An Lạc Từ Tâm
CHƯƠNG 1: BẠN CÓ HẠNH PHÚC KHÔNG?
HẠNH PHÚC ĐÍCH THỰC LÀ GÌ?
Thông thường chúng ta chúc nhau khi đôi vợ chồng nọ vừa sinh một em bé. Xét ở phương diện nào đấy, đó là hạnh phúc luân thường của con người. Tuy nhiên, cuộc đời vui ít khổ nhiều, bản thân của việc sinh đã là một nỗi khổ trong bốn khổ – sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ. Thế nên, Phật pháp khuyên chúng ta không nên lấy khổ làm vui.
Chu kì hình thành của một chúng sinh gồm sinh ra, lớn lên rồi già đi, bệnh tật và chết, được Phật giáo liệt vào bốn nỗi khổ. Trong đó, già, bệnh và chết là những nỗi khổ dễ dàng nhận biết và có thể hiểu được, nhưng nếu nói sinh ra là khổ thì phần đông không nghĩ như thế vì điều này khá khó hiểu.
Con người thường không nhớ rõ trạng thái của bản thân khi vừa lọt lòng mẹ nên khi mới sinh ra đời khó có thể biết được trạng thái lúc đó là sướng hay khổ. Tuy nhiên, chúng ta có thể suy tưởng rằng da của đứa bé mới sinh rất mềm mỏng, trơn bóng, tách khỏi bào thai mẹ rồi đột ngột thay đổi môi trường sống – từ môi trường bụng đến môi trường không khí tự nhiên – thì đứa bé nhất định sẽ có cảm giác khó chịu, đau khổ. Có lẽ quá khó chịu vì bị sốc nhiệt do sự thay đổi của môi trường nên khi vừa sinh ra, đứa bé nào cũng chào đời bằng tiếng khóc, thế nhưng ai cũng vui mừng vì có một sinh linh mới chào đời! Với bản thân người mẹ, việc sinh nở có lẽ cũng không phải là một trạng thái thư thái, thoải mái. Nhiều bà mẹ còn nói rằng cảm giác đau đớn khi sinh con thật không thể nói hết, đau đớn vạn trạng, nỗi đau xé thịt. Vì thế, người xưa gọi ngày sinh là “mẫu nạn nhật” (ngày mẹ gặp nạn). Sau khi sinh con, nỗi đau cũng vơi dần vì đứa con là niềm an ủi lớn nhất của người mẹ, họ xem việc sinh nở như một thử thách đầy chông gai giờ đã qua rồi nên tự nhiên thấy sảng khoái vui vẻ. Nhưng thực ra đó chỉ là niềm vui bị cảm giác đánh lừa vì người mẹ vừa trải qua một cơn đau khủng khiếp, giờ đây chỉ lấy lại được cảm giác bình thường thôi cũng thấy đó là hạnh phúc, chứ không phải đó là cảm giác hạnh phúc đến từ một điều kiện bên ngoài nào khác. Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng “sinh” là khổ, là nỗi thống khổ thực sự chứ không vui sướng như chúng ta nghĩ.
Khi sinh ra đã khổ, lớn lên vật lộn mưu sinh với cuộc đời cũng chẳng có nhiều niềm vui. Nếu có vui chăng thì đó chỉ là sự thỏa mãn một hoặc vài điều gì đó trong năm thứ tham muốn của mình, như thỏa mãn được cái nhìn của đôi mắt, thỏa mãn cái nghe của hai tai, thỏa mãn hương thơm của lỗ mũi, thỏa mãn vị ngon của miệng lưỡi và thỏa mãn được cảm giác êm ái của thân thể. Năm giác quan luôn đòi hỏi các đối tượng để thỏa mãn tương ứng như mắt thích nhìn cảnh đẹp, tai thích nghe lời êm dịu, mũi thích ngửi hương thơm, lưỡi thích nếm vị ngon, thân thích trải những khoái cảm dễ chịu. Ngoài ra, con người thường có cảm giác vui sướng khi nói chuyện hợp gu với một ai đó hay gặt hái một thành quả hoặc phát minh một điều gì mới mẻ, khiến họ có cảm giác thành công, thành danh… Tất cả những điều đó đều thuộc về cảm giác của tâm lí, thuộc về “dục lạc” (niềm vui khi tham muốn được thỏa mãn).
Tất cả niềm vui (lạc) trong cõi dục đều có chứa đựng mầm đau khổ, gọi là “khổ trong lạc”, thế nhưng chúng ta thường không hay biết gì đến yếu tố khổ trong lạc này. Ví dụ khi bạn trông thấy một cô gái đẹp như thiên thần xuất hiện trước mắt bạn, khi đó nhất định bạn sẽ vui. Nhưng nếu lúc nào bên cạnh bạn cũng có con trai hoặc con gái đẹp vây quanh thì lúc đó bạn sẽ cảm thấy bình thường, chẳng có gì vui nữa. Niềm vui cũng giống như cái đẹp, khi bạn thấy đến lần thứ một triệu thì cảm giác vui, đẹp không như ban đầu nữa mà dần dần rất có thể chỉ cảm thấy bình thường như những thứ bình thường khác.
Tất cả dục lạc đều mang tính tạm thời, vô thường, không trường tồn mà chúng sẽ qua nhanh, về mặt cảm nhận, chúng ta thấy nó như rất thực nhưng thực ra đó chỉ là ảo giác hư vọng, mà bản thân của sự hư vọng, không thực đó đã là nỗi khổ. Niềm vui của ngũ dục (năm thứ tham muốn gồm tham tài, tham sắc, tham danh, tham ăn, tham ngủ) trong đời này luôn có mặt của sự đau khổ. Nói cách khác, khi một người cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc thì trước đó họ phải biết thế nào là khổ và ngược lại, vì vui sướng, khổ đau chỉ mang tính đối đãi tương đối.
Thực ra cũng không hẳn là đời này chẳng có gì vui vì còn có một niềm vui không mang mầm khổ của dục lạc, đó là “định lạc” (niềm vui trong thiền định). Định lạc là niềm vui cao hơn, mạnh hơn niềm vui dục lạc vì niềm vui đó đã thoát khỏi sự ràng buộc của hình hài, nhất là đã thoát khỏi nỗi đau của thể xác, không còn mê mờ, khi đó tự nhiên sẽ có cảm giác hạnh phúc trọn vẹn. Khi nào đạt đến trạng thái “vô sự” trong thiền định, bạn sẽ thấy rất hạnh phúc. Nhưng sau khi xuất định, do thân thể còn vướng bận các việc lăng xăng nên vẫn còn đau khổ. Vì thế, ngay cả niềm vui thiền định cũng không thể duy trì lâu dài trong đời này được.
Niềm hạnh phúc đích thực nhất là niềm vui giải thoát; sự giải thoát có được nhờ quá trình tu tập thì không còn bất kì sự phiền muộn, sầu não nào nữa, trong lòng không còn bất kì gánh nặng nào nữa, khi đó mới đích thực là niềm vui, niềm hạnh phúc đích thực, tuyệt đối, đồng thời đấy mới chính là niềm hạnh phúc mà chúng ta
THEO ĐUỔI HẠNH PHÚC CHỈ LÀ ĐIỂM KHỞI ĐẦU CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ MỤCĐÍCH
Phật Thích Ca Mâu Ni dạy chúng ta rằng có sự sống là có khổ, bao gồm: khổ khi sinh ra, khổ khi lớn lên rồi già đi, khổ khi tật bệnh, khổ vì chết đi, khổ vì ân ái không được ở bên nhau, khổ vì oán thù gặp gỡ, chung đụng, khổ vì ước nguyện chưa toại, khổ vì thân năm ấm nung đốt, gọi chung là tám điều khổ. Khổ là sự thực của cuộc đời, vì bản chất cuộc đời là khổ, thế nên suốt đời người đều mong muốn tìm kiếm được hạnh phúc. Vì thế, đức Đạt Lại Lạt Ma từng nói: “Mục đích của sự sống là theo đuổi hạnh phúc”. Sở dĩ ngài nói thế ý là muốn tiếp lời của đức Phật Thích Ca: Phật Thích Ca nói “lìa khổ”, ngài nói “được hạnh phúc”. Cả hai vị thầy đó đều nói với chúng ta về thực tướng của đời người.
Tuy nói mưu cầu hạnh phúc là bản năng của con người nhưng trước hết chúng ta phải làm rõ vấn đề: cái hạnh phúc mà chúng ta muốn mưu cầu, tìm kiếm kia rốt cục như thế nào?
Thực ra, con người từ khi mới chào đời cho đến khi trút hơi thở cuối cùng không hẳn đều mưu cầu hạnh phúc, cái hạnh phúc thông thường kia bất quá chỉ là những biện pháp, những việc làm nhằm thỏa mãn dục vọng, thỏa mãn tham muốn bản năng như sự thỏa mãn về ăn, uống, ngủ, nghỉ. Một khi những tham muốn kia được thỏa mãn thì họ cảm thấy “hạnh phúc”. Nhưng vấn đề là hạnh phúc đích thực khác hẳn so với sự thỏa mãn dục vọng.
Theo đuổi sự thỏa mãn vật chất, đáp ứng dục vọng cá nhân là xu hướng chung của con người hiện đại. Có lẽ vì thế nền văn minh vật chất hiện nay phát triển như vũ bão. Tuy nhiên, song song với việc theo đuổi sự thỏa mãn về vật chất, bất chợt con người nghi ngờ rằng cái hạnh phúc mà từ trước tới giờ họ theo đuổi phải chăng là niềm hạnh phúc đáng tin cậy, trường tồn?
Mưu cầu hạnh phúc vật chất, thỏa mãn dục vọng trong tương đối và biết điểm dừng là điều tất nhiên và cũng không nên trách cứ nhiều, nhưng nếu theo đuổi chúng với lòng tham vô độ, không hợp lí, không biết dừng, không biết đủ thì ngay phút sau của những thỏa mãn đó chỉ là đau khổ vô bờ. Từ điểm này cho chúng ta thấy, nếu không có quan niệm đúng đắn về hạnh phúc thì dù tìm kiếm chúng cả đời, bất quá cũng chỉ là bạn đang tìm đau khổ, vì tất cả hạnh phúc mà bạn tìm đều phải trả giá là sự đau khổ. Hơn nữa, hạnh phúc kia không phải hạnh phúc lâu dài thực sự, nó chỉ là biểu hiện tạm thời, nói thẳng ra đó chỉ là ảo giác.
Hơn nữa, khi người ta tìm được cái mà người ta cho là hạnh phúc, họ lại không tận hưởng chúng mà lại hổi tưởng về quá khứ, về chặng đường gian nan, vất vả tìm hạnh phúc. Con người như khúc gỗ trên dòng sông lượn vòng, quanh co khúc khuỷu, hết ghé bờ hạnh phúc lại đâm vào bờ khổ đau và ngược lại, và cứ kéo dài mãi như thế, hết khổ lại vui, hết vui lại khổ như vòng tuần hoàn bất tận. Chẳng qua con người muốn tự an ủi, tự huyễn hoặc mình rằng những gì mình theo đuổi kia là hạnh phúc, kết quả là mãi mãi chìm đắm trong biển khổ.
Mật Tông trong Phật giáo đặc biệt chú trọng đến “tư tưởng đại lạc”, nhưng đó là “đại lạc” trong quá trình tu tập, là niềm hỷ lạc về phương diện tinh thần. Ví như khi tu tập thiền định có niềm vui gọi là “định duyệt” (niềm vui thiền định), chỉ cần tu tập đến mức độ thân tâm là một thì sẽ có cảm giác thoải mái, sung sướng vì không còn bị ràng buộc nào nữa về thân và tâm, cảm giác đấy được gọi là “khinh an” (nhẹ nhàng, yên ổn). Những người tu tập theo Tịnh Độ Tông lấy việc được vãng sinh về nước Cực lạc ở Tây phương là mục tiêu cuối cùng, cũng là lấy “cực lạc” để hình dung về trạng thái cuối cùng của việc tu tập. Từ những ví dụ này cho thấy, tu hành quả thực có được kết quả hạnh phúc đích thực. Tuy vậy, theo Phật giáo, mục đích của việc tu hành không đơn giản chỉ mưu cầu cho hạnh phúc cá nhân mà còn phải giúp người khác lìa khổ được vui, được hạnh phúc như chính mình nữa.
Nếu chúng ta chỉ lấy việc mưu cầu hạnh phúc cá nhân làm cứu cánh cho mình, e rằng chúng ta sẽ rơi vào cực đoan, lạc vào đường hướng của những người theo chủ nghĩa hưởng thụ, cũng rất có thể bạn sẽ lạc vào đường sai lệch và càng làm mình thêm đau khổ. Sở dĩ đức Đạt Lại Lạt Ma nói “mục đích của con người là mưu cầu hạnh phúc” là ngài đứng ở lập trường của chúng sinh nhằm đánh vào tâm lí cầu vui tránh khổ của con người hiện đại. Chúng ta tuyệt đối không được hiểu lầm ý nghĩa của câu nói đó.
Vì thế, theo đuổi, mưu cầu hạnh phúc chỉ là điểm khởi đầu, là niềm mong cầu, hy vọng chung của loài người chứ không nên hiểu lầm rằng mưu cầu hạnh phúc là mục đích cuối cùng của đời người. Nếu không, chúng ta chỉ một mực theo đuổi hạnh phúc vật chất thì nhất định sẽ dẫn đến kết cục là đau khổ khôn nguôi. Hơn nữa, xét từ lập trường quan điểm của đạo Phật, không nên “độc thiện kì thân”, không nên chỉ cầu hạnh phúc cho riêng mình mà phải lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh phúc của mình, xem việc giúp người khác có hạnh phúc đó mới là hạnh phúc của mình, chừng nào con người hết đau khổ thì chừng đó ta mới có niềm hạnh phúc đích thực. Đấy chính là hạnh nguyện của ba đời chư Phật, chư Bồ-tát.
ĐỜI NGƯỜI TỰ TÌM TRÁI ĐẮNG
Con người chẳng ai muốn khổ, ai cũng muốn hạnh phúc nên tự nhiên có tâm lí tránh dữ tìm lành, tránh khổ tìm vui, theo đuổi mưu cầu hạnh phúc. Thế nhưng thực tế cuộc đời lại cho thấy nỗi khổ gắn liền với đời người như bóng theo hình không biết tránh đâu cho khỏi. Dù có cố gắng theo đuổi, tìm cầu hạnh phúc đến mấy, kết cục cũng chỉ là đau khổ. Vậy đâu là nguyên nhân?
Bởi trong quá trình tìm kiếm, mưu cầu hạnh phúc, con người cần phải trả cái giá nhất định, bằng không niềm hạnh phúc đó sẽ trở thành “món nợ” và khổ cũng sẽ đến dồn dập. Điều đó cũng giống như một người nghiện phim nhưng không có tiền mua vé đành nghĩ cách xem “chui”. Nếu may mắn trót lọt một đôi lần thì không sao nhưng người ta thường nói đi đêm lâu ngày gặp ma nên nhất định sẽ có ngày bị bắt. Khi đó, họ phải trả cái giá tương đương với giá mà họ đã xem chui từ trước đến giờ.
Tất cả những niềm vui, hạnh phúc dễ dàng có được mà không cần phải tốn công sức, không phải trả cái giá nhất định thì ắt phải chịu hậu quả không như ý, ngay cả khi chấp nhận đau khổ để được hạnh phúc thì cũng phải trả giá! Ví dụ, để theo đuổi hạnh phúc, người ta phải dốc sức kiếm tiền để tạo tiền đề, sau một thời gian dài mới hưởng được hạnh phúc vật chất kia. Nhưng chúng ta thử nghĩ kĩ lại: niềm hạnh phúc kia lẽ nào lại không có mặt của đau khổ?
Tục ngữ có câu “của biếu là của lo, của cho là của nợ”: ngay cả khi người ta mang thành quả đến cho mình hưởng thụ thì cũng là nợ nần, đã là nợ thì đó nhất định không thể hạnh phúc trọn vẹn. Ăn một bữa cơm ngon là do mình đã gian khổ làm lụng mà có, đó là sự đền đáp của tự nhiên cho chúng ta.
Người xưa có câu “ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Câu tục ngữ này cho chúng ta thấy mỗi một hạt cơm là cả mồ hôi, công sức của người đi cày, có được chúng thật chẳng dễ dàng gì. Gieo một hạt mầm mấy tháng sau mới đơm hoa kết trái, trong quá trình từ khi ươm mầm cho đến khi thu hoạch phải trải qua biết bao gian khó. Tuy nhiên, ít ai nghĩ đến công ơn người đào giếng khi uống nước, ít ai nghĩ đến công người nông phu khi ăn cơm!
Suốt một đời người kể từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến khi xuôi tay nhắm mắt đều bận rộn tất bật, thời gian hạnh phúc thực sự rất ít. Vì chúng ta trần trụi đến với cuộc đời với một tâm lí tham lam mưu cầu hạnh phúc, vậy lấy gì để hạnh phúc nếu không trả một giá tương đương? Thông thường người ta cho rằng nam nữ đến tuổi dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, đấy là hạnh phúc. Tuy nhiên, mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, ai cũng có nỗi khổ khó nói riêng. Con cái, vợ chồng đều là niềm an ủi đồng thời cũng là nợ của nhau.
Để hóa giải phiền não, đau khổ đến từ cuộc sống, hiện nay có nhiều hình thức vui chơi, giải trí như các khu vui chơi giải trí, sống ảo trong các trò chơi online. Thoạt nhìn, ai cũng nghĩ đấy là những trò chơi giúp thư giãn, lấp khoảng trống trong lòng người, nhưng nghĩ kĩ lại, đấy chỉ là thuốc làm tê liệt thần kinh tạm thời: trong thời gian ngắn ngủi, nó có thể làm thư giãn đầu óc, kích thích cảm giác qua các giác quan như mắt, tai… nhưng rốt cục càng đau khổ hơn vì không thể sống mãi trong thế giới ảo mà phải trở về thực tế. Giấc mộng càng đẹp thì tỉnh giấc càng phũ phàng. Cho nên, đấy không phải là hạnh phúc thực sự.
Thỏa mãn nhu cầu hạnh phúc như thế khác nào lấy nước mặn làm nước giải khát, càng uống càng khát. Giống như việc trẻ con đau mắt lấy tay dụi mắt, đỡ ngứa nhất thời nhưng càng dụi càng hỏng mắt. Từ đó, chúng ta thấy rằng những niềm hạnh phúc tạm bợ không chỉ là kết quả của đau khổ mà còn là nguyên nhân mới cho những khổ đau khác phát sinh.
Từ những ví dụ trên, chúng ta thấy đời người vui ít khổ nhiều, con người tất bật một đời mưu cầu hạnh phúc bằng trăm phương nghìn kế. Tuy nhiên, họ chỉ có được cái bóng hạnh phúc chứ chưa từng hưởng thụ hạnh phúc đích thực, có khi càng tìm hạnh phúc càng lún vào vũng lầy khổ đau. Nguyên nhân chính của việc này là do họ không biết căn nguyên đau khổ đều do chính bản thân mình gây nên.
ĐAU KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ KHỔ
Có vị hòa thượng mắc bệnh ung thư nằm liệt giường và không ngừng rên xiết. Các đệ tử hiếu kì hỏi: “Không phải thầy thường bảo là “tứ đại giai không”1 sao? Tại sao thầy còn thấy đau đớn đến thế?”
Vị hòa thượng kia đáp: “Không là việc của không, còn đau là việc của đau”. Thực sự dù là một vị hòa thượng dày công tu tập nhưng vẫn phải chịu đựng cái đau của thân thể bằng xương thịt!
Thông thường người ta gắn liền đau với khổ, ít ai nhận ra rằng đau và khổ là hai khái niệm khác nhau. Phần lớn người ta cho rằng đau chính là khổ và khổ nhất định phải đau. Kì thực chúng không phải là một, giữa chúng có một khoảng cách lớn. Đau chỉ nỗi đau về mặt thể xác, ví dụ như khi thân thể bị thương, bị đọa đày, dày vò hoặc bị vật gì đó đâm phải thì sẽ có những phản ứng sinh lí nhất định. Đây là hiện tượng sinh lí tự nhiên thông thường, nếu không họ không phải là người mà là cây cỏ, gỗ đá. Theo sử chép, đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng có lúc bị đau bụng, đau lưng, điều đó chứng tỏ rằng đức Phật cũng là con người như bao con người khác, về mặt thể xác có cảm giác đau. Tuy nhiên, Phật đau về thể xác chứ không có sự khổ về mặt tinh thần, không có biểu hiện đau về tâm lí.
Khổ có nhiều loại, ví dụ như khổ về sinh, khổ vì già, khổ vì bệnh, khổ vì chết. Tâm lí tham lam, luyến tiếc, chấp nhặt đã là một nỗi khổ; thấy bản thân mình lụi tàn theo năm tháng, bệnh tật dồn tới không thế từ chối nhưng tâm lí lại muốn trốn tránh chối từ thì sẽ đau khổ hơn. Khi một người đối diện với cái chết hoặc tận mắt chứng kiến người thân ra đi, họ sẽ bị sốc nặng về mặt tâm lí, họ nghĩ không thể chịu đựng được, đấy chính là khổ.
Ngoài cái khổ vì sinh, già, bệnh, chết ra, còn nỗi khổ của cầu không toại nguyện, khổ của yêu thương chia lìa cách biệt, khổ của thù oán gặp gỡ, tụ hội và các tâm lí khổ kèm theo như lo âu, sợ sệt, đố kị, ghen ghét, căm hận, hoài nghi… Tất cả đều cho chúng ta một cảm giác rằng đời là bể khổ.
Những điều trên cho chúng ta thấy rằng đau là biểu hiện về mặt thể xác, khổ là biểu hiện về phương diện tinh thần. Nỗi đau về mặt thể xác là điều hiển nhiên khi mang tấm thân này, không ai có thể tránh được, nhưng một khi thân xác này chết đi thì nỗi đau đó cũng tiêu mất theo. Trong khi đó, khổ mãi mãi không bao giờ mất vì nó là nỗi đau về mặt tinh thần, nếu không chấm dứt được nỗi đau về mặt tinh thần thì thân xác này có chết đi cũng không thể chấm dứt khổ và giải thoát được. Vả lại, khi nỗi khổ đạt đến mức tột cùng thì sẽ dẫn đến đau ở thân, tức là tinh thần suy sụp thì thân thể cũng bệnh hoạn theo. Ví dụ khi chúng ta nói “đau lòng quá”, thực tế vì chúng ta quá thương tâm, trong lòng quá buồn đau mới thấy lòng mình quặn lại như bị dao cát, đau đến không thể chịu được, đấy chính là nỗi đau tinh thần.
Nhưng nếu đau khổ của chúng ta có sự đền đáp, chúng ta sẽ được an ủi phần nào; dù có trải qua muôn cay nghìn đắng, chịu đủ nỗi giày vò cũng còn một tia hi vọng là mong có ngày “khổ tận cam lai”. Trường hợp này thì niềm hi vọng kia chính là niềm an ủi và còn một tia hi vọng vào tương lai thì sẽ không còn khổ nữa, nên khổ không phải là một cảm giác cố định, bất biến mà nó sẽ thay đổi theo hoàn cảnh bên ngoài.
Vì thế, nếu chúng ta chuẩn bị tâm lí tốt, dám làm dám chịu, có dũng khí đối diện với thực tế trước mắt, xử lí tình huống với tâm lí tự tại không lo âu sợ sệt, không trốn tránh, đối diện với những gì đang xảy ra trước mắt, chỉ biết dốc hết sức mình để xoay chuyển tình huống theo chiều hướng tốt theo khả năng có thể của mình mà không phải bận tâm nhiều về kết quả của chúng thì chúng ta sẽ không còn cảm thấy khổ đau, không còn bị áp lực tâm lí nữa.
PHẢI CHĂNG BẠN ĐANG LẤY KHỔ LÀM VUI?
Phật dạy chúng ta rằng nếu thể nhập được diệu lí “sắc tức là không”, “tính không của duyên khởi” và “vô thường” thì có thể lìa khổ được vui và chứng nghiệm được niềm hạnh phúc đích thực.
Nhưng thông thường khi con người cảm thấy trong lòng không vui thì họ chỉ cần nghe nhạc, khiêu vũ, chơi bài hoặc tham gia một hoạt động nào đó là họ cho rằng mình đã lìa khổ tìm vui và việc tìm vui lánh khổ không nặng nề, quan trọng đến mức như trong kinh điển Phật giáo đề cập và cũng không đến nỗi khó thực hiện như thế.
Thế nên, nhiều người cho rằng phí sức, phí thời gian đi tìm hiểu giáo lí Phật giáo để lìa khổ tìm vui không bằng việc tự mình đi tìm cho mình một niềm vui trong một hoạt động hoặc một trò chơi nào đó.
Thực ra, về cơ bản, niềm vui sướng, hạnh phúc nói trên khác với hạnh phúc “lìa khổ được vui” mà Phật giáo đề cập. Thông thường người ta cho rằng có hai cách hưởng lạc: một là chìm vào các chất gây nghiện như thuốc lá, bia rượu, ma túy hoặc các chất kích thích khác. Các chất gây nghiện đều mang lại hưng phấn, khoái lạc tạm bợ, nhất thời cho con người, giúp con người quên đi thực trạng đau khổ của bản thân.
Nhưng một khi các chất gây nghiện hết tác dụng, con người tỉnh lại đối mặt với thực tế thì càng đau khổ hơn.
Cách hưởng lạc còn lại là “kích thích”, điều này chỉ mang lại khoái cảm của thân xác, cũng giống như việc gãi cho đỡ ngứa khi bị côn trùng đốt hoặc khi trời nóng bức chúng ta uống một cốc nước mát.
Thoạt tiên, nó cho ta cảm giác rất dễ chịu, sảng khoái vô cùng. Nhưng nếu chúng ta dùng các biện pháp kích thích kia để xử lí những việc gây khó chịu trước mắt thì nhất định sẽ mang bệnh, như khi gãi nhiều thì sưng tấy, uống nước đá nhiều thì viêm họng. Đấy là những hệ quả của việc dùng các biện pháp kích thích thân thể gây nên.
Thông thường mọi người nghĩ rằng hưởng thụ bất quá chỉ là các hình thức gây mê hoặc tăng thêm kích thích, hưng phấn cho cơ thể, xem đó là hạnh phúc. Thực ra, họ đang lấy khổ làm vui, hoàn toàn không phải là niềm hạnh phúc đích thực, thậm chí có lúc còn bị phản tác dụng do sử dụng không đúng cách. Ví dụ người mê đánh bạc, họ biết rõ rằng không thể ván nào cũng đánh thắng, nhưng lại luôn luôn mong thắng. Có thể chỉ thắng một ván đầu nhưng nhờ đó gây hưng phấn cho họ, họ bị kích thích ham muốn. Song, sự thực là càng đánh, càng hy vọng thì càng thua. Người đánh bạc thua đau khổ đã đành nhưng người thắng cũng không nhất định sẽ hạnh phúc. Có người chết vì quá vui mừng, hưng phấn do đánh thắng bạc. Khiêu vũ cũng thế: khi đang trên sàn nhảy, cảm giác lâng lâng khó tả, vô cùng thích thú, hưng phấn. Khi đó, họ đam mê đến nỗi không biết mình đang làm gì, nhưng sau khi về nhà tỉnh lại, cái cảm giác hưng phấn trên sàn nhảy tan tành mây khói, chỉ còn lại một mình trơ trọi, quanh mình vẫn thấy nhạt nhẽo, trống vắng ê chề.
Đương nhiên khi tham gia lao động quá mệt mỏi, vất vả, chúng ta có thể đi nghe nhạc, đánh cầu, đi bơi, đi dã ngoại, du lịch,… đều là những cách giải trí lành mạnh, có tác dụng thư giãn thần kinh, tăng thêm hứng thú làm việc, đấy không phải là việc xấu. Tuy nhiên, đấy chỉ là những giải pháp tạm thời, thiếu tính triệt để, rốt ráo, càng không thể đảm bảo cho người tham gia rằng chỉ làm một lần như thế thì niềm vui kia đủ năng lượng để sử dụng cả đời.
Theo Phật pháp, niềm hạnh phúc do tu tập mang lại mới là niềm hạnh phúc đích thực. Quẳng hết gánh lo trong lòng mình giúp chúng ta thể nghiệm sự giải thoát nhẹ nhàng khi tâm lí không còn mang nặng điều gì nữa. Niềm hạnh phúc này hoàn toàn khác xa so với niềm hạnh phúc tạm bợ do những thú vui chơi, giải trí mang lại.
Phần lớn thời gian đời người tất bật vì mưu sinh, kiếm tiền. Gánh nặng tiền bạc, gánh nặng cuộc sống đè xuống hai vai khiến người ta cảm thấy cuộc sống ê chề, mệt mỏi. Vì thế, nếu có thời gian rỗi rãi, mọi người hãy thử tham gia công tác từ thiện, tham gia lao động công ích, lắng bớt tâm lí lao động để kiếm tiền, thay vào đó là tâm lí hiến dâng cho đồng loại, giúp chúng ta giảm bớt tham tâm, giảm nhẹ gánh nặng tiền bạc trong lòng. Hãy thử sống và làm việc không vì tiền trong một đôi ngày và thể nghiệm niềm hạnh phúc khi hiến dâng cho người khác xem sao! Giúp đỡ người khác theo cách này không những mang lại lợi ích cho họ mà còn có tác dụng điều hòa tâm sinh lí, xem đấy là thuốc điều trị đau khổ cho thân tâm, như thế bạn sẽ gặp được quả ngọt hạnh phúc.
MỜ RỘNG CÕI LÒNG, VƯỢT QUA SỰ RÀNG BUỘC CỦA HOÀN CẢNH
Nhiều người thường cảm thấy công việc của mình thuận lợi, sự nghiệp thành đạt, đời sống vật chất thư thả, ổn định, nhưng về mặt tinh thần cũng như cách sống, hành vi và động tác dường như có điều gì đó hạn chế, gò bó, dường như có cái khung vô hình chụp lên đời sống, lên tinh thần mình làm mình không thể thoải mái, tự do được.
Tấm lòng rộng mở có thể được chia thành hai cấp bậc. cấp thứ nhất là cách nhìn rộng mở, tấm lòng quảng đại. Thông thường một người có cách sống lạc quan, khoáng đạt thường có tâm thế “vui theo tự nhiên” ngay cả trong môi trường cuộc sống hiện thực không được tốt đẹp. Những người như thế thường rất may mắn, bẩm tính họ thoáng, hào phóng. Thế nhưng những người này lại có tính thờ ơ, vô tình với mọi việc xung quanh, làm gì cũng được, thậm chí không có việc cũng không sao. Nếu cứ mãi như thế thì chắc chắn đời sống sẽ nảy sinh nhiều vấn đề khác như sống thiếu ý nghĩa.
Cấp thứ hai của một tấm lòng rộng mở chỉ người có tâm thế vui tươi, hạnh phúc, vượt mọi giới hạn của thời gian, không gian, vượt lên lợi hại, được mất, thành bại thị phi. Những người có tâm thái vượt lên tất cả các chướng ngại kia mới đích thực là người có tấm lòng rộng mở.
Tôi có quen một doanh nhân khá thành đạt, nhưng sau đó công việc làm ăn cứ dần sa sút. Đứng trước cảnh công việc ngày càng thua lỗ đó, anh ta mất hết niềm tin.
Tôi khuyên: “Anh vốn là người như bao người khác, không phải là một doanh nhân thành đạt, dần dần mới trở thành ông chủ. Vì vậy, “doanh nhân” vốn không phải là vật sở hữu của anh. Bây giờ bất quá là anh đang trở về với chính anh trước đây. Vì thế, anh phải có đủ dũng khí để chấp nhận bản thân anh của trước đây chứ!”.
Anh ta nói: “Trước đây chưa kinh doanh còn được, nhưng công việc kinh doanh đang thuận lợi bỗng nhiên thua lỗ nặng. Trong một thời gian ngắn mà mất quá nhiều tiền, quả thực con không biết làm thế nào!”
Tôi an ủi: “Chúng ta sinh ra không mang theo việc kinh doanh mua bán, chết cũng không thể, mang đi, nên chỉ cần làm thật tốt những gì có thể còn những gì không thể thì hãy buông xuống… Những gì đang xảy ra với công việc làm ăn của anh chính là kết quả của nhiều nguyên nhân, yếu tố khách quan mang lại, dù anh có lao tâm lao lực đến mấy cũng chẳng có tác dụng gì!”
Anh ta nghe tôi nói thế liền bảo rằng: “Chẳng lẽ sự nghiệp làm ăn cứ thế ra đi?”
Tôi nói: “Ban đầu anh có sự nghiệp gì đâu. Hãy xem như mình chưa có gì để làm lại từ đầu xem sao, có được không?”
Anh ta nói: “Nhưng con không còn chút hi vọng nào nữa, thầy ạ”.
Tôi khuyên: “Không nên nghĩ như vậy. Nếu đời này anh không còn chút hy vọng nào thì đời sau cũng thế và mãi mãi muôn kiếp đều thế!”
Một người có tấm lòng rộng mở sẽ không bao giờ nghĩ rằng tất cả mọi việc đều “đã chấm dứt”, họ chỉ nghĩ rằng khi cần nỗ lực hết mình sẽ nỗ lực hết mình, khi cần né tránh sẽ né tránh, khi cần xử lí sẽ xử lí. Nếu không còn biện pháp nào, không còn cách nào để xoay chuyển cục diện thì ít nhất vẫn còn dũng khí để chấp nhận sự thực, chờ thời cơ mới, cơ hội mới sẽ làm lại từ đầu. Đây là thái độ sống đúng, biết cương biết nhu, biết co biết duỗi, như người xưa từng nói “quân tử an bần đạt nhân tri mạng” (bậc quân tử yên với phận nghèo, thực hiện điều nhân và hài lòng với những gì vốn không thể thay đổi được). Nên nếu điều kiện ngoại tại lúc đó không cho phếp mình thực hiện mong ước thì hãy buông xuống, đấy cũng là một việc làm trí tuệ.
Một lần nọ, khi hay tin mưa bão về, tôi sợ mưa sẽ làm ngập những vật dụng để ở chỗ thấp trong Bắc Đầu Nông Thiền Tự nên cho người dọn tất cả các vật dụng ở chỗ thấp lên cao, nhưng cuối cùng vẫn bị ngập trong nước, các vật dụng hư hỏng nặng. Trước tình hình đó, thấy mình đã làm hết khả năng có thể nhưng vẫn không thể cứu được thì thôi, điều quan trọng là mình đã tận lực, có thành công hay không không còn là vấn đề nữa. Điều quan trọng trong trường hợp này là làm thế nào để đối diện, xử lí tốt nhất khi sự việc đã xảy ra.
Sở dĩ có được thái độ như thế là vì tôi đã hiểu được luật nhân quả, có cái nhìn đúng đắn theo tinh thần nhân duyên, nhân quả.
Nếu bạn hiểu đúng theo tinh thần nhân duyên, nhân quả thì sẽ vượt qua giới hạn của hoàn cảnh ngoại tại, vượt lên quan niệm được mất, lợi hại, thành bại; đạt đến trình độ này mới được xem là người có tấm lòng rộng mở.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.