Nợ đời
CHỈ PHẢI VẠCH QUẤY
Tuy con Phục lên ở đất Saigon đã hai năm rồi, nhưng mà ngày như đêm nó mắc làm tôi mọi, được ra khỏi nhà là lúc đưa rước hai cậu nhỏ đi học mà thôi, chớ không được đi chơi đâu hết. Đường sá thì nó biết có khúc đường từ nhà ông Phủ Tăng lại trường học Cầu kho. Thân tộc thì trừ ông Phủ ra, nó chẳng có bà con nội ngoại xa gần nào khác nữa.
Nay bị đánh đuổi nó phải đi, mà ra ngoài đường rồi nó bối-rối không biết phải đi đâu. Vì nó quen khúc đường lại Cầu kho, nên nó thủng-thẳng đi lại đó.
Còn lễ, học-trò chưa đi học, nhà trường đóng cửa vắng hoe. Con Phục để cái gói trên lề đường Galliéni rồi ngồi khoanh tay một bên đó. Lúc ấy đã 9 giờ sớm mơi, trời nắng gắt. Nó bèn mở gói lấy cái khăn lụa trắng của cậu Hai Hùng mua cho nó đó mà đội đặng che nắng. Mặt nó buồn mà nó đội cái khăn lên thì gương mặt nó có cái vẻ thiên chơn nghiêm nghị, coi đẹp đẽ vô cùng.
Đường Galliéni hồi đó chưa có xe-điển chạy, chỉ có xe hơi, xe kiếng với xe kéo mà thôi. Nó ngồi ngó xe qua lại rồi bồi hồi không biết đi đâu. Phải trở về Cai-lậy chăng? Về lạy vợ chồng Cai-tuần Kim mà xin cho ở lại. Nghe nói đi Cai-lậy thì đi xe lửa xuống Mỹ tho rồi đi bộ về Cai lậy được. Con Phục thò tay vô túi móc tiền của cậu Hai cho ăn bánh đó đem ra mà đếm, thì còn có năm cắc hai xu, làm sao à đi xe lửa được. Phãi chờ cậu Hai lên mà tỏ công việc cho cậu Hai nghe rồi xin tiền cậu về mới được. Mà nghe nói lễ nghỉ học, cậu về Cái-vồn một tuần rồi cậu mới lên. Bây giờ mới biết ở đâu mà chờ cậu.
Con Phục ngồi suy nghĩ tới đó rồi nó sực nhớ nó có quen với chị Ba Có, là chị bán chè. Chị hay rủ nó ra nhà chị chơi. chị chỉ nhà chị ở cầu Rạch-Bần, ra tại cầu đó hỏi thì ai củng biết. Nó tính đi kiếm nhà chi Ba Có mà xin ở đậu ít bữa chờ cậu Hai lên xin tiền rồi sẻ về Cai-Lậy.
Nó bèn xách gói đi dài theo đường Galliéni hỏi thăm họ mà ra cầu Rach Bần, đi dọc đường nó thấy ai ngó nó cũng mắc cỡ, nên để cái gói trước bụng hoài. Ra tới cầu Rạch Bần, nó thấy trước dãy phố lá có một bà già ngồi đút cơm cho một đứa nhỏ ăn. Nó bèn ghé mà hỏi thăm nhà chị Ba Có.
Bà già châu mày ngó nó rồi lại hỏi nó rằng:
-Hỏi thăm Ba Có nào?
-Chị Ba Có bán bánh canh chè đậu đó mà.
-À, ạ! Nó không có ở đây nữa. Nó có chồng rồi dọn nhà đi đã bãy tám tháng nay lận mà.
Con Phục nghe nói như vậy thì buồn hiu. Biết có một mình chị Ba Có, mà chị lại không còn ở đây nữa, bây giờ còn biết nương dựa với ai! Nó đứng ngơ-ngáo rồi hỏi bà già rằng:
-Không biết chi Ba Có dọn nhà đi ở chỗ nào đâu bà há?
-Nó dọn ra ngoài kia. Kiếm con Có chi vậy? Có bà con với nó hay không?
-Thưa, tôi không có bà con, chị em quen biết lâu, hồi trước chỉ chỉ nhà cho tôi và biểu tôi có rảnh ghé chơi. Tôi kiếm thăm chỉ, chớ không có chuyện chi hết. Bà biết chỉ dọn nhà ở chỗ nào, xin bà làm ơn chỉ giùm cho tôi.
-Phải kiếm nó mà đòi tiền hay không?
-Thưa, không. Tôi đâu có tiền cho chỉ mượn mà đòi.
-Ờ, nếu không phải đòi tiền thì ta chỉ giùm cho, bởi vì nó hung lắm, nếu chỉ nhà cho người ta đòi tiền nó thì nó vô nó chưởi mắng nát. Nó có chồng rồi mướn phố ở ngoài đường Luovani.
-Đường đó ở chỗ nào đâu bà?
-Không biết hay sao? Đây đi thẳng ra Bến-Thành, đi một đỗi gặp cái ngả tư. Cái đường ngang đó là đường Luovani. Quẹo qua ngả tay mặt thấy có một dãy phố ngói chừng vài chục căn. Con Có ở nhằm căn thứ ba.
– Cháu cám ơn bà. Thôi, để cháu đi kiếm thử coi.
Con Phục từ giã bà đi. Thiệt quả nó đi một lát thì gặp ngả tư, nó quẹo qua tay mặt, có một dãy phố dài, nó đếm đến căn thứ ba, rồi đứng ngoài lộ ngó vô coi có thấy chị Ba Có hay không.
Một lát, Chị Ba Có ở phía sau đi ra trước, bận áo dài bằng lụa trắng, bận quần lãnh đen, chơn mang guốc, mặt mày sạch sẽ, tóc tai vẻn-van, chớ không phải u xù như hồi bán chè vậy. Con Phục ngó thấy thì mừng quýnh, nên kêu: “Chị Ba” rồi xâm-xâm đi vô cửa.
Ba Có thấy nó thì chưng hửng[1], nên nói lớn rằng: “Ủa em! Dữ hôn, từ hồi đó đến giờ mới chịu ghé nhà chị đa. Ai chỉ cho em biết chị ở đây mà em lại?”
Con Phục lột khăn và để cái gói trên bàn rồi cười mà đáp rằng:
-Em ghé trong cầu Rạch-Bần em kiếm, nhờ họ chỉ nên em mới biết mà kiếm ra đây.
– Em đi đâu mà có gói đồ đó?
– Em thôi ở dưới chú thím em rồi. Chú thím em đánh đuổi nên em mới đi đây.
– Sao vậy?
Con Phục mắc cỡ nên không trả lời. Nó thấy có bầu nước lạnh với cái ly để trên bàn nó bước lại rót nước mà uống. Ba Có kéo ghế ngồi têm trầu mà ăn và nói rằng:
– Em được ra khỏi nhà đó là em có phước lớn. Thứ làm mọi mà không ơn mà ở làm gì.
– Em nghĩ thiệt chị nói trúng lắm: làm mọi mà không ơn.
– Mội lần qua thấy em có đeo đôi bông tai với chiếc đồng sau đâu mất rồi? Bộ họ đuổi mà họ còn lột đồ lại hay sao?
– Phải a, thím em lột lại hết.
– Nhỏ mọn quá! Mà tại sao đuổi em vậy?
Con Phục châu mày, thở ra, đứng suy nghĩ một hồi rồi vụt nói rằng: “Nói em lấy trai có chửa, làm xấu làm hổ nên đánh đuổi em”.
Ba Có ngó mặt và ngó bụng con Phục rồi nói rằng:
-Mà thiệt em có chửa mà. Em trai gái với ai vậy?
– Cậu Hai lấy em chớ ai. Tại em khai thiệt, thím em giận, mới đánh đuổi em đó.
– Cậu Hai nào?
– Cậu Hai Hùng là cháu kêu thím em bằng cô, cậu ở đậu trong nhà mà đi học.
– Cậu lấy em có chửa, rồi bây giờ đổ bể cậu không tính gì hết sao?
– Lễ nghỉ học, cậu về Cái-Vồn thăm nhà, không có ở trên nầy.
– Chừng nào cậu lên?
– Nghe nói nghỉ trọn một tuần lễ, bữa nay mới có 3 bữa.
– Chừng cậu lên cậu phải tính sao mới được chớ. Lấy người ta có chửa rồi làm lơ, người ta lôi lưng chớ. Mà tại sao ở trong nhà, mà cậu Hai lấy em cho tới có chửa mà không ai hay, đâu em đọc công chuyện cho qua nghe thử coi.
Con Phục tuy quê mùa thiệt-thà, nhưng mà nó cũng có liêm sĩ, nó cũng biết làm thân con gái chẳng có chi quí giá bằng cái trinh tiết, bởi vậy nó nghe Ba Có hỏi tới chuyện nó ân ái với cậu Hai hùng thì nó hổ thẹn, cúi mặt xuống đất, rưng-rưng nước mắt. Ba Có thấy vậy bèn nói rằng: “Qua thấy em qua thương cũng như em ruột của qua vậy. Em còn nhỏ dại, có việc gì em phải tỏ thiệt cho qua biết đặng qua chỉ chỗ dại khôn cho. Chị em mà mắc cỡ nỗi gì?”
Phận con Phục mồ côi, thuở nay buồn hay là vui, ức-uất hay là đắc ý, nó không biết tỏ với ai. Nay nó nghe mấy lời dỗ về êm-ái của Ba Có, thì chẳng khác nào cây khô gặp nước mưa, bởi vậy nó kéo ghế ngồi gần Ba Có rồi khỉ-khầm[2] thuật hết công chuyện cho Ba Có nghe. Nó nói ban đầu cậu Hai Hùng Hùng ở tử tế với nó làm sao, cậu mua cho nó vật gì, cách cậu làm sao mà được nó, nó nói không sót mảy-múng nào hết.
Ba Có nghe rỏ đầu đuôi, chị ta ngồi suy nghĩ một hồi lâu rồi hỏi rằng:
– Cậu Hai đó giàu hôn? Con của ai ở đâu vậy?
– Cậu là cháu kêu thím em bằng cô ruột. Nghe nói cậu là con của ông Hội đồng gì ở dưới Cái-Vồn không biết, thế khi cha mẹ cậu giàu, nên cậu ăn mặc sung sướng lắm.
– Cậu trai gái với em mà cậu có thề thốt cậu sẽ cưới em hay không?
– Cậu không có nói tới cái đó.
– Cậu không có hứa làm vợ chồng với em hay sao?
– Không có.
– Em dại quá. Nếu cậu muốn em, thì em phải muốn làm khôn mà buộc cậu cho chắc chớ. Để cho người ta lấy trước rồi buộc sao được. Cậu hay em có chửa hay không?
– Hôm trước em có nói với cậu.
– Em nói rồi cậu có tính lẽ nào không?
– Cậu nói em nói bậy, chớ giống gì mà có chửa. Coi cậu tưởng em nói gạt cậu.
– Thằng điếm chó! Lấy người ta có chửa rồi muốn làm lơ đa!
Ba Có bước ra cửa nhả bã trầu rồi trở vô hỏi nữa rằng:
– Bây giờ em muốn làm sao đây?
– Em có biết làm sao đâu. Em lỡ dại thì em phải chịu. Em tính kiếm chị đặng xin chị làm ơn cho em ở đậu ít ngày chờ cậu Hai lên, em xin cậu ít đồng bạc đặng đi xe về Cai lậy.
– Ý! cái gì mà xin ít đồng bạc! Sao em khờ quá vậy? Đền cái danh giá cho em ít nào cũng phải năm ba trăm mới được chớ. Mà em về Cai lậy làm giống gì? Có bà con anh em gì ở dưới hay sao?
– Em mồ côi cha mẹ, chỉ có chú em đó mà thôi, chớ không có bà con nội ngoại nào khác nữa hết.
– Vậy thì em về Cai lậy ở với ai?
– Em tính trở về ở với cậu Cai-tuần Kim.
– Có bà con hay không?
– Không. Hồi má em mất, vợ chồng cậu ở gần, thấy phận em bơ-vơ thì thương nên đem về nuôi, sau thím em xuống kiếm em mà bắt em về trên nầy đó.
– Không có bà con mà trở về đó sao được. Hồi nào được người ta ở tử-tế, em không thèm ở dưới người ta, lại bỏ đi theo bà Phủ, bây giờ mang bụng chửa trở về, ai mà chụi chứa.
Con Phục nghe câu đó thì biết lỗi, nên ngồi khóc ròng.
Ba Có để cho nó khóc một hồi cho bớt cái uất rồi nói rằng: “Em tính trở về Cai lậy thì sái lắm. Thân con gái duy có trinh tiết là trọng hơn hết. Cha mẹ em dầu giàu dầu nghèo cũng vậy, bề nào cũng có danh giá trong xóm trong làng. Nay cha mẹ em mất rồi, em bỏ xứ mà đi, lại lấy trai có chửa, nếu em trở về trong làng, chi cho khỏi thiên-hạ chê cười em là gái hư, mà họ lại cười đến cha mẹ em nữa, họ nói cha mẹ em bạc đức nên con cháu mới làm đĩ lấy trai hư như vậy. Qua tưởng em về Cai lậy thì mang xấu, chớ không ai thương yêu đâu mà về”.
Con Phục nghe lời cắt nghĩa như vậy, nó tủi phận, nên càng khóc hơn nữa. Nó nói bệu-bạo rằng: ”Nếu em về Cai Lậy không được thì em phải chết, chớ biết đi đâu bây giờ”.
Ba Có cười mà đáp rằng:
– Chuyện gì mà phãi chết? Chết đâu cho uổng vậy.
– Vậy chớ em biết làm sao?
– Ở đây với qua. Tuy qua nghèo mà qua tốt lắm, tuy qua không có bà con, mà qua biết thương em, chớ không phải như vợ chồng ông Phủ vậy đâu. Em thấy thiên hạ hay chưa hử? Họ giàu sang, họ ở nhà tốt, họ ngồi xe hơi, bề ngoài coi hực hỡ, mà trong ruột họ không ra khỉ gì hết. Cái đời nầy là đời khốn nạn, đời trọng bạc tiền, khinh nhơn nghĩa. Hễ có tiền dù quấy cũng tốt cũng sang, hễ không có tiền dầu phải cho mấy đứa đi nữa cũng không ra gì. Qua nói cho em biết, hồi nhỏ qua có học chữ nho bốn năm rồi qua học chữ quốc ngữ ba năm nữa. Qua không phải là con ngu dại, mà bị cái đời khốn nạn đó nên thân qua mới ra như vầy. Qua oán thiên hạ hết thảy, qua nói thiệt, trừ ra người nào qua thương thì thôi, kỳ dư qua quyết lắt túi gọt đầu họ hết thảy. Nếu qua chưa làm cho thỏa chí ấy là tại trời, phật không giúp, chớ không phải tại qua không muốn đâu. Qua phải trả thù cho bằng được rồi qua sẽ ăn chay niệm phật.
Ba Có nói tới đó, mặt đỏ phưng phừng, bộ giận dữ lắm. Chị ta têm trầu ăn nữa, rồi tay xỉa thuốc ngoai rạch mà nói tiếp rằng: “Em nghĩ đó mà coi, như phận em côi cúc, may lại có một ông chú giàu sang, ở nhà lầu nguy nga, làm tới chức ông phủ. Lẽ thì khi cha mẹ em còn sống, chú em phải ân cần bảo-bọc cho cha mẹ em làm ăn, chừng cha mẹ em khuất rồi phải đem về mà nuôi dưỡng, cho em ăn học, rồi chừng em khôn lớn kiếm chỗ tử tế gả em lấy chồng. Cái nầy khi cha mẹ em còn sống, chú em không ngó ngàn tới, chừng cha mẹ em khuất, cũng không cần tới em. May thím em có dịp đi Cái Vồn về ghé hỏi thăm chơi, ngó thấy em sạch sẽ lại nghĩ trong nhà thiếu đầy tớ gái, mới làm bộ thương yêu, nói rước em về nuôi. Hử! nuôi giống gì vậy! nuôi sao lại bắt giặt đồ, bắt súc ống nhổ, bắt đấm lưng bóp cẳng, bắt đưa rước con đi học. Đó là mướn đầy tớ mà khỏi trả tiền, chớ nuôi giống gì. Đã vậy chú thím của em nuôi thằng cháu trong nhà, không lo dạy dỗ nó, để cho nó phá duyên con gái nhà nghèo. Lẽ thì chừng nghe câu chuyện như vậy đó, thím em phải rầy cháu rồi phải tính thế nào với em cho vuôn tròn, chớ có đâu lại áp chế, đánh đuổi em đi cho nhẹm việc. Được đâu việc nầy nhiệm[3] việc được hay sao. Còn cậu Hai đó, cậu lại khốn nạn nữa. Cậu là con nhà giàu sang, cậu thấy đồng tiền mà choá mắt bịt miệng em là gái nghèo khổ. Cậu trai gái với em tới em có chửa mà cậu lại làm bộ không tin. Rõ ràng cậu là một con quỉ sanh ra đặng phá trinh phá tiết của con gái thiệt thà, chớ không có liêm sĩ chi hết. Em thấy hay chưa? Chú thím của em tuy giàu sang, ngoài mặt làm bộ coi nhơn nghĩa lắm, mà sở hành thì độc ác chớ có nhơn nghĩa chi đâu. Còn cậu hai Hùng tuy cậu học giỏi, song việc của cậu làm có giống sách của cậu học đâu. Đời khốn nạn như vậy đó, chẳng phải chú thím của em hay cậu hai Hùng mà thôi đâu, phần nhiều thiên hạ đều như vậy hết thảy, họ giả nhơn nghĩa để giết người ta, họ dùng học thức để lừa kẻ dại. Thôi em đừng có buồn, ở đây qua nuôi. Em đừng có ngại qua chẳng phải như chú thím của em, nuôi em đặng bắt làm tôi mọi đâu. Qua nuôi em thì qua phải làm cho em được giàu sang cho tụi nó ghê qua mới nghe; mà ví dầu không được giàu sang bằng chúng nó, thì ít nữa em cũng được sung sướng tấm thân”.
Con Phục ngồi nghe Ba Có chỉ chỗ phải vạch chỗ quấy chẳng khác nào như soi lòng tợ mở trí cho nó, bởi vậy chừng Ba Có nói dứt lời thì nó đáp rằng:
– Chị thương em, chị chỉ chỗ khôn dại cho em hiểu, thì em mang ơn chị đã nhiều rồi. Chị còn bảo em ở đây với chị cho chị nuôi, thiệt em ái ngại quá.
– Ái ngại nỗi gì?
– Chị không phải bà con, mà chị cũng không giàu có, cho em ở đây thì tốn hao cho chị. Em mạnh giỏi thì em làm công việc cho chị mà ăn cơm, chẳng nói làm chi rồi chừng em đẻ mới biết làm sao.
– Khéo lo dử hôn! Qua nghèo thiệt, song đủ cơm nuôi em mà. Chừng em đẻ thì qua cũng nuôi, có sao đâu mà sợ. Qua bây giờ khá mà, qua có chồng rồi, em hay hôn?
– Hồi nãy em đi kiếm chị trong cầu Rạch Bần, em nghe họ nói chị có chồng rồi.
– Ờ qua có chồng rồi. Anh Ba của em làm thầy ký kho cho nhà thuốc ngoài Catinat, ăn lương tới 80. Anh Ba của em trưa về đây ăn cơm nghỉ trưa, rồi chiều về nhà trên Chí Hoà. Ảnh có nhà, có đất, có nuôi ngựa đua nữa. Chị lớn ở trển với 3 đứa con, còn ảnh mướn căn phố nầy cho qua ở, ảnh về đây có buổi trưa mà thôi.
– Té ra ảnh có vợ lớn hay sao?
– Ừ, mà chị đó sợ ảnh lắm; qua làm bé chớ chỉ không dám nói động tới qua. Để trưa anh Ba em về đây, em là em bạn dì với qua nghe hôn.
– Chị chứa em trong nhà, ảnh rầy hôn?
– Rầy cái gì? Ảnh tử tế lắm mà. Để trưa ảnh về đây cho em coi. Thôi, em đem gói đồ vô cất trong buồng, rồi đóng cửa ra sau bếp phụ nấu cơm với chị. Nè, mà cậu Hai Hùng bữa nào lên?
– Hết lễ, rồi cậu mới lên đặng đi học.
– Được. Để bữa nào thấy học trò đi học rồi qua sẽ dắt em đi đón cậu. Cậu phá trinh tiết của người ta, cậu làm cho người ta có chửa, thì cậu phải tính lẽ nào, chớ cậu làm lơ có được đâu. Em phải chỉ cậu cho qua biết mặt đặng qua nói chuyện với cậu. Nếu cậu nói lôi-thôi, qua kéo lưng chớ phải chơi sao.
Con Phục cất gói áo quần, rồi chị em hiệp nhau làm cá nấu cơm.
[1] ngạc nhiên
[2] thì thầm
[3] nhẹm
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.