Nợ đời

CON LÀ MÁU CHÁU LÀ MỦ



Tại chợ Cầu Kho đi theo đường Nguyễn-Tấn-Nghiệm lên trại lính tập Aux Mares, qua khỏi đường Galliéni[1] một khúc xa xa, thấy bên tay trái có một cái nhà lầu ba căn, mỗi căn đều cuống cửa bán nguyệt, ngoài có hàng rào sắt sơn đỏ lòm, trong có sân rộng lớn trồng nhiều thứ hoa quả, một bên có nhà để xe, một bên có nhà bồi nhà bếp. Vì nhà cũ nên kiểu vẻ không khéo, nhưng mà nhờ cái sân rộng, nên đứng ngoài lộ ngó vô cũng có vẻ nguy nga đẹp-đẽ.

Cái nhà ấy là nhà của ông Tri-Phủ Hàm Phạm-Gia-Tăng.

Ông Phủ Tăng gốc ở Cai Lậy. Hồi nhỏ ông có học đủ hai thứ chữ: Chữ nho và chữ tây. Tuy thứ chữ nào ông học cũng tham-nham[2] mà thôi chớ không giỏi, song khi ông được 20 tuổi, cha mẹ mất khuất hết rồi, ông không chịu ở với anh là Phạm-Gia-Luông, ông tuốt lên Saigon quyết chí kiên nhẫn, tấn thủ đặng lập thân, lập nghiệp. Ông lăn-lóc với kinh thành trong mấy năm, việc gì ông cũng làm, chỗ nào ông cũng ở; nhờ tánh ông nhỏ-nhen, nhứt là nhờ lời ông lanh lợi, nên ông thường được no cơm lành áo.

Một bữa nọ, Tăng đi lệu-khệu may gặp cô Võ-Thị-Phuông người ở Cái-Vồn, kiện để chồng, bị Tòa-sơ Cần-Thơ bát đơn, cô chống án lên Tòa Phúc-Án[3], nên cô lên Saigon kiếm Trạng-sư mướn cãi giúp. Tăng lãnh đem đường chỉ nẻo, mưu tránh dại tìm khôn; trong mấy tháng cô Phuông được án để chồng, mà rồi cô lại đánh ụp với Tăng, mướn phố ở chung, kết tình ân ái. Trong lúc dìu-dắt hầu kiện, Tăng đã biết cô Phuông là con gái của một nhà giàu lớn, mẹ mất sớm, còn cha thì già, tuy cô có một người anh cả với một người em trai, song bề nào ngày sau cô cũng được hưởng gia tài của cha mẹ, bởi vậy Tăng quyết lấy đạo vợ chồng mà lập đường công danh, nên hẹn non thề biển, làm cho cuộc trăng gió trở nên cuộc đá vàng.

Thiệt quả, cách vài năm sau, ông già của cô Phuông qua đời, anh em cô thuận phân gia tài, cô Phuông lãnh phần ăn được 30 ngàn đồng bạc mặt với 200 mẫu ruộng tốt tại Cái-Vồn mỗi năm cho mướn được bảy ngàn giạ lúa.

Tăng thấy kế lập nghiệp đã thành tựu, đường công danh đã rộng mở, mới òn-ỷ bày vợ xuất 10 ngàn đồng bạc mua cuộc nhà nguy-nga mình mới thấy trước đó. Còn 20 ngàn thì để làm vốn cho vay. Cách cho vay của Tăng thiệt là khôn khéo: nhứt định chẳng chịu giùm cho ai số vốn quá một ngàn, mà ai muốn vay từ năm trăm sấp lên một ngàn thì phải treo ruộng hoặc treo phố cho chắc-chắn mới chịu ra bạc. Tăng thường dặn vợ phải làm như vậy mới khỏi mất vốn, bởi vì mấy chủ vay lớn nếu họ không trả thì mình lấy ruộng lấy phố mà trừ, còn mấy chủ vay nhỏ dầu mỗi năm có một hai người trốn đi nữa, thì số tiền lời của người khác cũng đủ mà đắp số vốn mất, không đến nỗi thiệt hại được.

Vợ chồng chuyên có một nghề vay mà số ruộng đất ngày càng tăng hoài, số bạc vốn cũng tăng bằng năm, bằng bảy, rồi lại được thưởng chức Huyện-Hàm, sau xuất năm ngàn đồng bạc cứu giúp thủy tai mới thăng hức Phủ-Hàm.

Lúc viết truyện nầy thì vợ chồng ông Phủ Tăng có 3 đứa con:

1. Con gái Phạm-Thị-Liên-Hoa, 13 tuổi

2. Con trai Phạm-Gia-Trinh, 11 tuổi,

3. Con trai Phạm-Gia-Tường, 9 tuổi.

Vợ chồng cưng con không ai bì kịp, mà lại cũng cưng bạc tiền chẳng có chi bằng, bởi vậy cách mười mấy năm trước Phạm-Gia-Luông, là anh của ông Phủ, nghe em giàu có, lên hỏi mượn 200 đồng bạc đặng đem về mua trâu làm ruộng. Thời vận chẳng may nên trâu chết, lại ruộng thất, Luông không trả 200 đồng bạc lại được, vợ chồng ông Phủ mắng nhiếc đủ điều, rồi cấm biệt không cho Luông tới nhà nữa. Khi Luông chết, vợ Luông có mượn người lên cho hay, mà vợ chồng ông Phủ cũng không thèm về, chỉ gởi cho 5 đồng bạc mà thôi. Hôm nay bà Phủ về Cái-Vồn thăm anh em, nhờ có lộ mới nên đi ngang qua Cai-Lậy; ông Phủ nhớ tới thân tộc, ông dặn bà ghé hỏi thăm, nên bà mới ghé và rước con Phục đó.

Lối 5 giờ chiều xe hơi của bà Phủ Tăng về tới nhà, chạy thẳng vô sân mà đậu.

Con Phục thuở nay chưa lên Saigon, mà cũng chưa tới nhà giàu một lần nào, bởi vậy trên xe leo xuống nó ngó quanh quất, thấy nhà lầu đồ sộ, thấy vườn hoa đẹp-đẽ, trong lòng hồi hộp, tay ôm gói áo quần đứng trân-trân.

Ông Phủ Tăng ở trong nhà nghe xe về, ông bước ra sân mừng vợ mừng con; ông ôm hai đứa con trai nhỏ ông hun, rồi ông day lại thấy con Phục thì ông hỏi bà rằng: “Con nhỏ nào đây? Bà mướn ở dưới phải hôn?”

Bà Phủ và bước xuống xe và đáp rằng:

-Không. Con của anh hai đó đá.

-Anh hai nào?

-Anh hai mình ở dưới Cai-Lậy, chớ anh hai nào.

Ông Phủ nghe nói như vậy thì ông chăm chỉ ngó con Phục rồi hỏi bà nữa rằng:

-Con của anh hai mà bà chở nó lên trên nầy làm giống gì?

-Chỉ chết rồi, nó bơ-vơ ở với người ta, tôi thấy vậy nên tôi đem nó về đó.

-Đem về mà làm gì! Chỉ chết hồi nào?

-Chết đã mãn tang rồi.

Con Phục từ nhỏ chí lớn không biết mặt chú. Nay nó gặp thì trong bụng mừng thầm, tưởng chú nghĩ tình cốt nhục mà niềm-nỡ. Chừng nó nghe mấy lời lạt lẽo ấy thì trong lòng nó lạnh ngắt, nên nó đứng ngẩn-ngơ.

Ông Phủ hỏi nó rằng:

-Mầy được mấy anh em?

-Cha mẹ cháu sinh có một mình cháu mà thôi.

-Hử! Năm nay Mầy mấy tuổi?

-Thưa, cháu được 16 tuổi.

-Từ khi má mầy chết tới bây giờ mầy ở với ai?

-Cháu ở với vợ chồng cậu Cai-tuần Kim.

-Ở một năm bao nhiêu?

-Thưa, vợ chồng cậu Cai-tuần Kim thấy cháu côi cút bơ vơ thì thương nên đem cháu về nuôi, chớ không phải mướn cháu.

-Nếu vậy thì về trên nầy mà ở cũng phải, ở giữ hai đứa nhỏ và dắc nó đi học.

Bà Phủ tiếp nối rằng: “Tôi cũng tính như vậy nên tôi đem nó về đó. Nó ở dưới mình[4] thì có nghĩa hơn là ở dưới người ta, may áo may quần cho nó bận rồi giao hai đứa nhỏ cho nó đưa rước đi học.”

Ông Phủ gặc đầu rồi dắt ba đứa con vào nhà. Bà Phủ kêu một ông già đang lui cui tưới bông gần đó mà nói rằng: “Ông Cao, ông dắt con Phục xuống nhà bồi cho nó cất quần áo, rồi một lát tôi sẽ kêu nó lên nhà lầu tôi sai cắt phần việc cho nó làm”. Bà dạy rồi bà đi thẳng vô nhà lầu với chồng con, còn con Phục tay ôm gói áo đi theo ông Cao xuống nhà bếp.

Con Phục đi coi cùng trong nhà bồi nhà bếp, rồi lần lần bước ra đứng núp vách tường nhà lầu mà xem hoa.

Trời chiều mát mẽ, hoa nở đủ màu, tiếng cười inh ỏi trên lầu, xa mã rần-rần ngoài lộ. Cảnh tình coi lạ mắt mà bề ăn ở cũng chưa yên, con Phục bồi hồi trong lòng rồi nhớ xóm mình ở xưa nay, nhớ cái nhà của Cai-tuần Kim rưng-rưng nước mắt.

Người nấu ăn bưng đồ lên nhà trên mà dọn cơm, ông Cao thôi tưới bông, ông cũng phụ mà bưng, song hai người không ai nói động đến con Phục. Nó thấy vậy mới lén đi gần cửa ngõ mà ngó ngoài đường, thấy xe kéo nghểu nghểnh không hiểu là xe gì, thấy thiên-hạ lại qua có nhiều người mặc áo quần không giống với người Cai-Lậy. Nó đương đứng ngó mông, thình-lình ông Cao chạy ra kêu mà nói rằng: “Nè em, bà lớn kêu nãy giờ ở trỏng. Làm giống gì mà đứng ngoài nầy? Bà lớn biểu vô coi cho cậu ba, cậu tư ăn cơm”.

Con Phục theo ông Cao mà trở vô. Bước lên nhà lầu, nó thấy vợ chồng ông Phủ với ba đứa con đương ngồi tại bàn ăn cơm.

Bà Phủ châu mày hỏi rằng: “Mới đó mà Mầy đi đâu mất vậy?”

-Con Phục cười ngỏn ngoẻn đáp rằng:

-Cháu ra đứng chơi ngoài cửa ngõ.

-Chơi giống gì ở ngoải? Con gái không được phép ra đứng ngoài đường. Lạy đứng sau lưng cậu ba cậu tư đây, coi gắp đồ ăn cho hai cậu ăn.

Con phục đã quen cái thói hèn hạ, lại thấy bàn ghế tủ giường trong nhà cái nào cũng đẹp, nên nó mắc ngó đồ, không để ý đến mấy lời quở nó đó.

Ông Phủ nói: “Con nhỏ bận đồ dơ dáy quá. Nếu bà tính giao sắp nhỏ cho nó, thì phải may áo trắng cho nó bận sạch-sẽ mới được chớ”.

Bà Phủ gặt đầu đáp rằng: “Chớ sao. Để mai rồi tôi mua vải mướn may đồ mới cho nó bận. Giữ sắp nhỏ mà ăn bận dơ dáy sao được”.

Bà lại day qua nói với con Phục rằng: “Mai mầy tắm-rửa cho sạch-sẽ nghe hôn. Phải rửa mặt gỡ đầu, chớ đừng làm như thói ở dưới ruộng vậy không được. Nhà tao là nhà quan, khách-khứa tới thường. Phải ăn nói cho có lễ phép, phải giữ áo quần cho sạch sẽ. Thôi, lại góc kia vặn đèn lên coi nào”.

Con Phục nghe bà Phủ biểu thì vưng lời, ngó theo tay bà chỉ mà đi lại góc vách tường, song lại đó rồi nó đứng lơ láo, không thấy cái đèn nào hết, nên không biết tại sao mà biểu kỳ như vậy. Ông Phủ biết nó quê mùa, không hiểu đèn khí[5], ông bèn buông đủa, bước lại dạy nó cách đốt đèn tắt đèn. Nó thấy vặn một chút đàng nầy, mà đèn lại bực cháy đàng kia, thì nó lấy làm lạ hết sức, nên đứng chưng-hửng.

Ông Phủ vặn cháy hết các đèn trong nhà sáng trưng. Cho đồ đạt càng thêm hực-hở, con Phục dòm thấy lại càng thêm đăc ý hơn nữa.

Sắp nhỏ ăn cơm rồi, bà Phủ biểu con Phục coi rửa tay rửa miệng và bưng nước cho chúng nó uống. Chừng người nấu ăn bưng đồ nấu ăn dư đem xuống bếp hết rồi, bà Phủ mới kêu ông Cao mà dặn chừng dưới nhà bếp ăn cơm thì kêu con Phục ăn với. Thiệt một lát ông Cao lên kêu con Phục xuống nhà bếp mà ăn cơm với ông, người nấu ăn và người sớp-phơ.

Đồng hồ gõ 8 giờ, cô Liên-Hoa, là con gái của ông Phủ đứng trên thềm nhà lầu kêu mà nói rằng: “Phục, mầy lấy giống gì đó? Bà biểu mầy lên nhà trên cho bà dạy việc”.

 Người sớp-phơ cười và nói với ông Cao rằng: “con Phục là con nhà bác, đứng vai chị, mà cô hai kêu bằng: “mầy” chớ!

Con Phục nghe mấy lời bình phẩm ấy, song nó không buồn, hăng-hái bước lên nhà lầu. Nó thấy ông Phủ nằm trên bộ ván lớn, đương làm thuốc á-phiện mà hút, bà Phủ nằm phía bên kia, cô Liên-Hoa đứng dựa bàn đọc sách còn hai cậu nhỏ thì giởn chơi, cười la om sòm.

Bà Phủ thấy con Phục thì bà nói rằng: “Đâu bước lại gần đây đặng nghe thím dặn nè. Mầy là con cháu trong nhà, thím tin cậy lắm, nên thím mới đem về thím nuôi. Vậy phải hết lòng lo coi sóc công việc trong nhà cho chú thím. Đừng có làm công chuyện dưới nhà bếp, ở dưới có thằng bếp nó lo. Còn ngoài vườn thì có ông già Cao ổng lo nhổ cỏ tưới cây, mầy cũng khỏi làm những việc ấy. Mầy chỉ lo nội nhà trên với coi sắp nhỏ mà thôi. Con Liên Hoa nó học nhà trắng. Một tuần nó mới về nhà một ngày, mà nó đi hay là về đều có xe hơi đưa rước, nên mầy khỏi lo, duy có hai đứa nhỏ nó học ở trường Cầu-Kho đây, mỗi buổi học phải đưa, chừng tan học phải rước. Xưa rày ông già Cao đưa rước hai đứa nó mà ổng già cả lụm-khụm quá nên thím không vừa lòng. Thím muốn mầy lãnh đưa rước em đi học thì thím mới chắc ý. Vậy hễ khuya thức dậy thì mầy lo quét nhà cho sạch sẽ, rồi đưa hai em đi học. Một lát trở về coi giặt áo giặt quần cho nó, lo dọn dẹp trên nhà lầu, gần tan học đi rước em, rồi về coi chừng nó ăn ngủ. Công việc của mầy chỉ có bao nhiêu đó mà thôi: dọn dẹp trên nhà lầu, săn-sóc hai đứa nhỏ”.

Ông Phủ nói tiếp rằng: “Thím mầy dặn đó, phải nhớ mà làm. Con gái phải siêng năng, chớ đừng có ham chơi-bời mà hư thân. Phải gắng làm công chuyện cho giỏi, rồi thím mầy sắm áo quần cho mà bận. Tối phải ngủ trên nhà trên, ngủ bộ ván để phía sau đó, đặng có việc gì thím mầy kêu cho dễ. Chú nói đó nhớ hôn?”

Con Phục dạ và cúi đầu, chớ không nói chi hết.

Bà Phủ nói: “Thôi, lại bóp chưn cho thím một chút. Ngày nay ngồi trên xe hơi sao mỏi bắp chưn quá”.

Con Phục bước lại đứng dựa ván mà bóp chưn cho Bà Phủ, bóp chưn rồi đến đấm lưng, bóp đấm trót nửa giờ đồng hồ, hai tay mỏi muốn rụng rồi bà mới dắc vô trong, chỉ một bộ ván nhỏ có trải một chiếc chiếu trắng cũ mà biểu nằm đó ngủ. Trước khi bước ra bà dặn thêm rằng: ”Thôi, ngủ cho sớm đặng sáng dậy sớm mở cửa quét nhà, rồi đi theo ông Cao đưa sắp nhỏ đi học một lần cho biết đường. Để mai tao đi chợ mua vải mướn may áo quần mới cho mà bận.

 Con Phục vì lạ người lạ chỗ, nên nằm thao thức hoài ngủ không được. Tuy nó ăn cơm dư với bạn bè dưới nhà bếp, tuy phần việc cắt cho nó làm là phần việc của tôi tớ, tuy nó ngủ một bộ ván nhỏ với một manh chiếu cũ không có mùng mền, nhưng mà nó không để ý đến những việc ấy, nó cứ nhớ được đi xe hơi, được nằm trong nhà lầu, nhứt là nhớ những câu: “Con cháu trong nhà”, “tin lắm mới đem về nuôi”, ”may áo quần mới cho mà bận” bởi vậy trong lòng nó vui vẻ, không hờn chú-thím, không buồn bổn phận chút nào hết.

Cách một lát, nó nghe bà Phủ kêu Ông Cao biểu đóng cửa rồi bà dắt ba đứa con lên lầu. Ông Phủ nằm hút thêm ít điếu rồi ông cũng tắt đèn mà lên lầu, mang giày hàm ếch bước lên thang lầu tiếng nghe lẹp-xẹp.

Con Phục cũng còn thao thức nữa, nó nhớ mặt cha hồi trước cũng giống như mặt chú nó, duy cha nó còn tóc, còn chú nó thì hớt tóc ma-ninh, cha nó nghèo nên áo quần cũ rách, chú nó giàu nên chơn vớ chơn giày. Nó nhớ chú nó gặp nó không có nhắc tới cha nó. Nó suy nghĩ không hiểu tại sao vậy, suy nghĩ riết rồi ngủ quên.

Trời sáng con Phục mới thức dậy mở cửa đi rửa mặt, rồi kiếm chổi quét nhà, quét ván, lau ghế, lau bàn.

 Ông Phủ dậy trước, ông biểu cô Liên-Hoa sửa soạn rồi ông kêu sớp-phơ đem xe hơi ra mà đưa cô vô nhà trắng cho kịp giờ học. Ông lại biểu con Phục coi bận áo quần cho hai đứa con nhỏ của ông là Trinh và Tường, coi lấy bánh mì với sửa bò cho chúng nó ăn, rồi dắt chúng nó lại trường Cầu-Kho, ông Cao cũng đi theo mà chỉ đường một lần cho con Phục biết đặng sau nó đưa rước một mình cho được.

Xe hơi đưa cô Liên-Hoa trở về nhà rồi bà Phủ mới thức dậy. Bà trang điểm thoa dồi, thay quần đổi áo trót một giờ đồng hồ rồi bà mới lên xe hơi mà đi chợ Bến Thành. Chừng bà trở về, bà kêu con Phục chạy ra xe ôm vô mấy gói đồ của bà mua. Ông Phủ hỏi bà mua vật gì mà lục cục tới ba bốn gói. Bà mở một gói ra là gói vải đen, bà nói để may quần cho con Phục. Bà mở một gói nữa, là gói vải trắng mà có lộn vải bông, bà nói hai thứ vải đó để may áo cho con Phục. Bà mở luôn gói thứ ba, bà lấy ra một cái khăn choàng hầu bằng lụa trắng, bà kêu con Phục lại mà biểu đội thử cho bà coi. Con Phục nước da trắng đỏ, gương mặt tròn trịa, nó đội cái khăn mới lên thì mặt mày sáng rỡ coi đẹp vô cùng.

Bà Phủ nhắm nó bà cười, rồi móc túi lấy ra một gói nhỏ bằng ngón tay, bà đưa cho nó mà nói rằng: “Thím cũng có mua một đôi bông nhận hột đây. Đeo thử coi”.

Con Phục thấy đôi bông thì chóa mắt, trong lòng khấp khởi, cảm phục chú thím hết sức. Tuy đôi bông đáng giá chừng một đồng rưởi, nhưng mà thuở nay nó thấy chớ chưa được đeo lần nào, bởi vậy nó mừng cũng như người ta mới sắm được đôi bông xoàn. Vợ chồng ông Phủ dắt nhau lên lầu, nó lén lại đứng trước một cái tủ kiến mà soi, thấy hai trái tai hột chói sáng sáng, thì nó lấy làm đắc ý.

Thường nghe thấy mật ngọt nên chết ruồi, kim tiền hay mê chúng. Thiệt quả con Phục vì mấy lời dịu ngọt của bà Phủ, rồi lại vì mấy thước vải với một đôi bông tai, mà nó sanh mối cảm trong lòng, mới về ở một vài ngày mà nó thương yêu kính phục chú thím như trời như biển. Đưa rước hai đứa nhỏ đi học thì nó ân-cần sốt-sắng, mà về nhà chẳng lúc nào nó ở không, quét nhà, quét cửa rồi thì lau bàn, lau tủ; trưa nắng thì giặt đồ đem phơi; chiều mát thì lo tắm sắp nhỏ. Đã vậy mà nó còn phải lo hầu trầu nước cho bà Phủ, ban đêm phải đấm bóp cho bà. Nó làm không hở tay, mà trong lòng nó lại vui, không tiếc cái thú quê mùa mà thong thả ở dưới Cai-lậy chút nào hết.

Cách mấy ngày bà Phủ mướn may áo quần mới xong rồi, bà Phủ đưa cho con Phục một cái áo vải trắng bông đỏ với một cái quần vải đen, bà biểu bận thử cho bà coi. Con Phục nó có sắc sẵn, mà hổm nay nó tắm gội, mặt mày tay chưn đều sach sẽ, tóc tai bới vén khéo, nên bận đồ mới vô coi nó càng thêm đẹp đẽ bội phần. Bà Phủ ngó nó bà cười, rồi bà đi mở tủ lấy ra một chiếc đồng trơn bà đưa cho nó mà nói rằng: “Có một chiếc đồng hồi trước sắm cho con vú của thằng Tường đây. Con Vú, thôi ở, tao giận tao đòi lại. Đây mầy đeo thử coi vừa hay không?”

Con Phục thấy chiếc đồng mà đeo vô tay trái, vì cườm tay nó trắng nỏn lại no tròn, nên nó đeo chiếc đồng khít-khao coi vừa lắm. Bà Phủ nói: “Đeo vừa thì lấy mà đeo, song phải giữ, đừng làm móp nghé”. Con Phục được đeo bông tai, được bận áo quần mới mà lại được đeo vòng đồng nữa, thì sự vui mừng của nó chẳng có chi bằng. Nếu lúc nầy mà vợ chồng Cai-tuần Kim lên khóc lóc năn-nỉ xin nó trở về, thì chắc dầu nói thế nào nó cũng không chịu.

Ở được mấy tháng, con Phục tuy làm cực, song nó không phiền. Nó chỉ buồn có một điều là hay bị cô Liên-Hoa mắng chưởi và bị hai cậu nhỏ đánh đập ngắt véo.

Một bữa chủ nhật, lối 5 giờ chiều, có một bà Hộ ở trong Cholon ra thăm bà Phủ. Con Phục lăng-xăng lo trầu nước, cô Liên Hoa ở trong nhà tắm cô kêu nó ôm sòm biểu lấy áo quần cho cô thay, mà nó mắc chế nước nên không vưng lời mau lẹ được. Chừng nó lấy áo quần ôm vô nhà tắm, thì cô Liên Hoa gựt cái quần đập trên đầu nó mà chưởi rằng: “Đồ chó đẻ, tao kêu mầy sao mầy ở miết ngoải? Cái mặt sao giống đĩ ngựa quá!”

Con Phục bị đánh quần trên đầu và bị chưởi nữa thì nó tức giận thái quá, không thể dằn được nên nó la lớn rằng:”Mầy hổn ha, Liên-Hoa? Để tao mét với chú thím cho mầy coi”.

Cô Liên-Hoa xỉ trong mặt nó mà nói rằng: “Mầy mét thây kệ cha mầy. Tao không sợ đâu. Đồ đĩ!”.

Con Phục giận ứa nước mắt, nó quây quả trở lên nhà lầu, thấy bà Phủ đương ngồi nói chuyện với bà Hộ thì nó bước lại ngay mặt mà nói rằng: “Thưa thím, con Liên Hoa nó hổn quá! Nó đập quần trên đầu tôi, nó chưởi cha tôi, nó mắng tôi là đồ chó đẻ, đồ đĩ ngựa”.

Bà Phủ châu mày, trợn mắt nạt rằng: “É! Nó chưởi mầy thây kệ mầy! Tuồng mặt mầy đó nó đập quần trên đầu không đáng hay sao? Đồ vô phép! Có khách nó theo làm rộn, không để nói chuyện “.

Con Phục ríu ríu bước ra, liếc thấy ông Phủ đương nằm làm thuốc á phiện tại bộ ván gần đó, mà ông không nói chi hết, thì nó bước lại cái thềm bên chái nhà ngồi mà khóc thút thít. Một lát khách về, bà phủ kêu nó vô bà nói rằng: “Mầy vô phép quá!Tao đã có dặn mầy: nhà tao là nhà quan, ăn ở phải cho có lễ nghĩa. Trước mặt khách sao mầy dám kêu tao bằng thím, sao mầy dám kêu cô hai bằng con Liên Hoa? Tao nói một lần nầy nữa cho mầy biết: nếu mầy muốn ở trong nhà tao thì mầy phải kêu Liên Hoa bằng “cô Hai”, phải kêu hai đứa nhỏ bằng “cậu ba và cậu tư” chớ không được phép kêu con nầy, thằng kia nữa. Còn hồi nãy tại sao con Liên Hoa mắng chưởi mầy?”

Con Phục bệu bạo thưa rằng: “Thưa, Hồi nãy tôi mắc chế nước trà cho khách uống. Cô hai đi tắm, cô kêu tôi đem quần áo, mà tôi mắc chế nước, nên phải chậm trễ một chút, cô giận cô đánh chưởi tôi”.

Ông Phủ buông ống hút, ông men-men đi lại gần mà nói rằng: “Dữ hôn! Chuyện nhỏ mọn như vậy mà cũng thưa gởi lộn xộn. Nó biểu lấy quần áo cho nó thay, sao không lấy cho mau, để nó lạnh nó đau rồi làm sao? Đừng có vậy nữa”.

 Con Phục nghe chú nói như vậy thì hết trả lời được đứng trân trân. Vợ chồng ông Phủ dắt nhau ra sau xem hoa.

Sáng bữa sau Liên-Hoa lên xe hơi đi vô Nhà-Trắng, Con Phục đưa Trinh và Tường đi học, nó còn nhớ việc hôm qua đã bị mắng chưởi mà lại còn bị quở trách, nên trong lòng không vui. Thình lình Tường vụt chạy trước, nó sợ thằng nhỏ vấp té, nên la lớn rằng: “Đừng có chạy; mầy chạy rủi mầy té tao bị rầy sao”.

  Tường nghe la thì đứng lại, trợn mắt ngó con Phục. Chừng con Phục với thằng Trinh đi tới thì nó nói rằng: “Con chó, sao mầy dám rầy tao?”. Nói vừa dứt lời thì nó lại lấy sách mà đập con Phục. Trinh chạy lại xô Tường ra mà nói rằng: “Mầy hổn hả Tường? Sao mầy kêu chị Phục là con chó? Mầy hổn trời đánh mầy cho mà coi!”

  Tường thấy Trinh binh con Phục thì giận, nên cùng quằn bỏ mà đi, miệng nói lẩm-bẩm rằng: “Để tao về mét má cho mà coi.” Trinh nói rằng: “Mầy giỏi thì về mét đi. Tao làm chứng cho Chị Phục. Mầy hổn, mầy chưởi mầy đánh chỉ, lại còn hă)m về nhà mét nữa chớ!”.

  Con Phục tuy bị đánh bị chưởi, song thấy Trinh binh nó thì nó hết phiền, nên dịu ngọt dỗ hai đứa nhỏ mà dắt vô trường. Chừng nó trở về một mình, đi dọc đường nó nhớ mấy lời Tường hăm mét má hồi nãy thì trong long nó lo sợ, lo Tường mét rồi chú thím rầy nữa.

Nó và đi và suy nghĩ, thình-lình ở sau lưng có tiếng người hỏi rằng: “Em ở dưới[6]  ông Phủ bà Phủ phải hôn em? Ở một tháng bao nhiêu vậy?”

Nó day lại thì thấy một người đờn-bà gánh bánh-canh với chè-đậu đi bán, người trạc trừng 35 tuổi, mặc quần lãnh và áo bà-ba xuyến đen, bộ dong-dãy gọn gàng. Người ấy thấy con Phục day lại thì cười mà hỏi rằng: “Em ăn bánh-canh hôn em? Bánh-canh bữa nay ngon lắm”.

Con Phục đứng lại, cũng cười mà đáp rằng:

–             Tôi không ăn. Tôi không có đem tiền theo.

–             Không sao đâu mà. Qua bán chịu cho. Em ở với ông Phủ Qua biết, xa lạ gì sao mà ngại.

Người đờn-bà ấy và nói và để gánh dựa lề đường rồi múc một chén bánh-canh mà đưa cho con Phục, bánh-canh còn nóng, hơi lên ngui-ngút. Con Phục thấy bánh-canh ngon, lại nghĩ thằng Trinh khi thì cho nó một xu khi thì cho hai xu, mấy tháng nay nó giấu để dành được một cắc ai ở nhà, dầu xài vài ba xu cũng không hại gì, bởi vậy nó bưng chén bánh-canh và hỏi rằng:

–             Chị múc bao nhiêu vậy?

–             Hai x.

–             Tôi ăn rồi mai mốt tôi gặp chị nữa, tôi sẽ trả tiền đa.

–             Được mà, chị em, thứ một hai xu mà nghĩa gì, dầu không trả cũng được.

–             Chị bán chịu, có nhiều người xấu, họ ăn rồi không trả tiền thì chị cụt vốn chớ.

–             Ta coi theo người, ta bán chịu chớ.

–             Chị bán cho tôi, thì để bữa nào tôi gặp chị tôi sẽ trả tiền, chớ đừng có lại nhà mà đòi đa, nghe hôn.

–             Ai mà dại quá vậy, nên em phải dặn.

Con Phục ngồi dựa cái gánh mà ăn.

Người bán chè ngó nó rồi hỏi nữa rằng:

–             Em ở nhà ông Phủ có sướng hay là cực?

–             Không phải ở mà.

–             Coi! Qua thấy em ở trong đó còn! Ở cái nhà cũ trong đường Nguyễn-Tấn-Nghiệm kia chớ đâu.

–             Phải, tôi ở đó, mà không phải ở đợ.

–             Vậy chớ ở sao?

–             Tôi là cháu của ông Phủ đó, tôi kêu ông bằng chú ruột.

–             Cháu ông Phủ!

Người bán chè thấy làm lạ, ngồi ngó con Phục trân-trân, con Phục và bánh-canh mà cười và nói nữa rằng:

-Tôi nói thiệt chớ. Cháu ruột đa. Cha tôi hồi trước là anh ruột của ông Phủ, cha mẹ tôi mất rồi, chú thím tôi mới kiếm đem về nuôi.

-Cháu ông Phủ sao bận đồ vải, đi chơn không, in như ở đợ với ổng vậy? Em đừng chịu. Em về nói vơí ông Phủ phải mua đồ hàng lụa cho em bận, phải sắm giày dép cho em mang. Ông Phủ giàu sang, con gái ổng thấy bận đồ tốt, đi xe hơi, còn cháu ổng sao cho ăn bận như nay tớ vậy!

-Rước tôi về rồi, thím tôi mới mua may quần áo nầy cho tôi bận đó.

-Tốt lành gì! Đừng thèm. Hồi trước em ở đâu?

-Tôi ở dưới Cai-Lậy.

-Em nghe lời qua, về đòi may áo quần hàng cho em bận, đòi mua giày cho em mang. Cháu ông Phủ gì mà đeo bông hột chai, phải đòi mua bông hột xoàn mà đeo.

-Ai mà dám.

-Em sợ vợ chồng ông Phủ đó hay sao?

-Sao lại không sợ.

-Hay đánh em lắm sao?

-Không có đánh, chú thím tôi có rầy chút đỉnh. Mà có đứa con gái lớn với thằng út nó hổn lắm, nên nó hay đánh chưởi tôi.

-Hứ! Hai đứa nhỏ hổn như vậy, mà ông Phủ bà Phủ không rầy nó hay sao?

-Không. Chú thím tôi cưng con lắm.

-Con là máu, cháu là mủ! Tại em nghèo nàn côi-cúc nên mới bị hất-hủi cái thân như vậy đó, chớ phải em giàu thử coi. Nuôi em trong nhà có bắt em làm công chuyện hay không?

-Không có làm giống gì lắm. Phần tôi thì đưa rước hai đứa nhỏ đi học. Về nhà tôi quét nhà quét cửa, lau ghế, lau bàn, giặt đồ, tắm rửa cho sắp nhỏ, có khách thì lo trầu nước, thay ống nhổ, tối thì bóp chơn đấm lưng cho thím tôi vậy thôi.

-Trời ơi công việc làm quá công việc của một đứa đày tớ, vậy mà em nói không có giống gì lắm. Vậy chớ còn đợi giống gì nữa!

-Công việc làm không cực gì lắm. Tôi phiền có cái hai đứa nhỏ nó mắng chưởi đó.

-Nuôi mà biết thương kìa, cho em ăn học, làm cho em sung sướng tấm thân, chớ nuôi mà bắt làm công việc như đày tớ, lại khỏi trả tiền mướn, đó là lường công, chớ nuôi giống gì. Đừng thèm ở. Qua coi em lịch sự lắm, mặt mày trắng trẻo, tay chon dịu nhiễu. Em đi theo qua, rồi qua gã em lấy chồng, chắc em sung sướng lắm.

-Tôi còn nhỏ mà lấy chồng giống gì?

-Lớn đại còn gì! Em năm nay mấy tuổi?

-Tôi 16 tuổi, tết nầy mới 17 tuổi.

-Dữ hôn! Mười sáu mười bay tuổi rồi, còn nhỏ gì nữa. Cỡ đó có chồng phải lắm chớ.

Con Phục ăn hết bánh canh, trả chén cho người bán, rồi ngồi bẹp xuống đất, khoanh tay trên đầu gối mà suy nghĩ. Người bán chè rửa chén và úp lên tràng và cười mà nói rằng: “Cái sắc của em đó nếu có đồ bắt kế[7], thì mấy ông mấy thầy họ trét. Đời nầy con gái có sắc đẹp thì lo gì không sung sướng”.

Người bán chè mới nói tới đó, thì có một cái xe hơi mui kiến chạy tới, trong xe có một người đờn bà trẻ tuổi, trang điểm thiệt đẹp, quần áo thiệt tốt, ngồi coi như tiên nữ hạ trần.

Xe qua khỏi rồi, người bán chè nói rằng: “Người đó là con hai Kiêu, hồi nhỏ má nó nghèo, nó đi gánh nước lở vai, nó lấy Tây mấy năm rồi sau đó đụng một thằng mái chính mê nó quá, bây giờ nó có nhà tốt, nó đi xe hơi, coi sướng hôn? Qua biết nó lắm. Nó là con của thím Tiều hồi trước ở Chợ-Đủi chớ đâu. Hồi nhỏ nó có lịch sự được như em vậy đâu”.

Con Phục thở dài một cái rồi đứng vậy phủi đít. Chị bán chè cũng đứng dậy, để gánh lên vai mà nói rằng: “Bữa nào em có rảnh qua nhà qua chơi. Qua ở ngoài cầu Rạch-Bần. Em ra tại cầu đó em hỏi thăm “chị Ba có bán chè” thì ai cũng biết hết”.

Chị bán chè nói dứt rồi, chị gánh gánh mà đi và chị rao: “Ai ăn bánh canh chè-đậu hôn”, tiếng nghe lảnh lót.

Con Phục thủng-thẳng đi về, bên tai còn vẳng-vẳng những lời của chị Ba Có, trước mắt còn lao-xao cái xe của cô Hai Kiêu.

 


[1] Hiện nay là đường Trần Hưng Đạo

[2] lam nham

[3] phúc thẩm

[4] chỗ, nơi mình

[5]  đèn điện

[6] với

[7] chưng diện


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.