Luật Trí Não

QUY LUẬT #9 KẾT HỢP CÁC GIÁC QUAN



Kích thích nhiều giác quan

Mỗi khi nhìn thấy chữ “E”, Tim cũng nhìn thấy màu đỏ. Anh mô tả sự thay đổi màu sắc như thể đột nhiên bị buộc phải nhìn thế giới thông qua cặp kính màu đỏ. Khi Tim không nhìn chữ “E” nữa, thế giới của anh trở lại bình thường, cho đến khi anh bắt gặp chữ “O”. Khi đó, thế giới lại chuyển thành màu xanh. Đối với Tim, đọc một cuốn sách giống như bị chìm đắm trong nhạc disco. Trong suốt thời gian dài, Tim cứ nghĩ việc này xảy ra với tất cả mọi người. Khi anh phát hiện ra rằng không ai gặp phải điều này – ít nhất với những người xung quanh anh – anh bắt đầu nghi mình bị loạn trí. Hiển nhiên là cảm giác này cũng không chính xác. Tim đang phải chịu – nếu dùng đúng từ một trạng thái trí não gọi là “cảm giác kép”. Dù khả năng xảy ra chỉ là 1 trong 2000 người (một số học giả cho là 1 trong 200 người), đó là một hành vi mà các nhà khoa học gần như chưa biết đến. Thoạt đầu, dường như có một vòng tuần hoàn ngắn giữa quá trình xử lý các thông tin mà các giác quan khác nhau thu nhận được. Nếu các nhà khoa học có thể biết được điều gì xảy ra khi quá trình xử lý của các giác quan bị trục trặc, họ có thể hiểu thêm về những gì xảy ra khi quá trình này hoạt động đúng đắn. Vậy nên, “cảm giác kép” khơi dậy niềm hứng thú tìm hiểu cách thức não xử lý sự cảm nhận về thế giới của các nhà khoa học. Điều này ảnh hưởng đến việc học tập, tạo nên trọng tâm của Quy luật trí não: Kích thích thêm nhiều giác quan ở cùng một thời điểm.

Cơn sốt tối thứ bảy

Việc bạn có thể phát hiện ra bất kỳ thứ gì dường như luôn giống một phép màu nho nhỏ đối với tôi. Một mặt, bên trong đầu bạn là một nơi u tối và tĩnh lặng, cô độc như một cái hang. Mặt khác, trong đầu bạn có tiếng nổ lách tách khi nhận thức về thế giới, những gì bạn trông thấy, nghe thấy, hương vị và mùi vị, sự tiếp xúc, đầy sinh lực như một bữa tiệc của câu lạc bộ nam sinh viên. Người Hy Lạp không cho rằng bộ não làm được nhiều việc. Nó chỉ nằm ở đó như một cục đất sét trơ lì (thật vậy, nó không tạo ra đủ năng lượng điện để làm giật ngón tay bạn). Aristotle95 cho rằng trái tim kiểm soát mọi hành động, bơm đi một lượng máu lớn đỏ tươi suốt 24 giờ một ngày, ông lý luận rằng trái tim duy trì “ngọn lửa cần thiết cho sự sống”, ngọn lửa tạo ra đủ nhiệt lượng để gửi cho não một bản mô tả công việc: hoạt động như một thiết bị làm mát (ông còn cho rằng phổi cũng giúp ích trong việc này). Có lẽ nghe theo lời nhà thông thái Macedonia, chúng ta vẫn sử dụng từ “trái tim” để mô tả nhiều khía cạnh của đời sống tinh thần.

Làm thế nào mà bộ não, ngủ vùi trong các ngăn cách ly bằng xương của nó, có thể nhận thức về thế giới? Hãy xem xét ví dụ sau: Đó là một tối thứ sáu tại một câu lạc bộ khiêu vũ ở New York. Điệu nhảy át hết thảy, vừa làm phiền vừa lôi cuốn, không chỉ nghe mà còn có thể cảm nhận được. Các tia sáng lade lướt ngang phòng. Những cơ thể chuyển động. Mùi rượu, đồ ăn và sự pha trộn mùi thuốc lá bất hợp pháp trong bầu không khí giống như bản hòa âm thứ hai. Trong góc phòng, một người tình bị ruồng bỏ đang khóc. Có quá nhiều thông tin trong phòng, bạn bắt đầu thấy đau đầu, vậy nên bạn bước ra ngoài để hít thở không khí trong lành. Người tình bị phụ bạc theo sau bạn.

Những cảnh như thế minh họa cho một lượng thông tin cảm giác lạ thường mà não bạn phải xử lý đồng thời. Các thông tin đầu vào bên ngoài cơ thể và các thông tin đầu vào cảm xúc bên trong, tất cả được hiện diện ở não bạn trong một vòi lửa cảm giác bất tận. Câu lạc bộ khiêu vũ có thể hơi quá khích. Đúng là không có thêm thông tin gì ngoài những điều bạn thường trải qua vào buổi sáng hôm sau trên các đường phố của Manhattan. Nói một cách chân thành, não bạn nhận thức được tiếng còi xe taxi, các bánh quy xoắn đang bán, tín hiệu qua đường và mọi người đi lướt qua bạn, như thể nó có thể nghe thấy mạch đập và ngửi thấy mùi xì-gà tối hôm trước. Bạn là một kỳ quan, và chúng ta đang đứng trong vùng đất khoa học trí não, chỉ mới bắt đầu tìm hiểu xem bạn đã làm việc này như thế nào.

Các nhà khoa học thường nhắm vào một trải nghiệm có tên là hiệu ứng McGurk96 để minh họa cho sự kết hợp các giác quan. Giả dụ, các nhà nghiên cứu cho bạn xem một đoạn video về một người phát âm rất tồi âm tiết “ga” đến mức đáng ngạc nhiên. Bạn không biết rằng các nhà khoa học đã tắt tiếng của đoạn video gốc và lồng âm “ba” vào đó. Khi các nhà khoa học đề nghị bạn nhắm mắt và lắng nghe đoạn video, bạn có thể nghe thấy âm “ba”. Nhưng khi mở mắt, não bạn bỗng nhiên bắt gặp hình dạng đôi môi đang phát âm “ga” trong khi tai bạn vẫn nghe thấy âm “ba”. Bộ não không biết phải xử lý mâu thuẫn này như thế nào. Vì vậy, nó dựng lên một điều gì đó. Nếu bạn giống như hầu hết mọi người, điều bạn thật sự nghe thấy khi mở mắt là âm tiết “da”. Đây là sự thỏa hiệp giữa những gì bạn nghe được với những gì bạn nhìn thấy – nhu cầu nỗ lực kết hợp của não.

Tuy vậy, bạn không cần phải có mặt trong phòng thí nghiệm để làm sang tỏ vấn đề này. Bạn chỉ cần đi xem một bộ phim. Bạn nhìn thấy các diễn viên đang trò chuyện với nhau trên màn ảnh như không hoàn toàn thật sự nói với nhau. Tiếng của họ phát ra từ các loa được bố trí một cách thông minh quanh phòng: một số sau lưng bạn, số khác bên cạnh bạn; không có loa nào tập trung ở miệng các diễn viên. Dù thế, bạn vẫn tin rằng tiếng nói phát ra từ miệng họ. Mắt bạn quan sát thấy những đôi môi chuyển động cùng lúc với những từ tai bạn nghe được và não kết hợp trải nghiệm để đánh lừa bạn, khiến bạn tin rằng đoạn hội thoại phát ra từ màn ảnh. Những cảm giác này cùng nhau tạo nên nhận thức về một người đang nói trước mặt bạn, trong khi thực tế chẳng có ai đang nói trước mặt bạn cả.

Các giác quan kết hợp với nhau như thế nào

Những phân tích này dẫn dắt các nhà khoa học đến việc đưa ra một loạt giả thuyết về cách thức kết hợp với nhau của các giác quan. Một mặt, các ý tưởng của loạt giả thuyết này khiến tôi nhớ đến những đội quân Anh trong Cuộc chiến tranh cách mạng. Mặt khác, chúng lại gợi cho tôi nhớ về cách người Mỹ đã đánh bại họ. Người Anh, vốn có truyền thống chinh chiến trên đất châu Âu rộng lớn, thường quen lập kế hoạch từ cấp cao. Sở chỉ huy chiến trường thu thập thông tin từ các vị chỉ huy trên các mặt trận và sau đó truyền mệnh lệnh cho họ. Người Mỹ, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ truyền thống nào, sử dụng các chiến thuật đánh du kích: phân tích tại chỗ và đưa ra quyết định trước khi tham khảo ý kiến của bộ chỉ huy trung ương.

Hãy xem xét âm thanh của một tiếng súng nổ vang qua cách đồng trong suốt cuộc chiến đó. Với cảm nhận của người Anh, các giác quan của chúng ta hoạt động độc lập, gửi đi các thông tin tới sở chỉ huy trung tâm của não; những trung tâm nhận thức rất tinh xảo. Chỉ ở những trung tâm này, não mới kết hợp những thông tin giác quan nhận được để tạo thành một nhận thức cố kết về môi trường. Tai nghe thấy tiếng súng và tạo nên một báo cáo thính giác hoàn chỉnh về những gì mới xảy ra. Đôi mắt nhìn thấy khói thuốc súng và xử lý thông tin độc lập, phát đi bản báo cáo thị giác về sự kiện này. Mũi ngửi thấy mùi thuốc súng và cũng làm tương tự như vậy. Mỗi giác quan gửi các dữ liệu của chúng đến trung tâm chỉ huy. Tại đó, thông tin đầu vào được hợp nhất với nhau, tạo nên một nhận thức cố kết, và sau đó, bộ não khiến người lính cảm nhận được những điều anh ta vừa trải qua. Quá trình này có thể được chia thành ba bước:

BƯỚC 1CẢM NHẬN Đây là lúc chúng ta buộc các nguồn năng lượng từ môi trường đi vào trong các lỗ tiếp nhận của chúng ta và xoa lên làn da chúng ta. cố gắng này bao gồm cả việc chuyển đổi thông tin bên ngoài thành một ngôn ngữ điện thân thiện với não.

BƯỚC 2TRUYỀN THÔNG TIN Khi thông tin được chuyển hóa thành công sang dạng nghe bằng đầu, nó được gửi đến các khu vực thích hợp của não để tiếp tục xử lý. Tất cả các tín hiệu nhìn, nghe, va chạm, nếm và ngửi đều có những khu vực chuyên biệt và độc lập để xử lý. Một khu vực có tên là đồi não, có cấu trúc hình trứng, được kết nối tốt, nằm giữa “não thứ hai” của bạn, quản lý hầu hết hệ thống vận chuyển này.

BƯỚC 3NHẬN THỨC Các giác quan khác nhau bắt đầu hợp nhất thông tin của chúng. Những tín hiệu hợp nhất này được gửi đến các vùng ngày càng phức tạp hơn của não (trên thực tế được gọi là các khu vực cao cấp hơn) và chúng ta bắt đầu nhận thức được những gì các giác quan gửi cho chúng ta. Như chúng ta sẽ thấy, bước cuối cùng này có những đặc điểm từ dưới lên và từ trên xuống.

Người Mỹ lại cảm nhận hoàn toàn khác. Đối với họ, các giác quan làm việc đồng thời ngay từ ban đầu, tham khảo và ảnh hưởng lẫn nhau ngay từ khi quá trình bắt đầu. Khi tai và mắt đồng thời nhận được tiếng súng và làn khói; hai ấn tượng ngay lập tức bàn bạc với nhau. Chúng nhận thức được rằng các sự việc đang xảy ra cùng một lúc, mà không cần tham khảo một bộ máy cao cấp nào hơn. Hình ảnh một khẩu súng trường bắn xuyên qua cánh đồng trống trải hiện lên trong não người quan sát. Các bước vẫn là cảm nhận, truyền thông tin và nhận thức. Nhưng ở mỗi bước, thêm vào “các tín hiệu bắt đầu trao đổi thông tin ngay lập tức, ảnh hưởng tới các vòng xử lý tín hiệu tiếp theo”. Bước cuối cùng, nhận thức, không phải là nơi bắt đầu sự kết hợp. Bước cuối cùng là nơi diễn ra sự kết hợp hoàn toàn.

Vậy mô hình trải nghiệm của bên nào đúng? Dữ liệu đang nghiêng về bên thứ hai nhưng sự thật thì không một ai biết được nó hoạt động như thế nào. Có những ý kiến cho rằng các giác quan thật ra hỗ trợ cho nhau và được điều phối rất chính xác. Chương này quan tâm nhiều về những gì xảy ra sau khi cảm nhận và truyền thông tin, tức là sau khi chúng ta có được nhận thức.

Từ dưới lên, từ trên xuống

Chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của bước cuối cùng này nhờ xem xét điều xảy ra khi bước này bị thất bại. Dựa trên một bệnh nhân có tên gọi là Tiến sĩ Richard, theo Oliver Sacks thuật lại, người này đã mất các khả năng xử lý nhận thức khác nhau. Không có gì trục trặc với thị lực của Richard, ông chỉ luôn không hiểu được những gì mình nhìn thấy. Khi một người bạn bước vào phòng và ngồi lên ghế, ông không nhận thức được các phần cơ thể khác nhau của cùng một người bạn đó. Chỉ khi người đó đứng lên, ông mới đột nhiên nhận ra các phần cơ thể đó cùng thuộc về một người. Nếu Tiến sĩ Richard xem một tấm hình của những người ở sân bóng, ông sẽ coi những màu sắc giống nhau ở quần áo của những người khác nhau là “thuộc về nhau” theo một cách nào đó. ông không thể thấy được những điểm tương đồng đó thuộc về những người khác nhau. Thú vị nhất là, ông không thể nhận thức được các kích thích đa giác quan thuộc về cùng một trải nghiệm. Có thể quan sát điều này khi Tiến sĩ Richard cố gắng theo dõi một người nào đó đang nói chuyện.

Thi thoảng, ông không thể liên hệ nổi sự chuyển động của môi người nói với âm thanh. Chúng không đồng bộ; đôi khi ông nói lại trải nghiệm này như thể đang xem “một bộ phim nước ngoài được lồng tiếng tồi”.

Căn cứ vào lợi thế vô cùng quan trọng của việc cảm nhận thế giới như một thể thống nhất; các nhà sâu sắc đến vấn đề liên kết. Họ đặt ra câu hỏi: Một khi đồi não đã hoàn thành các nhiệm vụ đóng góp của nó, chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Thông tin bị cắt ra thành các mảnh phù hợp với kích cỡ cảm giác và truyền ra khắp não, cần được ghép lại với nhau (một việc mà Tiến sĩ Richard làm không được tốt lắm). Vậy, thông tin đến từ các giác quan khác nhau bắt đầu hợp nhất với nhau bên trong não ở đâu và như thế nào?

Câu trả lời cho câu hỏi “ở đâu” dễ tìm ra hơn so với câu hỏi “thế nào”. Chúng ta biết rằng hầu hết những điều phức tạp xảy ra trong các khu vực được gọi là các vỏ não liên kết. Các vỏ não liên kết là những vùng chuyên biệt tồn tại rải rác khắp não, bao gồm các thùy trán, thái dương và đỉnh. Chúng không hẳn là các khu vực cảm giác, chúng cũng không hẳn là các khu vực thần kinh vận động, mà thật ra chúng là những cầu nối với nhau (vì vậy mới có cái tên liên kết). Các nhà khoa học cho rằng, những khu vực này sử dụng cả hai quá trình từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới để có được nhận thức. Khi các tín hiệu cảm giác ngày càng vượt lên cao hơn các lệnh xử lý thần kinh, những quá trình xử lý này bắt đầu. Sau đây là một thí dụ.

Tác giả W. Somerset Maugham97 từng nói: “Chỉ có 3 quy tắc viết tiểu thuyết. Nhưng thật không may, chẳng ai biết nội dung của 3 quy tắc này”. Sau khi mắt bạn đọc được câu này và đồi não phát tán các khía cạnh khác nhau của câu ra khắp nơi trong não bạn, các bộ máy xử lý từ dưới lên trên bắt đầu hoạt động. Hệ thống thị giác (chúng ta sẽ thảo luận kỹ hơn trong chương Thị giác) là một bộ xử lý từ dưới lên kiểu cổ điển. Điều gì xảy ra? Các bộ phát hiện đặc điểm – hoạt động như những nhân viên kiểm toán – đón nhận các kích thích thị giác của câu. Nhân viên kiểm toán kiểm tra mọi yếu tố cấu trúc trong mỗi chữ cái của một từ. Chúng lập một bản báo cáo, một khái niệm thị giác về các chữ cái và các từ.

Một nét vòng đi xuống rồi lại đi lên trở thành chữ “U”. Hai nét thẳng kết hợp đúng theo góc vuông sẽ trở thành chữ “T”. Kết hợp giữa các nét thẳng và cong trở thành số “3”. Thông tin được viết ra chứa đựng rất nhiều đặc điểm thị giác và cần rất nhiều nỗ lực, thời gian để tạo nên bản báo cáo này. Đó là một trong nhiều nguyên nhân lý giải tại sao việc đọc là một cách khá chậm chạp để đưa được thông tin vào não.

Tiếp theo sẽ là quá trình xử lý từ trên xuống. Điều này có thể được liên hệ với việc ban giám đốc đang đọc bản báo cáo của chuyên viên kiểm toán, và sau đó, phản bác lại bản báo cáo đó. Nhiều lời bình luận được đưa ra. Nhiều phần được phân tích dựa trên những hiểu biết có trước.

Chẳng hạn như ban giám đốc trong não bạn trước đó đã từng nghe từ “three” (số 3) và nó trở nên thân thuộc với khái niệm “các quy tắc” kể từ khi bạn quen với bất kỳ từ gì. Thậm chí, một số thành viên của ban giám đốc đã từng nghe nói đến w. Somerset Maugham và họ gợi cho nhận thức của bạn nhớ về bộ phim Of Human Bondage (Kiếp người) mà bạn đã xem trong lớp lịch sử điện ảnh. Thông tin được thêm vào hoặc được lấy ra từ dòng chảy dữ liệu. Bộ não còn có thể thay đổi dòng chảy dữ liệu nếu nó quá kén chọn. Và quả thật nó rất kén chọn.

Hành động có tính chất phiên dịch này thuộc về quá trình xử lý từ trên xuống dưới. Tại thời điểm này, não rộng lượng cho bạn biết bạn đang nhận thức thực tế về một điều gì đó. Nếu mọi người đều có những trải nghiệm từ trước độc đáo, họ đưa sự thông dịch khác nhau đến bộ phân tích từ trên xuống. Do đó, hai người có thể thấy cùng một thông tin đầu vào và đưa ra những nhận thức khác nhau rất lớn. Đó là suy nghĩ đúng mực. Không có sự bảo đảm chắc chắn nào rằng, bộ não của bạn sẽ nhận thức chính xác về thế giới ngay cả khi các bộ phận khác của cơ thể bạn có thể làm được.

Vậy, cuộc sống đầy những phẩm chất phức tạp của âm thanh, hình ảnh thị giác, hình dạng, bố cục, mùi vị và hương vị, và bộ não tìm cách đơn giản hóa thế giới này bằng cách thêm vào nhiều sự nhầm lẫn, mơ hồ. Điều này đòi hỏi nhiều nhóm cơ quan cảm thụ, mỗi nhóm phụ trách một thuộc tính cảm giác cụ thể, hoạt động đồng thời. Đối với chúng ta, để có thể cảm nhận được sự phong phú và đa dạng của nhận thức, hệ thần kinh trung ương phải kết hợp hoạt động của tất cả các cơ quan cảm giác. Nó thực hiện điều này bằng cách đẩy các tín hiệu điện đi qua một búi bùng nhùng những nơ-ron thần kinh cấp cao hơn và phức tạp hơn bao giờ hết. Cuối cùng, bạn nhận thức được một điều gì đó.

Tồn tại nhờ làm việc nhóm

Có nhiều kiểu kết hợp giác quan (cảm giác đi kèm) – theo một bài viết thì có hơn 50 kiểu. Một trong những minh chứng lạ lùng nhất, thậm chí khi sự thiết lập của não rơi vào tình trạng hỗn loạn, các giác quan vẫn hoạt động cùng nhau. Một số người nhìn thấy một từ và ngay lập tức trải nghiệm một hương vị trên đầu lưỡi. Đây không phải là phản ứng ứa nước miếng thông thường, chẳng hạn như tưởng tượng ra vị của một thanh kẹo sau khi nghe thấy từ “sô-cô-la”. Điều này giống như nhìn thấy từ “bầu trời” trong một cuốn tiểu thuyết và bỗng nhiên nếm được vị chua của chanh trong miệng. Một thí nghiệm về sự thông minh chỉ ra rằng, ngay cả khi một người mắc chứng cảm giác đi kèm sự kết hợp không thể nhớ được một từ chính xác, anh ta hay cô ta có vẫn có thể cảm nhận được hương vị, chừng nào có một sự mô tả khái quát về từ còn thiếu.

Những dữ liệu như thế minh họa cho các quá trình xử lý cảm giác được thiết lập để làm việc cùng nhau. Vì vậy, trọng tâm của Quy luật trí não là: Kích thích các giác quan nhiều hơn nữa.

Nguyên do cơ bản về tiến hóa của sự quan sát này thật đơn giản: Cái nôi Đông Phi không hé lộ thông tin cảm giác của một giác quan tại một thời điểm trong quá trình phát triển của chúng ta. Nó không sở hữu chỉ các kích thích thị giác, giống như một bộ phim câm, rồi vài triệu năm sau bỗng nhiên được lồng tiếng, sau đó là mùi vị, hương vị và bố cục. Khi bước ra khỏi những tán cây, tổ tiên của chúng ta bắt gặp một thế giới đa giác quan và đã là những nhà vô địch trong việc trải nghiệm thế giới này.

Một số thí nghiệm thú vị ủng hộ ý kiến này. Nhiều năm trước đây, các nhà khoa học có thể nhìn vào bên trong bộ não nhờ sử dụng công nghệ fMRI98. Họ đã làm một thủ thuật với các đối tượng thí nghiệm: Họ bật một đoạn video hình ảnh một người đang nói nhưng tắt hẳn phần tiếng. Khi các nhà nghiên cứu kiểm tra hoạt động của não, họ nhận ra vùng đảm nhiệm việc xử lý âm thanh, vỏ não thính giác, được kích thích cứ như đối tượng đang thật sự nghe thấy âm thanh.

Nếu đối tượng được xem hình ảnh một người đang nhăn nhó mặt mày, vỏ não thính giác hoàn toàn im lặng. Hẳn phải có một thông tin đầu vào thị giác có liên quan tới âm thanh bị tắt mất.

Trong một thí nghiệm khác gần như diễn ra đồng thời, các nhà nghiên cứu rọi những tia chớp ngắn gần tay các đối tượng thí nghiệm được gắn thiết bị kích thích xúc giác. Thỉnh thoảng, họ bật thiết bị này lên trong lúc soi đèn, đôi lúc lại không. Dù họ làm việc này bao nhiêu lần đi nữa, phần thị giác của não luôn hoạt động mạnh mẽ khi đi kèm với phản ứng xúc giác. Họ có thể thực sự nhận được sự tăng nhanh trong hệ thống thị giác bằng cách tiếp xúc ban đầu. Hiệu ứng này được gọi là sự củng cố nhiều mốt.

Các giác quan cũng ảnh hưởng đến khả năng phát hiện các tác nhân kích thích của chúng ta. Thí dụ như, hầu hết mọi người rất khó nhìn thấy được một ánh sáng lập lòe nếu cường độ của ánh sáng đó giảm dần dần. Các nhà nghiên cứu quyết định kiểm tra ngưỡng đó bằng cách điều phối chính xác tiếng nổ âm thanh trong thời gian ngắn khi ánh đèn lập lòe được tắt đi. Sự hiện diện của âm thanh thật sự làm thay đổi ngưỡng này. Các đối tượng nghiên cứu nhận thấy họ có thể nhìn thấy đường đi của ánh sáng vượt trên ngưỡng bình thường của họ nếu âm thanh là một phần của trải nghiệm đó.

Dữ liệu này chỉ ra bản chất kết hợp mạnh mẽ của não. Biết rằng bộ não nhổ bỏ những chiếc răng phát triển của nó trong môi trường có quá nhiều giác quan, bạn có thể cho rằng khả năng học tập ngày càng được tối ưu hóa thì môi trường ngày càng trở nên đa giác quan hơn. Tiến xa hơn nữa, bạn có thể cho rằng mặt đối lập là đúng: Việc học tập sẽ kém hiệu quả hơn trong một môi trường đơn giác quan. Đó chính xác là điều bạn đã thấy, và nó dẫn các gợi ý trực tiếp cho giáo dục và kinh doanh.

Mối liên hệ về học tập

Nhà tâm lý học nhận thức Richard Mayer có thể đã có nhiều đóng góp hơn bất cứ ai trong việc khám phá mối liên hệ giữa giao tiếp đa phương tiện và học tập.

ông có một nụ cười 10 mêga oát, đầu giống hệt một quả trứng (nhưng là một quả trứng cực kỳ thông thái). Những thí nghiệm của ông thật nhẹ nhàng: Chia cả phòng thành ba nhóm. Một nhóm tiếp nhận thông tin qua giác quan này (nói, nghe), nhóm khác tiếp nhận cùng một thông tin thông qua giác quan khác (nói, nhìn) và nhóm thứ ba tiếp nhận cùng thông tin đó bằng cách kết hợp những giác quan của cả hai nhóm kia.

Các nhóm trong các môi trường đa giác quan luôn thực thi tốt hơn các nhóm trong các môi trường đơn giác quan. Họ có khả năng nhớ lại chính xác hơn. Khả năng nhớ lại của họ có bằng chứng rõ nét và tồn tại lâu hơn, thậm chí tới 20 năm sau. Khả năng giải quyết vấn đề được cải thiện. Trong một bài kiểm tra khả năng giải quyết vấn đề, nhóm được chứng kiến những trình diễn đa giác quan đã tạo ra được 50% các giải pháp có tính sáng tạo cao hơn. Trong một nghiên cứu khác, sự cải thiện là trên 75%.

Những lợi ích đến từ các thông tin đầu vào đa giác quan cũng thật tự nhiên. Cơ bắp của chúng ta phản ứng lại nhanh hơn, ngưỡng phát hiện các tác nhân kích thích của chúng ta được cải thiện và mắt chúng ta phản ứng lại nhanh hơn với các tác nhân kích thích thị giác. Đó không chỉ là sự kết hợp giữa hình ảnh và âm thanh. Khi sự tiếp xúc kết hợp với thông tin thị giác, việc học tập nhận thức có bước nhảy vọt gần 30% so với tiếp xúc đơn thuần. Cải thiện này lớn hơn dự đoán của bạn, đơn giản là nhờ thêm vào các dữ liệu đơn giác quan. Điều này đôi khi được gọi là kết hợp siêu phụ gia. Nói cách khác, những đóng góp tích cực của các trình diễn kết hợp đa giác quan tốt hơn phép cộng đơn thuần của các trình diễn đơn giác quan. Chỉ cần đặt vào, những trình diễn đa giác quan sẽ sẵn sàng hoạt động.

Nhiều cách giải thích được đưa ra nhằm lý giải cho phát hiện nhất quán này và hầu hết đều liên quan tới trí nhớ làm việc. Bạn hãy nhớ lại trong Chương 5 rằng trí nhớ làm việc, trước được gọi là trí nhớ ngắn hạn, là một không gian làm việc phức tạp cho phép người học lưu giữ thông tin trong một khoảng thời gian ngắn. Bạn cũng có thể nhớ lại tầm quan trọng của nó đối với lớp học và công việc kinh doanh. Điều gì diễn ra trong thế giới dễ biến đổi của trí nhớ làm việc, ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng một điều gì đó được dạy thì cũng có thể được học.

Mọi cách giải thích về học tập đa giác quan cũng liên quan đến một đặc tính phản trực giác ần náu bên trong cốt lõi cơ giới của nó:

Thông tin thêm được đưa vào trong lúc học khiến cho việc học tốt hơn. Điều đó cũng giống như trong một cuộc thi đi bộ đường dài, nếu bạn vác hai chiếc balô nặng thay vì một chiếc, bạn sẽ hoàn thành chuyến đi của mình nhanh hơn. Đây là quá trình xử lý “tỉ mỉ” mà chúng ta đã gặp trong chương trí nhớ ngắn hạn. Còn đây là lời tuyên bố chính thức: Đó là quá trình xử lý nhận thức tăng cường về thông tin giúp người học kết hợp kiến thức mới với thông tin có trước đó. Các trải nghiệm đa giác quan hiển nhiên sẽ công phu, kỹ lưỡng hơn. Đó có phải là nguyên nhân khiến chúng có hiệu quả? Richard Mayer suy nghĩ như vậy. Các nhà khoa học khác cũng có cùng suy nghĩ như ông khi họ quan sát sự ghi nhận và nhớ lại.

Một ví dụ nữa về sự kết hợp cảm giác (cảm giác đi kèm) cũng góp phần chứng minh cho điều này. Bạn còn nhớ khả năng về trí tuệ kỳ diệu của Solomon Shereshevskii không? Anh ta có thể nghe một danh sách gồm 70 từ mỗi lần, nhắc lại danh sách đó mà không hề sai sót (dù là đọc xuôi hay đọc ngược), rồi 15 năm sau tái lập lại bản danh sách đó mà cũng không phạm sai sót nào. Shereshevskii sở hữu nhiều loại khả năng và mất khả năng khác nhau. Anh cảm thấy một số màu là ấm, lạnh hay mát, đó là điều bình thường. Nhưng anh cũng cho rằng số 1 là một người đàn ông cường tráng, đầy kiêu hãnh và số 6 là một người đi chân trần, đó là điều khác thường. Một vài sự tưởng tượng của anh gần như là ảo giác. Anh đã kể: “Một lần tôi đi mua kem… Tôi đến chỗ người bán rong và hỏi cô ta có loại kem gì. ‘Kem hoa quả’ – cô ta đáp bằng giọng như thể có một đống than và xỉ đen phun ra từ miệng cô ta và tôi không còn muốn mua kem nữa.

Shereshevskii rõ ràng đang ở trong thế giới tinh thần riêng của riêng mình, nhưng anh lại minh họa cho một quy luật phổ thông hơn. Những người mắc chứng cảm giác đi kèm hầu như đều đáp lại câu hỏi “Thông tin bổ sung này có ích lợi gì?” bằng một câu trả lời ngay lập tức rất chân thật “Nó giúp bạn ghi nhớ”. Dựa trên sự nhất trí hoàn toàn đó, các nhà nghiên cứu đã băn khoăn trong nhiều năm về việc liệu có mối liên quan nào giữa cảm giác đi kèm với khả năng tinh thần cao cấp.

Có đấy. Trong một số trường hợp, những người có cảm giác đi kèm thường biểu lộ khả năng ghi nhớ cao cấp khác thường – trí nhớ như chụp ảnh. Hầu hết những người có cảm giác đi kèm đều thuật lại rằng những trải nghiệm kỳ lạ đối với họ cực kỳ dễ chịu, những trải nghiệm này có thể là dopamine – một chất truyền dẫn thần kinh trợ giúp thêm cho việc hình thành trí nhớ.

Quy luật cho những người còn lại trong chúng ta Qua nhiều thập kỷ, Mayer đã tách ra được một số nguyên tắc cho việc trình diễn đa phương tiện, kết nối hiểu biết của chúng ta về trí nhớ làm việc với những phát hiện thực nghiệm của riêng ông về việc trình diễn đa phương tiện ảnh hưởng như thế nào đến khả năng học tập của con người. Dưới đây là năm trong số các nguyên tắc đó, được trình bày dưới dạng tóm lược:

1. Nguyên tắc đa phương tiện: Sinh viên học tập qua từ ngữ và hình ảnh tốt hơn là chỉ qua từ ngữ.

2. Nguyên tắc liên tưởng tạm thời: Sinh viên học tốt hơn khi các từ ngữ với hình ảnh tương ứng được trình bày đồng thời hơn là trình bày lần lượt.

3. Nguyên tắc liên tưởng không gian: Sinh viên học tốt khi các từ ngữ với hình ảnh tương ứng được trình bày gần nhau hơn là cách xa nhau trên một trang giấy hay trên màn hình, ị. Nguyên tắc gắn kết: Sinh viên học tốt hơn khi những thông tin ngoài lề không được đề cập đến. Nguyên tắc phương thức: Sinh viên học từ hình ảnh động có lời dẫn dắt tốt hơn là hình ảnh động với văn bản trên màn hình.

Dù những nguyên tắc này vô cùng thực tế, nhưng chúng chỉ phù hợp với sự kết hợp hai giác quan: thính giác và thị giác. Chúng ta có ba giác quan khác cũng có khả năng đóng góp cho môi trường giáo dục. Mở đầu bằng câu chuyện về một cựu chiến binh tài năng, chúng ta hãy cũng khám phá xem điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta chỉ thêm vào một giác quan: khứu giác.

Đánh hơi

Tôi từng được nghe câu chuyện về một người phải rời khỏi trường y vì cái mũi của mình. Để hiểu được câu chuyện của anh ta, bạn cần phải biết về mùi của cuộc phẫu thuật. Bạn cũng cần phải giết chết một ai đó. Cuộc phẫu thuật có thể là cuộc trải nghiệm bốc mùi. Khi bạn cắt vào cơ thể ai đó, bạn luôn cắt vào các mạch máu của họ. Để ngăn máu ảnh hưởng đến cuộc phẫu thuật, các nhà giải phẫu sử dụng một dụng cụ đốt, nóng như một mỏ hàn. Nó được đưa thẳng vào vết thương, đốt để vết thương khép miệng, khiến căn phòng tràn ngập mùi khét của da thịt bị đốt cháy. Một trận chiến cũng có mùi tương tự. Người sinh viên trường y được nói đến ở đây là một cựu chiến binh đã tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam với những trận chiến lớn. Anh dường như không phải chịu bất kỳ ảnh hưởng khó chịu nào khi về nhà. Anh ta không bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương, và cuối cùng anh trở thành một sinh viên giỏi của trường y. Nhưng rồi người cựu chiến binh bắt đầu ca phẫu thuật đầu tiên.

Khoác lên người bộ đồ phẫu thuật, anh nhanh chóng ngửi thấy mùi thịt cháy từ dụng cụ đốt. Ngay tức khắc, cái mùi này khiến anh nhớ lại một ký ức về một kẻ địch đã bị anh bắn xuyên thẳng vào mặt, một trải nghiệm anh đã cố chôn vùi trong nhiều năm. Ký ức đó thật sự đã đánh gục anh. Anh bật khóc và chạy khỏi phòng, âm thanh òng ọc của kẻ địch đang hấp hối vẫn vang lên bên tai, tiếng ồn của máy bay trực thăng rút chạy ở phía xa. Cả ngày hôm đó, anh hồi tưởng lại trải nghiệm đó; sau đêm đó, anh bắt đầu liên tiếp nhớ lại những sự việc khủng khiếp tương tự. Và sang tuần sau, anh xin thôi học.

Câu chuyện này minh họa cho một điều mà các nhà khoa học đã biết trong nhiều năm: Mùi hương có thể gợi lại ký ức. Đó gọi là hiệu ứng Proust. Marcel Proust, người Pháp, tác giả của cuốn sách gây xúc động sâu sắc Rememberance of Things Past (Nhớ về quá khứ), 100 năm trước đã nói rất nhiều về các mùi và khả năng của chúng trong việc gợi lại những ký ức bị lãng quên từ lâu. Những thí nghiệm điển hình đã điều tra khả năng khác thường của mùi trong việc gia tăng sự nhớ lại. Chẳng hạn, bố trí cho hai nhóm người cùng xem một bộ phim, sau đó họ được yêu cầu báo cáo lại cho phòng thí nghiệm qua một bài kiểm tra trí nhớ. Nhóm đối chứng đi vào một căn phòng không bị lôi kéo và đơn thuần làm một bài kiểm tra. Nhóm thử nghiệm làm bài kiểm tra trong một căn phòng đầy mùi bỏng ngô.

Các kết quả sau đó được đối chiếu, tính điểm bằng số lượng các sự kiện được nhớ lại, độ chính xác của các sự kiện được nhớ lại và những đặc điểm cụ thể, v.v… Kết quả của bài kiểm tra có thể gây sửng sốt. Một số nhà nghiên cứu thuật lại rằng, nhóm thử nghiệm ngửi mùi bỏng ngô có thể nhớ lại chính xác gấp đôi so với các nhóm đối chứng. Các nhà nghiên cứu khác báo cáo sự cải thiện 20%, trong khi các nhà nghiên cứu khác nói chỉ cải thiện được 10%.

Một cách để phản ứng lại với những dữ liệu này là thốt lên “Không chê vào đâu được”. Cách phản ứng khác lại đặt ra câu hỏi: “Tại sao lại có các kết quả khác nhau?” Một nguyên nhân lớn là do các kết quả phụ thuộc vào kiểu trí nhớ được đánh giá và phương pháp được sử dụng nhằm đạt được các kết quả đó. Ví dụ, các nhà nghiên cứu thấy rằng những kiểu trí nhớ nhất định đặc biệt nhạy cảm với mùi trong khi các kiểu trí nhớ khác gần như không bị ảnh hưởng. Mùi hương có lẽ gây ảnh hưởng nhất khi các đối tượng thử nghiệm được yêu cầu nhớ lại các chi tiết cảm xúc của một ký ức, như chàng sinh viên y khoa của chúng ta đã trải nghiệm hay để tìm lại ký ức về tiểu sử của bản thân. Bạn đạt được kết quả tốt nhất nếu mùi đó phù hợp với bạn. Thử nghiệm về một bộ phim trong phòng thí nghiệm sặc mùi xăng không đạt được các kết quả nhớ lại tích cực tương đương như mùi bỏng ngô.

Mùi hương không có tác dụng tốt lắm trong việc truy hồi trí nhớ tường thuật. Bạn có thể dùng mùi hương để tăng điểm tường thuật nhưng chỉ khi các đối tượng thí nghiệm được thức tỉnh về mặt cảm xúc – thường xuyên, điều đó đồng nghĩa với căng thẳng – trước khi bắt đầu thí nghiệm. (Vì một số lý do, chiếu một bộ phim về những thanh niên trẻ gốc Australia bị cắt bao quy đầu là cách thức được ưa chuộng để tiến hành việc này). Tuy nhiên, những cuộc thử nghiệm gần đây chỉ ra rằng mùi hương có thể cải thiện khả năng nhớ lại trí nhớ tường thuật trong quá trình ngủ, một đề tài mà lát nữa chúng ta sẽ bàn tới. Liệu có cách lý giải nào về sự tồn tại của hiệu ứng Proust không – tại sao mùi hương gợi lại ký ức? Có thể lý giải được điều này, song để hiểu được nó, chúng ta cần hiểu biết đôi chút về não đã xử lý mùi hương ra sao.

Ngay giữa hai mắt là một mảng nơ-ron có kích cỡ một con tem bưu điện loại lớn. Mảng này được gọi là khu vực khứu giác. Bề mặt bên ngoài của khu vực này, phần nằm gần nhất với khoảng không bên trong mũi là biểu mô khứu giác. Khi chúng ta ngửi, các phân tử mùi thâm nhập vào khoang mũi và va chạm với các dây thần kinh ở đó.

Điều này thật đáng kinh ngạc, dựa trên việc khoang mũi luôn được phủ một lớp dầy chất nhầy. Bằng cách nào đó, chất điện hóa bền bỉ này đã xuyên qua dịch nhầy và chà xát các cơ quan thụ cảm protein nhỏ như sợi lông rải khắp các dây thần kinh bên trong biểu mô99 khứu giác. Các cơ quan thụ cảm có thể nhận biết một số lượng lớn những phân tử mùi. Khi điều đó xảy ra, các nơ-ron bắt đầu sốt sắng hoạt động và bạn sẽ ngửi thấy một mùi nào đó. Phần còn lại của cuộc hành trình diễn ra bên trong não. Những dây thần kinh đang hoạt động của biểu mô khứu giác tán gẫu như lũ trẻ vị thành niên đang buôn chuyện qua điện thoại với một nhóm các dây thần kinh nằm ngay phía trên chúng, bên trong bầu khứu giác. Những dây thần kinh này giúp chọn ra các tín hiệu do biểu mô gửi đến.

Bây giờ là phần lý thú nhất của câu chuyện. Tại thời điểm này, mọi hệ thống giác quan khác bắt buộc phải gửi đi một tín hiệu tới đồi não và xin phép được kết nối với phần còn lại của não – bao gồm các cấp cao hơn, nơi diễn ra sự nhận thức. Các dây thần kinh không mang thông tin về mùi hương. Giống như một nhân vật quan trọng trong đoàn xe hộ tống, các tín hiệu mùi hương vòng qua đồi não và đi thẳng đến những điểm đích bên trong não không cần có sự can thiệp trung gian nào.

Một trong những điểm đích đó chính là hạch hạnh, và chính lúc này, hiệu ứng Proust bắt đầu xảy ra. Có thể bạn còn nhớ, hạch hạnh quản lý không chỉ sự hình thành các trải nghiệm cảm xúc mà còn cả  ức về các trải nghiệm cảm xúc đó. Do mùi hương trực tiếp kích thích hạch hạnh nên mùi hương cũng trực tiếp kích thích các cảm xúc. Các tín hiệu mùi cũng hướng từ vỏ não trái lê đến vỏ não trước ổ mắt, một phần của não nằm ngay phía trên và phía sau mắt bạn, liên quan sâu sắc đến việc đưa ra quyết định. Vậy nên mùi hương góp phần đưa ra quyết định Cứ như thể mùi hương đang nói: “Tín hiệu của tôi rất quan trọng, tôi sẽ đem đến cho bạn một cảm xúc đáng nhớ. Bạn sẽ làm gì với nó?”

Tín hiệu mùi hương dường như thật sự vội vã trong việc tạo nên con đường tắt này, nhiều đến nỗi các tế bào thụ cảm khứu giác thậm chí không được một rào chắn bảo vệ.

Điều này khác biệt với hầu hết mọi tế bào thụ cảm của giác quan khác trong cơ thể con người. Chẳng hạn như các nơ-ron thụ cảm thị giác bên trong võng mạc được giác mạc bảo vệ. Các nơ-ron thụ cảm cho phép tai bạn nghe được vì có màng nhĩ bảo vệ. Thứ duy nhất bảo vệ các nơ-ron thụ cảm khứu giác là gỉ mũi. Mặt khác, các nơ-ron này tiếp xúc trực tiếp với không khí.

Các ý tưởng

Không có câu hỏi nào về việc các gợi ý khác nhau, đến từ các giác quan khác nhau có giúp cải thiện việc học tập hay không. Chúng tăng tốc các phản ứng, tăng cường độ chính xác, cải thiện phát hiện kích thích và làm giàu khả năng mã hóa trong thời điểm học tập.

Thật ra chúng ta vẫn chưa thường xuyên đạt được những lợi ích này ở lớp học và phòng họp. Dưới đây là một vài ý tưởng vừa nảy ra trong óc tôi.

Các tiết học đa giác quan ở trường Như chúng đã biết trong chương Sự chăm chú, những giây phút mở đầu của một bài giảng là nền tảng thiêng liêng của nhận thức. Đó là khi giáo viên tự động làm cho sinh viên chú ý nhiều hơn. Nếu những gì được trình bày trong thời điểm quan trọng có tính đa giác quan, sự ghi nhớ tổng thể sẽ gia tăng. Chúng ta đã khám phá trong chương Trí nhớ rằng lặp lại thông tin trong các khoảng thời gian xác định giúp củng cố trí nhớ. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta giới thiệu thông tin dưới dạng một trải nghiệm đa giác quan, và sau đó, nhắc lại không chỉ thông tin đó mà còn một trong các kiểu trình bày? Sự tái tiếp xúc lần đầu tiên có thể được trình bày bằng thị giác chẳng hạn, tiếp đó là thính giác, thứ ba là diễn đạt bằng ngôn ngữ cơ thể. Liệu lịch trình mã hóa phong phú đó có làm tăng khả năng ghi nhớ trong môi trường thực tế, có giúp tăng cường ảnh hưởng mạnh mẽ sẵn có của sự nhắc lại?

Chúng ta hãy tiếp tục bỏ qua các giác quan khác của mình. Chúng ta thấy rằng sự tiếp xúc và mùi hương có thể mang lại những đóng góp to lớn cho quá trình học tập. Vậy nếu chúng ta bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về cách ứng dụng chúng trong lớp học, có thể là kết hợp nhiều cách trình bày có tính truyền thống hơn? Liệu chúng ta có thu được những ảnh hưởng thúc đầy của chúng?

Một nghiên cứu chỉ ra rằng, sự kết hợp giữa mùi hương và giấc ngủ cải thiện việc củng cố trí nhớ tường thuật. Có một thí nghiệm thú vị sử dụng trò chơi bài mà tôi và con trai tôi vẫn chơi thường xuyên. Trò chơi bao gồm bộ 52 lá bài đặc biệt chúng tôi mua tại một viện bảo tàng, lộng lẫy với 26 cặp thú. Chúng tôi úp tất cả các lá bài xuống, sau đó bắt đầu chọn ra hai lá để tìm các cặp tương ứng. Đó là một bài kiểm tra trí nhớ tường thuật. Người nào tìm được nhiều cặp đôi chính xác nhất sẽ giành chiến thắng.

Trong thí nghiệm, nhóm đối chứng chơi bài bình thường. Nhưng các nhóm thử nghiệm thì không. Họ chơi bài trong mùi hương hoa hồng. Sau đó tất cả mọi người đều đi ngủ. Các nhóm đối chứng được phép ngủ yên tĩnh. Tuy nhiên, ngay sau khi tiếng ngáy bắt đầu vang lên trong nhóm thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đưa mùi hương hoa hồng ngào ngạt vào phòng. Khi tỉnh dậy, các đối tượng thử nghiệm được kiểm tra hiểu biết của họ về vị trí các cặp bài được họ tìm ra vào ngày hôm trước. Những đối tượng không được ngửi mùi hương trả lời chính xác 86%. Những người được ngửi mùi hương trả lời chính xác 97%. Các thí nghiệm về khả năng hình dung của não cho thấy sự liên quan trực tiếp của cá ngựa. Rất có thể là mùi hương đã tăng khả năng nhớ lại trong quá trình xử lý độc lập thường diễn ra trong lúc ngủ.

Trong một thế giới cạnh tranh cao về thành tích ở trường học, có những bậc cha mẹ sẽ sẵn sàng liều mạng để cho con họ 11% vượt lên trong cuộc đua.

Một số CEO cũng đánh giá cao lợi thế đó trước mặt các cổ đông hay lo lắng.

Khắc sâu cảm giác Tác giả Judith Viorst100 đã từng nói: “Sức mạnh là khả năng bẻ một thanh sô-cô-la làm bốn mảnh, và sau đó, chỉ ăn một mảnh”. Hiển nhiên là bà đang đề cập đến sức mạnh của sự pha trộn theo ý muốn chủ quan. Đó là một thông điệp về sức mạnh của cảm xúc dẫn đến khuyến khích hành động.

Đó là những gì cảm xúc có thể làm được: tác động đến các động cơ. Như chúng ta đã bàn luận trong chương Sự chăm chú, não sử dụng các cảm xúc nhằm lựa chọn những thông tin đầu vào nhất định để xem xét kỹ hơn. Vì mùi hương kích thích các vùng bên trong não đảm đương việc tạo ra các cảm xúc cũng như các ký ức, một số doanh nhân đã từng hỏi: “Mùi hương có thể ảnh hưởng đến động cơ thì liệu có ảnh hưởng đến doanh thu?”

Một công ty đã kiểm nghiệm ảnh hưởng của mùi hương đối với việc kinh doanh và nhận thấy sự khác thường về kết quả.

Mùi hương sô-cô-la tỏa ra từ một máy bán hàng tự động dẫn tới kết quả doanh thu bán sô-cô-la tăng 60%. Đó thật là một động cơ thúc đẩy. Công ty đó cũng lắp đặt một máy tỏa mùi hương bánh quế hình nón gần một tiệm kem có địa điểm cạnh tranh (cái máy đó nằm trong một khách sạn lớn và khá khó tìm). Doanh thu tăng vọt 50%, dẫn đến việc nhà sáng chế đưa ra khái niệm “bảng thông báo mùi hương” để mô tả kỹ thuật này.

Chào mừng bạn đến với thế giới khắc sâu giác quan. Cả một ngành công nghiệp bắt đầu chú ý đến các phản ứng giác quan của con người, lấy mùi hương làm tâm điểm. Trong thử nghiệm của một cửa hàng bán quần áo, các nhà điều tra khéo léo đưa mùi hương vani lan tỏa trong quầy bán đồ phụ nữ, mùi hương được cho là tạo ra phản hồi tích cực từ phụ nữ. Trong gian hàng nam giới, họ cho khuếch tán mùi hương hoa hồng ma-rốc có mùi cay cay và giống như mật ong đã được kiểm nghiệm trước đó đối với đàn ông. Kết quả doanh thu khá kinh ngạc. Khi sử dụng mùi hương, doanh thu tăng gấp đôi mức trung bình ở mỗi gian hàng. Khi đổi ngược hai mùi hương – vani cho đàn ông và mùi hoa hồng ma-rốc cho phụ nữ doanh thu tụt xuống dưới mức trung bình. Kết luận là gì? Mùi hương có ảnh hưởng chỉ khi dùng đúng cách. “Bạn không thể chỉ dùng một mùi dễ chịu và mong nó có hiệu quả” – Eric Spangensberg, nhà khoa học chịu trách nhiệm việc nghiên cứu này đã nói. “Mùi hương đó phải phù hợp”. Nhận biết được thực tế này, starbuck (tên một công ty cà phê) không cho phép nhân viên dùng nước hoa trong giờ làm việc vì nó sẽ ảnh hưởng đến mùi hương đầy mê hoặc của thứ cà phê có tiềm năng thu hút khách hàng mà họ phục vụ.

Các chuyên viên marketing bắt đầu đưa ra lời khuyên sử dụng mùi hương trong việc tạo nên sự khác biệt cho một nhãn hiệu: Trước hết, tìm mùi hương phù hợp với niềm hy vọng và nhu cầu của thị trường mục tiêu. Mùi hương dễ chịu của cà phê có thể nhắc nhở một ủy viên quản trị bận rộn về sự thoải mái của gia đình, một sự giải tỏa dễ chịu khi sắp kết thúc một giao dịch. Thứ hai, hợp nhất mùi hương với “đặc tính”

của sản phẩm bán ra. Mùi tươi mát của rừng hay mùi mặn nồng của biển có thể làm sống dậy cảm giác phiêu lưu nhiều hơn mùi vani đối với các khách hàng tiềm năng của SUV101. Hãy nhớ lại hiệu ứng Proust: mùi hương có thể gợi lại ký ức.

Mùi hương ở nơi làm việc (không phải ở tủ lạnh)

Thế còn vai trò của học tập trong việc tạo ra môi trường kinh doanh? Hai ý tưởng vừa lóe lên, dựa một chút vào kinh nghiệm giảng dạy của tôi. Thi thoảng, tôi dạy một lớp sinh học phân tử cho các kỹ sư, và có lần tôi quyết định tiến hành một thí nghiệm Proust nho nhỏ của riêng mình. (Không có gì nghiêm trọng đối với cuộc điều tra vui này; chỉ đơn thuần là một câu hỏi thân mật). Mỗi khi tôi dạy một phần về enzyme102 (được gọi là RNA polymerase II), tôi chuẩn bị bài cho cả phòng bằng cách phun nước hoa Brut lên một bức tường. Trong một lớp học giống hệt ở một tòa nhà khác, tôi vẫn giảng dạy kiến thức đó nhưng không phun Brut khi mồ tả enzyme. Sau đó tôi kiểm tra mọi người, phun nước hoa vào cả hai lớp học. Mỗi khi tiến hành thí nghiệm này, tôi đều thu được cùng một kết quả. Những người được tiếp xúc với mùi nước hoa trong quá trình học đạt kết quả khá hơn trong môn học có liên quan đến enzyme – đôi khi hơn rất nhiều – so với những người không tiếp xúc với mùi nước hoa.

Rồi điều đó đưa tôi đến một ý tưởng. Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu truyền đạt cho các khách hàng về các sản phẩm của họ, từ cách sử dụng phần mềm cho tới cách sửa động cơ máy bay. Vì các lý do tài chính, nhiều lớp học thường hạn chế về mặt thời gian và nhồi nhét khá nhiều thông tin mà 90% trong đó sẽ bị lãng quên ngay ngày hôm sau. (Đối với hầu hết các đối tượng thử nghiệm trí nhớ tường thuật, sự xuống cấp của trí nhớ bắt đầu chỉ vài giờ sau khi việc giảng dạy kết thúc). Nhưng nếu giáo viên biết kết hợp một mùi hương với mỗi tiết học giống như thí nghiệm Brut của tôi thì sao? Một giáo viên thậm chí có thể cho sinh viên tiếp xúc với mùi hương khi họ đang ngủ. Sinh viên không thể giúp đỡ nhưng sẽ kết hợp trải nghiệm của bản thân về lớp học – hoàn thiện bằng sự truyền tải nhanh chóng thông tin – với mùi thơm.

Sau lớp này, sinh viên (hãy coi như họ đang học cách sửa động cơ máy bay) quay lại công ty. Hai tuần sau, họ đối mặt với một cản phòng đầy những động cơ mới bị hỏng cần được sửa chữa. Hầu hết họ sẽ quên mất một điều gì đó trong lớp học cấp tốc họ đã tham gia và cần phải xem lại các ghi chép của mình. Việc xem lại này sẽ xảy ra trong không gian có mùi hương mà họ đã tiếp xúc trong suốt quá trình học tập. Liệu điều này có tăng cường trí nhớ của họ? Mọi việc sẽ ra sao nếu họ được tiếp xúc với mùi hương khi họ đang sửa chữa các động cơ thật trong xưởng? Trí nhớ được cải thiện có thể gia tăng khả năng làm việc, thậm chí có thể cắt giảm sai sót.

Nghe thật phi lý phải không? Nhưng điều đó có thể xảy ra. Thật ra, nên thận trọng khi đụng tới việc học tập phụ thuộc vào bối cảnh (hãy nhớ lại những người thợ lặn trong Chương 5) từ môi trường đa giác quan thật sự. Nhưng đó là sự khởi đầu hướng đến việc suy nghĩ về các môi trường học tập vượt lên các thông tin gần như nghiện bình thường đối với thông tin thị giác và thính giác. Đó là lĩnh vực có nhiều thành quả nghiên cứu tiềm năng – nơi thật sự dành cho các nhà khoa học trí não, các nhà giáo dục và các chuyên viên kinh doanh cùng hợp tác theo hướng thực tiễn.

Tóm lược Quy luật #9

KÍCH THÍCH NHIỀU GIÁC QUAN

      Chúng ta tiếp thu thông tin về một sự việc thông qua các giác quanchuyển  thành các tín hiệu điện (một số  hình ảnhsố khác  âm thanh,…), phân tán các tín hiệu đó tới các phần riêng biệt của nãosau đó tái lập lại những  đã diễn racuối cùng nhận thức được sự việc một cách tổng thể.

      Bộ não dường như dựa một phần vào kinh nghiệm quá khứ trong việc quyết định cách thức kết hợp những tín hiệu nàyvậy nên hai người  thể nhận thức rất khác nhau về cùng một sự việc.

      Các giác quan của chúng ta tiến hóa để hợp tác với nhau – thí dụ như thị giác ảnh hưởng đến thính giác –  nghĩa chúng ta học tập tốt nhất khi kích thích nhiều giác quan cùng một lúc.

      Mùi hương  một năng lực khác thường trong việc tìm lại  ức thể do các tín hiệu mùi hương vòng qua đồi não  hướng thẳng tới các điểm đến của chúngbao gồm cả bộ máy quản  cảm xúc gọi  hạch hạnh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.