Để Hôm Nay Trở Thành Kiệt Tác
3 SỨC KHỎE
Tôi phải bắt đầu chương này bằng việc đưa ra một lời thú nhận. Thông thường khi mọi người đọc một cuốn sách, đặc biệt là sách chứa những lời khuyên, họ mong muốn tác giả phải là chuyên gia trong mọi lĩnh vực mà ông ta viết trong sách. Trong trường hợp này, khi vấn đề nói đến là sức khỏe thì điều đó lại không đúng với tôi.
Trong phần lớn cuộc đời mình, tôi đã hoàn toàn buông lỏng lĩnh vực này. Thực sự thì vấn đề chính là sự lơ là chứ không phải bất cứ lý do nào khác.
Tôi vẫn luôn khỏe như ngựa. Trong 30 năm diễn thuyết trước công chúng, trước tiên là với tư cách linh mục và sau này là người dẫn dắt hội đàm và hội thảo, tôi chưa bao giờ bỏ một buổi nào vì ốm. Không một buổi nào! Tôi chỉ đơn giản là không bị ốm và tôi vẫn luôn luôn tràn đầy năng lượng. Thậm chí cả khi phải cháy hết mình, tôi vẫn còn lại rất nhiều năng lượng.
Tôi đã sống với tốc độ rất cao. Trong khoảng 10 năm, tôi đảm nhiệm hai công việc đòi hỏi khắt khe. Tôi dẫn dắt một nhà thờ với hơn 3000 người cùng khoảng 50 người làm và một ngân sách 5 triệu đô la một năm. Cùng lúc đó, tôi đứng đầu một tổ chức phát triển khả năng lãnh đạo, tổ chức này đòi hỏi tôi phải đi khắp nơi để thuyết giảng trong hơn 100 ngày một năm.
Duy trì một kiểu sống ở tốc độ ấy đồng nghĩa với việc tôi hiếm khi tập thể dục, ăn uống không điều độ và bị quá cân. Nhưng tôi chẳng lo lắng gì. Mỗi năm tôi khám sức khỏe một lần và lại nhận được một báo cáo tuyệt vời từ bác sĩ của mình. Vậy nên tôi coi việc mình khỏe mạnh là chuyện đương nhiên.
Tất cả những điều đó đều đảo lộn vào ngày 18 tháng 12 năm 1998. Đó là đêm diễn ra bữa tiệc Giáng sinh hàng năm dành cho nhân viên của tôi cùng vợ chồng họ. Cuối buổi tiệc, tôi cảm thấy không được khỏe. Một trong những nhân viên ôm tạm biệt tôi và cảm thấy mồ hôi lạnh phía sau gáy tôi. Rồi đột nhiên, một cơn đau nhức nhối trong ngực khiến tôi khuỵu xuống. Tôi chưa bao giờ trải qua việc gì như vậy cả. Khi nằm trên sàn đợi nhân viên cấp cứu, tôi cảm thấy như có cả một con voi đang ngồi trên ngực mình. Tôi đã thấy mình thật may mắn vì Margaret, lũ trẻ và rất nhiều bạn bè thân thiết đã ở đó với tôi trong bữa tiệc, vì tôi nghĩ mình chắc sẽ không qua khỏi.
Khi tới bệnh viện, tôi được cho biết mình vừa bị một cơn đau tim rất nặng. Khi tôi nằm trong phòng cấp cứu, các bác sĩ thử đủ các phương pháp điều trị khác nhau, tất cả đều có vẻ không có tác dụng, thì trợ lý của tôi, Linda Eggers, gọi một cú điện thoại. Sáu tháng trước, một bác sĩ tim mạch từ Nashville tên là John Bright Cage đã hẹn gặp tôi vào bữa trưa và chia sẻ nỗi lo lắng của ông về sức khỏe của tôi. Cuối buổi nói chuyện, ông nói rằng nếu khi nào cần ông giúp đỡ, tôi cứ gọi, bất kể ngày đêm, và ông để lại số điện thoại nhà cho tôi. Vậy nên dù lúc đó là 2 giờ sáng, Linda vẫn gọi cho ông. Chưa đầy một tiếng sau, bác sĩ Jeff Marshall và vài người đồng nghiệp bước vào, tuyên bố: “Nhóm hành động đặc biệt có mặt.” Bác sĩ Cage đã gọi cho một trong những bác sĩ tim giỏi nhất ở Atlanta và nhờ ông giúp tôi.
Lúc rạng sáng, bác sĩ Marshall thực hiện một thủ thuật để loại bỏ cục máu đông trong tim tôi, ông đã cứu mạng tôi. Sau đó, ông giải thích rằng ông đã sử dụng một thủ thuật mới được phát triển gần đây. Nếu tôi bị đau tim vào một hoặc hai năm trước thì chẳng có cách nào cả. Nó đã có thể giết chết tôi!
Khi hồi phục tại bệnh viện sau cơn đau tim, tôi thấy mình thật may mắn vì còn sống. Các bệnh tim mạch là nguyên nhân số một gây tử vọng ở Mỹ và châu Âu. Nhưng tôi đã nhận ra mình may mắn đến mức nào cho tới khi bác sĩ Marshall nói với tôi rằng tim tôi không còn chịu một chút nguy hại nào nữa. Vậy nghĩa là tôi có khả năng hồi phục hoàn toàn.
Bác sĩ Marshall nói với tôi rằng những người sống sót qua được cơn đau tim đầu tiên (và rút được ra bài học) thường sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn những người chưa bao giờ bị đau tim. Điểm mấu chốt đối với sức khỏe trong tương lai của tôi là liệu tôi có sẵn sàng đưa ra quyết định thay đổi cách mình sống và kiên định với quyết định đó không. Do đó, ở tuổi 51, tôi đưa ra quyết định sức khỏe này: Tôi sẽ chăm sóc thật tốt bản thân bằng cách tập luyện và ăn uống đúng cách.
ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH BIẾT VÀ TUÂN THEO NHỮNG CHỈ DẪN SỨC KHỎE MỖI NGÀY
Nếu bạn biết giá trị của sức khỏe tốt nhưng lại gặp khó khăn trong việc đưa ra cam kết và tuân theo các chỉ dẫn về sức khỏe thì đây là một vài gợi ý để giúp bạn xoay sự chú ý của mình tới vấn đề đó và khắc phục nó:
Có một mục đích đáng sống
Chẳng có gì giúp một người muốn làm việc cần làm tốt bằng tầm nhìn. Khi bạn có một điều gì đó để hướng đến trong cuộc sống, điều đó không chỉ khiến bạn muốn sống lâu, mà nó còn giúp bạn nhận ra tầm quan trọng của các bước đi trên con đường. Nhìn được bức tranh lớn giúp chúng ta có thể chấp nhận đôi chút khó chịu, bực dọc.
Rất khó tìm ra động lực trong những lúc không có chút hy vọng nào vào tương lai. Nhận biết được mục tiêu giúp người ta đưa ra quyết định thay đổi và sau đó là theo đuổi đến cùng với kỷ luật cần có để giữ cho thay đổi đó là mãi mãi, sau khi bị đau tim, tôi nhận thấy điều đó rất đúng. Một người bạn đã dành rất nhiều thời gian ở bên tôi suốt quá trình hồi phục đã chứng kiến tôi bỏ qua các bữa tráng miệng hết lần này đến lần khác – điều này không giống tính cách tôi chút nào – và cuối cùng thì anh hỏi: “Ông đã mất cảm giác thèm ăn tráng miệng rồi sao?”
“Không hề,” tôi trả lời: “nhưng cảm giác thèm sống của tôi mãnh liệt hơn.”
Làm công việc mà bạn yêu thích
Một trong những nguyên nhân chính gây ra căng thẳng suy nhược trong cuộc sống con người là làm công việc mà họ không thích. Điều đó giống như những gì nữ diễn viên hài Lily Tomlin đã nói: “Vấn đề của một cuộc đua chuột là kể cả nếu bạn thắng, bạn vẫn là một con chuột.” Tôi tin rằng có hai nỗi thất vọng chính đóng góp vào sự căng thẳng đó. Đầu tiên là làm công việc mà bạn không cho là quan trọng. Nếu bạn làm công việc mà bạn tin là chẳng thêm được giá trị gì cho bản thân hay người khác, bạn sẽ nhanh chóng trở nên sa ngã. Nếu làm việc trong tình trạng đó quá lâu, nó sẽ bắt đầu ăn mòn bạn. Để duy trì sức khỏe, công việc của bạn phải phù khớp với các giá trị của bạn.
Một lý do khác mà một vài người không thích công việc của họ là họ làm những việc giam họ trong một lĩnh vực thế yếu. Không ai có thể làm việc đó lâu và thành công. Ví dụ, hầu hết mọi người không thích ý tưởng về nói chuyện trước công chúng. Làm sao bạn lại có thể thích đứng trước mặt khán giả và nói với họ hàng ngày cơ chứ? Đó là nỗi sợ hãi hàng đầu của một số người. Nhưng với tôi, đó là niềm vui bất tận. Sau khi nói chuyện với mọi người trong một hội thảo sáu hay bảy tiếng đồng hồ, tôi không hề mệt. Tôi bùng cháy! Nói chuyện với khán giả tiếp thêm năng lượng cho tôi.
Một trong những cách để bạn có thể biết mình đang làm việc trong một lĩnh vực thế mạnh là nó thực sự tiếp năng lượng cho bạn. Thậm chí nếu bạn đang ở những giai đoạn đầu sự nghiệp hoặc đang bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới và bạn không giỏi lắm ở điều mà bạn đang làm, bạn vẫn biết nó là một lĩnh vực thế mạnh bằng cách chú ý tới cách bạn phản ứng với các thất bại của mình. Các sai sót thách thức bạn, sẽ cho bạn biết những lĩnh vực thế mạnh của mình. Các sai sót đe dọa bạn, sẽ cho bạn biết những lĩnh vực thế yếu của mình.
Tìm ra tốc độ của mình
Mickey Mantle từng nói: “Nếu biết mình sẽ sống lâu thế này, tôi đã chăm sóc bản thân cẩn thận hơn.” Tôi nghĩ tuyên bố đó có thể được dùng cho rất nhiều người khi họ già đi. Một phần của việc chăm sóc bản thân gồm có việc tìm ra và duy trì tốc độ phù hợp với bạn. Nếu bạn sống chậm hơn mức mà năng lượng của bạn cho phép, bạn có thể trở nên lười biếng. Nếu bạn tiếp tục chạy ở tốc độ nhanh hơn khả năng, bạn có thể sẽ hỏng việc. Bạn cần phải tìm thấy sự cân bằng cho mình.
Như đã bàn tới trước đây, tôi vẫn luôn là một người tràn đầy năng lượng và tôi luôn nghĩ rằng chẳng có gì mình không thể làm. Nhưng vào năm 1995, ở vào tuổi 47, tôi đã quá mệt mỏi vì dẫn dắt nhà thờ và lãnh đạo tổ chức của mình tới nỗi tôi trở nên kiệt quệ. Tôi yêu cả hai, nhưng cùng một lúc làm cả hai trong hơn 10 năm cuối cùng cũng hạ gục tôi.
Một hôm, tôi nói với Margaret: “Anh không thể tiếp tục làm như thế nữa. Anh phải từ bỏ một trong hai thôi.” Margaret đã khuyên tôi cắt bớt lịch làm việc bận rộn của mình trong nhiều năm; nhưng cô vẫn choáng váng trước tuyên bố của tôi.
“John,” cô nói: “trong bao nhiêu năm em biết anh, đó là lần đầu tiên em nghe anh nói anh kiệt sức đấy.”
Ngay cả hôm nay, ở tuổi 57, tôi vẫn có xu hướng ôm đồm quá nhiều và đi với tốc độ nhanh hơn mức thực sự tốt cho tôi. Có rất nhiều cơ hội mà tôi muốn theo đuổi, những cuốn sách tôi muốn viết và những người tôi muốn giúp. Tôi vẫn không ngừng cố gắng tạo sự cân bằng giữa mong muốn duy trì một tốc độ sống lành mạnh và nỗ lực đạt được tất cả những gì mình có thể trong đời.
Chấp nhận giá trị cá nhân của bạn
Trong suốt nhiều tuần và nhiều tháng sau khi bọn khủng bố tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới của New York, bài hát Chúa ban ơn cho nước Mỹ (God Bless America) lại trở nên phổ biến và được trình diễn liên tục ở các trận bóng cũng như các sự kiện khác. Bài hát được sáng tác bởi Irving Berlin – tác giả của vô số những ca khúc được ưa chuộng như Giáng sinh trắng (White Christmas), Diễu hành lễ Phục sinh (Easter Parade), Khoác lên vẻ hào nhoáng(Puttin’ on the Ritz), và Chẳng có ngành nào như ngành giải trí (There’s No Business Like Show Business). Hồi còn sống ở San Diego, tôi nhớ đã đọc được một cuộc phỏng vấn Berlin ở Union Tribune, trong đó, Don Freeman hỏi nhạc sĩ rằng có câu hỏi nào mà ông mong có ai đó đặt cho ông không. Berlin trả lời: “Có, có một câu. ‘Ông nghĩ gì về rất nhiều bài hát ông đã viết và không trở thành hiện tượng?’ Câu trả lời của tôi là tôi vẫn nghĩ chúng thật tuyệt vời!”
Berlin có nhận thức tốt về giá trị bản thân và sự tự tin đối với tác phẩm của mình, bất kể nó có được người khác chấp nhận hay không. Điều đó chắc chắn là không đúng đối với tất cả mọi người. Thực tế, một hình ảnh bản thân nghèo nàn hay méo mó là nguyên nhân của rất nhiều tình trạng và hoạt động đe dọa sức khỏe, từ nghiện thuốc và rượu cho tới ăn uống bừa bãi và béo phì.
Nhà tâm lý học Joyce Brothers nói: “Quan niệm về bản thân của một cá nhân ảnh hưởng tới mọi khía cạnh trong hành vi của người đó. Khả năng học hỏi… khả năng trưởng thành và thay đổi… cách lựa chọn bạn bè, vợ chồng và nghề nghiệp. Chẳng có gì là thái quá khi nói rằng một hình ảnh bản thân tích cực là sự chuẩn bị tốt nhất có thể cho thành công trong đời.” Nếu hình ảnh bản thân của bạn xúi giục bạn làm những việc ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, hãy tìm sự giúp đỡ.
Cười
Bác sĩ Bernie S. Siegel viết trong cuốn Hòa bình, tình yêu và hàn gắn (Peace, Love and Healing) rằng: “Tôi đã tiến hành một nghiên cứu và tôi ghét phải nói với bạn, nhưng ai rồi cũng chết – người đang yêu, người chạy bộ, người ăn chay và người không hút thuốc. Tôi đang nói với bạn điều này để vài người trong số các bạn, những người chạy bộ lúc 5 giờ sáng và ăn chay sẽ thỉnh thoảng ngủ muộn và ăn một chiếc kem ốc quế.”
Chúng ta không bao giờ nên đối xử với cuộc sống hoặc với bản thân quá nghiêm khắc.
Ai trong chúng ta cũng có những thói quen lạ lùng có thể khiến ta thất vọng hoặc bật cười. Ví dụ, khi phải dính dáng tới bất cứ điều gì liên quan đến các dụng cụ hoặc công nghệ, tôi lại mù tịt. Tôi không phải là Ngài Khéo tay – tôi là Ngài Vô vọng. Tôi không để cho điều đó làm mình phiền lòng chút nào. Nếu bạn có thể cười chính mình thật to và thường xuyên, bạn sẽ thấy thật nhẹ nhõm. Chẳng có cách nào tốt hơn để ngăn không cho sự căng thẳng biến thành trạng thái buồn khổ.
QUẢN LÝ KỶ LUẬT SỨC KHỎE
Với một số người, kỷ luật sức khỏe có vẻ dễ dàng. Bạn tôi, Bill Hybels, dường như kiểm soát điều đó rất tốt. Ông ăn hợp lý, chạy thường xuyên và giữ cho cân nặng ở mức thấp. Trong nhiều năm trước khi tôi bị đau tim, ông thường thách tôi chăm sóc bản thân tốt hơn. Ông hay đùa với hội bạn như vậy, dù ông thì ăn thức ăn cho chim còn tôi thì ăn bít tết và đồ tráng miệng bổ béo. Ông đã đúng về việc thói quen đó sẽ tóm được tôi. Mặc dù phần lớn vấn đề của tôi là do di truyền, cách sống của tôi đã khiến mọi chuyện tệ hơn.
Sau buổi gặp với bác sĩ Marshall về cơn đau tim của mình, tôi đã có một kỷ luật mới để quản lý: Mỗi ngày tôi sẽ ăn đồ ăn ít béo và tập thể dục nhất là 35 phút. Ông nói với tôi rằng 85% các bệnh nhân tim bỏ chế độ ăn uống lành mạnh trong vòng sáu tháng. Mặc dù tôi chưa thành công trong lĩnh vực này trong 55 năm, tôi đã quyết tâm sẽ làm được trong quãng đời còn lại.
Margaret và tôi học mọi thứ chúng tôi có thể học về các vấn đề tim mạch, chế độ ăn kiêng ít béo và tập thể dục. Tôi trở thành một hình mẫu về kỷ luật. Và vào tháng 5 năm 2001 khi tôi ghé thăm bác sĩ Marshall, ông đã chúc mừng tôi. “John,” ông nói: “ông đang thực hiện tất cả những điều cần thiết. Ông không cần phải coi mình là một bệnh nhân tim chút nào nữa.”
Ước gì tôi chưa từng nghe những lời đó. Bạn thấy đấy, tôi yêu thức ăn, và tôi có xu hướng “nghiện thức ăn”. Vì những tin tốt lành nhận được từ bác sĩ Marshall, tôi cho phép mình trốn chế độ ăn kiêng một đôi lần – điều mà tôi đã không làm dù chỉ một lần trong hai năm rưỡi. Vài tuần sau, Margaret và tôi đi nghỉ ở London với mấy người bạn và tôi ăn những thức ăn và tôi đã không đụng vào trong từng đó thời gian. Tôi yêu từng miếng thức ăn nhỏ của món đó, nhất là cá và khoai chiên.
Vấn đề là tôi đã thôi không quản lý cuộc sống của mình theo quyết định mà tôi đã đưa ra nữa. Tôi đã lơi lỏng kỷ luật. Một khi cam kết của tôi đã ít hơn 100%, tôi bắt đầu gặp rắc rối. Tôi cần phải tập luyện và duy trì chế độ ăn hàng ngày. Nhưng tôi bắt đầu trượt đi: Từ hàng ngày, tới hầu hết các ngày, tới vài ngày. Tôi lờ luôn cả chính bài giảng của mình rằng hôm nay là rất quan trọng. Khi lơ là đủ trong ngày hôm nay, bạn sẽ phải trải qua “một ngày nào đó” mà bạn đã từng muốn tránh!
Tin tốt là tôi không còn ở tình trạng “ngựa quen đường cũ” nữa.
Tôi đã cam kết thực hiện kỷ luật hàng ngày của mình. Tin xấu là giờ tôi chỉ làm được 80% những gì mình làm được trước đây. Bác sĩ Marshall đang cố giúp tôi. Ông là một bác sĩ giỏi và một người bạn tốt, ông biết rằng đôi lúc, phương thuốc tốt nhất là một cú sút vào mông. Lĩnh vực sức khỏe vẫn còn là một cuộc chiến, nhưng đó là cuộc chiến mà tôi đã quyết tâm chiến thắng. Khi tôi chiến đấu vì lẽ phải, tôi hy vọng bạn sẽ tham gia cùng tôi bằng cách làm theo những điều sau đây mỗi ngày:
Ăn uống điều độ
Chính Mark Twain đã quan sát được rằng “cách duy nhất để giữ gìn sức khỏe là ăn những thứ bạn không thích, uống những đồ bạn không ưa và làm những điều bạn không muốn.” Twain là người thích nhạo báng, nhưng trong những điều ông nói có rất nhiều sự thực. Nếu chúng ta tự viết ra các quy tắc ăn uống lành mạnh của bản thân, tôi nghĩ chúng sẽ trông giống như thế này:
- Nếu không ai thấy bạn ăn món đó thì nó chẳng có chút calo nào.
- Nếu bạn uống một đồ uống nhẹ đã loại bỏ chất béo với một thanh kẹo, lượng calo sẽ bị triệt tiêu hết.
- Nếu bạn ăn với một người bạn và các bạn ăn cùng một lượng, lượng calo sẽ không tính cho cả người bạn.
- Thức ăn sử dụng cho mục đích chữa bệnh thì không tính: Ví dụ như sô-cô-la, rượu mạnh, và bánh pho mát Sara Lee.
- Bí quyết của một vóc dáng trông thanh mảnh hơn là khiến mọi người xung quanh tăng cân.
Chìa khóa của ăn uống lành mạnh là sự điều độ và quản lý những gì bạn ăn hàng ngày. Đừng dựa vào mấy chế độ ăn kiêng cấp tốc. Đừng lo về việc ngày hôm qua bạn ăn gì. Đừng hoãn việc ăn uống hợp ý tới ngày mai. Chỉ cố gắng ăn những gì tốt nhất cho bạn vào giờ phút này. Tập trung vào hiện tại.
Nếu bạn không chắc tình hình hiện tại của mình thế nào hay nên (hoặc không nên) ăn gì, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ. Bác sĩ sẽ cho bạn biết tình hình sức khỏe của bạn và cách thay đổi chế độ ăn.
Tập luyện
Phần lớn những người tôi biết thường hoặc thích tập thể dục và tập quá nhiều hoặc ghét việc đó và tránh nó hoàn toàn; nhưng tập thể dục thường xuyên lại là một trong những việc quan trọng nhất để có sức khỏe tốt. Tiến sĩ Ralph S. Paffenberger, Jr., là một nhà nghiên cứu bệnh dịch và là bác sĩ ở Đại học California, Berkeley, đã tiến thành các nghiên cứu đầu tiên tiết lộ tác động của việc tập thể dục tới sức khỏe. Paff enberger chỉ rõ:
Chúng ta biết rằng có một cơ thể khỏe mạnh là một cách để bảo vệ bản thân khỏi bệnh tim mạch vành, tăng huyết áp và đột quỵ, thêm vào đó là các bệnh tiểu đường ở tuổi trung niên, béo phì, loãng xương, có thể là ung thư ruột kết hoặc các ung thư khác, và có thể là cả trầm cảm. Tập thể dục có tác động rất lớn tới chất lượng cuộc sống.”
Paffenberger, người thường xuyên chạy bộ, khẳng định rằng tập thể dục có lợi cho con người ở mọi lứa tuổi.
Một trong những khó khăn liên quan tới tập thể dục là những bù đắp ngay trước mắt có vẻ như quá nhỏ. Bạn đứng lên cân sau khi tập thể dục. Chẳng có gì. Bạn tập trong ngày tiếp theo. Chẳng có gì. Và ngày tiếp theo, tiếp theo nữa. Vẫn chẳng có gì. Rồi sau 15 ngày tập luyện, có lẽ bạn thấy mình giảm được khoảng 2 lạng. Rất dễ nản lòng, nhất là khi phần lớn thời gian bạn không thấy được kết quả. Nhưng bốn ngày siết kỷ luật của bạn đã tạo điều kiện cho sự tiến bộ có thể xảy ra vào ngày thứ 15.
Chìa khóa để thành công trong lĩnh vực này là kiên trì. Tôi tập thể dịch ít nhất là năm ngày một tuần bằng cách đi bộ trên máy tập ít nhất 35 phút mỗi ngày. Đó là những gì bác sĩ của tôi khuyến nghị. Nếu bạn chưa quen với việc tập luyện hàng ngày, hãy tìm cách để bắt đầu. Không quan trọng là bạn tập gì, miễn là bạn có tập. Hãy nói chuyện với bác sĩ. Thuê một huấn luyện viên. Làm tất cả những gì cần thiết để bắt đầu một chế độ phù hợp với bạn.
Xử lý tốt căng thẳng
Một trăm năm trước, hầu hết nguyên nhân gây bệnh đều có liên quan tới các bệnh truyền nhiễm. Ngày nay, những nguyên nhân này lại liên quan nhiều tới căng thẳng. Tôi đã từng đọc một danh sách các câu hỏi mà Hiệp hội quốc gia về sức khỏe tinh thần đặt tại Anh Quốc đưa ra để giúp các cá nhân đánh giá xem liệu căng thẳng đã trở thành vấn đề hay chưa. Đây là điều mà mọi người được hỏi:
- Các vấn đề và thất vọng nhỏ nhặt có làm phiền bạn nhiều hơn bình thường không?
- Bạn có thấy khó khăn để hòa hợp với mọi người không? (Họ có khó hòa hợp với bạn không?)
- Bạn có thấy là mình đang không còn cảm hứng gì với những điều bạn đã từng yêu thích không?
- Bạn có bị lo lắng thường xuyên không?
- Bạn có sợ những tình huống hay con người mà trước đây chẳng làm bạn bận tâm không?
- Có phải bạn đã trở nên nghi ngờ mọi người, ngay cả bạn bè của mình không?
- Đã bao giờ bạn cảm thấy mình bị cho vào bẫy chưa?
- Bạn có cảm thấy thiếu thỏa mãn không?
Nếu có nhiều câu trả lời “có” cho những câu hỏi này, căng thẳng có thể là vấn đề của bạn. Mọi người đối mặt với các vấn đề và có lúc cảm thấy áp lực. Áp lực đó có trở thành căng thẳng hay không phụ thuộc vào cách bạn xử lý nó. Sau đây là cách tôi xử lý các vấn đề để giữ không cho chúng trở nên căng thẳng với mình:
- Các vấn đề gia đình: Giao tiếp, tình yêu vô điều kiện, thời gian bên nhau.
- Các lựa chọn bị hạn chế: Tư duy sáng tạo, lời khuyên từ người khác, ngoan cường.
- Các vấn đề về hiệu suất của nhân viên: Ngay lập thức đối chất với người đó và giải quyết vấn đề.
- Những nhân sự đứng đầu có thái độ không tốt: Loại bỏ.
Tôi thấy rằng điều tệ nhất tôi có thể làm khi dính tới bất cứ tình huống có thể có áp lực nào là tránh không đối đầu với nó. Nếu bạn giải quyết vấn đề với mọi người nhanh nhất có thể và không để cho vấn đề chồng chất lên, bạn sẽ giảm được rất nhiều nguy cơ bị căng thẳng.
Quyết định về sức khỏe của bạn hôm nay
Ngày hôm nay, bạn đang đứng ở đâu khi nói tới vấn đề sức khỏe? Hãy tự đặt cho mình ba câu hỏi:
- Tôi đã đưa ra quyết định biết và tuân theo những hướng dẫn sức khỏe mỗi ngày chưa?
- Nếu vậy, tôi quyết định khi nào?
- Chính xác tôi đã quyết định điều gì?
Kỷ luật về sức khỏe của bạn hàng ngày
Dựa trên quyết định mà bạn đã đưa ra liên quan tới vấn đề sức khỏe, kỷ luật mà bạn phải chấp hành hôm nay và mỗi ngày để thành công là gì?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.