Mẹ Không Thể Ép Con, Nhưng Thuyết Phục Thì Được

CHƯƠNG IX. CÓ BAO GIỜ LÀ QUÁ MUỘN?



Một phụ huynh trạc ngũ tuần đến gặp tôi sau buổi thuyết trình về chủ đề TCĐ. Bà sụt sịt. “Tôi đã làm sai hết cả. Tôi đã làm và đã nói tất cả những gì là cấm kị với TCĐ.” Bà hít một hơi sâu rồi kể một mạch rằng trước đây bà đã luôn cố khuất phục con gái ra sao, thường xuyên đe dọa và trừng phạt thế nào. “Con gái tôi giờ đã lớn và đang làm luật sư ở California. Con bé không liên lạc gì với tôi và gửi trả lại mọi lá thư tôi viết cho cháu mà chẳng buồn mở ra. Làm sao tôi nói được với cháu là tôi rất hối hận cơ chứ?”

Không may, đây là cảnh ngộ chung của rất nhiều gia đình. Không ít lần tôi đã nghe thấy những than vãn tương tự: “Hai mươi năm trước, cô ở đâu cơ chứ?” “Giờ thì quá muộn rồi. Đứa con bướng bỉnh của tôi đã lớn.” “Tại sao tôi không biết những điều này sớm khi vẫn còn cơ hội thay đổi mọi thứ chứ?”

KHÔNG BAO GIỜ LÀ QUÁ MUỘN ĐỂ NÓI RẰNG BẠN HỐI TIẾC

Sự thật là, bạn có thể khắc phục những chuyện này. Miễn là bạn và TCĐ của bạn còn sống thì không bao giờ là quá muộn để hàn gắn quan hệ. Trong trường hợp bà mẹ này, giải pháp rất đơn giản. Chỉ cần một cuộn video mang tựa đề: “Ai ép buộc con?” với một mẩu giấy viết ngắn gọn, rõ ràng đính trên phong bì: “Mẹ đã sai. Mẹ xin lỗi con.”

Hẳn TCĐ làm nghề luật sư của bà sẽ thử ngó qua thứ mà mẹ cô tuyên bố là một lời thú nhận sai lầm. Một khi tảng băng đã vỡ, có lẽ họ sẽ có thể nói chuyện về quá khứ và mở lòng hơn. Tôi cũng nhắc nhở bà mẹ này rằng không phải bà xin lỗi vì những kỳ vọng đối với cô con gái như: tính kỷ luật, cư xử lịch thiệp, có trách nhiệm với bản thân. Bà xin lỗi vì cách đã đòi hỏi cô đạt được những điều đó.

Những phụ huynh có con trong độ tuổi dậy thì thường rối trí và khó xử khi nhận ra mọi việc có thể khác biệt đến mức nào nếu hiểu được cách tư duy của một TCĐ. Foster Cline và Jim Fay, trong cuốn sách Làm cha mẹ bằng tình yêu và logic đã trấn an các bậc cha mẹ này: 

Thường thì, cứ một tháng làm cha mẹ bằng tình yêu và logic sẽ khắc phục được một năm làm cha mẹ không tốt. Vì thế, nếu con bạn mười hai tuổi, hãy cho bản thân mười hai tháng để giúp con học được cách suy nghĩ có trách nhiệm… Không bao giờ là quá muộn… Quan trọng là vun đắp và xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp bền vững với con – chứ không chỉ trong quãng thời gian niên thiếu của con. Và không bao giờ là quá muộn để cố gắng làm điều đó.

Tôi thật sự trân trọng nỗ lực của những bậc cha mẹ đã kiên trì theo đuổi và đã thành công trên con đường này. Thật không dễ, và họ thường phải làm đi làm lại nhiều lần trước khi thực sự tạo ra được một bước tiến đáng kể. Nhưng phần thưởng sẽ cực kỳ thỏa đáng, và mối quan hệ được thiết lập lại với con trai hay con gái họ có thể kéo dài suốt cuộc đời. Bạn tôi, một biên tập viên sách hàng đầu, Gwen Ellis, gần đây đã viết thư cho tôi:

Tôi và con trai rất tâm đầu ý hợp. Có nhiều điều chúng tôi không cần phải nói ra. Đơn giản là chúng tôi biết rõ người kia nghĩ gì. Nhờ thế, chúng tôi hòa thuận, dễ nói chuyện, và hiểu được cách người kia học hỏi. 

Trái lại, tôi và con gái như nước với lửa, và tôi làm con bé phát điên. Tôi luôn xem qua mọi thứ rồi chuyển ngay sang thứ tiếp theo. Con bé thì muốn xem thật kỹ, có đủ thông tin trước khi sẵn sàng bước tiếp. Cậu có thể hiểu được chúng tôi giao tiếp với nhau khó khăn đến chừng nào đấy. Khi biết đến lý thuyết TCĐ và các phong cách học, tôi lập tức chia sẻ với con bé. Chúng tôi cùng nghiên cứu tài liệu và điều đó đã hoàn toàn thay đổi mối quan hệ mẹ-con gái.

Gần đây nhất, tôi đưa con đến buổi triển lãm nhà và vườn. Vừa bước qua cửa, con bé níu tay tôi và thẳng thắn nói: “Mẹ này, con không chịu nổi kiểu xem triển lãm của mẹ. Mẹ cứ đi qua đi lại chóng cả mặt. Làm sao mẹ biết đã xem hết hay chưa?” Trong thâm tâm, tôi nghĩ: Ai cần phải xem hết mọi thứ cơ chứ? Nhưng tôi chỉ hỏi: 

“Được thôi. Vậy con muốn thế nào?”

“Mình ghé từng gian hàng một mẹ nhé.”

“Được thôi, nhưng con có nhất thiết phải đọc từng câu từng chữ trên các bảng hiệu không?”

“Không ạ.” Con bé đáp và nhe răng cười.

Sau đó, chúng tôi đã đi thăm lần lượt quanh khu triển lãm, xem những gì muốn xem, và có một quãng thời gian tuyệt vời bên nhau.

Hiểu được điểm khác biệt đã cứu được mối quan hệ này. Nó giúp chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi không cố ý gây hấn hay hành hạ gì nhau. Chúng tôi yêu thương nhau. Tất cả chỉ là do cách chúng tôi tiếp nhận và xử lý thông tin khác nhau chứ không phải là kiểu cuộc chiến giữa mẹ và con gái.

Phải đến khi con gái gần hai mươi chúng tôi mới khám phá ra điều này, trước đó chỉ rặt là xung đột và đối đầu. Giờ đây chúng tôi đã cải thiện được mối quan hệ của mình. Đơn giản là chúng tôi chấp nhận mình không nhìn cuộc sống theo cùng một cách, và chuyện đó chẳng có gì to tát cả. Con bé cũng bắt đầu hiểu cậu em trai, người có cá tính giống tôi hơn.

Không bao giờ là quá muộn để xây dựng một mối quan hệ tích cực. Sẽ không dễ dàng hay hiệu quả tức thì; tuy nhiên, sự chân thành, tình yêu thương, nỗ lực bền bỉ có thể mang lại nhiều thay đổi hơn bất cứ điều gì bạn từng nghĩ đến. 

CỨU VỚI! TÔI NGHĨ TÔI LÀM HỎNG BÉT RỒI!

Nếu bạn thấy rằng mọi chuyện đã đi quá xa và khó lòng cứu vãn nổi, đừng vội bỏ cuộc. Tôi đã sưu tầm được vài mẹo nhỏ hữu hiệu giúp bạn kéo đứa con mình trở về. Và sau đây là sáu mẹo đó:

1. Viết những lời yêu thương

Chỉ ra những điểm bạn thích và trân trọng ở con. Nếu con giúp bạn làm điều gì đó, nhớ cảm ơn hay khen ngợi con khi chúng có sáng kiến. Một tờ ghi chú viết vội dán trên cửa phòng con cũng có thể nói lên rất nhiều điều. Nếu TCĐ của bạn đi học xa, hãy viết những ghi chú này trong tấm thiệp mừng hoặc một món quà nhỏ vào những dịp đặc biệt.

2. Xin lỗi vì đã khăng khăng làm theo cách của mình

Giải thích mục tiêu bạn muốn con đạt được và cho TCĐ của bạn biết mình luôn sẵn sàng lắng nghe đề xuất về cách làm của con.

3. Đừng vì con bạn nổi khùng mà rút lui, hay nổi giận 

Đừng bỏ đi! Cứ để con nổi đóa và quát tháo nếu chúng cần phải thế, nhưng cứ đứng yên ở đó nếu bạn muốn sửa chữa sai lầm và thể hiện tình yêu với con. Chúng có thể nói rằng chẳng hy vọng gì đâu, hay tuyên bố rằng chúng ghét bạn, hay khăng khăng rằng mọi chuyện chấm hết rồi – đừng tin điều đó! Chúng làm thế chỉ cốt chắc chắn rằng bạn sẽ không bỏ rơi chúng thôi.

4. Luôn kiên định

TCĐ rất giỏi phát hiện và tận dụng sơ hở của bạn. Nếu bạn thay đổi thái độ, chúng sẽ nhận ra ngay nhưng sẽ không tin thái độ mới này của bạn tồn tại được lâu, và sẽ tìm đủ mọi cách công kích. Hãy nhờ đến trợ giúp từ các thành viên khác trong gia đình và thống nhất đưa ra một mật hiệu. Khi bạn nói chuyện với TCĐ và có dấu hiệu to tiếng và quá đà, người đó sẽ nói mật hiệu và cảnh báo bạn về điều đang xảy ra.

5. Tìm cách để kết nối lại

Nếu TCĐ của bạn đã rời khỏi nhà, hãy gửi cho con cuốn sách này với một tờ ghi chú nhỏ giống như trong câu chuyện tôi đã kể ở đầu chương này. Thẳng thắn thừa nhận sai lầm với con có thể: (1) làm con bạn tò mò đến mức bất chấp tình trạng chiến tranh lạnh, phải mở ra để đọc, và (2) thừa nhận rằng chúng cũng đã cư xử hơi quá.

6. Trân trọng và yêu thương

Khi TCĐ của bạn quay về, hãy cùng nhau trò chuyện bất cứ khi nào có thể. Hãy để con bạn biết bạn yêu thương con chừng nào, và bạn hạnh phúc vì có một đứa con tuyệt vời. Hãy chỉ ra những điểm bạn yêu mến ở con. Điều đó không chỉ an ủi và khuyến khích con mà còn giúp nhắc nhở chính bạn khi tình hình trở nên căng thẳng!

AI CŨNG CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC

Mọi người thường thắc mắc làm cách nào bố mẹ tôi lại tìm ra cách để trị một đứa cứng đầu như tôi bởi hồi ấy đã làm gì có sách nào dạy về điều đó đâu. Làm sao họ biết chiến lược nào sẽ hiệu quả với một TCĐ? Đôi khi tôi còn nghe lỏm được độc giả gọi điện đến phỏng vấn trực tiếp bố hoặc mẹ tôi. Và cả hai đều mỉm cười mà nói rằng chuyện đó không quá khó đâu. 

Cả bố lẫn mẹ tôi đều xuất thân từ những gia đình tan vỡ. Bố tôi – người đã truyền cho tôi sự bướng bỉnh – là con trai của một doanh nhân giàu có. Bố ông đã ly dị mẹ của các con mình để cưới cô thư ký. Bố tôi và em trai chủ yếu được mẹ nuôi nấng. Bà mở một quán trọ và làm đủ mọi việc để nuôi dạy con. Sống trong hoàn cảnh như vậy, cả hai anh em bố nhanh chóng học được rất nhiều mánh khóe, và quán triệt tư tưởng “khôn sống, mống chết”.

Bố bắt đầu uống rượu từ khi còn rất trẻ, và thói quen hút thuốc của bố cũng bắt đầu vào khoảng thời gian đó. Ban đầu bố và chú kiếm sống bằng cách chơi piano cho các quán rượu và hộp đêm. Màn biểu diễn nổi tiếng của họ là “Bốn bàn tay trên một chiếc đàn”, và các vị nữ khách quen thuộc say mê hai anh chàng đẹp trai có vẻ cũng thành thạo về rượu và phụ nữ như thành thạo các bản nhạc vậy.

Sau đó, bố tôi gia nhập quân đội và phục vụ trong Thế chiến lần thứ II và chiến tranh Triều Tiên. Hơn một lần, bố đã cận kề cái chết, và một đêm nọ, trong cơn choáng váng hơi men trên con đường nhỏ phía sau quán rượu, ông đứng đơn độc và ngước nhìn trời cao. Ông cảm thấy cùng khổ, cô độc và chán ngấy cuộc đời. Lần đầu tiên trong đời, ông cầu nguyện: “Chúa ơi, nếu người ở đó, xin hãy giúp con.”

Trở về nước, ông thuê một căn phòng bé xíu của một bà cụ tại Wichita, Kansas. Bà Poslick chẳng có chút kinh nghiệm nào trong việc ứng phó với một anh chàng trẻ tuổi bướng bỉnh, chống đối và bất cần như thế. Nhưng bà có một niềm tin đặc biệt mạnh mẽ rằng cậu trai trẻ này sẽ làm những điều vĩ đại trong cuộc sống. Mỗi tối thứ bảy, bố tôi lại tiệc tùng và nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng. Mặc dù dư vị của nó vào sáng chủ nhật nào cũng dữ dội, món thịt muối và trứng của bà Poslick luôn luôn có đủ sức lôi bố tôi bò ra khỏi giường. Đôi mắt lờ đờ và ngượng ngùng, ông ngồi ở bàn ăn sáng cùng người phụ nữ ngoan đạo đó, và bà sẽ cho ông ăn tới khi no căng. Bà không nao núng khi ông chửi thề. Bà không giáo huấn ông về thứ mùi rượu và thuốc lá sặc sụa.

Bà chỉ nói nhẹ nhàng sau khi ông ăn xong: “Bob, cậu có muốn đi đến Trường học Chủ nhật với tôi không?” Ông luôn tỏ vẻ càu nhàu. Bà đã vô cùng tốt bụng và cho ông rất nhiều. Làm sao ông có thể từ chối bà được? Ông bắt đầu miễn cưỡng tới nhà thờ và tiếp xúc với những con chiên ngoan đạo, những người không bao giờ ép buộc ông phải từ bỏ các tệ nạn. Hết sức tự nhiên, vài tháng sau, ông quyết định bỏ rượu, thuốc và chửi thề. Ông thú nhận rằng ban đầu ông đã làm một số quý bà lớn tuổi choáng váng vì thứ ngôn ngữ ông dùng khi ông tuyên thệ trong nhà thờ. Nhưng họ vẫn yêu mến ông và cầu nguyện cho ông, mang cho ông món bánh nướng và thịt hầm. Không muốn làm họ thất vọng, ông thay đổi những hành vi của mình. Chẳng bao lâu, ông đã hoàn toàn thay đổi. Ông học tiếp lên đại học và đi theo một cuộc đời mới, một cuộc đời mà rốt cuộc sẽ giúp ông thấy được giá trị của bản thân và mang đến người phụ nữ của đời mình.

Mẹ tôi cũng xuất thân từ một gia đình tan vỡ. Mồ côi mẹ ngay khi mới lọt lòng và được dì nhận nuôi. Tuy nhiên cuộc sống của mẹ khá chật vật. Dượng bị bệnh tâm thần và thường lăng mạ người xung quanh. Mẹ và dì của bà luôn sống nơm nớp trong sự sợ hãi, và cho đến tận khi ông qua đời (sau khi mẹ tôi đã rời khỏi nhà), ông đã gây ra nỗi ám ảnh lớn đối với cả hai người.

Nhưng mẹ tôi luôn vững tin vào cuộc đời, và bà quyết tâm đạt được thành công. Bà tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu và quyết tâm đi theo con đường kinh doanh hoặc giáo dục. Khi bà kết hôn với bố, bà chấp nhận sự bướng bỉnh của ông. Họ cùng nhau mở ra một nhà thờ gia đình ở thị trấn nhỏ vùng Missouri, và suốt hơn bốn mươi năm sau đó, đoàn mục sư của họ đã chạm đến được hàng nghìn cuộc đời.

Bố tôi không còn trẻ trung gì khi nhận ra và kiểm soát được cá tính bướng bỉnh của mình. Trước đó, có lẽ không ít người từng lắc đầu mà nói ông đã hết thuốc chữa. Mọi chuyện đã đi quá xa, ông đã gây ra quá nhiều chuyện – liệu còn trông đợi được điều gì tốt đẹp nữa đây? Nhưng một người phụ nữ ngoan đạo đã tin tưởng ông, yêu thương ông, và thu phục được ông nhờ lòng tin không lay chuyển của bà. Như thế có phải quá muộn không? Đương nhiên là không! Bố tôi ở đó, như một minh chứng sống rằng một con người bướng bỉnh, đầy sai lầm cũng có thể được cứu vớt và trở nên có ích trong cuộc đời. Bố mẹ đã nuôi dạy chị em tôi lớn lên trong tình yêu và sự tin tưởng – những thứ mà trước đây họ không được hưởng trong gia đình tan vỡ của mình.

Khi tôi nhờ bố viết một hai đoạn từ quan điểm của chính mình đối với chương này, ông đã chấp bút viết những dòng sau:

Con biết rằng mẹ con và bố yêu nhau sâu sắc, và tin tưởng nhau hoàn toàn. Con còn nhớ đã từng thấy bố mẹ nắm tay nhau dưới gầm bàn mỗi bữa sáng chứ? Đến giờ, chúng ta vẫn còn làm điều đó.

Bố mẹ không bao giờ mang chuyện không vui ở ngoài về nhà. Dù ai làm gì đi nữa, chúng ta không bao giờ đay nghiến hay để bụng.

Bố mẹ đã nhận ra rằng suy nghĩ tích cực thực sự có sức mạnh lớn, và đã cố công dạy con cũng như Sandee có cái nhìn tích cực về mọi chuyện. Quả là thử thách cam go! Có nhớ lần chúng ta giao hẹn phạt một đồng cho mỗi lời bi quan không? Chẳng kéo dài được bao lâu, bởi vì chúng ta chẳng đủ tiền để chi trả!

Con đã tìm ra sự thật và giải thích cặn kẽ, rõ ràng và súc tích, cũng như đã nhìn thấy mặt tích cực. Con vẫn đang lèo lái và điều khiển tốt tính bướng bỉnh của mình, món quà quý giá mà Chúa đã ưu ái ban tặng cho con. Cảm ơn con vì đã để cho bố và mẹ đóng một vai trò lớn trong cuộc đời con – cho đến tận giờ phút này.

Bố mẹ tôi hoàn toàn không có một chương trình chuẩn nào để nuôi dạy đứa con mạnh mẽ và bướng bỉnh như tôi. Điều họ làm là yêu thương vô điều kiện đứa con bướng bỉnh của mình – điều mà bất cứ bố mẹ nào cũng có thể làm.

Đó chính là điều duy nhất quan trọng.

 NHỮNG LỜI TỪ TRÁI TIM CỦA MỘT TCĐ

• Chẳng bao giờ là quá lớn để thôi nghe về những điều bố mẹ thích ở con.

• Con cái không bao giờ hoàn toàn tuột khỏi tầm tay của bố mẹ. Đôi khi con chỉ cần một lý do để nắm lấy tay bố mẹ.

• Bố mẹ không cần là một chuyên gia về TCĐ thì mới thể hiện được tình yêu vô bờ bến dành cho con.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.