Luật Trí Não

12 QUY LUẬT TRÍ NÃO



Tôi muốn giới thiệu với các bạn 12 điều mà tôi biết về cách thức hoạt động của não. Tôi gọi chúng là Các quy luật trí não. Với mỗi quy luật, tôi đưa ra những lập luận khoa học và những gợi ý nhằm khám phá cách thức ứng dụng chúng vào cuộc sống thường nhật của chúng ta, đặc biệt là ở trường học và nơi làm việc. Bộ não thật phức tạp, nên với mỗi chủ đề, tôi chỉ đưa ra các “mảnh” thông tin – không thật dễ hiểu, nhưng hy vọng bạn có thể tiếp cận được. Trang web www.brainrules.net cũng là một phần của dự án. Có rất nhiều minh họa hấp dẫn trên trang web này. Sau đây là ví dụ về những ý tưởng mà bạn sẽ phải đương đầu:

      Nếu là người mới đi làm, chắc là bạn chưa từng ngồi làm việc tám tiếng một ngày. Xét về mặt tiến hóa, não chúng ta phát triển khi chúng ta đi làm, và đi bộ khoảng 12 dặm một ngày. Bộ não vẫn cần tới sự trải nghiệm đó, đặc biệt là đối với những người làm công việc tĩnh tại. Đó là lý do tại sao việc luyện tập giúp cho năng lực trí não của nhóm người này tăng tiến (Quy luật #1). Những người thường xuyên rèn luyện thể lực sẽ có khả năng nhớ lâu, khả năng lý luận, tập trung và giải quyết tốt các vấn đề. Rồi bạn sẽ tin rằng, kết hợp tập luyện với tám tiếng làm việc hay học tập chỉ là chuyện rất bình thường.

      Nếu bạn đã ngồi xem một buổi trình chiếu PowerPoint điển hình, bạn dễ nhận thấy rằng mọi người không chú ý đến những điều tẻ nhạt (Quy luật #4). Bạn có vài giây để thu hút sự chú ý của người khác và chỉ có mười phút để duy trì sự chú ý đó. ở thời điểm 9 phút 59 giây, bạn phải làm một điều gì đó gây cảm xúc và thật phù hợp để thu hút lại sự chú ý và phục hồi trạng thái ban đầu. Não cũng cần được nghỉ ngơi. Vì thế, trong cuốn sách này, tôi có sử dụng các câu chuyện để trình bày các luận điểm của mình.

      Bạn đã từng thấy mệt mỏi vào khoảng 3 giờ chiều chưa? Đó là vì não của bạn thật sự muốn được nghỉ ngơi. Bạn có thể làm việc hiệu quả hơn nếu nghỉ ngơi hợp lý. Theo một nghiên cứu, 26 phút nghỉ ngơi giúp cải thiện 34% khả năng làm việc của các phi công. Ngủ đủ mỗi đêm cũng ảnh hưởng đến tính linh lợi về tinh thần của bạn vào ngày hôm sau. Hãy ngủ đủ và suy nghĩ tích cực (Quy luật #7).

      Chúng ta sẽ gặp gỡ một người có thể đọc hai trang giấy cùng một lúc, mỗi bên mắt đọc một trang và ghi nhớ vĩnh viễn mọi thứ trên đó. Hầu hết chúng ta quên nhiều hơn là nhớ, đó là điều đương nhiên. Vì thế, chúng ta cần lặp lại việc ghi nhớ (Quy luật #5). Khi bạn nắm được các nguyên lý của não đối với trí nhớ, bạn sẽ hiểu được tại sao tôi lại muốn xóa bỏ khái niệm “bài tập về nhà”.

      Chúng ta sẽ hiểu được tại sao một hành động tồi tệ, thoạt nhìn giống như sự chủ động chống đối, nhưng thật ra lại là sự thôi thúc mãnh liệt, là nhu cầu được khám phá của một đứa trẻ. Trẻ em có thể không hiểu biết nhiều về thế giới, nhưng chúng biết hầu hết các cách để có được những hiểu biết đó. Chúng ta là những nhà thám hiểm, một cách tự nhiên và mạnh mẽ (Quy luật #12). Và điều này sẽ không bao giờ xa rời chúng ta, dù chúng ta có tự tạo nên cho mình một môi trường nhân tạo.

Chẳng có mệnh lệnh nào

Những ý tưởng ở cuối mỗi chương trong cuốn sách này không phải là những mệnh lệnh. Chúng là lời kêu gọi nghiên cứu thế giới thực tại. Công việc tôi làm là để kiếm sống. Chuyên môn của tôi là nghiên cứu cơ sở phân tử của sự rối loạn tâm lý. Nhưng đam mê thật sự của tôi là cố gắng hiểu được khoảng cách hấp dẫn giữa gen và hành vi ứng xử. về chuyên môn, tôi đã từng là nhà tư vấn riêng được các dự án nghiên cứu thuê với tư cách là một nhà sinh vật học phân tử chuyên nghiệp. Tôi cũng có may mắn là đã được chứng kiến vô số những nỗ lực nghiên cứu về nhiễm sắc thể và chức năng thần kinh.

Trong quá trình đó, thi thoảng tôi bắt gặp những bài báo và các cuốn sách đưa ra những lời tuyên bố gây sửng sốt, dựa trên “những tiến bộ mới đây” của ngành khoa học trí não, về việc làm thế nào để thay đổi cách thức chúng ta dạy học và kinh doanh. Sau đó, tôi cảm thấy hoang mang, lo sợ, phân vân tự hỏi: các tác giả đó đã đọc một luận văn nào mà tôi chưa hề biết tới chăng. Là một chuyên gia về khoa học trí não, nhưng tôi không hề biết môn khoa học đó có khả năng đưa ra những thực tiễn tốt nhất cho giáo dục và kinh doanh.

Trên thực tế, nếu chúng ta hoàn toàn hiểu được làm thế nào mà não người biết cách cầm một cốc nước lên, thì đó sẽ là một thành tựu khoa học thật lớn lao.

Bạn không cần phải quá lo lắng. Bạn có thể tập làm quen, một cách có ý thức, với sự tò mò trước bất kỳ lời tuyên bố nào khẳng định rằng nghiên cứu não có thể cho chúng ta biết làm thế nào để trở thành những giáo viên, những bậc cha mẹ, những nhà lãnh đạo kinh doanh hay những sinh viên giỏi hơn. Cuốn sách này là lời kêu gọi nghiên cứu, đơn giản chỉ vì chúng ta không biết đủ để đưa ra những mệnh lệnh. Đó là một cố gắng “tiêm chủng” nhằm phòng chống những câu chuyện “thần thoại”, ví dụ như Hiệuứng Mozart, khả năng bẩm sinh của não phải, não trái, và việc đưa được con bạn vào học tại trường Harvard là do bạn đã cho chúng nghe bảng ngoại ngữ ngay từ khi chúng còn ở trong bụng mẹ.

Trở lại với rừng rậm

Những hiểu biết của chúng ta về não bắt nguồn từ các nhà sinh vật học nghiên cứu các mô não, các nhà tâm lý học thực nghiệm nghiên cứu hành vi ứng xử, các nhà thần kinh học nghiên cứu cách thức các dây thần kinh liên hệ với nhau, và các nhà sinh vật học nghiên cứu về tiến hóa. Mặc dù chúng ta biết rất ít về cách thức hoạt động của não, nhưng lịch sử tiến hóa của tổ tiên cho chúng ta biết điều này: Não dường như được tạo ra để giải quyết các vấn đề có liên quan tới sự sống còn trong một môi trường luôn luôn thay đổi, và nó thực hiện chức năng ấy trong sự vận động gần như không ngừng nghỉ. Tôi gọi đây là “vỏ bọc thực thi” của não.

Mỗi chủ đề trong cuốn sách này – luyện tập, tồn tại, kết nối, sự chăm chú, trí nhớ, giấc ngủ, sự căng thẳng, giác quan, thị giác, giới tính và khám phá – đều liên quan tới “vỏ bọc thực thi” này. Sự vận động chuyển thành luyện tập.

Tính không ổn định của môi trường dẫn tới việc não chúng ta được kết nối vô cùng linh hoạt, cho phép chúng ta giải quyết mọi vấn đề thông qua việc khám phá. Học hỏi từ những sai lầm giúp chúng ta có thể tồn tại được trong thế giới rộng lớn, đồng nghĩa với việc chú ý đến những thiệt hại của người khác và cũng đồng nghĩa với việc tạo ra trí nhớ theo một phương thức đặc biệt. Hàng thập kỷ qua, chúng ta đã nhồi nhét những thứ đó vào các lớp học và phòng riêng. Thế nhưng, bộ não của chúng ta thật sự được tạo ra để sinh tồn trong những khu rừng rậm và đồng cỏ. Và chúng ta đã không thể vượt quá khỏi điều đó.

Tôi là một người dễ chịu, nhưng lại là một nhà khoa học hay gắt gỏng. Để có được một nghiên cứu trong cuốn sách này, tôi đã phải vượt qua một tiêu chuẩn mà công ty Boeing (nơi tôi đã từng làm cố vấn) gọi là MGF: Nhân tố Medina Grump. Điều đó có nghĩa là, sự nghiên cứu hỗ trợ cho các luận điểm của tôi trước hết phải được một tạp chí chuyên môn xuất bản, sau đó được thử nghiệm và ứng dụng thành công. Nhiều nghiên cứu được thử nghiệm hàng chục lần. (Để tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc, mọi tham khảo thêm ngoài cuốn sách này đều có thể tìm thấy trên trang web của chúng tôi: www.brainrules.net ).

Xét một cách tổng thể, những nghiên cứu này muốn nói lên điều gì? Chủ yếu là: Nếu muốn tạo ra một môi trường giáo dục đối lập trực tiếp với những gì mà não đã làm rất tốt, bạn có thể thiết kế ra một thứ gì đó giống như lớp học. Nếu bạn muốn tạo nên một môi trường kinh doanh đối lập trực tiếp với những gì mà não đã làm rất tốt, bạn có thể thiết kế ra một cái gì đó giống như phòng riêng. Còn nếu bạn mong muốn thay đổi mọi thứ, bạn có thể phải phá bỏ cả hai thứ trên và làm lại từ đầu – đây chính là điều mà cuốn sách này muốn đề cập đến.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.