5 Ngôn Ngữ Tình Yêu Dành Cho Bạn Trẻ
Chương 12 TÌNH YÊU VÀ TRÁCH NHIỆM
Cha của Michael mua một cái xe clunker cũ để hai cha con tập lái vào những ngày cuối tuần. Khi Michael đã cầm lái khá vững, cha cậu dạy cậu một số mẹo lái xe thú vị hơn. Một cuối tuần nọ, hai cha con đi dã ngoại và Michael chính là người lái xe đến khu vực cắm trại. Tất cả mọi việc đều tốt đẹp và cuối cùng thì Michael cũng lấy được bằng lái xe.
“Ôi, mình tự do rồi!” – Michael tự nhủ như vậy. – “Cha không còn đi kè kè theo mình nữa”. Cậu bắt đầu mơ đến việc đi đến bất cứ nơi đâu, theo bất cứ cách nào cậu thích mà không phải tuân theo những quy tắc về thời gian, địa điểm cũng như cách thức lái xe mà cha cậu đã đề ra.
Điều mà Michael sắp sửa biết được chính là: Tự do và trách nhiệm là hai mặt của cùng một đồng xu. Đây là chân lý cơ bản trong thế giới của người trưởng thành, và trẻ vị thành niên phải học nó. Những người trưởng thành được phép tự do sống trong một ngôi nhà miễn họ nhận lấy trách nhiệm chi trả các chi phí hàng tháng cho ngôi nhà đó. Cuộc sống của chúng ta được tổ chức trên cơ sở những nguyên tắc về tự do và trách nhiệm. Hai khái niệm này không bao giờ tách rời nhau. Dĩ nhiên, nhiều trẻ vị thành niên chưa hiểu được thực tế này. Và nhiệm vụ của chúng ta là giáo dục trẻ tuân thủ nguyên tắc đó.
Khi bạn khuyến khích sự độc lập của con em mình, đừng quên dạy cho trẻ biết sống có trách nhiệm với cách cư xử cùng những hành động của chúng. Độc lập mà không có trách nhiệm là con đường dẫn đến việc hạ thấp giá trị bản thân, và cuối cùng là nhận lấy sự phiền muộn. Ý thức về giá trị bản thân mỗi người không đến từ việc được độc lập mà đến từ việc sống có trách nhiệm. Độc lập và trách nhiệm mở ra con đường dẫn đến việc cư xử như một người trưởng thành thực thụ. Trẻ vị thành niên nào học được cách sống có trách nhiệm mà vẫn phát triển được sự độc lập sẽ dần xây dựng được lòng tự trọng, đạt được những mục tiêu có giá trị, và sẽ đóng góp tích cực cho xã hội. Những trẻ không học được cách sống có trách nhiệm sẽ luôn gặp khó khăn và tương lai rất có thể trở thành gánh nặng cho xã hội.
Vai trò của luật lệ (hay giới hạn)
Trách nhiệm đòi hỏi phải có giới hạn. Mọi xã hội đều cần có những giới hạn, thường được gọi là luật lệ, để xã hội đó không bị hủy hoại vì sự tùy tiện của những người tham gia. Khi tuân theo pháp luật, con người đã thể hiện mình là những công dân có trách nhiệm. Họ trở thành động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Nhưng nếu nhiều người đi theo con đường riêng và sống vô trách nhiệm thì xã hội sẽ phải hứng chịu những hậu quả khó lường. Ngày nay, xã hội chúng ta đang phải gánh chịu hậu quả của cách sống vô trách nhiệm của cả những người trẻ tuổi lẫn người đã trưởng thành. Điều này được thể hiện qua con số thống kê về những vụ giết người, cưỡng hiếp, trộm cắp và các hành vi tội ác khác diễn ra hàng ngày. Không chỉ bản thân người đó phải gánh chịu hậu quả từ hành động vô trách nhiệm của mình mà cả xã hội cũng phải gánh chịu.
Trong phạm vi gia đình, với vai trò của mình, các bậc phụ huynh phải đề ra những luật lệ, hay những giới hạn và yêu cầu con em mình sống có trách nhiệm trong những giới hạn đó. Thật sai lầm nếu cho rằng trẻ sẽ nổi loạn nếu cha mẹ đề ra những giới hạn. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã cho thấy: “Hầu hết trẻ vị thành niên cảm thấy những luật lệ cha mẹ của họ đề ra là có thể chấp nhận được. Hơn một nửa trong số đó thừa nhận rằng: ‘Khi cha mẹ khắt khe với tôi, tôi cảm thấy là họ đã đúng, ngay cả khi tôi tức giận’”. Lawrence Steinberg, giáo sư tâm lý của trường Đại học Temple, nhận định: “Điều khiến cho trẻ vị thành niên nổi loạn, phá phách không phải là sự khẳng định quyền hạn mà là việc độc đoán trong cách sử dụng quyền lực, mà không hoặc ít giải thích về chúng”. Vấn đề không phải là quyền hạn của phụ huynh mà chính là việc họ thể hiện quyền hạn của mình theo cách độc đoán, lạnh lùng. Khi các con còn bé, bạn có thể đưa ra những quy định độc đoán nhưng cháu hiếm khi thắc mắc quyền hạn của bạn, dù có thể cháu không tuân theo những quy định ấy. Thế nhưng, khi ở giai đoạn vị thành niên, trẻ sẽ tự hỏi là quy định đó của bạn đúng hay sai, chúng được đưa ra có vì lợi ích của cháu hay chỉ để thỏa mãn những suy nghĩ nhất thời của bạn.
Câu nói: “Hãy làm thế vì cha mẹ đã nói như vậy!” sẽ không có hiệu quả đối với trẻ vị thành niên. Nếu tiếp tục cách tiếp cận độc đoán này, bạn sẽ phải đối mặt với sự nổi loạn của trẻ.
Hình thành những luật lệ với con trẻ
Đây là giai đoạn hình thành sự độc lập nên trẻ cần phải có tiếng nói trong việc tạo ra những luật lệ cũng như hậu quả sau này. Vì thế, các bậc phụ huynh nên hỏi ý kiến của trẻ khi đưa ra quyết định để trẻ có thể bày tỏ suy nghĩ của mình. Cha mẹ cũng nên chia sẻ với trẻ lý do vì sao họ đề ra những luật lệ này và vì sao nó có ích cho trẻ. Khi làm được điều này, họ sẽ tạo ra một bầu không khí gia đình ấm áp vun đắp cho sự độc lập của trẻ đồng thời dạy trẻ hiểu rằng không có sự tự do nào không đi kèm với trách nhiệm.
Trong những “diễn đàn gia đình” này, cha mẹ và con cái có thể trò chuyện cởi mở cùng nhau trong bối cảnh các bậc phụ huynh vẫn duy trì được quyền hạn của mình. Dù là người có tiếng nói cuối cùng, các bậc phụ huynh cũng nên hiểu được suy nghĩ và cảm xúc của con về vấn đề được nói đến. Nếu được đóng góp cho việc tạo ra các luật lệ trong gia đình, trẻ sẽ tin rằng luật lệ ấy là công bằng và ít có phản ứng chống đối. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng: “Những trẻ vị thành niên được phụ huynh sẵn sàng trò chuyện thẳng thắn thì có tính cách đáng mến và cư xử đúng mực hơn. Có nhiều khả năng là họ muốn được giống như cha mẹ mình hơn những trẻ có phụ huynh luôn khăng khăng rằng mình đúng”.
Với vai trò của mình, các bậc phụ huynh nên nhớ rằng mục tiêu của chúng ta trong việc nuôi dạy con không phải là giành chiến thắng trong một trận cãi vã mà là dạy cho con biết sống có trách nhiệm khi trưởng thành. Nguyên tắc ở đây là: “Nếu con đón nhận trách nhiệm, con có tự do. Nếu không thể, con vẫn chưa sẵn sàng để được tự do”. Khi hiểu được rằng hai khái niệm tự do và trách nhiệm luôn đi cùng với nhau, thì khi đó, trẻ đã học được một bài học lớn trong đời mình.
Tầm quan trọng của tình yêu thương
Nếu muốn quá trình tìm kiếm sự độc lập và biết nhận trách nhiệm này của trẻ vận hành êm xuôi, các bậc phụ huynh phải tiếp thêm năng lượng của tình yêu thương. Khi trẻ cảm thấy mình được cha mẹ yêu thương thì sự độc lập và trách nhiệm mới có nhiều khả năng song hành với nhau hơn và trẻ sẽ ít nổi loạn hơn. Ngược lại, nếu con bạn không cảm thấy được yêu thương – tức là khi trẻ nhìn nhận những luật lệ mà bạn đề ra là quá độc đoán và chỉ vì lợi ích của bản thân bạn, rằng bạn quan tâm đến thanh danh và sự thành đạt của mình hơn là hạnh phúc của trẻ – thì gần như chắc chắn là trẻ sẽ chống đối những quy luật và chống lại cả chính bạn.
Hãy nhớ rằng, những nỗ lực kiểm soát trẻ bằng sự ép buộc gần như luôn thất bại. Chỉ có tình yêu thương mới có thể giúp con người đạt được những điều họ mong muốn. Tình yêu thực sự luôn là vũ khí mạnh mẽ nhất trên thế giới này. Đây là điều đầu tiên và cũng là điều quan trọng nhất trong việc dạy bảo trẻ sống có trách nhiệm nhưng vẫn vun đắp cho sự độc lập của chúng.
Steinberg, một chuyên gia về tâm lý trẻ vị thành niên cho biết: “Khi các bậc phụ huynh rút lui vì nghĩ rằng con trẻ không muốn hay không cần sự ảnh hưởng của mình nữa, trẻ sẽ cảm thấy bị bỏ rơi. Dù có vẻ sáo mòn nhưng tình yêu đúng là điều quan trọng nhất mà bạn có thể mang lại cho những đứa trẻ đang ở tuổi vị thành niên”. Chính tình yêu thương mới có thể tạo ra môi trường thích hợp để chúng ta vừa có thể hợp tác với sự độc lập mới hình thành của trẻ, vừa giúp trẻ hiểu được giá trị của cách cư xử có trách nhiệm.
Một “diễn đàn gia đình” đặc biệt
Từ đây, ta hiểu mọi luật lệ được đặt ra khi trẻ còn nhỏ đều không thể được áp dụng một cách gượng ép vào những năm tháng vị thành niên của con. Trẻ đang ở một giai đoạn hoàn toàn khác biệt và nó đòi hỏi bạn phải suy nghĩ và định hình lại những quy luật. Nếu chỉ cố gắng “trườn” qua những năm tháng vị thành niên của con em mình mà không có suy ngẫm, đối thoại hay chú ý đến những quy tắc của gia đình, các bậc phụ huynh sẽ sớm phải đón nhận sự chống đối và nổi loạn của trẻ. Những bậc cha mẹ có trách nhiệm sẽ mở ra một “diễn đàn gia đình” để con cái họ ý thức được rằng chúng đang là trẻ vị thành niên và phải luôn quan tâm đến những quy tắc của gia đình. Khi đó, trẻ có thể sẽ có nhiều tự do cũng như trách nhiệm hơn.
Khi làm được điều này, các bậc phụ huynh sẽ có được sự quan tâm và tôn kính của trẻ. Trẻ vị thành niên rất quan tâm đến việc có được nhiều tự do và trách nhiệm. Vì thế, trẻ sẽ rất vui lòng tham dự những “diễn đàn gia đình” như thế này.
Quy tắc về những quy tắc
Dù vậy, nếu trẻ đã bước sang tuổi mười lăm mà bạn vẫn chưa hề tổ chức một “diễn đàn” nào thì điều bạn nên làm là kiểm tra lại những quy tắc mà bạn đã áp dụng. Dưới đây là ba hướng dẫn để tạo ra những quy tắc.
1. Càng ít quy tắc càng tốt
Việc đề ra quá nhiều quy tắc trong cuộc sống gia đình không chỉ khiến bạn tốn nhiều thời gian để suy nghĩ mà còn làm tăng khả năng tảng lờ của trẻ. Vì thế, bạn nên nhớ, càng ít quy tắc càng tốt. Quá nhiều quy tắc sẽ khiến trẻ cảm thấy bị ám ảnh và sợ hãi. Nó cũng sẽ khiến cho cuộc sống của trẻ trở nên cứng nhắc trong khi trẻ lại cần không gian để sống một cuộc sống độc lập và thoải mái.
Suy cho cùng, mục tiêu quan trọng nhất chính là tránh những điều không có lợi về mặt thể chất, tinh thần, tình cảm hay xã hội đối với trẻ, đồng thời khuyến khích trẻ đạt được những mục tiêu có giá trị trong cuộc sống. Vì thế, mục tiêu của những quy tắc không phải là điều chỉnh mọi khoảnh khắc trong cuộc sống của con bạn mà chính là cung cấp những giới hạn quan trọng để trẻ biết cách đưa ra lựa chọn đúng đắn.
2. Những quy tắc cần phải rõ ràng
Những quy tắc mơ hồ khiến cả cha mẹ lẫn con cái đều bối rối. “Hãy về nhà vào một thời điểm thích hợp” chắc chắn sẽ được cả hai hiểu theo hướng khác nhau. “Hãy về nhà vào lúc 10 giờ 30 phút tối” sẽ rõ ràng hơn cho cả hai. Trẻ có thể phá bỏ quy tắc nhưng sẽ không lẫn lộn về ý nghĩa của quy tắc ấy.
Khi quy tắc đã được thể hiện một cách rõ ràng thì con bạn sẽ biết được khi nào mình đã vi phạm chúng. Có thể trẻ sẽ cố gắng che giấu sai lầm của mình, thậm chí tranh cãi rằng điều ấy đã không xảy ra hoặc tìm cách biện hộ cho mình nhưng chắc chắn là trẻ biết rằng quy tắc ấy đã bị vi phạm. Ngược lại, nếu quy tắc được đặt ra quá mơ hồ thì trẻ sẽ tranh cãi về phán quyết của cha mẹ. Những quy tắc không rõ ràng sẽ tạo nền móng cho sự tranh cãi. Vì thế, hãy ngăn chặn điều đó bằng những luật lệ rõ ràng.
3. Các quy tắc cần phải càng công bằng càng tốt
Tôi nói “càng công bằng càng tốt” là vì không ai trong chúng ta có thể phân biệt rạch ròi thế nào là công bằng và thế nào là bất công. Bạn và con bạn có thể tranh cãi với nhau về độ công bằng của một quy tắc nào đó. Với những cuộc đối thoại cởi mở, cả hai tìm cách hiểu quan điểm của nhau để có thể đạt được một sự đồng thuận về cái gọi là công bằng. Đừng bỏ cuộc khi bạn tin rằng quy tắc mà bạn đặt ra là điều tốt nhất cho trẻ.
Với trẻ vị thành niên, sự công bằng là điều vô cùng quan trọng. Như ta đã biết, đây là giai đoạn cháu phải đấu tranh với những giá trị sống hay những chuẩn mực về đạo lý, lẽ phải… Nếu ý thức về sự công bằng của trẻ bị vi phạm, trẻ sẽ nổi giận. Nếu cha mẹ cắt ngang cuộc thảo luận và điều chỉnh quy tắc bằng cách cưỡng ép hoặc không dám đối mặt với cơn giận dữ của con, trẻ sẽ cảm thấy mình bị chối bỏ và có thể sẽ oán hận cha mẹ.
Các bậc phụ huynh nên nỗ lực lắng nghe những mối bận tâm của trẻ về sự công bằng trong việc hình thành những quy tắc. Nếu cho rằng quy tắc được đưa ra là công bằng, trẻ sẽ không nổi loạn hoặc chống đối khi cha mẹ thi hành quy tắc đó.
Quy tắc về những hình phạt
Đề ra quy tắc mà không kèm theo hình phạt thì quy tắc đó sẽ chẳng có giá trị gì. Dù vậy, trẻ vị thành niên sẽ không tôn trọng cha mẹ nếu thay vì củng cố những quy tắc bằng tình yêu thương, họ lại củng cố chúng bằng những hình phạt khắt khe. Tất nhiên, việc gánh chịu hậu quả cho những sai lầm của bản thân là điều rất quan trọng trong cuộc sống của người trưởng thành. Đôi khi hậu quả mà ta phải gánh chịu là rất nặng nề nhưng chúng sẽ giúp ta biết sống có trách nhiệm hơn. Nỗi sợ phải gánh chịu hậu quả là động lực thúc đẩy ta tuân thủ theo các quy tắc.
Sau đây là ba hướng dẫn để hình thành và thực hiện hình phạt.
1. Hậu quả cần được xác định trước khi có sự vi phạm
Hầu hết các luật lệ xã hội đều áp dụng mô hình này. Ở mọi nơi, tiền phạt cho việc vi phạm giao thông đã được xác định trước khi hành động vi phạm ấy xảy ra. Vì thế, nếu bạn muốn con mình sống tốt trong thế giới của những người trưởng thành, bạn nên áp dụng những quy tắc này khi trẻ vẫn còn ở độ tuổi vị thành niên.
Tôi rất ngạc nhiên khi có nhiều phụ huynh chưa từng nghĩ đến điều này. Họ đợi cho đến khi con em mình vi phạm quy tắc; và sau đó, thường là trong cơn giận dữ, họ mới thông báo cho trẻ biết những hậu quả mà trẻ phải hứng chịu. Tính chất của hậu quả ấy thường được quyết định bởi tình trạng cảm xúc của bậc phụ huynh vào lúc đó. Điều chắc chắn là trẻ sẽ không bao giờ đồng ý rằng những hình phạt ấy là công bằng. Trong trường hợp các bậc phụ huynh đang cảm thấy vui vẻ thì có thể sẽ chẳng có hình phạt nào. Rõ ràng,con trẻ sẽ cảm thấy bối rối bởi cách xác định hậu quả rất tùy tiện này.
Ở đây, tôi đề nghị rằng hình phạt cho việc vi phạm quy tắc nên được xác định ngay vào lúc chúng ta đề ra quy tắc. Nếu trẻ được tham gia việc hình thành những quy tắc thì tại sao chúng lại không được góp ý kiến vào việc xác định hình phạt nếu vi phạm? Trẻ vị thành niên rất quan tâm đến sự công bằng. Khi để trẻ tham gia việc đề ra những hậu quả, các bậc phụ huynh đang giúp cháu hình thành những phán xét đúng đắn về mặt đạo lý.
Việc xác định trước những hình phạt của việc vi phạm quy tắc đã đề ra mang lại lợi ích cho cả cha mẹ lẫn con cái. Trong khi các bậc phụ huynh sẽ cảm thấy ít phiền muộn hơn thì trẻ sẽ ý thức được một cách rõ ràng hơn về sự công bằng đã được thực thi.
2. Hình phạt nên được thực thi bằng tình yêu thương
Các bậc cha mẹ đừng tỏ ra hân hoan khi thực thi hình phạt. Việc phải hứng chịu hậu quả từ những việc làm sai lầm luôn khiến tất cả chúng ta cảm thấy khó chịu, và trẻ vị thành niên cũng không ngoại lệ. Trẻ sẽ cảm thấy oán ghét nếu bạn tỏ ra vui thích khi tiến hành thực thi hình phạt từ việc làm sai trái của cháu. “Mẹ đã nói với con rồi mà. Nếu con biết nghe lời mẹ, thì con đâu phải gặp nhiều rắc rối như thế này.” Câu nói này có thể làm vơi bớt đi phần nào cảm giác tức giận của phụ huynh nhưng nó sẽ không tạo ra bất kỳ ảnh hưởng tích cực nào đến trẻ.
Trẻ cần phải cảm nhận được rằng vẫn được cha mẹ yêu thương, dù cho trẻ đã vi phạm quy tắc. Chúng cần được cảm thông và thấu hiểu nhưng không cần cha mẹ xoa dịu bằng cách bỏ qua hình phạt.
3. Hình phạt nên được thực hiện một cách kiên trì bền bỉ
Hình phạt không nên được thực thi theo ý thích bất chợt của phụ huynh. Thông thường, tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của mình. Nếu đang trong trạng thái vui vẻ, các bậc phụ huynh thường có xu hướng bỏ qua những hành động vi phạm quy tắc của con. Ngược lại, khi đang ở trong tâm trạng bực dọc, họ thường trở nên quá khắt khe với trẻ. Những bất ổn này sẽ tạo ra sự giận dữ, oán hận và bối rối trong lòng trẻ vị thành niên. Ý thức về sự công bằng của trẻ đã bị vi phạm. Khi trẻ cảm thấy giận dữ, một cuộc cãi vã hay một hành động không kiềm chế là điều rất có thể xảy ra.
Những bậc phụ huynh nào xác định được hình phạt trước khi quy tắc bị vi phạm và cho phép con mình tham gia vào quá trình xác định hình phạt cũng như thực hiện chúng với tình yêu thương sẽ có nhiều tính kiên trì hơn. Điều lý tưởng ở đây là hãy thực hiện một cách tử tế nhưng nghiêm khắc và bền bỉ cùng với tình yêu thương. Làm được việc này, các bậc phụ huynh sẽ giúp đỡ con em mình rất nhiều trong quá trình trẻ học hỏi cách cư xử có trách nhiệm. Bản thân trẻ, dù không phải lúc nào cũng cảm thấy vui lòng nhưng chắc chắn sẽ rất sẵn sàng tham gia vào quá trình này.
Thiết lập những khía cạnh đòi hỏi trách nhiệm
Hãy tìm kiếm những khía cạnh trong cuộc sống gia đình đòi hỏi phải thiết lập quy tắc cùng những hình phạt để dạy cho trẻ biết sống có trách nhiệm nhưng vẫn hỗ trợ được quá trình phát triển độc lập của cháu. Hãy công thức hóa những quy tắc cũng như hình phạt để đáp ứng hai câu hỏi sau đây: (1) Đâu là vấn đề quan trọng trong việc giúp con trẻ trở thành người trưởng thành chín chắn? (2) Những mối nguy hiểm nào cần phải được loại bỏ và những trách nhiệm nào cần được học hỏi?
Dưới đây là những khía cạnh thường gặp nhất trong cuộc sống gia đình mà các bậc phụ huynh và con em của họ cần phải hình thành quy tắc cùng những hình phạt kèm theo.
1. Cơ hội thể hiện trách nhiệm với gia đình
Sở dĩ tôi dùng từ cơ hội thay vì nghĩa vụ là nhằm tạo không khí tích cực hơn khi thảo luận về vấn đề này. Trên thực tế, cả hai yếu tố này đều tồn tại. Trong một gia đình lành mạnh, mỗi thành viên đều có những nghĩa vụ nhất định để giữ cho cuộc sống diễn ra theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, nghĩa vụ thường gắn với cơ hội để phục vụ. Một điều chắc chắn là người được tôn trọng nhất luôn là người có thái độ phục vụ hết lòng. Còn những người vị kỷ, họ có thể thành công về mặt tài chính nhưng hiếm khi được mọi người quý mến.
Nếu trẻ muốn học được cách phục vụ cộng đồng, trước tiên trẻ phải học cách phục vụ gia đình mình. Trẻ cần có những trách nhiệm thực sự trong gia đình để làm cho cuộc sống của người thân trở nên tốt đẹp hơn. Những trách nhiệm này thường khác nhau trong mỗi gia đình nhưng chúng có thể bao gồm việc chăm sóc cho một đứa em, giúp cha mẹ nấu bữa tối, chăm sóc vật nuôi, cắt cỏ, tưới cây, trồng hoa, lau nhà hay giặt quần áo. Những trách nhiệm này có thể thay đổi theo thời gian để trẻ có cơ hội học hỏi những kỹ năng khác nhau trong việc chăm lo cho gia đình.
Một điều rất quan trọng là xây dựng cho trẻ ý thức rằng mình là một phần của gia đình và hiểu được trách nhiệm của bản thân đối với mọi người. Trong giai đoạn này, trẻ cần học hỏi càng nhiều càng tốt. Trẻ phải hiểu không chỉ mình cần nhiều tự do để làm những việc ngoài quy tắc đã được đề ra mà còn cần có trách nhiệm hơn đối với gia đình. Nếu trẻ chứng tỏ rằng mình đã đủ trưởng thành để gánh lấy trách nhiệm một cách nghiêm túc thì có nghĩa là trẻ cũng đủ trưởng thành để có nhiều tự do hơn.
Trong “diễn đàn gia đình”, nơi những quy tắc được thiết lập và những hình phạt được xác định, nguyên tắc này nên được thấu hiểu một cách rõ ràng. Các bậc phụ huynh sẽ không phải buộc con em mình phải thực hiện nghĩa vụ đối với gia đình. Thay vào đó, trẻ sẽ có cơ hội thể hiện sự trưởng thành của mình bằng cách tự nguyện gánh vác trách nhiệm và nhờ đó sẽ có được nhiều tự do hơn. Nếu trẻ chọn cách không thực hiện trách nhiệm đã được phân công, thì hình phạt sẽ được xác định theo khía cạnh tước đoạt tự do.
Chẳng hạn, trẻ được phép lái xe và có trách nhiệm phải rửa chiếc xe của gia đình vào trưa thứ bảy mỗi tuần. Nếu không làm tròn nhiệm vụ này, trẻ sẽ mất quyền lái xe trong bốn ngày sau đó. Các bậc phụ huynh thông minh sẽ không kè kè sau lưng trẻ, luôn mồm nhắc trẻ phải rửa xe. Đó là một lựa chọn – trẻ chọn cách gánh lấy trách nhiệm và có được sự tự do đi kèm hoặc chọn cách ít trưởng thành hơn và mất đi quyền tự do đó. Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng hiếm khi trẻ để mất sự tự do này, và các bậc phụ huynh sẽ không phải lãng phí thời gian và sức lực của mình vào việc chăm chăm kiểm tra xem trẻ có chịu rửa xe hay không.
Nguyên tắc ở đây rất đơn giản: Khi thực hiện nghĩa vụ của mình, trẻ sẽ cảm thấy mình là một người đã trưởng thành và kèm theo đó là những ích lợi của việc ít phụ thuộc vào người khác. Khi đã giao nhiệm vụ và đề ra những quy tắc cùng hậu quả của nó, các bậc phụ huynh sẽ không cần phải thường xuyên nhắc nhở trẻ làm gì. Tất cả những gì phụ huynh cần phải làm là đảm bảo rằng trẻ sẽ phải gánh chịu hình phạt một cách công bằng, đúng theo thỏa thuận nếu vi phạm những quy tắc đã đề ra. Tôi có thể nói với bạn rằng, khi áp dụng cách này, hầu hết trẻ vị thành niên chỉ phạm lỗi một lần mà thôi.
2. Bài tập ở trường
“Những mục tiêu quan trọng trong việc học tập của con là gì?” là câu hỏi mà bạn và con mình sẽ phải cùng nhau trả lời. Hầu hết các bậc phụ huynh cho rằng việc tốt nghiệp phổ thông là điều bắt buộc. Tiếp theo, bạn cần đặt ra câu hỏi: “Những quy tắc nào sẽ giúp con đạt được mục tiêu?”. Trong đa số trường hợp, điều này sẽ bao gồm việc đi học đều và hoàn thành tốt các bài tập được giao. Cả hai việc này thường được đánh giá trong phiếu liên lạc đều đặn giữa nhà trường và gia đình. Quy tắc đưa ra ở đây có thể rất đơn giản: đi học mỗi ngày trừ trường hợp ốm đau, hoàn thành tốt tất cả các bài tập ở trường cũng như về nhà. Nếu quy tắc đi học đều bị vi phạm, hình phạt có thể là trẻ sẽ phải dành cả thứ bảy để đọc một cuốn sách nào đó và thuật lại với cha mẹ những điều mình đã đọc được. Tôi tin rằng hầu hết các trẻ vị thành niên sẽ chỉ để mất một ngày thứ bảy như vậy mà thôi.
Việc thực hiện bài tập sẽ khó nhận định hơn một chút, nhưng bạn có thể đánh giá kết quả làm việc của con qua điểm số hoặc hỏi ý kiến giáo viên của trẻ. Khi trẻ không hoàn thành bài tập về nhà hoặc kết quả học tập ở trường dưới mức chấp nhận, trẻ sẽ phải hoàn thành số bài tập ấy vào chiều thứ bảy hay chủ nhật, ngay cả khi giáo viên đã nói rằng trẻ sẽ không thể cải thiện điểm số bài tập đó. Hãy theo dõi sát sao những bài tập “không vì điểm số” này. Những quy tắc và hình phạt như thế sẽ giải phóng phụ huynh khỏi việc phải luôn nhắc nhở trẻ làm bài tập về nhà. Trẻ phải chọn lựa, hoặc sống có trách nhiệm và tự do vào thứ bảy và chủ nhật để được tham gia những hoạt động mà mình yêu thích, hoặc mất quyền tự do đó vì đã không có trách nhiệm đối với việc học hành của bản thân.
3. Sử dụng phương tiện đi lại
Việc được sử dụng một chiếc xe là một đặc ân, chứ không phải là một quyền lợi của trẻ. Trẻ không có quyền được có xe riêng hay sử dụng xe của gia đình bất cứ khi nào cháu muốn. Việc lái xe là một đặc ân trẻ nhận được từ cách cư xử có trách nhiệm. Một lần nữa, trẻ vị thành niên cần phải hiểu được mối quan hệ giữa tự do và trách nhiệm. Hầu hết các bậc phụ huynh đều muốn con em mình có quyền tự do sử dụng xe, nhưng họ lại không biết gắn kết quyền tự do này với trách nhiệm của trẻ. Hậu quả là trẻ nhìn nhận việc lái xe như là một thứ quyền đương nhiên mình phải có.
Vậy những vấn đề chủ yếu của việc trẻ vị thành niên sử dụng xe là gì? Cha mẹ và con cái có thể sẽ thống nhất với nhau ở một số điểm sau: an toàn về mặt thể chất của trẻ, an toàn cho những người khác và tuân thủ nghiêm chỉnh luật giao thông. Đây là những mối quan tâm chủ yếu nhất. Một số gia đình khác có thể thống nhất với nhau về những quy định khác như tự đổ xăng cho xe hay phải hỏi ý kiến cha mẹ trước khi sử dụng xe và thời gian trả xe. Từ những mối quan tâm này, những quy tắc cụ thể sẽ được hình thành kèm theo hình phạt thích đáng khi chúng bị vi phạm.
4. Quản lý tiền bạc
Những tranh cãi về tiền bạc là điều thường diễn ra giữa cha mẹ và con cái. Nguyên nhân có thể là do các bậc phụ huynh đã không đưa ra những quy tắc rõ ràng về vấn đề này. Vậy những vấn đề chính về việc quản lý tiền bạc mà chúng ta cần trẻ vị thành niên quan tâm là gì?
Vấn đề đầu tiên rất rõ ràng: tiền bạc luôn có giới hạn. Không phải gia đình nào cũng dư dả về mặt tiền bạc nên chắc chắn trẻ sẽ không thể có tất cả những gì mà cháu muốn. Vấn đề thứ hai là trẻ phải học được những nguyên tắc cơ bản của việc quản lý tiền bạc. Một nguyên tắc chính yếu rất đơn giản là: “Hãy mua sắm ít đi khi không còn nhiều tiền”. Việc vi phạm nguyên tắc này đã khiến nhiều người đối mặt với không ít rắc rối về tài chính. Vì thế, theo quan điểm của tôi, các bậc phụ huynh không nên để trẻ vị thành niên được sử dụng riêng một thẻ tín dụng bởi nó sẽ khuyến khích trẻ tiêu nhiều tiền hơn mức thu nhập có thể có của trẻ. Chắc chắn là việc tiêu xài này sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến việc trưởng thành của trẻ.
Về cơ bản, trẻ sẽ không thể học được cách quản lý tiền bạc cho tới khi trẻ có tiền để quản lý. Theo đó, nhiều bậc cha mẹ quyết định trợ cấp cho con mình một khoản tiền định kỳ để trẻ tự học cách quản lý tiền bạc. Theo ý kiến của tôi, cách tiếp cận vấn đề tốt hơn cả là cha mẹ và con cái cùng thỏa thuận với nhau một khoản tiền hợp lý dùng để trợ cấp hàng tháng cho trẻ. Với khoản tiền ấy, con bạn sẽ hiểu trách nhiệm của mình trong việc quản lý và chi tiêu tiền bạc. Cả hai có thể thỏa thuận với nhau những gì trẻ phải tự sắm và những gì bạn đồng ý mua cho cháu. Việc thỏa thuận này sẽ giúp trẻ học được kỹ năng quản lý tiền bạc.
Các bậc phụ huynh cần phải định hướng trước khoản tiền mà mình sẽ đưa cho trẻ. Một khi khoản tiền đó đã được quy định, bạn không nên thay đổi nó chỉ bởi vì trẻ than phiền: “Số tiền này không đủ”. Nếu muốn có nhiều hơn, trẻ phải tự tìm cách kiếm thêm tiền mà không hỏi xin gia đình. Cách làm này không chỉ giúp trẻ học được cách quản lý tiền bạc mà cháu còn học được cả giá trị của đồng tiền bằng sức lao động của chính mình. Ngược lại, nếu cha mẹ đầu hàng và đáp ứng yêu cầu của trẻ mỗi khi cháu phàn nàn, nghĩa là khi đó, họ đã phá hoại việc học hỏi cách sống có trách nhiệm về mặt tài chính của con em mình.
Bạn cũng không nên cho trẻ tiền chỉ vì con đã thực hiện được những nghĩa vụ trong gia đình. Đây là hai vấn đề hoàn toàn tách biệt. Tôi khuyên rằng các bậc cha mẹ không nên để trẻ kiếm thêm tiền từ những việc phụ giúp trong gia đình mà nên khuyến khích trẻ kiếm tiền ở bên ngoài. Bên cạnh đó, tôi cũng tin rằng việc cho trẻ mượn tiền là một sai lầm. Khi làm việc này, bạn đã dạy con tiêu xài nhiều hơn mức thu nhập của nó. Và đó cũng là dạy con một bài học sai lầm.
5. Hẹn hò
Hẹn hò là một chủ đề nhạy cảm và nó đã tạo nên không ít tổn thương trong lòng các bậc cha mẹ khi họ còn trẻ. Nhiều bậc phụ huynh nhớ lại những trải nghiệm hẹn hò của mình và không muốn trẻ làm những điều mà mình đã làm. Ngày nay, những con số thống kê về sức khỏe tình dục tuổi vị thành niên đã khiến nhiều người giật mình. Quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên, có thai ngoài ý muốn, những căn bệnh lây lan qua đường tình dục… đã trở thành đề tài thu hút sự chú ý của các bậc phụ huynh có con em ở độ tuổi này. Do đó, nhiều người đã tỏ ra hết sức khắt khe trong việc hẹn hò của trẻ.
Tất nhiên, tôi không thể nói cho bạn biết khi nào thì con bạn nên bắt đầu hẹn hò. Steinberg đã cảnh báo rằng những thiếu nữ sớm hẹn hò sẽ dễ rơi vào một trạng thái “cảm xúc mơ hồ, lãng mạn” và thường hẹn hò với những chàng trai lớn tuổi hơn – những người “có khả năng lấn át hoàn toàn (bạn trẻ ấy) cả về mặt tâm lý lẫn thể xác”. Steinberg cũng cho biết việc hẹn hò ở độ tuổi quá sớm cũng có thể gây ảnh hưởng đến mối quan hệ của thiếu nữ ấy với những bạn nữ khác đồng trang lứa. Khi hẹn hò với những bạn nam lớn tuổi, thiếu nữ đó sẽ có xu hướng giao thiệp với cả những bạn nữ lớn tuổi hơn. Có thể cô bé ấy có được sự chấp nhận tạm thời với đám trẻ lớn tuổi hơn này nhưng sẽ khiến cô bé trở nên xa cách với những bạn nữ cùng độ tuổi. Và kết quả là trẻ sẽ mất một trải nghiệm rất có giá trị là tình bạn chân thành với những bạn gái đồng trang lứa.
Sau ba mươi năm làm cố vấn hôn nhân và gia đình, tôi tin rằng tuổi dậy thì là khoảng thời gian để trẻ phát triển tình bạn đồng giới, sau đó là những hoạt động nhóm, và cuối cùng mới là hẹn hò nghiêm túc. Được như vậy, khi lớn lên, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn trước người khác giới, tự tin hơn về bản thân cũng như có khả năng kiểm soát những cuộc hẹn hò và những mối quan hệ yêu đương tốt hơn. Rút ngắn quá trình phát triển về mặt tâm lý và xã hội này bằng cách hẹn hò nam nữ sớm là một sai lầm hết sức nghiêm trọng.
Nếu đồng tình với ý kiến của tôi, bạn nên chuẩn bị tâm lý cho con em mình trước khi trẻ bước vào tuổi vị thành niên một vài năm. Với sự chuẩn bị này, khi bước vào những năm tháng đầu tiên của giai đoạn vị thành niên, trẻ sẽ không phải chịu áp lực của việc hẹn hò sớm. Khi đó, trẻ sẽ tham gia vào những hoạt động nhóm và không có xu hướng sớm tách khỏi sự quản lý của gia đình.
Rõ ràng, điều tôi vừa nêu thật sự rất khó thực hiện. Trẻ vị thành niên luôn có sự khác biệt nhau về mặt tính cách cùng những bất an thường trực, áp lực của bạn bè đồng trang lứa… Chính những yếu tố này đã thúc đẩy trẻ tìm kiếm sự khuây khỏa trong một mối quan hệ yêu đương. Điều này lý giải tại sao tình yêu thương của cha mẹ lại quan trọng với trẻ vị thành niên đến như thế. Điều này đặc biệt đúng với phụ huynh khác giới. Nếu đứa con gái ở tuổi vị thành niên cảm nhận được tình yêu thương của người cha, trẻ sẽ ít tìm kiếm tình cảm từ một thanh niên lớn tuổi hơn. Trong khi đó, nếu cảm nhận được tình yêu thương của mẹ, đứa con trai sẽ ít tìm kiếm một bạn gái nhỏ hơn để có cảm giác được vỗ về.
Hãy trò chuyện với đứa con đang ở độ tuổi vị thành niên của mình để cùng đề ra những quy tắc và hậu quả cho cách hẹn hò của cháu. Hãy đặt vấn đề sức khỏe thể chất và tình cảm của trẻ làm mối quan tâm hàng đầu. Bên cạnh đó, hãy chú ý đến sự phát triển lành mạnh về cảm xúc và xã hội của trẻ. Mục đích của bạn không phải là dập tắt những mối quan hệ khác giới của trẻ mà là nuôi dưỡng chúng thật trọn vẹn, nhằm giúp trẻ xây dựng được nền tảng cho những mối quan hệ về sau.
Những quy tắc nào sẽ nâng đỡ cho sự trưởng thành lành mạnh về mặt xã hội của trẻ? Đó chính là quy tắc về tình bạn khác giới nói riêng, và với những người bạn đồng trang lứa nói chung. Dù ở mặt nào, bạn cũng cần đặt ra những nguyên tắc để phải đảm bảo là những trẻ vị thành niên này có ảnh hưởng tích cực đến nhau.
Khi con gái bạn bước vào tuổi mười sáu hay con trai của bạn được mười bảy tuổi, bạn nên trò chuyện với con về khả năng của việc hẹn hò nam nữ. Theo đó, các bậc cha mẹ nên kiểm soát những cuộc hẹn hò này bằng cách đề ra những quy tắc cần thiết. Chẳng hạn, cha mẹ có quyền yêu cầu trẻ rút lui khỏi một mối quan hệ hẹn hò nếu người cháu hẹn hò dính dáng đến rượu, ma túy, hoặc có quan hệ với một người khác. Nếu vi phạm, trẻ phải gánh chịu hình phạt.
Mỗi bậc cha mẹ đều có cách riêng để tìm ra tiếng nói chung với con em mình trong lĩnh vực này. Một điều rõ ràng là những quy tắc và hậu quả này được hình thành càng sớm bao nhiêu thì trẻ càng có khả năng đón nhận và hợp tác với các bậc phụ huynh bấy nhiêu.
6. Rượu bia và chất kích thích
Ngày nay, chất kích thích đã trở thành một trong những đề tài thu hút sự chú ý nhiều nhất của trẻ vị thành niên. Bằng chứng là ngày càng có nhiều trẻ nghiện rượu và chất kích thích. Không có gì phá hủy sự độc lập nhanh hơn việc nghiện ngập rượu bia và chất kích thích. Vậy các bậc cha mẹ nên làm gì để bảo vệ con em mình trước những ảnh hưởng tiêu cực của chúng? Câu trả lời là: “Không gì cả”. Phụ huynh không thể giám sát con em mình suốt ngày và bảo đảm là trẻ không sử dụng chất kích thích hay uống rượu bia. Dù vậy, vẫn có một vài phương pháp mà phụ huynh có thể áp dụng để hạn chế khả năng sử dụng chất kích thích của con em mình.
Trước hết và cũng là cách hiệu quả nhất là các bậc phụ huynh hãy trở thành tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Những trẻ vị thành niên nhìn thấy cha mẹ mình uống một ly rượu để giải sầu mỗi tối sẽ có nhiều khả năng lạm dụng rượu bia hơn những trẻ bình thường. Đó là lý do tôi luôn phải nhấn mạnh vai trò gương mẫu của cha mẹ.
Tiếp theo, hãy quay lại vai trò của những quy tắc và hình phạt. Đâu là vấn đề chính xung quanh việc lạm dụng rượu bia và chất kích thích? Thông thường, đó chính là nỗi sợ trẻ sẽ trở thành một người nghiện. Dĩ nhiên, đây là một nỗi sợ có cơ sở. Mối quan tâm thứ hai là trẻ có thể giao thiệp với những trẻ vị thành niên đang lạm dụng chất kích thích và có khả năng sẽ phạm pháp trong tình trạng không được tỉnh táo. Đây là những mối bận tâm hết sức thực tế và đúng đắn.
Vậy thì quy tắc nào thể hiện được những mối quan tâm này? Trong các “diễn đàn gia đình”, cha mẹ nên thể hiện mong muốn trẻ sẽ tránh xa chất kích thích của mình. Hãy giải thích với trẻ rằng đây không phải là vì những niềm tin cá nhân, thiếu cơ sở hợp lý hay thuộc về tôn giáo, mà nó đã được nghiên cứu trên thực tế rất rõ ràng. Hình phạt cho việc vi phạm những quy tắc này phải được đề ra một cách rõ ràng và nghiêm ngặt. Trẻ phải hiểu rõ rằng việc sử dụng hầu hết chất kích thích đều là bất hợp pháp. Nếu bị bắt vì tội tàng trữ chất kích thích trái phép, trẻ không chỉ hứng chịu hậu quả trước cha mẹ mà còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
***
Khi khám phá ra những khía cạnh của việc dạy dỗ một trẻ vị thành niên, bạn sẽ thường xuyên muốn điều chỉnh lại những quy tắc và hình phạt đi kèm nhằm giúp trẻ có nhiều tự do và sống có trách nhiệm hơn khi trưởng thành. Tất cả những quy tắc và hình phạt cần được thiết lập trên cơ sở mong muốn mang đến cho trẻ những gì tốt đẹp nhất. Do đó, nó phải được hình thành một cách có cân nhắc, với thái độ tôn trọng suy nghĩ và cảm xúc của trẻ. Khi đặt tình yêu thương lên cao hơn tất cả, các bậc cha mẹ sẽ biết cách thực hiện một công việc khó khăn là hình thành nên những quy tắc thích hợp và thực hiện những hình phạt một cách hiệu quả.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.