Bí Quyết Học Đâu Nhớ Đó

Chương 7. Phát triển các khả năng của bạn



Trong một nghiên cứu nổi tiếng từ thập niên 1970, một nhà khoa học đã tiến hành lần lượt đưa từng em nhỏ ở độ tuổi mẫu giáo vào một căn phòng. Trong đó không hề có một phương tiện giải trí hay điều gì thú vị ngoại trừ chiếc kẹo dẻo đặt trên một chiếc khay trên bàn. Khi nhà nghiên cứu rời phòng, ông bảo cậu bé rằng cậu có thể ăn kẹo dẻo ngay lúc đó, nhưng nếu cậu đợi thêm 15 phút, cậu sẽ được thưởng thêm một chiếc kẹo thứ hai.

Thông qua một chiếc gương, Walter Mischel cùng những sinh viên của mình quan sát quá trình các em nhỏ đối mặt với tình huống khó xử đó. Một số nhét kẹo dẻo vào miệng ngay khi nhà nghiên cứu vừa rời khỏi, nhưng các em khác vẫn có thể chờ đợi. Để ngăn mình khỏi bỏ cuộc, những em này cố gắng nghĩ tới bất cứ thứ gì khác có thể. Họ quan sát thấy các em “lấy tay che mắt hay quay lưng lại để không phải thấy chiếc khay, các em bắt đầu đá chiếc bàn, giật bím tóc, hay đánh cái kẹo dẻo như thể nó là một con thú nhồi bông tí hon vậy,” nhà nghiên cứu ghi chép lại.

Trong số hơn 600 em nhỏ tham gia vào cuộc thí nghiệm, chỉ một phần ba thành công trong việc cưỡng lại ham muốn đủ lâu để có được chiếc kẹo dẻo thứ hai.

Trong một loạt các nghiên cứu tiếp theo đó, gần đây nhất là vào năm 2011, người ta đã phát hiện ra rằng những em nhỏ ở độ tuổi mẫu giáo có khả năng trì hoãn sự thích thú với phần thưởng trong bài tập này tốt hơn sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn trong quá trình học tập và làm việc sau này.

Cuộc khảo sát tiến hành với chiếc kẹo dẻo tuy cực kỳ đơn giản nhưng lại mang đến một ẩn dụ về cuộc sống. Chúng ta được sinh ra với món quà của tạo hóa, những năng khiếu được quyết định bởi bộ gen của chúng ta, nhưng ngạc nhiên thay sự thành công của chúng ta còn được quyết định bởi khả năng tập trung và tính kỷ luật. Những đức tính đó là kết quả của tính mục đích và ý thức về năng lực bản thân.

Hãy cùng xem xét trường hợp của James Paterson, một chàng trai xứ Wales đang ở độ tuổi 30 hăng say năng nổ. Anh luôn bị hấp dẫn một cách vô thức bởi sức mạnh của thuật nhớ (mnemonic) và những cuộc thử thách trí nhớ. “Mnemonic” mang nghĩa trí nhớ, là một từ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp. Các thuật nhớ này là những công cụ tư duy được biểu hiện trong rất nhiều dạng thức, nhưng nhìn chung chúng đều được sử dụng để lưu giữ một khối lượng lớn kiến thức trong ký ức và tạo ra những gợi ý để những kiến thức này luôn ở trong trạng thái sẵn sàng mỗi khi cần nhớ lại.

James bắt đầu nghiên cứu các thuật nhớ khi một trong số những giảng viên đại học của anh nhắc qua chúng trong một tiết học. Anh đi thẳng về nhà, tìm kiếm trên các trang web và mua một cuốn sách. Anh khám phá ra rằng nếu như anh có thể học được những kỹ thuật này, anh có thể ghi nhớ một cách vắn tắt những kiến thức trên lớp và có nhiều thời gian hơn để ra ngoài với bạn bè. Anh bắt đầu thực hành ghi nhớ mọi thứ: tên tuổi và ngày tháng của các trường phái triết học cũng như chúng được trích dẫn tại trang số bao nhiêu trong sách giáo khoa. Anh cũng luyện những trò ảo thuật nhỏ hay được diễn trong phòng khách, như ghi nhớ thứ tự của các lá bài đã được chia trong một cỗ bài đã bị xáo trộn hay một chuỗi những con số ngẫu nhiên được đọc lên từ những danh sách do các bạn anh lập ra. Bên cạnh cuộc sống xã hội với những bữa tiệc sinh viên, anh đã dành hàng giờ mài giũa những kỹ thuật của mình để có thể trở nên thành thạo. Đó là năm 2006, khi được biết về một cuộc thi trí nhớ được tổ chức ở Cambridge, anh đã quyết định tham gia. Tại đó, chính anh cũng phải tự thấy kinh ngạc khi giành giải nhất trong thứ hạng dành cho những người mới bắt đầu và đút túi 1.000 euro. Anh đã thực sự bị lôi cuốn. Cầm trên tay một tờ rơi về Giải vô địch trí nhớ đẳng cấp thế giới đầu tiên trong đời mình được tổ chức ở London cũng trong năm đó, anh nhận ra rằng mình chẳng có gì để mất và quyết định lên đường.

Nhờ những thuật nhớ, James đã hình dung ra vài lập luận dễ nhớ để vượt qua các bài kiểm tra của mình mà không cần phải tốn thời gian và công sức nghiên cứu toàn bộ tài liệu, nhưng anh còn khám phá ra vài điều hoàn toàn khác biệt. Chúng tôi sẽ tường thuật lại chi tiết những điều này ngay dưới đây.

Các vận động viên trí nhớ là cái tên những người tham gia các cuộc tranh tài này tự đặt cho mình. Tất cả bọn họ đều bắt đầu theo những cách khác nhau. Nelson Dellis, nhà vô địch cuộc thi Trí nhớ siêu phàm của Mỹ năm 2012, đã bắt đầu sau khi bà anh mất vì bệnh Alzheimer. Anh quan sát sức khỏe của bà ngày một sa sút, trong đó năng lực tư duy suy giảm đầu tiên là khả năng ghi nhớ. Mặc dù mới ở độ tuổi 20 nhưng Nelson đã băn khoăn liệu mình có rơi vào số phận tương tự và tự hỏi mình có thể làm gì để ngăn chặn điều đó. Anh khai phá bộ môn rèn luyện tư duy, với hy vọng rằng mình có thể phát triển tối đa khả năng ghi nhớ, đủ để chống chọi lại với căn bệnh có thể đánh gục anh lúc về già. Nelson bắt đầu thành lập Quỹ Nỗ lực vì Trí nhớ (Climb for Memory) để nâng cao nhận thức của mọi người và gây quỹ cho các hoạt động nghiên cứu phòng chống căn bệnh khủng khiếp này. Cái tên của Quỹ cũng xuất phát từ sở thích leo núi của Nelson (đã hai lần anh gần chạm tới đỉnh Everest). Trong chương này chúng ta cũng sẽ gặp gỡ những cá nhân khác thành công trong việc phát triển những khả năng nhận thức, như Paterson và Dellis chẳng hạn.

Hầu hết trí tuệ của mọi người đều đặc biệt mềm dẻo và dễ uốn nắn (thuật ngữ được sử dụng trong bộ môn thần kinh học), ngay cả đối với những người lớn tuổi. Trong chương sách dành riêng cho chủ đề phát triển những khả năng tư duy này, chúng ta sẽ xem xét một số vấn đề vẫn đang làm đau đầu các nhà khoa học. Đó là quá trình những khả năng của não bộ thay đổi trong suốt vòng đời và cách con người có thể tác động tới những thay đổi này cũng như nâng cao chỉ số thông minh của họ. Tiếp đó chúng tôi sẽ mô tả ba chiến lược nhận thức từng được biết đến nhằm giúp bạn huy động hết công suất tư duy của não bộ.

Về một khía cạnh nào đó thì trí tuệ của một đứa bé cũng giống như một quốc gia non trẻ. Năm 1846 nước Mỹ tổ chức một chiến dịch để giành lấy phần lãnh thổ phía Tây khỏi Mexico. Khi John Fremont đến Pueblo de Los Angeles cùng đội quân viễn chinh của mình, ông không có cách nào khác để báo cáo tiến độ của mình cho Tổng thống James Polk ở Washington ngoài việc cử người lính trinh sát của mình là Kit Carson băng qua lục địa trên một con la. Đó là một hành trình khứ hồi dài gần 9.600km băng qua bao nhiêu ngọn núi, sa mạc, rừng rậm và thảo nguyên. Fremont thúc giục Carson phi hết tốc lực, thậm chí không được ngừng lại để bắn những con thú dọc đường. Carson phải duy trì sự tồn tại của mình bằng cách ăn những con la khi chúng đuối sức và cần được thay thế. Chính sự đòi hỏi cấp thiết về một hành trình như thế đã hé lộ tình trạng chưa phát triển của đất nước này. Carson, một người đàn ông nặng 64kg và cao tầm 1m6 là lựa chọn tốt nhất mà chúng ta có để giữ liên lạc từ bờ biển này đến bờ biển khác. Tuy lục địa này sở hữu những nguồn tài nguyên phong phú song một quốc gia non trẻ như thế lại gần như không có một năng lực tiềm tàng nào. Để trở nên lớn mạnh, nó cần những thành phố, trường đại học, các nhà máy, nông trại, cảng biển và cả đường xá, tàu hỏa, đường dây điện tín để duy trì liên lạc.

Một bộ não cũng vận hành theo cách tương tự. Chúng ta ra đời cùng những khả năng thiên phú là kết quả của bộ gen di truyền, nhưng chúng ta cũng phát triển những khả năng khác thông qua quá trình học hỏi và trau dồi những mô hình tư duy. Nhờ thế mà chúng ta có khả năng suy luận, giải thích và sáng tạo. Chúng ta được nuôi dạy cùng suy nghĩ rằng trí tuệ đã được định sẵn và những năng lực tư duy không ít thì nhiều cũng có tính bẩm sinh. Giờ chúng ta đã biết một điều hoàn toàn khác. Những chỉ số đo lường trí tuệ tăng lên trong một thế kỷ vừa qua cùng với những thay đổi trong điều kiện sống. Khi con người hứng chịu thương tổn về não bộ như những cơn đột quỵ hay tai nạn, các nhà khoa học nhận thấy bộ não tái phân công lại các nhiệm vụ theo một cách nào đó để hệ thần kinh ngoại biên đảm trách công việc của các khu vực bị tổn thương, cho phép chủ thể phục hồi lại các chức năng đã mất. Những cuộc thi giữa các “vận động viên trí nhớ” như James Paterson và Nelson Dellis đã nổi lên như một môn thể thao quốc tế giữa những người đã tự rèn luyện khả năng khôi phục ký ức một cách đáng kinh ngạc. Chúng ta đã thấy rằng những thành tích trong các lĩnh vực chuyên môn như y tế, khoa học, âm nhạc hay thể thao không chỉ là sản phẩm của năng khiếu bẩm sinh như chúng ta trước nay vẫn thường nghĩ mà còn là kết quả của những kỹ năng được trau dồi từng bước một qua hàng ngàn giờ miệt mài luyện tập. Tóm lại, những nghiên cứu và ghi chép mới đây đã chỉ ra rằng những khả năng siêu phàm mà chúng ta và bộ não của chúng ta có thể thực hiện còn vượt xa hơn những gì mà các nhà khoa học vẫn tưởng dù chỉ là cách đây vài thập kỷ.

CƠ CHẾ THẦN KINH MỀM DẺO

Tất cả hiểu biết và ký ức đều là những hiện tượng sinh lý diễn ra trong các tế bào thần kinh và dây thần kinh. Nhờ một phát hiện mới đây, chúng ta biết được rằng bộ não không phải là một phần cứng cố định bất biến mà là một cơ chế mềm dẻo, dễ biến đổi, có thể tự tái tổ chức lại theo từng nhiệm vụ mới. Song những hiểu biết của chúng ta về ý nghĩa cũng như cách thức vận hành của quá trình đó mới chỉ chạm tới những gì sơ đẳng nhất.

Trong một tạp chí về thần kinh học, John T. Bruer đã quyết định nghiên cứu vấn đề này vì nó liên quan tới khả năng phát triển ban đầu và tính ổn định của mạng lưới thần kinh não bộ. Điều này cũng ảnh hưởng tới việc chúng ta có thể thúc đẩy năng lực tư duy của trẻ ngay từ những năm đầu đời như thế nào. Khi mới ra đời, chúng ta đã sở hữu khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh, hay còn được gọi là các nơ ron thần kinh. Khớp thần kinh là một khớp nối giữa các nơ ron, nhằm hỗ trợ chúng thực hiện quá trình truyền tín hiệu. Trong một khoảng thời gian ngắn trước và sau khi mỗi người được sinh ra, chúng ta phải trải qua “quá trình hình thành một mạng lưới dày đặc của các khớp nối thần kinh” mà nhờ đó trong bộ não: các nơ ron thần kinh sản sinh ra các nhánh siêu nhỏ, được gọi là các sợi trục. Các sợi trục này vươn ra ngoài để tìm những mấu li ti trên những nơ ron khác, hay chính là các sợi nhánh. Khi sợi trục tiếp xúc với sợi nhánh, một khớp nối được hình thành. Một số sợi trục phải vượt qua một khoảng cách tương đối lớn để chạm tới mục tiêu sợi nhánh của mình và tạo thành liên kết. Những liên kết này tạo nên mạng lưới hệ thần kinh của chúng ta (Bruen đã ví hành trình gian nan và nhàm chán về cả quy mô lẫn độ chính xác này cũng giống như cách thức ai đó khám phá ra một lộ trình rõ ràng băng qua nước Mỹ để gặp một đối tác ở bờ bên kia, chứ không hề giống nhiệm vụ liên lạc với tổng thống Polk mà tướng Fremont đã giao cho Kit Carson). Chính mạng lưới này cho phép chúng ta thực hiện các hành vi cảm giác, tư duy, và kỹ năng vận động, trong đó bao gồm cả học hỏi và ghi nhớ. Cũng chính mạng lưới này quyết định những khả năng và hạn chế trong năng lực trí tuệ của một cá nhân.

Số lượng khớp nối thần kinh đạt tới mức tối đa trong một hai năm đầu đời, khoảng gấp rưỡi số lượng khớp nối trung bình của một người trưởng thành. Tiếp theo là một thời kỳ ổn định kéo dài đến tuổi dậy thì, khi sự dồi dào bắt đầu có dấu hiệu suy giảm vì bộ não bước sang thời kỳ cắt giảm số lượng các khớp nối thần kinh. Chúng ta chạm tới tuổi trưởng thành, khoảng mười sáu tuổi, cùng một con số đáng kinh ngạc, tổng cộng gần 150 nghìn tỷ liên kết thần kinh theo như nghiên cứu cho biết.

Chúng ta chưa hiểu hết tại sao bộ não của trẻ sơ sinh lại sản sinh ra một lượng lớn các liên kết đến vậy cũng như cách thức bộ não quyết định loại liên kết nào sẽ bị cắt giảm sau đó. Một số nhà thần kinh học tin rằng những liên kết chúng ta không sử dụng sẽ bị suy yếu dần và biến mất, đó có vẻ như là một quan điểm mô tả chính xác nguyên lý “sử dụng nó hay đánh mất nó” và làm cơ sở cho quá trình mô phỏng lại nhiều liên kết hết mức có thể ngay từ giai đoạn đầu với hy vọng duy trì chúng trong suốt cuộc đời. Một lý thuyết khác lại đưa ra ý kiến rằng sự sản sinh và sàng lọc này được quyết định bởi gen di truyền, chúng ta hầu như không thể tác động lên quá trình tồn tại hay biến mất của các khớp nối thần kinh.

Nhà thần kinh học Patricia Goldman-Rakic đã phát biểu trước Ủy ban Giáo dục Hoa Kỳ rằng, “Trong khi bộ não của trẻ nhỏ đòi hỏi rất nhiều khớp nối thần kinh được hình thành trong những năm tháng đầu đời thì hầu hết thành quả học tập lại đạt được sau khi quá trình này đã bước vào giai đoạn ổn định. Hầu như không có thay đổi gì trong số lượng các khớp nối thần kinh từ khi một đứa trẻ bắt đầu bước vào độ tuổi đi học cho đến lúc tốt nghiệp trung học, đại học và sau đó nữa. Thời kỳ này, khi mà rất ít, thậm chí là hầu như không có khớp nối thần kinh mới nào được tạo ra, chính là lúc chúng ta học hỏi được nhiều nhất, cũng là lúc chúng ta phát triển các kỹ năng ngôn ngữ, toán học và suy luận logic ở trình độ của người trưởng thành.” Và theo quan điểm của nhà thần kinh học Harry T. Chugani, trong thời kỳ này chứ không phải thời kỳ sơ sinh, những kinh nghiệm và sự mô phỏng môi trường xung quanh mới là yếu tố tinh chỉnh mạng lưới hệ thần kinh và tạo nên tính độc nhất trong kết cấu hệ thần kinh của một cá nhân. Trong một bài báo đăng tải năm 2011, một nhóm các nhà khoa học Anh hoạt động trong các lĩnh vực tâm lý và sinh lý học đã xem xét những bằng chứng thu được trong quá trình nghiên cứu thần kinh học và đưa ra kết luận rằng có vẻ như kiến trúc và cấu tạo chung của não bộ được quyết định chủ yếu bởi yếu tố di truyền nhưng chính kinh nghiệm mới là nhân tố tạo thành cũng như quyết định những biến đổi quan trọng trong kết cấu tinh vi của mạng lưới thần kinh.

Quan điểm cho rằng não bộ có khả năng thay đổi đã được kiểm chứng trong rất nhiều lĩnh vực. Trong cuốn sách The Brain That Changes Itself (tạm dịch: Khả năng tự thay đổi của não bộ), Norman Doidge xem xét những trường hợp đầy tính thuyết phục về những bệnh nhân đã vượt qua các thương tổn trầm trọng cùng sự hỗ trợ của các nhà thần kinh học. Những công trình nghiên cứu cũng như quá trình thực hành lý thuyết của họ đang mở rộng phạm vi hiểu biết của chúng ta về thủ thuật tạo hình thần kinh.

Paul Bach-y-Rita là một trong số những nhà khoa học kể trên. Ông là người tiên phong trong việc sử dụng một thiết bị để trợ giúp các bệnh nhân, những người đang phải chịu đựng sự thiệt thòi vì các cơ quan cảm giác bị hủy hoại. Thiết bị của Bach-y-Rita cho phép họ có thể phục hồi lại những cảm giác đã mất bằng cách rèn luyện cho não bộ khả năng phản ứng với những tín hiệu mô phỏng được tạo ra từ các bộ phận khác trong cơ thể, thay thế cơ quan cảm giác này bằng một cơ quan khác, thậm chí một người mù có thể học cách định hướng nhờ tiếng vang, “nhìn thấy” những vật xung quanh bằng cách diễn giải những âm thanh khác nhau phát ra khi gõ chiếc gậy ba-toong, hay rèn luyện khả năng đọc bằng xúc giác nhờ sử dụng hệ thống chữ nổi Braille.

Một trong số những bệnh nhân của Bach-y-Rita gặp vấn đề với hệ tiền đình (cơ cấu cân bằng và định hướng không gian của các cơ quan cảm giác bên trong tai). Điều đó khiến cô luôn bị mất thăng bằng đến nỗi cô không thể đứng, đi lại và luôn phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ. Bach-y-Rita thiết kế một chiếc mặt nạ có gắn các thước đo của thợ mộc và nối chúng với mạch điện để dẫn truyền các xung điện qua một dải băng hẹp có chiều ngang cỡ một chiếc tem bưu điện đến lưỡi của người phụ nữ, trên đó có gắn 144 điện cực siêu nhỏ. Khi cô nghiêng đầu, các điện cực nhấp nháy trên lưỡi cô như thể đang sủi bọt, nhưng theo những tín hiệu đặc biệt để phản ánh hướng và góc nghiêng khi đầu cô cử động. Nhờ tập cách sử dụng thiết bị này, người phụ nữ dần dần rèn luyện được não bộ và hệ tiền đình, khôi phục lại cảm giác cân bằng trong một khoảng thời gian ngày càng kéo dài sau khóa huấn luyện.

Một bệnh nhân khác là một người đàn ông đang ở độ tuổi 35, mắc chứng khiếm thị từ khi mười ba tuổi. Anh được trang bị một chiếc camera nhỏ gắn trên một chiếc mặt nạ và một thiết bị cho phép truyền các xung điện tới đầu lưỡi. Như Bach-y-Rita đã giải thích, con người có thể nhìn là nhờ não chứ không phải nhờ mắt. Mắt người là cơ quan tiếp nhận các cảm giác và não bộ diễn dịch các cảm giác đó. Thiết bị này có được sử dụng thành công hay không tùy thuộc vào quá trình bộ não học cách diễn giải các tín hiệu do lưỡi cung cấp thành các hình ảnh. Thời báo New York đã đăng tải những kết quả đáng chú ý: người bệnh “đã tìm thấy cửa ra vào, bắt trúng những quả bóng đang được ném về phía anh ta và lần đầu tiên trong suốt 20 năm anh có thể cùng chơi oẳn tù tì với cô con gái nhỏ. Anh cho biết nhờ quá trình luyện tập mà các giác quan được thay thế của anh đã được cải thiện, ‘như thể bộ não đang tự cơ cấu lại vậy.’”

Trong một ứng dụng thú vị khác, có cơ sở từ những thảo luận trước đây của chúng ta về lĩnh vực siêu nhận thức, các phi công được gắn các máy kích điện trên ngực để truyền các tín hiệu đo được từ các thiết bị trong buồng lái. Chúng giúp bộ não cảm nhận được những thay đổi về cường độ và cao độ mà hệ tiền đình của người phi công không thể xác định được trong một số tình huống nhất định xảy ra giữa chuyến bay.

Tế bào thần kinh chiếm phần lớn bên trong não bộ là chất xám, theo cách gọi của các nhà khoa học. Phần còn lại là chất trắng, những mô được tạo nên từ hệ thống mạng thần kinh: đó là những sợi trục liên kết với các sợi nhánh tỏa ra từ thân các tế bào thần kinh khác, lớp màng myelin bao bọc bên ngoài các sợi trục, giống như lớp vỏ bằng chất dẻo phủ ngoài dây tóc bóng đèn. Cả chất xám và chất trắng đều là đối tượng nghiên cứu của các công trình khoa học chuyên sâu, vì chúng ta đang nỗ lực tìm hiểu cách thức các bộ phận cấu thành não bộ định hướng quá trình nhận thức và các kỹ năng vận động cũng như sự thay đổi của chúng trong suốt cuộc đời của chúng ta. Những nghiên cứu đó đã đạt được tiến bộ vượt bậc nhờ các bước đột phá trong công nghệ hình ảnh thần kinh học.

Một nỗ lực đầy tham vọng khác là dự án Human Connectome được tài trợ bởi các Viện Y tế Quốc gia. Dự án này được tiến hành nhằm mục đích lập bản đồ các liên kết trong não bộ của con người. (Từ “connectome” dùng để chỉ kết cấu của mạng lưới tế bào thần kinh, từ này được cấu tạo theo cùng một cách như từ “genome”, dùng để chỉ sơ đồ bộ mã gen của con người.) Những website của các học viện tham gia nghiên cứu trưng bày những hình ảnh nổi bật về kết cấu sợi của bộ não, hàng loạt những sợi trục có dạng hình dây được tô màu neon để thể hiện các hướng tín hiệu. Hệ thống sợi trục này có kết cấu giống một cách kỳ lạ với những mạng dây điện tử đồ sộ bên trong các siêu máy tính từ những thập niên 70. Nghiên cứu ban đầu mang tới những phát hiện đầy hứng thú. Trong một cuộc khảo sát tại trường Đại học California, Los Angeles, người ta tiến hành đối chiếu cơ cấu tiếp hợp của một cặp song sinh có bộ gen giống hệt nhau với một cặp chị em chỉ có chung một vài gen. Nghiên cứu này đưa ra một kết luận thống nhất với những nghiên cứu khác rằng những liên kết thần kinh bền chắc quyết định tốc độ thực hiện các năng lực của não bộ. Trong giai đoạn đầu đời sự bền chắc này chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố di truyền, nhưng mạng lưới thần kinh của chúng ta không phát triển sớm bằng cơ thể mà thay vào đó, nó tiếp tục thay đổi và trưởng thành cho đến tận độ tuổi 40, 50 và 60. Sự dày lên dần dần của lớp màng myelin bao bọc các sợi trục góp phần vào sự gia tăng của những liên kết này. Nhìn chung quá trình myelin hóa bắt đầu từ phần phía sau não bộ và di chuyển về phía trước, tới các thùy trán khi chúng ta bước vào giai đoạn trưởng thành. Những thùy trán thực hiện các chức năng điều hành của não bộ và là nơi xử lý các quá trình đánh giá, suy luận ở trình độ cao cũng như các kỹ năng được trau dồi bằng trải nghiệm.

Độ dày của lớp phủ myelin tỷ lệ thuận với năng lực của não bộ và các nghiên cứu cũng khẳng định rằng tăng cường luyện tập sẽ làm dày thêm lớp màng myelin dọc theo những tuyến thần kinh có liên quan, cải thiện cường độ cũng như tốc độ của các tín hiệu điện tử, và nhờ thế mà quá trình thực hiện trở nên tốt hơn. Chẳng hạn, quá trình tập luyện với đàn piano nhiều hơn thúc đẩy quá trình myelin hóa của các sợi thần kinh có liên hệ với các cử động ngón tay và thao tác tư duy trong chơi nhạc, những thay đổi này chỉ xuất hiện ở các nhạc sĩ.

Cuộc khảo sát về quá trình hình thành thói quen mang đến một quan điểm thú vị về cơ chế thần kinh mềm dẻo. Những tuyến thần kinh chúng ta sử dụng khi chúng ta thực hiện những hành động có ý thức nhằm hoàn tất một mục tiêu nào đó không hề giống với những tuyến thần kinh tác động tới những hành vi đã trở thành phản xạ tự động, một kết quả của thói quen. Những hành động được thực hiện như một thói quen được chỉ đạo từ một khu vực sâu hơn trong não bộ có tên gọi là hạch nền (basal ganglia). Một quan điểm cho rằng khi chúng ta tiến hành quá trình huấn luyện chuyên sâu và liên tục lặp lại một số hình thức học tập, đặc biệt là các kỹ năng vận động và những thao tác nối tiếp nhau, những thành quả tiếp thu được ghi nhận trong khu vực sâu hơn này, cũng chính khu vực này kiểm soát những hành vi có ý thức như cử động mắt. Trong quá trình ghi nhận này, não bộ phân tách riêng các chuỗi hành vi vận động và nhận thức để có thể thực hiện từng hành vi một. Thao tác này không hề đòi hỏi các hành vi chủ ý, những gì sẽ khiến chúng ta phản ứng chậm đi một cách đáng kể. Những chuỗi cử động này sẽ trở thành phản xạ, tức là có thể bạn bắt đầu thực hiện chúng như cách chúng ta tự huấn luyện bản thân hoàn thành một mục tiêu, nhưng chúng đã trở thành những phản ứng tự động với sự kích thích của các tác nhân. Một số nhà nghiên cứu đã sử dụng thuật ngữ “macro” (một ứng dụng đơn giản của máy tính) để mô tả quá trình phân tách này vận hành như một dạng thức tiếp thu được củng cố và có tính hiệu quả cao. Những lý thuyết đề cập đến sự phân tách nói trên như một phần thiết yếu của quá trình hình thành thói quen có thể giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong việc lý giải cách thức các vận động viên thể thao phát triển khả năng phản ứng lại với những sự việc dồn dập nhanh hơn cả trước khi chúng ta kịp có thời gian để suy xét, vì sao những cử động ngón tay của một nhạc công có thể đi trước ý thức của anh ta, hay vì sao một kì thủ có thể học cách đoán trước được vô số những nước cờ có thể và những ẩn ý trong từng thế cờ. Hầu hết chúng ta cũng thực hiện những khả năng tương tự khi chúng ta soạn thảo văn bản.

Một dấu hiệu cơ bản khác phản ánh sự mềm dẻo trong khả năng chịu đựng của não bộ được phát hiện trong một nghiên cứu về hồi hải mã, khu vực củng cố các kiến thức và ký ức trong não bộ. Cơ quan này có thể sản sinh những nơ ron thần kinh mới trong suốt cuộc đời. Hiện tượng có tên gọi là neurogenesis(sự sinh sản của những tế bào thần kinh) này là nhân tố có vai trò quyết định tới khả năng phục hồi của não bộ sau những chấn thương cũng như khả năng học hỏi của con người trong suốt cuộc đời. Mối liên hệ giữa sự sản sinh các tế bào thần kinh với quá trình học tập và ghi nhớ là một lĩnh vực mới đang được nghiên cứu, nhưng mới đây các nhà khoa học đã chỉ ra rằng những hoạt động nhận thức có tính liên tưởng (tức là hành vi tìm hiểu và ghi nhớ mối liên hệ giữa những vấn đề không liên quan tới nhau, như ghi nhớ tên của mọi người và khuôn mặt của họ) thúc đẩy sự gia tăng số lượng các tế bào thần kinh mới được tạo ra trong hồi hải mã. Sự gia tăng này bắt đầu trước khi một hành vi nhận thức mới được diễn ra, tức là não bộ có ý thức tập trung vào công việc học tập và tiếp diễn đến một thời điểm sau khi hành vi nhận thức được hoàn thành, điều này minh chứng cho vai trò của sự sản sinh các tế bào thần kinh mới đối với sự củng cố khả năng ghi nhớ và những lợi ích lâu dài được mang lại từ quá trình luyện tập thông qua hồi tưởng và có sự ngắt quãng.

Tất nhiên học hỏi và ghi nhớ là những thao tác của các cơ quan thần kinh. Các hình thức luyện tập khả năng hồi tưởng, ngắt quãng, diễn tập, học hỏi thông qua đúc rút các quy luật, cũng như xây dựng các mô hình tư duy giúp cải thiện kỹ năng học hỏi và ghi nhớ. Điều này là một minh chứng cho cơ chế mềm dẻo của hệ thần kinh cũng như thống nhất với những hiểu biết của các nhà khoa học về quá trình củng cố những ký ức. Quá trình này như một công cụ giúp tăng cường những tuyến thần kinh mà nhờ đó con người có thể nhớ lại và áp dụng kiến thức. Theo cách nói của Ann và Richard Barnet, sự phát triển trí tuệ của con người là “sự tương tác không ngừng nghỉ giữa những xu hướng được kế tục và lịch sử cuộc đời mỗi người”. Bản chất của sự tương tác này là vấn đề trọng tâm chúng ta sẽ khám phá trong phần còn lại của chương này.

LIỆU CHỈ SỐ THÔNG MINH CÓ THỂ THAY ĐỔI?

Chỉ số thông minh IQ là một sản phẩm của các yếu tố di truyền và môi trường xã hội. Hãy thử so sánh chỉ số này với chiều cao. Chiều cao được kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhưng trải qua nhiều thập kỷ với sự cải thiện trong chế độ dinh dưỡng, những thế hệ tiếp nối có thể phát triển chiều cao nhiều hơn. Tương tự như vậy, các chỉ số đo lường trí tuệ của những cá nhân hoạt động trong mọi lĩnh vực trên thế giới đã tăng một cách liên tục và bền vững kể từ thời điểm người ta bắt đầu tiến hành lấy mẫu tiêu chuẩn vào năm 1932. Đó là một hiện tượng có tên hiệu ứng Flynn, được đặt theo tên một nhà khoa học chính trị, người đầu tiên mang nó tới với công chúng. Tại Mỹ, chỉ số IQ đã tăng 18 điểm trong vòng 60 năm trở lại đây. Đối với bất kỳ một nhóm tuổi nào, chỉ số IQ ở ngưỡng 100 là số điểm trung bình của những người tiến hành kiểm tra, vậy sự gia tăng kể trên cũng có nghĩa là một người có chỉ số IQ đạt 100 trong thời điểm hiện tại có độ thông minh ngang bằng với một người có chỉ số IQ đạt 118 tại thời điểm 60 năm trước. Đó là sự thay đổi trong giá trị trung bình. Những nguyên nhân lý giải hiện tượng này được trình bày trong một số học thuyết. Một trong những nguyên nhân chính là sự thay đổi đáng kể của môi trường học tập, văn hóa cũng như chế độ dinh dưỡng, những yếu tố tác động tới các khả năng được xác định thông qua các bài kiểm tra chỉ số IQ là ngôn ngữ và toán học.

Trong tác phẩm Intelligence and How to get it (tạm dịch: Trí tuệ và Làm thế nào để có thể trở nên thông minh), Richard Nisbett đã bàn về sự thâm nhập của các tác nhân chưa hề tồn tại trong nhiều năm trước đây vào xã hội hiện đại, bằng cách đưa ra một ví dụ tương đối đơn giản. Trò chơi khám phá mê cung đi kèm trong set đồ ăn Happy Meals của hãng McDonald’s vài năm trước thậm chí còn khó hơn những mê cung đang được sử dụng trong các bài kiểm tra chỉ số thông minh dành cho các em nhỏ có năng khiếu. Nisbett cũng viết về những “hệ số môi trường”, trong đó ông đề xuất rằng một cậu bé có lợi thế chiều cao và lựa chọn bộ môn bóng rổ sẽ phát triển tài năng trong bộ môn thể thao này, điều không thể xuất hiện ở một cậu bé thấp hơn với cùng những năng khiếu như vậy. Tương tự, một cậu bé ham hiểu biết và thông minh sẽ tiếp thu nhanh hơn một cậu bé có cùng mức độ thông minh nhưng lại không có sự ham học hỏi. Số lượng các phương pháp học tập đã được nhân lên theo cấp lũy thừa. Có thể tính hiếu kỳ và ham hiểu biết chỉ là kết quả của một khác biệt nhỏ bé về di truyền, nhưng ảnh hưởng của nó lại được nhân lên gấp bội trong một môi trường khơi gợi và thỏa mãn lòng ham học hỏi.

Một nhân tố môi trường sống khác có vai trò trong quá trình hình thành trí tuệ là địa vị kinh tế xã hội cũng như sự khích lệ và chế độ dinh dưỡng. Nhân tố này thường hay xuất hiện ở những gia đình có điều kiện kinh tế và tiềm lực giáo dục dồi dào hơn. Trung bình, con em của những gia đình khá giả có chỉ số IQ cao hơn con em của những gia đình nghèo khó, cũng như những em sinh ra trong một gia đình thiếu thốn nhưng được các gia đình giàu có nhận nuôi thì có chỉ số IQ cao hơn những em không có may mắn đó bất kể địa vị kinh tế xã hội của cha mẹ đẻ của các em là cao hay thấp.

Khả năng cải thiện chỉ số IQ hiện là đề tài của các cuộc tranh luận và vô vàn những nghiên cứu phản ánh sự bất bình đẳng đang lan tràn trong những học thuyết khoa học cứng nhắc. Một bài phê bình thấu đáo về những công trình khoa học nhằm nỗ lực kích thích phát triển trí tuệ của trẻ nhỏ đã được xuất bản vào năm 2013. Tác phẩm này làm sáng tỏ vấn đề một phần cũng nhờ hệ thống tiêu chuẩn nghiêm ngặt được đưa ra bởi các tác giả nhằm xác định nghiên cứu nào đủ điều kiện để có thể được cân nhắc. Những nghiên cứu đủ điều kiện này phải được tiến hành trên một tập hợp đại chúng và khách quan; được thiết kế theo một mô hình kiểm chứng ngẫu nhiên; bao gồm những tác nhân can thiệp được duy trì liên tục chứ không phải những liệu pháp ngắn hạn hay những thao tác đơn giản được vận dụng trong quá trình thí nghiệm; cũng như sử dụng một hệ thống đo lường trí tuệ được tiêu chuẩn hóa và thừa nhận rộng rãi. Người viết tập trung vào những thí nghiệm được thực hiện với trẻ em trong thời kỳ từ trước khi sinh đến độ tuổi mẫu giáo và những nghiên cứu đáp ứng các yêu cầu của họ với lượng người tham dự vượt quá con số 37.000.

Họ đã phát hiện ra điều gì? Chế độ dinh dưỡng tác động tới chỉ số thông minh. Chỉ số thông minh tăng lên từ 3,5 đến 6,5 điểm nhờ bổ sung các axit béo vào bữa ăn của những phụ nữ có thai, bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh. Cơ thể không thể tự sản sinh một số thành phần thiết yếu trong quá trình phát triển của các tế bào thần kinh. Các thành phần này chỉ có thể được cung cấp bởi những axit béo nhất định. Và ý tưởng đằng sau kết quả đó là thực phẩm bổ sung hỗ trợ sự hình thành các khớp thần kinh mới. Một số khảo sát về những thực phẩm bổ sung khác như sắt và các vitamin nhóm B cũng khẳng định lợi ích của chúng, song những phát hiện này cần được kiểm chứng thông qua những nghiên cứu sâu hơn trước khi độ chính xác của chúng được công nhận.

Trong phạm vi nghiên cứu về những yếu tố tác động của môi trường, các tác giả đã phát hiện ra rằng trẻ em xuất thân từ những gia đình nghèo nhưng sớm nhận được sự giáo dục có thể nâng chỉ số thông minh lên hơn 4 điểm, thậm chí gần 7 điểm nếu có sự can thiệp của một trung tâm đào tạo thay vì giáo dục tại nhà, vì sự thúc đẩy học tập tại môi trường gia đình ít được duy trì thường xuyên liên tục hơn. (Giáo dục trẻ từ sớm ở đây được hiểu là làm giàu tri thức cho trẻ thông qua môi trường xung quanh và thiết kế mô hình học tập cho trẻ trước độ tuổi mẫu giáo). Có thể những chương trình giáo dục từ sớm không mang lại những thành quả tương tự cho con em của các gia đình với giả định rằng các em được hưởng nhiều lợi ích từ các điều kiện học tập tại nhà hơn. Thêm vào đó, không có một chứng cứ nào ủng hộ quan điểm đang được thừa nhận rộng rãi rằng các em nhỏ càng sớm tham gia vào các chương trình này thì kết quả em đó đạt được càng tốt hơn. Thay vào đó, những chứng cứ lại đứng về phía những lập luận của John Bruer rằng vài năm tháng đầu tiên của cuộc đời không phải là cánh cửa hẹp mở ra triển vọng phát triển nhưng cũng sẽ nhanh chóng khép lại.

Sự gia tăng của chỉ số IQ xuất hiện trong một số lĩnh vực giáo dục nhận thức. Khi những bà mẹ trong các gia đình có thu nhập thấp được tạo điều kiện để trang trải cho các giáo cụ, sách vở và các bài toán đố cũng như được tập huấn cách thức dạy con học nói và xác định các đồ vật trong nhà; chỉ số IQ của con họ tăng rõ rệt. Khi những bà mẹ có con cỡ ba tuổi trong các gia đình có thu nhập thấp được hướng dẫn cách trò chuyện với con thường xuyên trong một thời gian dài và sau đó đặt ra cho con rất nhiều những câu hỏi mở, các chỉ số trí tuệ của con họ cũng tăng. Đọc sách cho trẻ dưới bốn tuổi sẽ nâng cao trí thông minh của trẻ, đặc biệt nếu trẻ được cha mẹ khuyến khích tham gia một cách tích cực vào quá trình đọc. Sau bốn tuổi, nghe đọc sách không còn gia tăng chỉ số thông minh của trẻ nhưng vẫn tiếp tục đẩy mạnh tốc độ phát triển ngôn ngữ. Chỉ số thông minh của trẻ tăng hơn bốn điểm nhờ việc đi học mẫu giáo và nếu giáo trình có bao gồm các bài học về ngôn ngữ, thì con số này còn có thể vượt quá con số 7. Lại một lần nữa, không có chứng cứ nào xác nhận cho kết luận rằng những hình thức giáo dục từ sớm, giáo dục mầm non, hay đào tạo ngôn ngữ sẽ là nhân tố làm gia tăng chỉ số thông minh của trẻ em sinh ra trong những gia đình khá giả, nơi mà các em được hưởng lợi ích từ một môi trường sung túc đầy đủ.

RÈN LUYỆN TƯ DUY

Vậy còn những trò chơi “rèn luyện tư duy” thì sao? Chúng ta đã chứng kiến một hình thức kinh doanh mới xuất hiện, các trò chơi trực tuyến và băng hình hứa hẹn sẽ hỗ trợ trí óc bạn trau dồi các khả năng nhận thức không khác gì tập luyện cơ bắp. Những sản phẩm này lấy căn cứ chủ yếu trên một cuộc khảo sát được công bố vào năm 2008. Tuy nhiên nghiên cứu này tương đối hạn chế về mặt phạm vi và cũng chưa từng được tiến hành lại. Nghiên cứu này tập trung vào cải thiện những “dạng thức trí tuệ có khả năng thay đổi” (fluid intelligence): khả năng suy luận một cách trừu tượng, nắm bắt các mối quan hệ xa lạ và giải quyết những vấn đề mới mẻ. Trí tuệ có thể thay đổi là một trong hai loại trí tuệ quyết định chỉ số thông minh. Loại còn lại là trí tuệ được kết tinh, đó là nơi lưu trữ lượng kiến thức chúng ta đã tích lũy trong hàng năm trời. Rõ ràng là chúng ta có thể trau dồi trí tuệ được kết tinh bằng những phương pháp học tập và ghi nhớ hiệu quả, nhưng trí tuệ có khả năng biến đổi thì sao?

Nhân tố chủ chốt quyết định trí tuệ có thể biến đổi hay không là hiệu suất làm việc của trí nhớ con người – số lượng kiến thức cũng như mối quan hệ mới mà một người có thể lưu giữ trong trí óc trong quá trình giải quyết một vấn đề (đặc biệt là khi đối mặt với vài sự xao nhãng). Cuộc khảo sát tiến hành tại Thụy Sĩ yêu cầu người tham gia làm các bài tập thử thách trí nhớ với độ khó tăng dần. Họ phải ghi nhớ hai nhân tố khác nhau trong một thời gian dài với mức độ xao lãng tăng dần. Một tác nhân là một dãy số. Tác nhân còn lại là một ô vuông sáng lên ở những vị trí khác nhau trên màn hình. Cả chữ số lẫn vị trí của ô vuông đều thay đổi ba giây một lần. Nhiệm vụ đặt ra ở đây là đối với mỗi kết hợp số và ô vuông, người tham gia phải quyết định liệu kết hợp đó có phù hợp với một kết hợp đã được hiển thị nlần trước đó trong lúc theo dõi một dãy số luôn thay đổi và những ô vuông liên tục đổi vị trí. Con số nlần được gia tăng trong mỗi lần thử, khiến cho bộ nhớ phải đối mặt với thử thách ngày càng khó khăn.

Mọi đối tượng tham gia đều phải làm các kiểm tra để đánh giá trí tuệ có khả năng biến đổi trước khi bắt đầu cuộc khảo sát. Sau đó họ được giao các bài tập thử thách bộ nhớ với độ khó tăng dần như đã đề cập ở trên trong những khoảng thời gian kéo dài đến 19 ngày. Cuối kỳ tập huấn, trí tuệ có khả năng biến đổi của họ được kiểm tra lại. Kết quả của tất cả mọi người đều tốt hơn những gì thu được trước kỳ tập huấn, và những người đã thực hiện quá trình rèn luyện trong quãng thời gian lâu nhất cho thấy sự cải thiện lớn nhất. Nhờ những kết quả đó mà lần đầu tiên ý tưởng về sự phát triển trí tuệ có khả năng thay đổi thông qua luyện tập được chứng minh.

Các nhà phê bình nghĩ gì về điều đó?

Số lượng người tham dự cuộc khảo sát này còn rất ít (chỉ có 35 người) và tất cả đều được tuyển lựa từ một nhóm dân số có trình độ cao tương tự nhau. Hơn nữa, nghiên cứu này chỉ tập trung vào huấn luyện một nhiệm vụ duy nhất, do đó không thể xác định rõ ràng phạm vi áp dụng của nó lên những nhiệm vụ khác được đặt ra cho bộ nhớ làm việc hay liệu những kết quả này thực sự phản ánh đúng tính chất của bộ nhớ làm việc chứ không phải là vài điểm đặc trưng xuất hiện trong quá trình tập huấn từng nhiệm vụ cụ thể. Điểm cuối cùng, chúng ta vẫn chưa thể biết được liệu sự cải thiện này có thể kéo dài bao lâu, và như đã lưu ý ở trên, những kết quả này vẫn chưa hề xuất hiện lại trong những nghiên cứu khác. Khả năng vượt qua quá trình kiểm nghiệm thực chứng là nền tảng của mọi lý thuyết khoa học. Website PsychFileDrawer.org lưu giữ một danh sách gồm 20 công trình nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực tâm lý học mà những người truy cập muốn tham khảo, và cuộc khảo sát ở Thụy Sĩ đứng đầu trong danh sách này. Một nỗ lực khác mới đây là một công trình nghiên cứu được công bố kết quả vào năm 2013. Công trình này đã không thể tìm ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy những bài tập được tái hiện lại theo cuộc khảo sát tại Thụy Sĩ có tác dụng cải thiện trí nhớ biến đổi. Một điều thú vị là những người tham gia vào cuộc nghiên cứu này lại tin rằng năng lực tư duy của họ đã được tăng cường, hiện tượng này đã được các tác giả mô tả như một sự ảo tưởng. Tuy nhiên, các tác giả cũng công nhận rằng ý thức về năng lực bản thân tăng lên có thể sẽ khiến con người kiên trì hơn trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn, vì họ được động viên bởi niềm tin rằng quá trình tập huấn đã cải thiện các kỹ năng của họ.

Não bộ không phải là cơ bắp, do đó củng cố một kỹ năng không có nghĩa là các kỹ năng khác cũng tự động được củng cố. Những phương pháp học tập và ghi nhớ, như tập luyện khả năng hồi tưởng và xây dựng mô hình tư duy, giúp tăng cường khả năng tư duy trong phạm vi những kiến thức và kỹ năng được luyện tập, nhưng những lợi ích này không mở rộng sang những lĩnh vực kiến thức và kỹ năng khác. Những nghiên cứu về trí tuệ của các chuyên gia cho thấy sự dày lên của lớp màng myelin bao bọc các sợi trục xuất hiện ở khu vực có liên quan tới lĩnh vực chuyên môn nhưng không hề xuất hiện ở bất kỳ khu vực nào khác. Người ta quan sát thấy những thay đổi của lớp màng myelin trong não các nghệ sĩ chơi đàn piano là dấu hiệu đặc trưng của một tài năng piano. Nhưng khả năng biến sự luyện tập thành một thói quen đang ngày càng được đại chúng hóa. Như những người cổ xúy lý thuyết này vẫn kêu gọi, trong một chừng mực nào đó “quá trình rèn luyện tư duy” có thể nâng cao sự tự tin và ý thức về năng lực cá nhân của người học, do đó những lợi ích họ gặt hái được giống với kết quả của những thói quen tốt hơn, chẳng hạn như học cách tập trung sự chú ý và kiên trì luyện tập.

Khi đề cập đến những “hệ số” môi trường, Richard Nisbett viết rằng chúng có thể khiến một thiên hướng di truyền nhỏ nhoi phát huy tác dụng to lớn đến mức bất cân xứng – một cô bé có chút phẩm chất ham học hỏi bẩm sinh có thể trở nên đặc biệt thông minh nếu em sống trong một môi trường thỏa mãn khát khao hiểu biết của mình. Giờ hãy thử lật ngược lại vấn đề. Vì có vẻ như tôi khó có thể nâng chỉ số thông minh của mình lên trong một thời gian ngắn, liệu có những chiến lược hay hành vi nào có thể đóng vai trò “hệ số” nhận thức, nhằm thúc đẩy hiệu suất làm việc của trí thông minh tôi đang sở hữu không? Câu trả lời là có và đó là ba điều sau: nắm bắt một tư duy cầu tiến, rèn luyện như một chuyên gia và thiết lập những tín hiệu khơi gợi ký ức.

TƯ DUY CẦU TIẾN

Hãy cùng xem lại một câu châm ngôn: “Nếu nghĩ mình có thể hay không thể làm gì đó thì bạn đều đúng.” Nếu thế thì chắc hẳn ở đây có nhiều chân lý hơn là trí khôn. Quan điểm đóng một vai trò rất quan trọng. Những nghiên cứu của nhà tâm lý học Carol Dweck đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm khi chỉ ra mức độ tác động của một kết luận đơn giản lên quá trình tiếp thu và thực hành: đó là niềm tin rằng trình độ tư duy của bạn không phải là bất biến mà phụ thuộc phần nhiều vào sự kiểm soát của chính bạn.

Dweck và các đồng nghiệp của bà đã tái hiện và nhân rộng những kết quả đã thu được của mình trong rất nhiều nghiên cứu. Ở một trong những thử nghiệm đầu tiên, bà tiến hành một nhóm thảo luận dành cho những học sinh lớp 7 có kết quả học tập yếu kém của trường trung học cơ sở New York. Tại đây bà giảng giải cho các em về não bộ và những phương pháp học tập hiệu quả. Phân nửa nhóm được tiếp cận một bài thuyết trình về trí nhớ, nhưng phần còn lại được nghe giải thích về quá trình biến đổi của não bộ nhờ sự nỗ lực học hỏi: đó là khi bạn cố gắng hết sức và học được một điều mới mẻ, bộ não sẽ thiết lập những mối tương quan, và dần dần những mối tương quan này sẽ khiến bạn trở nên khôn ngoan hơn. Nhóm này được dạy rằng sự phát triển trí tuệ không phải là sự bộc phát tự nhiên của trí thông minh mà là kết quả của những mối liên hệ được hình thành thông qua quá trình nỗ lực và học hỏi. Sau buổi thảo luận, cả hai nhóm đều được sàng lọc lại trong các bài tập trên lớp. Giáo viên của các em không hề biết rằng một số học sinh của mình đã được dạy rằng nỗ lực học tập có thể biến đổi não bộ, nhưng khi bước vào năm học, những học sinh thực hiện điều mà Dweck vẫn gọi là “tư duy cầu tiến” tin tưởng rằng mình có thể kiểm soát được phần lớn trí tuệ của mình, và các em trở thành những học sinh năng nổ hơn cũng như đạt kết quả tốt hơn hẳn so với nhóm thứ nhất, tập hợp những em tiếp tục duy trì quan điểm thông thường của mình, điều vẫn được Dweck gọi là “tư duy bảo thủ” khi cho rằng khả năng tư duy của mình đã được định sẵn từ lúc mới ra đời bởi những năng khiếu tự nhiên bẩm sinh.

Dweck luôn băn khoăn tìm hiểu tại sao một số người trở nên bất lực khi họ đối mặt với thử thách và thất bại trong khi số khác phản ứng lại với sự thất bại bằng cách áp dụng những chiến lược mới và nhân đôi nỗ lực. Điều đó đã gợi ý tưởng cho những nghiên cứu của bà. Bà đã phát hiện rằng sự khác biệt căn bản giữa hai cách phản ứng này nằm trong chính cách họ nhìn nhận nguyên nhân của những thất bại: những người quy kết thất bại là do sự thiếu năng lực của bản thân – “Tôi không đủ thông minh” – sẽ bỏ cuộc. Những người lý giải thất bại là hậu quả của sự thiếu nỗ lực hay một chiến lược thiếu hiệu quả sẽ tiếp tục đào sâu nghiên cứu và thử nghiệm các phương pháp khác nhau.

Dweck khám phá ra rằng một số sinh viên đặt mục tiêu dựa trên những thành tích thu được từ quá trình thực hiện, trong khi số khác gắng sức đạt tới mục đích gặt hái kiến thức. Trong trường hợp thứ nhất, bạn học tập để chứng tỏ năng lực của mình. Trong trường hợp thứ hai, bạn học tập để thu nhận những kiến thức hay kỹ năng mới. Những cá nhân chú trọng vào thành tích thường vô tình tự hạn chế tiềm năng của mình. Nếu mục đích của bạn là chứng tỏ hay bộc lộ năng lực của mình, bạn sẽ lựa chọn những vấn đề mà bạn tự tin rằng mình có thể vượt qua. Bạn muốn tỏ ra thông minh, do đó bạn sẽ lặp đi lặp lại kỳ công đó. Nhưng nếu mục tiêu của bạn là nâng cao khả năng của mình, bạn sẽ lựa chọn những thử thách với độ khó không ngừng gia tăng, và bạn nhìn nhận thất bại như nguồn thông tin hữu ích mà nhờ đó bạn có thể gia tăng khả năng tập trung, trở nên sáng tạo và nỗ lực hơn nữa. Dweck cho rằng: “Nếu muốn liên tục chứng minh một điều gì đó nhiều lần, bạn sẽ cảm thấy ‘năng lực’ giống như một điều gì đó tĩnh tại ẩn sâu ngay bên trong bạn, trong khi nếu bạn muốn cải thiện năng lực của mình, bạn phải cảm thấy nó là một điều gì đó năng động và có thể rèn giũa.” Mục tiêu tiếp thu tri thức làm nảy sinh những suy nghĩ và hành động hoàn toàn khác với mục tiêu gặt hái thành tích.

Nghịch lý thay khi sự chú trọng thành tích đôi khi lại nhấn chìm một số vận động viên nổi tiếng. Được khen ngợi nhờ tài năng “bẩm sinh”, họ tin rằng thành quả họ có được là kết quả của thiên khiếu. Nếu đó là những phẩm chất tự nhiên thì họ chẳng cần phấn đấu nhiều để trở nên thuần thục và thực sự nhiều người trong số họ nghĩ như vậy. Họ hạn chế rèn luyện, vì coi nhu cầu rèn luyện là một bằng chứng để công chúng thấy rằng họ không đủ thiên khiếu để trở thành ngôi sao. Quá chú trọng vào thành tích thay vì tập trung vào mục tiêu phát triển và gặt hái kiến thức khiến người học do dự trước việc chấp nhận rủi ro hay mạo hiểm hình ảnh của bản thân vào sự nhạo báng của dư luận khi tự đặt mình vào một tình huống mà trong đó họ phải toát mồ hôi trước những tác động của dư luận.

Công trình của Dweck đã tiếp tục nghiên cứu sự khen ngợi và tác động của nó tới việc con người định hình phương thức phản ứng trước các thử thách. Sau đây là một ví dụ. Một nhóm học sinh lớp 5 được yêu cầu giải một câu đố. Một số học sinh được khen ngợi là thông minh vì đã tìm ra đúng đáp án; một số khác được khen ngợi vì đã cố gắng chăm chỉ. Sau đó các học sinh này được phép chọn một câu đố khác: một câu đố với độ khó tương tự hoặc một câu đố khó hơn. Nhưng nhờ đó các em có thể tiếp thu thêm được kiến thức bằng cách nỗ lực giải đáp chúng. Phần lớn những học sinh đã từng được tán dương vì sự thông minh của mình đều chọn câu đố dễ hơn, và 90% học sinh đã được khen ngợi vì sự cố gắng chọn câu hỏi khó hơn.

Cuộc khảo sát thay đổi khi các học sinh nhận được các câu đố từ hai người là Tom và Bill. Các học sinh có thể giải những câu đố Tom đưa ra bằng sự cố gắng, nhưng những câu hỏi Bill mang đến thì lại vô phương giải đáp. Tất cả các em đều nhận các câu hỏi từ cả Tom và Bill. Sau khi nghiên cứu các câu hỏi, một số em được khen ngợi là thông minh và số khác được khen nhờ đã cố gắng. Trong lượt hai, các em phải giải đáp nhiều câu hỏi hơn từ cả Tom và Bill, và lần này tất cả đều nằm trong khả năng giải đáp của các em. Và một điều ngạc nhiên là: rất ít học sinh trong số những em đã được tán dương vì sự thông minh khi giải được những câu hỏi của Bill mặc dù chúng chẳng khác gì những câu hỏi mà các em này đã giải được khi chúng được đưa ra bởi Tom. Đối với những học sinh được công nhận là cực kỳ thông minh, trải nghiệm thất bại khi giải các câu đố của Bill trong vòng một đã định hình trong các em ý thức về sự bất lực.

Khi bạn khen ngợi trí tuệ của trẻ, chúng sẽ nhận được thông điệp rằng mục đích trọng yếu là được công nhận như một đứa trẻ thông minh. “Sự đề cao nỗ lực đặt ra cho trẻ một biến số hiếm có mà chúng có thể kiểm soát,” Dweck nói, “nhưng đề cao trí thông minh bẩm sinh sẽ khiến trẻ mất kiểm soát, và nó chẳng mang lại cách thức tốt đẹp nào để phản ứng với sự thất bại.”

Trong cuốn sách vừa xuất bản mang tên Điều gì làm nên thành công của trẻ?5 (How children succeed), Paul Tough đã rút ra một kết luận từ những công trình khoa học của Dweck và các nhà nghiên cứu khác rằng chúng ta thành công phần nhiều là nhờ sự rèn giũa bền bỉ, lòng ham hiểu biết và sự kiên định hơn là chỉ số thông minh. Một gia vị không thể thiếu trong công thức dẫn tới thành công là đối mặt với những nghịch cảnh ngay từ tuổi ấu thơ và học cách vượt qua chúng. Tough viết rằng những đứa trẻ sinh ra từ những tầng lớp đáy cùng xã hội bị bủa vây bởi quá nhiều thử thách và thiếu thốn điều kiện đến mức các em không có nổi một cơ hội để trải nghiệm sự thành công. Nhưng chính ở đó lại nảy sinh một nghịch lý. Có những đứa trẻ được sinh ra trong những gia đình bao gồm những thành viên là các cá nhân dẫn đầu trong xã hội, được nuôi dưỡng trong một môi trường sung túc, được khen ngợi vì trí tuệ xuất chúng, được cha mẹ bao bọc và nâng đỡ khỏi mọi khó khăn, không bao giờ được phép tự mình trải nghiệm sự thất bại hay thành công trong những tình thế khó khăn. Các em này không có được phẩm chất cần có – trau dồi những kinh nghiệm thiết yếu để có thể gặt hái thành công trong tương lai. Một cô bé sinh ra trong một gia đình sung túc và lớn lên với sự kiêu ngạo ít khi nắm bắt được những thử thách mà nhờ đó em có thể khám phá hết khả năng của mình. Quá chú trọng tới sự công nhận của người khác về trí tuệ của mình khiến con người do dự không dám chấp nhận những rủi ro trong cuộc sống, những điều nhỏ nhoi nhưng chắp cánh cho họ bay tới những khát vọng của mình, cũng như những bước tiến táo bạo tới sự thành công. Sự thất bại, theo như cách Dweck đã đề cập với chúng ta, mang tới cho bạn nguồn thông tin hữu ích và cơ hội để bạn khám phá ra bạn có thể làm được gì khi bạn thực sự quyết tâm.

Kết luận chúng ta có thể rút ra từ những nghiên cứu của Dweck, Tough và các đồng nghiệp của họ trong lĩnh vực này là ngoài chỉ số thông minh, chính tính kỷ luật, sự táo bạo và tư duy cầu tiến mới là điều khiến con người thấm nhuần ý thức về tiềm năng và sức sáng tạo cùng sự kiên trì bền bỉ, những phẩm chất không thể thiếu để vươn tới những nấc thang nhận thức và thành công cao hơn. “Chỉ khi bị thúc đẩy bởi một thành phần tích cực, các kỹ năng nghiên cứu và học tập mới được giải phóng khỏi sự trì trệ,” Dweck khẳng định. Thành phần tích cực này là một nhận thức đơn giản nhưng lại vô cùng sâu sắc: sức mạnh tăng cường các khả năng của bạn phần lớn nằm trong tầm kiểm soát của chính bạn.

SỰ RÈN LUYỆN KỸ LƯỠNG

Khi bạn chiêm ngưỡng màn trình diễn cừ khôi của một chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực nào – một nhạc sĩ dương cầm, một kỳ thủ, hay một người chơi golf – có thể bạn sẽ tự hỏi tài năng thiên bẩm nào là cơ sở cho những khả năng của họ, nhưng những màn trình diễn chuyên nghiệp thường bắt nguồn từ một tố chất có tính di truyền hay một lợi thế về trí tuệ. Đó là kết quả của hàng ngàn giờ thực hiện một quá trình mà Anders Ericsson gọi là sự rèn luyện kỹ lưỡng được duy trì liên tục. Nếu như liên tục lặp lại một hành vi có thể được xem như một sự luyện tập thì rèn luyện kỹ lưỡng lại là một loại hình khác: đó là một quá trình với mục tiêu xác định, thường có tính duy nhất và là tổng hợp của những nỗ lực được lặp đi lặp lại nhằm vượt lên khỏi trình độ hiện tại của mình. Có ý kiến cho rằng dù là trong lĩnh vực nào thì một màn trình diễn điêu luyện cũng được tích lũy thông qua quá trình tiếp thu từ từ một lượng lớn các mô hình với mức độ phức tạp tăng dần. Những mô hình này được sử dụng để lưu trữ nhận thức của con người về việc phương án hành động nào được tiến hành trong vô vàn tình huống khác nhau. Hãy cùng kiểm chứng điều đó qua ví dụ về một nhà vô địch cờ vua. Khi nghiên cứu các vị trí trên bàn cờ, anh có thể dự liệu được rất nhiều nước đi và vô vàn những phương hướng có thể xảy ra. Cố gắng rồi thất bại, tìm ra phương án giải quyết và nỗ lực thêm lần nữa là đặc trưng của một quá trình rèn luyện kỹ lưỡng nhằm bồi đắp vốn hiểu biết, sự thích ứng về mặt tâm sinh lý cũng như những mô hình tư duy phức tạp, những yếu tố không thể thiếu để đạt tới trình độ cao hơn.

Trong một bài tường thuật về Michelangelo sau khi ông hoàn tất tác phẩm hội họa với hơn 400 nhân vật có kích cỡ như trong đời thực trên trần nhà nguyện Sistine, ông đã viết: “Nếu mọi người hiểu tôi đã phải vất vả thế nào để đạt tới trình độ điêu luyện của mình thì họ sẽ thấy tài năng của tôi rốt cuộc cũng chẳng lấy gì làm phi thường cả.” Những kỳ công mà người hâm mộ của ông vẫn tưởng là kết quả của tài năng thiên bẩm thực chất lại cần tới bốn năm làm việc và cống hiến đầy lao khổ.

Quá trình rèn luyện kỹ lưỡng thường không mấy dễ dàng, và đối với hầu hết người học đều cần tới một huấn luyện viên hay người hướng dẫn, những người có thể giúp họ xác định những lĩnh vực nào cần được cải thiện, hướng họ tập trung sự chú ý vào những khía cạnh cụ thể, và cung cấp những thông tin phản hồi để họ có thể nhận thức và đánh giá vấn đề một cách chính xác. Sự phấn đấu bền bỉ trong khi rèn luyện khiến não bộ và các chức năng tâm sinh lý được tái tổ chức để phát huy đến hiệu suất cao hơn. Tuy nhiên, việc bạn thành thạo trong một lĩnh vực cụ thể nhất định chỉ có nghĩa bạn là chuyên gia trong lĩnh vực đó. Sự điêu luyện trong lĩnh vực này không hề đồng nghĩa với một lợi thế hay một khởi đầu thuận lợi trong một lĩnh vực khác. Một ví dụ đơn giản về cách thức não bộ được tái tổ chức nhờ rèn luyện là quá trình điều trị rối loạn trương lực cơ tay thuận, một hội chứng ảnh hưởng tới các nhạc công ghita hay nhạc sĩ dương cầm. Họ liên tục chơi nhạc tới nỗi não bộ của họ bị tái điều chỉnh, khiến họ luôn có cảm tưởng rằng hai ngón tay của mình như dính lại làm một. Nhờ sự trợ giúp của một loạt những bài tập khó khăn, họ mới có thể dần dần lấy lại được kiểm soát và cử động hai ngón tay một cách riêng biệt.

Đôi khi các chuyên gia vẫn bị lầm tưởng về việc sở hữu một tài năng phi thường. Lý do là một số người trong số họ có thể theo dõi một màn biểu diễn phức tạp trong phạm vi lĩnh vực của mình rồi sau đó tái tạo lại từ trong trí nhớ từng thao tác của màn trình diễn, chính xác đến từng chi tiết nhỏ. Mozart nổi tiếng vì khả năng tái hiện lại những bản nhạc mà chỉ cần nghe chúng một lần. Nhưng như Ericsson đã nói, kỹ năng này không bắt nguồn từ một trong sáu giác quan mà là kết quả của sự nhận thức và trí nhớ siêu đẳng trong lĩnh vực chuyên môn của người nghệ sĩ mà để đạt được điều đó họ đã phải tốn hàng năm trời. Hầu hết những chuyên gia lão luyện trong một lĩnh vực nào đó cũng chỉ là những cá nhân bình thường ở những lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Ericsson đã nghiên cứu ra rằng 10 nghìn giờ hay mười năm luyện tập là khoảng thời gian trung bình mà một người cần đầu tư để có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình, và những cá nhân kiệt xuất nhất trong số này đã giành phần lớn quỹ thời gian cho quá trình luyện tập duy nhất một kỹ năng chuyên môn nào đó. Những màn biểu diễn chuyên nghiệp là sản phẩm thu được từ số lượng và chất lượng của quá trình tập luyện chứ không phải là kết quả của yếu tố thiên bẩm có tính di truyền. Một điều nữa, trình độ ở mức chuyên gia không hề nằm ngoài tầm với của những cá nhân với tài năng ở mức thông thường nhưng có động lực, thời gian và kỷ luật để theo đuổi nó.

NHỮNG KÝ HIỆU KHƠI GỢI KÝ ỨC

Như chúng tôi đã đề cập, thuật nhớ là những công cụ tư duy hỗ trợ bộ nhớ lưu giữ kiến thức, thiết lập những ký hiệu để các kiến thức này luôn ở trong trạng thái sẵn sàng khôi phục lại. (Mnemosyne là nữ thần trí nhớ, một trong chín nữ thần trong thần thoại Hy Lạp.) Những từ cấu tạo bằng cách kết hợp các chữ cái đầu tiên của các từ khác là một ví dụ về các thuật nhớ đơn giản, chẳng hạn như “ROY G BIV” ám chỉ các màu sắc của cầu vồng, các chữ cái đầu trong cụm “I Value Xylophones Like Cows Dig Milk” được sử dụng để ghi nhớ các chữ số La Mã từ 1 đến 1.000 theo thứ tự tăng dần của giá trị (chẳng hạn V = 5; D = 500).

Cung điện ký ức (memory palace) là một dạng thức phức tạp hơn của thuật nhớ và đặc biệt hữu dụng trong việc tổ chức cũng như lưu giữ những khối lượng kiến thức khổng lồ trong não bộ. Nó lấy cơ sở từ phương pháp loci, bắt nguồn từ thời đại Hy Lạp cổ xưa, theo đó những hình ảnh tưởng tượng trong não bộ được liên kết với một loạt những địa điểm mà nhờ đó ký ức có thể được khơi gợi lại. Chẳng hạn, bạn tưởng tượng mình đang ở trong một không gian quen thuộc như nhà mình và sau đó bạn liên hệ những điểm nổi bật của không gian đó, như một chiếc ghế dựa, với một hình ảnh về điều mà bạn muốn ghi nhớ. (Khi bạn nghĩ về chiếc ghế dựa, bạn có thể tưởng tượng một bậc thầy yoga đang ngồi đó, để nhắc mình nhớ lại về những bài tập yoga.) Những điểm đặc trưng trong ngôi nhà của bạn có thể được liên hệ với vô số những ám hiệu hình ảnh phục vụ quá trình khôi phục ký ức sau này, khi đó bạn chỉ cần tưởng tượng một cách đơn giản là mình đang bước xuyên qua căn nhà. (Phương pháp loci cũng được sử dụng để liên kết những ký hiệu với các đặc điểm bạn bắt gặp trên một hành trình xa lạ, như khi bạn đi bộ đến một cửa hiệu trong góc phố.)

Khi chúng tôi viết tài liệu này thì một nhóm sinh viên tại Oxford, nước Anh đang xây dựng những cung điện ký ức để chuẩn bị cho kỳ thi triết học trình độ A. Trong sáu tuần liên tiếp, tuần nào cũng vậy, những sinh viên này và giáo viên hướng dẫn của họ cùng đến một quán cà phê khác nhau trong thị trấn, nơi họ thư giãn bên tách cà phê, tự làm quen với kiến trúc của quán và thảo luận xem làm thế nào họ có thể hình dung ra nó chật kín với những nhân vật sống động, những người sẽ gợi ý cho họ nhớ tới những phương diện triết học họ phải viết trong kỳ thi sắp tới.

Chúng ta sẽ quay trở lại với những sinh viên này, nhưng trước hết hãy cùng điểm qua một vài lưu ý về phương pháp trên. Đó là một kỹ thuật mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc, dựa trên cách thức chúng ta tái hiện lại trí nhớ một cách sống động và thiết lập những liên kết tới các ký ức đó nhờ quá trình tưởng tượng. Con người dễ ghi nhớ hình ảnh hơn từ ngữ. (Chẳng hạn hình ảnh một con voi thì dễ nhớ hơn từ “con voi”). Do đó rõ ràng là phương pháp liên hệ những hình dung sống động trong tư duy với những tài liệu trừu tượng khiến người học dễ dàng ghi nhớ hay khôi phục lại kiến thức hơn. Một hình dung rõ ràng sắc nét trong tư tưởng có thể mang tới hiệu quả chắc chắn và dồi dào như một dây câu nặng cá. Giật mạnh dây câu và công sức một ngày hiện lên trên mặt nước. Khi được nhắc nhở bởi một người bạn về cuộc trò chuyện với một người mà cả hai đã gặp trong một chuyến đi, bạn cố gắng nhớ lại nó. Cô ấy kể lại cho bạn về nơi diễn ra cuộc thảo luận, và bạn hình dung lại khung cảnh đó. Vâng, ký ức lại bắt đầu tràn về. Những hình ảnh đó đã khơi gợi lại trí nhớ của bạn.

Mark Twain đã viết về những trải nghiệm cá nhân của mình về hiện tượng này trong một bài báo xuất bản bởi tạp chí Harper’s. Trong những bài diễn thuyết trong các chuyến đi của mình, Twain đã sử dụng một danh sách những câu nói yêu thích để tự nhắc nhở mình về những phương diện khác nhau trong các bài phê bình, nhưng ông nhận thấy mình không thỏa mãn với phương pháp này – khi bạn nhìn vào từng trích đoạn của toàn bộ văn bản, tất cả đều giống hệt nhau. Ông đã thử nghiệm các phương pháp thay thế, và cuối cùng ông nảy ra một ý tưởng: vạch ra những nét chính trong bài diễn thuyết của mình bằng một loạt nét phác bút chì. Phương pháp này đã tỏ ra hiệu quả. Một đống cỏ khô với một con rắn ẩn mình trong đó cho ông biết về xuất phát điểm của câu chuyện liên quan đến chuyến phiêu lưu của ông tới thung lũng Nevada’s Carson. Một chiếc ô nghiêng ngả vì cơn gió dữ mang ông tới phần tiếp theo của câu chuyện, ngày nào cũng vậy, cứ hai giờ chiều là những cơn gió hung hăng lại làm rung chuyển cả Sierras. Và cứ thế. Khả năng khơi dậy ký ức của những bức họa phác thảo này đã thực sự khiến Twain ấn tượng, một ngày kia chính nó đã mang lại cho ông một ý tưởng để giúp các con mình khi chúng đang phải chật vật ghi nhớ về những vị vua và nữ hoàng đã trị vì nước Anh cho dù bảo mẫu của chúng có dành hàng giờ để nhắc đi nhắc lại những cái tên và năm tháng vào đầu chúng. Twain chợt nhận ra có lẽ mình nên thử dùng hình ảnh để biểu thị những triều đại nối tiếp nhau.

Khi đó chúng tôi đang ở trong trang trại. Những mảnh vườn thoải dần từ phía hiên nhà xuống dãy hàng rào thấp, rồi lại hướng sang mảnh sân cao bên phải nơi có căn phòng làm việc nhỏ bé của tôi. Một con đường nhỏ uốn lượn quanh co xuyên qua những mảnh vườn và hướng lên đồi. Tôi sử dụng những cái tên trong hoàng tộc Anh để khoanh vùng trang trại của mình, mở đầu với [William] Kẻ Xâm Lược và bạn có thể đứng trên hiên nhà và nhìn rõ từng triều đại với thời kỳ thống trị của nó, từ khoảng thời gian nước Anh bị xâm lược cho đến triều đại của Victoria kéo dài trong 46 năm – 817 năm lịch sử nước Anh ngay lập tức hiển hiện trước mắt bạn!

Tôi đo được con đường dài 817 bộ (khoảng 250m), mỗi bộ đại diện cho một năm, và tại điểm mở đầu cũng như kết thúc của mỗi triều đại tôi đều trồng một cây thông trắng cao ba bộ trên bãi đất ven đường để viết những cái tên và ngày tháng lên đó.

Twain và lũ trẻ vẽ phác những biểu tượng cho từng vị quân chủ: một con cá voi (Whale) cho Kẻ Xâm Lược William, vì cả hai cái tên đều bắt đầu bằng chữ cái W và vì “cá voi là loài động vật lớn nhất có thể bơi, cũng như William là nhân vật nổi bật nhất trong lịch sử nước Anh”, một con gà để gợi nhớ tới Henry I, v.v…

Con đường lịch sử đã mang lại cho chúng tôi rất nhiều niềm vui và cả những bài học nữa. Chúng tôi thả bộ trên đường từ mốc Kẻ Xâm Lược đến bài học, lũ trẻ gọi ra những cái tên, ngày tháng và thời gian trị vì của mỗi triều đại khi chúng tôi đi qua từng cột mốc… Tôi khuyến khích các con ngừng xác định vị trí các đồ vật bằng các cụm từ “ở trên cây”, hay “trong cây sồi [bụi cây nhỏ],” hay “phía trên những bậc đá”, thay vào đó chúng nói rằng những vật đó đang ở thời đại Stephen, hay trong Chính phủ Cộng Hòa, hay triều đại George III. Chúng nhanh chóng biến điều này thành thói quen mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Tôi vui vẻ bố trí và sắp đặt một con đường dài chính xác đến như vậy vì tôi có thói quen để sách vở và báo chí ngổn ngang khắp nơi, mà trước đó tôi đã từng không thể gọi tên chính xác một địa điểm, và vì thế tôi buộc phải tự đi lấy chúng để tiết kiệm thời gian khi lũ trẻ không thể lấy chúng giúp tôi; nhưng giờ đây tôi có thể đọc tên triều đại – nơi mà tôi đã để sách báo lại và nói với lũ trẻ.

Những nguyên tắc gieo vần cũng có vai trò như một thuật nhớ. Phương pháp móc treo là một nguyên tắc gieo vần để ghi nhớ các danh sách. Mỗi chữ số từ 1 đến 20 được bắt cặp với một hình ảnh cụ thể: số 1 là búi tóc nhỏ (one-bun), số 2 là chiếc giầy (two-shoe), số 3 là cái cây (three-tree), số 4 là cửa hàng (four-store), số 5 là tổ ong (five-hive), số 6 là trò ảo thuật (six-tricks), số 7 là thiên đường (seven-heaven), số 8 là cái cổng (eight-gate), số 9 là sợi dây bện (nine-twine), số 10 là cái bút (ten-pen). (Sau số 10 bạn thêm penny-one vào và bắt đầu lại với cụm từ gợi ý gồm ba âm tiết: số 11 là penny-one, setting sun (mặt trời lặn); số 12 là penny-two, airplane glue (keo dán phi cơ); số 13 là penny-three, bumble bee (ong nghệ); và cứ thế đến 20.) Bạn sử dụng những hình ảnh cụ thể có cùng vần điệu như những “cái móc” để treo các đồ vật mà bạn muốn nhớ, ví dụ như những công việc bạn muốn thực hiện hôm nay. Bạn có đang có 20 hình ảnh, luôn sẵn sàng bất cứ khi nào bạn cần sự hỗ trợ để nhớ lại một danh sách các đồ vật. Do đó khi bạn đang làm những việc lặt vặt: búi tóc nhỏ (bun) làm bạn liên tưởng đến một kiểu tóc và nhắc bạn mua một cái mũ trượt tuyết; chiếc giầy (shoe) nhắc bạn nhớ phải ăn mặc chỉn chu và lấy quần áo giặt khô; cái cây (tree) gợi bạn nhớ tới cây gia phả, ngầm ý về tấm thiệp sinh nhật cho em họ của bạn. Những hình ảnh được gieo theo vần điệu không thay đổi, trong khi mỗi một liên hệ chúng mang tới đều thay đổi tùy theo mỗi lần bạn cần ghi nhớ một danh sách mới.

Một bài hát bạn biết rõ có thể cung cấp cho bạn một thuật nhớ, liên tưởng lời bài hát trong từng đoạn nhạc với một hình ảnh giúp bạn khơi gợi lại một ký ức mong muốn. Theo nhà nhân loại học Jack Weatherford, sử gia lỗi lạc về Genghis Khan cùng đế chế Mông Cổ, có vẻ những vần thơ và bài hát truyền thống đã được sử dụng như những thuật nhớ, mà nhờ đó những thông điệp được truyền tải một cách chính xác bất chấp khoảng cách xa xôi, từ một đầu đế chế ở Trung Quốc đến đầu kia ở châu Âu. Quân đội không được phép truyền thư viết tay và cách thức liên lạc của họ vẫn còn là một bí ẩn, nhưng Weatherford cho rằng có thể những thuật nhớ là một phương pháp để thực hiện điều đó. Ông lưu ý đến bài hát vẫn được biết đến là Long Song của người Mông Cổ như một ví dụ. Bài hát này mô tả chuyển động của một con ngựa và có thể được cất lên ở rất nhiều những âm vực cũng như âm rung khác nhau, nhờ đó người ta có thể liên lạc với nhau trong suốt hành trình di chuyển qua những địa điểm cụ thể, như khi băng qua một thảo nguyên hay vùng đồi núi thấp.

Sự linh hoạt của thuật nhớ gần như là vô tận. Nói chung những gì chúng có thể lưu giữ là một loại cấu trúc – một dãy số, hành trình du lịch, sơ đồ các tầng, bài hát, câu thơ, cách ngôn, các từ viết tắt – đó là những kết cấu vô cùng quen thuộc cũng như chúng ta có thể dễ dàng liên kết những yếu tố cấu tạo nên chúng với những thông tin đích cần được ghi nhớ.

Chúng ta quay trở lại với các sinh viên đang chuẩn bị cho kỳ thi môn tâm lý học trình độ A. Trong một lớp học ở trường Cao đẳng Bellerbys tại Oxford, một cô gái tóc đen 18 tuổi mà chúng tôi vẫn gọi là Marlys đang làm bài kiểm tra môn tâm lý học trình độ A2. Cô sẽ phải viết năm bài luận để vượt qua kỳ thi bao gồm hai bài kiểm tra kéo dài tổng cộng ba tiếng rưỡi. Những khóa học trình độ A ở Anh tương đương với chương trình nâng cao ở Mỹ, và là điều kiện tiên quyết để vào đại học.

Marlys đang chịu rất nhiều áp lực vì điểm số từ các bài kiểm tra cô có sẽ quyết định liệu trường đại học cô sẽ vào có khác với lựa chọn của cô hay không – cô đã nộp đơn đăng ký vào trường Kinh tế London. Để chắc chắn có chỗ trong một trường đại học hàng đầu ở Anh, các sinh viên phải đạt được trình độ A trong ba môn học và tất cả điểm số của họ đều phải được công bố trước tại các trường đại học. Không có gì là lạ khi họ bắt buộc phải đạt điểm A ở mọi môn học. Nếu họ đạt điểm thấp hơn so với yêu cầu, họ sẽ phải cạnh tranh trong một quy trình chọn lọc khó khăn mà thông qua đó các trường đại học sẽ tìm được người lấp đầy những chỗ trống còn lại, nó chẳng khác gì một trò may rủi.

Nếu từng ấy áp lực còn chưa đủ căng thẳng thì phạm vi kiến thức mà Marlys phải chuẩn bị để thể hiện hiểu biết của mình trong một tiếng rưỡi sắp tới là gần như không có giới hạn. Cô và các bạn học đã nghiên cứu sáu đề tài của năm thứ hai để chuẩn bị cho kỳ thi trình độ A: hành vi ăn uống, hành vi hung hăng, các mối quan hệ, bệnh tâm thần phân liệt, các hội chứng tâm lý dị thường và các phương pháp nghiên cứu tâm lý. Đối với năm đề tài đầu tiên, cô phải chuẩn bị viết các bài luận về bảy vấn đề khác nhau thuộc mỗi đề tài. Mỗi bài luận phải minh họa câu trả lời trong mười hai đoạn văn ngắn, chẳng hạn mỗi đoạn văn phải mô tả được một giả thiết hay điều kiện, nghiên cứu hiện có và ý nghĩa của nó, những ý kiến trái chiều, mọi liệu pháp sinh học có thể có (ví dụ như đối với bệnh tâm thần phân liệt), và làm cách nào để liên hệ những điều kể trên với những khái niệm nền tảng trong bộ môn tâm lý học mà cô đã nắm bắt được trong năm đầu tiên của khóa học trình độ A. Vậy cô đang đối mặt với: năm đề tài lớn, bảy câu hỏi yêu cầu viết luận cho mỗi đề tài, với một tá những đoạn văn lập luận súc tích trong mỗi bài luận để có thể chứng tỏ hiểu biết của mình về môn học. Nói theo một cách khác, để có thể bước vào kỳ thi, cô phải nắm vững tổng cộng 35 bài luận khác nhau – cộng với một loạt những câu trả lời ngắn cho các vấn đề về phương pháp nghiên cứu bộ môn tâm lý học. Marlys biết đề tài chính nào sẽ được sử dụng làm đối tượng của bài kiểm tra hôm nay, nhưng cô không biết câu hỏi nào sẽ được đưa ra, bởi vậy cô phải chuẩn bị để có thể viết được tất cả.

Khi bước vào kỳ thi, nhiều sinh viên gần như “đóng băng”. Mặc dù đã được chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt kiến thức, nỗi lo sợ trước việc đánh cược tất cả vào một kỳ thi có thể khiến đầu óc họ trống rỗng vào đúng thời khắc họ đối mặt với tờ điền đáp án bài thi và tiếng tích tắc từ chiếc đồng hồ của giám thị. Đó là lúc việc dành thời gian để xây dựng một cung điện ký ức tỏ ra vô cùng quý giá. Điều quan trọng không phải là bạn nhận thức được tính phức tạp của những kỳ thi trình độ A của Anh, mà sự thật là chúng rất khó khăn và có tính logic cao. Đó cũng là nguyên nhân vì sao các thuật nhớ lại trở thành công cụ được chào đón vào thời điểm diễn ra các kỳ thi.

Hóa ra ba đề tài chính của các bài thi hôm nay lại là lý giải theo thuyết tiến hóa về sự hung hãn của con người, những liệu pháp tâm lý và sinh lý để điều trị chứng tâm thần phân liệt, cuối cùng là thành công và thất bại của chế độ ăn kiêng. Tốt thôi. Đối với đề tài về sự hung hăng, Marlys đã có hình ảnh đàn chó đói trên cửa sổ của cửa hiệu Krispy Kreme ở phố Castle. Đối với chứng tâm thần phân liệt, cô lại có hình ảnh người pha chế nghiện cà phê ở quán Starbucks trên phố High. Về chế độ ăn kiêng, đó là cái cây cực kỳ to lớn và xum xuê được trồng trong chậu bên trong quán cà phê Pret-a-Manger trên phố Cornmarket.

Tuyệt vời. Cô yên vị trên ghế, chắc chắn về kiến thức và khả năng nhớ lại chúng của mình. Cô giải quyết bài luận về chế độ ăn kiêng đầu tiên. Preta-Manger là cung điện ký ức của Marlys, là nơi cô bảo quản an toàn những kiến thức đã học về sự thành công và thất bại của chế độ ăn kiêng. Nhờ một chuyến viếng thăm trước đó mà cô đã trở nên quen thuộc với không gian và cách bài trí ở đây, và cô đã lấp đầy không gian đó bằng những nhân vật vô cùng thân thuộc và hiển hiện rõ nét trong trí tưởng tượng của cô. Giờ đây tên tuổi và hành vi của những nhân vật này đóng vai trò như những gợi ý khơi lại 12 ý chính trong bài luận của cô.

Cô hình dung mình đang bước vào cửa hàng. La Fern (loài cây ăn thịt người trong Little Shop of Horrors (tạm dịch: Nỗi kinh hoàng trong cửa hàng nhỏ), một trong những bộ phim ưa thích của cô đang bắt giữ người bạn Herman của Marly, những dây leo của nó thắt chặt quanh người anh, ngăn anh khỏi một đĩa lớn đựng đầy món Mac and Cheese (món nui trộn phô mai) đang ở quá xa tầm với của anh. Marly mở quyển vở ghi đáp án bài thi và bắt đầu viết. “Phương pháp kiềm chế của Herman và Mack đề xuất rằng cố gắng không ăn quá nhiều thực chất có thể làm gia tăng khả năng ăn uống vô độ. Đối với những người ăn kiêng bị kiềm chế, chính cách giải tỏa ức chế (sự mất kiểm soát) này là nguyên nhân khiến họ ăn uống vô độ…”

Theo cách này Marlys tiến hành bài luận của mình trong lúc đi xuyên qua quán cà phê. Herman vùng lên với sức mạnh phi thường giải phóng mình khỏi sự kiềm chế và tiến thẳng tới (makes a beeline) cái đĩa và gần như liên tục nhồi nhét món mỳ. “Phương pháp kiềm chế nhận được sự ủng hộ bởi các nghiên cứu của Wardle và Beale. Những công trình khoa học này đã phát hiện ra rằng những phụ nữ béo phì thường xuyên kiềm chế bản thân khỏi việc ăn uống thực chất lại ăn [nhồi nhét món mỳ Ý] nhiều hơn những người phụ nữ béo phì nhưng chăm tập thể dục và những người không thay đổi chế độ ăn hay lối sống. Tuy nhiên, Ogden đưa ra lập luận rằng…” v.v… Tư duy của Marlys di chuyển xuyên qua quán cà phê theo chiều kim đồng hồ, bắt gặp những ám hiệu của cô về mô hình ranh giới giữa cảm giác đói và no, những định kiến nảy sinh từ các khuynh hướng xã hội đối với bệnh béo phì, các vấn đề về thông tin chế độ ăn kiêng dựa trên những bằng chứng xác thực, những đặc trưng chuyển hóa có liên quan tới sự tiết enzim lipoprotein lipaza ở mức độ cao (little pink lemons) và phần còn lại.

Từ Pret-a-Manger cô đi đến cửa hiệu Krispy Kreme, nơi một mạch tư duy khác đi xuyên qua những không gian nội thất chứa đầy hình ảnh gợi cô nhớ lại kiến thức đã học về những lý giải theo thuyết tiến hóa về sự hung hãn của con người. Sau đó cô tiếp tục chuyển sang Starbucks, nơi có người pha chế cà phê đầy đam mê, sơ đồ thiết kế cửa hàng cùng những người khách gợi nhắc cô về 12 đoạn văn liên quan đến những phương pháp sinh lý điều trị chứng tâm thần phân liệt.

Giáo viên tâm lý học của Marlys tại trường Cao đẳng Bellerbys không ai khác chính là James Paterson, người đàn ông xứ Wales với ngoại hình của một thiếu niên, một nhân vật mới nổi nhờ những cuộc thi trí nhớ tầm cỡ thế giới. Khi các giáo viên trường Bellerbys hoàn tất các thủ tục hành chính để đưa sinh viên đi khảo sát thực tế, đó thường là tham gia một bài thuyết trình tại trường Kinh doanh Said, hay một chuyến đi tới Bảo tàng Ashmolean hay Thư viện Bodleian ở Oxford. Nhưng James không làm như vậy. Anh đưa sinh viên đến bất kỳ nơi nào trong số nửa tá quán cà phê trong thị trấn, những môi trường thoải mái, nơi họ có thể chìm sâu vào trí tưởng tượng của mình và xây dựng những sơ đồ thuật nhớ. Để có thể ghi nhớ chắc chắn tất cả 35 bài luận, các sinh viên chia các đề tài theo nhóm. Đối với một nhóm đề tài, họ thiết kế những cung điện ký ức trong các tiệm cà phê và những địa điểm quen thuộc quanh ký túc xá Bellerbys. Đối với một nhóm khác, họ sử dụng phương pháp cái móc. Và một nhóm nữa được họ liên kết với những hình ảnh tưởng tượng trong các bài hát và bộ phim yêu thích.

Một trong số những sinh viên cũ của Paterson đã tốt nghiệp trường Bellebys và tiếp tục sử dụng kỹ thuật này tại trường đại học là Michela Seong-Hyun Kim. Cô đã tường thuật lại cho chúng tôi về quá trình cô chuẩn bị cho kỳ thi tuyển đại học chuyên ngành Tâm lý học. Đầu tiên, cô tập hợp tất cả kiến thức từ trong các trang thuyết trình bài giảng, tài liệu đọc thêm bên ngoài và những ghi chú của mình. Cô thu gọn lượng kiến thức này vào các ý chính – chứ không phải cả câu. Những ý chính này hình thành nên dàn ý cho các bài luận của cô. Tiếp đó cô lựa chọn các địa điểm được sử dụng cho cung điện ký ức của mình. Cô gắn mỗi ý chính với một vị trí trong cung điện ký ức, nơi cô có thể hình dung ra trong trí tưởng tượng của mình. Sau đó cô liên hệ mỗi vị trí với điều gì đó điên rồ có thể gợi cô nhớ tới một trong số những ý chính. Khi cô ngồi trong phòng thi và phát hiện ra đề tài bài luận, cô mất mười phút để thả trí tưởng tượng của mình đi xuyên qua những cung điện ký ức có liên quan và liệt kê ra những ý chính cho mỗi bài luận. Nếu cô bỏ sót một vấn đề, cô sẽ chuyển sang vấn đề tiếp theo và bổ sung vào chỗ trống sau. Khi dàn ý đã được phác thảo xong xuôi, cô bắt đầu vào việc mà không hề lo lắng rằng cô sẽ không nhớ đủ những gì cô đã học vì áp lực phải hoàn thành chính xác mọi thứ. Những gì cô đang làm không khác mấy so với những gì Mark Twain đã làm khi ông sử dụng những bức vẽ phác để nhớ lại những bài diễn thuyết của mình.

Michela chia sẻ rằng trước khi cô học được cách sử dụng các thuật nhớ, cô hoàn toàn xa lạ với ý tưởng mình có thể bỏ qua một gạch đầu dòng mà vì không thể nhớ nổi và mà vẫn có thể bổ sung nó sau đó. Nhưng kỹ thuật này đã cho cô sự tự tin để làm điều đó, vì cô biết rằng sau đó chút thôi nội dung bị bỏ sót đó sẽ hiện ra trong trí óc cô. Cung điện ký ức không chỉ thực hiện chức năng của một công cụ học tập mà còn là một phương pháp sắp xếp tổ chức các kiến thức đã học, nhờ đó những kiến thức này luôn có thể được khôi phục lại trong một bài luận. Đây là vấn đề mấu chốt giúp phương pháp này vượt qua những chỉ trích điển hình rằng các thuật nhớ chỉ hữu dụng khi cần học vẹt. Ngược lại, khi được ứng dụng một cách thích hợp, thuật nhớ có thể hỗ trợ quá trình tổ chức một khối lượng kiến thức lớn, cho phép bạn luôn ở trong trạng thái sẵn sàng khôi phục lại chúng. Michela tự tin rằng cô có thể lấy ra mọi tri thức cô đã có khi cô cần tới chúng, “điều này là một quả bom tiêu diệt áp lực cũng như một công cụ tiết kiệm thời gian hữu hiệu”, James nói.

Khi lần đầu tiên tham gia giải Vô địch Trí nhớ đẳng cấp thế giới vào năm 2006, Paterson đã xuất sắc hoàn thành bài thi với vị trí thứ mười hai, chỉ chút nữa thôi là anh có thể đánh bại Joshua Foer đến từ Mỹ. Người này sau đó đã xuất bản một cuốn sách có tên Moonwalking with Einstein (Phiêu bước cùng Einstein) để tường thuật lại những kinh nghiệm của anh ta với các thuật nhớ. Peterson chỉ cần không tới hai phút để ghi nhớ một chuỗi quân bài đã được chia trong một cỗ bài bị xáo trộn, đưa cho bạn cỗ bài, và sau đó đọc lại cho bạn tên các quân bài với đôi mắt nhắm chặt. Với một giờ đồng hồ, anh sẽ học thuộc mười hay mười hai cỗ bài và thuật lại chúng không hề sai sót. Mười nhà vô địch thuộc top đầu có thể ghi nhớ một cỗ bài trong 30 giây hay ít hơn và gần 25 cỗ bài trong vòng một giờ. Vì thế Paterson vẫn còn một quãng đường phải trải qua, nhưng anh là một thí sinh mạnh mẽ và đầy tâm huyết, luôn trau dồi các kỹ năng và củng cố những công cụ ghi nhớ. Chẳng hạn, theo phương pháp móc treo, mỗi chữ số trong dãy số từ 1 đến 10 được ghi nhớ cùng một hình ảnh (số 1 là con thỏ (one-bun), số 2 là chiếc giầy (two-shoe), v.v…). Do đó để có thể ghi nhớ những dãy số dài hơn, Paterson đã theo đuổi việc ghi nhớ một hình ảnh duy nhất cho mỗi số từ 0 đến 1.000. Kỳ công này cần hàng giờ luyện tập cùng sự tập trung cao độ – Anders Ericsson đã đề cập với chúng ta về quá trình đấu tranh đơn độc này như một điều bắt buộc trong hành trình đạt tới sự thông thái. Paterson mất một năm để khóa chặt hàng ngàn hình ảnh trong ký ức và ghi nhớ chúng một cách nhuần nhuyễn, trong lúc vẫn thích ứng với những yêu cầu khác của gia đình, công việc và bạn bè.

Chúng tôi gặp Paterson trong văn phòng của anh tại trường học và ướm hỏi liệu anh có phiền không khi cho chúng tôi một ví dụ minh họa nhanh về khả năng ghi nhớ. Ngay lập tức anh đồng ý. Trong lần đầu tiên, chúng tôi đọc lên một dãy số bất kỳ 615392611333517. Paterson chăm chú lắng nghe rồi nói: “Được thôi. Chúng ta sẽ sử dụng không gian này.” Anh nhìn một lượt những đồ vật xung quanh. “Tôi nhận thấy máy làm lạnh nước uống ở đây có thể trở thành tàu con thoi (space shuttle), nó cất cánh giống như một tàu điện ngầm (underground train) được phóng lên (shoot out) từ đáy của chiếc bình làm lạnh nước uống. Trong những giá sách đằng sau chiếc máy làm lạnh nước uống, tôi nhìn thấy ca sĩ đọc rapEminem đang đấu súng với Leslie Nielsen, diễn viên bộ phim Naked Gun (Họng súng vô hình), trong khi đó Trung úy Columbo (Lieutenant Columbo) đang khinh khỉnh nhìn họ.”

Những hình ảnh đó có ý nghĩa gì? Anh ghi nhớ những con số theo từng nhóm ba chữ số. Mỗi số gồm ba chữ số lại gắn với một hình ảnh cụ thể. Ví dụ, con số 615 luôn là tàu con thoi, 392 luôn là ga tàu điện ngầm Embankment ở Luân Đôn, 611 là Leslie Nelsen, 333 là Eminem, và 517 là Trung úy Columbo. Để hiểu những hình ảnh này, bạn cần biết một điều khác, những thuật nhớ làm cơ sở cho chúng: đối với mỗi chữ số từ 0 đến 9, James liên hệ chúng với một âm. Chữ số 6 (six) phát âm nghe giống Sheh hayJeh, chữ số 1 (one) luôn giống với Tuh hay Duh, và số 5 (five) là âm L. Vậy, hình ảnh tượng trưng cho số 615 là Sheh Tuh L hay shuttle. Quả thực mọi số có ba chữ số từ 000 đến 999 đều tồn tại trong trí óc của Paterson với một hình ảnh độc nhất vô nhị, hình ảnh này là hiện thân cho cách phát âm của các chữ số. Chẳng hạn, trong bài kiểm tra ngẫu hứng của chúng tôi, ngoài hình ảnh tàu con thoi, anh còn sử dụng một số hình ảnh dưới đây:

392

3 = m, 9 = b, 2 = n

Embankment

611

6 = sh, 1 = t, 1 = t

Shootout

333

3 = m, 3 = m, 3 = m

Eminem

517

5 = 1, 1 = t, 7 = c

Lt Columbo

Trong phần thi về các con số của Cuộc thi Trí nhớ siêu phàm, những số này được xướng to lên cho các thí sinh với tốc độ mỗi giây một số. Paterson có thể ghi nhớ và thuật lại chính xác 74 số, và nhờ nỗ lực luyện tập không ngừng, anh đang nâng dần con số đó lên. (“Vợ tôi tự gọi mình là bà góa của trí nhớ.”) Không có thuật nhớ, hầu hết mọi người chỉ có thể lưu giữ được tối đa bảy con số trong bộ nhớ làm việc của mình. Đó là lý do tại sao các số điện thoại địa phương (ở Mỹ) được thiết kế không dài hơn bảy chữ số. Tiện đây, vào thời điểm chúng tôi tiến hành viết cuốn sách này thì kỷ lục thế giới về đọc lại các chữ số – điều các nhà tâm lý học vẫn gọi là khoảng thời gian nhớ – là 364 chữ số (Johannes Mallow đến từ Đức giữ kỷ lục này).

James nhanh chóng thừa nhận rằng ban đầu anh bị lôi cuốn bởi những thuật nhớ vì anh nhận thấy chúng là lối tắt cho hành trình học tập của mình. “Đó không phải là một động cơ hay ho cho lắm,” anh thừa nhận. Anh tự rèn luyện những phương pháp này và trở nên lười biếng hơn một chút, anh bước vào phòng thi và biết rằng mình đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả tên tuổi, ngày tháng và những sự kiện liên quan.

Anh đã phát hiện ra điều mà anh không có là khả năng nắm vững những khái niệm, mối tương quan và các nguyên lý cơ bản. Anh chỉ có những đỉnh núi mà không hề có rặng núi, thung lũng, sông ngòi hay thảm thực vật, những gì làm nên bức tranh đầy đủ. Kiến thức đích thực được cấu tạo từ những điều đó.

Đôi khi mọi người đánh giá thấp thuật nhớ khi coi chúng là những trò chơi hay mánh khóe để ghi nhớ và về cơ bản nó không phải là công cụ để trau dồi tri thức. Điều đó chỉ chính xác một phần. Thuật nhớ chỉ có giá trị trong việc nâng cao khả năng tư duy khi bạn đã nhận thức thấu đáo tài liệu mới, giống như cách những sinh viên trường Bellerbys đang sử dụng các thuật nhớ như chiếc túi cầm tay thuận tiện để sắp xếp mọi điều họ đã học được và liên hệ những tư tưởng chủ đạo trong mỗi chiếc túi với những ám hiệu khơi gợi trí nhớ sống động mà nhờ đó, khi cần thiết, họ có thể nhớ lại chúng một cách dễ dàng cũng như khôi phục lại những khái niệm và chi tiết có liên quan ở một mức độ sâu hơn.

Khi phi công Matt Brown mô tả những giờ ông ngồi trong buồng lái mô phỏng để luyện tập cách phối hợp những thao tác khác nhau tùy theo yêu cầu của những trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra, ông thực hiện lại những động tác mà ông đã ghi nhớ cho những tình huống ngẫu nhiên liên tiếp một cách dứt khoát, những vũ đạo của tay và mắt, ở đó trình tự chính xác và hoàn hảo của các thiết bị và công tắc được đặt lên hàng đầu. Mỗi một vũ đạo khác nhau là một thuật nhớ áp dụng cho một thao tác chuẩn xác.

Karen Kim là một nhạc công chơi vĩ cầm điêu luyện. Cô chơi vĩ cầm ở vị trí thứ hai trong nhóm tứ tấu chuyên về nhạc cụ dây nổi tiếng thế giới Parker. Nhóm chủ yếu chơi nhạc bằng cách ghi nhớ tiết tấu bản nhạc, một điều hiếm thấy trong lĩnh vực nhạc cổ điển. Chức năng chủ yếu của tay vĩ cầm thứ hai là đệm đàn, và hòa âm của cả dàn nhạc là phần chính cần ghi nhớ. “Bạn hát nhẩm giai điệu trong đầu,” Kim nói, “và bạn biết mình cần thay đổi giai điệu khi chơi đến phần nào trong bản nhạc.” Ghi nhớ một số loại hòa âm, như fuga là một thử thách lớn, nhóm nhạc phải lần lượt chơi tới bốn giai điệu theo những cách vô cùng rắc rối. “Bạn cần biết rằng bạn đang chơi giai điệu đầu tiên trong khi tôi đang chơi giai điệu thứ hai. Rất khó để học thuộc những bản nhạc fuga. Tôi cần biết rõ hơn về cả phần nhạc mà những người khác sẽ chơi. Sau đó tôi bắt đầu nhận ra những phần nhạc mà tôi đã từng nghe trong đầu trước đây, nhưng tôi chưa từng nghe chúng trong thực tế bên ngoài. Ghi nhớ những bản hòa âm là phần chính trong quá trình bạn nhận thức kết cấu hay sơ đồ của một bản nhạc.” Khi nhóm tứ tấu biểu diễn thuần thục một bản nhạc, họ dành rất nhiều thời gian luyện các bản nhạc một cách chậm rãi mà không có tờ nhạc và dần dần đẩy nhanh tốc độ chơi nhạc. Thử nghĩ về trường hợp của Vince Dooley. Ông dần cân đối các vị trí khác nhau trong đội bóng Georgia Bulldogs để họ có thể điều chỉnh lối chơi của mình và chấp nhận thách đấu với một đối thủ mới vào tối thứ Bảy. Hay trường hợp của bác sĩ phẫu thuật thần kinh Mike Ebersold khi ông kiểm tra thể trạng một bệnh nhân tại phòng cấp cứu. Người này là nạn nhân của một vụ bắn súng. Ông diễn tập lại một cách cẩn thận những gì có thể ông sẽ làm khi đối mặt với ca phẫu thuật não mà ông chuẩn bị tiến hành.

Nhìn nhận những thao tác chuyển động cơ thể như một loại vũ đạo, hình dung ra một giai điệu phức hợp đang được luân chuyển như một quả bóng được chuyền từ chân cầu thủ này sang cầu thủ khác: tất cả điều đó là những dấu hiệu hỗ trợ giúp cho quá trình ghi nhớ và thực hiện được dễ dàng hơn.

Những kiến thức phức tạp sau nhiều lần được khôi phục có thể trở thành bản năng thứ hai của con người và khi đó những dấu hiệu của thuật nhớ không còn cần thiết nữa: bạn thống nhất những khái niệm như ba định luật bảo toàn chuyển động của Newton vào những mô hình tư duy và sử dụng chúng như một dạng tốc ký. Qua quá trình sử dụng lặp đi lặp lại, não bộ của bạn mã hóa và “phân tách” các chuỗi hành vi vận động và nhận thức, khả năng nhớ lại và áp dụng chúng của bạn sẽ trở nên tự động như một thói quen.

Những điều cần ghi nhớ

Một chân lý đơn giản nhưng không kém phần sâu sắc được rút ra ở đây là quá trình học tập đòi hỏi nhiều nỗ lực làm biến đổi tư duy, thiết lập những mối liên hệ cũng như những năng lực mới. Thực tế những khả năng tư duy của chúng ta không được ấn định bất biến ngay từ lúc chúng ta mới ra đời mà chịu ảnh hưởng đáng kể từ sự định hướng của chính bản thân chúng ta. Sự thật không thể phủ định đó là câu trả lời có sức rung động mạnh mẽ cho giọng nói không ngớt vang lên trong đầu chúng ta: “Tại sao phải buồn bực?” Chúng ta nỗ lực vì chính sự nỗ lực đó mở rộng phạm vi năng lực của chúng ta. Hành động của chúng ta xác định con người chúng ta sẽ trở thành và khả năng chúng ta có thể làm. Chúng ta càng cố gắng thì năng lực của chúng ta càng được cải thiện. Luôn kiên định một tư duy cầu tiến chính là cách để chúng ta nắm bắt nguyên tắc này và từ đó gặt hái thành công trong cuộc đời.

Một thực tế đơn giản nữa là con đường tiến tới tầm hiểu biết cao siêu hay kỹ năng vượt trội không nhất thiết bắt nguồn từ những yếu tố di truyền đặc biệt. Nhưng có một điều gần như chắc chắn là thành quả đó đòi hỏi tính kỷ luật, sự bạo dạn và lòng kiên trì. Với những phẩm chất đó, bạn thực sự có thể trở thành chuyên gia nếu bạn muốn. Và trong mọi lĩnh vực hay khía cạnh nào bạn đang nỗ lực để thành công, dù đó chỉ là viết một bài thơ tặng người bạn thân nhân ngày sinh nhật, hiểu khái niệm điều kiện hóa cổ điển trong bộ môn triết học, hay chơi vĩ cầm ở vị trí thứ hai trong Bản giao hưởng thứ năm của Hayden thì những thuật nhớ được thực hiện một cách có ý thức cũng có thể giúp bạn tổ chức kiến thức và thiết lập những dấu hiệu gợi nhắc để những thành quả tiếp thu này có thể sẵn sàng được khôi phục. Quá trình này sẽ tiếp diễn cho đến tận khi những kiến thức này được mã hóa ở một tầng sâu hơn và trở thành tiềm thức của người học nhờ sự rèn luyện bền bỉ, liên tục, kỹ lưỡng cũng như ứng dụng lặp đi lặp lại nhiều lần. Đó chính là những đặc trưng làm nên màn trình diễn chuyên môn hoàn hảo.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.