Ðại nghĩa diệt thân
Chương 7
Thị Dần là một thiếu phụ sanh trưởng xóm chài xóm lưới, chuyên nghề bán tôm bán cá, mà tạo hoá gắn cho nàng một lòng dạ cực kỳ kín đáo. Tuy Ðạt là một chú trai biết tráo trở, ưa tùy thời, song chàng không đủ sáng suốt để thấy tâm hồn của nàng được.
Ðược nghe lời Ðội Tồn dụ dỗ đi lính, rồi lại được lịnh của ông Nhiêu dạy phải lập kế giải thoát cho cụ Thủ Khoa, trót mấy bữa rồi đầu óc của Ðạt suy nghĩ lung tung dường như có trận giặc đang đánh trong đó. Ban ngày ở nhà thì chàng thơ thẩn buồn lo, bớt vui cười giảm hăng hái. Cử chỉ ấy không qua khỏi cặp mắt tinh đời của Dần được. Thế mà nàng cứ làm lơ, dường như không để ý, không muốn biết việc gì hết. Nàng không nhắc chuyện đi lính, cũng không tính đi thăm Ðội Tồn.
Buổi trưa Ðạt hỏi Dần:
– Hồi hôm kiếm được vài con cá chẻm, sao em không bán, để làm chi?
– Ðể ăn.
– Ăn mà hay gì. Thôi đem cho ông Ðội đi. Hổm nay lâu cho rồi. Muốn biết coi bữa nay cụ Thủ Khoa đã lành mạnh đi ra ngoài hay chưa.
– Ðể tôi đi tôi hỏi cho.
Thị Dần đội khăn xuống ghe bắt cá rồi đi liền.
Vì nóng nghe tin tức, bữa nay Ðạt không ngủ được, cứ nằm thao thức chờ Thị Dần. Lần nầy Thị Dần lại đi lâu hơn mấy lần trước. Nhưng về tới nàng lại hào hển bước vô cửa kêu mà nói:
– Anh Ðạt họ chở cụ Thủ Khoa đi mất rồi!
Ðạt lồm cồm ngồi dậy hỏi:
– Chở đi đâu?
– Nghe nói chở lên Sài Gòn. Qua đó không có anh Ðội ở nhà. Anh đi tập lính đâu đó không biết. Tôi phải ngồi chờ ảnh về đặng hỏi thăm. Chừng ảnh về, ảnh vừa thấy mặt tôi là ảnh nói hôm qua có chiếc tàu ở trên Sài Gòn xuống họ thấy ông Thủ Khoa thiệt lành mạnh rồi, họ đem ổng xuống tàu chở tuốt về Sài Gòn.
– Sao bữa hổm ông Ðội nói có lẽ họ sẽ thả cụ Thủ Khoa?
– Tôi cũng có nhắc lời ảnh nói với mình như vậy, rồi tôi hỏi phải họ chở lên Sài Gòn đặng họ thả ổng hay không? Ảnh nói hôm trước ảnh thấy quan Tây săn sóc o bế ông Thủ Khoa, ảnh tưởng họ thương nên họ sẽ thả. Té ra hôm qua họ chở ổng đi mà họ còng tay ổng lại có hai người lính tay bồng súng theo giữ, nên chắc không phải họ đem lên Sài Gòn mà thả đâu, sợ họ đem về trển đày ra Côn Nôn.
Ðạt nghe tới đó khoanh tay ngồi buồn hiu. Dần hỏi:
– Côn Nôn ở đâu? Anh biết hay không?
– Ở đâu ngoài Ðại Hải ai mà biết được.
– Ðại Hải ở chỗ nào?
– Nghe nói như vậy chớ có biết đâu.
– Bị đày ra đó thì làm sao mà về?
– Về gì được.
Ðạt ngồi lơ lửng một hồi rồi thở một hơi thở dài mà than: „Thôi đoàn nghĩa binh chắc tan rã luôn… Còn gì mà mong kháng chiến để thâu phục đất nước! Biểu phải rán lo mưu kế mà đem cụ trốn. Làm sao vô đó được mà đem cụ ra. Người ta canh giữ nghiêm ngặt cả nguyên ngày làm sao vô ra được.
Thị Dần chưng hửng hỏi:
– Anh có tính đem cụ Thủ Khoa trốn hay sao?
– Người ta biểu tôi làm như vậy. Việc tày trời làm sao được mà biểu.
– Bây giờ họ chở đi mất rồi, còn tính gì được.
– Ông Ðội có nhắc việc tôi đi lính hay không?
– Ừ, có. Nảy giờ tôi quên nói. Chừng tôi ra về anh Ðội kêu hỏi chuyện ảnh biểu anh vô lính bữa hôm đó anh đã quyết định hay chưa. Tôi nói tôi không hiểu để tôi về tôi hỏi lại anh coi. Anh dặn tôi biểu anh vô cho mau, làm việc chừng vài tháng ảnh cho làm Cai rồi ảnh chỉ cho cách lập công đặng thăng chức Ðội.
Ðạt chúm chím cười.
Dần đứng dậy đi vô trong vừa đi vừa nói:
– Hễ anh đi lính thì tôi phải dẹp cái nghề đi bán tôm cá rồi, chớ thiếm Cai, bà Ðội mà còn đeo theo nghề hàng tôm hàng cá, coi sao được.
Chiều lại, ăn cơm rồi. Ðạt cũng xuống ghe đi câu và lưới như thường lệ. Nhưng khuya chàng về sớm hơn các bữa khác và hối Dần nấu cơm riết cho chàng đặng chàng đi về Bến Tranh. Dần ngạc nhiên hỏi:
– Anh về Bến Tranh thăm nhà hay là về có việc chi?
– Về có việc riêng một chút, mà nhứt là về thưa trước cho cha tôi hay đặng tôi vô lính.
– Anh quyết định đi lính hay sao?
– Quyết định rồi. Cụ Thủ Khoa bị đày thì kháng chiến gì nữa mà ở ngoài.
– Khoan anh tính đi thì để chiều tối rồi sẽ đi. Chẳng nên đi ban ngày. Anh Ðội dặn đừng có léo về vùng bị tình nghi đó anh quên hay sao?
– Ừ, thôi, để chiều đi cũng được.
– Ðợi tôi đi bán rồi mua bánh trái chút đỉnh đặng anh đem về chớ.
Dần dọn cơm ăn với Ðạt rồi bưng tôm cá đi bán. Nàng mua trà tàu, thịt heo, cốm kẹo, bưng về đặng chiều Ðạt đem về Bến Tranh cho cha mẹ vợ con vui lòng.
Trưa bữa đó Dần chiên cơm mà ăn rồi nằm nghỉ lưng, mới hỏi Ðạt:
– Anh tính về nói chuyện rồi trở ra liền hay là ở chơi đến bữa nào mới ra?
– Cái đó tính trước không được. Ðể về trỏng nói coi cha bằng lòng hay không đã. Như xuôi thuận thì nội ngày mai trở ra. Tôi sợ ông già cản trở, không chịu cho đi lính.
– Như cha không chịu thì anh làm sao?
– Tôi sẽ chỉ chỗ lợi hại cho cha thấy có lẽ cha phải chịu chớ.
Tôi nhớ mấy lời anh tôi đối đáp với thiên hạ, lúc ảnh mới ra đầu Tây. Ảnh nói chơi mà nghe có lý quá.
Rồi đó Thị Dần làm bộ hí hởn, nói giọng giễu cợt, kiếm đủ lý lẽ để bào chữa cho người qui thuận với nhà binh nhà nước Tây, hoặc giúp trong quân đội, hoặc giúp về hành chánh, để lập an ninh thịnh vượng cho nhơn dân đất nước. Nhờ có thiên tư lanh lợi khôn ngoan, nên nàng làm cho Ðạt phải say mê những vinh hiệu làm quan làm lính cho tân trào, quên hết giống nòi, quên hết non sông tổ quốc. Nàng nói nói cười cười, hấp dẫn cả tâm hồn Ðạt, không để cho Ðạt nghi nàng khuyến dụ, nhưng kỳ thiệt là ép buộc Ðạt đi lính mà Ðạt không dè.
Thị Dần không phải yêu gì Tây mà dụ dỗ Ðạt đi lính giúp Tây. Nàng chỉ muốn giựt chồng của Thị Ðậu mà thôi, nên âm mưu làm cho đi lính đặng ở luôn ngoài Mỹ Tho với nàng, bỏ vợ con, bỏ cha mẹ nữa. Lòng dạ đàn bà nham hiểm như vậy đó. Họ muốn được thoả mãn chút tình yêu của họ dầu người đàn ông phải mất danh dự, phải mang tiếng phản quốc, nghịch thần, họ cũng không cần, miễn họ được vui lòng thì thôi. Ðàn ông như chú Ðạt nầy làm sao thấu hiểu hiểm nguy mà tránh. Mà Ðạt quen thói tráo trở, thì lại càng dễ sa ngã hơn người.
Chiều bữa đó Thị Dần tính nấu cơm cho Ðạt ăn sớm, đặng sửa soạn rồi chừng mặt trời lặn thì chèo ghe mà đi. Ăn cơm rồi nàng xách ra một xâu thịt heo với mấy gói trà, cốm kẹo để cho Ðạt đem về Bến Tranh. Nàng nói hồi sớm mơi tính về nên nàng để lại trong rộng một mớ tôm càng, ít con cá. Vậy về trỏng nhớ biểu bắt lên nhà mà ăn.
Sau hết Dần lại nói tiền bán tôm cá hổm nay trừ tiền mua ăn chia phần của Ðạt được 26 quan. Hôm nọ may một bộ quần áo mất hết 7 quan. Bây giờ còn 19 quan. Ðể nàng lấy phần của nàng một quan bỏ vô cho chẵn 20 quan đặng đem về cho cha mẹ vợ con dùng.
Ðạt thấy Dần nghe chàng tính về Bến Tranh nàng sắm thịt cá bánh trà đủ thứ mà gởi cho cha mẹ thì chàng rất cảm tình. Ðến chừng nghe nhắc đến tiền bán tôm cá nữa thì chàng động lòng quá, không tìm ra lời mà đáp nghĩa ấy cho vừa chỉ nói:
– Thôi đem tiền về mà chi, để dành ngoài nầy mà xài chớ.
– Có xài gì đâu. Nếu cần dùng thì có phần tiền của em đây. Anh đi đã hai mươi mấy ngày rồi. Nếu về tay không thì coi sao được. Anh lại còn mang tiếng làm mọi mà nuôi em. Cái đó em chịu không được.
– Qua đi lánh nạn, ai mà trông qua đem tiền về hay sao mà em lo?
– Mà anh đem tiền về mới hay chớ.
– Thôi đem một chục quan mà thôi.
– Ít quá. Ðể lấy 15 quan đi.
Thị Dần vô xách 15 quan tiền để trên ván. Ðạt vô trong thay bận bộ đồ mới. Dần biểu để hết đồ cũ lại đặng ngày mai không đi bán tôm cá, nàng sẽ giặt phơi sạch sẽ đặng chừng chàng trở ra có sẵn mà bận.
Sửa soạn xong rồi Ðạt xách 15 quan tiền đi xuống ghe. Thị Dần xách thịt với trà bánh theo sau. Chừng Ðạt gay chèo thì Thị Dần ứa nước mắt. Ðạt nói: « Em mở giùm dây đi. Bề nào qua cũng trở ra mà. Ở cái vùng bị tình nghi thì ở làm sao được. Không phải qua nhát nên qua sợ chết. Nhưng chết cho có ích kìa, chớ chết vô lối, chết dại dột, qua không chịu đâu. Thôi em vô nghỉ, để qua đi »
Dần xô ghe ra. Ðạt chèo đi, gặp nước xuôi nên ghe đi thiệt lẹ. Dần đứng trên mé sông ghé theo đến ghe đi khuất, nàng hết thấy được nữa mới xây lưng trở vô nhà.
Mặt trời đương chen lặn.
Cũng bữa đó, hồi sớm mơi học trò chưa tựu lại học ông Nhiêu Giám đi vòng chung quanh đám rau trồng bên hè mà nhổ cỏ lắp gốc, Tâm là cháu nội của ông, xẩn bẩn sau lưng ông, kiếm chuyên nói không ngớt.
Thị Trâm ở trong nhà đi ra, thấy cha đang lui cui săn sóc đám rau, thì tiếp tay với cha mà nhổ cỏ. Một lát bà Nhiêu cũng ra nữa, bà đứng coi chồng con làm một chút rồi nói:
– Cỏ còn nhiều quá cơm đã chín rồi. Thôi vô rửa tay ăn cơm rồi chiều mát sẽ làm tiếp.
Bà Nhiêu nói chưa dứt lời, thì chú tư Ðịnh người ở vườn giáp ranh với ông Nhiêu, hào hển nhảy mương qua mà nói:
– Ông ơi con nhỏ tôi đi lên chợ nó chạy về nói có Tây vô ông à. Vô gần tới chợ rồi.
Ông Nhiêu đứng dậy hỏi:
– Ðông hôn?
– Nó nói đông lắm.
– Bố rồi! thiệt quả thằng Ðạt nói không sai.
Chú đã có đi rao cho sắp nhỏ ẩn mặt, không biết nó có đi hay không lán chán ở nhà bị chúng lượm hết.
– Ði hết. Ðứa nào có lén về thì về ban đêm rồi khuya cũng đi, đâu dám ở nhà.
– Thôi chú đi về. Về ở trong nhà đừng sợ mà chạy bậy, chúng bắn chết.
Tư Ðịnh nhảy qua mương mà về. Bà Nhiêu hỏi:
– Làm sao ông, tôi sợ quá!
Ông Nhiêu nghiêm nghị nói:
– Bà nó vô nhà đi, vô ở nhà dưới với con Ðậu lo cơm nước, đừng sợ chi hết. Ðể con Trâm ở ngoài nầy với tôi. Bà nó vô đi.
Bà Nhiêu xây lưng đi liền mặt mày tái lét
Ông Nhiêu với Thị Trâm ngồi lại nhổ cỏ nữa. Thằng Tâm cũng vẫn xẩn bẩn theo một bên ông nội, không chịu vô nhà.
Ông Nhiêu quen tánh trầm tịnh nên cứ cặm cụi làm việc, không thèm nói chi hết. Còn Thị Trâm vì sợ nên hồi hộp, không dám hó hé mà mắt cứ dòm chừng ra bờ đắp phía trước nhà.
Cách một hồi lâu có một tốp lính chừng ba bốn mươi người, đi ngang ngoài rào của ông Nhiêu, có lộn chừng năm bảy lính Việt, còn bao nhiêu toàn là Tây vai mang súng đầu đội nón trắng, tướng mạo lẫm liệt. Họ đi qua, họ ngó vô nhà ông Nhiêu, song không ghé như lần trước. Chừng họ đi khỏi rồi, Thị Trâm mừng nên nói với cha: «Chuyến nầy họ không ghé xét nhà mình may quá cha há? »
Chú Tư Ðịnh đứng bên vườn của chú kêu và nói: » Ông ơi bây giờ họ quẹo đi vô phía Bình Cách ông à.»
Ông Nhiêu nói: « Họ bố hết vùng nầy »
Bà Nhiêu ra cửa nói: «Họ đi hết rồi. Thôi vô rửa tay đặng ăn cơm ».
Chừng cả nhà ăn cơm, Bà Nhiêu mới nói: « Thằng Ðạt biết trước họ sẽ bố nữa, nên nó ở luôn ngoài Mỹ xong quá. Nếu nó ở nhà thì cũng trốn mà không chắc trốn khỏi »
Ông Nhiêu nói: « Chuyện tôi biểu sắp nầy ra dặn nó đó, không biết thế nào mà hổm nay sao êm ru »
– Bữa hổm con nói chuyện với ảnh thì ảnh than khó lắm cha à.
– Ai lại không biết khó. Nhưng khó mà làm được mới giỏi, công mới lớn chớ.
– Ảnh nói ảnh sẽ rán, song phải chậm chậm, chớ gắp không được.
– Cũng nên làm cho mau mau, chớ trễ quá thì nghĩa binh thối chí họ tản lạc hết, làm sao mà gom lại được.
– Cha muốn con ra thúc ảnh hay không?
– Khoan để chờ ít bữa coi.
Bữa ấy Ông Nhiêu cũng vẫn dạy học như thường. Nhưng tối ông nằm trên võng có ý mong mỏi cụ Thủ Khoa trốn được mà trở về đặng ông bày kế liên hiệp với mấy ông Trực, Dương và Ðịnh mới có đủ thế lực mà đánh đuổi binh xâm lăng nổi.
Ðến nửa canh một ông nghe có tiếng ghe chèo dưới sông, rồi lại lộp cộp, dường như có ghe ghé đụng vào cầu thang. Ông đứng dậy bước lại mở cánh cửa giữa mà dòm
Trăng mùng bảy mờ mờ, ông thấy dạng một người mặc đồ đen leo lên cầu thang rồi xăm xăm đi vô sân. Ông bước ra cửa mà hỏi: « Ai đó? »
Người đó trả lời:
– Thưa, con.
– Thằng Ðạt phải hôn?
– Thưa phải.
– Mầy rước được cụ Thủ Khoa về hay không?
– Thưa không. Tàu xuống chở cụ đem lên trên Sài Gòn rồi.
– Trời đất ơi! Còn gì nữa mà mong! Vô đây. Vô riết cho tao hỏi chút coi.
Ông Nhiêu trở vô nhà đi thẳng lại ván mà ngồi, có thắp đèn để trên ghế gần đó. Bà Nhiêu, Thị Trâm với mẹ con Thi Ðậu vừa mới nằm một lát chớ chưa ngủ, nghe tiếng Ðạt nói ngoài sân thì đồng dậy hết đi ra mà mừng.
Ðạt bước vô, một tay xách xâu thịt cho vợ và biểu đi kho liền cá thịt đi, mua từ sớm mơi sợ để tới sáng mai nó hôi. Còn mấy gói thì chàng đưa cho bà Nhiêu, xin mở cốm và kẹo đưa cho Tâm liền một miếng. Chàng nói dưới ghe còn 15 quan tiền và mượn Trâm xuống xách giùm lên. Chàng lại nói trong rộng có một mớ tôm cá, Trâm coi như còn mạnh thì để sáng sẽ bắt lên mà làm, còn nếu tôm cá khờ rồi thì nên bắt lên làm, sợ để sáng nó chết hết.
Ông Nhiêu nóng nảy nói: « Cá tôm để cho con Trâm liệu được mà. Mầy lại đây nói rõ việc của cụ Thủ Khoa cho tao nghe một chút. Tao cậy lập thế cho cụ trốn sao mầy không làm? Họ chở lên Sài Gòn chi vậy? Ði hồi nào? »
Ðạt lại gần mà nói:
– Việc cha dạy con đó con lo hết sức mà tìm không ra kế, để con cắt nghĩa cho cha hiểu. Tây để cho cụ Thủ Khoa nằm nhà thương chung với tụi lính Tây bị thương đó. Nhà thương ở trong thành chung quanh có lính Tây bồng súng canh giữ ngày đêm nghiêm ngặt. Con quen với ông Ðội Tồn. Ổng thương con lắm, con tới lui mà thăm ổng được. Song ổng ở ngoài vòng thành. Ổng làm việc với Tây nên ổng vô thành thong thả. Con là người ngoài, con có được phép vô đâu, bởi vậy con không được giáp mặt với cụ Thủ Khoa mà nói chuyện được, con chỉ nhờ ông Ðội Tồn cho con biết tin tức của cụ vậy thôi.
– Con thân với ông Ðội đó, sao không cậy ổng giúp đem giùm cụ Thủ Khoa ra cho?
– Ủy! Cha tưởng chuyện chơi hay sao chớ, ông là tâm phúc của Tây, cụ Thủ Khoa là người đánh Tây, tức thì là người thù. Nếu ông Ðội biết con là người phe nên muốn cứu cụ Thủ Khoa, thì bắt con mà nộp cho Tây. Con bị xử bắn liền còn gì. Con chỉ dùng mánh lới khôn khéo lắm đặng dọ tin tức vậy thôi, chớ con đâu dám nói thiệt. Vậy mà con còn bị tình nghi, lính muốn bắt con hoài, may có ông Ðội thương con, ông hết lòng che chở nên con mới được yên thân.
– Mà tại sao họ chở cụ Thủ Khoa lên Sài Gòn.
– Theo lời ông Ðội nói, thì lúc đầu cụ Thủ Khoa bịnh nặng, Tây săn sóc cụ kỹ lắm. Chừng cụ gần lành mạnh, đi đứng được thì o bế cụ hết sức, cho ăn cơm Tây uống rượu Tây. Ông Ðội chắc chừng cụ mạnh họ sẽ thả cụ về. Con cũng tưởng như vậy nên con bớt lo. Ai dè hôm qua ông Ðội nói bữa hôm kia có chiếc tàu ở Sài Gòn xuống chở cụ Thủ Khoa đi rồi, cụ bị còng hai tay dẫn xuống tàu, lại có hai người lính Tây bồng súng giữ. Con nghe nói con rụng rời tay chưn. Con hỏi họ chở cụ lên Sài Gòn làm chi, thì ông Ðội nói đem đi mà bị còng có lính giữ thì chắc là bị đày ra Côn Nôn. Con hay như vậy mà hồi sớm mơi con không dám về liền mà thông tin với cha, đợi gần tối con mới đi đây.
Bà Nhiêu nói:
– Phải con về hồi sớm mơi con gặp Tây ruồng bắt con rồi.
Ðạt chưng hửng hỏi:
– Hồi sớm mơi họ có đi ruồng hay sao?
– Có đi đông lắm.
– May cho con quá!
Ông Nhiêu thở ra một hơi dài và nói:
– Bây giờ tôi hiểu rồi. Ban đầu nó đãi cụ Thủ Khoa tử tế, theo o bế cụ, chắc là nó có ý dụ cụ Thủ Khoa đầu hàng đặng giúp nó. Cụ kháng cự không chịu qui thuận, nên nó chở cụ lên Sài Gòn đặng đày cụ chớ có gì đâu. Tôi phải theo lên Sài Gòn mới được lên ở ít bữa kiếm thế dọ coi Tây xử cụ Thủ Khoa cách nào.
Bà Nhiêu hỏi ông:
– Ở đây ông đi thì ông mượn ghe mượn người chèo đưa ông đi được rồi. Mà lên trển ông ở đâu đặng đi hỏi thăm?
– Lên trển tôi để ghe chờ tôi ít bữa. Nếu tôi liệu phải ở lâu thì tôi cho ghe về trước. Sau tôi kiếm ghe thương hồ tôi quá giang mà về. Còn chỗ ở thì tôi kiếm người làm quen rồi xin cho ở đậu, có khó gì đâu. Tôi kiếm mấy người quen hồi trước, như ông Ðồ Ngôn ở Vĩnh Hội, ông Nhiêu Lạc ở Xóm Dầu, mấy chỗ đó tôi ở được hết.
Thị Trâm ở dưới bếp lên cho Ðạt hay cơm chín rồi nên mời Ðạt xuống ăn. Nàng cũng mời luôn cha mẹ nói có thịt kho, tôm càng cá chẻm, vậy cha mẹ nên xuống ăn thêm.
Ðạt thấy Tâm nằm ngủ thì vỗ đít mà kêu đi ăn cơm. Bà Nhiêu cản, bà nói nó mới ăn một miếng kẹo, vậy để cho nó ngủ. Ðạt mới sực nhớ trà với kẹo cốm mang về mới biểu Trâm chế nước nấu một bình trà cho cha mẹ ăn kẹo cốm uống trà chơi.
Ðạt ngồi ăn cơm vui vẻ nói chuyện với vợ và em. Thi Ðậu hỏi giăng câu kéo lưới khá lắm hay sao mà ăn uống và may áo quần mới rồi còn dư đến 15 quan tiền mang về đó. Ðạt nói:
– Ngoài sông cái tôm cá nhiều, lại ít người làm, nên bữa nào đi cũng có. Lại nhờ chị chủ nhà mỗi bữa lãnh bán giùm, chị thạo giá chợ nên bán mới có tiền. Mà cũng may ở đậu nhà đó chớ ở nhà khác thì chắc bị Tây bắt ở tù rồi, hết trông về được.
Hai nàng chưng hửng hỏi tại sao vậy, Ðạt nói chị chủ nhà đó là em của ông Ðội Tồn. Chỉ gởi gắm với ông Ðội, nên ổng che chở, không ai dám động tới. Hai nàng đã có cảm tình với Thị Dần mà nghe nói chị nọ là em của ông Ðội có thân thế mạnh mẽ thì càng thêm kính phục chị.
Ðạt ăn cơm rồi lên nhà trên thấy cha mẹ đương ăn cốm uống trà, cha tính sáng mai phải mượn ghe có mui và mượn hai người chèo mà đi cho gấp, không nên trì hoãn, vì họ dem cụ Thủ Khoa đi đã 3 ngày rồi; nếu mình chậm chạp, họ đày cụ đi rồi, thì làm sao mà gặp được.
Ðạt nghe cha nói như vậy thì hỏi:
– Nếu người ta đã quyết đinh đày cụ Thủ Khoa ra Côn Nôn Ðại Hải, dầu cha lên trển cha được gặp cụ đi nữa, cha cầm cụ lại được hay sao mà đi cho thất công.
– Cha muốn cho chắc đặng cha liệu mà vạch đường tương lai.
– Theo ý con thì đại cuộc đã bị hư hỏng rồi, không còn gì nữa mà trông mong. Hôm cụ Thủ Khoa bị thương và bị bắt, đoàn nghĩa binh đã mất tinh thần hết rồi. Nay nghe cụ bị đày thì chắc chắn sẽ tan rã không thể gì mà gom lại được. Mà dầu cụ Thủ Khoa được thả về và cụ gom nghĩa binh lại đủ cụ cũng không thể nào phục quốc được. Con ra ở ngoài Mỹ gần tháng nay, con quan sát kỹ rồi, binh lính của người ta hùng hậu, lão luyện, lại có súng nhỏ súng lớn đủ thứ. Quan cầm binh là một người chuyên nghiệp, thông chiến sự, biết lược thao. Nghĩa binh của mình đều là người làm ruộng hoặc đi câu, thuở nay không quen ra trận. Binh khí thì là mác thông, chỉa ba, chớ không có súng. Vì thương đất nước nên người mình không sợ chết, dám xông lước súng đạn ngoài chiến trường. Người cầm binh như cụ Thủ Khoa, tinh thần mạnh thiệt, nhưng cha nghĩ coi tầm vong dao mác mà chống cự với súng điển thương[1], chống với đại bác, chống làm sao cho nổi.
– Chống không nổi, cũng phải chống. Thà chết theo đất nước, chết được vinh hiển, chớ sống mà làm tôi mọi cho ngoại bang thì tủi nhục quá sống làm sao được.
– Không phải con sợ chết, nhưng chết cho có ích thì nên chết, chớ chết vô ích thì chết làm chi. Bình nhựt tri ều đình cứ lo mão cao áo rộng xuống kiệu lên voi, không thèm huấn luyện binh đội, không biết tổ chức phòng bị. Quân ngoại xâm vào nước rồi hoành hành như vào cảnh không người. Chúng đi tới đâu, quan quân của mình cứ lo chạy tới đó. Những người áo rộng mão cao, bình thường ăn trên ngồi trước, kêu gió làm mưa, khi có giặc thì phải đem thân ra mà cứu dân giữ nước. Các ổng trốn đi đâu mất hết, để cho dân làm sao thì làm, đợi dân làm xong rồi mấy ổng sẽ ló ra lại đặng vuốt râu trợn mắt mà hò hét. Người có trí thức lại có oai quyền mà không dám làm; dân yếu ớt quê mùa, làm sao cho xong mà trông cậy. Con đi câu gần một tháng nay, ban đêm nằm giữa trời nước, con nghĩ cuộc đời rồi con ngán quá. Hạng quê dốt như con chỉ để cho thiên hạ lợi dụng, chỉ đưa lưng cho họ bước mà leo lên cao. Ðã mang số phận tôi mọi, thì với ai cũng là tôi mọi, không cần phải chê khen, lựa chọn. Vậy con muốn làm tôi mọi cho người nào giúp ích cho thân con mà thôi, giúp cho con vượt khỏi cái địa vị thấp hèn, khỏi chìm nổi trong lao khổ.
– Úy cha chả! Con nói cái gì vậy con? Giọng con nói sao cha nghe như ý con muốn phản quốc vậy?
– Thưa, con không tính phản quốc đâu cha. Con ái quốc lắm chớ song ái quốc làm cho dân khôn nước mạnh, chớ không phải ái quốc lại xúi dân chết, bỏ nước mất.
– Ý con muốn tính làm sự gì đâu con nói thử cho cha nghe thử coi.
– Con thưa thiệt với cha, từ bữa cụ Thủ Khoa bị giặt bắt thì con chán nản cực điểm. Nay nghe cụ chắc sẽ bị đày thì con thấy ngả cứu dân giúp nước mà cha dạy con đi đó đã bít đường rồi. Con muốn day qua ngã khác mà đi cho dễ bước, mà cũng tới mục đích đó vậy. Con muốn ra đầu Tây đặng cậy thế lực mạnh mẽ của họ mà giúp cho dân cư, làm cho nước thạnh vượng, con khuyên dân học tập tài trí mới, nghề nghiệp hay của họ rồi sẽ thừa cơ hội đánh đuổi họ về mà thâu phục đất nước mình lại.
Ông Nhiêu Giám giận đỏ mặt. Nhưng quen tánh trầm tĩnh nên, nên ông để cho con nói hết ý rồi ông mới châu mày mà mắng:
– Mầy là thằng xảo trá! Mầy muốn uống rượu chát gậm bánh mì, nên mầy kiếm lời thêu dệt cho êm tai, kỳ thiệt là mầy sanh tâm vong ơn phản quốc, chớ không phải an dân lợi nước gì hết.
Ðạt róng lên cãi:
– Xin cha bớt giận, cho phép con thưa hết cho cha nghe. Con không muốn làm theo thiên hạ: hoặc ngồi trong nhà cao buồng kín, tối ngồi khoe thương nước thương dân, mà kỳ thiệt là hại dân hại nước chớ không thương gì hết. Hoặc xách mác thong, vác rựa ngoéo xông ra chiến trường đặng chết với lằn súng viên đạn mà lãnh cái danh chí sĩ anh hùng, thí thân mà đổi cái danh không ích cho mình mà cũng không lợi cho ai hết, thì làm chi. Con muốn thương nước, thương dân theo cách sáng suốt, chớ không phải theo mù quáng.
– Gian hùng! Mầy là thằng gian hùng! Mầy nuôi tâm hồn bán nước! Mầy không được phép nói tiếng “Thương dân thương nước”.
– Vậy cha muốn cho con phải chết hay sao?
– Thà chết.
– Chết mà dân không được nhờ, nước không lấy lại được, thì chết làm chi cho uổng mạng?
– Ðời chiến quốc, Triệu Tương Tử giết Trí Bá, tru di cả tông tộc và chia đất đai của Trí Bá với nước Nguỵ nước Hàn. Bộ tướng của Trí Bá chỉ còn sót có một người là Dự Nhượng. Thế mà Dự Nhượng không nản chí báo oán báo thù, không biết sợ binh đông tướng mạnh, một mình dám phục kích hai lần toan giết Triệu Tương Tử. Tuy trời khiến Dự Nhượng không thành công, song danh trung nghĩa của chàng được bia trong sử sách.
– Việc Dự Nhượng làm đó theo con thì không có chí hay. Anh ta thấy cùng đường nên tự tử cầu danh. Con không chịu làm như vậy. Con muốn sống đặng cứu dân.
– Mầy mà còn nói cứu dân giúp nước tao nghe sao tao mắc cỡ quá. Mầy sống đặng hại dân, bán nước, nói như vậy mới trúng chớ. Theo ý tao thì mầy cứ bền lòng mà kháng chiến, dầu rũi mầy có chết đi nữa thì mầy cũng được danh thơm, còn tao với mẹ mày cũng được đẹp mặt nỡ mầy với thiên hạ. Còn mầy ra đầu giặc đặng giúp sức cho giặc thâu phục nước nhà của mình, chẳng sớm thì muộn mầy cũng bị người mình phân thây mầy mà mầy còn làm nhục cho cả tông môn mầy nữa. Nếu mầy không chịu nghe lời tao, thì mầy đừng cho tao thấy mặt nữa. Mầy đi đường mầy, tao đi đường tao, không còn tình nghĩa cha con gì nũa, không ai biết tới ai làm chi.
– Cha hay con phải tiếp tục kháng chiến; cụ Thủ Khoa không còn. Con giúp sức với ai? Cha mẹ không hay hiện giờ con đương sống giữa một cảnh đời cực kỳ nguy hiểm. Vì người ta thương con nên lén cho con hay Tây đã nghi con có chưn trong đoàn nghĩa binh của cu Thủ Khoa, lại cho cái vùng mình đây là vùng nghịch. Người ta khuyên con đừng có lẻo về đây. Người ta biểu con tốt hơn là nên vô lính đỡ mà ẩn núp trong thời gian đặng người ta có thể che chở cho con khỏi chết. Tại vậy nên con phải lẻn về đây lúc ban đêm đặng trước thưa cho cha hay vụ cụ Thủ Khoa, sau bày tỏ việc riêng của con nữa. Con về một chút rồi khuya con phải ẩn mặt chớ không dám ở nhà ban ngày. Tại có cái khổ hăm he như vậy nên con mới tính con phải ra đầu giặc cho an thân, chớ đâu phải con có ý muốn hại dân hại nước.
– Mầy muốn sống mà mang tiếng xấu hơn là chết mà được danh thơm thì tự ý mầy. Tao không cần biết tới. Tao mắc lo đặng mai tao lên Sài Gòn mà nghe tin cụ Thủ Khoa.
Ông Nhiêu bỏ đi lại võng mà nằm. Bà Nhiêu kêu dâu biểu bồng Tâm vô nhà cho nó ngủ. Ðạt đi xuống nhà dưới ngồi nói chuyện với Thị Trâm. Bà Nhiêu têm trầu ăn rồi bà đi theo. Thi Ðậu bồng con vô buồng rồi nàng cũng trở ra đó nữa. Bốn mẹ con ngồi chùm nhum nói chuyện nhỏ nhỏ với nhau, nói tới canh ba, ông Nhiêu đi ngủ đã lâu rồi, mấy mẹ con mới rã đi nghỉ.
Tuy Ðạt có nói khuya chàng phải đi chớ không dám ở, song đến khuya chàng làm như bịn rịn không đành dứt ra đi. Ðến sáng bét mà chàng vẫn còn đeo theo nói với vợ chơi với con, nhưng lục đục ở phía sau nhà không dám léo ra phía trước.
Ông Nhiêu kêu Trâm với Ðậu giã sẵn cho ông vài cối gạo. Ông đi qua nhà chú Tư Ðịnh nói chuyện cụ Thủ Khoa cho chú hay và tỏ ý muốn lên Sài Gòn gấp đặng hỏi thăm tin tức. Tư Ðịnh có ghe hai chèo, ghe sắm để chở trầu cau, dừa chuối đi bán nên có mui, có bếp đủ hết. Tư Ðịnh chịu lấy chiếc ghe đó mà đưa ông Nhiêu đi và sai người nhà kêu ông Thới lại mà cậy ông đi đặng ông chèo mũi thì ông Thới cũng sẵn lòng đi giùm nữa.
Ông Nhiêu dặn Tư Ðịnh với ông Thới sửa soạn dọn ghe đến xế, nước gần ròng, thì lui ghe, ông trở về cho học trò nghỉ ít bữa, nói rằng ông mắc đi thăm bà con ở xa, chừng nào ông về rồi sẽ dạy tiếp.
Dâu con đã giã sẵn một thúng gạo trắng rồi. Bà Nhiêu soạn mắm muối cho ông đem theo. Ông gói vài cái áo vài cái quần. Bà lấy ra 20 quan tiền. Ðến xế vợ con ông Nhiêu phụ vác gạo tiền và xách hành lý đưa ông qua bên Tư Ðịnh rồi ghe lui.
Ông Nhiêu đi rồi Bà Nhiêu hỏi Ðạt bây giờ phận Ðạt tính lẽ rồi. Ðạt không nói chuyện đi lính nữa. Chàng chỉ buồn mà than thở về sự nguy hiểm buộc chàng phải lìa xa xứ Tịnh Giang, lìa cha mẹ xa vợ con, thì mới an thân mà sống được.
Bà Nhiêu vì tình mẫu tử, Thi Ðậu vì tình vợ chồng, Thị Trâm vì tình anh em, cả ba người đều là đàn bà, nên bị mấy tình ấy cảm xúc nặng nề, bởi vậy không người nào đành ép buộc Ðạt phải chết vì nghĩa, vì nhân, hay vì nước non, vì danh dự như ông Nhiêu ép buộc vậy. Ba người đều ân cần khuyên Ðạt kiếm chỗ cậy thế, mà ẩn núp cho qua khỏi gió giông đợi thanh tịnh an ninh trở lại rồi cha mẹ, chồng vợ, anh em, cha con sẽ đoàn tụ.
Bị cha rầy la, mà được mẹ xuôi thuận, Ðạt rất hài lòng nên rán ở lại với gia đình đêm sau, chừng đầu canh năm, mới xuống ghe mà đi nữa.
[1] súng gắn lưỡi lê
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.