Những Thành Tựu Lẫy Lừng Trong Tâm Lý Học Hiện Đại

Chương 2. SỰ MỆT MỎI VÀ SỰ SUY NHƯỢC



Sự mệt mỏi được xem như là một tín hiệu báo động, một đèn đỏ vậy. Trước tín hiệu này, bộ máy của con người phải thắng lại cho đến khi ngưng hẳn. Việc nghỉ ngơi và giấc ngủ là các nhu cầu rất tự nhiên. Và chúng trở nên cấp bách hơn khi hoạt động kéo dài. Giấc ngủ là thời gian phục hồi; các tế bào não loại bỏ các cặn bã độc hại được tích tụ trong lúc hoạt động. Vì lẽ đó, việc thiếu ngủ sẽ tạo ra sự ngộ độc thực thụ. Các tế bào não sẽ làm cạn kiệt các năng lượng dự trữ, tích tụ thêm các cặn độc hại. Trong giấc ngủ chúng sẽ tái tạo lại các dự trữ dinh dưỡng, là nguồn cung cấp năng lượng của chúng.

Vì thế, sự mệt mỏi là cách vận hành tự nhiên, cho phép con người chuẩn bị cho việc ngủ và như thế tránh sự ngộ độc của các tế bào não.

Vì vậy con người sau giấc ngủ phải cảm thấy hoàn toàn khỏe khoắn, như một cái máy đã được trùng tu. Và các tế bào thần kinh phải tìm lại được sinh lực của chúng. Con người khi thức dậy phải ở trong tình trạng khỏe khoắn, mỗi khi thức dậy phải yêu đời, lạc quan, ca hát để vui vẻ ăn mừng sự hiện diện của một ngày mới.

Tuy nhiên chúng ta hãy nhìn quanh chúng ta xem, và chúng ta sẽ không thấy được điều đó. Sự mệt mỏi là một trong các chứng suy nhược nghiêm trọng nhất hiện nay. Ngày chỉ mới bắt đầu thôi mà phần lớn người ta đã mang theo sự mệt mỏi rồi, dính vào họ như keo vậy. Và điệp khúc hiện đại là gì?

“… ngay mới sáng sớm, tôi đã cảm thấy mệt rồi… lúc sáng tôi rất dễ cáu giận… lúc sáng tôi đã cảm thấy bực bội đến mức tôi muốn gây gổ vì một chuyện không đâu… mới là buổi sáng mà tôi phải cố gắng hết sức mình để bắt đầu khởi động; và tình trạng đó sẽ qua đi vào khoảng mười một giờ… v.v…”

Đương nhiên là cái mệt đó không tự nhiên. Nhưng dù cho nó có bất thường đến cỡ nào đi nữa, nó vẫn đang ngự trị trong tình trạng lây nhiễm. Sự mệt mỏi đó đã trở thành một loại mất của cuộc sống mà ngay với một sự nghỉ ngơi dài lâu cũng không thể loại bỏ được.

Người ta biết rõ cuộc sống náo nhiệt hiện đại đôi khi phá hỏng nhịp điệu tự nhiên của chúng ta, nhưng có khi còn hơn thế nữa. Người ta đã “đạo đức hóa” sự mệt mỏi; và người ta gần như coi đó là một sự suy nhược cố tình và đáng khinh. Vả lại đây là một bảng tóm tắt không lấy gì vinh quang cho lắm của thời đại chúng ta.

Hãy quan sát kỹ bảng sơ đồ sau đây.

Thế cái bảng này muốn nói đến việc gì vậy?

Rằng con người có thể bị khinh bi chỉ vì anh ta mệt. Và thêm vào đó, một người có thể được thán phục và khen thưởng… chỉ vì anh ta kiệt sức! Có vô lý không? Chúng ta hãy xem xét cho kỹ hơn nữa.

 

 

 
 

 

Sự coi thường mệt mỏi.

Vì vậy, nhịp sống hiện đại được đặt trên nền tảng của lao động quá độ, sự tranh đua, tính khiêu khích, một ý chí căng thẳng tột độ. Người ta thường nghe “Ồ, tôi quá bực mình khi thấy anh ta bình tĩnh đến thế!” hoặc “à, sao anh ta… luôn lề mề như thế!” hay là “Tôi tức quá… anh ta làm như không có gân cốt vậy”. Sau đây là vài câu châm ngôn rất tai hại mà hiện giờ người ta thường nghe nói đến:

– Coi nào, hãy cố vượt qua cái mệt đó đi, đâu phải lúc tỏ ra mệt mỏi đâu.

– Mệt hả? Nhưng anh là đàn ông mà, đúng không vậy? Vì thế hãy cố lên nữa đi.

– Mệt rồi à!… Anh chỉ cần ráng thêm một chút nữa thôi!

– Tôi à, mệt hay không cũng vậy thôi, tôi cứ tiếp tục như thường!

– Mệt mỏi hả? Tôi không biết (muốn ám chỉ “… vì vậy tôi không thể hiểu những người tỏ ra mệt mỏi; tôi khinh bỉ họ, họ chỉ phải ráng lên thôi”)

– Anh cảm thấy mệt và sa sút tinh thần à? Quên nó đi và cố lên.

– Anh bị sa sút tinh thần à? Chuyện tưởng tượng. Cố thêm một chút nghị lực thử coi!

Trước một tràng trách móc ngu xuẩn đó, người mệt có thể làm gì khác được chứ?

Người đó sợ bị khinh bỉ. Anh ta sợ xấu hổ và cố đứng thẳng người lên. Và tiếp tục. Bất chấp mọi thứ khác. Dùng tất cả các loại kích thích có thể giúp anh ta “vượt qua” cơn mệt. Anh ta cố gắng hết lần này đến lần khác. Nhưng bởi vì người đó đã mệt nên sự cố gắng càng khó nhọc hơn nữa. Giống như thể anh ta phải gồng hết sức mình để mở cho được một cánh cửa… Và người mệt mỏi ngoan cố, kiên trì thêm và không mấy chốc dẫn đến cái được gọi là siêu–mệt rồi đến sự kiệt sức.

Chúng ta hãy trở về cái bảng trên và quan sát tình trạng của con người tự nhiên. Cái tình trạng tự nhiên này có thường xuyên không? Không! Nó chuyển dịch giữa hai thái cực. Nó như một cơn sóng nhẹ nhàng, nó đang đưa giữa cái có và cái không, giữa cái trũng và cái chóp. Một sự hoạt động tự nhiên sẽ như sau:

a) Anh ta làm việc không vội vả. Hành động chính là bản chất của con người, công việc đó có thể bằng chân tay, sức lực, trí tuệ v.v…

b) Cái hành động đó tạo ra một cảm giác: sự mệt mỏi tự nhiên mà đúng ra nó phải rất dễ chịu vì là tự nhiên.

c) Hành động giảm dần rồi ngưng hẳn. Con người nghỉ ngơi trong sự thư giãn hoàn toàn.

d) Anh ta lấy sức lại, rồi bắt đầu hành động trở lại.

Vì vậy con người bình thường phải hoạt động đều đặn, rồi nghỉ ngơi, và nghỉ ngơi rồi mới tiếp tục hoạt động trở lại. Với khoảng giữa nghỉ ngơi ấy được xem là cái tín hiệu coi trọng sự mệt mỏi.

Bây giờ chúng ta hãy quan sát con người được nói ở trên.

a) anh ta làm ẩu (vì đang mệt)

b) anh ta càng mệt nhiều hơn nữa

c) anh ta cố nén cái mệt dữ dội này và tiếp tục hành động.

d) để anh ta đến sự quá mệt

e) anh ta đè nén sự quá mệt để đón lấy sự kiệt sức.

CÁC HIỆU QUẢ TỨC THÌ CỦA SỰ KIỆT SỨC

Sự kiệt sức tạo ra hai phản ứng:

a) sự suy nhược

b) sự bồn chồn

Khi thì thế này lúc thì thế kia. Không có sự suy nhược nào mà không có sự bồn chồn, và cũng không có sự bồn chồn nào mà không do suy nhược. Vả lại đó là đặc tính của người kiệt sức. Anh ta dao động không ngừng giữa hai thái cực đó. Cái cơn sóng bình lặng của sự bất ổn tự nhiên đã biến thành một ngọn sóng kinh hoàng, không ngừng chạm đến các thái cực kia.

Vì vậy con người kiệt sức là bức biếm họa của một người mệt mỏi tự nhiên.

a) Cái trũng trở nên sâu hơn và biến thành sự suy nhược.

b) Cái chóp cường điệu các hiệu quả của nó và trở nên sự bồn chồn.

Với quy tắc sau:

– anh ta hành động.

– anh ta mệt

– anh ta nghỉ ngơi

– rồi anh ta hành động tiếp

lại biến thành:

– anh ta bồn chồn

– anh ta kiệt sức

– anh ta không còn nghỉ ngơi được nữa

– anh ta lại bồn chồn rồi bị suy nhược, v.v…

Và đây sẽ biến thành một phản ứng khủng khiếp có diễn biến không ngừng nghỉ. Bởi vì sự kiệt sức như một độc dược, một đằng nó tạo sự sững sờ (suy nhược) và đằng khác là sự khích động (bồn chồn).

Vì sao người suy kiệt bị khinh bỉ.

Trong tình trạng suy nhược, hành động bị hạn chế tối đa; người suy kiệt có những cử chỉ hết sức chậm rãi với một mục đích tiết kiệm năng lượng chủ yếu. Anh ta thường than vãn về chứng mất ngủ và mệt lử. Sự gầy người xuất hiện thường xuyên, các chức năng tiêu hóa bị xáo trộn. Các run rẩy do mệt nhọc có thể xuất hiện cùng với sự giảm thị lực, và các rối loạn về tim mạch v.v…

Sự suy nhược tự động sản sinh những khó khăn trong hành động chỉ vì không có khả năng hành động. Năng lực không còn đủ để đảm nhận các công việc tự nhiên nhất. Một công việc nhẹ nhàng nhất đối với người suy nhược cũng trở nên nặng nề như phải dời non lấp biển vậy.

Sẽ là tự nhiên khi người suy nhược phải lùi bước trước những tình huống đòi hỏi một hành động nào đó bởi vì hệ thống thần kinh anh ta không cho phép anh ta thực hiện hành động đó.

Như vậy toàn bộ việc này là một cách vận hành hoàn toàn thể chất.

Nhưng xã hội sẽ nghĩ sao về sự lùi bước trước một hành động như thế này? Nó sẽ cho người suy nhược này thiếu nghị lực mà đó là điều tất nhiên. Nhưng trong trường hợp này người ta thường phạm một lỗi lầm nghiêm trọng: người ta luôn coi con người làm chủ năng lực của mình và nó được cung cấp theo ý muốn. Hoàn toàn sai lầm. Xã hội sẽ nói người suy nhược kia thiếu năng lực chỉ vì anh ta không có “ý chí” mà thôi. Và hơn thế nữa, người ta sẽ coi anh ta như là người phải chịu trách nhiệm về sự thiếu ý chí đó, mà không hề biết là cái ý chí tự nhiên đó lại đơn giản tùy thuộc vào sức khỏe và sự cân bằng.

Vì vậy thay vì nói “Hãy có ý chí” người ta phải nói là “Hãy có một sức khỏe thể chất” và tinh thần cho tốt và tự nhiên bạn sẽ có được ý chí.

Bởi vì ý chí chỉ đơn thuần là sự thoải mái. Ý chí chỉ cần chủ yếu nói như sau “Tôi muốn làm cái này và tôi sẽ thực hiện không có một khó khăn nào hết bởi vì tôi hoàn toàn thoải mái”. Vì vậy chúng ta có thể kết luận là “mỗi khi muốn thực hiện một hành động mà người ta phải cần đến ý chí thì lúc đó người ta thực sự thiếu ý chí; mỗi khi có một hành động gắng gượng thì cái ý chí thực thụ (sự thoải mái) đã biến mất. Mỗi khi người ta chống chọi với một vấn đề thì chính cái vấn đề đó hạ gục chúng ta. Một ý chí thật sự khỏe mạnh phải giống như nét thanh lịch vậy: nó phải vô hình.

Một hành động của một ý chí thực thụ chủ yếu là việc sử dụng cái kho dự trữ năng lượng mà không cần đến bất cứ một cố gắng nào hết.

Nhưng đôi khi vấn đề này bị làm sai lệch bởi sự can thiệp của khen thưởng. Một người càng cố gắng chừng nào để vượt qua các khó khăn, anh ta càng được thưởng nhiều. Nhưng có phải sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta nói như thế này: một con người càng khỏe mạnh và cân bằng chừng nào thì anh ta hành động càng dễ chừng đó; bởi vì điều đó giúp anh ta giảm thiểu sự cố gắng, và bảo tồn được năng lượng, để cho anh ta khỏe khoắn cho nhiều công việc khác. Tôi sẽ còn nói thêm về vấn đề này.

Các cố gắng của một người trầm uất.

Một tình trạng thiếu năng lực tinh thần ngăn cản người trầm uất hành động một cách đúng đắn. Bất cứ một cố gắng nào (gần như không cần thiết đối với một người tự nhiên) trở nên khủng khiếp đối với người trầm muộn. Nó cũng hiển nhiên như một người lanh lợi trèo lên núi không một khó khăn nào trong khi người một cẳng sẽ đối mặt với một thất bại gần như là chắc chắn.

Nhưng người ta vẫn nhìn thấy người trầm uất luôn cố hết sức mình để vượt qua sự thiểu năng đó, bởi vì anh ta khổ sở và e ngại sự khinh bỉ. Mặc cho việc đó, người ta vẫn bảo rằng anh ta không muốn cố gắng… Nói tóm lại, người ta đơn giản gán cho anh ta là hèn nhát, thiếu ý chí, và khiếp nhược. Người ta sẽ giáng cho anh ta vô số cái tát đau đớn và người trầm muộn nguyền rủa thái độ không thông cảm đang bao quanh anh ta. Và không biết chừng anh ta còn ước muốn, ai có thể biết được, rằng mọi người chung quanh cũng sẽ chìm đắm trong sự suy kiệt để có thể hiểu được là nếu anh ta, một người trầm uất phải do dự, lùi bước và không hành động, chỉ vì tình trạng của anh ta không cho phép anh ta hành động, bắt phải do dự và lui bước.

Nhưng điều nay quá đơn giản để cho người ta chấp nhận nó.

Và các hậu quả của sự khinh bỉ xuất hiện, sự khiển trách và hình phạt.

Như thế một người trầm uất lại nằm giữa những con người khác đang đánh giá và khinh bỉ anh ta… bởi vì họ coi người trầm uất “mong muốn sự kiệt sức đó”.

SỰ KIỆT SỨC VÀ SỰ SUY NHƯỢC

“Anh đang ở bờ vực của sự suy nhược…”

Đó là câu mà hàng triệu người đã nghe nói và thông thường vị bác sĩ sẽ kê toa như sau: một loại thuốc an thần hay kích thích, thuốc bổ dưỡng thần kinh, thuốc bổ tổng lực, các lời khuyên nghỉ ngơi, các cuộc giải trí và du lịch. Nếu cần thì là sự ẩn dật cách biệt hoặc một phương thức điều trị tâm lý…

Ngoài ra các rối loạn tiêu hóa cũng được xem xét cẩn thận kể cả các phản ứng thần kinh; vị bác sĩ có thể tìm thấy chứng tăng huyết áp hay bệnh đái tháo đường, hay các dấu hiệu của một tổn thương về thần kinh hoặc chứng xơ cứng động mạch não.

Suy nhược là gì?

Ai nói đến “Suy nhược” thì nói đến “Giảm áp lực”. Sự suy nhược là sự giảm thiểu trương lực thần kinh hay tâm lý. Như thế từ suy nhược mang một ý nghĩa tổng quát; nó là một nhãn hiệu có thể gắn cho mọi trạng thái. Các trạng thái đó lần lượt sẽ mang các tên đặc biệt như: chứng suy nhược, chứng suy nhược thần kinh, chứng suy nhược tâm thần, chứng ảm ảnh, chứng tâm thần phân liệt, chứng ám ảnh trầm uất, đi từ dạng lành đến dạng nặng. Tôi sẽ nói đến các tình trạng suy nhược này lúc cần.

Như thế có vô số triệu chứng suy nhược. Chứng suy nhược có thể bắt nguồn từ thể chất (như chứng suy nhược thần kinh) được cộng thêm các triệu chứng tâm lý.

Về thể chất, tình trạng mãn kinh đôi khi gây ra sự suy nhược, nhưng không vì thế mà chúng ta lại kết luận là tình trạng mãn kinh dẫn đến sự suy nhược! Bởi vì môi trường thuận lợi luôn là yếu tố chủ yếu. Và môi trường sẽ hoặc do cơ thể (chứng tặng huyết áp hay bệnh đái tháo đường) hoặc do tâm lý. Và tình trạng mãn kinh sẽ đảm trách vai trò “công tắc” làm khởi phát một tình huống đang tiềm ẩn từ lâu.

Cũng như thế, chứng suy nhược có thể có nền tảng tâm lý, gia đình hay tôn giáo. Nó có thể xuất hiện sau việc lo lắng kéo dài, các mối nghi ngờ, nỗi lo âu, sợ sệt… dẫn đến sự suy kiệt, một giảm sút áp lực.

Các triệu chứng chung của các Trạng thái suy nhược.

Một người suy nhược dễ bị nhận diện bằng chính thái độ của anh ta. Anh ta mang dáng vẻ buồn rầu, thiếu sinh khí. Các phản ứng cơ học bị giảm thiểu đến mức tối đa. Anh ta rất hà tiện trong các cử động vì bất cứ hành động nào cũng sẽ làm cho anh ta mệt. Và chứng mất ngủ thường xuất hiện và chứng người gầy ít nhiều không quan trọng cho lắm.

Các chứng run vì mệt mỏi có thể xảy ra kể cả các chứng đau đầu, chứng tăng huyết áp, cảm giác thân thể rã rời, ám ảnh bị mệt mỏi, tình trạng không thể tập trung được, tính không quyết đoán hay do dự, sự buồn bã vô cớ, các thói kỳ quặc, tính ngại ngùng, một bộ óc “trống rỗng và lạnh tanh”, chứng nhức mỏi sau ót, các rối loạn thị lực. Và thường hơn hết là:

a– sự giảm sút ý chí (thiếu ý chí)

b– sự u sầu

c– nỗi hoảng sợ trở nên điên loạn.

SỰ GIẢM SÚT Ý CHÍ

Người ta biết điều ngẫm nghĩ của Amiel: “Yêu thương, mơ mộng, cảm nhận, học hỏi, hiểu biết, tôi có thể làm tất cả miễn là người ta đừng bắt tôi phải mong muốn”…

Đối với người trầm uất, “mong muốn” có thể là cái khó khăn lớn nhất. Nhưng sự thiếu sót đó sẽ được nổi bật từ khi có ý nghĩ cho đến hành động. Anh ta rất muốn làm một việc gì đó và ý muốn đó đôi khi rất mạnh, nhưng thực hiện ý muốn đó là chuyện không bao giờ có.

Cái “ý muốn” sẽ không khởi động, sự trơ lì chiến thắng.

Rồi một ý muốn khác xuất hiện, và thêm một cái nữa. Đúng là một cơn mưa ý muốn…

“Một chút nữa tôi sẽ làm chuyện này… ngày mai tôi sẽ làm chuyện kia…”

Tuy vậy, không phải một chút nữa mà cả ngày mai, ý chí sẽ khởi động để thực hiện ý muốn kia… Người ta chứng kiến một sự phân tán thực thụ của ý chí, bị bể nát ra thành nhiều mảnh nhỏ. Nhưng mỗi mảnh này vẫn chưa đủ lớn để thực hiện hành động.

Có thể chứng suy giảm ý chí chỉ trong tình trạng nhẹ mà thôi. Trong trường hợp này, ý chí vẫn được thực hiện một hành động nào đó. Nhưng hành động đó sẽ rất chậm chạp, nặng nề với một cố gắng kiệt sức. Hơn nữa hành động đó lại thiếu thời gian, thiếu “sinh khí”. Sự mở rộng tầm cùng sự kiên trì cũng thiếu sót. Như vậy sự suy giảm nhẹ vẫn thực hiện được một chuỗi hành động nhỏ rời rạc, bởi vì anh ta không có sự thoải mái cần thiết cho một hành động lâu bền.

Trong các thể nặng hơn, các hành động đơn giản nhất cũng không thể làm được. Tất cả mọi hành động đều bị bỏ hết. Thế những người bị suy giảm ý chí đã nói gì?

“… Tôi không tài nào quét nổi bụi bặm dù cho tôi rất muốn đi nữa; tôi rất hổ thẹn trước mặt chồng tôi dù cho anh ta rất hiểu tôi. Nhưng tôi không thể nào làm khác được; cầm một nùi giẻ lên là ngoài sức của tôi… tôi phải làm bữa ăn cho chồng tôi nhưng tôi không tài nào làm nổi; tôi bị phân tán trong cả trăm ý nghĩ rời rạc, nhưng khi tôi phải thu gom chúng lại, điều đó trở nên quá sức đối với tôi, thế là tôi bỏ rơi tất cả. Tôi cảm thấy quá chán nản… tôi không tài nào làm một tính toán nhỏ nhặt nhất của việc chợ búa; đối với tôi chải đầu là một việc luôn làm cho tôi kiệt sức; tôi buồn muốn chết đi được…

“Tôi luôn là một con người hay phân vân và không dứt khoát; tôi phải mất cả tiếng đồng hồ chỉ để mua một cây bút chì; tôi nghi ngờ mọi thứ và tôi biết rõ mình là một con người gàn dở nhưng tôi không thể nào làm khác được. Sau một thời gian tôi nổi cơn thịnh nộ với chính mình và người tôi cứ run lên; rồi tôi dẹp bỏ tất cả và bỏ đi với một lý do nào đó, nếu không, trong cơn bực tức, tôi có thể tát hay chửi rủa bất cứ ai…”

“Trước khi đi ngủ, tôi kiểm tra bếp ga cả mười lần như thế, nhưng rồi tôi lại đứng lên để kiểm tra thêm một lần nữa. Rồi tôi đi nằm. Tôi biết là tôi đã khóa cái miệng ga rồi kia chứ… nhưng tôi vẫn đứng lên nữa. Việc này làm cho tôi kiệt sức.

Tất cả những việc kể trên nằm trong phạm vi cơn suy giảm ý chí bình thường”, nếu như ta có thể gọi nó như thế. Nhưng trong các trường hợp nặng hơn, việc hành động hoàn toàn bị cản trở. Người bị chứng này gần như luôn nằm trên giường với cả một lô trạng thái tâm lý làm cho người đó phải đau khổ, đôi khi rất là dữ dội. Tại sao thế?

Bởi vì trong chứng trầm uất, tất cả mọi hiện tượng đều được người bệnh nhân cảm nhận rất có ý thức.

Vì vậy, có ý thức việc không thể nào muốn được, người trầm uất phải đối mặt với những người chung quanh. Thế ai hiểu… và ai không hiểu mình đây? Thông thường, trường hợp thứ hai xảy ra thường xuyên hơn. Từ đó việc buộc tội là “làm biếng”, “không muốn làm việc” chỉ cần có một bước mà thôi. Người ta còn buộc tội là “thiếu ý chí”, trong khi đó là hệ quả trực tiếp của chứng bệnh của người đó.

Làm cách nào để chữa trị chứng suy giảm ý chí?

Chứng suy giảm ý chí là một triệu chứng của chứng suy nhược. Nó chưa phải là chứng suy nhược. Làm cho chứng suy nhược biến mất thì sự suy giảm ý chí này cũng biến mất theo. Tuy nhiên chúng ta phải hiểu một điều và hãy lập lại câu nói bất hủ này “Không hề có người lười biếng, chỉ có những người bệnh mà thôi”. Một chân lý thật sâu sắc. Chức năng của con người là: hành động và mong muốn. Tại vì các cơ bắp chỉ huy các hành động và hệ thần kinh tự động khởi phát ý muốn, mà hơn nữa hai hệ thống này phải còn ở trong tình trạng tốt mới được.

Ngay từ khi một người (dù cho là một đứa trẻ hay là một người trưởng thành) bị coi là “làm biếng”, thì người ta phải tìm ngay nguyên nhân của sự việc. Việc lười biếng này là một triệu chứng, hoặc là một sự thiểu năng về thể chất hay thần kinh, hoặc do một nỗi đau tâm lý có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Tái tạo lại ý chí và hành động có nghĩa là: đem lại một sự cân bằng mới. Chúng ta sẽ nói về đề tài này trong bài “chữa trị chứng suy nhược”.

Nỗi buồn vô cớ (la mélancolie).

Đây là một nỗi buồn triền miên, sâu đậm không có thể lý giải được. Nỗi bi quan là toàn vẹn và bao trùm lên tất cả mọi việc. Người đang buồn mang dáng vẻ như thế nào đây? Mọi cử động của anh ta thật chậm chạp, môi trề, trán nhăn lại, giọng nói đôi khi không thể nghe được. Chúng ta hãy xem cách mô tả hết sức tuyệt diệu của J. Sutter, bác sĩ của các bệnh viện tâm thần:

Tài ăn nói phải hài hòa với dáng vẻ bên ngoài; còn đối với người buồn vô cớ, mọi thứ đều là đau khổ. Các sự kiện bất hạnh bị thổi phồng một cách quá đáng, các hậu quả của chúng được xem xét dưới góc cạnh bất lợi nhất, ngay cả các sự kiện vui sướng cũng là cớ cho sự buồn rầu và tính sáng tạo bệnh hoạn của người này cố đem đến cho chúng một ý nghĩa tai hại. Sự bi quan bao trùm lên tất cả mọi thứ, đôi khi bằng cách vô lý và bất ngờ nhất. Anh ta không bao giờ thay đổi ý kiến.

Phản ứng đầu tiên của người buồn là chán sống. Anh ta dửng dưng trước tất cả mọi thứ ngay cả sự đau khổ của chính bản thân mình. Mỗi buổi sáng là sự bắt đầu cho một ngày đau khổ mới; ý muốn lớn nhất của anh ta là tự hủy diệt chính mình. Như thế sự suy giảm ý chí thật là toàn vẹn kể cả sự bất lực. Anh ta không còn nghĩ đến gì hết nếu không muốn nói là một sự dửng dưng vô hạn.

Các hiện tượng tâm lý sẽ mau chóng bắt rễ; vì anh ta dửng dưng trước mọi sự việc nên người sầu muộn tự trách mình sự dửng dưng đó. Cũng như người mẹ đang buồn kia sẽ nói “… tôi không tài nào yêu thương các con tôi nữa mặc dù một năm trước đây tôi yêu chúng tha thiết… Sự dửng dưng luôn ám ảnh tôi; tôi cũng muốn buồn lắm chứ nhưng vẫn không được, tôi không thể nào có ngay cả cái cảm xúc đó…”

Người sầu muộn luôn bị ám ảnh bởi các ý nghĩ xấu xa. Anh ta luôn nghĩ đến đến việc tự trách mình, đến sự hối hận và tội lỗi. Người sầu muộn luôn tự buộc mình các tội tệ hại nhất. Nỗi đau khổ về mặt đạo đức của anh ta rất mãnh liệt, đôi khi cực kỳ ghê gớm. Anh ta luôn bị day dứt, đơn điệu. Các hoạt động về mặt đạo đức dường như luôn bị hướng đến tội lỗi và hối hận và bắt anh ta phải nghiền ngẫm cho đến mức bất động hoàn toàn và từ chối việc ăn uống. Vì vậy các rối loạn của cơ thể luôn hiện diện trong con người sầu muộn: như việc biếng ăn, táo bón kinh niên, hệ thống tuần hoàn không điều hòa. Trong vài trường hợp nặng, người đó phải được nuôi sống qua đường ống. Vì người buồn luôn bị sự hối hận dồn nén, nên đôi khi anh ta tự phạt mình; và sự trừng phạt đó đôi khi đưa đến việc tự sát.

Một dạng khác của sự buồn, rất đặc biệt, đôi khi xuất hiện nơi các thiếu nữ. Đó là trường hợp của:

CHỨNG CHÁN ĂN DO TÂM LÝ

Chứng chán ăn là hiện tượng ăn không biết ngon. Thế mà nhiều thiếu nữ trong độ tuổi từ mười lăm đến hai mươi (như vậy là một ít lâu sau thời kỳ dậy thì) tự ý giảm lượng thức ăn của mình mà không đưa ra một lý do chính đáng nào hết. Việc từ chối ăn uống đã được ăn sâu trong đầu. Họ lạm dụng thuốc nhuận trường hay lén lút nôn mửa thức ăn. Lần hồi chứng suy dinh dưỡng xuất hiện với sự gầy gò đáng kể. Trong vài trường hợp, cái chết là mục đích cuối cùng (dường như theo ý muốn của người bệnh). Hình như chứng bệnh này có liên quan đến một phản ứng cảm xúc. Người ta còn chứng kiến hiện tượng này nơi các đứa trẻ sơ sinh (trong trường hợp cai sữa hay thay đổi người vú). Người ta còn phát giác được hiện tượng này nơi những người phụ nữ đã lập gia đình sau các vụ rắc rối trong hôn nhân. Người đàn bà tự giam mình trong chứng bệnh này (hay dùng chứng bệnh này để trả thù), bà ta từ chối ăn hay nôn mửa các thức ăn vừa mới ăn xong. Ở vài đứa trẻ (vào khoảng bốn hay năm tuổi) việc từ chối ăn xuất hiện ngay trong dịp một đứa em trai hay gái ra đời. Như thế đây là trường hợp của nỗi lo sợ bị chiếm đoạt nên đứa trẻ khởi động chứng bệnh để thu giữ sự quan tâm của cha mẹ.

Còn đối với các thiếu nhi. Trong vài trường hợp, người ta nhận thấy một cảm xúc nhục nhã mãnh liệt với sự dậy thì. Các ngại ngùng về tôn giáo hay tình dục hình thành. Và với hậu quả là sự tự trừng phạt về thể chất.

Trong vài trường hợp khác, sự dậy thì của tuổi thiếu niên là nút khởi động, tạo ra nhiều tình huống đang trong thời kỳ tiềm ẩn (việc mãn kinh cũng có phản ứng này).

Chứng biếng ăn đôi khi cũng được dùng như một công cụ để “gây áp lực” để chiếm lĩnh tình thương trọn vẹn của cha mẹ. Đây là trường hợp tính nết trẻ con. Hoặc giả việc từ chối ăn uống (và chứng bệnh xuất phát từ đó) là để cụ thể hóa một sự trả thù đối với cha mẹ.

Ngoài một việc khám bệnh nghiêm ngặt, môi trường gia đình phải được xem xét trước tiên và phải cho thật kỹ càng. Đôi khi người ta khám phá được nhiều thảm kịch ghê gớm và trong các trường hợp này, người ta phải cô lập bệnh nhân và một phương thức chữa trị tâm lý phải được thực hiện ngay.

Để kết luận, chứng bệnh buồn vô cớ này làm giảm sút các hoạt động thể chất và tinh thần. Nó thúc đẩy đến sự bất động hoàn toàn (giống như trường hợp suy giảm ý chí). Thái độ câm lặng thường xảy ra. Người bệnh ngồi thờ thẩn với ánh mắt vô hồn, nghiền ngẫm nỗi tuyệt vọng của mình.

Trong vài trường hợp nghiêm trọng, người ta phải đề phòng việc tự sát hoặc sự cự tuyệt ăn uống.

Tôi liệt kê chứng bệnh buồn vô cớ theo các triệu chứng suy nhược do kiệt sức. Nhưng cũng có thể có nhiều nguyên nhân khác, các nguyên nhân đó có thể do hệ thần kinh thực vật, về buồng trứng hay tuyến giáp…

Như thế nguyên nhân thuần túy đầu tiên thuộc về thể chất nhưng sau đó có xuất hiện các hậu quả tâm lý không?

Và nếu như chứng sầu muộn là một hệ quả của chứng suy nhược? Các kết luận cũng giống như trường hợp chứng suy giảm ý chí và người ta phải chữa trị ngay nguyên nhân này.

NỖI SỢ HÃI TRỞ NÊN ĐIÊN

Người ta thường bắt gặp chứng này nơi các người suy nhược tinh thần. Nỗi lo sợ này đôi khi thật sự là một ám ảnh. Một ám ảnh nhức nhói, khủng khiếp và tàn nhẫn. Ngay cả việc nói lên các từ “điên”, “điên rồ” hay “bệnh viện tâm thần” đối với những người này là cả một sự cố gắng không thể vượt qua được. Họ không bao giờ dám đọc bất cứ một bài báo nào nói đến bệnh tâm thần cũng như không bao giờ dám xem bất cứ một phần nào về đề tài này.

Người ta biết người bệnh nhân này cảm thấy mình có một “lỗ trống” trong bộ não, rằng anh ta không tài nào “sắp xếp các ý nghĩ của mình” được. Các ý nghĩ của họ đôi khi rất mơ hồ. Như thế anh ta bị ám ảnh chứng suy nhược não cũng là hợp lý và anh ta luôn tin chứng suy nhược này sẽ làm cho anh ta điên.

Thế các người suy nhược tinh thần đã nói gì?

“… cái lỗ trống trong đầu tôi, nhất là vào buổi sáng, với tất cả những ý nghĩ hiện lên cùng một lúc, làm cho tôi biết chắc là thế nào tôi cũng phát điên lên…”

“… sự mệt mỏi, với cái đầu đóng băng, các chứng nhức đầu làm cho tôi hoảng sợ đến mức không chịu được; thế anh muốn làm sao tôi có thể giữ nguyên lý trí của tôi với những nỗi hoảng sợ triền miên đó được?”

“… với chứng suy nhược của tôi, ông bác sĩ có khuyên tôi nên theo phương cách chữa trị tâm thần. Hiển nhiên đó là bằng chứng tôi bị mất trí rồi…”

Trước hết, chúng ta nến biết rằng các nỗi lo âu đó không bao giờ phù hợp với một thực tế có thể có được. Đối với người suy nhược, nỗi lo sợ trở nên điên rồ là hoàn toàn vô lý. Nhưng chúng ta không được quên là đối với mấy người đó, mỗi từ được tiếp nhận và khuếch đại lên. Họ rất dễ tiếp nhận bất kỳ một sự gợi ý nào… với điều kiện là nó phải ác hại! Hãy nói cho người suy nhược biết là anh ta có nguy cơ trở nên điên rồi, anh ta sẽ tin bạn ngay tức thì. Hãy nói là anh ta không có chút cơ may nào để trở nên điên cả, anh ta sẽ không tin bạn đâu! Như vậy người bị suy nhược đã được giúp đỡ rất nhiều bởi những lo lắng quá đáng về sức khỏe của mình (bệnh tưởng tượng). Người suy nhược luôn bị ám ảnh bởi các hoạt động thể chất, các ý nghĩ và tư tưởng của mình. Sự kiệt sức luôn bắt anh ta phải tự quan sát và bất cứ một thiểu năng nào sẽ được diễn giải theo chiều xấu nhất. Tại sao vậy? Bởi vì một phản xạ tự phát bị khiếm khuyết. Và nó bị khiếm khuyết chỉ đơn giản là nó bị suy nhược. Một ý nghĩ bệnh hoạn không bao giờ có kẻ thù. Nhưng nó có một người trợ thủ rất đắc lực: chính chứng suy nhược đó. Và cái ý nghĩ bệnh hoạn đó tự phát triển như trong nhà kính. Nó sẽ lan rộng như một khối u tinh thần. Nó giống như một con vi trùng nẩy nở trong một cơ thể không có đề kháng.

Mà tại sao người suy nhược lại bị ám ảnh đến mức đó? Bởi các cảm tưởng mà anh ta “có được trong đầu”. Bởi các “lỗ trống”, các cơn nhức đầu, chứng mất trí nhớ, bởi sự mất khả năng tập trung tư tưởng, vì không thể hoàn tất một công việc đang dở dang. Bởi các cơn hưng cảm đã phóng đại sự do dự và sự nghi ngờ tự nhiên. Bởi chứng nghiền ngẫm tâm thần kinh niên của anh ta không bao giờ dứt.

Và từ đó việc người ta nghĩ anh ta trở nên điên rồ chỉ cách có một bước nhỏ mà thôi. Nhưng tôi xin nhắc lại là, mặc cho nỗi ám ảnh và sự do dự đó, không bao giờ chứng suy nhược này có thể biến thành chứng điên rồ đáng kinh sợ đó.

CÁC NGUYÊN NHÂN CỦA CHỨNG SUY NHƯỢC

Như vậy, suy nhược là một từ mang một ý nghĩa chung. Bằng nhiều trạng thái suy nhược khác nhau nhưng lại có rất nhiều triệu chứng chung. Như thế, mỗi trường hợp sẽ là một trường hợp đặc thù và vì vậy việc xem xét phải được thực hiện hết sức chính xác.

Người ta quan niệm rằng có hàng trăm nguyên nhân khác nhau có thể làm suy sụp sự căng thẳng thần kinh. Thế nhưng, một trong các nguyên nhân chính vẫn là sự mệt mỏi thần kinh và tâm thần.

Trong trường hợp này, tìm kiếm nguyên nhân của sự suy nhược không khác gì việc tìm kiếm nguyên nhân của sự kiệt sức Thế những nguyên nhân nào dẫn đến trạng thái kiệt sức? La Palice sẽ trả lời rằng “Các hành động kiệt sức gây ra trạng thái kiệt sức”. Và ông ta nói không bao giờ sai. Và như thế người ta phải tự hỏi” Vậy các hành động kiệt sức là những hành động nào? Và tại sao chúng làm cho con người ta kiệt sức? Người ta liền nghĩ ngay đến làm việc quá sức.

KIỆT SỨC LÀ GÌ?

Từ này làm cho tôi nghĩ đến một anh chàng sinh viên khốn khổ. Đã hai giờ sáng rồi. Làn khói xanh của vô số điếu thuốc lá, một tách cà phê đậm đặc ở ngay tầm tay, anh chàng sinh viên “đang gạo thi”. Việc này kéo dài hơn một tháng nay. Chàng sinh viên này đã kiệt sức. Như vậy anh ta có tự động mắc phải chứng suy nhược không? Tại sao người sinh viên này lại mắc chứng đó, còn người sinh viên khác thì không? Bây giờ chúng ta giả định là trong việc chuẩn bị cho cuộc thi này, có xảy ra các “cảm xúc tinh thần”. Chúng ta giả dụ đối với người sinh viên này, cuộc thi này là phương cách cuối cùng của anh ta. Rằng anh ta làm việc trong nỗi lo sợ bị thất bại và nỗi lo sợ đó biến thành nỗi sợ hãi. Chẳng hạn như sợ người bố mình; nỗi sợ tiêu tan cả một sự nghiệp, sợ sự khinh bỉ… Đương nhiên là ngoài việc kiệt sức vì học hành còn có thêm các yếu tố cảm xúc làm tăng thêm tình trạng kiệt sức đó. Như vậy người ta có thể nhận thấy khả năng của trạng thái kiệt sức thay đổi theo từng cá nhân.

Làm việc quá sức là khi nào sự tiêu hao năng lượng vượt quá các khả năng cung cấp. Lạm dụng một cơ quan (bộ não chẳng hạn) là giảm thiểu năng lực của nó, không khác gì với một chiếc xe hơi cả. Làm việc quá sức là lãng phí một số vốn đang có. Cảm giác mệt mỏi là dấu hiệu quý giá nhất. Vượt qua cái cảm giác này là mạo hiểm tìm đến tình trạng kiệt sức. Nhưng là một trạng thái kiệt sức còn có thể thu hồi lại sức được cứ cho là như thế đi! Nhưng dù sao cũng là trạng thái kiệt sức. Nhưng nếu trạng thái cứ kéo dài, hay lặp đi lặp lại nhiều lần, người đó sẽ tiến thẳng đến chứng suy nhược ngay.

Có chứng suy nhược khi các tác nhân hồi sức tự nhiên (ăn uống và nghỉ ngơi) bị thiếu hụt. Và như thế làm việc quá sức tùy thuộc vào sức lực sẵn có, đó là điều hiển nhiên.

Làm việc quá sức = tiêu sài nhiều hơn lợi tức. Một lần nữa, chúng ta không được quên sự mệt mỏi là dấu hiệu báo động không cho phép đầu độc các tế bào thần kinh. Cho nên việc làm quá sức phải được xem là một dạng hình thức phòng ngừa. Mỗi con người phải biết rõ sức lực của chính mình. Và vì đã thường xuyên giảng dạy nên tôi biết rõ điều này quả là một khó khăn rất lớn.

Người ta không nên nghĩ trạng thái suy nhược sẽ liền khởi phát ngay sau một hành động kiệt sức, mà có thể coi đó là một trường hợp khá hiếm hoi. Bất cứ một bác sĩ hay nhà tâm lý học nào, đều ghi nhận trạng thái suy nhược luôn đuổi theo phía sau một chuỗi hành động kiệt sức, đôi khi kéo dài suốt nhiều năm liền.

Một trường hợp chung cho trạng thái cạn lực trực tiếp.

Ông X, một nhân viên tự nhiên hay tin mình được đề bạt làm trưởng phòng. Vì muốn được nể trọng trong cương vị mới này, ông X… làm việc thật hăng say suốt hai tháng liền. Tối ông ta thức thật khuya, luôn lướt qua các cơn mệt mỏi. Sau hai tháng đó, ông ta biểu hiện các triệu chứng “suy sụp”… kiệt sức với các triệu chứng “suy nhược thần kinh”. Kiệt sức tâm lý sao? Đương nhiên rồi… nhưng với công việc trước ông ta vẫn làm việc như thế mà. Thế rồi sao đây?

Trước hết, công việc đầu tiên của ông X… được thực hiện bởi một số thói quen. Dù cho công việc của ông ta có nhiều và gấp mấy đi nữa, các thích nghi cho các tình huống mới rất là hiếm. Như vậy ông X… làm việc gần giống như một cái máy và tránh cho ông ta không phải tiêu hao sức lực tinh thần.

Trái lại với chức vụ mới, ông X… luôn phải mau chóng thích ứng với các trách nhiệm đến dồn dập và luôn đòi hỏi một sức lực tinh thần lớn lao. Hậu quả? Cạn sức và suy nhược. Thế mà người ta nghĩ đã nói hết về trường hợp này, nhưng thật ra chúng ta chưa nói gì cả.

X… được nuôi dạy trong một gia đình khá giả. Ông luôn được “bao che trên mức cần thiết” và được cha mẹ “nuông chiều”. Tất cả mọi việc được thực hiện, cân nhắc và quyết định thay cho ông ta. Như vậy ông X… bước vào đời không một trở ngại mong muốn nào (sư suy giảm ý chí) với nhiều mặc cảm tâm lý (mà chúng ta sẽ xem xét sau). Chức trưởng phòng được đề nghị giao cho ông ta. Ông ta chấp nhận. Đương nhiên là ông ta sẽ làm việc quá sức mình. Nhưng trước khi bắt đầu công việc, ông X… đã chìm (mà không hề biết) trong nỗi hoảng sợ sự hoài nghi, sự ngại ngùng, sự thất bại. Đúng vậy, ở đây chúng ta có một trường hợp kiệt sức tinh thần. Nhưng trước hết đây là một sự kiệt sức về cảm xúc. Bất cứ một hành động nào cũng đều liên kết với một trách nhiệm và làm cơ sở cho nhiều mặc cảm tâm lý mà chúng sẽ tự động ngăn cản việc thích nghi ngay sau để kết thúc hành động đó. Hành động đó (đối với một người tự nhiên đã được hoàn tất rồi) tiếp tục xoáy trong tâm trí của X… tạo ra các mối ngờ vực, hoài nghi, hoảng sợ hứng cảm, mất ngủ. Nhưng cũng trong lúc đó, nhiều trách nhiệm khác được giao phó cho ông ta. Và chúng lại tạo thêm một chuỗi tâm lý kiệt sức, và nó cứ tiếp tục mãi…

Ở đây người ta không thể nào nói ông X… đã kiệt sức. Nhưng cái chức vụ mới của ông ta là công tắc khởi động. Các mặc cảm sâu kín của ông ta tạo vô vàn khó khăn cho các trách nhiệm mà đối với một người khác là rất tự nhiên. Ở đây chúng ta có một trường hợp suy nhược được tạo bởi một nền tảng tâm lý giáo dục.

Một trường hợp khác.

Sau sáu tháng ông Y… là một y sĩ trẻ bị “suy nhược thần kinh”. Chẩn đoán: kiệt sức trong lúc học và làm việc. Đương nhiên rồi… Nhưng nếu chúng ta biết được mỗi đơn thuốc do mình kê ra sẽ khởi động ông Y… cả một chuỗi ngại ngùng và đắn đo, đến chừng đó chúng ta mới hiểu thêm được phần nào. Nếu chúng ta biết rằng với mỗi toa thuốc tế nhị, ông Y… phải coi lại sách y khoa suốt nhiều giờ liền và chờ đợi trong nỗi lo âu kết quả của toa thuốc đó (luôn nghĩ đến điều tệ hại nhất), đến chừng đó chúng ta hiểu nhiều hơn rồi đó.

Như thế, trong trường hợp này, đâu là nguyên nhân của trạng thái suy nhược? Công việc làm à? Không. Việc học hành? Không. Các đơn thuốc? Vẫn là không. Sự ngại ngùng? Các hoài nghi? Có phần nào. Bởi vì chúng ta phải hiểu được cái tại sao của các lo âu ngại ngùng đó. Chúng ta phải biết tại sao việc “viết một đơn thuốc” luôn làm cho ông Y phải hoảng sợ như thế.

Sẽ rất dài dòng nếu phải làm một bảng phân tích chi tiết về trường hợp của ông Y… Nhưng có một điều nổi cộm là: bất cứ mỗi trường hợp suy nhược nào cũng phải được xem xét hết sức cẩn thận. Đôi khi người ta phải trở lại thật xa về trước để tìm cho ra các tác nhân của nó.

Trạng thái kiệt sức thể chất không bao giờ đơn phương bộc phát, nhưng trạng thái kiệt sức tinh thần thì thường xuyên hơn (chẳng hạn như anh chàng sinh viên kia). Chúng ta sẽ thấy ở phần sau việc tập trung tư tưởng trong một thời gian dài sẽ nguy hại đến chừng nào. Và việc cắt ngang việc tập trung này bằng các trò giải trí là rất cần thiết đến mức nào. Tôi không đưa ra đây “một lời khuyên” mà chỉ trình bày một đòi hỏi đơn giản và cần thiết của bộ não.

Càng nguy hiểm hơn nữa là các trường hợp kiệt sức về cảm xúc, các định kiến, các ám ảnh, tâm trí luôn nghiền ngẫm quanh một vấn đề duy nhất. Người ta thường nói: “Hãy bỏ qua một bên các ý nghĩ đau buồn, các nỗi u sầu đen tối. Hãy phản ứng lại sự mệt mỏi, sự chán nản, trạng thái kiệt sức đi”. Tôi thấy lời nói này thú vị lắm nhưng tất cả các triệu chứng đó đã là hậu quả của một tình trạng suy yếu! Đương nhiên con người sẽ không tìm thấy niềm vui trong sự nghiền ngẫm u tối hay các ám ảnh.

Như thế, trước hết chúng ta phải tìm cho ra hang ổ tạo ra các ý nghĩ đó. Và đó là nhiệm vụ của khoa tâm lý. Nhưng đó là một công việc cần phải làm: bởi vì các ý nghĩ ác hại đó đến lượt chúng sẽ biến thành các nguyên nhân, càng ngày càng trở nên nguy hiểm hơn và sẽ đưa con người đó đến trạng thái suy nhược thần kinh. Các ý nghĩ ám ảnh đó rất có nhiều khả năng biến thành các định kiến và thu hút cho mình tất cả sức lực của người đó.

CÁC HÀNH ĐỘNG LÀM CHO KIỆT SỨC

Có thể nói là vô nghĩa nếu chúng ta muốn “lập một danh mục” cho các hành vi của con người. Nhưng có một điều chắc chắn: bất cứ một sự gắng sức nào của con người đều được thực hiện để thích nghi với một tình thế, dù cho tình thế đó là gì đi nữa, mở một cánh cửa hay lập gia đình.

Như vậy, có cả một thứ bậc được dành cho các khó khăn để thích nghi mà theo đó lượng sức lực phải hao tốn.

Chủ thể không phải lúc nào cũng cảm nhận được các hành động mệt sức đó. Một phần lớn trong số đó vẫn luôn nằm trong tiềm thức (chúng ta sẽ xem xét việc này trong chương Phân tâm học). Mà dù cho vô thức hay không, chúng vẫn luôn tiến hành cái công việc tàn phá của chúng. Tôi nghĩ môi trường gia đình là một trong các nguyên nhân màu mỡ nhất cho tình trạng kiệt sức và suy nhược (bởi vì chúng khởi phát như một trái bom nổ chậm vậy). Trong trường hợp này vấn đề nghiêm trọng của giáo dục sẽ nhập cuộc. Một phần lớn thanh thiếu niên mang trong người chúng một số khá lớn thích nghi nội giới bất thành không thể ngờ được; và mỗi sự không thích nghi đó mang theo một lượng cảm xúc nhất định. Ngoài ra cuộc sống gia đình luôn là một sự thích nghi hỗ tương thường xuyên. Nhiều tính cách rất khác biệt đòi hỏi một sự thích nghi mềm dẻo và thấu hiểu. Có nhiều va chạm không thể tránh khỏi xảy ra. Và sẽ là điều tốt khi các va chạm đó “tự tan biến” ngay sau đó: hoặc do sự cân bằng của con người, hoặc do một lời giải thích hoặc bằng một sự giận dữ. Như thế mọi chuyện sẽ êm xuôi nếu như sự “phá bỏ” được thực hiện. Nhưng cũng có rất nhiều khi việc “phá bỏ” đó không xảy ra; đó là điều thường hay xảy ra giữa các đứa con đối nghịch với cha mẹ chúng. Sự “phá bởi đó (giận dự, lời trách móc) không xảy ra bởi vì các quy tắc luân lý chi phối các nghĩa vụ của con cái đã ngăn cấm việc đó. Đó là trường hợp nghiền ngẫm tinh thần mang theo nhiều cảm xúc có thể biến thành một nguyên nhân lớn của sự mệt mỏi. Chúng ta nên nghĩ thế nào về những tháng năm dài mà sự không thích nghi về cảm xúc đó đã tồn tài lâu dài và phát triển như thế nào…

Tôi cũng nhận thấy việc không hiểu rõ giáo lý luôn là một sân bãi cho sự kiệt sức và suy nhược. Tất cả mọi thứ đều tùy thuộc vào người thầy giáo lý và năng khiếu của chủ thể. Có rất nhiều thanh thiếu niên mang trong chúng nỗi lo âu và hoảng sợ về tôn giáo. Có khi ngay cả nỗi kinh hãi.

Rất nhiều khi, các khái niệm sai lệch về một đức Chúa trời độc ác hay trả thù, tàn nhẫn được hòa trộn với bản năng giới tính bị rối loạn của đám thanh thiếu niên… Tôi có thể khẳng định có rất nhiều sự tàn phá đã xảy ra bởi sự thủ dâm. Không phải chính hành động thủ dâm đó, mà tất cả những cảm xúc và hối hận mà chúng tạo ra trước một sự giáo dục không được hiểu rõ và nâng lên thành một qui tắc luân lý nhẫn tâm.

Tuổi dậy thì về mặt thể chất

Tôi xin trích dẫn Janet: “Đối với nhiều chủ thể, các triệu chứng đầu tiên xuất hiện vào khoảng mười hai đến mười bốn tuổi vào độ tuổi dậy thì về mặt thể chất và đã làm giảm sút khá nhiều sức kháng cự của chúng. Bởi vì cũng trong lúc đó, sự tập trung của các đứa trẻ đều phải dồn vào các bài tập giáo lý để chuẩn bị cho phép thêm sức. Đó là lúc phải lặp đi lặp lại các lời cầu nguyện, các hứng cảm hoàn thiện, nỗi hoảng sợ về địa ngục và (đối với nhiều đứa phát triển sớm) các nỗi ám ảnh phạm tội. Các rối loạn đó có thể bị giới hạn trong các hành động tôn giáo và tồn tại mãi mãi.

Như vậy, bất cứ một sự thích nghi quan trọng nào cũng có thể là một hành động kiệt sức… hay ngay cả một hành động tầm thường. Bà X… luôn bị một cơn suy nhược mỗi khi bà đi du lịch về. Dù cho đây là một việc hết sức tự nhiên. Nội việc chuẩn bị cho một chuyến đi ngắn ngày thôi cũng phải mất hết mười lăm ngày rồi, với các đắn đo, do dự, việc làm xong chiếc va li để rồi tháo tung nó ra ngay “bởi vì mình vẫn có thể quên một món gì đó”. Và trong chuyến đi thì luôn phải lo âu, sợ bị bệnh trong lúc xa nhà, sợ bị mất tiền, sợ ngôi nhà bà bị cháy, sợ gặp phải một tai nạn nào đó. Bà nói với tôi rằng “… trong các chuyến đi bằng xe lửa, tôi luôn nghĩ đến một tai nạn thảm khốc sắp xảy đến với tôi, tiếng còi xe lửa làm cho tôi tái mặt, và tôi không ngừng hỏi những người bạn bên cạnh, tốc độ của xe lửa…”. Bà bỏ ra nhiều giờ để chọn một khách sạn, để tính toán tiền nong, để do dự, để nghiền ngẫm cho đến khi kiệt sức.

Và bà X… trở về từ một chuyến du lịch với một tâm trạng hoàn toàn suy sụp”, chỉ còn biết lên giường nằm nghỉ mà thôi. Đây là trường hợp suy giảm ý chí, u sầu, và nghiền ngẫm tâm trí bởi các thiểu năng.

Một chuyến đi đơn giản thôi đối với bà ta là một sự kiệt sức nghiêm trọng. Bởi vì bà ta không thể thích nghi với các tình huống do chuyến du lịch đưa đến. Như vậy, trong trường hợp này khoa tâm lý học phải tìm cho ra các nguyên nhân đầu tiên đã tạo ra sự thiểu năng này.

Trường hợp của cô Jacqueline D.

Jacqueline D là một thiếu nữ hai mươi ba tuổi rất khả ái. Từ tấm bé, cô ta bị chứng vẹo cột sống rất nặng và mang nhiều triệu chứng suy nhược thần kinh. Ngoài ra trước hình ảnh của bất cứ ai có uy quyền (tu sĩ, cảnh sát viên hay ngay cả bất cứ một nhân viên nào ngồi đằng sau một cửa giao dịch), người cô liền run lên và sự xuất hiện của cái cảm giác muốn xỉu buộc cô phải bỏ chạy đi. Cô không dám nhìn thẳng và người ta cho cô là đạo đức giả. Thần kinh cô luôn căng thẳng, dễ gây gổ và vì cô có một kiến thức rất cao nên cô luôn khoe khoang mình. Và không cần phải tài giỏi gì ta cũng đoán được lý do:

– Những kiến thức của cô thật phi thường, thưa cô… Tại sao vậy?

– (hằn học)… Thì ông thử đoán xem?

– Đã làm rồi.

– Thật à!

– Cái mà cô gọi là bệnh tật của cô, ngay từ nhỏ đã tạo cho cô cái mặc cảm tự ti, có phải không?

– Thưa ông, đúng vậy. (Vẫn hằn học). Nhưng xin ông cứ nói tiếp đi.

– (Thật nhỏ nhẹ)… được rồi, như vậy tôi sẽ thi lại tú tài đây…

– (Đột nhiên thật khiêm tốn) ồ, xin ông đừng tin như thế, tôi van ông. Nhưng vì tôi quá khổ sở trong cuộc đời…

– Đương nhiên rồi. Chúng ta vẫn còn đang nói về mặc cảm tự ti có phải không?

– Đúng vậy, thưa ông.

– Cô đã đau khổ cho những cảm thức tuyệt vọng, và vì nhục nhã; cô cảm thấy bị mọi người và mọi thứ đều xa lánh cô, có phải không? Cô phản kháng lại số phận của mình và như thế suốt ngày đêm…

– Đúng vậy, và đôi khi tôi còn muốn tự sát nữa kìa, thưa ông.

– Nhưng… cái mặc cảm tự ti đó không làm cho cô tĩnh tâm được. Cô cảm thấy mình rất cô đơn. Nên bằng bất cứ giá nào cô cũng phải tìm lại sự bình tâm… Nhưng ở đâu? Nơi cha mẹ cô à?

– Ồ không bao giờ? Nói cho đúng, cha mẹ tôi rất ghét tôi. Tôi đã nghe (lúc tôi mười tuổi) cha mẹ tôi cãi vã với nhau. Cha tôi nói về tôi như là “con của bà”… Tôi chỉ là một món đồ thừa mà người ta đang tìm kiếm người chủ… Và rồi tôi nghe mẹ tôi nói “Tôi cảm thấy nhục nhã khi phải đi với nó. Tôi thấy xấu hổ khi thấy người ta thương hại nó. Phải chi nó là một thiên tài thì đỡ biết mấy!”

– Và mọi thứ đã bắt đầu ngay từ lúc đó.

– Đúng vậy, thưa ông.

– Và rồi, Jacqueline, cô đã cắn răng lại. Cô không tiết lộ bất cứ điều gì với cha mẹ cô. Cô bắt đầu học hết sức mình, một mình trong sự phẫn nộ. Cô muốn trở thành một thiên tài kiến thức được thừa nhận. Sự tự tôn duy nhất của cô là kiến thức uyên bác mà cô đang có. Mà này, cô hãy nói cho tôi xem?… Vì thể chất yếu kém của mình nên cô muốn trả thù cha mẹ cô bằng sự kiệt sức của mình, có phải không?

– Đúng vậy… bây giờ khi nghĩ lại… tôi đã có ý nghĩ đó trong đầu rồi… Nhưng tôi luôn gạt nó qua một bên… tôi thường tự nhủ “nếu tôi chết đi là vì người ta muốn như thế. Thưa ông, điều này phức tạp hơn tôi nghĩ…

– Ồ không đâu, không đâu, cô Jacqueline, cô sẽ hiểu thôi…

– Cám ơn ông.

– Bây giờ, chúng ta hãy tiến xa thêm nữa chứ? Cô theo tôi kịp không?

– (Mỉm cười). Thập hấp dẫn.

– Như vậy, cô bắt đầu học một cách lén lút vào lúc tối, vào buổi sáng, không ngừng nghỉ. Mỗi điều gì đó học được cặn kẽ sẽ trở thành sự ưu thế của cô. Giống như một võ sĩ nhu đạo, cô có thể “hạ bệ” được bất cứ một đối thủ nào… và làm cho người đó phải bể mặt. Từng người một, theo cách cô nghĩ. Đó là vũ khí bí mật của cô.

– Đúng vậy, thưa ông. Tôi bị kiệt sức trong hai năm.

– À cô cũng mất khá nhiều thời gian đấy chứ! Với nhịp độ đó và cô đã đẩy lui sự mệt mỏi vì hai lý do:

1) Vì cô muốn trở thành một người uyên bác bằng bất cứ giá nào.

2) Một cách vô ý thức, để trừng phạt cha mẹ mình, cô muốn chết bằng sự mệt mỏi. Có phải vậy không?

– Thưa ông, không sai. Mà này, nghề nghiệp của ông lúc nào cũng phức tạp như thế sao?

– Đôi khi còn phức tạp hơn thế, Jacqueline à! Chúng ta hãy tiếp tục nhé. Như thế cô không ngừng thu thập kiến thức. Cô suy kiệt, trong sự im lặng tuyệt đối. Rồi sau đó cô tuôn các kiến thức của cô ra như những trái phá. Tôi đoán chắc cô đã đặt nhiều “câu hỏi hóc búa” cho các giáo sư của mình và vơ vét tất cả các giải thưởng…

– (mỉm cười, và cô cúi đầu xuống)… Ngoài trừ giải thưởng môn thể dục.

– Rồi cô cũng sẽ có thôi, Jacqueline. Các giáo sư, bạn bè, cha mẹ cô, tất cả mọi người đều nhìn cô sửng sốt. Và người ta không còn nói về khuyết tật của cô nữa, đúng không?

– Ồ không đâu!

– Nhưng tôi nghĩ chắc cô cũng chưa nói gì cho họ biết… cố làm ra vẻ ung dung giống như thể chuyện đó là tự nhiên và không tốn một chút công sức nào. Cái ưu thế thật sự của cô phải trả bằng cái giá đó có phải không?

– Đúng vậy, thưa ông, và tôi cứ tiếp tục như thế trong một thời gian dài…

– Nhưng không có người nào tâm sự với cô à? Không có người nào thấy chuyện đó… không tự nhiên sao?

– Ồ không! Họ quá hãnh diện để ngăn tôi lại. Ông thử nghĩ xem! Tôi đã trở thành một bách khoa toàn thư? Đó là cả một sự vinh quang cho cha mẹ và cho trường học của tôi.

– Ừ… cũng đáng nể đấy…

– Đúng vậy thưa ông.

– Và trong lúc kiệt sức, tuổi dậy thì đã đến với cô.

– Đúng vậy, và nhiều người bạn đã báo cho tôi việc này.

– Việc gì?

– Thì… tất cả mọi thứ.

– Rồi sao nữa?

– Thưa ông, rồi nhiều chuyện đã bắt đầu. Tôi bước chân vào một lãnh vực hoàn toàn xa lạ. Suốt thời thơ ấu của tôi, mọi người đều xa lánh tôi. Ông thử nghĩ xem! Một con lưng gù! Đôi khi tôi cảm thấy có nhiều mối hận thù hết sức khủng khiếp. Tôi muốn đập phá tất cả… đầu tôi cứ quay cuồng cho đến mức tôi phải ngồi xuống… Rồi sau đó tôi trở nên “uyên bác” (một tiếng hét phản kháng), nhưng dù sao tôi vẫn là một con lưng gù, một đứa lưng gù bẩn thỉu. Và rồi tôi trở thành một thiếu nữ, quen biết nhiều chàng trai. Tất cả bọn chúng cũng xa lánh tôi… chỉ trừ hai ba đứa che chở cho tôi… Và tôi cảm thấy sự che chở đó như một lời sỉ nhục khác vậy. Tôi tỏ ra bực mình với họ bởi vì họ không bao giờ muốn nghĩ đến việc…

– Nghĩ cô như một thiếu nữ. Ngoài ra tôi tin chắc cô thể nào cũng ném sự hiểu biết của mình vào mặt bọn họ như những gáo nước lạnh có phải không?

– Tôi muốn hạ thấp cái ưu thế nam giới của bọn họ.

– Và điều đó không kéo dài.

– Thưa ông, không. Bọn họ đã bỏ rơi tôi và tôi trở lại cô đơn như trước.

– Và cô bắt đầu thủ dâm từ khi nào.?

– (Mặt của Jacqueline đỏ như gấc. Cô nắm chặt hai tay lại và hơi chồm người lên. Nhưng cái “tính chủ trí” của mình, buộc cô phải xem thường vấn đề tình dục. Cô lại ngồi xuống và tiếp tục) Vào khoảng mười lăm tuổi…

– Cô có hối hận không

– Lúc đó thì không, sự hận thù thì đúng hơn. Bởi vì tôi trả thù một mình nên tôi càng kiệt sức hơn. Nhưng tôi đang học trong một trường công giáo. Một hôm, một nhà thuyết giáo ngoại quốc có làm một bài răn dạy về xác thịt. Ông biết không, lúc đó tôi mới có mười lăm tuổi… Tôi vẫn còn nghe nó vang rền bên tai. Tất cả mọi thứ đó đều có vẻ tàn nhẫn quá. Và tôi không bao giờ dám thú tội những gì tôi đã làm, bởi vì nếu như thế sẽ là những lời thú tội và rước lễ phạm thánh.

– Nhưng ông linh mục xưng tội của cô đã biết hết, có phải không Jacqueline?

– Đúng vậy, thưa ông. Nhưng lúc đó tôi mới có mười lăm tuổi và sau mỗi lần rước lễ phạm thánh như thế, (thật khủng khiếp) tôi có cảm tưởng như sắp sửa bị tiêu diệt vậy. Với mỗi bước đi, tôi luôn nghĩ sẽ bị trời đánh. Tôi cảm thấy nội tạng tôi như bị thối rữa vậy. Nó mãnh liệt đến mức tôi có cảm tưởng mình đang tiết ra một mùi tởm lợm, bắt tôi phải rưới dầu thơm lên người tôi để cho người ta không ngửi thấy mùi ấy. Hình bóng của ông linh mục làm cho tôi run sợ… Tôi luôn tin tưởng là mình đã mắc các chứng bệnh ghê tởm nhất trên đời nên tôi phải đọc các sách y khoa suốt nhiều giờ liền. Ở ngoài đường…(như một con điên)… tôi có cảm tưởng các nhân viên cảnh sát luôn nhìn theo tôi… Tất cả mọi chuyện đó kéo dài suốt năm năm liền: ông thử nghĩ xem, suốt năm năm trời, thưa ông! Tôi phải chịu tất cả những chuyện đó một mình và trong cuộc sống thường ngày, cha mẹ tôi không hề biết, không hề nghi ngờ điều gì cả. Thỉnh thoảng tôi bị ngất, bị chóng mặt, và cả việc mất trí nhớ nữa. Tôi không hề dám hé môi với bất cứ ai, ngoại trừ ngày hôm nay… và nó không quá khó như tôi đã tưởng… Sau năm năm như thế, đến lúc đó, tôi mới gặp lại một người bạn hồi thơ ấu đã bỏ xứ đi. Anh ta thật khả ái, rất tự nhiên… đến mức tôi cảm thấy thật xúc động… ông biết không, một người rất dễ mến? Tôi không hề kể cho anh ta nghe về tất cả mọi thứ này, nhưng trong một cơn suy nhược… anh ta đã ân cần bắt tôi phải đến gặp ông… và thế rồi… tôi đã có mặt ở đây… thưa ông. Tôi không còn cảm nhận cái thân thể của tôi nữa vì tôi quá mệt mỏi rồi… nhưng tôi cảm thấy người nhẹ bớt một phần nào khi đã nói ra hết mọi chuyện… và nhất là khi tôi biết rằng ông không bao giờ phán xét tôi…

Bây giờ Jacqueline đã lập gia đình và rất hạnh phúc. Chuyện cổ tích phải không? Không đời nào. Nhưng là câu chuyện thường nhật của mỗi con người. Ba nền khoa học đã can thiệp vào sự hồi phục này:

Trước hết là y khoa, để đem lại sự cân bằng cho thể trạng thần kinh của Jacqueline. Đồng thời một phương cách chữa trị tâm lý chuyên sâu để nhổ bỏ đi các mặc cảm như các chiếc răng hư. Người ta phải loại bỏ tình trạng lo âu của mười năm trời, các uẩn ức, các thù hằn và tức tối… Ở đây người ta phải uốn nắn lại một giới tính bị méo mó. Phải học hỏi cách thư giãn, học cách tiết kiệm sức lực. Sau đó một bác sĩ đã chữa được chứng vẹo cột sống. Tất cả những chuyện đó đã được thực hiện với sự tham gia nhiệt tình của cô gái đó, tất cả đã được thực hiện trong sự thành công! Chúc cô một cuộc sống vui tươi, Jacqueline!

SỰ KIỆT SỨC VÀ SỰ BỒN CHỒN

Tôi đã nói sự kiệt sức sẽ khởi động cho:

a) chứng suy nhược

b) sự bồn chồn

Trong sự bồn chồn, sẽ xuất hiện hai triệu chứng quan trọng:

a) Các phản ứng tình thế sẽ hỗn độn và bị cường điệu rất nhiều (phản ứng về cơ bắp, nói chuyện uyên thuyên…)

b) Người bồn chồn hành động như một con rối trước các thôi thúc mà không một thứ gì có thể ngăn chặn được để có lại được sự cân bằng cho phù hợp.

Hành động của người bồn chồn biến thành một chuỗi phản ứng đột ngột mà anh ta không tài nào kiểm soát được. Sự “tự chủ” đã biến mất.

Ngoài ra sự thoải mái hài hòa tạo ra sự năng động tự nhiên cũng biến mất luôn. Các cử động từng cơn và vội vả, lời nói như thác đổ. Chứng máy cơ (máy cơ trong cử động, nói lắp), các cơn đau thắt, co giật xuất hiện. Tất cả những thứ đó đương nhiên là phải tùy thuộc vào mức độ của sự bồn chồn.

Tôi xin báo điều này: các phản ứng co giật đó nhiều khi lại bị coi như là sự “dư thừa” năng lượng… Thế mà chúng hoàn toàn trái ngược.

Phải lưu ý ở đây! Người ta thường hay nghĩ sự “tự chủ là phải cắn răng lại để “tự chế ngự”. Điều này hoàn toàn sai lầm. Nếu việc chế ngự phải cần đến sức lực thì không còn là tự chủ bản thân nữa rồi. Việc tự chủ bản thân liền biến mất một khi cần đến sự cố gắng. Việc tự chủ thực thụ phải là sự thoải mái. Nó phải hiện ra như là hậu quả của một sức mạnh được phân bổ một cách hài hòa.

Với ý này, nó giống như ý chí vậy: mỗi khi một con người phải cần đến ý chí hay sự tự chủ… nó có nghĩa là người đó đang thiếu nó. Nếu không, tại sao phải cần đến nó kia chứ? Không đề cập đến các chi tiết thuộc về thần kinh học, ta cần phải hiểu rõ một cơ chế vận hành hết sức quan trọng của hệ thống thần kinh. Bởi vì chúng ta sẽ xem xét, từ cơ chế vận hành đó, người ta có thể rút ra các kết luận bao gồm sự cân bằng, sức khỏe, cách sống thường ngày hay của giáo dục.

Người ta thường cho rằng mỗi khi con người suy nghĩ thì tất cả bộ não phải hoạt động. Không đúng! Người ta nghĩ mỗi khi mình chú tâm vào một vấn đề nào đó, tất cả bộ não phải làm việc cật lực. Càng sai hơn nữa.

Trong sự tập trung tư tưởng, chỉ một phần nhỏ của bộ não làm việc mà thôi; tất cả phần còn lại bị phong tỏa và ngủ. Chúng ta sẽ thấy vì sao. Mỗi người chúng ta đều biết khi con người phải “tập trung” cho một bài báo hay việc học hành, người đó sẽ không còn nghe thấy những thứ khác. Những lời nói, lời phát thanh hay một cuộc đàm thoại dường như không hiện hữu. Chúng ta cũng biết trường hợp của ông giáo sư “đãng trí” (nghĩa là đang tập trung vào một vấn đề) và không hề thấy một chiếc xe hơi chạy hết tốc lực đến người mình. Ở một đoạn xa hơn, chúng ta sẽ thấy trường hợp của định kiến và người này không còn biết gì khác ngoài ý nghĩ của mình. Tại sao?

MỘT CƠ CHẾ VẬN HÀNH TUYỆT VỜI.

Ngay lúc hệ thống thần kinh nhận được một “thông tin”, nó liền tự động khởi phát hai phản ứng quan trọng:

a) nó hướng thông tin đó đến thẳng những trung tâm thần kinh liên quan đến thông tin đó. Đó là hiện tượng tạo lực hay dynamogénie (của từ dunamis = lực; và gennân = sinh ra, engendrer). Đường dẫn này kích thích các trung tâm thần kinh liên quan đó. Đến lượt nó, sự kích thích này tạo ra lực cần thiết cho hành động ngay lúc đó.

b) đồng thời, hệ thống thần kinh khóa các trung tâm không liên quan đến hành động lúc đó. Như thể nó cố ngăn chặn tất cả mọi hành vi không liên quan đến hành động đó.

Đó là hiện tượng trì hoãn.

Như thế việc trì hoãn này là một sự phong tỏa, như vậy là một giấc ngủ.

Những trung tâm thần kinh không tham gia vào hành động đó nghỉ ngơi.

Như thế này đây:

Thí dụ: Giả dụ chúng ta đang tham dự một hội nghị.

a) Diễn giả là một điểm đang phát ra các thông tin (về thị và thính giác…).

b) Hệ thần kinh truyền các thông tin đó đến các trung tâm thần kinh liên quan.

c) Các trung tâm thần kinh đó bị kích thích; chất kích thích đó đến các trung tâm dưới dạng xung điện. Như vậy người nghe phải chú ý hay tập trung tư tưởng.

d) cũng trong lúc đó, các trung tâm không có liên quan đến những thông tin của lúc đó ngủ, và phần còn lại của vỏ não ngừng hoạt động (nghỉ ngơi)

Chúng ta phải ghi nhớ quy tắc sau đây: sự kích thích một phần hệ thống thần kinh luôn tự động kéo theo sự ngăn chặn toàn bộ phần còn lại. Trong bộ não: phần bị kích thích nhỏ chừng nào thì phần bị ngăn chặn lớn chừng đấy. Sau đây là sơ đồ của vài tình trạng sáng suốt tối đa của bộ não, và theo đó là phần ngăn chặn tối thiểu (phần nghỉ ngơi).

Mộng mơ

Trong lúc mộng mơ, bộ não không bị thu hút bởi bất cứ một đề tài đặc biệt nào. Đây là trạng thái bị bỏ rơi và chủ thể là khán giả của những cảm giác đang xảy ra trong bộ não.

Vì vậy sự mộng mơ không nhắm vào bất cứ một điểm chính xác nào. Như thế sẽ có rất nhiều “thông tin”. Vì vậy bộ não tỉnh táo tối đa, nên sự phong tỏa tối thiểu. Sự mộng mơ đôi khi là nơi trú ẩn cho các người yếu đuối. Tuy nhiên có một dạng khác cao hơn sự mộng mơ: đó là sự trầm tư.

Sự trầm tư.

Về mặt thần kinh, việc trầm tư cũng giống như mộng mơ. Tôi biết chắc là thường khi người ta lẫn lộn “trầm tư” với “tập trung”. Không có gì sai lầm hơn thế. Sự trầm tư thực thụ không có nghĩa là phải (cố gắng) nghĩ đến chính xác một cái gì đó. Trái lại sự trầm tư để cho bộ não “trôi nổi” quanh một đề tài tổng quát. Như vậy một người đang trầm tư phát thụ động, bộ não anh ta nhận rất nhiều cảm giác. Vì thế đây là sự “mộng mơ” trong chiều sâu. Và “sự bay lượn” của bộ não cùng số trung tâm thần kinh đang hoạt động giúp cho các ý nghĩ triển khai một cách dễ dàng. Tâm trí lúc đó như biến thành một loại “men tổng hợp” mà không một chút cố gắng nào. Tâm trí lúc đó thông suốt một cách dễ dàng mọi lãnh vực. Sự tiếp nhận và sự sáng suốt thật tuyệt vời.

Trầm tư có thể là mức cao nhất của tư tưởng con người. Tư tưởng sáng suốt, bao quát một phạm vi rộng lớn một cách thoải mái. Sự tiếp nhận ở mức tối đa trong khi sự phong bế thì tối thiểu.

Sự chú ý.

Chú ý có nghĩa là chú ý đến một việc gì. Ở đây tâm trí đã nhắm vào một việc gì đó, về một hay nhiều điểm chính xác (chẳng hạn như một hội nghị). Chú ý là phải tập trung nhưng ở một mức độ thấp hơn. Bởi vì sự chú ý chỉ hướng về một điểm duy nhất nên các thông tin được dẫn đến vài trung tâm mà thôi. Và sự ngăn chặn tự động được thực hiện. Đương nhiên là sự chú ý có nhiều mức độ khác nhau: chúng đi từ chú ý phân tán (một học sinh lơ đãng) đến sự chú ý cố định (chú ý theo dõi một hội nghị). Tiến xa hơn nữa, chúng ta rơi vào sự tập trung.

Sự tập trung

Tập trung có nghĩa là cố gắng chú ý đến một điều duy nhất (chẳng hạn một vấn đế nan giải). Như vậy phần bộ não đang hoạt động rất hạn chế, mà đó cũng là điều dễ hiểu bởi vì sự chú ý chỉ nhắm vào có một điểm duy nhất (chỉ một thông tin mà thôi). Vì thế các trung tâm thần kinh bị phong tỏa rất rộng. Chính lúc đang chú ý cao độ mà bộ não được nghỉ ngơi. Điều đó cắt nghĩa cho chúng ta biết tại sao, khi tập trung tư tưởng, một người sẽ không bao giờ chú ý đến những gì xảy ra quanh mình. Anh ta không chú ý đến bất cứ điều gì bởi vì các trung tâm thần kinh bị khoá chặt không cho phép anh ta nhận bất cứ các thông tin nào khác (tiếng động, ra dô, lời thoại). Nếu chúng ta đẩy xa sự tập tung đến mức bệnh lý, chúng ta sẽ có sự định kiến.

Định kiến.

Định kiến (kể cả sự ám ảnh, sự nghiền ngẫm tâm trí, v.v…) là sự tập trung không chủ tâm và bệnh hoạn. Chúng luôn chỉ nhắm vào một vấn đề duy nhất. Vì vậy vài trung tâm thần kinh bị kích thích cao độ và làm việc cho đến mức kiệt sức. Định kiến chỉ đại diện cho một thông tin, luôn chỉ mỗi một thông tin, vì thế một phần rất nhỏ của bộ não phải làm việc một cách thái quá, phần còn lại được nghỉ ngơi. Vả lại người ta biết người có định kiến không thể nào nhận biết bất cứ điều gì khác. Tôi sẽ nói lại vấn đề này.

Tóm tắt:

  

   

  

  Vùng não đang hoạt động

  

  Vùng bị phong tỏa

  

  Trường sáng suốt và ý thức

  

   

  

  Rộng lớn

  

  Hạn chế

  

  Rộng lớn

  

  Mộng mơ và trầm tư

  

     

  

  Chú ý

  

  Tập trung

  

   

  

  Rất hạn chế

  

  Rộng lớn

  

  Gần như không

 

Nếu sự tập trung kéo dài quá lâu.

Chúng ta đều biết sự tập trung là một hành vi rất mệt nhọc. Đó là điều hiển nhiên bởi vì các trung tâm thần kinh đang hoạt động bị kích thích dữ dội. Vì vậy chúng chóng bị suy kiệt. Cũng vì thế mà chúng ta thấy nhiều sinh viên đang “học gạo” (quá tập trung) bất ngờ lăn ra ngủ. Mệt toàn diện chăng? Không phải, đó chỉ là sự suy kiệt các trung tâm thần kinh sau một một hoạt động cao độ kéo dài.

Vì vậy, bất cứ sự tập trung nào cũng phải bị ngắt ngang bởi các giải trí. Tại sao thế?

Bởi vì một trò tiêu khiển đương nhiên là một tình huống hoàn toàn khác đối với sự tập trung ban đầu. Vì thế trò tiêu khiển này sẽ là một “thông tin” khác. Nó sẽ được hướng đến các trung tâm thần kinh khác (mà trong lúc tập trung đã bị trì hoãn, hoặc nghỉ ngơi). Đến lượt các trung tâm thần kinh này bị kích thích trong khi các trung tâm thần kinh phải làm việc trong lúc tập trung trở nên bị trì hoãn, nghỉ ngơi và lấy lại sức

Sự tập trung ngăn cản sự sáng suốt.

Thế nào là sáng suốt? Đây là một sự tri giác rõ ràng, rộng lớn, một sự cảnh giới yên lành trải rộng mọi hướng. Sự sáng suốt này buộc (là điều dễ hiểu thôi) một số lớn trung tâm thần kinh phải hoạt động. Như vậy một người đang tập trung cao độ không thể sáng suốt được… bởi vì ba phần tư bộ não anh ta không hoạt động.

Tôi cũng hiểu đôi khi sự tập trung cũng rất cần thiết. Chúng ta nên hiểu điều này: thế khi nào một người phải tập trung? Khi anh ta cảm thấy có nhiều khó khăn để lĩnh hội một vấn đề. Như vậy tập trung có nghĩa là cố gắng lớn. Cố gắng quá mức có nghĩa là “thiếu tự chủ”. Việc thiếu tự chủ này đến lượt nó cho thấy sự thiếu thoải mái và thiếu sự phóng khoáng của tư tưởng.

Kết luận như thế nào? Một lần nữa sự thoải mái tinh thần là ưu tiên hàng đầu. Nó triệt tiêu nhu cầu tập trung. Nó cho phép ứng biến với vấn đề đó, cho phép nhìn thấy (như sự trầm tư) các dữ kiện xa xôi có liên quan đến nó. Hơn nữa sự thoải mái làm xa lánh sự mệt mỏi bởi vì nó để mở một phạm vị ý thức rất rộng! Nhiều thông tin khác nhau có thể đến được bộ não đang rất tỉnh táo, do đó sự sáng suốt đôi khi trải dài đến vô tận.

Các chứng co rút tinh thần.

Sự bướng bỉnh, ngoan cố, các quan điểm kiên định đều phải tuân theo một sự vận hành như nhau. Sự bướng bỉnh và ngoan cố không khác gì định kiến. Một người bị chế ngự bởi một quan điểm cố chấp, bởi một thành kiến, không khác gì như bị một “cây đinh” đóng vào trong đầu. Sự ngoan cố đó sẽ là “một thông tin” duy nhất và tuân thủ theo các định luật thần kinh của sự tập trung và định kiến… một phần nhỏ của bộ não làm việc… trong khi phần rất lớn còn lại được nghỉ ngơi.

Chắc tôi không cần phải nói rằng một người ngoan cố tuyệt đối không thể nào sáng suốt được, bởi sự thu hẹp của phạm vi ý thức. Nếu muốn, người ta có thể coi sự ngoan cố như là một trạng thái không chủ ý của sự tập trung… và không hề có chút một kết quả thực dụng nào.

Chúng ta biết có rất nhiều người hiểu biết rất ít thứ, nhưng cứ bám lấy chúng với năng lực tuyệt vọng. Đương nhiên là một khi người ta chỉ có vài định kiến, người ta phải cố giữ nó như giữ vài đồng tiền đang có trong túi. Ngoài ra, có biết bao nhiêu người bướng bỉnh chỉ vì “nội tâm” của họ luôn quanh quẩn vài vấn đề cảm xúc không thể giải quyết được? Liệu chúng đã trở thành chứng co rút tinh thần chưa?

Và bạn thấy đó, điều tệ hại nhất là những người đó lại đang ngủ. Nhưng giống như tất cả những người đang ngủ, họ không thể nào biết được những gì họ đang làm… Và họ đi lòng vòng, bị ngăn chặn bởi các quan điểm–co rút như một con sóc bị nhốt trong lồng… nhưng vẫn cứ nghỉ mình đang sáng suốt. Nhưng cũng vì sự bướng bỉnh ngăn chặn một phần lớn bội não của họ nên không một thông tin nào khác có thể đạt tới. Có khi nào bạn đã vô vọng cố thuyết phục một người bướng bỉnh chưa?

Ngoài ra, cái từ bướng bỉnh mang một nghĩa rộng lớn hơn tôi nghĩ. Một người cứ bám lấy các ý tưởng thành kiến là một người bướng bỉnh. Một người biết quá ít thứ mà cứ bám lấy chúng là một người bướng bỉnh. Một người cứ loanh quanh mãi một vấn đề nội tâm là một người bướng bỉnh. Một người không thể thấy cái gì khác hơn là “Cái Tôi” là một người bướng bỉnh.

Phải thư thái.

Nhiệm vụ làm người của chúng ta là bắt buộc chúng ta luôn phải đặt ra các câu hỏi. Vì thế chúng ta luôn phải cảnh giác vấn đề bướng bỉnh có thể có của chúng ta… Chúng ta hãy tự hỏi: ngay lúc này đây, tôi có đang bướng bỉnh không? Dù cho tôi chưa nhận thấy nó ngay? Có phải tôi bướng bỉnh vì tôi đang mệt và điều này đã thu hẹp phạm vi ý thức của tôi không? Hay bởi vì tôi bực bội? Có phải tôi đang bướng bỉnh bởi vì vấn đề đó làm cho tôi sợ không? Bởi vì vấn đế đó tương ứng với một việc mà tôi luôn dồn nén không? Có phải tôi bướng bỉnh bởi vì tôi cứng người vì nhút nhát không? Bởi vì tôi là một người hay gây gổ? Bởi vì tôi thấp hèn nhưng tôi muốn tự khẳng định mình? Có phải tôi bướng bỉnh bởi vì ý kiến của tôi làm cho tôi được an toàn? Vấn đề đó được trình bày hết chưa? Có phải tôi chắc chắn đã không xem xét nó một cách sai lệch qua “Cái Tôi” của tôi không?

Bởi vì, một khi phạm vi sáng suốt bị thu hẹp lại, sự ngoan cố có nguy cơ xuất hiện. Vì thế chúng ta thấy việc phải thoát ra khỏi các co cứng tinh thần và các thái độ được điều khiển bởi một cảm xúc lệch lạc hay cứng nhắc, là quan trọng đến mức nào. Luôn phải cảnh giác không ngừng biết bao: một sự cảnh giác bình thản và bao quát giống như một máy ra đa lục soát bầu trời… Thoải mái là rất quan trọng, thoải mái về mặt thể chất cũng như tinh thần, nới rộng tầm nhìn; hãy trút bỏ khỏi chúng ta bất cứ thứ gì có thể thu hẹp phạm vi ý thức và đóng một cánh cửa vào bộ não để cách ly nó với các khả năng khác của con người.

Bằng cách nào hệ thần kinh đã tạo ra sự suy nhược hay sự bồn chồn.

Hệ thần kinh có thể được xem như một chính phủ. Giống như một nhà phối hợp, nó thúc đẩy sự kích thích tạo lực và giấc ngủ theo nhu cầu của thời điểm đó.

Chuyện gì đã xảy ra khi có tình trạng kiệt sức? Cái chính phủ đó bị đầu độc vì mệt mỏi, thả cho các thông tin tự do qua mà không có sự kiểm soát. Đó là tình trạng vô chính phủ hoàn toàn. Đương nhiên một vỏ não hoạt động tốt phải tùy thuộc vào các tế bào thần kinh trong tình trạng tốt, và cũng phải tùy thuộc vào sự hướng dẫn chính xác của hệ thần kinh.

Nếu có sự kiệt sức, các đường dẫn đó bị phân phối một cách bất thường. Trong trường hợp mà chúng ta đang quan tâm sẽ có:

a) hoặc một ưu thế bất thường của trì hoãn, đó là suy nhược.

b) hoặc một ưu thế bất thường của sự kích thích, đó là sự bồn chồn.

Trong sự bồn chồn, các trung tâm thần kinh sẽ phản ứng quá mức với các thông tin nhận được: sự trì hoãn tự nhiên không còn nữa. Người bồn chồn không thể nào chế ngự được các thôi thúc không cần thiết. Các hành động của anh ta dường như được khởi động bởi các lò xo thật mạnh trong khi các tình huống (thông tin) không hề cần đến.

Vả lại hành vi của một người bồn chồn cho thấy sự kiểm soát ý chí của anh ta rõ ràng đã suy kém. Tại sao vậy? Bởi vì một ý chí thực thụ đòi hỏi một sự vận hành chính xác của các tế bào thần kinh (thoải mái), mà đến lượt nó lại phụ thuộc vào sự hoạt động hài hòa của toàn bộ hệ thần kinh. Và vì thế mà một người bồn chồn không thể nào kiềm hãm lại các phản ứng bị điều khiển của một bộ não hỗn loạn được. Chúng ta sau này sẽ xem xét làm sao “cái thắng đó” tùy thuộc vào sự hoạt động tốt của não bộ.

Người bồn chồn “cảm thấy khỏe hơn” người suy nhược.

Trong sự bồn chồn, các ý nghĩ đen tối đều biến mất và thay vào đó là các trạng thái thật vui tươi và hào hứng. Một sinh khí đáng kể dường như vừa khởi phát. Đã biến mất: cảm giác không hoàn hảo, cảm giác thấp hèn, sư ngờ vực, do dự. Người bồn chồn không còn do dự, không ngờ vực, trở nên tự tin như là một kẻ chiến thắng. Nhưng tuy vậy, các cảm giác khó chịu của sự mệt mỏi tột độ thì vẫn còn hay đã tăng lên.

Trong khi người suy nhược quá bình thản (ức chế) thì người bồn chồn lại hoạt động thái quá (kích thích). Nhưng năm phút sau đó hay một năm sau sự bồn chồn đó sẽ lại biến dần thành sự suy nhược mà điều này sẽ mãnh liệt hơn vì người bồn chồn đã tiêu hao hết các năng lượng dự trữ.

NGƯỜI KIỆT SỨC (BỒN CHỒN) ĐÔI KHI ĐƯỢC THƯỞNG

Có thể nào người ta nghĩ một người kiệt sức được thưởng không? Không phải cho sự kiệt sức đó, mà chính tại vì nó? Chúng ta hãy xem xét vấn đề này kỹ hơn một chút và nhìn lại bảng so sánh ở trong phần trước bằng cách quan sát cho kỹ phần bên phải.

Người kiệt sức thì bồn chồn. Đó là điều hiển nhiên. Anh ta lăng xăng, nói huyên thuyên, tỏ vẻ rất tự tin, tỏ ra sôi động, tràn đầy năng lượng và sức lực.

Xã hội quan sát vẻ bên ngoài của anh ta chỉ thấy cái vỏ bánh chứ không thấy được phần nhân bên trong. Đó là điều thứ nhất.

Điều thứ hai: đôi khi ý chí và sinh lực bị xem một cách sai lầm như thế này đây:

– Nhiều hoạt động liên tục – cố gắng không ngừng nghỉ – tập trung vô tận – cắn răng chịu đựng – không biết mệt mỏi – có năng động – áp đặt sự hiện diện của mình.

Nếu chúng ta nhìn các sự việc theo góc độ đó, thì người bồn chồn biểu lộ tất cả các khía cạnh của sinh lực và ý chí. Anh ta sẽ được liệt vào loại những người “có nghị lực” và “kiên quyết”. Người ta không hề nghĩ đến một người tiều phu, mạnh mẽ và bình thản, lại vui đùa đi làm một trăm cử động hơn là chỉ làm một mà thôi.

Thế mà người bồn chồn lại làm chính điều đó.

Như vậy người ta thường xuyên chấp nhận vẻ bên ngoài như là một sự thật.

Người ta lầm tưởng người bồn chồn là:

– Rất mạnh: trái lại, anh ta đã suy yếu (bị kích thích quá độ vì suy nhược thần kinh).

– Rất nghị lực trong khi anh ta thiếu sinh khí.

– Không biết mệt mỏi, trái lại anh ta tỏ ra không biết mệt chỉ vì anh ta không còn khả năng để ngừng nghỉ nữa (kích thích).

Vậy người ta sẽ kết luận như thế nào với các suy diễn sai lầm kia Người ta ngưỡng mộ và khen thưởng anh ta. Bởi vì người ta tưởng mình rất năng động và rất cương quyết. Người ta cũng sẽ nói anh ta lúc nào cũng cố gắng hết sức mình. Nhưng anh ta không thể nào làm khác hơn được! Tôi xin nhắc lại là sự cố gắng xuất hiện một khi sự tự chủ biến mất.

Một nhạc sĩ dương cầm, rất điêu luyện trên mặt đàn, biểu diễn không một chút gắng sức một bản nhạc của Chopin. Anh ta là bậc thầy trong vấn đề này và rất thoải mái. Nếu sự mệt mỏi xuất hiện, sự tự tin và thoải mái biến mất, nhường chỗ cho sự cố gắng và tập trung. Đến lúc này người nhạc sĩ không còn là thầy của bản nhạc nữa mà trái lại bản nhạc trở thành thầy của anh ta. Người nhạc sĩ không còn “biểu diễn” nữa, trái lại anh ta đang cố gắng “chế ngự”; có nghĩa là anh ta đang cố chế ngự chính mình bởi vì anh ta cảm thấy sự thoải mái cần thiết đã xa rời đâu mất rồi…

ĐÔI KHI NGƯỜI BỒN CHỒN KHINH BỈ NGƯỜI SUY NHƯỢC

Nếu không muốn nói là buồn, tôi nhận thấy việc này rất khôi hài, bởi vì người bồn chồn và người suy nhược không khác gì nhau về mặt thần kinh học. Nếu so sánh hai việc đó với một đồng tiền, tôi có thể nói sự suy nhược là “mặt hình” còn sự bồn chồn là “mặt chữ”. Sự suy nhược và sự bồn chồn được đặt trên cùng một nền tảng; chỉ có các hành vi bên ngoài mới khác mà thôi.

Chúng ta cũng sẽ nhận thấy điều này với sự nhút nhát và tính hay gây hấn.

Nhưng chuyện gì đang xảy ra? Người suy nhược có một hành vi hướng ngoại cho thấy rất rõ tình trạng nội tâm của anh ta. Những cái gì ẩn chứa bên trong, anh ta biểu lộ chúng ra ngoài. Anh ta suy nhược và người ta thấy anh ta suy nhược, như vậy mọi thứ có vẻ tự nhiên. Chúng ta có ở đây một người suy nhược thực thụ.

Nhưng điều đó không còn như thế đối với người bồn chồn, trái lại. Dù cho anh ta suy nhược đi nữa, nhưng hành vi bên ngoài dường như cho thấy một việc hoàn toàn trái ngược… Chúng ta đã thấy đó. Người ta cho anh ta dồi dào sức lực, và tôi cũng đã thấy rất nhiều người bồn chồn mắc vào trò chơi này… và tưởng đây là sự thật. Sau đó lý luận như sau: “Nếu tôi có nhiều sinh lực như thế, nếu tôi năng động đến thế, bởi vì tôi muốn như thế. Tôi đã cắn răng lại và mọi thứ liền trôi chảy”.

Quả thật, mọi thứ đã trôi chảy. Hệ thống thần kinh bị rối loạn đã đơn giản thay đổi các đường dẫn; sự ức chế quá mức đã trở thành một sự kích thích quá mức không kém. Thế mà người bồn chồn lại mệt mỏi hơn người suy nhược thực thụ. Cũng tự nhiên thôi vì người suy nhược “bị ức chế” giảm thiểu các hành động của mình và tỏ ra lề mề. Trong khi người bồn chồn nói, chạy, hoạt động không ngừng nghỉ, hao phí vốn liếng và lợi tức… mà không cần đếm xỉa gì tới, bởi vì anh ta không còn biết tình trạng sâu kín thật của mình. Thế anh ta phải làm gì đây? Anh ta khinh người anh của mình, anh chàng suy nhược, Tại sao vậy? Bởi vì anh ta cho rằng người kia không “có khả năng vượt qua sự suy nhược của mình để đương đầu với thử thách”.

Như vậy, ở đây chúng ta có một vấn đề với hai anh em sinh đôi mà người này nói với người kia “Tôi à… tôi không còn giống anh nữa rồi”. Thật vô lý và đáng tiếc hết sức. Không những cho tình trạng không hiểu biết mà người suy nhược vẫn phải chìm đắm vào, nhưng kể cả trò chơi sai lầm của người suy nhược–bồn chồn, và điều đó với tất cả mọi thứ thiện ý nhất trên đời. Nhưng tình trạng kiệt sức vẫn đứng đó canh chừng cho đến ngày hệ thống thần kinh lại thay đổi các đường dẫn. Người bồn chồn lúc đó lại rơi vào tình trạng suy nhược. Và tôi cũng thấy đối với rất nhiều người, đây là sự bắt đầu hiểu biết lại tìm lại sự khôn ngoan và học lại cách sống ở đời.

Trường hợp của một công nhân trong nhà máy.

Chúng ta đang ở trong một nhà máy… cho là sản xuất giấy đi. Ở điểm xén giấy có một anh chàng công nhân trẻ. Trong suất tám giờ liền, anh ta cầm các ram giấy (năm trăm tờ khổ lớn) để phía sau anh ta. Anh ta lấy giấy lên với một tiếng “Hự” của cả sức lực của mình. Rồi để nó lên một cái bàn ở bên phải. Chỉnh cái máy lại, nhận một cái nút và giấy đã được xén theo ý muốn, cầm các khối đó để chồng lên nhau. Tất cả những việc này là công việc tự nhiên của một người thợ xén giấy.

Nhưng hãy quan sát anh ta kỹ hơn một chút.

Người thợ này làm gấp ba lần công việc của một người bình thường cùng làm công việc đó. Anh thợ của chúng ta rất gầy, có chứng giựt gân. Anh ta đổ mồ hôi. Hành vi của anh ta chứng tỏ anh ta rất cố gắng. Cứ mỗi hai phút anh ta tu bình nước của mình. Chúng ta hãy đọc hồ sơ y khoa của anh ta: mắc chứng suy nhược, sức lực yếu kém, suy nhược thần kinh và lao lực.

Bây giờ chúng ta hãy xem xét điểm làm việc của anh ta: rất nhiều điểm khen thưởng cho công việc làm; điểm khen thưởng cho sản xuất; khen thưởng thường niên. Tôi hỏi sếp anh ta: “Anh ấy hả? Một hiện tượng đấy! Anh ta làm việc không ai bằng! Anh ta không hề ngưng tay, anh có thể tin tôi đi (Tôi tin ông ta chứ). Anh ta dường như không biết mệt là gì. Anh ta làm việc không ngừng tay. Anh ta là người thợ giỏi nhất trong toán đấy.

Trong trường hợp này, đây là người thợ giỏi nhất… bởi vì anh bị bệnh nặng nhất.

Tôi hỏi anh ta:

– … Tôi hai mươi ba tuổi và có hai đứa con.

– Anh lập gia đình vào lúc mấy tuổi?

– Hai mươi tuổi.

– Hùm… anh không thể chờ đợi lâu hơn nữa à?…

– (Anh ta mỉm cười). Ồ tôi cưới vợ… đương nhiên bởi vì tôi yêu người vị hôn thê của tôi… Nhưng…

– Nhưng sao?

– Nhưng cũng để thoát ra khỏi gia đình tôi.

– Tiếc là điều đó cũng thường xảy ra mà.

– Đúng vậy, tôi biết chứ. Nhưng tôi cũng phải nói với ông là tôi được người mẹ kế dạy dỗ.

– Anh có biết mẹ ruột anh không

– Không.

– Thế ba anh là người như thế nào?

– Ồ, là một người độc tài, rất độc đoán. Ông ta lúc nào cũng nhắc đến sự kém thông minh của tôi nhưng chính bản thân tôi, tôi biết là tôi đâu có ngu đến thế. Ông có thấy tôi ngu không?

– Đương nhiên là không rồi, chỉ cần nhìn thôi cũng đủ biết.

– Cám ơn.

– Không có chi. Nếu anh là người thông minh thì cũng đâu phải là lỗi của anh có đúng không? Như thế cũng đâu có gì để khoe khoang đâu.

– Đúng vậy.

– Chúng ta tiếp tục chứ

– Đương nhiên rồi. Nói cho cùng, ba tôi cũng thương tôi lắm, nhưng ông ta thuộc loại “thiếu cá tính”, ông hiểu không?

– Tôi hiểu chứ. Nếu không ông ta đâu có bạo ngược đến thế, anh bạn. Và bà vợ sau của ông ta không thương anh chứ gì?

– Không thương à? Bà ta thù tôi thì có. Bà ta không bao giờ bỏ qua bất cứ một cơ hội nào để nhục mạ tôi, cố làm cho tôi tin tôi là một thằng chẳng ra gì, tôi là một vật cản giữa bà ta và bố tôi. Không một ngày nào mà tôi không cảm thấy bị ruồng bỏ và thù ghét một mình trong góc kẹt với lời cấm tuyệt đối không được bước chân ra ngoài. Và tôi phải sống suốt mười lăm năm như thế đó.

– Ngày này qua ngày khác.

– Đúng vậy. Ngày này qua ngày khác. Và còn có những ngày thật nặng nề nữa chứ! Nó quá… tuyệt vọng đến mức người ta không còn từ nào để diễn tả được. Người ta chỉ có mỗi một niềm ao ước, là phải thoát ra cho bằng được. Ông có hiểu không?

– Đương nhiên rồi. Anh có theo một tôn giáo nào không?

– Không có, nhưng đúng hơn là không còn nữa. Nhưng tôi đã được nuôi dưỡng trong đạo Tin lành. Khi nghĩ lại, thật không khôi hài chút nào. Bị kèm chế như thế… và để trả thù, tôi ăn cắp đường, kẹo để trốn ăn trong góc kẹt của tôi. Tôi nhớ rất kỹ là tôi tự nhủ với mình như thế này “như thế mình vẫn có được những thứ này và các người không bao giờ biết được”.

– Đương nhiên rồi, cũng như nhiều đứa trẻ khác thủ dâm vậy mà.

– Tôi cũng làm thế nữa.

– Thường xuyên không?

– Ồ gần như mỗi ngày.

– Với cái cảm thức tội lỗi chứ? ý tôi muốn nói: anh có cảm thấy mình có tội không?

– Đúng vậy… quả thật đúng vậy.

– Có tội đối với ai? Với đạo của anh? Với ba anh?

– Hùm… việc này hơi khó nói. Tôi cảm thấy ghét ba tôi, nhưng…

– Nhưng anh cảm thấy có tội khi thù ghét ông ta bởi vì ông ta là ba của anh. Anh có cảm thấy có tội khi ghét bà mẹ kế anh không”?

– Ồ đương nhiên là không đời nào. Đối với bà ta tôi thù ghét hết mình. Đó là những gì còn lại nơi tôi.

– Anh có sợ ba anh không?

– Có chứ… điều đó không thể tránh được. Mỗi lần tôi thấy ông ta, bụng tôi quặn lại. Tại bàn ăn, tôi luôn buồn nôn. Cuối cùng, mỗi tiếng động nhỏ nào cũng làm cho tôi giật mình. Và thật kỳ lạ… tôi luôn kính nể ba của tôi.

– Anh bạn ơi… chúng ta luôn kính nể một người nào đó…và anh chỉ có mỗi một mình ông ta mà thôi… và dù thế nào đi nữa, anh vẫn cố đặt ông ta lên bệ để thờ. Hồi lúc ở nhà cha mẹ, anh có mắc các chứng suy nhược thần kinh không?

– Lúc mười lăm tuổi, người ta đã bắt tôi sống một mình ở đồng quê trong một thời gian, nhưng ông biết không, chúng tôi không đủ tiền. Vả lại lúc đó tôi đã đi làm rồi.

– Rồi sao nữa?

– Sao nữa à? Thật là khủng khiếp. “Suy nhược thần kinh”, họ bảo tôi như thế, suy nhược thần kinh? Nó có đáng cho một việc ngu xuẩn không chứ/ Mày có đau ở đâu không, có à? Mày có đau ở bụng không? Mày có đau dạ dày không? Ông bác sĩ có nói với chúng tao là về thần kinh. Thế là điều tưởng tượng rồi! Mày phải cố gắng lên chứ! Hiểu không! Tao sẽ cho mày biết thế nào là “suy nhược thần kinh”! Hãy cố lên… đúng ra tôi phải tiếp tục. Tôi không hiểu tôi đã làm được bằng cách nào nữa… ông hiểu chứ?

– Anh bạn ơi… đương nhiên rồi…

– Câu chuyện là như thế đó.

– Thêm một câu hỏi nữa. Anh sợ bố anh đấy chứ?

– Đúng vậy, tôi đã nói rồi mà. Tại sao?

– Và bây giờ, anh có sợ sếp anh không?

– Sếp tôi à? Có chứ, tôi không có gì để giấu cả. Đối với một người to họng như thế… tôi có cảm tưởng như đang đứng trước mặt bố tôi vậy…

Tất cả sự không hiểu biết về con người đã trở nên rõ ràng và thảm thương. Sản phẩm của sự thiếu hiểu biết đó đang đứng đằng sau một cái máy xén để tăng tốc sản xuất, dưới đôi mắt của một người chỉ huy hung hăng hay la lối, luôn cảnh giác.

Vì thế, người công nhân xén giấy, bị xúc động, sợ sệt, run rẩy và bồn chồn, làm việc cật lực. Không ngừng nghỉ. Sợ bị đánh giá sai, sợ bị mất việc làm vĩnh viễn. Sợ một lời nhận xét của cấp chỉ huy, khiến cho anh ta phải nghiền ngẫm trong suất nhiều ngày đêm. Người công nhân làm việc, thật mau, không chê vào đâu được. Mau hơn nữa và xuất sắc hơn nữa. Cỗ máy chạy thật trơn tru. Lượng sản phẩm cứ tăng vọt. Và vì lượng sản phẩm được tính bằng điểm thưởng lúc cuối năm, nên người thợ cắt xén chỉ cần mở túi ra mà đựng. Các điểm thưởng rơi vào một cách dễ dàng. Và trên cái áo lao động ướt đẫm sự sợ sệt và xúc cảm, có thể người ta sẽ gắn vào đấy một huy chương, một tưởng thưởng vô lý cho một sự thiếu hiểu biết vô lý không kém…

CÁCH CHỮA TRỊ CHỨNG SUY NHƯỢC

Trước hết phải tìm cho ra:

a) bản chất của tình trạng suy nhược và tôi cũng xin nhắc lại từ “suy nhược” là một thuật ngữ chung. Vì thế chúng ta phải gở cái vỏ lên để nhìn vào vết thương.

b) các nguyên nhân của vết thương. Và chính từ đó mà người ta bắt đầu cách chữa trị. Một cuộc khám tổng quát là rất cần thiết (đặc biệt về thần kinh, về thể dịch, thận và gan). Sau đó một cuộc trắc nghiệm tâm lý học sẽ cho thấy nếu có các nguyên nhân tâm lý đã gây ra sự kiệt sức và suy nhược. Khoa tâm lý học cũng sẽ được áp dụng để xem có các rối loạn tinh thần bộc phát ngay sau chứng suy nhược không.

Chúng ta biết hai hiện tượng chủ yếu của hệ thần kinh: sự tạo lực và sự trì hoãn. Việc phục hồi sự cân bằng tuyệt vời của hệ thần kinh sẽ là mục đích cuối cùng của việc chữa trị.

Đương nhiên là việc chữa trị bằng tâm lý phải được thực hiện ở chiều sâu. Một liệu pháp tâm lý bề mặt không giúp ích gì cả cũng giống như người ta băng bột một cái chân bằng gỗ vậy. Nhưng trong lúc chờ đợi hiệu quả của liệu pháp chiều sâu ấy, người suy nhược phải được giúp đỡ ngay lập tức. Và sự giúp đỡ đó phải được thực hiện từ bên ngoài (nhà tâm lý hay bác sĩ). Gần như người suy nhược không thể nào tự giúp mình được. Bởi vì khả năng của ý chí và ý thức rất hạn chế, vì sự hỗn loạn của hệ thần kinh. Anh ta rất muốn đấy nhưng cũng không thể nào muốn được. Ngoài ra (và điều này rất quan trọng) trong anh ta có nhiều lăng kính, để sai chỗ, làm biến dạng các tình huống đi xuyên qua chúng. Như thế người suy nhược sẽ nhìn thấy một hình ảnh méo mó của chính mình. Công việc đầu tiên của nhà tâm lý là chỉnh sửa chúng lại để người suy nhược nhìn bắt đầu lại được mình một cách chính xác hơn.

Những sự giúp đỡ từ bên ngoài đương nhiên phải được thực hiện cùng một lúc với cách chữa trị ở chiều sâu. Chúng sẽ giúp người bệnh không phí phạm một cách vô lối một sinh khí cần thiết cho sự phục hồi chiều sâu.

CÁC PHÍ PHẠM CHÍNH CỦA NĂNG LỰC LÀ GÌ?

Sự phân tán các cố gắng.

Như chúng ta đã nói, người suy nhược “sống trên khả năng của mình”. Đúng ra người ta phải nói là anh ta quăng tiền qua cửa sổ, bởi vì anh ta không thể nào làm khác được. Nét đặc trưng của người suy nhược là sự yếu kém lý trí, và nó ngăn cản anh ta tổng hợp các tình huống. Không có một ý chí tổng thể lâu bền, nhưng có nhiều ý chí, nhiều ao ước. Anh ta thực hiện cùng một lúc nhiều công việc mà không bao giờ kết thúc hay giải quyết các công việc đó được. Vì vậy có một sự mệt mỏi nghiêm trọng và óc thiếu tầm rộng. Như thế anh ta thiếu một ý chí tự nhiên bởi vì sinh khí của anh ta không được phân phối một cách hài hòa.

Chúng ta cũng phải ghi nhận điều này cũng giống như trường hợp của sự bồn chồn. Một người bồn chồn là một người suy nhược bị kích thích; tất cả các quy luật được quan sát trong sự suy nhược vẫn có giá trị cho sự bồn chồn.

Vì thế người ta yêu cầu họ phải bớt hoang phí để có thể tích luỹ một số vốn sinh khí. Họ phải học cách sống (tạm thời thôi) với những gì sẵn có. Họ phải thu hẹp phạm vi sinh hoạt lại; các quyết định đối với một người suy nhược đôi khi là một tiêu hao năng lượng thật lớn. Như thế, trong một thời gian nhất định, nhà tâm lý sẽ phải có những quyết định, và điều này giúp cho người suy nhược “tự thả nổi” và tránh nhiều do dự mệt sức. Họ có thể có cảm giác mình đang sống “một cách buồn tẻ”. Có thể đây là một cảm giác khó chịu nhưng rất cần thiết và tạm thời mà thôi. Tuy vậy nó vẫn cho phép sự điều trị tạo ra nhiều kết quả tối ưu nhất. Người ta có nói rất nhiều về sự tập luyện dành cho những người suy nhược. Điều đó thật hay! Nhưng chín trên mười người này, không thể nào theo sự tập luyện liên tục bởi vì việc này được dành cho những người khỏe mạnh và đang trong thời kỳ hồi phục. Trong khoa tâm lý, người ta còn nhận thấy điều này nữa: mỗi khi sự điều trị ở chiều sâu bắt đầu mang lại kết quả (sau khoảng một tháng), người suy nhược bắt đầu hành động một mình mà không cần sự giúp đỡ của bất cứ ai. Tại sao thế? Bởi vì anh ta bắt đầu gom lại những gì bị phân tán. Như thế anh ta bắt đầu quan tâm đến những gì xảy ra quanh mình. Và khi anh ta quan tâm, anh ta hành động. Hành động là một hành vi tự động tùy thuộc vào sinh khí được hồi phục. Người ta sẽ nhận thấy người suy nhược bắt đầu dọn dẹp, mong muốn, quyết định, bắt đầu biết đến trật tự, rằng anh ta bắt đầu dậy sớm hơn và không thèm để tâm đến những thứ trước đây đã ám ảnh anh ta. Việc đó cũng tự nhiên thôi.

Những người suy nhược tập trung sự chú ý của họ vào vài rối loạn.

Trong trường hợp này cũng thế, một lượng sinh khí được tiêu hao một cách vô ích. Chẳng hạn như một phần lớn những người suy nhược bị sự mệt nhọc ám ảnh thật sự. Người ta cũng tranh luận rất nhiều về sự mệt mỏi của các người suy nhược là thật hay được phóng đại. Có phải bắt họ tuyệt đối nghỉ ngơi hay cho phép họ hoạt động? Tôi nghĩ câu hỏi này không có ích gì cả! Vần đề là như sau: thế nào là các hành động kiệt sức đối với người suy nhược? Đâu là nguyên nhân? Có phải là các hành vi cảm xúc cá nhân không? Của môi trường gia đình không? Của môi trường tôn giáo không?

Sẽ vô ích khi bắt nghỉ ngơi tuyệt đối trong gia đình, nếu gia đình lại là nguyên nhân đầu của sự suy nhược. Cũng thường khi, việc ngồi lì trên thường đối với suy nhược cũng là một cách để trốn tránh vài trách nhiệm, hoặc trước vài tình huống nào đó. Hãy đưa người suy nhược ra khỏi tình thế đó đi (gia đình chẳng hạn) và bạn sẽ thấy anh ta hoạt động lại ngay. Tất cả những điều này cho thấy việc tìm kiếm các nguyên nhân phải được thực hiện liên tục và không ngừng nghỉ.

Phần lớn những người suy nhược thường bị ám ảnh về các rối loạn dạ dày. Bảo họ rằng các chứng rối loạn đó không hiện thực là nói láo. Các rối loạn đó hiện hữu. Trong chứng suy nhược, các chất tiết của dạ dày bị giảm thiểu; bao tử không có sự co thắt cần thiết; thức ăn bị ứ đọng lại một thời gian dài kéo theo sự lên men không tự nhiên. Sự tiêu hóa chậm chạp và không đầy đủ. Các người suy nhược luôn lo nghĩ đến chứng khó tiêu của họ. Đó là một vòng luẩn quẩn: một suy yếu thần kinh khởi phát một quá trình dinh dưỡng tệ hại, và sự dinh dưỡng tệ hại này lại phục hồi không đúng cách năng lượng đã tiêu hao. Từ đó xảy ra sự nhiễm độc máu, và làm tăng thêm sự suy nhược các tế bào thần kinh. Như vậy trong trường hợp này một kiểm tra y khoa theo chiều sâu phải được thực hiện. Ngoài ra sự suy gan cũng gây ra các rối loạn. Rối loạn tính khí đôi khi kèm theo sầu muộn, ác mộng trong đêm tối, rối loạn tiêu hóa, xuất huyết nhẹ… Thêm vào đó sự suy thận có thể tạo ra các rối loạn tâm lý (và ngược lại bởi vì các rối loạn tâm lý cũng có thể gây ra chứng viêm thận, như chúng ta sẽ thấy trong mục “Tâm thần thể học”).

Dù sao đi nữa, trong các trạng thái suy nhược, người ta có thể nhận thấy trong bảy trường hợp trên mười, chính chứng suy nhược gây ra các rối loạn tiêu hóa, để sau đó biến mất với chứng đó. Việc “chú tâm” của người suy nhược về tiêu hóa, thức ăn, táo bón… phải được chữa trị một cách triệt để. Đối với vài người suy nhược, sự ám ảnh được quy kết vào chính các thức ăn. Chủ thể sợ phải ăn và trong vài trường hợp người đó đi đến cực điểm: anh ta hoàn toàn kiệt sức và trở nên đói khát.

Trong vài trường hợp khác, những người suy nhược lại “tập trung” sự chú ý vào cái lưỡi. Họ có một cái gương nhỏ trong túi. Mỗi ngày họ lấy ra hàng trăm lần để ngắm cái lưỡi mà họ cho là “sự phản chiếu của bao tử họ”. Nói chung, đó là điều sai lầm. Cái lớp trắng bao quanh cái lưỡi là do chính cơ quan đó bị. Không biết có bao nhiêu người suy nhược đã súc miệng bao nhiều lần trong một ngày! Và ngay với cả nước ôxy già! Làm cho lưỡi bị ôxy hóa. Đương nhiên là cái lưỡi đó sẽ có một màu sắc không mấy an tâm, và đến lượt nó gây ra nỗi hoảng sợ (sợ bị ung thư, sợ bị bệnh giang mai…).

Như thế, trong trường hợp này cũng cần đến sự trợ giúp ngay. Các tài liệu y khoa (các xét nghiệm lâm sàng, phim quang tuyến) phải được đưa cho bệnh nhân xem để thảo luận. Người đó phải đối mặt với sự thật về các rối loạn thể chất dù cho sự thật đó có xác thực hay không. Và, phần lớn thường là âm tính. Các hiệu quả đầu tiên của việc trị liệu bằng tâm lý chiều sâu, mau chóng làm mất đi các rối loạn đó (nhức đầu, mất ngủ, ác mộng…), sẽ thuyết phục được họ.

Các nguyên nhân chính gây ra sự phân tán sinh khí phải được tìm ra thật kỹ. Vì mục đích của việc chữa trị chứng suy nhược là làm thống nhất lại con người.

Người ta phải thu gom lại tại một điểm duy nhất vô số các mảnh vỡ đang giằng xé con người ra nhiều phía. Vấn đề là phải tạo cho anh ta một sức mạnh để triệt tiêu vô số các mảnh lực nhỏ đang tác động ra nhiều hướng.

Việc chữa trị tâm lý ở chiều sâu còn tìm kiếm một việc khác nữa.

Bất cứ ai suy nhược có gốc là tâm lý cũng đều là một người không thích ứng cả.

Tất cả các bệnh nhân đó đều phải dừng lại ở đâu đó, bị chặn bởi các chướng ngại mà họ không tài nào vượt qua được. Chúng ta sẽ xem xét trường hợp đó trong chương sau đây: Sự nhút nhát.

Việc thích ứng không phải được thực hiện vì một lý do nào đó, vậy mà sự thích ứng đó lại đòi hỏi một thay đổi của thế giới nội tại họ. Tình huống mới này phải thích ứng với phạm vi ý thức của họ. Tất cả các tình trạng khó khăn đều luôn đòi hỏi sự thích ứng như vậy. (Chẳng hạn như cuộc sống trong gia đình luôn được đòi hỏi sự thích ứng với các tình hình mới).

Sự thích ứng không thể nào thực hiện được nếu có sự thiểu năng thích ứng. Sự thiểu năng này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: kém thông minh, thiếu hiểu biết, tâm địa hẹp hòi, cảm xúc, mặc cảm tâm lý sẵn có, ý kiến đã ăn sâu, cảm xúc yêu nước hay tôn giáo bị sai lạc…

Như vậy người ta có thể nói là: trong các trường hợp đó, nếu việc thích ứng không được thực hiện có nghĩa là sự hoàn tất hành động chưa được thực hiện. Như vậy người đó bị ghim chặt bởi cái chấn thương đó, và cư xử trong cái hiện tại bằng các cảm xúc của quá khứ.

Khi nào một tình huống được giải quyết?

Đến khi nào chúng ta phản ứng bằng cách nào đó để cho tình huống đó hòa nhập trong nhân cách tổng thể của chúng ta. Tôi có thể diễn đạt như sau: sẽ có thích ứng khi một tình huống mới được hòa loãng trong cái bể chứa tổng thể nhân cách của chúng ta. Khi nghiên cứu về Janet, chúng ta sẽ thấy tầm quan trọng của sự hòa loãng đó và “sự tổng hợp” của ý thức. Chúng ta cũng sẽ thấy có nhiều trường hợp không thích ứng vẫn có thể tồn tại ngoài cái ý thức tổng thể và có một cuộc sống riêng biệt.

Đối với với suy nhược, người ta phải tìm cho ra tất cả các tình huống không thực hiện được, dù cho chúng ở xa đến mấy đi nữa. Đó là nhiệm vụ của tâm lý học chuyên sâu mà chúng ta sẽ thấy sau này.

Kết quả như thế nào? Một con người phân tán phải trở thành một con người thống nhất. Tôi mạn phép so sánh với hình ảnh sau đây: thay vì có vài chục chiếc máy bay nhỏ bay mà không có nhiên liệu cần thiết, và lần lượt rơi rớt, người ta phải là một chiếc máy bay vững chắc để có thể trở về căn cứ tiếp tế nhiên liệu hầu tiếp tục các phi vụ khác.

Như vậy, một lần nữa, người ta phải cần đến sự thoải mái, mà đến lượt nó đòi hỏi sự cân bằng toàn diện, cho phép sự cố gắng tự nhiên, thích hợp với cái công việc của lúc đó.

Để kết thúc…

Sau đây là một biểu đồ nhỏ cho thấy các mối liên quan tự nhiên hoặc bất thường giữa hành động và sự mệt mỏi.

Hành động kéo dài àMệt mỏi àNghỉ ngơi àHành động àBình thường

Hành động kéo dài àRất mệt mỏi (dễ chịu) à Nghỉ ngơi lâu hơn à Hành động àBình thường

Hành động kéo dài hay không à Mệt mỏi (khó chịu) à Làm cho mụ người giấc ngủ mê à Hành động àBất thường

Hành động bồn chồn à Kiệt sức à Không còn biết nghỉ ngơi à Hành động bồn chồng àBất thường

 


Created by AM Word2CHM


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.