Không Theo Lối Mòn
Rèn Luyện Bản Lĩnh Và Niềm Tin
Khi Arthur thức dậy vào sáng hôm sau, anh lấy thêm một viên kẹo nữa ra khỏi túi và nghĩ xem có nên ăn cả hai hay không, và anh lại quyết định chờ đợi. Anh có thể ăn chúng lúc về nhà tối nay hoặc ăn bốn viên vào sáng mai. Còn lúc này, anh đang mong ngóng được nghe tiếp câu chuyện từ ông Jonathan Patient. Ông chủ của anh đã ở lại thành phố đêm qua và bây giờ anh đến để đưa ông tới một cuộc hẹn quan trọng khác.
– Chào ông Patient. Đêm qua chắc là một đêm dài đối với ông?
– Cũng gần như thế, nhưng đổi lại tôi đã thay đổi được cách suy nghĩ mang tầm chiến lược hơn đối với một số người trong công ty. Bên cạnh đó, vị chủ tịch công ty ở Mỹ Latinh và tôi cũng đã có một cuộc nói chuyện dài. Chúng tôi đã trao đổi với nhau rất thân tình về các vấn đề của cuộc sống cũng như trong kinh doanh, và cuối cùng ông ấy đã đồng ý với hợp đồng trị giá 10 triệu đô cho trọn gói dịch vụ chúng tôi cung cấp!
– Thật tuyệt vời, ông Patient ạ! Ông đã làm được những chuyện đáng kinh ngạc. Bằng cách nào mà ông có thể làm được điều đó? – Arthur vừa lái xe vừa tỏ lòng ngưỡng mộ đối với ông chủ của mình.
– Cảm ơn, Arthur. Thực sự là tôi rất hài lòng. Và nếu như anh muốn nghe, tôi có một câu chuyện khác dành cho anh đây.
– Tôi luôn thấy hứng thú với bất kỳ câu chuyện nào ông kể. Tất cả đều rất thú vị! Mà câu chuyện ông sắp kể có liên quan gì đến lý thuyết viên kẹo không?
– Ồ, Arthur, khi nghe xong anh hãy tự phân tích xem nó có liên quan gì không nhé!
– Tôi luôn sẵn sàng. Bắt đầu đi ông Patient.
– Anh có biết nhà cách mạng Ấn Độ huyền thoại Mahatma Gandhi không?
– Chà, có chứ, đó là một con người vĩ đại.
– Đúng vậy. Nhưng Mahatma Gandhi rất khiêm tốn về những thành quả đạt được trong sứ mệnh hòa bình của mình. Ông ấy từng nói về bí mật dẫn đến thành công trên con đường chính trị của mình là: “Tôi tự thấy mình cũng không hơn gì một người đàn ông bình thường với năng lực còn dưới mức trung bình. Chính vì thế tôi luôn tin rằng ai cũng có thể đạt được những thành quả giống như tôi nếu như họ luôn cố gắng nỗ lực hết sức mình và biết nuôi dưỡng một niềm tin và hy vọng mạnh mẽ như tôi từng có”.
– Nỗ lực và niềm tin. Ông có tin vào điều đó không, ông Patient?
– Có chứ. Đó là con đường quyết định để đi đến thành công. Và trên con đường ấy, lúc nào cũng đầy những viên kẹo ngọt ngào cám dỗ.
– Quả thế thật! Bao giờ chiến thắng những cám dỗ cũng là điều khó khăn.
– Và mấy năm trước đây tôi lại có vinh hạnh được gặp Arun Gandhi – cháu nội của Mahatma.
– Thế ư? Chắc Arun có kể cho ông nghe nhiều chuyện khác nữa về Mahatma chứ?
– Tất nhiên. Anh ấy rất ngưỡng mộ ông nội của mình. Arun đã có khoảng hơn 2 năm sống bên ông nội và anh đã học được rất nhiều điều từ Mahatma. Tuy nhiên Arun thừa nhận rằng chính cha anh mới là người đã dạy cho anh bài học giá trị nhất năm anh mười bảy tuổi.
Anh ấy kể rằng hôm đó, cha nhờ anh đưa tới một hội nghị ở cách xa nhà khoảng 15 km. Khi họ tới đó, cha nói Arun đem xe đi sửa và dặn dò anh rất kỹ là phải đến đón ông vào lúc 5 giờ 30 phút chiều.
Arun vâng lời cha nhanh chóng đem xe đến tiệm. Và chỉ khoảng đến trưa, thì chiếc xe đã được sửa chữa một cách hoàn chỉnh.
– Ồ, một cậu nhóc mười bảy tuổi, một chiếc xe và năm tiếng đồng hồ nhàn rỗi không phải là sự kết hợp hay ho chút nào. – Arthur nói.
– Chính xác. Arun bắt đầu lái xe lòng vòng thành phố, anh nhìn thấy một rạp chiếu phim và quyết định ghé vào để tiêu khiển. Anh bị cuốn hút vào bộ phim và không còn chú ý gì đến giờ giấc nữa, cho mãi đến khi bộ phim kết thúc thì anh mới giật mình. Đã 6 giờ 5 phút. Anh cuống cuồng chạy ra xe và lao đến tòa nhà hội nghị để đón cha. Cha anh vẫn đứng đó một mình, chờ con trai mình đến.
Arun nhảy ra khỏi xe và vội vàng xin lỗi cha vì sự trễ nãi.
“Chuyện gì xảy ra vậy con? Cha lo cho con quá. Có chuyện gì vậy?”
“Chỉ tại đám thợ sửa xe đấy, cha ạ. Họ không biết xe hư chỗ nào và chỉ mới sửa xong cách đây mấy phút. Con đã chạy đến đây ngay sau khi họ sửa xong.”
Cha của Arun im lặng. Ông không nói cho Arun biết ông đã gọi điện cho tiệm sửa xe lúc năm giờ rưỡi vì lo lắng cho anh và ông biết rõ xe đã được sửa xong từ giữa trưa. Con trai ông đang nói dối. Anh nghĩ ông ấy sẽ xử sự thế nào?
– Đánh anh ta một trận cho hả giận?
– Lúc đó tôi cũng nghĩ như anh, nhưng không phải vậy.
– Cấm túc anh ta một tuần và không bao giờ cho dùng đến chiếc xe nữa?
– Không phải.
– Cấm con trai nói chuyện với bạn gái qua điện thoại trong một tháng?
– Cũng không.
– Được rồi, tôi chịu thua. Ông ấy đã làm gì?
– Người cha đưa chìa khóa xe cho Arun và nói: “Con lái xe về nhà đi. Cha sẽ đi bộ”.
– Sao cơ? – Arthur ngạc nhiên.
– Arun cũng đã sửng sốt hỏi cha mình câu ấy đấy. Còn người cha, ông trả lời câu hỏi của con trai một cách hết sức nhẹ nhàng: “Con trai, nếu trong suốt mười bảy năm qua cha không thể chỉ bảo cho con có được tính thật thà, thì có lẽ là cha đã không làm tròn bổn phận của mình. Cha phải đi bộ về và ngẫm nghĩ xem làm cách nào để trở thành người cha tốt hơn và mong con thứ lỗi cho những thiếu sót của cha”.
– Ông đang đùa à? Có thật là người cha đã làm thế không? Hay ông ta chỉ muốn cậu con trai nhận ra lỗi lầm để sửa đổi?
– Người cha bắt đầu bước. Arun lái xe thật chậm bên cạnh cha mình và năn nỉ ông lên xe. Cha anh từ chối. Ông tiếp tục đi bộ và nói: “Không, con trai. Con hãy về nhà đi”. Arun lái xe bên cạnh ông suốt cả chặng đường, luôn miệng cầu xin ông lên xe. Nhưng lần nào anh cũng nhận được câu từ chối, và hơn năm tiếng đồng hồ sau đó hai cha con mới về được đến nhà lúc mười một giờ rưỡi khuya.
– Thật đáng kinh ngạc. Và chuyện gì xảy ra tiếp theo?
– Chẳng có gì cả, người cha vào nhà và đi ngủ như thường lệ. Thế nên tôi đã hỏi Arun rằng anh ấy học được gì từ trải nghiệm khó tin ấy và anh ấy trả lời: “Tôi không bao giờ nói dối bất kỳ một người nào nữa kể từ đó”.
– Ôi, thật là khó tin, thưa ông.
– Không phải sao, Arthur? Đó là một bài học đáng giá. Còn bây giờ anh có thể cho tôi biết anh đã nghiệm ra điều gì cho mình qua câu chuyện đó không?
Arthur im lặng trong mấy phút. Họ đã gần đến nơi hẹn thì anh bắt đầu nói:
– Cách giải quyết đơn giản mà đa số các bậc cha mẹ thường làm trong trường hợp ấy là quát mắng, đe nạt, hay đánh đập, nói chung là dùng biện pháp để trừng phạt đứa trẻ. Nếu tôi là cha của Arun thì có lẽ đó là cách nhanh nhất để tôi trút được cơn giận. Nhưng suy xét kỹ thì đó cũng chỉ là hành động mang tính tức thời, tác dụng giáo dục đối với người con sẽ không cao. Nó không khác gì việc ăn vội viên kẹo. Người cha nhanh chóng trút được cơn giận, còn người con cảm thấy hối lỗi, nhưng chỉ trong thời điểm đó mà thôi, sau đó họ có thể quên ngay sự việc ấy đi mà không bị vướng bận gì nhiều. Sự trừng phạt được đưa ra quá nhanh chóng đến độ người con không kịp nhận thức được một cách sâu sắc lỗi lầm thật sự của mình, cứ như thế có thể lần sau anh ta lại phạm phải lỗi tương tự mà không rút được bài học gì cả. Nhưng chính vì người cha đã cố gắng kìm nén cơn giận, ông ấy đã tạo được một ảnh hưởng lớn đối với cậu con trai, nó tác động trực tiếp vào nhận thức của cậu và theo cậu suốt cuộc đời. Có đúng vậy không, ông Patient?
– Không có gì là “đúng” hay “sai” ở đây cả, Arthur ạ. Nhưng tôi đồng ý với anh. Không chỉ trong kinh doanh mà trong muôn mặt của đời sống, chúng ta luôn bắt gặp những tình huống khiến ta phải chọn lựa cho mình cách ứng xử khôn khéo nhất để có được lợi nhuận cao nhất có thể. Trong bất cứ tình huống nào, trước mặt chúng ta cũng là viên kẹo ngon ngọt đầy ma lực, việc giữ được bản thân tránh khỏi sự cám dỗ ấy cần phải có một sức mạnh ý chí to lớn, và cuối cùng dĩ nhiên chúng ta sẽ đạt được kết quả hoàn hảo nhất.
– Còn gì nữa không, ông Patient?
– Có chứ. Chúng ta không thể kiểm soát được người khác cũng như hầu hết những sự việc xảy ra. Nhưng chúng ta kiểm soát được hành động của bản thân mình. Arthur này, anh có biết chìa khóa quan trọng nhất để đi đến thành công là gì không?
– Tôi đang rất nóng lòng muốn nghe điều đó đấy, ông Patient ạ.
– Sớm hay muộn, những người thành công đều sẽ nhận ra rằng để lấy được thứ anh ta muốn từ người khác thì bản thân anh ta phải làm cho những người đó quy thuận mình. Có sáu cách để có thể khiến người khác quy thuận mình, đó là: bằng luật, bằng tiền, bằng vũ lực, bằng sức ép tâm lý, bằng nhan sắc và bằng sự thuyết phục. Trong tất cả những cách đó, thuyết phục có hiệu quả mạnh nhất. Nó thể hiện sự tin tưởng của họ dành cho anh và sẵn sàng giúp đỡ anh trong mọi hoàn cảnh. Không chỉ có thế, nó còn xây dựng nên anh ở những giá trị mới khiến người khác ngưỡng mộ chứ không đơn thuần chỉ là đạt được mục đích. Cha của Arun Gandhi đã cho anh một bài học thuyết phục về tính trung thực và điều đó theo anh trong suốt quãng đời về sau. Cũng như tôi đã thuyết phục được chủ tịch của tập đoàn Mỹ Latinh ký kết hợp đồng trị giá 10 triệu đô-la và tôi cũng mong là mình đã thuyết phục được phó chủ tịch phụ trách kinh doanh từ bỏ thói quen ăn xổi.
– Thật tuyệt vời, ông Patient ạ. Chúng ta sắp tới nơi hẹn của ông rồi. Giá mà còn thời gian tôi rất muốn nghe ông kể nhiều câu chuyện thú vị nữa.
– Chúng ta còn nhiều thời gian mà Arthur. Ngày mai, tôi sẽ tiếp tục kể cho anh nghe những câu chuyện mà tôi biết. Trước khi tạm chia tay, tôi có câu này dành cho anh đây: “Người thành công luôn sẵn sàng làm những việc mà người khác không muốn làm”. Đó là triết lý sống của tôi.
***
Khi Arthur về nhà, anh liếc nhìn hai viên kẹo nằm trên chiếc bàn nhỏ và mỉm cười bởi vì dù đang rất đói, anh vẫn không bị chúng cám dỗ – anh muốn xem rốt cuộc mình có thể tích lũy được bao nhiêu viên kẹo. Những câu chuyện và bài học rút ra được từ ông Patient đã bắt đầu tác động vào nhận thức của anh một cách sâu sắc. Anh lấy ra một cuốn sổ tay, ghi lại những điều anh đã đúc kết được:
* Đừng vội ăn ngay “những viên kẹo”. Hãy đợi đến đúng thời điểm để có được nhiều hơn.
* Người thành công không bao giờ thất hứa.
* Một đô-la được nhân lên gấp đôi mỗi ngày, sau ba mươi ngày sẽ nhiều hơn 500 triệu đô-la. Hãy biết suy nghĩ cho lâu dài.
* Cách tốt nhất để khiến người khác làm điều mình muốn là hãy tạo ảnh hưởng đối với họ thông qua uy tín của bản thân mình.
* Người thành công luôn sẵn sàng làm những việc mà người khác không muốn làm.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.