Kẻ làm người chịu
MỐI TƠ VƯƠNG VẤN
Năm giờ rưỡi chiều, mặt trời đã chen lặn. Bà Tổng Hiền với Tố Nga đứng trước cửa ngõ mà ngó mong theo đường Thuận Kiều. Thầy thợ đi làm về, người đi bộ hiệp nhau đi từ tốp; kẻ đạp xe máy rung chuông nghe reng reng. Đầu trên xe kiếng chạy xuống, bánh lăng trên lộ đá rầm rầm; đầu dưới xe kéo chạy lên, xa phu kéo mệt thở hào hển. Cỏ mọc hai bên đường bị bụi cát đóng, nên đổi màu hoe hoe; cây trồng dài theo lề gặp gió lao rao, nên oặt nhành lay lá.
Bà Tổng đứng ngó một hồi rồi nó với Tố Nga rằng:
– Thằng nhỏ sao tới chừng nầy mà nó chưa về kìa. Mà phải bữa nay bãi trường hay không?
– Thưa, phải.
– Bữa hổm nó có nói mà tao quên.
– Thưa, nó nói bữa nay, mà nhựt trình cũng nói bữa nay bãi trường.
– Nó còn học một năm nữa. Vái nó thi đậu phứt cho rồi, đặng tao nhẹ lo…Kìa, nó về kia phải. Phải nó ngồi xe kéo đó không?
Bà và nói và chong mắt mà dòm. Tố Nga cũng dòm và nói rằng: “Phải. Thằng ba đó chớ ai”. Thiệt quả hai chiếc xe kéo lệt bệt ngừng ngay trước cửa ngỏ xe trước thì chở Lý Chánh Tâm ngồi, còn xe sau thì chở một cai rương lớn, Chánh Tâm bước xuống, bà Tổng liền hỏi rằng:
– Sao mà về trễ dữ vậy?
– Mắc kiếm xe kéo lâu quá. Học trò ra đông, nên xe không có đủ mà đi.
– Phải dè như vậy, hồi chiều tao biểu thằng Điệu kêu xe đem vô rước nó chẳng là xong.
– Phải được như vậy thì nói gì. Để kiếm xe cực lòng hòng chết.
Chánh Tâm day lại biểu hai xa phu khiêng rương vô nhà. Chàng với bà Tổng thủng thẳng dắt nhau đi vô sân. Tố Nga móc túi lấy bạc cắc trả cho xa phu rồi nàng vô sau.
Cơm đã dọn sẵn trên bàn. Tố Nga vặn đèn khí bựt lên sáng lòa rồi đi mở tủ lấy bộ đồ mát bằng lụa trắng mà đưa cho Chánh Tâm thay. Nàng lại biểu thằng Điệu vác rương đem thẳng lên lầu, vì lúc bãi trường nàng ngủ từng dưới có cái phòng ở dựa thang lầu, còn cái phòng ở trên thì nàng nhường cho em.
Chánh Tâm lên lầu thay áo đổi quần rửa mặt rửa tay xong rồi chàng mới xuống mà ăn cơm.
Ba mẹ con và ăn và nói chuyện coi vui vẻ lắm.
Chánh Tâm thấy mẹ với chị cưng, thì chàng đỏng đảnh nói nhiều tiếng ngang tàng, mà bà Tổng cười chớ bà không la rầy chi hết.
Ăn cơm xong rồi Chánh Tâm lại nằm ngửa trên cái ghế ca na pê mà hỏi Tố Nga rằng:
– Hổm rày có anh hai lên hôn chị?
– Lên hoài.
– Anh đó thiệt là khốn nạn. Lên xin tiền hoài. Tại chị hiền quá nên ảnh không sợ. Tôi biểu chị đánh ảnh cho ảnh thất kinh, hết dám chơi bời nữa mà.
Tố Nga lặng thinh. Bà Tổng rước nói rằng:
– Bây giờ nó theo năn nỉ biểu chị hai con xuống dưới ở với nó.
– Ờ, ảnh biểu thì về đi. Về ở rồi coi ảnh còn đi chơi thì đảo ảnh cho ảnh tởn, ảnh bỏ cái tánh hư chớ gì.
– Quân đó mà theo ở với nó làm gì.
– Vậy chớ má bắt chị hai lại đặng má gả cho thằng khác hay sao? Thằng nào cũng vậy hết thảy, nó thấy mình giàu tự nhiên nó quyết giựt tiền. Anh hai đó mà còn khá hơn thằng khác nhiêu lắm đa má à.
– Cha chả! Nó ăn ở như vậy mà con còn khen nó chớ!
– Ờ má, sáng mai má cho con một trăm đặng mua đôi giày với một cái nón nỉ thiệt tốt dùng chơi nghe hôn má?
– Giày nón gì mà mắc tiền dữ vậy?
– Thì má cho tiền, ta mua còn lại bao nhiêu để ta xài, chớ ai dại gì đưa hết cho họ sao mà má sợ. Má cho một trăm nghe hôn má.
– Ừ.
Ba mẹ con nói chuyện chơi cho tới mười giờ, Chánh Tâm mới lên lầu mà ngủ. Chàng lên thang rồi, đi tới cái bàn bu rô, ngó thấy có ba cái hình để đó, hình chị để giữa, hình mình một bên, còn hình một người con gái nào lạ một bên, chàng bèn cầm cái hình của Cẩm Vân lên mà coi. Chàng coi một hồi rồi bước lại thang lầu kêu lớn lên rằng: “Chị hai ơi, chị hai. Lên cho tôi hỏi cái nầy một chút chị”
Tố Nga nghe em kêu, không biết việc chi, nên bươn bả lên thang. Chừng nàng lên tới rồi, Chánh Tâm mới hỏi rằng:
– Hình của ai đây chị?
– Dữ hôn! Tưởng có việc gì quan trọng lắm kêu om sòm làm giựt mình giựt mẩy.
– Hình của ai mà tôi không biết?
– Hình con hai ở trong Chợ Lớn.
– Con hai nào? Con của ai vậy?
– Con của ông Bang Siêu.
– Sao chị lại có hình của người ta được?
– Nó quen với chị, nên cho chị hình để làm kỷ niệm.
– Tên gì vậy?
– Nó họ Thái, tên Cẩm Vân.
Chánh Tâm cầm tấm hình nhắm nghía một hồi nữa rồi hỏi thêm rằng:
– Con ông bang Siêu, té ra cô nầy là con chệc hay sao, chị?
– Ừ.
– Con chệch mà ngộ quá ha chị hả! Mấy tuổi vậy chị?
– Nó mười bảy tuổi.
– Quen với chị hồi nào?
– Ba bốn tháng nay.
– Hay ra nhà mình chơi hôn?
– Ra hoài.
– Ra hoài mà sao tôi không gặp?
– Người ta ra ngoài, thường em mắc ở trong trường mà làm sao mà gặp được.
– Cô đó cho chị hình bao giờ?
– Mấy tháng nay rồi.
– Cho lâu rồi mà chị để đâu sao tôi không thấy?
– Để đó chớ để đâu; Mấy lần em về em có lên trên nầy đâu mà thấy.
– Phải a. Mấy tháng nay tôi về mà không có lên đây. Ngủ trên nầy có ma hôn, chị?
– Ma qủy đâu mà.
– Tôi nhát lắm.
– Ê! Đàn ông con trai gì mà hư lắm vậy nà. Xưa rày chị ngủ đó một mình chị đó sao.
Chánh Tâm để cái hình trên bàn rồi đi vô phòng. Tố Nga trở xuống dưới tắt đèn mà ngủ. Chánh Tâm đóng cửa sổ lại rồi leo lên giường bỏ mùng mà nằm. Tay gác ngang qua trán, cặp mắt nhắm lim dim, chẳng hiểu chàng tư tưởng việc gì, mà cách chừng nửa giờ đồng hồ, chàng lại ngồi dậy tốc mùng chung ra đi riết lại bàn bu rô vặn đèn lên mà kéo ghế mà ngồi. Chàng khoanh tay ngó rồi vói lấy cái hình của Cẩm Vân mà nhìn. Chàng lục đục coi mấy khuôn hình cho tới chừng nghe đồng hồ gõ mười một giờ chàng mới chịu đi ngủ.
Một buổi sớm mai, lối chừng tám giờ Chánh Tâm ăn lót lòng rồi, chàng mới bước ra trước sân đứng chơi, chàng mặc áo bà ba xuyến trắng, quần lục soạn Bắc thảo, đầu đội nón trắng, chơn mang giày hàm ếch. Chàng coi mấy chậu kiểng rồi đi lại rào mà coi mấy bụi bông lài, thình lình chàng thấy có một cái xe kéo ngừng ngay cửa, rồi có một nàng trên xe bước xuống, mình mặc quần áo bằng lụa trắng, đầu cũng choàn hầu khăn trắng, duy có đôi giày tím thêu cườm mà thôi. Nàng ấy xây mặt ra phía ngoài trả tiền xe nên chàng không biết là ai. Chừng nàng lấy cây dù với một cái gối nhỏ trên xe rồi xăm xăm bước vô cửa ngõ, chàng thấy mặt rõ ràng chàng mới nghi là Cẩm Vân.
Thiệt quả là Cẩm Vân ra thăm Tố Nga. Nàng bước vô sân, ngó thấy Chánh Tâm, nàng liền cúi đầu mà chào, Chánh Tâm dở nón lên đáp lễ, mà trong ngực lại hồi hộp.
Cẩm Vân bước lên thềm. Tố Nga ở trong nhà dòm thấy, lật đật bước ra tiếp chào, rồi chị em dắt nhau vô. Chánh Tâm cũng men men vô nhà. Tố Nga mời Cẩm Vân ngồi tại ghế ca na pê. Cẩm Vân mở gói ra mà nói rằng: “Em ở không buồn quá nên em rô đê vài cái khăn mu sa [1] đem chị dùng”.
Tố Nga lấy một cái khăn phành ra mà coi. Lúc ấy Chánh Tâm vừa bước vô, chàng đi riết lại rồi vói lấy một cái đem lại cái ghế phía ngoài mà coi, Tố Nga cười và nói với Cẩm Vân rằng: “Thằng ba đó”. Cẩm Vân đứng dậy cúi đầu chào nữa. Chánh Tâm cũng gặc đầu đáp lễ rồi nói rằng: “Khăn tốt quá, chị cho tôi một cái bỏ túi chơi, nghen hôn chị hai”.
Tố Nga cười và đáp rằng: “Khăn của cô hai đây chớ có phải khăn của qua đâu”. Chánh Tâm cười và ngó Cẩm Vân mà nói rằng: “Té ra khăn của cô đây sao? Cô cho tôi bớt một cái được hôn cô?”
Cẩm Vân mắc cỡ nên nàng cúi đầu ngó dưới gạch và đáp nho nhỏ rằng: “Thưa, em làm cho chị hai, như thầy muốn dùng thì hỏi chị hai chớ em có biết đâu”. Chánh Tâm nói lớn rằng: “Ủa, hai người đổ thừa nhau hoài, bây giờ tôi biết hỏi ai. Thôi, tôi lấy nhầu”. Chàng và nói và bỏ khăn vô túi áo.
Tố Nga với Cẩm Vân ngồi nói chuyện với nhau, Chánh Tâm cũng ngồi đó mà chơi, song một lát chàng liếc ngó Cẩm Vân một cái. Hai nàng rủ nhau đi vô vườn thú chơi. Tố Nga thưa cho mẹ hay rồi sai con Nên đi kêu một cái xe kiếng Chánh Tâm đòi đi theo Tố Nga sợ Cẩm Vân ái ngại nên không cho đi chung thì chàng kêu xe kéo đi riêng, mà bà Tổng cũng khuyên Tố Nga để cho em đi cho vui, nên Tố Nga phải chịu.
Chánh Tâm lên lầu thay đồ. Chàng mặc một bộ đồ tây, mang đôi giày mới mua mười sáu đồng, đội cái nón nỉ xám cũng mới mua mười hai đồng. Chàng leo xuống thì Tố Nga thay đồ cũng vừa rồi, mà con Nên đi kêu xe cũng vừa về tới. Ba người từ bà Tổng ra xe mà đi, hai nàng ngồi sau, Chánh Tâm ngồi trước. Vì xe chật hẹp, Chánh Tâm với Cẩm Vân ngồi gần đụng đầu gối với nhau, đã vậy mà Chánh Tâm lại ngó Cẩm Vân hoài, bởi vậy nàng ngồi ké né mắt cứ ngó xuống, chớ không dám ngó đâu hết.
Cẩm Vân dung nhan thiệt là đẹp đẽ, lại bữa nay nàng mặc áo trắng, đội khăn trắng, màu trắng ấy nó dọi da mặt của nàng càng trắng hơn nữa nên coi càng thêm đẹp. Đã vậy mà gương mặt của nàng đã có vẻ hiền đức, rồi trên xe nàng sụt sè e lệ, cái vẻ hiền đức ấy nó pha thêm cái nét thánh thiện tự nhiên, làm cho Chánh Tâm là một người trai đã mười tám rồi mà chưa hề tư tình vời ai bao giờ hôm nay chàng ngồi gần Cẩm Vân, chàng ngó gương mặt, chàng liếc cườm tay, rồi chàng buâng khuâng ngơ ngẩn.
Vô đến vườn thú, ba người neo xe lại đó rồi dắt nhau thủng thẳng đi các nẻo coi chơi. Trời nắng gắt, Cẩm Vân trương dù ửng hồng ra mà che, màu dù dọi vào mặt nàng coi càng xinh đẹp hơn nữa. Đi nột hồi mỏi chưng, ba người mới ngồi trên cái ghế băng, để dưới bóng cây da mà nghỉ, Tố Nga ngồi giữa, Cẩm Vân với Chánh Tâm ngồi hai bên. Cẩm Vân đã quen rồi nên nàng nói chuyện với Chánh Tâm bớt bợ ngợ. Còn Chánh Tâm lúc ở nhà thì chàng vúc vắc liến xáo chẳng hiểu vì cớ nào bây giờ chàng lại tề chỉnh nghiêm trang ít nói ít cười, mà nói thì chàng nói dịu dàng, có cười thì chàng cười nhích mép chớ không nói om sòm, không cười ha hả nữa.
Chơi tới mười một giờ mới dắt nhau trở về, Cẩm Vân xin phép ngồi luôn xe mà về Chợ Lớn, Tố Nga không cho, biểu phải ghé ăn cơm rồi sẽ về, mà Chánh Tâm cũng theo mời hoài Cẩm Vân từ không được nên cực chẳng đã phải ghé ăn cơm rồi ở chơi đến xế nàng mới về.
Tiết Ngươn Đán đã gần tới rồi, nhà nào cũng đi chợ mua đồ sắm sửa ăn tết. Một buổi trưa Tố Nga xin phép mẹ đặng đi Chợ Lớn coi có vật chi lạ mua về mà chưng dọn trong nhà Chánh Tâm cũng xin đi theo chị. Hai chị em thay đổi áo quần rồi kêu xe mà đi.
Xe mới chạy ra khỏi cửa thì Chánh Tâm hỏi chị rằng:
– Hổm nay sao không thấy cô hai Cẩm Vân ra chơi vậy chị hai.
– Nó mắc làm việc gì ở trỏng không biết. Để vô ghé thăm nó một chút rồi rủ nó đi chợ chơi.
– Chị biết nhà hôn?
– Biết. Ở đường Cây Mai, số 82.
– Chị có vô đó lần nào hay chưa ?
– Vô hoài.
– Cha mẹ của cô tử tế hôn?
– Chết hết rồi, đâu còn mà tử tế.
– Ủa. Vậy chớ cô ở với ai. Có chồng rồi hay sao?
– Nó ở với một bà dì. Người ta còn con gái, vậy chớ thấy bộ tướng không biết hay sao?
– Ai mà biết.
Xe vô tới nhà Cẩm Vân mới một giờ rưỡi. Tố Nga dở bức sáo bước vô trước. Chánh Tâm lỏn lẻn theo sau. Cô ba Hài đang ngồi lột vỏ đậu phộng trên ván, cô lật đật chào hỏi và nói rằng: “Con nhỏ còn ngủ trên lầu để qua biểu con Ngó lên kêu nó“.
Tố Nga khoát tay và nói rằng: “Để tôi lên kêu cho”. Nàng và nói và bước nhẹ nhẹ lên thang lầu. Cô ba Hài mời Chánh Tâm ngồi và ngước mặt hỏi vời Tố Nga rằng: “Thầy đây là ai?” Tố Nga đáp: “Thưa, thằng em tôi đó”.
Cô ba Hài day lại nói rằng: “Cháu ngồi đó chơi cháu. Xưa rày cô hai có nói chuyện, mà bữa hổm con nhỏ ra chơi ở ngoải rồi nó về nó nói nó cũng có gặp cháu, dì chưa gặp nên dì chưa biết”. Cô kêu con Ngó mà biểu lấy thuốc và rót nước.
Tố Nga bước lên lầu, thấy Cẩm Vân đương nằm ngủ trên cái giường cẩn, giăng mùng xuyến màu lục đậu, nàng lén bước nhè nhẹ lại khoát mùng mà nắm tay nàng. Cẩm Vân giựt mình dùng ngồi dậy gọn gàng, ngó thấy Tố Nga thì cười và lật đật leo xuống đi ra phía trước đổ nước vô thau mà rửa mặt, rồi hai chị em mới dắt nhau đi xuống.
Cẩm Vân ngủ trưa, nên mặc cái quần lãnh đen, một cái áo củng[2] xá trắng may vạt khách tay rộng xùng xình, cổ với hò đều có viền xanh. Nàng chưa kịp gỡ đầu, nên lúc bước xuống thang, mái tóc xấp xải hai bên bàn tan. Nàng xuống tới đất rồi, thấy Chánh Tâm ngồi trên ghế đương liếc nắt ngó nàng, thì nàng chấp tay mà chào. Nàng hổ thầm vì có khách tới nhà mình mà ăn mặc lả lơi quá, bởi vậy nàng ngồi nói chuyện với Tố Nga mà tay nàng cứ vuốt mái tóc hoài, vì tay áo của nàng rộng, nên hễ đưa tay lên mà vuốt tóc thì tay áo thụt vô, rồi lòi cánh tay nàng ra coi tròn vo mà lại trắng nõn. Đã vậy mà mặc áo cổ trịt[3], nên trọn cái cổ lòi ra, rồi năm ba sợi tóc vướng phất phơ sau ót coi còn đẹp hơn nữa.
Chánh Tâm hôm nọ thấy nàng ăn mặc tử tế thì chàng ngẩn ngơ, bữa nay lại thấy nàng ăn mặc lả lơi thì chàng mê mẩn tâm thần, bởi vậy chàng ngồi lặng thinh, không nói được một tiếng.
Tố Nga rủ Cẩm Vân đi chợ chơi. Cẩm Vân cười và đáp rằng: “Chị muốn em đi thì em đi với. Mà trời còn nắng quá, thôi để em sai con Ngó mua đi mua bánh mì cho chị với anh ba ăn chơi, đợi một chút mát mát trời rồi mình đi”. Tố Nga chịu, con Ngó đi mua đồ ăn. Cẩm Vân trở lên lầu gỡ đầu thay áo. Cô ba Hài ngồi nói chuyện cầm khách.
Cách một lát, Cẩm Vân trở xuống, đầu cổ vén khéo, mình mặc áo xuyến tím quần lục trắng, chơn mang dép da láng, y phục tuy tầm thường nhưng vì nàng có vẻ đẹp thiên chơn tuấn tú, nên ăn mặc cách nào coi cũng đẹp. Vì con Ngó chưa về, nên nàng súc bình để trà ngon mà chế nước đãi khách. Nàng đứng rót nước bàn tay dịu nhiễu, gò má ửng hồng, mắt ngó thiệt thà, miệng cười chúm chím. Nàng vừa rót thì Chánh Tâm vừa bưng một chén mà uống, không đợi mời.
Con Ngó mua đồ về dọn bưng lên một mâm lớn, có mì, có bánh đủ thứ. Chủ nhà với khách ngồi lại ăn với nhau, người đắc ý kẻ thiệt tình, nên ăn chơi vui vẻ lắm.
Ăn uống xong rồi mấy chị em mới dắt đi chợ. Vì chợ tết thiên hạ đông đảo, xe đi không tiện, nên rủ nhau leo xuống đặng kiếm đồ mà mua.Trước mấy cửa người ta chen lấn nhau và vô ra. Tố Nga đi trước Cẩm Vân đi giữa, còn Chánh Tâm đi sau, có khi Cẩm Vân tránh người ta mà phải đụng mình Chánh Tâm, lại có khi Chánh Tâm bị lấn nên cọ vai Cẩm Vân, mà lần nào đụng Cẩm Vân cũng chúm chím cười, còn Chánh Tâm thì như say, cứ đi theo một bên nàng, không cười mà cũng không nói. Tố Nga muốn mua vật gì, hễ nàng chỉ thì Cẩm Vân trả mua giùm. Mà hễ mua rồi, Cẩm Vân vừa lấy, thì Chánh Tâm giành mà ôm; nàng trao đồ cho chàng, tuy hai người không ngó mặt nhau, song cả hai đều chúm chím cười, coi có sắc thẹn thùng mà vui vẻ.
Dắt nhau đi gần giáp mấy nẻo đường đông đảo, coi hàng hóa cho đến năm giờ chiều rồi mới kiếm xe mà về. Tố Nga biểu xe đi lại đường Cây Mai mà đưa Cẩm Vân vô nhà, rồi chị em nàng mới về Sài Gòn.
Cơm dọn sẵn trên bàn, bà Tổng Hiền nằm trên ván mà chờ hai đứa con về đặng ăn với bà cho vui. Tố Nga với Chánh Tâm về tới, kêu con Nên thằng Điệu ra xe mà ôm đồ. Tố Nga sắp đồ trên ván mà khoe với mẹ rồi đi thay áo. Chánh Tâm cứ chấp tay sau đít mà đi qua đi lại hoài, không ngó vật gì, mà cũng không nói chuyện chi hết. Bà Tổng thấy vậy bèn hỏi chàng sao không đi thay đồ mát rồi có đi ăn cơm. Chàng lắc đầu và đáp rằng, để ăn cơm rồi chàng sẽ thay.
Ba mẹ con ngồi ăn cơm. Tố Nga thuật chuyện chợ đông, khoe đồ tốt cho mẹ nghe; còn Chánh Tâm thì cứ ngồi chiêm biểm, không nói chi hết, mà chàng ăn có nửa chén cơm rồi bỏ mứa đi lên lầu. Bà Tổng lấy làm lạ nên nói rằng: “Thằng nhỏ bữa nay trong mình nó có làm sao đó, mà coi bộ nó buồn, lại không ăn cơm được vậy kìa”. Tố Nga đáp rằng: “Có sao đâu. Tại hồi trưa vô Chợ Lớn nó ăn bánh mì nó no, nên ăn cơm không được chớ gì”.
Chánh Tâm lên lầu thay đồ rồi lút mất ở trển không thấy xuống. Đến chín giờ bà Tổng biểu Tố Nga lên thăm coi có phải chàng đau hay không. Tố Nga đi nhẹ nhẹ lên lầu, rồi lén đứng núp ngoài cửa phòng mà dòm, nàng thấy Chánh nằm ngửa trên giường tay đang cầm một tấm hình mà nhìn. Nàng không biết Chánh Tâm coi hình của ai, nàng day lại ngó trên bàn bu rô, thấy mất hình của Cẩm Vân, chừng ấy nàng mới xô bét cánh cửa phòng. Chánh tâm lật đật nhét cái hình dưới gối, rồi lồm côm ngồi dậy.
Tố Nga hỏi rằng:
– Em làm giống gì mà hồi hôm tới bây giờ rút ở trên nầy, không xuống dưới nói chuyện chơi? Em có bịnh hay không?
– Mệt nằm nghỉ, chớ bịnh gì?
Tố Nga kéo ghế mà ngồi, Chánh Tâm cũng kéo ghế ngồi ngang với chị. Chàng chống tay lên trán, nhịp chân dưới gạch mà suy nghĩ. Cách một hồi chàng nói rằng:
– Cô Cẩm Vân ăn nói nhỏ nhoi, còn bà dì của cổ cũng tử tế quá, chị hai há?
– Ừ, vậy mà má chê.
– Chê ai?
– Chê con Cẩm Vân chớ chê ai?
– Sao mà chê? Chê giống gì?
– Má nói nó tầm thường, chớ không lịch sự.
– Hứ! Vậy thì thôi chớ còn sao nữa. Từ nhỏ tới giờ, tôi chưa thấy ai lịch sự được như vậy. Chị nói cô mới mười bảy phải hôn?
– Ừ.
Chánh Tâm ngồi lặng thinh suy nghĩ một hồi nữa rồi mới hỏi chị có biết gốc gác của Cẩm Vân hay không. Và Tố Nga làm quen với Cẩm Vân đã mấy tháng rồi. Trong lúc chuyện vãn với nhau, Cẩm Vân đã có thuật việc nhà của nàng cho Tố Nga biết, bởi vậy Tố Nga mới đem các việc ấy mà thuật lại cho Chánh Tâm nghe. Chánh Tâm nghe rồi thì chàng lại giường mà nằm không hỏi mà cũng không nói chi hết. Tố Nga tưởng em buồn ngủ nên nàng cũng đi xuống dưới mà ngủ.
Chánh Tâm đã được mười tám tuổi rồi, tuy chàng ở Sài Gòn trong ba năm nay, chàng đi chơi gặp không biết bao nhiêu con gái, song gặp ai chàng cũng ít hay ngó, mà dầu có ngó chàng cũng chẳng hề động tâm. Chẳng hiểu vì cớ nào chàng mới thấy Cẩm Vân một lần đầu thì trong lòng chàng bắt khoan khoái, muốn sao có Cẩm Vân ở gần đặng thấy mặt nàng luôn luôn, đến chừng gặp Cẩm Vân một lần nữa thì trong lòng chàng lại vui mừng, vui mừng đến nỗi lộ ra ngoài mặt cho người ta ngó thấy. Mà gặp nàng, chàng vui mừng bao nhiêu, chừng cách mặt nàng, chàng cũng buồn bực bấy nhiêu, buồn đến nỗi ăn không biết ngon, nằm không ngủ được.
Mấy bữa chợ tết, thiên hạ đi chơi rần rần, Chánh Tâm cứ nằm dàu dàu, nghiểm cuốn sách một bên, mà sách để là để cho có chừng đó mà thôi, chớ chàng chẳng hề đọc tới. Chàng nằm một lát thì lấy hình của Cẩm Vân mà nhìn một hồi. Có khi chàng nghe tiếng xe chạy ngoài đường, chàng tưởng xe của Cẩm Vân ngừng trước cửa, lật đật chạy ra dòm té ra xe chạy tuốt, chàng đứng ngóng một hồi rồi trở vô mặt mày buồn nghiến. Có nhiều bữa chàng muốn rủ chị đi Chợ Lớn đặng chàng đi theo. Vì chàng chắc ý rằng, hễ chị đi Chợ Lớn thì bề nào cũng ghé nhà Cẩm Vân. Mà mới đi Chợ Lớn đó, bây giờ rủ đi nữa thì coi rất kỳ, bởi vậy chàng ngại ngùng không dám rủ, nhưng mà chàng cứ vái thầm cho chị đi đặng chàng có thừa dịp mà thấy mặt Cẩm Vân.
Ngày tết nam thanh nữ tú dập dều, ai cũng mặc đồ tốt mà đi chơi. Chánh tâm cứ nằm nhà mà không đi đâu hết.
Đến bữa mùng hai, Cẩm Vân ra thăm Tố Nga, Chánh Tâm vừa thấy dạng nàng, thì chàng mừng rỡ, mặt mày coi tươi rói. Mà chừng nàng bước vô nhà, chàng thấy nàng mặc quần áo mới, đeo đủ đồ nữ trang thì chàng càng băn khoăn hơn nữa.
Tố Nga với Cẩm Vân ngồi nói chuyện, Chánh Tâm lăng xăng lít xít, hối con Nên chế nước, sai con Lại xẻ cam, mở hộp lấy bòn bon, dọn ly rót rượu ngọt mà đãi khách. Chàng chộn rộn ngồi không yên chỗ, cứ đi vô đi ra, đi qua đi lại hoài, mà đi đâu rồi thì chàng cũng cà rà xẩn bẩn lại chỗ hai nàng ngồi, chớ không chịu nới ra xa.
Chánh Tâm đương đắc ý phỉ tình, rủi đâu xuôi khiến cô Phụng, là vợ một thầy Thông ở dãy phố gần đó đến thăm Tố Nga nữa. Tố Nga mời cô thông Phụng ngồi chung đó mà nói chuyện. Chánh Tâm bị khách lạ làm cho chàng mất vui, bởi vậy chàng bỏ ra ngoài trước mà đứng, mặt mày coi chừ bự. Cô thông Phụng nói chuyện chơi một hồi, cô chúc mừng năm mới, rồi cô từ giã mà về, Cẩm Vân thừa dịp ấy nàng cũng từ giã mà về theo. Chánh Tâm thầm nghĩ tại cô thông Phụng đến làm rộn nên Cẩm Vân mới về mau như vậy, bởi vậy chàng thấy Cẩm Vân ra về chàng càng phiền cô Thông Phụng.
Đến xế, Chánh Tâm hỏi chị sao không đi thăm Cẩm Vân lại. Tố Nga lắc đầu nói trời nắng nực, để sáng mùng ba mới đi. Qua ngày sau, mặt trời vưa mới mọc, thì Chánh Tâm đã thay áo đổi quần rồi. Chàng thối thúc chị đi Chợ Lớn, đặng chàng đưa cho mà đi, vì chàng cũng muốn vô Chợ Lớn, đặng coi chệch múa lân đốt pháo chơi. Tố Nga cười rồi chị em dắt nhau mà đi.
Vô tới nhà Cẩm Vân thì Chánh Tâm cà rà ở đó hoài. Tố Nga hỏi sao chàng không đi chơi, thì chàng nói rằng: “Như chị với cô hai đi, thì tôi mới đi, còn như không đi thì thôi, đi một mình buồn quá”. Cẩm Vân không cho Tố Nga đi, nàng nói rằng, đi chơi bị họ đốt pháo cháy áo, chớ không có ích gì. Cẩm Vân dọn bánh trái rượu trà mà đãi, dọn món nào chàng cũng dùng hết thảy, không đợi ép mời.
Hồi ở nhà đi, Tố Nga tính vô thăm trả lễ cho Cẩm Vân một chút rồi về đặng có đi chỗ khác. Mà vô đến đây, bị Chánh Tâm chà lết ngồi hoài, chàng hỏi việc nầy, chàng thuật chuyện nọ, nói không ngớt, bởi vậy dần dà đến mười giờ Chánh Tâm mới chịu dứt mà về.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.