Trí Tuệ Đám Đông:vì Sao Đa Số Thông Minh Hơn Thiểu Số

Chương 9. ỦY BAN, BAN HỘI THẨM VÀ NHÓM ĐỘI



Thảm họa của tàu con thoi Columbia và cách hình thành các nhóm nhỏ để làm việc

Sáng ngày 21 tháng Một năm 2003, Đội Quản lý Nhiệm vụ đối với phi vụ STS-107 của NASA – chuyến bay thứ 28 của tàu vũ trụ con thoi Columbia – đã tổ chức cuộc hội nghị từ xa, hội nghị lần thứ hai của họ kể từ khi phóng tàu Columbia ngày 16 tháng Một. Một giờ trước cuộc họp, Don McCormack đã được các thành viên trong Đội Đánh giá Mảnh vụn (Debris Assessment Team) chỉ dẫn, đó là một nhóm gồm các kỹ sư đến từ NASA, Boeing và Lockheed Martin, những người đã bỏ phần lớn thời gian năm ngày trước đó để đánh giá những hậu quả có thể có của một cuộc tấn công lớn bằng mảnh vụn vào tàu Columbia. Khi tàu đang bay vào tầng khí quyển, một mảnh bọt lớn đã làm vỡ bề mặt giá hai chân bên trái của thùng chứa nhiên liệu ngoài tàu con thoi và đâm mạnh vào cánh trái của tàu. Không có camera nào đang theo dõi việc phóng tàu cung cấp ảnh rõ ràng về tác động này, do đó khó nói được mức độ hư hại mà bọt có thể đã gây ra lớn đến mức nào. Và mặc dù đến thế kỷ XXI, đã có yêu cầu về các bức ảnh trên quỹ đạo của tàu Columbia nhưng vẫn chưa được chấp nhận. Do đó, Đội Đánh giá Mảnh vụn đã thực hiện những gì họ có thể làm với thông tin đã có, trước hết là đánh giá kích thước của bọt và tốc độ nó đâm vào tàu Columbia và sau đó sử dụng một thuật toán gọi là Crater để dự đoán xem mảnh vụn với kích thước đó, di chuyển với tốc độ đó có thể đâm xuyên vào lớp bảo vệ chống nhiệt phủ trên các cánh của tàu con thoi sâu tới mức độ nào.

Đội Đánh giá Mảnh vụ chẳng đưa ra được kết luận nào, nhưng họ cho McCormack thấy rõ là có lý do để quan tâm đến vấn đề này. McCormack đã không truyền đạt ý nghĩa của mối quan tâm đó đến Đội Quản lý Nhiệm vụ trong quá trình hội nghị từ xa. Sự tấn công của bọt không được đề cập cho đến khi cuộc họp đã diễn ra được 2/3; nó chỉ được đưa ra sau khi thảo luận về một loại camera bị nhiễu, các thí nghiệm khoa học đối với tàu con thoi và bộ tách nước bị rò rỉ cũng như nhiều vấn đề khác. Khi đó Linda Ham, người đứng đầu Đội Quản lý Nhiệm vụ, đã yêu cầu McCormack cập nhật thông tin. Ông chỉ nói rằng mọi người đang điều tra mức hư hại có thể và tiềm năng có thể làm được gì để khắc phục và sau đó nói thêm rằng khi tàu Columbia bị một cuộc tấn công tương tự trong vụ STS-87 năm năm trước, nó đã bị “hư hại” rất nặng. Đây là cách Ham trả lời: “Và tôi thực sự không nghĩ có nhiều việc chúng ta có thể làm được, cho nên đó thực ra không phải là một yếu tố khi bay bởi vì chúng ta không làm được gì nhiều đối với nó”.

Nói cách khác, Ham đã quả quyết rằng sự tấn công của bọt không gây hậu quả gì. Quan trọng hơn, bà cũng quả quyết với tất cả những người khác trong cuộc họp là nó không gây hậu quả. Đây là lần đầu tiên Đội Quản lý Nhiệm vụ nghe được mọi chi tiết về sự tấn công của bọt. Đáng ra theo logic, phải để McCormack nêu ra những hậu quả có thể có và nói về những điều mà bằng chứng từ những tàu con thoi trước kia bị các mảnh vụn tấn công đã cho thấy. Nhưng thay vào đó cuộc họp lại diễn ra một cách nhanh chóng.

Tất nhiên, khi nhận ra vấn đề thì rõ ràng đã quá muộn và giống hệt như những lời chỉ trích đối với đội ngũ tình báo Mỹ sau vụ 11/9, có lẽ rất dễ để kết tội Đội Quản lý Nhiệm vụ của NASA vì sai lầm của họ khi chứng kiến điều gì có thể xảy ra đối với tàu Columbia lúc tàu bay trở lại bầu khí quyển của Trái Đất vào ngày 1 tháng Hai. Thậm chí những người từng chỉ trích NASA thậm tệ cũng cho rằng việc chỉ tập trung vào một đội này là sai lầm vì nó che khuất những vấn đề sâu xa về thể chế và văn hóa đã gây hại cho cơ quan này (vô tình có nhiều vấn đề giống như đã gây hại cho họ năm 1986, khi tàu Challenger bị nổ tung). Nhưng mặc dù NASA rõ ràng là một bài học thực tế về việc tổ chức hoạt động sai chức năng, điều đó vẫn không giải thích đầy đủ tại sao Đội Quản lý Nhiệm vụ giải quyết vụ khủng hoảng của tàu Columbia kém đến vậy. Xem xét hết các bằng chứng mà Ban Điều tra Tai nạn tàu Columbia (CAIB) thu thập được, không có cách nào tránh khỏi kết luận rằng đội này đã có cơ hội để có những lựa chọn khác, từ đó có thể mở ra rất nhiều cơ hội để phi hành đoàn tàu Columbia sống sót. Các thành viên trong đội bị hối thúc trong nhiều dịp khác nhau là phải thu thập thông tin họ cần để đưa ra được đánh giá đúng về sự an toàn của tàu con thoi. Họ được báo cho biết là bọt, trong thực tế, có thể đã gây hư hại tới mức làm “cháy” – hơi nóng bốc cháy xuyên qua lớp lợp bảo vệ và vào thân tàu – khi tàu bay trở lại tầng khí quyển của Trái Đất. Chính những người chỉ huy của đội đã nêu ra khả năng là mức độ hư hại bởi mảnh vụn có thể rất nghiêm trọng. Thế nhưng, Đội Quản lý Nhiệm vụ nói chung chưa bao giờ đi sâu hơn để đưa ra quyết định đúng về việc cần làm đối với tàu Columbia.

Thực tế cho thấy hiệu quả của Đội Quản lý Nhiệm vụ là một bài học nhãn tiền cho thấy một nhóm nhỏ không được điều hành thì sẽ như thế nào và là một minh chứng hùng hồn về việc ở trong một nhóm thực ra có thể khiến cho con người ta ngốc nghếch hơn, chứ không thông minh hơn. Điều này quan trọng với hai lý do. Thứ nhất, các nhóm nhỏ ở đâu cũng có trong đời sống nước Mỹ và các quyết định của họ là kết quả. Các hội đồng xét xử quyết định liệu người ta có phải vào tù hay không. Các ban giám đốc định hướng chiến lược của tập đoàn, ít nhất là trên lý thuyết. Và ngày càng có nhiều hoạt động của chúng ta diễn ra theo nhóm đội, hay chí ít là trong các cuộc họp. Như vậy, các nhóm nhỏ thực ra có thể làm tốt công việc giải quyết các vấn đề phức tạp hay không hầu như không phải là vấn đề mang tính học thuật.

Thứ hai, các nhóm nhỏ khác với các “nhóm” như thị trường, tổ chức cá độ hay khán giả truyền hình về nhiều phương diện quan trọng. Các “nhóm” đó là những thực thể phần nhiều mang tính thống kê giống như các thực thể mang tính kinh nghiệm. Những người cá độ nhận thông tin phản hồi từ nhau dưới hình thức tỷ lệ đặt cược và các nhà đầu tư nhận thông tin phản hồi từ nhau trên thị trường chứng khoán, còn bản chất của mối quan hệ giữa mọi người trong nhóm nhỏ là khác nhau về định tính. Các nhà đầu tư không nghĩ họ là các thành viên của thị trường. Những người trong Đội Quản lý Nhiệm vụ lại nghĩ họ là thành viên của đội đó. Và trí tuệ tập thể gần giống cái mà các Thị trường điện tử Iowa tạo ra, là kết quả của nhiều ý kiến xét đoán độc lập khác nhau, không phải là cái mà nhóm nói chung đưa ra một cách có chủ ý. Ngược lại, mỗi một nhóm nhỏ đều có nhận dạng riêng – dù đó chỉ là nhóm đặc biệt được hình thành vì mục đích của một dự án hay thí nghiệm đơn lẻ. Và tác động của mọi người trong nhóm đối với ý kiến của nhau là không thể tránh khỏi.

Chúng ta sẽ thấy điều này có hai hệ quả. Một mặt, nó có nghĩa là các nhóm nhỏ có thể đưa ra những quyết định rất tồi, vì sự tác động trực tiếp và tức thì hơn, các ý kiến trong nhóm nhỏ có xu hướng dễ thay đổi và cực đoan. Mặt khác, nó cũng có nghĩa là các nhóm nhỏ có thể trở thành một đơn vị/ một tập thể lớn hơn tổng cộng các bộ phận của nó. Một nhóm hợp tác trực tiếp thành công là một khái niệm có ý nghĩa hơn là sự thông minh tập thể. Nó làm cho mỗi người làm việc tích cực hơn, suy nghĩ thông minh hơn và đạt đến những kết luận tốt hơn so với họ có thể tự làm. Trong cuốn Những kẻ nghiệp dư (The Amateurs) viết về cuộc đua thuyền Olympic, David Halberstam viết: “Khi phần lớn các tay chèo kể về những khoảnh khắc hoàn hảo nhất trên thuyền, họ đề cập không nhiều đến việc chiến thắng cuộc đua mà chủ yếu đến việc lái thuyền, cả tám mái chèo cùng khua trong nước một lúc, sự đồng bộ gần như hoàn hảo. Trong những khoảnh khắc như vậy, con thuyền dường như lướt trên mặt nước. Các tay chèo gọi đó là thời điểm “thăng hoa”. Khi con thuyền có được sự thăng hoa, chuyển động của nó có vẻ gần như không cần nỗ lực gì. Mặc dù có tám tay chèo trên thuyền, nhưng lại như chỉ có một người – người có sức mạnh hoàn hảo và biết tính thời gian hoàn hảo – đang chèo thuyền đua. Và lúc đó bạn có thể nói rằng nhóm nhỏ làm việc tốt sẽ có sự thăng hoa về trí tuệ.”

Tuy nhiên, không dễ để đạt được trạng thái thăng hoa ấy. Trong thực tế, ít có tổ chức nào biết cách làm cho các nhóm làm việc hiệu quả trước sau như một. Theo cách nói đãi bôi, việc để một nhóm nhỏ trở thành cái gì đó lớn hơn tổng các phần cộng lại vẫn còn là một điều không bình thường. Nhiều khi, chẳng những không tăng thêm giá trị cho các thành viên, các nhóm dường như còn làm cho giá trị ấy bị giảm bớt. Người ta thường phải gật đầu đồng tình với Ralph Cordiner, cựu Chủ tịch Tập đoàn Golden Eagle, người từng nói: “Nếu bạn có thể nói cho tôi biết một phát kiến hoặc quyết định vĩ đại do một ủy ban đưa ra thì tôi sẽ tìm được cho bạn người có sự sáng suốt độc nhất trong ủy ban đó – mặc dù có thể khi đó anh ta chưa cạo râu hoặc đang trên đường đi làm, hoặc có thể trong khi những người khác trong ủy ban đang nói huyên thuyên – chính sự sáng suốt độc nhất ấy giải quyết được vấn đề và là cơ sở của việc đưa ra quyết định”. Với lý do này, các nhóm chúng là gì, mà chỉ là chướng ngại vật cản đường những người mà tốt hơn nên để thời gian cho họ được ở một mình.

Hiệu quả làm việc của Đội Quản lý Nhiệm vụ giúp giải thích lý do tại sao. Thứ nhất, đội không bắt đầu với một tư tưởng phóng khoáng, mà từ giả thuyết cho rằng vấn đề liệu sự tấn công của bọt có thể gây hư hại nghiêm trọng cho tàu con thoi hay không đã trả lời xong. Điều này, đúng ra, một phần là do không may, vì một trong những cố vấn kỹ thuật của đội ngay từ đầu đã tin rằng bọt không gây hư hại gì nghiêm trọng và anh ta vẫn cứ nói như vậy với bất kỳ người nào có thể bắt gặp. Nhưng có quá nhiều bằng chứng cho thấy điều ngược lại. Đáng ra bắt đầu với bằng chứng và nghiên cứu để đi đến kết luận, đội này lại làm việc theo hướng ngược lại. Quá đáng hơn nữa, thái độ hoài nghi của họ về khả năng có điều gì đó thực sự không ổn đã khiến họ bỏ qua nhu cầu cần phải thu thập nhiều thông tin hơn, đặc biệt dưới dạng ảnh, dẫn đến những yêu cầu của Đội Đánh giá Mảnh vụn về các ảnh trên quỹ đạo đã bị từ chối. Thậm chí khi các thành viên trong đội đề cập đến khả năng là có thể đã có vấn đề thực sự đối với tàu Columbia thì việc họ vẫn tin rằng không có điều gì bất ổn đã hạn chế sự thảo luận và khiến họ coi nhẹ bằng chứng chứng tỏ điều ngược lại. Theo nghĩa đó, đội đã chịu thua trước cái mà các nhà tâm lý học gọi là “sự khẳng định thành kiến”, làm cho những người ra quyết định vô tình tìm kiếm bằng được các bit thông tin có thể khẳng định cho trực giác ngấm ngầm trong họ.

Những vấn đề này còn trở nên trầm trọng hơn bởi niềm tin bất thường của đội cho rằng họ biết nhiều hơn những gì họ đã làm. Chẳng hạn, khi những người quản lý tàu con thoi từ chối yêu cầu về các bức ảnh, một trong những lý do của họ đó là độ phân giải của các bức ảnh không đủ tốt để phát hiện vùng bề mặt nhỏ bị bọt tấn công. Thực ra, như CAIB đã nhận thấy, không ai trong số những người quản lý thực hiện những việc thẩm định cần thiết để biết rõ độ phân giải của các bức ảnh có thể tốt đến mức độ nào, cũng không có bất kỳ người nào trong số họ đề nghị Bộ Quốc phòng – nơi có thể đã chụp được các bức ảnh – cho biết về chất lượng ảnh. Nói cách khác, họ đã “đưa ra những quyết định quan trọng về các khả năng của ảnh dựa trên rất ít hoặc không dựa trên hiểu biết nào” và cứ làm như vậy với một sự tin chắc.

Các nhà khoa học xã hội, những người đã nghiên cứu về các hội đồng xét xử, thường phân biệt giữa hai phương thức mà các hội đồng xét xử áp dụng. Những hội đồng xét xử dựa trên bằng chứng thường không tổ chức bỏ phiếu, thậm chí trước khi dành một khoảng thời gian để thảo luận về vụ kiện, sàng lọc bằng chứng và suy tính rõ ràng các cách giải thích khác nhau. Ngược lại, các hội đồng xét xử dựa trên nhận định coi nhiệm vụ của họ là đạt đến quyết định càng nhanh và càng dứt khoát càng tốt. Họ tổ chức bỏ phiếu trước mọi thảo luận, và cuộc tranh luận sau đó có xu hướng tập trung để làm cho những người không đồng ý phải đồng ý. Phương thức của Đội Quản lý Nhiệm vụ thực tế, tuy không cố ý, là dựa trên nhận định. Bạn có thể thay điều này đặc biệt rõ hơn trong cách Linda Ham đặt ra các câu hỏi. Chẳng hạn, vào ngày 22 tháng Một, một ngày sau cuộc họp bàn về vấn đề bọt lần đầu tiên, Ham đã gửi thư điện tử cho hai thành viên trong đội về việc liệu sự tấn công của bọt trong thực tế có thể đe dọa tới sự an toàn của tàu con thoi hay không. Bà viết: “Chúng ta có thể nói rằng nếu bỏ qua mọi loại bọt của ET (thùng chứa bên ngoài), vẫn không làm tổn hại đến an toàn bay của tàu Orbiter do tỷ trọng hay không?” Câu trả lời mà Ham muốn đã được gắn vào câu hỏi. Đó là một cách làm lệch hướng điều tra thực sự ngay cả khi dường như phải theo đuổi bằng được. Khi đó, tình cờ, một trong các thành viên của đội đã không cung cấp cho Ham câu trả lời mà bà đang tìm kiếm. Lambert Austin đã trả lời câu hỏi của bà là “KHÔNG”, viết bằng chữ in hoa và sau đó tiếp tục giải thích rằng vào thời điểm đó không có cách nào “NGĂN NGỪA” khả năng là bọt có thể đã gây hại nghiêm trọng cho tấm lợp. Vậy nhưng, lời cảnh báo của Austin hầu như không thu hút sự chú ý.

Một lý do để đội không theo đuổi đến cùng có thể là do họ đã ngấm ngầm cho rằng nếu có điều gì đó không ổn, cũng không thể khắc phục được. Tại cuộc họp hôm 21 tháng Một đó, bạn nhớ chứ, Ham đã phát biểu: “Và tôi thực sự không nghĩ có nhiều việc chúng ta có thể làm được, cho nên đó thực ra không phải là một yếu tố khi bay bởi vì chúng ta không làm được gì nhiều đối với nó”. Hai ngày sau. Calvin Schomburg, chuyên gia kỹ thuật, người vẫn luôn khẳng định rằng bọt không thể gây hư hại nghiêm trọng tới tấm lợp, đã gặp gỡ với Rodney Rocha, một kỹ sư của Đội Đánh giá Mảnh vụn. Từ thời điểm đó, Đội Đánh giá Mảnh vụn ngày càng quan tâm hơn, cho rằng sự hư hại do bọt có khả năng dẫn đến gây cháy khi trở về quyển khí Trái Đất. Rocha và Schomburg nói rằng nếu tấm lợp bị hư hại nghiêm trọng thì “không thể làm được gì”.

Đến lúc này, quan điểm cho rằng nếu sự hư hại đối với tấm lợp được phát hiện kịp thời thì cũng chẳng làm được gì là không đúng. Trên thực tế, một nội dung trong cuộc điều tra của CAIB cho thấy: các kỹ sư của NASA đã đưa ra hai chiến lược khác nhau, nhờ đó có thể đã mang phi hành đoàn của tàu Columbia trở về Trái Đất an toàn (mặc dù chính con tàu phải chịu số phận bi đát từ thời điểm bọt tấn công). Tất nhiên, không có lý do để Đội Quản lý Nhiệm vụ biết những chiến lược đó là gì. Nhưng ở đây một lần nữa, đội đã đưa ra quyết định trước khi thực sự xem xét bằng chứng. Và quyết định đó chung quy lại cũng chỉ nói rằng nếu có vấn đề gì, thì chúng ta cũng không có khả năng tìm ra cách giải quyết – chắc chắn đã định hướng cho phương thức làm việc của họ để tìm hiểu xem liệu có vấn đề nào không. Thực ra, báo cáo của CAIB bao gồm cả các ghi chép cá nhân từ một nguồn tin không được nêu tên của NASA cho biết khi Ham hủy bỏ yêu cầu về ảnh chụp cánh tàu Columbia của Đội Đánh giá Mảnh vụn, “[bà] nói vấn đề này không còn tiếp tục điều tra nữa vì cho dù chúng ta có thấy được điều gì đó, thì chúng ta cũng không thể làm được gì đối với nó”. Đây đúng ra không phải là những đặc tính đã mang tàu Apollo 13 trở về Trái Đất an toàn.

Một trong những mối nguy hiểm thực sự mà các nhóm nhỏ phải đối diện là việc nhấn mạnh vào sự nhất trí hơn là sự bất đồng ý kiến. Phiên bản cực đoan của điều này, như chúng ta đã thấy, là một dạng suy nghĩ nhóm mà Irving Janis đã mô tả theo ý kiến của ông về kế hoạch Vịnh Con lợn, nơi mà các thành viên trong nhóm đã trở nên đồng nhất với nhóm đến nỗi khả năng bất đồng ý kiến dường như thực tế là không thể có. Nhưng theo một cách khó thấy hơn, các nhóm nhỏ có thể càng làm cho chúng ta có khuynh hướng thích ảo tưởng về sự chắc chắn hơn là sự thực của điều nghi ngờ. Ngày 24 tháng Một, Đội Đánh giá Mảnh vụn một lần nữa lại gặp Don McCormack, người đã trở thành liên lạc viên không chính thức của họ với Đội Quản lý Nhiệm vụ, để trình bày những kết quả mà họ nghiên cứu được về sự tấn công của bọt. Phòng chỉ dẫn cho phi công, nơi được chọn làm phòng trình bày, đông người tới mức các kỹ sư đã phải dừng lại ở phòng trước, điều đó chứng tỏ mọi người đã lo lắng đến mức độ nào. Trong bất cứ trường hợp nào, Đội Đánh giá Mảnh vụn cũng đưa ra năm kịch bản khác nhau về những điều có thể xảy ra. Kết luận của họ là đã có khả năng để tàu con thoi được an toàn. Nhưng khi đưa ra kết luận, họ có nói thêm rằng việc phân tích của họ còn rất hạn chế do thiếu công cụ và thông tin có chất lượng. Vì Đội Quản lý Nhiệm vụ đã từ chối cho phép sử dụng các ảnh chụp trên quỹ đạo, nên các kỹ sư không biết vị trí chính xác bọt tấn công. Và thuật toán Crater họ sử dụng là được thiết kế để đo mức độ tác động của những mảnh vụn nhỏ hơn hàng trăm lần so với mảnh vụn đã văng vào tàu Columbia, do đó không có cách nào bảo đảm rằng các kết quả của họ là chính xác. Nói cách khác, các kỹ sư nhấn mạnh mức độ chưa chắc chắn trong phân tích của họ. Thế nhưng, ban quản lý NASA vẫn cứ tập trung vào kết luận của họ.

Một giờ sau buổi trình bày, Đội Quản lý Nhiệm vụ đã có buổi gặp gỡ với Đội Đánh giá Mảnh vụn và McCormack tóm tắt lại những điều họ vừa trình bày. “Họ trình bày rõ ràng rằng ở đây tiềm ẩn sự hư hại lớn, nhưng phân tích nhiệt không cho thấy sẽ có khả năng gây cháy, ông nói. “Rõ ràng trong toàn bộ việc này, có nhiều điều chưa chắc trên quan đến kích thước của mảnh vụn, vị trí va đập và góc tới của nó. Việc này rất khó.” Cho rằng sự phân tích của các kỹ sư được xây dựng trên nhiều giả thiết chưa được kiểm nghiệm là một cách giải thích có phần tối nghĩa nhưng ít nhất đó cũng là một nỗ lực để cảnh báo. Ham phản ứng bằng cách lại đặt ra một câu hỏi mà bản thân nó đã được trả lời: “Không cháy, nghĩa là chưa bị hư hại thảm khốc và vùng hư hại do nhiệt được khu biệt có nghĩa là thay tấm lợp chăng?” McCormack nói: “Chúng tôi hoàn toàn không thấy có vấn đề về an toàn bay ở đây trong mọi thứ chúng tôi xem xét”. Ham trở lại với một câu hỏi khác mang hàm ý “Chẳng có gì bất ổn cả”: “Không phải là an toàn bay và không phải là vấn đề đối với phi vụ này, không gì chúng tôi có thể làm khác được, có thể là một sự thay đổi hoàn toàn chăng?” Sau cuộc trao đổi giữa Ham, McCormack và Calvin Schomburg, một trong số các thành viên của mỗi đội tham gia hội nghị từ xa nói rằng họ không thể nghe thấy những điều McCormack nói. Ham tóm tắt ngắn gọn: “Anh ta chỉ lặp lại với Calvin rằng anh ta không tin là không có cháy nên hoàn toàn không có vấn đề an toàn bay, mà đúng hơn là một sự thay đổi hoàn toàn, tương tự những gì mà chúng ta đã gặp trên các chuyến bay khác. Vậy đã tốt chưa? Thôi được, còn câu hỏi nào về vấn đề đó nữa không?” Thực tế là khi cuộc họp đó kết thúc, số phận của tàu Columbia vẫn bị bịt kín.

Điều nổi bật nhất về cuộc họp hôm 24 tháng Một là hoàn toàn không có sự thảo luận và các ý kiến thiểu số. Như CAIB đã nhận thấy khi McCormack tóm tắt những kết quả tìm được của Đội Đánh giá Mảnh vụn, ông không đưa vào phân tích hỗ trợ của họ cũng không có bất kỳ ý kiến thảo luận về việc liệu có sự bất đồng quan điểm trong đội về các kết luận hay không. Nổi bật hơn nữa, không một thành viên nào của Đội Quản lý Nhiệm vụ đặt ra câu hỏi. Không có thành viên nào thể hiện bất kỳ sự quan tâm tìm hiểu nào đối với nghiên cứu của Đội Đánh giá Mảnh vụn. Mọi người có thể nghĩ rằng khi McCormack đề cập đến những điều không rõ ràng trong phân tích thì người nào đó có thể yêu cầu ông ta giải trình và có lẽ thậm chí phải xác định số lượng những điều chưa rõ ràng đó. Nhưng đã không có ai yêu cầu. Một phần, điều đó có thể là do Ham rõ ràng đã quá nóng lòng muốn giải quyết vấn đề và quá tin rằng không có gì đáng phải bàn. Việc bà cố gắng nhanh chóng tổng kết các kết luận của McCormack – “Không có cháy, nghĩa là không có hư hại thảm khốc – đã thực sự khép lại buổi thảo luận. Và bất cứ ai đã từng tham gia cuộc họp kinh doanh đều biết rằng “Thôi được, còn câu hỏi nào về vấn đề đó nữa không?” thực ra có nghĩa là, “Không còn câu hỏi nào về vấn đề đó nữa; đúng không?”

Đội Quản lý Nhiệm vụ đã không đưa ra được quyết định đúng một phần là do có những vấn đề đặc thù đối với văn hóa NASA. Mặc dù chúng ta nghĩ NASA về cơ bản là một môi trường trọng dụng nhân tài, không thiên vị, nhưng thực chất nó theo hệ thống cấp bậc sâu sắc. Điều này có nghĩa là dù là các kỹ sư Đánh giá Mảnh vụn đã có những mối lo ngại thực sự từ đầu về sự tấn công của bọt, nhưng các mối quan tâm của họ – và đặc biệt, việc họ khăng khăng rằng họ cần các ảnh chụp cánh tàu Orbite trước khi có thể đưa ra bản phân tích thật cặn kẽ – chưa bao giờ được Đội Quản lý Nhiệm vụ lắng nghe một cách nghiêm túc. Đồng thời, Đội Quản lý đã vi phạm gần như mọi nguyên tắc để nhóm ra quyết định xác đáng. Trước hết, các thảo luận của đội đồng thời vừa gò khuôn lại vừa thiếu quy củ. Chúng gò khuôn vì phần lớn các thảo luận không chỉ về sự tấn công của mảnh vụn, mà về mọi thứ đều chốt lại ở việc Ham đặt câu hỏi và người khác trả lời. Nó lỏng lẻo vì không có nỗ lực yêu cầu các thành viên của đội khác nhận xét về những câu hỏi cụ thể. Điều này hầu như luôn là một sai lầm, vì như vậy, các quyết định được đưa ra dựa trên nguồn thông tin và phân tích rất hạn chế. Một trong những kết quả nhất quán từ nhiều thập kỷ nghiên cứu các nhóm nhỏ đó là các cuộc bàn cãi của nhóm sẽ thành công hơn nếu có chương trình nghị sự rõ ràng và nếu những người đứng đầu đóng vai trò chủ động trong việc bảo đảm để mọi người đều có cơ hội phát biểu.

Đội này còn bắt đầu từ kết luận của họ, như tôi đã đề cập. Do đó, mỗi một thông tin mới xuất hiện đều được diễn giải lại cho phù hợp với kết luận đó. Đây là một vấn đề thường xuyên xảy ra với các nhóm nhỏ vốn đã khó dung nạp với những thông tin mới. Ví dụ, nhà tâm lý xã hội học tên là Scott Stasser đã làm một thí nghiệm, trong đó nhóm 8 người được yêu cầu đánh giá phân loại thành tích của 32 sinh viên tâm lý học. Mỗi thành viên trong nhóm được cung cấp hai thông tin liên quan đến các sinh viên (chẳng hạn, cấp học và điểm thi của họ), trong khi hai thành viên trong nhóm được cung cấp thêm hai thông tin nữa (chẳng hạn, thành tích của họ trong lớp, v.v…) và một thành viên trong nhóm nhận được hai thông tin khác. Mặc dù cả nhóm nói chung đã có sáu thông tin hữu ích nhưng sự đánh giá phân loại của họ gần như hoàn toàn dựa vào hai thông tin mà tất cả họ cùng được chia sẻ. Thông tin mới bị coi nhẹ là không quan trọng hoặc không đáng tin cậy. Stasser còn cho thấy rằng trong những thảo luận diễn ra tự do, không theo cấu trúc nào, thông tin có xu hướng được nói đến nhiều nhất, thật nghịch lý, lại là thông tin mọi người đã biết. Kỳ lạ hơn, thông tin có thể được trình bày và được lắng nghe hầu như vẫn không tạo ra điều gì khác, vì nội dung của nó bị diễn giải sai. Những thông điệp mới thường bị biến đổi sao cho phù hợp với những thông điệp cũ, điều này đặc biệt nguy hiểm vì những thông điệp khác lạ thường bổ sung giá trị lớn nhất (Nếu mọi người chỉ nói những điều bạn mong đợi họ nói, thì họ khó có thể thay đổi suy nghĩ của bạn). Hoặc là họ phải thay đổi cho phù hợp với hình dung tình huống có từ trước.

Điều mà Đội Quản lý Nhiệm vụ thiếu nhất, tất nhiên, là tính đa dạng, tôi muốn nói không phải là tính đa dạng ở bình diện xã hội học mà là tính đa dạng về nhận thức. James Oberg, cựu nhân viên ở bộ phận Kiểm soát Nhiệm vụ (Mission Control) và nay là phóng viên thời sự của NBC, đã có ý kiến khác thường cho rằng những đội của NASA chịu trách nhiệm về các phi vụ của tàu Apollo thực ra đa dạng hơn Đội Quản lý nhiệm vụ. Điều này dường như khó tin, vì mọi kỹ sư ở Kiểm soát Nhiệm vụ vào cuối những năm 1960 đều cắt tóc húi cua và mặc áo sơ mi trắng ngắn tay như nhau. Nhưng như Oberg đã nêu, phần lớn những người đó đã làm việc bên ngoài NASA trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau trước khi vào cơ quan này. Các nhân viên của NASA ngày nay rất có thể đã vào thẳng cơ quan ngay từ khi tốt nghiệp ở trường, điều đó có nghĩa là họ càng khó có thể tồn tại những ý kiến bất đồng. Đây là điều quan trọng, vì trong các nhóm nhỏ, tính đa dạng của ý kiến là sự bảo đảm duy nhất tốt nhất để nhóm sẽ thực sự thu được những lợi ích từ cuộc thảo luận mặt-đối-mặt. Nhà khoa học chính trị Chandra Nemeth ở Berkeley đã chỉ rõ trong nhiều nghiên cứu về các hội đồng xét xử giả rằng sự hiện diện của quan điểm thiểu số, tự bản thân nó, đã làm cho các quyết định của nhóm có sắc thái hơn và tiến trình ra quyết định của nó chính xác hơn. Điều này đúng ngay cả khi quan điểm thiểu số hóa ra lại là một hình dung, một tính toán sai. Việc đương đầu với một quan điểm bất đồng đủ hợp lý để buộc đa số phải điều tra cặn kẽ các lập trường, quan điểm của chính họ một cách nghiêm túc hơn. Điều này không có nghĩa là hội đồng xét xử lý tưởng sẽ đi theo cốt truyện Mười hai con người giận dữ (Twelev Angry men), trong đó một thẩm phán giàu kinh nghiệm đứng ra thuyết phục 11 người. Những người sắp sửa thấy rõ là tất cả bọn họ đã phạm sai lầm. Nhưng nó không có nghĩa là dù chỉ có một ý kiến khác biệt cũng có thể làm cho nhóm thông minh hơn. Nếu như có một người phản đối quyết liệt và cứ theo đuổi ý kiến cho rằng sự tấn công của bọt có thể đã thực sự gây hư hại nghiêm trọng cho cánh thì người ta sẽ nghi ngờ, và kết luận của Đội có thể đã khác đi rất nhiều.

Thế nhưng, do không có người phản đối quyết liệt nên có thể các cuộc họp của nhóm thực sự đã khiến họ đánh giá về vấn đề có thể xảy ra kém hơn. Đó là do một hiện tượng gọi là sự phân cực quan điểm trong nhóm. Thông thường, khi chúng ta nghĩ đến cuộc bàn cãi, chúng ta hình dung và cho rằng càng nhiều người bàn về một vấn đề, càng ít có khả năng họ sẽ đi đến chấp nhận các lập trường quan điểm cực đoan. Nhưng bằng chứng từ các hội đồng xét xử và ba thập kỷ nghiên cứu thực nghiệm cho thấy nhiều khi sự bàn cãi thực ra đã làm điều ngược lại.

Sự phân cực quan điểm trong nhóm vẫn là một hiện tượng còn chưa được hiểu rõ, và rõ ràng có những trường hợp nó có rất ít hoặc không có tác dụng. Nhưng từ những năm 1960, các nhà xã hội học bắt đầu nhận thấy trong những hoàn cảnh nhất định, sự bàn cãi có xu hướng không dung hòa quan điểm của mọi người, mà làm cho nó cực đoan hơn. Những nghiên cứu đầu tiên đã tập trung vào thái độ của mọi người đối với sự mạo hiểm và cho thấy nếu một nhóm được hình thành gồm những người nói chung là không thích mạo hiểm thì việc thảo luận có thể làm cho nhóm thậm chí thận trọng hơn, trong khi các nhóm gồm những người chấp nhận mạo hiểm nhận thấy họ tán thành những quan điểm mạo hiểm hơn. Những nghiên cứu khác cho thấy người có cái nhìn bi quan về tương lai thậm chí trở nên bi quan hơn sau các cuộc bàn cãi. Tương tự, những hội đồng xét xử có khuynh hướng bênh vực cho các bị đơn nói chung lại càng muốn bênh vực nhiều hơn sau khi bàn cãi về trường hợp đó. Gần đây hơn, giáo sư luật Cass Sunstein của Trường Đại học Chicago đã đặc biệt chú ý đến sự phân cực, và trong cuốn Tại sao các xã hội cần sự bất đồng quan điểm (Why Societies Need Dissent) của mình, ông cho thấy cả hai điều, đó là hiện tượng này phổ biến hơn mức người ta từng nghĩ, và nó có thể gây ra những hậu quả rất lớn. Như một quy luật chung, các cuộc thảo luận có xu hướng đưa cả nhóm nói chung và các cá nhân trong nhóm tới những quan điểm cực đoan hơn so với những quan điểm họ đem vào thảo luận.

Tại sao xảy ra sự phân cực? Một lý do đó là vì con người cứ dựa vào “phép so sánh xã hội”. Điều này có ý nghĩa lớn hơn so với việc người ta thường so sánh mình với mọi người (mà tất nhiên, con người là như vậy). Nó có nghĩa là mọi người luôn so sánh mình với người khác với con mắt muốn duy trì vị trí tương ứng của họ trong nhóm. Nói cách khác, nếu bạn bắt đầu ở vị trí giữa nhóm và tin rằng nhóm di chuyển sang phải, có thể nói như vậy thì bạn cũng có xu hướng dịch vị trí của mình sang phải, như vậy so với mọi người bạn vẫn giữ nguyên vị trí. Tất nhiên, bằng cách di chuyển sang phải bạn cũng đang chuyển cả nhóm sang phải, khiến cho phép so sánh xã hội ở mức độ nào đó như một lời tiên đoán thành hiện thực theo ước nguyện. Những gì được coi là hiện thực cuối cùng sẽ trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhận thấy là sự phân cực không chỉ là kết quả của những người đang cố gắng hòa hợp với cả nhóm. Kỳ lạ thay, nó còn là kết quả của những người đang cố gắng hết sức để suy nghĩ xem đâu là câu trả lời đúng. Như chúng ta đã thấy trong phần thảo luận về bằng chứng xã hội – hãy nhớ lại việc người qua đường phải dừng lại để chăm chú nhìn lên bầu trời trống không – những người không chắc chắn lắm vào điều mình tin sẽ trông chờ sự giúp đỡ từ các thành viên khác trong nhóm. Tóm lại, đó là điểm cần thảo luận kỹ. Nhưng nếu đa số trong nhóm đã ủng hộ một lập trường quan điểm, thì hầu hết các lý lẽ đưa ra sẽ là để hỗ trợ cho quan điểm đó. Bởi vậy, những người còn chưa biết chắc chắn rất có khả năng sẽ bị dao động theo chiều hướng này, một phần đơn giản vì đó là những điều họ sẽ được nghe nhiều hơn. Tương tự, người có quan điểm cực đoan hơn thường dễ có khả năng đưa ra những lý lẽ hùng hồn, chặt chẽ hơn để bảo vệ cho các quan điểm của họ và cũng có khả năng bày tỏ những lý lẽ đó nhiều hơn.

Điều này có tính chất quan trọng vì tất cả các bằng chứng đều cho thấy thứ tự mọi người phát biểu có tác động lớn đến chiều hướng của buổi thảo luận. Những ý kiến sớm hơn có ảnh hưởng nhiều hơn và chúng có xu hướng tạo nên khung sườn chung cho buổi thảo luận. Và như trong thác thông tin, khi đã có sườn chung, thì người có ý kiến chống đối rất khó phá vỡ được nó. Điều này không thể có vấn đề gì nếu như những người phát biểu sớm nhất cũng có khả năng biết rõ nhất những cái họ đang bàn. Nhưng sự thật là không có gì bảo đảm người phát biểu hiểu biết nhất sẽ là người có ảnh hưởng lớn nhất, đặc biệt đối với những vấn đề không có lời giải đúng rõ ràng. Chẳng hạn, trong các hội đồng xét xử, có 2/3 số chủ tịch hội đồng những người dẫn dắt và thiết lập cơ cấu các buổi nghị án là nam giới, và trong các buổi nghị án nam phát biểu hùng hồn hơn rất nhiều so với nữ, dù chưa bao giờ thấy ai cho rằng nam giới là giới hiểu biết sâu sắc hơn đối với các vấn đề có tội hay vô tội ở nhóm có các thành viên biết rõ nhau, địa vị có khuynh hướng hình thành nên khuôn mẫu phát biểu, với những người có địa vị cao thường phát biểu mỗi lúc một nhiều hơn so với những người có địa vị thấp. Một lần nữa, điều này cũng không quan trọng gì nhiều nếu như uy quyền của người có địa vị cao hơn là do họ có kiến thức uyên bác hơn. Nhưng nhiều khi không phải vậy. Ngay cả khi người có địa vị cao hơn thực sự không biết họ đang bàn về cái gì, nhưng họ vẫn có thể nói nhiều hơn. Ví dụ, hàng loạt thí nghiệm với các phi công lái máy bay quân sự, những người được yêu cầu giải quyết một vấn đề logic, đều cho thấy rằng các phi công có nhiều khả năng phát biểu một cách thuyết phục để bảo vệ giải pháp của họ hơn so với các hoa tiêu, thậm chí cả khi phi công sai và hoa tiêu đúng. Hoa tiêu phải chiều theo phi công – dù là họ chưa từng gặp phi công trước đó – bởi vì họ cho rằng vị trí của phi công đã có nghĩa là phi công có khả năng đúng nhiều hơn.

Kiểu chiều theo này có ý nghĩa quan trọng vì trong nhóm nhỏ, các ý kiến thường không thành công nếu chỉ dựa vào cái lý xác đáng của chúng. Thậm chí là giá trị của ý kiến dường như đã rõ ràng, nhưng vẫn cần có nhân vật số một giúp cho ý kiến được cả nhóm chấp nhận. Lý do khác nữa để giải thích tại sao một quan điểm phổ biến thường hay trở nên phổ biến hơn trong quá trình bàn cãi đó là: quan điểm phổ biến sẽ có nhiều hơn những nhân vật số một tiềm năng đứng ra bảo vệ. Trong một thị trường hoặc thậm chí một nền dân chủ, những nhân vật số một ít quan trọng hơn nhiều vì có một số lượng lớn người ra quyết định tiềm năng như vậy. Nhưng trong nhóm nhỏ, có người ủng hộ mạnh mẽ cho ý tưởng mới là điều cần thiết, dù ý tưởng đó hay đến mức độ nào không quan trọng. Và khi người ủng hộ được lựa chọn, có thể nói như vậy, trên cơ sở địa vị hay tính nói nhiều, mà không phải là sự nhận thức sâu sắc hay cách nhìn sắc sảo, thì cơ hội để nhóm đưa ra được quyết định thông minh sẽ bị thu hẹp lại.

Tính nói nhiều có vẻ giống như sự dị thường đáng lo ngại, nhưng thực ra nó có tác động lớn đến các dạng quyết định mà nhóm nhỏ đạt tới. Nếu ở trong nhóm, bạn là người nói nhiều, mọi người thường hay ngẫm coi bạn là người có ảnh hưởng. Nhưng người nói nhiều không nhất thiết là người chiếm được nhiều thiện cảm của các thành viên khác trong nhóm, nhưng họ được mọi người lắng nghe. Và tính nói nhiều được nuôi dưỡng bằng chính nó. Các nghiên cứu về động lực nhóm hầu như lúc nào cũng cho thấy người nào càng nói nhiều, thì người đó càng được những người khác trong nhóm nói tới. Do vậy, những người là trung tâm của nhóm có xu hướng trở nên quan trọng hơn trong suốt quá trình thảo luận.

Điều này có vẻ tốt nếu như người ta chỉ phát biểu khi thông thạo về một vấn đề cụ thể. Và trong nhiều trường hợp, nếu ai đó đang nói nhiều thì đây là dấu hiệu tốt cho thấy họ đang có điều gì đó giá trị để bổ sung. Nhưng sự thực là không có sự tương quan rõ rệt giữa tính nói nhiều và sự thông thạo. Thực tế, như các nghiên cứu về phi công lái máy bay quân sự cho thấy, những người tưởng tượng mình là lãnh đạo sẽ hay đánh giá quá cao sự hiểu biết của bản thân, tỏ vẻ quả quyết và tinh thông một cách không chính đáng. Và như các nhà khoa học chính trị Brock Blomberg và Joseph Hamngton đề xuất, vì những người có quan điểm cực đoan thường hay cứng nhắc và tin chắc vào sự đúng đắn của mình hơn những người có quan điểm ôn hòa, nên cuộc thảo luận có xu hướng lôi kéo các nhóm ra xa điểm dung hòa. Tất nhiên, đôi khi chân lý lại nằm ở thái cực. Và nếu như người phát biểu trước tiên mà lại luôn là người có thông tin tốt nhất hoặc phân tích sâu sắc nhất, thì sự phân cực có lẽ không có vấn đề gì nhiều. Nhưng nó vẫn có.

Sự cám dỗ lúc đó rõ ràng là phải loại bỏ, hoặc ít nhất cũng giảm thiểu vai trò của nhóm nhỏ trong việc hình thành chính sách hay quyết định. Tốt hơn nên giao trách nhiệm cho một người – người đó ít nhất chúng ta biết rằng sẽ không trở nên cực đoan hơn trong các cách nhìn của mình – sau đó phó thác cho một nhóm gồm 10 hoặc 12 người, những người dường như có khả năng đưa ra các quyết định một cách mạo hiểm và đột ngột vào bất cứ thời điểm nào. Có thể là một sai lầm nếu cưỡng lại sự cám dỗ đó. Trước hết, các nhóm có thể không còn phân cực nữa, có thể nói như vậy. Trong một nghiên cứu nơi người ta chia thành nhiều nhóm 6 người, bảo đảm mỗi nhóm có hai nhóm nhỏ hơn, mỗi nhóm 3 người, ba người này lại có những quan điểm rất trái ngược, thì nghiên cứu đó cho thấy cuộc thảo luận đã đưa các nhóm từ nhiều thái cực đến gần nhau. Cũng nghiên cứu đó còn cho thấy khi các nhóm trở nên ít phân cực hơn, họ cũng trở nên chính xác hơn khi được kiểm nghiệm trên thực tế.

Quan trọng hơn, việc các nhóm không phân cực luôn có quyết định tốt hơn và đưa ra giải pháp tốt hơn so với đa số các thành viên trong nhóm và thật ngạc nhiên là cả nhóm thường làm tốt hơn thành viên giỏi nhất trong nhóm, cũng có bằng chứng chứng minh rõ ràng giống như bằng chứng chứng minh cho sự phân cực nhóm. Điều đáng ngạc nhiên là người ta có thể nghĩ rằng trong nhóm nhỏ, một hoặc hai người đang bối rối có thể làm cho quyết định của tập thể nhóm nghiêng sang hướng sai (Theo nghĩa đó, nhóm nhỏ không thể dựa vào những sai lầm đang phủ nhận chính họ.). Nhưng hiếm có bằng chứng cho thấy việc như thế xảy ra.

Một trong những nghiên cứu ấn tượng hơn về hiệu suất của nhóm nhỏ được thực hiện vào năm 2000 của các nhà kinh tế học ở Princeton là Alan Blinder và John Morgan. Blinder từng là Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang thời kỳ giữa những năm 1990, và kinh nghiệm đã khiến ông hết sức nghi ngờ việc ra quyết định của ủy ban (Những thay đổi về tỷ lệ lãi suất là do ủy ban Thị trường tự do liên bang của Cục Dự trữ Liên bang quy định, gồm 12 thành viên, trong đó 7 thành viên của Cục Dự trữ Liên bang và 5 chủ lịch ngân hàng khu vực của Cục Dự trữ Liên bang.). Bởi vậy, ông và Morgan đã thiết kế một nghiên cứu với mục đích tìm hiểu xem nhóm có thể đưa ra được những quyết định thông mình hay không và có khả năng nhanh chóng ra quyết định với tư cách là nhóm hay không. Vì một trong những điều cần tìm hiểu về các ủy ban là xem họ kém hiệu quả tới mức nào.

Nghiên cứu đó gồm hai thí nghiệm với ý định bắt chước sơ qua những thách thức mà Cục Dự Trữ Liên bang phải đối diện. Ở thí nghiệm thứ nhất, các sinh viên được phát những chiếc bình đựng cả hai số bi xanh và bi đỏ bằng nhau. Tiếp theo, họ bắt đầu lấy bi từ bình ra, biết rằng sau 10 lần lấy bi đầu tiên, tỷ lệ tương quan trong bình có thể thay đổi, do đó 70% số bi có thể là đỏ và 30% là xanh (hoặc ngược lại), mục đích để xem màu nào xuất hiện nhiều hơn. Để chú trọng đến việc nhanh chóng ra quyết định đúng, các sinh viên sẽ bị phạt nếu lấy bi sau khi đã có sự thay đổi. Đầu tiên các sinh viên tự chơi trò này, sau đó chơi với nhau theo tư cách nhóm có sự thảo luận tự do, tiếp theo lại chơi với tư cách là các cá nhân, và cuối cùng một lần nữa với tư cách nhóm (Như vậy là để kiểm soát hiệu quả của việc học hỏi.). Các quyết định của nhóm vừa nhanh hơn, vừa chính xác hơn (nhóm có chiều hướng đúng 89% số lần, so với 84% của các cá nhân) và thậm chí làm tốt hơn cả cá nhân giỏi nhất.

Thí nghiệm thứ hai đòi hỏi nhiều sinh viên hơn. Về cơ bản, họ được yêu cầu đóng vai các ông chủ ngân hàng trung ương và quy định mức lãi suất theo những biến động về lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp. Mục đích chính của thí nghiệm là để xem liệu họ có thể phát hiện thấy những biến động đó không khi nền kinh tế đã bắt đầu tăng trưởng chậm lại hoặc bắt đầu tăng tốc, và nếu họ có thể điều chỉnh tỷ lệ lãi suất theo đúng hướng để đối phó lại hay không. Một lần nữa, nhóm lại ra quyết định tốt hơn các cá nhân, số người điều chỉnh tỷ lệ lãi suất sai hướng nhiều hơn rất nhiều và họ đã thực hiện với sự sốt sắng như nhau. Điều đáng chú ý nhất là không có sự tương quan giữa hiệu suất của người thông minh nhất trong nhóm với hiệu suất của nhóm. Nói cách khác, các nhóm không chỉ dựa vào những cá nhân thực sự thông minh. Các nhóm thực ra còn thông minh hơn những người thông minh nhất trong nhóm.

Tất nhiên, căn cứ vào những gì chúng ta đã thấy, đây không phải là thông tin gây sốc. Nhưng có hai điều quan trọng đối với nghiên cứu của Blinder. Thứ nhất, các quyết định nhóm không phải vốn đã kém hiệu quả. Cuộc bàn cãi, khi được thực hiện tốt, thì rất có giá trị, nhưng sau một thời điểm nhất định những lợi ích bên lề của nó lại lớn hơn bởi các chi phí. Điểm thứ hai và là điểm quan trọng hơn, nó có vẻ rõ ràng, nhưng hóa ra không phải và không chỉ có thế, đó là chẳng ích gì khi biến các nhóm nhỏ thành một phần trong cơ cấu lãnh đạo nếu bạn không cho nhóm một phương pháp để tập hợp ý kiến các thành viên trong nhóm. Nói đơn giản hơn, mục đích của việc lôi kéo các nhóm nhỏ tham gia vào quá trình ra quyết định là nên để họ được quyết định. Chẳng hạn, một trong những phương diện gây nản lòng trong câu chuyện về con tàu Columbia là việc Đội Quản lý Nhiệm vụ đã không bao giờ lấy biểu quyết về bất kể việc gì. Các thành viên khác nhau trong đội có thể báo cáo về nhiều khía cạnh khác nhau của nhiệm vụ, nhưng họ chưa bao giờ được phép tập hợp các ý kiến của mình. Đây là một sai lầm và vẫn có thể là sai lầm nếu như tàu Columbia trở về an toàn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.