Cay đắng mùi đời
X
Hai đứa ăn vừa rồi kế nghe ngoài cửa có tiếng giày đi rầm rầm, rồi lại nghe tiếng ông chủ nhà hàng nói: “Thưa cô phòng số ba đó đa”. Thằng Ðược không biết có chuyện chi, lật đật chạy lại mở cửa mà coi. Nó vừa đưa tay ra thì cái cửa phòng mở bét ra, bà Hội đồng bước vô với con Liên và thằng con bà. Bà Hội đồng thấy thằng Ðược liền ôm đầu nó hun hai ba cái rồi hỏi rằng: “Mấy tháng nay con đi đâu hứ con?”. Thằng Ðược gặp bà Hội đồng với con Liên thì nó cũng mừng quýnh; nó thấy con Liên mặc áo hàng bông phấn mới, quần lụa trắng cũng mới; chơn đi giày thêu cườm cổ đeo dây chuyền, tai đeo hai đôi bông vàng, đầu lại cài lược có thắt hàng màu bông hường, vai thì choàng một cái khăn thêu trắng tinh, còn thằng con bà Hội đồng thì mặc đồ tây bộ tướng mạnh mẽ, chớ không phải nằm chúng chứng như hồi gặp dưới ghe nữa. Nó mới hỏi bà Hội đồng:
– Thưa bà, thằng em đây bây giờ thiệt hết đau rồi, bà há?
– Ừ nhờ cô đem nó lên Sài Gòn uống thuốc gần một tháng nên nó mới mạnh đó đa, xưa rày con đi đâu? Á! Hồi hôm con Liên nó nói ông thầy của con đã chết rồi, vậy chớ ổng chết hồi nào, ổng đau bịnh chi mà chết vậy con?
Thằng Ðược kéo ghế mà ngồi; bà Hội đồng cũng nhắc ghế ngồi dựa bên nó, còn con bà với con Liên thì leo lên giường sắt mà ngồi. Thằng Bĩ lại đứng dựa cửa sổ mà ngó bà Hội đồng rồi ngó con Liên, không nói chi hết, cứ chúm chím cười hoài. Thằng Ðược ngồi thuật hết đầu đuôi mọi việc lại cho bà nghe. Nó nói đến lúc thầy trò mắc mưa rồi thầy ngồi tại nhà giấy xe lửa Phú Lâm mà chết lạnh, còn nó thì nóng mê man họ chở vô nhà thương mà nó không hay, thì con Liên khóc muồi, còn bà Hội đồng cũng lấy khăn lau nước mắt. Chừng nó thuật tới lúc nó ra Sài Gòn kiếm bà Hội đồng mà kiếm không được, ban ngày thơ thẩn ngoài đường, ban đêm vô vườn Bồ Rô mà ngủ thì bà Hội đồng động lòng lắm nên đưa tay ra vuốt đầu nó mà miệng thì nói thỏ nhỏ rằng: “Tội nghiệp thân con tôi quá!”. Chừng nó nói tới hồi gặp thằng Bĩ rồi hai đứa kết làm anh em dắt nhau đi đờn ca mà kiếm ăn thì bà Hội đồng với con Liên day qua ngó thằng Bĩ rồi bà nói rằng:
– Thằng em đây là thằng Bĩ đó sao?
– Dạ thưa phải.
– Lại đây ngồi chơi em, lại đây, có ghế đây nè.
Thằng Bĩ bợ ngợ không chịu ngồi song bà Hội đồng ép quá nên cực chẳng đã phải ngồi một bên thằng Ðược mà nghe nói chuyện. Thằng Ðược mới thuật tiếp lúc nó về chợ Mỹ Lợi mà thăm Ba Thời lại có mua một con heo dắt về mà cho thì bà Hội đồng ngồi cười ngất.
Thằng Ðược lại gói, lấy cái khăn bông hường của nó mua tại chợ Cần Giuộc mà cho con Liên. Con Liên cười rồi lấy đội thử. Bà Hội đồng mới hỏi:
– Con về nhà có gặp người cha nuôi con hay không?
– Thưa, không.
– Ði đầu mà không gặp?
– Thưa, má tôi nói đi làm ruộng đâu dưới nầy, lại có đưa một bức thơ của cha tôi gởi về cho tôi coi, theo trong thơ đó thì cha tôi làm ruộng miệt trong kinh Xà No.
– Cha nuôi con tên gì?
– Thưa, tên Hữu…
– Con có biết làm ruộng của ai hay không?
– Thưa không.
Bà Hội đồng từ hồi mới vô phòng thì ngồi ngó thằng Ðược kỹ lưỡng lắm, mà chừng nghe nói chuyện tới đó thì bà lại suy nghĩ một hồi rồi mới biểu nói tiếp. Thằng Ðược mới thuật tới chuyện nó đi tìm cha mẹ. Bà Hội đồng nghe nói tên thầy Lợi thì chưng hửng, song bà không nói chi hết cứ để cho thằng Ðược nói cho bà nghe. Bà nghe nói thầy Lợi dắt qua Khánh Hội mà giao cho một người nghèo nàn mà lại bất lương thì bà buồn hết sức, mà mặt bà lại có sắc giận nữa.
Chừng thằng Ðược nói dứt rồi, bà mới kêu thằng Hai là đứa ở trong nhà đi theo xách đồ cho bà, dạy xuống xe xách quả trầu và ôm gói đồ lên cho bà. Bà mở gói ra lấy một cái áo lụa trắng, một cái quần lụa trắng với một đôi giày hàm ếch mà đưa cho thằng Ðược, rồi biểu thằng Hai dắt nó đi tắm rửa cho sạch sẽ đặng thay đồ mới mà mặc. Thằng Ðược ra khỏi phòng rồi bà nói với thằng Bĩ rằng: “Cô không dè nó đi với cháu, vậy để cô về cô biểu bầy trẻ may thêm áo quần rồi cô sẽ đem ra cho cháu”.
Thằng Ðược tắm gội, thay đồ mới và mang giày trở lên phòng, mặt mày tươi rói bộ đắc ý lắm. Bà Hội đồng ngồi ngắm nó, rồi kéo tay nó lại gần mà hun hai bên gò má và chỉ thằng con bà mà nói rằng: “Thằng Phong là em con đây, nó nhắc nhở con hoài. Nay gặp con thiệt cô mừng quá”. Bà Hội đồng biểu thằng Hai đi kêu thợ may lại, bà đặt cho thằng Ðược với thằng Bĩ mỗi đứa một cái áo u-hoe[1], một cái áo sơ-mi, một cái quần tây và một đôi giày đen. Con Liên theo rờ rẫm thằng Ðược hoài rồi mới rủ nhau đờn ca chơi cho vui. Thằng Ðược đờn kìm, thằng Bĩ đờn cò, con Liên thì ca, còn thằng Phong thì cà rà dựa bên đó, cả nhà hàng từ chủ đến bồi thảy đều chạy lên đứng ngoài cửa mà nghe. Bà Hội đồng nằm trên giường cứ ngó thằng Ðược mà cười hoài.
Ðến xế bà sai thằng Hai ra chợ nấu hai dĩa mì cua và mua cho ba cắc bánh bao đem lên phòng dọn cho sắp nhỏ ăn chơi. Ăn uống xong rồi bà sửa soạn đi về, bà mới nói với thằng Ðược rằng: “Nầy con, thôi con với thằng Bĩ ở đây để cho cô về, cô để thằng Hai nó ở lại đây với con, đặng con có cần dùng việc chi con sai nó cho dễ. Con muốn ăn uống hay là muốn mua vật chi thì con biểu nó nói với ông chủ nhà hàng ổng mua cho. Ban ngày nó coi tắm rửa săn sóc con, còn ban đêm nó trải chiếu dựa cửa đây nó ngủ đặng con cần dùng vật chi con kêu nó cho dễ. Cô muốn đem con về nhà cô mà ở cho dễ, nhưng mà lúc nầy chưa tiện. Vậy có lẽ chừng năm ba bữa nữa cô rước con về mới được. Tuy vậy mà vài bữa rồi cô sẽ ra thăm con. Cô xin con một điều nầy là đừng có đi chơi đâu hết, cứ ở đây mà thôi. Chừng nào cô sai người ra rước con thì con sẽ đi”. Bà Hội đồng nói rồi bèn dắt con Liên với thằng Phong xuống lầu, đứng nói chuyện với ông chủ nhà hàng một lát rồi lên xe đi về. Thằng Ðược ngã lăn trên giường nằm ca hát om sòm, bộ vui vẻ lăm, thằng Bĩ thấy vậy bèn nói rằng:
– Sao mầy vui dữ vậy mậy?
– Tao gặp được con Liên tao mừng quá. Mầy thấy chưa? Tao đã nói bà Hội đồng tử tế lắm mà.
– Bả tử tế thiệt, mà bả nhốt mình ở đây tù túng khó chịu quá.
– Ối! Ði đâu làm chi nữa mây! Mình ăn ngủ sung sướng như vầy dầu ở đây tới già tao cũng chịu.
– Tánh mầy sao ưa sung sướng quá. Nếu sung sướng hoài như vầy thì có biết việc đời ra thế nào đâu.
– Phải, mầy nói lời đó tao phục lắm. Mà bà Hội đồng bả dặn như vậy, thôi mình cũng ráng chờ coi bả liệu với mình làm sao đây rồi mình sẽ đi. Nè mầy, mà coi con Liên bây giờ nó sung sướng quá, tao sợ nó không chịu đi với mình đâu.
Bà Hội đồng đã nuôi con Liên mà lại còn để lòng thương thằng Ðược nữa, đó là một ngươi giàu có ở tại Bình Thủy. Chồng bà thuở trước tên là Phan Thanh Nhàn. Vợ chồng hồi mới kết nghĩa châu trần thì cha mẹ hai bên vừa đủ ăn đủ làm mà thôi, chớ không dư dả. Vợ chồng ra riêng rồi thì hiệp sức nhau mà sáng nghiệp, chồng lo khẩn đất làm ruộng, vợ lo cần kiệm trong nhà, thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm mưa, lo tảo lo tần; người đã có công mà đời lại thêm giúp vận, nên trong mười năm thì Phan Thanh Nhàn đã trở nên một nhà giàu lớn, ruộng kể đến tám trăm mẫu, lúa ruộng mỗi năm góp hơn hai chục ngàn thùng.
Vợ chồng ở với nhau không con, bà thấy chồng hễ nói đến chuyện tương lai thì thường có sắc buồn, nên bà tính đi cưới cho chồng một người vợ bé, hoặc may kiếm được chút con để nối nghiệp về sau. Dịp cũng may lúc ấy trong làng có cô Tô Thị Sảnh là con nhà nghèo mà dung nhan tuấn tú chồng đi nói rồi mà chưa kịp cưới kế chồng nhuốm bịnh mà phải ly trần.
Cô ta tuy chưa có chồng mà cũng đã mang tiếng chồng chết, nên không ai thèm đi nói nữa. Bà Phan Thanh Nhàn thấy cô dung mạo mỹ miều ăn nói lại lanh lợi, nhắm nhía thiệt phải người giúp đợ việc nhà, nên bàn tính với chồng rồi cậy mai đến nói cô đặng cưới về làm bé.
Phan Thanh Nhàn cưới Tô Thị Sảnh về thì vợ lớn vợ nhỏ ở với nhau trên thuận dưới hòa, chẳng có một chút chi xích mích. Cách vài năm Tô Thị Sảnh có thai sanh một đứa con trai, vợ chồng Thanh Nhàn mừng rỡ hết sức, đặt tên nó là Phan Thanh Hà.
Vợ Thanh Nhàn tưng tiu săn sóc đứa nhỏ như con ruột mà lại cưng Thị Sảnh không cho làm việc chi hết. Thị Sảnh thấy vậy mới tự kiêu, mà lại ỷ thế có con nên đỏng đảnh làm nhiều cách, nói nhiều lời, làm cho vợ lớn dằn không được phải sanh rầy rà trong nhà. Thanh Nhàn muốn cho gia đạo bình an, mới cất thêm một cái nhà ngói nhỏ ở gần ngoài đầu cầu đúc, rồi để vợ bé ở riêng với con cho khỏi điều xích mích. Vợ nhỏ vừa ra riêng thì ông đắc cử địa hạt hồi đứng mà vợ lớn có thai nữa. Thanh Nhàn chẳng xiết nỗi mừng, mà nhứt là bà vợ lấy làm đắc ý lắm, mà bà càng đắc ý chừng nào lại càng lo lắng chừng nấy nên rước thầy hay mà uống thuốc dưỡng thai luôn luôn. Ðến kỳ khai hoa bà cũng sanh được một đứa con trai, đặt tên là Phan Thanh Nhã. Từ ngày Thanh Nhàn cho vợ bé ở riêng rồi thì đã bớt yêu, mà chừng vợ lớn sanh một đứa con thì tình Thanh Nhàn đối với vợ bé lại càng lợt lạt hơn nữa. Tuy vợ lớn cũng giữ một mực nghiêm chánh mà ở với vợ bé, chớ không phải mình có con trai rồi khinh bạc, song Thị Sảnh ý không được vui, nên trước mặt không dám nói tiếng chi vô lễ, chớ sau lưng thường có lời trách móc hoài. Vợ lớn cũng rõ tánh vợ nhỏ chẳng phục mình, nhưng mà vì sợ cực lòng chồng nên khi nào có nghe ai học điều chi thì cũng cứ khuất lấp bỏ qua không hề để ý đến.
Bà thương con lắm, nên áo quần mền cũ cũng không chịu mướn ai may hết. Bà lại đặt cho thợ bạc làm một sợi dây chuyền vàng nhỏ nhỏ để cho con đeo chơi. Thằng nhỏ được ba tháng mà không sổ sữa, bà bèn rước thầy thuốc xem mạch hốt thuốc uống đặng mát sữa cho con bú. Thầy thuốc nói bà sữa nóng không nên cho con bú và khuyên bà phải kiếm mướn một ngươi vú. Bà cũng nghe lời lật đật mướn vú cho con bú.
Khi thằng nhỏ được gần sáu tháng, Thanh Nhàn rủi lâm bịnh ho, nên vợ chồng dắt nhau lên Sài Gòn chơi cho thong thả và luôn dịp kiếm thầy thuốc tây hay đặng vợ chồng uống thuốc tiếp dưỡng thân thể. Thanh Nhàn có một người em tên Phan Ðức Lợi, hồi nhỏ có đi học chữ Tây lên tới lớp nhứt trường tỉnh Cần Thơ rồi thì qua Mỹ Tho học được hơn một năm kế bị đuổi. Người em trở về nhà ít tháng rồi đi theo chúng bạn lên Sài Gòn xin giúp việc cho trạng sư. Vợ chồng Thanh Nhàn hễ đi Sài Gòn thì ở nhà người em, mà cách mấy tháng trước Thị Sảnh lên cũng ở tại đó.
Phan Ðức Lợi thấy vợ chồng Thanh Nhàn lên thì mừng rỡ hết sức, nhứt là thấy đứa con nhỏ là Thanh Nhã thì bồng ẩm hun hít coi bộ tưng tiu lắm. Ðức Lợi dọn thêm một cái giường nữa ở trong buồng đặng cho anh với chị dâu nghỉ, còn con vú với thằng nhỏ thì giăng mùng nằm tại bộ ván ngoài. Vợ chồng Thanh Nhàn ở chơi được một đêm một ngày. Qua đêm thứ nhì trong nhà thức nói chuyện chơi tới mười một giờ rồi tắt đèn đi ngủ. Ðức Lợi bổn thân coi đóng cửa. Ðến hai giờ khuya vợ chồng Hội đồng đương ngủ thình lình nghe con vú kêu và hỏi: “Cô ơi? Cô! Cô có bồng em vô trong hay không vậy cô?”. Bà Hội đồng liền trả lời rằng: “Ai bồng vô trong nầy làm gì. Mầy ngủ với em mà mầy hỏi cái gì kỳ vậy?”. Con vú trả lời rằng: “Em đâu mất không có đây cô à”.
Vợ chồng Thanh Nhàn nghe nói tốc mùng chạy ra quẹt hộp quẹt đốt đèn lên coi thì thấy cửa trước mở hé, còn đứa nhỏ thì không có ở trong mùng, cái mền của nó cũng đâu mất, mà cái mũ với đôi vớ hồi chiều đi chơi về cổi để trên bàn giữa cũng không còn. Bà Hội đồng chạy kiếm phát thông phát thổ, còn ông Hội đồng chạy vô buồng kêu em thức dậy bơ hơ bài hãi mà hỏi coi con mình ai bồng đi đâu. Vợ chồng Phan Ðức Lợi thức dậy giụi mắt thủng thẳng đi ra, nghe nói mất cháu thì chưng hửng. Mấy người ở gần nghe lụi hụi họ cũng chạy qua hỏi thăm, ai nghe nói ăn trộm vô nhà không lấy tài vật chi hết, chỉ bồng có một đứa nhỏ mà thôi, thì cũng đều lấy làm lạ lắm. Phan Ðức Lợi chắc lưỡi kêu trời, vội vã đi súc miệng, rửa mặt rồi bận áo đi xuống bót mà cớ. Cách chừng một giờ đồng hồ Ðức Lợi trở về thấy anh đương ngồi khoanh tay, mặt mày buồn xo, còn chị dâu với con vú khóc nức nở. Ðức Lợi nói rằng: “Anh chị đừng lo, tôi thưa với ông Cò thì ổng giận lắm nên tức tốc sai lính đi chận mấy nẻo đường hễ gặp ai bồng con nít đi thì phải bắt hết thảy. Tôi có nói rõ cho ông Cò biết hình trạng của cháu, bởi vậy tôi chắc là kiếm được, không mất đâu mà sợ”.
Bà Hội đồng vừa khóc và nói rằng: “Chú nó ráng kiếm giùm con tôi, kẻo tội nghiệp tôi quá… Ai mà ăn ở bất nhơn thất đức lắm như vậy không biết… Cha chả! Ai có khuấy chơi xin đem trả con tôi lại cho tôi, muốn xin một hai ngàn gì tôi cũng cho hết”. Ðức Lợi nói rằng: “Chị đừng có buồn, bề nào tôi kiếm cũng được, không sao đâu mà sợ”.
Qua ngày mai vợ chồng ông Hội đồng dắt nhau đi thất thơ cùng hết mấy nẻo đường mà cũng không biết con ở đâu mà kiếm. Vợ chồng Ðức Lợi cứ theo an ủi và hứa sớm muộn gì kiếm cũng được cho, mà vợ chồng Hội đồng ở đó trọn mười bữa mà kiếm con cũng không được. Vợ chồng dắt nhau trở về Bình Thủy, bà Hội đồng nhớ con ăn ngủ không được ngày đêm cứ ngồi khoanh tay mà khóc hoài. Ông Hộ đồng an ủi hết sức, tuy bề ngoài bà gượng làm khuây song trong lòng bà chẳng giây phút nào mà quên con được. Thị Sảnh thấy bà lớn mất con rồi, bộ lại càng kiêu căng hơn xưa, thường hay nói với người lối xóm rằng ngày nào ông Hội đồng nhắm mắt rồi thì sự nghiệp của ông sẽ về tay mình hết. Trong vài tháng thì có Phan Ðức Lợi về thăm một lần, mà lần nào về cũng cà rà bên nhà Thị Sảnh cả buổi.
Có lẽ Trời Phật thương lòng thành thật của vợ chồng ông Hội đồng, không muốn để sự nghiệp của vợ chồng cực khổ gầy dựng ra đó cho người bất lương giành mà hưởng nên cách vài năm sau bà Hội đồng có thai rồi lại sanh đặng một đứa con trai nữa đặt tên là Phan Thanh Phong. Vợ chồng cưng như trứng mỏng, bà bổn thân nuôi dưỡng, không chịu mướn ai bồng ẵm nữa.
Nhưng mà vì bởi ông Hội đồng có bịnh ho nên Thanh Phong không được cứng cỏi như đứa trước, Thanh Phong òi ọp hoài, làm cho mẹ cực nhọc với con hết sức. Thanh Phong vừa được ba tuổi thì bịnh ông Hội đồng càng ngày càng thêm nặng. Ông lén xuống Cần Thơ đến Nô-te mà lập tờ chúc ngôn, nhứt định rằng sự nghiệp của ông thì bà được quyền hưởng mãn đời, chừng nào bà quá vãn rồi con mới được chia với nhau mà hưởng. Trong tờ lại có cước rằng hễ ông qua đời rồi thì mỗi năm bà cấp dưỡng mẹ con Thị Sảnh một ngàn đồng bạc với một ngàn giạ lúa mà thôi.
Ông đem tờ chúc ngôn về đưa cho bà dặn bà phải cất cho kỹ, đặng sau vợ nhỏ có tranh tụng thì đem ra mà chiếu đối. Ðến chừng ông gần tắt hơi ông biểu đuổi bạn bè ra ngoài rồi ông kêu bà mà trối rằng: “Má nó ôi, tôi liệu trong mình tôi không còn sống được nữa, vậy nên tôi bỏ hết mọi việc nhà lại cho má nó nghe. Má nó cũng biết tánh tôi không phải là tham sắc, nhưng vì tôi muốn kiếm chút con để nối nghiệp về sau, nên tôi nghe lời má nó tôi mới đi cưới vợ bé. Khi tôi cưới má thằng Hà về ở được vài tháng thì tôi đã rõ nó là một người đàn bà tánh đố ky, mà lòng tham lam nữa, bởi vậy tôi mới tính cất nhà riêng cho nó cho yên. Nào dè nó được sung sướng mà lại sanh tâm độc ác. Má nó có biết thằng con lớn của mình là thằng Nhã ngủ đêm mà chúng bồng đi mất đó là kế của ai bày đó hay không? Tuy tôi không đủ bằng cớ, song tôi dám chắc má thằng Hà với thằng em tôi là thằng Lợi chúng nó toa rập với nhau đặng hại mình đó, chớ không lẽ ăn trộm nào mà bắt con nít làm gì. Má nó mà đẻ thêm được thằng Phong nữa cũng là may, ngặt vì nó yếu quá nên đau ốm hoài tôi lấy làm sợ hết sức. Vậy tôi có nhắm mắt theo ông theo bà rồi thì má nó ráng săn sóc nuôi dưỡng thằng Phong cho lắm nghe, lại cũng phải chịu khó cậy người dò dẫm mà kiếm thằng Nhã đem về mà nuôi, tôi chắc chúng nó giấu đâu đó chớ không lẽ chúng nó giết”.
Ông Hội đồng Nhàn chết rồi thì Phan Ðức Lợi về cầm cân cho Thị Sảnh kiện đặng chia hai gia tài. Bà Hội đồng nhờ có di chúc của chồng nên Thị Sảnh kiện không được, phải chịu phép mỗi năm lãnh một ngàn đồng bạc với một ngàn giạ lúa mà nuôi con. Phan Ðức Lợi đã phản với chị dâu mà không biết hổ ngươi nên mỗi năm qua lối tháng hai tháng ba liệu góp lúa vừa xong thì lót tót về cà rà xin bạc. Bà Hội đồng tuy nhớ lời trối của chồng thì giận, song bà là một người lương thiện thấy em chồng không lẽ làm lơ nên năm nào hễ Ðức Lợi về xin thì bà cũng cho năm bảy trăm. Có lúc bà Hội đồng muốn mua lòng Ðức Lợi nên bà năn nỉ xin kiếm giùm thằng Nhã cho bà, bà hứa nếu kiếm được thì bà sẽ cho năm ngàn đồng bạc.
Ðức Lợi nghe hứa số tiền nhiều thì ham nên tính kiếm thằng Nhã đặng lãnh thưởng. Mà trước khi về Sài Gòn lại qua ghé nhà Thị Sảnh nói chuyện ấy cho Thị Sảnh nghe. Thị Sảnh cản trở và biểu phải làm cho biệt tích thằng Nhã mới được, bởi vì thằng Phong bẩm khí bạc nhược không thể sống lâu được, hễ thằng Phong chết thì gia tài tự nghiệp về trọn nơi tay chị ta, chừng đó chị ta sẽ cho Ðức Lợi một muôn đồng bạc. Chị ta lại sợ Ðức Lợi ham năm ngàn đồng của bà Hội đồng mà theo bả nên nói rằng: “Chú nó nghe lời chỉ tôi sợ không xong đâu. Chỉ nói gạt chú nó dắt thằng nhỏ về đây chỉ giở trái làm mặt, chỉ đến tòa chỉ thưa nói chú nó giấu con chỉ thì chú nó đã không có một đồng xu mà lại còn bị ở tù nứa”.
Ðức Lợi nghe mấy lời ngồi suy nghĩ một hồi tính làm cho thằng Nhã biệt tích, song buộc Thị Sảnh phải làm cho anh ta một cái tờ hứa rằng ngày nào ăn trọn gia tài được rồi thì phải chia cho anh ta một muôn đồng bạc.
Trời Phật không lẽ giúp đứa gian, nên khiến cho bà Hội đồng chở thằng Phong lên Sài Gòn uống thuốc không đầy một tháng mà nó đã hết bịnh rồi về nhà bà tiếp dưỡng nó thêm nữa, nên lần lần nó mập mạp mạnh khỏe, con nít trong xóm không đứa nào bì kịp.
Năm ấy ăn Tết vừa rồi, có một tên tá điền bơi xuồng ra cho bà hay rằng Hương bộ Kiên là người bào tá ruộng của bà trong kinh Xà No mới góp lúa vừa được bốn năm ngàn giạ chân bán hết phân nữa rồi lấy bạc dắt vợ con trốn mất. Bà Hội đồng nghe nói lật đật dọn ghe hầu và dắt thằng Phong với con Liên đi vô ruộng.
Vô tới Xà No bà xét lại thì thiệt quả Hương bộ Kiên đã giựt của bà hết hai ngàn rưỡi giạ lúa. Vì lúa ruộng góp được phân nửa nên bà phải ở lại đó coi góp cho xong, đợi chừng nào đổ vô vựa rồi mới về được. Lúc bà ở góp lúa bà thấy có một người tá điền tên Hữu, nhậm lẹ giỏi giắn mà lại ăn nói bặt thiệp. Bữa nọ tên Hữu chèo ghe cho bà đi góp lúa, bà ngồi buồn mới hỏi tên Hữu gốc gác ở đâu, có vợ con hay không. Nó thưa với bà rằng nó gốc ở Gò Công khi mới lớn lên nó cưới vợ về sanh được một đứa con, song nuôi không được nên nó buồn chí bỏ vợ ở nhà mà đi chèo ghe mướn. Cách ít tháng nó gặp một con tình nhơn mới dắt nhau đi xuống đây mà làm ruộng.
Nó thì lo làm ăn hết sức, ngặt con tình nhơn của nó thì cứ bài bạc hoài, bởi vậy làm tám chín năm mà cũng không dư dả đồng nào. Ðã vậy mà sau con tình nhơn đó lại còn sanh tâm lấy trai, nó thấy vậy buồn chí mới bỏ mà về xứ, tính ở lại với vợ cũ. Chẳng dè về nhà thì vợ nhà đã có một đứa con. Tuy vợ nó nói đứa nhỏ ấy là con nó xí được nó nuôi, có trình giấy của ông Cò trên Chợ Lớn và có đưa áo quần của đứa nhỏ mặc hồi xí được đó cho nó coi, song nó không tin, nên hễ thấy mặt thằng nhỏ thì lửa lòng hừng hực, bởi vì nó bị con tình nhơn sanh tâm nó đã buồn rồi mà về nhà thấy việc như vậy nữa thì nó không thể vui được. Thiệt nó thấy vợ nó tánh nết hiền hòa nó thương, nó muốn ở với vợ nó, nên nó mới bán thằng nhỏ cho một ông thầy đờn đặng ổng dắt nó đi cho khuất mắt.
Bà Hội đồng nghe nói tới đó sực nhớ tới thằng Ðược liền hỏi:
– Thằng nhỏ đó tên gì?
– Thưa, tên Ðược.
– Ai đặt tên cho nó đó vậy?
– Thưa, vợ tôi nó nói nó xí được nó không biết kêu tên gì nên nó đặt là thằng Ðược.
– Năm nay nó mấy tuổi?
– Thưa, chừng mười bốn, mười lăm tuổi.
– Vợ em có nói hồi xí được đó thằng nhỏ được bao lớn hay không?
– Thưa, nó nói chừng năm sáu tháng.
– Hứ! Xí được ở đâu vậy?
– Thưa, trên Bình Tây.
– Cha chả! Hồi xí được đó thằng nhỏ mặc áo quần ra làm sao?
– Thưa, hồi tôi về đó vợ tôi có đưa áo quần cho tôi coi thì tôi thấy có một cái mền tua trắng, một cái mũ, một cái áo đầm, một đôi vớ lại có một sợi dây chuyền vàng nữa.
– Húy! Nếu vậy thì phải rồi còn gì.
– Thưa, phải là làm sao?
Bà Hội đồng ngồi lặng thinh một hồi rồi lại hỏi :
– Bây giờ em biết thằng nhỏ đó ở đâu hay không?
– Thưa, không. Tôi bán nó rồi tôi ở với vợ tôi không đầy một năm coi cũng không được vui nên tôi bỏ đi xuống đây mà làm ruộng. Bốn năm năm nay tôi không về lần nào nên không biết nó có trở về nhà hay không.
– Năm ngoái qua chở thằng con qua lên Sài Gòn uống thuốc, đi tới Nước Xoáy qua có gặp một đứa nhỏ chừng mười ba, mười bốn tuổi đờn ca giỏi quá. Qua có hỏi nó, nó nói tên Ðược, gốc ở chợ Mỹ Lợi thuộc hạt Gò Công, chắc là nó đó chớ gì.
– Thưa, có lẽ khi phải, bởi vì tôi bán nó cho thầy đờn, chắc là họ dạy nó học đờn.
– Cha chả? Bây giờ biết nó đi đâu mà kiếm.
Bà Hội đồng tính để góp lúa xong rồi sẽ biểu tên Hữu về dắt vợ lên cho bà nhìn thử coi có phải là đồ của bà may cho con hồi trước hay không. Bà lại tính để rồi bà cũng sai người tâm phúc lên Mỹ Tho tìm thầy Ðàng với thằng Ðược mà dắt về đặng bà biểu tên Hữu nhìn coi có phải là con nuôi của vợ nó hay không?
Bà góp lúa vừa xong, mới về tới nhà thì thấy có Phan Ðức Lợi xuống mà xin tiền.
Bà mới nghe tên Hữu thuật chuyện thằng nhỏ trong bụng bà đương nghi nó là con của bà, về nhà bà thấy mặt Phan Ðức Lợi bà lại nhớ tới lời của chồng trối thì bà giận, bởi vậy nên bà lơ lảng chớ không niềm nỡ như mấy năm trước nữa.
Phan Ðức Lợi thấy bà không được vui nên không dám hở môi, song cũng chà lết ở đó chớ không chịu về. Tới bữa sau Phan Ðức Lợi thấy bà đương ngồi ăn trầu thì cà rà lại gần mà xin bạc. Bà mới hỏi thử coi có kiếm giùm con của bà hay không. Hai người đương nói chuyện với nhau, thình lình con Liên ở ngoài sân chạy vô nói nhỏ cho bà hay rằng có thằng Ðược xuống kiếm, nó còn đứng chờ ngoài cửa ngõ.
Bà Hội đồng đã tính sai người đi kiếm thằng Ðược, nay nghe nói có nó tới thì bà chẳng xiết nỗi mừng. Bà vừa muốn biểu trẻ ra mở cửa cho nó vô, bà liền nhớ có Phan Ðức Lợi ngồi đó, nếu cho nó vô e có việc bất tiện, nên bà bước trái vô buồng biểu nhỏ con Liên lén ra mà biểu thằng Ðược đi lần lại đầu cầu đúc mà ngồi, rồi bà sai Tư Thanh, là người bà con ở coi sóc giùm trong nhà cho bà, thắng xe mà đưa nó xuống nhà hàng Cần Thơ để nó đó rồi bà sẽ liệu định. Trong đêm ấy bà sai bạn vô Xà No kêu tên Hữu ra, rồi bà đưa bạc biểu phải lập tức đi về Gò Công mà rước vợ và dặn phải đem hết áo, mền, mũ, vớ của đứa nhỏ xí được hồi trước đem lên cho bà coi. Tên Hữu đã có nghe người ta nói hồi trước bà có mất hết một đứa con trai, song bà ở Cần Thơ còn vợ mình xí được đứa nhỏ trên Chợ Lớn, hai xứ cách nhau xa lắm mà cũng không biết bà mất con hồi năm nào, nên nó chẳng hề có bụng nghi thằng Ðược là con của bà. Nay bà sai nó đi mà lại dặn dò như vây thì trong lòng nó mới sanh nghi, bởi vậy nên nó mới đi riết về Gò Công trong bụng nghĩ thầm rằng, nếu thằng Ðược là con của bà thì là cái phước lớn của vợ nó, bởi vì vợ nó có công nuôi dưỡng, mà bà là người giàu lớn, không lẽ bà không đền ơn cho xứng đáng. Nó nghĩ như vậy thì nó mừng, mà rồi nó nhớ tơi việc nó khổ khắc thằng Ðược thì nó lại lo, nếu thằng Ðược mà quả là con bà Hội đồng thì nó còn mặt mũi nào mà dám ngó.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.