Không Theo Lối Mòn
Phần Kết Thúc
Từ chối “viên kẹo ngọt” đang ở ngay trước mắt không chỉ là một nguyên lý trên bình diện lý thuyết mà còn là một nghệ thuật sống. Không quan trọng hiện tại bạn làm nghề gì, bạn đang sống ra sao và tâm hồn bạn như thế nào…, khả năng từ chối “kẹo ngọt” sẽ đem thành công đến với bạn. Và vấn đề cũng không phải là có bao nhiêu “viên kẹo”, nhiều hay ít, đang nằm trong tầm với của bạn, mà quan trọng là bạn thực hiện được nguyên tắc này đến mức độ nào.
Và phần thưởng của bạn là gì?
Bạn sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho mình. Bạn sẽ đủ khả năng chăm lo cho bản thân. Bạn sẽ đủ sức gánh vác trách nhiệm gia đình. Bạn sẽ xây dựng được những mối quan hệ bền vững và mật thiết hơn. Và khi đã về hưu, bạn vẫn đảm bảo được cho mình có một cuộc sống thoải mái.
Những chọn lựa
Từ chối “kẹo ngọt” là việc không hề đơn giản và không phải ai cũng có thể làm được. Chúng ta đang tự biến xã hội của mình thành các “món ăn nhanh”. Như một kiểu trào lưu văn hóa, dù đứng trên phương diện cá nhân hay tổ chức thì chúng ta cũng chỉ luôn chú ý vào sự thỏa mãn tức thời, phần thưởng tức thời và đương nhiên là lợi ích tức thời. Do đó, những gì chúng ta cần làm bây giờ là sắp xếp lại các thứ tự ưu tiên của mình. Trong suốt cuộc đời, bạn sẽ phải đưa ra muôn vàn lựa chọn và mỗi một lựa chọn ấy đều góp phần xác định bạn là ai, bạn làm gì và bạn sẽ đạt được thành quả nào. Có rất nhiều người bắt đầu cuộc đời trong xa xỉ và kết thúc trong nghèo túng, cũng như có nhiều người trải qua tuổi thơ ở những khu phố ổ chuột hay sống trong nhà xe di động nhưng cuối cùng lại trở thành triệu phú – thậm chí là tỉ phú. Đừng đổ lỗi hay phụ thuộc vào quá khứ của bạn. Vấn đề nằm ở việc bạn đang làm gì với kho tài sản của mình – cách bạn sử dụng tài năng, học thức, cá tính, sự bền bỉ, tiền bạc và kỹ năng từ chối “kẹo ngọt” của bản thân. Đó mới là điều thực sự có ý nghĩa.
Tôi khuyên các bạn hãy cố gắng biến mình thành người siêu tiết kiệm chứ không phải siêu phung phí. Tích lũy “những viên kẹo” bạn có thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ với tới mục tiêu của mình. Ngược lại, nghĩa là bạn đang đẩy mục tiêu đó ngày càng rời xa.
Không đủ quyết tâm để thực hành tiết kiệm chính là nguyên nhân khiến mọi người rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính. Người Mỹ có năng suất làm việc rất cao nhưng họ lại thiếu ý thức tiết kiệm. Tháng 8 năm 1999, tờ Dallas Morning cho biết có có 33% số hộ gia đình ở Mỹ đang lâm vào cảnh khánh kiệt, nghĩa là tới một phần ba dân số không hề có tiền mặt trong tay. Gần đây một cuộc khảo sát trên 1200 người lao động do tờ American Demographics tiến hành lại tiết lộ rằng gần 40% những người sinh sau Thế chiến thứ hai có tài khoản tiết kiệm dưới 10.000 đô-la. Và thực tế là có nhiều người còn lâm vào hoàn cảnh bi đát hơn.
Hãy tưởng tượng hàng triệu người dân gần đến tuổi 65 của nước Mỹ giàu có mà trong tay không có khoản tiền tiết kiệm nào. Ai sẽ cấp dưỡng cho họ? Hệ thống trợ cấp xã hội ư? Nếu ai cũng trông chờ vào đó thì nền kinh tế quốc gia sẽ phải gồng mình lên dưới sức nặng của chi tiêu, và tất yếu là trong tương lai sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng về tất cả các mặt. Để tránh tình trạng này đồng thời hướng đến một tương lai xa hơn, chúng ta cần phải chấp nhận và thực hiện các “nguyên tắc kẹo ngọt” một cách tự giác. Mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia sẽ tạo cho mình nhiều cơ hội hơn để phát triển từ những điều sẵn có.
Tiết kiệm
Michael LeBoeuf, một người bạn của tôi và là một trong các tác giả xuất sắc về đề tài kinh doanh, có lần đã nhận xét về tình trạng thất thoát tài sản do không tiết kiệm như sau:“Anh có để tình trạng tài chính của mình biến động tự do không? Anh có đeo trên người những món hàng trang sức đắt tiền không? Anh có ăn ở những nhà hàng sang trọng, nghiện thuốc lá hay rượu bia không? Anh có phung phí tiền bạc bằng cách thuê những căn hộ sang trọng để ở thay vì dành dụm tiền để mua một căn nhà? Hao phí thực sự cho một thứ gì đó không đơn thuần chỉ là phần anh đã chi ra, mà đó là khoản tiền lẽ ra anh đã tích lũy được”.
Theo Micheal, có 5 lý do thiết thực nhất để tiết kiệm những “viên kẹo” của bạn. Giả sử rằng thay vì tiêu phí những khoản tiền dưới đây, bạn gửi chúng vào một quỹ đầu tư với lãi suất trung bình 11% một năm thì điều bạn sẽ có là:
1. Năm 27 tuổi, nếu bạn tiết kiệm thay vì tiêu hết 5.000 đô-la cho một chiếc đồng hồ đeo tay thì bạn sẽ có 263.781 đô-la vào năm 65 tuổi.
2. Bắt đầu từ năm mười tám tuổi, nếu bạn tiết kiệm thay vì mỗi ngày bỏ ra một đô-la mua vé số thì bạn sẽ có 579.945 đô-la vào thời điểm nghỉ hưu.
3. Từ lúc trưởng thành cho đến tuổi nghỉ hưu, nếu bạn không phải đi vay tín dụng thì bạn sẽ tiết kiệm được 1.606.404 đô-la (tính theo số tiền lãi phải trả khi vay nợ, giả sử bạn vay 8000 đô-la thì mỗi năm phải trả lãi là 1440 đô-la).
4. Từ năm 21 đến năm 65 tuổi, nếu tích lũy thay vì tiêu tốn 5 đô-la một ngày cho quà vặt, thuốc lá hay bia rượu, bạn sẽ có thêm khoảng 2.080.121 đô-la.
5. Từ năm 21 đến năm 65 tuổi, nếu bạn mua nhà thay vì tốn trung bình 1000 đô-la tiền thuê hàng tháng, thì tổng cộng bạn tiết kiệm được 13.386.696 đô-la.
Số liệu trên đây chỉ mang tính minh họa, nó có đúng hay không còn tùy thuộc vào khả năng thu nhập và tiền tiết kiệm được của bạn. Nhưng đó là những cách thức đơn giản định hướng cho bạn trong việc tiết kiệm để có thể có một cuộc sống đầy đủ về lâu dài.
Đừng vội nói “Vâng!”
Ngoài việc sống tiết kiệm, hãy tận dụng mọi cơ hội để làm cho “viên kẹo ngọt” dành cho chúng ta không ngừng sinh sôi. Đằng sau “viên kẹo” hiện ra ngay trước mặt chúng ta biết đâu còn có biết bao “viên kẹo” ngọt ngào tiềm ẩn khác nữa. Hãy tận dụng tối đa khi nó đến với bạn. Tôi muốn chia sẻ cùng các bạn một ví dụ từ chính sự trải nghiệm của mình:
Trước đây, có lần tôi tổ chức một buổi nói chuyện chuyên đề quản lý thời gian một cách khoa học. Hôm ấy có các đại diện của công ty viễn thông Puerto Rico đến tham dự và sau đó, họ ngỏ lời mời tôi đến gặp giám đốc phát triển của công ty họ. Vị này đã hỏi liệu tôi có sẵn lòng thực hiện giúp họ một buổi học về quản lý thời gian không. Đó là một lời đề nghị rất hấp dẫn và tôi có thể đồng ý ngay lập tức, nhưng như thế cũng có nghĩa là tôi quá vội vàng ăn “viên kẹo” của mình. Vì vậy, tôi trả lời: “Tôi rất sẵn lòng với lời đề nghị này, nhưng cho phép tôi hỏi, công ty ông đang gặp phải những vấn đề gì mà ông cho rằng một buổi học về quản lý thời gian sẽ giải quyết được?”. Kết quả của câu hỏi đó là một hợp đồng đào tạo trọn gói trị giá 1,2 triệu đô-la được ký kết.
Do đó, trong bất kỳ trường hợp nào, bạn hãy ghi nhớ điều này: Khi khách hàng nói với bạn rằng họ muốn mua một sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó, nếu bạn lập tức mở túi ra, lấy tờ đơn đặt hàng và điền hết thông tin vào thì bạn đang đánh mất cơ hội tìm đến một hợp đồng trị giá cao hơn! Đừng nóng vội, hãy tìm ra những nhu cầu khác mà khách hàng có thể chưa đề cập đến. Với phương pháp làm việc như thế, bạn sẽ cho bản thân cơ hội để kiếm được thật nhiều “kẹo” thay vì chỉ một viên.
Con đường của những thành công
“Nguyên tắc kẹo ngọt” không những được sử dụng trong kinh doanh, trong việc quản lý tài chính mà nó còn áp dụng được vào mọi mặt trong đời sống của tất cả chúng ta, không phân biệt độ tuổi hay nghề nghiệp.
Bạn muốn thăng tiến trong công ty và được đồng nghiệp nể trọng? Bạn muốn có một chiếc xe mới hoặc trở thành triệu phú? Không quan trọng việc mục tiêu của bạn to lớn hay nhỏ bé, thành công chỉ xoay quanh cách bạn thưởng thức và không ngấu nghiến ngay những gì bạn có từ thắng lợi ban đầu, mà luôn hành động hướng đến mục tiêu xa hơn trong tương lai. “Nguyên tắc kẹo ngọt” không bắt bạn từ bỏ hết thứ này đến thứ khác, cũng không hà khắc với bản thân khi cứ nhất nhất bắt buộc mọi người không được thưởng thức vị ngọt ngào của những viên kẹo mà chúng ta đã tạo ra. Nó yêu cầu chúng ta phải nắm rõ sự cân bằng cho cả hiện tại và tương lai để điều phối các nhu cầu một cách hợp lý trong cuộc sống của bản thân. Đó là điều mà nguyên tắc này hướng đến.
Có rất nhiều con đường khác nhau dẫn tới thành công và bản thân thành công cũng được biết đến với rất nhiều dạng thức khác nhau. Nhưng dù thế nào đi nữa thì thành công thật sự và bền vững chỉ đến cùng với sự kiên trì, bền bỉ và thái độ kiên định hướng tới mục tiêu lâu dài. Dưới đây là hai ví dụ điển hình cho điều ấy:
Cướp biển và thiên đường
Johny Depp lớn lên trong một gia đình chỉ có hai mẹ con, gia cảnh vô cùng khó khăn và thậm chí anh cũng chưa học hết bậc trung học nhưng giờ đây được các đồng nghiệp của anh tôn vinh là một trong những diễn viên tài trí nhất Hollywood. Anh chính là tấm gương điển hình không ngừng tiến về phía trước, mặc dù đạt được hết thành công này đến thành công khác khi mới đến Hollywood. Anh xuất hiện lần đầu trên màn ảnh rộng lúc hai mươi mốt tuổi trong bộ phim kinh dị kinh điển “A nightmare on Elm Street” (Ác mộng trên phố Elm). Ba năm sau, anh được trả 45.000 đô-la cho vai chính trong mỗi tập phim “21 Jump Street”. Bộ phim này đã nâng anh lên thành biểu tượng của giới trẻ và giúp anh tiếp tục giữ vững danh hiệu đó trong ba năm.
Đối với một người xuất thân thấp kém như Depp, tiền bạc và sự nổi tiếng lúc này là điều vô cùng cám dỗ. Nhưng Depp tuyên bố rằng anh không muốn trở thành một “sản phẩm” của Hollywood, anh bỏ loạt phim giữa chừng và chấp nhận sự may rủi trên con đường nghệ thuật khi vào vai nhân vật Edward Scissorhands xấu xí, ngốc nghếch. Với vai diễn này, Depp được đề cử giải Quả Cầu Vàng lần đầu tiên và mở ra cho anh nhiều cơ hội tham gia những bộ phim mang lại tiếng tăm lẫy lừng như “Benny and Joon” hay “Edwood”.
Đầu thiên niên kỷ mới, Depp được trả 10 triệu đô-la để đóng vai thuyền trưởng Jack Sparrow trong phim “Pirates of the Caribbean” (Cướp biển vùng Ca-ri-bê). Đối với Depp, vai cướp biển này giống như cuộc dạo chơi trong công viên: cát-sê cao ngất ngưởng cho một vai phụ. Có gì đáng gọi là khó khăn khi đóng một cướp biển dựa theo khuôn mẫu của mấy nhân vật ở Disneyland? Nhưng Depp không muốn lại mang đến cho khán giả những hình mẫu quá quen thuộc, là những vai diễn mang tính giải trí rẻ tiền. Anh chấp nhận thử thách cho sự nghiệp của mình khi quyết định xuất hiện với mái tóc bện thành từng lọn quăn tít, răng bịt vàng và vài nét đặc trưng của Keith Richards – tay ghita huyền thoại trong ban nhạc Rolling Stones, hình mẫu khơi nguồn cảm hứng sáng tạo nên nhân vật Jack Sparrow. Trực giác và tài năng đã mang về cho Depp một mẻ lưới gồm một đề cử giải Oscar và mười bảy đề cử các giải thưởng danh giá khác. Trong số các đề cử đó, anh thắng được một vài giải thưởng mà quan trọng nhất là giải Screen Actors Guild.
Vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Depp đã thỏa mãn để bắt đầu thưởng thức hương vị của thành công, danh vọng. Anh tránh xa lối sống xa hoa kiểu Hollywood mà dành nhiều thời gian để sống bên vợ là diễn viên kiêm người mẫu Pháp Vanessa Paradis và hai đứa con một trai, một gái. Deep quan niệm rằng tiền không phải là thước đo chân giá trị của sự thành công
“Thách thức đối với tôi vẫn là làm một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ, khác hẳn những hình mẫu nhân vật quen thuộc trước nay đã in sâu trong suy nghĩ của khán giả. Nếu không thì tôi còn đến với điện ảnh để làm gì?”, Johnny Depp đã trả lời như thế trong buổi phỏng vấn với tạp chí Time, tháng 3 năm 2004.
Người đàn ông với khuôn mặt cao su
Cũng giống như Depp, Jim Carrey đến Hollywood với gia tài là tuổi thơ cơ cực, ít học và chỉ có một khả năng duy nhất: khiến cho người khác phải cười. Carrey mong mỏi sự nghiệp của mình sẽ không dừng lại ở một chàng hề, nhưng anh hiểu rõ rằng cách duy nhất để vươn tới những vai chính thì trước hết anh phải trở nên nổi tiếng với vai phụ. Cũng giống như Jorge Posada, chấp nhận trở thành cầu thủ bắt bóng và tập đánh bóng trái tay, Carrey cố gắng chọc mọi người cười ngay cả khi anh không thích. Và mặc dù khi đó anh mắc phải căn bệnh rối loạn lưỡng cực khiến cho chứng trầm cảm ngày một nặng thêm, nhưng Carry vẫn giữ được tinh thần lạc quan.
Khát khao cháy bỏng kết hợp cùng những nỗ lực cho một mục tiêu duy nhất, Carry đã đạt được điều mình mong muốn. Không những thu nhập của anh liên tiếp tăng lên mà quan trọng hơn là con đường sự nghiệp của anh ngày càng rộng mở từ những vai hài thuần túy như “Ace Ventura” (Thám tử tài ba) cho đến những vai sâu sắc, thâm thúy như nhân vật anh đã đóng trong “Enteral Sunshine of the Spotless Mind” (Ánh sáng vĩnh cửu) – bộ phim giành được một giải Oscar cho kịch bản gốc hay nhất.
Bạn không cần phải có khuôn mặt như cao su của Carrey để tạo dựng thành công của riêng mình. Hãy nhớ, thành công phải do chính bạn xác định – nó là giấc mơ của riêng bạn chứ không phải của ai khác. Trì hoãn sự thỏa mãn và vượt qua những thất vọng không thể tránh khỏi trong cuộc sống là một việc không hề dễ dàng. Động lực cần phải có để bạn vươn tới và giữ vững mục tiêu của mình sẽ càng mạnh mẽ hơn khi những mục tiêu đó bắt rễ vững chắc từ bên trong con người bạn.
Kế hoạch năm bước của “Nguyên tắc kẹo ngọt”
Để giúp bạn có một định hướng rõ ràng và đơn giản trong công việc cũng như đời sống, tôi sẽ tóm lược những điều quan trọng theo từng bước một để bạn có thể dễ dàng áp dụng. Sẽ rất hiệu quả nếu chúng ta có các câu trả lời xác thực nhất cho những vấn đề dưới đây:
Bạn cần thay đổi điều gì? Bạn có chiến lược nào có thể bắt đầu thực hiện ngay từ bây giờ để không quá vội vàng “ăn những viên kẹo” của mình không? Bạn cam kết sẽ thay đổi những gì?
Điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì? Bạn cần cải thiện điều gì và làm cách nào để có thể hoàn thiện mình một cách tốt nhất?
Các mục tiêu chính của bạn là gì? Hãy viết ra 5 điều bạn khao khát nhất, từ những điều dễ thực hiện đến những điều khó hơn.
Kế hoạch của bạn là gì? Hãy viết ra tất cả những kế hoạch của bạn. Đó là cách hữu hiệu nhất để tiến tới mục tiêu.
Bạn sẽ làm gì để biến kế hoạch thành thực tế? Bạn cam kết làm gì vào hôm nay, ngày mai hay tuần sau, năm sau để dần tiến đến thành công? Bạn có quyết tâm dám làm điều mà người khác không dám không?
Bước thứ sáu
Nếu bạn thực hiện được 5 bước trên thì cánh cửa thành công chắc chắn sẽ mở ra với bạn. Hãy tin tưởng vào điều đó. Tuy nhiên, trong cuộc đời không phải mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ như chúng ta hằng mong muốn mà luôn có những khó khăn thử thách chờ chúng ta vượt qua. Do đó, bên cạnh 5 bước thực hiện “Nguyên tắc kẹo ngọt”, tôi nêu ra đây bước thứ 6 như một viên thuốc tinh thần củng cố niềm tin cho bạn:
Sự bền bỉ. Đừng bao giờ bỏ cuộc trước bất kỳ khó khăn, trắc trở nào.
Khi Harry Collins, “siêu sao bán hàng”, được hỏi rằng ông có thể kiên nhẫn gọi điện cho một khách hàng triển vọng bao nhiêu lần trước khi bỏ cuộc, ông đã trả lời: “Còn tùy xem tôi và anh ta, ai chết trước.”
Bạn không phải đợi chờ điều gì nữa. Hãy áp dụng “Nguyên tắc kẹo ngọt” vào chính công việc cũng như cuộc sống của bạn ngay hôm nay, ngay bây giờ! Không bao giờ là quá sớm hay quá muộn để thực hiện một điều gì đó khiến cho cuộc sống của mỗi chúng ta ngày một tốt đẹp hơn!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.