Thầy thông ngôn

THỐI LUI BỊ NHỤC



Thầy thông ra về, nửa tiếc, nửa mừng, đêm ấy nằm trăn trở hoài, không ngủ được. Sáng bữa sau thầy viết một bức thơ gởi về cho cha me mà nói rằng tại Cà-mau có cô mười chín tuổi, nhan sắc đẹp đẽ tánh nết hiền hoà, thầy thấy làm ưng bụng lắm. Cô ấy mồ côi, ở với anh rể làm ký lục ở sở Thương chánh. Tuy cô không có của riêng, song người cậu ở Sa-đéc giàu lớn, đã nhận cô làm con nuôi nên ngày sau cô ăn gia tài của cậu. Trong thơ thầy cũng không xin phép mà cũng không mời cha mẹ xuống Ca-mau chơi rồi nói vợ cho thầy, mà khúc sau hết thầy lại tỏ ý rằng thầy tính cậy mai đi nói mà cưới cô nọ.

          Thầy gởi thơ đi rồi, trong lòng khoăn khoái, chắc rằng trong năm bảy bữa nữa cha mẹ sẽ trả lời, mà trả lời chắc biểu thầy hễ coi vừa ý thì nói vì nhà đơn chiếc, lại đường sá xa sôi không thể xuống được.

          Tới bữa sau thầy không dám xuống nhà thầy ký Trượng mà chơi nữa. Mà thầy nằm ở nhà thì xốn-xang, chịu không được, nên thầy đi nghểu-nghến ngoài đường hoài, đi lần lần tới cửa thầy ký Trượng thầy lén òm vô nhà thì thầy thấy cô ký đương ngồi dựa đèn mà may, mà không thấy dạng cô Sáu Lý. Thầy không dám vô, đi thẳng một khúc xa rồi trở lại, mà cũng không thấy cô Sáu Lý.

          Thầy về nhà nằm một hồi rồi đi nữa. Lần nầy thầy xuống tới thì nhà thầy ký Trượng đã đóng của tắt đèn ngủ im lìm.

          Hai đêm sau thầy cũng đi ngang qua ngang lại hoài mà cô Sáu Lý đi đâu mất, thầy chẳng thấy tăm dạng chi hết. Thầy xốn-xang ăn ngủ không được tinh thần dã dượi[1] như người đau.

          Chiều thầy đi làm về, thầy ghé tiệm mà mua một cái khăn lụa trắng, bốn chéo có thêu bốn cái bông hường. Tối thầy viết một bức thơ mà tỏ nỗi tương tư của thầy và thề thốt dầu chết cũng chẳng phụ nhau rồi thầy gói chung với cái khăn tính đưa cho cô, song chưa biết dùng chước nào mà đưa cho tiện.

          Sáng bữa sau thầy bỏ gói ấy vào túi mà đi làm việc. Thầy vừa ra khỏi nhà thì thấy dạng cô Sáu Lý ở phía dưới đi lên. Cô thấy thầy rưng rưng nước mắt mà nói:

–         Đêm bữa hổm mình nói chuyện với nhau ai thấy họ học với chị Ba tôi không biết mà chỉ đánh tôi dữ quá. Chỉ nói ít bữa đây chỉ đưa tôi về Sa-đéc. Thầy có tính lẽ nào thầy tính, chớ nếu tôi xa thầy chắc tôi tự vận tôi chết.

          Thầy thông nghe nói lấy làm bối rối lại thấy có người đi gần tới, nên thầy lật đật nói rằng:

–         Tôi gởi thơ về nhà chắc bữa nay tới rồi, xin cô chờ vài ngày nữa coi cha mẹ tôi trả lời thế nào rồi sẽ hay.

          Thầy vừa muốn đi thì cô nói rằng:

–         Sao hổm nay thầy không xuống chơi nữa? Thầy làm như vậy chị Ba tôi chỉ nghi. Tối nay thầy xuống nghe hôn?

          Có người đi tới, nên thầy với cô dang ra mà đi một người một ngả.

          Tối bữa ấy thầy làm dạn xuống chơi như khi trước. Cô ký Trượng tiếp rước vui vẻ như thường, cô Sáu Lý cũng ra vô, song cô không cười, mà cũng không nói chuyện với thầy.

          Thầy trông thơ hoài mà không thấy cha mẹ hồi âm thì trong lòng bứt rứt chịu không được. Thầy chờ tới tám bữa mà cũng chưa tiếp được thơ nhà, ấy là vì ông Hương sư Trần Văn  Sắc được thơ của con tỏ việc hôn nhơn thì vợ chồng bàn tính với nhau rằng cô Sáu Lý là em vợ một thầy ký sở Thương chánh thì không sang trọng gì, còn nói người cậu ở Sa-đéc giàu, mà con mình ở Cà-mau làm sao biết chắc trên Sa-đéc được. Vợ chồng ông đều dụ dự không muốn cho con mình cưới chỗ đó.

          Ông Hương sư mắc lo việc làng nên biểu vợ tuốt xuống Cà-mau trước thăm con sau coi tình cảnh thế nào.

          Bà Hương sư đi tàu xuống Bạc-liêu rồi bà giang ghe mà đi Cà-mau.

          Bà xuống tới hồi chín giờ sớm mai. Bà đã biết trước rằng con mình ở đậu nhà bà Phó Mỹ, nên bà hỏi thăm mà tới đó.

          Bà Phó Mỹ nghe bà Hương sư Sắc xưng là mẹ của thầy thông, thì bà mừng rỡ tiếp rước ân cần lắm. Hai bà nói chuyện với nhau, tâm đầu ý hiệp, nên mới nói một hồi thì đã thân thiết cũng như người có quen trước năm bảy năm rồi.

          Bà Hương sư hỏi thăm cô Sáu Lý và vợ chồng thầy ký Trượng là người thế nào. Bà Phó Mỹ lấy thiệt tình mà nói rằng:

–         Vợ chồng thầy ký Trượng ở đây mười mấy năm nay, tuy không mích lòng ai, song thầy có tánh bài bạc nên làm có bao nhiêu thua hết bấy nhiêu. Còn con Sáu Lý từ nhỏ chí lớn nó ở với anh rể nó. Hồi năm kia nó xằng xịu với thằng biện của thầy Cai, bị vợ thằng biện bắt bớ rầy rà nên chị nó giận đưa nó về trên Sa-đéc, nó mới trở xuống hơn một tháng nay. Lóng trước tôi thấy thầy thông chà lết xuống đó mà chơi hoài, tôi sợ chúng dụ dỗ thầy mê sa mà mang hại, nên tôi có dứt bẩn thầy, tôi bị thầy rầy nên tôi không nói nữa. Tụi  đó quỉ quyệt lắm, vậy sẵn có chị xuống đây, xin chị la dứt thầy thông đừng có cho thầy tới lui thường lắm, không nên đâu.

          Bà Hương sư vùng hỏi rằng:

–         Nghe nói đó có một người cậu ở trên Sa-đéc giàu lắm mà.

–         Tôi không biết người đó, song tôi có nghe nói đủ làm đủ ăn vậy chớ  giàu giống gì.

          Bà Hương sư nghe thuật chuyện gia đạo của thầy ký Trượng và tánh nết của cô Sáu Lý thì bà đã ngán rồi, mà chừng nghe nói người cậu ở Sa-đéc không giàu thì bà nhứt định cản con, chẳng hề khi nào chịu cho nó cưới vợ chỗ đó.

          Đến mười một giờ thầy thông về nhà, thầy bước vô ngó thấy mẹ thì chưng hửng. Thầy chưa kịp nói chi hết thì bà đã khởi chuyện hôn nhơn ra mà rầy thầy. Bà trách thầy sao mê sa chi thứ gái hư, gái nghèo. Thầy nghe mẹ khinh bỉ người của thầy yêu thì đau lòng xót dạ hết sức, song không dám thất kính với mẹ, chỉ nói rằng:

–         Má đừng nghe lời người ta, cô ấy xứng đáng lắm, má thấy mặt chắc má thương liền.

          Bà nổi giận nên nói lớn rằng:

–         Trước khi đi tao với cha mầy dặn mầy những việc gì đâu, sao mầy mau quên lắm vậy. Tao nói thiệt với mầy, nếu mầy cãi lời tao mầy cưới con đó thì tao với cha mầy không biết mầy nữa, mầy muốn làm giống gì đó thì mầy làm đi.

          Thầy ngồi khóc nước mắt chảy ròng ròng. Thầy tức tửi mà nói rằng:

–           Con thương nó lắm, nếu không cưới nó được chắc con phải chết.

          Bà cười ngất mà nói rằng:

–         Quí báu dữ hôn, con có ăn học mà sao khờ dữ vậy. Người ta dụ dỗ con, con không biết hay sao.

          Tối bữa đó bà Hương sư quá giang ghe thương hồ mà trở lên Bạc-liêu. Bà vào Toà bố hầu quan chủ tỉnh mà khóc lạy kể rằng vợ chồng bà già cả có một chút con trai, nó nhỏ dại mà ở xa bị người ta dụ dỗ nên nó mê sa gái hư. Bà xin quan Chủ tỉnh làm  phước thương giùm phận vợ chồng bà, xin rút con bà về Bạc-liêu làm việc đặng nó lánh xa kẻ quấy.

          Quan Chủ tỉnh thấy bà năn nỉ quá ngài động lòng, nên chạy tờ cho Quan trên mà rút thầy Trần Văn Phong về Bạc-liêu. Quan trên nhậm lời, song làm giấy đổi thầy về Long-xuyên.

          Từ khi bà Hương sư Sắc về rồi thì thầy thông Phong buồn bực lo sợ hết sức. Thầy bối rối, vì một đàng làm cha mẹ, còn một đàng là người yêu, hễ vưng lời cha mẹ thì đau lòng, còn hễ vừa lòng thì thất hiếu với cha mẹ, nên thầy lưỡng lự không biết liệu lẽ nào. Thầy nghi cho cô Ba Điệp hoặc bà Phó Mỹ thêu dệt cho nên mới có việc bất hoà như  vầy, bởi vậy thầy sanh lòng oán hận, tính kiếm nhà khác mà ở đậu.

          Thầy chưa nhứt định nên không dám xuống nhà thầy ký Trượng mà chơi nữa. Cách bảy tám bữa, thình lình có dây thép của quan Chủ tỉnh Bạc-liêu đánh cho quan Phó Tham biện Cà-mau hay rằng thầy thông Phong đổi đi Long-xuyên và dạy phải đi lập tức.

          Thầy hay tin ấy chẳng khác nào sét đánh bên tai. Nếu chống cự không chịu đi thì chắc quan trên cách chức, còn nếu đi Long-xuyên thì làm sao gần gũi với cô Sáu Lý được nữa? Xúi cô trốn anh chị mà đi theo mình cho trọn  tình chung thủy thì có lẽ được; cha chả, làm như vậy thì nghịch ý cha mẹ. Thầy còn bối rối chưa nhứt định lẽ nào, quan Phó Tham biện lại thôi thúc biểu thầy nội ngày mai phải đi, chớ không được trì hoãn.

          Tuy vợ chồng ông Hương sư  Sắc dạy con, hồi nó còn đi học thì khuyên nó phải rán học đặng làm thông ngôn ký lục, chừng nó được làm thầy thông, thì khuyên nó phải lựa con nhà giàu sang mà kết đôi, và phải dùng của hối lộ mà lập nghiệp, chớ không chỉ đường nhân nghĩa, không dạy cách làm trai, không dặn chữ nhơn quyền, không khuyên trọng danh dự. Nhưng mà lương tâm của thầy thông chưa u ám thái quá, nên thầy cũng biết thương yêu cha mẹ, biết kính trọng tổ tiên. Nhờ cái lương tâm ấy nó khuyên thầy, nên đến chiều thầy mới nhứt định từ cô Sáu Lý mà đi, thà cắt ruột mình, chớ không nỡ để phiền lòng cha mẹ.

          Đến tối thầy xuống nhà thầy ký Trượng từ giã đặng sáng mai lên đường. Rủi mà cũng may, vì bữa ấy không có vợ chồng ký Trượng ở nhà, duy có một mình cô Sáu Lý mà thôi. Sự thầy bị đổi đi Long-xuyên ai cũng đã hay rồi hết, nên thầy mới bước vô thì cô hỏi rằng: “Nghe nói thầy đổi rồi việc mình tính đó thầy liệu làm sao?”

          Thầy lấy khăn ra lau nước mắt, rồi ngồi chống tay mà ngó ngọn đèn, lòng bối rối, họng ngẹn ngùng, không nói chi được hết. Cô ngồi bên ghế dựa vách mà khóc rấm rúc. Cô đợi một hồi lâu không nghe thầy trả lời, cô mới đứng dậy hỉ mũi rồi nói rằng: “Bữa nào thầy đi xin thầy cho tôi biết trước. Bề nào tôi cũng trốn mà đi theo thầy, chớ tôi xa thầy một ngày chắc tôi buồn rầu tôi phải chết”.

          Thầy lắc đầu mà đáp rằng: ”Không được, cô theo tôi không nên đâu”.

Cô nhướng mắt ngó trân mà hỏi rằng:

–         Sao vậy?

–         Cha mẹ tôi không bằng lòng cho tôi cưới cô, nếu tôi cãi lời thì cha mẹ tôi không nhìn tôi nữa.

–         Ai nói với thầy như vậy.

–         Má tôi nói, chớ ai.

–         Thầy gặp má thầy hồi nào mà má thầy nói.

–         Má tôi xuống bữa hổm.

–         Xuống hôm nào, sao tôi không hay.

–         Xuống cách bảy tám bữa rày. Xuống có một bữa rầy tôi rồi giận bỏ đi về liền.

          Cô Sáu Lý nghe mấy lời, liền ngồi lại trên ghế, mắt ngó thầy trân  trân, coi bộ giận lắm. Cách một hồi lâu cô mới hỏi rằng:

–         Má thầy ở xa, thuở nay không biết tôi, mà sao lại chê tôi, nên cản không cho thầy cưới.

–         Không biết tại sao mà má tôi không chịu, bởi vậy hổm nay tôi buồn quá.

–         Nếu vậy thì bây giờ thầy tính làm sao?

–         Thiệt khó quá, nên tôi không biết liệu làm sao cho được.

–         Tôi hỏi thiệt thầy vậy chớ thầy thương tôi hôn?

–         Bụng tôi cô đã biết rồi, cần gì cô phải hỏi nữa.

–         Thầy có chê tôi là con mồ côi nghèo hèn, không xứng đáng làm vợ thầy hôn?

–          Không, đạo vợ chồng miễn là có tình với nhau thì thôi, chớ so sánh giàu nghèo sang hèn là nghĩa gì.

–         Nếu thầy thương tôi, mà thầy cũng không chê tôi nghèo hèn, thì hai đứa ở đại với nhau; cha mẹ có giận thì một ít năm nguôi ngoai rồi thôi, chớ không lẽ giận hoài hay sao mà sợ.

–         Không được. Má tôi rầy lắm. Nếu tôi cãi lời chắc má tôi không dung đâu.

–         Bất quá giận thì không tới nhà mình, chớ chém giết gì đó mà sợ.

–         Uý! Nói như vậy sao được.

–         Nếu vậy thầy sợ cha mẹ hơn là thương tôi. Tình thầy như vậy thì có ra gì đâu.

–         Mình làm con phải sợ cha mẹ chớ.

–         Té ra thầy nhứt định bỏ tôi mà đi hay sao? Vậy mà hôm trước thề thốt dữ chớ!

–         Hôm trước tôi có dè cha mẹ cản trở như vậy đâu.

–         Vậy mà dám xưng là trượng phu, xưng là quân tử. Vậy mà dám nói rằng hễ vắng mặt tôi thì buồn rầu chắc phải chết. Trượng phu quân tử gì mà gạt gẫm đàn bà con gái như vậy. Thầy bỏ tôi mà đi Long-xuyên thầy không sợ buồn rầu rồi chết sao?

          Thầy thông Phong hổ thẹn không biết sao mà trả lời nên ngồi gục mặt mà chịu. Cô Sáu Lý đứng dậy mà nói rằng:

–         Thầy thúi lắm. Làm trai như vậy nên lắt cái mặt mà quăng đi. Tôi biết rồi, thầy gạt tôi, sợ ở đây tôi chửi, nên xin đổi đặng trốn tôi chớ gì. Tôi nói cho thầy biết, thầy gạt tôi không dễ gì đâu.

          Cô nói dứt lời liền quày quả đi vô buồng giở rương lấy cái khăn với phong thơ của thầy đưa hôm nọ mà liệng trúng ngay mặt thầy và mắng rằng:

–         Đồ khốn nạn! Trả khăn với thơ cho mầy đó. Đi đâu thì đi cho mau. Đừng ngồi đó nữa. Thứ vầy mà cũng xưng là thầy thông! Thông gì! Thông khoan.

          Thầy hổ thẹn, mặt mày tái xanh, không nói được một tiếng, thò tay lượm cái khăn với phong thơ, rồi riu ríu ra về. Thầy ra tới ngoài đường rồi, mà cũng còn nghe có tiếng lầm bầm mắng nhiếc.

 


[1] uể oải, mất sự linh động


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.