Muôn Kiếp Nhân Sinh 2

Phần Một – Khởi Hành: Một Thế Giới Không Còn Như Trước



Tôi đã gọi điện cho Thomas nhiều lần nhưng không có ai trả lời. Đây là điều hiếm khi xảy ra, vì ngay cả khi bận rộn thì Thomas cũng sẽ gọi lại cho tôi ngay sau đó. Tôi gửi email, nhắn tin qua các ứng dụng cũng không thấy phản hồi, không có dấu hiệu đã xem tin nhắn. Điều này làm tôi cảm thấy lo lắng và bất an, không hiểu chuyện gì đã xảy ra với người bạn của mình.

Một buổi tối muộn, lúc đó đã gần nửa đêm, bất ngờ tôi giật mình vì tiếng chuông điện thoại khi đang viết bản thảo cho tập sách tiếp theo. Thường thì rất ít khi có ai gọi cho tôi vào lúc đêm khuya như thế này. Tôi cầm điện thoại, bên kia đầu dây là Thomas:

– Rất xin lỗi anh, mấy hôm nay tôi không sử dụng điện thoại vì một số lý do. Những ngày qua chắc hẳn anh đã chứng kiến những biến động bất ngờ đang lan rộng. Tuy nhiên, không chỉ New York, hay nước Mỹ mà gần như cả thế giới đang đi qua những khủng hoảng chưa từng có. Tôi cũng vừa trải qua những xáo trộn và sự chuyển đổi tâm thức kỳ lạ. Linh cảm báo cho tôi biết những điều ông Kris lo lắng cảnh báo đang xảy ra. Tôi đã không liên lạc được với ông Kris. Do đó, tôi thật sự muốn nói chuyện với anh. Tôi có nhiều bạn bè nhưng không phải với ai tôi cũng có thể chia sẻ những điều này được. Biến động sẽ còn lan rộng phức tạp hơn thế nhiều, nhưng đó chỉ là sự khởi đầu cho một kỷ nguyên mới đầy những thách thức và có thể làm biến chuyển thế giới. Tôi tin rằng mọi thứ sắp xảy ra trên toàn cầu sẽ còn tồi tệ hơn và sẽ không giống như những dự báo mà mọi người đang đọc trên những dòng tin. Hầu như mọi người vẫn chưa hiểu hết nguồn gốc thực sự và sâu xa của những điều đang diễn ra…

Tôi chợt cảm thấy bồn chồn nên ngắt lời Thomas:

– Tôi cũng có theo dõi tình hình đang diễn ra. vậy cảm nhận riêng của ông thế nào?

– Anh còn nhớ vào lần gặp trước ở Colorado, tôi đã chia sẻ với anh tiên đoán của ông Kris về những điều quan trọng sẽ xảy ra trên thế giới này không? Nó đã và đang đến rất nhanh! Có lẽ loài người đã đến lúc phải nhận lãnh hậu quả từ những gì mình gây ra. Một số quốc gia lớn đã đi vào chu kỳ “hoại” của vũ trụ. Ngay cả nước Mỹ tiên tiến với hơn ba trăm triệu người và thế giới rộng lớn hơn bảy tỷ người đã mấy ai thấu hiểu rõ luật Nhân quả của vũ trụ đâu?

– Tôi vẫn nhớ những dự ngôn sâu sắc đó của ông Kris.

Tôi vừa đáp vừa hồi tưởng lại những gì Thomas đã nói trong lần gặp cuối cùng trước lúc chia tay.

Giọng Thomas chợt trở nên xa xăm:

– Thế nhưng, con người trong thế giới này còn rất chủ quan. Họ đang sống và chạy theo quán tính hơn là thức tỉnh. Họ không phải không có thời giờ mà là không có cơ duyên để thức tỉnh, có lẽ con người cần phải học bài học của mình rồi! Không có cách nào khác. Anh cũng biết rằng thức tỉnh một kẻ phá sản, thất nghiệp hay cơ hàn còn dễ hơn là thức tỉnh những kẻ đang ngạo nghễ với nhiều lớp vỏ bọc bên ngoài dày cộp – nào là giàu có, tiếng tăm, địa vị, chức tước, bằng cấp… nhưng những giá trị bên trong như lòng trắc ẩn, tình yêu thương và sự hiểu biết tâm linh của họ lại hầu như rỗng tuếch hoặc quá nghèo nàn.

Dừng lại một chút, Thomas hạ giọng:

– Đừng mất thời giờ nữa. Ngày mai, anh hãy bay ngay đến New York gặp tôi. Chúng ta cần tiếp tục trao đổi những câu chuyện quan trọng còn dang dở. Tôi đã thu xếp mọi thứ để anh có thể yên tĩnh viết và nghỉ lại. Anh hãy đặt vé chuyến bay sớm nhất có thể. Nhớ cho tôi biết giờ bay, tôi sẽ đón anh ở sân bay. Hẹn gặp anh vào ngày mai.

Tôi để điện thoại xuống và lặng đi vài phút. Giọng Thomas chưa bao giờ khẩn thiết đến như vậy.

Mới cách đây không lâu, trước khi chuông điện thoại reo, tôi đã cầm cuốn tạp chí The New Yorker với tấm ảnh bìa lịch sử là người đàn ông chơi vĩ cầm đơn độc trên nóc nhà cao vắng lặng. Tôi vừa nhìn khá lâu vào tấm ảnh bìa đó vừa có những dự cảm không hay thì cuộc gọi kỳ lạ của Thomas không ngờ lại trùng khớp hoàn toàn với những cảm giác bất an của tôi lúc đó.

Tôi đặt vé cho chuyến bay sớm nhất đi New York, thu dọn một số hành lý cần thiết, máy ghi âm và đồ dùng thiết yếu cho chuyến đi không ngắn ngày.

Tôi chợt cảm nhận sự thanh tĩnh lạ thường. Cuộc đời tôi cũng không ít lần có những chuyến bay gấp như thế này. Tôi là người làm khoa học nên mọi thứ cần phải được lên kế hoạch trước, nhưng với Thomas và trong hoàn cảnh này thì khác. Đây không phải chuyến bay công việc bình thường. Tôi biết cuộc gặp gỡ với Thomas ngày mai quan trọng không chỉ với riêng tôi.

Dường như sâu thẳm trong tâm thức tôi có sự lay động về một sứ mệnh thiêng liêng vừa chợt tới. Sứ mệnh đó không chỉ của riêng tôi mà là của tất cả chúng ta đối với tương lai thế giới này.

New York

KHỞI ĐẦU MỘT KỶ NGUYÊN MỚI

Sân bay John F. Kennedy buổi chiều hôm đó vắng vẻ lạ thường, khác hẳn khung cảnh đông đúc thường ngày. Chuyến bay của tôi cũng vắng khách và khi đáp xuống ai cũng vội vã rời sân bay. Thomas đã đợi tôi ở cổng. Ông niềm nở đón tôi về nhà cất hành lý và dùng bữa tối đã được chuẩn bị sẵn ở sân vườn nhà ông tại Manhattan.

Sau khi hoàn thành phần ghi chép về các câu chuyện tiền kiếp trong những cuộc gặp gỡ giữa tôi và Thomas trước đó, tôi đã có ý định đến New York thăm ông để nhờ ông duyệt lại và tiếp tục những câu chuyện còn dang dở.

Tôi chưa kịp mở lời để hẹn với Thomas thì ông đã chủ động mời tôi đến nhà.

Thomas đón tiếp tôi nồng nhiệt, như thể đã chờ cuộc gặp này từ lâu. Trong bữa tối ngoài khu vườn yên tĩnh, Thomas hỏi thăm tôi về tình hình sức khỏe, công việc và cho biết ông cũng đang nóng lòng chờ đợi tập bản thảo của tôi. Sau đó, ông kể cho tôi nghe những điều kỳ lạ vừa trải nghiệm trong những ngày tháng vừa qua mà trong điện thoại ông không nói hết được. Tôi chăm chú lắng nghe từng lời Thomas kể, đôi lúc dừng lại để ghi chép. Ông phân tích nguồn gốc sâu xa của những biến động chưa từng có đang diễn ra và khẳng định:

– Tất cả mới chỉ bắt đầu.

Thomas trầm ngầm trong giây lát rồi nói tiếp:

– Việc này đến nhanh hơn chúng ta nghĩ. Thế giới này có lẽ sẽ không trở về như xưa được nữa. Những lá phổi của hành tinh này đang bị hủy hoại, dịch bệnh chết người kỳ lạ đang lan rộng, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt hơn và nguy cơ chiến tranh lại chực chờ với những mâu thuẫn ngầm nhiều năm sắp bùng phát… Tất cả những điều chúng ta đang chứng kiến chỉ là những cú rung lắc khởi đầu cho những cơn địa chấn thực sự.

Bất ngờ Thomas nhìn tôi và hỏi:

– Anh có biết ai đã kích hoạt tất cả những điều đó không?

Tôi trả lời:

– Thông qua lịch sử, chúng ta đều biết các xu hướng chính trị, kinh tế, văn hóa đều có tính chu kỳ. Chúng sẽ phát triển cực thịnh, rồi bị đào thải, hủy diệt và tái sinh… Sự biến đổi thế giới hay đời người cũng như những vòng tròn bất tận mà trong lần trao đổi trước, chúng ta đã biết nó được gọi là Chu kỳ. Chúng ta đã biết về động lực và phản lực, cái mà hành tinh này đang trải qua chính là giai đoạn chịu ảnh hưởng của phản lực. Còn động lực, chính là những hành động của con người. Chúng ta dường như đang đi vào giai đoạn đặc biệt của hành tinh và có thể sẽ chứng kiến sự khởi đầu một kỷ nguyên mới.

Thomas gật đầu:

– Đúng vậy, tất cả hành vi con người chính là nguồn gốc kích hoạt những hiện tượng này. Đúng như anh nói, một kỷ nguyên mới sắp bắt đầu nhưng trước khi đến được đó, thế giới sẽ trải qua nhiều khủng hoảng, chuyển đổi và có cả hủy diệt. Chúng ta đang bước vào một thời kỳ bất ổn, biển động và hiện giờ khó ai có thể nói chính xác chi tiết về viễn cảnh thế giới trong tương lai. Nền khoa học tưởng như kiệt xuất của con người chỉ có thể chạy theo các sự kiện mới liên tục xảy ra. Nhưng tương lai không nhất thiết diễn ra theo hướng tồi tệ, vì chúng ta vẫn có thể tác động để làm cho tương lai tốt đẹp hơn.

Tôi đồng tình với Thomas:

– Tôi biết không có điều gì tuyệt đối đúng và không có điều gì là không thể thay đổi. Rõ ràng nhất là các quan niệm khoa học mỗi thời kỳ lại mỗi khác. Ở một góc độ nào đó, tôi vẫn tin rằng mỗi người vẫn có thể chuyển đổi số phận của mình.

Thomas lắng nghe và gật đầu:

– Điều anh nói đúng với từng cá nhân đơn lẻ và cũng có thể áp dụng với toàn thể. Chúng ta đang chứng kiến một thời điểm lạ thường của thế giới, khi quy luật vũ trụ và tự nhiên đang xoay vần ở phạm vi rộng lớn, bao hàm mọi thứ trong vòng tròn nhân quả. Nếu chúng ta không biết ngọn nguồn của những tai ương mà thế giới đang đối mặt thì không thể làm gì để thay đổi nó. Ngạn ngữ cổ có câu: “Tất cả tai họa đều bắt nguồn từ chính suy nghĩ và hành động của chúng ta”. Nhân đã gieo thì sớm muộn cũng trổ quả, bất kể ta có chạy thật nhanh về hướng tương lai, tảng lờ những sai lầm quá khứ, lấy cái này khỏa lấp cái khác, thì sớm muộn gì ta cũng phải đối mặt với những hậu quả từ những việc làm của quá khứ. Con người đã hủy diệt hành tinh xanh này nhanh chưa từng thấy, chỉ trong vài chục năm ngắn ngủi, địa cầu đã bắt đầu bước vào đợt tuyệt chủng thứ sáu.

Thiên tai, dịch bệnh sẽ ngày càng trở nên khủng khiếp và xảy ra thường xuyên hơn, đe dọa mạng sống con người. Tương lai sẽ còn những tai ương khó lường, mực nước biển dâng cao khi những tảng băng khổng lồ ở hai đầu cực tan nhanh, có thể giải phóng ra rất nhiều mầm bệnh lạ đã chôn vùi hàng triệu năm…

Tôi trầm ngâm trước những điều Thomas nói:

– Không lẽ, các quốc gia lớn không hợp lực lại tìm giải pháp được sao? Theo ông, giải pháp nào là hữu hiệu nhất lúc này?

Thomas cười:

– Anh có thể thấy rõ, xuyên suốt lịch sử, các cường quốc lớn chưa bao giờ thực sự đoàn kết, cùng ngồi lại với nhau để tìm ra hướng đi chung. Có những quốc gia đang gia tăng ảnh hưởng, tham vọng và mưu đồ, còn các quốc gia nhỏ khác thì cũng đang vất vả tư lo liệu.

Là một nhà khoa học nghiên cứu về công nghệ, anh cũng biết rằng các phát kiến của khoa học kỹ thuật luôn có hai mặt, tốt và xấu, tích cực và tiêu cực. Sự phát triển của kỹ thuật, công nghệ và các ngành thương mại khác luôn đi cùng với sự hao tổn tài nguyên thiên nhiên. Tôi có cơ duyên học hỏi để nhìn nhận mọi việc rõ ràng hơn sau những điều sâu sắc ông Kris từng chia sẻ. Việc chúng ta gặp nhau, trao đổi những trải nghiệm, những suy nghĩ tâm đắc, dẫn đến việc anh viết chúng thành sách đều không phải là ngẫu nhiên, mà cũng là một nhân duyên đặc biệt được sắp đặt. Câu chuyện mà tôi muốn chia sẻ với anh tiếp sau đây sẽ khá dài, chúng ta có thể bắt đầu triển khai câu chuyện này từ góc nhìn của khoa học – trong một thế giới hữu hình xen lẫn vô hình. Rất nhiều điều mà chúng ta chưa biết, chưa giải thích được hoặc không thể nhìn thấy không có nghĩa là nó không tồn tại.

Chúng tôi dùng bữa xong thì trời cũng đã tối và bắt đầu trở lạnh. Từng luồng gió từ biển thổi vào. Thomas mời tôi vào phòng làm việc của ông, cẩn thận đóng cửa để tránh bị làm phiền. Thomas pha một ấm trà nóng mời tôi. Tôi để ý một bức tranh vẽ cảnh Hy Lạp cổ đại rất đẹp ở mảng tường chính của phòng làm việc được ánh đèn vàng nhẹ hắt chiếu vào, bên cạnh là chiếc kính viễn vọng đầu tiên do Chester Moore Hall chế tạo vào năm 1758 mà thường chỉ nhìn thấy ở các viện bảo tàng. Trên bàn làm việc lớn có một tờ báo mở sẵn bài viết liên quan đến hiện tượng vật thể bay không xác định trong không gian UFO.

Nhận thấy sự chú ý của tôi, Thomas chỉ vào bài báo và hỏi:

– Anh nghĩ thế nào về hiện tượng UFO?

Hơi bất ngờ về việc Thomas chuyển chủ đề, tôi trả lời:

– Tôi không mấy khi để ý đến những việc như thế này. Nhiều người tin rằng đã có những sinh vật ngoài không gian thăm viếng địa cầu. Người khác lại cho rằng đó chỉ là sự tưởng tượng được phóng đại do ảnh hưởng của các tiểu thuyết khoa học giả tưởng.

Thomas mỉm cười, thong thả nói:

– Phi hành gia Edgar Mitchell, bạn thân của tôi, anh đã gặp ông ấy ở Đại học Đài Bắc, chắc anh vẫn còn nhớ, ông ấy từng nói với tôi rất nhiều về đề tài UFO. Edgar tin UFO là có thật nhưng chính phủ Hoa Kỳ đã giấu nhẹm chuyện này đi. Là nhà khoa học của cơ quan nghiên cứu vũ trụ NASA và là một trong sáu phi hành gia đã đặt chân lên mặt trăng trên Phi thuyền Apollo 14, Edgar khẳng định rằng trong vũ trụ còn có rất nhiều hành tinh khác, với các sinh vật sinh sống trên đó. Những sinh vật này có lẽ không giống loài người, vì điều kiện sinh sống ở các hành tinh kia khác với địa cầu và một số sinh vật trong số đó có thể đã du hành không gian đến hành tinh của chúng ta.

Tôi ngạc nhiên khi nghe ông nói vậy, liền hỏi lại:

– Edgar đã khẳng định thế sao? Ông ấy có chia sẻ gì thêm với ông không?

Thomas trả lời:

– Theo Edgar, trái đất này không phải là hành tinh duy nhất có sự sống. Trước đây, mặc dù có nhiều báo cáo và hình ảnh về vật thể bay không xác định từ nhiều nơi trên thế giới, nhưng phần lớn là dàn dựng, ngụy tạo. Tuy vậy, cũng có vài trường hợp rất đáng tin cậy. Ví dụ như việc một chiếc đĩa bay của người ngoài hành tinh rơi xuống vùng Roswell, tiểu bang New Mexico vào năm 1947, có hình ảnh rõ ràng. Dĩ nhiên, chính phủ Hoa Kỳ sau đó đã phong tỏa nghiêm ngặt toàn bộ khu vực này. Mọi tài liệu, hình ảnh thu nhận đều đóng dấu tối mật nên không ai có thể kiểm tra hay xác minh, với thâm niên làm việc cho cơ quan nghiên cứu vũ trụ NASA, Edgar đã được xem những tài liệu mà ít ai được biết. Ông ấy nói rằng một số khoa học gia khác cũng được xem nhưng vì không muốn gặp rắc rối nên không ai muốn đề cập gì về chuyện đó.

Tôi thấy rất thú vị, hỏi thêm:

– Vậy Edgar đã kể gì với ông về những việc diễn ra sau đó?

Thomas chậm rãi trả lời:

– Việc đề cập đến sự hiện hữu của sinh vật ngoài hành tinh từ một người có uy tín như phi hành gia Edgar Mitchell đã làm cho NASA lúc ấy rất khó xử. Sau đó, phát ngôn viên của cơ quan này phải tuyên bố rằng NASA là cơ quan nghiên cứu khoa học chứ không phải nơi theo dõi các hiện tượng lạ trên hành tinh này. Họ không xác nhận hay phủ nhận sự tồn tại của sinh vật ở các hành tinh khác, vì việc này không nằm trong đối tượng nghiên cứu của họ. Mục tiêu chính lúc đó của NASA là làm sao để đưa con người lên không gian mà thôi.

Thomas suy nghĩ một lúc, rồi tiếp tục:

– Edgar cho tôi biết ông ấy đã đề cập chi tiết về việc chiếc đĩa bay rơi ở Roswell với các viên chức thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Họ nói với ông rằng có những việc cần được giữ bí mật, vì từ chiếc đĩa bay đó, họ đã khám phá nhiều kỹ thuật tối tân, tiên tiến vượt bậc, không thể để lọt bí mật này vào tay bất kỳ quốc gia nào khác. Anh biết đó, lúc bấy giờ cuộc chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên xô đang vào giai đoạn căng thẳng nhất. Bộ Quốc phòng đã chính thức yêu cầu Edgar không được nói gì thêm về đề tài vật thể bay không xác định.

Đến đây thì tôi thật sự thấy hứng thú với chủ đề, tôi hỏi tiếp:

– Nhưng Edgar có bao giờ thật sự nhìn thấy UFO chưa?

Thomas lắc đầu:

– Mặc dù là phi hành gia và đã bay nhiều chuyến trong không gian, cũng đã từng đặt chân lên mặt trăng, nhưng Edgar chưa từng tận mắt nhìn thấy một vật thể bay lạ nào. Tuy nhiên, ông ấy tin rằng chiếc đĩa bay bị rơi ở Roswell thật sự thuộc về một nền văn minh ngoài trái đất đang bí mật theo dõi sự phát triển của hành tinh chúng ta. Khu vực chiếc đĩa bay rơi ở Roswell là một làng nhỏ nằm gần white Sand, hiện nay vẫn đang là khu vực phong tỏa quân sự tối mật của Hoa Kỳ, được gọi là vùng cấm số 51 (Prohibited Area 51).

Thomas im lặng suy nghĩ một lúc rồi nói:

– Edgar Mitchell là người rất thông minh nhưng trực tính, ông ấy có tư duy tiến bộ, muốn chia sẻ kiến thức với mọi người, muốn mở rộng nghiên cứu khoa học đến những chân trời mới, khám phá những điều mới lạ mà loài người chưa từng được biết. Tuy nhiên, ông ấy cũng đã khiến nhiều nhà khoa học nổi tiếng lúc đó không lấy gì làm vui vẻ bởi những tuyên bố của mình, và ông cũng hứng chịu nhiều búa rìu dư luận, từng bị quy là “phản khoa học”. Thật ra ít ai trên đời này có thể hiểu được đầu óc của những thiên tài, vì sự suy nghĩ của họ vượt xa chúng ta rất nhiều.

Tôi im lặng một chút rồi chợt nhớ lại chuyện trước đây:

– Trong buổi nói chuyện tại Đài Bắc với giáo sư Raymond Yeh, phi hành gia Mitchell đã đề cập đến việc cuộc cách mạng khoa học có thể lật đổ những quan niệm cũ, tồn tại từ trước đến giờ. Lúc đó, tôi và giáo sư Yeh không nghĩ rằng điều đó có thể sớm xảy ra. Edgar có nói thêm gì về việc này không?

Thomas gật đầu xác nhận:

– Tôi nhớ lúc đó phi hành gia Edgar không nói gì thêm, sau đó chúng tôi cũng chưa có dịp đi sâu vào vấn đề này. Tuy nhiên, ông ấy vẫn tin rằng đã đến lúc chúng ta phải xem xét nghiêm túc lại những hậu quả không mong muốn mà khoa học kỹ thuật đã tạo ra. Ông ấy tin rằng với những khám phá và dữ liệu khoa học mới, người ta có thể thay đổi nền tảng của khoa học thực nghiệm đã được thiết lập từ hàng trăm năm nay. Từ trước đến nay, chúng ta mặc nhiên chấp nhận một số kiến thức và ứng dụng khoa học mà không hề đặt câu hỏi về giá trị thật và tác dụng không mong muốn của chúng, có thể những kiến thức khoa học này thật sự hữu ích vào thời điểm chúng được khám phá ra, nhưng hiện nay thế giới đã dần đổi khác, chúng ta cần những kiến thức mới, thích hợp với tình trạng thực tế ngày nay hơn. Đã đến lúc cần đặt câu hỏi rằng liệu chúng ta có thể tuyệt đối tin tưởng những gì chúng ta đã từng chấp nhận trước đây không? Dĩ nhiên, một số người vẫn tin vào những kiến thức này, vì nền tảng khoa học cũng như lý thuyết về kinh tế, xã hội, nhân văn đều được xây dựng trên đó. Nhưng Edgar cho rằng trong tương lai sẽ có những nghiên cứu và dữ kiện mới được khám phá, chứng minh rằng các giá trị mà chúng ta vẫn tin tưởng không còn thích hợp nữa và một kỷ nguyên mới sẽ bắt đầu.

Tôi hỏi tiếp:

– Nhưng liệu Edgar có tin rằng những kiến thức khoa học ngày nay có thể sụp đổ không?

Thomas trả lời:

– Edgar cho biết, ông nghĩ rằng con người thường có khuynh hướng quan tâm đến những việc xảy ra trong tương lai mà hiếm khi nào quay lại kiểm chứng những niềm tin cũ. Có biết bao nhiêu thứ được coi là “Đúng” của thế kỷ thứ 19 mà nay đã được chứng minh là hoàn toàn “Sai”. Ngày nay, nhìn lại một sổ lý thuyết khoa học của thế kỷ 20, chúng ta đã thấy có những lỗ hổng từ căn bản. Có thể những lý thuyết này không hoàn toàn sai nhưng chưa hoàn chỉnh, còn thiếu sót, cần bổ túc thêm. Chúng ta sống trên trái đất nên tầm nhìn thường bị giới hạn vào một nơi chốn, một thành phố hay một quốc gia, nhưng khi bước ra ngoài không gian thì mọi thứ đều đổi khác. Khi lơ lửng trong không gian bao la vô tận đó, ta thấy toàn thể trái đất mới thật sự là quê hương thân thương của mình. Từ đó, mọi quan niệm phân biệt về quốc gia, chủng tộc, chính trị, tôn giáo, văn hóa, xã hội đều thay đổi. Không ai chứng kiến sự vĩ đại của vũ trụ và sự nhỏ bé của trái đất mà không khỏi giật mình vì những điều chúng ta đã gây ra cho trái đất thân yêu của mình. Edgar nói rất rõ: “Không một ai bước ra ngoài không gian mà không thay đổi. Không người nào đã mở rộng tầm mắt lại chấp nhận chui trở lại vào cái vỏ ốc đã giam hãm mình từ bao năm qua”. Buổi nói chuyện với Hòa thượng Thánh Nghiêm đã khiến cho Edgar nghĩ nhiều về mối tương quan giữa con người và vũ trụ. Điều đó đã giúp ông ấy có động lực mạnh dạn đi theo con đường mà ông ấy đề xướng, rằng sẽ có một cuộc cách mạng khoa học và thay đổi xảy ra trong tương lai gần. Anh có biết tại sao Edgar nghĩ như thế không?

Tôi lắc đầu, Thomas nói tiếp:

– Vì tất cả nền tảng của khoa học thực nghiệm đều dựa trên những giác quan của con người. Họ phải nhìn thấy, nghe thấy, sờ thấy và phải sử dụng dụng cụ khoa học, máy móc để đo lường và kiểm chứng. Máy móc càng tối tân, dữ kiện càng chính xác, thì những lý thuyết đặt ra càng được công nhận. Tuy nhiên, giác quan của chúng ta có giới hạn, do đó mọi quan niệm, mọi lý thuyết, mọi suy nghĩ của chúng ta đều bất toàn. Qua trải nghiệm về cảm giác hòa nhập với vạn vật, Edgar ý thức rõ sự tương quan giữa con người và vũ trụ. Khi trở về, ông đã đặt câu hỏi rồi ngạc nhiên về sự giới hạn của nền khoa học thực nghiệm mà ông đã theo đuổi từ bao lâu nay. Sau buổi nói chuyện với Hòa thượng Thánh Nghiêm về kinh Hoa Nghiêm, về sự tương quan và tương nhập của vạn vật trên thế gian, Edgar nói với tôi rằng ông ấy đã mở rộng tầm mắt đến những chân trời mới lạ mà ít nhà khoa học nào để ý đến. Ông ấy không ngờ từ lâu các nhà hiền triết phương Đông đã biết cách phát triển những giác quan siêu việt để phá vỡ những giới hạn mà khoa học hiện nay chưa thể vượt qua. Đó là những giác quan nội tại mà một khi được khám phá có thể đánh đổ nhiều quan niệm thiếu sót hay sai lầm mà hiện nay chúng ta tin tưởng. Đó là lý do ông ấy quyết tâm thúc đẩy các cuộc nghiên cứu về mối liên hệ giữa khoa học và trải nghiệm nội tại. Hiện nay, các cuộc nghiên cứu này vẫn đang được tiếp tục tại Viện Khoa học Tinh thần (The Institute of Noetic Sciences) mà Edgar thành lập tại California.

Tôi hỏi thêm:

– Việc nghiên cứu này hiện tiến triển ra sao rồi?

Thomas mỉm cười:

– Thời gian đầu tôi cũng thường đến thăm Edgar Mitchell và theo dõi các cuộc nghiên cứu này. Hiện nay, tôi không mấy để ý đến việc này nữa. Tôi muốn dành thời gian cho những điều mình quan tâm nhiều hơn.

Tôi ngạc nhiên:

– Nhưng chẳng phải ông là một trong những người đã hỗ trợ thành lập viện nghiên cứu cũng như đã tài trợ cho các cuộc nghiên cứu này sao?

Thomas im lặng một lúc rồi nói:

– Đúng vậy, nhưng các nghiên cứu này sẽ khó có được kết quả khi mà mọi người vẫn đi tìm giải pháp thông qua những thí nghiệm khoa học bên ngoài thay vì đi vào những nguyên nhân cốt lõi bên trong. Điều này cũng giống như khi có bệnh, ta chỉ uống thuốc làm giảm đau, trị các triệu chứng chứ không đi tìm căn nguyên đã gây nên căn bệnh đó và trị tận gốc.

Tôi hỏi lại:

– Tại sao ông lại nghĩ như thế?

Thomas chăm chú nhìn tôi rồi trả lời:

– Trong một buổi nói chuyện với ông Kris, tôi vô tình hỏi về sự hiện hữu của các sinh vật từ các hành tinh khác. Ông Kris cho rằng chúng ta không nên bận tâm nhiều đến việc đó. Hiện nay, ngay trên trái đất này còn bao nhiêu sinh vật mà người ta chưa biết đến, bao nhiêu số phận bi thương không được ai quan tâm, bảo vệ thì để tâm đến những sinh vật từ các hành tinh xa xôi để làm gì? Lúc đó, lòng tự ái của tôi trỗi dậy, nên tôi đã phản bác, rằng trái đất còn gì nữa mà con người chưa biết? Từ nhiều thế kỷ nay, con người đã khám phá tất cả những gì có thể khám phá, đã nghiên cứu tường tận về mọi sinh vật, mọi điều kiện sống, chẳng còn gì để phải tìm hiểu thêm nữa. Đây là lúc phải đi ra ngoài vũ trụ để nghiên cứu. Khi đó, ông Kris đã bật cười. Ông ấy nói: “Cách đây hàng ngàn năm, nhà hiền triết Socrates đã dạy các học trò của mình: “Các con đừng đi tìm gì đâu xa, hãy tự hiểu biết mình, vì tự hiểu mình sẽ hiểu biết được vũ trụ”. Một lời khuyên đầy minh triết mà chúng ta vẫn có thể áp dụng cho ngày nay được. Như ông cũng biết, vũ trụ rộng lớn bao la, có hàng triệu hành tinh, hàng triệu Thái Dương hệ, hàng triệu Tinh vân(Nebula), tất cả đều không ngừng quay, không ngừng biến chuyển, cái thì sinh ra, cái thì mất đi, sinh sinh, diệt diệt, không bao giờ chấm dứt. Tuy nhiên, nếu quay vào bên trong, tu tập nội tâm, ông cũng sẽ thấy có hàng triệu tư tưởng nảy sinh trong tâm trí mình, tất cả cũng không ngừng quay cuồng, biến chuyển, lúc thì sinh ra, khi thì mất đi, sinh sinh, diệt diệt, cũng không hề chấm dứt. Tóm lại tâm của ta có khác gì vũ trụ đâu? Do đó nếu biết mình, biết sự thay đổi trong tâm mình, thì cũng có thể biết được những sự kiện muôn màu muôn vẻ bên ngoài vũ trụ”.

Sau khi đi qua những trải nghiệm kỳ lạ và hành trình thức tỉnh của riêng mình, tôi ngày càng tâm đắc với câu nói đã được nghe nhiều năm trước: “Xin đừng ngắm các vì sao khi mặt đất còn nhiều điều chưa hiểu hết”.

Vào đầu cuộc nói chuyện chiều nay, tôi đã chia sẻ với anh những khủng hoảng, biến động chưa từng có của thế giới đang diễn ra. Và để hiểu hết cội nguồn, nguyên nhân, chúng ta không thể đi lên mặt trăng, sao Hỏa hay sao Kim đi tìm lời giải cho loài người đang sống dưới trái đất này được. Lời giải phải đến từ bên trong chúng ta.

Rất nhiều điều vô hình mà chúng ta chưa thấu hiểu hết được lại vô cùng quan trọng. Chính nghiệp báo đang tác động, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống chúng ta và những biến cố lớn đang diễn ra ngoài kia sẽ không dừng lại.

Bây giờ tôi sẽ kể anh nghe những câu chuyện ông Kris đã chia sẻ gần đây mà theo tôi là quan trọng. Những câu chuyện này khá dài và liên tục nên tôi phải trực tiếp gặp anh chứ không thể nói chuyện qua điện thoại hay email được. Đó là lý do tôi muốn mời anh đến đây với tôi vài ngày. Và tôi không chỉ đơn giản chỉ kể lại cho anh nghe, mà từ đó chúng ta sẽ cùng đi tìm giải pháp cho những vấn đề của hiện tại và tương lai. Anh và tôi sẽ bước vào một cuộc hành trình, một sứ mệnh để góp phần chia sẻ, lan tỏa những giá trị hữu ích đến với mọi người – càng nhanh càng tốt. Chúng ta không còn nhiều thời gian nữa!

Tuy chuyến bay cũng khiến tôi khá mệt, nhưng tôi vẫn muốn bắt đầu câu chuyện và ghi chép ngay.

Sau đây là những cuộc đối thoại thú vị, đầy minh triết giữa ông Kris và Thomas, cùng với hành trình thức tỉnh tâm linh của Thomas.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.