Để Hôm Nay Trở Thành Kiệt Tác
9 QUAN HỆ
Khi còn đang học đại học hồi năm 1965, tôi tham dự khóa Tâm lý học 101 của tiến sĩ David Van Hoose. Một ngày nọ, khi đang giảng bài, ông nói một điều gì đó thực sự thu hút sự chú ý của tôi. Ông nhấn mạnh: “Nếu bạn có một người bạn thực sự trong đời, bạn rất may mắn. Nếu bạn có hai người bạn đích thực, như thế là cực kỳ bất thường.” Tôi há hốc miệng. Là một sinh viên lạc quan vui vẻ, tôi nghĩ ai cũng có rất nhiều bạn bè. Mặc dù tiến sĩ Van Hoose đã định nghĩa tình bạn là các mối quan hệ được đặc trưng bởi tình yêu thương vô điều kiện, tôi vẫn choáng váng.
ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH CHỦ ĐỘNG VÀ ĐẦU TƯ VÀO CÁC MỐI QUAN HỆ BỀN VỮNG MỖI NGÀY
Các mối quan hệ luôn luôn rất quan trọng với tôi, và tôi đã phát triển rất tốt các kỹ năng quan hệ với mọi người ở tuổi còn khá trẻ. Khi tôi được hơn mười tuổi, cha khuyến khích tôi đọc cuốn Đắc nhân tâm (How to Win Friends and Infl uence People) của Dale Carnegie. Tôi vẫn luôn nhớ lời khuyên mà bậc thầy của các mối quan hệ đưa ra trong cuốn sách: “Để kết bạn, trước hết, người ta phải thật thân thiện.” Tôi đã rất tâm đắc với lời khuyên đó, nhưng sau khi nghe những điều giáo sư tâm lý học của mình nói, tôi quyết tâm trở nên có chủ đích hơn và đưa các mối quan hệ lên một tầm cao mới trong đời mình. Đó là khi tôi đưa ra quyết định liên quan đến các mối quan hệ: Tôi sẽ chủ động và đầu tư vào các mối quan hệ với mọi người.
Đề cao giá trị con người
Hãy nhìn thẳng vào thực tế, nếu bạn không quan tâm tới con người, chắc hẳn bạn sẽ không đưa việc xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp lên vị trí ưu tiên trong đời. Bạn của tôi, Ken Blanchard, tác giả cuốn Sức mạnh của sự khích lệ (Whale Done) và Người hâm mộ (Raving Fans), nói đùa rằng Cục quản lý các phương tiện mô tô rõ ràng là tìm kiếm và tuyển dụng những người ghét con người. Khi tới lấy bằng lái, bạn đã đoán trước là mình sẽ bị đối xử tồi tệ. Những gì mà người bán hàng toàn quốc của năm một thời, Les Giblin, từng nói rất đúng: “Bạn không thể khiến người khác cảm thấy họ là quan trọng trong mắt bạn nếu trong thâm tâm bạn không coi người đó ra gì.”
Giải pháp là hãy đề cao giá trị con người. Mong đợi điều tốt đẹp nhất từ mọi người. Giả định rằng động lực của con người là tốt đẹp trừ khi họ chứng mình điều ngược lại. Đánh giá họ dựa trên những lúc họ tốt đẹp nhất. Và trao cho họ tình bạn của bạn thay vì đòi hỏi điều đó ở họ. Việc đó chắc chắn là quyết định của họ.
Học cách hiểu con người
Tom Peters và Nancy Austin, đồng tác giả của cuốn Đam mê sự hoàn hảo (A Passion for Excellence), nói rằng: “Vấn đề số một về hiệu quả quản lý ở Mỹ là, khá đơn giản, những người quản lý xa cách người của họ và xa cách khách hàng của họ,” tôi nghĩ có một lời giải thích khả dĩ cho điều này là có một số nhà quản lý không đánh giá cao con người. Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Nhiều người quan tâm tới người khác, nhưng họ vẫn cứ xa cách. Trong những trường hợp đó, tôi nghĩ vấn đề là ở chỗ họ không hiểu con người.
Nếu bạn muốn cải thiện khả năng hiểu biết về con người để có thể xây dựng những mối quan hệ tích cực, vậy thì hãy luôn nhớ lấy những sự thật dưới đây về con người – làm theo đó là những hành động bạn có thể thực hiện để tạo cầu nối cho khoảng cách mà chúng tạo ra:
- Con người thường hoang mang… Hãy trao cho họ sự tự tin.
- Con người muốn được cảm thấy đặc biệt… Hãy khen họ thật chân thành.
- Con người khao khát một ngày mai tươi sáng hơn… Chỉ cho họ thấy niềm hy vọng.
- Con người cần được thấu hiểu và lắng nghe.
- Con người thường ích kỷ… Hãy nói chuyện với nhu cầu của họ trước.
- Con người thường cảm thấy mình yếu kém… Hãy động viên họ.
- Con người muốn được gắn liền với thành công… Hãy giúp họ chiến thắng.
Khi bạn hiểu con người, không để bụng những thiếu sót của họ và giúp cho họ thành công, thì bạn đã đặt được nền móng cho những mối quan hệ tốt đẹp.
Tôn trọng vô điều kiện nhưng mong muốn nhận được điều đó từ những người khác
Một ngày nọ, một người đàn ông tới sân bay, nhìn thấy một doanh nhân ăn mặc đẹp đẽ đang la mắng nhân viên khuân vác vì cách người này mang hành lý cho ông ta. Người đàn ông càng nổi điên bao nhiêu, nhân viên khuân vác càng tỏ ra bình tĩnh và chuyên nghiệp bấy nhiêu.
Khi ông khách hàng cáu bẳn bỏ đi, người đàn ông đầu tiên liền khen ngợi nhân viên vì sự kiềm chế của anh ta. “Ồ, chẳng có gì đâu,” anh nhân viên nói. “Ông biết đấy, ông đó đang tới Miami, nhưng mà mấy túi đồ của ông ấy lại đang trên đường tới Kalamazoo.” Những người không tôn trọng người khác sẽ thường vì đó mà tự làm tổn thương mình – và họ thường thu được những hậu quả tiêu cực khác.
Tôi tin là mỗi con người đều xứng đáng được đối xử tôn trọng vì ai cũng quý giá. Tôi cũng đã từng quan sát thấy rằng, trao cho mọi người sự tôn trọng trước là một trong những cách hiệu quả nhất để tương tác với người khác. Dù sao, điều đó không có nghĩa là bạn có thể đòi hỏi được tôn trọng lại. Bạn phải giành được nó. Nếu bạn tự tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác và thể hiện năng lực của mình, những người khác gần như sẽ luôn luôn tôn trọng bạn. Nếu mọi người đếu đối xử với người khác một các tôn trọng, thế giới sẽ trở thành một nơi tốt đẹp hơn.
Quyết tâm tăng thêm giá trị cho mọi người
Nhà thuyết giáo người Anh thế kỷ 19, Charles Spurgeon khuyên: “Hãy khắc tên mình lên những trái tim chứ đừng khắc lên đá.” Cách tốt nhất để làm điều đó là tăng thêm giá trị cho mọi người.
Làm điều đó bằng cách:
- Tìm kiếm khả năng bên trong mọi người,
- Giúp mọi người khám phá khả năng của mình,
- Giúp mọi người phát triển khả năng của họ.
Có một số người coi mọi tương tác với người khác như một sự trao đổi. Họ sẵn sàng tăng giá trị, nhưng chỉ khi họ nghĩ rằng sẽ nhận lại được giá trị nào đó. Nếu bạn muốn đưa các mối quan hệ lên hàng ưu tiên, bạn phải kiểm tra các động lực của mình để chắc chắn rằng không phải bạn đang đang cố gắng chi phối người khác vì lợi ích của chính mình.
Hãy đảm bảo rằng các động lực của bạn là chính đáng, hãy nhận lấy lời khuyên này từ Leo Buscaglia, tác giả cuốn Yêu thương nhau (Loving Each Other): “Hãy luôn bắt đầu một mối quan hệ bằng cách hỏi: Tôi có động lực lâu dài muốn được gắn bó với người này hay không? Tôi có cần người này giúp tôi bù đắp cho những thiếu hụt bên trong bản thân hay không? Nếu bạn không có câu trả lời “có” nào cho các câu hỏi trên, hãy để cho người đó được yên. Họ sẽ tốt hơn nhiều nếu không có bạn.”
QUẢN LÝ KỶ LUẬT XÂY DỰNG QUAN HỆ
Tôi nghĩ rằng, có rất nhiều lúc chúng ta coi các mối quan hệ như chuyện đương nhiên. Vì thế, chúng ta không thường xuyên dành cho chúng sự quan tâm mà chúng xứng đáng và cần có. Nhưng các mối quan hệ tốt đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Để giữ cho mình luôn theo sát các mối quan hệ sao cho tôi có thể đầu tư vào chúng đủ nhiều nhằm khiến chúng thành công, tôi chấp hành kỷ luật sau: Mỗi ngày tôi đều có ý thức thực hiện một nỗ lực để ký thác một chút thiện ý vào các mối quan hệ của mình với mọi người.
Điều đó nghĩa là tôi cho đi nhiều hơn những gì tôi nghĩ mình có thể nhận lại, yêu thương mọi người vô điều kiện, tìm ra nhiều cách để tăng giá trị cho mọi người và mang lại niềm vui cho các mối quan hệ mà tôi trân quý. Mỗi tối, tôi đánh giá lĩnh vực này trong đời mình bằng cách tự hỏi: “Hôm nay mình đã quan tâm chu đáo tới mọi người chưa? Họ có thể hiện niềm vui sướng vì đã dành thời gian bên mình không?” Nếu câu trả lời là có thì nghĩa là tôi đã hoàn thành bổn phận của mình.
Nếu bạn muốn cải thiện các mối quan hệ của mình qua những hành động hàng ngày thì hãy làm theo những chỉ dẫn sau:
Đặt người khác lên trên hết
Cách tốt nhất để bắt đầu một cách đúng đắn là đặt người khác lên trên hết. Cách cơ bản nhất để làm điều đó là thực hiện Quy tắc Vàng: Đối xử với người khác theo như cách bạn muốn họ đối xử với bạn. Nếu bạn áp dụng cách nghĩ này vào tất cả những phản ứng của bạn với người khác, bạn sẽ không thể mắc sai lầm. Nhưng còn có những cách khác để cho mọi người thấy là họ quan trọng và bạn quan tâm tới hạnh phúc của họ: Đi chầm chậm qua đám đông, nhớ tên mọi người, cười với từng người và nhanh chóng đưa ra sự trợ giúp. Người ta không quan tâm bạn biết bao nhiêu cho tới khi họ biết bạn quan tâm bao nhiêu.
Đừng vác theo hành lý cảm xúc
Không mấy thứ nặng nề như những tổn thương hay sự công kích từ quá khứ cứ giữ mãi trong lòng ngày này qua ngày khác trong đời một con người. Nếu bạn muốn tận hưởng thời gian của mình bên người khác, bạn phải loại bỏ những thứ như vậy đi. Bạn không thể cứ trì chiết những lỗi lầm cũ và nghĩ rằng có thể làm cho các mối quan hệ trở nên tốt đẹp. Nếu ai đó làm tổn thương bạn và bạn cần phải xử lý nó, đặt nó lên bàn, vậy thì hãy làm điều đó ngay. Giải quyết và vượt qua nó. Nếu nó không đáng để đem ra tranh cãi, hãy quên nó đi và bước tiếp.
Dành thời gian cho những mối quan hệ quý giá nhất
Hầu hết mọi người đều phân phối năng lượng quan hệ theo cơ sở đến trước, chăm sóc trước. Bất cứ ai lôi kéo được sự chú ý của họ trước đều ngốn sạch thời gian và năng lượng quan hệ của họ. Đó là lý do vì sao những người hay cằn nhằn, chứ không phải những người làm việc hiệu quả, thường làm người khác mất quá nhiều chú ý vào họ. Và đó cũng là lý do vì sao nhiều người chẳng còn gì để trao tặng khi họ trở về nhà từ chỗ làm. Vì bạn đã đọc chương về gia đình, bạn nên biết rằng tôi tin gia đình là nơi mang lại những mối quan hệ quý báu nhất trong đời bạn. Những mối quan hệ đó nên được đặt lên đầu khi bạn lên kế hoạch sử dụng thời gian của mình. Sau đó là tới những mối quan hệ quan trọng khác. Đó là vấn đề đặt ra những ưu tiên hợp lý.
Phục vụ mọi người một cách hạnh phúc
Tôi từng nghe một lãnh đạo trong ngành hàng không giải thích về việc tuyển dụng và huấn luyện được nhân viên trong ngành của ông khó đến thế nào. Ông nói rằng dịch vụ là thứ duy nhất họ có để bán, nhưng đó lại là thứ khó nhất để dạy vì chẳng ai muốn bị coi là người hầu kẻ hạ cả.
Helen Keller nói: “Cuộc sống là một điều thú vị, và thú vị nhất là khi sống vì người khác.” Tôi nghĩ điều đó đúng. Càng sống lâu, tôi càng tin rằng tăng thêm giá trị cho người khác là điều tuyệt nhất ta có thể làm trong cuộc đời này. Vì thế, khi phục vụ, tôi cố gắng để làm điều đó thật phấn khởi và với ảnh hưởng mạnh mẽ nhất.
Thường xuyên bày tỏ tình yêu thương và sự hàm ơn
Sau khi tôi bị đau tim, nhiều người hỏi tôi: “Cảm xúc chủ đạo của ông là gì? Là sợ hãi, hoảng loạn, băn khoăn?” Câu trả lời của tôi khiến nhiều người trong số họ ngạc nhiên. Thực ra, nó cũng làm cả tôi ngạc nhiên nữa. Đó là tình yêu. Hơn tất thảy mọi điều khác trong cái giờ phút đau đớn ấy, khi tôi không chắc liệu mình sẽ sống hay chết, tôi muốn nói với những người gần tôi nhất tôi yêu họ biết bao – gia đình tôi, những người làm việc cùng tôi, bạn bè lâu năm. Tôi học được một điều là thể hiện với những người mà bạn yêu mến rằng bạn yêu họ tới chừng nào không bao giờ là quá nhiều.
Tôi nghĩ nhiều người tin rằng cách tốt nhất để họ giúp đỡ người khác là chỉ trích họ, là ban phát cho người đó “sự thông thái” của họ. Tôi không đồng ý. Cách tốt nhất để giúp mọi người là nhìn ra điều tốt đẹp nhất trong họ. Tôi muốn động viên tất cả mọi người mà tôi gặp. Tôi muốn họ biết những điều tốt đẹp tôi thấy trong họ. Tôi thực hành quy tắc 101%. Tôi tìm kiếm 1 điều mà mình ngưỡng mộ ở họ và trao cho họ 100% sự khích lệ cho điều đó. Việc này giúp tôi yêu quý họ. Nó giúp tôi yêu quý chính mình. Và còn điều gì tốt hơn thế nữa để bắt đầu một mối quan hệ?
Quyết định về quan hệ của bạn hôm nay
Ngày hôm nay, bạn đang đứng ở đâu khi đề cập đến vấn đề các mối quan hệ? Hãy tự đặt cho mình ba câu hỏi:
- Tôi đã đưa ra quyết định chủ động và đầu tư vào những mối quan hệ bền vững mỗi ngày chưa?
- Nếu vậy, tôi đã đưa ra quyết định ấy khi nào?
- Chính xác là tôi đã quyết định điều gì?
Kỷ luật quan hệ của bạn mỗi ngày
Dựa trên quyết định mà bạn đã đưa ra về các mối quan hệ, kỷ luật nào mà bạn phải chấp hành hôm nay và mỗi ngày để thành công?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.