Tân Phong nữ sĩ

Chương 10



Tới lễ ngươn đán, các nhựt báo ở Sài Gòn đều đình bản năm ngày cho tòa soạn và nhà in nghỉ ăn tết. Báo quán „Tân Phụ Nữ” cũng đóng cửa nghỉ.

Cô Tân Phong định ra Nha Trang hứng gió biển ít bữa, song cô rủ vợ chồng bác vật Qui không được nên mời cô Thanh Lệ với ông Hạo Nhiên đi với cô.

Khuya, ba người lên xe hơi mà đi, đến sáng ra đến ranh Trung kỳ, thấy núi non chớn chỡ, rừng rậm, khe sâu khác xa với những cảnh đồng ruộng minh mông ở Nam kỳ, thì mỗi người đều khoan khoái trong lòng.

Cô Thanh Lệ nắm tay cô Tân Phong mà nói:

–         Tôi ngó núi, ngó rừng, sao nó sanh một mối cảm khác thường. Chị có như vậy hay không? Hay chúng ta sanh trưởng ở chốn đồng ruộng bằng trang, bây giờ chúng ta thấy non cao rừng thẳm, lạ con mắt của chúng ta, nên chúng ta cảm giác chớ có chi đâu.

–         Tôi cũng vậy.

–         Mình cảm giác khác thường như vậy mà không biết tình của mình có thay đổi hay không?

–         Người ta nói thấy cảnh hay động tình. Nhiều khi gặp cảnh rồi tình mới phát hiện, ấy vậy cái cảnh lạ nó đổi tính con người được.

–         Chị nói như vậy, nếu ông đốc tơ Vĩnh Xuân, ổng biết tâm lý, ổng đi theo ra giữa chốn núi non nầy năn nỉ với chi, thì chắc chị đã quên cái hờn xưa mà kết bạn với ổng liền.

–         Việc đó không chắc.

–         Chị phiền hoài hay sao?

–         Tôi có phiền ổng chỗ nào đâu. Ổng từ hôn thì tôi với ổng không còn dính dấp chi hết. Không biết chừng đó là cái may của tôi, sao tôi lại phiền.

–         Tôi biết chị phiền ổng lung lắm. Sự ổng từ hôn, không thể nào chị quên được. Mà mấy tháng nay ổng theo cô Julie Mai, đêm nào cũng thấy ở mấy nhà hàng khiêu vũ đến khuya, đó là một cái cớ cho chị phiền thêm nữa.

–         Ổng dính tới cô Julie Mai là tôi đã biết trước, có chi đâu mà phiền. Chị quên hay sao những ngày nọ chị em mình đàm luận về cái đời của ông Vĩnh Xuân. Chị nói ổng đương đứng tại ngả ba đường, không biết ổng sẽ đi đường nào. Tôi nói nếu ổng thôi vợ rồi mà ổng không cưới vợ khác thì ắt ổng sẽ gặp một cô giang hồ, sanh con rồi ổng sẽ mang một gia đình không chánh đáng trọn đời. Ổng muốn lập gia đình khác, mà ổng lại xin cưới tôi. Tôi không chịu, ổng thất vọng, tự nhiên ổng phải lọt vào tay khách giang hồ, có gì lạ.

–         Chị đành để ổng chơi vơi giữa dòng, chị không thèm đưa cây sào cho ổng níu hay sao?

–         Tôi đã có nói với ổng, nam nhi phải tự cường. Ổng không biết tự cường thì ổng chịu. Vậy chớ hồi trước ổng đem tôi ra giữa dòng rồi ổng buông tôi đó, tôi nào có cầu ai cứu.

Cô Thanh Lệ vỗ vai Hạo Nhiên mà nói:

–         Chị Tân Phong gắt gao quá há?

–         Phải ở như vậy mới được chớ. muốn cho người ta trọng mình, thì mình phải trọng người ta trước đã. Mình đã khinh người ta, bây giờ muốn cho người ta trọng sao được.

–         Chị Tân Phong làm việc gì hay là nói tiếng gì, anh cũng cho là đúng hết thảy.

–         Làm toán trúng thì tôi nói trúng, chớ nói trật sao được.

–         Thôi đi, tôi biết anh giỏi về khoa bút toán mà, anh chưng làm chi. Ra đây, thấy núi non như vầy, anh có động tâm rồi đổi tánh của anh hay chưa?

–         Tánh gì mà đổi?

–         Tánh gấu của anh đó.

–         Đổi không được đâu.

–         Ừ, để ra Nha Trang rồi, tôi sẽ lột da gấu của anh cho anh coi, anh ráng mà giữ mình.

Cô Tân Phong thấy cô Thanh Lệ ghẹo, mà Hạo Nhiên bơ bơ, thì cô cười ngất.

Vì ghé Phan Thiết, Phan Rang mà chơi nên chiều tối xe mới ra đến Nha Trang.

Cô Tân Phong bảo sốp phơ chạy thẳng xuống nhà hàng dựa bãi biển, rồi cô mướn hai cái phòng, một cái để cho Hạo Nhiên ở, còn một cái thì cô ở với cô Thanh Lệ.

Ăn cơm tối rồi, vừa tính dắt nhau ra mé biển ngồi hứng gió, thì thấy ông Chí Thành xâm xâm từ ngoài sân đi vô nhà hàng. Ông đưa hai tay lên mà la lớn rằng: “ Chào hết mấy cô! Té ra chúng ta ra hết ngoài nầy mà ăn tết. Bất kỳ nhi ngộ, thiệt là vui quá”.

Hạo Nhiên bắt tay chào Chí Thành mà sắc mặt không vui.

Cô Tân Phong hỏi Chí Thành:

–         Ông ra tới ngoài nầy hồi nào?

–         Tôi ra tới hồi sớm mơi.

–         Nếu vậy thì ông đi hồi chiều hôm qua.

–         Phải. Còn cô ra tới hồi nào?

–         Chúng tôi mới tới hồi tối nầy. Sao ông biết chúng tôi ở đây mà ông lại?

–         Hồi tối tôi đứng chơi trong nhà hàng gare. Tôi thấy xe của cô chạy ngang, tôi thấy nghi nên tôi đi kiếm.

–         Té ra ông không dè chúng tôi ra đây hay sao?

–         Không dè. Chớ chi tôi biết thì chúng ta hiệp nhau đi một lượt cho vui.

Cô Thanh Lệ ngó ngay ông Chí Thành mà nói: “ Ê ông nói không thiệt! Hôm kia ông hỏi tôi tết nầy chị Tân Phong có tính đi chơi đâu hay không. Tôi nói chị em tôi đi Nha Trang. Ông biết trước như vậy nên ông ra trước ngoài nầy ông đón. Ông đừng nói dối”.

Chí Thành cười mà đáp: “Ví dầu tôi biết hai cô sẽ ra đây tôi đi trước ra đón mà dìu dắt bảo hộ hai cô, thì tình của tôi càng thêm giá, chớ có hại chi đâu”.

Hạo Nhiên nói: ”Cảm ơn ông, ông khỏi lo việc đó. Có tôi theo bảo hộ hai cô thì đủ rồi”.

Chí Thành ngó sang Hạo Nhiên rồi không thèm trả lời lại hỏi cô Tân Phong:

–         Ăn cơm rồi cô muốn ngồi xe đi vòng chơi hay không?

–         Không, tôi ngồi xe đi một ngày nay mỏi quá, tôi muốn xuống mé biển hứng gió một chút rồi nghỉ.

–         Được, mời cô đi với tôi.

Bốn người đi xuống mé biển, Chí Thành bươn bả đi trước với cô Tân Phong, còn Thanh Lệ thủng thẳng đi sau với Hạo Nhiên.

Gió bấc thổi hiu hiu, sóng bủa lên bãi cát tiếng nghe ào ào hoài. Vì trời tối nên ngó qua mấy hòn đảo chỉ thấy mờ mờ từng cụm mà thôi.

Cô Thanh Lệ rủ Hạo Nhiên đi dài theo mé nước mà xem sóng đánh.

Cô Tân Phong không chịu đi. Cô ngồi bẹp trên bãi cát mà hứng gió. Chí Thành ngồi xề một bên rồi hỏi cô:

–         Cô ra ngoài nầy cô coi phong cảnh có đẹp ý không?

–         Tôi đẹp ý lắm, trên non dưới nước mình nhìn xem cảnh ấy rồi mình thơi thới, có thể mình trưởng chí rộng lòng thêm được.

–         Nếu cô bằng lòng, thì tôi sẽ mua đất mà cất một cái nhà dựa bãi biển đây đặng khi nào cô buồn hay là mệt, cô ra đây ở hứng gió. Cô chịu hay không?

–         Tôi có làm sự chi lợi ích cho ông mà ông phải tốn hao đến thế?

–         Nhà đất tôi để cho cô đứng hộ hết thảy.

–         Cám ơn ông. Tôi không có công, lẽ nào tôi dám thọ của như vậy.

Chí Thành kề mặt gần cô Tân Phong mà nói: “Cô, tôi thương cô quá, cô biết hôn? Cô ưng tôi đi. Hễ cô ưng tôi thì tôi giao hết gia tài sự nghiệp của tôi cho cô làm chủ. Cô muốn giống gì cũng được hết thảy. Tôi hay cô ra đây nên tôi đi trước mà đón cô, đặng tôi tỏ thiệt chuyện ấy với cô. Cái sắc, cái tuổi với cái tài của cô, phải có thêm tiền bạc của tôi nữa thì mới thật đáng quí, cô hiểu không?”

Chí Thành nói tới đó rồi đưa tay muốn ôm cô Tân Phong. Cô gạt tay đứng dậy gọn gàng và nói lớn rằng: “Ông là một người thô lỗ thái thậm. Ông đã ve tôi một lần rồi. Tôi đã nói cho ông biết tôi nhứt định không lấy chồng. Lẽ thì ông hiểu tâm trí của tôi như vậy, ông phải kính trọng tôi lắm mới phải. Sao ông dám vô lễ theo ve vãn tôi nữa? Sao ông dám lấy tiền bạc mà lòe tôi? Ông tưởng tiền bạc của ông đó quí lắm hay sao? Tôi nói cho ông biết, từ rày sắp lên tôi không muốn thấy mặt ông nữa. Nếu ông muốn khỏi mang xấu thì ông ráng mà tránh tôi”.

Chí Thành bị mắng thì giận lắm, song thấy dạng Hạo Nhiên với Thanh Lệ đi trở lại nên không dám làm dữ, đứng xuôi xị mà nói:

–         Tôi nói như vậy, như cô nghe không bằng lòng thì thôi chớ tôi có lỗi gì mà cô mắng nhiếc tôi.

–         Ông vô lễ với tôi, tôi nhiếc ông đó là tử tế lắm đa. Lẽ thì tôi trừng trị ông một cách nặng nề hơn mới phải.

–         Tôi muốn cho cô sung sướng, chớ tôi có làm việc chi đâu mà cô bắt lỗi tôi.

–         Ông muốn ôm tôi, ông chưa biết lỗi nữa sao?

Chí Thành đứng trơ trơ, không cãi được nữa.

Cô Tân Phong thấy Hạo Nhiên và Thanh Lệ trở lại gần tới, thì cô nói tiếp: “ Thôi ông đi đi, tôi không còn chuyện chi mà nói với ông nữa”.

Chí Thành xây lưng đi một vài bước rồi trở lại nói nho nhỏ:

–         Chuyện tôi  vô lễ với cô đó, xin cô đừng có thuật lại cho ai biết.

–         Sao vậy?

–         Nếu người ngoài họ biết thì tôi mang tiếng không tốt.

–         Được. Tôi hứa lời với ông. Mà tôi buộc ông trong sáng mai phải bỏ đất Nha Trang mà về đi. Nếu tôi còn thấy ông ở đây mà theo tôi nữa thì tôi sẽ làm cho ông mang nhục.

–         Tôi về liền bây giờ, không chờ tới sáng mai đâu. Mà tôi xin cô chừng về Sài Gòn cô cũng cho phép tôi tới lui như thường, chớ nếu cô bít đường giao thiệp với tôi thì sợ e anh em người ta dị nghị.

–         Mà tôi cấm ông không được ve vãn tôi nữa.

–         Tôi vưng lời, thôi, tôi chào cô.

–         Tôi cũng chào ông.

Chí Thành lên lộ rồi kêu xe kéo mà vô chợ.

–         Cô Tân Phong đi đón Hạo Nhiên và Thanh Lệ. Chừng gặp nhau, cô Thanh Lệ hỏi cô Tân Phong:

–         Phải ông Chí Thành kêu xe kéo mà đi đó không?

–         Phải.

–         Ủa, coi bộ ổng đeo theo chị lắm, mà sao ổng lại bỏ mà về trước đi?

–         Tôi biểu cậu về.

–         Hôm kia ổng hỏi thăm tôi, nên ổng mới biết mà ra đây đón mình đó. Con dê già đó cứ mài sừng hoài.

–         Tôi bẻ sừng rồi, chị đừng lo.

Hạo Nhiên nói: “Bộ hệ của cậu đó không hợp với con mắt tôi chút nào hết”.

Cô Tân Phong cười mà nói: “Cậu hứa với tôi, cậu sẽ về Sài Gòn liền bây giờ. Nếu mai mà tôi còn thấy cậu ở đây thì tôi sẽ làm cho cậu mang nhục”.

Hạo Nhiên hỏi: “ Nó có vô lễ với cô hay không?”.

Cô Tân Phong do dự rồi mới đáp: “không”.

Hạo Nhiên nói: “Tưởng nó dám vô lễ thì tôi sẽ theo cho nó một bài học”.

Ba người dắt nhau đi dọc theo bãi biển một hồi nữa rồi mới trở về nhà hàng mà nghỉ.

Sáng hôm sau, ba người thức dậy rửa mặt thay đồ rồi mới đi với nhau xuống phòng ăn mà lót lòng. Bước vô phòng ăn cô Tân Phong thấy khách rất đông, lại thấy đốc tơ Vĩnh Xuân với cô Julie Mai đang ngồi ăn lót lòng. Cô liền đi lại mà chào. Vĩnh Xuân chưng hửng mà lại bợ ngợ. Tuy vậy mà ông cũng gượng tiến dẫn cô Julie Mai với cô Tân Phong. Cô Thanh Lệ thấy vậy liển dắt Hạo Nhiên lại mà chào Vĩnh Xuân. Hỏi thăm nhau mới hay Vĩnh Xuân và cô Julie Mai  ra tới hồi 12 giờ khuya, khách trong nhà hàng đã ngủ hết nên không ai hay.

Hạo Nhiên kêu bồi dọn đồ ăn nơi một cái bàn trống gần đó, rồi mời cô Tân Phong với cô Thanh Lệ lại lót lòng.

Ăn rồi Vĩnh Xuân bước lại hỏi Tân Phong có tính đi chơi chỗ nào hay không. Cô nói có lẽ sẽ chạy xe dài theo mé biển vô coi sở cá rồi vòng mé núi mà qua cửa Bé. Ông nói lần nầy ông mới ra Nha Trang lần thứ nhứt. Ông chưa ra lần nào hết nên ông xin cô đi dâu cũng cho phép ông đi theo sau.

Hai xe nối đuôi nhau mà đi như ý cô Tân Phong định, đi đến trời nổi nắng mới trở về nhà hàng.

Buổi chiều cô Thanh Lệ bày đi ra đèo Rù Rì đặng leo lên núi chơi. Cô Tân Phong chịu, Vĩnh Xuân cũng đi theo. Cô Julie Mai nhức đầu nên nằm ở nhà hàng mà nghỉ.

Gần 4 giờ ra tới đèo. Hai xe đậu nối đuôi nhau. Leo xuống xe, cô Thanh Lệ đứng ngó tứ phía, thấy đường quanh quẹo, núi chập chồng, nhiều cục đá cheo leo, nhiều lùm cây rậm rạp mặt trời chiếu dọi mấy khe nước trên triền núi coi cũng như lằn bạc chảy, mây vần vũ trên mấy đỉnh xa xa coi như khói cuồn cuộn bay ra thì cô cảm xúc trong lòng nên nói rằng: “Hèn chi thi sĩ người ta nói giang sơn cẩm tú nghĩ cũng phải lắm, tôi không dè nước ta cũng có cảnh sơn thủy tuyệt đẹp như vậy. Có vào chốn lâm tuyền mình mới biết cái đời cạnh tranh của loài người là vô vị”.

Cô Tân Phong cười nói:

–         Cha chả! Chị nầy bữa nay chị lãng mạn rồi chớ.

–         Không phải lãng mạn. Chị nghĩ lại mà coi, loài người cạnh tranh làm chi? Cạnh tranh đặng lấy một chút danh giả dối, đặng cho người đồng thời họ khen mình khôn, họ khen mình giỏi, họ trọng mình, họ phục mình, mà sự khen, sự trọng, sự phục đó bất quá cũng trong ít năm rồi không ai còn nhớ đến tên mình, mà có nhiều khi có người nhớ thì họ lại chê, họ lại khinh, họ lại kích bác sở hành của mình nữa. Cạnh tranh đặng giành một số tiền bạc cho lớn, rồi cất nhà tốt, mua đất nhiều, hưởng mùi phú quý trong ít năm, kế thở hơi cuối cùng, rồi nhà hư sập, đất tan hoang hết. Chi bằng mình kiếm một người bạn đồng tâm đồng chí, mình lựa mấy chỗ u nhàn thanh tịnh như vầy, mình cất một cái chòi tranh mà ở với nhau, mình đốn cây cuốc đất mà trồng bắp, trồng khoai. Đói thì mình ăn những đồ mình trồng, khát thì lên núi múc nước trong mà uống, thân mình thong thả, trí mình thảnh thơi, không chìu lụy ai, không kiêng nể ai, như vậy há chẳng cao thượng hay sao?

–         Rõ ràng lãng mạn đến trăm phần trăm, mà còn chối chớ.

CôThanh Lệ cười, rồi nắm tay Hạo Nhiên mà kéo, biểu đi kiếm đường mòn của tiều phu Khai, đặng dắt cô lên núi, hai người dắt nhau đi lên núi.

Cô Tân Phong thấy triền núi bên phía tay mặt, có một thạch bàn, cô tính lên đó ngồi chơi được nên cô vạch cây, trèo đá mà đi. Vĩnh Xuân đi theo cô.

Hai người lên đứng trên thạch bàn, ngó qua hòn núi phía bên kia đường, thì thấy Hạo Nhiên lui cui đi trước mở đường cho cô Thanh Lệ đi, gặp đá cản đường phải lấy tay mà kéo. Ngó về hướng Nha Trang thì thấy nhà thờ với nhà lầu lố xố, lại thấy một góc cái vịnh có vài chiếc thuyền chạy buồm, ngoài có mấy cái cù lao tiếp nhau mà ngăn sóng to gió lớn.

Cô Tân Phong ngồi giữa thạch bàn, thấy Vĩnh Xuân đứng một bên thì hỏi: “Sao ông bỏ cô Julie Mai nằm ở nhà có một mình, ông không ở lại đặng cho cô khỏi buồn?”

Vĩnh Xuân không trả lời, mà sắc mặt coi buồn bã.

Cô Tân Phong hỏi nữa: “ông nhờ cô Julie Mai đưa cây sào cho ông níu, nên ông mới lội được đó phải hôn?”

Vĩnh Xuân thở dài, ngồi xeo xéo với cô, tay thì gạch, mắt thì ngó thạch bàn mà đáp:

–         Tôi gần chết chìm rồi, mỗi ngày nước ngập thêm một ít, chớ lội!

–         Ủa! Sao vậy? cô Julie thuộc hạng gái tân thời, cô có sắc đẹp, cô có tánh vui, cô nói chuyện hay, cô yêu ông lắm. Ông làm bạn với người có tánh chất quí như vậy, lẽ thì ông quên hết những việc quá vãng, rồi hớn hở mà rước cái cực lạc tương lai mới phải chớ, sao ông lại nói ông gần chết chìm?

–         Phải, cô Julie Mai đẹp đẽ, vui vẻ, khôn ngoan. Cổ lại sẵn lòng yêu tôi, bởi vậy từ ngày tôi bày tỏ tâm sự của tôi cho cổ hiểu, thì cổ gắng sức làm cho tôi vui, đặng tôi quên các việc buồn xưa. Cô là người ơn của tôi, nếu tôi phủi ơn, thì té ra tôi bất nghĩa. Nhưng đây cô là gái tân thời cao thượng, lịch lãm thể tình, dầu tôi không nói ra cô cũng biết hết. Ấy vậy tôi phải tỏ thiệt với cô những việc cô Julie Mai sắp đặt làm cho tôi vui đó là những cách thế nhận tôi cho chìm. Tôi vẫn thấy rõ ràng như vậy, nhưng mà mấy tháng nay tôi phải gần cổ, tôi không thể lìa cổ được, là vì cổ cũng như một khúc gỗ nặng, hễ đeo cổ thì thỉ chung gì cũng phải chìm với cổ. Nhưng nếu buông cổ ra thì chìm liền, nên tôi phải níu đặng hụp lặn mà kéo dài sự sống tới đâu hay tới đó.

Nghe mấy lời tâm huyết ấy, chắc là cô Tân Phong cảm xúc nhiều lắm, bởi vì cô không dám nói tiếp chuyện ấy nữa, cô ngồi lặng thinh mà ngó mông vô núi.

Vĩnh Xuân ngó chỗ khác mà nói: “ Tôi chắc duy có một mình cô cứu tôi được mà thôi. Cô không làm cho tôi đẹp con mắt, vui xác thịt mà cô biết nói cho tôi vui trong óc, an trong lòng. Cô Julie Mai, tuy cũng là gái tân thời như cô, nhưng vì cổ không có học thức rộng, không có giáo dục kỹ, bởi vậy dầu có biết căn bịnh của tôi, cổ cho thuốc cũng không trúng, mà rồi đây chắc bịnh còn trở qua chứng khác nữa”.

Cô Tân Phong ngồi trơ trơ ngó mông trước mặt bộ suy nghĩ nhiều. Thình lình cô day qua ngó ngay Vĩnh Xuân mà hỏi.

Ông có biết căn nguyên em là ai, ở đâu hay không mà ông cứ theo cầu em cứu ông?

Tôi không cần biết căn nguyên cô làm chi. Tôi biết cô thì đủ rồi. Dầu cô là con nhà bình dân lao động thì tôi cũng kính trọng cô vậy.

Cô Tân Phong cười ngất mà đáp: “ Em không phải là con nhà bình dân lao động nào hết. Chánh em là con Hai Tân, con của ông Từ Đại Đạo ở Chợ Quán, ông đã hứa hôn rồi ông chê em không có nề nếp lễ nghĩa theo An Nam, nên ông từ hôn đó, ông nhớ hay không?”

Vĩnh Xuân vùng đứng dậy gọn gàng, ông ngó cô Tân Phong, mặt ông tái xanh.

Cô Tân Phong không nói nữa, cô ngồi đợi xem ông biết cô rồi bây giờ ông lấy cử chỉ nào mà đối phó với cô.

Vĩnh Xuân đứng tần ngần một hồi rồi nói thủng thẳn rằng: “ Ôi không dè sự tôi kiên quyết năm trước là lầm, mà sự lầm đó bây giờ bị hình phạt về thần trí nặng nề đến thế nầy!…Hứ! Hạnh phúc có sẵn mà không thèm hưởng, để đi tìm hạnh phúc khác, rồi hạnh phúc không gặp, lại gặp hoạn họa!…

Vĩnh Xuân đứng ngập ngừng một hồi nữa rồi nói tiếp: “ Đối với cô tôi làm một cái lỗi lớn lắm, bởi vậy dầu cô quảng đại đến cỡ nào đi nữa. Tôi cũng không dám xin cô tha lỗi cho tôi. Tôi chỉ nhắc cho cô nhớ tôi đã có nói với cô rằng cái đời của tôi đã hỏng rồi. Đến thế nầy thì chẳng còn gì mà tiếc cái đời ấy nữa mà chi. Tôi thấy mặt cô lần nầy là lần chót. Vậy tôi trân trọng xin cô một điều nầy, là từ rày sắp lên cô tin chắc tôi là người lầm lạc, chớ cô đừng tưởng tôi là đứa bội nghĩa. Được như vậy thì cũng đủ cho tôi bớt ăn năn nhiều lắm vậy. Tôi cung kính mà xin từ biệt cô”.

Vĩnh Xuân cúi đầu chào cô Tân Phong rồi kiến đường mà đi xuống chỗ xe đậu.

Cô Tân Phong ngồi ngó theo Vĩnh Xuân với cặp mắt nghiêm nghị, rồi cô ngó qua hòn núi bên kia, thấy Hạo Nhiên còn ngồi chơi trên cao với cô Thanh Lệ thì cô kêu mà hỏi: “Ông đốc tơ, ông đi đâu vậy? Ông phải trở lại mà dắt em xuống với chớ”.

Vĩnh Xuân đứng lại, ngơ ngẩn, rồi thủng thẳng trở lại mà không dám ngó cô Tân Phong.

Cô Tân Phong chỉ tay mời ông ngồi ngay trước mặt cô. Vĩnh Xuân ngồi liền, như hình máy.

Cô Tân Phong suy nghĩ rồi nói: “Đối với em, thiệt ông làm một cái lỗi lớn lắm. Theo thường tình thì cái lỗi ấy có tánh cách làm mất danh giá của em. Nhưng mà theo em, là gái có cái óc mới, nên em coi sự ông từ hôn đó không có nhục em chút nào hết. Chớ chi em thất tiết, hay là gian giảo, hay là vô lễ, nên ông chê em ông không thèm cưới, thì là em hổ thẹn thiệt. Chớ em xét mình em, thì em không có mấy tánh xấu ấy, mà ông chê là chê bề ngoài, thì em tức cười cho cái lý tưởng sai lầm của ông mà thôi, nào em có mắc cỡ đâu. Đã vậy có người cho ông từ em cưới người khác là tại ý ông ham giàu. Em không thể tin lời ấy được. Em biết chắc ông bội ước là vì ông tưởng lầm, chớ không phải ông ham giàu. Tuy vậy mà bây giờ hay chừng nào đi nữa, em cũng không thể làm vợ ông được. Ông biết tại sao hay không?

Vĩnh Xuân nói nho nhỏ: “Không, xin cô nói tiếp”.

Cô mỉm cười mà đáp: “Cái bình tốt đẹp hễ đập bể rồi, dầu ráp lại khéo cho mấy đi nữa, cũng mất giá trị. Ông ấp cái hy vọng dồi dàu đẹp đẽ trót bốn năm năm trường, bỗng cái hy vọng ấy tan như sương, tiêu như khói, bây giờ làm thế nào mà tom góp lại cho được”.

Cô liếc mắt thấy Vĩnh Xuân ngồi gục gặc mà nghe, nước mắt nhễu có giọt. Cô nói nữa: “Hôm nọ tại nhà em, ông xin em hứa lời hễ chừng ông để vợ xong rồi thì em ưng ông đặng ông cưới. Em không chịu là tại như vậy đó, ông lại nài xin em như không chịu lấy chồng, thì kết tình bằng hữu với ông. Em biết ông có bịnh về trí não, bịnh nặng  lắm, phải có người lão luyện về tâm bịnh cứu ông mới được. Tuy em tội nghiệp cho phận ông dữ lắm, nhưng mà em cũng từ luôn cái vai tuồng bằng hữu nữa. Em nhớ hôm đó ông trách em là người ác. Không phải ác đâu, em có nhơn lắm. Em sợ bằng hữu với ông, lân la với ông nhiều lần, rồi ông nhìn biết em là con Hai Tân mà ông chê ngày trước thì ông hổ thẹn hoặc ông ăn năn quá, chắc cái tâm bịnh của ông thêm nặng nữa, ông không thể sống được. Rõ ràng hồi nãy em vừa cho ông biết tin em rồi, thì ông liền tính tự vận đó. Tại như vậy em không dám chịu làm bằng hữu với ông, chớ không phải em ác. Bữa nay em phải tỏ thiệt căn nguyên cho ông biết, là vì…, là vì…”.

Cô nói tới đó rồi cô ngập ngừng, dường như cô không muốn bày tỏ hết ý của cô ra. Cô tằng hắng rồi mới nói lại: ‘Bữa nay em nói thiệt cho ông biết là vì ông còn theo em cầu cứu giùm ông nữa. Ông nghĩ lại mà coi, dầu em theo ở tân thời đến thế nào đi nữa, em không hờn giận ông đó, xét cũng đã quá rồi, nếu em còn khứng cứu ông nữa, thì thành ra em là phật chớ không phải tổng lý báo “Tân Phụ Nữ”.

Cô không nói nữa, Vĩnh Xuân mới thỏ thẻ nói: “ Té ra cô thật không tưởng tôi là đứa bất nghĩa, mà cũng không hờn, không giận tôi, tôi cám ơn cô lắm”.

Cô hỏi lại: “Đối với ông em ở như vậy mà ông còn tính tự vận nữa hay không?”

Vĩnh Xuân nín thinh một hồi rồi mới đáp:

–         Cái đời của tôi đã hỏng rồi, nếu tôi còn tiếc mà đi trót đường đời nữa thì đi xuống, chớ không thể đi lên được, bởi vậy tôi tưởng, thà chết trước cho khỏi buồn khỏi nhục.

–         Ông là một nhà bác học, không lẽ em dám cãi việc đời với ông. Nhưng mà theo trí mọn của em con người có nhiều mục đích, chớ không phải hễ làm trai chỉ biết lo cưới vợ hễ làm gái chỉ biết lo lấy chồng đặng lập gia thất rồi sanh con đẻ cháu mà nối dòng, tuy em thuộc trong hạng gái tân thời nhưng em chưa có cái tư tưởng quá khích đến nỗi đạp đổ cả gia đình là cái gốc của xã hội. Song em nghĩ mình đi đường hễ gặp khúc chông gai, thì mình tránh mà kiếm ngã khác bằng thẳng mà đi. Ông đi học thành danh rồi, ông tính cưới vợ để hưởng hạnh phúc. Nếu ngã đường ấy không làm cho ông thấy hạnh phúc được, thì ông bỏ mà đi ngã khác, chớ sao ông lại ngã lòng thối chí, ông lại tính tự vận mà làm uổng cái công phu ăn học của ông, và làm cho cha mẹ buồn rầu thương tiếc.

–         Tôi bây giờ như người bị bít đường, tôi không thấy ngã nào mà đi!

–         Phải, ở bên Tây trở về xứ, ông chỉ lo lập gia thất. Cuộc gia thất làm ông không được mãn ý, ông nhứt định phá hủy cho rồi. Mà phá hủy tồi, ông cũng chưa biết chán, ông cũng muốn lập gia thất lại. Những câu chuyện ông nói với em, tại nhà em hôm nọ, đủ làm chứng cho mấy lời em muốn nói đó. Ông muốn cưới vợ khác mà ông lưỡng lự, không biết phải chọn gái kiểu xưa mà cưới nữa, hay là chọn gái kiểu nay. Ông bối rối không nhứt định, tự nhiên ông phải chơi vơi giữa dòng sông, rồi ông phải đeo khúc cây nặng, dầu ông biết khúc cây ấy nó sẽ kéo ông chìm lần lần. tại sao mà ông lưu tâm về gia thất quá như vậy? Ở đời phải có vợ mới có hạnh phước hay sao? Ông là một vị danh y, ông mới mở phòng khám bịnh, ông mới lập nhà thương thì thân chủ đã tới nườm nượp. Ông lấy sự cứu nhơn độ thế mà làm mục đích, ông tận tâm kiệt lực lo trau dồi y khoa, cái mục đích ấy đã đạt được rồi thì ông cũng vui lòng, ông cũng thấy hạnh phước được vậy chớ, cần gì gia thất.

Vĩnh Xuân ngồi suy nghĩ một hồi rất lâu, rồi ngó ngay cô Tân Phong mà nói: “ Cô chỉ dùm đường cho tôi đi, tôi cám ơn cô lắm. Tôi hứa chắc với cô tôi sẽ đi cái đường ấy. Tôi sẽ lìa cô Julie Mai, mà từ rày sắp lên tôi không tính cưới vợ và cũng không gần người đờn bà nào nữa hết. Tôi sẽ lấy sự cứu nhơn độ thế mà làm mục đích”.

Cô Tân Phong cười mà nói: “Ái tình là tình chung của loài người, dầu ở giai cấp nào cũng vậy. Không phải vì em không thể làm vợ ông được mà em khuyên ông phải tuyệt ái tình. Không, em không có ý như vậy. Ái tình là một thứ tình mạnh mẽ hơn các tình khác hết thảy, không ai có tài nào mà dập nó được. Đã vậy mà nó cũng là một thứ tình có thể làm cho mình trở nên anh hùng, chí sĩ, nếu mình biết nuôi nó cho cao thượng. Ấy vậy em không dám khuyên ông phải bỏ dứt ái tình, em chỉ khuyên ông, nếu có nuôi nó, thì phải nuôi cho cao thượng, chớ đừng có làm cho nó hèn hạ”.

Vĩnh Xuân gật đầu đáp: “Tôi hiểu, tôi hiểi rồi. Mấy lời cô nói đó thật là chánh đáng. Tôi sẽ làm cho ái tình của tôi cao. Mà nếu tôi đi cái đường của cô chỉ, tôi nuôi ái tình của tôi cao rồi, tôi có được cái hy vọng kết bằng hửu với cô hay không?”

Cô Tân Phong chúm chím cười mà đáp:

–         Việc chưa tới, không nên nói trước.

–         Tôi quyết làm cho việc sẽ tới gấp bây giờ.

–         Ông làm thử coi.

Hai người nói chuyện tới đó thì nghe kèn xe hơi dưới lộ bóp vang rân. Cô Tân Phong ngó xuống thì thấy Hạo Nhiên với Thanh Lệ đương giơ tay mà ngoắt. Cô đứng dậy và rủ Vĩnh Xuân trở xuống.

Chừng cô Tân Phong xuống tới xe, cô Thanh Lệ nói rằng: “ Tụi tôi đi chơi bên núi bên kia, tuy bị mệt mà vui quá. Sao chị không leo lên cao, lại ngồi chỗ đó. Chắc chị  bị ông đốc tơ theo cải tôn chỉ „Tân Phụ Nữ” nên chị đi không được chớ gì?

Cô Tân Phong đáp: “Phải, bị ông đốc tơ nên tôi đi xa không được. Mà ngồi trên thạch bàn xem tứ hướng cũng có thú vị nhiều lắm rồi, chẳng cần phải trèo cao nữa làm chi cho mệt”.

Hai xe nối nhau mà trở về Nha Trang.

Ăn cơm tối rồi. Vĩnh Xuân từ giã cô Tân Phong, cô Thanh Lệ với Hạo Nhiên mà về, nói rằng không dám bỏ nhà thương lâu, rồi dắt cô Julie Mai mà về ban đêm.

Chừng Vĩnh Xuân đi rồi, cô Thanh Lệ ngó cô Tân Phong mà cười và nói:

–         Chắc Vĩnh Xuân cũng bị chị biểu về, nên mới về gấp đó chớ gì?

–         Phải, tôi biểu về.

–         Tụi đờn ông đó, ngày tết mà họ xui xẻo quá! Theo ra đây đều bị đuổi về hết thảy.

Hạo Nhiên nói: “Ê, cô đừng nói xô bồ xô bộn, đờn ông nào chớ đờn ông nầy cao thượng lắm, cao thượng đến cùng, chẳng bao giờ chịu thấp thỏi đâu”.

Cô Thanh Lệ cười mà đáp:

–         Anh đừng có nói phách. Ra đây tôi đã đổi tánh anh được rồi.

–         Bao giờ mà cô đổi được.

–         Ở Sài Gòn anh buồn luôn luôn, mà ra đây tôi làm cho anh bỏ cái mặt đi đám ma, rồi mang cái mặt đi đám cưới, không phải đổi tánh anh được hay sao?

Hạo Nhiên châu mày và ngó vô vách mà nói: “Cô lầm, cô lầm to. Tôi vui là tôi thấy thiên hạ thờ ái tình mà họ thờ cách hèn hạ quá, nên bị nhục nhã, mà tôi vui chớ”.

Cô Tân Phong ngó Hạo Nhiên trân trân, rồi cô lắc đầu mà chúm chím cười.

Ở Nha Trang hứng gió cho hết lễ tết rồi, cô Tân Phong mới chịu đi về với cô Thanh Lệ và Hạo Nhiên.

Báo „Tân Phụ Nữ” xuất hiện tiếp, công chúng càng hoan nghênh hơn nữa.

VĨNH HỘI, Décembre 1937


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.