Ông Cử

Chương 2



Một buổi chiều kia, cách ngày náo-nức trong quán chị Năm Tiền đó chừng năm-sáu bữa, có một cái xe-hơi ở phía dưới Cầu Kiệu chạy lên gần tới chợ Xả Tài, rồi ngừng ngay một dãy phố cũ dựa bên đường. Trên xe bước xuống một người An-nam, một người chừng 24, 25 tuổỉ, mình mặc một bộ đồ Tây trắng may kiểu thiệt kim-thời, cổ thắt nơ đen, đầu đội nón nỉ xám, và một người nữa tuổi lối 40, mặt rỗ hoa mè râu hàm trên lún-thún, mặc một cái áo bành-tô vàng bâu đứng với cái quần lãnh đen mới tinh, chân mang giày sú-đê trắng, đầu đội nón cũng trắng. Hai người tẽ hai ra, mỗi người đi dọc theo một mép đường mà hỏi thăm nhà ông Cai-Tổng cựu, tên là Ngô-Minh-Tâm.

Hai người ghé từ nhà mà hỏi, cái xe hơi thủng-thẳng đi theo sau, trên xe lại còn có một người Tây ngồi với tên sốp-phơ nữa.

Lúc ấy chánh là lúc mãn giờ làm việc nên thầy thợ đi về, ngoài đường thiên-hạ đông đầy, ai thấy xe hơi có người Tây ngồi, lại có hai người An-nam kiếm nhà Cai-Tổng Tâm nào đó, thì cũng tưởng là sở mặt-thám kiếm bắt người phạm tội. Hai người hỏi thăm trong nhà ngoài đường rất kỹ-lưỡng, song chẳng có một người biết cựu Cai-Tổng Ngô-Minh-Tâm nào mà chỉ.

Lên tới chợ Xã Tài xe hơi ngừng ngay chợ, rồi người Tây leo xuống hiệp với hai người An-nam mà hỏi thăm. Ba người dòm vô phía hông chợ thấy trong cái quán của chị Năm Tiền người ta đang ăn uống lăng-xăng bèn men vô đó mà hỏi.

Khi bước vô gặp Ba Sang đang ngồi ăn cơm tại cái bàn dựa cửa, người nhỏ mặc đồ tây trắng đó, bèn hỏi: „Nầy anh, người ta nói chắc có thầy Cai-Tổng cựu tên là Ngô-Minh-Tâm, ở lối chung-quanh chợ Xã Tài nầy đây, sao từ hồi chiều tới giờ tôi hỏi cùng hết, mà không ai biết. Nếu anh có biết, xin anh làm ơn chỉ giùm“.

Ba Sang thuở nay không có nghe cái tên người ta hỏi đó song cũng muốn déo-dắt chơi nên tính hỏi coi người gốc ở đâu, có chuyện gì nhưng anh ta vừa muốn hỏi, lại thấy có một người Tây với mốt người bận áo bành-tô vàng bước vô, trong lòng phát nghi nên lắc đầu rồi nói cụt ngủn: „không biết“.

Những người trong quán muốn hiểu coi chuyện gì nên áp lại đứng vây chung-quanh Ba Sang. Chị Năm Tiền hỏi người bận đồ Tây:

–         Thầy hỏi chuyện chi vậy thầy?

–         Tôi hỏi thăm nhà ông cựu Cai – Tổng Ngô-Minh-Tâm.

–         Ở đây có ông Tổng, ông Xã nào đâu. Nhỏ lớn tôi ở chợ nầy nhưng tôi không có nghe tên ấy.

–         Có mà, người ta nói chắc lắm. Ông Ngô-Minh-Tâm làm Cai-Tổng hồi trước kia, chớ bây giờ ổng nghèo, ổng vô ở đây không làm Cai-Tổng nữa.

–         Thầy kiếm người ấy chi vậy?

–         Quan Chưởng-Khế đây, ngài kiếm ổng đặng nói việc nhà của ổng cho ổng biết, rồi xin ký tên giấy tờ chớ không có chuyện chi lạ.

–         Chợ nầy dân lao-động ở, có ông Tổng Tâm nào đâu. Nếu có thì tôi biết liền.

Ba Sang suy nghĩ rồi hỏi:

–         Ông Cai-Tổng Tâm đó chừng bao nhiêu tuổi, gốc-gác ở đâu, hình dạng ra thế nào?

Người bận đồ Tây trắng day lại ngó người mặc áo bành-tô vàng và nói:

–         Ông ra sao đâu thầy biết thầy nói cho người ta hiểu, chớ tôi có biết ổng đâu.

Người mặc áo bành-tô vàng bước tới nói rằng:

–         Tôi với ông Cai-Tổng Tâm không gặp nhau cũng đã hơn 10 năm rồi, nên hình dạng tôi biết hồi trước đó chắc là bây giờ đổi khác nhiều. Ông vóc-vạc cao lớn, nước da trắng-trẻo, hồi trước ổng thường để râu mép chuốt ngạnh trê, tướng-mạo phương-phi, ăn nói nghiêm-chỉnh lắm. Ồng người gốc Mỹ-tho, chữ nghĩa giỏi, biết nói tiếng Tây, lại biết nghề võ nữa. Anh em có biết ở đây có người nào giống hình-dạng như vậy hay không? Người ta nói chắc ông ở gần chọ đây, làm thợ gì đó không biết.

Hai Cao đứng sau lưng Ba Sang, vùng cười lớn va hỏi rằng:

–         Làm thơ sơn phải hôn? Trời ơi! Anh nầy ảnh trạng hình coi giống ông Cử của mình quá.

Ba Sang day lại trợn mắt ngó Hai Cao. Chị Năm Tiền cũng vọt miệng mắng:

–         Thằng đó không biết gì hết, mà xem vô nói bậy hoài. Ông Cử gì mà kỳ vậy!

Hai Cao bị trợn, rồi còn bị mắng nữa hội-ý biết mình nói sai đề, bèn bước dang ra xa, kéo ghế mà ngồi. Ba Sang liếc chị Năm Tiền rồi nói với mấy người lạ đó rằng: „Theo hình dáng của ông Tổng Tâm mà hai thầy mới nói đó, thì tôi biết dường như phía dưới kia in là[1] có một người giống-giống một chút. Mà hai thầy kiếm ông Tổng Tâm có việc chi, hãy nói thiệt cho tôi nghe rồi tôi giúp tôi kiếm giùm cho, chớ nếu nói giấu thì tôi có biết sao đâu mà tôi kiếm“.

Người mặc áo tây trắng bước ra ngoài đứng nói chuyện với người Tây ít câu rồi trở vô nói với Ba Sang rằng: „Quan-Chưởng-Khế biểu tôi nói với anh đừng có nghi-ngại gì hết, chúng tôi không phải cò lính gì đâu mà sợ. Quan Chưởng-Khế đó, An-nam mình kêu là Nô-Te, anh biết hôn? Tôi đây là thông-ngôn của Ngài. Còn thầy đi với tôi đây là người hồi trước làm biện cho ông Tổng Tâm, dắt chúng tôi đi kiếm ổng đặng chỉ ổng cho chúng tôi biết mặt thôi. Số là ông Cai-Tổng Tâm hồi trước có vợ sanh được một người con gái, khi vợ chồng để bỏ nhau, Tòa giao con cho người vợ ông nuôi. Bây giờ con ông lớn khôn, chồng đi nói, song luật buộc phải có ông đứng gả mới được. Quan Nô-Te đi kiếm ông đặng nói chuyện đó với ông và xin ông ký tên giấy tờ đặng làm đám cưới, chớ không phải bắt buộc ông về chuyện gì. Xin anh em đừng ngại, biết ông ở đâu cứ chỉ ngay ra làm ơn giùm cho ông“.

Chị Năm Tiền nói: „Tưởng chuyện gì kìa, chớ chuyện đó thì kiếm có lẽ được mà“.

Ba Sang trợn mà ngó chị Năm Tiền, rồi nói với thầy thông-ngôn rằng: “Xin thầy bẩm lại với quan Chưởng-Khế tôi có quen một người hình-dạng giống ông Cai-Tổng Tâm đó lắm, ngặt vì

bữa nay người ấy đi khỏi. Vậy xin chiều mai, lối 6 giờ hoặc 6 giờ rưỡi, thầy với quan Chưởng-Khế trở lại đây, tôi sẽ kiếm người ấy dắt lại cho giáp mặt coi có phải hay không?”

Thầy thông-ngôn bước ra trả lời với quan Chưởng-Khế rồi trở vô nói rằng: “Quan Chưởng-Khế cám ơn anh tắm, và xin anh làm ơn kiếm giùm người ấy rồi chiều mai dắt lại quán nầy mà chờ ngài, đúng 6 giờ rưỡi sẽ có ngài lên không sai”. Thầy thông từ-giã rồi hiệp với người mặc áo vàng đi theo quan Chưởng-Khế ra xe hơi mà về.

Ba Sang kêu thằng Cu biểu rót cho một chén nước trà uống rồi đứng dậy muốn đi về.

Khách đi xa rồi, Ba Sang mới nói rằng: “Anh Hai Cao dại quá! Mình không biết chuyện gì, vụt hô “ông Cử” om-sòm, chúng bắt ổng, rồi làm sao?“.

Hai Cao nói: “Tụi nó nói hình dạng nghe giống ông Cử của mình quá, ta chẳng nói ông Cử”.

Ba Sang đáp: “Tôi với chị Năm cũng biết vậy song để gạn đi gạn lại coi đã chớ, nói bậy mang họa chớ chơi sao. Nó nói đám cưới đám hỏi gì đó, mà tôi cũng không dám tin. Tuy có ông Cử nằm đằng nhà, mà tôi còn nói với nó đặng nó về cho tôi hỏi lại ông Cử coi đã. Nếu chuyện nó nói hồi nãy mà thiệt có như vậy thì mai mình cho ông Cử ra cho nó nói chuyện. Còn như nó sắp mưu mà thộp ông Cử, thì mình kiếm thế giấu ông luôn cho yên. Ở đời mình phải cho khôn mới được chớ”.

Chị Năm Tiền cười va nói: “Thằng Ba mầy lanh thiệt. Tao khen mầy lắm. Thôi về nói chuyện cho ông Cử nghe coi phải họ kiếm ông đó có hại gì hay không?”

Chiều bữa nay ông Cử không ăn cơm tại quán chị Năm Tiền là vì có anh em trong sở rủ ông ăn dưới Sài-gòn rồi. Ông nằm trên võng đương đưa tòn-ten mà nghỉ lưng. Ba Sang ở đằng quán lơn-tơn về, vừa bước vô liền nói với ông Cử:

–         Có Nô-Te kiếm chú.

–         Nô-Te nào?  Kiếm làm chi?

–         Họ nói kiếm chú đặng ký tên giấy tờ mà gả con lấy chồng.

–         Họ nói làm sao mà cháu biết họ kiếm chú?

–         Họ hỏi thăm ông cựu Cai-Tổng Ngô-Minh-Tâm, gốc ở Mỹ-tho… Phải họ hỏi chú hay không?

Ông Cử nghe nói mấy lời, vùng ngồi dậy ngó Ba Sang trân-trân. Ba Sang cũng ngó ông, rồi anh ta gãi đầu, miệng chúm-chím cười, trong ý chắc đã trúng lồi, ông Cử nín một hồi rồi lại hỏi Ba Sang:

–         Họ hỏi tlăm cựu Cai-Tổng Ngô-Minh-Tâm ở Mỹ-tho, mà sao cháu biết họ hỏi chú?

–         Họ vẽ hình-trạng ông Tổng Tâm, cháu nghe sao giống hệt chú nên cháu đoán chắc là họ kiếm chú chớ gì.

Ông Cử lặng thính một hồi nữa rồi châu mày, sắc mặt coi lo-lắng lắm. Thình-lình ông vùng đứng dậy mà hỏi:

–         Nô-Te kiếm ông Cai-Tổng Tâm đó bây gờ ở đâu?

–         Ba Sang cười mà đáp rằng:

–         Về rồi…

Ông Cử trợn mắt hỏi lớn tiếng rằng:

–         Người ta kiếm sao không chịu chỉ lại đây, để cho người ta về đi ?

Ba Sang thấy ông Cử giận, anh ta cười nữa và nói rằng:

–         Mà cựu Cai-Tổng Ngô-Minh-Tâm đó phải là chú hay không? Chú trả lời đi, rồi cháu sẽ nói hết cho chú nghe.

Ông Cử xụ mặt, đứng suy-nghĩ một chút nữa rồi chậm-rãi đáp rằng:

–         Phải, Cai-Tổng Tâm là chú đây. Vì cháu đã biết rồi, nên chú phải nói thiệt, song chú xin cháu đừng có nói đi nói lại cho thiên-hạ biết làm chi nghé. Chẳng phải chú có tội lỗ gì nên sợ pháp-luật mà giấu tên giấu họ. Mấy năm nay chú không muốn cho thiên hạ biết chú là ai, ấy là vì cái thân của chú không đáng mang cáí tên đó nữa mà thôi. Lại nhắc tới cái tên đó như khêu việc buồn-rầu của chú ngày xưa ra, nên chú không muốn nghe kêu tới cái tên ấy nữa.

Ba Sang thấy ông Cử đau-đớn quá, anh ta hết cười lại ngồi trên ghế, mời ông Cử ngồi một bên, rồi nói rằng:

–         Ðể cháu thuật công chuyện cho chú nghe, chú đừng nóng. Họ hỏi chú mà cháu không chịu dắt họ về nhà là vì cháu không hiểu việc lành dữ lẽ nào, nên cháu dè-dặt, chớ không phải cháu có ý chi khác. Hồi nãy cháu đương ngồi trong quán chị Năm Tiền mà ăn cơm, cháu thấy có một ông Tây đi từ nhà hỏi thăm việc gì đó không biết. Một lát họ đi tới quán, họ bước vô thấy cháu ngồi phía ngoài, họ bèn hỏi cháu có biết nhà cựu Cai-Tổng Ngô-Minh-Tâm ở đâu thì làm ơn chỉ giùm cho họ. Thiệt ban đầu cháu không dè họ kiếm chú, nên cháu lắc đầu nói không biết. Chị Năm Tiền với anh em trong quán cũng trả lời như cháu vậy.  Họ quả-quyết nói nghe chắc ông Tổng Tâm ở gần chợ Xã Tài. Họ lại nói rõ hình-trạng của ông ra nữa. Hết thảy trong quán ai cũng nghi họ kiếm chú. Cháu cũng nghi lắm, song cháu không biết họ là ai, đi kiếm chú có việc gì nên cháu hỏi gạn lại họ, họ nói ông Tây đó là quan Nô-Te đi kiếm chú đặng ký tên giấy-tờ gì mà gả con lấy chồng gì đó không biết. Cháu không dám tin, cháu mới lập chước nói gạt họ rằng cháu có biết một người hình-dạng giống ông Tổng Tâm đó lắm, song bữa nay người ấy đi chơi. Cháu khuyện họ đợi chiều mai, lối 6 giờ rưỡi, trở lên quán chị Năm Tiền rồi cháu đắt người ấy lại cho giáp mặt coi có phải ông Tổng Tâm hay không. Họ chịu, và họ hứa chiều mai sẽ trở lên. Cháu làm như vậy là ý cháu dè-dặt, cháu muốn về bàn-tính lại với chú, nếu có vỉệc gì không tốt thì chú ẩn mặt luôn, còn như không có việc gì phải sợ thì chiều mai chú sẽ ra nói chuyện với họ, nghĩ chẳng muộn gì“.

Ông Cử gặc đầu nói rằng:

–         Cháu kỹ-lưỡng như vậy thì được lắm. Ở đời phải dè-dặt mới khỏi lầm người ta. Nhưng mà bình-sanh chú chẳng bao giờ có làm một việc gì trái với lương-tâm, hay là phạm đến pháp-luật, mà cháu phải lo sợ cho chú. Xưa nay chú không muốn thiên-hạ biết tên thiệt của chú là vì chú buồn việc nhà, chớ không phải chú sợ ai mà giấu tên. Thôi, để chiều mai chú lại quán chị Năm Tiền mà đón mấy người đó coi họ kiếm chú có việc gì. Mà chuyện chú tỏ thiệt với cháu nãy giờ đó, cháu phải kín miệng đừng có cho ai biết chú là cựu Cai-Tổng Tâm đa nghe hôn, nói cho họ biết chú thêm xấu-hổ chớ không ích gì.”

Ba Sang đáp:

–         Chuyện riêng của chú ai đi học cho thiên-hạ nghe làm chi mà chú phải dặn. Té ra chú có con hay sao chú?

–         Ừ.

–         Mấy Người ?

–         Có một đứa con gái thôi.

–         Sao hồi nào tới giờ không thấy tới lui thăm chú?

–         Chú có cho nó biết chú ở đâu mà thăm.

–         Vậy chớ hồi nào tới giờ nó ở với ai?

–         Ở với mẹ nó.

–         Thiếm còn hay sao?

–         Còn chớ. Mẹ nó có chồng khác ở đâu trong Chợ-lớn.

–         Con gái chú năm nay được bao lớn?

–         Lối chừng 19, 20 tuổi.

–         Nếu vậy thì mấy người kiếm chú đó họ nói thiệt rồi. Nè, có một anh bận áo bành-tô vàng, ảnh nói hồi trước ảnh làm biện cho chú.

–         Có thằng biện đi đó nữa sao?

–         Có … Chuyện khó hiểu quá! Làm Cai-Tổng, có vợ con, tại sao không ở nhà lại đi như vậy chú?

–         Tâm- sự của chú dài lắm, lại nhắc đến càng thêm buồn, nên chú không thể nói ra. Vậy để thủng-thẳng rồi cháu biết.

Ba Sang muốn biết mà ông Cử không chịu nói, bởi vậy anh ta đi bán buổi sớm mơi, rồi buổi chiều trẫn[2] ở nhà có ý đợi No-Te lên gặp ông Cử coi hai đàng nói chuyện gì với nhau.

Gần 6 giờ tối, ôg Cử đi làm về, thấy Ba Sang nằm chờ ở nhà. Ông tắm rửa, thay áo quần sạch-sẽ, rồi đi với Ba Sang lại trước chợ Xã Tài, đi lên đi xuống thơ-thẩn mà chờ Nô-Te. Cách chẳng bao lâu thiệt quả có một cái xe hơi ở phía Sài-gòn chạy lên ngừng ngay chợ. Ba Sang kêu ông Cử chỉ mà nói: „Cái xe hôm qua đó chú.”

Một ông Tây với hai người Víệt-Nam hôm qua đó leo xuống xe, mắt ngó chừng vô phía cái quán chị Năm Tiền. Ba Sang thôi-thúc ông Cử đi lại gần. Người mặc áo bành-tô vàng ngó tkấy ông Cử thì chỉ mà nói với hai người kia rồi xâm-xâm đi riết tới, lột nón cúi đầu mà chào khư vầy: “Bẩm Ngài, Ngài mạnh giỏi ?”

Ông Cử gặc đầu đáp lễ và hỏi: “Ủa! Em Biện! Em kiếm qua có chuyện gì ?”

Thiệt người nầy là Biện Hưỡn hồi trước làm Biện cho thầy Cai-Tổng Ngô-Minh-Tâm.

Biện Hưỡn nói: „Bà biểu tôi dắt ông Nô-Te đây đi kiếm Ngài đặng nói chuyện nhà với Ngài“. Ông Cử cúi đầu chào ông Nô-Te với thầy thông-ngôn. Hai người đáp lễ rồi thầy thông-ngôn mới hỏi: „Ông phải là cựu Cai-Tổng Ngô-Minh-Tâm hồi trước ở Mỹ-tho chăng?”

Ông Cử gặc đầu đáp: „Phải, tôi tên Ngô-Minh-Tâm”. Ba Sang xen vô nói: “Hôm qua thầy vẽ hình- trạng tôi biết muốn kiếm chú tôi đây chắc cứng như vậy. Nay tôi dắt ra đó…”

Thấy thông cười và nói: „Cám ơn anh lắm. Nhờ có anh, chớ không thì biết đâu mà kiếm. Ở  đây thiệt không ai biết tên ông Tổng hết“. Ông Cử nói: „ Phải Người ở chợ nầy họ kêu tôi là ông Cử, chớ họ không biết tên thiệt của tôi đâu“.

            Ông Nô-Te nói tiếng Tây với thầy thông-ngôn, rồi thầy thông-ngôn nói lại với ông Cử rằng: “Quan Nô-Te hỏi nhà ông ở đâu. Ngài muốn lại nhà ông đặng nói chuyện với ông, ông dắt về  nhà được hay không?“. Ông Cử nói được rồi mời hết về nhà, Ði dọc đường, ông hỏi Biện Huỡn rằng:

–         Sao em biết qua ở đây nên lên đây mà kiếm?

–         Thưa, hồi năm ngoái có người ở Mỹ-tho gặp ngài ở đây, về nói chuyện lại, tôi nhớ, nên mới lên đây mà kiếm.

–         Mấy năm nay em làm việc gì ở đâu?

–         Thưa, từ ngày ngài thôi làm việc, thì bà biểu tôi coi ruộng đất cho bà. Tôi ở dưới Mỹ-tho coi góp lúa ruộng, góp tiền vườn, lâu lâu lên đóng lại cho bà. Chuyến nầy tôi lên, bà biểu tôi ở lại đặng đi kiếm giùm ngài.

–         Nghe nói em đi kiếm qua đặng nói chuyện gả con Minh-Nguyệt lấy chồng phải hôn?

–         Thưa, phải.

–         Gả cho ai ở đâu?

–         Thưa, để về nhà rồi ông Nô-Te sẽ nói rõ công việc cho ngài hiểu

Ông Cử dắt khách về tới nhà thì đã tối rồi. Ba Sang lấy chìa khóa mở cửa rồi quẹt hộp quẹt mà đốt đèn. Khách dòm trong nhà thấy một căn phố lá chật hẹp, đất không lót gạch, phía trước chỉ để có một cái bàn bằng cây dầu với hai cái ghế đẩu và có giăng một cái võng mà thồi.

Lối xóm họ thấy có người lạ nhứt là có một ông Tây, tới nhà ông Cử, họ không hiểu chuyện gì nên xúm nhau đứng ngoài cửa mà coi. Ông Cử cậy Ba Sang ra biểu họ đi chơi để ông thong-thả mà nói chuyện riêng của ông. Ông mời ông Nô-Te ngồi đỡ trên một cái ghế đẩu, còn ông đứng một bên mà hỏi rằng: “Quan lớn kiếm tôi muốn nói chuyện chi, xin quan lớn cho tôi biết thử coi”.

Ông Nô-Te mở cập da ra, lấy giấy tờ để trên bàn, nói tiếng Tây với thầy thông-ngôn một hồi, rồi thầy thông cắt nghĩa lại như vầy: „Ông là Ngô-Minh-Tâm hồi trước ông làm bạn với bà Lý-Thị-Phượng. Vợ chồng cưới có hôn-thú bực nhứt, ăn ở với nhau có sanh được một người con gái đặt tên là Ngô-thị Minh-Nguyệt, có khai-sanh đủ phép. Khi người con gái ấy được 9, 10 tuổi, thì ông bà có việc chi bất-hòa với nhau đó không biết mà bà vào đơn tại Tòa xin phá hôn-thú. Tòa sơ Mỹ-tho lên án cho để bỏ, cái án có tại tay quan Chưởng-Khế làm đây. Theo cái án ấy thì Tòa cho để mà nói lỗi về phần ông nên Tòa định giao người con gái là cô Minh-Nguyệt cho bà nuôi. Ông nhớ lại coi chuyện nhà của ông có phải như lời tôi nói đó lay không ?” Ông Cử gặc đầu nói: “Phải, trúng lắm“. Thầy thông-ngôn lại nói tiếp : “Cô Minh-Nguyệt năm nay được 20 tuổi, cô học đã thi đậu Brevet Elémentaire rồi. Bây giờ có ông Thái-Duy-Càng là một vị học sinh ở bên Pháp mới về, ông nhập-tịch theo dân Lang-sa[3], ông có bằng-cấp Luật-khoa Tấn-sĩ, ông thấy cô Minh-Nguyệt ông phải lòng nên ông xin cưới. Cô Minh-Nguyệt đã ưng ông Thái-Duy-Càng mà bà thân của cô cũng chịu nữa. Có điều nầy làm khó một chút: ông Thái-Duy-Càng thuộc dân Lang-sa nên việc cưới xin gả rồi phải làm theo luật Lang-sa, Cô Minh-Nguyệt 20 tuổi, luật buộc cô phải lại tới Xã Tây lập tờ hôn-thú mới đuợc. Về phần bà thì đã ký tên rồi hết. Bây giờ còn phần ông nữa, hễ ông ký tên cho phép con lấy chồng thì xong việc, xin ông vui lòng ký tên vô, đặng cho con gái ông lấy chồng cho khỏi sái-luật“.

Thầy thông-ngôn nói dứt lời, bèn lấy một tờ giấy tín-chỉ, có chữ đánh máy một mặt mà đưa cho Ồng Cử, lại rút trong túi lấy cây viết ra mà đưa cho ông ký tên.

Ông Cử cầm tờ giấy đọc từ đầu chí cuối rồi nói rằng: „Xin thầy làm ơn thưa lại với quan Chưởng-Khế, tôi nghe con gái tôi có chồng thì tôi mừng lắm. Nhưng mà sự-nghiệp của tôi đã hư rồi, bây giờ cái tôi quí trọng chỉ còn có đứa con ấy mà thôi. Cái tờ nầy bề nào tôi cũng ký tên vào, song trước khi ký tên tôi muốn biết mặt chàng rể tôi mới ký được”.

Thầy thông-ngôn cười mà nói rằng: „Ông làm khó chi vây! Ông Thái-Duy-Càng là một đứng anh-tài của Việt-nam. Ông mồ-côi cha mẹ song ông có một cái gia-tài lớn ở Bạc-liêu, nghe nói mỗi năm số lúa ruộng tới năm bảy chục ngàn giạ. Xưa nay ông Hộỉ-đồng Quản-hạt Thái-Duy-Cư là chú của ông,  thủ-hộ cái gia-tài ấy lấy huê-lợi mà nuôi ông ăn học. Ông Hội-đồng Quản-hạt Thái-Duy-Cư cũng là một nhơn-vật giàu có ở Sai-Gòn, ai ai cũng đều nghe danh. Ông Thái-Duy-Càng đó học giỏi, lại giàu lớn, vô dân Lang-sa, lại nghe nói ít tháng nữa đây sẽ được Chánh-Phủ cấp bằng cho làm quan Tòa nữa. Ông được một người rể như vậy thì có phước quá, tại sao ông còn dục-dặc“.

Ống Cử lắc đầu đáp: “Thầy không hiểu ý của tôi. Con gái của tôi sanh ra, tôi không có công dưỡng nuôi dạy-dỗ nó. Nay nó lấy chồng, tôi có gan dạ nào mà ngăn trở. Nhưng mà nó là máu thịt của tôi, tôi đã có nói với thầy, chỗ quí trọng của tôi chỉ còn có bao nhiều đó mà thôi, cái nghĩa về sự sống của tôi cũng chỉ có lao nhiêu đó mà thôi. Nếu nó lấy chồng mà nó không cho tôi hay thì chẳng nói làm chi, chớ lấy chồng mà tôi phải cho phép, thì dầu tôi ngu dốt thế nào đi nữa tôi cũng phải biết chàng rể coi ra sao rồi tôi mới ký tên cho phép được chớ. Thiệt bây gìờ tôi làm một tên thợ sơn hèn-hạ, không có danh-giá gì nhưng mà theo ý riêng của tôi, cái hạnh-phúc của con người chẳng phải ở nơi gia-tài lớn, hay là bằng-cấp to đâu. Học giỏi, danh cao, giàu to, chức lớn mà thiếu tư-cách làm người phải, thì có quí gì đâu. Xin thầy thưa lại với quan Chưởng-Khế, tôi xin ngài tha-thứ cái lỗi tôi làm thất công ngài. Ngài làm ơn cho tôi gặp chàng rể đặng tôi coi người ra thế nào rồi tôi sẽ ký tên tờ nầy“.

Ông Cử trả lời lại cho thầy thông-ngôn, thầy thông-ngôn nói lại với quan Chưởng-Khế một hồi rồi thầy hỏi ông Cử rằng: “Quan Chưởng-Khế hỏi ông nếu muốn đòi một hai trăm đồng bạc đặng ký tên, thì xin ông nói ngay ra, ngài sẽ nói giùm lại với bà đặng bà cho mà ký tên cho rồi”.

Ông Cử nghe mấy lời, ông nổi giận đỏ mặt, nên ông đáp: “Xin thầy nói với ổng, ổng không được phép thấy tôi nghèo mà khinh-khi tôi như vậy. Tuy nhà tôi nghèo, nghề tôi hèn, song phẩm tôi cao, trí tôi sạch, chớ không phải tôi đê tiện như người ta vậy đâu. Nếu ổng còn dùng  cái giọng đó mà nói chuyện với tôi nữa, thì tôi phải ép mình mà mời ngài ra khỏi nhà tôi lập  tức, dẫu mích lòng thì tôi chịu, chớ không thể nào tôi nói chuyện với ổng nữa”.

Thầy thông-ngôn cắt-nghĩa lại cho ông Nô-Te nghe, ổng cười rồi đứng dậy, bỏ giẩy tờ vô cập và nói rằng: „Thôi, để tôi về tôi nói chuyện lại với bà Lý-Thị-Phương coi bà tính lẽ nào rồi sẽ hay“.

Ông Cử gặc đầu, đưa khách ra cửa.

 


[1] như là

[2] lẫn trốn

[3](France) Pháp


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.