Để Hôm Nay Trở Thành Kiệt Tác
8 ĐỨC TIN
Tôi lớn lên trong một gia đình tràn đầy đức tin. Cha tôi, Melvin, trở thành mục sư khi còn rất trẻ và vẫn còn ở trong giáo đoàn cho tới nay, ở tuổi 83. Mỗi ngày lớn lên, tôi được nghe những lời tràn đầy đức tin từ ông và mẹ tôi, Laura, Nhưng bạn không thể sống với đức tin của người khác. Mỗi người phải tự đưa ra quyết định của mình và hành động dựa trên nó một cách toàn tâm toàn ý. Ở độ tuổi 17, tôi đưa ra quyết định về đức tin của mình: Tôi sẽ nhận món quà của Chúa, là con trai Người, Jesus Christ, như là đấng cứu rỗi của tôi.
Hơn tất những yếu tố khác, điều đó đã định hình nên cuộc đời tôi. Nó đã xây dựng thế giới quan của tôi. Sự ghi nhận tình yêu của Chúa đối với nhân loại đã ảnh hưởng đến cách mà tôi nhìn nhận mọi người. Quy tắc vàng đã dạy tôi cách đối xử với mọi người. Tình yêu Chúa dành cho tôi đã cho tôi lòng tự tôn cao cả. Và Kinh Thánh đã dạy tôi cách để lãnh đạo mọi người. Bất kỳ khi nào được yêu cầu ký tên vào một cuốn Kinh Thánh về nghệ thuật lãnh đạo của Maxwell (Maxwell Leadership Bible), phiên bản có chứa ghi chú về nghệ thuật lãnh đạo từ 30 năm nghiên cứu nghệ thuật lãnh đạo trong Kinh Thánh, tôi đều viết: “Mọi thứ tôi biết về nghệ thuật lãnh đạo là tôi học được từ cuốn sách này.”
Đó là niềm vinh hạnh của tôi khi được là một thành viên của trung tâm Faith Walk Leadership. Tổ chức được thành lập bởi bạn tôi, Ken Blanchard, khuyến khích lãnh đạo ở nơi làm việc theo tiêu chuẩn cao nhất. Theo ý Ken thì điều đó có ý nghĩa như sau:
Nó không có nghĩa là lợi nhuận, hay làm đẹp lòng Wall Street, hay được các đồng nghiệp ca ngợi. Nó không đề cập tới lấy được lòng tin, được thăng chức hay tăng lương. Nó đề cập đến cách làm việc với những người mà bạn lãnh đạo để đạt được kết quả theo cách thức tôn vinh Thiên Chúa. Nó là về con người, sự phục vụ, và những kết quả. Đó là cách lãnh đạo mới dựa trên những lời dạy của Jesus, người dẫn đường xuất sắc của mọi thời đại. Người đã cho những tín đồ một viễn cảnh vĩ đại hơn họ từng thấy. Người luôn nhắc nhớ các tín đồ về hiệu quả lâu dài của những việc họ làm. Người cho phép những tín đồ bên người thất bại, nhưng yêu cầu họ phải có trách nhiệm. Người chuyển hướng họ. Người tha thứ cho họ, và người truyền cảm hứng cho những người khác. Và kết quả là? Người đã khởi xướng một phong trào vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ sau hơn 2000 năm.
Lãnh đạo thực sự bắt đầu từ con tim – với ý chí, nghị lực. Thông điệp cơ bản từ Chúa không phải là hành động khác nhau mà là trở nên khác biệt. Không phải là hành động một cách trung thực, mà là trở thành một người trung thực. Tiếp đó sự trung thực sẽ trở thành cốt lõi trong phong cách lãnh đạo của bạn. Nó sẽ là trọng tâm cuộc đời bạn. Đức tin không chỉ cho tôi sự bình an, nó còn cho tôi một mô hình tuyệt vời để lãnh đạo và để sống.
ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH LÀM SÂU SẮC THÊM VÀ SỐNG VỚI ĐỨC TIN HÀNG NGÀY
Nếu bạn mong muốn khám phá thật trung thực về đức tin, thì bạn nên biết điều này:
Chúng ta vốn đã có đức tin… Lựa chọn quan trọng là chúng ta đặt nó ở đâu
Tác giả John Bisagno quan sát thấy: “Đức tin là trọng tâm của cuộc sống. Bạn đến gặp bác sĩ mà bạn không thể phát âm được tên ông ta. Ông ta kê cho bạn một đơn thuốc mà bạn không thể đọc. Bạn mang nó đến một dược sĩ bạn chưa gặp bao giờ. Ông ta đưa cho bạn một loại thuốc mà bạn không thể hiểu. Nhưng bạn vẫn dùng nó.”
Tất cả chúng ta đều có đức tin. Hàng ngày chúng ta hành động dựa trên những niềm tin mà có rất ít hoặc thậm chí là không có bằng chứng nào củng cố cho chúng. Điều đó cũng đúng theo ý nghĩa tâm linh. Cũng giống như một người có đức tin rằng Chúa là có thật, người vô thần có đức tin rằng không có Chúa trên đời. Cả hai người đều giữ niềm tin mạnh mẽ, và chẳng ai trong cả hai có thể đưa ra bằng chứng để hoàn toàn chứng minh được quan điểm của mình. Ngay bây giờ, bạn đã có sẵn đức tin vào một cái gì đó. Mục tiêu của bạn là gắn niềm tin của mình với chân lý. Hãy tìm kiếm chân lý, và tôi tin bằng bạn sẽ tìm thấy nó.
Hãy hiểu rằng đức tin thường được sinh ra trong gian khó
Tôi đã chia sẻ rằng những người hoài nghi coi đức tin như là một điều tiêu cực, gần như đó là dấu hiệu của sự yếu đuối. Nếu đức tin còn mới mẻ đối với bạn và bạn không biết chắc làm thế nào để tiếp cận nó, thì tôi khuyên bạn nên xem nó như là một cơ hội cho một quá trình điều chỉnh trong chuyến hành trình cuộc đời. Trong một vở kịch của T. S. Eliot, một trong những nhà thơ có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20, một nhân vật đã thể hiện nó trong những ngôn từ thế này. Ông mô tả một đức tin đến sau nỗi thất vọng tột bậc. Ông gọi nó là “kiểu đức tin phát sinh sau nỗi tuyệt vọng. Đích đến là điều không thể được mô tả; bạn sẽ biết rất ít cho đến khi bạn tới được đó; bạn sẽ bước qua một hành trình trong bóng tối. Nhưng con đường đó sẽ dẫn bạn tới với những điều mà bấy lâu bạn vẫn tìm không đúng chỗ.”
Nếu bạn đang gặp khó khăn, hãy cho phép bản thân khám phá đức tin bằng cách đáp lại nó. Henri Nouwen nói điều này “là một cuộc đối thoại tuyệt vời trong cuộc sống của chúng ta: Để nhận biết và tin tưởng rằng nhiều sự kiện bất ngờ không chỉ là những điều gây gián đoạn cho dự án của chúng ta, nó còn là cách để Chúa định hình trái tim của chúng ta và chuẩn bị cho chúng ta.” Đức tin không chỉ có thể giúp bạn vượt qua khủng hoảng, nó còn có thể giúp bạn tiếp cận với cuộc sống sau một thời kỳ khó khăn với một cách nhìn hoàn toàn mới mẻ. Nó có thể giúp bạn lĩnh hội một quan điểm đầy niềm tin và lòng can đảm thông qua đức tin để đối mặt với thực tế.
Một đức tin chưa qua thử thách thì không đáng tin cậy
Chỉ đưa ra một quyết định về đức tin thì chưa đủ. Nếu bạn muốn sống theo đức tin đó thì bạn phải có ý thức đào sâu nó. Đức tin chỉ mang đến cho bạn sự bình yên và sức mạnh khi nó không hời hợt. Đức tin càng sâu sắc thì tiềm năng mà nó mang lại cho bạn trong những lúc khó khăn càng lớn. Như Rabbi Abraham Heschel đã nói: “Đức tin như của thánh Job không thể bị lung lay bởi vì nó là kết quả của rất nhiều thử thách.”
Có lẽ không gì trong lịch sử cận đại kiểm chứng đức tin của nhiều người dân khốc liệt như cuộc tàn sát người Do Thái. Bác sĩ tâm thần của Vien, Victor Frankl, là một trong những người sống sót sau những cuộc tàn sát của phát xít Đức. Ông sống qua khoảng thời gian từ năm 1942 đến năm 1945 trong các trại tập trung của Auschwitz và Dachau. Có lần Frankl đã nói: “Một đức tin yếu bị làm cho suy yếu bởi hoàn cảnh khó khăn và những thảm họa, trong khi một đức tin mạnh mẽ sẽ càng mạnh mẽ hơn khi trải qua những thử thách đó.” Mặc những điều kinh hoàng đã chứng kiến, những cuộc điều trị phải chịu đựng, đức tin của ông đã không suy suyển – nó càng sâu sắc hơn.
QUẢN LÝ KỶ LUẬT ĐỨC TIN
Hàng ngàn cuốn sách đã viết về cách sống để có kỷ luật với đức tin. Có lẽ bởi vì đó là điều khó để làm theo. Với tôi, kỷ luật có thể được tóm gọn trong một câu đơn giản: Mỗi ngày hãy sống và lãnh đạo như Jesus. Trong khi nói thì rất đơn giản, làm theo lại không đơn giản chút nào. Sống một cách có kỷ luật với đức tin là thách thức lớn nhất trong 12 việc hàng ngày của tôi. Vấn đề ở chỗ thay vì sống giống như Jesus, tôi thường muốn trở thành giống như John Maxwell. Tôi không đạt được mục tiêu này. Nhưng vì có Chúa dẫn đường, tôi ngày một tiến bộ. Và khi tôi tiếp nối bước chân Người và sống với nguyên tắc của Người, nhiều người đã được giúp đỡ còn tôi thì được mãn nguyện.
Sau đây là bốn gợi ý cho việc quản lý kỷ luật đức tin của bạn:
1. Trân trọng giá trị của đức tin
Tôi đã đưa ra một số lý do tại sao tôi nghĩ rằng đức tin mang lại lợi ích. Nhưng hãy cho phép tôi bổ sung thêm vào danh sách đó. Có vài điều trong cuộc sống bạn chỉ có thể tiếp cận thông qua đức tin. Trong quá khứ, rất nhiều người hi vọng rằng khoa học sẽ đưa ra câu trả lời cho những câu hỏi của cuộc đời. Nhưng khoa học đã không thể làm được điều đó.
Trớ trêu thay, những gì được cho là chân lý khoa học lại thay đổi liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chỉ cần xem cách mà các nhà khoa học đã nhìn hệ mặt trời của chúng ta. Ptolemy tin rằng trái đất là trung tâm của thái dương hệ và các hành tinh. Copernicus khẳng định mặt trời mới là trung tâm của thái dương hệ và các hành tinh di chuyển theo quỹ đạo hình tròn xung quanh nó. Kepler đã chứng minh rằng quỹ đạo di chuyển của các hành tinh là đường elip. Ngày nay, các nhà khoa học không còn tranh luận về cấu trúc của thái dương hệ, nhưng quan niệm về việc thái dương hệ được hình thành thế nào lại thay đổi liên tục. Trên thực tế, chỉ cần tuần này các nhà khoa học tìm thấy cái mà họ gọi là hành tinh già nhất được biết đến trong cụm hành tinh hình cầu M4, họ sẽ tuyên bố rằng, đó là “‘sự mặc khải tuyệt vời’ sẽ buộc các nhà khoa học xem xét lại những quan niệm của họ về sự hình thành của các hành tinh.”
Hãy so sánh giữa khoa học và tôn giáo. Niềm tin cốt lõi của Do Thái giáo và Kito giáo không thay đổi sau hàng ngàn năm. Có một khía cạnh tinh thần đối với đời sống con người không thể bị từ chối. Tôn giáo phải đáp ứng được nhu cầu tinh thần, tâm linh. Không gì khác có thể lấp đầy khoảng trống đó.
2. Hãy biết nghĩ tới Đức Chúa Trời
Có một câu chuyện về một người đàn ông lái xe không mui trên đường núi, anh ta đột ngột quay xe rất nhanh và chiếc xe bị rơi ra ngoài mép vực. Khi chiếc xe rơi xuống, ông quyết định bám vào một cành cây mọc ra từ vách đá, trong khi đó chiếc xe của ông tiếp tục rơi xuống dưới hẻm núi.
“Giúp tôi với!” ông ta gào lên. “Có ai nghe thấy tôi nói không?” Chỉ có tiếng vọng đáp lại. “Chúa ơi, người có nghe thấy con nói không?”, ông khóc.
Đột nhiên những đám mây cuộn lại với nhau và liền đó là một giọng nói như sấm rền: “Ta đang nghe con nói đây.”
“Người sẽ giúp con chứ ạ?”
“Tất nhiên, ta sẽ giúp con. Con có tin tưởng vào ta không?”
“Vâng, con tin tưởng vào Người.”
“Con có tin ta không?”
“Vâng, vâng, con tin người. Nhưng làm ơn, nhanh lên.”
“Nếu con tin ta, thì hãy buông cành cây ra,” tiếng nói như sấm rền lại vang lên.
Sau một hồi lâu yên lặng, người đàn ông tiếp tục khóc, “Có ai nghe thấy tôi nói không?”
Nếu muốn giữ được đức tin, bạn nhất thiết phải để Chúa trời ngự trị trong cuộc sống của mình. Không một ai khác xứng đáng với sự tin tưởng tuyệt đối và vô điều kiện của chúng ta đến vậy. Nhà thần học F. B. Meyer nói: “Sự thiếu lòng tin đặt hoàn cảnh của chúng ta nằm giữa chúng ta và Chúa Trời. Đức tin đặt Chúa Trời nằm giữa chúng ta và hoàn cảnh.” Có ai mà không muốn đấng sáng tạo của vũ trụ cứu giúp họ? James, một trong những cha đẻ của nhà thờ trong thế kỷ đầu tiên, khuyên rằng: “Hãy đến gần với Chúa trời và Người sẽ lại gần bên bạn.”
3. Kết nối mọi người bằng đức tin
Có một lần “vua diễu” Bob Hope đến sân bay để đón vợ ông, Dolores, người đã làm một số công việc từ thiện cho giáo hội công giáo. Khi chiếc máy bay riêng của cô tiến vào, hai người đàn ông đầu tiên bước ra khỏi máy bay là những linh mục công giáo. Sau đó đến Dolores, tiếp sau đó thêm bốn linh mục nữa. Hope quay sang người bạn đứng cạnh ông ta và châm biếm: “Tôi không biết tại sao cô ấy lại không mua bảo hiểm như những người khác!”
Có một thực tế là bạn sẽ trở nên giống với người mà bạn dành thời gian ở bên. Nếu bạn mong muốn gia tăng đức tin của mình, hãy dành thời gian cho những người có hứng thú với nó. Học tập từ họ. Tìm hiểu cách mà họ suy nghĩ.
4. Khám phá và đào sâu đức tin của bạn
Việc phát triển đức tin của bạn cũng tương tự như việc phát triển thể chất. Có lẽ đó là lý do vì sao trong Kinh Thánh có rất nhiều ẩn dụ thể chất cho sự phát triển về tinh thần. Nếu muốn có một tình trạng thể chất tốt, bạn cần tập luyện cơ thể hàng ngày. Nếu không làm vậy, bạn sẽ không những không đạt được sức mạnh và tình trạng mong muốn mà bạn còn từng bước đánh mất những gì mình đã có.
D. L. Moody, một giáo dân ở thế kỷ 19, người sáng lập trường dòng Northfi eld Seminary và học viện Moody Bible, đã giải thích đức tin của ông đã được phát triển thế nào. Ông nói: “Tôi cầu nguyện cho đức tin, và nghĩ rằng một ngày nào đó đức tin sẽ được truyền xuống và đi vào tôi như một tia chớp. Nhưng dường như đức tin đã không tới. Một ngày kia tôi đọc chương 10 của sách Romans trong Kinh Thánh “đức tin đến từ việc lắng nghe và lắng nghe những lời của Chúa.” Tôi đã đóng Kinh Thánh lại và cầu nguyện cho đức tin. Giờ đây tôi mở quyển Kinh Thánh ra và bắt đầu học tập, đức tin cứ lớn dần lên từ đó.”
Quyết định về đức tin của bạn hôm nay
Ngày hôm nay, bạn đang đứng ở đâu khi đề cập đến vấn đề đức tin? Hãy tự đặt cho mình ba câu hỏi sau:
- Tôi đã đưa ra quyết định để làm sâu sắc hơn và sống với đức tin của mình hàng ngày chưa?
- Nếu vậy, tôi quyết định khi nào?
- Chính xác là tôi quyết định điều gì?
Kỷ luật về đức tin của bạn hàng ngày
Căn cứ vào quyết định mà bạn đưa ra liên quan đến vấn đề đức tin, kỷ luật mà bạn phải chấp hành hôm nay và mỗi ngày để đạt được thành công là gì?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.