Tại tôi

Chương 13



Sớm mai chúa nhựt, Tự Cường đi nghễu nghến ngoài sân, lúc đứng ngó thấy trái mít treo lểnh nghểnh trên nhành, khi cầm coi mấy bông hường đượm đâm trắng tươi trong chậu. Đi vòng lại cửa ông kêu con hỏi: “Con a, con rửa mặt rồi chưa”.

Trong buồng có tiếng đáp: “Rồi, rồi… ba vô đi, con sẽ ra liền bây giờ”.

Tự Cường thủng thẳng vô nhà, rồi lại bàn ăn ngồi. Ông túm miệng hút gió, chống hai cánh tay trên bàn, rồi gõ mười ngón tay trên mặt bàn nhịp lộp cộp.

Thanh Nguyên trong buồng bước ra, bộ gọn gàng, mặt tươi, miệng chúm chím cười. Cô đi riết lại vịn hai tay lên vai của ông Tự Cường, nghẻo đầu nghiêng mặt gần mặt cha và hỏi: “Ba chờ con dữ lắm hả?”

Tự Cường cũng cứ gõ tay trên bàn, mặt hớn hở đáp:

– Ba ngủ tới năm giờ thì đã rồi, nên dậy đi vòng ngoài sân cho khoẻ. Đêm nay con ngủ ngon hay không?

– Con ngủ ngon lắm. Ờ, mà con ngủ ngon không hiểu tại sao con lại nằm chiêm bao mới kỳ.

– Con thấy ngộ lắm, để rồi con thuật cho ba nghe.

Thanh Nguyên đi vòng theo cái bàn qua phía bên kia và ngồi ngang mặt cha. Cô bưng dĩa trứng gà luộc đưa cho cha, rồi lật hai cái tách ra rót cà phê. Tự Cường lấy trứng gà đập và húp, Thanh Nguyên cũng làm như cha. Mỗi người ăn hết hai hột gà rồi Tự Cường mới lấy ổ bánh mì bẻ hai đoạn chia con phân nửa. Ông vừa cắn bánh mì vừa hỏi:

– Con nói con nằm chiêm bao sao đó? Nói lại nghe chơi.

– Để con nhớ lại coi.. À, à, con thấy con đi chơi, đi chỗ gì không biết, tứ phía đều ruộng coi buồn hết sức. Con trở về, con gặp một bà già giống hệt bà ngoại của anh Hữu Nhơn hôm trước đó. Bà dang tay chận con lại, bà hỏi con đi đâu. Con nói con đi chơi. Bà cười bà biểu con đi chơi với bà, con không chịu. Bà muốn nắm tay con. Con xô bà rồi con đi. Đi được ít bước, con hỏi bà muốn thể nào, bà cứ ngồi khóc hoài.. không chịu nói gì cả. Con tức mình bỏ đi. Bà bèn đứng dậy nắm tay con kéo ngồi xuống. Con giật tay lại, sau dáng chừng sức con mạnh làm bà mất thăng bằng ngã văng vào gốc cây cổ thụ cạnh đấy. Con vội ngoái cổ lại, kêu thét lên… rồi con giựt mình thức giấc. Nằm chiêm bao thấy có bao nhiêu đó.

Tự Cường chăm chỉ nghe, chừng con nói dứt rồi ông cười nói:

– Giấc mộng vỡ tan chỗ đó uổng quá.

– Sao mà uổng ba?

– Chớ chi con chiêm bao thêm nữa đặng biết coi con sau đấy chịu ngồi cạnh bà để hoặc nghe bà nói chuyện hoặc xem bà muốn gì hay không.

Thanh Nguyên suy nghĩ một chút rồi đáp:

– Con nhớ không được… Hôm trước ba nói bà ngoại của anh Hữu Nhơn đó là bà nội của con phải không ba?

– Ừ, bà đó là bà Cả Kim. Theo tờ di ngôn của cha con thì bà đó là bà nội con.

– Bà già bộ coi thiệt thà, nhưng sao hồi trước bà ở gắt gao với cha mẹ con quá ba há?

– Mấy bà già xưa bà nào cũng vậy, chớ có phải một mình bà già đó hay sao con.

– Con ghê quá… À, bữa hổm bà nói để bà về ít bữa rồi bà trở lên hôn ba? Trở lên mà làm chi nữa.

– Có lẽ trở lên đặng nhìn con là cháu nội.

Thanh Nguyên đứng dậy gọn gàng, chấp tay xá xá nói: “Cám ơn! Sao hồi cha con gần chết, cha con viết thơ, không thèm lên đem con về nuôi, đợi bây giờ con lớn rồi lại nhìn?” Cô nói dứt lời liền bưng tách cà phê lên uống. Tự Cường chúm chím cười rồi ông lấy muỗng khuấy tách cà phê của ông. Lúc ấy có một cái xe hơi ngừng ngoài cửa ngõ. Cha con Tự Cường ngó ra thấy một bà già với một ông già thủng thỉnh đi vô sân.

Thanh Nguyên đứng ngó trân trân rồi nói: “Ý, bà già bữa hổm lên nữa kìa, ba!”

Tự Cường gật đầu, song ông cứ ngồi khuấy cà phê chậm rãi từ hớp dường như không muốn để ý đến khách.

Bà Cả Kim với ông cai tổng Quyền bước vô cửa rồi đứng lại đó ngó. Chừng ấy Tự Cường mới chịu đứng dậy bước ra chào và mời vô phòng khách, còn Thanh Nguyên, cô cứ đứng tại bàn ăn và cúi đầu chào, chớ không chịu lại gần.

Ông Cai tổng Quyền vừa ngồi, ông liền ngó Tự Cường và cười và hỏi:

– Ông giáo sư nhớ tôi không?

– Xin lỗi ông, tôi không nhớ.

– Tôi là Cai tổng Quyền ở quận Ô Môn, cậu của Như Thạch. Năm Như Thạch mất, tôi có lên tôi kiếm ông tôi hỏi thăm công chuyện đó.

– Lâu quá tôi quên.

– Con của Như Thạch là cháu đó phải hôn?

– Phải.

– Xin ông kêu nó lại đây đặng cho tôi thấy nó cho rõ ràng một chút. Ông giấu ông nuôi, ông báo hại tôi kiếm nó từ hồi đó đến giờ dữ quá.

– Xin ông tha lỗi. Tôi giấu là vì tôi vâng theo lời trối của bằng hữu tôi, chớ không phải tôi muôn gạt ông.

– Thôi ông kêu nó lại coi, chị Cả tôi về nói chuyện lại, tôi hay mừng quá, nên tôi lên đây.

Tự Cường bèn bảo cô Thanh Nguyên lại

Thanh Nguyên ở bên phòng ăn đi qua bộ tự nhiên không ái ngại, miệng chúm chím cười.

Ông cai tổng ngồi nhìn cô trân trân.

Chừng cô lại gần bên Tự Cường, bà Cả đứng dậy bước tới và đưa hai tay ra tính ôm cô, Thanh Nguyên liền đưa hai tay đỡ bà và sụt lui mấy bước.

Bà thất vọng nên đứng ngó sững Thanh Nguyên, ứa nước mắt và nói: “Bà nội đây con. Lại đây cho bà nội biểu một chút… Đừng có sợ”.

Thanh Nguyên nhích miệng cười bầy hai hàm răng nhỏ rứt khít rịt, lại trắng trong. Cô gục gật đầu nói:

“Ạ ! Bà nói bà là bà nội… bà nội là cái gì? Tôi không biết”.

Bà Cả chắc lưỡi lắc đầu, trở lại ghế ngồi, lấy khăn đậy mặt và khóc. Ông cai tổng với ông Tự Cường châu mày nhìn nhau, không mở miệng nói một tiếng chi được. Còn Thanh Nguyên trở lại đứng sau lưng Tự Cường tay vịn ghế, mắt ngó bà Cả, miệng chúm chím cười hoài.

Bà Cả khóc tức tửi và nói: “Cũng tại tôi nên bây giờ cháu nội tôi nó gặp tôi mà nó coi tôi cũng như người dưng. Trời phật phạt tôi nặng lắm… Con trai thì giận lẫy đến huỷ mình! Con gái thì nó bợ đỡ mà bợ đỡ đặng giựt sự sản! Bây giờ còn có một chút cháu nội mà nó không biết thương ! Thôi, sống nữa có vui sướng gì mà sống

Ông Cai tổng nghe mấy lời than ấy thì động lòng nên ngó Thanh Nguyên nói:

– Con nghe bà nội con nói hay không? Con bước lại đứng một bên bà nội đặng bà nội vui lòng đi con.

– Tôi đã nói tôi không biết bà nội là cái gì, bà muốn nói việc chi cứ nói đi, cần gì tôi lại gần.

– Con đừng có làm như vậy không nên. Con là ruột thịt của bà nội con, bà nội con thương con lắm, sao con không biết thương lại?

– Hứ! Sự thương yêu thuộc về tình, chớ không phải thuộc về lý. Phải gần gũi nhau, phải giúp đỡ nhau, lâu ngày sanh mối cảm tình rồi mới thương nhau, chớ không quen biết nhau, chớ viện lẽ bà sao có cảm tình để thương được.

– Từ ngày bà nội con hay cha mẹ con chết hết bỏ con bơ vơ, bà nội con thương con lung lắm, tìm kiếm luôn luôn nhưng tìm không ra mối, nay mới gặp con đây. Nếu không thương thì kiếm làm chi.

– Không chắc! Nếu thương tôi sao lúc cha tôi gần chết cha tôi gởi thơ lại làm thinh không lên đem tôi về nuôi? Tôi nói có bằng cớ. Để tôi lấy tờ di ngôn của cha tôi rồi tôi đọc cái khoản ấy cho mà nghe.

Thanh Nguyên liền đi vô phòng lấy hết giấy tờ của cha để lại, đem để trên bàn rồi lấy tờ di ngôn ra đọc một khúc như vậy:

“Trong mấy tháng nay cha chỉ đợi ngày chết mà thôi, chớ không thèm lo tính việc chi hết. Ngặt vì cha chết rồi thân con ra thế nào, ấy là một câu hỏi mấy bữa rày cha cứ hỏi trong trí hoài. Cha nhớ tới chỗ đó cha lo, nên hôm nọ cha có gởi thơ về cho bà nội con hay đặng như bà nội con chịu nhìn nhận con là máu thịt của cha, là nhành lá của giòng họ Lý, thì lên đem con về mà nuôi thế cho cha. Đã muời ngày rồi cha không được tin tức chi hết. Chắc là bà nội con đành bỏ đứt, không chịu nhìn nhận con”.

Thanh Nguyên đọc rồi cô cười: “Đó rõ ràng chưa? Còn cái gì nữa? Tôi phải tin lời của cha tôi để lại chớ”.

Ông cai tổng Quyền chưng hửng, ông ngó Tự Cường và hỏi:

– Cháu tôi nó chết có để lại di ngôn hay sao?

– Có, ảnh giao tờ di ngôn đó cho tôi với tờ hôn thú khai sanh đủ hết.

– Vậy sao hồi đó ông không nói cho tôi biết chớ.

– Nói làm chi? Anh Như Thạch giao cho tôi, ảnh dặn tôi cất chừng Thanh Nguyên đúng 18 tuổi nên tôi mới giao lại cho nó đó.

– Cho phép tôi coi một chút được hôn?

– Được. Bây giờ cần gì phải giấu nữa.

Ông Cai Tổng Quyền với tay lấy tờ di ngôn với tờ hôn thú, Thanh Nguyên kéo ghế ngồi một bên Tự Cường. Bà Cả cứ khóc hoài. Cai tổng Quyền day qua nói với chị: “Thôi chị đừng khóc nữa, để tôi đọc di ngôn của cháu Thạch cho chị nghe”.

Ông nói rồi ông bắt đầu đọc lớn, đọc chừng nào bà Cả càng khóc chừng nấy. Ông đọc rồi ông cũng cảm động nên rưng rưng nước mắt, ông nói với Thanh Nguyên: “Lời con trách bà nội con hồi nãy đó quá đáng một chút. Để ông cắt nghĩa chuyện ấy cho con hiểu. Thiệt trước khi cha con chết, nó có gởi thơ về cho bà nội con, bị cô con lấy giấu thơ nên bà nội con với ông không hay biết chi hết. Đến chừng ông đọc nhựt trình ông hay tin cha con chết, ông mới lên Sài Gòn hỏi thăm ông giáo sư đây, ông mới hay có cái thơ đó. Ông trở về rầy quá, cô hai con mới chịu đưa thơ ra. Bà nội con và ông tức giận hết sức chớ có phải được cái thơ mà nỡ bỏ cha con chết, không thèm lên và định bỏ đứt con không nhìn nhận con đâu.

Việc ấy tại mụ cô của con độc ác chớ không phải tại bà nội con đâu. Cái thơ ấy ông có giữ đây”.

Cai tổng Quyền bèn móc túi lấy thơ ra đưa cho Thanh Nguyên.

Thanh Nguyên tiếp thơ đọc rồi hỏi:

– Trong tờ di ngôn của cha tôi có nói tôi có một người cô tên là Lý Thị Phụng, phải người đó hay không?

– Phải, mẹ của Hữu Nhơn đó?

– À! Người đi với anh Hữu Nhơn lên đây bữa hổm đó à?

– Phải.

– Anh Hữu Nhơn có một bà mẹ đích đáng dữ! Người như vậy lại muốn làm mẹ chồng tôi chớ!

– Mẹ chồng sao được. Con với thằng Nhơn là anh em cô cậu mà.

– Không, nói chuyện mà nghe, chớ tôi đã có nói dứt rồi, tôi có ưng đâu.

– Thôi, bây giờ con đã hiểu rõ công việc ấy rồi con hết phiền bà nội con nữa, vậy con bước lại mà hun bà nội con đi, cho bà nội con vui lòng.

Thanh Nguyên đứng ngó bà Cả trân trân một hồi rồi thủng thẳng đi lại một bên lấy khăn mouchoir lau nước mắt cho bà. Bà đưa hai tay ôm ngang cô và kéo vào lòng vừa mừng vừa cảm nên nước mắt tuôn ra nữa. Cô cười và để cho bà tỏ ý thương yêu dan díu. Bà thò tay vào túi lấy ra một sấp giấy săn đưa cho cô và nói: “Nội cho con một ngàn đồng bạc đây. Con lấy đặng may áo quần mà bận. Chừng hết nội sẽ đưa nữa”.

Thanh Nguyên thụt tay và bước dang ra. “Không. Tôi không cần tiền. Chớ chi tiền nầy hồi trước bà đưa cho cha mẹ tôi uống thuốc thì có lẽ khỏi chết”

Bà cả lắc đầu và khóc nữa.

Ông cai tổng quản nói:

– Bà nội con đã ăn năn việc xưa lung lắm. Con chẳng nên nói như vậy kẻo bà nội con buồn. Con phải làm cho bà nội con vui để lo việc xảy tới. Trước khi đi lên đây bà con có bàn tính với ông để sắp đặt việc nhà rồi sẽ tính với ông giáo sư đặng rước con về dưới cho bà cháu sum họp.

– Ý! Được đâu. Tôi ở với ba tôi. Tôi không chịu về đâu hết.

– Bà nội con già lắm rồi, con phải về dưới đặng bà cháu hủ hỉ với nhau chớ.

– Chẳng bao giờ con chịu.

– Sao vậy? Trong tờ di ngôn cha con chỉ cội rễ là cố ý cho con nhìn thân tộc đặng hưởng gia tài. Con phải vưng lời cha chứ.

– Thân tộc… thân tộc… nhìn thân tộc đặng đút cổ vào cái vòng chế độ gia đình như cha tôi hồi trước vậy hả? Cám ơn. Tôi không dám mà cha tôi tuy nói cho tôi biết cội rễ, song có ép tôi phải nhìn thân tộc phải lãnh gia tài đâu. Tôi nhứt định không thèm cái nào hết.

– Con đừng có nói dại như vậy. Con phải về đặng hưởng phần gia tài của cha con chớ, có lẽ nào con bỏ cho mụ cô của con nó hưởng hết hay sao?

– Không, tôi không hưởng. Như không muốn cho cô tôi hưởng thì kêu nhà nghèo phân phát cho họ đi, họ nghèo họ cần dùng, chớ tôi có cần dùng tài sản làm chi.

Nói dứt, Thanh Nguyên liền tom góp giấy tờ của cha để lại và bỏ vào bao cầm đi vô buồng.

Cai tổng Quyền day nói với chị: “Tuy nó nói như vậy chớ có lẽ nào nó không chịu về hưởng gia tài. Chị về sắp đặt việc nhà như chị tính với tôi bữa hôm đó đi. Còn việc rước nó về để tôi lo lãnh cho”. Bà Cả nói với Tự Cường.

– Ông giáo sư nuôi cháu tôi từ hồi nhỏ cho tới bây giờ, ơn nghĩa nhiều quá, chẳng bao giờ tôi dám quên.

– Thưa bà, việc ấy không đáng gọi là ơn, bởi vì tôi nuôi Thanh Nguyên tôi đã được hưởng cái thú vui riêng nhiều lắm.

– Ông nuôi nó ông phải tốn hao cực nhọc chớ vui giống gì.

– Thưa không. Tôi được vui nhiều lắm chớ. Tôi làm cho người bạn thiết của tôi được an lòng lúc hấp hối gần tắt hơi ấy là một sự vui. Còn tôi là một đứa vô gia đình nên không có vợ con, nhờ có Thanh Nguyên tôi mới ung đúc ra cho xã hội một người chí cao thượng, lòng trong sạch đó là một sự vui nữa.

– Dầu thế nào ông cũng làm ơn cho tôi nhiều lắm. làm ơn thì làm cho trót. Xin ông cắt nghĩa giùm cho cháu tôi biết thương tôi đặng nó về ở với tôi, ông làm như vậy thì ơn của ông càng thêm nặng.

– Xin lỗi bà, bà dạy việc ấy tôi không thể vâng được. Thuở nay tôi dưỡng nuôi dạy dỗ con Thanh Nguyên, tôi để trí nó tự do, chẳng bao giờ tôi chịu ráng ép kềm chế nó. Bây giờ nó chịu về với bà hay là không chịu thì tự ý nó, tôi không thể nói vô được.

– Nếu ông nói phân hai như vậy, tôi sợ nó không chịu về hưởng phần gia tài của cha nó.

– Nó không chịu thì thôi. Hồi nãy đọc tờ di ngôn bà có nghe chớ. Rất đỗi là cha phần xác của nó kia mà còn không chịu xúi nó nhìn nhận thân tộc đặng lãnh gia tài thay. Tôi là cha nuôi, có lẽ nào tôi xúi nó trong việc ấy cho được.

Cai tổng Quyền nói: “Mình tìm được cháu rồi thì thôi, còn việc rước nó về, để thủng thẳng rồi tính không gấp gì. Chị cần phải đuổi vợ chồng con Phụng ra khỏi nhà đi đã rồi sẽ nói chuyện rước cháu nội”.

Bà Cả đáp: “Để về rồi tôi sẽ tính liền”. Cai tổng Quyền nói với Tự Cường: “Tôi giúp việc nhà cho nhà nước nên bỏ phần tổng đi lâu không tiện. Xin ông cho tôi từ giã đặng dắt chị Cả tôi vô thăm mồ mả vợ chồng Như Thạch một chút rồi về cho sớm. Ông làm ơn kêu cháu ra đặng bà nội nó nói với nó mà về.

Tự Cường kêu Thanh Nguyên nên cô ra. Bà Cả đứng dậy từ giã Tự Cường rồi day qua nói với cháu: “Thôi, con ở lại đây, để nội về sắp đặt việc nhà ít ngày rồi nội sẽ trở lên nội rước!”.

Thanh Nguyên lắc đầu và chúm chím cười.

Cai tổng Quyền cũng từ giã ra về, chừng đi tới cửa ông đứng lại nói nhỏ với Thanh Nguyên: “Để ông làm cho rành rẽ, rồi con sẽ đặng ở nhà thờ. Ông sẽ hết lòng lo bao thủ quyền lợi cho con. Ông không để cho đồ khốn nạn nó xâm phạm được đâu mà lo”.

Thanh Nguyên lắc đầu cười chớ không nói chi hết.

Ông Cai tổng Quyền với bà cả Kim vô ngã năm thăm mồ mả vợ chồng Như Thạch rồi về liền. Xe về tới nhà vừa ngừng ngoài cửa thì có người ở trong nhà bà Cả chạy ra nói rằng: “Thưa bà, cô Hai và dượng Hai chở cậu Nhơn đi lên nhà thương Biên Hoà rồi, hồi khuya”.

Bà Cả với Cai tổng đều chưng hửng.

Ông cai Tổng xuống xe đi theo chị vô nhà. Ông hỏi tại sao lại chở Hữu Nhơn lên nhà thương Biên Hòa. Người ở đáp: “Hôm qua bà đi rồi kế chiều dượng Hai mướn xe hơi đi xuống Cần Thơ rước thầy thuốc Tây. Ông thầy thuốc Tây nói cậu Nhơn bị chứng bịnh điên, bị nặng lắm, nên phải chở lên nhà thương Biên Hoà mới được. Tại vậy đó nên hồi khuya nầy cô Hai với dượng Hai phải chở cậu Nhơn đi. Cậu lên xe mà cậu giãy giụa cậu rầy rà lung lắm, không biết đi dọc đường có êm không”.

Ông cai tổng Quyền lắc đầu rồi cười gằn: “Rõ ràng hễ làm dữ thì gặp dữ”.

Còn bà Cả Kim ngồi im lìm, mắt ngó sững ra ngoài sân một hồi lâu, bà thở một hơi thiệt dài mà nói: “Tại tôi hết thảy!”.

VĨNH HỘI, tháng 3 năm 1938

CHUNG


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.