Con nhà giàu

Chương XI



Thiệt cô Ba Ngọc có gia thế của cô, không lẽ cô ở hoài với em được. Cô về rồi, Thượng Tứ hết sức buồn bực. Ban ngày ở nhà chỉ có thằng Ngộ với con Mang, đứa lo ngoài vườn, đứa lo coi dưới bếp. Ban đêm thì có ông Ba Nở với Hương hộ Huy, là hai người tá điền ở gần, lại ngủ giùm, mà người thì già cả, người thì thiệt thà, không biết chuyện gì mà nói cho cậu giải khuây được.

Một buổi sớm mai, Thượng Tứ, tính để ăn cơm rồi đen hai ngàn đồng bạc mà trả phứt cho Chà-và, vì cậu muốn quên hết các việc cũ nên tuy bạc vay chưa tới ngày trả, song cậu nhứt định trả đặng rảnh rang trong trí mà lo bề cư xử khác. Cậu rửa mặt chải đầu rồi, cậu bước ra trước thềm đứng ngó ngoài lộ. Cậu vừa ngó thì thấy có một người con gái chừng 17, 18 tuổi, ở ngoài xăm xăm đi vô sân, mình mặc áo vải đen dài còn mới, quần lãnh nhụt nhụt, chơn không mang giày guốc, đầu không đội khăn, một tay bưng rổ, một tay đánh đòn xa, nước da trắng trong, gương mặt sáng rỡ. Người con gái ấy vô tới sân, cúi đầu chào cậu rồi bưng rổ đi dọc theo vách tường thẳng vô nhà sau. Cậu không biết người ấy là ai, đứng ngó theo, thì lại có một cái xe kéo ở ngoài lộ quẹo vô sân nữa. Cậu day lại thấy thầy thông Hàng thì cậu chưng hửng.

Thầy thông Hàng bước xuống xe liền hỏi rằng:

– Nghe nói bác gái mất rồi phải hôn?

– Phải. Sao thầy hay?

– Toa thiệt tệ quá! Anh em mà toa có việc như vậy, toa không cho mỏa hay. Hồi hôm mỏa lên thăm ông giáo, ổng nói có thầy Ban lên trả bạc lại trả luôn giùm cho toa nữa; thầy Ban nói bác mất nên ổng mới hay. Mỏa nghe như vậy, nên sẵn bữa nay chúa nhựt, mỏa chạy xuống thăm toa.

Vì Thượng Tứ nhớ lời bàn của chị hôm nọ, nên cậu gặp thầy thông cậu không vui, song cậu cũng giữ lễ, mời thầy vô nhà. Thầy thông vừa ngồi thì hỏi rằng:

– Bác mất bây giờ toa ở nhà có một mình. Toa tính rước ma đầm về bên nây hay là làm sao?

– Tôi tính rước vợ tôi về bên nây, mà ông gia tôi còn dục dặc chưa chịu cho.

– Té ra bây giờ toa ở nhà có một mình? Chắc toa buồn lắm há?

– Thì buồn chớ sao.

– Sao toa không lên chợ chơi?

– Còn vui sướng gì nữa mà đi chơi?

– Buồn phải đi chơi cho khuây lãng chớ.

– Tôi ngán tình đời lắm; tôi hết muốn đi chơi nữa. Đi ra thì bị người ta gạt gẫm, chớ đi có ích gì.

Thầy thông Hàng nghe Thượng Tứ trả lời câu đó thì thầy cúi mặt xuống, song thầy là một tay lanh lợi, một câu nói như vậy chưa dễ làm cho thầy phải hổ thẹn đến đỗi để bại lộ cái tánh tình thầy ra được, bởi vậy thầy vừa cúi xuống thì thầy liền ngước lên mà nói rằng:

– Ối! Con Hẩu là đứa khốn nạn, nó có đáng gì mà toa phải thất chí. Toa lên trển chơi, mỏa sẽ ráng làm cho toa hết buồn.

– Tôi cũng có tính ăn cơm rồi đây tôi sẽ lên chợ đặng trả bạc cho Chà-và.

– Bạc chưa tới ngày mà trả cái gì?

– Thây kệ, trả phứt cho rồi.

– Trời ơi, mỏa có lấy trong đó hết 300. Toa trả thình lình quá, mỏa đâu có tiền mà đưa cho toa.

– Sau rồi thầy sẽ trả lại cho tôi.

– Nếu vậy thì được… Nè, mà nếu toa đi chợ, thì để mỏa thả xe kéo rồi lát nữa mỏa đi xe hơi với toa.

– Được, thầy cho xe kéo về đi, ở ăn cơm chơi rồi tôi đi với.

Thầy thông ra trả tiền xe. Thượng Tứ bước vô trong nhà mà dặn con Mang nấu cơm, cậu thấy người con gái hồi nãy còn ngồi chơi dưới nhà bếp. Cậu muốn hỏi coi người ấy ở đâu, đến có việc gì, ngặc vì thầy thông kêu hỏi om sòm ở phía trước, cậu đứng lâu không được, nên cậu phải lui ra.

Ann cơm rồi, Thượng Tứ thay đổi áo quần, mở tủ sắt lấy bạc bỏ túi rồi đem xe ra đi với thầy thông Hàng lên chợ Mỹ Tho. Xe ngừng trước cửa tiệm Chà-và cho vay rồi hai người đi vô.

Tào kê[1] tưởng thầy thông Hàng dắt Thượng Tứ tới vay bạc nữa, nên hỏi khách vô lễ rằng: “Đi đâu? Lại làm cái gì?” Thầy thông Hàng bất bình, nên dùng lời thô bỉ mà đáp rằng:

– Thằng Chà nầy vô phép quá! Tao lại trả bạc cho mày chớ làm cái gì.

– Trả bạc cái gì?

– Trả bạc chớ trả cái gì.

– Bạc của anh nầy vay hả? Chưa tới ngày mà.

– Chưa tới mà người ta trả. Mầy mọi lắm không ai thèm vay của mầy nữa đâu.

– Mọi cái gì? Anh nầy hỗn quá mà.

– Vậy chớ mầy ăn nói có phép lắm hay sao?

– Mập-lê cái nầy không thuộc tiếng Annam mà.

– Không thuộc tiếng Annam, sao biết lấy tiền của Annam.

Thượng Tứ móc bốp phơi lấy ra 20 tấm giấy xăng, vừa biểu Tào kê đưa giấy nợ và bằng khoán lại, Tào kê thấy cậu vay đã chịu tiền lời trước một năm mà mới vài tháng cậu trả vốn, thì biết cậu là người tử tế, nên không trả, muốn để hoài đặng lấy tiền lời. Anh ta nói dối rằng tài phú đi khỏi, không biết giấy để đâu, phải chờ tài phú về rồi sẽ lại.

Thượng Tứ muốn dứt việc cụ cho rồi; tuy hồi vay cậu lấy có một ngàn sáu, lại cho thầy thông Hàng hết 300, cậu còn có một ngàn ba, mà bây giờ cậu phải trả 2 ngàn, song cậu cũng không phiền. Đến chừng cậu thấy Chà-và muốn làm khó cậu, thì cậu nổi giận, bởi vậy cậu trợn mắt mà nói rằng: “Thằng Chà chó nầy nhiều chuyện nà! Đưa giấy đây cho mau. Mầy muốn tao kêu Cò lại nắm đầu mầy hôn? Chuyện gì tao trả bạc mà mầy không chịu?”.

Tánh của bọn Chà Xã-tri không giống tánh tình của các dân tộc khác. Hễ chúng nó cho ai vay mà thấy người ấy trả không nổi, thì chúng ní khinh bỉ nhiếc mắng đến nước. Còn nó liệu người nào nó lột da được, thì dầu mắng chưởi nó đi nữa nó cũng không giận. Thượng Tứ nói hỗn như vậy, mà Tào-kê cười và đáp rằng: “Thôi mà anh, Chưởi mập lê làm chi. Mập lê biểu anh để bạc đó mà xài, chớ phải mập-lê đòi hay sao mà anh chưởi”.

Thượng Tứ không chịu, cứ biểu phải đưa giấy ra đặng cậu trả bạc. Thầy thông Hàng lại tiếp mà buộc phải trả và phải tính tiền lời trong mấy tháng lấy bạc mà thôi. Tào-kê không bằng lòng nói nếu muốn trả bây giờ thì cũng phải trả tiền lời trọn năm, bằng không thì để tới hạn kỳ rồi sẽ trả. Hai đàng cãi lẽ với nhau rất lâu, thầy thông hăm kiện, Tào-kê không sợ, một người một tiếng trỗi giọng om sòm, con nít ở chợ tưởng gây lộn, nên xúm nhau đứng ngoài cửa mà coi đông nức. Thượng Tứ bực mình, quyết trả phứt cho rồi, nên đưa hai ngàn đồng bạc, không thèm bớt đồng nào hết, Tào-kê nghĩ cho trả như vầy thì có lời, nếu dục dặc nữa cũng không ích gì nên đếm bạc bỏ vào tủ rồi lấy giấy nợ với tờ tương phân mà trả lại cho Thượng Tứ.

Chừng ra xe, thầy thông Hàng cứ theo mời Thượng Tứ lại nhà chơi. Thượng Tứ hết muốn gần gũi với người đã làm cho mình tốn hao hết mấy ngàn, nhưng vì tánh cậu không được cứng cỏi, cậu sợ từ ngang thì mích lòng, nên cực chẳng đã cậu phải đi.

Xe vừa ngừng trước cửa, cô thông ra chào hỏi lăng xăng, cô hỏi thăm bà Kế hiền đau bịnh gì, mất bữa nào, sao đã lâu không thấy cậu Tư lên chơi. Thượng Tứ trả lời lơ là, coi không được mặn mòi như hồi trước. Cậu bước vô nhà thì thấy có một cô chừng 19, 20 tuổi, mặc áo tím, quần trắng, cổ đeo một sợi dây chuyền nhỏ, tay trái đeo một chiếc huyền, nước da trắng, gương mặt tròn, cô đương ngồi trên ván mà giỡn chơi với hai đứa con của thầy thông. Cô thấy cậu Thượng Tứ thì lật đật đứng dậy cúi đầu chào. Cô thông hỏi rằng: “Con Ba, mầy biết cậu Tư đây hay không? Cậu Tư Mỹ Hội là cậu đây”. Cô lại day ra mà nói với với Thượng Tứ rằng: “Con Ba đây là em tôi, nó ở trong Vĩnh Tường”.

Cô Ba liền cúi đầu mà chào nữa, miệng lại cười chúm chím, thiệt là hữu duyên, nhưng vì cậu Tư đương chán ngán tình đời, mà lại lo lắng gia đạo, nên cậu không để ý đến. Cô Ba đi rót một tách nước đem lại để trước mặt cậu Tư mà mời cậu uống. Thượng Tứ gặt đầu tạ ơn, mà coi bộ không vui. Thầy thông Hàng thấy vậy bèn nói rằng: “Con Ba đây nó ca tuyệt diệu đa toa. Nó có thinh mà có sắc nữa; mấy bầu gánh cải lương họ mê nó quá, cứ theo năn nỉ với dì Hai mỏa, xin để cho nó theo hát giúp, người thì chịu 500, người thì chịu một ngàn, mà dì Hai mỏa (chỗ nầy thiếu trong bản in lần tái bản) biểu nó thử “vọng cổ” cho toa nghe. Mây con ca mà toa khen, như con Tám Bộn, con Tư Chợ Cũ, sánh với nó 10 phần không có một”.

Thượng Tứ lắc đầu đáp rằng: “Chuyện nhà tôi còn lộn xộn quá, tôi có vui gì mà ca xướng, thầy”. Thầy thông tưởng Thượng Tứ không đẹp cô Ba Vĩnh Tường, nên thầy không dám nói vô nữa. Thượng Tứ ngồi chơi một chút rồi từ mà về, nói nhà không có ai, nên không thể ở chơi lâu được.

Xe chạy rồi, thầy thông ngó cô Ba Vĩnh Tường và cười và nói rằng: “Mầy ngồi trơ trơ, không thèm nói giống gì hết, khờ quá mà”.

Cô Ba cười mà đáp rằng:

– Ai mà biết nói giống gì.

– Thì hỏi thăm chuyện nầy chuyện kia, nói giống gì cũng được; mầy cứ ngồi lặng thinh, cậu buồn quá nên cậu về.

– Không có quen thì ai biết chuyện gì mà hỏi.

Cô Thông chen vô mà nói rằng: “Không phải. Mình gấp quá sao được. Bà già cậu mới mất nên cậu còn buồn. Thủng thẳng để ít bữa đây rồi coi mà. Tôi đã coi tướng rồi. Cái mặt đó là mặt mê gái, chạy đâu cho khỏi”.

Thầy thông cười mà nói rằng:

– Bà già cậu chắc là để tiền lại cho cậu nhiều lắm. Cậu mượn anh cậu đi trả bạc cho ông Giáo Chuột rồi, mà hồi nãy cậu lại cũng trả hai ngàn đồng bạc cho Chà rồi nữa.

– Bạc Chà mới hỏi mà trả giống gì?

– Mà cậu trả trước.

– Còn 300 đồng bạc của mình, cậu có đòi mình hay không?

– Tôi có nói với cậu để sau rồi tôi sẽ trả cho cậu. Nói đó nghĩa là huề, biết hôn?

Cô Thông cười.

Thượng Tứ lên xe mà về, mà cậu cũng tức cười, cậu cười thầy thông Hàng đã gạt cậu một lần rồi, bây giờ cũng tính dùng mỹ nhơn kế mà móc túi cậu nữa. Cậu dặn lòng đừng có nghe lời cám dỗ mà xiêu theo, cậu quyết chí không thèm để bước vào đường quấy nữa.

Hồi trước cậu ham chơi bời, hay vụt chạt bao nhiêu, bây giờ cậu càng sợ hư nhà, lo giữ phận bấy nhiêu. Cậu đổi tánh được đây, một là nhờ vợ chồng thầy thông Hàng, hai là nhờ có mẹ chết, hai việc ấy đều làm cho cậu ăn năn hết thảy.

Cậu về nhà cứ đi ra đi vô mà suy nghĩ việc đời. Cậu thấy con Mang chế nước trà đem lên rót cúng thì cậu hỏi rằng:

– Hồi sớm mơi tao thấy có con nào bưng rổ đi vô nhà bếp nói chuyện với mầy đó, Mang?

– Thưa, con Quế, là con của Hương hộ Huy, cậu không biết hay sao?

– Vậy hay sao? Hương hộ Huy có con gái tới bây lớn, tao có hay đâu.

– Thưa, cậu mắc đi học hoài, nên cậu không thấy.

– Nó lại chi đó?

– Thưa, Hương hộ sai nó đem cho một con cá lóc. Hồi sới mơi cậu mắc có khách nên không dám nói.

– Phải mầy nói thì tao cho nó ít cắc bạc. Người ta nghèo, người ta bắt được con cá lớn, người ta không dám ăn để đem cho mình, nếu mình không trả tiền lại cho người ta, té ra mình lường của nhà nghèo.

– Hương hộ là tá điền của cậu mà.

– Tá điền của tao thì tao được phép lường hay sao? Đừng có nói bậy.

– Tá điền của cậu hễ có món ngon vật lạ tự nhiên phải đem kiến cậu. Cái đó là lẽ thường thuở nay. Hồi còn bà cũng vậy, bà có trả tiền bao giờ.

– Tao không chịu vậy.

Tối lại, Hương hộ Huy với ông Ba Nở cũng đến ngủ giữ nhà giùm. Thượng Tứ bèn hỏi Hương hộ Huy rằng:

– Chú làm giống gì có cá lóc mà hồi sớm mơi chú sai đem cho tôi?

– Thưa, hồi hôm thằng con tôi nó đi chận đăng[2], nó bắt được một con cá trộng quá, nên ở nhà tôi biểu đem kiến cậu.

– Con cá đó đáng bao nhiêu tiền?

– Thưa, trên chợ họ bán chừng ba bốn cắc.

– Để tôi trả tiền cho chú.

– Thưa không. Tôi kiến cậu, chớ bán chác gì mà trả tiền.

– Con chú đi đăng đêm hôm lạnh lẽo, bắt được con cá mừng húm, lẽ nào tôi giành tôi ăn mà tôi không đền cái công cho người bắt.

– Thiệt tôi không dám lấy tiền. Nếu cậu trả tiền thì cậu không thương tôi. Thuở nay tôi nhờ ông bà để ruộng cho tôi làm mới có cơm mà ăn. Chẳng may ông bà mất rồi, bây giờ cậu cũng vậy, phận tôi là kẻ bề dưới, xin cậu thương.

– Ruộng chú làm thuở nay thì tôi để cho chú làm, có chi đâu mà không thương. Tôi trả tiền con cá, là trả tiền công cho người con chú lội lặn mà bắt đêm hôm cực khổ đó chớ.

– Xin cậu thương. Tôi mang ơn cậu nhiều quá. Tôi kiến cậu có một con cá mà nghĩa gì.

– Có ơn gì mà mang. Tôi cho chú mướn ruộng thì chú phải đong lúa mướn cho tôi, chớ phải tôi cho chú làm mà chú khỏi đong lúa mướn hay sao?

– Thưa cậu, ai cũng vậy, làm ruộng thì phải đong lúa cho chủ điền chớ sao.

– Hễ đong lúa thì có ơn gì?

– Cậu nói kỳ quá! Thuở nay có ai nói như vậy đâu.

– Chú làm ruộng của tôi bao nhiêu?

– Thưa, tôi làm 3 dây. Hồi trước ông để cho tôi có 2 dây. Năm kia, thằng Hoàn cưới vợ rồi, tôi mới năn nỉ với ông, nên ông để thêm một dây nữa cho nó làm.

– Chú đong lúa ruộng bao nhiêu?

– Ba dây của tôi đó 2 thiên bảy.

– Mỗi năm chú gặt đập rồi được chừng bao nhiêu lúa mà chú đong hai thiên bảy?

– Năm nào trúng lung thì được bốn thiên rưỡi. Năm thường thường thì được 4 thiên; có năm thất thì vừa đủ đong lúa ruộng, có khi hụt nữa.

– Té ra chú làm cực khổ cả năm, rồi đong lúa ruộng hết, có lợi gì đâu?

– Mỗi năm té được một thiên, hoặc năm bảy chục giá đủ ăn vậy thôi.

– Làm ruộng ai cũng vậy hết thảy hay sao?

– Ai cũng vậy.

Thượng Tứ ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói rằng: “Nếu vậy thì người làm ruộng khổ quá! Làm cả năm mà té được có một thiên lúa. Cơm gạo, áo quần, trầu thuốc, cũng trong đó thì còn giống gì”.

Ông Ba Nở đáp rằng: “Ở xứ mình hẹp đất nên lúa ruộng cao quá. Cùng chẳng đã, ở ruộng thì phải làm ruộng, chớ có lời lóm gì, cậu. Cậu coi đó mà coi, thuở nay có ai làm ruộng mướn mà được làm giàu bao giờ. Đủ ăn như chú Hương hộ đây là may”.

Thượng Tứ nghe nói như vậy thì châu mày, ngồi lặng thinh. Chẳng hiểu cậu nghĩ nghị thế nào, mà cách một hồi rồi cậu dặn Hương hào Huy ngày mai dắt giùm cậu đi coi hết thảy mấy cái nhà ở trong đất cậu.

Mặt trời mới mọc, chim trong vườn đương kêu lảnh lót, cỏ dựa bờ chưa ráo mù sương thì Thượng Tứ đã biểu Hương hộ Huy dắt đi dạo xóm. Cậu ra lộ rồi quẹo qua tay mặt, đi một khúc hết ranh vườn của cậu thì tới một cái nhà lá nhỏ. Cậu hỏi nhà ai, thì Hương hộ Huy nói nhà nầy là nhà của tên Kim. Cậu bước vô sân thấy một bên có một đống tàu dừa khô chặt từ đoạn vắn vắn bỏ phơi đó đặng làm củi mà chụm; một bên có một cái giàn làm để cho bầu leo, bầu đã có trái lòng thòng bằng bắp cẳng. Một bà già mặt mày nhăn nhíu, quần áo lang thang, đương lum khum dựa bên hè mà hái rau; ba con vịt lông trắng nõn, mỏ vàng khè, kêu nhau đi lại vũng, đập cánh nghe bạch bạch.

Hương hộ Huy kêu bà già mà hỏi rằng: “Thằng Kim đâu, bà Hai? Có cậu Tư lại đây”. Bà già ngước lên, thấy cậu Tư thì chào hỏi, rồi kêu con om sòm. Thằng Kim, chừng 30 tuổi, cao lớn vậm vỡ, trên ở trần bày ngực đen thi, dưới bận quần vắn chí đầu gối, ở nhà sau lơn tơn bước ra. Anh ta thấy chủ đất thì liền lột cái khăn bịt trùm trên đầu xuống mà xá. Thượng Tứ hỏi bà già hái rau làm chi, thì bà cười mà đáp rằng:

– Hái vài nắm mà luộc đặng lát nữa chấm mắm.

– Chớ chấm giống gì nữa không được hay sao mà phải chấm mắm?

– Nghèo mà có giống gì đâu cậu. An rau cỏ mắm muối vậy thôi.

– Ăn vậy mà ngon hay không?

– Cũng ngon chớ.

Thượng Tứ day qua hỏi thằng Kim làm nghề gì. Thì nó nói làm mướn, còn vợ nó mua bầu, mướp, hành rau, mỗi bữa gánh ra chợ mà bán. Thượng Tứ bước lại cửa dòm vô nhà thì thấy nhà xịch xạt, trống trước trống sau, phía trước có một bộ ván dầu nhỏ, một cái chõng tre, một cái cối giã gạo, với cái quần nhụt nhụt, nhét lưng vào vách lá mà phơi, hai ống xổ lòng thòng. Cậu chỉ cái quần và cười và nói với thằng Kim rằng: “Anh thấy nhà người ta treo màn thêu anh bắt chước, nên anh cũng treo màn thêu đó phải hôn?” Thằng Kim lật đật chạy vô lấy cái quần xấp ôm trên tay và nói rằng: “Hôm qua giặt rồi lỡ tối phơi không khô, nên bà già tôi mới phơi đó, sợ để ngoài sân họ lấy”.

Thượng Tứ cười rồi bỏ ra đi. Tới một cái nhà nữa là nhà của Bảy Thiện. Vợ chồng Bảy Thiện đi khỏi bỏ bầy con ở nhà, đứa lớn hơn hết chừng 14, 15 tuổi thì giữ năm sáu đứa nhỏ, đứa ở trần, đứa ở truồng, mặt mày có lươm, bụng coi binh rỉnh. Sắp nhỏ thấy Thương Tứ, đứa lớn biết nên bước ra mà xá, đứa nhỏ sợ nên bỏ chạy vô nhà. Thượng Tứ day lại nói với Hương hộ Huy rằng: “Có con sao không săn sóc, để chúng nó ở trần ở truồng coi dơ dáy quá”. Hương hộ Huy đáp rằng: “Vợ chồng thằng Bảy Thiện nghèo mà con lại đông. Nó làm trối chết, mà có khi còn không đủ cơm cho sắp con nó ăn, có đâu sắm áo quần cho tử tế được”.

Nghèo đến nỗi không thể sắm quần áo đủ cho con bận! Thượng Tứ nghe nói điều ấy thì cậu châu mày.

Đi một khúc nữa thì tới một cái bờ nhỏ. Hương hộ Huy nói: “Bờ nầy vô nhà tôi”. Thượng Tứ gặt đầu rồi quẹo vô bờ ấy. Chừng bước tới cái cửa ngõ gài bằng tre thì Hương hộ Huy chen đi trước mà mở cửa và nói rằng: “Trưa rồi mà sao bầy trẻ chưa mở cửa thả trâu đi ăn vậy kìa”.

Bước vô sân, Thượng Tứ thấy một cái nhà lá ba căn thấp thấp mà sạch sẽ, phía bên tả lại có một cái nhà ngang để nấu ăn, đựng lúa, phía bên hữu có một cái chuồng nhốt hai con trâu lớn sừng cong vòng với một con nghé sừng chưa lú. Dựa bên chuồng trâu có một đống rơm quến[3] bầy gà xúm bươi kiếm lúa đổ.

Hương hộ Huy mời khách vô nhà và kêu vợ kêu con om sòm biểu trải chiếu, biểu nấu nước. Thím Hương hộ ra chào cậu Tư. Thằng Hoàn, là con trai lớn của Hương hộ, ở trong buồng ôm ra một chiếc chiếu trắng, nó lột khăn xá cậu rồi trải chiếu trên bộ ván gõ cũ lót căn giữa. Thương Tứ ngó quang quất, thấy nhà cũng chẳng có đồ đạc chi lắm, chính giữa dọn một bàn thờ, trong treo tượng 4 tấm, chữ đen giấy đỏ, trên bàn để một tấm bình phong với một cặp chưn đèn bằng cây vàng vàng. Vách buồng thì dựng bằng lá chằm, cửa thì làm khuôn cây rồi cặp bằng lá xé. Thượng Tứ hỏi Hương hộ rằng:

– Chú được mấy đứa con?

– Tôi có 4 đứa. Thằng Hoàn đây là lớn, tôi cưới vợ cho nó rồi. Kế con Quế, nó bưng cá lên cho cậu hôm qua đó. Còn hai đứa nhỏ nữa thì trai hết, một đứa 14 tuổi, một đứa 12 tuổi.

– Chú có cho 2 đứa nhỏ đi học hay không?

– Tôi cũng muốn cho con đi học quá, ngặc vì nhà nghèo, bây giờ biết làm sao.Thằng trộng thì nó mắc đi coi trâu; còn thằng nhỏ thì nhỏ quá, phần thì nhà trường xa, nó không dám đi một mình.

– Chú nói tôi mới nhớ. Thằng Hoàn chận đăng bắt cá đây phải hôn? Để tôi cho nó tiền.

Cậu Thượng Tứ và nói và móc bóp phơi lấy ra một đồng bạc mà đưa cho thằng Hoàn. Vợ chồng Hương hộ năn nỉ xin cậu đừng cho tiền. Thằng Hoàn cũng từ chối không dám lấy bạc. Thượng Tứ rầy biểu phải lấy vì cậu không chịu lường của nhà nghèo. Cậu bỏ đồng bạc trên ghế rồi đứng dậy bước ra cửa và biểu Hương hộ đi giùm với cậu nữa. Ra tới sân, cậu thấy con Quế, đầu bịt trùm khăn, áo vắt ngang lưng quần, đương bưng thúng lúa đổ trên chiếc đệm mà phơi. Cậu chỉ nó mà nói rằng: “Phải con em nầy bưng cá lên hồi sớm mơi hôm qua hay không?”. Hương hộ gặt đầu chịu phải. Con Quế đứng xa không nghe Thượng Tứ nói chuyện gì, song nó thấy chỉ nó mà nói thì nó mắc cỡ, nên cúi mặt mà lại cười múm mím.

Thượng Tứ đi quan sát chơi tới 10 giờ, trời nổi nắng cậu mới trở về và biểu Hương hộ theo lên nhà ăn cơm với cậu.

Tuy Thượng Tứ sanh trưởng nơi chốn nầy, nhưng mà hồi nhỏ bị mẹ cưng không cho ra khỏi nhà, chừng khôn lớn thì mắc đi học, lúc bãi trường về nhà mẹ cũng không cho tới nhà tá điền tá thổ mà chơi, bởi vậy cậu không biết nhà ai, không quen với ai, cậu chỉ thấy nhà cậu cao lớn sung sướng, chớ cậu không dè nhà của người ta lúm túm nghèo khổ. Hôm nay cậu đi vòng trong xóm, cậu thấy quang cảnh khó khăn của con nhà nghèo, già cả mà còn lụm cụm đi làm, con nít mà phải trần truồng không quần áo, người trải nắng dầm mưa mà không đủ cơm nuôi vợ con, kẻ chai tay nám mặt mà không dám than phiền mệt nhọc. Cậu thấy như vậy cậu lấy làm đau lòng, nên chừng ngồi ăn cơm với Hương hộ, cậu thở ra mà nói rằng: “Tôi nghĩ lại thiệt tôi dại quá. Tôi đi chơi bậy bạ mấy tháng tốn bốn năm ngàn đồng bạc. Chớ chi tôi để số tiền ấy tôi phát cho mỗi người nghèo trong xóm, mỗi người năm bảy chục hoặc một trăm, thì họ mừng biết là chừng nào”.

Hưong hôộ đớp rằng: “Thuở nay có ai mà làm được như cậu nói đó bao giờ. Chẳng cần gì phải cho, miễn là cho mượn đừng ăn lời thì họ cũng mang ơn quá rồi”.

Thượng Tứ chống đũa, ngồi ngó sững ngoài sân, trí cậu lộn xôn, lòng cậu bức rức, nên cậu ăn cơm không biết ngon.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.