Đóa hoa tàn

Chương 10



Đường từ Châu Đốc vô núi Sam chỉ có bốn năm ngàn thước. Cô Túy Nga ngồi trên xe hơi ngó hai bên thì thấy đồng ruộng minh mông, lúa trỗ chín nên vàng vàng, còn chỗ đương trỗ nên phơi màu xám xám. Trước mặt một vừng núi sừng sựng, tuy không cao không lớn, song đứng giữa đồng nên coi cũng có vẻ chớn chở[1] nguy nga.

Cảnh lạ lại gặp trời chiều, người nhàn du ai cũng phải vui lòng phới dạ, duy có cô Túy Nga mắc trông cho mau tới chỗ đặng giáp mặt Hải Đường, lại mắc lo không biết bịnh tình thế nào, nên thấy cảnh đẹp mà cô không biết vui chút nào hết.

Xe vô tới chơn núi rồi quanh qua phía tay trái, chạy vòng theo một con đường nhỏ mà lên núi. Cách ít trăm thước xe ngừng trước cửa một cái nhà nhỏ, tuy trời đã chạng vạng tối, song Túy Nga thấy cái nhà ấy trên lợp ngói đỏ dưới đóng vách ván.

Thím biện Yến chỉ cho Túy Nga mà nói rằng: “ Nó ở cái nhà nầy đây”.

Cô Túy Nga theo thím biện Yến mà bước xuống xe, trong lòng bâng khuâng, nên không nói chi hết.

Ông Bác sĩ xâm xâm đi vô nhà, hai người đàn bà nối gót theo sau. Nhờ có cây đèn tạ đăng đốt để trên bàn ở giữa nhà, nên trong nhà coi sáng sủa. Một đứa trai chừng mười bốn mười lăm tuổi chạy ra sân. Ông Bác sĩ hỏi nó rằng:

–         Bà cụ đi từ hồi trưa đến giờ, ông mầy ở nhà có nhắc hay không?

–         Thưa, có. Ông tôi cứ hỏi bà cụ về hay chưa.

Thím Biện Yến sai thằng nhỏ ra ngoài xe bưng đồ vô. Ông Bác sĩ vô nhà, ông để cái túi da trên bàn, rồi đi thẳng vô buồng.

Ông hỏi rằng: „Từ hồi trưa tới giờ con mắt có nhức nữa hay không?”

Có tiếng đáp nhỏ nhỏ rằng: „Không. Nhờ toa cho thuốc nhỏ mắt nên êm”.

Ông Bác sĩ nói nữa rằng: „Ờ, chịu thuốc rồi đa. Mỏa[2] về ngoải rồi có bịnh gấp họ rước, thím phải ở chờ, nên bây giờ mỏa mới đưa thím về được. Đâu toa[3] ra ngoài nầy ngồi cho khoảng khoát, sao nằm trong buồng hoài vậy?”

Cô Túy Nga đứng dựa cái bàn viết, cô thấy ông Bác sĩ Trị nắm tay Hải Đường mà dắt ra ngoài, Hải Đường bị băng bít hai con mắt, một tay níu ông Bác sĩ, một tay rờ rờ trên không, sợ đụng bàn ghế, thì cô cảm động, nên nước mắt nhiểu giọt.

Ông Bác sĩ để Hải Đường ngồi trên cái ghế phô tơi[4], rồi ông kéo một cái ghế khác mà ông ngồi một bên.

Thím biện Yến có mua bánh mì, sữa bò, cùng đồ hộp đặng để dành cho con dùng, nên nãy giờ thím mắc soạn đồ ấy. Chừng Hải Đường ngồi yên rồi, thím mới hỏi rằng:

–         Thằng Hai đã dọn cháo cho con ăn rồi hay chưa?

–         Thưa rồi. Con ăn hồi nãy.

–         Chiều nay con ăn được mấy chén?

–         Thưa, hai chén.

–         Để má biểu nó nấu nước nóng rồi khuấy sữa cho con uống.

Ông Bác sĩ Trị tiếp hỏi Hải Đường rằng:

–         Toa hết hồi hộp nữa phải không?

–         Thiệt hết.

–         Mỏa lo là lo trái tim, chớ con mắt mỏa ít lo. Nay trái tim mạch nhảy đều rồi thì hết lo. Tuy vậy mà mỏa cấm toa không được buồn, không được giận. Toa phải nghe lời mỏa đa. Bữa nay toa còn thèm rượu nữa hay không?

–         Cũng còn thèm lắm.

–         Mỏa xin toa cử tuyệt thứ đó, chớ nếu toa uống rượu, nó công con mắt, rồi mỏa trị sao được.

–         Không uống rượu thì buồn quá.

–         Mỏa hiểu. Bợm rượu mà cử rượu, phần thì không thấy đường, nên không đi đâu đuợc, làm sao mà khỏi buồn. Nầy, may quá toa. Hồi mỏa ăn cơm với thím, có ông đốc học Luật ổng dắt một đứa con gái lại nói mà cho ở với mỏa. Ổng nói con nhỏ mồ côi, nhà nghèo, học có bằng cấp sơ học, mà không có công việc làm, nên bữa đói bữa no. Ông gởi gấm nó ở cho mỏa đặng quét nhà lau tủ, mỗi tháng cho nó đôi ba đồng bạc cũng được, miễn nó có cơm ăn thì thôi. Mỏa sực nhớ đến toa. Toa đau, mà lại đau con mắt, không đi đâu, mà cũng không coi sách được, tự nhiên toa phải buồn, nên mỏa mướn nó giùm cho toa. Mỏa dắt nó vô đây, để nó ở đặng hễ toa có buồn thì biểu nó đọc truyện, đọc sách, hoặc đọc nhựt trình cho toa nghe, toa muốn gởi thơ thì đọc cho nó viết, bữa nào đi lấy thuốc, hoặc ra chợ mua đồ thì sai nó đi, chớ thím già cả, thím đi cực nhọc thím quá.

Ông Bác sĩ nói tới đây, ông ngó coi ý Hải Đường thể nào. Cô Túy Nga đứng đàng xa cô cũng ngó chàng trân trân.

Hải Đường lặng thinh một hồi rồi thủng thẳng đáp rằng:

–         Được vậy thì tốt lắm. Hổm nay mỏa muốn viết vài bức thơ mà không biết làm sao mà viết.

–         Ờ, có nó ở thì toa biểu nó viết rồi toa ký tên. Nó ở mỗi tháng cho nó đôi ba đồng bạc, không tốn hao gì lắm.

–         Được.

–         Hồi chiều mỏa nói chuyện thì thím cũng bằng lòng, nên mỏa dắt luôn nó vô đây.

–         Ủa, toa đã đem nó vô đây hay sao?

–         Ừ.

Thím biện Yến xen vô nói rằng: „Má nghe ông Bác sĩ ổng nói cũng phải, mà má thấy con nhỏ mồ côi bơ vơ cũng tội nghiệp, nên má chịu mướn để đỡ tay chơn cho má chút đỉnh. Ông Bác sĩ chở nó vô đó. Nó biết chữ, nó coi ve thuốc nào uống giờ nào cho dễ; cha chả, má dốt, hổm nay má cho con uống thuốc, thiệt má sợ lộn quá”.

Hải Đường ngồi im lìm một lát rồi nói rằng: „Nếu có nó vô rồi, đâu kêu nó lại gần đây cho tôi hỏi nó một chút coi”.

Thím biện ngoắt Túy Nga và nói: „Kiều à, buớc lại đây cho ông mày hỏi”.

Cô Túy Nga bỏ giày thủng thẳng bước lại đứng một bên Hải Đường và lấy khăn ra lau nước mắt.

Ông Bác sĩ nói: „Nó lại rồi đó. Toa hỏi việc chi thì hỏi đi”.

Hải Đường hỏi:

–         Em năm nay mấy tuổi?

–         Dạ, thưa hai mươi.

–         Cha mẹ chết hết, mà không có anh em gì hay sao?

–         Thưa, không.

–         Em học trường nào? Em biết đọc chữ Tây hay không?

–         Thưa, em học trường… Châu Đốc, em đọc chữ Tây được.

–         Hải Đường rùng mình, đưa hai tay run run, ngã ngửa trên ghế phô tơi và la lớn rằng: „Không thèm! Tôi không bằng lòng mướn người nầy. Đuổi nó đi, đuổi nó ra khỏi nhà cho mau. Đi, đi. Không chịu, không chịu”.

Ông Bác sĩ Trị lật đật đỡ Hải Đường và tiếp mà nói:” Thôi, đi ra, đi về đi, ổng không chịu mướn. Đi, đi”. Tuy ổng nói như vậy, mà ổng ra dấu biểu đứng đó. Thím biện cũng chạy lại ôm con mà nói: „Con làm giống gì vậy con? Sao con lại giận? Không chịu mướn thì thôi, rầy rà nó làm chi?”

Túy Nga đứng sửng sốt, nước mắt tuôn dầm dề.

Hải Đường nằm thở dốc. Ông Bác sĩ Trị mở túi da lấy ra một ve dầu nhãn rồi đưa gần lỗ mũi cho Hải Đường hửi.

Cách một hồi Hải Đường tỉnh lại, chống tay ngồi dậy.

Thím Biện nói rằng: „Con đau rồi con nóng nảy quá! Nguời ta nghèo nàn, người ta xin ở với mình đặng nhờ hột cơm. Mướn hay là không mướn thì thôi, con xô đuổi người ta như vậy, tội nghiệp người ta chớ. Ông Bác sĩ mới dặn đừng có giận, mà con giận liền như vậy rồi làm sao mau mạnh cho được”.

Ông Bác sĩ cũng nói tiếp rằng: „Toa nóng nảy quá! Có gì đâu mà giận dữ vậy”.

Hải Đường ngồi lặng thinh một hồi lâu rồi hỏi mẹ rằng:

–         Má biết người đó hay không?

–         Người nào?

–         Người xin ở đó.

–         Ờ! Thuở nay ai mà biết nó hồi nào.

–         Thiệt như vậy hay sao?

–         Sao lại không thiệt! Hồi chiều má đương ăn cơm với ông Bác sĩ. Ông đốc học dắt nó lại gởi gấm xin mướn giùm nó, má mới thấy nó đó chớ.

–         Người đó bao lớn tuổi?

–         Lối mười chín hai mươi gì đó không biết.

Hải Đường ngồi im lìm một hồi nữa rồi chậm rãi nói rằng: „Tiếng nói của người đó sao giống tiếng cô Túy Nga quá. Tôi nghe cái giọng nói đó tôi chịu không được nên tôi mới nổi giận chớ. Té ra không phải cô Túy Nga hay sao?”

Ông Bác sĩ ngó thím biện rồi ngó Túy Nga mà cười. Ông đáp rằng:

–         Túy Nga nào đâu? Con Kiều ở ngoài chợ Châu Đốc mà; học trò cũ của ông đốc học Luật đa.

–         Vậy hay sao?

–         Chớ sao.

–         Cha chả! Nếu thiệt cô Túy Nga lên đây, chắc mỏa chết được.

–         Cái gì mà chết?

–         Toa không hiểu hay sao? Cô đã khinh khi mỏa; bây giờ mỏa bịnh hoạn, mà cô tới đây ngạo mỏa nữa, thì mỏa chịu sao nổi.

–         Có cái gì mà ngạo toa đâu. Ví như cô Túy Nga hay toa đau, cô Túy Nga đến thăm toa, chớ sao mà ngạo?

–         Mỏa không màng cái tình đó. Nếu ngày nay cô ấy tới đây, ấy là cô ấy tội nghiệp thân mỏa, chớ không phải cô thương yêu mỏa.

–         Nếu biết tội nghiệp thì phải có thương rồi mới tội nghiệp chớ.

–         Hứ! Tội nghiệp với thương khác nhau. Toa đi đường toa thấy có một người bịnh họ té nhủi. Toa lật đật chạy lại đỡ họ, ấy là toa tội nghiệp họ, chớ nào phải toa yêu thương gì họ. Ví như toa là người bịnh mà té đó, còn người khinh khi toa chạy lại đỡ, toa chịu được hay sao?

Ông Bác sĩ ngó Túy Nga rồi lắc đầu. Ông không muốn kéo nhây câu chuyện đó nữa, nên ông nói:

–         Thôi, chuyện cô Túy Nga toa nên bỏ dẹp đi, nhắc tới làm chi. Bây giờ toa mướn con Kiều hay không? Như không muốn thì mỏa chở nó về mỏa trả nó lại cho ông đốc học Luật.

–         Mướn thì mướn chớ sao… Phải mướn đặng đỡ tay chơn cho bà già mỏa… Bậy quá, hồi nãy mỏa nóng giận mỏa xô đuổi nó, không biết bây giờ nó chịu ở hay không?

–         Sao lại không chịu. Con nhà nghèo đói rách, có biết liêm sĩ là gì đâu. Rầy chút đỉnh mà kể gì.

–         Không biết nó còn ở đó hay không?

Thím biện nói: ”Hồi nãy con giận, nó sợ nó chạy ra ngoài xe kia chớ đâu. Để má kêu nó”. Túy Nga vẫn đứng một bên đó, song thím biện làm bộ ra cửa kêu om sòm rồi mới dắt vô.

Ông Bác sĩ nói: „Ông Bác vật có bịnh nên sanh tật nóng nảy, cô em đừng có phiền. Thôi, ở mà nuôi giùm ổng”.

Túy Nga dạ mà thôi, chớ không dám nói dài.

Hải Đường nói: „Tôi xin lỗi cô em. Tại bịnh nên tôi hay giận dỗi như vậy, chớ không phải tôi hung dữ chi đâu. Cô em đừng có sợ. Để rồi bà cụ chỉ thuốc cho cô em biết thứ nào uống giờ nào đặng cô em coi mà cho tôi uống”.

Túy Nga cũng dạ cụt ngủn, chớ không dám nói chi hết.

Ông Bác sĩ Trị thấy kế đã thành, ông bèn mở túi da ra lấy hai cái thơ mà đưa cho Hải Đường, lấy thuốc mà giao cho Túy Nga và dặn thứ nào phải uống giờ nào, mà mỗi lần uống bao nhiêu. Ông hứa chiều bữa sau ông sẽ vô thăm bịnh. Ông dặn Hải Đường đừng có buồn, đừng có giận, rồi ông từ giã lên xe mà về.

Thím Biện làm bộ lăng xăng, chỉ công việc cho Túy Nga làm, biểu quét giường nệm trong phòng Hải Đường, dọn bộ ván phía trong cho Túy Nga ngủ gần người bịnh, rồi sai đi khuấy sữa cho Hải Đường uống, giọng nói như chủ nhà với đày tớ, nên Hải Đường không nghi nữa.

Túy Nga bưng ly sữa đem cho Hải Đường. Chàng lấy ly sữa và hỏi rằng:

–         Cô em tên gì, nói cho qua biết đặng kêu cho dễ?

–         Em tên Kiều.

–         Cô em buồn ngủ hay chưa?

–         Thưa, chưa.

–         Viết giùm đồ cho qua một chút được hay không?

–         Thưa, được.

–         Thôi, để qua uống sữa rồi qua sẽ chỉ công việc cho em làm.

Hải Đường bưng ly sữa, một lát uống một hớp.

Thím biện Yến ngoắt cô Túy Nga qua căn bên kia mà nói nhỏ rằng: „Được rồi. Coi bộ nó không nghi nữa. Nó thức khuya lắm. Đêm nào cũng vậy, nó lục đục đến canh ba nó mới chịu đi ngủ. Như cô có mệt thì qua giường tôi phía bên nầy mà ngủ trước đi, để tôi thức với nó”.

Túy Nga lắc đầu đáp nhỏ nhỏ rằng:

–         Tôi không mệt đâu. Để tôi thức với ảnh. Thím nghỉ trước đi.

–         Như cô muốn thức cũng được. Nè, mà hồi nãy tôi làm bộ chỉ chỗ cho cô ngủ đó đặng nó tin, chớ chừng nào cô buồn ngủ thì qua ngủ chung với tôi đặng có mùng, kẻo muỗi cắn chết.

–         Được. Thím nghỉ đi, đừng lo. Chừng nào ảnh nghỉ rồi, tôi sẽ qua.

Túy Nga đợi Hải Đường uống hết sữa rồi, cô lấy ly mà dẹp.

Thím biện Yến đóng cửa rồi thím đi ngủ.


[1] chán chở hay chắn chở

[2] (moi), tôi

[3] (toi), anh

[4] (fauteuil), ghế dựa bọc nệm


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.