Tiền bạc bạc tiền

Chương 7



Thanh Kiều ngồi trên lầu mà thêu khăn, cô nhớ phận cha bất hạnh cô thương, cô nhớ thân anh ở xa cô buồn; rồi cô nghĩ bà Phủ khắc bạc. Ðỗ Thị tính lấy chồng, Thanh Huê toan bội nghĩa, ba người ấy hễ mở miệng thì nói tiền bạc, ai có tiền thì phải, ai không tiền thì quấy, việc gì có lợi dầu chịu tiếng xấu cũng làm, việc nào thất lợi dầu hiệp nghĩa trọn tình cũng không cần cố, bởi vậy lòng cô lạnh ngắt, trí cô ngán ngầm, ngồi thêu khăn mà giọt lụy chứa chan, rút một sợi chỉ thì nước mắt sa một nhểu.

    Thình lình cô nghe tiếng xe hơi ngừng ngoài cửa, rồi lại nghe tiếng Thanh Huê kêu tên cô. Cô lật đật đi lại mở cửa sổ mà dòm, thì thấy xe hơi của Phú Thứ đậu ngoài đường, có dạng người nằm trong xe, còn Thanh Huê thì chạy riết vào nhà la khóc nghe gớm ghiếc.

    Thanh Kiều kinh hãi, bươn bả chạy xuống thang lầu, gặp Thanh Huê chạy lên, hai chị em ôm nhau, em thì run rẩy không biết việc gì, chị thì khóc kêu “em ôi, cô chết rồi, mẹ bị bịnh nặng”. Thanh Kiều dắt Thanh Huê đi lại ván mà ngồi rồi Thanh Huê mới thuật việc xe bà Phủ chạy trước va vô cây nên lật úp dưới ruộng, xe Thanh Huê chạy tới chở hết đem về nhà thương, tên sốp-phơ đã chết trước rồi, bà Phủ vô tới cửa nhà thương thì bà cũng tắt hơi, còn Ðỗ Thị thì bị kiếng cắt nát mặt, Phú Thứ bị gãy hết một chưn, thì quan thầy thuốc lo băng bó và để nằm trong nhà thương, bây giờ Thanh Huê chở bà Phủ với sốp-phơ đem về nhà đặng lo bề chôn cất.

    Thanh Kiều nghe rõ đầu đuôi thì than khóc vang rân. Chú làm vườn với chị nấu ăn nghe than khóc cũng chạy ra hỏi thăm, rồi xúm nhau bồng bà Phủ đem vô nhà để nằm trên giường sắt của bà và cũng khiêng tên sốp-phơ đem vô để nằm dưới nhà xe. Thanh Kiều tuy lo sợ, song trong bụng tỉnh táo, cô biểu xe hơi của ông Huyện hàm chạy về Cần Giuộc báo tin cho bà con ông hay, còn cô kêu xe kéo chạy vô nhà thương thăm mẹ một chút, rồi đi thẳng ra Sài Gòn kêu anh rể là Như Bình vô giùm giúp lo tống táng bà Phủ.

    Ðương lúc lo sợ buồn rầu bối rối, Thanh Huê thấy mặt chồng, chẳng khác nào lúa hạn gặp mưa rào, vì có chồng mới có người lo tống táng bà Phủ và chôn cất sốp-phơ cho cô, chớ một mình cô thì cô lính quýnh chắc không thể nào cô lo cho được, bởi vậy cô đã không hờn giận mà lại có sắc vui mừng. Cô lấy xâu chìa khóa của bà Phủ mà mở tủ lấy bạc đưa cho chồng đặng mua hòm tẩn liệm và lo đám ma.

    Cuộc tống táng thì Thanh Kiều để cho vợ chồng Như Bình ở nhà lo, còn cô thì vô nhà thương ở mà nuôi mẹ. Tối bữa ấy, Ðỗ Thị biểu Thanh Kiều rằng:

–       Sáng mai con về nhà kiếm coi xâu chìa khóa của cô con để đâu con lấy đem vô đây đưa cho má.

–       Chìa khóa chị Hai lấy rồi.

–       Nó lấy hồi nào?

–       Hồi khiêng cô vô nhà rồi chị Hai chỉ mò trong túi cô chỉ lấy chỉ cất.

–       Con đó tánh tầm phào lắm, đố khỏi nó làm lộn xộn chúng ăn hết.

    Chừng chôn cất bà Phủ với tên sốp-phơ xong rồi, Như Bình với Thanh Huê dắt nhau vô nhà thương mà thăm Ðỗ Thị. Ðỗ Thị thấy mặt Thanh Huê liền biểu đưa xâu chìa khóa cho bà, chớ không hỏi thăm cuộc đám ma. Thanh Huê cười mà nói rằng:

–       Má kỳ quá! Má cứ lo dưỡng bịnh cho mau mạnh đi mà, để con cất chìa khóa đây, chừng má về con sẽ đưa cho, chớ bây giờ má lấy làm chi. Ðám ma về tiền hòm rương tẩn liệm, về tiền hộ đạo nhà vàng, tốn hao hết thảy là bốn trăm rưởi.

    Ðỗ Thị nằm lặng thinh một hồi, chừng thấy Như Bình với Thanh Kiều bước ra ngoài, bà mới hỏi nhỏ Thanh Huê rằng:

–       Con có coi trong tủ sắt coi cô con để bạc được bao nhiêu hay không?

Thanh Huê cười và đáp rằng:

–       Nhiều lắm, nhiều lắm! Mà con chưa có rảnh mà đếm được.

Ðỗ Thị nói nghiêm chỉnh rằng:

–       Cô con mất rồi, bây giờ gia tài về mấy mẹ con mình hưởng. Vậy con phải giữ gìn tiền bạc cho cẩn thận, nghe con. Con Thanh Kiều khờ dại lắm, con đừng có nói việc chi cho nó biết. Còn thằng chồng con thì con cũng chẳng nên tin bụng nó lắm…

    Như Bình ở ngoài bước vô, Ðỗ Thị không nói chuyện nữa.

    Thanh Huê bước lên phòng đờn ông đặng kiếm thăm ông Huyện hàm Phú Thứ. Như Bình mới hỏi Ðỗ Thị:

–       Vậy chớ bây giờ trong mình má có đau chỗ nào khác nữa hay không?

Ðỗ Thị đáp rằng:

–       Bên hông tay mặt tao có hơi lói lói một chút, mà đau chỗ đó tao không lo; tao buồn có cái mặt của tao bị kiếng cắt nát hết, chừng lành đây chắc có thẹo coi kỳ lắm.

    Như Bình nghe nói thì tức cười, song nghĩ mình nhờ có dịp nầy mới hòa thuận lại được, không muốn làm cho mẹ vợ hờn nên đáp rằng:

–       Miễn là má mạnh được thì thôi, dù có thẹo cũng không có can hệ chi lắm mà lo sợ.

Ðỗ Thị lặng thinh suy nghĩ một hồi rồi nói rằng:

–       Mầy nói nghe cũng phải, bây giờ tao thiếu gì tiền bạc, tao có cần gì phải lấy chồng nữa đâu mà sợ mặt có thẹo.

    Thanh Huê đi thăm ông Huyện hàm rồi trở xuống gặp Thanh Kiều ở ngoài mới dắt nhau bước vô. Thanh Huê nói rằng:

–       Tội nghiệp ông Huyện hàm quá, mà à, ổng gãy chơn thiệt. Quan thầy thuốc nói chừng ổng mạnh chắc ổng phải đi cà nhắc.

–       Ðỗ Thị đáp rằng:

–       Hứ, ổng lọi giò đáng đời ổng. Tại ổng chớ tại ai đó mà ổng trách. Ổng đi cà nhắc mà hại gì, chớ người ta nát hết cái mặt của người ta đây sao!

    Vợ chồng Thanh Huê dắt nhau đi về, để Thanh Kiều ở trong nhà thương mà nuôi Ðỗ Thị, rồi ban đêm lại sai chị Thìn nấu ăn vô ngủ thêm nữa.

    Thanh Huê nhờ cô chết, được hưởng gia tài, nên hễ nói ra thì có hơi khinh khi chồng như cũ, mà Như Bình không dám làm cứng nữa nên dằn lòng nhịn nhục, vợ muốn thế nào cũng xuôi theo thế ấy cho êm. Tuy anh ta cũng còn để căn nhà ở Ðất Hộ, song ban ngày đi làm việc, còn ban đêm thì về Chợ Lớn mà ở với Thanh Huê, có ý trông mẹ vợ lành bịnh rồi sẽ nói mà rước vợ đem về.

    Ðỗ Thị nằm nhà thương hơn một tháng vết tích đều lành hết, song mặt có ba cái thẹo lớn bằng ngón tay út và dài bằng hai lóng tay. Ông Huyện hàm cũng lành rồi, nên ông đi nhúc nhắc xuống phòng Ðỗ Thị mà thăm. Ông đi không vững nên bước vô ông có sắc hổ thẹn; mà Ðỗ Thị vì mặt có thẹo cũng hổ ngươi, nên bà chào ông Huyện hàm rồi bà day mặt chỗ khác không dám ngó ông cho chán chường. Thanh Kiều kéo ghế mời ông ngồi rồi bước trái ra ngoài. Hai người bợ ngợ không biết nói chuyện chi. Ðỗ Thị mời ông Huyện hàm uống nước rồi nói rằng:

–       Tại ông sanh sự nên chị Phủ tôi mới chết và tôi tưởng tôi cũng không còn. Tôi nghĩ tôi phiền ông quá, thôi ông đừng có tính cưới tôi nữa. May là mới đi thăm ông chơi, mà còn gần chết thay, nếu ông cưới tôi đi về nhà ông chắc là không còn mạng.

Ông Huyện hàm cười mà đáp rằng:

–       Lời cô mới nói đó tôi nghĩ phải lắm. Cái duyên của tôi với cô coi xui xẻo quá. Chắc là ý ông trời không muốn cho tôi với cô gần nhau nên mới khiến như vậy. Thôi, cô đừng phiền tôi, và xin cô cũng đừng tỏ việc riêng của tôi với cô đó cho ai biết nghe. Thiệt, hễ tôi nhớ tới sự xe hơi lật hôm trước đó tôi hết hồn. Tôi về đây tôi coi có ai mua tôi bán phức cái xe của tôi cho rảnh, tôi không dám đi xe hơi nữa đâu.

    Ðỗ Thị tuy không muốn kết duyên với ông Huyện hàm nữa, song nghe ông nói sợ xui không dám cưới thì trong bụng lại hờn nên ngồi lặng thinh, sắc mặt đầm đầm. Phú Thứ không biết nói chuyện gì nữa nên đứng dậy từ mà về.

    Ðỗ Thị lành mạnh rồi về nhà thì Thanh Huê giao chìa khóa lại, song cô đã lén mở tủ sắt mà lấy giấu riêng được một ngàn rưởi đồng bạc.

    Như Bình xin đem vợ mình về nhà mà ở. Ðỗ Thị nói rằng:

–       Không, tao không bằng lòng cho con tao về ở với mầy nữa, bởi vì con tao yếu đuối mầy đem nó về ở nhà mầy rồi mầy đánh đập nó, tao không chịu. Như mầy có thương nó, thì trả phố, dọn đồ vô đây mà ở, chẳng thà ở chung có mặt tao mầy hết ăn hiếp nó được.

    Chẳng hiểu Như Bình vì thương vợ hay là thương tiền, mà tánh vợ hỗn hào khinh thị không biết hờn, lời mẹ vu oan cay đắng không biết tức, đã không đối đáp một lời, mà lại riu ríu trả phố dọn đồ vô Chợ Lớn mà ở với Ðỗ Thị.

    Còn phận Bá Kỳ học ngoài Hà Nội, khi bà Phủ chết, Ðỗ Thị bị nằm nhà thương thì Như Bình có đánh dây thép cho anh ta hay, rồi sau lại có viết một bức thơ kể rõ sự rủi ro và có nói luôn rằng bà Phủ chết rồi, bây giờ gia tài về mấy chị em chung hưởng. Bá Kỳ được dây thép, có trả lời dây thép mà tỏ ý buồn rầu; chừng được thơ cũng có viết thơ mà hồi âm, căn dặn đôi ba lần bịnh mẹ thế nào phải viết thơ thường thường mà cho anh ta biết, thơ nói dài lắm song chẳng hề nói tới gia tài.

     Chừng Ðỗ Thị ra nhà thương rồi, bà bổn thân viết một bức thơ báo tin cho Bá Kỳ mừng, lại có đính theo một cái măng-đa một trăm đồng bạc. Bá Kỳ hồi âm mừng mẹ thoát nạn, song gởi trả cái măng-đa lại, nói rằng mình học ăn ở trong trường, nhà nước lại có cấp mỗi tháng ít đồng bạc đủ dùng, nên khỏi dùng tiền nhà. Sau rốt anh ta lại xin phép mẹ chừng tới bãi trường cho ở luôn ngoài Bắc Kỳ mà học, đặng năm sau thi cho đậu, chớ về ra mất hết ngày giờ, sợ học không kịp anh em.

    Bá Kỳ mỗi kỳ tàu đều có viết thơ thăm mẹ và chị em không sót một kỳ nào, song chẳng hề xin tiền bạc chi hết, mà mấy lần Ðỗ Thị gởi bạc cho thì anh ta không chịu lãnh lần nào. Có bữa Ðỗ Thị nói chuyện với hai đứa con gái thì bà tỏ rằng bà không hiểu vì cớ nào Bá Kỳ không chịu nhận tiền của bà cho. Thanh Kiều ngồi lặng thinh không trả lời. Thanh Huê nói rằng:

–       Con hiểu rồi, chắc nó có con mèo nào giàu đó, gởi tiền nuôi nó, nên nó làm phách như vậy chớ gì!

    Ðỗ Thị gật đầu và cười, bộ bà đắc ý lắm.

    Bá Kỳ học đủ ba năm, thi đậu cao, nên quan trên cấp bằng cho làm chức Com-mi  thuộc ngạch Nam Kỳ và bổ đi tùng sự tại Soái phủ. Trước khi xuống tàu mà về Sài Gòn, thì Bá Kỳ đánh dây thép cho thầy giáo Hiếu Liêm hay và xin đón tàu mà rước. Anh ta cũng có đánh dây thép cho mẹ hay mình thi đậu chức Com-mi, song không cho biết ngày về; bởi vậy khi tàu tới thì có một mình Hiếu Liêm xuống bến tàu đón rước mà thôi, chớ không có mẹ mà cũng không có chị em.

    Bá Kỳ bước lên cầu tàu, thấy Hiếu Liêm thì mừng quýnh, lật đật chạy lại ôm Hiếu Liêm và ứa nước mắt mà nói rằng:

–       Tôi học được công thành danh toại đây là nhờ anh giúp đỡ tiền bạc, bởi vậy nên tôi muốn gặp anh trước hết. Bác ở nhà mạnh giỏi thế nào? Tôi làm việc ở Sài Gòn đây, chắc tôi xin ở đậu với anh.

    Hai người mừng rỡ rồi dắt nhau về nhà Hiếu Liêm. Cao Thị chào mừng rồi lo dọn cơm. Bá Kỳ ngó trước xem sau rồi hỏi Hiếu Liêm rằng:

–       Tôi ở ngoài Hà Nội đã hai năm rồi mới về đây. Vậy mà anh đã có kết tóc se tơ chỗ nào chưa?

Hiếu Liêm day mặy chỗ khác mà đáp rằng:

–       Nếu tôi cưới vợ thì tôi đã cho anh hay, chớ lẽ nào tôi giấu anh. Anh hỏi kỳ quá.

    Bá Kỳ tính để hành lý lại đó rồi vô Chợ Lớn thăm mẹ và chị em. Cao Thị và Hiếu Liêm cầm hoài nên phải ăn một bữa cơm rồi mới đi được.

    Ðỗ Thị với Thanh Huê, Thanh Kiều và Như Bình thấy Bá Kỳ về thảy đều vui mừng. Bá Kỳ cũng vui, song trong sự vui của anh ta có lộn buồn, nhứt là anh ta thấy Ðỗ Thị mặt thẹo, Thanh Kiều mặt rỗ thì anh ta ngó hoài. Ðỗ Thị kể hết mọi việc ở nhà cho Bá Kỳ nghe rồi nói rằng:

–       Nhà mình tưởng là vô phước, ai dè cha con chết mà còn để phước lại nhiều. Nay con thi đậu được làm ông Com-mi, vinh hiển biết chừng nào; rồi đây nhà giàu họ giành mà gả con cho con, có lo gì nghèo cực nữa. Con có biết cô chết mà để gia tài lại cho mình bao nhiêu hay không? Một trăm mẫu ruộng thượng hạng, một cái nhà nầy với bảy chục ngàn đồng bạc, chớ phải ít ỏi gì! Mình bây giờ giàu còn hơn hồi trước nữa. Má nhớ chuyện mẹ con con mẹ Phán Quý hồi trước nó khi mẹ con mình nghèo thiệt má giận quá! Bây giờ nó đến lạy má một ngàn lạy thử coi má có gả con Thanh Kiều hay không mà!

    Bá Kỳ ngồi lặng thinh nghe mẹ nói, coi bộ không hiệp ý, song không dám cãi lẽ đối đáp chi hết. Anh ta ở đó một đêm rồi sáng bữa sau ra Sài Gòn trình diện mà lãnh việc liền. Anh ta thưa với mẹ rằng ở Chợ Lớn đi làm việc xa xôi bất tiện, nên ra ở đậu nhà Hiếu Liêm. Năm ba bữa mới về thăm mẹ một lần, mà có về thì ngồi một vài giờ đồng hồ rồi đi, chớ không ở lâu.

    Hiếu Liêm với Bá Kỳ ở chung một nhà, tâm đầu ý hiệp, bởi vậy đàm luận với nhau không nhàm, song trong mấy lúc chuyện vãn hai người chẳng hề khi nào nói tới việc Thanh Kiều. Mà Bá Kỳ tuy không kính phục cử chỉ của mẹ, song cũng chẳng hề có một lời phiền trách.

    Bá Kỳ về Sài Gòn chưa đầy một tháng thì Ðỗ Thị than trong ngực lói lói, hễ thở mạnh thì đau; Bá Kỳ rước quan thầy thuốc chẩn mạch thì quan thầy thuốc nói rằng vì Ðỗ Thị bị té xe hơi ngày trước mà không trị bịnh cho hẳn hòi nên bây giờ bịnh phát lại ở trong phải cần uống thuốc cho gấp, chớ không thì sợ phải đau gan.

    Ðỗ Thị nghe nói thất kinh mới năn nỉ xin quan thầy thuốc ráng trị giùm, dầu tốn hao bao nhiêu cũng chẳng nệ. Quan thầy thuốc lại nhà tuần mạch hàng ngày, thuốc uống nươm[1], mà bịnh đã không giảm, lại ngực càng bữa càng tức thêm hoài.

    Bá Kỳ thấy mẹ đau nặng thì lo sợ nên ban đêm phải về Chợ Lớn mà ngủ đặng săn sóc thuốc men cho mẹ.

    Hiếu Liêm muốn đến thăm Ðỗ Thị cho trọn tình anh em với Bá Kỳ, nhưng vì nhớ chuyện cũ trong lòng không vui mà lại sợ Ðỗ Thị thấy mình tới rồi nghi cho mình thấy giàu mà bợ đỡ, bởi vậy không tới, mỗi ngày cứ hỏi thăm Bá Kỳ mà thôi.

    Ðỗ Thị đau vài tháng rồi chết. Khi bà gần tắt hơi, bà kêu ba con vào phòng, rồi lấy xâu chìa khóa trao cho Bá Kỳ và trối rằng:

–       Má tưởng trời xuống phước cho má sống lâu má hưởng giàu sang, chẳng dè mạng má vắn vỏi không sống được nữa. Vậy hễ má nhắm mắt rồi thì ba con phải thuận hòa với nhau, tiền bạc ruộng đất chia với nhau cho đều, đừng để sanh xích mích.

    Bà ngó Thanh Kiều, ý bà muốn nói nữa, song bà làm xung nên mệt quá, phải tắt hơi, không nói kịp.

    Bá Kỳ lo tống táng mẹ. Hiếu Liêm vô điếu tang, thấy dạng Thanh Kiều mặc đồ chế vô ra hoài, song chẳng hề ghé mắt mà ngó.

    Chôn Ðỗ Thị vừa xong thì Thanh Huê biểu Bá Kỳ trao chìa khóa cho mình giữ. Bá Kỳ nghe hỏi thì đưa liền, rồi ra ở nhà Hiếu Liêm, không về Chợ Lớn nữa.

    Cách vài ngày, Như Bình kiếm Bá Kỳ và nói rằng:

–       Hôm má mất, má dặn anh em phải chia gia tài đặng ai lãnh phần nấy mà hưởng, bởi vậy chị Hai em biểu qua ra hỏi coi chừng nào em tính chia.

    Bá Kỳ ngó ngay Như Bình và cười mà hỏi rằng:

–       Anh cũng ham ăn của ấy nữa sao?

–       Không, qua có quyền gì mà ăn của ấy được, song chị Hai em cũng có phần trong đó nên nó biểu qua ra hỏi em chớ.

    Bá Kỳ ngồi ngó ra ngoài đường, miệng chúm chím cười hoài, mà không nói chi hết. Cách đó hồi lâu anh ta đứng dậy nói rằng:

–       Anh về đi, để mai tôi kêu Nô-te vô biên tài sản hết thảy đặng lập tờ tương phân.

    Trong mấy ngày sau đó, Bá Kỳ đi hoài, ít hay ở nhà, mà hễ về nhà thì nằm gác tay qua trán lặng thinh, bộ suy nghĩ lo lắng việc chi trọng lắm. Hiếu Liêm thấy vậy muốn an ủi nhưng vì Bá Kỳ lo việc nhà mà không nói cho mình biết, nếu mình xen vào thì té ra mình dòm ngó việc riêng của người, bởi vậy anh ta không hỏi tới.

    Bữa thứ bảy, lại nhằm bữa rằm, nên lúc ăn cơm tối rồi thì thấy mặt trăng mọc lên dọi góc trời đông sáng lòa.

    Hiếu Liêm với Bá Kỳ mỗi người nhắc một cái ghế đem để trước cửa đặng ngồi mà hóng mát. Cao Thị thấy trời tối nên đi chợ chơi và kiếm mua đồ vặt, còn đứa nhỏ ở trong nhà thì đương lo rửa chén dọn dẹp sau bếp.

    Hai anh em ngồi lặng thinh một hồi rồi Bá Kỳ mới tằng hắng mà nói rằng:

–       Anh có phước quá, nếu tôi mà được như anh thì tôi vui biết chừng nào.

Hiếu Liêm chưng hửng nên ngó Bá Kỳ trân trân mà hỏi rằng:

–       Anh nói cái gì vậy? Anh đã được giàu có sang trọng, phận tôi có ra gì đâu, sao anh lại phân bì tôi?

Bá Kỳ lắc đầu rồi thở dài mà đáp rằng:

–       Không, tôi nghĩ việc đời tôi buồn nên tôi nói như vậy, chớ không phải tôi phân bì. Anh có phước tôi càng vui, chớ phân bì là sao! Ðể tôi nói cho anh nghe: Anh tuy con nhà nghèo, nhưng anh có được bà mẹ tánh tình cao thượng, cư xử nhơn từ, nghèo mà biết trọng thân danh, khổ mà không tham của phi nghĩa. Phận bác góa bụa nghèo hèn mà nuôi anh ăn học cho được thành thân, lại dạy anh ăn ở cho nên người phải như vầy thì đáng kính phục biết chừng nào. Ngày nay tuy anh làm thầy giáo chớ không làm ông chi lớn, song anh có thể nuôi bác, lại mẹ con đồng tình hiệp ý, trong nhà thuận thảo ấm no, hạnh phước của con người như vậy ngỡ cũng đủ rồi, chớ nào phải làm chức cho lớn, có bạc cho nhiều mới gọi là hạnh phúc hay sao. Tôi vẫn biết làm con mà trách cha mẹ thì quấy lắm, nhứt là cha mẹ đã quá vãng rồi, mình càng phải kính trọng hơn nữa mới đúng đạo làm con. Nhưng mà tôi với anh thương yêu nhau cũng như ruột thịt, vậy nếu tôi tỏ hết việc nhà của tôi cho anh biết, tôi tưởng cũng chẳng lỗi gì. Thiệt ba má tôi hồi còn sanh tiền chẳng có làm điều chi ác nghiệt, song ba tôi thì chỉ biết làm cho ra tiền mà thôi, chớ không cần chi nhơn nghĩa, còn má tôi thì không biết thương người nghèo khổ mà lại có tánh kiêu căng. Vì khinh bỉ nhà nghèo nên không chịu gả Thanh Kiều cho anh, mà cũng vì hám lợi hiếu danh nên ra tranh cử Hội đồng, đến nỗi nát nhà vong mạng đó. Phận tôi làm con hễ tôi thấy chỗ không phải tôi can gián thì cứ chê tôi là con nít, không chịu nghe lời, tôi biết làm sao bây giờ, bởi vậy tôi thương ba má tôi nhưng tôi không hiệp ý việc nào hết. Anh không rõ, chớ cô tôi, là bà Phủ Khánh Long đó, ngày trước vốn là một người đê tiện không biết sao mà nói được. Chừng quan Phủ cưới cô rồi, thiên hạ họ thấy tiền nhiều chức lớn họ quên hết các điều tồi tệ cũ nên theo bợ đỡ kính nhường, chớ có phải là người xứng đáng chi đâu. Cô là gái hư, được làm bà lớn cô không biết ăn năn, lại còn làm điều gian ác, thuốc hai đứa con của quan Phủ chết rồi thuốc luôn quan Phủ nữa mà cướp hơn phân nửa gia tài. Má tôi hiểu rõ việc ấy lắm, mà không gớm đồng bạc dơ dáy, nên theo về Chợ Lớn mà ở, mong lòng hưởng sự nghiệp phi nghĩa. Ðã vậy mà khi về ở với cô tôi rồi, má tôi lại muốn dùng em tôi là Thanh Kiều làm mồi đặng câu cuộc phú quý, không kể chi là nhơ nhuốc, ban đầu quyết đem đưa nó làm vợ bé cho chệt mà ăn tiền, rủi nó bị trái trời rỗ mặt chệt chê, nên mới hụt, sau lại tính gả nó cho một ông già đáng cha nó đặng cướp của của ổng, cũng như cô tôi cướp của của quan Phủ Khánh Long hồi trước vậy; ổng chê nó nhỏ ổng không chịu, má tôi mới tính đem thân mà thế cho nó, may bị té xe hơi, cô tôi chết, má tôi thâu gia tài, được giàu có rồi, nên mới hoát việc ấy.

Hiếu Liêm nghe mấy việc sau đây thì lấy làm bất bình, nên châu mày hỏi rằng:

–       Bác gái tính gả cô Tư mấy chỗ đó mà cổ cũng chịu như vậy sao?

Bá Kỳ cười gằn đáp rằng:

–       Tôi không hiểu ý nó; mà tôi nghĩ thuở nay trong nhà tôi, ai cũng vậy, hễ mở miệng ra thì nói bạc tiền, tiền bạc, nó đã nhiễm cái thói đó, nên chắc nó nghe đâu có tiền thì nó chịu, chớ lạ gì. Chị Hai với anh Hai tôi còn tệ nhiều hơn nữa, anh em tôi không mấy người mà tôi nhớ tới thiệt tôi ngán ngầm. Má tôi mất rồi, hổm nay hai vợ chồng chị Hai tôi cứ theo đốc chia gia tài của cô tôi hoài. Tôi ghét quá, muốn giao hết cho chị với em tôi chia nhau mà ăn, tôi không thèm dự đến; song tôi nghĩ kẻ quấy có tiền nhiều chừng nào càng làm ác thêm chừng nấy chớ không ích gì, bởi vậy tôi mới mời Nô-te biên hết tài sản rồi chia đồng làm ba phần. Tôi nhớ lúc tôi mới về, má tôi khoe gia tài với tôi thì má tôi nói bạc mặt có trong tủ tới bảy mươi ngàn đồng; mà hôm trước tôi giao chìa khóa cho chị tôi giữ rồi, chừng Nô-te vô mở tủ đếm bạc mà chia thì còn có bốn mươi lăm ngàn thôi. Anh nghĩ đó mà coi thì đủ biết bụng hai vợ chồng chị tôi tham lam gian lận là dường nào.

Hiếu Liêm trề môi mà nói rằng:

–       Tại anh tin bụng chị Hai nên anh giao chìa khóa, bây giờ anh trách làm chi.

–       Không, tôi nói cho anh biết đó thôi, chớ không phải tôi trách; mà cũng không phải tôi tin bụng, ấy là tại ý tôi không muốn ăn gia tài bất nghĩa đó, nên tôi không thèm gìn giữ chớ.

–       Nếu anh không muốn ăn thì chia làm chi?

–       Không ăn mà phải chia. Chia đặng dùng bạc phi nghĩa mà làm việc hữu ích, chớ để cho kẻ phi nghĩa ăn hết sao. Nô-te chia bạc mỗi phần mười lăm ngàn, còn ruộng với nhà hễ ai lấy cái nhà thì lãnh hai mươi mẫu ruộng, còn hai người kia mỗi người lãnh bốn mươi mẫu. Chị tôi bắt phần cái nhà với hai mươi mẫu ruộng, còn tôi với em tôi mỗi người bốn mươi mẫu. Phần bạc của tôi thì tôi giao cho Nô-te giữ; tôi lại dặn bán luôn giùm bốn mươi mẫu ruộng rồi nhập với bạc ấy mà giao hết cho Khuyến học hội, song phải lập tờ buộc Khuyến học hội mỗi năm phải lựa trong đám con nhà nghèo đứa nào tánh siêng trí sáng thì cấp học bổng cho hai đứa đặng có thể qua Tây mà học cho thành tài. Tôi lại buộc Hội phải mua một cái máy in để dịch truyện sách Tây qua quốc âm đặng phổ thông tân học cho dân chúng. Nô-te bán ruộng và lập tờ xong hết, nên hồi hôm qua tôi với ông Hội trưởng Khuyến học hội đã ký tên giao lãnh tiền bạc xong rồi.

Hiếu Liêm nghe nói vùng đứng dậy nắm tay Bá Kỳ mà khen rằng:

–       Anh thiệt là một người chơn chánh quân tử nên mới làm được như vậy, anh đáng cho tôi kính trọng lắm. Tuy sách xưa có câu rằng: “Vật phi nghĩa bất thủ” song từ xưa đến nay chưa nghe, chưa thấy ai làm, nay mới thấy anh làm đây mà thôi.

Bá Kỳ cười và đáp rằng:

–       Nếu tôi lãnh gia tài của cô tôi rồi tôi giữ gìn mà ăn, thì người phải ai thèm kết bạn với tôi. Vậy chớ anh quên câu: “Nhơn phi nghĩa bất giao” hay sao?

    Bá Kỳ làm phải thì lương tâm khoái lạc, nên hớn hở vui cười, còn Hiếu Liêm nghe nói như vậy, tưởng Bá Kỳ chê Thanh Kiều lãnh gia tài là gái phi nghĩa, nên tỏ ý khuyên mình đừng thèm lưu tâm đến cô làm chi, bởi vậy anh ta đứng cúi đầu mà suy nghĩ, không nói chi nữa hết.

    Lúc ấy có một người Chà-và đi phát thơ, Hiếu Liêm tiếp lấy, dòm ngoài bao thấy đề tên Bá Kỳ thì lật đật trao lại cho bạn.

    Bá Kỳ đương luận việc đời phải quấy, trong trí chộn rộn, bởi vậy Hiếu Liêm đưa phong thơ thì lấy rồi bỏ túi, chớ không xé mà coi thơ của ai và thơ nói việc gì.

    Cao Thị đi chợ về, thấy hai anh em vẫn còn ngồi ngoài cửa mới nói rằng:

–       Ði chợ thấy xá lỵ bán ngon quá nên mua vài cân về cho bây ăn chơi. Ði vô đây ăn, bây ăn đặng tao ăn với.

    Hai anh em đứng dậy rồi xách ghế vô nhà

 


[1] luôn luôn có nhiều


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.