Ðại nghĩa diệt thân

Chương 3



Ông Nhiêu Võ Minh Giám, không phải trong hàng khoa mục xuất thân, song ông học nhiều, có kiến thức rộng, lại là nhà nho chơn chánh bởi vậy quốc gia hữu sự, cụ Thủ Khoa Huân thường tới lui bàn luận thời cuộc với ông. Ðàm luận nhiều lần, hai người cảm thấy hiệp ý đồng tình với nhau, hiệp đồng về chỗ tri ều đình không có nhơn tài để gìn giữ non sông, vậy con dân của đất nước phải tự tiện mà chống với quân xâm lăng cho thoát khỏi ách nô lệ của ngoại quốc. Vì vậy nên hai người kết bạn thân mật với nhau đặng lập kế định mưu để an dân phục quốc.

Năm nay ông Nhiêu Giám đã 60 tuổi rồi. Ông không còn đủ sức khỏe mà hoạt động như cụ Thủ Khoa Huân được, nhưng ông dạy học đã gần 30 năm nay, bởi vậy hạng trai tráng trong vùng từ Bình Cách qua Tân Hiệp phần nhiều là môn đệ của ông, hễ ông nói thì người ta nghe nên ông lãnh phần vận động mà qui tập nghĩa binh, để giúp cho cụ Thủ Khoa sử dụng.

Ông Nhiêu Giám có bà vợ tuy cũng già như ông song bà giỏi về việc làm ruộng lập vườn, nên cùng với con bà lo bề sinh nhai, kiếm cơm gạo bạc tiền mà cung cấp cho gia đình, nhờ vậy nên ông Nhiêu được thông thả lấy trường học làm tấm bình phong mà che đậy việc lớn của ông lo làm với cụ Thủ Khoa để an dân cứu quốc.

Vợ chồng ông Nhiêu chỉ có hai đứa con. Ðứa lớn là con trai, tên Võ Minh Ðạt được 30 tuổi, đã có vợ và có được một đứa con trai 6 tuổi.

Ðứa con nhỏ là con gái, tên Võ Thị Trâm 22 tuổi, vợ chồng ông đã hứa gã cho Ðỗ Chí Linh, một võ sĩ có danh ở Khánh Hậu. Võ Minh Ðạt và Ðỗ Chí Linh đều ở trong đoàn nghĩa binh của cụ Thủ Khoa Huân.

Hôm đó sau trận Bình Cách rồi Võ Minh Ðạt thối về Tỉnh Giang. Tối một lát chàng về tới nhà hối vợ nấu cho một nồi cơm. Chàng thuật cho cha nghe công cuộc phục kích tại Bình Cách. Chàng nói rằng bên ta có bị thương nhưng bên địch bị kích tình cờ nên bị tổn thất nặng hơn nhiều.

Ngặt cụ Thủ Khoa bị đạn nên bị giặc bắt, binh ta rán hết sức, nhưng không cứu được cụ.

Ông Nhiêu nghe nói cụ Thủ Khoa bị đạn, lại bị giặc bắt, thì ông biến sắc bủn rủn tay chơn, ông than: „Ðại sự hư rồi. Còn gì mà kể!“.

Ông ngồi trầm ngâm mồt hồi rồi ông hỏi con:

– Ðốc Thành với Ðốc Thuận có dự chiến hay không?

– Thưa có. Khi cụ Thủ Khoa bị thương té quị thì hai ông đô đốc binh xông vào giải cứu. Giặc bắn nà quá, binh ta bị thương hết mấy người, chánh tại lúc ấy rán hết sức mà tiến không nổi nên cứu không được cụ Thủ Khoa.

– Hai vị Ðốc binh đó có bị thương hay không?

– Thưa không. Nhưng thấy giặc bắt cụ Thủ Khoa rồi hai ông mất tinh thần chiến đấu nên hô lớn biểu binh ta rút lui và tản mác.

– Còn Ðỗ Chí Linh? Có nó tham chiến hay không?

– Thưa có, nhưng nó chỉ huy một toán binh mai phục phía trước, con phục phía sau, nên con không gặp nó được.

– Không biết nó có bị thương hay không?

– Con không biết được, vì hỗn chiến mạnh ai nấy đâm chém làm cho binh địch tán loạn rồi phân từng tốp đánh khắp trong xóm, không ai thấy ai được.

– Thôi, xuống dưới coi cơm chín thì ăn đi.

Ðạt đi xuống nhà dưới nói chuyện với mẹ, đợi vợ với em nấu cơm.

Ông Nhiêu lên võng mà nằm, gát tay lên trán, chơn đạp đất cho võng đưa cọt kẹt. Ông ngó ngọn đèn leo lét mà suy nghĩ cuộc chiến đấu ông vừa mới nghe tin.

Trận Bình Cách binh ta không thất. Nhưng chánh tướng bị giặc bắt, đó là một tai hại rất to. Chúng sẽ bắn cụ Thủ Khoa hay là cầm tù? Dầu bị cầm tù, sợ đoàn nghĩa binh cũng phải tan rã, vì không co người thay thế cho cụ được, Ðốc Thành với Ðốc Thuận không đủ tài lược mà chỉ huy, lại không đủ uy tín cho tướng sĩ tùng phục. Vậy thì ai? ai có thể thay thế cho cụ Thủ Khoa?

Có một câu hỏi đó mà ông Nhiêu nằm suy nghĩ gần hết canh hai ông cũng không tìm câu trả lời được.

Thấy Ðạt ăn cơm rồi đi lên nhà trên, ông bèn kêu lại, biểu ngồi chồm hổm dựa cái võng rồi ông nói: „đã có đụng độ dữ tợn như vậy cha chắc Tây sẽ gởi binh đội sang đây đông để xuống xét cái vùng mà kiếm bắt những người trai tráng họ nghi có tham gia cuộc phục kích đó. Tốt hơn là các thanh niên cường tráng ở miệt nầy đều phải tản mác đi xa mà ẩn núp trong một thời gian.

Người miệt dưới thì tản xuống phía Nhà Dài, Ngươn Long, còn người miệt trên thì tản vô Ðồng Tháp Mười, phải đi cho gấp mới khỏi bị bắt. Thế nào mai mốt binh lính bên Mỹ Tho cũng sẽ qua vùng nầy mà tổ chức cuộc khủng bố rần rộ. Nghĩa binh đã rã rồi, chánh tướng lại bị bắt, còn ai đâu mà chống cự.

Ðạt cười mà nói:

– Ðã đi kiếm chỗ xa xuôi kín đáo mà ẩn núp cho khỏi bị Tây bắt, có lẽ ai cũng tính rồi hết. Còn sự chống cự thì con chắc không có ai nghĩ tới.

– Nếu không nghĩ tới thì là mất hết tinh thần kháng chiến rồi!

– Cụ Thủ Khoa ngã thì tướng sĩ đều bủn rủn hết.

– Cha biết như vậy nên cha lo cho số phận của cụ quá! Không biết giặt bắt đây rồi nó giết cụ hay không? Phải có người đầy đủ lược thao và trí thức như cụ cầm đầu thì mới xong cuộc kháng chiến thành công, chớ hạng võ phu dầu nhiệt tâm cho mấy đi nữa thì, mà vì thiếu học, thiếu trí, thì cử đồ đại sự làm sao mà nên cho được. Cha đang tính kiếm người đi ra Mỹ Tho dọ nghe tin tức coi giặc nó xử cụ Thụ Khoa cách nào.

– Cha muốn con đi hay không?

– Sợ ra chợ Mỹ con đi láng cháng[1] họ nghi rồi họ bắt con nữa.

– Con đi thì con phải thủ thế, dại gì mà để cho họ nghi.

– Con khôn con tính làm sao đâu con nói cho cha nghe thử coi.

– Nếu cha cho con đi, thì con lấy chiếc ghe lườn nhỏ của mình, con đem theo một đường câu với tay lưới, con giả dạng người đánh cá con chèo con đi. Ra tới Mỹ con giăng câu lưới cá, hẳn hòi, hễ được cá thì con đem lại chợ mà bán. Con ở đó con làm quen với người ta rồi con lập thế mà dựa dẩm[2] đặng nghe tin tức cụ Thủ Khoa. Làm như vậy thì có cớ gì mà họ nghi con được.

Ông Nhiêu suy nghĩ một chút rồi ông nói:

– Ðược, con tính làm như vầy thì được. Bề nào con cũng phải bỏ nhà đi ẩn núp trong một thời gian. Thà ra ở tại chợ Mỹ ẩn núp còn yên ổn hơn là ở chỗ khác. Nếu người ta có ruồng xét thì ruồng xét miệt Bình Cách, miệt Bến Tranh với mấy giồng như Trấn Ðịnh, Cánh Én, chớ ruồng xét lại tỉnh lỵ có quan quân đông đủ làm chi. Con chịu đi thì phải đi liền trong đêm nay đặng khuya ra cho tới chợ Mỹ nếu trì hoãn sợ sáng mai họ bố[3] liền con thoát thân hết được.

Ðạt đứng dậy nói:

– Canh hai rồi. Vậy con phải sửa soạn mà đi liền.

Ðạt kêu vợ biểu xúc cho một quảu[4] gạo đem xuống ghe với lò củi, nồi ơ, chén đũa, sửa soạn đủ đồ cho chàng đi ẩn mặt ít bữa. Còn phận chàng thì chàng soạn một đường câu, một tay lưới với quần áo chèo sào đem xuống ghe. Qua canh ba sắp đặt xong rồi, Ðạt mới từ biệt cha mẹ, vợ con xuống ghe gay chèo[5] mà ra chợ Mỹ Tho.

Võ Minh Ðạt đi rồi, ông Nhiêu Giám ở nhà ông vẫn bình tĩnh như thường. Ban ngày học trò tụ lại học, thì ngồi dạy như không hay biết việc chi hết. Bữa sau ăn cơm chiều rồi, ông nhắc ghế để ngoài sân ngồi hóng mát. Ông cứ ngồi ngó mông, không nói tới ai hết.

Ông ngồi đến chiều sụp tối ông mới chịu vô nhà và leo lên võng nằm đưa tòn ten. Thị Trâm là con gái của ông, đốt đèn để trên bàn rồi sửa soạn đóng cửa. Ông dặn đừng đóng cửa giữa để cho ông ra vô hóng mát.

Ðêm nay trong nhà không có việc chi phải làm nên bà Nhiêu với dâu, con và cháu nội vô buồn ngủ sớm.

Trong nhà chỉ nghe tiếng võng của ông Nhiêu nằm đưa nên kêu trẹo trẹo mà thôi. Một lát lại nghe tiếng chó sủa trong xóm.

Ðến nửa canh một, giữa lúc trong ngoài im lìm, ông Nhiêu lại nghe có tiếng đất dường như có ai đi vô sân.

Ông đứng chờ coi ai đến cho tin tức gì đây.

Té ra chừng hai người vô cửa, nhờ có ánh đèn dọi sáng nên ông thấy Ðỗ Chí Linh là võ sĩ ông đã hứa gả con, đi với tên Hựu, một nghĩa binh gốc ở Khánh Hậu, ở một làng với Linh.

Ông Nhiêu sợ có tin chẳng lành nên ông vội vã hỏi:

– Có việc chi hay sao nà hai con qua đây chừng nầy?

Chí Linh nói:

– Thưa con về cho cha hay cuộc hỗn chiến tại Bình Cách hôm qua và hỏi coi anh Ðạt có thoát khỏi mà về hay không.

Ông Nhiêu nói:

– Thằng Ðạt về tới nhà hồi tối hôm qua. Nó đã thuật chuyện cho cha nghe rõ rồi.

– Cụ Thủ Khoa bị trúng đạn nên bị giặc bắt rồi cha à.

– Cha hay bởi vậy hồi khuya cha biểu thằng Ðạt giả dạng người câu cá, chèo ghe lườn ra ở chợ Mỹ ít bữa, trước ẩn mặt cho khỏi bị xét bắt sau lóng nghe tin tức của cụ Thủ Khoa. Hai con đói bụng hay không? Nói cho cha biết đặng kêu trẻ dậy nấu cơm cho mà ăn.

– Hai anh em con có ăn hồi chiều rồi. Cha khỏi lo. Số là hôm qua con được lịnh dắt một trung đội mai phục phía trước, bởi vậy trong lúc hỗn chiến con không gặp anh hai, ảnh ở đâu phía sau.

– Ừ, nó cũng nói như con vậy, hai đứa ở hai hướng nên cha hỏi thăm con thì nó nói nó không biết tin tức gì hết.

– Chừng cụ Thủ Khoa bị thương con cũng không hay. Khi được lịnh lui binh đặng tản mác thì tụi con rút xuống phía Tầm Vu. Tối lại có mấy ông già Bình Cách võng thương binh của mình đem xuống. Con phải kiếm ghe và mượn người chở binh đưa qua vùng Miễu Ông rồi con lần trở về nhà. Té ra vừa ra khỏi Tân An thì trời sáng, con không dám đi nửa, phải ghé vườn của họ xin cho ẩn núp. Họ có cho ăn cơm no đủ. Ngày nay con ở đó đợi tối khuất mình rồi con mới vô đây, trước cho cha hay tin, sau hỏi thăm anh Hai.

– Bây giờ con phải tính đi kiếm chỗ ẩn núp chớ ở đây sao được.

– Thưa phải, ai cũng phải bước tránh một lúc, chớ bên địch có chết và bị thương chộn bộn thế nào cũng xét bắt dữ lắm. Con tính ghé thăm cha một lúc rồi con đi luôn vô Cổ Chi, chớ không dám về Khánh Hậu.

– Tính như vậy phải a. Ở Cổ Chi có động thì thối vô Ðồng Tháp Mười tiện lắm. Con có nghe Ðốc Thành và Ðốc Thuận đi đâu hay không?

– Thưa không nghe.

– Nếu con có gặp thì con nói cha khuyên hai người đó thì ẩn mặt một lúc, đợi êm rồi sẽ về đây bàn công chuyên với cha. Cha ở nhà rán dọ tin cụ Thủ Khoa. Chừng hai người đó về cha sẽ nói cho mà biết.

– Chừng nửa tháng con sẽ lén về thăm cha và nghe tin tức. Thôi, con xin phép cha cho con đi.

– Ừ thôi hai anh em đi cho sớm.

Ông Nhiêu đưa Linh với Hựu ra sân. Chừng hai người muốn cáo biệt thì ông dặn:

– Trong cuộc chiến đấu thắng hay bại là lẽ thường. Làm trai phải kiên tâm trì chí, chẳng nên chán nản. Trận Bình Cách binh ta thắng chớ không phải bại. Nếu chánh tướng của ta vì trúng đạn nên bị giặc bắt đó là rủi ro chớ không phải dở. Cha tin chắc giặc sẽ dụ cụ Thủ Khoa hàng đầu chớ không nỡ giết cụ đâu, Mà giết hay tha do thái độ của tướng sĩ. Vậy chúng ta nên im lặng coi thái độ bên địch thế nào rồi ta mới quyết định.

Linh với Hựu từ biệt ra đi giữa đêm im lìm tĩnh mịch.

Ông Nhiêu trở vô nhà mới chịu gài cửa tắt đèn. Nhưng ông còn nằm trên võng mà lo cả canh rồi mới đi ngủ.

Tối bữa sau nữa ông mới hay Bình Cách bị khủng bố, nhà cửa hóa ra tro, lương dân bị tra khảo, trong lòng ông đau khổ và bực tức cực điểm, nhưng nhờ quen tánh trầm tỉnh nên bề ngoài ông vẫn tỉnh táo mà dạy sắp nhỏ học như thường có điều ông dạy ở đây mà cứ nghĩ viêc gì ở đâu, nghĩ coi cụ Thủ Khoa sẽ còn mất lẽ nào, nghĩ coi phải dùng mưu gì mà đánh đuổi quân xâm lăng đặng cứu dân phục quốc.

Qua bữa sau nữa, quân Tây mới đến Tịnh Giang và ghé xem ông Nhiêu dạy học, làm cho bà Nhiêu với dâu con bà lo sợ hết sức, mà ông Nhiêu cũng vẫn bình tĩnh không lo không sợ chút nào.

[1] xớ rớ, vởn vơ

[2] dò dẫm

[3] lùng bắt

[4] thúng nhỏ

[5] cột quai chèo vào cột chèo


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.