Ai làm được

Chương sáu



Trường Khanh đưa Bạch Tuyết xuống đò, thừa lúc vợ chồng quan Phủ ở trong mui, còn có một mình Băng Tâm đứng ngoài, anh ta mới lấy tay chỉ chỏ ra dấu.

Trạo phu[1] không hiểu hai người muốn tỏ ý gì nên dứng ngó trân trân.

Ðò đi rồi, Trường Khanh trở về tính đi tàu xuống Cà Mau, trước bảo hộ Bạch Tuyết, sau gần gũi Băng Tâm, nên thâu gom quần áo bỏ vào va-ly, biểu một tên gia đinh ở lại coi nhà, còn dắt một đứa theo đỡ tay chơn.

Anh ta chắc đò đi chậm, không thể tới trước mình được, nên thừa dịp ấy ghé Vĩnh Long thăm nhà và lấy bạc đem theo một ngàn nữa. Trường Khanh đi dọc đường suy nghĩ hoài không hiểu vì cớ nào Bạch Tuyết lại nói mẹ ghẻ rước về mà giết. Anh ta nhớ lại cách tháng trước, Băng Tâm có nói với mình Bạch Khiếu Nhàn là ông ngoại của Bạch Tuyết và biểu viết thơ hỏi thăm Chí Ðại, nên khi xuống Cà Mau, anh ta hỏi thăm nhà Khiếu Nhàn mà đến.

Chú Phú đang tưới kiểng, thấy Trường Khanh vào hỏi thăm Khiếu Nhàn thì nói ông đau nằm trong buồng hoài, không tiếp khách được. Trường Khanh biểu vào thưa rằng có mình tên là Trường Khanh ở Sài Gòn xuống và xin phép vô trong mà nói chuyện riêng với ông.

Khiếu Nhàn đau phong thấp nên nằm hoài, vừa nghe tên Trường Khanh thì ông chờn vờn ngồi dậy và hối chú Phú ra mời vào cho mau. Trường Khanh bước vào thi lễ, Khiếu Nhàn đáp lễ rồi mời ngồi, và nói rằng:

–          Tôi có bịnh ra ngoài tiếp khách không được, xin thầy miễn chấp.

Trường Khanh không trả lời câu ấy, kéo ghế lại ngồi khít bên đầu giường rồi hỏi rằng:

–          Thưa ông, con gái quan Phủ tên là Bạch Tuyết đó có phải là cháu ngoại ông hay không?

–          Phải, nó là cháu ngoại tôi. Thầy biết nó bây giờ ở đâu hay không? Sao hôm tháng trước tôi gởi thơ hỏi thăm mà thầy không trả lời giùm một chút vậy!

–          Thưa ông, tôi không trả lời cho ông, ấy là tại chỉ không muốn.

–          Té ra thầy biết nó hay sao?

–          Thưa biết, mấy tháng nay chỉ ở trên Sài Gòn thì phố tôi đâu mặt với phố chỉ.

–          Bây giờ nó còn ở đó hay không? Nó cậy thầy xuống thăm tôi phải hôn?

–          Thưa không, chỉ về gần tới Cà Mau nên tôi xuống trước mà cho ông hay.

–           Úy cha chả! Nếu được vậy thì tôi có phước biết chừng nào.

Khiếu Nhàn vừa nói vừa cười vừa khóc, bộ ông mừng rỡ không thể tả cho rõ được. Trường Khanh để cho ông than thở vui mừng đã rồi mới đem chuyện Bạch Tuyết nhớ chồng, thương ông, mà sanh bịnh, bà Phủ lên rước cô không chịu về, quan Phủ lên nữa, bắt đại cô đem xuống đò chở về Cà Mau, mà thuật lại cho ông nghe.

Khiếu Nhàn nghe rõ rồi, ông không khóc mà cũng không mừng nữa, cứ ngồi xuống chiếu, bộ ông lo lắng lắm.

Trường Khanh thấy vậy mới hỏi rằng:

–          Thưa ông, tôi không hiểu vì ý gì chị Bạch Tuyết không chịu theo cha mẹ về Cà Mau mà chỉ lại nói chỉ phải chết về tay mẹ ghẻ cũng như má chỉ hồi trước vậy? Chẳng giấu ông làm chi, tôi đây là anh em bạn của anh Chí Ðại. Từ ngày tôi biết chị Bạch Tuyết là vợ của anh Chí Ðại thì tôi theo bảo bọc chỉ luôn luôn. Vì tôi nghe chỉ nói mẹ ghẻ chỉ quyết rước chỉ về mà giết chỉ nên tôi tuốt xuống đây trước cho ông hay, sau lập thế cứu chỉ. Vậy xin ông tỏ hết việc nhà của ông cho tôi biết đặng tôi liệu cho.

Khiếu Nhàn nói rằng:

–          Cháu gái tôi nó sợ phải lắm, bởi vì bà Phủ giết người không gớm tay, chớ không phải tay tầm thường. Ðể tôi nói tắt cho thầy nghe: bà Phủ khi mới vô làm bé quan Phủ, bà thừa dịp con gái tôi đau, bà tráo thuốc độc cho con gái tôi uống mà chết đặng mà giựt chồng. Sau bà thấy tôi giàu lớn mà con cháu duy còn có một mình con Bạch Tuyết mà thôi. Bà biết gia tài tôi sau nầy sẽ về con Bạch Tuyết ăn, nên thừa lúc tôi đi khỏi, bà ép uổng quan Phủ gả nó cho cháu bà. Con Bạch Tuyết nó nhớ thù mẹ nó, nên nó không ưng. Quan Phủ đánh khảo, nó giận mới trốn mà đi theo Chí Ðại. Từ ấy đến nay bà ghét nó lắm, bà làm sao không biết mà quan Phủ cũng ghét nó nữa. Bà có thương yêu gì, nên nghe nó đau, lên rước đem về mà nuôi.

Ờ ờ, tôi biết rồi, chắc là chồng nó đi xa, tôi đau ốm không làm chi được, nên bà mới lập mưu giết luôn nó đặng ngày sau bà đoạt gia tài của tôi cho thằng con trai quan Phủ ăn. Con Bạch Tuyết không có con, hễ nó chết rồi thì ngày sau gia tài của tôi về quan Phủ ăn, chớ Chí Ðại giành sao được.

Trường Khanh nghe nói mồ hôi nhỏ giọt. Khiếu Nhàn thở ra mà nói thêm rằng:

–          Cha chả! Cháu tôi có bịnh nhiều mà đi dưới đò đây tôi sợ không xong.

Trường Khanh đáp rằng:

–          Xin ông đừng lo, ở dưới đò có cô Băng Tâm là chị em bạn thiết với chị Bạch Tuyết. Cô cũng tận tâm với chỉ như tôi vậy. Tuy vậy mà cũng phải tính phương nào hễ ghe về tới ông rước về bên nầy mà nuôi mới tiện.

            Khiếu Nhàn gật đầu, hứa để Bạch Tuyết về tới, ông sẽ qua Phủ rước đem về. Ông lại nói tiếp rằng:

–          Thầy có lòng thương, nên không nệ cực khổ, theo bảo hộ cháu tôi như vầy, thiệt tôi mang ơn thầy quá.

Ông bèn kêu gia đinh dọn cơm cho Trường Khanh ăn, rồi sửa soạn giường chiếu đặng cho Trường Khanh nghỉ. Trường Khanh ở tại nhà Khiếu Nhàn được bốn ngày, bữa nào cũng sai đứa ở theo mình đó đi chơi đặng rình coi hễ thấy ghe đò quan Phủ về thì chạy về cho mình hay.

Qua ngày thứ năm, nó về báo rằng, quan Phủ về tới lại có đủ hai cô nữa.

Trường Khanh mừng rỡ liền hỏi rằng:

–          Sao mầy biết rõ dữ vậy?

–          Hồi nãy tôi đi ngay qua Phủ, thấy có một chiếc đò lớn đậu dưới bến. tôi giả nhà quê thấy đò tốt xuống coi chơi, rồi tôi hỏi ghe đâu đóng kiểu lạ dữ vậy. Bạn đò cười tôi rồi nói ghe đó ở Sài Gòn đưa con quan Phủ về dưới nầy. Tôi hỏi sao không đi tàu cho mau lại đi đò. Chúng nó nói người ta bịnh nhiều đi tàu sao đặng. Tôi hỏi bịnh nhiều hay ít. Chúng nó nói hôm mới xuống đò tưởng là chết gấp không về tới Cà Mau, may nhờ có cô nhỏ đi theo cổ săn sóc và đêm nào cổ cũng nói xầm xì hoài, nên bịnh mới nhẹ lần, bữa nay gượng ngồi chút đỉnh được.

Trường Khanh nghe nói mừng rỡ, chạy riết vô buồng thuật lại cho Khiếu Nhàn nghe. Khiếu Nhàn đau phong thấp, nên hai chơn tê ngắt, đi không được.

Ăn cơm rồi ông mới biểu gia đinh lấy võng mà võng ông xuống ghe đặng ông qua Phủ xin rước Bạch Tuyết về nuôi. Quan phủ thấy Khiếu Nhàn qua thì chào hỏi và nói rằng ngài hay Bạch Tuyết đau nhiều, nên lật đật lên Sài Gòn rước về mới về tới.

Ngài nói như vậy song không cho Khiếu Nhàn thấy mặt cháu. Khiếu Nhàn hỏi thăm chứng bịnh và hỏi thăm chuyện đi dọc đường một hồi rồi xin rước Bạch Tuyết về nuôi.

Quan Phủ lặng thinh, không nhứt định.

Bà Phủ trong buồng bước ra nói rằng:

–          Bác già cả mà lại bịnh hoạn, nếu đem nó về thì càng rối thêm cho bác. Ðể nó ở bên nầy vợ chồng tôi nuôi lại không bằng bác hay sao?

            Khiếu Nhàn ròng ròng quyết một xin đem Bạch Tuyết về hoài. Ông nói thét bà Phủ giận nên đáp rằng:

–          Bác thương nó sao bác không đi kiếm nó đem về đi. Ai đi rước nó sẵn về đây cho bác hay sao, mà bây giờ bác giành nữa.

            Khiếu Nhàn nghe nói xẳng thì giận mà lại lo, nên ngồi ngó quan phủ trân trân, không nói chi được nữa. Quan Phủ ngó lơ, không rầy vợ, mà cũng không nói cho mát lòng cha vợ trước. Khiếu Nhàn liệu nói nữa cũng vô ích, mà nếu mắng lộn thì mắng không lại bà Phủ, nên hối gia đinh võng ông về.

Trường Khanh nghe Khiếu Nhàn về nói bà Phủ không cho rước mà cũng không cho thấy mặt Bạch Tuyết thì lo sợ, nên đi ra đi vô gãi đầu hoài. Khiếu Nhàn bị võng đi động nên hai chơn nhức lại. Trường Khanh hối gia đinh lấy dầu thoa cho ông một hồi bớt nhức, rồi anh ta nhắc ghế lại gần bên giường mà hỏi rằng:

–          Bây giờ ông tính phải làm thế nào mà đem chị Bạch Tuyết về bên nầy được?

–          Xin thầy làm ơn tính giùm, chớ tôi bại chơn bây giờ có đi đứng gì được mà sanh sự.

–          Thưa ông, tuy ở bên có cô Băng Tâm mặc dầu, song tôi nghe ông nói bà Phủ ác độc thì tôi lo quá. Thế nào cũng phải đem về bên nầy mới yên. Tôi có một kế, song xin ông cho phép tôi hỏi một đôi điều rồi tôi mới tính được.

–          Miễn là thầy cứu cháu tôi được thì thôi, thầy biểu thế nào tôi cũng chịu hết thảy. Thầy muốn hỏi điều chi?

–          Ông nói bà Phủ nhỏ hồi trước tráo thuốc mà giết bà Phủ lớn, vậy mà ông có đủ chứng cớ hay sao?

–          Sao lại không có. Thầy hỏi ông Sen thì rõ, đầu đuôi có ông hết thảy. Ông nói tôi mới biết rõ chuyện đó.

            Trường Khanh bước ra ngoài, kêu ông Sen vô, rồi biểu ông thuật rõ việc tráo thuốc lại cho anh ta nghe. Trường Khanh ngồi suy nghĩ một hồi rồi, mới nói rằng:

–          Có lẽ cứu được!

Khiếu Nhàn mừng rỡ liền hởi:

–          Làm sao?

–          Chớ chi trong nhà có người nào thuở nay hay qua lại nhà bà Phủ thì càng dễ hơn.

–          Có ông Sen đó, ông ở bên Phủ mười năm, ổng mới về bên nầy hơn một năm nay đó đa.

–          Ðược vậy thì tốt lắm. Tôi tính làm như vầy đây. Tôi sai ông Sen qua bên dinh giả bộ thăm Bạch Tuyết, hẹn hò Băng Tâm, ban đêm lúc trong nhà ngủ hết cô lén mở cửa đem chị Bạch Tuyết ra ngoài đặng phụ tôi rước tuốt về bên nầy. Như sáng ngày quan Phủ có hay chạy qua mà đòi thì ông cự hẳn đừng có trả, không lẽ quan Phủ dám bắt ông mà sợ. Nói cùng là nghe, ví như bà Phù có xúi quan Phủ lên Toà mà kiện đi nữa, thì tôi ở nhà gìn giữ, còn ông với ông Sen đi đối nại, luôn dịp ông cáo bà Phủ về sự tráo thuốc mà giết bà lớn nữa, và xin quan Biện Lý đòi chứng tra hỏi cho minh bạch. Vợ chồng quan Phủ mắc lo việc đó, tự nhiên hết đòi bắt chị Bạch Tuyết nữa.

–          Thầy tính hay lắm! Tôi tu nhơn tích đức, không muốn sanh sự. Mà nếu họ muốn làm dữ thì tôi chống cự chớ sợ gì.

Ông Sen nói rằng:

–          Ðược để tối nay tôi qua dinh lén cho cô Băng Tâm hay, rồi biểu cô liệu coi bữa nào là được thì khắc kỳ[2] đặng tôi qua phụ với cô.

Trời vừa chạng vạng tối thì ông Sen lò mò qua dinh. Bà Phủ ngó thấy ông thì hỏi ông đi đâu. Ông nói nghe Bạch Tuyết mới về nhà trong mình có bịnh nên ông qua thăm. Bà Phủ hứ một cái rồi nói rằng:

–          Nó đau để cho nó nghỉ, đừng có vô buồng nói lộn xộn nó mệt.

Ông Sen đứng ngoài dòm vô cửa buồng, thấy dạng Băng Tâm đi qua đi lại, mà mắc bà Phủ ngồi tại bộ ván dựa cửa buồng, và bà ngó ông chằng chằng, nên ông không nói mà cũng không ra dấu được. Ông đứng xớ rớ trót một giờ. Lính sửa soạn đóng cửa, ông phải ra về.

Trường Khanh với Khiếu Nhàn tuy chưa thi kế được, song không thối chí, biểu ông Sen đi ngủ tồi tối mai sẽ qua bên dinh nữa.

Bà Phủ thật là tay độc ác. Bà đem được Bạch Tuyết xuống đò thì trong túi bà có sẵn thuốc độc rồi, nhưng vì bị Băng Tâm giữ gìn thuốc men, cơm nước cho Bạch Tuyết hoài, nên bà không ra tay được. Bà sanh lòng oán giận Băng Tâm, nên lúc ở dưới đò thì bà tính về Cà Mau bà sẽ lập thế giết Băng Tâm chết trước rồi bà làm tới Bạch Tuyết mới nhẹm.

Ðò vừa về tới nhà thì bà cho người dọ tin Khiếu Nhàn, họ nói Khiếu Nhàn còn đau chơn đi đây không được mà trong nhà lại có một thầy lạ mặt. Bà hỏi tướng mạo thì biết là Trường Khanh, nên trong lòng không vui. Bà nhớ lại lúc ở trên nhà Bạch Tuyết, bà thấy Trường Khanh với Băng Tâm tình ý khác thường; nay bà đem Bạch Tuyết về Cà Mau mà Trường Khanh đi theo chắc là anh ta vì Băng Tâm mà đi chớ anh ta kêu Bạch Tuyết bằng chị không lẽ anh ta có tư tình với Bạch Tuyết. Bà Phủ nhớ tới việc đó thì trong lòng bà sanh lo, bởi vì bà coi bộ tướng Trường Khanh hẳn hòi, nếu anh ta ở đây mà bà động tới Băng Tâm hoặc Bạch Tuyết thì chắc anh ta sanh việc khó. Bởi bà lo lắng, không biết liệu thế nào cho kế thành mà khỏi sanh chuyện, nên ông Sen qua bà quạu quọ không cho vô thăm Bạch Tuyết.

Chừng ông Sen về rồi, bà nghi Trường Khanh sai qua nói chuyện chi đây, bởi vậy bà tiếc không cho ông Sen vô buồng đặng bà rình nghe coi nói chuyện gì, rồi bà sẽ lập kế mà hại Trường Khanh trước.

Chiều bữa sau, ông Sen lơn tơn qua dinh quan Phủ, bà Phủ hỏi ông đi đâu, thì ông nói ông Khiếu Nhàn sai ông qua thăm Bạch Tuyết xem bịnh nhẹ hay chưa. Bà Phủ không gắt gao trơn trớt như bữa trước nữa, bà cười và nói rằng:

–          Bữa nay nó đã khá nhiều. Ông về thưa lại với bác rằng hồi chiều nó rán ăn được nửa chén cơm. Nó nằm chơi trong buồng, ông vô thăm nó một chút.

            Bà nói dứt lời liền đứng dậy đi ra nhà sau. Ông Sen nghe bà biểu đi vô buồng thì mừng quá nên xâm xâm đi riết vô. Bà Phủ giả bộ đi ra sau nhà, mà chừng đi ngang qua cái buồng trống, khít bên cái buồng của Bạch Tuyết thì bà bước vô đó rồi kê mặt dựa kẹt vách ván mà dòm. Bà thấy ông Sen đứng nói chuyện xầm xì với Băng Tâm, hai người nói nhỏ quá bà nghe không rõ, duy thấy Băng Tâm gặc đầu lia lịa và nghe nói rằng: ‘Tối nay hai giờ“. Bà lại thấy ông Sen bước ra ngoài rồi Băng Tâm ngồi trên giường ôm lỗ tai Bạch Tuyết mà hỏi nhỏ một hồi, bà biết Băng Tâm hẹn hò việc chi đây nên bà gật đầu cười thầm rồi trở ra cửa buồng mà đi xuống nhà sau.

            Ông Sen về thuật lại cho Trường Khanh và Khiếu Nhàn hay rằng, ông đã giáp mặt hai cô nói chuyện thong thả và Băng Tâm hẹn hai giờ khuya đêm ấy cô sẽ lén mở cửa đem Bạch Tuyết ra ngoài, mà cô căn dặn phải có ai núp ngoài vườn đặng tiếp với cô đắt Bạch Tuyết về bên nầy chớ cô không thuộc đường sá. Trường Khanh gật đầu đáp rằng: „Tối nay tôi đi với ông“

Ðồng hồ gõ một giờ, Trường Khanh mặc quần lãnh đen, áo bành tô nỉ đen, mang giày tây đen, đội kết cũng đen, đi theo ông Sen qua dinh quan Phủ.

Ðêm ấy nhằm đêm mùng bảy, trăng đã lặn mất hồi đầu canh hai rồi, nên trời tối đen như mực. Qua đến cầu mát quan Phủ, ông Sen nói chó trong nhà quen với ông nên không sủa, vậy ông khuyên Trường Khanh tạm ngồi đó, còn ông lén bước nhẹ nhẹ vô cửa dòm coi trong nhà động tịnh lẽ nào. Ông nghe im lìm, lại thấy trong buồng Bạch Tuyết còn đèn chong leo lét.

Cách một hồi lâu, ông mới thấy dạng Băng Tâm đi qua đi lại, ông lật đật trở ra cầu mát nói cho Trường Khanh nghe, rồi hai ngưòi dắt nhau lén đi vô núp dựa bên mấy chậu kiểng để trước cửa. Trường Khanh núp giây lâu, không nghe chi hết, mới đứng dậy ngóng cổ dòm vô nhà, thì thấy Băng Tâm đứng trước cửa buồng ngó giáo giác bốn phía, rồi lần bước lại cửa mạch. Anh ta chắc Băng Tâm sẽ mở cửa đó mà ra, nên ở ngoài cũng lần bước đi lại phía đó.

Trường Khanh, ông Sen đứng ngoài im lìm mà chờ, Băng Tâm mở cửa nhẹ nhẹ bước ra, ngó thấy Trường Khanh thì mừng, nên đưa tay ra dấu biểu ở tại đó mà chờ. Cô quày quã trở vô, tính dắt Bạch Tuyết đem ra, nào dè cô vừa mới xây mình vô chưa khỏi cửa bỗng nghe tiếng la bài hải:

–          Ăn trộm mở cửa đó, bắt nó! Bắt nó!

Băng Tâm giựt mình, không biết ăn trộm ở đâu, muốn chạy riết vô buồng, mà chơn rung lập cập, chạy không dược. Cô tưởng ăn trộm mở cửa sau, bà Phủ hay nên bà la, chừng cô thấy một gói đồ rớt bên chơn cô, rồi bốn năm chú lính vây cô biểu cô đưa tay đặng họ còng, chừng ấy cô mới hay cô bày kế mà mắc kế, nên cô thất kinh, đứng trân trân, không nói được tiếng chi hết.

Trường Khanh ở ngoài nghe hô ăn trộm, thì biết mưu đã lậu rồi, nên dắt ông Sen ra cầu mát mà ẩn mặt. Anh ta chạy được một khúc, nghe tiếng bà Phủ biểu „còng con nhỏ đó lại“ biết Băng Tâm đã bị hại nên không nỡ đi luôn, mới trở lại quyết vô bào chữa cho Băng Tâm. Ông Sen sợ Trường Khanh liên lụy nên chạy theo níu kéo lại.

Trường Khanh nghe tiếng Băng Tâm khóc trong lòng đau đớn như dao cắt, nên xô ông Sen rồi xốc xốc đi vô nhà, ngó thấy Băng Tâm hai tay bị còng hết thì giận quá, nên một tay thì nắm cái còng, còn một tay chỉ mấy chú lính mà nói rằng:

–          Việc đâu còn có đó, bây không đặng phép làm ngang, phải mở còng ra cho mau.

Bà Phủ nghe Trường Khanh nói lớn tiếng, bà nổi giận, nên xốc lại chỉ Trường Khanh mà nói rằng:

–          À sắp mày dùng nội công ngoại kích đây mà! Thầy đứng ngoài rình, còn con nọ mở cửa đưa đồ ra chớ gì! Cai Quới, mầy còng luôn thằng nầy nữa cho tao.

Trường Khanh trợn mắt đáp rằng:

–          Bà đừng vu oan cho người ta, tôi ăn trộm của bà vật gì? Bà muốn làm dữ thì để tôi tới Tòa rồi bà sẽ biết tôi là người gì.

Cai Quới với mấy tên lính đứng dụ dự không biết phải còng luôn Trường Khanh hay không. Bà Phủ nghe Trường Khanh hăm he thì giận quá, nên giậm chơn nạt lớn rằng:

–          Cai Quới, tao biểu mày bắt nó, sao mầy không chịu vưng lời tao? Tao sẽ lột lon mầy cho mầy coi!

Bốn tên lính thấy chú Cai bị quở, nên xúm lại bắt Trường Khanh mà còng. Trường Khanh có một mình vùng vẫy hết sức mà cự không lại, túng thế phải chịu thua, để cho chúng còng, song trợn mắt ngó bà Phủ lườm lườm.

Lúc đương lộn xộn ấy, quan Phủ ngồi tại bộ ghế giữa mà hút thuốc, không nói chi hết, còn Bạch Tuyết nằm trong buồng kêu trời mà khóc. Ông Sen thấy việc chẳng lành thì lật đật chạy vô cho Khiếu Nhàn hay.

Bà Phủ thấy lính còng Trường Khanh được rồi, mới day lại nói quan Phủ rằng:

–          Ông làm phước bẩm đặng giải hai đứa ăn trộm nầy lên Tòa liền bây giờ cho tôi. Tang cớ đủ hết đây, chúng nó không nói gì nữa được.

Quan Phủ biểu lấy gói đồ mở ra coi thì thấy có một cái áo xuyến đen, hai cái quần lãnh với một chiếc neo. Quan Phủ dạy dắt hết gian nhơn đem giam dưới trại rồi lấy bút mực ra làm phúc bẩm. Bà Phủ lại nói:

–          Ông cũng làm thêm một tờ phúc cho quan Chánh Bố xin lột lon cai Quới cho tôi. Lính tráng mà nó nghịch mạng quá như vậy không để làm gì. Quan Phủ ừ, rồi ngồi viết. Chừng quan Phủ viết xong rồi, bà biểu đọc lại cho bà nghe. Bà chê ông nói yếu ớt, nên sửa lại hai ba chỗ.

Khiếu Nhàn nghe ông Sen về nói Trường Khanh với Băng Tâm bị nhà bà Phủ phao là ăn trộm nên bắt còng hết hai người, thì ông thất kinh, ngồi than trời trách đất một hồi rồi tính sáng ngày biểu gia đinh võng ông qua Phủ đặng ông kêu nài cho hai trẻ. Chẳng dè sáng bữa sau, lúc mặt trời mới mọc, ông Sen đi thám dọ về bảo rằng quan Phủ đã sai lính giải Trường Khanh với Băng Tâm lên Tòa hồi khuya rồi. Khiếu Nhàn đổ mồ hôi, tay chơn run lập cập nằm ngửa trên giường mà khóc.

Bà Phủ làm cho Băng Tâm đi khỏi nhà rồi thì trong lòng bà thơ thới bởi vậy bà ra vô an ủi săn sóc Bạch Tuyết luôn luôn.

Chiều bữa sau quan Phủ đi vô kinh Bạch Ngưu đặng phân ranh đất của dân xin khẩn. Bà Phủ ở nhà, lúc mặt trời chen lặn bà vô buồng mở tủ lấy một thang thuốc rồi xuống bếp nhúm lửa mà sắc. Chừng thuốc tới rồi bà cho tôi tớ lính tráng qua chợ chơi hết; bà bưng chén thuốc đem vô buồng, kêu Bạch Tuyết thức dậy mà nói rằng:

–          Bầy trẻ nó sắc thuốc rồi đây con, rán ngồi dậy mà uống. Phải uống riết cho mau mạnh, kẻo dì lo quá.

Bạch Tuyết nghi thuốc ấy chẳng hiền, nên không chịu uống, song sợ mích lòng mẹ ghẻ, nên phải nói dối rằng:

–          Hổm rày uống thuốc bắc hoài, đắng miệng quá. Thôi, để nghỉ một bữa. Bà Phủ đáp rằng:

–          Phải uống luôn cho mau mạnh, chớ nghỉ sao đặng. Thuốc sắc lỡ rồi, con không chịu uống bây giờ phải đổ hay sao?

Bà Phủ năn nỉ không được thì giận, nên hăm he. Chừng bà thấy Bạch Tuyết quyết không chịu uống, bà không thèm nói nữa, bỏ đi đóng cửa buồng cho chặt, rồi leo lên giường, tay thì đè Bạch Tuyết, còn tay thì bưng chén thuốc đổ vô họng. Bạch Tuyết đau lâu tay chơn yếu nhớt, vùng không lại sức bà Phủ, nên nằm mà la, song cắn răng mím miệng hoài, bà Phủ đổ thuốc không được. Bà Phủ tay mắc đè còn tay bưng thuốc, không thể vạch miệng được, lây quây một hồi bà mệt nên bà tính bóp họng Bạch Tuyết đặng có hả miệng cho bà đổ thuốc.

Bà vừa mới chận cổ Bạch Tuyết, bỗng nghe động cửa buồng một cái rầm, cánh cửa tróc ngã ngang, rồi thấy có hai người xông vô, một trai là Phan Chí Ðại với một ông già là ông Sen. Bà Phủ kinh hãi nên ngồi sửng sốt trên mình Bạch Tuyết, tay hãy còn bưng chén thuốc.

Còn Bạch Tuyết thấy chồng với ông Sen thì chờn vờn muốn ngồi dậy, mà bị bà Phủ đè nên gượng dậy không nổi. Chí Ðại chạy lại, tay giựt chén thuốc đưa cho ông Sen cầm, còn tay thì kéo bà Phủ xuống. Bà Phủ riu ríu xuống, cặp mắt chớp lạch, mặt mày tái xanh, coi bộ sợ sệt lắm.

Chí Ðại ôm vợ đỡ ngồi dậy, Bạch Tuyết choàng tay ôm cổ chồng và khóc và nói rằng:

–          Nếu trễ một chút nữa thì chắc vợ chồng hết thấy mặt nhau.

Chí Ðại nói rằng:

–          Lỗi nầy tại qua. Mà qua đã về rồi, thôi em đừng sợ chi hết.

Chí Ðại day qua thấy bà Phủ còn ngó trân trân thì nói rằng:

–          Hồi trước bà giết bà già tôi rồi mà bà chưa vừa lòng, nay bà còn muốn giết luôn vợ tôi nữa? Việc dữ tại bà gây trước, vậy bà đừng trách. Bà độc ác quá, tôi phải trừ bà mới xong.

Anh ta kêu ông Sen mà nói rằng:

–          Ông bưng chén thuốc cho kỹ, coi chừng đừng cho đổ, bởi vì chén thuốc đó có ích lắm. Bà Phủ nghe nói thất kinh, chờn vờn xốc lại, muốn giựt chén thuốc may nhờ Chí Ðại ngó thấy, đưa tay mà cản bà té dựa vào cái tủ, ông Sen mới bưng chén thuốc bước ra ngoài được.

Chí Ðại thò tay ẵm vợ đem ra ngoài rồi biểu ông Sen về; ông Sen bưng chén thuốc đi trước Chí Ðại ôm Bạch Tuyết theo sau. Bà Phủ muốn la làng, nhưng không hiểu tại bà nghĩ chén thuốc quan hệ hay tại bà sợ Chí Ðại làm dữ, mà bà không dám la, đứng tại cửa ngó theo, mặt mày xanh dờn, mồ hôi xối xả.

Tôi tớ đi chợ về thấy bà Phủ áo quần bàu nhàu, tóc tai xụ xợp, cửa buồng ngã nghiêng, không hiểu có chuyện chi, nên lật đật hỏi thăm.

 Bà Phủ nói rằng: “Chí Ðại làm ngang qua bắt Bạch Tuyết, bà cản không nổi, nên nó phá nhà, phá cửa, rồi bồng vợ đi mất”. Bà nói như vậy rồi nằm gác tay qua trán mà suy nghĩ. Bà đã đáng tội rồi mà chưa biết ăn năn.

 Chiều bữa sau, quan Phủ về, bà còn kiếm chuyện nói dối rằng Chí Ðại qua phá nhà và đánh bà mà bắt vợ, rồi bà xúi quan Phủ nhứt diện qua bắt Bạch Tuyết lại, nhứt diện lên Tòa kiện Chí Ðại về tội đánh bà. May cho quan Phủ lần nầy ngài không dám nghe lời vợ nữa, ngài nói rằng tuy Bạch Tuyết theo không Chí Ðại, song Khiếu Nhàn có làm hôn thú cho vợ chồng nó rồi, nên bây giờ vợ nó thì nó bắt, mình không phép ngăn cản. Bà Phủ giận quan Phủ không nghe lời, nên nằm dàu dàu không thèm nói chuyện Bạch Tuyết nữa.

Chí Ðại đi hơn một năm, đi tuy không hẹn, song về kịp kỳ quá!

Tàu vừa tới bến, thì tuốt lên nhà Khiếu Nhàn, thấy ông ngoại vợ đang ngồi than khóc, hỏi sơ chuyện nhà thì thất kinh, nên lật đật biểu ông Sen đi theo, tính qua dinh quan Phủ rước vợ đem về…

 Bước vô dinh không thấy lính tráng, bạn bè chi hết, lại thấy cửa buồng của Bạch Tuyết đóng kín mít, trong lòng phát nghi. Hai người kề tai vào cửa thì nghe tiếng la nho nhỏ, và có tiếng vùng vẩy è è.

Chí Ðại nóng nảy kề vai phá cửa mà vô, mới gặp cuộc hung ác của bà Phủ đó. Chí Ðại đem Bạch Tuyết về tới nhà thuật sơ mọi việc lại cho Khiếu Nhàn nghe, thì ông mừng quá mà chảy nước mắt.

Ông Sen bưng chén thuốc đem cất trong tủ, rồi đi giăng mùng. Quét giường, dọn chỗ cho Bạch Tuyết nằm, còn Chí Ðại thì trở xuống tàu kêu ông thầy thuốc Quảng Ðông lên coi mạch hốt thuốc cho Bạch Tuyết uống.

Bạch Tuyết nhờ thuốc thang hay, mà cũng nhờ mừng chồng về, nên khuya lại trong mình nhẹ nhàng khỏe khoắn lắm. Cô ngồi dậy to nhỏ thuật hết lại việc nhà cho chồng nghe. Chí Ðại hay vợ vì mình mà phải dày bừa gió bụi thì kính trọng vô cùng.

Anh ta nghe chuyện Băng Tâm với Trường Khanh thì chưng hửng, rồi chừng tới lúc bà Phủ vu oan đặng làm hại hai người ấy trước rồi vợ mình sau, thì anh ta giận quá, liền đi lấy ve đổ thuốc của ông Sen bưng đem về đó rồi nhét nút chặt mà cất.

 Sáng bữa sau, Chí Ðại bắt một con chó đổ thử một chút thuốc ấy vô họng, thì con chó đi gật gù, gật gưỡng chừng một giờ đồng hồ rồi té xỉu nằm chết.

Chí Ðại thất kinh, mà Bạch Tuyết với Khiếu Nhàn thấy vậy cũng giùn mình. Chí Ðại biểu thầy thuốc Quảng Ðông xem mạch Bạch Tuyết lại thì thầy thuốc nói bịnh mười phần giảm được năm rồi, không còn lo chi nữa. Thầy coi mạch luôn cho ông Khiếu Nhàn thì cũng nói bịnh ông có thể cho thuốc chừng một tháng ông đi được.

 Chí Ðại mừng rỡ vô cùng. Bạch Tuyết với Khiếu Nhàn khuyên Chí Ðại hãy lên Tòa minh oan giùm cho Trường Khanh với Băng Tâm. Chí Ðại gầt đầu, rồi xuống tiệm Lâm Liễn Thành biểu chủ tiệm đưa cho mượn một ngàn đồng bạc, đặng lo tính việc nhà, rồi ít bữa sẽ tính sổ. Chí Ðại bỏ bạc vào túi, trở về nhà căn dặn gia đinh phải giữ gìn cẩn thận rồi vào trong từ giã Bạch Tuyết với Khiếu Nhàn mà đi Bạc Liêu, quyết báo oán cho vợ nên có đem ve thuốc theo nữa.

Chí Ðại lên tới Bạc Liêu thì thẳng vô Tòa, đọc hết các việc gian của bà Phủ Cà Mau cho quan Biện Lý nghe, nào là tráo thuốc giết bà Phủ lớn mà giựt chồng, nào là ép gả con ghẻ cho cháu mà đoạt của, nào giả thương yêu rước con ghẻ về mà làm hại, nào là vu oan cho Trường Khanh với Băng Tâm đặng rảnh tay, nào là đè con ghẻ đổ thuốc độc cho chết đi đặng có đoạt hết gia tài của Khiếu Nhàn.

Chí Ðại nói đủ đầu đuôi rồi đưa ve thuốc cho quan Biện Lý xem rồi van xin thả Trường Khanh với Băng Tâm là người ngay, còn xin bắt tội bà Phủ là người đã giết chết bà Phủ lớn, mà lại còn toan giết luôn Bạch Tuyết nữa.

Quan Biện Lý chăm chú nghe kỹ lắm, ngài cầm ve thuốc xốc lên xốc xuống mà coi rồi nói rằng:

–          Vụ Trường Khanh với Băng Tâm bị cáo về tội ăn trộm thì tôi đánh dây thép qua Vĩnh Long hỏi thăm tánh hạnh đã biết rõ là người tử tế bị cáo gian, nên tôi đã thả hồi sớm mai nầy rồi. Còn vụ bà Phủ Nguyễn Thị Phường là vợ ông Phủ Lê Xuân Thới, thì thầy phải làm một lá đơn kể cho đủ mọi việc thầy vừa nói với tôi đó, rồi tôi sẽ xét ngay gian cho. Ve thuốc thầy để đây đặng tôi gởi cho lương y thí nghiệm. Thầy đi làm đơn đi; như chiều nay vô không kịp thì sáng mai vô hầu cũng được.

Chí Ðại nghe dạy như vậy liền xá quan Biện Lý mà ra, tính đi mướn Trạng Sư làm đơn kiện mới mạnh. Anh ta vừa tới nhà Trạng Sư, thấy Trường Khanh đương đứng trước cửa nhà mà nói chuyện với một cô nhỏ, nghĩ chắc cô ấy là Băng Tâm, nên mừng rỡ đi riết lại. Trường Khanh thấy Chí Ðại thì chưng hửng, vụt hỏi rằng:

–          Anh Chí Ðại đó phải hôn?

–          Phải.

–          Anh về bao giờ? Anh có ghé Cà Mau hay không?

–          Tôi ở Cà Mau lên đây.

Băng Tâm thuở nay chưa biết mặt Chí Ðại, song nghe người ấy là chồng Bạch Tuyết thì kính mến tự nhiên, bởi vậy vừa nghe Trường Khanh kêu tên, thì cô đã mừng rồi mà chừng nghe Chí Ðại ở Cà Mau lên, thì cô không ái ngại chi hết, vụt hỏi rằng:

–          Anh có gặp mặt chị Bạch Tuyết hay chưa? Anh lên đây chi vậy? Bà Phủ có hại chỉ hay không?

Chí Ðại cúi đầu chào Băng Tâm, miệng chúm chím cười mà nói rằng:

–          Anh đã gặp vợ anh rồi, mà cũng đã rước đem về bên nhà rồi nữa, hai em chớ lo. Anh nghe vợ anh thuật chuyện hai em hết lòng bảo hộ vợ anh đến nỗi phải mang họa, thì anh cám nghĩa hết sức, chẳng biết lấy chi mà tạ ơn hai em cho vừa.

Trường Khanh nói bứt ngang[3] rằng:

–          Chuyện đó hơi nào anh nói thất công. Bây giờ anh đi đâu đây? Sao không ở nhà với chị?

Chí Ðại đáp rằng:

–          Anh lên đây là quyết minh oan cho hai em, và luôn dịp anh kiện bà Phủ đặng báo thù cho vợ anh nữa. Anh đã vô Tòa thưa với quan Biện Lý rồi. Quan Biện Lý nói ngài biết hai em bị cáo gian, nên thả hai em rồi. Còn vụ bà Phủ thì ngài dạy anh phải làm đơn, nên anh lại đây mướn Trạng Sư làm cho hẳn hoi, bởi vì bà Phủ dữ quá anh về anh gặp bà đang đổ thuốc độc cho vợ anh, may anh phá cửa vô cứu kịp, chớ không vợ anh chết rồi. Anh lấy được thuốc độc mới nạp cho Tòa hồi nãy.

Trường Khanh với Băng Tâm nghe nói chắc lưỡi lắc đầu. Trường Khanh lại nói rằng:

–          Tòa mới thả hai em hồi sớm mai. Hai em lại đây cũng tính mướn Trạng Sư kiện bà Phủ đặng đem chị về bên ông mà nuôi, và luôn dịp kiện thể diện hai em nữa. May anh đã về rồi, vậy anh liệu coi phải làm thế nào?

Chí Ðại nói:

–          Hai em đừng lo, chuyến nầy anh quyết ra tay trừ bà Phủ đặng khỏi hậu họa. Vậy hai em theo anh vô Trạng Sư đặng anh cậy ổng làn đơn.

            Ba người đắt nhau vô phòng Trạng Sư, Chí Ðại đọc hết đầu đuôi chuyện bà Phủ tráo thuốc mà giết mẹ vợ và chỉ chứng là ông Sen, thầy thuốc Ðài với tên Vân, ở Cái Tàu. Anh ta cũng thuật luôn chuyện bà Phủ cáo gian Trường Khanh với Băng Tâm rồi cậy Trạng Sư làm đơn. Trạng Sư biên hết lời của Chí Ðại nói, rồi đòi ăn nội vụ sáu trăm đồng bạc. Chí Ðại chịu.

Sáng bữa sau Băng Tâm đi chợ mua đồ, còn Trường Khanh với Chí Ðại lên đọc đơn lại và ký tên, rồi chồng bạc cho Trạng Sư. Trạng Sư khuyên hai người về, để mặc ông hầu nài, chừng nào xử sẽ có trát đòi.

Chí Ðại, Trường Khanh với Băng Tâm ngồi ghe trở về Cà Mau. Bạch Tuyết uống thuốc của ông thầy Quảng Ðông mấy bữa trong mình khá nhiều, ăn ngủ được, nên đã đi ra đi vô chút đỉnh. Cô thấy chồng về mà lại có Băng Tâm với Trường Khanh thì cô mừng nên hỏi thăm không dứt. Khiếu Nhàn cũng mừng, nên biểu ông Sen vịn cho ông rán đi ra ngoài mà nói chuyện. Trường Khanh thuật chuyện Tòa thả mình với Băng Tâm rồi thì Chí Ðại tiếp mà thuật chuyện mình đã mướn Trạng Sư làm đơn cáo bà Phủ.

Bạch Tuyết vui lắm, nói chuyện không ngớt, nhứt là theo hỏi Chí Ðại với Trường Khanh coi chắc Tòa bỏ tù bà Phủ hay không. Khiếu Nhàn ngồi lặng thinh ngó Bạch Tuyết một hồi rồi nói rằng:

–          Ở đời mình chẳng nên gieo thù kết oán làm chi, miễn mình khỏi bị hại thì thôi, ai quấy để cho ông Trời hại họ. Bây giờ cháu bỏ tù bà Phủ, rồi mẹ cháu sống được hay không, mà cháu làm nhơ danh cha cháu.

Bốn người nhỏ nghe nói tới câu chót thì giựt mình, nên ngồi nhìn nhau không biết tiếng chi mà trả lời.

Cách ít ngày nghe nói có trát đòi quan Phủ và bà Phủ đi hầu, mà chừng về thì có một mình quan Phủ, còn bà Phủ bị Tòa giam. Bạch Tuyết uống thuốc chừng nửa tháng thì mạnh lại như thường, còn Khiếu Nhàn nhờ thuốc đó nên cũng bớt tê chơn, đi chút đỉnh được.

 Bữa nọ có trát đòi ông Sen, vợ chồng Chí Ðại, Băng Tâm với Trường Khanh đi hầu. Mấy người đi dọc đường gặp thầy thuốc Ðài với tên Vân cũng đi hầu nữa. Tòa tra hỏi chứng cứ rõ ràng ngày trước bà Phủ tráo thuốc giết bà Phủ lớn mà lương y khám nghiệm ve thuốc của Chí Ðại nạp đó cũng là thuốc độc, nên quan Biện Lý định giải bà Phủ lên Tòa đại hình Long Xuyên.

 Ðến bữa xử, Tòa đòi đi hầu một lượt nữa. Tòa kêu án bà Phủ tám năm cấm cố, quở quan Phủ Lê Xuân Thới làm quan bất minh.

Quan Phủ ở trong Tòa bước ra xuôi xị, đi không muốn nổi. Bạch Tuyết thấy cha như vậy thì ứa lụy, nước mắt chảy ròng ròng, lật đật chạy lại vịn cha mà nói rằng:

–          Xin cha chớ phiền con, bởi vì dì giết mẹ con, mà lại muốn giết con nữa, nên con phải trả thù, con không dè làm như vậy mà liên lụy đến cha.

Quan Phủ lau nước mắt mà nói rằng:

–          Cha đáng tội lắm, con chẳng có lỗi chi đâu.

Vợ chồng Chí Ðại với Trường Khanh, Băng Tâm thấy quan Phủ suy nhược tinh thần quá, thì lo sợ nên theo an ủi, rồi đi với ngài mà về không chịu để ngài đi riêng. Về đến Cà Mau, quan Phủ ghé nhà Khiếu Nhàn khóc lạy mà xin lỗi. Khiếu Nhàn thấy quan Phủ ăn năn, ông động lòng nên ngồi khóc, không nói chi hết. Bạch Tuyết thấy ông, cha như vậy nên cũng khóc mùi.

Có lẽ tại Tòa viết thơ cho quan Chánh Bố mà kể tội quan Phủ Lê Xuân Thới, nên cách ít ngày quan Phủ được tờ quan trên dạy phải làm đơn xin hưu trí lập tức. Ngài biết mình đáng tội nên vưng lịnh làm đơn gởi liền, không dám kêu nài chi hết.

Chí Ðại vừa về tới, kế gặp việc nhà lộn xộn, chưa tính sổ sách thâu xuất được. Chừng cứu vợ, trả thù xong, anh ta xuống tiệm Lâm Liễn Thành mà suy tính. Tính ra thì vốn hai muôn, lời được hai muôn nữa. Chí Ðại lấy tiền huê hồng hai ngàn đồng, lãnh tiền lương trong một năm rưỡi chín trăm đồng nữa cộng chung là hai ngàn chín trăm đồng. Anh trả lại cho Lâm Liễn Thành một ngàn còn dư được một ngàn chín trăm đồng. Lâm Liễn Thành trả một muôn đồng bạc vốn lại và chia lời gần một muôn nữa.

Chí Ðại chưng hửng hỏi:

–          Tôi không có hùn đồng vốn nào mà chia lời, chia vốn nỗi gì?

Lâm Liễn Thành không thèm trả lời, đi lấy tờ hiệp đồng đưa cho Chí Ðại coi. Chí Ðại đọc từ đầu chí cuối, thấy tên mình đứng hùn rõ ràng mà ông Bạch Khiếu Nhàn thay mặt ký tên giùm, chừng ấy mới hiểu ông ngoại vợ mình muốn giúp mình làm ăn, song ông sợ mình thẹn thùa, nên ông làm kín như vậy.

Chí Ðại xách hết bạc lời, bạc vốn đem về, thấy Khiếu Nhàn đương ngồi nói chuyện với Trường Khanh, Băng Tâm, Bạch Tuyết và quan Phủ, anh ta mới đến ngay trước mặt Khiếu Nhàn mà nói rằng:

–          Thưa ông, phận cháu nghèo hèn, ông lấy bực quân tử mà đãi cháu, giúp cho cháu làm ăn bạc muôn mà không nói cho cháu biết, thiệt xưa nay cháu chưa thấy ai đãi cháu ngoại rể như ông vậy. Chẳng nói cái ơn làm chi, cái tình của ông đó dầu muôn năm cháu cũng còn cảm hoài. Cháu đi buôn bán hơn một năm nay, số vốn một muôn sanh lợi cũng gần một muôn nữa, cháu lãnh tiền lương và tiền huê hồng đã nhiều rồi, vậy cháu xin ông lấy vốn và lời lại.

Ai nấy thấy bạc nhiều, mà lại nghe Chí Ðại nói như vậy, không hiểu duyên cớ làm sao, nên ngồi ngó Khiếu Nhàn không nháy mắt. Khiếu Nhàn vuốt râu cười mà nói rằng:

–          Ông muốn cho cháu tiền bạc hoài mà cháu hiềm nghi không chịu lấy, nên ông phải tính thế cho cháu mà không nói cho cháu biết đặng cháu đi làm ăn, may được giàu lớn như người ta. Nay cháu làm ăn khá, một vốn sanh một lời, ấy là cái may của cháu. Bạc nầy ông đã quyết cho cháu rồi, nào ông lấy lại. Cháu đem cất đi, để làm vốn buôn bán làm ăn.

Chí Ðại từ chối hoài, không chịu lấy. Quan Phủ thấy bụng rể như vậy thì trong lòng ái mộ vô cùng. Trường Khanh với Băng Tâm đều kính phục. Khiếu Nhàn không biết liệu lẽ nào cho Chí Ðại lấy bạc, mà cũng không biết làm sao đền ơn cho Băng Tâm với Trường Khanh. Ông suy nghĩ một hồi rời nói rằng:

–          Ðể ông nói cho mấy cháu nghe, gia tài của ông đây là gia tài của vợ chồng Chí Ðại. Ông đã cho nó một muôn đồng bạc đặng giúp nó hùn buôn bán, nay có lời nhiều nó không chịu lấy, nó trả vốn mà cũng trả lời cho ông nữa. Như có lấy thì ông lấy vốn lại thôi chớ có lẽ nào lấy tới lời nữa. Mà ông lấy vốn thì lấy cất đó cho vợ chồng nó, chớ lấy rồi đem đi đâu. Thôi để ông tính như vầy: Băng Tâm vì phận nghèo nên không chịu kết tóc trăm năm với thầy Trường Khanh là người giàu sang. Bởi hai người có lòng thương Bạch Tuyết theo bảo hộ nó đến nỗi mang họa mà không núng. Hổm nay ông tính hoài mà không biết lấy chi đền ơn đáp nghĩa hai người cho vừa. Vậy nay ông tính dùng số bạc lời mua ruộng, mua lò than tại đây, để cho Băng Tâm đứng bộ làm chủ, đặng cho cô hết hiềm nghi sự giàu nghèo nữa, rồi ông đứng làm chủ hôn mà gả cho thầy Trường Khanh, quan Phủ và mấy cháu nghĩ thử coi tính như vậy được hay không?

Vợ chồng Chí Ðại cúi lạy Khiếu Nhàn mà nói rằng:

–          Mấy lời ông phân thiệt hiệp ý vợ chồng cháu lắm, chẳng phải bao nhiêu đó mà đền đủ ơn nghĩa của thầy Trường Khanh và Băng Tâm được, song ông làm như vậy thì thầy Trường Khanh với cô Băng Tâm đã được hiệp nhau, mà lại cũng gần vợ chồng cháu, đến già nữa.

Trường Khanh cũng động lòng nên cũng lạy ông Khiếu Nhàn mà thưa rằng:

–          Thưa ông, từ ngày cháu xuống đây đến nay ông đã thấy rõ bụng cháu vì ăn năn việc cũ, và vì ái mộ lòng trinh bạch của cô hai Băng Tâm, nên quyết gần cô chớ không phải có ý chi khác. Nếu ông giúp lời cho cô hai chịu kết tóc trăm năm với cháu thì cháu ơn đã nhiều rồi, lựa là phải cho cô bạc vàng chi nữa.

            Ai nấy đều ngó Băng Tâm, có ý trông coi cô định lẽ nào. Băng Tâm liền ngó Trường Khanh, miệng chúm chím cười rồi nói:

–          Thưa ông cháu với chị Bạch Tuyết kết làm chị làm em với nhau, tự nhiên phải bảo bọc cho nhau, có ơn chi đâu mà ông lo đền đáp. Vậy chớ ngày cháu mới lên Sài Gòn, chị dìu dắt, nuôi dưỡng cháu đó, cháu không chịu ơn chị hay sao? Còn nhơn duyên của cháu vơi thầy Trường Khanh thì mấy tháng nay, cháu dọ được tính ý thầy rồi, bây giờ cháu chẳng còn hiềm nghi sự giàu nghèo nữa, nên ông chẳng phải mua ruộng đất, lò than cho cháu.

Trường Khanh nghe nói mừng quá, ngó Băng Tâm mà nước mắt rưng rưng.

Chí Ðại với Bạch Tuyết theo nói hết sức mà Băng Tâm cũng không chịu thọ tiền bạc. Khiếu Nhàn chọn ngày tốt đặng cho Trường Khanh với Băng Tâm làm lễ cưới. Quan Phủ về nhà đêm ấy nằm nhớ cử chỉ hào hiệp quảng đại của Khiếu Nhàn, và nhớ những lời ân tình nhơn nghĩa của bốn trẻ thì ngài hổ thẹn riêng, mà cũng ăn năn việc trước vô cùng. Bạch Tuyết lo mua vàng kiềng, sắm quần áo cho Băng Tâm đặng kịp ngày xuất giá. Chí Ðại với Trường Khanh muốn làm cho rỡ ràng nên dọn dẹp nhà cửa rực rỡ.

Ðến ngày cưới, có bà con của Trường Khanh và cậu mợ của Băng Tâm ở Vĩnh Long xuống đủ mặt. Khiếu Nhàn với Chí Ðại lại có mời quan Phủ và thân bằng quyến thuộc ở Cà Mau rất đông.

Khi vợ chồng lạy Trời, lạy Ðất, lạy hai họ rồi thì nam nữ nhập tiệc chén thù, chén tạc, hỉ hả trót đêm ai cũng vui cười, duy có cậu mợ của Băng Tâm nhớ chuyện cũ nên hổ thầm; còn Bạch Tuyết đương ăn uống nửa chừng rồi cáo thối, vô buồng nằm dàu dàu. Ðến khuya, khách ở gần giã từ về hết, duy còn có khách ở xa mà thôi, họ cũng đã sửa soạn thay đồ đi nghỉ, Chí Ðại lén bước vô buồng thấy Bạch Tuyết chong đèn năm thiêm thiếp, mà cặp mắt ướt rượt, lại dựa bên gối có một tờ giấy xếp để đó. Anh ta lén lấy tờ giấy ấy đem đọc, thì thấy Bạch Tuyết viết như vầy:

Anh ôi!

Phận em là gái bất trinh, lấy chồng không đợi lịnh cha gả, mà làm con lại bất hiếu, tuy báo thù cho mẹ được, song làm lụy đến thân cha.

Em thấy cô Băng Tâm chồng cưới, em hổ thẹn vô cùng mà em thấy mặt cha không vui, thì em lại càng nát gan đứt ruột.

Anh ôi, chẳng phải em kết nghĩa với anh rồi bây giờ em ăn năn, xin anh biết giùm bụng em. Anh là đứng trượng phu chí sĩ, cái thân hư của em đây đâu dễ dám bì. Anh vì em mà cực khổ mấy năm trời, rồi còn cứu mạng em và báo thù cho mẹ em nữa. Ơn nghĩa của anh cao như non, lớn như biển, lẽ thì em phải lo sống trăm năm đặng làm thân trâu ngựa mà đền ơn đáp nghĩa cho anh.

Ngặt vì em xét phận em thì em hổ thẹn buồn rầu, không thể nguôi được. Em tưởng vậy em phải chết thì mới chôn cái hư, mới lấp được cái mạch sầu của em mà thôi.

Anh ôi, duyên nợ của vợ chồng ta có mấy năm mà thôi. Xin anh chớ buồn, bởi vì kiếp nầy chẳng đặng trọn đời với nhau, thì em nguyện kiếp sau rồi em sẽ lên mà trả nợ.

Thư đến đó thì dứt mà chưa ký tên, Chí Ðại đọc rồi mồ hôi nhỏ giọt ngó trên bàn viết thì mực hãy còn đó. Anh ta bỏ thơ vào túi rồi, lén ngồi kế bên giường, lấy tay đè nhè nhẹ lên ngực Bạch Tuyết. Bạch Tuyết mở mắt thấy chồng thì lật đật mò trên gối, có ý kiếm tờ giấy hồi nãy. Chí Ðại hiểu ý nên ôm vợ và khóc và nói rằng:

–          Qua đã lén đọc thơ của em. Em chết thì chắc qua cũng chết theo, chớ sống làm chi.

            Bạch Tuyết xô Chí Ðại rồi lồm cồm ngồi dậy, ngó chồng một cách rất thảm thiết và lắc đầu nói rằng:

–          Em hư lắm, em quấy lắm, không đáng làm vợ anh.

Chí Ðại nắm tay vợ mà đáp ràng:

–          Nếu em không hư, thì ngày nay làm sao đôi ta được gần nhau đây, còn nếu em sợ quấy thì có thể nào báo thù cho mẹ được?

            Có mấy lời đó mà Chí Ðại nói giọng nghe tất hữu tình lại hữu lý làm cho vợ ngồi ngó đèn, rồi day lại ôm chồng mà nói rằng:

–          Anh như vầy mà chết sao đành.

            Chí Ðại biết Bạch Tuyết đã xiêu lòng rồi, nên kiếm lời phải lẽ ngay mà phân giải riết, làm cho Bạch Tuyết dịu lần lần rồi bỏ buồn làm vui như cũ.

Tuy vậy mà sáng bữa sau Chí Ðại cũng mang bức thơ của vợ đưa cho Khiếu Nhàn với quan Phủ xem. Hai ông rõ ý Bạch Tuyết thì khóc ròng, nhứt là quan Phủ thấy con biết nên hư phải quấy ông càng thương thân con, và càng ăn năn việc cũ nhiều hơn nữa. Hai ông thay phiên nhau mà an ủi Bạch Tuyết. Vợ chồng Trường Khanh nghe Bạch Tuyết có chỗ buồn cũng theo khuyên giải hoài.

Cách ít ngày, vợ chồng Trường Khanh tính dắt nhau trở về Vĩnh Long đặng lo quản xuất sự nghiệp. Trường Khanh mời vợ chồng Chí Ðại đi theo chơi. Chí Ðại nghĩ cũng nên thừa dịp nầy trước về Vũng Liêm thăm mồ mả, sau dắt Bạch Tuyết đi chơi cho khuây lãng, nên xin phép Khiếu Nhàn với quan Phủ, rồi bốn vợ chồng dắt nhau ra đi.

Vợ chồng Chí Ðại đi chơi hơn một tháng, chừng trở về Cà Mau, Bạch Tuyết thấy quan Phủ đương lo cất nhà ở khít bên nhà Khiếu Nhàn thì có lòng mừng. Nhà quan Phủ cất vừa xong rồi thì có giấy hưu trí gởi lại. Quan Phủ dọn về nhà mới mà ở, vợ chồng Chí Ðại khi thì ở bên cha, khi thì ở bên ông, lại qua, qua lại tối ngày.

Bạch Tuyết lo coi sóc việc trong nhà, còn Chí Ðại lo dạy dỗ em là Xuân Sắc, ông cháu, cha con, vợ chồng, chị em thuận hòa, ái kỉnh, quên hết mọi nỗi buồn rầu ly biệt của ngày xưa.

Tự thảo sáng, Cà Mau 1912,

Tự nhuận sắc, Sài Gòn 1922

 


[1] người chèo ghe

[2] định thời hạn

[3] ngắt lời


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.