào và xác định xem tôi là ai. Tôi tin rằng mỗi thử thách hay trở ngại bạn phải đối mặt trong cuộc đời sẽ trở thành một trải nghiệm học hỏi mà bạn có thể sử dụng để đưa cuộc sống hay thu nhập của mình lên một mức độ mới. Khi những khoảnh khắc này xuất hiện, chúng sẽ mang đến cho bạn những tổn thương về tinh thần hay giúp bạn hiểu rõ niềm đam mê của mình. 

Việc bạn là ai không quan trọng; bởi bạn sẽ được thử nghiệm. Hãy tự hỏi bản thân: “Tôi sẽ vượt qua được bài thử nghiệm này chứ, hay tôi sẽ bị trượt và phải làm lại?” Chúng ta phải nhớ rằng những trải nghiệm này sẽ khuyến khích và thúc đẩy mỗi người. Mọi thứ xảy ra trong cuộc sống sẽ dạy cho bạn những bài học bổ ích. Dù bài học đó vô nghĩa hay đau thương, sẽ luôn có điều gì đó bạn có thể học hỏi được từ nó. Cách bạn nhìn nhận những thách thức sẽ cho thấy liệu bạn đang thực sự tận hưởng cuộc sống hay chịu đựng nó. Cuộc sống tạo cho bạn những lý do để bào chữa hay tiếp thêm cho bạn sức mạnh? Bạn tự thương hại mình hay đang xây dựng sự tự chủ? Helen Keller đã nói, “Tự thương hại là kẻ thù tồi tệ nhất của con người, và nếu chịu thua nó, chúng ta sẽ chẳng bao giờ làm được điều gì khôn ngoan trong cuộc đời này cả.”

Cơ hội thường đến trong hình thái của nỗi bất hạnh hay sự đấu tranh tạm thời.

— NAPOLEON HILL —

NÂNG CẤP TIỀM NĂNG TƯƠNG LAI CỦA BẠN

Bây giờ là lúc cẩn thận nhìn lại chương trình phát triển cá nhân của bạn. Có những cách nào để thúc đẩy chương trình này? Hàng ngày, bạn đang học hỏi hay trì trệ và trở nên lạc hậu? Bạn đang đến gần hơn hay ngày càng xa rời những mục tiêu của mình? Hãy học cách để trở nên xuất sắc trong lĩnh vực của bạn. Hãy tìm ra những người xuất sắc trong ngành và các chuẩn mực sẽ giúp ích cho bạn. Hãy đầu tư để trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Đừng đặt mục tiêu trở thành người bình thường. Hãy thay đổi mọi thứ cản trở bạn trong cuộc sống. Hãy luyện tập các kỹ năng hàng ngày. Học hỏi từ những trở ngại và những sai lầm. Sau bất kỳ tình huống thuyết phục nào, tự hỏi bản thân điều gì bạn đã làm tốt và điều gì bạn có thể làm tốt hơn. Và hãy chắc chắn rằng bạn hiểu được lý do dẫn đến thất bại của mình.

Bạn nên tham dự các buổi hội thảo, mua các cuốn sách, tìm cho mình một người cố vấn và mua những chiếc đĩa CD để trên ô tô. Hãy nhớ rằng không đánh giá chi phí của chương trình mà là những gì bạn sẽ nhận lại được sau khoản đầu tư này. Tôi đã từng nghe rất nhiều nhà thuyết phục tài năng nói rằng chính cuộc hội thảo họ tham gia hay người thầy nào đó đã thay đổi cuộc sống của họ. Những nhà thuyết phục trung bình thì lại nói: “Hãy cho tôi biết điều gì mới mẻ nếu không việc đó chẳng có hiệu quả gì.” Tôi đã từng được mời đến một cuộc hội thảo và tốn mất 6.000 đô-la. Lúc đầu tôi nghĩ là đắt quá, nhưng rồi tôi nhận ra rằng chẳng có bất cứ nhà sản xuất hàng đầu nào ngần ngại khi đăng ký tham gia cả. Tôi đã thay đổi suy nghĩ của mình và quyết định tham gia cuộc hội thảo. Điều đó đã góp phần thay đổi những kỹ năng, thu nhập và cả cuộc sống của tôi. Câu hỏi “Tôi phải tốn bao nhiêu tiền?” được thay bằng “Tôi sẽ phải trả giá như thế nào nếu không tham gia?” Chương trình phát triển cá nhân chính là chìa khóa cho cánh cửa thành công trong tương lai của bạn. 

Truyện ngụ ngôn: Ếch và bò

“Bố, bố ơi!”, một chú ếch con gọi bố khi đứng bên bờ ao. “Con vừa nhìn thấy một con quái vật to khủng khiếp! Nó to như một quả núi với cái sừng trên đầu và một chiếc đuôi dài”, ếch con nói. “Có gì đâu con trai,” ếch bố đáp. “Đó chỉ là một con bò thôi mà. Nó không to đâu; nó có thể cao hơn bố tí xíu, nhưng bố có thể dễ dàng làm mình to lên; con xem này.” Nói đến đây, ếch bố bặm môi vào thổi, thổi mãi, thổi mãi. “To bằng chú bò đó chưa?” ếch bố hỏi. “Ồ, to hơn thế cơ bố ạ,” ếch con trả lời. Thêm một lần nữa, ếch bố bặm môi thổi tiếp và lại hỏi con trai xem liệu thế đã đủ to chưa. “To hơn, bố ơi, to hơn nữa,” chú ếch con hét lên. Rồi ếch bố hít một hơi thật sâu, thổi, thổi và lại thổi. Sau đó, ếch bố nói, “Bố chắc rằng chú bò kia không to bằng…” nhưng lần này, ếch bố đã bị nổ tung.

Ý nghĩa: Tính tự phụ, phủ nhận và đổ lỗi cho tình huống hiện tại của bạn và thiếu sự phát triển cá nhân sẽ dẫn tới hủy hoại bản thân. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.