Để Hôm Nay Trở Thành Kiệt Tác

11 GIÁ TRỊ



Tôi lớn lên trong một gia đình với các giá trị tuyệt vời được truyền dạy và noi theo, nhưng tôi đã không có ý thức trân trọng những giá trị tốt đẹp và sống theo những giá trị ấy cho tới năm 1970 khi tôi được 23 tuổi. Năm đó tôi đọc Lãnh đạo tinh thần (Spiritual Leadership) của J. Oswald Sanders. Nó đã thay đổi cuộc đời tôi. Cho tới lúc đó, tôi vẫn lãnh đạo theo phong cách làm hài lòng mọi người và quan tâm đến từng người. Tôi dẫn dắt mọi người theo những điều phổ biến. 90% thời gian việc đó là ổn. Nhưng thỉnh thoảng khi cần phải có những quyết định đích thực ở cương vị lãnh đạo, khi tôi thực sự phải làm gì đó khác đi, tôi lại lúng túng. Đọc cuốn sách của Sanders khiến tôi nhận ra rằng tôi đang không lãnh đạo theo những giá trị của mình, và việc đó trao cho tôi can đảm để làm điều đúng đắn, thậm chí ngay cả khi nó không phổ biến. Tôi quyết định: Tôi sẽ lãnh đạo những người khác theo những giá trị mà tôi trân trọng.

Tôi vẫn còn giữ một bản của cuốn Lãnh đạo tinh thần vì nó đã ghi dấu trong tôi. Trong bìa cuối cuốn sách, tôi viết ra ba cam kết định hình cuộc sống của tôi, cuốn sách thách thức tôi:

 
  1. Là người của Chúa: Bất kể công việc có đưa tôi tới đâu, tôi vẫn khao khát được sống theo ý Chúa.
  2. Phát triển tiềm năng thành khả năng tốt nhất của mình: Tôi sẽ không bao giờ cho phép mình lười biếng, bàng quan hay thờ ơ trước những tâm hồn lạc lối.
  3. Thành khẩn với lãnh đạo tinh thần của mình: Chúa là thần tượng của tôi, Jesus là hình mẫu của tôi, và Kinh Thánh chỉ cho tôi phương hướng. Quá nhiều người là những lãnh đạo rập khuôn. Toàn bộ tầm nhìn của họ chỉ gói gọn trong những điều xung quanh. Với bàn tay giúp đỡ của Chúa, tôi sẽ không hùa vào khuôn mẫu của một người khác hay giảng dạy những điều mà tôi không tin.

Trong 34 năm, tôi đã liên tục hỏi mình câu hỏi này: “Mình có đang lãnh đạo mọi người theo những giá trị mà mình coi trọng hay không?” Có những lúc, phong cách lãnh đạo dựa trên giá trị của tôi khiến tôi trở nên lạ lùng so với người khác, nhưng với bản thân tôi thì không bao giờ.

QUYẾT ĐỊNH TRÂN TRỌNG VÀ THỰC HIỆN CÁC GIÁ TRỊ TỐT ĐẸP MỖI NGÀY

Danh hài Fred Allen đã nói: “Bạn chỉ sống có một lần. Nhưng nếu sống cho đúng cách thì một lần là đủ.” Làm sao mọi người có thể sống đúng cách? Bằng cách biết rõ giá trị của mình và sống theo những giá trị đó mỗi ngày. Sống đúng cách sẽ giúp bạn mãn nguyện đến lúc cuối đời. Sau đây là một vài gợi ý để bạn bắt đầu:

Tạo ra một danh sách các giá trị tốt đẹp

Bắt đầu viết bất cứ ý tưởng nào mà bạn thấy có liên quan tới các giá trị. Liệt kê ra tất cả những phẩm chất, tính cách đáng ngưỡng mộ mà bạn có thể nghĩ tới. Khi một khía cạnh cuộc sống của bạn hiện lên trong óc, hãy cố ghi nhận xem điều gì là quan trọng với bạn ở khía cạnh đó. Cuối cùng, giá trị của bạn không nên do các yếu tố bên ngoài quy định, như nghề nghiệp hay môi trường sống, tuy nhiên, khi cân nhắc những yếu tố đó, suy nghĩ của bạn lập tức sẽ trở nên thấu đáo hơn.

Khi bạn nghĩ rằng mình đã cạn hết mọi ý tưởng có thể có, hãy đặt danh sách đó qua một bên trong một thời gian, nhưng trong thâm tâm, hãy tiếp tục suy nghĩ về nó. Khi những ý tưởng mới lóe lên, hãy đưa thêm chúng vào danh sách. Đồng thời, có thể bạn cũng sẽ muốn đọc một chút để định hướng suy nghĩ của mình và xem liệu bạn có bỏ sót điều gì không.

Sau một vài tuần, hãy bắt đầu kết hợp các ý tưởng trong danh sách đó. (Ví dụ, “thành thật” và “trung thực” thực ra là trùng nhau. “Tận tụy” và “chăm chỉ” cũng vậy. Hãy chọn một hoặc tìm một từ khác tốt hơn để diễn tả cả hai khái niệm đó). Sau đó, thu hẹp nó lại. Bạn không thể sống theo 20 hay 50 giá trị được, vậy nên bạn cần phải bắt đầu loại bỏ đi một số. Những giá trị nào dựa trên chân lý và những lý tưởng cao nhất của bạn? Những mục nào trong danh sách của bạn thực sự thể hiện bản chất con người bạn? Giá trị nào sẽ tồn tại mãi? Bạn sẵn sàng sống hay chết vì những giá trị nào? Hãy bắt đầu loại bỏ tất cả những điều nông cạn và tạm thời. Nếu đã kết hôn, hãy đưa cả người bạn đời của bạn vào quá trình này. Danh sách các giá trị của các bạn có thể không giống nhau, nhưng chúng nên có nhiều điểm tương đồng. Và nếu có bất kỳ giá trị nào của bạn có vẻ quá khó hiểu đối với người bạn đời của bạn, hãy cẩn thận. Các bạn cần phải nói chuyện nghiêm túc về những giá trị đó và xem vị trí của các bạn thực sự đang ở đâu, nếu không sẽ luôn luôn có mâu thuẫn trong cuộc hôn nhân của bạn.

Trân trọng những giá trị tốt đẹp đó

Nhiều năm trước, ông bạn Jim Dobson của tôi – người sáng lập đoàn mục sư Forcus on the family(1) – đã có bài phát biểu khai mạc tại Đại học Seattle Pacifi c. Trong bài phát biểu đó, ông nói về khủng hoảng tuổi trung niên mà nhiều người trải qua ở khoảng giữa tầm tuổi 35 và 50. Ông nói: “Tôi tin rằng điều đó là hiện tượng của một hệ thống giá trị sai lầm hơn là của nhóm tuổi mà nó xuất hiện. Đột nhiên bạn nhận ra rằng chiếc thang mà bạn vẫn trèo đang dựa nhầm vào một bức tường khác.” Làm sáng tỏ và trân trọng các giá trị của mình có thể giúp bạn ngăn những điều tương tự xảy ra với bạn.

Quyết định sống theo những giá trị đó mỗi ngày

Sự thay đổi cuộc đời thực sự xảy ra khi bạn quyết định thay đổi hệ thống giá trị của mình, bởi vì đó là nền tảng cho mọi việc bạn làm. Bạn của tôi, Pat Williams, phó chủ tịch cấp cao của Orlando Magic, từng nói với tôi rằng khi Roy Disney được hỏi về bí quyết thành công của Disney, ông thường nói rằng công ty của ông được điều hành bởi các giá trị, điều đó khiến cho việc đưa ra những quyết định tốt trở nên thật dễ dàng. Điều tương tự cũng đúng cho một cá nhân.

Nhà vật lý Albert Einstein từng khuyên: “Hãy đừng tỏ ra là người thành công. Thay vào đó, hãy trở thành người có giá trị.” Vì sao ông lại nói một điều như vậy? Bởi vì ông biết, có được các giá trị sẽ giúp mọi người tập trung vào những điều quan trọng. Điều này sẽ dẫn tới một cuộc sống có chất lượng tốt hơn, một cuộc sống chính trực. Bên cạnh đó, nếu bạn tập trung vào các giá trị của mình, thành công chắc chắn sẽ theo sau.

So sánh các giá trị với những hành động thực tế của bạn mỗi ngày

Khoảng cách giữa biết và làm lớn hơn rất nhiều khoảng cách giữa ngu ngốc và hiểu biết. Một người xác định và tuyên bố rõ ràng các giá trị của mình nhưng lại không thực hiện chúng thì cũng giống như một người bán hàng hứa với khách hàng nhưng rồi lại không giao hàng. Người ấy không đáng tin cậy. Trong kinh doanh, kết quả là người đó sẽ mất việc. Trong cuộc sống, người đó mất đi danh dự của mình.

Năm 1995, Girish Shah, một kiểm soát viên của một công ty thuộc danh sách Fortune 500, bị buộc tội biển thủ của công ty 988.000 đô la trong vòng tám năm. Anh ta không đưa được ra lời bào chữa nào trước tòa và đã sẵn sàng trả lại 728.000 đô la ngay lập tức rồi vay mượn thêm tiền từ họ hàng để hoàn nốt phần còn lại.

CEO của công ty đã rất tức giận. Ông đã viết cho các quan chức của tòa như sau:

Tôi coi tội ác của ông Shah là đặc biệt quá giới hạn. Ông ta không chỉ ăn cắp từ các cổ đông của công ty thuộc danh sách Fortune 500 này mà còn vi phạm nhiệm vụ ủy thác được công ty và các cấp trên giao phó… Tôi mong các ngài răn đe ông Shah và những người phạm tội ác tương tự rằng, hành vi sai trái đi ngược lại với xã hội này được Tòa án Texas coi là một vấn đề nguy hại và sẽ không được khoan hồng.”

Bạn biết tuyên bố đó trớ trêu ở chỗ nào không? Nó được đưa ra bởi CEO của Tyco, Dennis Kozlowski, người về sau bị buộc tội móc túi của chính công ty đó 600 triệu đô la với sự giúp sức của hai lãnh đạo khác. Rõ ràng, sự bất nhất giữa những giá trị mà ông này tuyên bố và hành động thực tế của ông là một kiểu khuôn mẫu. Kozlowski từng khoe khoang với mọi người về việc ông ta tiết kiệm cho công ty tới mức nào. Ông thường viện ra những văn phòng đơn sơ mà công ty sở hữu ở nơi này ngay cả khi ông ta tiếp tục duy trì những văn phòng được trang hoàng lộng lẫy ở những nơi khác.

Sự thiếu nhất quán giữa các giá trị và hành động thực tế sẽ dẫn đến những hỗn loạn trong cuộc sống của một con người. Nếu bạn nói ra những giá trị của mình nhưng lại lơ là việc thể hiện chúng, vậy thì bạn sẽ tiếp tục vùi dập lòng tự trọng và sự đáng tin cậy ở mình. Và điều đó sẽ xảy ra ngay cả nếu bạn không nhận thức được về hành vi của mình và không chủ ý làm như vậy.

Sống theo các giá trị của bạn bất chấp cảm xúc

Nhiều người vướng vào rắc rối khi các giá trị và cảm xúc của họ mâu thuẫn với nhau. Khi bạn cảm thấy thoải mái và mọi điều đang đi theo đúng hướng, thì sống theo những giá trị của bạn một cách kiên định chẳng có gì là khó khăn. Tuy nhiên, khi các giá trị của bạn quyết định rằng bạn nên thực hiện một hành động khiến bạn bị tổn thương hoặc buộc bạn phải hy sinh điều gì đó, lúc đó, tuân theo các giá trị có thể sẽ khó hơn rất nhiều.

Nếu một trong các giá trị của bạn là lòng tự trọng và bạn tìm thấy một túi tiền của ngân hàng trên đường mà bạn nghi là đã bị lấy cắp, có thể bạn sẽ không thấy quá khó khi trả lại số tiền đó cho cảnh sát. Nhưng nếu bạn thấy sếp của mình ăn cắp của công ty mà bạn đang làm việc và bạn biết rằng nếu khiến cho mọi người chú ý tới việc đó, bạn sẽ bị sa thải thì sao? Lựa chọn đó sẽ khó hơn nhiều, nhất là nếu bạn biết rằng mất việc thì bạn sẽ mất nhà và tình hình tài chính sẽ lao đao.

Những người thành công sẽ làm những điều đúng dù họ có cảm thấy thế nào về việc đó đi nữa. Họ hành động trước và hy vọng những cảm xúc của họ sẽ đi theo sau. Thường thì việc đó không liên quan tới bất cứ điều gì hệ trọng. Các quyết định khó là các quyết định hàng ngày. Ví dụ, nếu sức khỏe tốt là một trong các giá trị của tôi, liệu tôi có tập thể dục ngay cả khi sáng đó tôi chẳng thích tập chút nào không? Liệu tôi có cố nhịn ăn một miếng bánh sô cô la to mặc dù tôi thực sự thèm hay không? Với tôi, để thành công, điều cần phải kiểm soát hành động của tôi chính là các giá trị – chứ không phải các cảm xúc. Ken Blanchard và Norman Vincent Peale viết trong cuốn Sức mạnh quản trị theo đạo đức (Power of Ethical Management): “Những người tử tế có thể đến đích cuối cùng, nhưng thường là họ đang đua một cuộc đua khác.” Sống theo các giá trị của bạn là đua trên một cuộc đua khác.

Đánh giá mỗi ngày theo các giá trị của bạn

Hầu hết mọi người dành rất ít thời gian để ngồi ngẫm nghĩ, nhưng điều đó lại cần thiết cho bất cứ ai muốn sống theo các giá trị của mình một cách kiên định. Ben Franklin thường thức dậy vào buổi sáng và tự hỏi mình: “Mình sẽ làm việc tốt nào trong hôm nay đây?” Ông đang đánh giá bản thân mình theo các trị của ông. Trong những năm qua, tôi đã thử làm tương tự. Vào cuối mỗi ngày, tôi suy nghĩ xem liệu mình đã thêm được giá trị cho cuộc đời của ai trong ngày chưa, vì đó là điều tôi mong muốn được làm mỗi ngày trong đời.


Quyết định của bạn về các giá trị hôm nay

Ngày hôm nay, bạn đang đứng ở đâu khi đề cập tới vấn đề giá trị? Hãy tự đặt cho mình ba câu hỏi:

 
  1. Tôi đã đưa ra quyết định trân trọng và thực thiện những giá trị tốt đẹp mỗi ngày chưa?
  2. Nếu vậy, tôi đã đưa ra quyết định ấy khi nào?
  3. Chính xác là tôi đã quyết định điều gì?

Kỷ luật về giá trị của bạn mỗi ngày

Dựa trên quyết định mà bạn đã đưa ra về các giá trị, kỷ luật nào mà bạn phải tuân theo hôm nay và mỗi ngày để thành công?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.