Nơi Nào Có Ý Chí Nơi Đó Có Con Đường
Ý chí của một cô gái
TTO – “Không có cách nào tốt hơn để xua tan những chỉ trích bằng sự chuẩn bị tốt nhất và làm cho mọi người đoàn kết. Hãy biết mình đang nói về điều gì. Đừng lơ là. Sự xuất sắc và tỉ mỉ sẽ luôn nhận được sự tôn trọng của mọi người.”
Đa số các luật sư tương lai bắt đầu nghĩ và biết đến ngành luật khi đã là sinh viên đại học. Một vài người biết lo xa bắt đầu lên kế hoạch từ khi còn học trung học. Nhưng Leah Sears đã đặt mục tiêu của mình là sẽ theo đuổi nghề luật ở lứa tuổi mà hầu hết những đứa trẻ cùng tuổi còn đang mơ ước có được một chiếc xe đạp mới hoặc một đôi giày trượt pa-tanh. Khi mới bảy tuổi, cô bé Leah đã gửi thư đến các trường luật để xin bản thông tin chi tiết về những ngôi trường này.
Nhìn những tấm hình trong bản thông tin, đặc biệt là những tấm hình từ trường Harvard và trường Yale, Leah nhận ra cô trông không giống bất kỳ ai trong những tấm hình ấy cả. Cô là người da đen, và hầu như tất cả mọi sinh viên cô thấy trong hình đều là người da trắng, không những thế, tất cả họ đều là nam.
“Tôi cảm thấy mình như là người thuộc giai cấp thứ hai vậy. Khi ấy, trong tôi hình thành rất rõ một quyết tâm. Tôi tin là tôi sẽ làm được một điều gì đó. Và để điều đó xảy ra, tôi phải tạo ra sự thay đổi.” Sự thay đổi đó không chỉ có ý nghĩa với riêng bản thân Leah Sears mà còn cho những ai không có điều kiện có được một cuộc sống tốt như cô – lớn lên trong một gia đình quân nhân trung lưu. Cô muốn tạo điều kiện cho những người cần nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống, những người không thuộc về số đông, những người mà mỗi khi họ nhìn vào gương thì tất cả những gì họ thấy là một người “không là ai cả”.
Cô biết nếu muốn thành công, cô phải bắt đầu ngay từ lúc còn nhỏ.
Được sự hỗ trợ và động viên từ cha mẹ, Leah càng quyết tâm và nỗ lực để đạt kết quả xuất sắc trong học tập và tham gia đầy đủ các hoạt động ở trường. Trường trung học của cô chưa từng có một hoạt náo viên nào là người Mỹ gốc Phi cả, nhưng điều đó không ngăn được cô. Leah chăm chỉ luyện tập vũ đạo và vượt qua những rào cản về màu da ở trường khi được chọn vào đội hoạt náo. Mặc dù vậy, đối với cô việc học vẫn là trên hết.
“Có được bằng cấp từ ngôi trường tốt nhất sẽ rất quan trọng để đạt tới mục tiêu của mình,” cô luôn tự nhắc nhở mình như thế. “Vì cha mẹ không đủ điều kiện cho mình theo học ở những ngôi trường danh tiếng đến thế, mình cần phải cố hết sức để giành được một học bổng.”
Những cố gắng của cô đã được đáp lại. Cô giành được một học bổng toàn phần của Đại học Cornell, tốt nghiệp với tấm bằng hạng ưu vào tháng sáu năm 1976, sau đó cô hoàn tất khóa học về ngành luật ở trường Đại học Luật Emory năm 1980. Hai mươi lăm tuổi, cô làm việc tại một công ty luật có uy tín ở Atlanta của Alston và Bird. Và ở đó, mặc dù cô tìm thấy được những kinh nghiệm hữu ích, nhưng có rắc rối là “quá nhiều việc văn phòng mà lại thiếu nhân viên để làm.” Công việc khác xa mục tiêu đầu tiên của cô. Sau hai năm, cô rời công ty đó và chấp nhận làm ở một vị trí có lương thấp hơn, đó là một thẩm phán chuyên xử các vụ án giao thông ở tòa án Atlanta. Đây có vẻ là một bước đi đúng đắn.
“Tôi lớn lên vào đúng lúc giao thời, khi quyền công dân và quyền phụ nữ có những biến chuyển mạnh mẽ và tôi đã thấy luật pháp đã tạo nên những thay đổi cho những người giống như tôi vậy”, cô bình luận. Sự chuẩn bị kỹ càng của cô trong thời gian qua đã được đền đáp. Bây giờ, với mỗi bước tiến, cô nhận ra rằng cô sẽ có thể tạo ra một sự đột phá, một thay đổi lớn lao. “Hiện có rất, rất ít luật sư người da đen, và có trời mới biết được là có nữ luật sư người da đen nào đang hành nghề hay không, vì thế tôi chẳng có ai để tư vấn, chẳng có ai để mà noi gương.”
Bởi hoàn cảnh đặc biệt của mình, cô làm việc chăm chỉ gấp đôi những gì trước đây cô từng làm. Sau khi sinh con, cô vẫn luôn đảm đương tốt vai trò luật sư lẫn vai trò của người mẹ, cô luôn giữ được sự thăng bằng giữa gia đình và sự nghiệp. Trong cuộc vận động tranh cử vào vị trí chánh án tòa án tối cao năm 1988, phương pháp của cô rất đơn giản: “Mỗi đêm tôi chỉ ngủ ba hoặc bốn tiếng từ khi ra ứng cử cho đến ngày bỏ phiếu”. Trong ba cuộc đua tranh gần nhất, Leah trở thành người phụ nữ Mỹ gốc Phi trẻ nhất được bầu vào Tòa án cấp cao bang Georgia.
Bốn năm sau, cô đã đạt được bước tiến lớn nhất trong đời khi Thống đốc Zell Miller mời riêng cô đến để bổ nhiệm vào Tòa án Tối cao bang Georgia. Khi đó Leah mới ba mươi sáu tuổi, và là người trẻ nhất, là người phụ nữ đầu tiên, và là người Mỹ gốc Phi thứ hai từng được ngồi ở tòa án cấp cao nhất bang Georgia.
Nhưng bất chấp trình độ học vấn của Leah, bất chấp cả quá trình phấn đấu, lao động vất vả và những gian khổ mà cô đã phải trải qua; nhiều người vẫn bác bỏ những gì mà cô đạt được, họ coi tất cả những điều đó chỉ mang giá trị hình thức mà thôi. “Người ta không thèm nhìn nhận rằng vị trí mà tôi đang có được hiện tại đều bởi vì tôi là một thẩm phán giỏi; họ cho rằng tôi đạt những thành quả này bởi vì tôi là phụ nữ hoặc bởi vì tôi là người da đen!”, cô ngậm ngùi nói như vậy. Cô chứng minh cho họ thấy là họ đã sai nhưng rồi cô nhận ra rằng vẫn còn một khoảng cách giữa cô và những thẩm phán khác, đó chính là tuổi tác. Vào một trong những ngày đầu tiên của cuộc đời thẩm phán, có lần một nam thẩm phán lớn tuổi hơn cô bàn luận về chiến tranh, Leah đã hỏi lại “Chiến tranh gì thế?”, và ông ta nói “Thế chiến thứ hai, đó là một cuộc chiến lớn”. Cô đã góp lời: “Tôi nghĩ chiến tranh là như cuộc chiến ở Việt Nam vừa qua”. Ngay lập tức, ông ta chồm người về phía cô và thẳng thừng phán: “Cô quả là còn quá trẻ để làm việc trong một tòa án như thế này!”.
Leah hồi tưởng lại cảm nghĩ của mình lúc đó: “Tôi biết tôi phải cố làm việc chăm chỉ hơn và chuẩn bị tốt hơn những người khác để giành được sự tôn trọng của đồng nghiệp và những người xung quanh, những người đã bắt đầu công tác từ trước tôi”.
Leah tạo thói quen đến văn phòng mỗi sáng sớm lúc 5 giờ 30, trước cả mọi người, và cẩn thận xem xét lại những vụ kiện mà cô đã được giao. Cô cùng với thư ký của mình đọc kỹ bản tóm tắt hồ sơ của luật sư bào chữa và họ cùng gặp nhau mỗi sáng để thảo luận. Trước cuộc họp Hội đồng luật sư hàng tuần, cô luôn chuẩn bị thật kỹ những gì muốn nói và viết chúng ra giấy, không bao giờ làm qua loa. Sau mỗi cuộc họp, cô nhờ các đồng nghiệp nhận xét thẳng thắn về những biểu hiện của mình trong cuộc họp. Trước buổi họp kế tiếp, Leah tập trung hơn vào những điều cần phải cải thiện.
“Tôi đã luôn nói chuyện với những thẩm phán khác và hỏi họ thật nhiều với một thái độ cầu tiến, ham học hỏi. Tôi biết có thể tôi làm như vậy là đã làm phiền người khác, nhưng tôi không có cách nào tốt hơn. Dần dần họ cũng bắt đầu rủ tôi ăn trưa. Có khi tôi còn bình luận về vấn đề mà họ đang nói đến, và họ đã trả lời, thậm chí còn tranh luận với tôi như thể tôi là một người thông minh và có thể góp ý cho họ vậy. Rồi đến một lúc, họ thật sự lắng nghe tôi.”
Và Thẩm phán Leah Sears đã giúp cho mọi người có được sự thay đổi như cô từng mong ước thuở ấu thơ. Cô đã góp phần làm thay đổi thế giới thông qua từng trường hợp, từng con người cụ thể vào một thời điểm nào đó. “Không có gì nghi ngờ rằng những thành công của tôi là kết quả của cả một quãng đời dành cho việc chuẩn bị và làm việc chăm chỉ. Nó là một quá trình xây dựng, tại bất kỳ thời điểm đã định nào, tôi vẫn luôn chuẩn bị sẵn sàng để đón lấy cơ hội.”
Luật sư LEAH SEARS
“Có thể bạn phải chiến đấu nhiều trận mới giành được một chiến thắng.” – Margaret Thatcher |
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.