Dạy Con Kiểu Nhật - Giai Đoạn Trẻ 0 Tuổi
Giai đoạn bò: từ 10 – 12 tháng tuổi
Bài tập bò
Bắt đầu hoạt động tự phát
Bò là vận động mà trẻ chống cả hai tay hai chân xuống đất nên thường bị xem nhẹ. Nhưng đây thực chất là một vận động cao cấp vì trẻ cần vận động đồng thời nhiều hoạt động của não bộ như dùng lực của mình để nâng đỡ cơ thể, điều chỉnh tầm nhìn tiêu điểm phù hợp với vận động của cơ thể, đảm bảo tư thế phù hợp với chuyển động thẳng v.v… Do vậy, nếu không coi trọng giai đoạn này trước khi trẻ biết đi thì sau này trẻ sẽ dễ bị trầy xước đầu gối. Trẻ có bò nghiêng hay lùi, bạn cũng không cần để ý vì đó là hành động tự phát.
Tìm hiểu về não bộ
Để trẻ thành thạo nhiều loại hoạt động
Di chuyển về phía trước trong tư thế bò chính là bài tập tiền đề để trẻ di chuyển tốt được bằng hai chân. Bạn hãy cho trẻ bò ở nơi có không gian rộng. Không chỉ ở mặt đất bằng phẳng mà có thể cho trẻ bò ở cả thảm mềm để tạo thành các dốc giúp trẻ luyện tập lên xuống. Luyện tập để di chuyển nhanh, di chuyển về phía sau cũng rất quan trọng. Nếu trẻ đã thành thạo các động tác, bạn hãy cho trẻ luyện tập cả việc vòng trái, vòng phải và bò vòng quanh.
Hình 68 – Nếu trẻ đã bò thành thạo, bạn có thể chồng chăn lên để tạo mặt gồ ghề giống như dốc rồi cho trẻ bò lên đó.
Tóp tép – Ực – Hà
Những chú ý cơ bản khi ăn
Đối với những hành động như nhai, nuốt, nếu bạn không dạy thì trẻ sẽ không làm được. Lúc đầu khi mới ăn dặm, trẻ hầu như không cần nhai nhưng chúng ta phải dạy trẻ nắm vững các hành động này. Trước tiên, bạn hãy cho trẻ nhìn kỹ khoang miệng và làm mẫu. Tiếp theo, bạn đút thức ăn vào miệng trẻ nhưng để thức ăn ở đầu lưỡi, nơi có “nụ vị giác” để trẻ cảm nhận vị. Sau đó, hãy nói “tóp tép” khớp với chuyển động của miệng trẻ rồi nói “ực” để trẻ nuốt, cuối cùng nói “hà” để trẻ thè lưỡi ra, bạn xác nhận trong miệng trẻ đã hết thức ăn.
Hình 69 – Nếu đã nói tóp tép, ực rồi, nhất định cuối cùng phải nói “hà”. Hành động này sẽ giúp trẻ mở miệng và thè lưỡi ra. Bạn hãy làm mẫu để trẻ bắt chước.
Hình 70 – Nơi có “nụ vị giác”
Tìm hiểu về não bộ
Để trẻ nhìn đồ ăn và cảm nhận
Trước tiên, bạn hãy cho trẻ nhìn đồ ăn của mình để trẻ biết sẽ ăn gì. Sau đó, bạn lặp đi lặp lại chuỗi hành động: mở miệng, đặt thức ăn ở đầu lưỡi (phía trước), ngậm miệng lại rồi nhai để trẻ ghi nhớ được mùi vị rồi cuối cùng cho trẻ nuốt. Đôi lúc bạn hãy hỏi trẻ xem con có muốn ăn không? Sau khi xác nhận trẻ đã nhai nát đồ ăn rồi bạn hãy nói “ực” để trẻ nuốt.
Vùng vỏ não trước trán
Tập cầm thìa
Sử dụng ngón tay sẽ kích thích não bộ
Khi bắt đầu cho trẻ ăn dặm, ta giúp trẻ học cách cầm thìa. Có thể sử dụng thìa là cơ sở giúp trẻ dùng ngón tay khéo léo để sử dụng thành thạo các dụng cụ. Trong giai đoạn này, chúng ta hãy dạy trẻ cách sử dụng các ngón tay. Bạn hãy cầm thìa bằng ba ngón: ngón trỏ, ngón giữa và ngón cái rồi cho trẻ nhìn để bắt chước. Trẻ đã luyện tập với ba ngón tay ở phần “Nắm ngón tay” ở giai đoạn ngồi rồi nên giai đoạn này trẻ sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu đã cầm được thìa tốt, trẻ cũng sẽ sớm biết cầm đũa. Dần dần ta sẽ để trẻ tự múc nước để uống.
Hình 71 – Nếu chỉ là cầm nắm chặt bằng cả bàn tay thì không phải là tập luyện cho các ngón tay. Bạn nhất định phải tập cho trẻ cầm bằng ba ngón tay.
Tìm hiểu về não bộ
Cầm bằng ba ngón tay sẽ khiến vùng vỏ não trước trán làm việc
Bạn hãy hướng dẫn để trẻ cầm được bằng ba ngón tay: ngón trỏ, ngón cái và ngón giữa. Khi trẻ nắm chặt thìa bằng cả bàn tay để ăn, trẻ sẽ nhìn thức ăn khiến trung khu thị giác, vùng vỏ não trước trán làm việc. Nhưng nếu trẻ cầm bằng ba ngón tay thì không chỉ trung khu thị giác và vùng vỏ não trước trán làm việc mà vỏ não vận động và vùng vận động cũng làm việc để tạo nên vận động chi tiết, bắt vùng vỏ não trước trán hoạt động tích cực hơn.
Từ ngữ
Sửa từ ngữ
Để trẻ nhớ từ hiệu quả
Mặc dù nói giọng điệu trẻ con rất dễ thương nhưng nếu cứ để trẻ nói như vậy, sau này chúng ta phải dạy lại cho trẻ nói đúng từ. Cho nên, ở giai đoạn này, bạn hãy chú ý để trẻ không dùng các từ theo kiểu trẻ con. Khi bạn gọi trẻ hay định nói chuyện với trẻ, hãy phát âm thật chuẩn. Ví dụ khi trẻ nói “ngài” bạn hãy nói lại “Con muốn đi ngoài hả?” để trẻ dần nhớ được từ chính xác. Khi nói điều gì đó, bạn hãy cho trẻ nhìn khuôn miệng của mình rồi phát âm từ từ để trẻ dễnhớ hơn.
Hình 72 – Khi bạn nói chuyện hãy cho trẻ sờ vào miệng bạn để cảm nhận được chuyển động của miệng, như vậy cũng rất hiệu quả
Tìm hiểu về não bộ
Đừng bắt trẻ làm điều lãng phí
Bạn hãy chú ý luôn luôn sử dụng từ chuẩn. Nếu trẻ đã ghi nhớ những từ nói theo kiểu trẻ con rồi thì việc dạy lại cho trẻ từ mới là điều lãng phí. Do vậy, bạn hãy nhìn vào trẻ và nói chuyện thật to. Cho dù trẻ chưa thể nói được thì trẻ vẫn hiểu. Chú ý là tuyệt đối không được nói điều xấu hoặc cãi nhau trước mặt trẻ. Bạn sẽ hoàn toàn sai lầm nếu cho rằng trẻ không hiểu gì nên không sao.
Vận động
Tập giẫm chân
Để đi đúng cách và rèn luyện cảm giác ở lòng bàn chân
Khi bước đi, trước tiên ta sẽ đặt gót chân lên mặt đất, cho cơ thể chuyển động từ phía sau lên phía trước, cuối cùng là dẫm các đầu ngón chân lên mặt đất. Để làm đúng một loạt hành động này, điều quan trọng là khi chạm gót chân xuống đất, đặt lòng bàn chân xuống đất rồi kiễng phần gót chân khỏi mặt đất thì phải đặt chắc phần vòng cong (phần nhô lên hình cầu dưới ngón chân cái) xuống, ở giai đoạn này, chúng ta sẽ giúp trẻ cảm nhận lòng bàn chân. Bạn hãy dùng tay ấn mu bàn chân trẻ từ trên xuống, sau đó bỏ tay đang ấn ra để chân trẻ cong lên. Một ngày bạn nên luyện tập mỗi bên 5 lần như thế này cho trẻ.
Hình 73 – Cho trẻ đứng vịn vào bàn
Hình 74 – Dùng tay ấn mu bàn chân trẻ xuống
Tìm hiểu về não bộ
Để trẻ dẫm chân đúng
Khi bước đi, trước hết cơ tam đầu cẳng chân và cơ chày trước của chi dưới sẽ làm việc, gót chân đặt xuống đất, tiếp theo phần vòng cong đặt xuống, trong trạng thái ngón chân cái mở ra phía ngoài thì những phần khác ngoài cơ tam đầu cẳng chân làm việc để dẫm chân lên mặt đất. Khi dẫm chân, ngón chân cái đóng vai trò rất quan trọng. Chúng ta phải luyện tập cả hai chân để trẻ có thể chạm xuống đất và dẫm lên.
Hình 75 – Nới lỏng lực ở tay để trẻ nâng gót chân lên. Lúc này phần vòng cong dẫm chắc lên sàn nhà
Hình 76
Điểm lưu ý
Nếu trẻ đã đi được
Hình 77 – Phần vòng cong
- Bạn hãy để đầu gối trẻ hơi cong, để trẻ dướn chân ra phía trước.
- Kéo đầu gối ra, đặt chân trẻ xuống đất bắt đầu từ gót chân.
- Kết hợp với di chuyển cơ thể về phía trước, lực ép di chuyển từ gót chân đến phần không chạm đất.
- Lực tập trung ở phần vòng cong.
- Cuối cùng, dẫm bằng ngón chân cái rồi đưa chân ra phía trước. Bạn hãy ý thức về một loạt hành động này để luyện tập cho trẻ.
Ghi nhớ
Chơi với đồ chơi
Trẻ sẽ ghi nhớ thứ trẻ thích
Đây là bài tập cho trẻ lựa chọn ra đồ vật yêu thích trong rất nhiều đồ chơi của mình. Trước tiên, bạn hãy chọn ra một món đồ trong số rất nhiều đồ chơi của trẻ rồi chơi cho trẻ xem để tạo cảm hứng cho trẻ. Trong lúc cùng chơi với mẹ, trẻ sẽ dần dần tự chơi với đồ mà mình thích. Nếu trẻ đã thích bạn hãy để đồ chơi đó ở một chỗ qui định rồi nói với trẻ “Mẹ để ở đây nhé”. Nếu ngày hôm sau vẫn muốn chơi với đồ chơi đó, trẻ phải nhớ chỗ cất.
Như vậy, đồng thời với việc rèn luyện trí nhớ làm việc giúp trẻ nắm được “lựa chọn loại trừ” như việc lựa chọn ra đồ vật mà mình thích.
Hình 78 – Trẻ sẽ dần nhận ra đồ chơi nào mình thích và ghi nhớ nó được cất ở đâu. Do đó, bạn hãy quy định ra một chỗ để đồ chơi riêng cho trẻ lựa chọn.
Tìm hiểu về não bộ
Qui định chỗ cất đồ vật, rèn luyện cho trẻ trí nhớ làm việc
Nếu trẻ đã biết lựa chọn trò chơi, trẻ sẽ tập trung chơi một trò nào đó. Bạn hãy xếp đồ chơi của trẻ ở một chỗ qui định để trẻ khi muốn chơi, sẽ tự lấy đồ chơi mình muốn chơi rồi cất vào chỗ cũ sau khi đã chơi xong. Như vậy, trẻ sẽ nhớ chỗ cất đồ chơi, khi muốn chơi, trẻ sẽ tự mình lấy đồ chơi. Bằng cách này, thời gian ghi nhớ của trí nhớ làm việc sẽ lâu hơn.
Vùng vỏ não trước trán
Trẻ ăn ngon miệng
Ăn ngon miệng giúp vùng vỏ não trước trán của trẻ linh hoạt hơn
Điều quan trọng khi ăn là ăn thấy ngon miệng. Do vậy, hãy để trẻ “nhìn” thức ăn, “ngửi” mùi vị rồi “thưởng thức” bằng lưỡi. Nếu trẻ vừa ăn vừa được kích thích các cảm giác này thì não bộ sẽ cảm thấy ngon, vùng vỏ não trước trán hoạt động linh hoạt để tập trung tích cực vào việc ăn. Ngoài ra, nếu thấy trẻ có vẻ không thích ăn nữa, bạn hãy nói “Con no bụng rồi nhỉ?” rồi dừng bữa ăn. Biết được thời điểm không nên ăn nữa cũng là một cách để phòng chống béo phì sau này.
Hình 79 – Để trẻ có thể ăn một cách vui vẻ và ngon lành bằng cảm nhận của mắt, mũi và lưỡi, bạn cũng cần cho trẻ trải nghiệm nhiều loại đồ ăn như cứng, mềm, trơn tuồn tuột hay dẻo.
Tìm hiểu về não bộ
Thời gian bữa ăn cũng là bài tập quan trọng
Bạn hãy qui định trước một ngày ba bữa ăn và ăn gì, theo trình tự như thế nào. Hơn nữa, hãy cố gắng để trẻ có thể ăn mà cảm nhận mùi vị và thưởng thức đồ ăn. Bạn hãy cho trẻ quyết định thời gian kết thúc bữa ăn. Để trẻ ăn vui vẻ, ngon miệng và có thể quyết định lúc nào không ăn nữa. Bạn hãy chú ý không cho quá nhiều đường vào đồ ăn để không gây béo. Dần dần để trẻ dùng thìa xúc ăn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.