Không Theo Lối Mòn
Mục Đích + Đam Mê + Hành Động
Một buổi sáng, khi Jonathan bước ra xe để đến công ty như thường ngày thì thấy Athur đã tươi tỉnh ngồi chờ ông bên tay lái, nở một nụ cười rạng rỡ. Ông chợt nhớ đến tấm bảng đầy chữ trong phòng cậu tài xế trẻ của mình nên gợi chuyện ngay sau khi ngồi vào trong xe:
– Vậy là cũng đã được vài tuần kể từ ngày tôi nói chuyện với anh về thí nghiệm kẹo ngọt rồi phải không Arthur? Ở mặt nào đó, nó có tác động đến cuộc sống của anh không?
– Tôi nghĩ rằng nó không chỉ tác động một cách đơn thuần đâu, chính xác là 29 ngày rồi kể từ hôm ông bắt đầu câu chuyện. Những điều ông nói đã tạo nên một chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của tôi, ông Patient ạ! – Arthur nói và cho xe chuyển bánh.
– Làm sao anh nhớ được chính xác thế, chẳng lẽ anh đếm từng ngày sao Arthur?
– Tôi cũng đang làm một thí nghiệm nhỏ với mấy viên kẹo. Bằng cách nhân đôi số kẹo lên mỗi ngày, tôi đang đợi ngày mai – ngày thứ 30, tôi sẽ có một số kẹo khổng lồ: 536.870.912 viên. Nhân đôi chúng thêm lần nữa tôi sẽ có hơn một tỷ viên kẹo.
– Một con số hấp dẫn quá phải không. Nhưng chẳng lẽ anh đang trữ trong nhà một số lượng kẹo lớn như thế sao?
– Ồ không đâu! Nếu giữ số kẹo nhiều như thế thì phải cần một căn nhà chiều ngang 12m, chiều dài 12m và cao 6m thì mới chứa nổi. Từ hai tuần trước, tôi đã ngưng sử dụng những viên kẹo thật mà chuyển sang dùng vi tính để thiết lập cho mình một biểu đồ tượng trưng thôi.
– Một ý tưởng hay đấy, mà lại đỡ tốn nhiều thời gian và tiền bạc!
– Cũng nhờ chiếc máy tính ông tặng, tôi đã làm được khá nhiều việc một cách nhanh chóng. Như việc thương lượng với một số người qua mạng để bán bộ sưu tập thẻ danh thủ bóng chày của tôi.
– Anh sử dụng máy vi tính để mua bán thẻ danh thủ bóng chày ư?
– Không, tôi chỉ bán thôi. Tôi đã kiếm được hơn 3 ngàn đô-la bằng cách thuyết phục người mua lấy năm thẻ thay vì chỉ một thẻ như ý định ban đầu. Và nếu tiếp tục bán lẻ từng thẻ hoặc bán theo lô nhỏ thì có thể tôi sẽ có được khoảng 10 ngàn đô-la.
– Chúc mừng anh, Arthur! Bộ sưu tập của anh chắc hẳn là rất giá trị.
– Thật ra nếu tôi bán cả bộ cho một người thì chỉ được chừng 2 ngàn đô-la thôi. Tôi đã nghĩ cách xé lẻ nó ra, tuy bán hơi lâu và mất công thương lượng nhưng đổi lại có thể nâng mức giá trị của nó lên cao nhất.
– Vậy là anh đang từng bước áp dụng được “nguyên lý kẹo ngọt” vào cuộc sống rồi đấy. Nhưng lý do nào đã thúc đẩy anh bán bộ sưu tập vậy? Tôi nhớ không nhầm thì anh rất yêu quý bộ sưu tập ấy, hay anh đang gặp khó khăn về tài chính?
– Ồ không đâu, ngược lại là đằng khác. Tôi đang tiết kiệm tiền để chuẩn bị cho một kế hoạch lớn hơn.
– Tôi mừng cho anh, Arthur. Nhưng tôi có thể cho anh một lời nhắc nhở không?
– Tôi rất vui nếu nhận được lời khuyên của ông.
– Anh nên biết là tôi đánh giá cao khát vọng cùng với động lực của anh và tôi tin tưởng anh sẽ đạt được tất cả những điều trong dự định.
– Vậy có điều gì không ổn sao ông Patient? – Arthur hồi hộp hỏi.
– Không phải vậy đâu, Arthur. Tôi chỉ muốn anh hiểu rằng tất cả mọi người, kể cả tôi, thỉnh thoảng cũng không từ chối nổi “viên kẹo ngọt” dành cho mình. Cho nên nếu sau này lỡ có phạm sai lầm nào đó, anh cũng đừng quá khắt khe với bản thân. Có thể đến một thời điểm anh sẽ cảm thấy mệt mỏi với việc bán lẻ từng tấm thẻ và anh quyết định bán hết phần còn lại của bộ sưu tập với giá vài trăm đô-la chẳng hạn. Có thể anh chỉ kiếm được 5 ngàn đô-la thay vì 10 ngàn. Lúc đó, đừng tự dằn vặt bản thân là đã để vuột mất khoản tiền lớn, mà anh phải tập trung vào những gì mình đã hoàn thành. Anh nên nghĩ rằng 5 ngàn đô-la vẫn tốt hơn nhiều so với 2 ngàn đô-la nếu anh bán hết cả bộ sưu tập trong một lần từ lúc ban đầu, và đương nhiên là hơn hẳn việc không có đồng nào khi giữ chúng trong tủ.
– Cảm ơn ông. Tôi hiểu ông muốn nói gì. Nhưng thật lạ lùng, càng chú tâm và say mê với mục tiêu của mình, tôi lại càng ít thấy bị áp lực với việc đạt được nó. Mỗi lần tôi duy trì được sự kiểm soát bản thân trước cám dỗ của những viên kẹo ngọt và làm được việc gì đó giúp mình tiến gần đến đích hơn, tôi lại có thêm tự tin để tiếp tục. Liệu điều đó có ý nghĩa gì không ông Patient?
– Có chứ, Arthur. Nói một cách đơn giản nhất, nó cũng như một phép tính cộng anh thường làm thôi: Mục đích + Đam mê = Tâm hồn yên tĩnh.
– Đơn giản nhưng thật tuyệt diệu! Tôi rất thích công thức này. Khi có một mục tiêu khiến ta háo hức và cố gắng làm tất cả mọi thứ cần thiết để đạt được nó, kết quả là tâm hồn ta sẽ được yên tĩnh. Vài tuần trước, tôi cứ mãi xoay quanh với câu hỏi “liệu mình có thể thành công không?”. Chắc ông còn nhớ tôi đã hỏi rằng nếu dự đoán về khả năng thành công của ông bị chặn đứng vào năm bốn tuổi, thời điểm ông tham gia thí nghiệm kẹo ngọt, thì điều gì sẽ xảy ra chứ? Bây giờ, tôi không còn quan tâm đến chữ nếu nữa bởi lẽ tôi đã có một mục tiêu và bắt đầu hành động theo sự dẫn đường của nó. Tôi đang dồn hết tâm trí để tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi khi nào và làm thế nào có thể đặt chân lên con đường thành công của mình.
– Anh tạo cho tôi một ý tưởng để điều chỉnh lại công thức trên hợp lý hơn đấy. Đó là: Mục đích + Đam mê + Hành động = Tâm hồn yên tĩnh.
– Chắc chắn phần “hành động” sẽ tạo nên sự khác biệt lớn. Tôi nghĩ miễn là chúng ta dám hành động, dù là những bước đi rất nhỏ, thì khi đạt được từng nấc thang một chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái, yên tĩnh hơn trong tâm hồn. Mỗi ngày chúng ta lại có thêm một niềm vui và nguồn động lực khi biết mình đang đi đúng hướng để đến được mục đích.
– Arthur ạ, tôi không thể diễn tả hết niềm vui của mình khi nghe anh nói điều này. Tôi tin là anh sẽ làm được những gì anh đã dự định. Tôi hy vọng một ngày thuận tiện anh sẽ cho tôi biết bí mật của anh đang thực hiện.
– Ông sẽ là người được biết đầu tiên, ông Patient ạ! Tôi sẽ nói với ông ngay khi có thể.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.