Trí Tuệ Đám Đông:vì Sao Đa Số Thông Minh Hơn Thiểu Số
Chương 6. XÃ HỘI TỒN TẠI
Thuế, tiền boa, truyền hình và lòng tin
I
Mùa hè năm 2002, một tội ác nghiêm trọng đã xảy ra với cả đất nước Italia. Hay ít nhất, cũng có tới hàng chục triệu người hâm mộ bóng đá Italia đã khẳng định như vậy sau khi đội tuyển quốc gia Italia bị hạ gục trước một độ bóng mới nổi là Hàn Quốc trong World 2002. Đội Italia được sự ủng hộ cuồng nhiệt đã sớm ghi bàn vào lưới đội Hàn Quốc và giữ vững tỷ số 1-0 trong phần lớn trận đấu trước khi bị san bằng tỷ số vào những phút cuối và sau đó một bàn thắng nữa của đội Hàn Quốc trong những phút đá bù giờ đã loại Italia ra khỏi giải. Kết quả của đội Italia thật quá kém trong điều kiện tốt nhất. Nhưng đội bóng này đã phải chịu bất công trước một số quyết định kém cỏi của trọng tài, trong đó có quyết định không công nhận một bàn thắng. Nếu những quyết định đó khác đi, có thể Italia đã giành chiến thắng.
Tất nhiên, những người hâm mộ bóng đã Italia đã phê phán trọng tài người Ecuador, ông Byron Moreno, vì sự thất bại. Nhưng đáng chú ý là, họ không phê phán Moreno vì thiếu năng lực (mà đúng là ông đã thiếu năng lực). Thay vào đó, họ lên án ông là tội phạm. Theo suy nghĩ của những người hâm mộ, đội bóng của họ là nạn nhân của điều gì đó còn độc ác hơn, chứ không chỉ là sự phân xử kém cỏi. Vậy nên, đội Italia đã trở thành con mồi của một âm mưu toàn cầu có thể kẻ chủ mưu là FIFA, cơ quan quản lý bóng đá thế giới nhằm mục đích không cho Italia đến gần những món tráng miệng béo bở của họ. Moreno là người được chỉ định để thực hiện âm mưu đó. Và ông đã thực hiện nhiệm vụ một cách hoàn hảo.
Chẳng hạn, tờ nhật báo Corriere della Serra của Milan đã phản đối một hệ thống trong đó “các trọng tài… được sử dụng như những kẻ đâm thuê chém mướn”. Tờ La Gazzeta dello Sport bình luận: “Italia chẳng là gì ở những nơi mà người ta quyết định các kết quả và dàn xếp với nhau những vụ làm ăn hàng triệu đô la”. Một bộ trưởng trong chính phủ tuyên bố: “Dường như họ chỉ ngồi vào bàn và quyết định quẳng chúng tôi ra ngoài”. Và Francesco Totti, một trong những ngôi sao của đội Italia, đã thể hiện tâm trạng khó hiểu khi nói: “Đây là một sự loại bỏ theo yêu cầu. Yêu cầu của ai? Tôi không biết – có những việc nằm ngoài khả năng của tôi, nhưng tôi có cảm giác là họ muốn loại chúng tôi ra”. Những tuần sau trận đấu, không có bằng chứng nào cho thấy có âm mưu chống lại đội ltalia hay kiện tụng gì trọng tài Moreno (mặc dù báo chí Italia đã cố gắng hết sức). Thế nhưng những người hâm mộ vẫn tin chắc rằng các thế lực đen tối đã câu kết lại để triệt phá tham vọng của Italia.
Theo một quan sát viên ngoài cuộc, những lời buộc tội tham nhũng dường như là ngớ ngẩn. Những trọng tài trung thực nhiều khi vẫn đưa ra những quyết định tồi tệ. Vậy thì có lý do gì để tin rằng Moreno là trường hợp ngoại lệ? Nhưng đối với bất kỳ ai am hiểu bóng đá Italia, thì những lời buộc tội như thế là hoàn toàn có thể đoán được. Đó là do trong bóng đá Italia, tham nhũng được coi là tình trạng đương nhiên của các vụ việc. Mùa bóng hằng năm của Italia đều mang tì vết vì tuần nào cũng có những lời cáo buộc về các âm mưu và thủ đoạn. Các đội bóng thường khẳng định rằng cá nhân các trọng tài đã bị mua chuộc và yêu cầu không được để một số trọng tài có thể điều khiển trận đấu của họ. Các vụ bê bối liên quan đến trọng tài là tin được đưa trên trang nhất. Và tối thứ Hai hàng tuần, chương trình truyền hình mang tiêu đề “Phiên toà của Biscardi” đều dành hai tiếng rưỡi để phân tích những sai lầm của trọng tài và chỉ trích những quan chức thiên vị.
Tác động của tất cả những việc này đối với các trận đấu bóng đá của Italia thực tế rất nguy hại. Mặc dù các cầu thủ đều nằm trong số những cầu thủ giỏi nhất thế giới, nhưng các trận đấu thường tạm dừng, việc phanh phui trò gian lận nhiều lần bị trì hoãn bởi những hành động vờ vịt, những cầu thủ hay than vãn lại quan tâm tới việc tác động đến trọng tài hơn bất kỳ việc nào khác. Thất bại không bao giờ được chấp nhận với tính chất là kết quả của cuộc thi đấu công bằng. Và thậm chí chiến thắng còn bị bôi nhọ bởi ý nghĩ cho rằng có lẽ có những âm mưu phía sau chịu trách nhiệm về việc đó.
Vậy bóng đá Italia phải làm gì với việc ra quyết định tập thể và giải quyết vấn đề? Ồ, mặc dù các đội trong trận đấu bóng đá đang cố gắng đánh bại lẫn nhau, và do đó có các lợi ích trái ngược nhau (nếu một đội thắng, có nghĩa là đội kia thua), thì các đội còn có lợi ích chung, cụ thể là đảm bảo để trận đấu trở nên thú vị và hấp dẫn đối với người hâm mộ. Các trận đấu càng hấp dẫn, càng nhiều người đến xem, doanh số bán vé và lượng người xem truyền hình càng lớn hơn, và lợi nhuận của các đội bóng cùng mức lương của các cầu thủ càng cao hơn. Khi hai đội bóng thi đấu, họ không chỉ cạnh tranh lẫn nhau. Họ còn làm việc cùng nhau – cùng với các quan chức – để tạo ra một trận đấu thú vị, ít nhất là trên lý thuyết. Và điều này chính là những gì các đội bóng Italia không thể làm được. Vì không bên nào có thể chắc chắn rằng những nỗ lực của họ sẽ được đền đáp chính đáng, nên các cầu thủ dành quá nhiều thời gian để bảo vệ những lợi ích riêng của mình. Công sức, thời gian và sự tập trung, những thứ tốt hơn hết nên dành để nâng cao chất lượng cuộc chơi, thay vào đó, lại được dùng để chỉ trích, giám sát và tìm cách lôi kéo trọng tài. Việc lôi kéo này lại càng mạnh. Dù đa số các cầu thủ muốn chơi trung thực nhưng họ nhận thấy họ chỉ có thể bị lợi dụng. Tháng Mười năm 2003, Gennaro Gattuso, một cầu thủ chạy biên cho đội vô địch châu Âu AC Milan đã nói: “Hệ thống này ngăn bạn nói ra sự thật và không được sống đúng với mình”. Hầu như không ai thích hệ thống theo cách đó, nhưng không ai có thể thay đổi nó.
Có lẽ như ngài cảnh sát trưởng trong bộ phim Cold Hand Luke đã phát biểu, vấn đề của chúng ta ở đây là thiếu khả năng hợp tác. Tới lúc này, chúng ta thấy các nhóm có thể làm rất tốt việc ra quyết định và chúng ta cũng thấy họ tìm được những giải pháp tốt cho các vấn đề phối hợp phức tạp. Ở đây, chúng ta sẽ xem các nhóm hành động như thế nào khi đối diện trước những vấn đề đòi hỏi sự hợp tác. Những vấn đề này thường trông giống như các vấn đề phối hợp. Bởi vì trong cả hai trường hợp, một giải pháp tốt đòi hỏi người ta phải tính đến những gì người khác đang làm. Nhưng nếu cơ chế này đúng thì các vấn đề phối hợp có thể giải quyết được cho dù mỗi cá nhân chỉ tập trung theo đuổi lợi ích riêng của mình – thực ra, trong trường hợp giá cả, đó là điều mà sự phối hợp dường như đã đòi hỏi. Để giải quyết các vấn đề phối hợp – gồm những việc như giữ cho vỉa hè sạch tuyết, đóng thuế, hạn chế sự ô nhiễm – thì các thành viên của một tổ chức hay một xã hội cần phải làm nhiều hơn nữa. Họ cần chấp nhận một định nghĩa rộng hơn về lợi ích riêng so với định nghĩa thiển cận nhằm nâng cao tối đa lợi nhuận theo những nhu cầu trước mắt. Và họ cần phải có khả năng tin tưởng những người xung quanh họ. Bởi vì nếu thiếu niềm tin, thì việc theo đuổi lợi ích riêng thiển cận lại là chiến lược duy nhất có ý nghĩa. Như vậy, trọng tâm của chương này là hai vấn đề chính: Lòng tin bắt nguồn từ đâu? Và nó tạo ra sự khác biệt gì cho cách các nhóm làm việc?
II
Tháng Chín năm 2003, Dick Grasso lúc đó đang làm Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán New York, là Chủ tịch hội đồng quản trị đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị sa thải chỉ đơn giản vì làm ra quá nhiều tiền. Grasso điều hành Sở Giao dịch từ năm 1995 và theo những thông tin thu thập được thì ông ta đã làm việc rất tốt. Có lẽ ông hơi tự đề cao mình một chút, nhưng không phải là người thiếu năng lực hay tham nhũng. Nhưng khi có tin sở giao dịch đang có kế hoạch trả cho Grasso tổng số tiền thanh toán tính gộp là 139.5 triệu đô la – bao gồm tiền trợ cấp hưu trí, tiền trả chậm và các khoản tiền thưởng – công chúng lập tức phản ứng kịch liệt và trong những tuần sau đó những lời kêu gọi Grasso từ chức nhiều tới đinh tai nhức óc. Khi Hội đồng Quản trị của Sở Giao dịch (tất nhiên, chính là những người đã đồng ý trả cho ông khoản tiền 139,5 triệu đô la đầu tiên) đã yêu cầu Grasso từ chức, rõ ràng vì sự giận dữ của công chúng khiến họ không thể giữ ông lại.
Thế nhưng tại sao công chúng lại giận dữ đến vậy? Suy cho cùng, họ không phải thanh toán khoản tiền hàng triệu đô la cho Grasso. Sở Giao dịch sẽ chi tiền của chính họ. Và việc kêu ca về mức lương của Grasso cũng không làm bất cứ ai khác giàu lên. Rốt cuộc, ông vẫn được nhận tiền, bởi Sở Giao dịch không thu lại khoản tiền đã hứa với ông và trao cho quỹ từ thiện hay đưa vào đầu tư một cách khôn ngoan hơn. Thực ra, theo quan điểm của một nhà kinh tế học thì phản ứng của công chúng có vẻ hết sức phi lý. Theo truyền thống, các nhà kinh tế cho rằng, cũng phải thôi, con người cơ bản đều có tính tư lợi. Điều này ám chỉ một số việc (có lẽ là rõ ràng). Thứ nhất, đứng trước những lựa chọn khác nhau (về sản phẩm, dịch vụ hay đơn giản là các tiến trình hành động), một người sẽ chọn cái có lợi nhất cho bản thân. Thứ hai, những lựa chọn của người đó sẽ không phụ thuộc vào việc của bất kỳ ai khác đang làm. Nhưng chẳng có ai (có thể trừ các nhà báo chuyên mục kinh doanh) từng thể hiện sự bực tức trước sự việc của Dick Grasso thu được lợi ích gì cụ thể từ hành động của họ. Vì vậy, thật phi lý khi đầu tư thời gian và công sức than phiền về ông. Thế nhưng, đó lại đúng là việc người ta đã làm. Vậy vấn đề một lần nữa là: Tại sao?
Lý giải cho hành vi của một người có thể có một số điều liên quan tới một thí nghiệm được gọi là “cuộc chơi được – mất”. Đây có lẽ là thí nghiệm nổi tiếng nhất trong kinh tế học hành vi. Luật chơi đơn giản. Người làm thí nghiệm xếp cặp hai người với nhau (Họ có thể giao tiếp với nhau, nhưng mặt khác lại giấu tên nhau). Họ được nhận 10 đô la để chia cho nhau, theo luật như thế này: Một người (người đề xuất) tự mình quyết định việc chia như thế nào (50/50, 70/30 hay bất cứ tỷ lệ nào). Sau đó, anh ta đưa ra lời đề nghị nhận-hay-không-nhận cho người kia (người đáp lại). Người đáp lại có thể chấp nhận lời đề nghị, khi đó cả hai người chơi đút túi phần tiền tương ứng của họ; hoặc từ chối lời đề nghị, trong trường hợp này cả hai người chơi đều phải ra về trắng tay.
Lúc này, nếu cả hai người chơi đều có lý trí thì người đề xuất sẽ giữ 9 đô la cho mình và đưa 1 đô la cho người đáp lại, và người đáp lại sẽ nhận lấy. Suy cho cùng, dù lời đề nghị như thế nào, thì người đáp lại cũng nên chấp nhận, bởi vì nếu chấp nhận anh ta sẽ được một khoản tiền, còn nếu từ chối anh ta sẽ chẳng được đồng nào. Người đề nghị có lý trí nhận thấy điều này ngay nên sẽ đưa ra lời đề nghị rất thấp.
Tuy nhiên, trong thực tế, điều này hầu như không bao giờ xảy ra. Thay vào đó, những lời đề nghị quá thấp – bất cứ cái gì dưới 2 đô la – thường bị từ chối. Hãy nghĩ một thút xem điều này nghĩa là gì. Người ta thà không có gì còn hơn là để “đối tác” thắng được quá nhiều tiền. Họ thậm chí từ bỏ khoản tiền cho không để trừng phạt cái mà có lẽ họ coi là hành vi tham lam hay ích kỷ. Và điều thú vị là những người đề nghị đoán trước được việc này – có lẽ vì họ biết họ sẽ hành động tương tự nếu ở vị trí là người đáp lại. Do vậy, những người đề nghị trước hết sẽ không đưa ra nhiều lời đề nghị rẻ mạt. Lời đề nghị phổ biến nhất trong cuộc chơi được- mất thực tế là 5 đô la và lời đề nghị keo kiệt thường là khoảng 4 đô la.
Bây giờ, đây là cách hình dung về hình ảnh hành vi con người của “người có lý trí”. Những người chơi trong cuộc chơi được-mất không chọn cái có lợi nhất về mặt vật chất cho mình và sự lựa chọn của họ rõ ràng hoàn toàn phụ thuộc vào việc người kia làm. Mọi người tham gia cuộc chơi được-mất theo cách này ở khắp mọi nơi trong thế giới phát triển: các nghiên cứu xuyên quốc gia về những người chơi ở Nhật, Nga, Mỹ và Pháp tất cả đều chứng minh hiện tượng giống nhau. Và việc tăng lượng tiền chơi dường như không quan trọng lắm. Rõ ràng, nếu người đề nghị có được cơ hội để chia 1 triệu đô la thì người đáp lại có thể không khước từ khoản tiền 100.000 đô la chỉ để chứng minh một ý kiến. Tuy nhiên, cuộc chơi này đã diễn ra ở những nước như Indonesia, nơi số tiền có thể có được từ cuộc chơi tương đương với tiền công của ba ngày làm việc, nhưng những người đáp lại vẫn từ chối các lời đề nghị quá thấp.
Không chỉ có con người hành động theo cách này. Trong một nghiên cứu tình cờ được công bố vào ngày Dick Grasso từ chức, hai nhà nghiên cứu bộ môn động vật linh trưởng là Sarah Brosnan và Frans B. M de Waal cho thấy những con cái trong loài khỉ mũ cũng nổi giận trước những phần chia bất công bằng. Những con khỉ này được huấn luyện theo cách chúng phải đưa cho Brosnan một viên đá granit để đối lấy thức ăn. Tiền công, có thể nói như vậy, là một lát dưa chuột. Bầy khỉ làm việc theo cặp và khi cả hai con đều đã thưởng dưa chuột, thì chúng đổi đá lấy thức ăn trong 95% lần. Hoạt động kinh tế thị trường dân dã này bị đổ vỡ khi các nhà khoa học thay đổi quy luật, thưởng trái nho thơm ngon cho một con, còn con kia vẫn chỉ được dưa chuột. Trước sự bất công này, những con khỉ bị bạc đãi thường từ chối ăn dưa chuột của chúng và có 40% lần đã ngừng việc trao đổi hoàn toàn. Mọi việc chỉ trở lên tồi tệ hơn khi một con được nhận nho mà không hề làm gì cả. Trong trường hợp này, con khỉ kia thường ném viên đá đi, và việc trao đổi chỉ diễn ra có 20% tổng số lần trao đổi. Nói cách khác, những con khỉ mũ sẵn sàng từ bỏ thức ăn rẻ mạt – xét cho cùng, một viên đá đổi lấy một lát dưa chuột có vẻ là một vụ thỏa thuận khá tốt – chỉ đơn giản để bày tỏ sự bất bình trước phần thưởng hậu hĩnh bỗng dưng có được của bạn mình. Có lẽ nếu chúng có cơ hội ngăn không cho bạn của mình nhận được phần thưởng đó – như những người chơi trong cuộc chơi được-mất – thì chúng sẽ làm một cách vui sướng.
Điểm đơn giản đó là: dù phần thưởng có “công bằng” theo một nghĩa nào đó, thì dường như vẫn có vấn đề đối với cả con người và loài khỉ mũ. Điều đó có vẻ giống như một việc rõ ràng cần phải nghĩ tới, nhưng lại không phải. Nếu con khỉ đã nghĩ viên đá đổi lấy lát dưa là một vụ trao đổi hợp lý và đã vui lòng làm việc này trước khi nhìn thấy khỉ bạn được quả nho thì nó cũng nên vui vẻ thực hiện việc trao đổi sau đó chứ. Dù sao công việc của nó cũng không vất vả hơn chút nào, dưa chuột cũng không hề kém ngon hơn (Hoặc, nếu có, đó là bởi nó bị ám ảnh bởi những gì khỉ bạn sẽ được nhận.). Chính vì vậy, nó nên giữ nguyên những cảm nghĩ về vụ làm ăn. Tương tự, những người đáp lại trong cuộc chơi được-mất được đề nghị chọn khoản tiền với “công việc” chỉ trong vài phút, chủ yếu là trả lời “có” hoặc “không”. Từ chối khoản tiền cho không trong hầu hết mọi trường hợp, là vô nghĩa. Nhưng người ta sẵn sàng làm như vậy để bảo đảm phân chia mọi thứ đều công bằng.
Điều này có phải là mọi người cho rằng, trong một thế giới lý tưởng, tất cả mọi người sẽ có số tiền như nhau hay không? Không. Nó có nghĩa là trong một thế giới lý tưởng mọi người nên dừng lại ở số tiền họ đáng được hưởng. Trong phiên bản gốc của cuộc chơi được-mất, chỉ có vận may quyết định ai sẽ được là người đề xuất và ai sẽ là người đáp lại. Chính vì vậy, mọi người đều cảm thấy việc phân chia nên công bằng. Nhưng hành vi của một người trong cuộc chơi thay đổi đột ngột khi luật chơi thay đổi. Chẳng hạn, trong một biến thể thú vị nhất của cuộc chơi được-mất, thay vì phân công vai trò người đề xuất một cách ngẫu nhiên, các nhà nghiên cứu làm ra vẻ như những người đề xuất đã kiếm được vị trí của họ bằng cách thực hiện tốt hơn trong một cuộc kiểm tra. Trong các thí nghiệm đó, những lời đề nghị đưa ra với tỷ lệ rất thấp (khoảng 20%)/ tuy nhiên không một lời đề nghị nào bị từ chối. Mọi người hình như nghĩ rằng người đề xuất đã xứng đáng với vị trí của họ nên đáng được hưởng khoản tiền nhiều hơn.
Vậy thì, theo nghĩa đơn giản nhất, mọi người (và các chú khỉ mũ) đều muốn có mối quan hệ hợp lý giữa thành tích và phần thưởng. Đây chính là cái còn thiếu trong trường hợp của Grasso. Ông được nhận quá nhiều cho việc làm được quá ít. Chắc chắn Grasso rất giỏi trong công việc của mình. Nhưng ông không phải là người không thể thay thế: chẳng ai nghĩ sở giao dịch có thể sụp đổ nếu không có ông. Hơn nữa, công việc của ông không phải là một công việc 140 triệu đô la. Xét về độ phức tạp và tinh vi thì nó không thể sánh với, chẳng hạn, việc điều hành một ngân hàng đầu tư. Tuy nhiên, Grasso lại được trả thù lao chẳng kém gì so với nhiều chủ tịch hội đồng quản trị ở Phố Wall, chính những người này còn bị trả lương thấp.
Lòng thôi thúc đòi hỏi sự công bằng khiến Grasso phải rời khỏi cương vị là một thực tế tồn tại trong nhiều nền văn hóa, nhưng văn hóa có tác động lớn đến những gì được xem là công bằng. Ví dụ, các chủ tịch hội đồng quản trị ở Mỹ kiếm được nhiều tiền hơn rất nhiều so với các chủ tịch hội đồng quản trị ở châu Âu và Nhật, và những khoản tiền lương có thể khiến người Đức gặp rắc rối chỉ làm người Mỹ chú ý trong chốc lát. Nói chung, bản thân những khoản thu nhập cao dường như không làm người Mỹ bận lòng nhiều – cho dù Mỹ là nước có sự phân phối thu nhập bất bình đẳng nhất trong các nước phát triển, các cuộc thăm dò dư luận bao giờ cũng cho thấy người Mỹ ít quan tâm đến sự bất bình đẳng hơn nhiều so với người châu Âu. Điều này có một lý do là người Mỹ có xu hướng tin rằng sự giàu có là kết quả của sáng kiến và kỹ năng, còn người châu Âu có xu hướng coi đó là sự may mắn. Người Mỹ thậm chí nghĩ nước Mỹ là một xã hội tương đối động, trong đó con em của giai cấp công nhân cũng có thể trở nên giàu có. Trớ trêu thay, chính Grasso cũng trưởng thành từ một cậu bé thuộc giai cấp công nhân. Nhưng dường như với ngay cả người Mỹ, không phải phất lên bằng cách nào cũng được chấp nhận.
Chắc chắn, sự phẫn nộ trước khoản tiền Grasso được chi trả xét về ý nghĩa kinh tế, là phi lý. Giống như hành vi của những người đáp lại trong cuộc chơi được-mất, sự phẫn nộ này là một ví dụ về cái mà nhà kinh tế học Samuel Bowles và Herbert Gintis gọi là “sự đền đáp rõ ràng” (strong reciprocity), tức là sự sốt sắng trừng phạt hành vi xấu (và ban thưởng cho hành vì tốt) cho dù bạn chẳng được lợi ích vật chất gì cho riêng mình khi làm như vậy. Và sự đền đáp rõ ràng này, dù phi lý hay không, vẫn là một “hành vi vị xã hội” vì nó thúc đẩy mọi người vượt ra ngoài định nghĩa hạn hẹp về lợi ích riêng và làm những việc mà cuối cùng sẽ phục vụ cho lợi ích chung, dù cố ý hay không. Những người có quan điểm đền đáp rõ ràng không phải là người vị tha theo nghĩa truyền thống của từ này. Họ không từ chối những lời đề nghị quá thấp, hay buộc Dick Grasso phải từ bỏ, bởi vì họ có lòng nhân ái. Họ từ chối lời đề nghị quá thấp vì những lời đề nghị đó xúc phạm đến ý thức cá nhân của họ về việc trao đổi công bằng. Nhưng tác động thì giống như việc họ yêu thương nhân loại: nhóm sẽ được lợi. Sự đền đáp rõ ràng rất có tác dụng. Những lời đề nghị trong cuộc chơi được-mất thường hợp tình hợp lý và khi đưa ra các lời đề nghị như vậy thì nên căn cứ vào cách xác lập các nguồn lợi từ đầu. Và lần sau, khi nghĩ tới việc thuê người làm chủ tịch hội đồng quản trị, có lẽ Sở Giao dịch Chứng khoán New York sẽ nghiêm khắc hơn trong việc tính toán xem chức vụ này thực sự xứng đáng được hưởng bao nhiêu. Nói cách khác, những hành động cá nhân phi lý có thể tạo ra kết quả tập thể hợp lý.
III
Điều bí ẩn về thuyết hành vi vị xã hội – và những cảm xúc vị xã hội (như cảm giác tội lỗi, hổ thẹn và tức giận) – vốn được xem như những nhân tố có khả năng giải quyết những vấn đề khó khăn cũng chính là điều bí ẩn lý giải tại sao tất cả chúng ta hợp tác được với nhau. Các xã hội và các tổ chức chỉ phát triển hiệu quả nếu mọi người cùng hợp tác. Một xã hội không thể chỉ dựa vào luật pháp mà bảo đảm được mọi công dân hành động một cách trung thực và có trách nhiệm. Và bất kỳ tổ chức nào cũng không thể chỉ dựa vào các hợp đồng để đảm bảo các giám đốc và công nhân thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình. Vì vậy, sự hợp tác làm cho mọi người tốt hơn. Nhưng đối với mỗi cá nhân, hợp tác chưa bao giờ là việc mà người ta dựa vào lý trí để thực hiện. Mọi người thường quan tâm đến lợi ích của mình trước sau đó mới đến việc của người khác, nếu như họ ngốc tới mức muốn hợp tác. Vậy tại sao hầu hết chúng ta lại không muốn làm việc đó?
Cách giải thích kinh điển và giờ đây cũng hợp với quy tắc tiêu chuẩn về lý do tại sao mọi người hợp tác với nhau được nhà khoa học chính trị Robert Axelrod đưa ra vào những năm 1980, ông lập luận rằng sự hợp tác là kết quả của những tương tác lặp lại nhiều lần với cùng một người. Như Axelrod đã phát biểu trong tác phẩm kinh điển của ông Quá trình phát triển của sự hợp tác (The Evolution of Coorperation): “Nền tảng của sự hợp tác thực sự không đáng tin cậy, mà là tính lâu bền của mối quan hệ… Dù những người chơi có tin tưởng nhau hay không, xét về lâu dài, cũng chẳng quan trọng bằng việc các điều kiện đã chín muồi để họ xây dựng mô hình hợp tác bền vững với nhau hay chưa.” Những người đang có mối quan hệ với nhau nhận thấy lợi ích của sự hợp tác và không tìm cách lợi dụng nhau bởi vì họ biết nếu làm vậy, người kia sẽ có thể trừng phạt họ. Như vậy, mấu chốt của sự hợp tác là cái mà Axelrod gọi là “cái bóng của tương lai”. Triển vọng của việc tiếp tục tác động lẫn nhau khiến chúng ta giữ đúng nguyên tắc “giữ liên hệ với nhau”. Axelrod lập luận, sự hợp tác thành công đòi hỏi người ta khi bắt đầu phải cư xử tử tế – có nghĩa là phải có thiện chí hợp tác – nhưng cũng sắn sàng trừng phạt hành vi không hợp tác ngay khi nó xuất hiện. Cách tiếp cận tốt nhất là hãy tỏ ra “tử tế, độ lượng và có thể trả thù”.
Những quy tắc này có vẻ như hết sức nhạy cảm và có thể là một sự mô tả đầy đủ về cách thức đa số mọi người trong một xã hội tốt đối xử với những người họ biết. Nhưng có điều gì đó chưa thoả mãn, như chính Axelrod khi đó đã lập luận, về quan điểm cho rằng sự hợp tác là kết quả của những tương tác lặp lại nhiều lần với cùng một người. Xét cho cùng, chúng ta thường hành động theo kiểu vì xã hội ngay cả khi chẳng có thưởng phạt gì rõ ràng. Ta lại quan sát cuộc chơi được-mất một lần nữa. Đó là cuộc chơi một lần duy nhất. Nói cách khác, những người đáp lại từ chối lời đề nghị quá thấp không có ý định làm như thế nhằm dạy cho người đề nghị một bài học để đối xử với họ tốt hơn. Tuy nhiên, họ vẫn trừng phạt những người mà họ nghĩ là chơi không đẹp, điều này cho thấy chỉ riêng “cái bóng của tương lai” không thể giải trình được lý do tại sao chúng ta hợp tác.
Đây là lý do tại sao quan điểm về những cảm xúc vị xã hội lại trở nên hữu ích. Rốt cuộc, điều thú vị không phải là chúng ta hợp tác với những người mà chúng ta biết và cùng làm ăn thường xuyên. Điều thú vị là chúng ta hợp tác với những người lạ. Chúng ta để lại tiền boa trong nhà hàng, nơi chúng ta sẽ không bao giờ trở lại. Chúng ta bỏ tiền làm từ thiện. Chúng ta mua hàng trên ebay mà không có cơ hội xem xét trước. Chúng ta ký giao kèo với KaZaa (như một số người trong chúng ta đã và đang làm) và tải các bài hát lên cho người khác tải về, mặc dù điều này có nghĩa là đã để họ được truy cập vào ổ cứng máy tính của mình. Và chúng ta (cũng chỉ một số người trong chúng ta) tải bài hát về từ các máy lạ, yên tâm tin tưởng rằng sẽ có được bài hát như đã hứa. Tất cả những điều này, về khía cạnh nào đó, đều là những việc làm phi lý. Nhưng làm những việc đó giúp tất cả chúng ta (tất nhiên, trừ các công ty ghi âm) tiết kiệm được chút đỉnh. Thực tế có thể là một xã hội tốt được xác định bởi cách mọi người đối xử với người lạ nhiều hơn là cách mọi người đối xử với người đã biết.
Tại sao chúng ta có thiện chí hợp tác với những người mà ta mới biết rất ít về họ? Tôi thích câu trả lời của Robert Wright, đó là qua thời gian, chúng ta học được rằng buôn bán và trao đổi là những cuộc chơi mà khi kết thúc tất cả mọi người đều có lợi, không phải cuộc chơi vô bổ, trong đó luôn có người thắng và kẻ thua. Nhưng tất nhiên, khái niệm “chúng ta” ở đây còn chưa rõ ràng, bởi vì các nền văn hoá khác nhau có các quan điểm rất khác nhau về lòng tin, sự hợp tác và sự tử tế của người lạ. Ở phần sau, tôi muốn lập luận rằng một trong những lý do giải thích cho những điểm khác nhau là cái gì đó hiếm khi đi cùng với lòng tin hay sự hợp tác: chủ nghĩa tư bản.
IV
Ở nước Anh hồi thế kỷ XVIII Và đầu thế kỷ XIX, phần lớn nền kinh tế quốc gia thuộc quyền quản lý của các thành viên trong giáo phái Quaker. Những người Quaker sở hữu hơn một nửa số xưởng đúc gang trong nước. Họ là những người dẫn đầu trong lĩnh vực ngân hàng (cả hai Bardays và Lloyds đều là các thể chế của Quaker). Họ chiếm lĩnh các ngành kinh doanh hàng tiêu dùng như sôcôla và bánh bích quy. Và họ có công lớn trong việc khai thông thương mại xuyên Đại Tây Dương giữa Anh và Mỹ.
Ban đầu, thành công của những người theo giáo phái Quaker được xây dựng dựa trên những lợi ích họ có được từ việc buôn bán với nhau. Vì họ không theo quan điểm nhà thờ chính thống của nhà nước Anh nên các thành viên trong giáo phái bị cấm hành các nghề chuyên môn, và kết quả là họ quay sang kinh doanh. Trong quá trình tìm kiếm tín dụng và buôn bán, những người Quaker nhận thấy dễ kết giao hơn với những người cùng tín ngưỡng. Tín ngưỡng chung của họ đã tạo điều kiện để họ tin tưởng lẫn nhau, để một thương nhân Quaker ở Lon don vận chuyển hàng qua đại dương và tin chắc rằng anh ta sẽ được trả tiền khi đến Philadelphia.
Sự thịnh vượng của Quaker không phải là không được biết đến ở thế giới bên ngoài. Người Quaker đã nổi tiếng vì sự coi trọng lòng trung thực tuyệt đối của cá nhân họ và với tư cách là những thương nhân, họ nổi tiếng nghiêm khắc và cẩn trọng trong việc giữ gìn sổ sách ghi chép. Họ còn đưa ra các sáng kiến như định giá để đảm bảo sự minh bạch, tránh các giao dịch buôn bán bất chính. Không bao lâu sau, những người ngoại giáo bắt đầu tìm kiếm cơ hội làm ăn với người Quaker với tư cách là các đối tác, nhà cung cấp và người bán hàng. Và khi sự thịnh vượng của người Quaker lớn dần lên thì người ta rút ra mối liên hệ giữa sự thịnh vượng đó với danh tiếng về tính đáng tin cậy và uy tín của giáo phái này. Lòng trung thực bắt đầu có vẻ đã được đền đáp thực sự.
Sau khi chứng kiến việc các doanh nghiệp Mỹ sa đà vào nạn tham nhũng trong thời kỳ sốt thị trường chứng khoán hồi cuối những năm 1990 thì quan niệm về mối quan hệ giữa tính đáng tin cậy và công việc kinh doanh nghe có vẻ rất đỗi ngây thơ. Chắc chắn có một cách giải thích chung cho những vụ bê bối này, đó là chúng không phải là những bước lầm lạc, mà là sản phẩm phụ tất yếu của một hệ thống đã thúc đẩy những xung động xấu nhất trong con người: tính tham lam, tính hoài nghi và tính ích kỷ. Lập luận này nghe có vẻ hợp lý, bởi vì lối nói khoa trương của nhà tư bản thường quá nhấn mạnh đến tính chất có ích của lòng tham và những vầng hào quang xung quanh cái mà Chainsaw Al Dunlap thích gọi là “kinh doanh bần tiện”. Nhưng hình ảnh phổ biến này của chủ nghĩa tư bản gần như không giống với thực tại của nó và nếu bạn muốn tìm thấy một ví dụ thực tế về cách thức hệ thống hoạt động như thế nào thì bạn nên chọn một trong số các thương nhân Quaker hơn là chọn một vị chủ tịch hội đồng quản trị tham lam. Thực ra, theo thời gian, chủ nghĩa tư bản đã phát triển theo hướng minh bạch, đáng tin cậy và ít có hành vi vị kỷ hơn. Không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, sự phát triển này đã làm cho năng suất và tăng trưởng kinh tế lớn hơn.
Tất nhiên, sự phát triển đó có được không phải vì các nhà tư bản vốn là những người tử tế. Thay vào đó, nó có được là vì những lợi ích của sự tin tưởng – nghĩa là có lòng tin và đáng được tin cậy – có tiềm năng rất lớn và vì một hệ thống thị trường thành công dạy người ta biết cách nhận ra những lợi ích đó. Ở điểm này, thực tế đã được chứng minh rất rõ ràng rằng các nền kinh tế phát triển mạnh đều đòi hỏi người ta phải tin tưởng vào sự chắc chắn và công bằng trong các giao dịch hằng ngày. Nếu bạn quan niệm mỗi vụ làm ăn tiềm năng là một hoạt động gian lận, hoặc các sản phẩm bạn sẽ mua có thể là những đồ vô dụng, thì khó có thể thực hiện được việc kinh doanh. Quan trọng hơn, chi phí cho các giao dịch được thực hiện có thể quá cao, vì bạn phải bỏ nhiều công sức để điều tra từng vụ làm ăn và dựa vào các thủ tục pháp lý để thực thi hợp đồng. Để một nền kinh tế phát triển thịnh vượng, điều cần đến không phải là lúc nào cũng phải lạc quan tin rằng mọi người đều thật tâm nghĩ đến các lợi ích tốt nhất cho bạn tận đáy lòng họ – “nguyên tắc người mua chịu trình nhiệm về hàng đã nhận” vẫn là một sự thật quan trọng – mà chỉ cần có niềm tin cơ bản vào những lời hứa hẹn và cam kết của mọi người về các sản phẩm và dịch vụ của họ. Như nhà kinh tế học Thomas Schelling đã phát biểu: “Người ta chỉ phải tính đến sự thất vọng to lớn về việc tiến hành viện trợ nước ngoài ở một nước chưa phát triển, hoặc cố gắng thành lập một doanh nghiệp ở đó, để thấy rõ rằng tài sản kinh tế phi thường là dân cư – những người trung thực và tận tâm.”
Như vậy, củng cố lòng tin là một phần trọng tâm trong lịch sử của chủ nghĩa tư bản. Ở thời Trung cổ, người ta nhận thấy lòng tin cơ bản chỉ có trong nhóm riêng của họ. Nhà lịch sử học Avner Greif chỉ rõ các thương nhân Maroc được coi là Maghribi đã thiết lập được hệ thống buôn bán giữa hai bờ Địa Trung Hải vào thế kỷ XVII bằng cách tạo ra hệ thống giao dịch tập thể để trừng phạt những ai vi phạm luật thương mại của họ. Trong khi đó, việc buôn bán giữa các nhóm lại dựa vào những luật áp dụng cho cả nhóm nói chung. Nếu một thương nhân người Genoese giở trò gian lận ở Pháp, thì tất cả các thương nhân Genoese phải trả giá. Điều này có thể không thực sự công bằng, nhưng lại tạo điều kiện để việc buôn bán giữa các quốc gia có thể phát triển mạnh mẽ hơn, bởi vì nó buộc các cộng đồng buôn bán phải thi hành kỷ luật nội bộ nhằm duy trì việc làm ăn ngay thẳng. Mặt tiêu cực của việc này là: các phường buôn – đáng chú ý nhất là Hội Hanseatic ở Đức – đã bảo vệ các thành viên của họ trước sự đối xử bất công của các thành phố tự trị bằng cách áp đặt lệnh cấm vận buôn bán tập thể đối với những thành phố đã bắt giữ tài sản của các lái buôn trong phường.
Như ví dụ về giáo phái Quaker đã chỉ ra, niềm tin trong nhóm vẫn quan trọng trong hàng thế kỷ (Về vấn đề này đến nay vẫn quyết định – hãy xem thành công của các thương gia Trung Quốc có đạo đức ở Đông Nam Á.). Nhưng ở Anh, ít nhất luật hợp đồng đã phát triển nhằm làm nổi bật trách nhiệm cá nhân trong các thỏa thuận, và quan trọng hơn, ý thức trách nhiệm đó bắt đầu có ảnh hưởng giữa các thương gia một cách tổng quát hơn. Như hồi năm 1717, một nhà quan sát nhận xét: “Để khuyến khích và duy trì sự tín nhiệm của một người, điều tuyệt đối cần thiết là thế giới phải có một quan điểm cố định về tính trung thực và tính chính trực, cũng như khả năng của một người.” Và cũng vào khoảng thời gian đó, Daniel Defoe đã viết một câu nổi tiếng: “Thương nhân trung thực là viên đá quý thực sự và được coi trọng ở bất cứ nơi đâu nó được tìm thấy.”
Tuy nhiên, chính việc Defoe nhấn mạnh một thương gia trung thực là người đáng quý như thế nào có lẽ lại là bằng chứng cho thấy không có nhiều thương gia trung thực (Nếu mọi người đều trung thực, thì tính trung thực không thể biến bạn trở thành một người đáng quý.) Và xét cho cùng, những người theo giáo phái Quaker trở nên nổi tiếng về tính đáng tin cậy của họ đúng ra là vì tính cách đó dường như là ngoại lệ. Chắc chắn rằng các lợi ích của sự trung thực và mối quan hệ giữa lòng tin với kinh doanh lành mạnh đã được thừa nhận- Adam Smith trong tác phẩm Của cải của các quốc gia (The Wealth of Nations), đã viết: “Khi phần đông hơn là các nhà buôn thì họ luôn mang tính trung thực và đúng giờ vào phong cách”, còn Montesquieu viết về cách mà quan hệ thương mại đã đánh bóng và làm mềm” con người. Nhưng không phải như vậy cho đến tận thế kỷ XIX – không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng đó thời điểm chủ nghĩa tư bản, như chúng ta biết, đạt đến thời kỳ phát triển nhất – thì lòng tin bắt đầu được thể chế hóa, có thể nói như vậy. Như nhà sử học Richard Tilly đã trình bày trong nghiên cứu của ông về thực tiễn kinh doanh ở Anh và Đức, đúng vào những năm 1800, các thương gia bắt đầu nhận thấy tính trung thực có thể sinh lợi thực sự. Ở Mỹ, như John Mueller đã viết trong kiệt tác của ông Chủ nghĩa tư bản, Dân chủ và Hiệu tạp hóa khá phát đạt của Ralph (Capitalism, Democracy, and Ralphls Pretty Good Grocery) P. T. Barnum người được tất cả chúng ta biết đến như một kẻ chuyên lừa bịp những người cả tin thực chất là người đầu tiên đưa ra những ý tưởng hiện đại về dịch vụ khách hàng và cũng trong khoảng thời gian đó, John Wanamaker có ý tưởng lấy giá bán lẻ cố định làm tiêu chuẩn mới. Và cuối thế kỷ XIX chứng kiến sự hình hành của những thể chế độc lập như Phòng Thí nghiệm Kinh doanh Bảo hiểm và Phòng Kinh doanh Cá độ, tất cả đều nhằm mục đích thúc đẩy xu hướng tin tưởng chung vào các giao dịch hằng ngày. Trong khi đó, ở Phố Wall, J. P. Morgan đã dựng lên ngành kinh doanh sinh lợi dựa trên quan điểm lòng tin. Vào cuối thế kỷ XIX, các nhà đầu tư (đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài), những người từng chịu hậu quả cay đắng trong các vụ đầu tư mong manh hoặc mờ ám vào ngành đường sắt, đã khôn ngoan đầu tư nhiều tiền hơn vào Mỹ. Nếu trong ban giám đốc của một công ty có sự hiện diện của một người như Morgan thì người ta bắt đầu coi đó như một sự bảo đảm để tin rằng công ty đáng tin cậy và vững chắc.
Trọng tâm của sự thay đổi này là việc mọi người coi trọng hơn việc tích lũy tư bản lâu dài, không chỉ đơn thuần là lợi nhuận trước mắt, một sự coi trọng mà người ta có thể coi là đặc tính xác định của chủ nghĩa tư bản hiện đại. Như Tilly đã nhận xét, các thương gia bắt đầu coi “các giao dịch cá nhân như những mối liên kết trong một chuỗi các công ty thương mại sinh lợi”, thay vì chỉ là những “cơ hội một lần để khai thác đến tận cùng”. Nếu sự phát đạt về lâu dài của bạn phụ thuộc vào việc kinh doanh có lãi, vào những lời giới thiệu truyền miệng và những mối quan hệ hiện có với các nhà cung cấp và các đối tác thì giá trị của việc làm ăn thẳng thắn sẽ lớn hơn. Sự “bôi trơn” hoạt động thương mại mà sự tin tưởng mang lại không những chỉ là điều đáng mong muốn mà còn là điều cần thiết.
Điều quan trọng của quan điểm mới về sự tin tưởng đó là, xét theo ý nghĩa nào đó, nó không mang tính cá nhân. Tất nhiên, danh tiếng vẫn quan trọng chừng nào quan hệ thương mại giữa các nhóm vẫn tồn tại. Nhưng trước kia, sự tin tưởng dù là sản phẩm của một mối quan hệ cá nhân – tôi tin tưởng anh chàng này vì tôi biết anh ta – chứ chưa phải là một quan niệm chung hơn để bạn có thể dựa vào đó khi thực hiện kinh doanh. Thắng lợi thực sự của chủ nghĩa tư bản ở thế Kỷ XIX và thế kỷ XX đó là sự tin tưởng đã đan xen vào từng sợi vải tiêu chuẩn của việc kinh doanh hằng ngày. Việc mua và bán gần như không còn là mối quan hệ cá nhân. Giờ đây, nó gần như chỉ là tính chất có ích của sự trao đổi.
Không phải là ngẫu nhiên mà tính phi cá nhân của chủ nghĩa tư bản thường được coi là một trong những sự trả giá đáng tiếc của nó, nếu như không thể tránh khỏi. Thay vào những mối quan hệ chỉ dựa vào huyết thống và cảm tình, chủ nghĩa tư bản tạo ra các mối quan hệ chỉ dựa vào cái mà Marx vẫn gọi là mối quan hệ bằng tiền. Nhưng xét từ góc độ nhất định, tính phi cá nhân, thay vào đó, nên được coi là một tính chất có ích. Một trong những vấn đề cơ bản của lòng tin tưởng là nó thường chỉ phát triển đến mức cực điểm ở những nơi có “các mối quan hệ thân thiết” theo cách gọi của các nhà xã hội học – các mối quan hệ gia đình, thị tộc hoặc láng giềng. Nhưng các kiểu quan hệ này không thể duy trì với nhiều người cùng một lúc và không thích hợp với tính chất mục đích và sự đa dạng của các mối giao tiếp mà một nền kinh tế vững mạnh cần phát triền. Trên thực tế, kiểu tin tưởng dựa trên các mối quan hệ thân thiết thường là tác nhân gây hại cho sự tăng trưởng kinh tế vì nó khuyến khích tính đồng nhất và cản trở sự trao đổi cởi mở. Xét cho cùng, chủ nghĩa tư bản mở rộng tầm nhìn cho mọi người và khiến quan niệm cho rằng chỉ tin tưởng những người trong nhóm sắc tộc riêng hoặc nhóm người ở gần bạn dường như trở nên lỗi thời. Như nhà kinh tế học Stephen Knack viết: “Kiểu tin tưởng sẽ mang lại lợi ích rõ ràng cho hiệu suất kinh tế của một quốc gia là sự tin tưởng giữa những người lạ hay chính xác hơn là giữa hai khu dân cư được lựa chọn ngẫu nhiên của một đất nước. Đặc biệt trong các xã hội lớn và năng động, nơi những ảnh hưởng của danh tiếng và tri thức cá nhân bị hạn chế, thì một tỷ lệ đáng kể các giao dịch tiềm năng các bên đều có lợi sẽ lôi cuốn được những bên không có mối quan hệ cá nhân từ trước.” Về cốt lõi, hệ thống này mang tính chủ nghĩa quốc tế bởi lẽ bạn sẽ muốn buôn bán với bất kỳ người nào có thể mang lại cho bạn một vụ làm ăn tốt đẹp.
Thế nhưng vì còn nhiều điều khác nữa, nên mối quan hệ giữa chủ nghĩa tư bản và sự tin tưởng này thường không thể nhìn thấy được, đơn giản chỉ vì nó đã trở thành một phần trong nền tảng cuộc sống thường ngày. Tôi có thể bước vào bất kỳ gian hàng nào ở Mỹ để mua một chiếc máy nghe CD và bảo đảm sẽ nhận được sự phục vụ khá nhiệt tình. Bất kỳ sản phẩm nào tôi mua sẽ được bảo đảm hoạt động tương đối tốt, dù rất có thể nó được sản xuất ở một đất nước xa tới hàng nghìn dặm. Và điều này đúng với sự thật, cho dù tôi có thể không bao giờ trở lại gian hàng đó. Ở điểm này, chúng tôi lấy cả uy tín của gian hàng và niềm tin của tôi đối với uy tín đó ra bảo đảm. Song, trên thực tế, đó là những thành tích rất đáng chú ý.
Tất nhiên, sẽ sai lầm khi cho rằng ý nghĩa của sự tin tưởng này có thể tồn tại mà không có cơ cấu thể chế và luật pháp làm cơ sở cho mỗi nền kinh tế tư bản hiện đại. Các khách hàng hiếm khi kiện các cơ sở kinh doanh vì sự gian lận nhưng các cơ sở kinh doanh biết rằng khả năng bị kiện là có. Và nếu các hợp đồng giữa các doanh nghiệp không thích đáng thì khó mà hiểu được tại sao các luật sư của các doanh nghiệp lại được trả lương cao như vậy. Nhưng tiêu chuẩn để đánh giá mức độ thành công mà các điều luật và hợp đồng là mức độ chúng được viện dẫn để đối chiếu với các hoạt động thực tế. Và, như Knack và Keefer nói: “Các cá nhân trong những xã hội có sự tin tưởng cao hơn ít phải chú ý hơn đến việc bảo vệ mình khỏi bị lợi dụng trong các giao dịch kinh tế. Các hợp đồng bằng văn bản ít khi cần tới và chúng không cần chỉ rõ mọi trường hợp bất trắc có thể xảy ra”. Hoặc, như Axelrod trích dẫn lời của một đại lý mua hàng của một doanh nghiệp ở vùng trung tâm Bắc Mỹ nói rằng: “Nếu có chuyện gì xảy ra bạn hãy nhấc điện thoại lên và gọi cho người khác đến giải quyết. Mọi người không đọc các điều khoản hợp đồng pháp lý ra với nhau nếu còn muốn kinh doanh tiếp.” Sự tin tưởng bắt đầu ở đó, giống như trong mô hình của Axelrod, bởi lẽ còn có cái bóng của tương lai. Tất cả những gì bạn thực sự tin tưởng đó là người kia sẽ nhận ra lợi ích riêng của mình. Nhưng theo thời gian, mức độ tin tưởng và sự chú ý của anh ta tới lợi ích riêng còn lớn hơn nữa. Nó trở thành một cảm nhận chung về sự tin cậy, một ý muốn hợp tác (ngay cả khi cạnh tranh) vì sự hợp tác là cách tốt nhất để làm được mọi việc. Cái mà Bowles và Gintis gọi là tính vị xã hội đã trở nên mạnh mẽ hơn vì tính vị xã hội đã phát huy tác dụng.
Lúc này, tôi nhận thấy điều này nghe có vẻ không chắc có thực. Chúng ta biết các thị trường thúc đẩy tính ích kỷ và lòng tham, chứ không phải là lòng tin và sự công bằng. Thế nhưng, dù bạn có thấy quá trình lịch sự không có tính thuyết phục, thì cũng nên xem xét điều này: Cuối những năm 1990, dưới sự giám sát của Samuel Bowles, 12 nhà nghiên cứu thực nghiệm – gồm 11 nhà nhân loại học và 1 nhà kinh tế học – đã đi sâu tìm hiểu 15 xã hội “quy mô nhỏ” (chủ yếu là những bộ tộc nhỏ độc lập ở các cấp độ khác nhau) và yêu cầu mọi người tham gia các cuộc chơi mang tính kinh tế thực nghiệm chuyên biệt. Các xã hội gồm có 3 bộ tộc dựa vào việc cướp phá để sinh tồn, 6 bộ tộc sử dụng các kỹ thuật đốt rẫy làm nương, 4 nhóm dân du mục và 2 hội nhỏ làm nông nghiệp. Ba cuộc chơi cơ bản là ba tiêu chuẩn của kinh tế học hành vi: Cuộc chơi được-mất (mà bạn đã biết), Cuộc chơi vì lợi ích chung (trong đó nếu tất cả mọi người cùng tham gia, thì khi kết thúc tất cả đều có lợi, còn nếu chỉ có một số ít người tham gia, thì những người kia có thể khiến cho nỗ lực của họ trở nên vô ích) và Cuộc chơi của kẻ độc tài, cuộc chơi này tương tự với Cuộc chơi được-mất, chỉ khác ở chỗ người đáp lại không thể nói “không” trước lời đề nghị của người đề xuất ý tưởng đằng sau tất cả những cuộc chơi này đó là chúng không thể chơi theo cách hoàn toàn dựa trên lý trí, trong trường hợp đó người chơi bảo vệ mình để tránh bị thua, nhưng lại khó có thể mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Hoặc những cuộc chơi này có thể chơi theo cách vị xã hội, đó là cách mà đa số mọi người vẫn chơi.
Trong bất cứ trường hợp nào, các nhà nghiên cứu đều nhận thấy chiến lược hoàn toàn dựa trên lý trí trong mỗi xã hội đều có sự chệch hướng đáng kể. Nhưng các xã hội không đi chệch theo cùng một hướng, do đó có sự khác biệt rất lớn giữa các nền văn hóa. Tuy nhiên, điều đáng chú ý về nghiên cứu này là ở đây: mức độ một nền văn hóa hòa nhập với thị trường càng cao thì khả năng vị xã hội càng lớn. Nói cách khác, những người từ các xã hội hướng thị trường nhiều hơn đã đưa ra những lời đề nghị cao hơn trong Cuộc chơi của kẻ độc tài và Cuộc chơi được-mất, đã hợp tác trong Cuộc chơi vì lợi ích chung và biểu lộ sự có đi có lại rõ ràng khi họ có cơ hội. Thị trường có thể không dạy mọi người phải tin tưởng nhưng nhất định nó giúp mọi người dễ tin tưởng nhau hơn. Đến lúc này chúng ta đã thấy được những tác động của hành vi vị xã hội, thấy sự hợp tác nổi bật hẳn lên và sự tin tưởng phát triển cao hơn. Nhưng trên thực tế thì điều gì đã xảy ra? Các tổ chức và các cá nhân giải quyết như thế nào với vấn đề lợi ích chung? Đâu là giới hạn của sự hợp tác?
V
Những chiếc ti vi ở 5.000 hộ gia đình người Mỹ rất khác với chiếc Sony tiêu chuẩn của bạn. Các ti vi này được Cơ quan Nghiên cứu Phương tiện Truyền thông Nielsen (Nielsen Media Research) nối với các thiết bị giám sát điện tử gọi là “thiết bị đo con người”. Thiết bị đo con người được thiết kế để theo dõi hai việc theo thời gian thực: Những chương trình truyền hình nào đang được xem và việc nữa, không kém phần quan trọng, là ai đang xem những chương trình đó. Mỗi người trong một “gia đình có thiết bị đo con người” được gán một mật mã riêng, mọi người được coi là dùng mật mã đó để đăng nhập mỗi khi họ ngồi xem ti vi. Bằng cách đó, Nielsen tải số liệu xuống từ các thiết bị đo con người vào mỗi đêm – có thể biết được rằng ông bố và bà mẹ thích chương trình hồ sơ vụ án CSI, còn cô con gái tuổi học đường của họ thích phim trinh thám giả tưởng Alias hơn.
Tất nhiên, Nielsen muốn có thông tin đó vì các nhà quảng cáo khao khát các số liệu về nhân khẩu học. Pepsi có thể thấy thú vị vì đã có 22.000.000 người xem một trích đoạn cụ thể trong bộ phim Friends. Nhưng điều Pepsi thực sự quan tâm là có bao nhiêu người ở độ tuổi 18-34 đã xem đoạn trích này. Và thiết bị đo con người là công nghệ duy nhất có thể cho họ thông tin. Do đó các mạng truyền hình lớn bán quảng cáo trên phạm vi quốc gia đều phải dựa vào số liệu của thiết bị đo con người. Nói cách khác, 5.000 hộ gia đình xác định đặc điểm người Mỹ xem những quảng cáo nào và, gián tiếp là, họ xem những chương trình gì.
Tất nhiên, trong việc này luôn có điều gì đó gây rắc rối – liệu 5.000 hộ gia đình có thực sự đại diện được cho cả 120 triệu gia đình hay không? Nhưng Nielsen đã tích cực làm việc để bảo đảm rằng số gia đình đó, xét về các giá trị nhân khẩu học, là con số tương xứng hợp lý đối với cả đất nước nói chung. Và trong khi các thiết bị đo con người gần như còn chưa hoàn hảo – qua thời gian, mọi người mới càng chú ý hơn đến việc đăng nhập – thì họ đã có lợi thế lớn so với đa số các phương thức thu thập thông tin: họ theo dõi để biết mọi người thực sự đang xem chương trình gì, chứ không phải là những chương trình mọi người đã xem hay nhớ để xem. Nhìn chung, số liệu của Nielsen có lẽ chính xác hơn kết quả điều tra dư luận trung bình của bạn.
Vấn đề rắc rối với các thiết bị đo con người ấy là chỉ có 5.000 thiết bị và lại được bố trí rải rác trên khắp đất nước. Do đó, nếu số liệu về lượng người xem hằng ngày của Nielsen tho thấy hình ảnh tương đối chính xác về những chương trình mà cả nước nói chung đang xem, thì lại không thể cho bạn biết bất cứ điều gì về các chương trình mọi người đang xem ở một thành phố cụ thể.
Điều đó quan trọng vì không phải tất cả các quảng cáo bạn xem trên truyền hình trong giờ cao điểm đều là những quảng cáo cấp quốc gia. Trong thực tế, một phần trăm đáng kể trong số đó là của địa phương. Và các nhà quảng cáo địa phương cũng rất thích các thông tin về nhân khẩu học giống như các nhà quảng cáo cấp quốc gia. Nếu bạn sở hữu một câu lạc bộ sức khỏe ở Fort Wayne, bang Indiana, có thể bạn muốn biết chương trình nào vào giờ cao điểm ngày thứ Ba được những người ở lứa tuổi từ 18-34 ở Fort Wayne xem. Nhưng các thiết bị đo con người không thể cho bạn biết.
Truyền hình đã cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách gọi là “rà soát”. Bốn lần trong một năm – tháng Hai, Năm, Bảy và tháng Mười một – Nielsen phát 2.500.000 sổ nhật ký cho những người được lựa chọn ngẫu nhiên ở hầu như khắp thị trường truyền hình trong nước và đề nghị họ ghi lại những chương trình nào đã xem trong tuần. Nielsen còn thu thập thông tin về tất cả những người đã điền vào sổ nhật ký, như vậy, đến cuối mỗi tháng rà soát, họ có thể đưa ra được hình ảnh nhân khẩu học của các thị trường truyền hình trong cả nước. Khi đó, các đài địa phương, các chi nhánh trong mạng lưới truyền hình và các nhà quảng cáo địa phương sẽ sử dụng thông tin từ sổ nhật ký để đàm phán về giá quảng cáo trong những tháng tới.
Điều lạ lùng ở hệ thống này là nó kéo dài quá lâu – phương thức rà soát đã có từ những ngày đầu mới có truyền hình – dù nó có những thiếu sót rất rõ ràng và sâu rộng. Đầu tiên, không có gì bảo đảm kết quả rà soát là chính xác. Tỷ lệ phản hồi đối với một cuộc điều tra ngẫu nhiên càng thấp thì khả năng sai sót càng lớn và hệ thống rà soát có tỷ lệ thông tin phản hồi rất thấp chỉ có khoảng 30% số sổ nhật ký Nielsen phát ra được mọi người điền vào. Điều đó tạo ra cái gọi là “thiên kiến của người cộng tác”, nghĩa là những người cộng tác điều tra có thể không xem các chương trình giống với những người không cộng tác (Thực tế, gần như chắc chắn là họ không cộng tác.). Và tính chất công nghệ thấp của các sổ nhật ký cũng là một vấn đề. Mọi người không điền vào sổ đúng với thực tế họ xem truyền hình. Giống như phần lớn chúng ta, họ để chậm lại đến cuối tuần mới điền vào sổ. Do đó, những gì được ghi lại là theo trí nhớ của họ. Mọi người rất có thể sẽ nhớ những chương trình nổi bật, bởi vậy hệ thống nhật ký thổi phồng kết quả phân loại của mạng này, trong khi lại làm giảm kết quả phân loại của những mạng truyền hình cáp nhỏ hơn. Các sổ nhật ký cũng không tốt trong việc ghi lại những thói quen xem triền miên của những người nghiện ti vi.
Tuy nhiên, vì các sổ nhật ký không chính xác, nên không thể cho các nhà quảng cáo hoặc các mạng biết mọi người thực sự xem những chương trình nào nhiều nhất. Đó là vì việc làm chương trình của mạng trong những tháng rà soát gần như không có điểm gì chung với việc làm chương trình của mạng ở tám tháng khác trong năm. Do vấn đề rà soát quá lớn đối với các đài địa phương, nên các mạng buộc phải áp dụng cách gọi là làm chương trình “cấp tập”. Họ dồn vào các tháng rà soát những sự kiện đặc biệt, những bộ phim đắt tiền và những chương trình có sự hiện diện của các vị khách nổi tiếng. Chẳng hạn, tháng Hai năm 2003 đã trở thành tháng của Michael Jackson trên mạng truyền hình, với ABC, NBC và Fox tất cả đều chi hàng triệu đô la cho những chương trình về ca sỹ nhạc pop lập dị này. Và cũng trong tháng đó, truyền hình phát sóng những cảnh gay cấn nhất trong các bộ phim nhiều tập như Người đàn bà độc thân (The Bachelorette) và Triệu phú Joe (Joe Millionaire), vốn đã được chờ đợi từ rất lâu (ít nhất là với một số người). Các mạng này cũng chỉ phát sóng những phần mới của các chương trình hay nhất của họ. Không có các chương trình phát lại trong suốt những tháng đang rà soát.
Việc làm chương trình cấp tập vô tình trở nên không tốt với hầu như tất cả mọi người: các nhà quảng cáo, các mạng truyền hình và người xem. Rốt cuộc, các nhà quảng cáo phải trả chi phí dựa trên kết quả phân loại, mà kết quả đó lại chỉ phản ánh việc làm chương trình cấp tập. Allen Banks, Giám đốc điều hành Hãng Truyền thông đại chúng Saatchi & Saatchi ở khu vực Bắc Mỹ, đã gọi các đợt rà soát là “một sự giả dối, một thủ đoạn lừa bịp”. Hình ảnh mà họ đưa ra cho bạn chẳng là gì khác, mà chỉ là đặc trưng của những gì sẽ diễn ra trong thời gian còn lại trong năm”, ông nói. Một số nhà quảng cáo cố gắng tính toán mức độ tác động của các đợt rà soát khi mua thời lượng quảng cáo, nhưng do ở hầu hết các thị trường địa phương, việc rà soát chỉ biểu thị những số liệu cứng nhắc họ có, nên cuối cùng vẫn chỉ là quan trọng một cách thiếu cân xứng.
Trong khi đó, đối với các mạng truyền hình, tháng rà soát có nghĩa là phần lớn những chương trình hay nhất theo nghĩa tương đối của từ này mà họ làm được sẽ bị lãng phí trong cuộc cạnh tranh đối đầu này. Trong tháng rà soát, vào bất cứ giờ nhất định nào cũng có thể có hai hoặc ba chương trình đáng xem (nếu bạn thực sự thích truyền hình). Nhưng người xem chỉ có thể xem một trong số các chương trình. Nếu như các mạng truyền hình có thể phát sóng những chương trình đó vào những thời điểm khác nhau, thay vì chống đối lẫn nhau, thì tổng số người xem có thể cao hơn nhiều. Nói cách khác, do các mạng truyền hình đưa những chương trình hay nhất ra đọ với nhau nên họ đã thực sự giảm bớt lượng người xem của mình. Tương tự, các đợt rà soát cũng không có lợi cho người xem truyền hình bởi lẽ như vậy sẽ có rất ít chương trình mới và hay trong những tháng không rà soát. Nếu bạn là một người am hiểu về cảnh tượng khủng khiếm thì chén niềm vui của bạn có thể khô cạn vào tháng Mười một. Nhưng đến tháng Hai, bạn sẽ chìm trong biển những chương trình phát lại.
Như vậy, các đợt rà soát không tốt lắm trong việc hoạch định ai đang xem cái gì; chúng buộc các nhà quảng cáo phải trả tiền cho những số liệu không đáng tin cậy và không có tính đại diện; và chúng thực sự hạn chế lượng người xem mà các mạng truyền hình có thể đạt tới trong quá trình một năm. Tất cả những người làm truyền hình đều biết điều đó và tin rằng ngành công nghiệp này có thể tốt hơn nhiều nếu có cách khác để hoạch định số lượng người xem truyền hình ở địa phương. Mặc dầu vậy, vẫn còn một phương thức khác tốt hơn nhiều – cụ thể là các thiết bị đo con người của Nielsen – tất cả những người làm truyền hình đều tiếp tục tham gia vào các hệ thống rà soát và chơi theo luật của nó. Và điều này đã đặt ra câu hỏi rõ ràng: Tại sao nhiều người lại đồng ý với một hệ thống ngớ ngẩn như vậy?
Câu trả lời đơn giản đó là chi phí quá đắt để thay đổi. Lắp đặt các thiết bị đo con người đã tốn kém, nhưng duy trì cho nó hoạt động thậm chí còn tốn hơn, bởi vì chúng không bao giờ là không hoạt động. Nếu lắp thiết bị đo con người trên cả nước có thể phải tốn…, ồ, thực sự chẳng thể biết được, vì Nielsen từ chối đưa ra bất kỳ số liệu nào về chi phí cho những thiết bị này. Thế nhưng, ít nhất, nếu bạn muốn mắc cho hàng nghìn hộ gia đình ở một trong số 210 thị trường truyền hình trên cả nước, có thể bạn phải nói đến ít nhất 9 chữ số. Con số đó lớn hơn nhiều so với chi phí cho các sổ nhật ký – mà mọi người điền miễn phí – thậm chí tính cả bưu phí.
Thêm vào đó, dù là một triệu đô la, thì đó không phải là số tiền lớn trong bối cảnh của các ngành công nghiệp truyền hình và quảng cáo nói chung hay sao. Tóm lại, hằng năm có khoảng 25 tỷ đô la tiền quảng cáo được chi dựa trên cơ sở các số liệu rà soát, có nghĩa là 25 tỷ đô la gần như chắc chắn bị lãng phí. Trong khi đó, mỗi năm các mạng lưới truyền hình chi hàng trăm triệu đô la trong các đợt rà soát, số tiền này chắc chắn có thể tốt hơn nếu được chi vào việc khác. Và họ còn phải trả chi phí cho sự cạnh tranh tự sát do các đợt rà soát tạo ra. Nói chung dường như người ta đã thấy rõ được rằng việc đầu tư cho công nghệ thiết bị đo con người – hoặc gì đó tương tự – có thể là một việc thông minh mang tính tập thể nên thực hiện, và như vậy có thể giúp các mạng truyền hình và các đài địa phương hoạt động hiệu quả hơn nhiều.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là: tuy phần lớn những người làm truyền hình có thể tốt hơn nếu họ thoát khỏi các đợt rà soát, nhưng không một ai có thể tốt tới mức đủ để chứng minh cho việc chi tiền vào phương thức khác thay thế. Chẳng hạn, các nhà quảng cáo địa phương ở Sioux Falls đương nhiên có thể thích như vậy nếu họ biết rằng kết quả phân loại của chi nhánh CBSS ở Sioux Falls thực sự chính xác. Nhưng các nhà quảng cáo địa phương ở Sioux Falls không chi đủ tiền để làm lợi hơn cho họ nếu đầu tư vào các thiết bị đo con người ở thành phố này. Và ABC có thể không thua việc phải làm chương trình cấp tập, nhưng họ không thu được nhiều lợi nhuận kinh tế trực tiếp từ một hệ thống phân loại địa phương chính xác hơn.
Có thể đưa ra một câu trả lời rõ ràng, đó là để mọi người tích cực tham gia và làm cho hệ thống trở nên vững chắc. Nhưng chiến lược đó xung đột với ý kiến phê bình gây nhức nhối về khả năng hợp tác mà nhà xã hội học Mancur Olson đưa ra trong cuốn Logic của hành động tập thể ông viết năm 1965. Tác phẩm của Olson tập trung xoay quanh tình thế khó xử mà các nhóm như Hiệp hội Y khoa Mỹ phải quan tâm khi muốn làm cho cá nhân mỗi thành viên tham gia hợp tác. Bởi vì tất cả các bác sĩ đều được lợi từ những nỗ lực hoạt động hành lang của Hiệp hội, nhưng không một bác sĩ nào thực sự nỗ lực đóng góp quan trọng đối với sự thành công hay thất bại của Hiệp hội, cho nên Olson nghĩ rằng các bác sĩ có thể đã không tham gia một cách tự nguyện. Ông lập luận, câu trả lời duy nhất đó là các nhóm hãy đưa ra những lợi ích khác để khuyến khích các thành viên tham gia – chẳng hạn như trong trường hợp của Hiệp hội Y khoa Mỹ là tạp chí y học của họ, hay trong những trường hợp khác là bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, kể cả khi đó, Olson cho rằng trong điều kiện tốt nhất cũng khó khiến mọi người làm những việc như viết thư cho Quốc hội hay tham gia một cuộc mít tinh lớn. Đối với cá nhân, có thể việc cho phép người khác làm việc sẽ luôn có ý nghĩa hơn. Tương tự, nếu nhóm các mạng, các đài truyền hình và các nhà quảng cáo cũng hành động, thì tất cả những người tham gia kinh doanh – kể cả người không làm gì – sẽ được thu lợi. Chính vì vậy, mọi người đều có động cơ để ngồi khoanh tay chờ người khác làm và hưởng lợi. Vì ai cũng muốn mình là người tự nhiên được hưởng lợi nên chẳng có việc gì được làm.
Như chúng ta đã thấy, chưa chắc chắn là lời phê bình của Olson có đúng như tất cả những gì mọi người vẫn nghĩ hay không, các nhóm vẫn cứ hợp tác, mọi người vẫn đóng góp vào lợi ích chung. Nhưng mọi người đóng góp vào lợi ích chung không có nghĩa là các hoạt động kinh doanh nhất thiết sẽ có. Kiểu lợi ích riêng đã thông suốt có thể dẫn mọi người đến chỗ hợp tác đòi hỏi phải có khả năng nghĩ về lâu dài. Các tập đoàn đều thiển cận, có lẽ là do các nhà đầu tư đã khuyến khích điều đó. Và trong bất cứ trường hợp nào, cách thức tổ chức của ngành công nghiệp truyền hình cũng làm cho các mạng và các nhà quảng cáo dễ bị mắc vào bẫy hành động tập thể hơn nếu ở trong một tình trạng khác. Trước hết là việc Nielsen được trả tiền cho các kết quả phân loại của mình vì đã cường điệu hóa vấn đề. Các số liệu rà soát có giá trị đối với cả các chi nhánh và các nhà quảng cáo, nên bạn có thể hình dung các chi phí nên chia đều giữa họ. Tuy nhiên, trong thực tế, các chi nhánh chi 90% chi phí thu thập và phân tích số liệu từ các sổ nhật ký rà soát vì bởi lẽ người phải trả tiền là người có quyền, nên các chi nhánh có quyền tuyên bố kết quả của các đợt rà soát. Như vậy, vô tình họ là người chơi duy nhất trong lĩnh vực truyền hình và họ thích các đợt rà soát. Hệ thống nhật ký cuối cùng lại ủng hộ cho những tên tuổi và những mạng truyền hình đã được công nhận, điều đó có nghĩa là nó thổi phồng kết quả phân loại của các chi nhánh và không có lợi đối với những đài nhỏ hơn. Các chi nhánh không trả một xu nào trong số hàng trăm triệu đô la mà các mạng chi cho việc làm chương trình trong các đợt rà soát. Họ chỉ thu lợi mà thôi. Còn về tác động tiêu cực của các đợt rà soát đối với lượng người xem ở tám tháng khác trong năm, các chi nhánh thực sự chẳng quan tâm đến các tháng đó, bởi vì kết quả phân loại của họ lúc đó không bị theo dõi. Thực ra có hơi cường điệu một chút khi nói rằng chỉ những chương trình các chi nhánh quan tâm mới được phát sóng vào tháng Hai, tháng Năm, tháng Bảy và tháng Mười một. Khi đó, chẳng những không muốn sử dụng các thiết bị đo con người, các chi nhánh còn cố tình ghét bỏ chúng. Trong thực tế, khi Nielsen đưa các thiết bị đo con người vào Boston năm 2002, không có một chi nhánh nào đăng ký dịch vụ. Các đài quả quyết chẳng có kết quả phân loại nào có thể chính xác hơn số liệu của các thiết bị đo con người.
Như vậy sự tồn tại dai dẳng của các đợt rà soát chẳng những chứng minh cho vấn đề hành động tập thể, mà còn cho thấy những mối nguy hiểm từ việc cho phép một bè phái tư lợi tuyên bố quyết định của nhóm. Nếu hệ thống phân loại cục bộ đáng tin cậy, xét về mặt lịch sử, được sự tài trợ của các mạng và các nhà quảng cáo, thì họ thực sự đã có tác dụng đòn bẩy nào đó khi phải thay đổi hệ thống. Thay vào đó, họ lại đang hòa nhịp một cách hiệu quả với các chi nhánh.
Tóm lại, đó là một bức tranh tàn nhẫn, dù bạn có bỏ qua Triệu phú Joe và gương mặt của Michael Jackson. Nhưng bức tranh đó sẽ thay đổi. Hệ thống nhật ký, các đợt rà soát, mức ảnh hưởng quá đáng mà các chi nhánh có được: tất cả đều là di tích của một thời kỳ mà truyền hình qua mạng là trò chơi duy nhất ở thành phố cho người xem và các nhà quảng cáo. Khi truyền hình cáp ngày càng trở nên quan trọng và khi các mạng chứng kiến lượng khán giả của họ bị thu hẹp lại thì các nguyên lý kinh tế của việc rà soát cũng ngày càng ít có ý nghĩa hơn. Điều này không có nghĩa là lúc nào đó chúng ta sẽ sớm thấy các thiết bị đo con người ở Sioux Falls. Nhưng năm 2003, Nielsen đã tuyến bố rộng đến cuối năm 2005 thị trường thiết bị đo con người của họ sẽ là một trong số 10 thị trường truyền hình hàng đầu trong nước (phục vụ cho khoảng 30% tồng số hộ gia đình). Và quyết định của Nielsen được thể hiện qua việc các công ty truyền hình cáp nằm trong số những nhà tài trợ lớn nhất của họ. Do vị trí quyền lực trong kinh doanh truyền hình đã thay đổi, nên cũng có động lực để thay đổi hệ thống phân loại. Việc rà soát vẫn giữ nguyên vị trí vì có quá nhiều quyền lực được tập trung trong tay một số rất ít (các chi nhánh.) Một nghịch lý là khi hạ thấp cái ngưỡng đó và để cho nhiều công ty khác nhau cùng có quyền lực lại làm cho nhóm dễ đi đến quyết định thông minh mang tính tập thể hơn. Trong trường hợp này, nhiều hơn có nghĩa là tốt hơn.
VI
Khi khai trương Ngân hàng Giám hộ và Công ty ủy thác ở quần đảo Cayman năm 1986, John Mathewson còn chưa có kinh nghiệm, chưa có nhiều khách hàng và mới hiểu biết sơ qua về cách thức hoạt động thực tế của các ngân hàng. Nhưng theo cách riêng của mình, ông là một người biết nhìn xa trông rộng. Mathewson nhận thấy nhiều người Mỹ có lắm tiền, nhưng không muốn để Sở Thuế vụ Nội địa (IRS) biết gì về việc này và hiểu rằng họ sẽ trả một khoản kha khá nếu Mathewson có thể giữ tiền cho họ một cách an toàn trước con mắt soi mói của IRS.
Chính vì vậy Mathewson đã giúp họ. Ông hướng dẫn cho khách hàng biết cách thành lập các tập đoàn bình phong. Ông không bao giờ báo cáo với IRS các khoản tiền gửi mà ông đã nhận. Và, quan trọng nhất, ông cấp cho khách hàng các sổ ghi nợ cho phép họ truy nhập vào tài khoản của mình ở Ngân hàng Giám hộ từ bất cứ nơi nào ở nước Mỹ. Mathewson thu lệ phí tương đối cao cho các dịch vụ của mình – 8.000 đô la để mở một tài khoản, 100 đô la cho mỗi lần giao dịch – nhưng dường như chẳng ai phản đối. Lúc đỉnh điểm, Ngân hàng Giám hộ có 150 triệu đô la tiền gửi và 2.000 khách hàng.
Năm 1995, Mathewson rời khỏi Cayman sau khi xảy ra vụ bất hòa với một quan chức chính phủ và chuyển đến San Antonio nghỉ hưu. Thời gian đó kéo dài không lâu. Sau vài tháng, ông bị bắt vì tội rửa tiền. Mathewson đã già, ông không muốn vào tù. Và ông có cái đáng giá để đổi lấy tự do cho mình: các hồ sơ mật về tất cả những người đã gửi tiền vào Ngân hàng Giám hộ và Công ty ủy thác. Do đó, ông đã thực hiện một vụ thỏa thuận. Ông đã nhận tội (và bị kết án 5 năm tù treo và 500 giờ lao động công ích). Và ông đã cho chính phủ biết tất cả những điều họ muốn biết và nhiều điều họ đã không biết về các vụ trốn thuế.
Thông tin thú vị nhất mà Mathewson cho biết đó là các ngân hàng ngoài khơi không còn phục vụ cho những kẻ buôn bán ma túy và rửa tiền nữa. Thay vào đó, các ngân hàng phục vụ cho những người dân Mỹ kiếm tiền một cách chính đáng, nhưng đơn giản không muốn đóng thuế thu nhập. Như năm 2000, Mathewson đã nói với một nhóm thượng nghị sỹ: “Đa số khách hàng (của Ngân hàng Giám hộ) đều là những người kinh doanh hợp pháp và những người có tay nghề.” Một khách hàng tiêu biểu của Mathewson là Mark Vicini, một nhà doanh nghiệp ở bang New Jersey, người điều hành công ty máy tính có tên Micro Rental & Sales. Theo những thông tin thu thập được, Vicini là một người đáng kính trong cộng đồng của ông. Ông tài trợ cho những người họ hàng đi học nghề. Ông hào phóng với các hội từ thiện. Và từ năm 1991-1994, Vicini đã gửi 9 triệu đô la ở Cayman, trong đó có 6 triệu ông chưa bao giờ đề cập với IRS. Nhờ đó, ông đã trốn thuế được 2,1 triệu đô la (Nó còn giúp ông giảm được 5 tháng tù giam ở nhà tù liên bang, nơi ông đã bị bỏ tù sau khi nhận tội trốn thuế.)
Các khách hàng của Mathewson cũng chẳng phải là cá biệt. Thực ra, những năm 1990 đã chứng kiến sự bùng nổ nạn trốn thuế Đến cuối thập kỷ này, 2.000.000 người Mỹ đã có thẻ tín dụng từ các ngân hàng ngoài khơi. 15 năm trước đó, gần như chẳng ai có. Những người khởi xướng, những người thường sử dụng Internet để xúc tiến những mưu đồ bất lương của họ, đã quảng cáo cho việc “ủy thác nhiều tầng”, “ủy thác bảo vệ tài sản ngoài khơi” và “ủy thác theo hiến pháp”. Một nhóm nhỏ những người trốn thuế ngoan cố đã khuyên mọi người không nên đóng thuế vì thuế thu nhập thực ra chưa bao giờ được Quốc hội thông qua. Và những thủ đoạn cũ vẫn tồn tại – vẫn giữ hai hệ thống sổ sách, sáp nhập mình vào một hội từ thiện hoặc nhà thờ và sau đó xoá tất cả các khoản chi tiêu của bạn trong sổ với tính chất là phần đóng góp làm từ thiện. Tất cả những thủ đoạn này đều có một mặt bất lợi nghiêm trọng – đó là những thủ đoạn bất hợp pháp – con số ước tính sơ bộ cho thấy tính đến cuối những năm 1990 những thủ đoạn đó đã làm cho nước Mỹ mỗi năm mất đi 200 tỷ đô la.
Đại đa số người Mỹ chưa bao giờ sử dụng những thủ đoạn đó Họ tiếp tục đóng thuế một cách trung thực và vẫn khẳng định với những người phụ tráchh việc thăm dò ý kiến quần chúng rằng gian lận thuế là một việc sai trái. Nhưng hiếm có ai nghi ngờ rằng việc phổ biến những thủ đoạn này – và thấy rõ nhiều người trong số họ đã thành công – khiến cho người dân Mỹ đa nghi hơn về sự công bằng của hệ thống thuế. Thêm vào những nghi ngờ đó là việc hệ thống thuế ngày càng phức tạp hơn – điều đó càng làm cho khó mà biết được phần đóng thuế của bạn như thế nào là công bằng – và sự bùng nổ nạn trốn thuế tập đoàn ở những năm 1990 chính là nguyên nhân căn bản gây nên “mức độ trốn thuế ngày càng tăng và không thể chấp nhận nổi” như Bộ Tài chính nhận xét hồi năm 1999. Tiêu đề của một bài báo trên Forbes năm 2001 về hệ thống thuế đã nêu bật được vấn đề mà không ít người Mỹ đang băn khoăn về mình: Bạn có phải là người ngốc nghếch không?”
Tại sao điều này lại quan trọng như vậy? Tại vì việc đóng thuế là một ví dụ điển hình về vấn đề hành động tập thể. Mọi người đều được hưởng lợi từ thuế. Bạn có quân đội bảo vệ bạn, trường học không chỉ dành cho con bạn, mà còn cho con của người khác (những người bạn muốn trở thành những công dân có ích, khi lớn lên họ sẽ tương trợ bạn lúc tuổi già), đường đi miễn phí, cảnh sát, cứu hoả và khoa học nghiên cứu cơ bản. (Bạn còn được nhiều thứ khác mà có lẽ bạn cũng không muốn, nhưng đối với đa số mọi người thì chắc chắn lợi ích lớn hơn giá phải trả, hay là mức đóng thuế vẫn thấp hơn lợi ích thực tế được hưởng). Vấn đề là ở chỗ bạn có thể hưởng tất cả những lợi ích này dù thực tế bạn đóng thuế hay không. Đa số lợi ích chính phủ bảo đảm đều là những lợi ích không thể từ chối theo cách gọi của các nhà kinh tế – có nghĩa là, như tên gọi của nó đã thể hiện, không thể cho phép số người này hưởng mà không cho số khác hưởng cùng. Nếu hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia được xây dựng, nó sẽ bảo vệ ngôi nhà của bạn dù bạn đã đóng thuế hay chưa. Và một khi con đường I-95 được xây dựng, thì bất kỳ ai cũng có thể đi trên con đường đó. Điều này có nghĩa là dù bạn nghĩ chi tiêu của chính phủ là một việc tốt, nhưng vẫn có động cơ để trốn thuế. Vì được hưởng các lợi ích chung dù cá nhân có góp tiền hay không, nên bạn thấy cứ để mình tự nhiên được hưởng sẽ hợp lý hơn. Tất nhiên, vấn đề là nếu đa số mọi người đều muốn tự nhiên được hưởng lợi thì sẽ không còn các lợi ích chung.
Đóng thuế là phiên bản cực đoan của vấn đề hợp tác. Mặc dù bình thường chúng ta không nghĩ đóng thuế là vấn đề hợp tác nhưng về cốt lõi thì đó chính là cái mà sự hợp tác mang lại. Chẳng hạn, việc đóng thuế rõ ràng khác với việc là thành viên của một nhóm lợi ích xét theo một nghĩa quan trọng: trốn thuế là trái với luật pháp. Nhưng sự thật là nếu bạn trốn thuế, nguy cơ bạn bị bắt thực ra khá ít. Năm 2001, chẳng hạn, IRS chỉ kiểm toán được có một nửa của 1% tổng số tiền thu vào. Như vậy, tính theo giá trị kinh tế thuần tuý, việc gian lận thực ra có thể là hợp lý. Chính vì vậy một hệ thống thuế mạnh đòi hỏi điều gì đó lớn hơn luật. Suy cho cùng, một hệ thống thuế mạnh đòi hỏi mọi người phải đóng thuế một cách tự nguyện (chứ không miễn cưỡng). Đóng thuế là chi phí cá nhân, nhưng là lợi ích tập thể. Nhưng các lợi ích tập thể chỉ thành hiện thực nếu mỗi người cùng tham gia.
Vậy thì tại sao mọi người tham gia? Nói cách khác, tại sao ở những nước như Mỹ, nơi tỉ lệ thực hiện nghĩa vụ thuế tương đối cao, mọi người vẫn đóng thuế? Cốt lõi của vấn đế chính là nguyên tắc giống như chúng ta đã thấy khi nghiên cứu về câu chuyện của Dick Grasso: nguyên tắc có đi có lại. Phần lớn mới người sẽ chỉ tham gia nếu họ tin rằng tất cả những người khác cũng tham gia. Đối với vấn đề thuế, người Mỹ là “những người hợp tác tuỳ thuộc” theo cách gọi của nhà sử học Margaret Levi. Họ sẵn sàng đóng thuế một cách công bằng, miễn là họ nghĩ rằng những người khác cũng làm như vậy và miễn là họ tin rằng mọi người không đóng thuế chắc chắn sẽ bị bắt và bị trừng phạt. “Khi mọi người bắt đầu cảm thấy cảnh sát bị tê liệt và nghĩ rằng người khác vi phạm luật pháp, nhưng vẫn trốn thoát, thì họ bắt đầu cảm thấy mình bị lợi dụng”, Michael Graetz, giáo sư luật ở Trường Yale, nói. Mọi người đều muốn làm đúng nhưng không ai muốn là kẻ đần.
Ta hãy xem lại những kết quả trong thí nghiệm về lợi ích chung mà nhà kinh tế học Ernst Fehr đã thực hiện. Những thí nghiệm này tiến hành như sau: một nhóm có 4 người, mỗi người có 20 đồng tiền và cuộc chơi sẽ gồm 4 vòng chơi. Ở một vòng, người chơi có thể góp tiền vào chiếc bình chung hoặc giữ tiền cho mình. Nếu người chơi đầu tư một đồng, anh ta sẽ mất một khoản tiền. Anh ta đầu tư một đồng và chỉ lấy lại được 0,4 đồng (Đó là vì cũng như việc đóng thuế, phải mất khoản nào đó để bảo đảm lợi ích chung). Theo cách thức cuộc chơi diễn ra, thì với mỗi đồng tiễn đầu tư, mỗi thành viên trong nhóm sẽ được hưởng 0,4 đồng. Như vậy cả nhóm nói chung sẽ nhận được 1,6 đồng cho mỗi đồng đầu tư. Ý nghĩa chính ở đây là: nếu mọi người cứ giữ tiền của mình, thì cuối cùng mỗi người đều có 20 đồng. Nếu tất cả cùng đầu tư toàn bộ số tiền của mình, thì cuối cùng mỗi người sẽ được 32 đồng. Tất nhiên, thủ đoạn khôn ngoan nhất bình thường sẽ là bản thân bạn chẳng đầu tư gì cả và chỉ hưởng không phần đóng góp của tất cả những người khác, nhưng nếu mọi người cùng làm như vậy, thì thẳng có ai đóng góp.
Cũng như cuộc chơi được-mất, các cuộc chơi lợi ích chung được chơi theo cách tương tự ở khắp các nước phát triển. Đầu tiên, đa số mọi người không hành động một cách ích kỷ. Thay vào đó, đa số đều đóng góp phần công bằng của mình vào chiếc bình chung. Nhưng qua mỗi vòng chơi, mọi người thấy rằng những người khác tự nhiên được hưởng lợi, thì tỉ lệ đóng góp giảm đi. Để cuối cùng, có từ 50 đến 80% người chơi chỉ muốn hưởng lợi tự nhiên và cả nhóm nói chung nghèo đi rất nhiều so với trường hợp họ làm ngược lại.
Fehr cho rằng nói chung mọi người rơi vào một trong ba tiêu chí. Khoảng 25% là ích kỷ – tức là họ có lý, xét về ý nghĩa kinh tế – và hưởng lợi tự nhiên từ đầu (Tỷ lệ đó gần giống với số người đưa ra những lời đề nghị quá thấp trong cuộc chơi được- mất). Khoảng 30% khác là “những người hợp tác mạnh,” họ đóng góp vào chiếc bình chung ngay từ đầu và tiếp tục làm như vậy dù thấy người khác hưởng lợi tự nhiên trước mặt. Tuy nhiên, nhóm lớn nhất là những người hợp tác tuỳ thuộc. Nói chung, lúc đầu ít nhất họ cũng đóng góp một số tài sản của mình, nhưng khi thấy những người khác tự nhiên được hưởng lợi, thì họ không còn tiếp tục bỏ tiền ra nữa. Trong các cuộc chơi vì lợi ích chung tiêu biểu, đến phút chót hầu như tất cả những người hợp tác tuỳ thuộc đều không còn hợp tác nữa.
Điều này có nghĩa là khi cần phải giải quyết vấn đề làm thế nào để mọi người thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ, thì thực tế có ba điều quan trọng. Thứ nhất đó là mọi người phải tin tưởng, ở mức độ nào đó, vào những người xung quanh và tin rằng họ nói chung sẽ làm việc đúng và thực hiện đúng mọi nghĩa vụ hợp lý. Bruce Scholz, giáo sư khoa học chính trị ở SUNY-Stony Brook, nhận thấy rằng trong thực tế, những người tin tưởng nhiều hơn có nhiều khả năng đóng thuế hơn và coi việc gian lận về thuế là sai trái. Đi đôi với việc này, nhưng hoàn toàn khác, là sự tin tưởng vào chính phủ, cụ thể là sự tin tưởng rằng chính phủ sẽ chi tiêu những đồng tiền thuế của bạn một cách khôn ngoan và vì lợi ích quốc gia. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên, Scholz nhận thấy những người tin tưởng vào chính phủ vui lòng hơn khi đóng thuế (hoặc ít nhất cũng không thấy bực bội).
Dạng tin tưởng thứ ba là tin rằng nhà nước có khả năng tìm ra và trừng trị kẻ có tội và tránh trừng phạt người vô tội. Chỉ một mình luật pháp không thể tạo ra sự hợp tác nhưng nó có thể làm cho hợp tác có khả năng thành công hơn. Nếu mọi người nghĩ rằng những người tự nhiên hưởng lợi – những người không đóng thuế nhưng vẫn được hưởng tất cả các lợi ích khi sống ở Mỹ – sẽ bị bắt, họ sẽ vui lòng đóng thuế hơn (hoặc ít nhất cũng không thấy bực bội). Và, cũng không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên, khả năng họ gian lận thuế cũng ít hơn. Do đó hình ảnh chung của IRS có thể có tác động rất lớn đến cách đối xử của những người hợp tác tuỳ thuộc. Mark Matthews, trưởng phòng điều tra tội phạm của cơ quan này, biết rất rõ rằng thành công của các vụ điều tra tội phạm không đủ đánh giá theo số lượng tội phạm bị bắt, mà còn theo mức tác động chúng mà việc làm của chúng gây ra. “Một nhóm người có thể bị những kẻ xấu này xúi bẩy, những kẻ này có thể làm cho việc lập kế hoạch thuế mang tính thù địch trở nên quá thù địch. Chúng ta cần thuyết phục họ trước khi điều đó vô tình trở nên có nghĩa”, Matthews nói. “Một phần nhiệm vụ quan trọng của cơ quan này là bảo đảm để mọi người đều tin rằng hệ thống đang hoạt động hiệu quả.”
Làm sao để tất cả mọi người đóng thuế là một vấn đề tập thể. Chúng ta đều biết mục đích là để tất cả mọi người cần đóng phần thuế công bằng của họ (tất nhiên, điều này không biểu thị phần thuế công bằng là bao nhiêu). Vấn đề ở đây là làm như thế nào? Mô hình của Mỹ xét theo các tiêu chuẩn toàn cầu là hết sức thành công, vì mặc dù có những người Mỹ lớn tiếng chống thuế kịch liệt, nhưng thực ra họ trốn thuế ít hơn nhiều so với người châu Âu, điều này cho thấy dù luật pháp và quy định đóng vai trò then chốt trong việc cổ vũ mọi người đóng thuế, nhưng chúng chỉ có hiệu lực khi mọi người cơ bản đã sẵn sàng góp phần vào lợi ích chung. Và nền tảng đó chỉ được xây dựng theo thời gian. Xét cho cùng, sự thật là việc đóng thuế phổ biến rộng có nghĩa là lời khẳng định hệ thống này có hiệu lực, ít nhất là theo ý nghĩa còn mơ hồ. Loại khẳng định này chỉ có thể có được theo thời gian, khi mọi người – những người lúc đầu đóng thuế có lẽ chỉ vì sợ bị khởi tố – nhận thấy những lợi ích tương hỗ của việc đóng thuế và coi đó như một quy tắc tiêu chuẩn.
Một cách khác nữa để trình bày vấn đề này là việc đóng thuế thành công nuôi dưỡng việc đóng thuế thành công. Và tôi có thể nói rằng vòng hồi tiếp tích cực đó đang vận hành trong hầu hết những nỗ lực hợp tác thành công nhất. Sau cùng, điều bí ẩn của sự hợp tác đó cho thấy Mancur Olson đã đúng: nó làm cho việc tự nhiên hưởng lợi có ý nghĩa hơn. Và còn nữa, sự hợp tác ở trên quy mô lớn và nhỏ, thấm sâu vào bất kỳ một xã hội cường thịnh nào. Nó không chỉ đơn giản là những ví dụ rõ ràng, như tham gia vào các hội từ thiện, đi bầu cử hay tham gia các đoàn biểu tình, tất cả những việc này đều là những ví dụ về hành động tập thể mà mọi người tham gia vào. Nó còn là những ví dụ khó thấy hơn, giống như những công nhân, mà nói thẳng ra, đã trốn việc nhưng không bị phạt (vì chi phí cho việc kiểm soát họ quá cao) và cũng không phải day dứt vì mặc cảm phạm tội, hoặc những khách hàng để lại tiền boa cho nhân viên phục vụ nhà hàng ở những thành phố xa xôi. Chúng ta có thể phân tích mổ xẻ những hành động này và giải thích điều gì gây ra chúng. Nhưng có cái gì đó không thể thay đổi ở tận đáy lòng họ và nó tạo nên sự khác biệt giữa một bên là xã hội và một bên chỉ là lũ người sống cùng nhau.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.