Trong quá trình trưởng thành, bạn bè xung quanh trẻ sẽ nhiều lên. Bạn tốt quý hơn sách tốt, có thể khiến trẻ thu được nhiều điều có ích. Nhưng ngược lại, nếu giao du với bạn xấu, có thể trẻ sẽ bị ảnh hưởng xấu. Trẻ kết bạn thế nào, làm bạn với người khác ra sao… những điều này cần có sự hướng dẫn tỉ mỉ của cha mẹ.
Đổi cách nói 31 Mỗi người đều có ưu điểm khác nhau, con cũng rất giỏi!
Cha mẹ thường nói: Có chút chuyện vặt vãnh cũng ghen tị với người khác, thật đáng xấu hổ!
Ở mẫu giáo, chúng ta thường thấy bọn trẻ đòi cha mẹ mua quần áo hay đồ chơi gì đó… Hiện tượng này có nguyên nhân sâu xa là do tâm lí ghen tị đang ngự trị trong trẻ. Ở cấp một, những học sinh có biểu hiện đạo đức tốt, thành tích học tập cao thường được thầy cô yêu quý. Những học sinh hư, nghịch ngợm thường gây sự với những học sinh tốt này, đó cũng là vì tâm lí ghen tị của chúng.
Mức độ ghen tị cũng có sự khác biệt. Mức độ ghen tị ít thường bị giấu trong tiềm thức, không dễ dàng bộc lộ ra ngoài. Ví dụ, mình là bạn thân của một học sinh giỏi, thành tích học tập của bạn ấy rất tốt, rất có khả năng, thế nên mặc dù không muốn công kích bạn tốt, nhưng bản thân mình vẫn có sự ghen tị. Còn mức độ đố kị sâu sắc thường được thể hiện ra bên ngoài trong vô thức, ví dụ: khiêu khích, đặt điều, vu oan cho bạn bè…
Ví dụ thực tế
Mạnh vừa mới đi học mẫu giáo, ngày nào mẹ cũng đến đón Mạnh về nhà. Hôm nay, mẹ vừa đến trường đón đã thấy Mạnh ủ rũ đi ra, mẹ hỏi có chuyện gì xảy ra, cậu bé cũng không đoái hoài. Trên đường về, mặc cho mẹ hỏi gì Mạnh cũng không đáp.
Về đến nhà, Mạnh nói với mẹ: “Mẹ ơi, sau này con không đi học nữa đâu, sản phẩm thủ công của con làm rất tốt nhưng cô giáo lại đặt sản phẩm của bạn Thao lên kệ trưng bày, bạn ấy làm chẳng đẹp gì cả!”.
Mẹ nghe xong ngạc nhiên lắm, mỗi khi cô giáo khen ngợi các bạn khác, Mạnh thường tỏ vẻ không vui, hơn nữa, còn thường xuyên nói xấu những bạn được cô giáo khen ngợi. Thằng bé này quá đố kị. Ngẫm nghĩ một lát, mẹ cười nói: “Mạnh à, sản phẩm của con được trưng bày mấy lần rồi?”.
“Con không nhớ nữa, mỗi lần con làm máy bay, ô tô đều là đẹp nhất. Nhưng bạn Thao lần này làm một bộ quần áo gấp bằng giấy, có gì đặc biệt chứ?”.
Mẹ nói: “Mạnh à, mẹ cảm thấy con làm máy bay và ô tô đúng là rất đẹp, nhưng quần áo thủ công bạn Thao làm cũng rất đẹp. Mỗi người đều có sở trưởng và ưu điểm riêng. Cô giáo trưng bày bài của bạn Thao không có nghĩa là bài của con không xuất sắc. Các con ai cũng có ưu điểm riêng của mình, cần phải học hỏi lẫn nhau. Người khác cũng rất giỏi, con nên học hỏi các bạn chứ không phải là công kích hay đố kị với họ, như vậy mới là một đứa trẻ ngoan!”. Mạnh nghe xong liền đỏ mặt nói: “Con biết rồi, mẹ ơi, từ sau con sẽ không ghen tị với các bạn nữa”.
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
Nguyên nhân tâm lí ủ rũ của Mạnh trong ví dụ trên là do sự đố kị của cậu. Tâm lí đố kị là vấn đề khá phổ biến ở trẻ con. Hiện nay, nhiều đứa trẻ được nuông chiều nên dễ có tâm lí tự cho mình là trung tâm, tưởng rằng tất cả mọi người đều phải học hỏi mình, thứ gì tốt cũng là của mình. Khả năng tiết chế tình cảm kém, kinh nghiệm xã hội không đủ, ngưỡng mộ người khác, khao khát được người khác tán dương… đều là những nguyên nhân dẫn đến thói ganh tị của trẻ.
Thông thường, tâm trạng của những trẻ hay đố kị thường dễ thay đổi, lúc vui lúc buồn; lúc cười cợt trên sự thất bại của người khác, khi lại đắc chí đến quên hết tất cả; lúc nghiến răng chửi mắng, khi lại gây chuyện với người khác… Sự đố kị của trẻ mặc dù không biểu hiện quá đáng như ở người lớn nhưng nếu để tâm lí này tồn tại lâu dài, dần dần sẽ trở thành một phần tính cách của con người. Mặt khác, những đứa trẻ quá đố kị cũng dễ gặp phải những kích thích ở bên ngoài, nảy sinh tâm trạng bất thường, ảnh hưởng đến sự tiến bộ của trẻ, cực kì bất lợi cho sự phát triển tâm sinh lí của chúng. Bên cạnh đó, tâm lí đố kị còn ảnh hưởng không tốt đến cá nhân, tập thể và xã hội, là một nhân tố không có lợi cho sự đoàn kết, tình bạn… Nếu trạng thái tâm lí này cứ để tiếp diễn đến khi trưởng thành, thì đứa trẻ ấy khó mà điều chỉnh được các mối quan hệ xã hội, khó mà cảm thấy thanh thản trong cuộc sống. Do đó, cha mẹ không thể để mặc tâm lý đố kỵ của trẻ, mà cần có biện pháp thay đổi thích hợp, đặc biệt là đối với những trẻ có tâm lí đố kị quá cao. Việc cha mẹ cần làm chỉ là giải quyết những nguyên nhân dẫn đến tính đố kỵ như: hư vinh, cạnh tranh, nói dối, và những nhân tố tiêu cực khác; chứ không phải là gạt bỏ hết những tác động tích cực của tính đố kỵ.
Khi trẻ đã nảy sinh tính đố kỵ, chúng thường có xu hướng trút giận hoặc tìm cách công kích người khác. Ngoài ra, khi tính đố kỵ quá cao còn khiến cho tính cách của chúng dần trở thành lập dị.
Đối mặt với những trẻ đố kị, cha mẹ nên làm thế nào?
Thứ nhất: Xây dựng môi trường tốt
Trong gia đình, giữa người lớn không nên nghi kị, coi thường hoặc nói xấu lẫn nhau, chê bai người khác trước mặt trẻ. Cha mẹ cần xây dựng không khí gia đình đầm ấm, đoàn kết, tràn ngập yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Đây là một trong những yếu tố cơ bản để ngăn ngừa tâm lí đố kị của trẻ.
Thứ hai: Phương pháp khen ngợi trẻ phải thích hợp
Khi khen ngợi trẻ, nếu cha mẹ biểu dương đúng đắn, có thể củng cố được ưu điểm của trẻ, tăng cường sự tự tin và thúc đẩy sự tiến bộ của trẻ. Ngược lại, nếu cha mẹ khen ngợi quá đà sẽ khiến trẻ cảm thấy kiêu ngạo, khinh thường người khác, cho rằng mình là tốt nhất, không ai có thể sánh bằng mình, cảm thấy đố kị với người khác khi người ta được khen mà mình thì không.
Thứ ba: Giúp trẻ nâng cao khả năng
Nếu cha mẹ phát hiện con mình có điểm nào không bằng những đứa trẻ khác thì cũng không nên chỉ trích trẻ, mà nên tạo điều kiện giúp trẻ nâng cao khả năng về phương diện này. Nếu như có điều kiện, cha mẹ có thể nhờ một đứa trẻ có khả năng tốt hơn con mình, giúp bé hoàn thành việc gì đó. Làm như vậy, không những có thể nâng cao khả năng của con mà còn tạo ra sự thân thiện giữa chúng với bạn bè, cũng là một cách tốt để khắc phục tâm lí đố kị.
Thứ tư: Dẫn dắt trẻ xây dựng ý thức cạnh tranh đúng đắn
Những đứa trẻ có tính đố kị thường rất hiếu thắng. Cha mẹ cần phải dẫn dắt bé dùng khả năng của mình để cạnh tranh với người khác. Cạnh tranh là để tìm ra sự chênh lệch, để tiến bộ nhanh hơn, không thể dùng thủ đoạn để giành lấy phần thắng, hãy dẫn dắt tham vọng của con đi theo hướng tích cực.
Đổi cách nói 32 Con thử nghĩ xem, nếu là họ, con sẽ làm gì?
Cha mẹ thường nói: Càng hiền càng bị bắt nạt, con à, mặc kệ bọn nó, thích làm gì thì cứ làm!
Trong cuộc sống hằng ngày, lúc dạy con cái ứng xử với bạn bè, cha mẹ thường chỉ biết giảng lí thuyết suông, tốt nhất là cứ giao trọn quyền để chúng tự quyết định. Nếu đổi lại là bản thân mình, mình sẽ làm thế nào? Đây là phương pháp “hoán vị” mà chúng ta thường nói đến.
Ví dụ thực tế
Bảo là một cậu bé rất ích kỷ. Mỗi lần chơi trong công viên, chỉ cần là thứ đồ chơi cậu chơi chưa đã, thì cho dù mẹ có nói thế nào, Bảo cũng một mực không chịu để các bạn khác chơi. Hôm nay chơi xe đẩy, do số lượng xe có hạn, nên chỉ vài bạn nhỏ được chơi. Mọi lần, vì Bảo chạy nhanh nên lúc nào cậu bé cũng được chơi đầu. Hôm nay, trước khi chơi mẹ Bảo đã có ý giữ con lại một lát, để cho các bạn nhỏ khác được chơi trước. Bảo thấy không còn xe nữa liền nói với mẹ: “Hết xe rồi mẹ ạ!”.
“Thế thì chờ một lát đi, đợi các bạn chơi xong rồi con chơi!”.
“Không, con muốn chơi ngay bây giờ cơ!”.
“Thế thì con qua thuyết phục bạn nào đó đi, xem bạn ấy có chịu nhường cho con không!”.
Mẹ nói xong, Bảo liền chạy đến chỗ các bạn đang chơi, sau đó ủ rũ đi về chỗ mẹ: “Các bạn ấy không chịu nhường cho con!”, “Thế thì con chuyển sang chơi cái khác trước đi, tí nữa đổi sang chơi xe đẩy cũng được mà!”.
Nhưng Bảo không muốn chơi cái khác, mặt mày ủ rũ, đứng bên cạnh mẹ, phụng phịu nói: “Con muốn chơi xe đẩy, con muốn chơi xe đẩy!”. Mẹ Bảo cúi xuống nói: “Giờ các bạn ấy đều không chịu nhường cho con, con cảm thấy rất buồn đúng không?”, Bảo gật đầu.
“Thế con thử nghĩ xem, nếu là họ, con sẽ làm thế nào?”, Bảo im lặng không nói gì.
“Lúc trước, mỗi lần chơi xe đẩy con thường làm thế nào? Có phải con cũng không nhường cho các bạn chơi không?”, mẹ lại hỏi.
Bảo khẽ gật đầu rồi nói: “Lần sau nếu có đồ chơi con sẽ chia sẻ với các bạn, như thế sau này có gì hay các bạn cũng chia sẻ với con!”.
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
Đại đa số trẻ em vì được quá nuông chiều nên luôn tự coi mình là trung tâm. Trẻ vừa muốn giữ đồ của mình vừa muốn chiếm đồ của người khác, tìm mọi cách cướp cho bằng được những đồ ăn ngon hoặc những đồ chơi mà chúng thích, nhu cầu “độc chiếm” cực kì mạnh mẽ. Trong thời gian ngắn, bé Bảo trong ví dụ trên đã được trải nghiệm cảm giác chờ đợi, bị người khác từ chối là như thế nào. Mẹ Bảo đã dạy cậu bé phải biết đứng trên lập trường của người khác để suy nghĩ, cân nhắc đến cảm nhận và nhu cầu của người khác, hình thành thói quen “hoán vị” khi suy nghĩ, từ đó thoát khỏi ý nghĩ coi bản thân là trung tâm, bước đầu hình thành thói quen hợp tác và cùng chia sẻ với người khác.
Trước khi làm một chuyện gì đó mà trẻ có thể nghĩ: “Nếu như mình là bạn ấy, mình sẽ làm thế nào?”, sau đó mới tiếp tục hành động, thì khả năng xảy ra những chuyện “ngoài ý muốn” sẽ giảm đi thấy rõ. Vì vậy, học cách đứng trên lập trường của người khác để suy nghĩ là một điểm vô cùng quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Cha mẹ cần bồi dưỡng cho trẻ đức tính này để chúng biết cách cư xử tốt đẹp.
Để trẻ có thói quen suy nghĩ trên lập trường của người khác, cha mẹ cần làm được những điều sau:
Thứ nhất: Lấy mình làm gương, tôn trọng suy nghĩ của trẻ
Khi trẻ nói ra suy nghĩ của mình, cha mẹ đừng nói những lời lẽ kiểu như: “Con còn nhỏ, không hiểu đâu!” để ngắt lời trẻ. Lâu dần trẻ sẽ không chịu nói ra suy nghĩ của mình nữa, rồi tự nhiên trẻ cũng sẽ từ chối không nghe theo những ý kiến của người khác, không chịu suy nghĩ cho người khác.
Thứ hai: Giúp trẻ hiểu rằng cần phải khiêm tốn
Thường ngày, cha mẹ cần dạy trẻ có thái độ khiêm tốn, đừng lúc nào cũng nghĩ rằng mình đúng, cần phải cân nhắc kĩ càng những điều người khác nói. Như vậy, lâu dần trẻ sẽ biết suy nghĩ cho người khác.
Thứ ba: Lấy một số ví dụ không tốt để dạy bảo trẻ
Cha mẹ có thể thường xuyên kể chuyện cho trẻ nghe, để trẻ hiểu rằng khi mình đứng trên lập trường của người khác có thể mang lại lợi ích gì cho bản thân và những ảnh hưởng không tốt khi không biết nghĩ cho người khác…
Đổi cách nói 33 Con à, diện mạo của một người không chứng tỏ được điều gì, thứ quan trọng nhất chính là tâm hồn!
Cha mẹ thường nói: Ăn mặc như thế chẳng khác nào đồ vô giáo dục, đừng có chơi với nó nữa!
Tục ngữ có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. “Nước sơn” ở đây chính là chỉ diện mạo bên ngoài. Còn “gỗ” chính là phẩm chất bên trong. Khi phán xét một con người cần xem xét phẩm chất, trạng thái tinh thần của người đó.
Ví dụ thực tế
Bé Nga đi học về, chu môi nói với mẹ: “Lớp con hôm nay có một bạn mới vào, cô giáo bảo bạn ấy ngồi cùng bàn với con!”. Mẹ thấy Nga có vẻ không vui liền cười bảo: “Thế thì tốt quá còn gì, con lại có thêm một người bạn mới!”. Không ngờ, Nga phụng phịu nói: “Mẹ đùa à, bạn ấy trông rất nghèo hèn, da lại đen và thô ráp. Nếu bạn ấy mà trở thành bạn con thì những bạn khác chắc chắn sẽ tránh xa con!”.
Mẹ không thể ngờ rằng, cô con gái ngoan ngoãn và giỏi giang của mình lại nói ra những lời như vậy. Mẹ liền cảm thấy phương pháp giáo dục của mình còn nhiều thiếu sót. Thế là mẹ nói: “Nga, công ty mẹ có nhiều người xinh đẹp hơn mẹ nhiều, nếu nói như kiểu của con thì chẳng phải mẹ cũng sẽ bị người ta xa lánh hay sao?”.
Nga cười tinh nghịch: “Đâu có? Mẹ à, mẹ định lừa con à? Tuần trước con mới thấy cô Ngát hẹn mẹ đi chơi đấy thôi?”.
“Mẹ không lừa con, mẹ chỉ muốn nói với con là: nhìn nhận một con người không thể chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài của người ta, diện mạo xinh đẹp không chứng minh được điều gì, đối với con người, điều quan trọng nhất là tâm hồn. Con phải nhớ kĩ, đánh giá một người tuyệt đối không thể đánh giá qua cái vẻ bề ngoài của người ta!”, mẹ nói.
Nhìn mẹ rất nghiêm túc, Nga ấp úng giải thích: “Thực ra con… là bởi vì các bạn khác đều cảm thấy bạn ấy rất quê mùa… Lúc buổi chiều con còn mượn bút chì của bạn ấy rồi mà…”.
Nhìn bộ dạng luống cuống của con gái, mẹ trịnh trọng nói: “Làm người nhất định phải có phẩm chất tốt, con biết mình sai là tốt rồi!”.
Sau khi ăn cơm xong, Nga đi dạo cùng mẹ. Vừa xuống lầu, Nga tình cờ gặp người bạn mới cùng với cha của bạn ấy. Hóa ra gia đình bạn đó mới chuyển về đây. Sau khi biết bạn ấy ở cùng chung cư với mình, cô bé liền nhiệt tình mời bạn lên nhà cùng làm bài tập.
Trong một lần thi cuối kì, cô bé có diện mạo không hề nổi bật đó đã đứng thứ nhất trong lớp, điều này khiến tất cả các bạn trong lớp phải nhìn cô bé bằng con mắt khác.
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
Trẻ con thường dùng con mắt nhìn diện mạo bên ngoài để đánh giá đẹp hay xấu. Cha mẹ nên sớm dạy cho trẻ, đừng “trông mặt mà bắt hình dong”. Nếu như từ bé, trẻ đã có thói quen “trông mặt mà bắt hình dong”, thì sau này rất có thể chúng sẽ có thái độ chê bai, coi thường sự nghèo khổ, ham giàu sang phú quý. Mặc dù những điều này trẻ có thể tự lĩnh hội trong cuộc sống nhưng vẫn cần có sự dẫn dắt của cha mẹ. Vậy, cha mẹ cần dẫn dắt trẻ như thế nào?
1. Cha mẹ nên nói với trẻ, người có diện mạo bên ngoài xinh đẹp chưa chắc đã là bạn của mình, chưa chắc đã có một trái tim lương thiện.
2. Cha mẹ nên chỉ rõ với trẻ: ai cũng có nguyên tắc làm người riêng, có một số người rất kiêu ngạo, thích ăn diện chải chuốt, bản thân rất cầu kì, dùng vẻ bề ngoài để lấy lòng người khác; nhưng một số người lại rất khiêm tốn, không muốn phô diễn bản thân trước mặt người khác. Mà chính những người không thích phô diễn bản thân trước mặt người khác mới là người tài năng thật sự, có học vấn, có kiến thức và đáng được tôn trọng.
3. Nếu bản thân trẻ mắc phải tật “trông mặt bắt hình dong”, cha mẹ cần nói rõ cho trẻ hiểu, cái gì mới là “chân – thiện – mỹ” thật sự. Cha mẹ không nên mắng mỏ, như vậy chỉ làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ, càng khiến cho thói quen xấu của trẻ trở nên trầm trọng.
Đổi cách nói 34 Con à, con cần học cách quan tâm đến người khác!
Cha mẹ thường nói: Tự lo được cho chính bản thân mình là tốt rồi, đừng có lo chuyện thiên hạ!
Dưới sự nuông chiều của cha mẹ, rất nhiều đứa trẻ cảm thấy mình là một “cậu ấm”, “tiểu thư”, cao hơn người khác một bậc, vì vậy nên người khác đều phải quan tâm đến mình, còn mình thì không biết phải biểu hiện tình cảm thế nào với những người xung quanh. Là cha mẹ, nên để con mình hiểu rằng, mỗi người đều bình đẳng như nhau, muốn có được tình cảm của người khác, trước tiên phải học cách yêu người khác. Một người biết cách quan tâm người khác mới càng được nhiều người quan tâm.
Ví dụ thực tế
Mỗi ngày trước khi đi ngủ, mẹ thường kể cho Thành nghe một câu chuyện nhỏ. Thế nên Thành đã có thói quen phải nghe chuyện rồi mới ngủ được.
Buổi tối, trước khi lên giường, Thành thường bám lấy mẹ đòi mẹ kể chuyện cho mình nghe, nhưng mẹ thường không thỏa mãn ngay yêu cầu của con trai mà nói: Mẹ còn có việc quan trọng phải làm, con đợi một chút nhé! Thành có chút nghi ngờ, việc quan trọng mà mẹ vẫn thường nói rốt cuộc là việc gì? Thế là cậu liền bám theo mẹ, trước tiên cậu nhìn thấy mẹ đi vào phòng bếp lấy một cái chậu, đổ đầy nước. Tiếp đó, Thành nhìn thấy mẹ bê nước ra khỏi nhà bếp. Thành âm thầm đi theo mẹ, nhìn thấy mẹ đi vào phòng bà nội. Bà nội Thành bị bệnh nên đi lại rất khó khăn. Thành nghĩ: “Mẹ định làm gì thế nhỉ?”, sau đó, cậu nghe thấy mẹ mình nói với bà: “Mẹ ơi, mẹ ngồi dậy đi, con rửa chân cho mẹ nhé! Rửa chân nước ấm cho dễ ngủ!”.
Thành chợt hiểu ra vấn đề, cậu đứng một lát rồi đi về phòng.
Lúc mẹ rửa chân cho bà xong quay về phòng Thành thì không thấy cậu ngồi bên giường chờ nghe kể chuyện như mọi ngày. Mẹ đang nghĩ xem con trai đi đâu mất thì đột nhiên nghe thấy giọng nói lảnh lót của cậu ở sau lưng: “Mẹ ơi, rửa chân thôi nào!”.
Mẹ ngoảnh đầu lại, nhìn thấy con trai đang cố sức bê một chậu nước, lảo đảo đi vào. Mắt mẹ chợt cay cay, miệng nở nụ cười mãn nguyện….
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
Người ta thường nói: “Con cái là tấm gương phản chiếu cha mẹ”, “Cha mẹ là những người thầy đầu tiên của con”… mỗi câu nói, mỗi hành động của cha mẹ đều âm thầm ảnh hưởng đến con cái. Do vậy, cha mẹ cần nêu gương cho trẻ, thường xuyên tự kiểm điểm bản thân, có như vậy mới có thể giáo dục con được tốt.
Sự trưởng thành của trẻ là một quá trình xã hội hóa. Trong quá trình này, cảm giác được nhìn nhận và mô phỏng hành vi của trẻ là rất rõ rệt.
Mắt của trẻ như một chiếc máy ảnh, sẽ chụp lại hình ảnh của cha mẹ mỗi ngày. Bé Thành trong ví dụ đã nhìn thấy mẹ rửa chân cho bà mỗi tối trước khi đi ngủ, hành vi này của mẹ đã trở thành tấm gương cho cậu bé noi theo. Sau khi chịu sự ảnh hưởng của mẹ, cậu bé cũng biết cần phải quan tâm người lớn như thế nào.
Quan tâm đến người khác là một phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người. Cha mẹ nên giúp cho trái tim của con tràn ngập tình yêu thương, đồng thời hãy để cho trạng thái tâm lí lành mạnh này theo trẻ suốt cuộc đời:
Thứ nhất: Lấy mình làm gương cho con noi theo
Một không khí gia đình đầy tình yêu thương sẽ có tác dụng lớn trong việc bồi dưỡng tình cảm trong trái tim trẻ. Cha mẹ mà thường xuyên cãi vã, đánh chửi nhau, đứa trẻ thường xuyên sống trong cảnh sợ hãi, u uất, hoang mang… thì sẽ không biết cách quan tâm, yêu thương người khác được. Vì vậy, các thành viên trong gia đình cần quan tâm, yêu thương lẫn nhau, đặc biệt là tình cảm giữa hai vợ chồng. Ngoài ra, cha mẹ cần thường xuyên kể cho trẻ nghe những câu chuyện về việc quan tâm người khác, bày một số trò chơi về sự quan tâm chăm sóc những người xung quanh cho trẻ, giúp chúng hiểu được rằng quan tâm đến người khác là một phẩm chất tốt.
Thứ hai: Có cái nhìn đúng đắn về cuộc sống tập thể
Khi trẻ bắt đầu tiếp xúc với các bạn, sẽ khó tránh khỏi sự tranh cãi, đánh nhau, cướp đồ chơi của nhau… Đối với những hành động này, cha mẹ nên có cách nhìn nhận đúng đắn, chú ý giáo dục trẻ cách hòa nhập với cuộc sống tập thể, phải đoàn kết với các bạn, quan tâm đến những người xung quanh, biết nhường nhịn lẫn nhau. Có nhiều cha mẹ vì sợ những đứa trẻ khác bắt nạt con mình nên không để cho trẻ tiếp xúc với người ngoài, kết quả là trẻ trở nên cô lập, ích kỉ, không biết nghĩ cho người khác, càng không biết quan tâm đến người khác. Điều này không hề có lợi cho sự phát triển của trẻ.
Thứ ba: Phải tăng cường hướng dẫn, tích cực cổ vũ
Khả năng nhận thức của trẻ còn thấp, kinh nghiệm và kiến thức còn chưa đủ, cần có sự giúp đỡ của người lớn. Trong cuộc sống hằng ngày, nếu trẻ nói với cha mẹ chúng đã làm gì để quan tâm và giúp đỡ người khác, thì cha mẹ cần phải tích cực cổ vũ và khen ngợi trẻ.
Thứ tư: Để trẻ làm một số việc phù hợp với khả năng
Đừng để trẻ có thói quen phụ thuộc thái quá vào cha mẹ, chỉ có những đứa trẻ chăm chỉ và tự lập mới hiểu chuyện, biết cách quan tâm đến người khác. Thông thường, chăm chỉ có thể bồi dưỡng mà thành, vì vậy cha mẹ cần xây dựng quan điểm này, đồng thời có hành động để thực hiện. Phải huấn luyện trẻ làm những việc hợp với sức của mình, mạnh dạn buông tay để trẻ làm những việc trong khả năng của chúng, ví dụ: khi bạn đi làm mệt nhọc cả ngày, ngồi bên bàn chuẩn bị ăn cơm, bạn có thể yêu cầu trẻ đơm cơm cho mình, bọc thức ăn thừa cất vào tủ lạnh…
Thứ năm: Lợi dụng tác động của sự đồng cảm. bồi dưỡng tình cảm cho trẻ qua việc trồng cây, nuôi thú, từ đó chúng sẽ dần biết quan tâm đến người khác
Đồng cảm là một hiện tượng tâm lý mà tình cảm của một người đối với người này hay sự vật này lan truyền sang người khác hoặc sự vật khác. Trẻ con luôn cho rằng các loài động thực vật như chim, chó, cá… đều có những suy nghĩ và cảm xúc như con người. Vì vậy, dưới con mắt của trẻ thì một con vật cũng giống như một con người nên thường vuốt ve và nói chuyện với chúng. Cha mẹ có thể tận dụng suy nghĩ này của con để khuyến khích chúng trồng hoa, nuôi những con vật nhỏ…. để bồi dưỡng tình cảm của chúng với hoa và các loài động thực vật khác. Khi đã biết coi trọng và yêu quý động thực vật, chúng cũng sẽ dần dần biết yêu thương, quan tâm và chăm sóc người khác. Vì vậy, cha mẹ nên hướng dẫn con trồng trọt và chăn nuôi để bồi dưỡng tình yêu của chúng với hoa và các loài vật nhỏ, đây cũng là một cách để dạy trẻ biết quan tâm đến người khác.
Đổi cách nói 35 Tha thứ cho bạn bè là một Chuyện vui!
Cha mẹ thường nói: Chuyện này không thể tha thứ cho nó được, sau này không được chơi với nó nữa!
Khoan dung với người khác là “thiện đãi” bản thân. Khoan dung là liều thuốc tốt để hóa giải mâu thuẫn, là báu vật có lợi cho cả mình và người khác, là nền tảng của sự nghiệp thành công. Bồi dưỡng phẩm chất khoan dung cho trẻ có nghĩa bạn đang tạo nền tảng cho sự thành công của trẻ sau này, tạo nền móng cho sự hạnh phúc của trẻ mai sau.
Khoan dung là phẩm chất đạo đức cơ bản của con người, có thể khiến trẻ tôn trọng lẫn nhau, chấp nhận sự khác biệt của nhau. Những đứa trẻ có lòng khoan dung cho dù có không đồng ý với quan điểm hay tín ngưỡng của người khác cũng vẫn duy trì sự tôn trọng đối với người đó. Bởi vì có được phẩm chất đạo đức này, trẻ sẽ không hẹp hòi hay cố chấp. Do đó, khi trưởng thành trẻ sẽ thích ứng được với xã hội.
Ví dụ thực tế
Tan học, các em học sinh hối hả thu dọn đồ dùng học tập để về nhà. Dương là một cậu bé nghịch ngợm có tiếng ở trong lớp, còn Nhung lại là lớp phó học tập của lớp nên hai bạn thường mâu thuẫn
với nhau. Lần này, khi Dương đi ngang qua chỗ bàn của Nhung đã vô ý làm rơi hộp bút của Nhung xuống đất, Nhung vội đuổi theo bắt Dương chạy vào nhặt hộp bút của mình lên. Mẹ Nhung đến trường đón con đã nhìn thấy hết cảnh này. Mẹ kéo con gái lại. Nhung tức tối nói với mẹ: Bạn Dương cố ý gây sự với con. Mẹ nói: “Con à, tại sao con cứ nghĩ không hay về Dương thế? Cậu ấy nghịch ngợm, học tập không tốt, nhưng con không thể phủ nhận tất cả con người bạn ấy như thế! Con người chẳng ai hoàn hảo cả, chẳng nhẽ con không hiểu, giữa bạn bè với nhau phải biết tha thứ cho nhau sao?”. Lúc đi ra khỏi cổng trường, tâm trạng của Nhung đã thoải mái hơn nhiều, chuyện này cứ thế qua đi.
Cuối tuần, lớp Nhung phải tham gia tổng vệ sinh. Dương bất cẩn làm vỡ kính cửa. Nhung thấy vậy liền lấy hết tiền tiêu vặt trong túi ra, cùng các bạn trong lớp góp tiền lại mua kính mới đền cho nhà trường. Me Nhung biết chuyện này liền trêu con gái: “Cửa kính là do bạn Dương làm vỡ, các con góp tiền vào như vậy, sau này bạn ấy có trả cho các con không?”.
Nhung liền nói: “Chẳng phải mẹ bảo tha thứ cho bạn bè là một chuyện đáng vui mừng hay sao? Bạn ấy đâu phải cố ý làm vỡ cửa kính, bọn con cũng chỉ bớt tiêu vặt một chút thôi mà!”, nghe con gái nói thế, mẹ Nhung vui mừng lắm.
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
Khi Nhung và Dương có mâu thuẫn, mẹ Nhung đã xử lí tình huống rất lí trí, điều này rất có lợi cho việc hình thành nhân cách của Nhung. Trẻ con sinh ra chưa hề biết đến thù hận. Kì thị, định kiến là những trạng thái tâm lí nảy sinh do học từ người khác hoặc do thiếu hiểu biết dẫn đến. Vì vậy, khi bọn trẻ có mâu thuẫn với nhau, là cha mẹ, bạn nhất định phải dùng lí trí để phân định, không thể thiên vị con của mình, càng không nên trách mắng con, mà nên dùng lí lẽ để giáo dục, giúp chúng nhận ra sai lầm của mình, xin lỗi người bạn đã bị mình đã làm tổn thương. Cha mẹ hãy cố gắng giáo dục con mình làm một đứa trẻ khoan dung, nhường nhịn, dũng cảm gánh vác trách nhiệm, biết sửa sai. Nếu như con mình bị ấm ức, bạn cũng nên nghiêm túc phân tích tình hình, khẳng định hành vi của con, để loại bỏ tâm trạng ấm ức cho bé.
Là cha mẹ, tuyệt đối không nên coi nhẹ việc bồi dưỡng lòng khoan dung cho trẻ. Một đứa trẻ không biết khoan dung sau này khó mà hòa đồng được với đại gia đình và xã hội.
Với những trẻ thiếu lòng khoan dung, cha mẹ có thể sử dụng các phương pháp sau:
Thứ nhất: Cha mẹ cần chú ý tu dưỡng bản thân
Những phẩm chất đạo đức của cha mẹ đa phần đều có thể tìm thấy ở con cái. Do vậy, cha mẹ cần tạo dựng một không khí gia đình ấm áp. Một gia đình thường xuyên có cãi vã thì khó có thể bồi dưỡng được đức tính khoan dung cho trẻ. Cha mẹ khoan dung, yêu thương, quan tâm đến những người xung quanh thì con cái sẽ học được điều đó.
Thứ hai: Dạy trẻ biết cách nghĩ cho người khác
Cha mẹ nên dạy cho trẻ biết cách đứng ở vị trí của người khác để suy nghĩ và hành động, như vậy mới có thể bồi dưỡng lòng khoan dung cho trẻ.
Đổi cách nói 36 Bạn Quyên đã chia kẹo cho con rồi, con nên làm thế nào?
Cha mẹ thường nói: Món đồ chơi này mua từ nước ngoài về, con phải giữ cho kĩ, đừng cho đứa khác chơi cùng đấy!
Một người cho dù có thành công đến đâu mà không có người chia sẻ cùng, thì đó vẫn là điều tồi tệ nhất cuộc đời. Cha mẹ nên tạo cho con thói quen biết chia sẻ, học cách chia sẻ là một bước đi quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ.
Ví dụ thực tế
Khiêm có một chiếc ô tô đồ chơi rất đẹp, cậu bé thích lắm, suốt ngày ở nhà chơi ô tô.
Một hôm, Quyên đến nhà Khiêm chơi. Quyên vào trong nhà, mẹ Khiêm liền mở tủ đồ chơi, mang rất nhiều đồ chơi của Khiêm ra cho Quyên, bảo bọn trẻ lựa chọn. Quyên nhìn một cái là thích ngay chiếc ô tô đồ chơi đó, liền cầm lên định đặt xuống đất để chơi. Khiêm nhìn thấy món đồ chơi yêu thích của mình bị Quyên lấy mất liền vội vàng chạy đến, cướp cái ô tô đồ chơi lại, nhất định không cho Quyên chơi. Quyên liền bảo: “Cho tớ chơi một chút thôi!”, Khiêm nhất quyết không chịu: “Không được, đây là món đồ chơi mà tớ thích nhất!”. Quyên không còn cách nào khác, đành nói với Khiêm: “Cô ơi, cháu muốn chơi ô tô, nhưng bạn Khiêm không cho!”.
Mẹ đến bên Khiêm, nói: “Khiêm, tại sao con không cho bạn
Quyên chơi ô tô? Để bạn chơi một lát đi!”.
Khiêm giấu ô tô ra sau lưng: “Không, đây là của con!”.
Lúc ấy, Quyên liền móc kẹo trong túi ra, nói: “À, tớ có kẹo, chúng ta chia nhau nhé! Tớ cho cậu kẹo, cậu cho tớ chơi ô tô nhé!”.
Khiêm không trả lời, mẹ liền nói: “Quyên đã cho con kẹo rồi, con nên làm thế nào nhỉ? Bạn Quyên là bạn thân của con, lúc con đến nhà bạn, chẳng phải bạn ấy đều cho con mượn đồ chơi sao? Mẹ thấy con cũng rất hào phóng, cũng biết chia sẻ đồ chơi với các bạn khác mà!”.
Thấy mẹ nói thế, Khiêm liền mềm lòng, mẹ vui vẻ nói: “Con ngoan lắm, con để Quyên chơi một lát rồi con lại chơi! Hơn nữa bạn ấy có lấy mất đồ chơi của con đâu, có đúng không nào?”, Khiêm gật đầu rồi đưa đồ chơi cho Quyên.
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
Quá trình trẻ học cách chia sẻ với người khác có liên quan đến cá tính của trẻ. Những đứa trẻ hoạt bát, cởi mở, hào phóng thường nhanh chóng hiểu được giá trị của việc chia sẻ. Còn những đứa trẻ hướng nội và hiếu thắng thường mất nhiều thời gian hơn.
Những đứa trẻ trước khi đi học thường xảy ra tranh chấp, cãi cọ, điều này có liên quan mật thiết đến tâm lí tự cho mình là trung tâm của trẻ. Nhưng học cách chia sẻ và cư xử với bạn bè có vai trò rất quan trọng, vì vậy ngay từ khi trẻ còn đi học mẫu giáo, cha mẹ cần chú ý bồi dưỡng thói quen chia sẻ cho bé.
Chia sẻ là một phẩm chất đạo đức tốt, cũng là một niềm vui. Chúng ta cần dạy trẻ biết chia sẻ đồ ăn ngon, đồ chơi đẹp với bạn bè, biết quan tâm đến người khác. Điều kiện sống ngày càng được nâng cao, trẻ ngày càng được nuông chiều, ngày càng ích kỉ, chuyện gì cũng do chúng tự quyết định, đồ chơi cũng do một mình trẻ chi phối, không bao giờ nghĩ hoặc không muốn chia sẻ với người khác. Nếu một đứa trẻ làm chuyện gì cũng so đo, tính toán, ích kỉ thì khó mà thân thiết được với các bạn khác. Do đó, cha mẹ cần dạy trẻ hào phóng, biết chia sẻ với những người xung quanh.
Để trẻ học được thói quen biết chia sẻ với người khác, cha mẹ nên làm những điều sau:
Thứ nhất: Nóicho trẻ biết, bắt buộc phải biết chia sẻ
Rất nhiều đứa trẻ sẵn sàng chơi đồ chơi của người khác nhưng lại không chịu mang đồ chơi của mình cho người khác mượn. Nếu gặp tình huống này, trước khi có khách đến, bạn nên để con lựa chọn mấy món đồ chơi mà trẻ sẵn sàng cho người khác mượn, nói với trẻ là đừng lo rằng đồ chơi sẽ bị hỏng. Có như vậy, khi chia sẻ đồ chơi với người khác, trẻ mới cảm thấy những đồ chơi ấy vẫn thuộc quyền kiểm soát của mình, vẫn thuộc về mình.
Thứ hai: Đừng khiến trẻ nghĩ mình có vị trí đặc biệt
Cha mẹ không nên đặt trẻ ở vị trí cao nhất trong nhà, càng không nên cho trẻ có “đặc quyền”, mà cần để trẻ cảm nhận được không khí bình đẳng trong gia đình, tránh hình thành ý nghĩ “mình là trung tâm”. Mọi người không nên thỏa mãn mọi yêu cầu của trẻ, càng không nên để trẻ đứng chỉ tay năm ngón, tự coi mình là tối cao.
Thứ ba: Không nên ép buộc
Cha mẹ không nên nói: “Nếu con không cho bạn chơi, mẹ sẽ đánh cho con một trận đấy!”. Dưới sự đe dọa của bạn, trẻ có thể sẽ nghe theo, nhưng điều này chỉ khiến trẻ cảm thấy đồ đạc của mình không thể giữ lại được, vì vậy mà sau này càng cảm thấy cần phải giữ chặt lấy những thứ thuộc về mình. Cũng đừng nói với trẻ rằng: “Mẹ đã bỏ tiền mua món đồ này nên nó là của mẹ, không phải của con. Giờ mẹ đã nói là phải cho các bạn chơi cùng đấy!”, cách nói này có thể dẫn đến hậu quả khó lường: có thể một ngày nào đó trẻ sẽ nói những món đồ chơi ấy không phải của nó nên nó không cần phải thu dọn đồ chơi sau khi chơi.
Thứ tư: Nên khen ngợi trẻ
Khi trẻ quyết định chia sẻ với người khác, cha mẹ nên kịp thời khen ngợi, để chúng ý thức được bản thân đã làm được một việc tốt, từ đó tăng cường ý thức chia sẻ với người khác.
Thứ năm: Tạo cơ hội thực tiễn để trẻ chia sẻ
Cha mẹ cần rèn luyện ý thức chia sẻ cho trẻ ngay từ nhỏ, để trẻ cầm một con búp bê, cha (mẹ) cầm một cái ô tô đồ chơi; cha (mẹ) đưa ô tô đồ chơi cho trẻ rồi lấy con búp bê từ trên tay trẻ. Cách rèn luyện này có thể khiến trẻ cảm nhận được sự tin tưởng giữa đôi bên.
Đổi cách nói 37 Con yêu, cám ơn con!
Cha mẹ thường nói: “Sao mẹ lại sinh ra một đứa con ích kỉ như con chứ?”.
Biết ơn là một cách thể hiện sự cảm kích đối với ân huệ của người khác dành cho mình, là tình cảm đau đáu trong lòng của một người không quên ơn của người khác. Những người không biết đến sự biết ơn sẻ chỉ mang đến thái độ lạnh lùng và hành động nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao IQ cho trẻ, cha mẹ cũng đừng quên phải bồi dưỡng EQ cho trẻ.
Người có lòng biết ơn là những người luôn cảm kích với tình trạng của bản thân hiện tại, đồng thời cũng có tình cảm và sự tôn kính với những người đã có ơn với mình. Cha mẹ cần dạy bảo con cái rằng, người khác đem đến cho mình bất cứ thứ gì cũng không phải là điều đương nhiên: cha mẹ sinh thành và dưỡng dục, thầy cô đem đến trí thức, bạn bè mang đến tình bạn thân thiết… đó đều là những “ân tình”.
Ví dụ thực tế
Thanh là con một trong nhà, từ nhỏ đã được cha mẹ nâng niu, thế nên cô bé thiếu đi sự quan tâm đến cha mẹ, cũng không hiểu được tình cảm của cha mẹ dành cho mình. Cha mẹ Thanh vì chuyện này mà cảm thấy vô cùng buồn lòng. Cha Thanh đang không biết phải làm thế nào thì đột nhiên cơ hội đến.
Một buổi sáng chủ nhật, cha đạp xe đưa Thanh đến công viên chơi. Sau khi xem hết các tiết mục biểu diễn của các loài vật, Thanh tỏ ra vô cùng hứng thú. Trên đường về nhà, người đi vào rất thưa thớt, cha hỏi: “Con cảm thấy đi xe có thú vị không?”, Thanh nói: “Con chưa đi bao giờ, không biết có hay không ạ!”. Cha liền nói: “Con thử đi đi!”. Thanh thấy cha bảo cho mình thử, liền hào hứng lắm. Sau đó, cha ngồi đằng sau yên xe, hai tay điều khiển tay lái, Thanh ngồi trên thanh chắn ngang ở trước xe, tự mình đạp xe tiến về phía trước. Một lúc sau, Thanh thở hồng hộc và dừng xe lại, tò mò hỏi: “Cha ơi, ngày nào đưa con đến trường cha cũng phải đạp xe mệt thế này à?”.
Cha đáp: “Mặc dù cha khỏe hơn con một chút, nhưng vì ngày nào cũng đạp xe nên cũng rất mệt, đặc biệt là những lúc phải lên dốc”.
Sáng thứ hai, cha lại đạp xe đèo Thanh đi học, nhưng khi đang đạp xe lên dốc thì Thanh đột nhiên ôm chặt lấy cha, cố ý nhấc mông lên, nói với cha; “Cha ơi, như thế này có phải cha đỡ mệt hơn không?”. Cha vô cùng cảm động, nói: “Con ngoan lắm, cha không sao đâu, cha cám ơn con, giờ con đã biết quan tâm đến người khác rồi, cha vui lắm con gái ạ!”.
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
Hiện nay, trong nhiều gia đình, con cái là “mặt trời”, còn cha mẹ là những hành tinh xoay xung quanh mặt trời. Mọi người thường nhìn thấy cảnh tượng: những đứa con ăn uống xong thì chạy ra ngoài chơi hoặc ngồi xem ti vi, còn cha mẹ thì bận rộn thu dọn bát đũa; đồ ăn ngon trong nhà, cha mẹ lúc nào cũng nhường cho con, trong khi con cái lại hiếm khi mời cha mẹ ăn trước; mỗi khi trẻ bệnh, cha mẹ lại bận bịu chăm sóc cho con, còn khi cha mẹ ốm mệt, trẻ rất ít khi hỏi han chăm sóc. Những hiện tượng này đáng để chúng ta suy nghĩ.
Là cha mẹ, nhất định phải giúp con hiểu rõ mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Phải để trẻ biết rằng, cha mẹ là bề trên, cũng nên để trẻ hiểu được những vất vả mà cha mẹ phải gánh chịu.
Bé Thanh trong câu chuyện trên sở dĩ có thể nhanh chóng hiểu được mình phải biết quan tâm tới người khác chủ yếu là bởi phương pháp của người cha rất hiệu quả – để trẻ tự thể nghiệm. Chỉ khi thấu hiểu được nỗi thống khổ của người khác mới có thể làm sống dậy tình yêu và sự cảm thông, mới biết nghĩ cho người khác.
Có một đứa trẻ nghèo khổ, để có để tiền học phí, cậu đã phải đi tiếp thị sản phẩm vào kì nghỉ hè. Công việc của cậu không thuận lợi cho lắm. Một buổi chiều, khi hoàng hôn xuống, cậu bé mệt mỏi và đói khát vô cùng, cậu tuyệt vọng nghĩ đến việc từ bỏ tất cả. Cậu bé rơi vào đường cùng, đành gõ cửa một gia đình, hi vọng chủ nhân của căn nhà này sẽ cho cậu một cốc nước. Người mở cửa là một cô bé rất xinh đẹp, cô bé mỉm cười đưa cho cậu cốc sữa nóng. “Cám ơn!”, cậu bé ngân ngấn nước mắt, uống cốc sữa vào bụng, nhờ đó cậu lại lấy lại dũng khí cho mình.
Nhiều năm sau đó, cậu bé này trở thành một bác sĩ nổi tiếng. Một hôm, có một phụ nữ mắc bệnh nghiêm trọng, được chuyển đến bệnh viện của anh. Người bác sĩ này đã làm phẫu thuật thành công cho người phụ nữ, cứu được tính mạng của cô. Vô tình, bác sĩ phát hiện người phụ nữ ấy chính là cô bé đã mang cho anh cốc sữa nóng của nhiều năm trước. Anh quyết định sẽ làm một việc gì đó. Chi phí phẫu thuật quá đắt đỏ khiến cho người phụ nữ phải đau đầu. Lúc người phụ nữ bất đắc dĩ làm thủ tục xuất viện, cô nhìn thấy trên hóa đơn thanh toán có ghi: tiền viện phí đã được trả bằng một cốc sữa bò.
Khi dùng trái tim biết ơn để đối diện với xã hội, với cha mẹ, với người thân và bạn bè… bạn sẽ thấy mình rất vui vẻ. Đôi khi, sự giúp đỡ chỉ cần là một li nước hay một cốc sữa; lòng biết ơn không cần phải là điều gì quá to tát, chỉ cần là một lời nói chân thành cũng đủ.
Khi chúng ta nhìn cuộc đời, cha mẹ, người thân thích, bạn bè… bằng ánh mắt biết ơn, chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống vui vẻ hơn nhiều. Vậy, cha mẹ cần làm gì để dạy trẻ có lòng biết ơn?
Thứ nhất: nêu gương cho trẻ
Cảm động có thể kích thích tâm lí theo đuổi cái chân – thiện – mỹ của con người, khiến con người sẵn sàng làm bất cứ việc gì vì lí tưởng tốt đẹp. Muốn để trẻ học được sự biết ơn, trước tiên cha mẹ cũng cần là người có lòng biết ơn. Cha mẹ cần nêu gương sáng cho trẻ học tập, ví dụ: khi trẻ bón đồ ăn của mình vào miệng mẹ, mẹ nên nói: Cám ơn con, ngon thật đấy!
Thứ hai: hoạt động thực tiễn, hướng dẫn trẻ thể hiện lòng biết ơn
Thể hiện sự biết ơn không thể chỉ dừng lại ở nói miệng. Đối với những người mà mình cần biết ơn, nhất định phải thể hiện bằng hành động. Cha mẹ cần dạy trẻ biết dùng hành động để báo đáp công ơn của cha mẹ, thầy cô, bạn bè, người thân… để trẻ có thể trải nghiệm sự báo đáp công ơn là thế nào. Ví dụ: dạy trẻ biết tặng hoa cho bà, cho mẹ vào ngày quốc tế phụ nữ… Trẻ giống như một miền đất hoang, cha mẹ trồng lên mảnh đấy ấy loài cây “biết ơn” thì sẽ thu hoạch được “quả” nhân ái, sự quan tâm, khoan dung và hạnh phúc.
Đổi cách nói 38 Con ơi, đối thủ còn đáng quý hơn bạn bè đấy!
Cha mẹ thường nói: Đừng có ngốc nghếch đi giúp nó nữa, nó là đối thủ của con đấy, có biết không hả?
Đại đa số mọi người đều coi đối thủ của mình là kẻ thù, chẳng ai chịu hợp tác với kẻ thù của mình cả. Kì thực, đối thủ không hề đáng sợ như vậy, họ có thể trở thành tấm gương thành công cho bạn. Lấy đối thủ ra làm tấm gương mới khiến chúng ta liên tục tiến bộ. Đối thủ có thể mang lại áp lực rất lớn cho bạn, nhưng đừng quên, chính áp lực này mới là động lực giúp bạn không ngừng vươn lên. Bởi vậy, chúng ta nên bồi dưỡng thói quen hợp tác với đối thủ cho trẻ.
Ví dụ thực tế
Tan học về nhà, Minh thở hồng hộc chạy lại nói với bố: “Bố ơi, tuần trước, trước khi kiểm tra, bạn Linh mượn cuốn “ Vở thực hành tiếng Việt” của con, về sau trong bài kiểm tra có những câu hỏi na ná như thế, bạn ấy đều làm đúng hết. Hôm nay, bạn ấy nói mẹ bạn ấy không cho mua cuốn đó, bạn ấy muốn mượn của con đi phô tô, bố nói xem con có nên đồng ý không?”.
Đợi con trai nói xong, bố liền bảo: “Thế con có muốn cho bạn ấy mượn đi phô tô không?”. “Bố ơi, bạn Linh rất ích kỉ, con không muốn cho bạn ấy mượn! Lần trước con thấy bạn ấy có cuốn “100 câu hỏi toán”, con liền mượn, đã nói sẽ mượn hai ngày rồi, thế mà mới được có một ngày, sáng hôm sau bạn ấy đã đòi lại. Đã thế ở trường bạn ấy cũng không cho con mượn, mà lén xem một mình!”, Minh nói một tràng rồi chờ đợi câu trả lời của bố.
Bố nói: “Con à, đối thủ còn đáng quý hơn cả bạn bè! Đối thủ càng mạnh, con cũng trở nên càng mạnh! Cho mượn sách cũng có làm sao đâu!”.
Minh chớp chớp mắt: “Bố nói cũng có lí, con có thể bảo bạn ấy nhanh chóng trả lại cho con nhỉ!”, Minh vừa trả lời vừa lẩm bẩm đi về phòng.
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
Nỗi buồn phiền của Minh khiến cho chúng ta nhận thấy trẻ con cũng có tâm lí cạnh tranh và khát vọng thành công rất lớn. Nhưng rõ ràng vì thiếu quan điểm cạnh tranh lành mạnh, lí luận về nhân sinh quan, lại đang ở giai đoạn tâm lí chưa phát triển đầy đủ nên trẻ thường dễ hiểu biết một cách sai lệch, nảy sinh những quan điểm sai lầm về cạnh tranh. Có trẻ cho rằng, cạnh tranh là không từ bất cứ thủ đoạn gì để giành chiến thắng trước kẻ thù, quá coi trọng kết quả mỗi lần cạnh tranh hoặc không có cái nhìn đúng đắn về cạnh tranh.
Trong hiện thực cuộc sống, chúng ta thường nghe thấy mọi người phàn nàn rằng: “Đối thủ quá mạnh, chỉ mong hắn biến mất ngay tức khắc!”. Chẳng lẽ trong cuộc sống, cứ là “đối thủ” thì đều không tốt sao? Không, tuyệt đối không phải như vậy, đối thủ giống như một trợ thủ đối với chúng ta, là một sự thách thức, một khát vọng chiến thắng chính bản thân của chúng ta.
Ở một đất nước thuộc châu Phi, có một thương nhân thường xuyên đưa loài cá là đặc sản của châu Phi đến khắp nơi trên thế giới để bán. Tuy nhiên, trong mỗi lần vận chuyển, những con cá khi mới được thả vào đều bơi lội tung tăng, con nào con nấy tràn đầy sức sống, nhưng chẳng bao lâu, chúng dần dừng bơi, im lìm như đang say ngủ. Sau đó, một số con cá còn bị chết. Đến nơi đổ hàng thì cá đã chết quá nửa. Người thương nhân vô cùng lo lắng, không sao hiểu nổi: ngày nào ông cũng thay nước, thức ăn đầy đủ, không khí cũng đầy đủ, tại sao cá lại chết? Người thương nhân bèn đem nghi vấn này đến thỉnh giáo một ông lão trong bộ tộc của mình. Ông lão cười bảo: “Chuyện này thì đơn giản thôi, anh chỉ cần thả một vài loài cá thiên địch với chúng vào đó là ổn!”. Người thương nhân bán tín bán nghi rời khỏi nhà ông lão, nhưng anh ta vẫn làm theo lời ông. Kết quả là, những con cá để tránh sự truy đuổi của thiên địch nên phải tăng tốc độ bơi, cả thùng cá lúc nào cũng ồn ào. Thời gian cứ thế trôi đi, những con cá ở trong thùng vẫn tràn đầy sức sống, nhảy nhót lung tung. Cuối cùng, số lượng cá chết đi giảm đáng kể. Người thương nhân vô cùng vui mừng, hỏi lí do ông lão thì nhận được câu trả lời: “Đây chính là sức mạnh của đối thủ!”.
Đúng thế, chính những con cá thiên địch đã mang lại sức sống cho những con cá kia, khiến cho chúng phải cầm cự đến cuối cùng, mặc dù một số con cá cũng bị thiên địch ăn thịt nhưng nhờ có thiên địch mà số cá còn sống nhiều hơn. Đối với những con cá này, thiên địch chính là một trợ thủ. Trong cuộc sống hiện thực, cũng chính những đối thủ giống như “thiên địch” này lại khiến chúng ta càng trở nên mạnh mẽ và kiên cường hơn. Vì vậy, bên cạnh việc đào tạo ý thức cạnh tranh cho trẻ, cha mẹ còn cần phải dạy trẻ biết giao lưu và hợp tác với đối thủ. Điều này có tính quyết định đến không gian phát triển của trẻ.
Cha mẹ nên bồi dưỡng thói quen chủ động hợp tác với đối thủ cho trẻ như thế nào?
Thứ nhất: Phải bồi dưỡng kĩ năng hợp tác cho trẻ
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đều hiểu rằng, trẻ con bây giờ chẳng thiếu thốn thứ gì, nhưng lại ngày càng hẹp hòi, càng ngang ngược, ích kỉ, không chịu chia sẻ, không hiểu được niềm vui khi cùng chia sẻ, hợp tác với người khác, ý thức độc chiếm rất cao. Là cha mẹ, chúng ta không chỉ cần tạo ra môi trường giao lưu thoải mái, hài hòa, cảm thông và bình đẳng cho trẻ mà còn phải dạy cho trẻ cách giao lưu bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, ví dụ: ngoắc tay, vỗ vai, gật đầu mỉm cười… thể hiện “Chúng ta cùng chơi nhé, tớ muốn chơi với cậu!”; đồng thời dẫn dắt trẻ sử dụng chính xác ngôn ngữ để thể hiện hành động muốn hợp tác, để trẻ cảm nhận được sự vui vẻ, thoải mái và tràn đầy tình hữu nghị, từ đó học được thói khiêm nhường, chờ đợi, chia sẻ, lịch sự đối đãi với người khác….
Thứ hai: Dạy trẻ vui vẻ đón nhận người khác
Cái gọi là “hợp tác” chính là đôi bên gắn kết với nhau để cùng phát huy sở trường của mình. Do vậy, chỉ có nhận thức được sở trường của nhau, tôn trọng sở trường của đối phương thì hợp tác mới thực sự đạt đến mức tốt đẹp. Vì vậy, cha mẹ cần dạy trẻ học cách phát hiện sở trường của người khác và thật lòng tán thưởng. Trong cuộc sống hằng ngày, cha mẹ cũng nên có thái độ nhìn nhận và đánh giá người khác như vậy để nêu gương cho con cái.
Thứ ba: Phải tạo cơ hội cho trẻ cảm nhận niềm vui của sự hợp tác
Cùng là một trò chơi, cho trẻ trải nghiệm cảm giác chơi một mình và cảm giác chơi chung với người khác, từ đó khơi gợi hứng thú chia sẻ, cùng chơi với bạn bè, để trẻ dần dần hiểu được ý nghĩa của sự hợp tác.
Đổi cách nói 39 Học hỏi lẫn nhau mới có thể tiến bộ, so sánh mù quáng sẽ bị tụt lại phía sau
Cha mẹ thường nói: Con phải cố gắng, không được để bọn nó vượt mặt!
Trẻ thường theo đuổi những sự vật mới mẻ, không bao giờ muốn bị tụt lại so với thời đại hoặc tập thể. Tuy nhiên trẻ vẫn chưa thể hiểu rõ cái gì đáng để theo đuổi, cái gì thì không. So sánh là vấn đề mà trẻ thường gặp phải. Điều này chỉ khiến trẻ hi vọng bản thân mình thắng mà không chấp nhận bị tụt lại sau. Bởi vậy, cha mẹ cần kịp thời uốn nắn, dẫn dắt trẻ đi vào đúng quỹ đạo.
Ví dụ thực tế
Ngọc vừa về nhà đã nói với cha là cuối tuần cô bé muốn đi hiệu sách. Nghe thấy con gái nói vậy, cha có vẻ hơi ngạc nhiên, hỏi: “Tuần trước vừa mới mua hai cuốn sách rồi, con còn chưa đọc hết, sao lại đòi đi mua nữa thế?”. Ngọc thản nhiên đáp: “Con mua sách, cha mẹ phải ủng hộ mới đúng chứ?”.
Cuối tuần, cha mẹ dẫn Ngọc đến hiệu sách, đi xem một vòng, cha mẹ ai xem sách của người nấy, Ngọc thì bận rộn luôn chân luôn tay trước giá sách. Một lúc sau, cha mẹ Ngọc mỗi người chọn một cuốn sách, còn Ngọc thì bê cả đống sách to. Nhìn thấy bộ dạng của con gái, cha mẹ Ngọc không khỏi phì cười. “Sao cha mẹ lại cười ạ?”, Ngọc ngạc nhiên hỏi.
Cha giả bộ không nghe thấy, quay sang hỏi mẹ Ngọc muốn mua sách gì. Sau đó cha mẹ Ngọc nói ra mục đích mua sách của mình. Cuối cùng, cha hỏi con gái: “Còn con thì sao? Sao con lại mua nhiều sách thế?”.
Ngọc đáp: “Lớp con đang có phong trào mua sách, mọi người đều thi xem ai mua nhiều sách hơn, vì vậy con không thể tụt lại sau được!”.
“Thế à, nhưng mua sách không phải để trưng bày, mua sách là để học lấy kiến thức. Nếu như coi chuyện mua sách là để thể hiện bản thân, việc này chẳng liên quan gì đến ý nghĩa của việc mua sách cả, chỉ là lãng phí tiền bạc mà thôi. Con gái bố chắc sẽ không dại dột đi so sánh với người khác nhỉ? Giữa bạn bè với nhau không nên so sánh xem sách của ai nhiều hơn mà nên so sánh xem ai nắm được nhiều kiến thức hơn!”, cha Ngọc đã sớm đoán được ý của con gái nên kịp thời đưa ra lời nhắc nhở. Ngọc ngẫm nghĩ một lát rồi đặt lại mấy cuốn sách vào giá, chỉ mua hai cuốn mang về nhà.
LỜI KHUYÊN CỦA CHUYÊN GIA
Những lời cha Ngọc nói rất có lí, sách ngày càng nhiều, nhưng trẻ con có tính hay so sánh, cho dù sách có nhiều hơn nữa với chúng cũng chỉ là vật để trưng bày mà thôi.
Trẻ con thường thích theo đuổi những gì mới mẻ, không hi vọng mình bị lép vế so với tập thể, nhưng chúng vẫn không nhận thức được thứ gì đáng theo đuổi, thứ gì là không có ý nghĩa. So sánh chẳng qua chỉ là một biểu hiện trẻ con hi vọng bản thân mình chiến thắng mà không muốn bị tụt lại phía sau. Bên cạnh đó, nhiều bậc cha mẹ vì tâm lí luôn mong con cái hơn người, họ thường không chịu được việc con cái mình bị tụt lại sau hoặc có thành tích quá tầm thường, vì vậy thường tạo ra áp lực cho con. Nhưng làm như vậy chỉ khiến cha mẹ thu được kết quả hoàn toàn trái ngược. Bởi vì, sự so sánh này của cha mẹ vô hình chung ảnh hưởng đến tâm lí của con.
Vì vậy, cha mẹ nên dạy trẻ biết nỗ lực thay đổi bản thân, cổ vũ trẻ tự tìm kiếm tấm gương theo đuổi cho mình ở trên lớp, phát hiện ra sở trường của người khác. Một đứa trẻ biết suy nghĩ vấn đề như vậy, chúng sẽ dần dần bỏ qua được tâm lí mù quáng, có cái nhìn khách quan về bản thân, về người khác.
Vậy, cha mẹ cần làm thế nào để trẻ khắc phục được tâm lí mù quáng?
Thứ nhất: nâng cao khả năng quan sát của trẻ
Khả năng quan sát có vai trò đặc biệt quan trọng cho việc khắc phục tâm lí mù quàng, nhưng quan sát cần có nhiệm vụ rõ ràng. Nếu như một người quan sát tất cả mọi thứ mà không có mục đích thì không thể tập trung sức chú ý của mình, như vậy sẽ chẳng có thứ gì đọng lại trong đầu, có quan sát cũng như không, không thể phát hiện ra vấn đề được. Ngược lại, nếu mục tiêu rõ ràng, khả năng tập trung cao thì quan sát mới có hiệu quả. Chỉ có quan sát tỉ mỉ mới có thể phát hiện ra vấn đề.
Thứ hai: nâng cao khả năng phân tích cho trẻ
Sở dĩ trẻ nảy sinh tâm lí mù quáng, ngoài nguyên nhân do thiếu quan sát ra còn là bởi chúng chưa có khả năng độc lập phân tích, vì vậy, việc bồi dưỡng khả năng phân tích cho trẻ là vô cùng quan trọng.