Muôn Kiếp Nhân Sinh (Many Lives - Many Times)

Phần bảy: thành – trụ hoại – diệt (vòng tròn vũ trụ)



Tôi đã thực hành phương pháp tĩnh tâm được hơn một tháng và cảm thấy thoải mái, dễ chịu, hơi thở dần dần nhẹ nhàng hơn trước. Tôi ngồi xuống sàn theo tư thế kiết già, lúc đầu cũng đau chân và mỏi lưng một chút nhưng tôi nhớ lời dặn của ông Kris, cứ tập trung tư tưởng để hít thở nhẹ, giữ đầu óc bình thản. Tôi biết cái đau là do thể xác chưa quen, nếu cứ xoay chuyển cho bớt đau thì tôi sẽ không làm chủ được thể xác nên tôi giữ vững tư thế, ngồi yên chịu đựng. Ít lâu sau, cảm giác đau nhức dần dần mất hẳn. Từ đó, tôi suy nghiệm được rằng cảm giác đau đớn bắt nguồn từ trong tâm, và nếu giữ tâm tĩnh lặng thì cơn đau không thể ảnh hưởng được nữa.

Thấy tôi ngồi xếp bằng, Angie ngạc nhiên hỏi:

 Anh giờ cũng tập thiền nữa sao?

Không muốn giải thích nhiều nên tôi chỉ nói qua loa:

 Thì tập cho đầu óc thoải mái một chút, chứ gần đây công việc của anh căng thẳng quá.

Nghe thế, Angie nói:

 Nếu anh cần tĩnh dưỡng thì tại sao chúng ta không đi Colorado nghỉ ngơi ít hôm?

Tôi đồng ý nên cuối tuần đó, chúng tôi đã có mặt tại căn nhà nghỉ dưỡng. Sau khi nghỉ ngơi được vài ngày, tôi đến thăm ông Kris và kể cho ông ấy nghe về việc thực hành phương pháp tĩnh tâm mà ông đã từng khuyên tôi.

Ông Kris vui vẻ nói:

 Nếu có thể ngồi vững vàng và giữ được tâm tĩnh lặng thì ông đã vượt qua được giai đoạn khó khăn lúc đầu rồi. Bây giờ, ông cần tập trung loại bỏ những tư tưởng không cần thiết, không cho nó chạy loạn xạ nữa. Giai đoạn này sẽ cần nhiều thời gian hơn vì những thói quen suy nghĩ trong quá khứ sẽ khuấy động tâm của ông. Tuy ngồi yên nhưng đầu óc của ông sẽ nảy sinh không biết bao nhiêu tư tưởng, hết cái này đến cái khác. Do đó, ông phải biết quan sát nhưng không để cho chúng ảnh hưởng đến ông. Cứ để mặc cho chúng đến và đi một cách tự nhiên, ông sẽ thấy các tư tưởng nổi lên như thế nào, hoạt động ra sao, rồi mất đi hay chìm xuống. Ông phải thản nhiên, không can thiệp, giữ vững hơi thở thì theo thời gian sẽ có định (samadhi) . Định lực phát xuất từ lòng kiên nhẫn. Dù thể xác có đau, vẫn giữ vững tư thế. Dù đầu óc có sinh ra những tư tưởng này nọ, vẫn duy trì nhịp thở, không để chúng ảnh hưởng. Sau khi thực hành được một thời gian thì ông sẽ tiến bộ. Điều quan trọng vào lúc này là phải tiếp tục tuân thủ theo đúng thời khắc, không thay đổi. Đây là thói quen cần thiết phải giữ vì nếu chăm chỉ ngồi vài ngày rồi nghỉ vài ngày thì khó có thể tiến xa được.

Tôi cảm ơn ông Kris về lời chỉ dẫn đơn giản, dễ hiểu này. Đoạn, ông Kris giải thích thêm:

 Trong thời buổi hiện nay, có rất nhiều thứ làm xao lãng đầu óc con người nên rất khó thực hành theo những phương pháp như người xưa đã làm. Trong thế giới của công nghệ, tâm lý con người đã bị quá nhiều thứ ảnh hưởng và chi phối. Do đó, ta phải bắt đầu từ những bước căn bản, tập thành thói quen, để phát triển định lực thì mới có thể đối trị được tình trạng của thời đại hiện nay. Khi đã có định thì lúc đó mới có thể đi sâu được. Do đó, việc thực hành không được vội vàng, hấp tấp.

Tôi kể cho ông Kris nghe về nghiên cứu của giáo sư Baader. Ông Kris nói, vẻ hứng thú:

 Hiển nhiên các nghiên cứu khảo cổ có thể phát hiện thêm nhiều dữ kiện về các nền văn minh cổ xưa và nguồn gốc của con người.

Thấy ông Kris có vẻ cũng am hiểu những chuyện này, tôi bèn hỏi thêm:

 Liệu chúng ta có thể biết được nguồn gốc của con người hay tương lai của nhân loại hay không?

Ông Kris bật cười:

 Câu hỏi “Con người từ đâu đến và sẽ đi về đâu?” là một câu hỏi đã có từ ngàn xưa. Đã có biết bao nhiêu lý thuyết được đặt ra để trả lời câu hỏi này nhưng không một lý thuyết nào giải đáp được nó một cách thỏa đáng. Mỗi thời đại đều cố gắng giải đáp nó theo quan niệm và nền tảng giá trị thịnh hành vào lúc đó. Hiển nhiên khi xã hội thay đổi, khoa học tiến bộ, nền tảng giá trị thay đổi, thì các quan niệm, lập luận cũng thay đổi theo. Tuy nhiên, hiện nay chưa có một lý thuyết nào có giá trị lâu dài, chịu được sự thử thách của thời gian.

Ông Kris giải thích thêm:

 Cách đây nhiều thế kỷ, mọi người tin rằng có một Đấng Hóa Công sinh ra vạn vật, bao gồm con người. Tuy nhiên, theo lý luận của thời đại khoa học thì loài người bắt nguồn từ những sinh vật đơn bào, dần dần biến đổi thành các sinh vật phức tạp hơn như loài cá, loài bò sát, loài có vú, rồi tiến hóa thành loài linh trưởng, cuối cùng trở thành loài người. Thuyết Tiến hóa của nhà sinh vật học Charles Darwin trở thành nền tảng của khoa học thực nghiệm, đánh đổ thuyết Hóa công trước đó. Nói cách khác, khoa học đã đưa ra một lý luận để dẹp bỏ đức tin về Đấng Hóa Công. Trong tương lai, biết đâu lại có một quan niệm khác đánh đổ thuyết Tiến hóa của Darwin. Tóm lại, tùy theo sự hiểu biết của con người trong từng thời đại mà quan niệm về nguồn gốc con người cũng theo đó mà đổi thay.

 Nếu thế thì người xưa quan niệm về nguồn gốc con người như thế nào?

 Từ ngàn xưa, các bậc hiền triết đã biết quan sát tự nhiên nên cách nhìn của họ không dựa trên những lý thuyết trừu tượng hay dữ kiện khoa học như ngày nay. Có một cuốn sách cổ của Do Thái là cuốn Siphra Dzeniouta , được coi là cuốn sách lâu đời nhất, đã đề cập đến tài liệu kia với chú thích rằng “Trích dẫn trong sách cổ của tiền nhân”. Nếu thế thì tài liệu này phải được viết từ xưa lắm vì các học giả Do Thái, nổi tiếng là cẩn thận và tỉ mỉ, cũng không thể truy cứu ra lai lịch của nó. Tài liệu này gồm có những phương trình toán học thể hiện những sự thay đổi trong vũ trụ với những vòng xoáy và công thức mà các nhà nghiên cứu ngày nay vẫn còn nhức óc tìm cách lý giải vì nó quá phức tạp.

Theo tài liệu này thì mọi sự trên thế giới đều thay đổi theo vòng xoáy chứ không phải theo đường thẳng từ thấp lên cao, như các nhà khoa học ngày nay chủ trương. Mỗi vòng là một chu kỳ bao gồm bốn giai đoạn là Thành, Trụ, Hoại, Diệt trước khi chuyển qua một chu kỳ khác. Quan niệm về chu kỳ thật ra đã được người Ấn Độ và Trung Hoa đề cập đến trong các sách vở của họ từ lâu rồi, nhưng họ không đi vào chi tiết và sử dụng phương trình toán học như tài liệu cổ xưa kia.

Theo tài liệu này thì mỗi chu kỳ đều có những nền văn minh xuất hiện, phát triển, suy tàn, rồi biến mất, nhường chỗ cho nền văn minh khác ở chu kỳ sau. Do đó, chúng ta có thể suy nghiệm rằng biết đâu từ xưa đã có những nền văn minh của những giống người có thể mang hình thể khác chúng ta, với sự hiểu biết khác chúng ta, đã có mặt trên trái đất này, và sau khi phát triển, đã suy tàn và biến mất khi chu kỳ của họ đi vào giai đoạn Hoại và Diệt.

Hiện nay, dĩ nhiên không ai tin khi trước đã có những giống người thời cổ, khác với chủng loại của chúng ta, hay những nền văn minh cổ với sự hiểu biết khác hẳn chúng ta. Càng ngày càng có nhiều khám phá về nguồn gốc của con người. Khi các nhà địa chất tìm thấy những khí cụ bằng đá thô sơ thì họ kết luận rằng nếu đi lùi xa hơn thời kỳ đồ đá, thì nhân loại lúc đó chỉ là những người man rợ, không khác gì loài thú. Do đó, khi Charles Darwin đưa ra giả thuyết con người bắt đầu từ một giống vượn rồi tiến hóa thành người, quan niệm này đã được các nhà khoa học thế kỷ mười chín và hai mươi chấp nhận ngay, rằng nền văn minh của chúng ta ngày nay là kết quả của sự tiến hóa từ thấp lên cao, từ man rợ đến văn minh, rằng ngày nay chúng ta đang ở trên tột đỉnh qua các khám phá và phát minh của khoa học thực nghiệm.

Tôi bật cười:

 Tuy thế nhưng nói rằng từ xưa đã có những giống người khác hẳn chúng ta trên quả đất này thì thật khó tin.

Ông Kris thong thả nói tiếp:

 Khi xưa, có một truyền thuyết phổ biến trong giới học giả Hy Lạp được triết gia Plato ghi nhận trong cuốn Phaedrus đó là: “Con người đã từng, và sẽ trở thành, những sinh vật có cánh, sống trong cảnh trời với các thần linh. Thật ra họ vốn là thần linh, vì để rơi mất cánh mà phải sống dưới trần làm người. Đến khi nào tìm lại được đôi cánh thì họ sẽ bay về quê hương của họ”.

Tôi ngạc nhiên hỏi:

 Triết gia Plato đã viết như thế sao? Tôi chưa từng đọc cuốn Phaedrus , nhưng biết đâu đó chỉ là một ẩn dụ, đề cập đến một vấn đề gì đó?

Ông Kris gật đầu đồng ý:

 Dĩ nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy con người khi xưa đã từng có cánh và bay lượn trong không gian. Cách đây không lâu, các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong kim tự tháp ở Nam Mỹ một tài liệu cổ tên là Popol Vuh , trong đó ghi nhận nguồn gốc của nhân loại như sau:

“Khi xưa, con người không có hình thể rõ ràng như ngày nay mà chỉ là những thực thể thanh nhẹ, sống trong thế giới gần với các thần linh. Họ có khả năng lý luận sâu sắc và liên lạc với nhau bằng tư tưởng. Những thực thể này sở hữu một thứ nhãn quan gần như là vô hạn, có thể nhìn thấy tất cả mọi sự. Thế giới của họ toàn là những chủng loại vô hình, tốt cũng như xấu, cao cũng như thấp. Sống trong cảnh giới thanh cao, nhìn thấy được những thế giới khác nên một số người tò mò tìm đến thế giới này rồi bị ô trược. Khi thân thể của họ bị những yếu tố vật chất nặng trược bám vào, họ không thể quay trở về cõi giới thanh nhẹ được nữa mà bắt buộc phải ở lại đây. Để sống trong thế giới ô trược này, họ phải tạo ra những ‘bộ áo’ bằng vật chất để che chắn bảo vệ cho các giác quan tinh nhạy của họ. ‘Bộ áo’ vật chất này đã tạo cho họ một hình thể, giúp họ thích nghi với đời sống mới. Vì được cấu tạo bởi yếu tố vật chất nên nó cản trở các giác quan của họ, khiến các giác quan không còn tinh nhạy nữa. Dần dần, ‘bộ áo’ này trở thành một rào cản ngăn cách họ với thế giới thanh cao kia. Do không thể liên lạc với nhau bằng tư tưởng được nữa, nên họ phải tạo ra ngôn ngữ để biểu lộ ra tư tưởng của mình. Dĩ nhiên ngôn ngữ chỉ là một phương tiện giới hạn trung gian chứ nó không thể diễn tả hết những hiểu biết thật sự. Theo thời gian, kiến thức của họ dần dần bị hạn chế bởi ngôn ngữ mà họ sử dụng. Khi tinh hoa của sự hiểu biết mất đi thì con người trở nên sa đọa, các tư tưởng thanh cao bị thay thế bởi các tư tưởng thấp hèn, các giác quan siêu việt của linh hồn bị thay thế bởi các giác quan thấp mọn của thể xác vật chất. Cuối cùng, con cháu của họ chỉ biết sống thụ động, không còn biết gì về nguồn gốc thiêng liêng hay khả năng siêu việt khi xưa nữa. Tuy nhiên, một số rất ít nhớ được đôi chút về nguồn gốc qua những câu chuyện truyền khẩu hoặc sở hữu một vài kiến thức đặc biệt nhờ biết kiểm soát thể xác, tu dưỡng tinh thần, nên họ có thể giao cảm với cõi thiêng liêng, do đó thấy được những biến cố trong tương lai. Họ là các nhà tiên tri, hay pháp sư thuở trước.”

 Nghe ông giải thích một cách chi tiết như thế, tôi nghĩ có lẽ ông cũng tin rằng mọi sự đều thay đổi theo quan niệm chu kỳ?

Ông Kris chăm chú nhìn tôi, rồi điềm tĩnh trả lời:

 Nếu giải thích theo lý luận khoa học hiện nay, rằng con người bắt nguồn từ loài cấp thấp, tiến hóa thành người, đi từ thấp lên cao, theo một đường thẳng và cứ tiếp tục thay đổi mãi thì quan niệm chu kỳ này không thể chấp nhận được. Nhưng nếu giải thích theo quan niệm của người xưa với những vòng xoáy, mỗi vòng là một chu kỳ khác nhau, tiếp diễn không ngừng, qua bốn giai đoạn Thành – Trụ – Hoại – Diệt, thì điều này rất có lý và có thể chấp nhận được.

Tôi hỏi dồn:

 Nhưng nếu đã có những nền văn minh như thế thì tại sao tất cả lại biến mất nhanh chóng như vậy?

Ông Kris kiên nhẫn trả lời:

 Theo vật lý học, nếu ta ném một vật lên không trung thì sức ném lúc đầu phải mạnh, nhưng dần dần giảm bớt khi lên cao, rồi chuyển hướng rơi xuống với một lực ngược lại, lúc đầu chậm, sau gia tăng mạnh lên. Cũng như thế, giai đoạn Thành và Trụ mất rất nhiều công sức nhưng khi bước vào giai đoạn Hoại và Diệt thì thường diễn ra rất nhanh. Nền văn minh nào cũng mất nhiều thời gian xây dựng mới tạo được, nhưng khi suy hoại thì biến cố này diễn ra nhanh vô cùng.

Thí dụ như, con người đã trải qua biết bao nhiêu thế kỷ mới có được nền văn minh như hiện tại, nhưng nếu xảy ra một trận đại chiến, với vũ khí nguyên tử phá tan tất cả, mọi sinh vật đều chết hết thì sao? Nếu tất cả những gì thuộc nền văn minh hiện thời đều tiêu tan hết thì đến chu kỳ sau còn ai biết gì về thời đại này nữa?

Ông Kris nhìn tôi đầy hàm ý, rồi nói:

 Tương tự như thế, nếu có trận động đất lớn xảy ra khắp thế giới, chôn vùi tất cả lục địa xuống lòng đại dương, thì đâu còn di tích nào nữa. Chuyện này đã xảy ra đối với Atlantis, ông không nhớ sao?

Tôi hỏi thêm:

 Nếu thế vào chu kỳ sau, tất cả phải bắt đầu từ con số không hay sao?

Ông Kris gật đầu:

 Đúng thế, tất cả phải bắt đầu lại từ đầu vì mỗi chu kỳ đều có những bài học và giá trị riêng, chỉ hữu ích cho con người vào thời đại đó thôi. Như tôi đã nói, cuộc sống là một ngôi trường và con người phải học những bài học cần thiết. Có người học nhanh, có người học chậm, do đó họ phải trải qua nhiều kiếp sống trong chu kỳ đó để học những bài học cần thiết.

Tôi hiểu nhưng vẫn thắc mắc:

 Thế rút cục người ta phải học những gì?

Ông Kris thong thả giải thích:

 Nói một cách tổng quát thì có những bài học mà toàn thể nhân loại phải học để chuẩn bị cho chu kỳ tiếp theo. Nói một cách hẹp hơn thì mỗi cá nhân cũng có những bài học riêng mà họ cần học tùy theo tâm nguyện và hoàn cảnh của người đó. Thí dụ như trong kiếp sống của ông tại Atlantis, trước khi qua đời, ông đã hối hận về hành động của ông cũng như đã có tình thương đối với Kor. Do đó, qua sự sắp đặt của luật Nhân quả, ông sẽ gặp lại cô này để trả nợ cho hành động ông đã gây ra và tiếp tục học bài học này trong những kiếp sau vì đó là ý nguyện của ông. Tất cả mọi người khi từ trần đều có những tư tưởng riêng, như yêu thương, giận hờn, thù hận, hay hối tiếc… và những điều này sẽ trở thành những yếu tố dẫn dắt họ vào kiếp sau. 

 Vậy trong chu kỳ này, nhân loại đã học được gì hay chưa?

 Có nhiều thứ mà người ta cần phải học để thích ứng với những sự thay đổi trong mỗi chu kỳ. Nếu quan sát thì hiện nay có bao nhiêu là kiến thức từ những nền văn minh cổ, bao nhiêu là bài học lịch sử qua các thời đại, nhưng đã mấy ai tiếp thu được hết thảy những bài học ấy? Do đó, chúng ta cần phải khơi gợi lại một số bài học cần thiết. Nếu không, chúng ta sẽ phải học đi học lại những bài học này.

 Theo ông thì bài học nào cần phải được khơi gợi lại?

 Mỗi kiến thức, mỗi kinh nghiệm, đều mang đến ích lợi cho mọi người để thay đổi. Hiện nay chúng ta cần gạt bỏ thành kiến và sự tự cao tự đại của nền khoa học thực nghiệm để tìm về những môn học cổ xưa, những bài học lịch sử, vì hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải khôi phục lại những giá trị này.

Ông Kris dừng lại suy nghĩ, rồi nói:

 Cách đây không lâu, thư viện Astor New York đã sưu tầm được một cuốn cổ thư Ai Cập có nhan đề Phương pháp chữa bệnh nội thương của Thoth . Đó là một bản sao được chép lại vào khoảng một ngàn năm trăm năm trước Công nguyên, viết trên loại giấy chỉ thảo tốt nhất, dài hơn hai mươi thước, rộng không quá ba mươi phân được cuộn lại trong một chiếc ống đồng chạm trổ tinh xảo. Nội dung cuốn sách chia làm một trăm mười chương, có đánh dấu cẩn thận, đề cập đến những phương pháp điều trị các bệnh nội thương, cũng như các dược chất và công thức pha chế thuốc men với nhiều vị thuốc mà ngày nay người ta vẫn chưa biết đến. Ngoài ra, nó đề cập rất rõ trách nhiệm và bổn phận của người y sĩ trường Khoa học của sự Sống tại Abydos, việc họ đã được huấn luyện như thế nào, có lời tuyên thệ cam kết làm việc ra sao. Đó là một bản giao ước mang tính thiêng liêng giữa những người được chọn vào trường Khoa học của sự Sống với mục đích và tôn chỉ của trường này. Nó liên kết người y sĩ mới tốt nghiệp với những thế hệ y sĩ trước đó, cũng như với Thoth, người khai sáng ra nền y học Ai Cập. Nó giúp các y sĩ thời cổ hành động theo đúng với lương tâm và chức nghiệp.

Ngày nay, các y sĩ cũng có lời tuyên thệ Hippocrates nhưng mấy ai tuân theo? Phần lớn họ chỉ coi đó là một nghi thức trong lễ tốt nghiệp chứ mấy ai coi trọng lời tuyên thệ này đâu. Khi hành nghề thì nhiều người đã để cho mục đích kiếm tiền ảnh hưởng đến việc làm của họ. Hiện nay, ông có thể thấy hầu hết hệ thống y khoa hiện đại đều huấn luyện y sĩ chữa bệnh chứ không chú trọng gì đến lương tâm hay chức nghiệp nữa. Hầu hết các bệnh viện hay y sĩ chỉ quan tâm đến việc chữa trị cho những người có thể trả tiền mà thôi, chứ ít ai coi y nghiệp là một thiên chức cao quý nữa. Do đó, chúng ta cần khôi phục lại truyền thống y học cao đẹp cổ xưa này.

Theo triết gia Iamblichus (245 – 325) thì khi xưa cuốn sách này vẫn được cất giữ cẩn thận trong đền thờ Khoa học của sự Sống tại Abydos. Khi Alexander Đại đế chinh phục Ai Cập, ông cho sưu tầm, sao chép các tài liệu, sách vở của nền văn minh Ai Cập mang về cất giữ trong thư viện tại thành phố mang tên ông là Alexandria để các học giả đời sau nghiên cứu. Đây là một thư viện khổng lồ được xây cất rất công phu với tường vách bằng đá bao bọc chung quanh, chính giữa có một khu vườn trồng nhiều cây cao bóng mát để cho các học giả thảnh thơi nghiên cứu. Theo Iamblichus, lúc đó thư viện này chứa đựng hơn sáu vạn tài liệu, được đánh dấu cẩn thận theo số thứ tự.

Khi người La Mã xâm lăng Ai Cập, Hoàng đế Julius Caesar đã cho phá những bức tường lớn bao bọc chung quanh thư viện để lấy gạch đá xây cất đường sá, một số quân lính nhân cơ hội này lấy đi những đồ vật quý giá, do đó một số tài liệu cũng bị thất thoát. Khi người Ả Rập chiếm Ai Cập, việc đầu tiên họ làm là đốt tất cả những gì thuộc về văn hóa Ai Cập để đồng hóa xứ này vào nền văn minh của họ. Thư viện Alexandria đã bị vua Umar bin Al Khattab ra lệnh thiêu hủy, tất cả sách vở đều bị đốt để không còn người Ai Cập nào biết đến văn hóa của họ nữa. May thay, cuốn sách này được cất giữ trong một ống đồng nên không bị ngọn lửa thiêu hủy. Đầu thế kỷ hai mươi, một kiến trúc sư người Anh khi đào đất để xây cất hải cảng tại đây đã tìm được nó. Cuốn sách này ghi rõ xuất xứ của nó từ thư viện Alexandria. Ông này bèn tặng cho thư viện Astor để lưu trữ. Do đó, chúng ta mới biết rằng ngày xưa nền văn minh Ai Cập, nhất là y học, đã tiến bộ và đào tạo y sĩ như thế nào. 

 Nhưng việc tìm thấy lại tài liệu này đâu thể thay đổi được gì? 

 Ngày nay, đa số mọi người đều sống vội vã, thụ động và để cho tiền bạc, của cải vật chất chi phối họ. Dĩ nhiên không ai có thời giờ xem những tài liệu cổ để biết người xưa đã làm việc như thế nào. Tuy nhiên, chỉ cần vài người có tâm huyết, đề xướng và hành động theo như thế thì mọi việc sẽ thay đổi. Hiện nay hầu hết mọi người làm việc, bất cứ nghề nghiệp gì, cũng thiếu đi một hai yếu tố quan trọng là lòng trắc ẩn và lương tâm chức nghiệp. Nền giáo dục hiện nay dạy con người làm việc để kiếm sống chứ không hề đề cao đạo đức và lương tâm chức nghiệp, do đó nó còn thiếu sót và cần được bổ túc thêm. Dĩ nhiên, mọi người đều phải làm việc để nuôi thân nhưng họ cũng cần làm việc với tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm nữa. Đời người trôi qua rất nhanh, mong manh như bọt nước, sống nay chết mai, nhưng mấy ai ý thức được điều đó. Đời người lúc thịnh lúc suy, tiền tài sự nghiệp cũng lúc có lúc không, lúc giàu sang phú quý, lúc nghèo túng, khổ sở. Nếu sống mà không có mục đích rõ ràng trong đời, nếu không có lòng trắc ẩn hay lương tâm chức nghiệp ngay từ lúc bắt đầu làm việc, thì bất luận làm gì, hay đi hướng nào, ta rất dễ bị mê mờ, bị chi phối bởi lòng tham, rồi lạc mất mục đích, mất phương hướng, không còn nhận biết con đường mình phải đi, nên càng sống càng mờ mịt, phải hứng chịu những hậu quả của việc mình làm. Người xưa đã học được những bài học này nên để lại những tài liệu hữu ích. Nếu ta không biết khôi phục lại những giá trị đạo đức này thì khó mà tránh khỏi những hậu quả to lớn sẽ xảy đến trong tương lai. 

 Theo ông thì hiện nay nhân loại cần thức tỉnh học hỏi điều gì để có thể thích ứng với chu kỳ hiện tại?

 Ông vừa dùng từ “chu kỳ”… phải chăng bây giờ ông cũng tin rằng mọi sự đều tuân theo luật Chu kỳ? Thật ra điều này rất rõ ràng, nhưng nhiều người không để ý đấy thôi. Ông hãy nhìn vào sự thay đổi của ngày và đêm. Ngày bắt đầu từ lúc rạng đông, rực rỡ vào buổi trưa, thoái hóa vào lúc hoàng hôn, và mất đi khi màn đêm xuống. Đời người cũng thế, bắt đầu từ khi sinh ra, lớn lên, rồi già yếu và sau cùng là chết. Nếu nhìn rộng hơn nữa, sự phát triển của quốc gia cũng như thế. Khi được khai lập là Thành, khi phát triển lớn mạnh là Trụ, rồi suy thoái là Hoại, và biến mất trên bản đồ là Diệt. Tuy nhiên, các giai đoạn này kéo dài lâu hay chóng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Điều này chỉ có thể giải thích bằng luật Nhân quả.

Tôi ngạc nhiên:

 Tại sao lại là luật Nhân quả?

Ông Kris giải thích, giọng điềm đạm:

 Luật Nhân quả là một quy luật của vũ trụ. Một người hành động như thế nào sẽ tạo ra phản ứng ngược lại. Tất cả những gì ta làm sẽ quay lại chi phối chính mình, do đó mỗi người phải chịu trách nhiệm cho những việc mình làm. Đây được gọi là biệt nghiệp, hay nghiệp quả riêng của từng cá nhân. Do sự thu xếp mầu nhiệm và phức tạp của nhân quả nên những người có nghiệp nhân giống nhau sẽ sống gần nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, và hưởng thụ hay chịu đựng cùng nhau. Đây được gọi là cộng nghiệp, hay nghiệp quả chung của số đông. 

Cũng như thế, mỗi quốc gia đều có nghiệp quả riêng của nó. Những người được sinh ra hay sống trong cùng một quốc gia đều có mối liên hệ với nhau, hay cùng chung một cộng nghiệp. Cộng nghiệp của một quốc gia không chỉ riêng cho con người, mà cho mọi sinh vật sống trong đó. Nếu nhìn vào thế giới ngày nay, ông có thể hỏi tại sao có người được sinh ra ở quốc gia này chứ không phải ở quốc gia khác? Tại sao có người được sinh ra ở một quốc gia hùng cường, giàu mạnh, hưởng mọi sự sung sướng trong khi người khác được sinh ra ở những nơi nghèo đói, chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai triền miên?

Tôi muốn hiểu sâu hơn về điều này, bèn nói:

 Xin ông hãy giải thích cụ thể hơn nghiệp quả quốc gia diễn ra như thế nào.

Ông Kris từ tốn trả lời:

 Vào thuở sơ khai, con người tụ tập thành bộ lạc. Nhờ người lãnh đạo hay tù trưởng tài giỏi thì bộ lạc mới đứng vững, không bị những bộ lạc khác tiêu diệt. Từ đơn vị như bộ lạc, sau thành làng xã, và trở thành quốc gia, là một tiến trình trải qua rất nhiều khó khăn và thăng trầm, hoàn toàn do tài điều khiển của những người lãnh đạo. Một quốc gia được thành lập là do viễn kiến và sứ mạng của những người công thần có công xây dựng nên quốc gia đó. Nếu nhìn vào lịch sử, khi mới thành lập, quốc gia nào cũng đều có những bậc anh hùng hào kiệt, được sinh ra ở đó để xây dựng một quốc gia độc lập, với văn hóa riêng biệt theo điều kiện địa lý đặc thù.

Giai đoạn Thành là một khoảng thời gian đặc biệt, với rất nhiều người tài đến để xây dựng quốc gia đó. Không có những người này, quốc gia không thể tồn tại. Những người này phải chiến đấu, khắc phục những khó khăn, từ thời tiết, khí hậu, địa thế, đến các loài thú dữ hay những quốc gia chung quanh, mới có thể thành lập được một quốc gia độc lập. Nếu xét kỹ, ông có thể thấy sự nghiệp dựng nước của những người này lớn lao như thế nào. Tiếc thay, ngày nay không mấy ai nhớ được những việc đã diễn ra trong quá khứ, người đời sau lại hay phóng đại, thêm thắt chi tiết vào, nên con cháu họ coi đấy chỉ là những huyền thoại không có thật.

Sau giai đoạn Thành là giai đoạn Trụ. Lúc này cũng có rất nhiều nhân tài xuất hiện nhưng với nhiệm vụ là tổ chức, thành lập những cơ cấu kinh tế, văn hóa, điều kiện sống căn bản cho người dân để điều hành và phát triển quốc gia, đưa nó lên địa vị hùng cường. Nhưng đây cũng là giai đoạn quyết định số phận của quốc gia. Tùy theo người lãnh đạo điều hành quốc gia như thế nào, hành động ra sao mà giai đoạn Trụ sẽ kéo dài lâu hay chóng.

Nói cách khác, tùy theo hành động (nhân) mà người trong quốc gia đó làm sẽ tạo ra các động lực ngược lại, chi phối quốc gia đó (quả). Mọi người đều phải chịu trách nhiệm cũng như hậu quả cho việc làm của họ (cộng nghiệp). Nghiệp quả quốc gia rất phức tạp và khó giải thích vì có nhiều nguyên nhân, tốt cũng như xấu. Quốc gia nào cũng có đủ mọi loại người với các hành động khác nhau. Có người xây dựng, có người phá hoại, có người lành, có người dữ, do đó dù đã gieo nhân nhưng đôi khi quả không đến ngay mà tiềm ẩn một thời gian nên nhiều người không tin vào luật Nhân quả nữa. Thật ra đời người thì ngắn, luật Nhân quả thì phức tạp, kéo dài rất lâu, nhiều đời, nhiều kiếp, chằng chịt với nhau, không ai có thể biết khi nào nhân sẽ trổ quả. Tuy nhiên, đã gây nhân thì chắc chắn sẽ gặt quả, vì luật Nhân quả không bao giờ sai.

Ông Kris ngừng lại như để tôi suy nghĩ, rồi nói tiếp:

 Vì ông đã sống tại Ai Cập nên tôi lấy nước này làm thí dụ. Sử gia Herodotus của Hy Lạp khi qua Ai Cập đã ghi nhận về tình trạng lúc đó như sau:

“Những chứng tích của nền văn minh huy hoàng khi xưa đã bị xóa bỏ hoàn toàn, chỉ còn những đền đài, lăng tẩm đổ nát, không người săn sóc. Tôi không tiếc cho những công trình kiến trúc bị bỏ hoang này, mà chỉ tiếc cho các công trình tâm huyết, các bí quyết kỹ thuật, tinh hoa tri thức của tiền nhân đã bị thất truyền, vì không ai học được những thứ này nữa. Dân Ai Cập sống lầm than, khổ cực, chỉ làm những việc để sống qua ngày, không còn ai tha thiết hay nhắc nhớ gì về thời đại huy hoàng khi xưa nữa. Ai Cập với những đồng ruộng màu mỡ nhờ phù sa sông Nile bồi đắp, cá tôm bơi lội từng đàn, với biết bao tài nguyên thiên nhiên mà nay người dân xứ này lại không đủ ăn. Tất cả mọi thứ đều đã bị thu góp mang về Nubia và Assyria.”

Lịch sử Hy Lạp viết rằng khi Herodotus đến đây, Ai Cập đã trải qua một thời gian rất lâu sống dưới ách đô hộ của Nubia, rồi Assyria, những quốc gia mà khi xưa các Pharaoh Ai Cập vẫn thường mang quân đi xâm lăng, chiếm đoạt tài nguyên, bắt nô lệ, và chém giết không gớm tay.

Tôi ngậm ngùi nghĩ đến hậu quả mà người dân Ai Cập đã phải trả trong thời gian gần hai ngàn năm sống dưới ách đô hộ của Nubia, Assyria, Ba Tư, Hy Lạp, La Mã, Ả Rập, Anh và Pháp. Một nền văn minh huy hoàng như thế mà hoàn toàn bị tiêu diệt, chỉ còn lại những kim tự tháp và một số đền đài, lăng tẩm đổ nát như để nhắc nhở cho người dân về một quá khứ đã qua. Ngày nay, phần lớn người Ai Cập cũng không biết rõ về nền văn hóa huy hoàng của tổ tiên họ mà chỉ coi đó là những giai thoại mơ hồ và chấp nhận văn hóa Ả Rập như là nền văn hóa chính.

Ông Kris thong thả nói tiếp:

 Đối với những chính thể, các triều đại, ngay cả các công ty lớn cũng đều chịu ảnh hưởng của luật Chu kỳ. Tất cả đều trải qua giai đoạn thành lập, phát triển, suy thoái và tiêu vong. Nhìn vào lịch sử, ông có thể thấy những triều đại vua chúa trên thế giới, ngày xưa có triều đại kéo dài hàng trăm năm, có triều đại chỉ tồn tại vài chục năm, tùy theo sự lãnh đạo và hành động của người cầm quyền nước đó. Ngay cả các chính thể, hay các công ty lớn cũng thế. Có chính thể hay công ty tồn tại được vài chục năm. Có chính thể và công ty vừa thành lập ít lâu rồi suy sụp.

Ngày nay, với sự phát triển nhanh như vũ bão của công nghệ và khoa học, đời sống con người cũng thay đổi rất nhanh. Do đó, sự tồn tại của các chính thể hay công ty cũng sẽ đổi thay nhanh hơn trước. Nếu quan sát, ông có thể thấy các chính thể và công ty lớn thuộc thế kỷ mười chín đã tồn tại được hơn một trăm năm. Qua thế kỷ hai mươi, đa số chỉ tồn tại được khoảng tám mươi năm hay ít hơn. Nhưng qua thế kỷ hai mươi mốt, ông sẽ thấy ít chính thể hay công ty nào có thể tồn tại hơn năm mươi năm và sự tồn tại sẽ thay đổi theo thời gian, ngày một ngắn đi.

Ông Kris nhấn mạnh:

 Là thương gia về tài chính tại New York, chắc chắn ông biết rõ năm trăm công ty lớn nhất Hoa Kỳ của thế kỷ mười chín đều đã phá sản vào đầu thế kỷ hai mươi, chỉ riêng công ty General Electric là còn sống sót. Hẳn ông cũng thấy thời đại huy hoàng của năm trăm công ty lớn nhất trong thế kỷ hai mươi – như công ty xe hơi, điện lực, điện thoại – cũng đã qua rồi, hầu hết những công ty này nếu chưa phá sản cũng sắp khánh tận để nhường chỗ cho những công ty công nghệ mới thành lập gần đây như Apple, Google, Microsoft, Amazon v.v…

Tôi gật đầu đồng ý:

 Điều ông nói rất hay và rất đúng. Là một chuyên gia về tài chính tại thị trường New York, tôi biết rất rõ những công ty này. Hiện nay tất cả những công ty lớn nhất của thế kỷ mười chín đều không còn hiện hữu và hầu hết các công ty lớn nhất của thế kỷ hai mươi cũng đang ở trong tình trạng suy thoái và sắp phá sản. Theo ông, những công ty có tầm ảnh hưởng lớn hiện nay sẽ tồn tại được bao lâu?

Ông Kris mỉm cười:

 Mỗi công ty cũng có sứ mạng và nghiệp quả riêng, tùy theo tài điều khiển của người lãnh đạo và sự thay đổi thị trường, nhưng với chiều hướng thay đổi hiện nay, tôi không nghĩ một công ty nào có thể tồn tại quá bảy mươi năm. Nhân loại đang bước vào giai đoạn mà sự thay đổi sẽ diễn ra hết sức nhanh chóng và bất ngờ.

Tôi thắc mắc:

 Chúng ta vừa nói về công ty, còn các quốc gia hay chính thể thì sao? Liệu trong tương lai gần sẽ có sự thay đổi lớn nào không?

Ông Kris bật cười:

 Làm sao tôi có thể biết được? Tôi đâu phải là nhà tiên tri. Hiện nay chúng ta đang bước vào giai đoạn Hoại thì tôi nghĩ các quốc gia hay chính thể nào cũng sẽ suy tàn. Theo suy nghĩ của tôi thì khi xưa, trong giai đoạn Trụ, nhiều nước nhỏ hợp lại thành một nước lớn hay các khối lớn, thì trong tương lai sẽ có sự tan vỡ của những nước lớn hay các khối lớn thành những phần nhỏ. Vì theo chu kỳ, tất cả mọi sự, mọi vật khi đi đến giai đoạn Hoại thì sẽ tan vỡ. Lịch sử để lại bài học rất rõ về quan niệm Chu kỳ nhưng mấy ai chịu để ý? Qua trải nghiệm về tiền kiếp, ông có thể thấy rõ sự suy tàn và hoại diệt của Atlantis và Ai Cập như thế nào rồi. Trong tương lai, khi phục hồi khả năng hồi tưởng trở lại những tiền kiếp khác, ông sẽ biết rõ hơn nữa các giai đoạn lên xuống của từng chu kỳ quốc gia.

Tôi nghi hoặc, hỏi:

 Thế thì chỉ qua khả năng hồi tưởng, người ta mới biết được các giai đoạn đó hay sao?

Kris lắc đầu:

 Không hẳn thế. Nếu nhìn vào lịch sử gần đây, ông có thể thấy hậu quả phải hứng chịu của các quốc gia đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Thí dụ như vào thế kỷ mười lăm, mười sáu và mười bảy, Tây Ban Nha phát triển mạnh mẽ, làm bá chủ thế giới với bao nhiêu thuộc địa chạy dài từ châu Mỹ, châu Phi đến châu Á. Họ đã đi khắp nơi để chinh phục, để chiếm đoạt tài nguyên, tàn sát biết bao nhiêu dân lành vô tội. Các chiến thuyền của họ đi đến đâu thì gieo rắc nỗi kinh hoàng và dịch bệnh đến đó. Hầu hết những người da đỏ ở châu Mỹ, khoảng hai phần ba dân số, đều chết vì những dịch bệnh do người Tây Ban Nha mang vào. Nhờ thế nên Tây Ban Nha mới chinh phục được châu Mỹ một cách dễ dàng. Họ thẳng tay tiêu diệt các nền văn minh cổ, thay đổi phong tục tập quán, ngôn ngữ, tôn giáo và đặt một nền móng cai trị hết sức tàn bạo cho những thuộc địa của họ. Thế mà ngày nay nhiều sách lịch sử vẫn còn ca ngợi tinh thần khai phá, chinh phục và đồng hóa những dân tộc “man rợ, thiếu văn minh” này của Tây Ban Nha. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại những gì người Tây Ban Nha đã làm trong những thế kỷ trước và tự hỏi nhân loại đã học được điều gì?

Vào thế kỷ mười tám và mười chín, Tây Ban Nha bị suy thoái vì sự tranh chấp trong triều đình giữa vua chúa và giới quý tộc. Sự tiêu pha hoang phí của triều đình cùng việc áp đặt thuế má lên dân chúng đã gây tổn hại cho nền kinh tế nước này. Nhân cơ hội, các thuộc địa nổi lên chống lại các đạo luật thuế quá cao, các nước Anh, Pháp xoay qua tấn công Tây Ban Nha để giành quyền lợi. Các chiến thuyền xâm lăng và khai phá thuộc địa của xứ này đã bị Hải quân Anh bắn tan nát khắp nơi. Người dân xứ này đã phải trả giá cho những cuộc chiến, trên biển cũng như trên đất liền, với số thương vong rất cao. Cuối cùng, Tây Ban Nha thua trận, phải đầu hàng, và chuyển giao hầu hết tài sản cướp bóc khi trước trong ngân khố cho nước Pháp để bồi thường chiến tranh, nhường lại hầu hết thuộc địa cho Anh và Pháp. Ngày nay, Tây Ban Nha chỉ là một nước yếu kém so với các nước châu Âu khác. Ông có thể đặt câu hỏi hiện nay nước này đang ở giai đoạn nào? Người dân xứ này đã và đang trả nghiệp quả như thế nào? Và tương lai quốc gia này sẽ ra sao?

Tương tự như thế, ông có thể quan sát lịch sử của các quốc gia khác như Anh, Pháp, Đức, Ý trong thế kỷ mười tám, mười chín và hai mươi. Nước nào cũng phát triển huy hoàng với tài nguyên chiếm đoạt được từ các thuộc địa về làm giàu cho nền kinh tế của họ. Dân chúng của họ hưởng thụ sự sung sướng qua chính sách xâm chiếm thuộc địa, bành trướng thế lực khắp thế giới, nhưng chuyện gì đã xảy ra trong hai trận Thế chiến vừa qua? Người dân của họ đã phải chịu đựng những gì? Hiện nay tình hình những quốc gia này ra sao? Họ đang ở trong giai đoạn nào của chu kỳ? Tương lai của những quốc gia này như thế nào? Người ta đã học được gì qua bài học lịch sử này?

Nếu quan sát một cách vô tư, không thành kiến, ông sẽ thấy mọi quốc gia và toàn thế giới đều chịu sự chi phối của luật Chu kỳ và luật Nhân quả. Thế giới là do nhiều quốc gia hợp thành. Mỗi quốc gia gồm nhiều gia đình tạo nên. Mỗi gia đình gồm có nhiều người tụ họp, vì thế mọi sự, mọi việc đều bắt đầu từ hành động của con người. Nếu mọi người đều ý thức, biết rõ bổn phận, trách nhiệm thì gia đình được hòa thuận, quốc gia được thịnh vượng, và thế giới cũng được an lành. Ngược lại, nếu mọi người không ý thức, chỉ lo sống ích kỷ, tham lam, tranh giành, chiếm đoạt thì gia đình sẽ xáo trộn, quốc gia sẽ suy vong, và thế giới sẽ trở nên loạn lạc. Tóm lại, chỉ cần nhìn vào những người dân sống trong quốc gia đó hành động ra sao, thì ta có thể biết được quốc gia đó đang ở trong giai đoạn nào. 

Tôi hỏi tiếp:

 Vậy điều gì sẽ xảy ra khi quốc gia bước vào giai đoạn suy hoại?

Ông Kris trả lời, vẻ mặt trầm ngâm:

 Quốc gia nào cũng trải qua các giai đoạn Thành, Trụ, Hoại, Diệt. Nếu đã thành lập ắt phải có lúc hư hoại, hủy diệt. Sau giai đoạn Trụ là thời kỳ Hoại. Lúc này cũng có rất nhiều người đến quốc gia này nhưng phần lớn đến với nhiệm vụ phá hoại những gì đã được thành lập trước đây. Tùy theo những nghiệp quả đã được sắp đặt, những người này, phần lớn là những nạn nhân bị áp bức, bóc lột khi trước, đến để trả thù, hay đòi nợ. Họ sẽ làm những việc hết sức tồi tệ, xấu xa, hay đưa ra những quyết định sai lầm, để đưa quốc gia này vào những lỗi lầm tai hại, không thể cứu vãn.

Sau giai đoạn Hoại là đến giai đoạn Diệt. Như ông đã biết, từ mấy ngàn năm trước, có nơi từng là quốc gia mà nay cả lục địa bị chìm sâu dưới biển, hoặc có nơi đang sống yên ổn bỗng bị động đất rồi cả quốc gia bị chôn vùi dưới lòng đất. Giai đoạn Hoại, Diệt diễn ra như thế. Ngay cả trái đất trước sau gì cũng đi đến giai đoạn suy hoại.

 Theo ông thì giai đoạn suy hoại diễn ra như thế nào?

 Theo sự hiểu biết của tôi thì vào những năm cuối cùng của một chu kỳ, trái đất sẽ trải qua nhiều biến cố lớn. Một số do con người gây ra như chiến tranh hay sự tàn phá thiên nhiên. Một số khác là do sự thay đổi trên bề mặt địa cầu như địa chấn, núi lửa phun trào, bão tố, lụt lội hoặc các biến động ghê gớm khác. Có thể sự thay đổi sẽ bắt nguồn từ đáy biển và tạo ra những cơn đại hồng thủy gây ngập lụt cả địa cầu, hoặc sự thay đổi bắt nguồn từ không gian khiến cho nhiệt độ trái đất biến chuyển thất thường, đất đai màu mỡ trở nên khô cằn, đồng ruộng biến thành sa mạc. Sẽ có những trận cháy rừng khủng khiếp hay những trận hạn hán thay đổi điều kiện địa dư biến những nơi trù phú thành vùng hoang vu không thể sinh sống.

Người Hy Lạp thời cổ gọi quan niệm chu kỳ là “heliakos” gồm có một đại chu kỳ và nhiều tiểu chu kỳ (nhiều tiểu chu kỳ hợp lại thành một đại chu kỳ). Tuy nhiên, các hiền triết Hy Lạp viết rằng đại chu kỳ của trái đất cũng chỉ là một tiểu chu kỳ của Thái Dương hệ. Nói rộng ra thì sự thay đổi trên địa cầu chỉ là một thay đổi nhỏ trong Thái Dương hệ, nhưng Thái Dương hệ mà chúng ta đang sống cũng chỉ là một phần của một hệ thống hành tinh trong vũ trụ mà thôi. Toàn bộ hệ thống hành tinh, hàng triệu hệ thống, xoay vần trong vũ trụ, với những chu kỳ, những giai đoạn, sinh rồi diệt, diệt rồi lại sinh, kéo dài vô tận. Phải chăng vì sở hữu một lượng kiến thức sâu xa về khoa chiêm tinh mà người xưa đã ý thức rõ rệt về sự thay đổi của mọi vật và có một nhân sinh quan rộng, thâm thúy hơn chúng ta ngày nay?

Các nhà tiên tri hay đạo trưởng trong các đền thờ cổ Hy Lạp đã viết rằng vào thời kỳ chuyển tiếp giữa hai chu kỳ, thế giới sẽ trải qua những thảm họa rất lớn. Các tai ương thiên nhiên sẽ gia tăng mỗi ngày một mạnh. Lúc đầu thiên tai sẽ xảy ra ở một vài nơi, nhưng về sau sẽ xảy ra ở khắp nơi. Chính những thiên tai này sẽ góp phần vào việc biến đổi khí hậu, thời tiết, điều kiện địa dư và ảnh hưởng đến kinh tế, thương mại, chi phối đời sống con người. Dù xã hội có văn minh đến đâu, dù con người có khôn ngoan đến mấy, hay có chuẩn bị kỹ càng đến thế nào, họ cũng không thể chống lại những thiên tai này được.

Không phải chỉ người Ai Cập hay Hy Lạp biết về quy luật Chu kỳ, mà từ ngàn xưa, người Ấn Độ và Trung Hoa cũng đã sở hữu những kiến thức hết sức uyên thâm về sự thay đổi trong vũ trụ. Theo sách vở về khoa chiêm tinh Vrishaspati của Ấn Độ thì các đại chu kỳ ( mahakalpa ) kéo dài khoảng 4.320.000 năm. Mỗi đại chu kỳ chia làm bốn tiểu chu kỳ ( yuga ): chu kỳ Satya Yuga dài 1.728.000 năm, chu kỳ Tretya Yuga dài khoảng 1.296.000 năm, chu kỳ Dwapara Yuga dài khoảng 864.000 năm và chu kỳ Kali Yuga kéo dài 432.000 năm.

Cách tính toán của người Ấn Độ hết sức phức tạp và chi tiết, dựa trên những niên lịch chiêm tinh cổ. Nếu so sánh với niên lịch hiện tại thì con số có thể khác biệt một chút, nhưng theo sách này thì hiện nay chúng ta đang ở trong chu kỳ Kali Yuga, nghĩa là giai đoạn đi xuống hay Hoại, Diệt của đại chu kỳ hiện tại, trước khi chuyển qua một đại chu kỳ khác.

Theo các hiền triết Ấn Độ thì sự biến chuyển trên địa hạt vật chất và tinh thần luôn luôn tương ứng với nhau. Sự tiến hóa về tâm linh của nhân loại tương ứng với sự thay đổi trên địa hạt vật chất. Nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy có những thời đại mà các bậc vĩ nhân thay phiên nhau xuất hiện, hướng dẫn nhân loại làm điều tốt đẹp, ta thường gọi đó là thời đại hoàng kim. Cũng có những thời đại mà những kẻ tiểu nhân xuất hiện làm những chuyện xằng bậy, xúi giục con người đè nén, áp bức, giết hại lẫn nhau, ta thường gọi đó là thời đại hôn ám. Có thời đại con người sống thoải mái với thiên nhiên, thuận thảo với nhau, nhưng cũng có thời đại con người phá hoại thiên nhiên, chém giết lẫn nhau. Đã có những quốc gia hùng mạnh, đạt đến đỉnh vinh quang nhưng sau đó lại suy thoái. Đã có những nền văn minh rực rỡ, huy hoàng một thời gian, rồi suy tàn nhường chỗ cho nền văn minh khác xuất hiện. Sự kiện này tái diễn không biết bao nhiêu lần trong lịch sử, lên rồi lại xuống, thắng rồi lại thua, vinh rồi lại nhục.

Theo tài liệu cổ với những phương trình toán học thì cứ mỗi một chu kỳ, vòng quay lại nhích lên trên một chút so với lần trước vì chu kỳ là một vòng xoáy trôn ốc chứ không phải là vòng tròn. Điều này có nghĩa là nhờ sự học hỏi những bài học cần thiết để rút kinh nghiệm mà nhân loại tiến bộ hơn xưa. Do đó, họ sẽ đi từ những chu kỳ thấp lên chu kỳ cao hơn để tiếp tục học hỏi chứ không phải quay trở lại khởi điểm. Mỗi chu kỳ đều có những bài học, những kiến thức mà mọi người đều phải học để có thể bước vào một chu kỳ sau với những bài học và kiến thức khác.

Tuy nhiên, trên bình diện thấp, người ta vẫn thấy có những sự kiện xảy ra trong quá khứ được lặp lại vì nhân loại chưa học được bài học đó. Bài học “lịch sử tái diễn” là một bi kịch lớn của con người. Vì không chịu học những bài học từ trước nên họ phạm đúng những lỗi lầm của tiền nhân. Tuy nhiên, không một bài học nào có thể dạy con người hiệu quả hơn là sự đau khổ. Khi sung sướng thì không mấy ai biết nghĩ, nhưng khi gặp hoàn cảnh khổ đau, họ mới nghĩ đến nguyên nhân tại sao. Khi mạnh khỏe, mấy ai quan tâm giữ gìn sức khỏe, chỉ khi mắc bệnh thì họ mới hiểu ra. Tất cả mọi sự, mọi việc, mọi hậu quả, đều do chính họ gây ra chứ không phải do ai khác. Họ có thể trách trời, trách đất, và trách tất cả mọi người nhưng trách móc không thể làm cho họ vơi đi nỗi khổ. Chỉ có hiểu biết nguyên nhân thì họ mới học được rằng không có việc gì mà không để lại hậu quả. Do đó, trước khi hành động, con người phải biết nghĩ đến hậu quả của việc mình làm.

Tôi thắc mắc:

 Trong vòng Luân hồi, có người học nhanh, có người học chậm, nhưng cũng có người không học được gì. Dù trải qua bao nhiêu kiếp, bao nhiêu khổ đau, họ vẫn không thể học được thì sao?

Ông Kris nghiêm giọng:

 Theo luật Luân hồi thì con người trải qua rất nhiều kiếp. Mỗi kiếp sống đều có những bài học mà họ phải tiếp thu. Có người học được ngay, có người phải trải qua nhiều kiếp mới học được. Tuy nhiên, cũng có người mặc dù trải qua biết bao nhiêu kiếp, bao nhiêu đau khổ, vẫn u mê, không học được gì. Nếu nhìn vào vũ trụ, ông sẽ thấy có hàng triệu, hàng tỷ hành tinh. Có những hành tinh đang được hình thành và có những hành tinh đang bị hoại diệt. Tất cả đều tuân theo luật Chu kỳ. Trái đất của chúng ta cũng thế, khi chu kỳ của trái đất tiến đến giai đoạn hoại diệt, nó sẽ tan vỡ. Nhưng không phải trái đất này hoại diệt rồi thì mọi người cũng bị hủy diệt đâu. Những người đã học những bài học của chu kỳ đó sẽ tái sinh vào chu kỳ của thế giới khác để học những bài học mới. Những người không học được gì, trình độ hiểu biết thấp kém, không thể tái sinh vào nơi khác có trình độ cao hơn, sẽ bị bỏ lại. Vì trái đất đã tan, những người này phải ở trong tình trạng đau khổ liên miên bất tận, phải chờ đợi khi trái đất được thiết lập lại, để học lại bài học mà họ chưa học được. Sự thiết lập một hành tinh như trái đất đòi hỏi một thời gian rất lâu, có lẽ hàng triệu hay hàng tỷ năm. Hãy thử tưởng tượng những người bị bỏ lại bơ vơ, lạc lõng, vất vưởng thì trạng thái khổ sở đó kinh khủng như thế nào.

Ông Kris ngừng lại nhìn tôi như chờ đợi. Cả hai chúng tôi đều im lặng một lúc khá lâu. Ông Kris không nói gì, nhưng cặp mắt của ông ngời sáng như soi rọi vào tôi. Tôi ngồi yên nhưng đầu óc tự nhiên bối rối vì những điều vừa nghe là một cú sốc lớn. Đây là những điều mà tôi chưa hề nghĩ đến. Phải chăng đây chỉ là một sự tưởng tượng của ông Kris hay là một quan niệm đã có từ xưa? Càng suy nghĩ, tôi càng thấy luật Chu kỳ mà ông Kris vừa trình bày rất vững chắc và có lý.

Sau một lúc, tôi định thần, rồi lên tiếng:

 Có lẽ lúc này chúng ta cần hỏi nhân loại đã học được gì và sự tiến bộ, văn minh hiện nay sẽ đưa con người đi đến đâu?

Ông Kris chăm chú nhìn tôi, rồi thong thả nói:

 Hiện nay, khoa học và công nghệ đang chiếm ưu thế trên mọi lĩnh vực, ảnh hưởng khắp nơi trên thế giới. Đã đến lúc chúng ta cần xem xét những ảnh hưởng này một cách nghiêm túc để giữ thái độ sống quân bình trong thế giới thay đổi này. 

Hãy lấy thí dụ về chiếc điện thoại. Hiện nay mọi người đều có thể liên lạc với nhau từ khắp nơi trên thế giới chỉ nhờ vào một vật có thể bỏ gọn trong túi áo. Tuy nhiên, điện thoại di động cũng có thể là mối đe dọa cho tương lai nhân loại. Ông có thể thấy học trò thay vì tập trung học, lắng nghe giáo viên giảng bài, hầu hết lại bị xao lãng, sử dụng điện thoại để chat, để xem YouTube, để lướt Facebook. Hầu hết mọi người ngày nay đều vô tình để cho những vật vô tri này ảnh hưởng đến đầu óc của họ. Dù đi, đứng, nằm hay ngồi, mắt họ đều dán chặt vào cái màn hình nho nhỏ này. Đầu óc của họ không còn hoạt động tự do nữa mà chỉ tuân theo mệnh lệnh của chiếc máy và những phần mềm được thiết kế trong đó. Nhân loại đã vô tình để cho những vật vô tri giác này rút hết sinh lực của mình, họ sẽ không học hỏi được gì nữa. Đầu óc của họ đã thoái hóa, căng thẳng đến mức thụ động thì làm sao còn biết suy xét các bài học lịch sử, các lỗi lầm quá khứ, biết đến sự hy sinh của tiền nhân.

Công nghệ cũng sản xuất ra những trò chơi điện tử. Ông hãy tự hỏi chúng đã dạy gì cho những người trẻ tuổi hiện nay? Phải chăng họ đang học những hành vi kỳ lạ, khác thường mà không ai có thể tưởng tượng được. Hiện nay từ trẻ con cho đến người lớn đều say mê những trò chơi điện tử này. Phần lớn đều coi đó là những trò giải trí vô hại nên họ học cách chơi rất nhanh và bắt chước những điều nguy hại trong cái thế giới ảo ấy. Ít lâu nữa, thế hệ tương lai sẽ học lấy tất cả những điều xấu xa, ác độc như chém giết, tàn phá, bạo lực và dâm đãng vì không còn ai có thể phân biệt được giữa thế giới ảo và thế giới thật. Hiện nay, các sản phẩm công nghệ tinh vi này đang hút hết sinh lực con người. Mọi người khắp nơi đều dán tâm, dán mắt vào những thứ này và hoàn toàn quên hết tất cả mọi việc đang diễn ra chung quanh. Khi không quan tâm, con người trở nên vô cảm, không còn biết rung động hay trắc ẩn với mọi sự nữa.

Ông Kris nói thêm, giọng nghiêm túc:

 Trong thời đại công nghệ này, bao nhiêu người đang mất đi sự thông minh thật sự vì họ đã vô tình để cho trí thông minh nhân tạo điều khiển? Bộ óc con người đã bị các sản phẩm vật chất chi phối nên ít lâu nữa, không ai còn muốn suy nghĩ hay phát triển sự hiểu biết thật sự. Thay vì sử dụng bộ óc thông minh để suy nghĩ, tìm hiểu, phát triển sự hiểu biết về đời sống thì họ lại để cho các sản phẩm vô tri này chi phối. Tại sao phải đọc sách khi chỉ cần bấm nút là có máy đọc giùm cho? Tại sao lại phải mất công suy nghĩ khi máy móc suy nghĩ và trình bày mọi thứ mình muốn? Việc gì phải mất công tìm kiếm khi chỉ cần hỏi Google là xong hết? Tại sao phải học xây dựng, kiến trúc khi máy móc thông minh có thể đảm đương công việc này? Ông sẽ thấy trong vài năm nữa, tất cả đều tập trung vào việc chế tạo ra sản phẩm hay hàng hóa để tiêu thụ. Con người không còn biết phục vụ cho lý tưởng mà trở thành những cỗ máy chỉ biết kiếm tiền, sản xuất, tiêu thụ và sống trong cái vòng hư ảo của sự thiếu hiểu biết này. Trong tương lai, họ sẽ trở nên vô dụng khi người máy sẽ thay thế và kiểm soát họ.

Tôi lên tiếng biện hộ:

 Có lẽ ông đang bi quan quá đấy thôi. Hiện nay chúng ta đang bước vào thế kỷ hai mươi mốt, thời đại của vi mạch điện tử tiên tiến và công nghệ cao.

Ông Kris ôn tồn nói:

 Ông hỏi tôi rằng chúng ta đang ở giai đoạn Trụ hay Hoại trong chu kỳ của nhân loại ư? Điều này có lẽ tự ông phải tìm ra câu trả lời, nhưng tôi chỉ có thể cho ông biết trước một vài điều rồi ông có thể tự đi đến kết luận.

Này ông bạn, ông đang cho rằng sự phát triển của khoa học là hữu ích, nhưng ông có biết rằng ngay lúc này, trong những phòng thí nghiệm bí mật tại một số quốc gia, rất nhiều nhà khoa học vô đạo đức đang nghiên cứu và tạo ra những con quái vật bằng phương pháp ghép các yếu tố di truyền sinh học của con người vào loài vật, hay đang ngày đêm cấy ghép lai tạo nên những loài vi rút biến thể độc hại cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng loài người? Điều kinh khủng gì sẽ xảy ra nếu những loài vi rút đáng sợ này vô tình bị sổng chuồng khỏi các phòng thí nghiệm? Chắc hẳn ông còn nhớ kiếp trước tại Atlantis, chuyện này đã xảy ra tại xứ Og rồi. Ông có biết rằng những người thuở trước đang trở lại để tiếp tục công việc họ đã làm trong quá khứ không? Họ tạo ra những con quái vật phục vụ cho những mục đích phá hoại hết sức ghê gớm mà hiện nay không mấy ai biết. Phải chăng thói quen quá khứ không dễ gì xóa bỏ? Phải chăng lòng ham muốn cùng với kiến thức từ quá khứ đã làm cho họ đánh mất cả lương tri? Trong tương lai rất gần, ông sẽ thấy con người không còn là con người nữa mà đã trở thành một giống nửa người nửa thú. Có lẽ ông không tin được điều này nhưng chỉ một thời gian không xa, ông sẽ thấy những loài sinh vật dị dạng và khác thường này làm những việc mà ngày nay chưa ai dám nghĩ đến. Ngay cả ngày nay, biết bao người đang sống một cách vô cảm, họ không nhìn thấy sự đau khổ mà họ đã gây ra cho người khác. Họ sống vô ý thức, bị thôi thúc bởi sự tham lam quyền lợi và quyền lực. Chính những người này sẽ xây dựng những phòng thí nghiệm, những cơ sở thương mại với những kiến thức ma quái thời cổ để tạo ra những con quái vật vô tri giác phục vụ cho mục đích riêng của họ.

Hiện nay, khoa học công nghệ đã phát triển với tốc độ quá nhanh, không còn ai có thể kiểm soát nổi. Ông sẽ thấy tất cả những sản phẩm công nghệ ngày nay sẽ hoàn toàn thay đổi trong thời gian sắp tới vì những phát minh ra đời mỗi ngày một nhiều. Không một chính quyền nào, luật pháp nào có thể thay đổi nhanh chóng để bắt kịp những đổi thay công nghệ ngày nay. Ông sẽ thấy rất nhiều công ty lớn sẽ bị thay thế bởi những công ty nhỏ nhưng có những phát minh mới, sản phẩm mới và kiến thức mới. Cả thế giới sẽ bị đảo lộn bởi những sự thay đổi bất ngờ không thể tưởng tượng được. Chỉ ít lâu nữa thôi, con người sẽ bị biến dạng do cấy ghép những bộ phận và máy móc vào trong thân thể của họ để họ có những khả năng đặc biệt. Dĩ nhiên, hiện giờ ông không tin điều này có thể xảy ra, nhưng nếu ông nhìn lại khoảng năm chục năm trước, khi ai đó nói rằng người ta có thể nói chuyện với nhau bằng điện thoại không dây hay xe hơi tự lái thì có ai tin không? Giờ thì điều này không còn lạ nữa.

Tại sao hôm nay tôi lại đề cập đến những giá trị cổ xưa và những bài học lịch sử mà chúng ta cần phải học? Vì đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại những tiến bộ khoa học và các lợi ích về vật chất. Không phải tất cả đều hữu ích cho nhân loại trong lúc này và cho tương lai. Tôi không phủ nhận giá trị hay ích lợi của các sản phẩm khoa học công nghệ hiện nay nhưng tất cả chưa hoàn toàn phục vụ cho con người vì chúng được tạo ra bởi những người chưa có đủ sự hiểu biết về hậu quả của việc họ làm.

Nhiều nhà khoa học chế tạo ra các loại vũ khí tối tân có thể giết hàng trăm, hàng ngàn người, nhưng họ phủ nhận trách nhiệm và lý luận rằng vũ khí là vật vô tri, không thể giết người mà chỉ có con người mới sử dụng nó để giết nhau mà thôi. Tương tự như thế, nhiều người đưa ra những luận cứ để bào chữa cho hậu quả của những học thuyết vô nhân tính đã gây ra chiến tranh thù hận giữa các quốc gia, gây thương tổn cho hàng triệu người nhưng vẫn nói rằng họ không có trách nhiệm gì cả. Không ai biết về luật Nhân quả. Tuy họ có trí thông minh nhưng họ chưa đủ sự hiểu biết chân chính để hiểu hậu quả của việc mình làm. Do đó, chúng ta phải khôi phục lại những kinh nghiệm của người xưa, học lại những bài học lịch sử, đừng để cho nó tiếp diễn nữa. Khi con người biết hành động với lương tâm và đạo đức thì bất cứ việc làm gì của họ cũng đều tốt đẹp.

Ông Kris im lặng một lúc như suy nghĩ, rồi nói tiếp:

 Trong giai đoạn cuối của mỗi chu kỳ, chúng ta sẽ thấy chiến tranh lan rộng, thiên tai xảy ra mỗi ngày một khốc liệt (như núi lửa, sóng thần, động đất, lụt lội, hạn hán), tiếp đến là sâu bọ phá hoại mùa màng gây ra nạn đói khắp nơi, rồi các đại dịch bệnh cũng theo chu kỳ bùng phát, lúc đầu chỉ ở vài nơi nhưng sau sẽ lan ra khắp thế giới và mỗi ngày một trầm trọng, ghê gớm hơn trước.

Khi trước, tôi đã nói cho ông biết về nền văn minh Atlantis, con người lúc đó sống bằng bản năng nên tham lam, ích kỷ và có dục tính rất mạnh. Đa số mọi người lúc đó thường ngẫu phối, không phân biệt nam hay nữ, ngay cả với giống nửa người nửa thú. Một số người như thế hiện nay đã trở lại thế giới này. Họ tiếp tục thói quen từ trước nên những việc giao phối loạn luân tiếp tục diễn ra, sinh ra nhiều thứ bệnh quái lạ. Một số bệnh có thể tìm được thuốc chữa, nhưng sẽ có những thứ bệnh vô phương cứu chữa và đến lúc đó khoa học cũng phải bó tay. Nguyên nhân chính là lòng tham lam sinh ra sự luyến ái bệnh hoạn, không phân biệt và không thuận với luật tự nhiên. Những dịch bệnh ghê gớm hiện nay chỉ là sự cảnh cáo về các mối hiểm họa lớn hơn sắp xảy ra nhưng có mấy ai để ý đến. Nếu nó chưa xảy ra cho chính họ hay gia đình của họ thì họ không quan tâm. Chính vì thái độ vô cảm này mà dịch bệnh tiếp tục phát sinh, truyền đi khắp nơi, mỗi ngày một mạnh. Chẳng hạn như, bệnh sốt xuất huyết Ebola đã bùng phát tại Guinea, Sierra Leone và Liberia, rồi lan ra nhiều nước châu Phi. Gần đây ông có thể thấy những căn bệnh viêm phổi chết người tái phát ở nhiều nơi và có nguy cơ lan rộng khắp thế giới. Một ngày nào đó, những dịch bệnh này sẽ tàn phá vượt qua mọi sự tưởng tượng và lúc đó thì đã quá muộn.

Đây không phải là điều gì mới lạ vì từ xưa đã có những bệnh truyền nhiễm như dịch hạch, lao phổi, đậu mùa v.v… Những căn bệnh này đã giết chết hàng triệu người nhưng trong tương lai, sẽ có những căn bệnh ghê gớm hơn có thể tiêu diệt phần lớn dân chúng thế giới. Tại sao lại như thế? Vì dịch bệnh cũng do chính con người gây ra. Khi con người tàn sát, giết hại loài vật thì những con thú này phản ứng như thế nào? Hiển nhiên chúng không thể chống trả lại bằng cơ thể của loài thú, nhưng chúng có thể trở thành hàng triệu con vi trùng hay vi rút gây ra dịch bệnh, khi đó con người không thể phản ứng gì được. Hiển nhiên, nếu con người ăn thịt loài vật, thì sau đó loài vật sẽ ăn thịt lại con người. Khi con người tìm sự khoái lạc qua việc giết hại thú rừng và ăn thịt chúng, thì những con vi trùng, vi rút cũng sẽ tàn phá thân thể con người. Và cái vòng thù oán này sẽ tiếp tục, không bao giờ chấm dứt.

Nếu ông hiểu được luật Chu kỳ và Nhân quả thì ông sẽ thấy mọi sự thay đổi, chuyển hóa không ngừng. Cái gì đi đến cực điểm cũng sẽ thay đổi. Tốt đến cực điểm có thể trở thành xấu. Ác đến cực điểm cũng có thể hóa thiện. Một người nghèo đến cùng cực có thể trở nên giàu có, trong khi người giàu đến cực điểm cũng có thể trở  thành trắng tay. Khi mới sinh ra, chúng ta chỉ là một đứa bé, rồi chúng ta lớn lên, trưởng thành, già nua và chết. Ðó là chu kỳ của Thành – Hoại luân chuyển trên thế gian này. Ðó là sự biến đổi tự nhiên, liên tục theo luật Chu kỳ. Đó chính là tiến trình biến đổi và chuyển hóa của vũ trụ mà không mấy ai để ý đến. Điều quan trọng nhất trong thời đại này là đừng quên tất cả chúng ta đều là người chứ không phải là loài vật. Chúng ta phải sống có ý nghĩa, có mục đích. Bài học mà chúng ta cần phải học là hiểu rõ luật Nhân quả và chịu trách nhiệm cho mọi hành động của mình.

    Và một khi con người tự tâm có ý thức thay đổi làm việc tốt, phát tâm tích đức, tạo phúc cũng có thể tác động giảm, tiêu trừ bớt nghiệp quả. Tác động tương hỗ bù trừ này được luật Nhân quả của vũ trụ xét trên nhiều yếu tố chứ không đơn thuần như phép cộng trừ nhân chia.

***

Trong những lần trò chuyện với ông Thomas, tôi nhận ra ông luôn nhắc đi nhắc lại nhiều lần bài học rất cần ghi nhớ về Luật Nhân quả và Luân hồi. Đối với tôi, và có lẽ với hầu hết người châu Á, đây không phải là điều mới lạ. Nhiều người đã biết câu nói nổi tiếng “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả“. Nhưng giữa biết và thấu hiểu có một khoảng cách rất xa. Từ biết, hiểu rồi trở thành niềm tin thực sự còn tùy thuộc vào độ trải nghiệm thực tế và căn duyên của mỗi người. Nhưng, ở trên đời có nhiều chuyện xin “đừng đợi thấy mới tin“…

Tôi nhớ rõ ông Thomas đã chia sẻ một suy nghĩ sâu sắc, rất đáng suy ngẫm: “Vào lúc này, khi anh và tôi đang nói chuyện về luật Luân hồi và Nhân quả tại căn nhà ở Colorado, thì quanh đây mấy chục dặm, có hàng ngàn người đang sống, đã mấy ai biết về những quy luật này? Nếu nhìn rộng ra cả tiểu bang này, với vài triệu người, đã mấy ai biết về luật Luân hồi hay Nhân quả? Nếu anh quan sát cả nước Mỹ, trên ba trăm triệu người, đã mấy ai biết gì về những quy luật vũ trụ này chưa? Và anh hãy nhìn khắp thế giới hơn bảy tỷ người, có bao người đang hành động độc ác, vô nhân tính? Có những quốc gia đang đối xử với người khác tàn độc như thế nào? Có bao nhiêu cái chết thương tâm và cuộc sống bi đát của nhiều con người vô tội đã và đang diễn ra? Hãy thử nghĩ nếu tất cả đều chịu học hỏi và hiểu rõ về Nhân quả, biết rõ một khi ‘gieo nhân gì sẽ gặt quả đó’ thì có ai dám hành động như thế không?

Thường thì con người, khi hành động, ít ai nghĩ đến hậu quả, nhưng một khi hậu quả xảy đến thì họ nghĩ gì, làm gì? Họ oán hận, trách trời, trách đất, trách những người chung quanh hay ai đó đã gây ra những hậu quả đó? Có mấy ai biết chiêm nghiệm, tự trách và thay đổi chính mình không? Đó là động lực để tôi chia sẻ với anh những câu chuyện chưa từng kể với ai này – dù có những điều thiên cơ bất khả lộ – và chấp thuận để anh chia sẻ những trải nghiệm, bài học vô tiền khoáng hậu này với các bạn của anh, có thể viết thành một cuốn sách để cho nhiều người trên thế giới cùng chiêm nghiệm – giữa lúc trái đất đang có nhiều tai ương, biến động từng ngày. Tôi mong chúng ta – những cánh bướm bé nhỏ rung động mong manh cũng có thể tạo nên những trận cuồng phong mãnh liệt để thức tỉnh mọi người.

Tương lai của mỗi con người, mỗi tổ chức, mỗi quốc gia và cả hành tinh này sẽ ra sao trong giai đoạn sắp tới là tùy thuộc vào thái độ ứng xử, nhìn nhận và thức tỉnh của từng cá nhân, từng tổ chức, từng quốc gia đó tạo nên.Nếu muốn thay đổi, cần khởi đầu bằng việc nhận thức, chuyển đổi tâm thức, lan tỏa yêu thương và chia sẻ sự hiểu biết từ mỗi người chúng ta trước.

  Nhân quả đừng đợi thấy mới tin. Nhân quả là bảng chỉ đường, giúp con người tìm về thiện lương  .

 

    T ôi quyết định viết cuốn sách này bằng tiếng Việt – ngôn ngữ đồng bào, đất nước thân thương trong tim tôi.

 

[1] Phi hành gia Edgar Mitchell khởi xướng việc nghiên cứu về sự tương quan giữa con người và vũ trụ để tìm hiểu về những sự kiện không thể giải thích, khuyến khích việc xây dựng mối liên hệ giữa khoa học và trải nghiệm nội tâm trong viện nghiên cứu do chính ông cùng một số người bạn lập ra tại Palo Alto, California, nhưng ông đã bị một làn sóng dư luận khắt khe chỉ trích. Ông qua đời vào năm 2016.

[2] Dạng sống cơ bản nhất của vũ trụ, là những dạng vật chất rắn cơ bản, được liên kết từ các phân tử và hoàn toàn chưa có tri giác.

[3] Thần Thái Dương (Ra) là vị thần tối cao trong văn hóa Ai Cập cổ đại, đại diện cho ánh sáng và sự sinh trưởng. Amun vốn là thần bảo hộ của thành phố Thebes. Ai Cập được đề cập trong cuốn sách này rơi vào thời kỳ Tân Vương Quốc. Để củng cố vị trí của thần Amun, triều đình đã tôn vị trí thần Amun lên sánh ngang với thần Ra và kết hợp hai vị thần này thành thần Amun Ra.

[4] Isis: Nữ thần của tình mẹ, phép thuật và sự sinh sản. Bà là một trong chín vị thần tối cao nhất của chư thần Ai Cập cổ đại (bộ chín vĩ đại của Heliopolis).

[5] Bệnh thời khí là bệnh phát sinh theo thời tiết khí hậu. Hoặc dân gian còn gọi đơn giản là bệnh theo mùa.

[6] Giấy papyrus, giấy cói, làm từ ruột cây papyrus (cói).

[7] Tử thư Ai Cập là những văn bản dùng trong tang lễ đã được sử dụng trong gần 1.500 năm. Chúng bao gồm những lời kinh, thần chú và hình vẽ được chép trên một cuộn giấy cói tùy táng trong lăng mộ của người đã khuất. Người ta tin rằng những lời kinh chú này ban cho linh hồn người chết tri thức và sức mạnh cần thiết, dẫn lối họ an toàn qua cõi âm bất trắc để đi đến được kiếp sau. Mỗi cuốn Tử thư được chia ra nhiều chương, nội dung được lựa chọn và kết hợp lại từ 192 bài kinh để mô tả cuộc đời của người chết. Do vậy, mỗi cuốn Tử thư là độc bản, không có hai cuốn Tử thư nào hoàn toàn giống nhau. Ban đầu, Tử thư chỉ dùng cho tầng lớp thượng lưu. Đến thời kỳ Tân Vương quốc (1570-1069 TCN), Tử thư phổ biến hơn trong xã hội.

[8] Mời bạn đọc xem thêm tác phẩm Dấu chân trên cát do Nguyên Phong phóng tác, được First News – Trí Việt phát hành.

[9]   Vùng đất này vẫn là nguyên nhân chính gây ra tranh chấp, các cuộc chiến giữa người Do Thái, Ả Rập và Palestine.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.