Tân Phong nữ sĩ
Chương 4
Dọc theo đường Verdun , khỏi Chợ Đủi một khúc xa xa, có một cái nhà lầu tuy không lớn lắm, song trước có sân rộng chung quanh có trồng cây mát mẻ; kế bên phía tay mặt lại có một dãy phố lầu 10 căn. Bao vòng nhà và phố ấy thì có làm rào, dưới xây gạch, trên song sắt, rồi chừa hai cái cửa lớn, một cái vô nhà lầu, một cái vô dẫy phố.
Trên cửa ngõ vô dẫy phố, có một tấm bảng đề chữ lớn như vầy:
Clinipue Cchinchinoise
Docteur CAO VĨNH XUÂN
Chuyên trị các chứng bịnh đờn bà và con nít.
Đó là nhà thương của Vĩnh Xuân mới lập mấy tháng nay.
Vĩnh Xuân chê cô Hai Tân mà từ hôn, rồi bà ngoại ở Cần Đước mới làm mai cô Ngọ, bên vợ cho 20 ngàn, ông hội đồng Thạnh phụ 10 ngàn nữa, nên Vĩnh Xuân mướn nhà và phố, mua sắm đồ đạc, mà tổ chức cuộc dưỡng đường rất nguy nga đó.
Trong cái nhà lầu, vợ chồng Vĩnh Xuân ở từng trên, còn từng dưới, chính giữa để làm phòng rước khách, một bên thì dọn phòng coi mạch và một bên thì dọn phòng để khảo cứu thí nghiệm.
Trong 10 căn phố lầu thì dọn làm 20 phòng để bịnh nằm phân nửa từng trên, phân nửa tầng dưới.
Nhà thương tuy mới lập, song bịnh nằm gần đầy hết mấy phòng, mà thân chủ ở ngoài, dẫu sớm mơi hay chiều cũng vậy, rải rác mỗi buổi đều có năm ba người đến coi mạch hoặc tiêm thuốc.
Một buổi chiều, đốc tơ Vĩnh Xuân qua nhà thương mà thăm bịnh rồi, ông trở về phòng coi mạch ngồi lấy sách y khoa dỡ ra mà đọc. Cách chẳng bao lâu có một cái xe hơi còn mới tinh ngừng ngoài cửa, rồi có một cô leo xuống, trạc chừng 20 tuổi, nhan sắc thiệt xinh đẹp, tướng đi thiệt dịu dàng, y phục thiệt sang trọng, thủng thẳng đi vô sân. Chừng cô bước lên thềm, thấy người gác cửa đứng đó, cô mới hỏi rằng:
– Tới giờ coi mạch hay chưa anh?
– Thưa, tới nãy giờ. Cô muốn coi mạch phải hôn?
– Phải. Có ai trong phòng ông đốc tơ hay không?
– Thưa không. Buổi chiều nay cô tới sớm hơn hết, nãy giờ chưa có bịnh nào tới. Mời cô ngồi nghỉ, để tôi cho ông đốc tơ hay.
– Cảm ơn.
Người gác cửa mở cửa phòng coi mạch vô nói cho Vĩnh Xuân hay có bịnh xin coi mạch, rồi trở ra cúi đầu nói rằng: “Ông đốc tơ dạy mời cô vô”.
Cô nọ vô rồi, người gác cửa khép cửa phòng coi mạch lại và ra bên trên thềm mà ngó mông ngoài đường.
Cô Ngọ là vợ của đốc tơ Vĩnh Xuân, mặc một bộ áo quần bằng lụa trắng, ở trên lầu đi xuống phòng khách. Cô mập mà lại lùn, trán thấp, mặt tròn, môi dày miệng rộng, đeo bông tai, cà rá, dây chuyền và vòng, thứ nào nhận hột xoàn cũng trưu trứu[1]. Cô đi thẳng ra chỗ người gác cửa đứng mà hỏi rằng:
– Ai đi xe hơi đó? Đâu mất rồi?
– Thưa, vô phòng cho ông đốc tơ coi mạch.
– Đau bịnh gì mà coi mạch?
– Thưa, tôi không hiểu.
– Làm bộ dạng đi ve thầy thuốc, chớ bộ tướng vậy mà đau giống gì nên coi mạch.
Người gác cổng đứng ngó cô đốc tơ, không kiếm được câu mà trả lời.
Cô Ngọ ngó cái cửa phòng mạch lườm lườm, đi lại đứng gần đó lóng tai nghe một hồi, rồi châu mày và thủng thẳng đi vô phía trong mà đứng ngó chừng nữa.
Cô đứng lâu chừng nào mặt cô càng lộ sắc giận thêm chừng nấy.
Thình lình cửa phòng coi mạch mở ra. Cô có bịnh đi coi mạch đó trong phòng bước ra, tay cô cầm một miếng giấy, cô cúi đầu từ giã đốc tơ miệng chúm chím cười rất hữu duyên. Đốc tơ đứng tại cửa, cúi đầu đáp lễ và cười nói rằng: “Tôi kính chào cô. Cô mua thuốc rồi mỗi bữa đem lại đây tôi tiêm cho”.
Cô nọ xuống thềm mà ra sân đi về.
Cô Ngọ xốc xốc đi lại, chân mày trợn ngược mắt ngó Vĩnh Xuân va hỏi rằng:
– Con nào đó?
– Ở đâu trong Chợ Lớn.
– Ở trong Chợ Lớn sao mình quen? Quen hồi nào?
– Tôi có quen hồi nào đâu.
– Không quen với nó, sao nó cười mơn với mình?
– Cười hồi nào ở đâu?
– Đừng có chối. Tôi đứng đàng kia nãy giờ, tôi thấy hết.
Vĩnh Xuân rùn vai rồi trở vô phòng, không thèm trả lời. Cô Ngọ đi theo, Vĩnh Xuân ngồi lại bàn viết. Cô Ngọ kéo ghế ngồi ngay trước mặt và nói rằng:
– Mình quen với con đó hồi nào, mình phải nói thiệt đi?
– Tôi đã nói tôi không có quen.
– Mình không quen, vậy chớ nó tới đây làm gì?
– Mình lam đốc tơ, người ta có bịnh thì người ta tới xin mình coi mạch đặng trị bịnh cho người ta chớ tới làm gì.
– Nó làm bộ, chớ mặt như vậy mà bịnh gì. Bịnh đi ve đốc tơ phải hôn?
– Mình là vợ đốc tơ, mình không phép nói như vậy.
– Tôi nói bậy mà trúng đa.
– Tôi xin mình kính trọng giùm nghề nghiệp của tôi một chút.
– Cái gì mà phải kính trọng! Mình nói nó có bịnh nên đến xin mình coi mạch. Nó có bịnh gì, mình nói tôi nghe thử coi?
– Tôi không phép nói việc đó.
– Đó, rõ ràng chưa! Nó có bịnh gì đâu mà mình nói được.
– Tôi xin mình đừng có nói điên. Mình lên lầu mà nghỉ để tôi làm việc bổn phận.
– Tôi không đi đâu hết. Mình không nói thiệt thì tôi ở đây hoài.
– Tôi có dấu mình chuyện gì đâu mà mình ép tôi phải nói thiệt.
– Mình không giấu, sao tôi hỏi con đó đau bịnh gì mà đến cho mình coi mạch, mình không chịu nói?
– Làm nghề nào cũng có cái thiên chức riêng theo nghề nấy. Làm nghề thầy thuốc, cái thiên chức càng hệ trọng lắm. Người ta có bịnh, người ta mới đến cầu mình cứu cái sanh mạng của người ta. Mình phải coi mạch đặng tìm chứng bịnh, rồi lo định thuốc đặng điều trị mà cứu người ta. Lúc mình bắt mạch, hoặc mình nắm tay, hoặc mình kề tai trong mình người ta, mình phải coi bịnh nhơn cũng như một khúc cây hay một cục đá, không có cảm giác gì hết. Còn mình trị bịnh cho người ta, mình không được phép nói chứng bịnh của người ta cho người khác biết, trừ ra khi nào bịnh nhơn nài mình phải biên chứng bịnh trong giấy cho người ta cầm, thì mình mới làm. Thiên chức của đốc tơ là vậy đó, nên tôi không thể trả lời câu mình hỏi được, mình cũng không nên ghen tương nói bậy bạ mà nhục nhã cho tôi và mích lóng thân chủ.
– Mình giấu là giấu cho thiên hạ, chớ vợ của mình mà mình củng giấu nữa sao?
– Nếu là thầy thuốc biết tự trọng, thì không được nói chứng bịnh của người coi mạch cho ai biết hết dầu vợ con cũng vậy.
– Nếu vậy thì mình trọng con đó hơn tôi nhiều quá!
– Mình nói như vậy, thì tôi không còn thế gì mà nói chuyện phải quấy với mình được nữa.
Vĩnh Xuân phiền quá, nên vùng đứng dậy, rồi đi qua đi lại trong phòng, mặt mày buồn hiu.
Cô Ngọ cũng đứng dậy hỏi rằng: “Còn xưa rày tôi thấy ai vô mình cũng coi mạch một chút xíu rồi ra, sao hồi nãy con đó vô phòng mình coi mạch lâu dữ vậy? ”
Vĩnh Xuân ngó vợ rồi rùn vai lắc đầu, không trả lời.
Cô Ngọ vừa bước ra cửa vừa nói rằng: “Từ rày sắp lên, ai vô coi mạch thì mở cửa bét ra, chớ tôi không cho đóng bì bịt nữa”.
Vĩnh Xuân không trả lời, cứ chắp tay sau đít đi qua đi lại trong phòng.
Cách một lát, cô Ngọ trở lại đứng ngoài ngó vô mà nói rằng: “Hồi nãy mình dặn con nhỏ đó mua thuốc rồi mai đem lại đây cho mình tiêm. Tôi nói cho mà biết, tôi không bằng lòng mình tiêm thuốc cho người đó. Mai nó có lại thì mình đuổi nó đi, biểu nó kiếm đốc tơ khác mà uống thuốc”.
Vĩnh Xuân chắc lưỡi lắc đầu, rồi bước lại đứng tại cửa sổ mà ngó ra sân không thèm nói chi hết.
Có một thầy, bồng một đứa nhỏ, ngồi xe kéo vô cậy đốc tơ coi mạch. Vĩnh Xuân mời vô phòng đóng cửa lại. Cô Ngọ ngoe ngoảy đi lên lầu.
Đến 5 giờ rưỡi chiều, cô Ngọ biểu sốp phơ đem xe hơi ra, rồi cô xuống kêu chồng đi chơi. Vĩnh Xuân nói rằng:
– Bữa nay tôi đi không được. Mình đi một mình đi.
– Chuyện gì mà đi không được? Bộ mình chờ ai nữa hay sao chớ?
– Bên nhà thương có người bịnh nặng, tôi phải ở nhà đặng đi thăm bịnh.
– Một ngày thăm bịnh hai lần mà thôi, chớ thăm hoài hay sao? Bên nhà thương có mấy cô mấy thầy điều dưỡng đó chi?
– Mình làm đốc tơ chủ nhà thương, mình phải tận tâm mà nuôi bịnh, chớ bỏ phú cho người tùng sự của mình sao phải.
Có một thầy điều dưỡng ở bên nhà thương qua nói rằng: “Bẩm ông, người bịnh phòng số 8 sao bây giờ nóng lung quá. Tôi mới đặt thủy, lên tới 40,6 ”.
Vĩnh Xuân ngó vợ mà nói: ”Thấy hôn!” Rồi đi với thầy điều dưỡng mà qua nhà thương.
Cô Ngọ lên xe hơi mà đi một mình, mặt cô chừ bự.
Tối cô đi chơi về rồi vợ chồng ngồi ăn cơm với nhau.Vì người bịnh nằm phòng số 8 nóng mê man, Vĩnh Xuân lo ngại trong lòng, nên ngồi ăn, ông không muốn nói chuyện. Còn cô Ngọ vừa mới ngồi lại thì cô kêu bồi kêu bếp la ó om sòm, chê món nầy nêm lạt, chê món kia ăn không được.
Vĩnh Xuân đã rối trí về chức nghiệp mà ông còn bực mình vế thói ồn ào của vợ nữa, bởi vậy ông ăn không biết ngon, và riết cho hết chén cơm rồi đi uống nước. Ông bước ra sân rồi đi qua đi lại mà suy nghĩ. Chừng vợ ăn cơm rồi đi lên lầu ông mới trở vô phòng thí nghiệm, vặn đèn khí bựt lên và dỡ sách thuốc ra mà coi.
Ông cứ ngồi coi sách đến 11 giờ khuya. Thình lình cô Ngọ xô cửa bước vô hỏi lớn rằng: “Chừng nầy sao chưa chịu đi ngủ ngồi làm gì mà ngồi ghì dưới nầy?”
Ông cứ ngó trong cuốn sách mà đáp:
– Mình có buồn ngủ thì ngủ trước đi. Tôi mắc làm việc.
– Việc gì?
– Có một người bịnh đau chứng lạ quá, thuở nay tôi chưa thấy, bởi vậy tôi phải khảo cứu lại coi cái gốc bởi đâu mà gây chứng bịnh đặng tôi để thuốc cho trúng, thì trị mới được.
– Làm ban ngày mà thôi, chớ tội gì mà phải làm thêm ban đêm nữa.
– Làm nghề Đốc tơ mà kể gì ngày hay đêm. Người ta có bịnh người ta đến, hoặc người ta rước mình đi thì người ta phú tánh mạng của người ta cho mình. Dầu ban đêm hay ban ngày, mình cũng phải hết lòng lo cứu chữa người ta, dầu đường sá xa xuôi trắc trở mình cũng không được phép từ chối. Cái chức nghiệp của ông đốc tơ là vậy đó. Còn tôi đây, tôi làm đốc tơ mà tôi lại lập nhà thương đặng nuôi bịnh. Những người có bịnh họ đến nằm trong nhà thương của tôi, họ tin tôi, họ chắc tôi sẽ làm cho họ hết bịnh. Nay có một người bịnh trở nặng thình lình tôi phải dụng hết trí não tìm phương cứu người ta, chớ không lo sao được.
– Hừ! Khéo nhiều chuyện! Thôi ở đó mà lo.
Cô Ngọ ngoe nguẩy bỏ đi ra, rồi đi lên lầu đóng cửa cái rầm.
Vĩnh Xuân lắc đầu rồi đứng dậy đi qua bên nhà thương. Ông vô phòng số 8 mà thăm bịnh nhơn, thấy bịnh nhơn bớt nóng và diện mạo tỉnh táo, thì ông mừng, nên trở về nhà ông mới chịu đi ngủ.
Qua ngày hôm sau, lối 11 giờ trưa, có người đến rước ông lên coi mạch cho một bịnh nhơn già trên Tân Định. Ông kêu sốp phơ biểu đem xe hơi ra cho ông đi. Sốp phơ mới chạy ra ngoài. Ông nghĩ đường đi không xa, mà người ta rước gấp, nói bịnh ngặt, nếu chờ kiếm cho được sốp phơ thì trễ nãi, bởi vậy ông lên xe kéo mà đi. Đến nhà bịnh, ông coi mạch, viết toa biểu đi mua thuốc rồi ông về. Tuy bịnh không có chi nặng lắm, nhưng mà bịnh nhơn trọng tuổi, nên khó chịu một chút, bởi vậy chừng trở về trong tâm trí ông không yên. Xe ngừng, bước lên thềm, thì thấy vợ đứng tại cửa, sắc mặt hầm hầm, ngó ngay ông mà hỏi rằng: “Đi đâu vậy hử?”
Ông nghe giọng bất nhã thì ông chưng hửng, song ông không giận, ông cười mà đáp rằng:
– Đi coi mạch cho người ta trên Tân Định.
– Đi đâu mình cũng nói đi coi mạch hết thảy.
– Mình đừng có nói như vậy chớ. Nếu không phải đi coi mạch, thì tôi có thể nào mà nói ra khỏi nhà hoặc nhà thương được đâu.
– Mình nói mình đi coi mạch, mà ra khỏi nhà rồi mình đi đâu ai biết được.
– Mình nghi tôi đi đâu?
– Không phải tôi “nghi”, tôi biết “chắc” chớ.
– Mình biết chắc sự gì?
– Sự gì tôi cũng biết hết thảy.
– Tánh mình kỳ quá. Mấy tháng nay tôi cắt nghĩa hết sức, mà mình không chịu hiểu, mình cứ ghen hoài. Tôi làm đốc tơ mà đi coi mạch, mình nghi, bịnh nhơn tới mình kỵ, mình không bỏ cái thái độ đó, thì có thể nào tôi làm tròn chức nghiệp của tôi được.
– Hễ nói chuyện, thì cứ chưng cái chức đốc tơ! Tôi không màng đâu.
Vĩnh Xuân rùn vai rồi bỏ đi rửa mặt.
Ăn cơm trưa, vợ chồng không nói chuyện với nhau. Chừng ăn rồi, Vĩnh Xuân cởi áo nằm trên cái divan tại salon lim dim lối một giờ đồng hồ rồi bận áo lại mà vô phòng thí nghiệm.
Đến chiều, cô lại coi mạch bữa trươc đó ngừng xe hơi ngoài cửa, rồi chậm rãi đi vô sân, tay có cầm một hộp thuốc. Chừng cô vô tới thềm, thì cô Ngọ chận lại mà hỏi rằng:
– Cô đi đâu?
– Tôi đi tiêm thuốc.
– Cô về đi. Không có đốc tơ ở nhà.
– Vậy chớ ông đốc tơ đi đâu?
– Đi đâu tự ý người ta, cô không cần phải biết làm chi.
– Sao hôm qua ông đốc tơ viết toa biểu tôi mua thuốc rồi bữa nay đem lại cho ổng tiêm, mà ổng lại bỏ đi đâu?
– Cô kiếm đốc tơ khác tiêm cho. Đốc tơ của tôi không bằng lòng tiêm cho cô.
Cô nọ chưng hửng, ngó cô Ngọ mà cười ngạo rồi quày quả xây lưng, không thèm từ giã, vừa đi vừa nói lầm bầm ”Thầy thuốc gì mà kỳ quá!”.
Cô Ngọ đứng ngó chừng cho cô nọ lên xe đi rồi, cô mới mở cửa phòng coi mạch mà nói với chồng rằng:
– Con hôm qua đó nó trở lại, tôi đã đuổi nó về rồi, nói cho mà biết, đừng có chờ mất công.
– Con hôm qua là con nào?
– Khéo làm bộ! Con nhõng nhẽo với mình hôm qua; mình hẹn với nó bữa nay trở lại đó, chớ con nào.
– Trời ơi! Người ta đến tiêm thuốc mà mình đuổi người ta hay sao?
– Tôi đuổi đi rồi.
Vĩnh Xuân đứng dậy chắc lưỡi lắc đầu mà nói rằng: “Mình làm thái quá! Thế nầy tôi phải sang nhà thương cho người khác và dẹp cái nghề đốc tơ cho rồi!”.
Ông nóng nực quá, ngồi đứng không được, nên tay mở nút áo, tay vuốt đầu lia lịa rồi lấy nón đội mà đi.
Ông ra khỏi cửa rồi ông đi bộ lên hướng trường đua cũ. Ông lên tới đầu đường Mayer ông quẹo mà đi qua Tân Định, trở xuống Đức Hộ, ông mỏi chưn nên đi xe điện mà xuống Sài Gòn. Tới nhà gare Catinat thì trời đã tối rồi, trong nhà hàng và ngoài đường đèn đuốc sáng trưng. Ông mới xuống xe đi dọc theo đường Catinat mà xuống mé sông. Gặp quán rượu, ông ngồi uống một cái bock mà giải khát. Có mấy người ngồi uống rượu biết ông, thấy bộ ông buồn bực thì đều lấy làm lạ, xong không dám hỏi.
Đến 8 giờ, ông vô một nhà hàng ở đường Kinh Lấp mà ăn cơm, rồi thủng thẳng đi bộ mà về.
Về tới nhà ông không thấy vợ, ông hỏi bồi, mới hay vợ đã lấy xe hơi mà về Tân An hồi 6 giờ chiều. Ông qua nhà thương đi một vòng, rồi lên lầu thay đồ mà nghỉ.
[1] độn phồng lên
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.