Một đời tài sắc

Chương VIII



Ngày mới về nhà chồng, vợ chồng dắt nhau đi du lịch thì đi cái xe hơi nầy, vợ chồng đủ cặp. Nay chồng chết, cô trở về Rạch Giá cũng đi cái xe hơi nầy, mà ngồi có một mình. Xe chạy vụt vụt, cô nghĩ cuộc đời hiệp tan, tan hiệp, không rồi có, có rồi không, éo le nhiều nỗi, dày mỏng không chừng, thì cô lấy làm ngao ngán trong lòng. Sanh khách má hồng mà chi, mà sanh rồi lại đày đọa? Đã nặng oằn chữ hiếu, thêm điên đảo chữ tình, rồi lại còn gây cái nghĩa mẹ con, nợ trần biết bao giờ mới trả hết? Cái kiếp nầy đã hỏng, vậy phải làm thế nào cho kiếp sau được ung dung?

Xe hơi đã qua khỏi bến đò Vàm cống rồi, mà cô Xuân Hương trong dạ vẫn còn bàng hoàng, nhớ chuyện đã qua, tưởng việc sẽ tới, ngồi buồn hiu, không nhích mép. Xe vừa quẹo vô đường Cái Sắn thì cô thấy có một đám đông người đương lăng xăng giữa lộ, mà phía tay trái lại có cái xe hơi nhỏ lật úp nằm dưới ruộng. Cô biểu sớp phơ thắng bớt, rồi ngừng, thì cô thấy Hà Thiện Ý ngồi dựa mé lộ áo quần lấm lem, mặt lại có máu. Cô lật đật mở cửa xe leo xuống, rồi chạy lại hỏi Thiện Ý rằng: “Anh Tư bị lật xe hay sao? Có bịnh hay không? Sớp phơ mau mau xuống đỡ ông cử lên xe mình đặng chở lên nhà thương liền cho quan thầy Thuốc khám mới được. Mấy bà con đây làm ơn phụ đỡ giùm một chút. Cha chả, mặt chảy máu nhiều quá! Trong mình anh có sao hay không?”

Cô lăng xăng, đốc người nầy, hối người kia, coi bộ cô lo sợ lắm.

Thiện Ý ngồi ngó Xuân Hương, đợi cô nói dứt rồi, chàng chậm rãi đáp rằng:

– Cám ơn cô, tôi bị lật xe, trầy trụa chút đỉnh, chẳng có bịnh chi trọng, xin cô đừng nhọc lòng.

– Mặt với tay anh đều có máu, phải băng liền, để vậy sao được. Xin anh lên xe đặng em chở lên nhà thương Long Xuyên.

– Tôi đâu dám làm nhọc lòng cô.

– Không có chi hết. Đây lên Long Xuyên chừng 10 cây số, phải lên cho quan thầy khán rồi băng bó liền mới được. Sớp phơ của anh đâu?

– Tôi cầm bánh chớ không có sớp phơ.

– Cha chả, nếu vậy thì bỏ xe đây ai coi chừng. Ờ được để em mướn một người ở đây coi chừng xe…

– Xin cô đừng lo, tôi chẳng có bịnh chi trọng lắm. Để tôi ngồi đây chờ một lát xe đò Sài Gòn xuống rồi tôi trở về Thạnh Hòa, kêu thợ máy và dắt dân trở qua đây đẩy xe lên lộ đem về sửa.

– Nếu anh về Thạnh Hòa thì đi xe của em đây cũng được, cần gì phải chờ xe đò. Ngặt đi rồi bỏ xe đây ai coi?

– Tôi có đem theo một thằng bồi.

– Ủa! Nếu có vậy thì tiện lắm. Bồi anh đâu? Nó có bị bịnh hay không?

Một đứa trai 16, 17 tuổi bước tới xá cô Xuân Hương và nói rằng: “Bẩm, tôi trầy chưn một chút, chớ không có bịnh chi hết”.

Cô Xuân Hương gật đầu nói: “Vậy cũng là may. Thôi em lấy va ly hay là đồ đạc gì đó bỏ hết lên xe của qua đi”.

Thằng bồi vưng lời xách hoa ly của Thiện Ý mà để trên xe của Xuân Hương.

Xuân Hương mời Thiện Ý lên xe. Vì cô ân cần quá, Thiện Ý không thể từ chối được, nên dợm đứng dậy mà bộ không sốt sắng lắm. Thiện Ý đi cà nhắc vì chưn đau. Cô Xuân Hương đứng ngó rồi lắc đầu nói rằng: “Không được, chưn của anh thế coi đau nhiều. Phải đi thầy thuốc, chớ lên Thạnh Hòa có thầy thuốc đâu mà trị, trở lên Long Xuyên không bao xa, phải lên cho thầy thuốc coi một chút rồi sẽ về. Anh lên xe đi”.

Thiện Ý muốn lên ngồi phía trước với sớp phơ. Xuân Hương không cho, ép phải ngồi phía sau với cô, rồi biểu sớp phơ quay xe lại lên Long Xuyên.

Quan thầy thuốc khán nghiệm thật là kỹ rồi nói Thiện Ý trong mình chẳng có bịnh gì trọng, duy có sưng chưn, bằm con mắt, trầy tay mặt vậy thôi. Ông tiêm cho một mũi thuốc và băng mấy chỗ trầy chảy máu.

Xuân Hương nghe Thiện Ý chẳng có bịnh chi thì cô mừng, cô liền mời Thiện Ý lên xe đặng cô đưa về Thành Hòa. Bây giờ cô an trong lòng, nên xe chạy rồi cô mới hỏi rằng:

– Anh đi đâu mà lật xe đó?

– Tôi ở trên Sài Gòn về thăm nhà.

– Ủa! Anh ở trên Sài Gòn hay sao? Ở làm việc gì trển?

– Tôi làm Trạng sư.

– Cơ khổ dữ hôn! Vậy mà em đâu có hay đâu! Một năm mấy nay em không có gặp anh, mà cũng không gặp bác Tổng. Anh cưới vợ hay chưa?

Cô Xuân Hương vừa hỏi câu nầy, vừa liếc mắt ngó Thiện Ý, miệng lại chúm chím cười. Thiện Ý châu mày day mặt chỗ khác mà đáp rằng:

– Cưới vợ làm gì? Tôi nhứt định không thèm cưới vợ.

– Tại sao vậy?

– Cô khéo hỏi! Tại làm sao, cô biết lắm chớ. Tôi oán thứ con gái Việt Nam lắm chớ.

– Con Gái Việt Nam thì quê mùa, lẽ thì anh phải thương chớ sao anh lại oán.

– Người ta có học kia còn chưa biết nhơn nghĩa thay huống chi người không có học thì có ra gì.

Thiện Ý nói mà mặt coi chừ bự giận lắm vậy. Xuân Hương ngó chàng trân trân rồi thở dài một cái mà nói rằng: “Em biết nãy giờ anh khinh bỉ con gái Việt Nam đó là khinh bỉ em. Em xin anh đừng có thấy cử chỉ của em là đê tiện mà tưởng hết thảy con gái Việt Nam đê tiện như em hết, thì tội nghiệp cho người ta”.

Xuân Hương nói mấy lời rồi cô nghẹn cổ, rưng rưng nước mắt nói không được nữa. Cô ngồi lặng thinh một lát rồi lấy khăn lau nước mắt và nói rằng: “Hồi trước cha mẹ hai bên có giao ước hễ anh học rồi thì cho anh với em làm vợ chồng. Sự hứa hôn đó cha mẹ định trước đó mười năm, anh hay, mà em có biết. Lúc anh học thành rồi, anh về mà em bội ước đi lấy chồng khác, lại là con nhà cự phú, cử chỉ của em như vậy thì đê tiện thiệt, anh khinh bỉ đáng lắm. Song cử chỉ bề ngoài của em đê tiện, mà cái óc của em, cái lòng của em, bề trong bao giờ cũng trong sạch luôn luôn. Từ ngày em lấy chồng cho tới bây giờ, trong trí em tưởng anh thương hại giùm cho em, chớ em không dè anh oán thù khinh bỉ em. Em xin hỏi anh, nếu anh ngồi trong cái địa vị của em ở bên Rạch Giá người ta qua nói cưới em đó, anh mới làm sao?”

Thiện Ý cùn quằn đáp rằng:

– Nếu cô là gái biết trọng trinh trọng tiết, không bội ước không tham giàu, mà cha mẹ có ráng ép đi nữa thì cô phải liều mình cho trọn nghĩa mới phải. Thà chết cho thơm danh chớ sống làm chi cho xủ tiết.

– Tự tử hả! Anh dạy em cái bài học đó coi thế không hay. Người gặp cảnh nguy, bước đường cùng rồi, không biết làm sao mà day trở, túng thế phải thắt họng hay là cắn lưỡi, hay là uống thuốc độc, hay là nhào xuống sông mà chết…

Ấy là người không có tánh kiên nhẫn, không có chí tự cường, không có can đảm mà chịu cái khổ của kiếp trần. Chết như vậy tưởng là tránh khỏi cái khổ, té ra cái khổ ấy còn để dành y nguyên đặng kiếp sau trở lên mà mang thêm vô nữa, chớ trốn tránh đâu cho được. Huống chi mình chết đã hại cho kiếp sau của mình mà lại không bổ ích cho ai hết, thì chết làm gì, mà anh dạy em như vậy. Anh xét cho kỹ lại mà coi, nếu hồi chồng đi nói em đó mà em tự vận em chết thì có ích chi cho duyên nợ của chúng ta đâu? Đã không có ích, mà hễ em chết thì hai nhà đều sập hết, cha mẹ em với bác Tổng phải bị khốn đốn liền!

– Khốn khổ cái gì? Tại sao mà khốn khổ?

– Chúng thi hành phát mãi, chớ sao.

– Tại sao vậy?

– Ủa! Vậy chớ anh không hay biết việc nợ nần đó hay sao?

– Nợ nần gì đâu?

Xuân Hương ngó sửng Thiện Ý, không biết chàng nói thiệt tình hay phĩnh phờ. Cô hỏi rằng:

– Vậy chớ hồi gả em lấy chồng đó, bác Tổng không có nói rõ công chuyện đó cho anh hay sao?

– Ba tôi nói chú Hội đồng thiếu nợ thằng cha Huyện Hàm Trương Hà, nên làm lãng không chịu gả cô cho tôi. Để đem cô mà dưng cho thằng con của Trương Hà mà trừ nợ. Tôi hỏi vậy chớ cô cũng đành như vậy hay sao, thì ba tôi nói cô thấy giàu cô mê, nên cô cũng chịu như vậy.

– Trời đất ơi! Hèn chi anh thù oán em, anh khinh bỉ em thì đúng rồi!

– Thì cô ưng làm vợ người đó hơn một năm rồi, có oan ức chỗ nào đâu mà cô kêu trời?

– Thôi anh hiểu như vậy, thì cứ để như vậy tốt hơn.

– Vậy chớ tại sao cô bội ước, cô lấy chồng khác?

– Thiệt tại em ham giàu.

– Cô nói lẫy như vậy không được. Cô phải cắt nghĩa rành rẽ cho tôi nghe.

– Thôi, việc cũ rồi nói lại không ích gì.

– Không được. Cô phải nói thiệt cho tôi nghe thử coi tại sao cô bỏ tôi lấy chồng khác. Cô phải biết rằng tôi mà còn sống đây là nhờ tôi có tánh nhẫn nại lắm, mà sự sống của tôi có xác chớ không có hồn. Cô phải nói hoạch ra, chớ nói mí như vậy không được.

Xuân Hương ngẫm nghĩ rồi hỏi rằng:

– Thiệt anh không hiểu tại sao em phụ anh mà lấy chồng khác hay sao?

– Thiệt không hiểu.

– Thôi để em nói cho anh nghe. Ba của em với bác Tổng mua đất mua điền sao đó mà thiếu bạc, nên phải vay của ông già chồng em. Mua đất vừa rồi kế gặp khẩn bách lúa rẻ, ruộng thất, hai ông trả nợ không nổi. Chủ nợ kiện. Tòa lên án buộc hai ông phải trả nợ, nếu không trả thì chủ nợ được phép phát mãi gia viên điền sản. Theo án Tòa thì ba của em trả vốn lời 60 ngàn. Còn bác Tổng tới trút 100 ngàn. Hồi chủ nợ được án đó thì anh đã về rồi. Hai ông bối rối hết sức, má của em vì nợ nần đó mà rầu nên mang bịnh ho. Chủ nợ cậy người ta nói như bằng lòng gả em thì số nợ đó người ta cho hai ông phân hạn mà trả 15 năm hoặc 20 năm, trả dứt số vốn mà thôi, còn như không chịu gả em thì người ta giao án cho Trưởng Tòa thi hành liền, thi hành án của ba em, thi hành luôn tới của bác Tổng nữa. Bác Tổng bối rối quá, không còn phương gì mà gỡ việc nhà cho được, nên khuyên ba em thôi gả em đặng cứu giùm hai nhà, là nhà của em và nhà của anh. Tại vậy nên…

– Úy! Thiệt như vậy hay sao?

– Thiệt như vậy. Đám cưới em rồi thì cha chồng em mời ba và bác Tổng qua cho làm giấy nợ lại phân hạng mà trả trong 15 năm, tính nội số vốn mà thôi, tiền lời bỏ hết. Nhờ vậy nên mới yên ổn từ hồi đó tới bây giờ chớ.

– Trời đất ơi! Qua có hay đâu! Té ra em lấy chồng chẳng khác nào em bán mình mà cứu luôn hai nhà, nhà của em và nhà của anh nữa!

– Anh nói đúng lắm. Nếu em chống cự thì sự nghiệp của hai nhà sẽ bị phát mãi hết. Má em đau bịnh ho là bịnh hiểm nghèo, chúng phát mãi sự sản thì má em buồn, chắc phải chết. Còn hai đứa em nhỏ của em đương học nửa chừng chắc cũng phải rút đem về mà để cho chúng nó chịu dốt. Anh thấy cái cảnh như vậy hay chưa? Nào có phải em đê tiện đến nỗi ham giàu mà bội ước.

Thiện Ý chảy nước mắt mà nói rằng:

– Qua xin em tha lỗi cho qua. Tại qua không rõ căn do nên qua mới oán và khinh em. Bây giờ qua mới biết em là người thế nào.

– Chuyện xưa em nói lại cho anh nghe chơi. Xin anh nghe để bụng, bởi vì thiên hạ biết thì không tốt cho cha mẹ mình.

– Em có chồng gần một năm rưởi rồi vậy mà em có con hay chưa?

– Em có sanh được một đứa con trai.

– Được bao lớn?

– Gần 4 tháng.

– Qua mừng giùm cho em. Còn em để tang cho ai mà mặc đồ chế đó?

– Em để tang cho chồng em.

– Hả? Em nói sao? Chồng em chết rồi? Chết hồi nào?

– Mới chết trên Sài Gòn, em lên lo chôn cất rồi nên em về đây.

– Trời đất ơi! Qua có hay đâu!

Hai người nói chuyện mới đến đó thì xe hơi chạy vô tới Thạnh Hòa. Thiện Ý chỉ cho sớp-phơ ngừng ngay cửa ngõ ông Cai Tổng Bình, chàng mở cửa leo xuống, mượn sớp-phơ xách va ly để trên lề đường rồi mời Xuân Hương ghé nhà uống nước rồi sẽ về.

Xuân Hương cười mà đáp rằng: “Em xin lỗi anh, em không thể ghé được. Chồng em mất, em chôn cất mới rồi, em đang lo chạy riết về nhà đặng cho cha mẹ chồng em khỏi trông. Đã vậy mà em xa thằng nhỏ của em đã ba bữa rồi, em nhớ nó quá, nên không thể ta-bà dọc đường được. Vậy xin anh làm ơn bẩm giùm với hai bác rằng em kính lời thăm hai bác. Thôi em chúc anh mạnh giỏi, cho em về kẻo trưa rồi.”

Thiện Ý cúi đầu đáp rằng: “Qua rất cám ơn em hồi năm trước, trong lúc nguy biến mà em biết trọng hiếu khinh tình, có can đảm liều thân để cứu cha mẹ”.

Xuân Hương cười mà nói: “Đổi cho anh ngồi địa vị của em hồi đó chắc anh cũng phải làm như vậy, có chi đáng cho anh khen”.

Cô nói dứt lời cô cúi đầu từ biệt Thiện Ý. Xe hơi rút chạy. Thiện Ý đứng ngó theo. Xuân Hương thì lấy khăn lau nước mắt.

Xuân Hương về tới nhà lật đật kiếm con bồng mà hun.

Bà Huyện hỏi rằng:

– Con sắp đặt công việc xong rồi chưa mà con về mau dữ vậy?

– Dạ thưa rồi hết.

– Còn nó nói có hùn hạp lập nhà hàng nhà hiệt gí đó, bây giờ tính làm sao?

– Thưa việc đó con có hỏi chị hai, thì chỉ nói nhà hàng bị lỗ nên đóng cửa lâu rồi.

– Cái đó cũng tốn hết một muôn đồng.

Ông Huyện nghe vợ than thì ông nói rằng: “Thôi, việc đã qua rồi, còn tiếc làm chi. Bây giờ phải lo cho vợ con nó. Con Ba nè, trời đất khiến như vậy, con cũng chẳng nên buồn làm chi. Con còn nhỏ quá, cha mẹ không lẽ ép con phải thủ tiết với chồng. Người ta bốn năm mươi tuổi, con cháu cả bầy mà chồng chết người ta còn cải giá thay, huống chi con mới có hai mươi mấy tuổi. Nhưng mà ba xin con chịu phiền ở vậy ít năm mà nuôi giùm Hoàng Hải cho nó khôn lớn rồi con sẽ lấy chồng khác. Ba bây giờ chỉ có một chút đó mà thôi. Xin con chịu khó nuôi giùm cho ba”.

Cô Xuân Hương nghe cha chồng nói như vậy cô động lòng, nên ứa nước mắt mà đáp rằng: “Thưa ba, Hoàng Hải là máu thịt của con, lẽ nào con không biết thương, con đành bỏ mà đi lấy chồng khác cho được. Con không có tính cải giá đâu, xin ba má đừng lo”.

Vợ chồng ông Huyện nghe dâu nói mấy câu ấy thì mừng nên hối dâu thay đồ rồi đi ăn cơm.

Thiệt tuy Xuân Hương không vui song cô cũng buồn rầu lắm. Tối ngày cô cứ lo săn sóc con, cô quyết lấy đó làm mục đích cho sự sống của cô.

Cách chừng mười bữa, cô tiếp được một phong thơ gởi đề tên cô, coi ngoài bao thì thấy thơ gởi tại nhà dây thép Sài Gòn, mà tuồng chữ thì giống tuồng chữ Thiện Ý, cô nghi nên cô không muốn đọc. Cô xếp phong thơ bỏ vào túi, rồi chơi với con như thường.

Đến tối cô vô phòng thay đồ mà nghỉ, cô mới nhớ tới phong thơ cô tiếp hồi trưa, cô bèn lấy ra để trên bàn rồi ngồi suy nghĩ. Chẳng hiểu cô tính lẽ nào, mà cô ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi cô cầm phong thơ xé bao rút thơ ra coi bộ quả quyết lắm:

Thơ viết bằng chữ Pháp dịch ra như vầy:

Em Xuân Hương đáng yêu kính ôi!

Từ hôm anh rủi bị nạn xe mà may được gặp em cho tới bữa nay, thì đêm nào anh cũng thao thức hoài, hễ nhắm mắt thì thấy em trước mặt, nên ngủ không được. Nhờ những lời tâm huyết em tỏ với anh, nên anh mới được biết em là một gái cao thượng, háo nghĩa, trọng tình chớ không phải người ham phú phụ bần, vong tình bội ước như anh đã tưởng vậy.

Anh được biết tâm sự em rồi thì anh hết sức kính mến em mà lại lấy làm đau đớn ăn năn về cái tội anh oán hận em, khinh em không nhằm.

Anh viết thơ nầy, anh rất trông mong em lấy lòng quảng đại mà tha cái tội lầm lạc ấy cho anh, em nên nghĩ rằng vì anh quá thương em rồi tối mắt bít tai mà phải mang tội với em, chớ không phải tại ý gì khác.

Xuân Hương em ôi! Một đời tài sắc, một khách đa tình mắc tội lỗi gì mà phật trời hành hạ như vậy! Trót mười năm mong mỏi sum vầy, mà lúc gần hiệp rồi lại tan, tan một cách rất thảm thiết!

Anh nghĩ lại rất tiếc cái cuộc anh gặp gở em hôm nọ lắm. Gặp làm chi mà bây giờ phải đau đớn như vầy! Thà oán lầm còn dễ chịu hơn là thương trộm.

Xuân Hương em ôi! Thôi, chúng ta nên quên hết việc đã qua, để mà lo việc sẽ tới. Bây giờ em đã lỡ duyên rồi, còn anh thì cũng chưa kết bạn. Chắc là phật trời thấy đôi ta thảm khổ đáo để, thảm khổ nghĩa không phai, tình không lợt, nên muốn xá tội cho đôi ta, mới khiến cho em gãy gánh giữa đường đặng đôi ta sum hiệp.

Anh năn nỉ xin em, nếu chẳng phụ tình anh, thì đôi ta sẽ cùng chấp nối tóc tơ lại. Cái mối tình của anh đối với em vẫn còn y nguyên như xưa, mà có chịu hoạn nạn rồi, bây giờ lại còn gia thêm cái nghĩa nữa. Anh chắc cái tình với cái nghĩa ấy mà trộn lại thì trọn đời anh sẽ kính trọng em yêu mến em luôn luôn.

Anh suy nghĩ cạn rồi anh mới viết thơ nầy. Anh xin em cũng phải suy nghỉ cho kỹ mấy lời anh tỏ với em đó.

Anh xin nói thiệt với em, dầu em quyết định lẽ nào anh cũng vưng chịu, chớ không dám phiền trách. Nhưng mà nếu anh không được sum hiệp cùng em, thì anh coi cái đời của anh hư đã hỏng, không còn mục đích gì mà hăng hái bước tới nữa.

Em hãy xét lại bao lâu cũng được.

Một người vừa kính vừa yêu em hết là

Hà Thiện Ý

Cô Xuân Hương cầm bức thơ đọc đi đọc lại đôi ba lần, đọc chừng nào cô càng buồn chừng nấy. Mấy đêm sau, đêm nào cũng vậy, trước khi đi ngủ thì cô lấy bức thơ ra đọc, rồi ngó đèn mà suy nghĩ trót một hai giờ.

Cách ba ngày cô nhứt định rồi, cô mới viết thơ gởi về Cái Tắc mời cha mẹ qua đặng bày tỏ việc riêng.

Vợ chồng ông Hội đồng Nghiệp đã có ý muốn đi thăm sui, may kế tiếp được thơ của con mời, thì không còn dụ dự nữa nên sửa soạn xe rồi bữa sau vợ chồng đi Rạch Giá.

Vợ chồng ông Huyện Hàm tiếp đãi sui gia rất hậu. Ăn cơm trưa rồi cô Xuân Hương đem một khay trầu rượu ra để trước mặt cha mẹ hai bên mà thưa rằng: “Con lấy chồng, con vẫn tưởng tơ tóc bền chặt, cầm sắc hài hòa, trước đẹp dạ mẹ cha, sau vui niềm gia thất. Nào dè cái mạng của con, bước chân vào đường đời, vừa mới đi được một khúc thì gãy gánh cang thường. Phật trời đã khiến cái mạng con như vậy, thì con vưng chịu chớ con không phiền trách chi hết. Theo phong hóa của người mình thì trai anh tuấn chẳng thờ hai chúa, gái trinh liệt chẳng thờ hai chồng. Tuy con chẳng dám xưng là gái trinh liệt nhưng mà con tự nguyện bắt chước người xưa ở giá trọn đời mà thờ chồng dạy con. Ngặt vì con coi ở thế gian có nhiều nỗi đắng cay, mà cái đời của con đã hỏng rồi, con chẳng còn ham phú quí công danh chi nữa. Nay sẵn có cha mẹ hai bên đủ mặt, vậy con cúi xin cha mẹ vui lòng cho phép con xuất gia đầu phật, đặng con tu niệm mà nhờ kiếp sau. Hổm nay con suy nghĩ đã kỹ rồi, con phải tu thì con mới an tâm tịnh trí được”.

Bà Hội đồng với bà Huyện nghe con thưa như vậy động lòng, nên ngồi khóc chớ không biết nói sao được. Ông Hội đồng cũng ngồi nín thinh.

Ông Huyện Hàm tằng hắng mà nói rằng:

– Hổm nay ba thấy con buồn, ba tưởng ai cũng vậy, hễ chồng chết một ít lâu nguôi ngoai rồi thôi. Ba không dè con thương chồng con đến nỗi con tính đi tu. Con tu sao được. Hôm trước ba đã nói với con phải ráng nuôi giùm Hoàng Hải cho ba, chừng nó lớn khôn rồi con muốn tính lẽ nào ba cũng chịu và vui lòng hết thảy. Con đã chịu rồi, sao bữa nay con đòi đi tu. Con đi tu rồi bỏ Hoàng Hải ai nuôi. Tuy nó có vú, song vú sao bằng mẹ. Chồng con rủi chết rồi thì thôi, con thương nhớ làm chi quá như vậy. Con bỏ nó đi đừng thèm nhớ nó nữa, để trí mà nuôi con. Nếu con không thể dưỡng nuôi dạy dỗ giùm Hoàng Hải cho ba tới nó có vợ, thì ít nữa con cũng phải săn sóc cho nó được năm bảy tuổi rồi tính việc gì thì tính, chớ bây giờ nó còn quá nhỏ, con bỏ nó như vậy cũng tội nghiệp.

– Ba nói thì con cũng phải vưng, bởi vì nếu con bỏ Hoàng Hải vô chùa mà tu, thì khó cho ba má, mà cũng tội nghiệp cho Hoàng Hải. Vậy con xin ba má cho phép con tu tại nhà đây, con vừa tu vừa nuôi con, thì vẹn toàn hết thảy, đợi chừng Hoàng Hải khôn lớn rồi sẽ hay.

– Được lắm. Con tu ở nhà đây thì ba vui lòng lắm. Ba giao hết từng trên lầu đo cho con ở mà tu. Con thượng tượng, gõ mõ đánh chuông, làm giống gì đó tự ý con.

Ông Hội đồng với hai bà nghe Xuân Hương xin phép ở nhà tu thì vui mừng, nên cũng thuận tình không ngăn trở chi hết.

Đến xế mát, vợ chồng ông Hội đồng mới từ sui mà về. Đi dọc đường bà Hội đồng nói rằng: “Tội nghiệp thân phận con Xuân Hương quá. Mạng số gì mà không được vui sướng chút nào hết. Thấy con như vậy thiệt tôi đứt ruột”. Ông Hội đồng day mặt ra phía ngoài không nói chi hết, bộ coi buồn hiu.

Xuân Hương cậy người nhà vô chùa thỉnh một bức tượng phật Quan Âm với một bức tượng Phật Tổ và mua giùm một cái áo rộng bằng vải rồi nhuộm dà. Cô dọn hai bàn thờ, một bàn thờ Phật Tổ, một bàn thờ Phật Quan Âm.

Sắp đặt công việc tu xong rồi, một đêm nọ, cô chờ cha mẹ chồng đi ngủ, trong nhà yên tịnh, cô đốt nhang, đốt đèn trên hai bàn thờ phật rồi quì trước bàn thờ phật Quan Âm và vái rằng: “Con là Võ Xuân Hương, 23 tuổi vì kiếp trước thiếu tu, nên kiếp nầy con phải lận đận lao đao về hiếu về nghĩa, về tình, về trinh.

“Nay con ăn năn sám hối, quyết tu niệm nhờ phước đức của phật giải khổ, vậy con cầu xin Phật Tổ, Phật Bà cứu độ thân con, cho con sáng trí viết một bức thơ cho Hà Thiện Ý động lòng dứt cái nhơn duyên của con kiếp nầy, đặng yên trí mà lo tam qui ngũ giới, hòng gỡ lục trần mà theo Phật đạo”.

Cô lạy hai bàn thờ, rồi lấy bút mực ngồi viết một bức thơ như vầy:

Thiện Ý anh ôi!

“Trót mười năm em một lòng lo giữ cái tình của em như một tấm gương thanh khiết, lo giồi cái hạnh của em như một đóa hoa bán khai, mong sum hiệp cùng anh cho phỉ tình cá nước. Nào dè đôi ta không có nhơn duyên với nhau nên Phật trời mới khiến kẻ Bắc người Nam, rồi làm hoa rơi gương rã”.

“Em tiếp được bức thơ của anh, em đọc đi đọc lại mấy lần, đọc chừng nào em càng buồn chừng nấy. Em buồn bả vì đã thấy anh đến nông nỗi nầy rồi mà còn mong ráp cái gương đã bể, còn tính lượm đóa hoa đã tàn”.

Thiện Ý anh ôi! Làm thân con gái may rủi một chồng. Em đã vào làm dâu nhà họ Trương rồi thì em phải thờ họ Trương trọn đời, có lẽ nào em đành mang gói mà qua nhà họ Hà nữa cho được. Em cúi xin anh nếu anh chẳng phụ tình của em, thì anh chẳng nên cượng đầu cải mạng phật trời đã định, anh phải thành tâm khẩn cầu phật trời gây cuộc nhơn duyên cho đôi ta, đặng kiếp sau đầm ấm một nhà, khỏi biệt ly như vầy nữa”.

“Em đã quyết định rồi. Em vẫn biết em quyết định như vậy thì đau đớn cho anh lắm. Mà thân em đây, há em lại vui vẻ gì hay sao? Xin anh hãy nhớ; ở đời có ấy là không, tan ấy là hiệp. Vậy kiếp nầy chúng ta mỗi người mỗi ngả, hãy thành tâm cầu trời khẩn phật cho chúng ta kiếp khác được sum vầy, sum vầy mà anh chẳng có chút chi buồn, em cũng chẳng có chút chi hổ”.

Vài hàng tâm huyết, cúi xin quân tử nhận lời

“Gái hữu tình mà vô duyên”

VÕ XUÂN HƯƠNG

Cô Xuân Hương viết thơ xong, rồi cô lấy bao niêm dán cò theo phép đề bao gởi cho Hà Thiện Ý, trạng sư ở Sài Gòn. Cô xuống lầu kêu một đứa gia dịch mà sai cầm phong thơ đi cho kịp chuyến xe sáng bữa sau.

Gởi thơ rồi, cô trở lên lầu đốt nhang lạy phật nữa. Niệm hương một hồi lâu rồi cô mới lấy một cái kéo bén mà hớt đầu tóc và lấy một con dao cạo lại ngồi trước tấm kiếng lần mò cạo hết cái đầu trọc lóc. Đêm ấy cô tụng kinh niệm phật tới sáng.

Con vú thức dậy thấy Xuân Hương còn đương lạy phật mà cái đầu trọc lóc thì chưng hửng. Nó tuốt xuống lầu, thấy bà Huyện thức rồi, đương ngồi uống nước, thì nó nói bệu bạo rằng: “Bà ôi! Cô tôi cạo đầu rồi”.

Bà Huyện nghe nói thất kinh, bà tuốt lên lầu gặp Xuân Hương đương quì trước bàn thờ phật, đầu cạo trọc lóc thì bà đứng trân trân, mà nước mắt chảy ròng ròng. Bà cảm động thương xót quá, nên bà nói lớn rằng: “Con làm chi vậy con! Tu thì ăn chay niệm phật cũng đủ rồi. Làm thân đờn bà con gái có một cái đầu tóc, mà con cạo đầu rồi thì còn gì mà kể?”

Bị con vú nói lộn xộn làm cho trong nhà xao xuyến. Ông Huyện thức dậy, hay việc Xuân Hương cạo đầu thì ông chắc lưỡi lắc đầu, thương xót hết sức, song không biết nói sao được. Ông viết thơ cho ông sui hay vợ chồng ông Hội đồng Nghiệp qua Rạch Gía thấy con như vậy thì đứt ruột khóc dầm, thở than rồi về chớ không biết làm sao.

Hiện giờ Xuân Hương vẫn còn tu tại nhà chồng là ông Huyện Hàm Trương Hà ở Rạch Giá, ngày lo săn sóc con, tối tụng kinh niệm phật.

Còn ông Hà Thiện Ý còn làm Trạng sư phụ ở Sài Gòn. Ông không cưới vợ mà cũng không đi chơi với ai, hễ mãn giờ làm việc rồi thì ông về nhà đóng cửa kín mít, không ai hiểu tâm trí ông được.

Hai người đều trẻ tuổi, bước đường đời còn dài. Những người theo phái vật chất thì họ đoán Thiện Ý bị sóng tình đưa đẩy rồi chàng sẽ đeo đuổi làm cho Xuân Hương phải từ cửa Phật mà vào động tiên. Còn những người theo phái tinh thần thì họ đoán Thiện Ý tuy mang một cái túi tình trịu trịu, song tình chàng cao thượng, nên không lẽ chàng dùng cái tình ấy mà đánh đổ cái tiết của người chàng kính trọng đó bao giờ.

Tác giả không dám cho phái nào phải, mà cũng không cho phép tiên tri, tác giả chỉ mong:

Trai biết trọng ái tình
Gái giữ bền chánh tiết.

SÀI GÒN, tháng 8- 1935


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.