Mẹ Không Thể Ép Con, Nhưng Thuyết Phục Thì Được
CHƯƠNG III. LÀM THẾ NÀO ĐỂ THÚC ĐẨY ĐỨA CON CỨNG ĐẦU CỦA MÌNH?
Cô học sinh lớp chín, Shannon, nhận bài tập lớn về nhà từ sáu tuần trước. Nhưng cô bé chỉ hào hứng được mỗi hôm đầu, chọn xong đề tài là cô bé quẳng luôn bài vở qua một bên và quên bẵng cho tới sát ngày nộp. Ngày trước hạn cuối, không khí căng thẳng bao trùm khắp gia đình. Người mẹ vô cùng ức chế vì Shannon đợi nước tới chân rồi mới nhảy. Shannon thì quay cuồng giữa đống ngổn ngang tài liệu, sách vở, bày vung vãi đầy bàn ăn, vắt chân lên cổ làm bài cho xong.
Suốt bốn mươi tám giờ tiếp theo, Shannon nghỉ xả hơi ít nhất hai mươi hai lần và mười hay mười hai lần ăn bữa nhẹ. Cả nhà bước vòng qua những núi sách và phải gọi pizza ở ngoài. Động tí là nổ ra cãi vã, và dần dần, không ai còn giữ nổi kiên nhẫn nữa. Nhưng rồi đến 1 giờ sáng ngày thứ Hai, Shannon cũng hoàn thành bài tập của mình. Sáng hôm đó cô bé tới trường, không hay biết gì về mớ hỗn độn và sự căng thẳng cô bỏ lại đằng sau cánh cửa.
***
David sắp tròn năm tuổi, mà còn chưa biết ngồi xí bệt. Mẹ cậu đã thử đủ cách. Từ hứa hẹn cho nó những món đồ chơi mơ ước, rồi lại dọa sẽ làm bẽ mặt nó với bạn bè, hết răn đe, phạt lại đến treo thưởng. Không ăn thua. Dường như cậu bé đã “hết thuốc chữa”. Phải làm gì đây?
Cuối cùng bà mẹ quyết định gặp bác sỹ. “Tôi phải làm gì bây giờ? Chỉ cần nói tôi biết cần phải làm gì,” bà năn nỉ bác sỹ. “Việc gì tôi cũng làm.”
Vị bác sỹ mỉm cười. “Chị đã trầm trọng hóa vấn đề,” ông nói một cách giản đơn. “Đừng chuyện bé xé ra to như thế. Chỉ cần chị đừng coi việc đó là vấn đề.”
Mẹ của David hoài nghi: “Nhưng đó đúng là vấn đề! Nó năm tuổi đến nơi rồi!”
Bác sỹ lắc đầu. “Thằng bé làm được mà. Nhưng ép buộc không phải là cách.”
***
Joanne là một cô bé mười hai tuổi bình thường như các bạn đồng trang lứa, nhưng mẹ cô bé cầu nguyện hàng năm trời chỉ để con gái mình trở nên ngoại lệ một chút xíu mà thôi – để cô bé học cách giữ phòng ngủ sạch sẽ gọn gàng. Bởi Joanne vẫn chứng nào tật nấy sau bao nỗ lực thay đổi của người mẹ, nhìn chung bà đã mất lòng tin. Chẳng lẽ con gái bà được định sẵn để trở thành đứa trẻ bừa bộn nhất quả đất hay sao? Có khi nào cô bé học được tính tổ chức và gọn ghẽ hay không?
Cho đến một ngày, trong buổi họp phụ huynh, cô giáo nhiệt tình khen ngợi Joanne, một trong những học sinh “xuất sắc” của lớp. “Nói sao đây, cả bàn học của con bé cũng sạch bong và sắp xếp đâu ra đấy!” Người mẹ không tài nào tin rằng họ đang nói về cùng một người, nhưng rồi bà kinh ngạc khi nhìn thấy tận mắt bàn học của con gái mình. Cây bút chì nào cũng được bén gọt; từng mẩu giấy, từng món đồ nhà trường phát được xếp thành hàng và phân thành từng loại. Sao có thể thế được? Làm sao Joanne có thể sạch sẽ, ngăn nắp như lau như li đến thế ở trường còn ở nhà lại bạ đâu vất đấy như một đứa đại lãn thế?
***
Có cảnh ngộ nào bạn thấy quen hay không? Bạn đã từng băn khoăn tại sao thôi thúc TCĐ của mình làm điều tốt nhất lại khó đến thế hay chưa?
Charlie Brown trong sê-ri truyện tranh Đậu Phộng (Peanuts) từng than thở: “Không gánh nặng nào hơn một tiềm năng to lớn!” Làm cha mẹ, bạn có thể dễ dàng nhìn thấu những khả năng tuyệt vời ở con mình, nhưng để gò đứa bé đi đúng hướng mới khó làm sao. Sự bất hợp tác của con sẽ tạo ra bầu không khí căng thẳng khủng khiếp giữa hai người. Phần lớn những đấng sinh thành sẽ sa vào vòng luẩn quẩn: dọa dẫm không được lại ngon ngọt, ngon ngọt không được lại đe nẹt, và quát tháo. Quy trình đó cứ thế lặp đi lặp lại mà chẳng hề hiệu quả.
Tiến sĩ Dobson mô tả vấn đề này như sau:
Không có phương pháp dạy dỗ (dù ở lứa tuổi nào) nào kém hiệu quả hơn là gây hấn và nổi giận. Thế nhưng, hầu hết người lớn chỉ hành động dựa trên cảm xúc cá nhân của mình để lấy cho được sự hợp tác của con trẻ. Một giáo viên từng nói trên kênh truyền hình quốc gia: “Tôi muốn trở thành một nhà giáo dục chuyên nghiệp, nhưng tôi lại ghét công việc dạy dỗ mỗi ngày. Học sinh của tôi vô kỷ luật tới mức lúc nào tôi cũng phải nổi đóa với chúng mới có thể ổn định được lớp học.” Thật chán nản biết bao nếu ngày nào cũng như ngày nào, năm này qua năm khác lúc nào cũng phải mang cái bộ mặt khó tính và cáu kỉnh thế. Vậy nhưng rất nhiều giáo viên (và phụ huynh) không hề biết một cách nào khác để dạy dỗ trẻ con cả. Tin tôi đi, cách đó chỉ tổ mua giận vào người chứ chẳng ích gì!
Vậy thế nào mới hiệu quả? Rõ ràng bạn không thể cứ mặc TCĐ của mình sống mà chẳng có chút tham vọng, động lực phấn đấu được. Và tất nhiên bạn cũng không thể dung thứ thói lười biếng hay nhắm mắt làm ngơ trước hành vi xấu của con. Tin tốt là, bạn không phải làm vậy.
Tôi tin rằng hiểu rõ được cách nhìn của một TCĐ (bạn sẽ thấy trong chương này) sẽ giúp bạn tìm ra cách thúc đẩy TCĐ hiệu quả. Dù vậy, trước khi đọc, tôi mong bạn hãy gác sự căng thẳng và giận dữ sang một bên. Dẹp qua một bên quyết tâm bắt con cái làm theo ý mình. Như vậy không có nghĩa là bạn vô trách nhiệm, chỉ là bạn cần một góc nhìn mới về việc làm cách nào khiến TCĐ của mình có được những thành quả như mong ước.
Nếu muốn thúc đẩy con cái, nguyên tắc dưới đây rất hữu dụng, nhưng nhất thiết là bạn phải có niềm tin vào TCĐ của mình:
HÃY LUÔN TÂM NIỆM CÂU HỎI: “ĐỂ LÀM GÌ?” ĐỂ XÁC ĐỊNH ĐIỀU BẠN MONG MUỐN
Tôi đã giới thiệu nội dung câu hỏi “để làm gì” trong chương 2. Trong chương này, tôi sẽ giúp bạn hiểu vì sao điều này lại quan trọng đến vậy và chỉ cho bạn cách TCĐ suy nghĩ. Chúng luôn muốn biết mục đích của một nhiệm vụ hoặc một mục tiêu là gì, chủ yếu là để đưa ra quyết định xem có đáng bỏ công sức ra hay không. Xét cho cùng, ai là người đặt ra mục tiêu ngay từ đầu? Tại sao? Thế khi đã hiểu phải đạt được cái gì, nếu chúng tìm ra cách tốt hơn để làm thì sao? Thông thường TCĐ sẽ không cố đeo bám bạn để hỏi những câu như vậy. Mà sẽ cố gắng tìm ra điều cần suy nghĩ và cách kiểm soát thế giới riêng của mình.
Đơn cử như chuyện giao việc nhà cho con. Tôi, TCĐ được phân công đổ rác. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng ngay lập tức tôi phản đối. “Tại sao con phải mang rác đi đổ?” Lẽ tự nhiên, bạn sẽ đáp: “Bởi vì đó là việc của con.” À vâng. Trả lời sai. Ai quyết định đó là việc của tôi? Tại sao tôi không được chọn? Cá là chưa gì bạn đã mất kiên nhẫn với tôi rồi. Dù sao, phận làm con phải nghe lời bố mẹ cơ mà. Hết chuyện. Có đúng vậy không? Bạn làm cách nào đề ra câu hỏi “để làm gì” trong trường hợp này?
TCĐ thà đối phó với một đống vấn đề khó nhằn nhưng lí thú còn hơn phải làm một danh sách việc nhà tẻ ngắt. Thế nên, hãy cố thử kêu gọi tôi cống hiến sức lực cho việc nhà xem. Ví dụ, bạn có thể nói thế này: “Bố mẹ gặp phải một vấn đề. Xe chở rác sẽ đến vào thứ Ba. Bố phải đi họp sớm; mẹ phải đưa hai em tới trường. Phải có người mang rác đi đổ trước 8 giờ sáng chứ nhỉ. Con có ý kiến gì không?”
Tôi có thể có, có thể không đưa ra gợi ý nào ngay lúc đó. Có thể là một giải pháp thỏa mãn bạn hoặc không. Nhưng thế bạn đã kéo tôi vào cùng rồi đấy. Bạn cho tôi biết mình nghĩ gì và tại sao bạn sắp nhờ tôi đổ rác ngày thứ Ba. Nếu tôi nói không muốn làm, hãy nhắc tôi rằng các anh chị em cũng đang chia sẻ việc nhà và ai cũng cần nhấc thân lên mà làm lụng. Vậy tôi có suy nghĩ gì về việc phân công công việc? Biết đâu tôi sẽ nảy ra ý tưởng sáng tạo nào đó khiến bạn thích thú. Cũng có thể tôi cứ thế đồng ý và đi đổ rác là được. Đối với tôi, điều quan trọng là tôi đã giúp bạn giải quyết một vấn đề, chứ không phải mù mờ đâm đầu làm theo chỉ thị của bạn.
Đôi khi giải pháp chỉ đơn giản là đặt ra câu hỏi: “Con có muốn biết tại sao mẹ muốn con làm việc này không?” Nếu vận dụng hiệu quả câu hỏi này, bạn có thể củng cố khả năng suy nghĩ độc lập của con. Vì chúng ta đều mong muốn có được sự hợp tác của TCĐ, đừng quên nhắc nhở bản thân tập trung vào điểm chính của mỗi việc. Bạn đang cố đạt được điều gì? Có cách nào khác để làm điều đó không? Bạn đang thử thách con mình để nó suy nghĩ về những khả năng chăng? Bạn đã chuẩn bị để nó thử nghiệm những khả năng đó chưa?
ĐẢM BẢO TCĐ CỦA BẠN CAM KẾT THỰC HIỆN MỤC TIÊU
Một lần, ở Washington, một trong những giáo sư từng dạy tôi môn phương pháp học tập mở một lớp học với lời mời đưa chúng tôi tới Cleverland. Ông nói sẽ đưa ra một vài lựa chọn để đi tới đó. Chúng tôi có thể di chuyển bằng máy bay, tàu hỏa, xe buýt hay bất cứ phương tiện nào phù hợp. Thậm chí chúng tôi có thể sáng tạo ra và đi bằng xe đạp hay khinh khí cầu nữa cơ đấy.
Hẳn ông thừa biết chúng tôi cho ông là gàn dở. Sau một lúc, ông dừng lại và mỉm cười. Và ông làm sáng tỏ ý định của mình: “Nếu các bạn không muốn tới Cleverland, tôi có đưa ra nhiều phương tiện giàu tính tưởng tượng và lí thú đến mấy để đưa bạn đến đó cũng chẳng quan trọng. Mọi chiến lược dạy dỗ hoặc nuôi nấng con cái trên đời này dù sáng tạo đến đâu cũng chẳng thể giúp gì bạn nếu bạn không làm con mình mong muốn tới được nơi bạn mong muốn.”
Điều này thực sự đã khai sáng nhiều thứ. Khi ép buộc con cái làm theo những gì chúng ta muốn, ta thường bỏ qua sự thật rằng chúng không hề cam kết đạt được mục tiêu chúng ta đề ra. Bạn không thể bắt con làm điều bạn muốn. Điều bạn có thể làm là truyền cảm hứng, thúc đẩy, và thuyết phục.
Lấy ví dụ những trận cãi vã điển hình giữa bố mẹ và con cái khi chúng không chịu ngồi vào bàn ăn và ăn những gì được dọn sẵn. Chúng cần phải ăn, đúng không? Chúng không thể sống chỉ nhờ đồ ăn nhanh và thức ăn vặt được, phải không nào? Vậy nên bạn khăng khăng ép chúng phải ăn thứ gì tốt cho chúng bất kể con mình có thích hay không. Nhưng bạn không thể thực sự bắt chúng ăn bất cứ thứ gì. Và lời giải thích của bạn rằng những thức ăn đó tốt cho chúng cũng chẳng hề thuyết phục. Vậy làm cách nào để khiến TCĐ khảnh ăn đó chịu nuốt những thức ăn giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khoẻ?
Mặc dù mỗi TCĐ có đôi chút khác nhau, nhưng về cơ bản, chúng đáp lại khá thiện chí với những yêu cầu về các công việc mà chúng tin sẽ có ích cho bản thân mình. Thêm vào đó bạn có thể lợi dụng tính ưa cạnh tranh và đam mê thử thách vốn nằm trong máu của những TCĐ để khích chúng tự giác ăn.
Mới đến tuổi tập đi, đứa cháu cứng đầu Tracy của tôi đã rất hay lơ đãng và luôn tay nghịch ngợm, chẳng ngó ngàng gì đến chỗ thức ăn mà mẹ nó đã chuẩn bị. Ngồi ăn tại bàn với nó y như một cực hình, và sau khi gẩy gót thức ăn, nó bắt đầu mè nheo và tìm cách chuồn khỏi đó. Bố con bé quán triệt tinh thần con-sẽ-ngồi-yên-ở-đấy-đến-khi-nào-chịu-ăn-thì-thôi, còn mẹ thì cứ vờ-như-miệng-con-là-hầm-chứa-máy-bay-nào, nhưng cuối cùng Tracy vẫn mất hàng giờ gà gật bên bàn ăn trước một đống đồ ăn nguội lạnh.
Chị nó, Kelli, đã vô tình tìm ra một giải pháp hữu hiệu. Số là, bữa tối nọ, Tracy ngúng nguẩy không chịu ăn thịt. Đúng lúc bố đang hầm hầm chuẩn bị quở mắng đứa bé, đứa lớn xen vào. “Không sao đâu, bố ạ. Con chẳng muốn em ăn hết chỗ thịt đó tẹo nào. Con là lớn nhất cơ mà. Con chẳng thích Tracy lớn bằng con hay khoẻ hơn con chỉ vì em ăn hết bữa tối của mình đâu. Kệ em đi bố. Để con ăn chỗ thịt của em cho.”
Mắt Tracy loé lên vẻ ngạc nhiên và giận dữ. “Không đời nào!” con bé hét lên. “Chị không được ăn thịt của em! Em sắp khoẻ hơn chị rồi!” Khi con nhóc ăn ngấu ăn nghiến phần thịt của mình, bố mẹ nó nhìn nhau kinh ngạc.
Nghe như thể một mánh lới giản đơn và lộ liễu. Ấy thế mà, trong vài tháng tiếp theo, chỉ cần hơi nhắc nhỏm rằng chị Kelli khoẻ hơn là có thể củng cố quyết tâm ăn uống lành mạnh của Tracy rồi. Khi con bé lớn thêm, dĩ nhiên cách đó thành vô hiệu, nhưng tới lúc đó thì chính con bé đã tìm ra nghìn lẻ một những lí do hay ho hơn để ăn uống đúng cách: để giữ dáng này, để thi đấu bóng đá này, v.v
Đôi khi định ra mục tiêu cho TCĐ của mình là không đủ. Bạn còn phải tìm ra điều gì sẽ lôi cuốn đứa trẻ khiến nó muốn đạt được mục tiêu ấy.
GIÚP CON XÁC ĐỊNH NHỮNG GÌ CÓ THỂ LÊN GIÂY CÓT TINH THẦN
Là một TCĐ điển hình, tôi thường rất hào hứng bắt tay vào làm mọi thứ, nhưng sau đó lại chán ngay được, thế là đâm ra chểnh mảng, lơ là. Với nhiều bậc cha mẹ, đặc biệt những vị dễ cáu bẳn, đó đúng là biểu hiện của sự trì trệ. Nhưng với TCĐ, có sự khác biệt giữa sự ngần ngừ và chuyện thiếu cảm hứng. Cách phân biệt chúng ở trong chính câu hỏi: Cần làm gì thì mới có thể tạo cảm hứng cho tôi?
Thường thường, chỉ quan sát không thôi cũng đủ giúp bạn xác định được điều gì gây hứng thú cho con mình. Ngay từ khi TCĐ của bạn mới chập chững biết đi, hãy để ý những lần nó đặc biệt vui thích hoặc dồn sức tập trung vào một việc cụ thể nào đó. Nhờ vậy bạn có thể nắm được vô số chỉ dẫn mà không cần hỏi han.
Vì lý do công việc, tôi hay phải đi công tác xa, các con trai tôi đã phải bay qua bay lại thường xuyên từ khi còn rất bé. Ngay khi mới lẫm chẫm, mối quan tâm của chúng đã khác nhau rồi. Trên chuyến bay, Robert sẽ ngay lập tức đánh bạn với các cô tiếp viên hàng không và hành khách cùng bay. Còn Mike, nó lập tức cắm cúi xem nệm ghế ngồi liệu có phải một thiết bị nổi được hay không. Mỗi khi chuẩn bị cho một chuyến đi mới với mấy đứa con đã mệt nhoài vì đường xá, tôi biết mình phải dùng phương pháp khác để tạo cảm hứng cho mỗi cậu con trai: Robert muốn được nghe về những người bạn mới và những sự kiện xã hội thú vị; Micheal lại cần được hứa hẹn những vùng đất mới để khám phá, những nơi chưa từng khai phá để thám hiểm.
Ngay khi TCĐ nhà bạn đủ lớn để hiểu lí lẽ, bạn có thể hỏi: “Phải làm gì mới có thể thúc đẩy con làm điều này?” Hãy cứ chuẩn bị tâm lý nghe những câu trả lời đại loại như “Con không biết” hay “Chẳng gì cả”. Nhưng đừng mất tinh thần. Con bạn sẽ hiểu rằng bạn đang nghiêm túc nếu bạn kiên trì hỏi đi hỏi lại, tốt nhất là nên để đến ngày hôm sau, thậm chí là vài ngày sau và hãy tỏ ra kiên quyết đợi câu trả lời.
Bạn cũng phải chuẩn bị tinh thần rằng câu trả lời đầu tiên có thể nghe thật hỗn. TCĐ sẽ luôn cố gắng quan sát phản ứng của bạn, và nó biết cách khích bạn. Thế nên đừng quá sốc vì câu trả lời lúc đầu. Cứ nhìn con và chớp mắt với nó, chờ tới khi nó đưa ra câu trả lời hợp lý. Sẽ nhanh thôi nếu con bạn nhận ra rằng bạn đã đi guốc vào bụng nó.
Lần đầu tôi viết về cách thúc đẩy con cái là trong cuốn sách Every Child Can Succeed (Mọi đứa trẻ đều có thể thành công). Hoàn cảnh có thể khác, nhưng quá trình để đạt được mục đích trước sau vẫn vậy, và công cuộc thúc đẩy TCĐ đòi hỏi sự kiên nhẫn. Nói cho dễ hiểu: bạn muốn phòng tôi phải sạch sẽ. Đó đúng là một thảm họa, và chẳng điều gì có thể xem như động lực khiến tôi chấp hành cả. Bạn hỏi tôi điều gì mới khiến tôi dọn phòng cho sạch sẽ. Tôi lắc đầu đáp: “Chẳng gì cả, con không thích phòng sạch.” Hãy cố nhịn cục tức xuống mà đáp: “Sao không nghĩ thử xem, và mẹ sẽ hỏi lại vào ngày mai?”
Hôm sau, bạn hỏi lại. Lần này tôi nhún vai trả lời: “Con không biết.” Đừng thúc ép. Cứ đợi thêm một hay hai ngày. Lần này tôi sẽ trả lời: “Tiền. Con thích tiền mặt.” Bạn ra vẻ suy tư, hỏi lại: “Bao nhiêu thì vừa nhỉ?” Trả lời nhanh: “Năm ngàn đô-la.” Đừng nổi xung lên. Chỉ nhìn và chớp mắt. Nếu phải nói điều gì, chỉ cần nhắc lại: “Năm nghìn đô-la ư?” là được.
Và tôi sẽ nhượng bộ: “Thôi được rồi… thì năm đô-la vậy.”
Chỉ thế thôi. Bỏ qua vụ cò kè giá cả, chúng ta đều thấy rõ rằng đòi hỏi của tôi là quá nực cười. Nhưng thay vì quát tháo, chỉ cần nhìn tôi theo cách khiến tôi hiểu rằng bạn sẽ không đời nào cắn câu. Và thế là tôi nhận lấy thứ tôi hiểu là mình có thể thực sự lấy được.
Giờ thì bạn có thể kết thúc cuộc mặc cả. “Được thôi, trong ba tuần tiếp theo, mẹ sẽ cho con năm đô-la một tuần nếu phòng con gọn gàng, sạch sẽ. Nhưng sau ba tuần, con cần nghĩ xem ngoài tiền ra còn điều gì khiến con phải giữ gìn phòng ở ngăn nắp.”
Điều này có hai ý nghĩa. Trước hết, bạn sẽ không phải dùng tiền để mua chuộc thái độ hợp tác của TCĐ (chỉ trong vòng ba tuần đầu). Thứ nữa, con bạn sẽ buộc phải suy nghĩ nghiêm túc: Phải thế nào mới khiến mình làm điều mình không muốn cơ chứ?
Công đoạn này cũng giúp bạn dạy con mình cách tạo cảm hứng và thúc đẩy bản thân nó. Nói cho cùng, một khi con cái rời khỏi gia đình rồi, rất có thể chẳng ai thế chỗ bạn làm người nhắc nhở các loại nhiệm vụ và thúc đẩy, chỉ đạo thành công của TCĐ hết.
Bạn sẽ ngạc nhiên với hiệu quả bất ngờ mà một câu hỏi đơn giản: con muốn gì thì mới chịu làm mang lại. Cha mẹ và thầy cô thường bỏ qua những cách thức đơn giản mà hiệu quả của việc trò chuyện cởi mở chân tình về một vấn đề nào đó. Bạn có thể còn phải công nhận rằng nhiệm vụ cần thực hiện quả là đáng chán và có vẻ chẳng cần thiết tí nào. Nghĩa là, định ra mục đích cho cái việc khó nhằn ấy, và hỏi TCĐ nhà bạn xem điều gì mới khiến nó thực hiện. Nếu con bạn không thể nghĩ ra bất kỳ điều gì, bạn có thể gợi ý một vài thứ. Chẳng bao lâu, TCĐ của bạn sẽ bắt đầu cung cấp những ý kiến của riêng mình. Việc này có thể giúp con bạn suy nghĩ độc lập hơn, tự tạo động lực cho bản thân, và vạch ra những hoàn cảnh và trường hợp có thể giúp chúng đạt được mục đích.
HỎI XEM LIỆU TRẺ CÓ MUỐN BẠN GIÚP KHÔNG HOẶC GIÚP NHƯ THẾ NÀO
Nếu TCĐ nhà bạn hiểu mục đích và kết quả cần đạt được của một mục tiêu nhất định và hứa hẹn sẽ thực hiện, lúc đó bạn có thể vạch ra những phương pháp hoàn thành nhiệm vụ.
Nếu bản thân bạn không phải một TCĐ, bạn có thể bị ngợp trong viễn cảnh phải sáng tạo và thôi thúc quá nhiều. Qua nhiều năm, tôi đã trưng cầu ý kiến nhiều TCĐ không có động lực và tổng hợp được một vài ví dụ hữu ích từng giúp họ khi họ gặp việc gì đó trắc trở, không vui, hoặc nhàm chán. Dưới đây là năm trong số đó:
1. Đừng tự cho rằng tôi cần sự giúp đỡ từ bạn
Từ bé, tính nết đứa con cứng đầu của tôi đã vượt quá cả sự tự lập kiểu “con-tự-làm-được-hết”. Mike, ngay khi mới chập chững biết đi, đã không muốn tôi nhúng tay vào giúp nó giải quyết rắc rối, mà chỉ thích tự mình xoay xở. Giúp nó mở hộp đồ chơi mới, thắt dây giầy hay cắm ống hút vào đồ uống cho thằng bé – những cử chỉ đó thường châm ngòi cho những cơn chống đối quyết liệt của Mike, trừ phi tôi hỏi trước liệu nó có cần tôi giúp hay không. Dù đôi khi vẫn quên, nhưng rồi thì tôi cũng quen với việc hỏi: “Mike, con có cần mẹ giúp gì không?”
2. Định ra một vài “hạn cuối” cho những việc quan trọng
Khi trẻ được giao một bài tập lớn và bạn nhận ra TCĐ của mình quen thói nước đến chân mới nhảy, thử vờ định ra một hoặc hai ngày hết hạn xem sao. Quan trọng là bạn và TCĐ của mình phải làm điều đó cùng nhau để cả hai cùng biết rằng đó không đơn thuần là một trò lừa gạt hay một mưu mẹo tinh vi.
Phác thảo kế hoạch và cùng định ra một hoặc hai hạn định chung chung cho những phần riêng biệt của nhiệm vụ. Chọn ngày cụ thể và phần thưởng cho mỗi lần giao nộp đúng hẹn. Quyết định xem liệu có nên phạt mỗi lần lỡ hẹn hay không và nếu có thì mức phạt là gì? Triển vọng về phần thưởng có tác dụng thúc đẩy hơn nhiều so với hình phạt bị đe dọa, vậy nên hãy nhấn mạnh mặt tích cực hơn là tiêu cực nhé.
3. Nhắc nhở ngắn gọn, không lôi thôi dài dòng
Hỏi trước TCĐ của bạn xem nó có muốn bạn nhắc hạn cuối hay không, nếu có thì sẽ nhắc thế nào. Nếu con bạn coi những nhắc nhở của bạn là rầy rà, thử dùng một mật hiệu nào đó xem sao. Ví như, khi hạn chót gần tới, bạn chỉ cần nói sắp rồi đấy là được. Giữ cho từ ngữ của mình nhẹ nhàng và đừng có ý dọa dẫm gì cả, nhưng cứ y kế hoạch mà làm và không ngừng nhấn mạnh cả hình phạt lẫn phần thưởng. Nếu con bạn còn nhỏ, thay vì hỏi han, hãy thử những từ hoặc cụm từ khác và chọn ra cái ổn nhất.
4. Đưa ra lời khuyên hoặc gợi ý chỉ khi nào được hỏi
Tin hay không, TCĐ luôn chào đón lời khuyên và gợi ý của bạn – miễn là khi chúng đã có lời nhờ vả trước. Còn nếu bạn muốn giúp, lời ướm hỏi của bạn đừng nên nghiêm trang, mà càng vô tư càng tốt. Nếu chúng không hỏi, mà bạn cứ khuyên bảo, cho ý kiến thì rắc rối to rồi đấy. Kiểu gì thì kiểu sẽ có hiểu lầm và chiến tranh.
Khi đưa ra lời khuyên, dù bạn có muốn nhấn mạnh sự từng trải của mình đến đâu cũng cần tỉnh táo tránh nhắc lại “kinh nghiệm xương máu” của bạn. Đừng lan man về những kỉ niệm đến độ khiến TCĐ thấy nhàm tai, chỉ cần nói rõ tại sao bạn có thể hiểu tình thế của nó. Là một TCĐ, tôi thường hay hỏi và nghe theo lời khuyên của bạn nếu tôi cảm thấy ngay từ đầu bạn thẩu hiểu những gì tôi đang trải qua.
5. Cung cấp “dịch vụ cấp cứu”
Lỡ như TCĐ của bạn bỗng dưng đâm sầm vào một bức tường, có thể bạn hoàn toàn thoải mái vô tư đưa ra những trợ giúp khẩn cấp nhưng tốt hơn hết vẫn phải nhấn mạnh ý thức trách nhiệm. Con bạn không thể quen thói cứ đâm đầu đi mà chẳng hề chuẩn bị trước rồi trông đợi những giải cứu phút chót từ một chiếc xe cứu hộ luôn kè kè gần bên. Dịch vụ nào cũng cần trả giá cả.
Giả dụ, nếu TCĐ của bạn quên bẵng việc nói cho bạn những gì nó có thể cần tới cho một kế hoạch vào phút chót, bạn có thể đồng ý phá lệ giúp nó chuẩn bị những gì cần dùng. Sau đó, thay vì nói: “Lần sau, nhớ nói cho mẹ những gì con cần trước ngày chót,” hãy nói: “Con muốn làm gì để giúp mẹ bớt lo lắng cho con đây?”
Bạn và TCĐ của mình có thể đàm phán giá cả những dịch vụ này, có thể là thêm việc nhà hay giao kèo tổ chức lại kế hoạch lần sau, v.v
GHI NHẬN THÀNH CÔNG CỦA CON – NGAY CẢ KHI TƯỞNG NHƯ CHỈ LÀ MẤY ĐIỀU NHỎ NHẶT
Không gì giúp tăng động lực bằng việc được công nhận và đánh giá cao khi đạt được một mục tiêu khó khăn nào đó. Con cái sẽ chỉ có lợi mà thôi khi bố mẹ chúng bỏ công tìm kiếm và trân trọng những việc nó làm. Hành vi và thái độ của ĐTCD cũng sẽ cải thiện đáng kể nếu bạn chỉ ra điểm tiến bộ của chúng. TCĐ luôn muốn chứng tỏ rằng một khi đã quyết tâm, chúng có thể biến điều không thể thành có thể. Hãy để chúng tôi thấy rằng, bạn không nghi ngờ điều đó, dù nó có viển vông như là thay đổi thế giới đi chăng nữa.
Bố mẹ tôi chưa từng chê trách tôi một lần rằng tôi không biết đường phát huy thực lực của mình. Họ chỉ đơn giản là tìm ra ưu điểm của tôi và khen ngợi nó. Họ khuyến khích tôi mơ về mọi khả năng trên đời. Họ sống chẳng dư dả gì, nhưng gia tài họ để lại cho tôi vô cùng quý giá và vĩnh cửu.
Hãy nhớ TCĐ của bạn có tiềm năng rất lớn. Nếu bạn tập nhìn xa hơn những điều thường nhật, biết đâu bạn sẽ tìm thấy những kho báu kếch xù!
NHỮNG LỜI TỪ TRÁI TIM CỦA MỘT TCĐ
• Dạy con biết cách “lên giây cót” cho bản thân có giá trị hơn nhiều so với điều cả tôi và bạn nhận thức được.
• Đôi khi con cần trải nghiệm hậu quả của việc không làm điều gì đó để có động lực làm điều đó sau này.
• Với con, vượt qua thử thách hứng thú hơn nhiều một việc nhà cần làm cho xong.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.